Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Phát huy giá trị tục chơi diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng bắc bộ ...

Tài liệu Phát huy giá trị tục chơi diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng bắc bộ

.PDF
27
624
88

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Đặng Thị Phương Anh PHÁT HUY GIÁ TRỊ TỤC CHƠI DIỀU TRONG PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ Chuyên ngành: Quản lý văn hóa Mã số: 62 31 06 42 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Hà Nội - 2017 Công trình được hoàn thành tại: VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH Người hướng dẫn khoa học 1: PGS.TS Đặng Hoài Thu Người hướng dẫn khoa học 2: PGS.TS Trần Thúy Anh Phản biện 1: GS.TS Nguyễn Xuân Kính Viện Nghiên cứu văn hóa Phản biện 2: TS Lê Thị Minh Lý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phản biện 3: TS Phan Phương Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án họp tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Vào lúc giờ ngày tháng năm Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong quản lý văn hóa, quản lý di sản văn hóa (DSVH) mà trọng tâm là hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH là bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng. DSVH phi vật thể (PVT) được xem là nguồn lực quan trọng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nhưng vì tính chất khó nắm bắt và luôn biến đổi của DSVH PVT, nó luôn đứng trước nguy cơ phai tàn hoặc biến mất. Việc bảo vệ các DSVH PVT như thế nào để nó tiếp tục được sống và phát huy các giá trị đích thực của mình trong bối cảnh đương đại luôn là một câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý văn hóa. DSVH PVT sinh ra trong cộng đồng, chỉ được nuôi dưỡng bởi chính cộng đồng đó nên phương thức bảo vệ thích hợp nhất là phát huy giá trị của di sản phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng. Mặt khác, vấn đề phát triển cộng đồng (PTCĐ) hiện nay rất được quan tâm, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển – nơi có nhiều nguồn lực nhưng chưa biết cách khai thác, phát huy để cải thiện đời sống cộng đồng dựa vào các nguồn lực đó. DSVH, trong đó có DSVH PVT là một nguồn lực dồi dào. Bởi thế cần đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa DSVH PVT và PTCĐ vừa để xác định một nguồn lực có đóng góp cho đời sống cộng đồng đương đại vừa để tìm ra một biện pháp quản lý DSVH PVT trong cộng đồng. Trò chơi dân gian là một trong những loại hình DSVH PVT có giá trị bởi nó mô tả được bức tranh sinh hoạt của cộng đồng người trong những thời điểm nhất định. Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự lan rộng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhiều trò chơi dân gian đã bị mai một theo quy luật đào thải khách quan. Việt Nam có đa dạng các trò chơi dân gian khác nhau, đặc trưng cho từng vùng và từng tộc người nhưng rất hiếm trò chơi còn tồn tại như một nhu cầu cần được chơi của chính con người trong cộng đồng đó. Một trong những trò chơi dân gian đặc sắc, có sức cuốn hút lớn với 2 người chơi và hiện đang lan tỏa mạnh trong cộng đồng hiện nay là trò chơi Thả Diều. Nó mang tính giải trí cao, vừa là một thú chơi, vừa có âm hưởng của sáng tạo nghệ thuật. Nó vừa mang tính dân tộc (có những nét đặc trưng cho sinh hoạt của người Việt truyền thống), vừa mang tính quốc tế (hội nhập cùng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa). Ngày nay, trò chơi này vừa mang lại giá trị tinh thần, tâm linh, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, đem đến giá trị vật chất nhất định cho con người. Tuy nhiên, quản lý như thế nào để phát huy hơn nữa giá trị của nó cho sự phát triển của cộng đồng là một vấn đề nhất thiết phải được đặt ra với các nhà quản lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi những lý do trên, NCS lựa chọn Phát huy giá trị Tục chơi Diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ cho đề tài khoa học của mình như một nghiên cứu ứng dụng cho mối quan hệ giữa phát huy DSVH PVT và sự PTCĐ. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích: 1) Bảo vệ DSVH PVT thông qua phát huy giá trị của chúng trong đời sống cộng đồng đương đại, 2) Phát triển đời sống cộng đồng dựa vào nguồn lực là DSVH, đặc biệt là các DSVH PVT, 3) Quản lý thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung trong điều kiện xã hội hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ: 1) Hệ thống hóa khái niệm, đặc điểm, tính chất về mối quan hệ biện chứng giữa phát huy DSVH PVT và PTCĐ, 2) Nhận diện các giá trị của Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ với tư cách là một DSVH PVT, 3) Phân tích và đánh giá khả năng PTCĐ thông qua việc phát huy giá trị Tục chơi Diều tại đồng bằng Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay, 4) Đề xuất mô hình quản lý và giải pháp phát huy giá trị Tục chơi Diều trong PTCĐ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: 1) Hệ thống cơ sở lý luận về phát huy DSVH PVT, sự PTCĐ và mối quan hệ giữa chúng, 2) Thực hành văn hóa chơi Diều trong bối cảnh hiện nay, trong đó tập trung nghiên cứu 3 những cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ và hưởng lợi từ sự phát huy giá trị Tục chơi Diều trong quá khứ như một DSVH PVT. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian: Luận án lựa chọn vùng đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn minh lúa nước, được cho là địa bàn sinh thành và phát triển của Tục chơi Diều trong đời sống dân gian. - Về thời gian: Nghiên cứu hiện trạng trong giai đoạn từ 2009 khi Tục chơi Diều trong cộng đồng người Việt tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm phát huy giá trị của nó trong một số sự kiện lớn và trở nên có tổ chức. Hoạt động khảo sát được tập trung chính trong năm 2014, 2015. 4. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu - Câu hỏi nghiên cứu 1: Mối quan hệ giữa việc phát huy DSVH PVT và PTCĐ là gì? + Giả thuyết: Khi DSVH PVT được phát huy đúng cách thì cộng đồng sẽ phát triển hơn. - Câu hỏi nghiên cứu 2: Tại sao Tục chơi Diều được xem là một DSVH PVT? + Giả thuyết: Tục chơi Diều đáp ứng tiêu chí của UNESCO về “chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác”, “không ngừng tái tạo” và “người thực hành DS luôn ý thức về bản sắc và sự kế tục”. - Câu hỏi nghiên cứu 3: Cộng đồng đang hưởng lợi gì nhờ vào việc phát huy giá trị của Tục chơi Diều? + Giả thuyết: Phát huy giá trị của Tục chơi Diều giúp cộng đồng hưởng lợi trên nhiều khía cạnh như cải thiện điều kiện kinh tế, cải thiện điều kiện văn hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội, duy trì phát triển bền vững. - Quản lý DSVH Tục chơi Diều như thế nào theo hướng PTCĐ hiện nay? + Giả thuyết: Xây dựng mô hình quản lý tham dự, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa giá trị của Tục chơi Diều trong PTCĐ hiện nay. 4 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp luận Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để nhìn nhận đối tượng nghiên cứu. Đồng thời, luận án tiếp cận liên ngành từ nhiều phương pháp của những ngành học khác nhau như khoa học quản lý, văn hóa học, xã hội học, mỹ học, dân tộc học, nhân học, du lịch học... 5.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng hệ thống các phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, chứng minh tính đúng đắn hay bác bỏ các giả thiết nghiên cứu. Trong đó, phương pháp thu thập dữ liệu gồm: phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp quan sát tham dự, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp điều tra bảng hỏi, phương pháp chuyên gia, phương pháp dự đoán.... Phương pháp xử lý dữ liệu gồm: phương pháp xử lý dữ liệu định tính và phương pháp xử lý dữ liệu định lượng. 6. Ý nghĩa của nghiên cứu 6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận 1) Hệ thống hóa những vấn đề lý luận về DSVH PVT, quản lý di sản văn hóa và các quan điểm về phát huy giá trị của DSVH PVT; 2) Hệ thống hóa các vấn đề lý luận về PTCĐ và các nguyên lý vận dụng; 3) Xác định mối quan hệ biện chứng giữa phát huy DSVH PVT và PTCĐ; 4) Xây dựng quy trình đánh giá khả năng PTCĐ dự vào nguồn lực DSVH PVT; 5) Xây dựng mô hình quản lý tham dự đối với DSVH PVT Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ trong phát triển cộng đồng. 6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn 1) Nhận diện giá trị của Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ với tư cách một DSVH PVT cần bảo tồn; 2) Đánh giá khả năng PTCĐ thông qua việc phát huy giá trị của Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay; 3) Đề xuất giải pháp phát huy giá trị Tục chơi Diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ. 5 7. Cấu trúc nghiên cứu Ngoài phần lý do chọn đề tài, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án được bố cục thành 4 chương. Chương 1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu và các vấn đề lý thuyết về phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển cộng đồng (34 trang) Chương 2. Tục chơi Diều – Di sản văn hóa Phi vật thể ở đồng bằng Bắc Bộ (29 trang) Chương 3. Đánh giá khả năng phát triển cộng đồng của Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ (31 trang) Chương 4. Đề xuất mô hình quản lý và giải pháp phát huy giá trị Tục chơi Diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ (28 trang) Chương 1 TỔNG QUAN LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG 1.1. Tổng quan lịch sử nghiên cứu 1.1.1. Những công trình nghiên cứu về phát huy di sản văn hóa phi vật thể Vấn đề phát huy các giá trị của DSVH PVT được quan tâm rất nhiều trong thời gian vừa qua ở cả các nghiên cứu quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, hướng tiếp cận phát huy các giá trị của DSVH PVT, đặc biệt là các hình thái văn hóa dân gian vì sự PTCĐ vẫn là một hướng đi còn bỏ ngỏ cho luận án có cơ hội đóng góp cho thực tiễn và lý thuyết về quản lý DSVH. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu về phát triển cộng đồng Tất cả các công trình nghiên cứu quốc tế và trong nước đều tiếp cận PTCĐ trên phương diện tổng thể. Ít nhiều các công trình có nói đến nguồn lực giúp cộng đồng phát triển như nguồn lực về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa nhân văn. Trong tài nguyên văn hóa nhân văn đó thì di sản đóng vai trò chủ chốt và không thể bỏ qua DSVH 6 PVT. Đến nay chưa có công trình riêng biệt nào đề cập đến việc PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH và cụ thể hơn nữa là các DSVH PVT. Điều đó đã mở ra hướng tiếp cận mới cho luận án này. 1.1.3. Những công trình nghiên cứu về Tục chơi Diều Chơi Diều như một biểu hiện đặc biệt trong đời sống văn hóa của người Việt được các học giả nước ngoài quan tâm đến trước tiên. Nhưng hạn chế trong sự tiếp cận từ lăng kính bên ngoài là chưa nhìn nhận được tục chơi này là tài sản của cộng đồng để khẳng định nó là một DSVH của dân tộc cần trân trọng bảo tồn và nỗ lực phát huy. Gần đây, đã có một số công trình nghiên cứu trong nước chú ý đến giá trị của thú chơi này nhưng đa phần vẫn coi nó là đối tượng chính trong nghiên cứu lễ hội truyền thống. Một số ít đề cập đến vai trò của cộng đồng bản địa như những người sáng tạo và gìn giữ thú chơi độc đáo này. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ PTCĐ dựa vào sự phát huy giá trị của DSVH mà Tục chơi Diều là một nghiên cứu trường hợp thì chưa có bất cứ công trình nào đề cập tới. 1.2. Các vấn đề lý thuyết về phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển cộng đồng 1.2.1. Lý thuyết về quản lý di sản văn hóa 1.2.1.1. Các quan điểm lý thuyết về quản lý di sản văn hóa Trong nghiên cứu về lý thuyết quản lý di sản văn hóa, Bùi Hoài Sơn đã tổng hợp các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là nghiên cứu của Ashworth (1997) để đưa ra ba quan điểm quản lý di sản: 1) Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn; 2) Quan điểm bảo tồn kế thừa; 3) Quan điểm bảo tồn phát triển. 1.2.1.2. Phát huy di sản văn hóa phi vật thể trò chơi dân gian nhìn từ lý thuyết quản lý di sản văn hóa Công ước 2003 của UNESCO định nghĩa về DSVH PVT: “các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó 7 là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, DSVH PVT được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” [22]. Điều này cho thấy phương cách hiệu quả nhất “đảm bảo sức sống” của DSVH PVT phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản. Việc thực hành di sản, duy trì sự tồn tại của di sản là do nhu cầu của cộng đồng chủ thể và chính điều đó quyết định tính bền vững trong việc phát huy giá trị di sản. Trò chơi dân gian là một loại hình DSVH PVT. Xuất phát từ quan điểm trò chơi được hình thành từ nhu cầu giải trí của cộng đồng người và ngược lại giúp phản ánh và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng đó, luận án cho rằng việc bảo tồn trò chơi dân gian trước tiên cần xét đến mục đích nó còn hay không phục vụ đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Như vậy, quan điểm bảo tồn phát triển của Ashworth đã được sử dụng trong quản lý DSVH PVT trò chơi dân gian. 1.2.2. Lý thuyết về phát triển cộng đồng 1.2.2.1. Các quan điểm lý thuyết về phát triển cộng đồng “Cộng đồng là tập hợp người có sức bền cố kết nội tại cao, với những tiêu chí nhận biết và quy tắc hoạt động, ứng xử chung dựa trên sự đồng thuận về ý chí, tình cảm, niềm tin và ý thức cộng đồng, nhờ đó các thành viên của cộng đồng cảm thấy có sự gắn kết họ với cộng đồng và với các thành viên khác của cộng đồng” [Phạm Hồng Tung, 97]. Theo đó, “phát triển cộng đồng” được hiều là sự cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội và tăng khả năng phát triển bền vững dựa vào nguồn lực của chính cộng đồng. 8 1.2.2.2. Phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực di sản văn hóa DSVH có vai trò to lớn đối với cộng đồng và với sự PTCĐ. Việc coi DSVH là nguồn lực của PTCĐ là một xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển nói chung, trong công tác quản lý văn hóa nói riêng. Khi đưa DSVH vào khai thác phục vụ PTCĐ thì công tác quản lý văn hóa phải hướng đến mục tiêu mà PTCĐ đặt ra. Tuy nhiên, việc lựa chọn nguồn lực nào giúp mang lại hiệu quả cho PTCĐ không hề đơn giản. Dựa trên các tiêu chí phản ánh sự phát triển trong lý thuyết về PTCĐ, luận án đề xuất quy trình đánh giá khả năng PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH PVT như sau: Sơ đồ 1.1: Quy trình đánh giá khả năng PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH PVT Như vậy, phát huy DSVH PVT và PTCĐ là hai vấn đề có liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau, là hai mặt của một thể thống nhất. Hiệu quả của sự tác động qua lại này chỉ có thể đạt được khi có sự tham dự đầy đủ năng lực của các bên liên quan là cộng đồng chủ thể, nhà nước, thị trường và nhà đầu tư, cùng các nhân tố xã hội khác. Việc này được cụ thể hóa trong sơ đồ sau: 9 Ti Sơ đồ 1.2: Mối quan hệ giữa Phát huy DSVH PVT và PTCĐ Tiểu kết Xác định được mối quan hệ biện chứng giữa phát huy DSVH PVT và PTCĐ giúp khẳng định hướng đi đúng đắn của công trình nghiên cứu khi đặt ra vấn đề quản lý DSVH trong bối cảnh hội nhập của đất nước hiện nay. Việc xây dựng được quy trình đánh giá khả năng PTCĐ của DSVH PVT là tiền đề để các nội dung kế tiếp triển khai nghiên cứu Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ như một trường hợp điển hình. Điều này sẽ là cơ sở cho việc áp dụng quy trình đánh giá đối với các DSVH PVT khác theo định hướng mà công tác quản lý văn hóa đã đặt ra. Chương 2 TỤC CHƠI DIỀU – DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 2.1. Khái quát về đồng bằng Bắc Bộ Đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất phát tích và lan tỏa văn hóa Việt. Điều kiện tự nhiên, phương thức sinh sống, lối tổ chức xã hội và văn hóa tinh thần trong truyền thống lịch sử của cư dân đồng bằng Bắc Bộ 10 đã đóng vai trò môi trường và điều kiện hình thành nên diện mạo của trò chơi dân gian cũng như quá trình truyền bá và lưu giữ nó trong truyền thống văn hóa cư dân đồng bằng Bắc Bộ mà Tục chơi Diều là một ví dụ điển hình. 2.2. Nhận diện Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ như một DSVH PVT 2.2.1. Nguồn gốc ra đời của Tục chơi Diều Từ việc được cho rằng có nguồn gốc phương Đông xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng rõ nét, cánh Diều “bay” sang nền văn hóa phương Tây và được các bộ óc khoa học đưa vào nhiều phát minh, sáng chế. Đồng thời nó được cải biến từng ngày để thú chơi này đến nay lan rộng ra khắp các khu vực trên thế giới với nhiều loại hình, kiểu dáng và cách chơi. Là một quốc gia thuộc nền văn hóa phương Đông nông nghiệp giàu bản sắc, Việt Nam có hệ thống trò chơi dân gian phong phú thể hiện được đầy đủ bức tranh sinh hoạt của người Việt truyền thống mà thả Diều là một trò chơi tiêu biểu. Trước hết, cần nhìn nhận Thả Diều là một trò chơi mà “sự chơi” nói chung xuất phát từ nhu cầu giải trí – một trong sáu nhu cầu xã hội căn bản, nghĩa là khi con người làm việc xong đều cần nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng đã bị tiêu hao trong lao động. Đây là một trong những lý do ra đời của Tục chơi Diều của người Việt khi người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, đến thời điểm nông nhàn, họ cũng muốn tìm đến những hoạt động chơi. “Nhưng người ta không chỉ giải trí thông thường mà mỗi trò chơi còn mang một nội dung thẩm mỹ nhất định” [Đoàn Văn Chúc, 21] nên sự ra đời của trò chơi Thả Diều còn được xem xét bởi hai nguyên nhân: (1) mô phỏng hiện thực của những cánh chim trên bầu trời cao – một hiện tượng tự nhiên phổ biến khắp vùng quê đồng bằng Bắc Bộ; (2) chuyên chở ý nghĩa tín ngưỡng với khát vọng cầu tạnh của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ. 11 2.2.2. Đặc điểm của Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ 2.2.2.1. Đồ chơi Diều và Sáo là hai bộ phận chính cấu thành nên chiếc Diều Sáo – nét đặc sắc, biểu trưng cho đời sống văn hóa cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương lại có những kỹ thuật riêng để Diều Sáo của làng mình, vùng mình khác với làng khác, vùng khác. Ngày nay, nhiều vật liệu và kỹ thuật hiện đại được đưa vào trong các khâu chế tạo Diều Sáo nhưng người chơi dường như vẫn “trung thành” với cánh Diều truyền thống được chế tạo thủ công từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Dù chỉ là chế tạo một đồ chơi nhưng sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và sự chính xác ở một số khâu chỉ có thể đạt được qua kinh nghiệm truyền đời thì việc làm Diều Sáo chính là “bí quyết về nghề thủ công truyền thống” mà Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã quy định cần bảo tồn. 2.2.2.2. Sân chơi và cách chơi Diều Sáo ở đồng bằng Bắc Bộ được diễn ra ở cả hai loại hình sân chơi thường ngày và sân chơi hội hè. Nếu như trong sân chơi thường ngày, cách chơi Diều mang đậm đặc tính ngẫu hứng thì trong sân chơi hội hè, cách chơi của nó lại mang tính quy ước. Nhưng dù diễn ra ở đâu đi chăng nữa thì với bất cứ cách chơi trò chơi dân gian nào người Việt cũng mang quy tắc tạo cơ hội cho hầu hết mọi người tham dự như một sự cộng cảm, chung niềm vui và ước nguyện của cả cộng đồng. 2.2.3. Giá trị của Tục chơi Diều trong đời sống cộng đồng xưa và nay Có những giá trị mà ngay từ thời điểm ra đời đã được nhìn nhận như những gốc rễ đầu tiên khiến nó bám được vào đời sống cộng đồng, được cộng đồng vun tưới và bản thân những giá trị đó cũng góp phần nuôi dưỡng cộng đồng. Đối với trò chơi dân gian Thả Diều, đó là giá trị giải trí, tiêu khiển. Giá trị này được đẩy cao hơn để gắn với giá trị tín ngưỡng, tâm linh và đẩy xa hơn tạo nên giá trị cố kết cộng đồng. Như vậy trong xã hội truyền thống, giá trị của trò chơi này mang lại cho cá 12 nhân là thứ yếu, cộng đồng là chủ yếu. Cộng đồng này được hiểu hoàn toàn là cộng đồng sản xuất nông nghiệp. Cũng từ cội rễ tính giải trí, tiêu khiển của một tục chơi, trong xã hội hiện đại, người ta chơi Diều vì những lợi ích thiết thực như giá trị kinh tế, giá trị rèn luyện thể chất, giá trị biểu tượng gắn với quảng bá, tuyên truyền. Những giá trị này phục vụ lợi ích cá nhân là chủ yếu. Từ lợi ích của nhiều cá nhân, việc thực hành DSVH sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng ở nhiều mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Điều này quyết định sự tồn tại và phát triển của trò chơi Thả Diều trong bối cảnh đương đại. Dựa vào các tiêu chí ở bước 1 trong quy trình đánh giá khả năng PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH PVT, Tục chơi Diều với đặc điểm và giá trị của nó hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí để được xem xét như một nguồn lực phục vụ PTCĐ. Tiểu kết Trò chơi dân gian Thả Diều ra đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dù trải qua thời gian những giá trị như giải trí, tiêu khiển; tâm linh, tín ngưỡng; rèn luyện sức khỏe; biểu tượng; kinh tế giữ vị trí ưu thế hay phái sinh thì những giá trị này vẫn được nhìn nhận như những động cơ khiến con người luôn gắn bó với nó, khiến việc thực hành nó thường xuyên trở thành một thói quen, một phong tục đẹp. Tất cả những đặc điểm và giá trị góp phần chứng minh Tục chơi Diều là một DSVH PVT mang tính chất đại diện tiêu biểu cho đời sống văn hóa của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ và hoàn toàn có thể được xem là nguồn lực phục vụ PTCĐ. Chương 3 ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG CỦA TỤC CHƠI DIỀU Ở ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 3.1. Bức tranh toàn cảnh về cộng đồng gìn giữ Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay Trước tiên “cộng đồng” được nhìn nhận ở phạm vi địa vực, nơi 13 Tục chơi Diều giữ vai trò quan trọng tạo nên một số giá trị chung cho vùng, được hiểu là cộng đồng địa phương. Là DSVH PVT, Tục chơi Diều được thực hành ở hầu khắp làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng vùng trung tâm, nơi các tổ chức xã hội cùng gắn kết, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, nơi Diều Sáo không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà còn là một tục lệ là một số địa phương như làng Bá Dương Nội, huyên Đan Phượng, thành phố Hà Nội và thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngày nay, người chơi tổ chức cộng đồng sở thích của mình dưới hình thức các câu lạc bộ. Với sự lớn mạnh của phong trào chơi Diều trên cả nước, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Diều ra đời chịu sự quản lý của Hội di sản văn hóa Việt Nam có trách nhiệm nhóm họp các câu lạc bộ chơi Diều, tổ chức các hoạt động chơi trong và ngoài nước. Cùng sự phát triển của đời sống văn hóa xã hội, đối tượng “cộng đồng” được xác định ở việc thực hành DSVH PVT giữ vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong cộng đồng. Những người thực hành trực tiếp, nghĩa là những người chế tác và chơi Diều được coi là cộng đồng chủ thể. Những người không trực tiếp thực hành nhưng chịu sự tác động không nhỏ từ di sản được coi là cộng đồng khách thể. Họ không chỉ là những người dân địa phương nơi các lễ hội truyền thống hay hiện đại được tổ chức hưởng lợi từ những sự kiện này mà còn là các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý các cấp. Nếu cộng đồng chủ thể quyết định việc gìn giữ di sản thì cộng đồng khách thể quyết định di sản đó có phát triển được hay không. 3.2. Thực trạng PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ Dựa vào bước 2 trong quy trình đánh giá khả năng PTCĐ dựa vào nguồn lực DSVH PVT được xây dựng, luận án tiến hành đánh giá Tục chơi Diều trong PTCĐ hiện nay ứng với bốn tiêu chí: (1) cải thiện điều kiện kinh tế, (2) cải thiện điều kiện văn hóa, (3) thúc đẩy tiến bộ 14 xã hội, (4) duy trì phát triển bền vững. 3.2.1. Khả năng cải thiện điều kiện kinh tế Tiêu chí này được đánh giá bằng quá trình điều tra cộng đồng người trực tiếp thực hành di sản là người chế tác và chơi Diều, cùng với cộng đồng địa phương nơi di sản ấy tồn tại. Việc thực hành di sản của cá nhân và cộng đồng có mang lại nguồn thu hay không và nguồn thu nhập đó là chính hay phụ sẽ quyết định khả năng cải thiện điều kiện kinh tế do di sản đó mang lại. Đánh giá việc thực hành DSVH PVT Tục chơi Diều ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay cho thấy nó có mang lại nguồn thu cho cá nhân nhưng chưa đóng góp cho nguồn thu địa phương. Những cá nhân được hưởng lợi ích kinh tế chiếm số lượng rất nhỏ trong cộng đồng. Dựa vào chỉ tiêu đánh giá khả năng cải thiện điều kiện kinh tế thì việc thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ cho kết quả Kém với kết luận: Việc thực hành DSVH PVT có khả năng cải thiện điều kiện kinh tế nhưng cần sự nỗ lực toàn diện của công tác quản lý văn hóa. 3.2.2. Khả năng cải thiện điều kiện văn hóa Tiêu chí này được đánh giá dựa trên hai tiêu chí nhỏ hơn là: (1) khả năng cố kết cộng đồng và (2) khả năng tuyên truyền, quảng bá cho địa phương, quốc gia mà việc thực hành DSVH PVT mang lại. 3.2.2.1. Khả năng cố kết cộng đồng Ngày nay dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa, giá trị này dần mất đi vai trò cùng sự mai một của rất nhiều trò chơi dân gian. Thay vào đó là những trò chơi hiện đại độc tuyến, khiến cá nhân con người bị đẩy ra khỏi cộng đồng và đôi khi gắn bó với thế giới ảo nhiều hơn thế giới thực. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển thú chơi Diều mang lại giá trị cố kết cộng đồng cho đời sống đương đại. Tuy nhiên, mức độ cố kết như thế nào phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng và quốc gia với quốc gia khi di sản được thực hành. 15 Quá trình tìm hiểu, đánh giá cho thấy cá nhân người chơi luôn rất hài lòng về mối quan hệ của họ trong cộng đồng của mình và giữa cộng đồng mình với cộng đồng khác. Nhưng dưới góc độ gắn kết quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa đang được tổ chức ở khắp các quốc gia trên thế giới cho thấy việc thực hành di sản này đang có sự “đứt gãy” thông tin giữa cộng đồng người chơi và quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Điều này khiến cho thú chơi Diều của người Việt chưa mang lại giá trị gắn kết ở tầm vóc quốc tế. Khả năng cố kết cộng đồng được đánh giá ở mức độ Trung bình. 3.2.2.2. Khả năng tuyên truyền, quảng bá Tiêu chí này được đánh giá bằng việc người thực hành DSVH PVT có ý thức, đã thể hiện và đã tiến hành tuyên truyền, quảng bá hay chưa. Từ lâu, Thả Diều không chỉ còn là một thú chơi mà nó mang ý nghĩa biểu tượng cho quê hương, cho tuổi thơ, cho cuộc sông yên bình, cho khát vọng bay cao của con người… Ngày nay, chính giá trị này đã khiến nó trở thành “sứ giả” mang giá trị bản sắc của quốc gia, dân tộc đến với bạn bè thế giới. Kết quả đánh giá khả năng tuyên truyền, quảng bá của cộng đồng người thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ cho thấy người chơi đã ý thức về giá trị biểu tượng của nó, đã cố gắng thể hiện bằng những hình ảnh mang tính chất đặc trưng cho quê hương, đất nước nhưng việc tiến hành còn lẻ tẻ và chưa quy mô. Khả năng tuyên truyền, quảng bá được kết luận ở mức độ Trung bình. Như vậy, khả năng cải thiện điều kiện văn hóa được đánh giá ở mức độ Trung bình với kết luận: Việc thực hành DSVH PVT Diều có khả năng cải thiện điều kiện văn hóa nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của công tác quản lý văn hóa. Các mặt cụ thể đó là: (i) tạo ra sự gắn kết quốc gia trong khả năng cố kết cộng đồng và (ii) tăng cường nhận thức về khả năng tuyên truyền, quảng bá. 16 3.2.3. Khả năng thúc đẩy tiến bộ xã hội Tiêu chí này được đánh giá bằng các tiêu chí nhỏ hơn là: (1) khả năng cải thiện điều kiện sức khỏe, (2) khả năng nâng cao hiệu quả giáo dục, (3) khả năng tăng cơ hội việc làm cho cộng đồng. 3.2.3.1. Khả năng cải thiện điều kiện sức khỏe Tiêu chí này được xem xét ở phương diện thực hành di sản mang lại lợi ích thể chất hay tinh thần và mức độ cộng đồng đang tận dụng điều đó. Đối với thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, khả năng rèn luyện sức khỏe ở cả mặt thể chất và tinh thần là không thể phủ nhận. Nhưng người chơi chưa có cơ hội thực hành thường xuyên bởi các lý do khách quan về thời tiết và sự hạn hẹp về sân chơi. Điều này cho thấy khả năng cải thiện điều kiện sức khỏe của di sản đạt mức độ Trung bình. 3.2.3.2. Khả năng nâng cao hiệu quả giáo dục Tiêu chí này được đánh giá bằng việc thực hành DSVH PVT này có góp phần nâng cao cả kiến thức và kỹ năng cho người trực tiếp thực hành di sản và quần chúng hay không. Thả Diều là một trò chơi điển hình bởi cả tính chất trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng của nó. Trực tiếp chế tác và thả Diều giúp người chơi rèn luyện sự khéo léo, sáng tạo nghệ thuật, sự kiên trì, kỹ năng làm việc nhóm. Thêm vào đó, 99,8% số người trong cộng đồng khách thể mong muốn tham gia vào trò chơi dân gian như Thả Diều bởi các lý do: tránh tệ nạn xã hội, tránh trò chơi điện tử, hiểu biết thêm về văn hóa, dân tộc, học thêm kiến thức thực tế về vật lý, kỹ thuật, trở về với thiên nhiên yên tĩnh, trong lành. Như vậy, khả năng nâng cao hiệu quả giáo dục đạt mức độ Tốt. 3.2.3.3. Khả năng tăng cơ hội việc làm. Tiêu chí này được xem xét ở các cơ hội được mang đến với đối tượng người trực tiếp và gián tiếp thực hành di sản cùng mức độ ổn định của nó. 17 Ngày nay, việc hình thành thị trường mua và bán Diều đã tạo cơ hội việc làm cho những người có khả năng chế tác. Đa phần họ là những người ngoài độ tuổi lao động và một số là người khuyết tật. Nhưng vì thị trường chưa mở rộng nên thu nhập vẫn bấp bênh và việc làm chưa ổn định. Thêm vào đó, ở một số quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, hoạt động chơi Diều được tổ chức một cách chuyên nghiệp và mang lại cơ hội việc làm trong ngành du lịch, tổ chức sự kiện và nghề thủ công cho cộng đồng khách thể. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, những người không trực tiếp thực hành di sản mới chỉ có một vài khoản kiếm thêm trong các dịp lễ hội hay sự kiện, chứ chưa thành công việc chính. Như vậy khả năng tăng cơ hội việc làm được đánh giá ở mức Kém. Khả năng thúc đẩy tiến bộ xã hội cho kết quả ở mức Trung bình với kết luận: Việc thực hành DSVH PVT có khả năng thúc đẩy tiến bộ xã hội nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của công tác quản lý văn hóa. Các mặt cụ thể đó là: (i) tạo mức độ thường xuyên trong khả năng cải thiện sức khỏe và (ii) mở ra cơ hội việc làm cho đối tượng gián tiếp, tăng tính ổn định của việc làm đó trong cộng đồng. 3.2.4. Khả năng duy trì phát triển bền vững Tiêu chí này được đánh giá bởi hai tiêu chí nhỏ hơn là: (1) khả năng bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội và (2) khả năng phát triển con người. 3.2.4.1. Khả năng bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội Tiêu chí này được xem xét bằng việc thực hành di sản có ảnh hưởng gì đến môi trường tự nhiên và xã hội hay không cùng mức độ thường xuyên của nó. Bản thân thú chơi Diều là một hoạt động gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên nhưng do nhận thức chưa đầy đủ của người chơi, đôi lúc vẫn gây ra những ảnh hưởng không đáng có đến cả môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không thường xuyên nên khả năng bảo vệ môi trường của thực hành DSVH Diều 18 được đánh giá ở mức độ Trung bình. 3.2.4.2. Khả năng phát triển con người Nói đến DSVH PVT là nói đến vai trò của nghệ nhân. Bởi vậy, đế đánh giá sự phát triển bền vững cần đánh giá khả năng phát triển con người, trong đó cần xét đến môi trường rèn luyện, phát triển và được tôn vinh của nghệ nhân trong bối cảnh đương đại. Sân chơi Diều ngày càng được mở rộng với thị trường mua bán sôi động là cơ hội cho nghệ nhân rèn luyện tay nghề. Hơn nữa, khi phong trào phát triển mạnh, giao lưu được tổ chức dưới nhiều hình thức từ quy mô nhỏ đến lớn. Đây là cơ hội cho nghệ nhân phát triển tài năng của họ. Tuy nhiên với việc Diều Sáo chưa được công nhận là DSVH PVT cấp quốc gia và mới chỉ có 2 nghệ nhân chế tác Diều được phong tặng “nghệ nhân ưu tú” thì tiêu chí này chỉ được đánh giá ở mức độ Trung bình. Như vậy, khả năng duy trì phát triển bền vững của thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ đạt mức độ Trung bình với kết luận: Việc thực hành DSVH PVT có khả năng phát triển bền vững nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của công tác quản lý văn hóa. Các mặt cụ thể đó là: (i) hạn chế tối đa khả năng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội, (ii) tạo ra các cơ hội để di sản và người thực hành di sản được tôn vinh xứng đáng. Kết quả chung cho thấy khả năng PTCĐ của thực hành DSVH Diều ở đồng bằng Bắc Bộ đạt mức độ Trung bình, nghĩa là, nó có khả năng trở thành nguồn lực phục vụ PTCĐ nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của công tác quản lý văn hóa. Tiểu kết Việc nhận diện Tục chơi Diều như một DSVH PVT có khả năng khai thác phục vụ PTCĐ là cơ sở để tiến hành đánh giá khả năng PTCĐ của việc thực hành DSVH này hiện nay ở đồng bằng Bắc Bộ. Đây là việc hoàn thành bước 2 trong quy trình đánh giá. Kết quả Trung bình cho thấy thực hành DSVH PVT này có khả năng trở thành nguồn lực phục vụ PTCĐ nhưng cần sự nỗ lực từng mặt của công tác quản lý văn hóa.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan