Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò của người phụ nữ tro...

Tài liệu Luận văn ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hoá ở tp. long xuyên, tỉnh an giang hiện nay

.PDF
82
527
59

Mô tả:

MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thế kỷ XXI với những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ mà đặc điểm nổi bật là tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và sự toàn cầu hóa về kinh tế, đang kéo theo nhiều biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội, sinh hoạt văn hóa và tinh thần, con người được giải phóng và vai trò cá thể được đề cao. Hơn nữa, trong lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh rằng xã hội sẽ không có những bước tiến ổn định, vững chắc nếu vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là phụ nữ bị áp bức hoặc bị hạn chế vươn lên. Chính vì vậy, tạo quyền bình đẳng cho phụ nữ đã trở thành mục tiêu phát triển của các quốc gia và điều này đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc của nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới một cách toàn diện, đầy đủ vẫn là lý tưởng mà nhân loại đã, đang và sẽ theo đuổi. Dù thế giới đã có nhiều biến đổi to lớn, song, vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được thực sự diễn ra như mong muốn của chúng ta. Ngay ở những nước phát triển dù đời sống cao, trình độ học vấn cao, nhận thức vấn đề nhạy bén, tư duy thoáng đạt nhưng sự bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại. Ở những nước chậm, kém phát triển do điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ học vấn thấp; tư duy cổ hủ, trì trệ, phong tục tập quán, thói quen lạc hậu còn tồn tại nhiều, cho nên tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra khá phổ biến, thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, mọi thành phần trong xã hội. Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là sự phát triển của các nước chậm, kém phát triển nói riêng như: nền kinh tế càng ngày càng tụt hậu xa hơn so với các nước khác, chất lượng cuộc sống thấp, đời sống nhân dân khổ cực, bệnh tật, đói nghèo gia tăng; phụ nữ, trẻ em không được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ tử vong cao…Do đó, đấu tranh vì bình đẳng giới đã và đang 1 trở thành một phong trào rộng khắp trên phạm vi toàn thế giới cả về phương diện lý thuyết và phương diện thực tiễn. Tại Điều 26 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, đã khẳng định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, điều đó cho thấy bình đẳng giới là một vấn đề rất quan trọng được cả xã hội quan tâm. Ở Việt Nam, chủ trương bình đẳng giới được đề ra ngay từ khi Đảng Cộng sản ra đời. Chính sách bình đẳng giới thật sự là một quá trình xuyên suốt nhằm nâng cao vai trò và vị trí của người phụ nữ, được xã hội tôn trọng và pháp luật bảo vệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ phát triển tài năng và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội chú trọng nhiều hơn bằng những chương trình, dự án nâng cao năng lực cho người phụ nữ, bên cạnh đó việc thực hiện bình đẳng giới luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Hầu hết các địa phương thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn về giới đã góp phần làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, trong đó bình đẳng giới trong gia đình là yếu tố quan trọng tiến đến sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, trong gia đình vợ chồng có quyền bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ. Trong gia đình, mỗi thành viên đều có vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình nhưng trên thực tế, trong gia đình người phụ nữ là trung tâm, là chủ đạo góp phần to lớn trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Người phụ nữ có trách nhiệm rất lớn, họ là người vợ, người mẹ, là sợi dây nối kết tình cảm giữa các thành viên trong gia 2 đình và cùng với người chồng làm chủ gia đình, có vai trò to lớn trong việc xây dựng gia đình no ấm, văn minh, hạnh phúc và từ đó góp phần tạo dựng những thế hệ tương lai tốt đẹp, truyền nối và phát triển văn hóa gia đình, nâng cao văn hóa xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Long Xuyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đều quan tâm đến vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cho các gia đình và từng bước nâng cao vị trí, vai trò người phụ nữ trong gia đình. Tiêu biểu là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố và thu được những thành tựu đáng kể. Những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ thành phố Long Xuyên. Các bà, các mẹ, các chị đang từng ngày, từng giờ khẳng định vai trò, vị trí của mình không chỉ trong công việc xã hội mà còn trong cả gia đình, đồng thời vận động các gia đình khác cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, hướng tới xây dựng gia đình văn hóa đóng góp vào sự thành công chung trong sự nghiệp đổi mới của thành phố Long Xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế người đàn ông vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của người phụ nữ. Trong gia đình, thời gian làm việc của nữ thường dài hơn nam, các kết quả thống kê cho thấy, thời gian làm việc của phụ nữ luôn nhiều hơn của nam giới; sự chênh lệch này chủ yếu do người phụ nữ ngoài vai trò sản xuất và công tác còn đảm nhiệm chính công việc trong gia đình như: nội trợ, chăm sóc con cái. Do đó, người phụ nữ ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi, giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội; thời gian làm việc khá dài trong ngày cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài: “Ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò 3 của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay”. 2. Lịch sử nghiên cứu Gia đình và vai trò của người phụ nữ là vấn đề đã được nhiều nhà tư tưởng và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin quan tâm và nghiên cứu. Thêm vào đó, bình đẳng giới là một trong những nội dung quan trọng nhất của mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội. Bởi đây không chỉ là vấn đề nhận được sự quan tâm chung của cộng đồng thế giới mà còn xuất phát từ đặc điểm Việt Nam là một nước trong khu vực châu Á, vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của chế độ phong kiến, của tư tưởng trọng nam khinh nữ trong đời sống xã hội. Hiện nay với tâm huyết của các nhà khoa học cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều đề tài và công trình nghiên cứu khoa học về gia đình và vai trò của người phụ nữ trong những năm gần đây đã được triển khai. Nhiều trung tâm nghiên cứu về gia đình và phụ nữ được thành lập ở các trường đại học, ở các đô thị và thành phố lớn đã không chỉ cuốn hút phụ nữ mà còn có cả nam giới, không chỉ các nhà khoa học trong nước mà còn cả các nhà khoa học nước ngoài tham gia, như: - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. - Viện Nghiên cứu Phụ nữ thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam. - Khoa Xã hội học thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. - Bộ môn Nghiên cứu Giới thuộc Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. - Ban Lý luận Dân tộc và Giới thuộc Viện Chủ nghĩa Xã hội khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.... 4 Có nhiều tài liệu về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng: - “Phụ nữ nghèo nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường” (1996) (8), Nxb. Chính trị Quốc gia của Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Lân, nêu bật những khó khăn của phụ nữ nông thôn và những khuyến nghị khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xóa đói giảm nghèo, giúp phụ nữ nghèo nông thôn vươn lên. - “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới” (2002) (37), Nxb. Khoa học Xã hội của Giáo sư Lê Thi, cung cấp cho bạn đọc, những nhà làm khoa học, làm chính sách một số tài liệu tham khảo về tình hình gia đình Việt Nam, các mối quan hệ giữa các thành viên, đặc biệt là quan hệ giữa vợ và chồng trong bối cảnh đổi mới của đất nước, nhằm xây dựng được gia đình ấm no, hạnh phúc, vợ chồng tôn trọng, bình đẳng với nhau. - “Vấn đề phụ nữ và trẻ em thời kỳ 2001-2010” (2002) (53), của vụ Tổng hợp – Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Nhà xuất bản Lao động – Xã hội biên soạn, nhằm giúp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cán bộ làm công tác xã hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, hệ thống hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các giải pháp của Nhà nước và Chương trình hành động quốc gia trong lĩnh vực này. Tài liệu cũng cung cấp cho chúng ta đường hướng chính trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em thời kỳ 2001-2010. - “Nghiên cứu phụ nữ, giới và gia đình” (2003) (24), Nxb. Khoa học Xã hội của Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu, tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng những chính sách, những chiến lược phát triển của gia đình, đời sống người phụ nữ và bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam. - “Gia đình học” (2007) (29), Nxb. Lý luận chính trị của Giáo sư Đặng Cảnh Quang và Phó Giáo sư Lê Thị Quý, trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận về gia đình, phụ nữ, bình đẳng nam nữ. Tài liệu đã nêu ra nhiều thực 5 trạng bất bình đẳng giới trong gia đình từ đó đưa ra biện pháp nhằm đạt tới sự bình đẳng giới trong gia đình và nâng cao vai trò của gia đình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. - “Bình đẳng giới ở Việt Nam” (2008) (3), Nxb. Khoa học Xã hội, của Trần Thị Vân Anh – Nguyễn Hữu Minh, xác định tình trạng bình đẳng giới, góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu về vấn đề giới và bình đẳng giới, qua đó đáp ứng nhu cầu phân tích, đánh giá về bình đẳng giới ở nước ta. Ngoài ra, còn nhiều luận án, luận văn, bài viết dưới góc độ chuyên ngành triết học đã đi sâu nghiên cứu vấn đề phụ nữ, gia đình, đặc biệt là bình đẳng giới như luận án Tiến sĩ của tác giả Chu Thị Thoa “Bình đẳng giới trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay”, luận án Tiến sĩ Triết học của tác giả Dương Thị Minh “Gia đình Việt Nam và vai trò của người phụ nữ hiện nay”, luận án Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dung “Vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay – những vấn đề đặt ra và giải pháp”. Bên cạnh đó, còn có nhiều bài báo viết về phụ nữ đăng trên nhiều tạp chí như: Khoa học về phụ nữ, Nghiên cứu lý luận, Xã hội học,... Các công trình trên đề cập đến gia đình văn hóa và phụ nữ. Trong đó, vai trò phụ nữ trong việc giáo dục con cái, việc thực hiện các chức năng cơ bản cũng đã được đề cập và luận giải được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng. Các công trình nghiên cứu trên là những tư liệu tham khảo rất quan trọng để tôi thực hiện luận văn nhìn từ khía cạnh triết học của mình. Mặc dù, các công trình và các đề tài trên tuy đã đề cập đến gia đình và phụ nữ ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu về ảnh hưởng bất bình đẳng giới đối với việc phát huy vai trò người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa nói chung, đặc biệt là vai trò người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên nói riêng. 3. Mục đích nghiên cứu: 6 Trên cơ sở trình bày những vấn đề lý luận về giới, bình đẳng giới, luận văn làm rõ ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. 4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 4.1. Khách thể nghiên cứu Nghiên cứu về giới, bình đẳng giới và ảnh hưởng của bình đẳng giới đến gia đình. 4.2. Đối tượng nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu vai trò của phụ nữ và việc phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. 5. Giả thuyết khoa học Phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong gia đình đang bị xem nhẹ, các hiện tượng bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra hàng ngày. Một số người chưa nhận thức đúng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Cần làm rõ ảnh hưởng của bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay. 6. Nhiệm vụ nghiên cứu Làm rõ cơ sở khoa học của ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay. Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay. 7. Phạm vi nghiên cứu 7 Luận văn tập trung nghiên cứu bình đẳng giới, ảnh hưởng của bình đẳng giới đến vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên từ năm 2010 đến nay. 8. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp; phương pháp lôgic – lịch sử; quy nạp – diễn dịch; thống kê, điều tra xã hội học, đối chiếu để làm rõ mục đích mà luận văn đặt ra. 9. Luận điểm cơ bản và đóng góp mới của luận văn 9.1. Luận điểm cơ bản: Luận văn dựa trên hệ thống những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, quan đểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về giới, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Những cơ sở thực tiễn về thực trạng của bình đẳng giới và xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay. 9.2. Những đóng góp mới của luận văn: Hệ thống hóa những vấn đề lý luận về giới và bình đẳng giới; vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên. Đánh giá thực trạng bất bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong gia đình. Đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao ảnh hưởng bình đẳng giới đến việc phát huy vai trò trong xây dựng gia đình văn hóa ở thành phố Long Xuyên. 10. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương, 4 tiết. 8 CHƯƠNG I CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ẢNH HƯỞNG BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐẾN VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG HIỆN NAY 1.1. Cơ sở lý luận 1.1.1. Khái niệm giới và bình đẳng giới Theo Thông tin pháp luật dân sự, trong 20 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu nổi bật về cải thiện điều kiện sống của người dân và giảm chênh lệch giới. Việt Nam xếp hạng 80 trong số 136 quốc gia về chỉ số phát triển giới (GDI) và là quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất trong xóa bỏ khoảng cách giới ở khu vực Châu Á. Tuy nhiên, thành tựu này chưa mang tính đồng bộ, bởi không phải lúc nào nữ giới cũng có cơ hội cạnh tranh trên một sân chơi ngang bằng với nam giới, nhất là phụ nữ nông thôn. Phụ nữ nông thôn Việt Nam bị thiệt thòi vì sự vắng mặt của phụ nữ trong việc lập kế hoạch và trong các chính sách cấp cơ sở và vĩ mô là rất dễ thấy, các chính sách cũng như các phân bổ về nguồn vốn có xu hướng bỏ qua những nhu cầu của phụ nữ. Mặt khác, phụ nữ nông thôn thường không hiểu rõ các quyền về mặt pháp lý của mình do trình độ học vấn của họ còn thấp, cộng với khuôn mẫu xã hội truyền thống còn mang nặng tính phân biệt nam giới và phụ nữ. Những điều này dẫn đến hậu quả là phụ nữ thường bị “bỏ quên” trong công tác phát triển và trong quá trình phân bổ các lợi ích từ những sự thay đổi mà sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước mang lại. Theo Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP, 2006), vấn đề giới cần phải được quan tâm trong các chiến lược phát triển của mỗi quốc gia để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng hướng đến những mục tiêu phát triển xã hội. Do đó, quan tâm nghiên cứu vấn đề giới là công việc cần thiết trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội đất nước, vấn đề giới cần thiết 9 phải được quan tâm để đưa ra được những quyết định đúng đắn, mang tính nhạy cảm về giới, phải thường xuyên đánh giá khác biệt giới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội để làm cơ sở đề ra những giải pháp phát triển phù hợp mang tính bình đẳng. Theo Chương trình Bình đẳng giới khu vực Đông Nam Á (SEAGEP, 2001), giới và giới tính được định nghĩa như sau: Giới tính là sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam giới và phụ nữ không thể thay đổi được. Chỉ có một số khác biệt nhỏ về vai trò của nam và nữ về mặt sinh học và sinh lý trên cơ sở giới tính [18, tr.10]. Ví dụ như việc mang thai, sinh nở và sự khác biệt về sinh lý có thể là do các đặc điểm giới tính. Giới là sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam giới và phụ nữ như vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị. Vai trò giới được biết đến thông qua quá trình học tập và khác nhau theo từng nền văn hóa và thời gian, do vậy giới có thể thay đổi được [18, tr.10]. Ví dụ: nữ thường để tóc dài, nam thường để tóc ngắn. Giới là một thuật ngữ bắt nguồn từ bộ môn nhân loại học, nghiên cứu về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ, bao gồm việc phân chia lao động, các kiểu phân chia các nguồn và lợi ích. Giới đề cập theo các quy tắc, tiêu chuẩn theo nhóm tập thể chứ không theo thực tế cá nhân. Giới không ám chỉ khái niệm nam giới hoặc nữ giới với tư cách cá nhân mà nói tới quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới (tính tập thể). Quan hệ này thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh kinh tế và xã hội. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó [18, tr.21]. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói). Dưới góc độ khoa học pháp lý, 10 bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và gia đình. Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình được tự do tham gia vào các công việc trong gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được tự do những vai trò khác nhau, giống nhau trong gia đình tùy theo mục đích của mỗi người, được tự do lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người. 1.1.2. Khái niệm bất bình đẳng giới và các yếu tố ảnh hưởng đến bất bình đẳng giới trong gia đình Bất bình đẳng giới là không ngang bằng nhau về các cơ hội, lợi ích, địa vị xã hội, địa vị chính trị giữa nam và nữ trong xã hội, bất bình đẳng giới diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, phạm vi của đời sống xã hội [16, tr.91]. Bất bình đẳng giới còn là sự phân biệt đối xử giữa nam, nữ về vị thế, điều kiện và cơ hội bất lợi cho nam, nữ trong việc thực hiện quyền con người, đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển của gia đình, của đất nước. Hay nói cách khác, bất bình đẳng giới là sự đối xử khác biệt với nam giới và phụ nữ tạo nên các cơ hội khác nhau, sự tiếp cận các nguồn lực khác nhau, sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các dạng tồn tại bất bình đẳng giới: Gánh nặng công việc, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, những định kiến rập khuôn và bạo lực trên cơ sở giới tính. Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến bất bình đẳng giới trong gia đình: Thứ nhất, định kiến giới, là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ [16, tr.3]. Hay nói cách khác, đây là một tập hợp các đặc điểm được số đông gán cho là thuộc về 11 nam hay nữ, các quan niệm này đôi khi sai lầm và hạn chế những điều mà một cá nhân có thể làm. Những định kiến như trên không chỉ tồn tại nhiều từ thời xã hội phong kiến mà ở xã hội ngày nay thì những quan niệm đó vẫn còn hiện hữu. Định kiến giới vừa phản ánh sự bất bình đẳng giới, vừa củng cố duy trì thực trạng bất bình đẳng giới trong xã hội cũng như trong cuộc sống gia đình. Thể hiện rõ nhất của định kiến giới phải kể đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu bám rễ lâu đời. Mặc dù, những năm gần đây cái nhìn về “con gái” đã cởi mở hơn, vai trò và vị trí của phụ nữ được nâng cao và khẳng định hơn, nhưng tư tưởng thích “con trai” vẫn còn tồn tại nên nhiều người mẹ sẵn sàng phá thai nếu biết thai nhi là con gái bất chấp điều đó có hại như thế nào đến sức khỏe. Còn ở các vùng nông thôn không có khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm đã xảy ra tình trạng có nhiều gia đình vẫn tiếp tục sinh tiếp con thứ 4, thứ 5 cho đến khi sinh được con trai mới thôi. Trong quan niệm của gia đình người Việt Nam đặt ra những chuẩn mực riêng đối với người phụ nữ như chăm làm, duyên dáng, nấu ăn giỏi, biết may vá, thêu thùa,... Phụ nữ cũng không được khuyến khích tham gia vào lĩnh vực chính trị hay trở thành lãnh đạo, bởi theo quan niệm đó vẫn là vai trò của nam giới, khi phụ nữ tham gia vào những lĩnh vực này, họ sẽ mất đi vẻ “nữ tính”. Những chuẩn mực đó khiến chị em phụ nữ tập trung phát triển kỹ năng để sau này làm một người nội trợ giỏi hơn là chú ý đến những kỹ năng để sau này kiếm được việc làm tốt hay đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Thứ hai, theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên hiệp quốc thì bạo lực gia đình có thể được hiểu là “bất kỳ hành động nào dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại về thân thể, về tình dục tâm lý, hoặc đau khổ cho phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành vi như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong đời sống riêng tư”. Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là 12 dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Hành vi người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất, đây là dạng dễ nhận thấy và bị lên án mạnh mẽ nhất. Sở dĩ đa phần người đàn ông sử dụng “nắm đấm” để dạy vợ là do họ không nhận thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Vấn đề nổi cộm trong dư luận thời gian gần đây là tình trạng bạo lực tình dục, thường được thể hiện dưới dạng: cưỡng ép quan hệ tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm, quấy rối tình dục. Bên cạnh hành vi bạo lực về thể chất và bạo lực tình dục thì các hành vi về bạo lực tinh thần (người vợ bị chồng chửi mắng, xỉ vả, cấm tham gia công tác xã hội, cấm quan hệ với mọi người) và bạo lực về kinh tế (chồng kiểm soát vợ về thu nhập, không chịu đóng góp vào kinh tế chung của gia đình) cũng đang diễn ra ngày càng phổ biến gây ra hậu quả xấu đối với gia đình và toàn xã hội. Thứ ba, yếu tố giáo dục, địa lý và kinh tế cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới. Qua khảo sát, có thể thấy các gia đình thành thị tỷ lệ bất bình đẳng giới cũng ít hơn so với các gia đình nông thôn, nơi còn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến. Ở những nơi điều kiện giáo dục tốt, cả nam giới và nữ giới đều được tiếp xúc với kiến thức một cách dễ dàng, hiểu biết pháp luật thì tình trạng bất bình đẳng giới cũng được hạn chế hơn. Điều kiện kinh tế cũng ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là tình trạng vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Cuộc sống kinh tế khó khăn, áp lực cuộc sống nặng nề dẫn đến không làm chủ được bản thân và có những hành vi trái pháp luật. 1.1.3. Vai trò của bình đẳng giới trong gia đình Gia đình là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới. Gia đình đóng vai trò cơ bản trong việc định hình mối quan hệ giới ngay từ những buổi đầu của cuộc sống con người và truyền tải chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là nơi xã hội hóa vấn đề giới, truyền lại các kiến thức và kỹ năng về giới. Do vậy, nhận thức về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước 13 trong gia đình như ông bà, cha mẹ… tác động rất lớn đến nhận thức của các thế hệ kế tiếp. Trong gia đình, con người học những bài học đầu tiên về tôn ti trật tự, về sự tuân thủ, sự phân biệt đối xử. Con trai học cách quyết đoán và thống trị, con gái học sự phục tùng. Gia đình chính là nơi tạo ra tôn ti trật tự. Sự nhận thức không đúng đắn về giới và bình đẳng giới sẽ tạo ra những tôn ti trật tự trong đó làm giảm vị thế của nữ giới, dẫn đến bất bình đẳng giới ngay trong gia đình. Trong gia đình truyền thống, ông bà, cha mẹ truyền dạy cho cháu con những nguyên mẫu về các quan niệm và hành vi mong đợi được cho là thích hợp đối với mỗi giới và các kỳ vọng của xã hội đối với nam giới và nữ giới. Chẳng hạn, quan niệm chung về đặc điểm tính cách của nữ giới là dịu dàng, nam giới là mạnh mẽ, quyết đoán. Do vậy, phụ nữ được quan niệm là gắn liền với vai trò của người mẹ, người vợ, người nội trợ, là người phụ thuộc không quan tâm đến việc họ có thu nhập cao hay thấp; nam giới trở thành trụ cột về kinh tế, là tấm gương đạo đức, là chỗ dựa về tinh thần của phụ nữ và trẻ em, là người chủ gia đình, đại diện cho gia đình trong các quan hệ xã hội và cộng đồng. Những đặc tính trên của nữ giới hay nam giới thực chất là do xã hội gán cho hoặc mong đợi các cá nhân nam và nữ thực hiện. Quan niệm trên chính là những định kiến giới đã tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những định kiến giới đó đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới tồn tại phổ biến trong xã hội. Khi những định kiến giới tồn tại ở những người trực tiếp thường xuyên nuôi dạy trẻ như cha mẹ, ông bà… thì những quan niệm đó sẽ được thể hiện cụ thể thông qua các hành vi chăm sóc, giáo dục trẻ như: Trẻ em trai hay gái nên làm hoặc không nên làm gì, định hướng hoặc cho phép trẻ em trai và trẻ em gái được chơi các trò chơi theo giới, phân công lao động theo giới trong gia đình, đầu tư cho trẻ em trai và trẻ em gái khác nhau… Từ đó cho thấy, trẻ em có được đặc tính về giới mà đặc tính này sẽ xác định một loạt các hoạt động được xã hội chấp nhận cho nam và nữ cũng như mối quan hệ giữa chúng là từ gia đình. 14 Do vậy, nhận thức của các thế hệ đi trước trong gia đình về giới và bình đẳng giới không đúng đắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của các thế hệ sau. Điều này sẽ làm chậm mục tiêu bình đẳng giới. Ngược lại, khi các thế hệ đi trước nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp những nhận thức đúng đắn đó. Đồng thời, nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước sẽ quyết định hành vi của họ trong việc chăm sóc, giáo dục, đầu tư… cho thế hệ tương lai. Sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho trẻ em trai và trẻ em gái là như nhau. Con trai, con gái đều được tôn trọng như nhau. Sự đầu tư của cha mẹ, ông bà trong việc phát triển đối với con trai, con gái phải trên cơ sở năng lực, sở thích và cơ hội của mỗi người con mà không dựa trên giới tính. Sự phân công lao động trong gia đình phải trên cơ sở khả năng của mỗi người con mà không phụ thuộc vào giới tính… Hành động cụ thể trên sẽ tác động tích cực đến nhận thức, hành vi, cơ hội của thế hệ kế tiếp. Điều đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới. Phụ nữ bình đẳng với nam giới không chỉ góp sức cho xã hội giàu mạnh, văn minh mà trong gia đình là ngọn nguồn của hạnh phúc, đã sản sinh và nuôi dưỡng thế hệ trẻ tốt đẹp. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hóa của con người, của gia đình và hạnh phúc. Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong xã hội và trong gia đình, mang một ý nghĩa lớn đối với sự giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc. Văn hóa gia đình là nền tảng của văn hóa xã hội, ở đó vai trò của người phụ nữ với chức năng sàng lọc và giữ gìn văn hóa dân tộc mang ý nghĩa đặc biệt. Để phụ nữ làm được chức năng quan trọng này với gia đình và dân tộc, trước hết họ phải được bình đẳng để tiến bộ và theo kịp thời đại. Trong cuộc sống đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta lấy dân làm gốc, lấy việc trồng người để mưu cầu lợi ích trăm 15 năm. Trồng người là sự nghiệp tạo dựng thế hệ công dân mới có đức, có tài, thể lực tốt mà gia đình là cái nôi ban đầu và người mẹ đồng thời cũng là người thầy dạy con ngay từ thời mới còn chập chững. Người mẹ thời đại hôm nay đứng trước sứ mệnh sàng lọc và truyền nối để bảo vệ nền văn hóa dân tộc, trước tiên trong gia đình, bản thân người phụ nữ phải là người có đức, có trí, có lực. Họ phải được bình đẳng thì mới đạt được những chuẩn mực mang nội dung thời đại để từ đó xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái trở thành con người mới, công dân mới xã hội chủ nghĩa. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua thử thách. 1.1.4. Gia đình văn hóa và vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định một số tiêu chuẩn để đạt được danh hiệu “Gia đình văn hóa” tại Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011, cụ thể như sau [11,tr.2]: Thứ nhất, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân, không vi phạm pháp luật nhà nước, quy định của địa phương và quy ước cộng đồng; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội và tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội, phòng chống các loại tội phạm; tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các sinh hoạt, hội họp của cộng đồng. 16 Thứ hai, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng: vợ chồng bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ, không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới, vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan; gia đình nề nếp, ông bà, cha mẹ gương mẫu con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọc lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình; giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, nhà ở ngăn nắp, khuôn viên xanh-sạch-đẹp, sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nhèo, đoàn kết tương trợ xóm làng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, hưởng ứng các Phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Cuộc vận động Ngày Vì người nghèo và các hoạt động khác ở cộng đồng. Thứ ba, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động “xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng; kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao. Gia đình văn hóa là danh hiệu để phong tặng cho những gia đình thực hiện tốt các tiêu chuẩn đặt ra. Danh hiệu này chỉ phẩm chất của gia đình, nói lên nếp sống có văn hóa trong gia đình. Gia đình văn hóa được xem là một kiểu gia đình mới không bị trùng lắp, rập khuôn theo kiểu gia đình truyền thống, bởi ngoài các yếu tố truyền thống tích cực đã được chọn lọc còn các yếu tố của thời đại mới, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển chung. Xây dựng Gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mặt trái của cơ chế 17 thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường sống tác động đến con người, việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc càng trở nên cấp bách. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã có từ những năm 60 của thế kỷ 20 và cho đến nay đã lan rộng khắp cả nước. Từ thực tế phong trào cho thấy, chỉ có phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, phong trào mới đi vào chiều sâu có chất lượng, thật sự lôi cuốn nhiều gia đình tham gia. Ở đó, gia đình nhiều thế hệ sống đầm ấm hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, các tấm gương hiếu đễ, tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ở đó xuất hiện những giá trị nhân văn mới như bình đẳng trong gia đình, trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, hôn nhân tiến bộ cùng tồn tại bên trong nề nếp gia phong. Gia đình là nền tảng của xã hội, có chức năng bảo đảm tính ổn định của xã hội, cho nên sự yên ổn của từng gia đình sẽ tạo nên sự bình yên cho toàn xã hội “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Vì vậy, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Để phát huy vai trò quan trọng của gia đình, đồng thời làm chuyển biến nhận thức của mỗi người nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung về xây dựng gia đình, phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy và hình thành nhân cách ở trẻ, song song đó phụ nữ còn là người duy trì và phát triển những giá trị văn hóa gia đình, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vai trò chủ đạo trong cuộc sống gia đình. Vì vậy, phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là những người đi tiên phong, chủ động vận động, khuyến khích mọi người trong gia đình và xã hội cùng có trách nhiệm xây dựng gia đình các chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình văn hóa thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau: 18 Thứ nhất, đối với việc tổ chức cuộc sống gia đình: Phụ nữ là người giữ gìn nếp sống văn hóa, đạo đức trong gia đình, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, là trung tâm tình cảm của các thành viên trong gia đình. Do đó người phụ nữ có trách nhiệm xây dựng các mối quan hệ trong gia đình tốt đẹp. Thứ hai, trong mối quan hệ vợ chồng: người phụ nữ vừa là người vợ, người bạn tốt của chồng, để cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp chồng hiểu công việc của mình để có sự cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau ở mọi công việc trong gia đình như chăm sóc con cái, cha mẹ già… cùng chịu trách nhiệm chung trước gia đình và xã hội. Nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam còn thể hiện ở tính chung thủy, yêu thương, quan tâm, chăm sóc, cư xử dịu dàng, tế nhị với chồng. Thứ ba, với vai trò người mẹ, phụ nữ là người thầy đầu tiên của con, có vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy và hình thành nhân cách của con. Vì vậy, phụ nữ cần phải có kiến thức nuôi dạy con theo khoa học để con không bị suy dinh dưỡng, khỏe mạnh, phát triển tốt về trí tuệ và thể lực. Biết hướng cho con vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con. Người mẹ còn là người bạn để cho con tâm tình, hỏi ý kiến, giúp con có những quyết định đúng đắn trong học tập, trong cuộc sống, người mẹ phải thể hiện lòng nhân hậu, vị tha và là tấm gương sáng cho con học tập, noi theo. Như vậy dù ở bất kỳ cương vị, vị trí công tác nào thì người phụ nữ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Với những vai trò ấy ta dễ dàng nhận ra tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh, sức khỏe và trí tuệ của người phụ nữ. Tất cả những yếu tố ấy đã giúp cho phụ nữ trở thành người khéo léo, biết lo toan, tươm tất mọi bề: từ cái ăn, cái mặc, đến học hành, vui chơi, giải trí của mỗi thành viên trong gia đình. 1.2. Cơ sở thực tiễn 19 1.2.1. Khái quát đặc điểm, tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội của thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện nay Thành phố Long Xuyên là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh An Giang, thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, phía Đông giáp huyện Chợ Mới, phía Tây giáp huyện Thoại Sơn, phía Nam giáp quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) và phía Bắc giáp huyện Châu Thành. Năm 1999, Chính phủ đã công nhận thành phố Long Xuyên đạt đô thị loại II, định hướng đến năm 2020 Long Xuyên sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang [56,tr.1]. Thành phố Long Xuyên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh An Giang, là một thành phố khá phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến lương thực và thực phẩm. Đại bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề buôn bán, kinh doanh và nghề nông. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 115,36 km2, với dân số là 280.635 người và địa giới hành chính có 13 phường, xã (trong đó có 02 xã ), với 96 khóm, ấp; có 02 dân tộc chính là Kinh và Hoa sinh sống; Có đến 85% dân số là tín đồ của các tôn giáo, trong đó đa số theo đạo Phật. Ngoài ra, còn có các tôn giáo khác, như: Phật giáo Hòa Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành, … GDP bình quân đầu người đạt 96,8 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 10,31%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nên đã có tác động tích cực cho kinh tế thành phố phát triển ổn định, cụ thể: khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 79,67%, công nghiệp – xây dựng chiếm 18,33%, nông nghiệp chiếm 02%. Nhìn chung, tình hình kinh tế trên địa bàn thành phố có bước tăng trưởng qua các năm nên các khoản thu lớn và chủ lực của ngân sách thành phố đều đạt kết quả cao, đáp ứng nhu cầu các nhiệm vụ chi theo dự toán đề ra, thu ngân sách Nhà nước đạt 689,857 tỷ đồng, chi ngân sách là 679,831 tỷ đồng. Công tác Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có sự phát triển khá toàn diện, cả về hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục học sinh. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan