Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Ảnh hưởng của tư tưởng thiền lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Na...

Tài liệu Ảnh hưởng của tư tưởng thiền lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam

.DOC
27
807
95

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------- LÊ ĐẮC TƯỜNG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG THIỀN LÃO TRONG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC Mã số : 62.22.01.20 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2017 Công trình được hoàn thành tại: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ GIANG Phản biện 1......................................................... Phản biện 2......................................................... Phản biện 3......................................................... Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp trường, họp tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh Vào lúc: ngày tháng năm 2017 Phản biện độc lập 1:..................................................... Phản biện độc lập 2:...................................................... Có thể tìm đọc luận án tại: * Thư viện Trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh * Thư viện Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Lê Đắc Tường (2015), “Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số 6, tháng 8 năm 2015. 2. Lê Đắc Tường (2015), “Ảnh hưởng của tư tưởng Thiền Lão trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp”, Tạp chí khoa học Văn hóa và Du lịch, số 25, tháng 9 năm 2015. 3. Lê Đắc Tường (2016), “Quan niệm tiêu dao trong văn học cổ điển Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số 1, tháng 4 năm 2016. 4. Lê Đắc Tường (2016), “Hư tĩnh trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam”, Tạp chí Khoa học - Giáo dục trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, số 2, tháng 6 năm 2016. 5. Lê Đắc Tường (2016), “Bình đạm” trong quan niệm văn học cổ điển Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận Văn học, niên san 2015, số 13 (38), tháng 3 năm 2016. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Văn học cổ điển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Muốn thưởng thức, nghiên cứu văn học cổ điển, ngoài rào cản về văn tự, độc giả phải vượt qua rào cản khác đó là quan niệm, ý thức, tư tưởng văn học của người xưa. Nếu hiểu được tư tưởng văn học của họ, chúng ta sẽ có được công cụ hữu hiệu để giải mã tối ưu văn học cổ điển Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng lý luận văn học của người xưa là việc làm hết sức cần thiết, hữu dụng. 1.2. Trước đây, khi nghiên cứu về văn học cổ điển Việt Nam, một số học giả đã "ngậm ngùi" vì sự "nhỏ hẹp" và "còn thiếu" của mảng lý luận, phê bình. Khi công tác khảo cứu, sưu tầm văn học cổ điển được chú trọng, trên thực tế, tuy còn khiêm tốn so với thực tiễn sáng tác đồ sộ, nhưng ông cha ta đã để lại những suy nghĩ, quan niệm về văn học hết sức tinh túy và vô cùng quý báu cho hậu thế. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam vẫn đang còn rất khiêm tốn và cần được tiếp tục. 1.3. Khi nghiên cứu về lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, các nhà nghiên cứu chủ yếu chú trọng vào các mệnh đề gắn với tư tưởng Nho giáo mà chưa chú tâm đến tư tưởng Lão Trang và Thiền tông. Đến nay, tư tưởng Lão Trang và Thiền tông trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu một cách trực tiếp, toàn diện và hệ thống. 1.4. Trong các chương trình Ngữ văn, Văn học, Lý luận văn học, Văn hóa học,… văn học cổ điển Việt Nam chiếm vị trí khá quan trọng. Nhưng việc dạy và học văn học cổ điển Việt Nam một cách có hiệu quả là điều không dễ dàng. Nếu như được trang bị một số kiến thức về lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam và các khuynh hướng tư tưởng, trong đó có khuynh hướng Thiền tông và Lão Trang thì chắc chắn cả người dạy và người học sẽ khắc phục được phần nào khó khăn trên. Vì vậy, công trình nghiên cứu về “Ảnh hưởng của tư tưởng Thiền Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam” sẽ cung cấp thêm tư liệu, tài liệu trong việc dạy học các chương trình có sự hiện diện của văn học cổ điển Việt Nam. 2. Mục đích nghiên cứu Thứ nhất, trên cơ sở tổng quan về công tác sưu tập và các bài viết, các công trình nghiên cứu về lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, luận án tìm hiểu các khuynh hướng trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam. 2 Thứ hai, từ sự tương đồng của tư tưởng Lão Trang và Thiền tông, luận án trừu xuất và nghiên cứu các phạm trù: Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm. Mỗi phạm trù đều được nghiên cứu nguồn gốc hình thành, phát triển trong mối tương quan với lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc. Thứ ba, từ các phạm trù trên, luận án khảo sát, phân tích những ý kiến, quan niệm về văn học của các tác giả thời Lý - Trần và thời Lê - Nguyễn, để tường minh sự ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và Thiền tông trong lý luận cũng như trong sáng tác văn học cổ điển Việt Nam. Đây là mục tiêu quan trọng, cơ bản của luận án. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Luận án tập trung nghiên cứu nguồn gốc hình thành, phát triển các phạm trù của tư tưởng Thiền Lão như: Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm trong lý luận văn học cổ Trung Quốc. - Đối với lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, luận án tập trung nghiên cứu các bài tựa, bình, bạt, thư,… các công trình có tính lý luận của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Miên Trinh và trong một số tác phẩm văn học mang khuynh hướng Lão Trang và Thiền tông. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Đối với lý luận văn học Trung Quốc, phạm vi đề tài chỉ nghiên cứu các tác giả có khuynh hướng Lão Trang và Thiền tông trong thời kỳ văn học cổ Trung Quốc từ thời Tiên Tần đến thời Minh, Thanh. - Đối với lý luận, phê bình văn học Việt Nam, luận án chỉ nghiên cứu giới hạn trong văn học cổ điển từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX, qua các tác giả mang dấu ấn Lão Trang và Thiền tông. Để làm rõ hơn đối tượng, phạm vi nghiên cứu, luận án giới thuyết một số khái niệm sau: 3.2.1. Thiền Lão Thiền Lão là một khái niệm mà nội hàm bao gồm cả tư tưởng Thiền tông và Lão Trang xét trên bình diện những điểm tương đồng vi diệu của hai tư tưởng. Từ đó tạo thành những phạm trù mỹ học Thiền Lão độc đáo như: Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm,… Để thể hiện sự gắn kết, hòa hợp của hai tư tưởng, từ đây, luận án sẽ sử dụng khái niệm Thiền-Lão (giữa Thiền và Lão có dấu gạch ngang dính liền). 3 3.2.2. Văn học cổ Trung Quốc Từ cách phân kỳ phổ biến của các nhà nghiên cứu, luận án xác định tên gọi văn học cổ Trung Quốc là nền văn học từ Tiên Tần đến đời Thanh. Trên phương diện lý luận văn học, luận án nghiên cứu văn học cổ Trung Quốc theo kiểu tác giả mang dấu ấn Thiền-Lão, vì vậy, lý luận văn học cổ Trung Quốc được chia theo triều đại, cụ thể gồm: Tiên Tần; Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều; Đường; Tống; Minh; Thanh. 3.2.3. Văn học cổ điển Việt Nam - Về tên gọi: Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế XIX được các nhà nghiên cứu gọi với nhiều cái tên, trong đó, văn học cổ điển Việt Nam và văn học trung đại Việt Nam là hai thuật ngữ được sử dụng phổ biến. Luận án chọn tên gọi là văn học cổ điển Việt Nam vì: Khái niệm văn học trung đại Việt Nam chưa thật sự chính xác và chưa bao hàm hết nội dung, ý nghĩa của thời kỳ văn học từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX. Từ cổ điển có rất nhiều nghĩa, trong đó có các nghĩa như: cổ điển được hiểu như cái vĩ đại, cái hạng nhất; cổ điển được hiểu như cái được học trong nhà trường; cổ điển chỉ những tác phẩm chuẩn mực hay giai đoạn phát triển nổi trội của văn học; cổ điển được hiểu như một thời kỳ, một giai đoạn nhất định trong lịch sử văn học. Với các nghĩa như vậy, việc gọi văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX là văn học cổ điển sẽ bao hàm được tầm giá trị, sự trường tồn và là khái niệm phù hợp, thỏa đáng. - Về phân kỳ văn học cổ điển Việt Nam: Trên cơ sở kế thừa cách phân kỳ của các nhà nghiên cứu, đồng thời căn cứ vào nội dung nghiên cứu, luận án xác định cách phân kỳ văn học cổ điển Việt Nam. Theo đó, luận án chia thành hai giai đoạn văn học: Văn học thời Lý - Trần; Văn học thời Lê - Nguyễn. 3.2.4. Lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam là tên gọi có tính tương đối, có điều kiện để chỉ quan niệm, ý thức văn học của các tác giả cổ điển. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu chính, gồm: phương pháp nghiên cứu liên ngành; phương pháp loại hình; phương pháp hệ 4 thống; phương pháp thống kê; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh. 5. Đóng góp mới của luận án Từ sự tương đồng giữa tư tưởng Lão Trang và Thiền tông, luận án nghiên cứu, đề xuất các phạm trù cơ bản như Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, văn học cổ Trung Quốc. Nghiên cứu, tường minh ảnh hưởng của các phạm trù Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm trong lý luận, phê bình cũng như trong thực tiễn sáng tác văn học cổ điển Việt Nam qua hai thời kỳ văn học Lý - Trần và Lê - Nguyễn. Trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, khuynh hướng sùng thượng Tự nhiên, Hư tĩnh; đề cao Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm đã trở thành một trong những khuynh hướng chủ đạo và xuyên suốt, tạo nên sự uyên áo và trường tồn đối với văn học cổ điển Việt Nam. Luận án có thể được xem là công trình đầu tiên, tương đối có hệ thống nghiên cứu về ảnh hưởng của tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Từ đó, luận án góp phần làm rõ hơn về di sản lý luận văn học, giúp hiểu sâu hơn tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam và là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về văn học cổ điển Việt Nam. 6. Cấu trúc nội dung của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu gồm 4 chương, 8 tiết. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC KHUYNH HƯỚNG TRONG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Việc nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão Tư tưởng Lão Trang và Thiền tông đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trong đó các công trình tiêu biểu của các học giả, gồm: Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan; Lịch sử văn minh Trung Quốc của Will Durant; Đạo của Vật lý, Một sự khám phá mới về sự tương đồng giữa Vật lý hiện đại và Đạo học phương Đông của Frijof Capra; Thiền 5 luận của Daisetz Teitaro Suzuki; Thiền, Lịch sử về giai thoại và ảnh hưởng của Thiền đối với nhân sinh của Osho. Tinh hoa Đạo học Đông phương, Phật học tinh hoa, Lão Tử Đạo đức kinh, Trang Tử Nam hoa kinh của Nguyễn Duy Cần; Lịch sử Triết học phương Đông, Lịch sử tư tưởng Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục; Triết học Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Duy Hinh. Tại các công trình này, các học giả đã nghiên cứu tư tưởng Lão Trang và Thiền tông một cách có hệ thống, khoa học trong đó đã bàn đến Lão Trang trong mối quan hệ với Thiền tông, đặc biệt là sự tương đồng của hai tư tưởng. Từ đó, có thể khẳng định: Giữa Lão Trang và Phật giáo có sự tương hợp sâu sắc, kết quả là đã tạo nên cuộc “hôn nhân” độc đáo có một không hai trong lịch sử tư tưởng phương Đông. Sản phẩm từ cuộc “hôn nhân” lịch sử đó là Thiền tông. Chính vì vậy, giữa Lão Trang và Thiền tông có những điểm chung rất khó phân biệt rạch ròi đâu là của Lão Trang, đâu là Thiền tông. Đó là cơ sở tiền đề để nghiên cứu và hình thành khái niệm Thiền-Lão. 1.1.2. Việc nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc - Tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc Tư tưởng Thiền-Lão có cội nguồn từ Lão Trang, được hình thành vào thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều. Lục Cơ, Lưu Hiệp, Chung Vinh là ba nhà lý luận nổi tiếng, các tác phẩm của ba vị này đều ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Thiền-Lão. Đến đời Đường, tư tưởng Thiền-Lão đã phát triển hoàn thiện gắn với sự phát triển của thơ Đường, tiêu biểu là Lý Bạch, Lý Thương Ẩn, Thích Hạo Nhiên, Tư Không Đồ,… Ở họ, dấu ấn Thiền-Lão không chỉ trong thơ mang mà cả trong tư duy lý luận, phê bình văn học. Đời Tống, các nhà lý luận: Mai Nghiêu Thần, Tô Thức, Âu Dương Tu, Nghiêm Vũ,… cũng rất đề cao tư tưởng Thiền-Lão. Đến đời Minh, Thanh, tư tưởng Thiền-Lão tiếp tục được đề cao với các nhà lý luận Lý Chất, Viên Mai, Vương Sỹ Chân,… - Việc nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc của các tác giả Việt Nam Công tác nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận văn học cổ Trung Quốc của các tác giả Việt Nam thể hiện trên hai phương diện: thứ nhất là dịch thuật, thứ hai là các công trình nghiên cứu. Về dịch thuật, các tác giả Việt Nam đã dịch các tác phẩm kinh điển về lý luận văn học cổ Trung Quốc và dịch các công trình nghiên cứu về lý luận văn học cổ Trung Quốc. Các 6 công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam, tiêu biểu gồm: Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc của Phương Lựu; Tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc - Lịch sử và tư liệu của Lê Giang; Khái niệm và Thuật ngữ lý luận văn học Trung Quốc của Phạm Thị Hảo; Thi học cổ điển Trung Hoa Học phái, Phạm trù, Mệnh đề do Phương Lựu chủ biên. 1.1.3. Việc nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Trong phần này, luận án đề cập 3 nội dung: Một là: Tình hình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, bao gồm: công tác khảo cứu, sưu tập và các công trình nghiên cứu về lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, tiêu biểu: Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam của Phương Lựu; Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam của Lê Giang; Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX của Trần Nho Thìn; Lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam do Trịnh Bá Đĩnh chủ biên; Tìm hiểu quan niệm thơ cổ Việt Nam của Phạm Quang Trung; Sự phát triển tư tưởng Thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX của Nguyễn Thanh Tùng. Từ công tác khảo cứu, sưu tầm và nghiên cứu lý luận, phê bình văn học cổ điển, có thể khẳng định: Thời cổ điển, ông cha ta đã có một di sản lý luận, phê bình tồn sại song song với thực tiễn sáng tác. Đây là một di sản tuy không đồ sộ nhưng lại đa dạng, phức tạp, có bề dày gần mười thế kỷ và phát triển ngày càng mang tính tự ý thức. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học cổ điển vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, nhưng rõ ràng công việc này chưa tương xứng với di sản mà người xưa đã để lại. Tuy nhiên, qua các công trình nghiên cứu của những người đi trước đã tạo tiền đề, cơ sở lý luận để thực hiện đề tài của luận án. Hai là: Tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam thể hiện qua hai giai đoạn: thời Lý - Trần và thời Lê - Nguyễn. Trong suốt gần mười thế kỷ, tư tưởng Thiền-Lão được các tác giả cổ điển thể hiện trong tác phẩm, bàn luận trong các bài bạt, tựa, bình và trong một số ít công trình nghiên cứu. Đó là tiền đề cơ bản và những gợi ý quý báu để thực hiện đề tài với mong muốn gắn kết những quan niệm văn học mang dấu ấn Thiền-Lão vào một hệ thống và đặt trong mối tương quan với khuynh hướng Thiền-Lão trong lý luận văn học cổ Trung Quốc. Ba là: Tình hình nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, gồm: 7 - Nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng Nho, Phật, Lão đến văn học cổ điển Việt Nam: Nhiều học giả đều thống nhất cho rằng, văn học cổ điển Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho, Phật, Lão. - Nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam: Phần lớn các học giả đều chú trọng đến sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. - Nghiên cứu về ảnh hưởng của tư tưởng Thiền-Lão đến lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam: So với Nho giáo, việc nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông Phật giáo và Lão Trang trong lý luận văn học cổ điển Việt Nam ít được quan tâm hơn. Cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về sự ảnh hưởng của tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy những ý kiến liên quan đến vấn đề này qua những bài viết, những công trình nghiên cứu về quan niệm văn học cổ điển Việt Nam. Cụ thể: “Câu chuyện Huyền Quang và cách đọc thơ Thiền” của Đỗ Văn Hỷ; Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam của Phương Lựu; Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam của Lê Giang; Thi pháp văn học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử; Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX của Trần Nho Thìn. Từ những bài viết, công trình này, chúng tôi nhận thấy rằng: Tuy đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, đề cập ở những mức độ, mục đích khác nhau, nhưng vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu, hoàn chỉnh và có hệ thống. 1.2. Các khuynh hướng trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Từ sự ảnh hưởng, chi phối của lý luận văn học cổ Trung Quốc và cơ sở xã hội, ý thức tư tưởng, thực tiễn văn học Việt Nam; lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam hình thành các khuynh hướng cơ bản như: 1.2.1. Khuynh hướng đề cao đạo đức trong sáng tác văn học Khuynh hướng đề cao đạo đức của văn học có thể coi là dòng chính, là văn thống của tư tưởng lý luận văn học cổ Trung Quốc. Khuynh hướng này có nền tảng chủ yếu từ tư tưởng Nho giáo. Khuynh hướng đề cao đạo đức trong văn học ở Trung Quốc được hình thành từ Khổng Tử, phát triển qua nhiều chặng đường và có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn chính thống với Khổng Tử, giai đoạn phi chính thống với Tống Nho. Về cơ bản, khuynh 8 hướng đề cao đạo đức thể hiện ở quan niệm “Văn học truyền thụ đạo lý phong kiến”, “Văn dĩ tải đạo” và “Thi dĩ ngôn chí”. Trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam những mệnh đề này luôn hiển hiện, tạo nên khuynh hướng văn học có tính chủ đạo, chi phối, tất nhiên nó cũng mang đậm bản sắc Việt Nam. Chính sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh của các quan niệm này đã góp phần tạo nên một văn học cổ điển Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là di sản đồ sộ với những giá trị nhân văn cao cả. Theo chiều hướng tích cực, khi vào Việt Nam, với truyền thống yêu nước, các mệnh đề “Văn học truyền thụ đạo lý”, “Thi dĩ ngôn chí” và “Văn dĩ tải đạo” đã thể hiện rõ hơn trong khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước. 1.2.2. Khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước trong sáng tác văn học Khuynh hướng này là kết tinh từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong suốt mười thế kỷ. Cơ sở ban đầu của tư tưởng này có thể từ Đạo thờ Thần của người Việt, khởi nguồn khuynh hướng này từ thế kỷ X và xuyên suốt trong hơn mười thế kỷ. Nội dung của khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước sâu, rộng, luận án chỉ đề cập đến hai nội dung cơ bản: - Văn học là vũ khí chống giặc, quyết định đến quốc kế dân sinh. Quan niệm này thể hiện qua các tác phẩm Thơ Thần đời Lý; Dụ chư tỳ tướng hịch văn đời Trần; Cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập đời Hậu Lê, Than đạo cuối đời Nguyễn,... và qua các phát biểu của Trần Thái Tông, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Quý Đôn,... Bên cạnh quan niệm văn học là vũ khí chống giặc, cứu nước, nhiều tác giả văn học cổ điển Việt Nam còn đề cao vai trò quan trọng của văn học đối với quốc kế dân sinh như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm,... Đây là quan niệm xuyên suốt trong văn học cổ điển Việt Nam. Điều đó đã được các tác giả cổ điển thể hiện một cách hình tượng, thuyết phục và có tác dụng rất lớn đến hệ giá trị tư tưởng của văn học cổ điển Việt Nam. - Văn học làm tăng quốc thể, tự tôn dân tộc. Đây là quan niệm văn học được rất nhiều tác giả cổ điển bàn đến, đặc biệt là từ khoảng thế kỷ XVI đến kết thúc văn học cổ điển Việt Nam. Điểm chung trong quan niệm này là: Văn học làm tăng quốc thể, tự tôn dân tộc trong mối tương quan so sánh với văn học Trung Quốc, qua phát biểu của các tác giả tiêu biểu: Vũ Quỳnh, Nguyễn Dữ, Lê Hữu Kiều, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích. Qua những so sánh này, một mặt đã khẳng định niềm tự hào về giá trị lớn lao của nền văn hiến nước ta nói chung và văn học nói riêng. Đồng thời, khẳng 9 định quan niệm về vai trò của văn học trong việc làm rạng danh đất nước, tăng quốc thể, tự tôn dân tộc. Điều đó đã thể hiện rõ bản lĩnh, lòng tự tôn dân tộc của ông cha ta trong quan hệ, ứng xử với Trung Quốc. 1.2.3. Khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh trong sáng tác văn học Khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh trong sáng tác văn học gắn với tư tưởng Thiền-Lão. Tư tưởng Thiền-Lão có tính hướng nội, vì vậy nhìn từ bên ngoài, khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh của Thiền-Lão có vẻ mờ nhạt trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Nhưng thực chất, khuynh hướng này không chỉ xuất hiện từ rất sớm, mà còn biểu hiện khá sâu đậm. Thời Lý - Trần, các thiền sư đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, trong đó đã bộc lộ ý thức văn học mang khuynh hướng Thiền-Lão. Từ đời Lê đến đời Nguyễn, Nho giáo chiếm vị thế chủ đạo, nhưng trong văn học, các nhà nho, bên cạnh quan niệm văn học Nho giáo, thẳm sâu trong tâm hồn vẫn có một phần Thiền-Lão. Việc đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh đã làm cho văn học thời kỳ này có chiều sâu và sức sống trường tồn. 1.2.4. Khuynh hướng đề cao con người cá nhân và nghệ thuật tài tử trong sáng tác văn học Từ thế kỷ XVIII, lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam phát triển phong phú và hình thành khuynh hướng mới - khuynh hướng đề cao con người cá nhân và nghệ thuật tài tử - bên cạnh các khuynh hướng trước đó. Những người theo khuynh hướng này vẫn là nhà nho, nhưng mang những nét phi nho. Trong quan niệm và sáng tác văn chương của các nhà nho tài tử có nét khá khác biệt với nhà nho chính thống, họ không còn bị vướng trong vòng lễ tiết của Nho giáo, không sống trong cái ta phận vị, họ đề cao cái tài, cái tình, cái tôi, đề cao tính hiện thực, nghệ thuật tài tử, muốn tách văn chương nghệ thuật ra khỏi học thuật, xem văn chương và tài năng văn chương có một giá trị riêng không đánh đồng với các ngành học thuật khác. Tiểu kết Sự hòa hợp độc đáo, kỳ diệu giữa Lão Trang và Thiền tông là căn cứ tiền đề để bước đầu nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão với tư cách là một khái niệm mà trong đó là sự hòa quyện của cả hai tư tưởng. Tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc là một trong những khuynh hướng cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến văn học cổ điển Việt Nam. Công tác dịch thuật và một số công trình nghiên cứu của các tác giả Việt Nam về lý luận văn học cổ Trung Quốc cũng đã cung cấp cơ sở lý luận và gợi ý quan 10 trọng để nghiên cứu tư tưởng Thiền-Lão trong lý luận văn học cổ điển Việt Nam. Lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam tuy chưa đồ sộ, nhưng vẫn là di sản quý báu và hết sức có giá trị. Công tác sưu tầm, khảo cứu di sản đó đã đem đến một diện mạo mới cho lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam với bốn khuynh hướng cơ bản như đã đề cập. Trong đó, khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh theo tư tưởng Thiền-Lão đã mang lại một sắc thái riêng, tạo nên giá trị đặc sắc và sự trường tồn cho văn học Việt Nam. Trong lý luận, phê bình cũng như trong thực tiễn sáng tác văn học cổ điển Việt Nam, có thể còn những khuynh hướng khác ngoài bốn khuynh hướng đã khái quát ở trên. Tuy nhiên, có thể khẳng định, bốn khuynh hướng như đã bàn ở trên là cơ bản, chi phối toàn bộ nền văn học cổ điển Việt Nam. Tùy từng giai đoạn, với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bốn khuynh hướng này thể hiện ở mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng nhìn chung, trừ khuynh hướng đề cao con người cá nhân và nghệ thuật tài tử, ba khuynh hướng còn lại là tương đối xuyên suốt trong gần 10 thế kỷ. Sự phân biệt các khuynh hướng nêu trên cũng chỉ là có tính tương đối. Bởi, cùng với văn hóa bản địa Việt Nam, tư tưởng tam giáo không tồn tại độc lập mà xu hướng chính vẫn là kết hợp, tịnh hành. Vì vậy, trong tư tưởng và thực tiễn sáng tác, mặc dù là nhà nho, nhưng lại chứa đựng cả Thiền-Lão. Chương 2 PHẠM TRÙ TỰ NHIÊN TRONG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM 2.1. Tự nhiên trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc Tự nhiên là phạm trù bản thể luận của tư tưởng Lão Trang. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, kết hợp với Lão Trang hình thành Thiền tông Trung Quốc. Vì thế, tư tưởng Thiền tông cũng có quan niệm Tự nhiên giống như Lão Trang. Trong quan niệm của Lão Trang, Tự nhiên được hiểu ở hai cấp độ. Tự nhiên là bản thể của Đạo, tức là Đạo và Tự nhiên là quy luật của vạn vật. Hai nét nghĩa này cũng được Thiền tông quan niệm. Tự nhiên theo quan niệm của Lão Trang và Thiền tông chính là “vô vi” và “vô tâm”. Tức là hốt nhiên làm, không cần cố gắng, không miễn cưỡng, không câu nệ, là làm mà không cần để ý việc mình làm nữa. Đó là hành động đến mức hoàn thiện. 11 Từ quan niệm về Tự nhiên của Lão Trang và Thiền tông, có thể thấy ở cấp độ mỹ học, tư tưởng Thiền-Lão là tư tưởng sùng thượng Tự nhiên. Đó là vẻ đẹp của Tự nhiên, tức Đạo, đó là vẻ đẹp của hành động “vô vi”, của quy luật Tự nhiên. Lý tưởng sùng chuộng Tự nhiên của Thiền-Lão có ảnh hưởng rất lớn đối với nghệ thuật Trung Quốc, trong đó có quan niệm về văn học. Trong lịch sử lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, từ thời Ngụy Tấn - Nam Bắc triều đến thời Minh - Thanh đều có dấu ấn của Tự nhiên. Khởi đầu cho khuynh hướng này là Lục Cơ trong Văn phú. Lục Cơ cho rằng cần phải tránh những sự trang sức thái quá trong văn chương và phê phán lối văn cầu kỳ mà vô vị, qua đó đề cao Tự nhiên. Lưu Hiệp, trong Văn tâm điêu long, đã đề cao Tự nhiên trong văn chương. Tự nhiên theo quan niệm của Lưu Hiệp có nét của Đạo và chủ trương vô vi mang ý vị Thiền-Lão. Chung Vinh, trong Thi phẩm, đã đề cao vẻ đẹp Tự nhiên của thơ ca, phê phán việc lạm dụng điển cố và thanh vận. Ông cho rằng trang sức che đậy không thể dẫn tới cái đẹp, chỉ có cái hồn nhiên, Tự nhiên mới mang lại cho người thưởng thức văn chương cái dư vị vô cùng. Đời Đường, sùng thượng Tự nhiên được Lý Bạch, Thích Hiệu Nhiên, Lý Thương Ẩn,... chủ trương. Đời Tống, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha, Nghiêm Vũ đều quan niệm văn chương thuận theo Tự nhiên, phản đối văn phong cổ xưa, khó hiểu. Đời Minh, Lý Chất đề ra thuyết "dĩ tự nhiên chi vi mỹ (phải coi tự nhiên là đẹp"). Đến đời Thanh, kết thúc lý luận phê bình văn học cổ Trung Quốc, Vương Sĩ Chân và Viên Mai cũng rất đề cao Tự nhiên trong sáng tác văn chương. 2.2. Tự nhiên trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Sùng thượng Tự nhiên đã trở thành truyền thống thẩm mỹ trong văn học cổ Trung Quốc và sức ảnh hưởng của nó thì sâu rộng vô cùng. Văn học nói chung và lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam nói riêng cũng nằm trong nguồn mạch của sự ảnh hưởng đó. 2.2.1. Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả thời Lý - Trần Tự nhiên trong quan niệm văn học của các tác giả thời Lý - Trần chủ yếu ở hình thức gián tiếp, tức là biểu hiện qua tác phẩm. Trong giai đoạn này rất ít, thậm chí là không có những phát biểu trực tiếp, nhưng qua sự thể hiện trong tác phẩm, quan niệm Tự nhiên trong tư tưởng Thiền-Lão đã hiện hữu. Điều này biểu hiện trong quan niệm của các tác giả sau đây. Trong văn học thời Lý - Trần, số lượng tác giả văn học là thiền sư 12 chiếm đa số. Quan niệm Tự nhiên được các thiền sư thể hiện qua sáng tác với những biểu hiện: Tự nhiên - bản thể; Tự nhiên - đạt Đạo; Tự nhiên - vô vi; Tự nhiên - an nhiên, tự tại; Tự nhiên - tùy duyên; Tự nhiên - con người hợp nhất. Quan niệm này biểu hiện qua sáng tác của các thiền sư: Phan Trường Nguyên, Không Lộ, Thuần Chân, Minh Lương, Bản Tịnh, Bảo Giám, Tuệ Trung, Pháp Thuận, Hiện Quang, Chân Không, Mãn Giác, Vạn Hạnh, Thiền Lão, Huyền Quang,… Quan niệm sùng thượng Tự nhiên không chỉ có ở các thiền sư mà các tác giả khác cũng đã bộc lộ quan niệm này, tiêu biểu là Trần Anh Tông, Trần Quang Triều, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh. Tìm hiểu về quan niệm Tự nhiên của các tác giả thời Lý -Trần, chúng ta thấy rằng, tuy không có những phát biểu trực tiếp, nhưng từ thực tiễn sáng tác, quan niệm sùng thượng Tự nhiên, ý thức về tầm quan trọng của Tự nhiên trong văn chương cũng đã được các vị bộc lộ. Văn chương chính là Đạo, là Tự nhiên. Sáng tác văn chương chính là đến với Đạo, trở về với chân tánh là phục kỳ bổn. Văn chương phải Tự nhiên, phải tùy duyên mới đến được Tự nhiên với Đạo. Tự nhiên là nơi di dưỡng tâm hồn để có thể an nhiên, tự tại trong cuộc đời. Tất cả những điều này sẽ được các tác giả giai đoạn sau thể hiện một cách trực tiếp hơn. 2.2.2. Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả thời Lê - Nguyễn Sau thời Lý - Trần, quan niệm sùng thượng Tự nhiên trong văn chương được các tác giả thời Lê - Nguyễn tiếp tục thể hiện rõ nét hơn, trực tiếp hơn. Tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và sau đó, nhất là từ thế kỷ XVIII nhiều tác giả đã phát biểu quan niệm về sùng thượng Tự nhiên trong văn chương. Các ý kiến phát biểu tập trung vào nội dung chính: Văn chương - Tự nhiên - Đạo, Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa. Văn chương - Tự nhiên - Đạo là quan niệm của các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Dưỡng Hạo, Ngô Thì Nhậm, Bùi Dương Lịch, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Chí, Vũ Duy Thanh, Nguyễn Đức Đạt, Cao Xuân Dục. Một số tác giả còn bộc lộ quan niệm: Văn chương - quy luật Tự nhiên như: Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Quýnh, Lê Hữu Trác, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Vũ Duy Thanh. Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa là quan niệm của nhiều tác giả, tiêu biểu: Lê Quý Đôn, Nguyễn Địch Cát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thông, Ngô Thì Sỹ, Cao Bá Quát, Bùi Văn Dị. 13 Tiểu kết Trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, sùng thượng Tự nhiên là một trong những khuynh hướng tư tưởng nổi bật. Khuynh hướng này khởi phát từ thời Lý - Trần và phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII. Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả thời Lý - Trần biểu hiện chủ yếu qua sáng tác với những mệnh đề: Tự nhiên - bản thể; Tự nhiên - đạt Đạo; Tự nhiên - vô vi; Tự nhiên - an nhiên, tự tại; Tự nhiên - tùy duyên; Tự nhiên - con người hợp nhất. Đồng thời, Tự nhiên còn biểu hiện qua quan niệm tùy duyên trong sáng tác văn chương, Tự nhiên là nơi để tu dưỡng tâm tính, là cội nguồn của văn chương. Sau thời Lý - Trần, đặc biệt đến đầu thế kỷ XVIII, sùng thượng Tự nhiên được các tác giả tự ý thức, thể hiện qua những lời phát biểu trực tiếp trên các phương diện của Tự nhiên: Văn chương - Tự nhiên Đạo, Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa. Từ chỗ chủ yếu biểu hiện trong sáng tác, phát triển đến tự ý thức thông qua những lời phát biểu trực tiếp, Tự nhiên trở thành khuynh hướng nghệ thuật và là một truyền thống thẩm mỹ trong văn học cổ điển Việt Nam. Trên phương diện lý luận, phê bình, quan niệm sùng thượng Tự nhiên của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với quan niệm văn học Trung Quốc. Cả hai đều xem Tự nhiên là phẩm chất của văn chương, văn chương phải biểu hiện cái Tự nhiên, tức là Đạo, văn chương là cái đức của Đạo. Sáng tác văn chương phải theo quy luật của Tự nhiên, chú trọng tính Tự nhiên của văn chương và hành động vô vi trong quá trình sáng tác. Điều đó đồng nghĩa với sự phản đối cầu kỳ, gọt giũa trong văn chương. Trong thực tiễn sáng tác, quan niệm đề cao Tự nhiên đã trở thành khuynh hướng nghệ thuật xuyên suốt trong văn học cổ điển Việt Nam. Trên phương diện loại hình tác giả, quan niệm này luôn đồng hành với những kiểu tác giả tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam. Từ thiền sư, quý tộc, nho sĩ, trong sáng tác của mình đều ẩn chứa quan niệm sùng thượng Tự nhiên. Nếu quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” của Nho giáo là để các nhà văn, nhà thơ biểu hiện ra bên ngoài nhằm kinh bang tế thế, thì quan niệm sùng thượng Tự nhiên của Thiền-Lão chủ yếu là sự biểu hiện bên trong để di dưỡng tính tình, giữ gìn sự thanh sạch của tâm hồn và cao hơn là để thể hiện sự thấu triệt chân lý cuộc đời và hướng đến sự giác ngộ, đạt Đạo. 14 Chương 3 PHẠM TRÙ HƯ TĨNH VÀ VÔ NGÔN TRONG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM 3.1. Hư tĩnh 3.1.1. Hư tĩnh trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc Nếu phạm trù Tự nhiên có nguồn gốc chủ yếu từ Lão Trang thì phạm trù Hư tĩnh là sản phẩm hài hòa tuyệt vời nhất của tư tưởng Thiền-Lão. Tư tưởng Lão Trang rất đề cao Hư - Vô. Lão Tử xem Hư - Vô là nguồn gốc của vạn vật. Kế thừa Lão Tử, Trang Tử cũng đề cao Hư - Vô trong tư tưởng của mình. Ông cho rằng, chỉ có Hư mới tiếp xúc được với Đạo và Hư cũng chính là Đạo. Lão Trang quan niệm Hư - Vô là bản thể, là Đạo, tương tự như quan niệm tính Không của Phật giáo. Nguyên lý Không của Thiền Phật giáo là một khẳng định ở tầm chủ thuyết chứ không phải là một phủ định thông thường. Tính Không là tính không thực thể của mọi sự vật hiện tượng và gắn với vô ngã, vô thường. Về mặt bản thể luận, Hư - Vô - Không có điểm tương đồng giữa Lão Trang và Phật giáo Thiền tông. Cùng với phạm trù Hư, quan niệm của Lão Trang rất coi trọng Tĩnh, Tĩnh là bản thể, thuộc tính của Đạo. Hư tương thông với Tĩnh. Có Hư tĩnh, tức không thành kiến, không tư dục, sẽ thấy được Đạo, thấy được quy luật của Đạo, đó là từ vô sinh hữu, rồi từ hữu trở về vô. Giống như tư tưởng Lão Trang, Hư tĩnh cũng là bản thể của Thiền tông. Nói đến Hư tĩnh trong ThiềnLão tức là nói đến Hư, Không, Tĩnh. Cũng giống như phạm trù Tự nhiên, phạm trù Hư tĩnh trong Thiền-Lão đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa, nghệ thuật. Khuynh hướng văn học Thiền-Lão không chỉ sùng thượng Tự nhiên, mà rất coi trọng Hư tĩnh. Quan niệm đề cao Hư tĩnh đã được chú trọng trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc. Những tác giả trước đời Đường như Lục Cơ, Lưu Hiệp, Chung Vinh đã có những ý kiến đặt nền móng về quan niệm Hư tĩnh. Từ đời Đường, quan niệm Hư tĩnh đã trở thành một nét đặc sắc, chuẩn mực trong lý luận và trong sáng tác. Đến đời Tống - Minh - Thanh, quan niệm Hư tĩnh tiếp tục được các tác giả đề cập và phát triển thành khuynh hướng quan trọng trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc. Hư tĩnh như là một phẩm chất cao đẹp của văn chương, là bản thể của văn chương, đồng thời là nét truyền thống thẩm mỹ độc đáo trong văn học cổ Trung Quốc. Quan niệm 15 văn học đề cao Hư tĩnh có sức ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến văn học của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. 3.1.2. Hư tĩnh trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam, Hư tĩnh biểu hiện khá rõ và xuyên suốt. Nếu trong văn học thời Lý - Trần, quan niệm Hư tĩnh chủ yếu được biểu hiện thông qua sáng tác, thì đến thời Lê - Nguyễn, quan niệm Hư tĩnh vừa biểu hiện qua sáng tác vừa biểu hiện trực tiếp qua những lời phát biểu mang tính lý luận. 3.1.2.1. Quan niệm Hư tĩnh của các tác giả thời Lý - Trần Đối với các thiền sư, quan niệm đề cao Hư tĩnh, được biểu hiện trong sáng tác, chủ yếu gắn với Không và tâm Hư tĩnh. Tuy không phát biểu trực tiếp, nhưng qua sáng tác, các tác giả thời Lý Trần đã thể hiện quan niệm về Hư tĩnh. Điều đó biểu hiện trên các phương diện cơ bản: Thứ nhất: Các thiền sư sáng tác văn chương với Tĩnh (tâm định) và Không (tuệ không), từ đó thấy rõ “tánh không” của ngã và pháp, tiêu biểu là các sáng tác của Chân Không thiền sư, Minh Trí thiền sư, Huệ Sinh thiền sư. Thứ hai: Sáng tác văn chương với cái “tâm hư”, trong sáng, không vụ lợi, không chấp vào bất cứ điều gì, tiêu biểu là những sáng tác của thiền sư Cứu Chỉ, thiền sư Ngộ Ấn, thiền sư Viên Chiếu, Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thứ ba: Cùng với cái tâm Hư tĩnh, cảnh trong thơ Thiền cũng Hư tĩnh, với các bài thơ tiêu biểu của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Huyền Quang. Thứ tư: Quan niệm Hư tĩnh trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông. 3.1.2.2. Quan niệm Hư tĩnh của các tác giả thời Lê - Nguyễn - Hư tĩnh qua những lời phát biểu trực tiếp Kế thừa các bậc tiền bối, các tác giả thời Lê - Nguyễn khi bàn về văn chương chú trọng đến lợi ích của Hư tĩnh. Vì Hư tĩnh không những là phép dưỡng sinh của con người, mà còn là môi trường thuận lợi cho thơ ca. Người sáng tác văn chương cần đạt đến cái tâm thanh tĩnh, giữ tâm hồn thanh đạm, hồn nhiên thì mới có thơ hay. Ngoài tứ thơ hay, thi nhân cần có môi trường yên tĩnh, nhàn hạ, và đặc biệt là tâm không vướng mắc chuyện công danh. Người nhàn, cảnh nhàn và cái tâm thanh thản thì tự nhiên sẽ sáng tác được thơ hay. Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII, nhiều tác giả 16 trình bày trực tiếp quan niệm Hư tĩnh trong văn chương. Tiêu biểu: Ngô Thế Lân, Trần Thế Xương, Ninh Tốn, Nguyễn Hành, Nhữ Bá Sĩ, Miên Trinh và Ngô gia văn phái. Các phát biểu của họ đều đề cao vai trò của Hư tĩnh trong sáng tác văn chương, xem Hư tĩnh là phẩm chất của văn chương. - Hư tĩnh trong thực tiễn sáng tác Quan niệm Hư tĩnh trong văn chương không chỉ được thể hiện thông qua những lời phát biểu trực tiếp, những tác phẩm văn học có tính lý luận, mà còn được biểu hiện thông qua sáng tác. Từ thời Lê - Nguyễn, trong thơ văn của các tác giả: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Miên Thẩm, Nguyễn Khuyến luôn có dấu ấn của Hư tĩnh. Hư tĩnh là quan niệm văn học xuyên suốt qua hai giai đoạn văn học văn học cổ điển Việt Nam. Qua thơ, phú hay luận thuyết, các tác giả thời Lý Trần đều biểu hiện quan niệm Hư tĩnh. Quan niệm này trước hết mang tính triết lý Không, vô tâm và khi thể hiện trong văn chương, nó trở thành quan niệm mỹ học Hư tĩnh. Quan niệm Hư tĩnh của các tác giả thời Lý - Trần, một mặt là sự biểu hiện của chính Hư tĩnh trong tâm hồn họ, mặt khác là sự đề cao vai trò của Hư tĩnh trong sáng tác và thưởng thức văn chương. Sáng tác văn chương với cái tâm Hư tĩnh và vì vậy, cảnh trong văn chương cũng đậm màu Hư tĩnh. Nếu như quan niệm Hư tĩnh của các tác giả thời Lý - Trần biểu hiện chủ yếu dưới dạng hàm ngôn thông qua tác phẩm, thì quan niệm Hư tĩnh của các tác giả thời Lê - Nguyễn được phát biểu một cách tường minh qua các bài bạt, tựa, bình,... và trong tác phẩm mang tính lý luận. Phát biểu của các tác giả thời Lê - Nguyễn cho thấy họ rất đề cao Hư tĩnh, xem Hư tĩnh là phẩm chất của văn chương, là môi trường tối quan trọng trong sáng tác và thưởng thức văn chương. Với họ, Hư tĩnh chính là điều kiện để thấu triệt vạn vật và là thái độ của họ đối với cuộc đời nhiều ngang trái, thị phi. 3.2. Vô ngôn 3.2.1. Quan niệm Vô ngôn trong tư tưởng Thiền-Lão và trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc Lão Trang và Thiền tông thống nhất quan niệm về ngôn ngữ. Cả hai đều coi trọng cái “ngoài” ngôn ngữ, cái “sau” ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ chỉ là phương tiện, không thể biểu đạt được hết và không thể đưa con người đến được với Đạo với chân lý giác ngộ. Chính vì thế Thiền-Lão coi trọng Vô ngôn. Vô ngôn được hiểu là không lời, không nói, không văn tự. Tuy nhiên, Vô ngôn không đơn giản như thế, bởi trong đó hàm ẩn rất nhiều ý nghĩa tinh 17 tế, uyên áo được rút ra từ quan niệm “Bất ngôn chi giáo” của Lão Tử, “Đắc ý vong ngôn” của Trang Tử và quan niệm “Bất lập văn tự” của Thiền tông. Nghệ thuật phương Đông nói chung và văn chương nói riêng thường chú trọng cái ở ngoài lời, vừa giàu tính liên tưởng, vừa hàm chứa nhiều tầng nghĩa vừa khơi gợi trí tưởng tượng, sự khám phá nơi người đọc. Trung Quốc là trung tâm của nghệ thuật phương Đông, từ ảnh hưởng của Thiền-Lão, quan niệm Vô ngôn trong văn học cổ nói chung và trong lý luận, phê bình văn học nói riêng rất được quan tâm. Ngay từ thời Ngụy Tấn, thời kỳ được xem là giai đoạn khởi phát và hình thành nền lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, quan niệm Vô ngôn đã được Lục Cơ đề cập. Và từ đó, quan niệm này dần trở thành tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản vào đời Đường, đời Tống và kéo dài cho đến đời Thanh. Trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, Vô ngôn không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà theo thời gian, Vô ngôn đã trở thành lý tưởng thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật và trở thành nét truyền thống trong văn học cổ Trung Quốc. 3.2.2. Vô ngôn trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam Vô ngôn trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam biểu hiện khá đa dạng và xuyên suốt. 3.2.2.1. Quan niệm Vô ngôn của các tác giả thời Lý - Trần Quan niệm “vô” trong Thiền tông hết sức uyên áo, nhiều sắc thái như vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô tướng, vô pháp, vô lự, vô sự,… và Vô ngôn. Thiền tông không dùng lời nói làm phương tiện để dạy dỗ, truyền Đạo, Thiền tông dĩ tâm truyền tâm. Vì vậy, Vô ngôn là quan niệm cốt tử của các thiền sư. Vô ngôn trong quan niệm của các thiền sư vừa là Vô ngôn trong triết lý Thiền và cũng là Vô ngôn trong thơ Thiền. Vô ngôn mở ra cảnh giới tinh thần vô hạn không chỉ riêng ở thiền sư mà còn cho những người cảm thụ. Không chỉ ở các thiền sư, quan niệm Vô ngôn còn được các nhà nho, quý tộc thể hiện trong sáng tác của mình, tiêu biểu là Trần Quang Triều, Trần Minh Tông. Các tác giả thời Lý - Trần đã thể hiện quan niệm Vô ngôn ngay chính trong tác phẩm. Từ quan niệm Vô ngôn của Thiền tông, họ đã thể hiện quan niệm Vô ngôn trong thơ. Đó chính là những khoảng lặng, khoảng trống nhiệm màu, là không nói nhưng lại nói rất nhiều, Vô ngôn nhưng ý lại vô cùng.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan