Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn cặp phạm trù lượng và chất (định tính và định lượng) trong nghiên cứu địa l...

Tài liệu Skkn cặp phạm trù lượng và chất (định tính và định lượng) trong nghiên cứu địa lí

.PDF
10
1214
90

Mô tả:

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM CẶP PHẠM TRÙ LƯỢNG VÀ CHẤT (ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG) TRONG NGHIÊN CỨU ĐỊA LÍ PHẦN MỞ ĐẦU Phạm trù theo nghĩa rộng là phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối quan hệ chung cơ bản nhất của sự vật, hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhận thức nhất định. Trong triết học, các mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng được phép duy vật biện chứng khái quát thành các cặp phạm trù cơ bản như cái riêng, cái chung, cái đơn nhất; tất nhiên và ngẫu nhiên; bản chất và hiện tượng; nguyên nhân và kết quả; khả năng và hiện thực; nội dung và hình thức…Chúng được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động nhận thức, hoạt động cải tạo tự nhiên và xã hội. Các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật không phải là hệ thống bất biến mà phát triển cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiển. Mối quan hệ giữa các phạm trù của các ngành khoa học với các phạm tù của phép biện chứng duy vật là mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng. Do vậy, khi nghiên cứu các phạm trù cần liên hệ chúng với nhau. Mỗi khoa học đều có các cặp phạm trù: Trong địa lí cũng có 6 cặp phạm trù: không gian và thời gian; nội dung và hình thức; cái chung và cái riêng; liên tục và gián đoạn; lượng và chất (định tính và định lượng); nguyên nhân và kết quả. Các cặp phạm trù của địa lí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật. Trong 6 cặp phạm trù nói trên cặp phạm trù định lượng và định tính có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu địa lí. Việc nghiên cứu về định tính và định lượng thành công bước đầu cho phép chúng ta vững tin ở việc áp dụng các phương pháp định lượng trong nghiên cứu địa lí kinh tế xã hội. Khi nắm vững quan điểm phương pháp luận nghiên cứu của địa lí kinh tế xã hội, có định hướng nghiên cứu đúng, biết cách phát hiện vấn đề, thì nhà địa lí có thể vận dụng đúng các phương pháp và phương tiện nghiên cứu hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng nghiên cứu của mình. Đây cũng là nguồn động viên cho những nhà địa lí trẻ có thể vững bước trên con đường nghiên cứu mà không sợ lệch hướng. Vì lí do trên, tôi đi sâu tìm hiểu và làm rõ: “Cặp phạm trù lượng và chất (định tính và định lượng) trong nghiên cứu địa lí”. PHẦN NỘI DUNG Trong triết học, lượng và chất được khái quát thành một quy luật của phép biện chứng duy vật. Đó là quy luật chuyển hóa từ sự thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại. Quy luật này chỉ ra cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Trong đó, chất là tính quy định vốn có khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ giữa các thuộc tính làm cho nó là nó mà không phải là cái khác. Lượng là cái quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, qui mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động, phát triển của sự vật cũng như các thuộc tính của nó. Mỗi sự vật đều là sự thống nhất giữa chất và lượng. Giới hạn trong đó những thay đổi về lượng của sự vật chưa gây ra những thay đổi căn bản về chất được gọi là độ. Những thay đổi về lượng vượt quá giới hạn độ sẽ làm cho chất của sự vật biến căn bản. Điểm mà tại đó sự thay đổi căn bản về chất được thực hiện gọi là điểm nút. Bước nhảy là bước thay đổi căn bản về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng trước đó gây ra. Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất còn có chiều ngược lại. Đến lượt nó, sự thay đổi về chất lại tác động đến lượng, thúc đẩy lượng tiếp tục phát triển. Nắm được nội dung quy luật này sẽ tránh được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn tích lũy về lượng, đồng thời tránh tư tưởng tuyệt đối hóa thay đổi về lượng, không kịp thời chuyển những thay đổi về lượng sang những thay đổi về chất, từ những thay đổi mang tính tiến hóa sang những thay đổi mang tính cách mạng và ngược lại không biết sử dụng chất mới để thúc đẩy lượng tiếp tục phát triển. Trong Địa lí, quy luật lượng chất đã được các nhà khoa học nghiên cứu và khái quát nên thành một cặp phạm trù: Đó là cặp phạm trù Định lượng và định tính. Vấn đề nghiên cứu địa lí theo hướng định lượng và định tính ra đời đã nhiều thập kỉ nay. Nó là địa hạt đầy khích lệ, đầy kịch tính của địa lí học. Trong lịch sử nghiên cứu địa lí học thì phương pháp định lượng đã bắt đầu được đặt nền móng từ thế kỉ 19, với một số nhà đại lí vĩ đại như Humbolt, Ritter, Tunen. Trong những năm 30 của thế kỉ này đã có những mô hình không gian toán học nổi tiếng của Chistaller, của Losch đã khích lệ rất nhiều nhà địa lí học ở các nước phương Tây phát triển mô hình này. Những nhà địa lí trẻ ở Châu Âu đã đi đầu trong việc nghiên cứu định lượng. Một loạt các công trình nghiên cứu của ông Chorley đã được đánh giá cao trên thế giới và đã nhanh chóng được dịch ra tiếng Nga, giới thiệu với các nhà địa lí Xô Viết. Đặc biệt trong công trình nghiên cứu của ông “ Địa lí học: Sự tổng hợp địa lí hiện đại” đã được đánh giá như là “Cuốn sách của thế kỉ”. Cuốn sách nổi tiếng của David Harvey “ Giải thích khoa học trong địa lí” đã đề cập đến khoa học trong địa lí, từ đó ta có thể hiểu được thấu đáo hơn mối quan hệ giữa định lượng và định tính trong nghiên cứu địa lí. Khẳng định việc nghiên cứu theo hướng định lượng trong địa lí học gặp không ít quanh co. Sự cực đoan hóa, sùng bái các cộng cụ định lượng có thể dẫn đến chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thực chứng mới, và nếu không thận trọng thì người đọc thậm chí người nghiên cứu có thể bị đánh lừa vì bản chất không khoa học lại được che đậy bằng cái vỏ có vẻ rất khoa học, hiện đại. Một điều còn có thể thấy trong kinh nghiệm của thế giới là trong khi các nhà địa lí trẻ đón nhận phương hướng định lượng rất nhiệt tình thì các nhà địa lí lão thành tỏ ra rất thận trọng. Sự can thiệp của các cộng cụ định lượng không chỉ là cuộc cách mạng trong phương pháp nghiên cứu, mà còn làm lay chuyển cả nền tảng phương pháp luận của khoa học địa lí, và đương nhiên sẽ không dễ gì khi chúng ta phải thay đổi, thậm chí phải loại bỏ kho tàng tri thức của khoa học địa lí những điều gần như đã được mặc nhiên thừa nhận. Ở Việt Nam, việc tạo ra sự phát triển kế tiếp giữa các phương pháp định tính, định lượng, đồng thời từng bước làm giàu thêm cả về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu thông qua các thử nghiệm áp dụng định lượng sẽ đem lại kết quả tốt. 1. Quan niệm về mối quan hệ giữa định tính và định lượng trong nghiên cứu địa lí Mối quan hệ này có cơ sở trước hết từ bản chất của quá trình nhận thức: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng rồi lại trở về thực tiễn. Trực quan sinh động bao hàm nội dung của trực giác khoa học, của những nghiên cứu định tính ban đầu, nó có tính chất phát hiện, có tác dụng định hướng cho nghiên cứu sâu, định lượng trong quá trình trừu tượng hóa và để trở lại với thực tiễn. Sau khi đã tước bỏ đi các dấu hiệu cụ thể không bản chất, để lại những đặc tính bản chất, cốt lõi những mối quan hệ bản chất, lặp đi lặp lại, quá trình nhận thức đang trở về với định tính. Khi mà địa lí học đang gần với thực tiễn, xâm nhập vào cuộc sống, thì càng cần đến những sản phẩm định tính có chất lượng cao nhờ đã đúc kết từ nhiều quá trình xử lí định lượng khách quan, trên cơ sở cắt nghĩa nhiều mô hình định lượng. Và như vậy có thể nói rằng “ định tính” không đồng nghĩa với cái gì đó thiếu cơ sở khoa học hay là kết quả của phương pháp nghiên cứu cổ truyền, và “ định lượng” không phải là mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu địa lí. Đối với địa lí học, một khoa học nghiên cứu các địa tổng thể tự nhiên hay các hệ thống kinh tế xã hội và sự tương quan giữa hệ thống lãnh thổ này, thì các phương pháp định lượng có ý nghĩa lớn. Đây có các hình thức vận động khác nhau của vật chất từ vận động cơ học, vật lí, hóa học, sinh học cho đến vận động xã hội. Các chỉ tiêu để đo các quá trình kinh tế xã hội diễn ra trên lãnh thổ thường có bản chất khác nhau và không thông ước với nhau. Phải nhờ các công cụ toán thích hợp mới có thể tiến hành nghiên cứu tổng hợp thực sự. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ GIS, thì những bài toán phân tích không gian được tiến hành dễ dàng hơn nhiều, và tính phương án của các nghiên cứu, các giải pháp được thực hiện có kết quả. 2. Ý nghĩa của định tính và định lượng trong nghiên cứu địa lí 2.1. Khi chúng ta đo đạc một yếu tố địa lí có nghĩa là chúng ta chưa đi vào bản chất của yếu tố đó mà chỉ là đo về hình thức, định lượng được cái bên ngoài. Như vậy khi xem xét một yếu tố địa lí nào đó thì phải đi từ cái định lượng bên ngoài sau đó mới đi sâu vào tìm hiểu bản chất bên trong của nó. Trong quá rình nghiên cứu về định tính và định lượng không có ranh giới cụ thể. Có thể bắt đầu đi từ định tính => định lượng => định tính…..=> định tính ( Đó là cái đích cuối cùng). Chỉ khi nào đưa ra được định tính thì mới đưa ra được khuyến cáo về biện pháp. Ví dụ mức sống càng tăng thì tỉ lệ sinh càng giảm. Nếu mọi quy luật xã hội đều mô tả bằng một câu đơn giản thì sẽ không tồn tại. Mức sống tăng nhiều nước có mức sinh cao và họ quan tâm đến giáo dục và y tế. Như vậy từ định tính => Định lượng => Định tính Thống kê Trực tiếp, đồng pha (trễ) Khi nói đến định tính ban đầu đầu tiên ta phải tìm dấu hiệu bên ngoài. Điều này đòi hỏi người nghiên cứu phải biết lọc những dấu hiệu nào mang tính bản chất, dấu hiệu nào không bản chất hay không cơ bản. Ví dụ: Nguyên nhân tại sao ở đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất phèn và đất mặn lớn nhất cả nước. Ta đưa ra một số nguyên nhân: do giáp biển, do địa hình thấp, do khí hậu…nhưng nguyên nhân chính là gì? Nguyên nhân cơ bản là do chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển và mùa khô kéo dài. Theo dõi thấy ở Hải Phòng hàng năm tôm chết hàng loạt mà thời điểm tôm chết của các năm lại trùng vào một tháng. Người ta đưa ra một số nguyên nhân như sau: do nhiệt độ, do môi trường…, nhưng nguyên nhân chính là gì? Sau một thời gian tìm hiểu kiểm tra thì các nhà khoa học đưa ra nguyên nhân chính là do hàng năm cứ vào tháng đó có lũ lớn đưa nước mặn từ biển vào nên tôm bị chết. 2.2. Từ định tính => Đo đạc ra các chỉ tiêu (định lượng). Tiêu chí là tập hợp các chỉ tiêu để phản ánh đặc trưng cơ bản. Các tiêu chí đưa ra phải khái quát, chỉ tiêu phải cụ thể và đo đạc được. Việc lựa chọn các chỉ tiêu để phân tích, đưa vào các mô hình định lượng có ý nghĩa quyết định đầu tiên. Trong nghiên cứu địa lí tự nhiên, ta hay nói đến phương pháp chỉ thị dùng một thông số nào đó làm chỉ thị chính xác hay quá trình cần nghiên cứu. Trong nghiên cứu địa lí kinh tế xã hội, cách áp dụng này cũng rất có hiệu quả. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về đô thị hóa, ta có định nghĩa về đô thị hóa: Đó là một quá trình kinh tế - xã hội, mà biểu hiện của nó là sư tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố nhất là các thành phố lớn, là sự phổ biến rộng rãi lối sống thành thị trong dân cư. Trong thống kê người ta thường dùng chỉ tiêu về tỉ lệ phần trăm dân số đô thị trong toàn bộ dân số để phản ánh trình độ đô thị hóa. Tuy nhiên chỉ tiêu này khá khái quát và không phản ánh sự mau lẹ của đô thị hóa, cho nên cần dùng thêm một số các chỉ tiêu khác như có thể sử dụng chỉ tiêu về hiện trạng sử dụng đất để phản ánh sự đô thị hóa, vì ở khu vực đô thị hóa đang tiến triển, thì tỉ lệ đất chuyên dùng cộng đất thổ cư tăng lên, và trong thực tiễn ở nước ta thì đồng thời là một phần đất nông nghiệp bị mất đi do chuyển mục đích sử dụng. Vậy thì thay cho chỉ tiêu tỉ lệ (Đất chuyên dùng + đất thổ cư)/ tổng diện tích tự nhiên, ta nên dùng chỉ tiêu (đất chuyên dùng + đất thổ cư)/ diện tích đất nông nghiệp vì với sự tăng lên của tử số là sự giảm đi của mẫu số, các khác biệt theo lãnh thổ được thấy rõ hơn. Trong khi phân biệt các kiểu quần cư nông thôn ở Hà Nội đây là chỉ tiêu đặc biệt để tìm ảnh hưởng của đô thị hóa, phát hiện các khu vực có kiểu quần cư hỗn hợp ngoại thành. Chính trong nghiên cứu trên có thể thấy sự kết hợp giữa các hệ thống chỉ tiêu định tính với các chỉ tiên định lượng để phân kiểu quần cư nông thôn Hà Nội: - Phân loại theo vị trí địa lí (định tính) - Phân loại dựa trên hình thái ( định tính) - Phân loại theo hoạt động kinh tế của dân cư ( định lượng), trong đó sử dụng các số liệu thống kê về dân cư, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng sản xuất Việc nghiên cứu định tính và định lượng còn có ý nghĩa trong việc định ra các thang bậc so sánh bao gồm tương đối và tuyệt đối. Ví dụ tìm hiểu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ấy bao gồm thành phần nào, chúng ta phải Checklist (danh mục, kiểm kê): Cơ cấu bao gồm những ngành nào? Cái nào quan trọng hơn? Ví dụ muốn chứng minh Trái Đất đang nóng lên chúng ta phải dựa vào: Lí thuyết nhà kính, nguồn phát thải nhà kính, quan trắc nhiều năm về nhiệt độ về mùa đông và mùa hè, có những năm chưa thấy tuyết rơi, quan sát các núi tuyết thấy lượng tuyết bị mất đi qua các năm. Như vậy đánh giá một hiện tượng phải xem xét nó trong mối quan hệ với nhau chúng là tấm gương phản chiếu của nhau. Không bao giờ được trả lời là không mà phải tìm ra các chỉ tiêu khác để thay thế. Mối quan hệ giữa các chỉ tiêu: sử dụng số liệu thống kê trong giảng dạy địa lí kinh tế xã hội là rất quan trọng. Ví dụ: Tìm hiểu về chất lượng cuộc sống bao gồm các chỉ tiêu: GDP/ đầu người, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn. vấn đề quan trọng là phải lí giải được tính đại diện của các chỉ tiêu này. Các chỉ tiêu độc lập với nhau: - Chỉ tiêu nhà kiên cố - Chỉ tiêu nhà bán kiên cố - Chỉ tiêu nhà tạm Trong đó, chỉ tiêu nhà tạm phản ánh tỉ lệ nghèo. Chỉ tiêu nhà kiên cố phản ánh sự khởi sắc của đất nước. 2.3. Bài toán phân tích tương quan Có nhiều bài toán tính hệ số tương quan. Chúng ta tính hệ số tương quan giữa các đơn vị lãnh thổ theo bộ chỉ tiêu đó, từ đó thấy được sự tương đồng và khác biệt của cấu trúc lãnh thổ theo bộ chỉ tiêu đã chọn. Điều đáng chú ý là khi chọn thông tin gốc để tính tương quan, độ phân tích giảm khi đưa vào các chỉ tiêu phụ thuộc và khi sử dụng các chuỗi nhỏ. Việc tính hệ số tương quan cặp hiện nay đã trở nên dễ dàng nhờ sự trợ giúp của các phần mềm xử lí như Exel. Các kết quả tính toán có thể trình bày bản đồ hệ số tương quan hoặc dưới dạng ma trận tương quan. 2.4. Mô hình hóa bằng toán học và bằng bản đồ Có thể mô hình một chiều hoặc hai chiều. Trong mô hình hóa thì phân tích đa biến (Multivariate analysis). Ví dụ: Đồng bằng sông Hồng là nơi vựa người, vựa của của cuộc kháng chiến, đây cũng là nơi mà tỉ lệ trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam nhiều nhất. Ở đồng bằng sông Cửu Long: Kinh tế khá phát triển, nhưng xét về trình độ văn hóa thì lại kém phát triển (tỉ lệ trẻ em bỏ học nhiều, vấn đề nước sạch, giao thông kém phát triển) Đông Nam Bộ: Là nơi kinh tế phát triển nhất cả nước Ví dụ: Nghiên cứu về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ta thấy rằng: Tỉ lệ ngành nông- lâm- ngư nghiêp giảm, tỉ lệ của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Khi nghiên cứu về cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên thì lại thấy có sự chuyển dịch ngược tức là tỉ trọng của ngành nông – lâm - ngư nghiệp tăng, tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ lại giảm. Vậy thì điều này lí giải như thế nào? Nguyên nhân là trong những năm đó ở Đắc Lắc cà phê được mùa và giá cà phê xuất sang các nước tương đối cao. 2.5. Định lượng và định tính còn có ý nghĩa trong việc cắt nghĩa (Explanation) trong dạy học địa lí. Trong giảng dạy địa lí việc cắt nghĩa là việc hết sức khó khăn nhưng vô cùng quan trọng từ việc cắt nghĩa chúng ta có thể hiểu bản chất sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, thường thì các vùng đồng bằng ở nước ta hay bị ngập lụt nhưng vùng chịu lụt úng nghiêm trọng nhất ở nước ta là vùng châu thố sông Hồng vậy thì phải cắt nghĩa như thế nào. Vấn đề đó liên quan đến nhiều yếu tố do diện mưa bảo rộng, lũ tập trung trong các hệ thống sông lớn, mặt đất thấp, xung quanh lại có đê sông, đê biển bao bọc. Mật độ xây dựng cao ở đây cũng làm cho mức độ ngập lụt nghiêm trọng hơn. Hay trong vấn đề di cư phụ nữ di cư nhiều hơn nam giới. Theo quy luật thì nam giới di cư nhiều hơn so với phụ nữ. Ở Việt Nam nữ di cư nhiều hơn vậy thì phải cắt nghĩa như thế nào. Vấn đề di cư liên quan đến việc di chuyển lao động( thị trường lao động diễn biến như thế nào mà lại thu hút nhiều phụ nữ hơn). Tiền công lao động nữ rẻ hơn nam. Ngành công nghiệp nhẹ phát triển nên thu hút nguồn lao động nữ, ở thành phố tỉ lệ osin nữ nhiều. như vậy bản chất của vấn đề của vấn đề di cư là liên quan đến thị trường lao động Ví dụ: Trong sự phân bố về trang trại thì đồng bằng sông Hồng số lượng trang trại tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây. Điều này lí giải như thế nào. Trước hết phải tìm hiểu có bao nhiêu loại trạng trại, ở đồng bằng sông Hồng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại nhưng không sử dụng nhiều tài nguyên đất. 2.6. Phân tích hồi quy Phân tích hồi quy có mô hình hồi quy một chiều và hồi quy không gian. Hồi quy một chiều chỉ ra sự phụ thuộc của một hiện tượng này vào một hiện tượng khác, là guyên nhân quan trọng nhất của sự phổ biến và phát triển của nó. Nó được dùng để giải các bài toán nội suy và ngoại suy. Hồi quy không gian lại phân tích sự phụ thuộc của hiện tượng địa lí vào các tọa độ không gian. Nó là phương pháp hữu hiệu để mô hình hóa các bản đồ trường địa lí, bao gồm bản đồ mặt phông, bản đồ phần dư. Ví dụ lập phương trình hồi quy phản ánh quan hệ tương quan giữa đánh giá kinh tế đất và năng suất trung bình và mức lãi. Việc ứng dụng phương pháp này vào hoàn cảnh Việt Nam, lập các phương trình hồi quy như vậy có thể làm cơ sở để xác định các định mức về năng suất và mức lãi để điều chỉnh hạng mức thuế nông nghiệp theo hạng kinh tế đất. Trong nghiên cứu trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa hộ nông nghiệp và đất nông nghiệp tính bình quân trên một hộ nông thôn đã xác định đường hồi quy và cho phép rút ra kết luận rằng: Dân số nông thôn đồng bằng sông Hồng gây sức ép lên đất đai, sự hạn chế trong việc bảo đảm tài nguyên lại trở thành sức ép, buộc người nông dân phải thay đổi hoạt động kinh tế sang các hoạt động phi nông nghiệp. 2.7. Mô hình phân loại Trong nghiên cứu địa lí kinh tế xã hội hay trong kinh tế vùng nhiều khi phải tiến hành phân loại, gộp nhóm các đối tượng nghiên cứu muôn vẻ vào các lớp nhất định để nhận dạng chúng và đánh giá, xem xét sự phân bố của chúng cũng như quan hệ của chúng trong không gian. Việc phân loại còn là một bước quan trọng để đi tới tổng hợp, khái quát hóa các kết quả nghiên cứu. Nó cho phép phân tích ở trình độ cao cấu trúc ngang của lãnh thổ, quy luật phân hóa lãnh thổ. Trong nghiên cứu của GS Thịnh cũng dùng mô hình phân loại với sự trợ giúp của máy vi tính tính ra các khoảng cách phân loại theo bộ chỉ tiêu phản ánh điều kiện sinh thái nông nghiệp. Các chỉ tiêu phân hạng đất theo mức độ thích hợp cho 17 nhóm cây trồng khác nhau của 163 đơn vị lãnh thổ. PHẦN KẾT LUẬN Cặp phạm trù định lượng và định tính có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu địa lí. Nghiên cứu bước đầu đề cập đến lịch sử nghiên cứu phương pháp định lượng trên thế giới và Việt Nam, quan niệm về mối quan hệ giữa định tính và định lượng trong nghiên cứu địa lí, ý nghĩa của nó trong nghiên cứu địa lí. Từ đó, cho phép chúng ta vững tin áp dụng các phương pháp định lượng trong nghiên cứu địa lí đặc biệt địa lí kinh tế xã hội. Khi nắm vững quan điểm phương pháp luận nghiên cứu của địa lí kinh tế xã hội, có định hướng nghiên cứu đúng, biết cách phát hiện vấn đề, thì nhà địa lí có thể vận dụng đúng các phương pháp và phương tiện nghiên cứu hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng nghiên cứu của mình. Tuy nhiên do thời gian không cho phép và khả năng tìm hiểu có hạn, tôi chỉ dừng lại ở việc làm rõ quan niệm và ý nghĩa của căp phạm trù định tính và định lượng trong nghiên cứu địa lí. Ta cần phải nghiên cứu nó cùng với các cặp phạm trù khác và với các quy luật, nguyên lý thì mới phản ánh đầy đủ các mối liên hệ trên thế giới. Với việc nghiên cứu trên, tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ nhằm khẳng định tính đúng đắn và vai trò to lớn của phương pháp nghiên cứu định lượng trong sự thành công của khoa học địa lí. Điều này giúp giáo viên Địa lí cũng như các em học sinh yêu thích bộ môn có thể vững bước trên con đường nghiên cứu mà không sợ lệch hướng. Nguyễn Thị Thanh Hải – Trung tâm GDTX Tinh Vĩnh Phúc
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng