Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Màu sắc nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký sơn nam...

Tài liệu Màu sắc nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký sơn nam

.PDF
113
921
123

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Nghiêm Phương MÀU SẮC NAM BỘ TRONG NGÔN NGỮ TRUYỆN KÝ SƠN NAM Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Ngôn ngữ văn chương là đại diện tiêu biểu của ngôn ngữ văn hóa, dạng thức tồn tại “toàn vẹn nhất, sáng chói nhất” của ngôn ngữ toàn dân. Nói đến ngôn ngữ văn chương là nói đến chức năng thẩm mỹ, đến giá trị tạo hình, giá trị biểu trưng, biểu cảm to lớn. Để ngôn từ nghệ thuật có thể khắc hoạ chân thực, sinh động bức tranh cuộc sống thì việc huy động, sử dụng nhằm khai thác thật tốt khả năng, tiềm năng của các phương tiện ngôn ngữ là một việc làm không thể thiếu. Khu vực Nam bộ - vùng đồng bằng châu thổ sông Mê-Kông - đất đai rộng lớn, phì nhiêu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, đồng thời là vùng đất với lịch sử hơn ba trăm năm khẩn hoang của người Việt. Cảnh vật thiên nhiên và con người Nam bộ từ lâu đã gây được sự chú ý của nhiều người cầm bút và không ít người trong số đó gặt hái được thành công. Sơn Nam (tên khai sinh là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 tại Kiên Giang), nhà văn Nam Bộ, người được mệnh danh là “nhà Nam Bộ học” hay “ông già Ba Tri” của văn học hiện đại là một trong những tác giả tiêu biểu. Những sáng tác của Sơn Nam, cố nhiên được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Tiếp cận sáng tác của ông, các nhà lý luận phê bình văn học thường có chung một nhận xét về sự giàu có “sắc thái địa phương”, hay “đậm đà màu sắc Nam Bộ”. Tuy nhiên, nghiên cứu về Sơn Nam chủ yếu dừng lại ở những bài viết tản mạn. Có thể thấy rõ điều này thông qua sự kiện: tháng 12 năm 2008, Hội nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh thông báo quyết định lùi thời gian tổ chức hội thảo về Sơn Nam. Ông Lê Văn Thảo, chủ tịch Hội nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết: "Được phát động từ cuối năm ngoái nhưng đến nay chúng tôi không nhận được tham luận như ý muốn mà thay vào đó là nhiều bài viết do các cây bút không chuyên gửi về. Vì thế, đành phải tạm hoãn hội thảo để có thêm thời gian chuẩn bị cẩn thận hơn". Và: “Hội thảo về nhà văn Sơn Nam càng chậm càng tốt. Từ trước tới nay, có nhiều bài viết về ông, do đó, khi muốn nói thêm về Sơn Nam cần những nghiên cứu sâu sắc, mang tính khái quát cao và những nhận định, phát biểu mới, mang tính khoa học” [71]. Mặt khác, những bài viết này cũng chỉ tập trung ở bình diện lý luận phê bình văn học. Chính vì vậy, vấn đề về “màu sắc Nam Bộ” trong tác phẩm của ông chưa được tìm hiểu, phân tích thấu đáo. Trường hợp của Sơn Nam không phải là một ngoại lệ. Hoàng Thị Châu trong Giáo trình Phương ngữ học tiếng Việt đã nhận định: “Trong thực tế tiếng Việt rất đa dạng và luôn luôn biến đổi, uyển chuyển với những sắc thái địa phương khác nhau (…). Những sắc thái đó thông thường chỉ được cảm nhận mà không được phân tích, lý giải tường tận.” [12,tr 16]. Như vậy, yêu cầu có tính khách quan là: cần khảo sát một cách đầy đủ và toàn diện những yếu tố vật chất làm nên giá trị màu sắc địa phương trong ngôn bản nghệ thuật của tác giả. Trong đó, một công việc quan trọng là xem xét những phương tiện ngôn ngữ được lựa chọn trên cơ sở đối lập giữa các phương ngữ, giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân ở cả ba bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để chỉ ra những khác biệt trong tương quan với môi trường địa lý, môi trường lịch sử xã hội, soi rọi chúng trên cơ sở đặc trưng ngôn ngữ văn chương, dưới góc độ phong cách học, ngữ nghĩa học nói chung và ngôn ngữ tri nhận nói riêng. Với những lý do trên, tại thời điểm này, việc làm sáng rõ đặc điểm màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ nghệ thuật của Sơn Nam thông qua một số tác phẩm tiêu biểu, dưới cái nhìn ngôn ngữ học là một việc làm có ý nghĩa. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích chính của đề tài là tìm hiểu, phân tích những yếu tố làm nên giá trị “màu sắc Nam bộ” trong truyện ký Sơn Nam, chỉ ra những thành công và kể cả những hạn chế có thể có trong việc khai thác, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ của tác giả. Ngoài ra, trên cơ sở ngữ liệu được thu thập, thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài còn góp phần tìm hiểu: - Đặc trưng về màu sắc, sắc thái của phương ngữ Nam bộ (ở cả ba bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) trong ngôn ngữ nghệ thuật cũng như những giá trị tạo hình, giá trị biểu cảm của chúng. - Áp lực văn hoá, cách phân chia hiện thực hay cơ sở tri nhận phản ánh trong phương ngữ Nam bộ. - Những vấn đề có tính chất nguyên tắc khi sử dụng phương ngữ xét ở bình diện sáng tác văn học. - Tính đa dạng và thống nhất ngôn ngữ. Những khả năng và đóng góp của phương ngữ Nam bộ đối với ngôn ngữ toàn dân. 3. Lịch sử vấn đề Chiếm một số lượng lớn trong những sáng tác của Sơn Nam là những tác phẩm thuộc bộ phận văn học hợp pháp miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Sau khi đất nước thống nhất, vì nhiều lý do khác nhau, dòng văn học này chưa thể có ngay sự quan tâm thích đáng. Nằm trong bối cảnh đó, những nghiên cứu về sáng tác của Sơn Nam là chưa nhiều, chưa thật sự tương xứng với những đóng góp của ông. Sau đây là những bài viết, công trình nghiên cứu chủ yếu về tác giả. Về sách Có hai luận văn thạc sĩ: Đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954-1975: Tác giả Lê Thị Thùy Trang, Trường Đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003. Với phương pháp lịch sử, hệ thống, so sánh, miêu tả, luận văn trình bày những đặc điểm của truyện ngắn Sơn Nam trên phương diện nội dung và nghệ thuật như: cảm hứng chủ đạo của tác giả; những đặc điểm về nghệ thuật xây dựng nhân vật; phương thức kết cấu; ngôn từ; vị trí của Sơn Nam trong văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam: Tác giả Trần Phỏng Diều, Trường Đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004. Thông qua khảo sát 84 truyện ngắn, tác giả đưa ra những nhận xét về cảm hứng sáng tác (cảm hứng về thiên nhiên, cảm hứng về con người) - trong đó có những phân tích về quan niệm con người, về không thời gian nghệ thuật, ý nghĩa của chúng trong khắc họa tính cách Nam Bộ, thiên nhiên, cảnh vật Nam Bộ. Ngoài ra, luận văn còn trình bày những vấn đề về kết cấu, từ vựng, các biện pháp tu từ, giọng điệu người kể chuyện, hình tượng tác giả, phong cách tác giả... Điểm chung của hai luận văn nói trên là chúng đều thuộc bình diện Lý luận phê bình văn học, cùng hướng đến việc đánh giá toàn diện giá trị nội dung, nghệ thuật cũng như đặc điểm thi pháp, phong cách cá nhân ở mảng truyện ngắn của Sơn Nam. Về góc độ từ vựng, các tác giả đều xem xét việc khai thác, sử dụng vốn từ địa phương trong tác phẩm. Mặc dù không đề cập trực tiếp về màu sắc Nam Bộ, nhưng những khía cạnh khác nhau của hai bản luận văn này có những tác động tích cực vào quá trình triển khai nghiên cứu. Các bài báo Là nhà văn gần như suốt đời dành cho đề tài Nam Bộ, với một lối văn phong giản dị, gần gũi với người lao động, vì thế Sơn Nam chiếm được tình cảm của đông đảo quần chúng độc giả. Đây cũng chính là lý do khiến ở mảng báo chí, ông được nhiều người quan tâm, chú ý. Đặc biệt, sau sự kiện ông ra đi (2008), có hàng trăm bài viết, xuất hiện rải rác trên nhiều tờ báo. Nội dung những bài viết này phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau xung quanh đời sống và sự nghiệp sáng tác của tác giả. Nó có thể là ghi chép, phỏng vấn, bút ký hoặc dưới hình thức chuyện kể. Nó cũng có thể là những bài giới thiệu thân thế sự nghiệp, những cảm nhận, đánh giá, phê bình... Ở nhóm bài thuộc diện nghiên cứu phê bình, có thể quy chúng vào hai mảng chính: (i) Nghiên cứu tác giả: hoàn cảnh sống, hoàn cảnh sáng tác, cá tính, phong cách - lối sống, quan niệm văn chương nghệ thuật... làm cơ sở cho tìm hiểu tác phẩm; (ii) Đánh giá khái quát vị trí hay những đóng góp của tác giả trong nền văn học (đôi khi đối chiếu, so sánh với tác giả khác). Việc đề cập tới đặc điểm truyện ký Sơn Nam như: bức tranh hiện thực Nam Bộ, văn minh miệt vườn Nam Bộ, lối diễn đạt, sắc thái Nam Bộ... những tác phẩm báo chí này rõ ràng có sự liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Điển hình là các bài viết: “Nhà văn Sơn Nam – nhà Nam Bộ học” của Huỳnh Công Tín [63], “Sơn Nam - dề lục bình Nam bộ” của Trần Mạnh Hảo [26], “Sơn Nam, ông già "Ba Tri" của đồng bằng Nam Bộ” của Nguyễn Mạnh Trinh [65], “Sơn Nam - mấy độ qua đường phố, nghiêng mình nhớ đất quê” của Trần Hữu Dũng [17], “Sơn Nam cây đại thụ của văn học, văn hóa Nam Bộ” của Nguyễn Văn Thành [52], “Nhà văn Sơn Nam – cô đơn trong hạnh phúc” của Nguyễn Tý [70], “Nhà văn Sơn Nam: Sẽ trồng lại cây đước trên châu thổ” của Chu Văn Sơn [47], “Gặp nhà văn Sơn Nam, nghĩ về sự trong sáng của một tấm lòng” của Diệp Hồng Phương [42]... Huỳnh Công Tín trong bài viết (khoảng 7 trang khổ A4) đã khái quát ba điểm nổi bật và cũng là thành công của Sơn Nam: (i) Những tri thức phong phú về lịch sử, địa lý. (ii) Những hiểu biết về con người Nam Bộ. (iii) Văn phong mang đặc trưng Nam Bộ. Theo tác giả, đây chính là điều khiến Sơn Nam xứng danh “Nhà Nam Bộ học”. Tương tự như vậy, Trần Mạnh Hảo cho rằng: Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, phong tục Nam Bộ, nhà văn của huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp... Nguyễn Mạnh Trinh thì tìm hiểu về đặc điểm Nam Bộ trong hình tượng người nông dân trong tác phẩm. Chu Văn Sơn lại quan tâm tới khía cạnh bút pháp: chất biên khảo trong văn chương nghệ thuật. Trần Hữu Dũng có những bình luận ở nhiều góc cạnh: tư tưởng nghệ thuật (bày tỏ tình yêu nước), quan điểm sáng tác… Theo tác giả thì màu sắc Nam Bộ của truyện ký Sơn Nam xuyên thấm trong đề tài, trong hình tượng con người, hình tượng thiên nhiên, cảnh vật cũng như đặc điểm văn phong. Tuy nhiên, do giới hạn khuôn khổ một bài báo nên những vấn đề trên đây không đủ điều kiện đi sâu và trình bày có hệ thống. Dẫu vậy, đó vẫn là những ý kiến quan trọng và bổ ích, nó định hướng, gợi ý cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đề tài. Như thế, có thể thấy, tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ học hầu như chưa có một chuyên luận nào. Nhìn một cách trực giác, ai cũng có thể thấy Sơn Nam và mở rộng ra các nhà văn khác như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… là những nhà văn mà tác phẩm của họ thấm đẫm chất Nam Bộ. Thế nhưng, để chỉ ra một cách rạch ròi, sáng tỏ lại là việc không đơn giản, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải tiếp cận dưới góc độ đa ngành. Tiếp thu những thành quả như đã trình bày, đề tài tiếp tục nghiên cứu vấn đề màu sắc Nam Bộ một cách hệ thống hơn, toàn diện hơn nhằm xác định, đánh giá những yếu tố làm nên chính đặc trưng này trong truyện ký của tác giả. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 4.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu “Màu sắc”, phong vị trong một tác phẩm văn học là quan hệ tổng hoà của nhiều yếu tố - một vấn đề có tính chất ngữ - văn học. Mục đích của đề tài là khảo sát, phân tích màu sắc Nam Bộ của truyện ký Sơn Nam trong phạm vi ngôn ngữ học. Vì vậy, đề tài không lấy toàn bộ ngôn từ, hình thức tác phẩm làm mục tiêu nghiên cứu mà đối tượng khảo sát chỉ bao gồm những phương tiện ngôn ngữ phản ánh đặc trưng Nam Bộ được nhà văn khai thác và sử dụng trong truyện ký. Cũng với tinh thần ấy, nếu có tiến hành miêu tả những nét riêng trong ngôn ngữ nhà văn ở khía cạnh nào đó thì điều ấy không có nghĩa là đề tài đặt ra nhiệm vụ đánh giá đầy đủ về phong cách tác giả. Trên bình diện nghĩa, dĩ nhiên đề tài không tìm hiểu toàn bộ giá trị nội dung, mà chỉ cốt làm sáng rõ những yếu tố màu sắc địa phương trong tác phẩm. 4.2 Nguồn ngữ liệu Theo quan sát của chúng tôi, sáng tác của Sơn Nam khá đa dạng. Ngoài phần biên khảo, truyện ngắn, ký của ông lên tới gần cả ngàn đơn vị. Trong luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát: a/ Biên khảo - Bến Nghé xưa, Nxb Trẻ, 1997, 240 trang. - Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb Trẻ, 2007, 507 trang. - Cá tính Miền Nam, Nxb Trẻ, 2000, 128 trang. - Tiếp cận đồng bằng Sông Cửu Long, Nxb Trẻ, 2003, 144 trang. - Lăng Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Nxb Long An, 1994, 76 trang. Ba cuốn đầu đã xuất bản trước 1975, hai cuốn sau mới viết sau 1975. b/ Văn học - Chim quên xuống đất, Nxb Trẻ, 2001, 260 trang. - Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 2006, 927 trang. - Hương quê, Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác, Nxb Trẻ, 2006, 448 trang. - Hồi ký Sơn Nam: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu, Hai mươi năm giữa lòng đô thị, Bình An, Nxb Trẻ, 2005, 542 trang. - Một mảnh tình riêng, Nxb Văn Nghệ, 2000, 180 trang. - Biển cỏ Miền Tây, Hình bóng cũ, Nxb trẻ, 2003, 379 trang. Có một số truyện ngắn được in trong nhiều ấn phẩm khác nhau, đối tượng này, chúng tôi chỉ khảo sát một lần. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tìm hiểu những đặc điểm về màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học, đề tài sử dụng những phương pháp, thủ pháp nghiên cứu sau đây: 5.1. Phương pháp so sánh, đối chiếu Trên cơ sở đối lập vốn từ vựng chung và từ vựng địa phương thuộc các bình diện: cấu tạo, ngữ nghĩa, ngữ pháp để xác định những điểm giống và khác nhau giữa chúng. Phương pháp so sánh còn sử dụng đối chiếu ngôn ngữ giữa Sơn Nam với tác giả khác. 5.2. Phương pháp miêu tả Phương pháp miêu tả được vận dụng xuyên suốt trong toàn bộ luận văn. Miêu tả dựa vào sự tương tác của ngữ cảnh. Miêu tả những đặc điểm của phương ngữ, tác động của môi trường sống, hoàn cảnh xã hội làm nên nững khác biệt phương ngữ. Mối quan hệ ngôn ngữ với tư duy được phân tích trên cơ sở tập hợp những từ đồng nghĩa, gần nghĩa của tác phẩm trong tương quan với từ vựng chung. Miêu tả ý nghĩa của từ, vị trí của từ địa phương đối với nhu cầu phản phản ánh hiện thực. Việc xử lý số liệu được tiến hành thông qua thủ pháp thống kê ngôn ngữ: tần số, hạng và độ phân bố. Hỗ trợ cho công việc này, chúng tôi sử dụng công cụ phần mềm tin học được viết bằng ngôn ngữ Visual Basic 6.0, hệ quản trị dữ liệu Microsoft Access phiên bản 2003 nhằm đảm bảo tính chính xác, truy vấn đa dạng ngữ liệu được cập nhật. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn không có tham vọng giải quyết những vấn đề lý thuyết. Trái lại, thông qua ngữ liệu sưu tập, góp phần khắc họa rõ hơn một số đặc điểm ngôn ngữ Nam Bộ trong tác phẩm của Sơn Nam. Từ đó, giải thích vì sao Sơn Nam trước tới nay vẫn được coi là nhà văn của người bình dân, cụ thể là bình dân Nam Bộ. 7. Bố cục Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, nội dung chính của luận văn tập trung ở hai chương. Chương 1: Một số vấn đề chung – trình bày những kiến thức tổng quát có liên quan đến nội dung nghiên cứu. Đây là cơ sở lý luận để luận văn đi vào miêu tả những vấn đề cụ thể ở chương tiếp theo. Chương 2: Các phương tiện ngôn ngữ biểu thị màu sắc Nam Bộ trong truyện ký. Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Tóm tắt tiểu sử Sơn Nam Sơn Nam sinh vào khoảng tháng 8, năm 1926. Nơi ông sinh thuộc rừng U Minh Thượng: làng Đông Thái, Huyện An Biên, Tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên tiền phong, giành chính quyền ở địa phương. Từ 1945 đến 1954, cũng như nhiều thanh nhiên tiến bộ khác, Sơn Nam đi theo kháng chiến, làm công tác văn nghệ ở Quân khu 9. Hòa bình lập lại, ông được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam, tham gia đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1955, Sơn Nam lên Sài Gòn cộng tác với các báo có xu hướng tiến bộ: Nhân Loại, Tiếng Chuông, Lẽ Sống. Đến 1960 ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu 1- Bình Dương). 18 tháng sau, ông được thả tự do. Ra tù, Sơn Nam tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Về sự nghiệp sáng tác Sáng tác của Sơn Nam rất đa dạng. Tuy nhiên, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, ký hay biên khảo thì nội dung cũng xoay quanh vùng đất Nam Bộ, từ miệt vườn cực Nam U Minh, Cà Mau đến chốn đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, yêu và suốt đời dành tâm huyết cho quê hương mình, vì thế, ông là người am hiểu lịch sử, văn hóa, biết rõ tính cách, tâm lý con người Nam Bộ. Đó là lý do khiến ông được mệnh danh là “pho từ điển sống miền Nam”, là “ông già Ba Tri”, là “nhà Nam Bộ học”. Các sáng tác của ông vì thế giúp ích trên phương diện: lịch sử, văn hóa - phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật, ngôn ngữ… Văn học Sơn Nam có một khối lượng tác phẩm dồi dào: Chuyện xưa tình cũ, Hương rừng Cà Mau (tập 1), Chim quyên xuống đất; Hương rừng Cà Mau (tập 2,3), in chung 3 tập năm 2006; Hồi ký: Từ U Minh đến Cần Thơ (tập 1), Ở chiến khu (tập 2), 20 năm giữa lòng đô thị (tập 3), Bình an (tập 4), in chung 4 tập năm 2006; Bà chúa Hòn; Một mảnh tình riêng; Biển cỏ Miền Tây, Hình bóng cũ; Ngôi nhà mặt tiền; Truyện ngắn của truyện ngắn; Hương quê, Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác… Biên khảo Bao gồm các tác phẩm chính: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Cá tính Miền Nam, Danh thắng miền Nam, Người Sài Gòn, Đất Gia Định xưa, Văn Minh miệt vườn, Lịch sử An Giang, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lăng Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Tiếp cận Đồng Bằng Sông Cửu Long… Lĩnh vực văn học - nghệ thuật, có lẽ thành công nhất đối với ông thuộc về mảng truyện ngắn. Tiêu biểu là tác phẩm Hương rừng Cà Mau, tập 1 xuất bản năm 1962 và hai tập được viết sau đó bao gồm 66 truyện. Về những cống hiến của Sơn Nam, Nguyễn Anh Động nhận xét: “Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là những giải trí cho độc giả mà còn là khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên Sơn Nam am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang lại hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc” [19]. Hơn 60 năm cầm bút và để lại gần 50 đầu sách, một con số đáng khâm phục. Sơn Nam xứng đáng là niềm tự hào của miền đất châu thổ sông Cửu Long. Ông mất ngày 13-08-2008, hưởng thọ 82 tuổi. 1.2. Sơ lược lịch sử hình thành và vấn đề văn hóa Nam Bộ Như đã đề cập, các nhà ngôn ngữ học hiện đại có sự xác nhận về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá. Ở đó, văn hoá được định nghĩa là toàn bộ di sản vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích luỹ trong tiến trình lịch sử. Ngôn ngữ là một bộ phận và hơn nữa là bộ phận quan trọng nhất, là sự thể hiện sâu sắc nhất những đặc trưng văn hoá của một dân tộc. Với quan niệm ấy, trong giới ngôn ngữ học, hướng nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá ngày càng được chú ý và tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật. Điều này đặt ra, muốn tìm hiểu một đặc điểm nào đó mang tính địa phương trong ngôn ngữ nghệ thuật, trước tiên cần phải đề cập đến những đặc điểm văn hóa, lịch sử của vùng đất đó. Nam Bộ là một vùng đất rộng lớn, bao gồm hai tiểu vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Miền đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Diện tích 23.563 km2, dân số 14.025.378. Đông Nam Bộ nằm trên vùng bình nguyên và đồng bằng, là nơi chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Cửu Long. Đất đai chủ yếu là đất đỏ bazan và đất phù sa cổ, khí hậu tương đối điều hòa, có lượng mưa dồi dào thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt. Tây Nam Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Diện tích là 39.734 km2, dân số 17.178.871. Tây Nam Bộ là vùng châu thổ sông Mê - Kông (Cửu Long), là một trong những vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn của Đông Nam Á và thế giới. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa trung bình cao nhất cả nước, đất đai phì nhiêu, sinh thái đa dạng, vì thế khu vực này rất thuận tiện cho việc canh tác cây lương thực, cây ăn trái, cũng như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và giao thông đường thủy. Thời kỳ cổ trung đại, Đông Nam Bộ đã có con người cư trú. Họ là chủ nhân của nền văn hóa Đồng Nai bao gồm văn hóa đá mới (cách nay khoảng 5000 năm) và văn hóa đồng (cách nay khoảng 3000 - 4000 năm). Ra đời muộn hơn, khoảng thế kỷ II đến thế kỷ VII sau công nguyên, ở khu vực Tây Nam Bộ, là sự tồn tại của quốc gia Phù Nam với sự phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, từ khoảng thế kỷ VI, nơi đây bước vào những cuộc tranh chấp liên miên. Sau sự diệt vong của vương quốc Phù Nam kéo theo sự tàn lụi nhanh chóng của nền văn hóa Óc Eo, mảnh đất này “đã diễn ra một quá trình hoang hóa”. Ngày đầu khi cư dân Việt đến đây, Nam Bộ gần như một vùng đất chưa được khai phá. Cư dân Khơ me, Chăm và một vài dân tộc ít người khác phân bố lẻ tẻ, rải rác trên những giồng đất cao, những vùng đồi núi. Số lượng ít ỏi, trình độ kỹ thuật thấp kém nên lúc này “đất Sài Gòn – Gia Định vẫn là đất tự do của các dân tộc và hầu như vô chủ” [Lời giới nhà xuất bảnLịch sử khẩn hoang Nam Bộ, tr.9]. Châu Đạt Quan (thế kỷ 13) - sứ thần nhà Thanh - khi qua đây đã miêu tả: “Bắt đầu vào Châu Bồ, gần hết cả vùng là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của sông lớn chảy hàng ngàn dặm, bóng mát um tùm của những gốc cây cổ thụ và cây mây dài(...). Khắp nơi vang tiếng chim hót và thú kêu (...). Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họp từng bầy”. Hay theo lời Lê Quý Đôn thì: “Từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm” [Sđd tr.7-8]. Đây chính là thử thách lớn lao mà nhiều thế hệ người Việt phải đối diện, phải khắc phục suốt cả chặng đường dài sau đó. Cuối thế kỷ 17, cùng với công cuộc Nam tiến, chúa Nguyễn cho phép một vài tập đoàn người Trung Quốc có tư tưởng bài Mãn, phục Minh vào khu vực này cư trú. Theo Sơn Nam, công cuộc khai phá Nam Bộ thời kỳ này có sự xuất hiện đan xen các nhóm lưu dân Việt - Hoa: “Trần Thắng Tài (Đồng Nai), Dương Ngạn địch tại Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Cảnh (Hậu Giang), Nguyễn Cửu Vân (Vàm Cỏ), Mạc Cửu (Hà Tiên) đã đi những bước tiên phong trong thời gian ngắn” [Lịch sử khẩn hoang, tr.32]. Như vậy, song hành với quá trình khai phá đất phương Nam là cuộc gặp gỡ lịch sử Việt, Hoa và cư dân bản địa mà hệ quả là sự giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, xét về vị thế, người Việt có tính chất hạt nhân. Họ không chỉ giữ vai trò quyết định trong công cuộc khai phá mà còn nắm thế chủ động trong thụ đắc, tiếp biến, làm giàu giá trị văn hóa, khẳng định bản thể văn hoá Việt, chủ quyền lãnh thổ Việt. Nói đến Nam Bộ, các nhà nghiên cứu nhắc nhiều đến nền văn minh thực vật hay văn minh miệt vườn, văn minh lúa nước. Sức lao động, sức sáng tạo của các thế hệ người Việt cùng với tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em đã biến một vùng đất hoang dã thành những cánh đồng bất tận, những khu vườn rộng lớn, bạt ngàn cây trái, khiến những cánh rừng, những dòng sông mang lại sự trù phú, thịnh vượng. Theo Sơn Nam - có sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu - thì văn minh miệt vườn chính là trung tâm điểm của văn minh Nam Bộ. Đó là kết quả phấn đấu liên tục của nhiều thế hệ nhằm xây dựng môi trường sống hòa hợp giữa con người, giữa nhu cầu phát triển xã hội với quy luật và sự vận động của tự nhiên. Như vậy, văn minh miệt vườn Nam Bộ chính là những giá trị văn hoá sinh thái – nhân văn của người Việt được tạo lập, định hình trên cơ sở nối tiếp truyền thống ở một miền đất mới. Đề cập truyền thống văn hóa, không thể không nhắc tới văn hóa làng. Có nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa dân tộc suy cho cùng là văn hóa làng mở rộng. Mỗi làng có một địa phận riêng, được bố trí theo kiểu xương cá, lấy đường làng làm trục kết nối, thường được bao bọc bằng các lũy tre. Cổng làng là nơi thông ra địa phận khác, nơi con người có thể mở rộng giao tiếp nhưng cũng là công cụ ngăn chặn những tác động xấu từ thế giới bên ngoài, bảo vệ cuộc sống bình yên của làng. Ở những nơi có địa thế cao ráo, người ta thường trồng các loại cây có kích thước to lớn, sống lâu năm nhằm đánh dấu không gian tồn tại, khẳng định chủ quyền đồng thời biểu thị cho sức sống trường tồn. Là sự chuyển tiếp từ công xã nguyên thủy sang công xã nông thôn, vì thế làng ở Bắc bộ, Trung bộ thường có vài dòng họ sinh sống. Do quan hệ huyết thống hoặc cùng quan hệ sở hữu đất đai khiến cho làng dễ dàng xây dựng được những thiết chế thống nhất. Từ lâu, chúng ta đã biết đến hương ước làng và sức mạnh của nó trong việc tổ chức, ràng buộc, cố kết các thành viên trong cùng cộng đồng. Tất cả những điều này khiến cho “làng” trở thành một đơn vị khép kín, có sự độc lập tương đối với bộ máy hành chính. Khi di cư về phương Nam, cố nhiên người Việt mang theo cái thiết chế ấy để xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Tuy nhiên, so với khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ thì “làng” Nam Bộ có nhiều điểm khác biệt. Tận dụng môi trường, để thuận tiện cho việc đi lại và làm ăn sinh sống, người dân Nam Bộ định cư dọc theo các con sông (hoặc những tuyến lộ) tạo nên một điểm riêng trong đời sống văn hóa. Từ biệt không gian làng xã thân thuộc, dấn thân chinh phục miền đất mới, họ cùng nhau dựng ấp, lập làng. Do nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau nên tính huyết thống không phải là yếu tố phổ biến và quan trọng. Đây là lý do khiến người ta thường sử dụng thành ngữ “anh hùng tứ chiến” như là để biểu thị tính “mở”, biểu thị cách tổ chức của làng xóm Nam Bộ. Tất cả những đặc điểm trên đây không thể không có những tác động đến đời sống ngôn ngữ. Vì vậy, khảo sát màu sắc địa phương thông qua ngôn ngữ tác phẩm, trong mối tương quan với những yếu tố, đặc điểm văn hóa riêng, mang tính đặc thù của chính vùng đất ấy là một cách làm cần thiết. 1.3. Những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ văn chương Xung quanh đặc trưng ngôn ngữ văn chương, tuy còn những ý kiến khác nhau, những kiến giải khác nhau nhưng về cơ bản có thể trình bày bởi những điểm có tính quan yếu sau đây: 1.3.1 Tính cấu trúc (tính hệ thống) Văn bản nghệ thuật không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên, không phải là phép cộng đơn thuần của những yếu tố. Giữa thành tố nội dung, tư tưởng, tình cảm, hình tượng cùng các thành tố ngôn ngữ biểu đạt luôn tồn tại mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc, gắn bó mật thiết với nhau, phù hợp với nhau, hỗ trợ nhau trong một nhiệm vụ chung. Ngôn từ nghệ thuật “không sống đơn độc, tự nó, vì nó(…)” [34, tr.141]. Điều này là tất yếu, bởi lẽ, chỉ có như vậy tác phẩm nghệ thuật mới trở thành một chỉnh thể toàn vẹn, mới thực hiện được chức năng tư tưởng, chức năng thẩm mỹ to lớn. Nói cách khác, chính chức năng thẩm mỹ, chức năng tư tưởng quy định sự lựa chọn, cách thức cấu tạo và tổ hợp các yếu tố ngôn ngữ. Viết về đề tài Nam Bộ, hiển nhiên Sơn Nam phải huy động vốn sống, vốn hiểu biết về tiếng nói địa phương từ ngữ âm, từ vựng đến ngữ pháp trong xây dựng tác phẩm. Đây là nhân tố quy định ngoài ngôn ngữ mang tính khách quan và cũng là con đường để tác giả có thể tái hiện trung thực bức tranh đời sống như vốn dĩ của nó. Màu sắc địa phương trong trường hợp này được hiểu là tập hợp các yếu tố ngôn ngữ cùng thể hiện một cách nhất quán về đề tài thuộc địa phương đó. Chính sự “lặp lại” này là cơ sở để đề tài tập hợp và phân tích chúng nhằm xác định màu sắc ngôn ngữ trong tác phẩm. 1.3.2 Tính hình tượng Tính hình tượng là một trong những đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ văn chương. Tính hình tượng gắn liền với chức năng thẩm mỹ. Thông qua nó người đọc cảm nhận được cái đẹp, cái tinh tế của thế giới nghệ thuật. Ngôn ngữ văn chương chẳng những giàu hình ảnh, giàu tính biểu trưng mà còn có sức biểu cảm to lớn. Chính sắc thái biểu cảm của ngôn từ là nội dung bổ sung, đánh dấu thái độ tình cảm của con người đối với đối tượng được đề cập. “Một từ trong tác phẩm nghệ thuật không thể được coi ngang bằng như từ của ngôn ngữ thực hành, vì trong văn bản nghệ thuật, từ thi ca (từ nghệ thuật) có hai bình diện theo khuynh hướng của mình, có mối tương quan đồng thời cả với những từ của ngôn ngữ văn hóa chung, cả với những yếu tố của cấu trúc ngôn từ của văn bản nghệ thuật.” [34, tr.146] Những đặc điểm ngôn ngữ văn chương như: tính đa nghĩa, gợi hình, gợi cảm, khả năng diễn đạt tinh tế về sự đa dạng, đa sắc thái của bức tranh đời sống là những căn cứ để xác định màu sắc trong tác phẩm nghệ thuật. 1.3.3 Tính tổng hợp Chức năng văn chương là tái hiện sinh động, chân thực đời sống. Điều này đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải có những đặc điểm riêng, sức biểu hiện riêng. Tính riêng biệt ở đây không có nghĩa loại trừ những hình thức, phong cách chức năng khác mà ở chỗ nó có quyền huy động, quyền sử dụng mọi khả năng, tiềm năng của ngôn ngữ. Trong tác phẩm văn chương, chúng ta thấy sự có mặt của những phong cách chức năng: phong cách khẩu ngữ, phong cách hành chính, phong cách khoa học… tạo nên tính đa phong cách hay tính tổng hợp phong cách. Đặc trưng của ngôn ngữ văn chương nói chung và tính tổng hợp đa phong cách nói riêng, đặt ra không chỉ cho người viết mà cả với người nghiên cứu thao tác phân biệt giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Với tư cách là hình thức cơ bản để văn học miêu tả thế giới, nhân vật có một vị trí cực kỳ quan trọng trong tác phẩm. Muốn hiện thực hóa được điều ấy, nhân vật phải được nói bằng ngôn ngữ của họ. Đó là thứ ngôn ngữ của giàu tính cụ thể, giàu yếu tố chủ quan và cảm xúc. Chất khẩu ngữ chính là dấu hiệu nhận biết màu sắc địa phương của tác phẩm. Lựa chọn này có thể xảy ra với cả ngôn ngữ tác giả và sự “lệch chuẩn” ấy cũng là một trong những dấu hiệu xác định giọng điệu, phong cách ngôn ngữ. Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào thì tác giả vẫn là phải là đại diện tiêu biểu cho ngôn ngữ văn hóa. Tính tổng hợp đa phong cách và sự phân biệt giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả cho ta quan điểm tiếp cận yếu tố “màu sắc” địa phương trong tác phẩm nghệ thuật: một mặt, nó chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong sử dụng ngôn ngữ, một mặt nó phản ánh những gì thuộc về cá tính, phong cách, năng lực vận dụng ngôn ngữ cá nhân. Tất nhiên, để nói điều này, chúng ta luôn phải nó đặt bên cạnh những yêu cầu có tính khách quan: đề tài, chủ đề hay hiện thực tác phẩm phản ánh. 1.4. Những vấn đề về phương ngữ 1.4.1 Khái niệm về phương ngữ Phương ngữ theo cách gọi khác là tiếng địa phương. Với tư cách ấy, phương ngữ gắn liền trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng người thuộc địa phương đó. Khái niệm “phương ngữ” có sự phân biệt với khái niệm “ngôn ngữ”. Nhấn mạnh điều này, Hoàng Tuệ đã chỉ rõ: “Đó là một hình thái nhất định của một ngôn ngữ. Hình thái ấy có những đặc điểm riêng trong hệ thống ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng và được sử dụng ở một môi trường địa lý hẹp hơn môi trường của ngôn ngữ” [67, tr.249]. Quan hệ giữa ngôn ngữ toàn dân và phương ngữ là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái bất biến và cái khả biến. Cái chung là cái thống nhất không loại trừ ai vì chỉ có như thế ngôn ngữ mới thực hiện được chức năng xã hội to lớn của nó. Ngược lại, ngay trong phạm vi bất biến, ta vẫn xác định độ xê dịch ở những yếu tố, tuỳ theo từng người với trình độ học vấn của họ, theo từng vùng với chịu sự chi phối môi trường địa lý – xã hội. Cần thấy rằng: một khi nói đến sự khác biệt của phương ngữ thì điều ấy không có nghĩa là tách phương ngữ ra khỏi ngôn ngữ toàn dân, phá vỡ tính thống nhất của một ngôn ngữ. 1.4.2 Những bình diện nghiên cứu cơ bản của phương ngữ và màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học Nhiệm vụ của phương ngữ học là khảo sát các biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân dưới hình thức biến thể địa phương, xác định có hay không mức độ liên quan cái mã chung của những đối tượng được xét đến. Xuất phát từ những đặc điểm của phương ngữ trong mối quan hệ với ngôn ngữ toàn dân cũng như những phương ngữ khác trong một ngôn ngữ, việc khảo sát phương ngữ thường được tiến hành trên ba bình diện: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trong nhận thức của chúng tôi, màu sắc Nam Bộ trong là một tập hợp bao gồm nhiều đặc điểm về con người, thiên nhiên, văn hóa – kinh nghiệm ứng xử của con người với thiên nhiên, của con người với con người trong môi trường Nam Bộ - được biểu đạt bằng các phương tiện ngôn ngữ. Hiển nhiên, cùng nguồn cội sinh ra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, văn hóa Nam Bộ có những nét riêng. Xét thuần túy về văn học, cách diễn đạt có cái gì đó rất gần gũi và dung dị, tạo nên một mạch riêng khó lẫn lộn từ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Hồ Biểu Chánh… đến Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi… Sơn Nam - nhà văn chúng ta đang khảo sát - cũng năm trong dòng chảy này. Màu sắc địa phương quả nhiên là một vấn đề không mới. Từ góc độ văn học, các nhà lý luận thường đánh giá cao chức năng của nó trong việc thể hiện cá tính nhân vật. Nói cách khác, từ địa phương sẽ là nhân tố khiến cho nhân vật hình tượng này khác với nhân vật hình tượng khác. Tất cả những điều đó tạo nên cái gọi là điển hình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, việc khảo sát từng yếu tố cụ thể lại không đơn giản như vậy. Ta biết, do nhiều lý do khác nhau, xét về mặt biến thể ngôn ngữ, văn hóa vùng Nam Bộ có những nét riêng. Từ góc độ dân tộc học, có thể kể ra một số đặc điểm nhưng từ góc độ ngôn ngữ học và kể cả văn chương nữa, để làm được việc này phải có cách tiếp cận liên ngành. Bởi tiếng Việt là một ngôn ngữ tồn tại thống nhất trong đa dạng, sự phân vùng Bắc, Trung, Nam chỉ là tương đối còn trong thực tế giao tiếp thì chúng nhòe vào nhau, đan cài lẫn nhau. Tất nhiên, đi tìm màu sắc địa phương trong văn học nói chung, màu sắc Nam Bộ nói riêng không thể không chú ý đến bình diện ngữ âm. Bởi lẽ như ta biết, mặc dù tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính thống nhất cao nhưng tiếng Việt lại tồn tại trong những phương ngữ cụ thể. Sự khác biệt giữa phương ngữ với phương ngữ và cả với tiếng Việt toàn dân, trước hết là ở hệ thống ngữ âm. Thứ đến là từ vựng. Đây là bình diện thể hiện rõ nhất đặc điểm phương ngữ nhưng cũng là vấn đề khá phức tạp. Có thể kể ra đây loại từ ngữ chỉ sản vật có ở vùng này mà không có ở vùng khác như: cà na, điển điển, bòn bon… hoặc mội số đặc sản: mắm ba khía, cá thèo lèo… hoặc loại sản phẩm gắn liền với nghề thủ công: đương đệm, cần xé, cà ràng… hoặc để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng mà ở mỗi phương ngữ có cách khác nhau: heo/lợn, cá lóc/cá tràu/cá quả, thồ đâu/sầu đâu/sầu đông… Có khi phải kể đến sức sản sinh của một kiểu cấu tạo từ nào đó như: đỏ lừ/đỏ ké/đỏ hói/đỏ hỏn… Nhưng có lẽ bao trùm lên và phức tạp hơn cả là các biểu thức biểu đạt. Hãy quan sát: Nam Bộ: Ăn như xáng xúc Mần như lục bình trôi. Trung Bộ: Ăn như còng chạy Làm như mài mại bơi. Bắc Bộ: Ăn như thuyền chở mã Làm như ả chơi trăng. Rõ ràng, nếu dừng lại phân tích thật chu đáo, các thành ngữ nói trên đều ít nhiều chứa màu sắc địa phương. Cụ thể: Ở Nam Bộ về hiện thực đó là xáng xúc (máy múc bùn), những dề lục bình. Về định danh, đó là mần. Ở Trung Bộ, hai sản vật quan trọng ở vùng sông nước là còng (biển) và mài mại (cá nước lợ). Ở Bắc Bộ, đó là dấu vết thời kỳ phong kiến, chuyện cúng bái: thuyền chở mã (thuyền làm bằng giấy dùng để cúng tế) và cách định danh thuyền, ả. Dễ thấy, nội dung biểu đạt là như nhau, phương thức so sánh xuất hiện ở trong cả ba văn bản. Tuy nhiên, đọc kỹ chúng ta sẽ thấy được màu sắc địa phương khác nhau giữa chúng. Đặt vấn đề khảo sát các phương tiện ngôn ngữ biểu thị màu sắc địa phương nói chung và phương tiện từ vựng nói riêng trong tác phẩm văn học như đã đề cập trên đây lẽ dĩ nhiên không thể tách rời bình diện ngữ nghĩa. Là một hiện tượng xã hội - lịch sử, sự hình thành của phương ngữ gắn liền với quá trình vận động và phát triển không ngừng của ngôn ngữ, sự tách biệt về không gian địa lý, hoàn cảnh sống, đặc điểm kinh tế xã hội, quá trình tiếp xúc văn hóa - ngôn ngữ… Vì thế, hiểu tiếng địa phương không chỉ giới hạn bởi những yếu tố có tính hình thức mà còn bao hàm cả yếu tố nội dung. Quan điểm đối lập phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân hoặc một phương ngữ khác là một trong những cơ sở xác định màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học. 1.5. Ngôn ngữ học tri nhận và nghĩa học tri nhận 1.5.1 Khái niệm về ngôn ngữ học tri nhận Ngôn ngữ học tri nhận là một khuynh hướng, một trào lưu của ngôn ngữ học hiện đại. Sự ra đời của ngôn ngữ học tri nhận có nguồn gốc từ việc tiếp thu tư tưởng mới trong lĩnh vực tâm lý học. Những nhân vật có ảnh hưởng đến sự ra đời của khuynh hướng này không thể không nhắc tới W.Humboldt (Đức, thế kỷ 19) và B.Whorf (Mỹ, đầu thế kỷ 20). W.Humboldt là người tiếp cận ngôn ngữ dưới bình diện văn hóa, tâm lý. Ông từng đưa ra những luận điểm nổi tiếng: ngôn ngữ làm nên linh hồn một dân tộc; thế giới ngôn ngữ là một thế giới trung gian giữa thế giới khách quan bên ngoài và thế giới con người; sự phản ánh trong ý thức con người không đơn thuần là con đường trực tiếp, một đối một với hiện thực mà bao giờ cũng bị ảnh hưởng của thế giới ngôn ngữ… B.Whorf đề cập tới tính tương đối của ngôn ngữ. Thế giới là một thể liên tục, không chia cắt. Tuy nhiên, để nhận thức và biểu thị kết quả nhận thức con người phải chia cắt thế giới thành những tế phần khác nhau. Những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau có thể chia cắt hiện thực một cách khác nhau, tạo nên “bức tranh ngôn ngữ về thế giới” một cách khác nhau. Nói cách khác, thế giới xung quanh ta được cấu trúc hóa một cách khác nhau trong mỗi ngôn ngữ. Vì thế, về nguyên tắc sẽ không có sự đồng nhất ý nghĩa giữa các ngôn ngữ. Sự chuyển hướng của tâm lý học trong những năm 60 của thế kỷ 20 tiếp tục có những tác động to lớn đối với đời sống ngôn ngữ học. Cái công thức nhị nguyên “kích thích-phản ứng” (S-R) của trường phái hành vi luận đã không đề cập đến trạng thái tinh thần hay những hiện tượng tâm lý tác động đến quá trình đó. Quan điểm này đề nghị phải nghiên cứu con người như một hệ thống xử lý thông tin mà nó tiếp nhận. Neisser cho rằng: “tất cả các quá trình trong đó các cứ liệu cảm giác đầu vào được cải biến, được giảm bớt, được làm phong phú thêm, được lưu trữ và được sử dụng” [53, tr.15]. Hay ý kiến của Solso: “nghiên cứu xem con người tiếp nhận thông tin về thế giới như thế nào, những thông tin đó con người hình dung ra sao, chúng được lưu trữ và cải biến thành tri thức như thế nào” [53, tr.13] Về đối tượng, ngôn ngữ học tri nhận xác định: đó chính là ngôn ngữ trong mối quan hệ với sự tri nhận đồng thời có nhiệm vụ bao quát một cách toàn diện chức năng tri nhận của ngôn ngữ. Tác giả Trần Văn Cơ cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là “phải trả lời hàng loạt những câu hỏi có liên quan đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và các quá trình tri nhận bao gồm quá trình nhận thức (trí tuệ hay ý thức), ý niệm hóa, tri giác và các biểu tượng tinh thần đang diễn ra trong não bộ con người, nhờ đó con người tiếp nhận được những tri thức về thế giới” [14, tr.62]. 1.5.2 Ngữ nghĩa học tri nhận và vấn đề màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học Tri nhận được hiểu vừa là tri thức vừa là nhận thức của con người cùng với vốn kinh nghiệm được tích lũy. Ngôn ngữ là hình thức tồn tại của kinh nghiệm lịch sử - xã hội. Mỗi dân tộc có kinh nghiệm lịch sử - xã hội của riêng mình. Do đó, những ngôn ngữ khác nhau có thể tồn tại những nét dị biệt, biểu thị những ý nghĩa riêng. Có thể nói, chính chủ trương “khảo sát một số khả năng tri nhận của con người cái khả năng ngôn ngữ cũng như miêu tả các tri thức ngôn ngữ được lưu trữ trong đầu óc con người dưới dạng các biểu tượng tinh thần đặc biệt” [53, tr.14] khiến cho ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu về nghĩa. Khác với ngôn ngữ học truyền thống, ngôn ngữ học tri nhận đề cao vấn đề nghĩa nhưng nhưng không phải là ý nghĩa trong mối quan hệ với thực tại khách quan mà là mối quan hệ với thế giới tinh thần, phản ánh năng lực tri nhận của con người. Điều này khiến cho ngôn ngữ học tri nhận đặt ra cho mình nhiều nội dung nghiên cứu: quá trình tạo sinh và hiểu ngôn ngữ, vấn đề phạm trù hóa, ý niệm hóa, vấn đề ý niệm cảm xúc của con người, cái nhìn của con người đối với thế giới hay “bức tranh ngôn ngữ thế giới”, vai trò của cơ thể đối với ý thức ngôn ngữ… Trong đó, nội dung quan trọng bậc nhất của ngôn ngữ học tri nhận là nghiên cứu ý niệm hóa và quá trình ý niệm hóa về thế giới. Xin được lược trích ý kiến về một trường hợp cụ thể sau đây của tác giả Trần Văn Cơ: Các nhà từ điển học thường lấy phương pháp phân tích thành tố ý nghĩa để xác định nghĩa từ vựng. Tuy nhiên, điều này không làm thỏa mãn nhiều nhà ngữ học. Ví dụ: “Nhà” được giải nghĩa “công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để dùng vào việc nào đó” [41, tr.699]. Định nghĩa này đã bỏ qua nhiều nét nghĩa quan trọng trong cấu trúc nghĩa của từ. Dễ thấy, “ngôi nhà” Việt Nam không giống nhà châu Âu, châu Phi… “Nhà” người Việt không chỉ khác về kiến trúc mà còn ở những tình cảm, quan niệm được gửi gắm: “nhà” là nơi che chở, đùm bọc, bảo vệ, là hơi ấm, sự chờ đợi. Họ gọi vợ mình hoặc chồng mình là “nhà tôi” với hy vọng về một mái ấm che thân, sự bình an trong cuộc đời. Phải là người Việt mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của “xa nhà”, “nhớ nhà”, “về nhà”, “người nhà”… Đó là lý do cần bổ sung việc giải nghĩa bằng phương pháp phân tích ý niệm. Cũng theo tài liệu của tác giả này, ý niệm có cấu trúc theo mô hình trung tâm và ngoại vi. Trung tâm chính là khái niệm mang tính phổ quát. Nằm ở ngoại vi là những nét đặc thù văn hóa dân tộc. Nét đặc thù ấy bao gồm: văn hóa toàn dân tộc, văn hóa các tộc người, văn hóa vùng, miền… Đến đây có thể nói rằng, việc khảo sát từ ngữ địa phương trên cơ sở ngôn ngữ học tri nhận chính là cách tìm hiểu cơ sở tri nhận, cách thức ý niệm hóa trong sự tương tác với đặc thù văn hóa của địa phương đó. Đây cũng là một trong những cách thức làm sáng rõ màu sắc địa phương trong tác phẩm. Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng, cơ sở tri nhận của một cá nhân dù là ai cũng không thể tách rời khỏi cộng động. Chẳng hạn, do nhiều lý do khác nhau, người Nam Bộ dùng nhiều từ ngữ về sông nước. Bên cạnh tính phong phú và đa dạng trong định danh, một mặt người Việt nói chung, người Nam Bộ nói riêng xây dựng các bức tranh ý niệm và các ẩn dụ của mình thông qua các con đường sau: - Dùng trải nghiệm của chính bản thân mình để tri nhận thế giới (i). - Dùng trải nghiệm của chính thế giới để tri nhận lại chính mình (ii). - Dùng trải nghiệm của một sự vật, hiện tượng trừu tượng thông qua một sự vật hiện tượng cụ thể (iii). Thuộc nhóm (i), trước hết có thể kể đến các từ ngữ: lòng sông, cỏ tóc tiên, mặt nước, rún lũ… Nhóm (ii) có thể kể: ngụp lặn trong công việc, công việc ngập đầu, bơi trong công việc, công việc trôi chảy, công việc ứ đọng… và (iii): đời người là dòng sông, đời người là cỏ cây, đời người là một ngày. Rõ ràng, các cách tri nhận trên không thể không ít nhiều ảnh hưởng đến việc xây dựng, miêu tả hình tượng trong truyện ký của Sơn Nam - một nhà văn am hiểu vùng đất mình sinh ra và trưởng thành. 1.6 Tiểu kết Như đã trình bày, chương này có tính chất tổng quan. Luận văn đã bàn luận, đề cập đến: - Tiểu sử Sơn Nam. - Lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ. - Đặc trưng của ngôn ngữ văn chương. - Phương ngữ và phương ngữ Nam Bộ. - Màu sắc địa phương - màu sắc Nam Bộ. - Ngôn ngữ học tri nhận và các cách định danh.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan