Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học đối chiếu ẩn dụ ý niệm quê hương, đất nước trong tiếng việt và tiếng anh (tóm t...

Tài liệu đối chiếu ẩn dụ ý niệm quê hương, đất nước trong tiếng việt và tiếng anh (tóm tắt)

.DOCX
26
813
59

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TRẦN VŨ TUÂN ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ Ý NIỆM QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu Mã số: 62.22.01.10 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2016 Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Nguyễn Thanh Tùng DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Trần Vũ Tuân (2016), Ẩn dụ ý niệm QUÊ Phản biện 1: ................................................................ HƯƠNG trong tiếng Việt, Tạp chí Từ điển học và Phản biện 2: ............................................................... Bách khoa thư, số 1 (39), 1/2016, tr.100 -105. Phản biện 3: ................................................................ 2. Trần Vũ Tuân (2016), Ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt, Tạp chí Từ điển học và Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại: Đại học KHXH&NV TPHCM Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM - Thư viện Trường Đại học KHXH&NV TPHCM Bách khoa thư, số 2 (40), 3/2016, tr.102 -105. 3 MỞ ĐẦU Lí do chọn đề tài Ẩn dụ ý niệm và mô hình tri nhận là hai công cụ giúp chúng ta hiểu đầy đủ một ý niệm, trong đó ẩn dụ ý niệm là công cụ gián tiếp còn mô hình tri nhận là công cụ trực tiếp. QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, trong tiếng Việt và tiếng Anh, là những ý niệm cơ bản và trừu tượng. Vì vậy, để làm rõ hai ý niệm này có thể sử dụng hai công cụ trong ngôn ngữ học tri nhận là ẩn dụ ý niệm và mô hình tri nhận. Trên thế giới và ở Việt Nam chưa có bất kì công trình nào sử dụng ẩn dụ ý niệm và mô hình tri nhận để làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG và ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh nhằm chỉ ra những tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận giữa người Việt và người Anh. Lịch sử vấn đề Trên thế giới, cả Lakoff (1992) lẫn Kovecses (2010) đều xếp ý niệm COUNTRY (ĐẤT NƯỚC) vào danh sách các miền ý niệm Đích trong tiếng Anh. Kovecses (2010) còn đưa ra ẩn dụ ý niệm A COUNTRY IS A PERSON (ĐẤT NƯỚC LÀ MỘT CON NGƯỜI). Ở Việt Nam, một số tác giả đã sử dụng các công cụ khác nhau, cả trong ngôn ngữ học truyền thống lẫn ngôn ngữ học tri nhận, để nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến từ “nước” trong tiếng Việt như Nguyễn Thị Thanh Phượng (1997), Nguyễn Văn Chiến (2004), Nguyễn Đức Dân (2010), Trịnh Sâm (2011), Lê Thị Kiều Vân (2012). Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu nào sử dụng ẩn dụ ý niệm và mô hình tri nhận đi sâu làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở phân tích, làm rõ ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC và mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, luận án sẽ góp phần làm sáng tỏ lối tri nhận của người Việt và người Anh đối với hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống hóa những tri thức lí luận có liên quan đến đề tài. - Làm rõ ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG, ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC, mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG, mô hình tri nhận ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. - Chỉ ra tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về các ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. 4 Để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tôi tập trung trả lời câu hỏi nghiên cứu chính sau: Tri nhận của người Việt và người Anh đối với các ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC được thể hiện như thế nào? Để làm rõ câu hỏi này, chúng tôi sẽ phải trả lời hai câu hỏi nghiên cứu phụ sau: 1. Ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG và ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh được thể hiện như thế nào? 2. Mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG và mô hình tri nhận ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh được thể hiện như thế nào? Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: các biểu thức (hay các phát ngôn) có thể cho phép chỉ ra ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG và ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. Phạm vi nghiên cứu: ẩn dụ ý niệm và mô hình tri nhận. Phương pháp nghiên cứu và phạm vi tư liệu khảo sát Phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng phương pháp phân tích ngữ nghĩa theo hướng tri nhận luận để phân tích hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, phương pháp phân tích mô tả để mô tả ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu nhằm tìm ra sự tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh đối với hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. Phạm vi tư liệu khảo sát - 1301 bài thơ và 20 truyện, tiểu thuyết tiếng Việt. - 1030 bài thơ và 40 truyện, tiểu thuyết tiếng Anh. Những đóng góp mới của luận án - Làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến ý niệm, ý niệm hóa, ẩn dụ ý niệm, mô hình tri nhận, mô hình tri nhận lí tưởng. - Giúp người học ngoại ngữ hạn chế khả năng phạm lỗi, hiểu được nguyên nhân dị biệt trong văn hóa, tri nhận, tăng cường khả năng phân tích, xử lí các vấn đề ngôn ngữ. - Đóng góp vào công tác giảng dạy và biên soạn giáo trình tiếng Anh ở Việt Nam và có ý nghĩa thực tiễn đối với việc nghiên cứu dịch thuật và biên soạn từ điển. - Cung cấp kho tư liệu tương đối phong phú phục vụ cho việc nghiên cứu các ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. 5 Cấu trúc của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, phần chính văn của luận án gồm ba chương: Chương 1 - Cơ sở lí luận, Chương 2 - Ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG và ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh, Chương - 3 Mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG và mô hình tri nhận ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN 1.1 Tiểu dẫn Chương 1 trình bày khái quát về ngôn ngữ học tri nhận và các vấn đề lí luận chính liên quan đến đề tài bao gồm ý niệm, ý niệm hóa, ẩn dụ ý niệm, mô hình tri nhận, mô hình tri nhận lí tưởng 1.2 Khái quát về Ngôn ngữ học tri nhận Ngôn ngữ học tri nhận xuất hiện vào những năm cuối 1970 với các công trình nghiên cứu làm tiền đề của các nhà ngôn ngữ học Mĩ như Ngữ nghĩa tạo sinh của Lakoff (1971), Ngữ nghĩa khung của Fillmore (1982b), Ngữ pháp học tri nhận của Langacker (1987), Ngữ nghĩa trong ngữ pháp học tạo sinh của Jackendoff (1972), v.v. Lý Toàn Thắng (2008) cho rằng “Ngôn ngữ học tri nhận là một trường phái mới của ngôn ngữ học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự tri giác của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người ý niệm hóa và phạm trù hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó”. Đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận là ngôn ngữ tự nhiên của con người trong mối quan hệ với con người, thực hiện chức năng làm công cụ của tư duy, công cụ xử lí và chế biến thông tin để tạo ra tri thức và cảm xúc của con người. 1.3 Ý niệm và ý niệm hóa 1.3.1 Ý niệm là gì Khái quát kết quả nghiên cứu của các tác giả Cruse (2006), Lý Toàn Thắng (2005), (2008), Trần Trương Mỹ Dung (2005), Trần Văn Cơ (2007), (2011), luận án rút ra: ý niệm là cái chứa tri thức và sự hiểu biết của con người về thế giới trên cơ sở kinh nghiệm từ đời này qua đời khác, nó được cấu thành từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo lí, pháp luật, phong tục tập quán và một số thói quen mà con người tiếp thu được với tư cách là thành viên của xã hội. Về cấu trúc, ý niệm được tổ chức theo mô hình trung tâm ngoại vi, trong đó trung tâm là khái niệm mang tính phổ quát toàn nhân loại còn ngoại vi là các đặc trưng văn hóa, dân tộc. Ý niệm chứa bốn thành tố là 6 khái niệm, cảm xúc, hình tượng và văn hóa trong đó hình tượng và văn hóa mang tính dân tộc sâu sắc. 1.3.2 Phân biệt ý niệm với khái niệm Nghiên cứu tổng hợp ý kiến của Lý Toàn Thắng (2008) Trần Văn Cơ (2011) và nhiều tác giả khác, Trần Trương Mỹ Dung đã rút ra được sáu điểm khác nhau giữa ý niệm và khái niệm: (1) ý niệm là sự kiện của lời nói, đó là lời nói được phát ngôn ra nên ý niệm khác với khái niệm, (2) ý niệm gắn chặt với người nói và luôn định hướng đến người nghe, (3) ý niệm mang tính chủ quan, mang tính dân tộc sâu sắc, (4) ý niệm là đơn vị của tư duy của con người, (5) ý niệm vừa mang đặc trưng miêu tả vừa mang đặc trưng tình cảm, ý chí và hình ảnh, (6) ý niệm chứa đựng khái niệm, cảm xúc, hình tượng và văn hóa. 1.3.3 Ý niệm hóa là gì Khái quát nghiên cứu của Lakoff và Johnson (1980), Langacker (1987), Evans và Green (2006), Trần Văn Cơ (2011) và Coleman (2006) có thể nói rằng ý niệm hóa là quá trình theo đó một ý niệm được thụ đắc hay được học hỏi, thường nhờ vào các ví dụ của thực thể thuộc về phạm trù và của các thực thể không thuộc về phạm trù đó. 1.4 Ẩn dụ ý niệm 1.4.1 Khái niệm về ẩn dụ ý niệm Lakoff và Johnson (1980) cho rằng ẩn dụ ý niệm là một trong những công cụ quan trọng nhất để chúng ta cố gắng hiểu một phần những vấn đề chúng ta không thể hiểu toàn bộ như: cảm xúc, các trải nghiệm về thẩm mĩ học, các chuẩn mực đạo đức và ý thức tinh thần. 1.4.2 Phân biệt giữa ẩn dụ ý niệm với ẩn dụ ngôn ngữ và biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ Lakoff và Johnson (1980) đã đưa ra hai tiêu chí phân biệt ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ ngôn ngữ: (1) ẩn dụ ngôn ngữ là một vấn đề của ngôn ngữ còn ẩn dụ ý niệm là một vấn đề của tư duy, (2) ẩn dụ ngôn ngữ được xác lập dựa trên cơ chế tương đồng giữa hai thực thể khác nhau, ẩn dụ ý niệm là một quá trình ý niệm hóa giữa hai miền ý niệm không tương đồng nhau, theo đó một số đặc điểm, thuộc tính của miền ý Nguồn được ánh xạ lên miền ý niệm Đích. Lakoff và Johnson (1980), Lakoff và Turner (1989) đã phân biệt giữa ẩn dụ ý niệm với biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ, theo đó biểu thức ngôn ngữ mang tính ẩn dụ minh họa và diễn giải các ẩn dụ ý niệm, vì thế một ẩn dụ ý niệm có thể có rất nhiều biểu thức ngôn ngữ biểu thị nó. 1.4.3 Cấu trúc của ẩn dụ ý niệm 7 Kovecses (2010) cho rằng ẩn dụ ý niệm, về bản chất, là một quá trình ý niệm hóa giữa hai miền ý niệm Nguồn và Đích. Miền ý niệm mà chúng ta rút ra các biểu thức ẩn dụ để hiểu miền ý niệm còn lại được gọi là miền ý niệm Nguồn. Miền ý niệm Đích là miền ý niệm được hiểu dựa trên sự phóng chiếu các thuộc tính từ miền ý niệm Nguồn. Miền ý niệm Nguồn thường cụ thể, thuộc về vật chất, quen thuộc, miền ý niệm Đích thường trừu tượng. Theo Lakoff và Turner (1989) thì quá trình ánh xạ giữa hai miền ý niệm chỉ diễn ra một chiều, từ miền ý niệm Nguồn sang miền ý niệm Đích. 1.4.4 Các miền ý niệm Nguồn phổ biến Quá trình nghiên cứu, các tác giả Lakoff (1992) và Kovecses (2010) đã rút ra một số miền ý niệm Nguồn phổ biến: CON NGƯỜI, CƠ THỂ CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, BỀ MẶT, ĐỒ VẬT, CÂY CỎ, SỰ THỐNG NHẤT, SỰ ĐỔI THAY. Đây là các miền ý niệm Nguồn được người Anh sử dụng nhiều để ánh xạ, làm rõ các ý niệm khác. Vì vậy, có khả năng các miền ý niệm này cũng được người Việt và người Anh sử dụng làm miền ý niệm Nguồn ánh xạ, làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. 1.4.5 Các loại ẩn dụ ý niệm Năm 1980, Lakoff và Johnson phân ẩn dụ ý niệm thành ba loại: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ định hướng và ẩn dụ bản thể nhưng đến năm 2003 cũng chính hai tác giả trên cho rằng việc phân chia ẩn dụ ý niệm thành ba loại chỉ mang tính chất tương đối. Khác với Lakoff và Johnson (1980), Grady (1997) chia ẩn dụ ý niệm thành hai loại: ẩn dụ sơ cấp và ẩn dụ ghép. Reddy (1979) còn đưa ra một loại ẩn dụ ý niệm nữa, đó là ẩn dụ kênh dẫn truyền. Trong phạm vi luận án này, chúng tôi sẽ sử dụng cách phân loại ẩn dụ ý niệm của Lakoff và Johnson (1980) làm cơ sở lí luận để tiến hành khảo sát các biểu thức ngôn ngữ chứa đựng hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh 1.4.6 Tính phổ quát và đặc thù văn hóa của ẩn dụ ý niệm Kovecses (2010) cho rằng một số ẩn dụ ý niệm có tính phổ quát toàn nhân loại bởi vì có sự tương đồng về trải nghiệm, văn hóa, cảm nhận, chức năng sinh lí giữa các dân tộc trên thế giới. Theo Kovecses (2010) [89] có hai nguyên nhân dẫn đến sự dị biệt về văn hóa trong ẩn dụ ý niệm: (1) các nguyên tắc chi phối và ý niệm cơ bản của một nền văn hóa và (2) môi trường tự nhiên và vật chất mà mỗi dân tộc sinh sống. 1.5 Mô hình tri nhận và mô hình tri nhận lí tưởng 8 1.5.1 Mô hình tri nhận Khái quát nghiên cứu của các tác giả Lakoff và Johnson (1980), Fillmore (1982b), Fauconnier (1985), Langacker (1987), Ungerer và Schmid (1996), Lý Toàn Thắng (2009) có thể rút ra: mô hình tri nhận là các biểu tượng tri thức được tích lũy, lưu trữ, sắp xếp theo một cơ chế đặc biệt trong bộ não con người. Mô hình tri nhận có tác dụng làm nền để lí giải các tình huống và kích hoạt các ý niệm có liên quan khác. 1.5.2 Mô hình tri nhận lí tưởng Lakoff (1987) cho rằng mỗi mô hình tri nhận lí tưởng là một thực thể hoàn chỉnh phức tạp, một gestalt, bao gồm 4 thành phần chính: (1) cấu trúc mệnh đề như trong lí thuyết về khung của Fillmore (1982b), (2) cấu trúc sơ đồ hình ảnh như trong ngữ pháp tri nhận của Langacker (1987), (3) ánh xạ ẩn dụ ý niệm theo như mô tả của Lakoff và Johnson (1980) và (4) ánh xạ hoán dụ ý niệm theo như mô tả của Lakoff và Johnson (1980). Tuy nhiên, trong phạm vi luận án này chúng tôi chỉ sử dụng lí thuyết về ẩn dụ ý niệm làm cơ sở lí luận để làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. 1.5.3 Các mô hình tri nhận phổ biến Để giải quyết các vấn đề trong ngôn ngữ học tri nhận, các nhà nghiên cứu đi trước đã đưa ra các mô hình tri nhận phổ biến: mô hình con người, mô hình sinh sản, mô hình nuôi dưỡng, mô hình gia đình, mô hình vật chứa, mô hình môi trường. 1.6 Tiểu kết Chương 1 tập trung trình bày các vấn đề lí luận làm nền tảng để luận án vận dụng vào việc phân tích ngữ liệu ở các chương tiếp theo. Chương 2: ẨN DỤ Ý NIỆM QUÊ HƯƠNG VÀ ẨN DỤ Ý NIỆM ĐẤT NƯỚC TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH 2.1 Tiểu dẫn Chương 2 tập trung vận dụng cơ sở lí thuyết về ẩn dụ ý niệm ở chương 1 vào việc phân tích ngữ liệu tiếng Việt và tiếng Anh nhằm chỉ ra các ý niệm Nguồn được người Việt và người Anh sử dụng để ánh xạ làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. 2.2 Ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG trong tiếng Việt và tiếng Anh 2.2.1 Ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG trong tiếng Việt Người Việt sử dụng 7 miền ý niệm Nguồn ánh xạ lên miền ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: CON NGƯỜI, CƠ THỂ CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, ĐỒ VẬT, CÂY CỎ, SỰ THỐNG NHẤT, SỰ ĐỔI THAY. 2.2.1.1 QUÊ HƯƠNG LÀ CON NGƯỜI 9 QUÊ HƯƠNG được người Việt xem là NGƯỜI CHA, NGƯỜI MẸ, NGƯỜI THẦY, NGƯỜI CON GÁI, NGƯỜI LÍNH. QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CHA/NGƯỜI MẸ Người Việt đã sử dụng các thuộc tính sinh học sinh ra, nuôi dưỡng và thuộc tính thuộc về chức năng xã hội của những người làm cha, làm mẹ bồi đắp ước mơ cho con, chăm chút, dặn dò, khuyên nhủ để ánh xạ lên ý niệm QUÊ HƯƠNG: Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi (Đỗ Trung Quân, Quê hương); Một thời nuôi dưỡng tuổi thơ/ Quê hương bồi đắp ước mơ trong lành (Trần Thanh Hải); Quê hương chăm chút bước anh đi (Thép mới, Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn); Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/ Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm (Chế Lan Viên, Kết nạp Đảng trên quê mẹ). QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI THẦY Người Việt đã rút một số thuộc tính khuyên nhủ, dạy bảo, nuôi dưỡng, bồi đắp ước mơ cho mọi người vốn là các chức năng cơ bản của NGƯỜI THẦY trong xã hội Việt Nam để ánh xạ làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Một thời nuôi dưỡng tuổi thơ/ Quê hương bồi đắp ước mơ trong lành (Trần Thanh Hải, Về thăm quê Bác). QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CON GÁI Người Việt đã rút một số thuộc tính thuộc về cấu tạo cơ thể, hình dáng bên ngoài như dáng của cô Tố nữ và tính cách son sắt, chung thủy từ ý niệm Nguồn NGƯỜI CON GÁI để ánh xạ làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương (Chế Lan Viên, Người thay đổi đời tôi, người thay đổi quê tôi), Lòng yêu nước yêu quê hương son sắt oai hùng (Minh Trí, Đất nước tôi hôm qua, hôm nay, ngày mai) QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI LÍNH Người Việt đã rút một số thuộc tính thuộc về hoạt động đặc trưng và tính cách như chiến đấu, anh dũng, ngoan cường từ ý niệm Nguồn NGƯỜI LÍNH để ánh xạ làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Mỹ toan cướp biển, cướp trời/ Quê ta anh dũng tuyệt vời, đánh tan (Tố Hữu, Nhật ký đường về); Ôi đồng bằng!/ Quê hương anh dũng/ Ngày đêm không ngớt súng/ Bộ đội ta công đồn (Đồng bằng, quê hương chiến đấu, Hoàng Trung Thông); Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường/ Giành một ngày toàn thắng (Hoàng Hà, Đất nước trọn niềm vui). 2.2.1.2 QUÊ HƯƠNG LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI Người Việt đã rút một số thuộc tính thân mình, các bộ phận cơ thể, máu, thịt từ ý niệm Nguồn CƠ THỂ CON NGƯỜI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích 10 QUÊ HƯƠNG: Chưa lành đâu, những vết thương/ Nửa mình còn nhức, hỡi quê hương! (Tố Hữu, Việt Nam máu và hoa); Ôi non xanh nước biếc, luôn luôn dìu chân ta bước tiếp/ Nghĩ cũng lắm gian nguy, xong khi mà quê hương rớm máu (Vũ Trọng Hối, Đường tôi đi dài theo đất nước); Huế quê mình, núi Ngự sông Hương/ Quê hương thương đau, ba mươi năm đẫm máu (Tố Hữu, Anh cùng em); Nếu núi là con trai, thì bể là phần yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái (Chế Lan Viên, Cành phong lan biển). 2.2.1.3 QUÊ HƯƠNG LÀ VẬT CHỨA QUÊ HƯƠNG được người Việt xem là một vật chứa khổng lồ, chứa đựng con người, dòng sông, động vật, các truyền thống văn hóa dân tộc: Quê hương có những thiếu niên (Vĩnh Mai, Quê hương); Quê hương tôi có con sông xanh biếc (Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương); Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống). 2.2.1.4 QUÊ HƯƠNG LÀ ĐỒ VẬT Người Việt đã sử dụng các đồ vật cụ thể như tòa nhà, lửa, ánh sáng, thức ăn, cây cầu tre, con diều, con đò nhỏ, con thuyền để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Vượt gian khó chung vai nhau qua những đêm dài/ Giữ biên cương, xây quê hương đẹp giàu sáng tươi (Minh Trí, Đất nước tôi hôm qua, hôm nay, ngày mai); Vẫn xa nước lòng nay sao rạng rỡ/ Lửa quê hương soi ấm tấm lòng con (Huy Cận, Tổ quốc); Chẳng mất được Trung du đắng đót vị quê nhà! (Bằng Việt, Trung du); Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che; Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng; Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông (Đỗ Trung Quân, Quê hương). 2.2.1.5 QUÊ HƯƠNG LÀ CÂY CỎ Người Việt đã sử dụng các loại cây, loại hoa chùm khế ngọt, hoa bí, bờ dâm bụt, giậu mồng tơi, hoa sen vốn là những thuộc tính của ý niệm Nguồn CÂY CỎ để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là vàng hoa bí/ Là hồng tím giậu mồng tơi/ Là đỏ đôi bờ dâm bụt/ Màu hoa sen trắng tinh khôi (Đỗ Trung Quân, Quê hương); Đồng ngô non, phơi phới tuổi xuân xanh/ Quê hương em đây, mùa ngọt lành (Tố Hữu, Giữa ngày xuân). 2.2.1.6 QUÊ HƯƠNG LÀ SỰ THỐNG NHẤT Người Việt đã rút một số thuộc tính của một thực thể thống nhất nguyên vẹn, chia cắt, nối từ ý niệm Nguồn SỰ THỐNG NHẤT để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Còn nguyên vẹn nửa không, làng hỡi quê làng 11 (Võ Văn Trực, Vắng bạn); Quê hương từ ngày chia cắt (Vĩnh Mai, Quê hương); Yêu nhau vạn dặm vẫn gần/ Bác Hồ đã nối bao lần hai quê (Nguyễn Xuân Sanh, Năm trước Bác Hồ đến thăm đây) 2.2.1.7 QUÊ HƯƠNG LÀ SỰ ĐỔI THAY Người Việt rút một số thuộc tính thay đổi, trở thành, may áo mới, trường cửu từ ý niệm Nguồn SỰ ĐỔI THAY để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: Quê hương trường cửu cùng Non Nước/ Ba chục năm trời vẹn ý thơ (Quang Dũng, Nhớ một bóng núi); Quê hương tôi, bao nhiêu thay đổi/ Ngọn tầm vông, nón cối buổi đầu (Hoàng Tố Nguyên, Gò me); Quê hương bỗng trở thành khoảng trống lặng im/ Con cò bay lạ lẫm cánh đồng quê (Thu Bồn, Mẹ). 2.2.2 Ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG trong tiếng Anh Người Anh đã sử dụng 6 miền ý niệm Nguồn để ánh xạ lên miền ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG: CON NGƯỜI, CƠ THỂ CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, ĐỒ VẬT, CÂY CỎ, SỰ THỐNG NHẤT 2.2.2.1 QUÊ HƯƠNG LÀ CON NGƯỜI Người Anh sử dụng thuộc tính sinh học thức giấc, khổ đau và hình dáng bên ngoài gầy gộc, trông rất xa lạ của con người để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG.  The whole country was awake, and the dogs barked upon us. Cả vùng quê thức giấc, những con chó sủa chúng tôi. (Charles Dickens, Oliver Twist, tr.347)  All down the line from there the aspect of the country was gaunt and unfamiliar; Wimbledon particularly had suffered. Từ tất cả các hướng, diện mạo của quê hương gầy gộc và xa lạ, đặc biệt là Wimbledon phải chịu khổ đau. (H. G. Wells, tr.282)  On the second day after leaving our canoes, we found that the whole character of the country changed. Ngày thứ hai sau khi ra khỏi xuồng, chúng tôi thấy rằng toàn bộ tính cách của quê hương thay đổi. (Sir Arthur Conan Doyle, tr.132) 2.2.2.2 QUÊ HƯƠNG LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI Người Anh đã sử dụng một số bộ phận trái tim, gương mặt, bầu ngực từ ý niệm Nguồn CƠ THỂ CON NGƯỜI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG. Here in the country’s heart Where the grass is green, 12 Life is the same sweet life As it e’er hath been. Ở nơi trái tim của quê hương Nơi cỏ xanh tươi Cuộc sống thật ngọt ngào Như đã từng xảy ra (Norman Rowland Gale, The Country Faith) Like that kind face and breast where I was nursed Is my poor land, the Niobe of isles. Như gương mặt phúc hậu và bầu ngực nuôi tôi lớn Đó là quê hương tôi, đảo Niobe (John Boyle O’Reilly, My Native Land) 2.2.2.3 QUÊ HƯƠNG LÀ VẬT CHỨA Người Anh đã rút một số thuộc tính từ ý niệm Nguồn VẬT CHỨA chứa đựng, có thể đi vào, đi ra và một số thuộc tính từ ý niệm BỀ MẶT một dải đất, bằng phẳng để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG.  “They whisper at the fountain,” resumed the countryman, “that he is brought down into our country to be executed on the spot”. Người đàn ông ở quê nói tiếp “Họ thì thầm ở đài phun nước rằng anh ta được đưa đến quê chúng tôi để thi hành án tử hình ngay tại chỗ. (Charles Dickens, A Tale of Two Cities, tr.299)  Oh, surely the spirit that inhabits and guards this place has a soul more in harmony with man than those who pile the glacier or retire to the inaccessible peaks of the mountains of our own country.’ Ồ, chắc chắn linh hồn cư ngụ và canh giữ nơi này có một tâm hồn hòa hợp với con người hơn là những người vượt qua các sông băng hoặc đặt chân tới những đỉnh núi của quê hương chúng ta mà ít người có thể tới được. (Mary Wollstonecraft Shelly, The Modern Prometheus, tr.235) 2.2.2.4 QUÊ HƯƠNG LÀ ĐỒ VẬT Người Anh đã sử dụng các loại đồ vật cụ thể tòa nhà, máy móc, để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG.  “They resided,” said Mr. Brownlow, without seeming to hear the interruption, “in a part of the country to which your father in his wandering had repaired, and where he had taken up his abode”. 13 Dường như không nghe được sự chen ngang, ông Brownlow nói “Họ cư trú, ở một vùng quê mà cha anh, trong khi đi lang thang, đã sửa chữa và lấy đó làm nơi ở của mình”. (Charles Dickens, Oliver Twist, tr.712) 2.2.2.5 QUÊ HƯƠNG LÀ CÂY CỎ Người Anh đã rút các thuộc tính thuộc về hình dáng bên ngoài rất tươi, rất xanh và các đặc điểm sinh học từ ý niệm Nguồn CÂY CỎ ra hoa, kết trái, phát triển, vươn lên để ánh xạ, làm rõ ý niệm QUÊ HƯƠNG.  The country appeared so fresh, so green, so flourishing, everything being in a constant verdure or flourish of spring that it looked like a planted garden. Vùng quê hiện ra rất tươi, rất xanh, rất tươi tốt, tất cả mọi thứ đang xanh như màu xanh của cây cỏ phát triển mạnh vào mùa xuân, như một khu vườn. (Daniel Defoe, Robinson Crusoe, tr.158, 159) 2.2.2.6 QUÊ HƯƠNG LÀ SỰ THỐNG NHẤT Người Anh đã sử dụng các thuộc tính của một thực thể thống nhất tổng thể, một nửa, từng phần của ý niệm Nguồn SỰ THỐNG NHẤT để ánh xạ, làm rõ ý niệm QUÊ HƯƠNG. Ngoài ra, xét từ khía cạnh nghiệm thân, người Anh xem quê hương như một con người, các bộ phận cơ thể con người, đây là các dạng vật chứa đặc biệt.  Why, the river rises and falls the best part of forty feet, and half the country is a morass that you can’t pass over. Tại sao, mực nước sông lên và cao nhất khoảng bốn mươi feet và một nửa quê hương là một đầm lầy bạn không thể vượt qua. (Sir Arthur Conan Doyle, tr.94)  “May the Devil carry away these idiots! How do you call the man? You know all the men of this part of the country. Who was he?”. “Your clemency, Monseigneur! He was not of this part of the country”. Xin quỉ dữ mang những kẻ ngốc này đi! Anh gọi người đàn ông đó như thế nào? Anh biết tất cả những người đàn ông ở vùng này. Anh ta là ai? “Xin ông thứ lỗi! Anh ta không phải người vùng này”. (Charles Dickens, A Tale of Two Cities, tr.201) 2.2.3 Tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về QUÊ HƯƠNG 2.2.3.1 Những tương đồng trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về QUÊ HƯƠNG 14 - Người Việt và người Anh sử dụng các ý niệm Nguồn CON NGƯỜI, VẬT CHỨA và SỰ THỐNG NHẤT nhiều nhất để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG. - Ở mức độ tổng quát, tri nhận của người Việt và người Anh có nhiều nét tương đồng nhau. Hầu hết các ý niệm Nguồn được người Việt sử dụng để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG cũng được người Anh sử dụng và ngược lại. 2.2.3.2 Những dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về QUÊ HƯƠNG - CON NGƯỜI là ý niệm Nguồn được người Việt sử dụng nhiều nhất, trong khi đó, VẬT CHỨA là ý niệm Nguồn được người Anh sử dụng nhiều nhất để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích QUÊ HƯƠNG, - SỰ ĐỔI THAY là một ý niệm Nguồn quan trọng trong tri nhận của người Việt nhưng hoàn toàn không được người Anh sử dụng làm ý niệm Nguồn để ánh xạ lên ý niệm QUÊ HƯƠNG. - Ở tầng tri nhận cụ thể, tri nhận của người Việt đối với ý niệm QUÊ HƯƠNG đa dạng, phong phú và cụ thể hơn tri nhận của người Anh. 2.3 Ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh 2.3.1 Ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt Người Việt đã sử dụng 6 miền ý niệm Nguồn ánh xạ lên miền ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: CON NGƯỜI, CƠ THỂ CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, ĐỒ VẬT, SỰ THỐNG NHẤT, CÂY CỎ. 2.3.1.1 ĐẤT NƯỚC LÀ CON NGƯỜI ĐẤT NƯỚC được người Việt xem như NGƯỜI CHA, NGƯỜI MẸ, NGƯỜI CON GÁI, NGƯỜI LÍNH. ĐẤT NƯỚC LÀ NGƯỜI CHA/MẸ Người Việt đã rút cả các thuộc tính sinh học như trở dạ, sinh đẻ, nuôi con, chở che và các thuộc tính xã hội giục giã, không bao giờ ngơi nghỉ từ ý niệm Nguồn NGƯỜI CHA, NGƯỜI MẸ để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Mẹ là đất nước, tháng ngày của con… (Trần Đăng Khoa, Mẹ ốm); Yêu đất nước đôi vai càng không nghỉ (Nguyễn Viết Lãm, Hạ Long, đêm bốc vác). ĐẤT NƯỚC LÀ NGƯỜI CON GÁI Người Việt đã rút các thuộc tính thuộc về hình dáng thon thả và thuộc về tính cách chịu nhiều vất vả, thủy chung từ ý niệm Nguồn NGƯỜI CON GÁI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu (Phạm Minh Tuấn, Đất nước); Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần (Nguyễn Đình Thi, Nhớ). 15 ĐẤT NƯỚC LÀ NGƯỜI LÍNH Người Việt đã rút một số thuộc tính thuộc về tính cách anh hùng, anh dũng, bền gan, hành quân thần tốc, vào trận, tiến lên vùn vụt từ ý niệm Nguồn NGƯỜI LÍNH để ánh xạ, làm rõ ý niệm ĐẤT NƯỚC: Trời ơi, đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta anh hùng quá (Dương Thị Xuân Quý, Một đoạn đường Trường Sơn); Tổ quốc ta ba mươi ba năm đau khổ gian nan bền gan kháng chiến/ Tiến lên!/ Toàn thắng ắt về ta (Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân); Ta nghe rõ: Mỗi giờ mỗi phút/ Cả đất nước đang tiến lên vùn vụt (Tố Hữu, Trên miền Bắc mùa xuân); 2.3.1.2 ĐẤT NƯỚC LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI Người Việt rút các thuộc tính của toàn bộ thân thể và các bộ phận cơ thể máu xương, máu thịt, trái tim, tế bào, làn da, núm ruột từ ý niệm Nguồn CƠ THỂ CON NGƯỜI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa (Tố Hữu, Vui thế hôm nay); Lịch sử dạy ta rằng đảo, sóng Biển Đông/ Là máu thịt của giang sơn Tổ quốc, (Định mệnh, Hà Văn Thịnh); Cầu ửng da non/ Hồng hào đất nước (Minh Huệ, Cầu mới. 2.3.1.3 ĐẤT NƯỚC LÀ VẬT CHỨA Người Việt đã rút một số thuộc tính của ý niệm VẬT CHỨA và BỀ MẶT để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Tôi đã thấy rồi Đất nước/ Còn những túp lều xiêu quẹo (Lê Hoài Nguyên, Người đốt lửa không ngủ); Tôi đi trên đất nước thân yêu/ Không biết bao nhiêu, chỉ biết nhiều/ngói mới (Xuân Diệu, Ngói mới); Ta sẽ vượt hết chiều dài đất nước/ Để mà ngắm để mà xem hết mình đất nước (Chính Hữu, Truy kích); Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp/ Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu). 2.3.1.4 ĐẤT NƯỚC LÀ ĐỒ VẬT Người Việt dùng các loại đồ vật tòa nhà, chiếc lưỡi câu, mái nhà và các thuộc tính liên quan đến đồ vật mua, bán, cướp, mất để ánh xạ, làm rõ ý niệm ĐẤT NƯỚC: Quyết tâm xây dựng lại tương lai đất nước (Lê Đức Thọ, Trận thắng cuối cùng); Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Móng Cái Cà Mau hình chiếc lưỡi câu (Nguyễn Ngọc Phú, Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển); Đồ ăn cướp! Chúng bay không cướp nổi/ Đất nước này! (Trần Đăng Khoa, Khúc bốn - Khúc nước lửa). 2.3.1.5 ĐẤT NƯỚC LÀ SỰ THỐNG NHẤT Người Việt đã sử dụng thuộc tính của một thực thể thống nhất như thống nhất, chia cắt từ ý niệm Nguồn SỰ THỐNG NHẤT để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Đất nước chia đôi có ngày thống nhất/ Sức khỏe 16 tiêu tan có lúc phục hồi (Chế Lan Viên, Nay đã phù sa); Bao miền đất nước tôi qua/ Nương dâu, ruộng lúa, đồi trà, rẫy khoai (Nguyễn Chí Hiếu, Núi đá và phù sa). 2.3.1.6 ĐẤT NƯỚC LÀ CÂY CỎ Người Việt rút các thuộc tính về hình dáng có cành, tươi xanh và các đặc tính sinh học trổ mầm, nở hoa từ ý niệm Nguồn CÂY CỎ để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: Hoa tuổi trẻ nở tươi trên cành đất nước (Đông Phong, Bình Minh); Đất nước này vạn đại tươi xanh/ Như rừng đước, cháy rồi, mọc lại (Tố Hữu, Với Đảng mùa xuân); Đất nước trổ mầm cho triệu triệu niềm tin (Bằng Việt, Viết cho em, dọc đường Trường Sơn). 2.3.2 Ẩn dụ ý niệm ĐẤT NƯỚC trong tiếng Anh Người Anh đã sử dụng 6 miền ý niệm Nguồn ánh xạ lên miền ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC: CON NGƯỜI, CƠ THỂ CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, ĐỒ VẬT, SỰ THỐNG NHẤT, NỀN KINH TẾ 2.3.2.1 ĐẤT NƯỚC LÀ CON NGƯỜI Người Anh rút các thuộc tính thuộc về hoạt động tinh thần cảm xúc, mơ ước, cưu mang từ ý niệm Nguồn CON NGƯỜI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC.  We must begin to get documents about the feeling of the country, as well as the machine-breaking and general distress. Chúng tôi phải bắt đầu thu thập tài liệu về cảm giác của đất nước cũng như sự hỏng hóc của máy móc và tình trạng đau khổ chung. (George Eliot, Middlemarch, tr.817)  My country would never dream of supplying such material or sanctioning its supply by a friendly state. Đất nước tôi sẽ không bao giờ mơ về việc cung cấp trang thiết bị như vậy hoặc phê chuẩn việc cung cấp bởi một quốc gia thân thiện. (Frederick Forsyth, The deceiver, tr.192) 2.3.2.2 ĐẤT NƯỚC LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI Người Anh sử dụng các thuộc tính của cơ thể con người duỗi ra, mang nhiều bệnh tật, đổ máu từ ý niệm Nguồn CƠ THỂ CON NGƯỜI để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC.  The heart of the country was thoroughly devoted to these establishments, and any sign of their being in danger would bring in support from the most unexpected quarters. Trái tim của đất nước được cống hiến hoàn toàn cho thể chế và bất kỳ dấu hiệu của sự nguy hiểm sẽ mang lại sự hỗ trợ từ các khu vực lân cận. 17 (Samuel Butler, Over the Range, tr.183)  Hence they put them up with a light heart on the cackling of their coteries, and they and their children had to live, often enough, with some wordy windbag whose cowardice had cost the country untold loss in blood and money. Vì vậy, với tấm lòng cao thượng và bất chấp những lời dị nghị của hàng xóm, họ đã cho những vị khách ở nhờ cho dù họ và con cái của mình phải sống thiếu thốn. Chính sự hèn nhát đó đã khiến đất nước tổn thất không biết bao nhiêu xương máu và tiền bạc. (Samuel Butler, Over the Range, tr.163) 2.3.2.3 ĐẤT NƯỚC LÀ VẬT CHỨA Người Anh sử dụng một số thuộc tính của VẬT CHỨA có thể đi vào, đi ra, sống trong đất nước, trong đất nước có đồng bằng, các dãy núi đá lởm chởm và một số thuộc tính của BỀ MẶT trên khắp đất nước, đất nước rộng lớn để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC.  I told her so, and told her that I would spend any money or take any pains to drive him out of that country. Tôi nói với cô ấy như vậy và cho cô ấy biết rằng tôi sẽ bỏ tiền ra hoặc chịu mọi khổ đau để đuổi ông ta ra khỏi đất nước này. (Charles Dickens, Great Expectations, tr.504)  ‘Certainly,’ was the answer; ‘no man in the country stands higher.’ Câu trả lời là “Chắc chắn không ai ở đất nước này có vị trí cao hơn” (Samuel Butler, Over the Range, tr.102) 2.3.2.4 ĐẤT NƯỚC LÀ ĐỒ VẬT Người Anh sử dụng đặc điểm thuộc về cấu trúc của TÒA NHÀ, có cửa để ánh xạ, làm rõ ý niệm Đích ĐẤT NƯỚC. Người Anh cũng xem ĐẤT NƯỚC là một loại đồ vật vì có thể hủy hoại, phá hủy đất nước.  Then came the reactionary civil wars which nearly ruined the country, but which it would be beyond my present scope to describe. Các cuộc chiến tranh dân sự gần như hủy hoại đất nước nhưng vượt ra ngoài phạm vi mô tả của tôi. (Samuel Butler, Over the Range, tr.321)  “Terry, as we sit here, his country is being pulverized”. “Terry, khi chúng ta ngồi đây, đất nước của anh đang bị hủy hoại”. (Frederick Forsyth, tr.434) 18  2.3.2.5 ĐẤT NƯỚC LÀ SỰ THỐNG NHẤT Người Anh sử dụng thuộc tính của một thực thể thống nhất thống nhất, toàn bộ đất nước, miền đất nước để ánh xạ, làm rõ ý niệm ĐẤT NƯỚC.  In the first place, Iraq is not nor ever was a united country. Đầu tiên có thể thấy rằng Iraq không phải và cũng không bao giờ là một đất nước thống nhất. (Frederick Forsyth, The deceiver, tr.506)  Otherwise I would rather stay in this part of the country than go away. Nếu không thì tôi thà ở lại trong phần này của đất nước thay vì ra đi. (George Eliot, Middlemarch, tr.653) 2.3.2.6 ĐẤT NƯỚC LÀ NỀN KINH TẾ Người Anh sử dụng các thuộc tính phát triển, thịnh vượng, vốn thường dùng để mô tả nền kinh tế của một quốc gia để ánh xạ, làm rõ ý niệm ĐẤT NƯỚC.  So nothing could be more natural than for a developing country to want to study bilharzia, beri-beri, yellow fever, malaria, cholera, typhoid, or hepatitis. Vậy là không có gì có thể là tự nhiên hơn để một đất nước đang phát triển muốn nghiên cứu về bệnh giun sán, bệnh tê phù, bệnh sốt vàng da, sốt rét, tả, thương hàn hay viêm gan. (Frederick Forsyth, The Deceiver, tr.158) 2.3.3 Tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về ĐẤT NƯỚC 2.3.3.1 Những tương đồng trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về ĐẤT NƯỚC - Các ý niệm Nguồn CON NGƯỜI, VẬT CHỨA, SỰ THỐNG NHẤT được người Việt và người Anh sử dụng nhiều nhất để ánh xạ, làm rõ ý niệm ĐẤT NƯỚC. - Ở mức độ tổng quát, tri nhận của người Việt và người Anh tương đối giống nhau. Hầu hết các ý niệm Nguồn được người Việt sử dụng để tri nhận ĐẤT NƯỚC cũng đều được người Anh sử dụng và ngược lại. 2.3.3.2 Những dị biệt trong tri nhận của người Việt và người Anh về ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI là ý niệm cơ bản, chi phối tri nhận của người Việt, VẬT CHỨA là ý niệm cơ bản, chi phối tri nhận của người Anh. 19 - ĐỒ VẬT là ý niệm Nguồn quan trọng được người Việt sử dụng để ánh xạ lên ý niệm ĐẤT NƯỚC, nhưng người Anh rất ít sử dụng ý niệm này làm ý niệm Nguồn. Ngược lại, người Anh sử dụng ý niệm Nguồn NỀN KINH TẾ trong khi người Việt hoàn toàn sử dụng ý niệm này. - Tri nhận của người Việt đối với ý niệm ĐẤT NƯỚC đa dạng, phong phú và cụ thể hơn tri nhận của người Anh. 2.4 Tiểu kết Chương 2 đã xác định các ý niệm Nguồn được người Việt và người Anh sử dụng để ánh xạ làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC. So sánh và chỉ ra một số tương đồng và dị biệt trong tri nhận QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC của người Việt và người Anh. Chương 3: MÔ HÌNH TRI NHẬN QUÊ HƯƠNG VÀ MÔ HÌNH TRI NHẬN ĐẤT NƯỚC TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH 3.1 Tiểu dẫn Trên cơ sở tổng hợp các ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC được trình bày ở chương 2 và vận dụng cơ sở lí thuyết về một số mô hình tri nhận lí tưởng được trình bày ở chương 1, luận án xây dựng các mô hình tri nhận lí tưởng, đóng vai trò là cấu trúc toàn thể qua đó làm rõ hai ý niệm QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC trong tiếng Việt và tiếng Anh. 3.2 Mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG trong tiếng Việt và tiếng Anh 3.2.1 Mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG trong tiếng Việt Có thể tổng hợp thành sáu mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG: Chuỗi mô hình con người (mô hình con người, mô hình sinh sản, mô hình nuôi dưỡng, mô hình gia đình), mô hình vật chứa, mô hình môi trường. 3.2.1.1 Mô hình con người Tập hợp các ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CHA, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI MẸ, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI THẦY, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CON GÁI, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI LÍNH, QUÊ HƯƠNG LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI có thể khái quát thành mô hình con người. 3.2.1.2 Mô hình sinh sản QUÊ HƯƠNG vừa có chức năng sinh học sinh đẻ, nuôi nấng, chăm chút, vừa có chức năng sản sinh của người mẹ Việt Nam, sinh ra tất cả mọi người, sản vật, các truyền thống văn hóa, v.v. Khái quát hóa ẩn dụ ý niệm trên đây và vận dụng lí thuyết về mô hình sinh sản của Lakoff và Johnson (1980) có thể rút ra mô hình sinh sản. 3.2.1.3 Mô hình nuôi dưỡng 20 Tập hợp các ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CHA, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI MẸ, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI THẦY có thể khái quát hóa thành mô hình nuôi dưỡng. 3.2.1.4 Mô hình gia đình Tập hợp 2 ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI CHA, QUÊ HƯƠNG LÀ NGƯỜI MẸ có thể khái quát hóa thành mô hình gia đình. 3.2.1.5 Mô hình vật chứa Xét từ khía cạnh nghiệm thân, người Việt xem QUÊ HƯƠNG là con người, cơ thể con người, là các dạng vật chứa đặc biệt. Người Việt cũng xem QUÊ HƯƠNG là vật chứa, bề mặt của vật chứa và chất lỏng trong vật chứa. Tập hợp các ẩn dụ ý niệm trên đây có thể khái quát thành mô hình vật chứa. 3.2.1.6 Mô hình môi trường QUÊ HƯƠNG được người Việt xem như một mô hình môi trường thu nhỏ, trong đó có con người, các loại đồ vật do con người làm ra, cây cỏ, ánh sáng, lửa, nhiệt, v.v. 3.2.2 Mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG trong tiếng Anh Có thể tổng hợp thành 3 mô hình tri nhận QUÊ HƯƠNG: mô hình con người, mô hình vật chứa và mô hình môi trường. 3.2.2.1 Mô hình con người Tập hợp 2 ẩn dụ ý niệm QUÊ HƯƠNG LÀ CON NGƯỜI và QUÊ HƯƠNG LÀ CƠ THỂ CON NGƯỜI có thể khái quát thành mô hình con người. 3.2.2.2 Mô hình vật chứa Xét từ khía cạnh nghiệm thân, người Anh xem QUÊ HƯƠNG là con người, cơ thể con người, là các dạng vật chứa đặc biệt. Người Anh cũng xem QUÊ HƯƠNG là vật chứa, bề mặt của vật chứa. Tập hợp các ẩn dụ ý niệm trên đây có thể khái quát thành mô hình vật chứa. 3.2.2.3 Mô hình môi trường Người Anh xem QUÊ HƯƠNG là một mô hình môi trường thu nhỏ trong đó có con người, đồ vật, cây cỏ, lửa, ánh sáng. 3.2.3 Tương đồng và dị biệt trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về QUÊ HƯƠNG 3.2.3.1 Những tương đồng trong lối tri nhận của người Việt và người Anh về QUÊ HƯƠNG - Ở mức độ tổng quát, hầu hết các mô hình tri nhận được người Việt sử dụng cũng đều được người Anh sử dụng và ngược lại.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan