Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn một số kinh nghiệm dạy học sinh viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một ng...

Tài liệu Skkn một số kinh nghiệm dạy học sinh viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người

.PDF
17
1458
105

Mô tả:

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐẠO TẠO HUYỆN NGHĨA HƯNG TRƯỜNG TIỂU HỌC NAM ĐIỀN SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐỀ TÀI: MỘT SỐ KINH NGHIỆM DẠY HỌC SINH VIẾT ĐOẠN VĂN MIÊU TẢ NGOẠI HÌNH CỦA MỘT NGƯỜI Mai Thị Thanh Xuân ĐƠN VỊ CÔNG TÁC: Trường tiểu học nam điền NGƯỜI THỰC HIỆN: n¨m häc: 2015- 2016 1 THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM 1. Tên sáng kiến kinh nghiệm: “ Một số kinh nghiệm dạy học sinh viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người”. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là học sinh lớp 5D - Phạm vi nghiên cứu: Phân môn Tập làm văn lớp 5 3. Thời gian áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Từ ngày 25 tháng 8 năm 2015 đến ngày 15 tháng 5 năm 2016 4. Tác giả: Họ và tên: Mai Thị Thanh Xuân Năm sinh: 1972 Nơi thường trú: Nam Điền – Nghĩa Hưng – Nam Định Trình độ chuyên môn: Cao đẳng sư phạm Chức vụ công tác: Giáo viên Nơi làm việc: Trường Tiểu học Nam Điền Địa chỉ liên hệ: Xóm 1- Nam Điền – Nghĩa Hưng – Nam Định Điện thoại: 01647980646 5. Đơn vị áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Tên đơn vị: Trường tiểu học Nam Điền Địa chỉ: Xóm 6 – Nam Điền – Nghĩa Hưng – Nam Định Điện thoại: 0350 3727 661 PHỤ LỤC 2 Các phần chính Ghi chú Trang bìa Trang phụ bìa Thông tin chung về sáng kiến kinh nghiệm Mục lục I. ĐẶT VẤN ĐỀ: II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1Cơ sở lý luận của vấn đề 2. Thực trạng – Nguyên nhân 3. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề 4. Kết quả quả của sáng kiến kinh nghiệm III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ - ĐỀ XUẤT MỘT SỐ KINH NGHIỆM DẠY HỌC SINH VIẾT ĐOẠN VĂN MIÊU TẢ NGOẠI HÌNH CỦA MỘT NGƯỜI 3 I .ĐẶT VẤN ĐỀ Lớp 5 là lớp học cuối cấp, việc trang bị đầy đủ kiến thức các môn học là điều hết sức cần thiết vì điều đó giúp các em có đủ khả năng, đủ tự tin bắt đầu cấp học tiếp theo. Một trong những môn học có tầm quan trọng nhất đó là môn Tiếng Việt vì ngoài nhiệm vụ trang bị kiến thức, môn học này còn là môn học mang tính giáo dục nhân cách giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống, trong đó phân môn Tập làm văn có thể coi là có tầm quan trọng hơn cả. Bản thân tôi là một giáo viên đã dạy lớp 5 nhiều năm, tôi nhận thấy rằng nội dung chương trình Tập làm văn lớp 5 khá phong phú, trong đó mảng chiếm nhiều nhất là văn miêu tả, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp các em học tốt các môn học, đặc biệt là phân môn Tập làm văn, làm thế nào để các em có thể tự mình viết được những bài văn, đoạn văn miêu tả hay, sát với đối tượng miêu tả mà không phụ thuộc vào văn mẫu hay bất cứ đối tượng nào khác. Chính vì vậy, trong năm học này tôi quyết định chọn phân môn Tập làm văn lớp 5 để nghiên cứu và đề tài mà tôi lựa chọn nghiên cứu và chia sẻ là: “Một số kinh nghiệm dạy học sinh viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người.” II GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1. Cơ sớ lí luận của vấn đề. Trong môn Tiếng Việt lớp 5, phân môn Tập làm văn chiếm một lượng kiến thức lớn và có tầm quan trọng đặc biệt. Nâng cao chất lượng các giờ dạy tập làm văn là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo ra những con người năng động, chủ động, có các kĩ năng sống cần thiết. Môn Tập làm văn lại có tính tổng hợp, sáng tạo, thực hành và thể hiện đậm nét dấu ấn của cá nhân, trang bị cho học sinh kĩ năng làm văn, góp phần cùng các môn học khác mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy lô gíc, tư duy hình tượng, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành nhân cách cho học sinh. Quá trình thực hiện các kĩ năng như phân tích đề bài, tìm ý, quan sát, viết đoạn, viết bài ...là những cơ hội giúp cho học sinh mở rộng hiểu biết về cuộc sống và thế giới xung quanh, đặc biệt trong quá trình làm văn được tiếp xúc với các đối tượng trong cuộc sống sẽ giúp các em thêm gắn bó, yêu mến cuộc sống và 4 con người xung quanh đồng thời tự rút ra cho mình các bài học, tự hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có đủ khả năng để học tốt phân môn Tập làm văn. Nếu không được quan tâm giúp đỡ, nhiều học sinh không thể tự viết được đoạn văn ,bài văn trong chương trình học từ đó dẫn đến tâm lí chán học. Vì vậy việc làm thế nào để giúp học sinh có được kĩ năng viết văn là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn trong thời gian dài, bắt đầu từ những yêu cầu đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Việc hướng dẫn học sinh cách viết đoạn văn miêu tả ngoại hình là một bước làm được giáo viên chúng tôi xác định là vô cùng quan trọng khi dạy làm văn Tả người . 2 . Thực trạng – nguyên nhân a . Về sách giáo khoa - Theo sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 5, căn cứ vào chuẩn kiến thức kĩ năng thì nội dung về dạy về tả ngoại hình của người chỉ gồm có 2 tiết chính đó là tiết 27 và tiết 28, sau đó được ôn tập lại trong một số tiết học cuối kì và cuối năm nhưng được ôn cùng một số nội dung kiến thức khác. Theo kinh nghiệm giảng dạy, tôi thấy rằng thời gian này là ít so với nội dung kiến thức cần truyền đạt, học sinh không có nhiều thời gian ôn luyện nên viết đoạn văn về tả ngoại hình của người rất lúng túng, đặc biệt là đối tượng học sinh học yếu môn Tập làm văn. Nguyên nhân chính ở đây là trong nội dung chương trình phân môn Tập làm văn lớp 5 có rất nhiều dạng bài, thể loại văn khác nhau vì vậy thời gian phân bố cho mỗi dạng bài chỉ có hạn. Đây là một khó khăn lớn trong quá trình dạy và học của thầy trò chúng tôi cần thiết có sự tháo gỡ . b. Về học sinh: Thông qua nhiều năm dạy lớp 5 tôi thấy về phía học sinh còn có những vấn đề sau: + Học sinh chưa có sự say mê học phân môn Tập làm văn, xuất phát từ việc một số em học kém, chưa có thói quen tìm hiểu, chuẩn bị bài, kết quả các bài văn viết từ các lớp dưới chưa cao dẫn đến việc chán học và không ham thích học tập. Cũng có nhiều em ảnh hưởng tâm lí từ người lớn thường tập trung học môn Toán và không có hứng thú học tập môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng . 5 + Kĩ năng làm bài văn của các em còn hạn chế do chưa biết cách phân tích đề bài,chưa xác định được yêu cầu trọng tâm của đề bài, chưa biết cách quan sát, miêu tả còn chung chung, chưa thể hiện được đặc điểm nổi bật của đối tượng miêu tả, vốn từ ngữ của các em còn nghèo nàn, chưa biết sử dụng các từ ngữ gợi tả, các thủ pháp nghệ thuật khi viết văn. Cá biệt có học sinh viết văn nhưng sai nhiều lỗi chính tả và làm ngườì đọc không hiểu rõ nghĩa cũng như ý mà học sinh muốn miêu tả. Đây là vấn đề tồn tại từ các lớp dưới nên khắc phục được vấn đề này là một việc làm không hề đơn giản. + Do đặc điểm của lứa tuổi, các em thường hay bắt chước, ghi nhớ một cách máy móc dẫn đến việc khi miêu tả các em thường bị lặp lại, không có sự sáng tạo, đôi khi miêu tả ngoại hình của những người khác nhau nhưng lại có đặc điểm giống nhau, không giống với đặc điểm của của người đó trong thực tế. (Ví dụ như: nước da trắng hồng, đôi mắt bồ câu đen láy, tóc đen mượt óng ả ...) Mặt khác các em rất hay ảnh hưởng từ cách miêu tả của thầy cô giáo hoặc các bài văn hay, văn mẫu nên thường gặp tình trạng cùng một đề văn, trong lớp có những bài văn miêu tả giống hệt nhau giống như chép bài của nhau vậy. Ngoài ra do chưa biết chắt lọc ý nên các em thường sa vào việc miêu tả tất cả các đặc điểm ngoại hình của một người từ vóc dáng đến nước da , khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, miệng, môi, hàm răng ...dẫn đến việc đoạn văn các em viết có nội dung lan man không làm rõ được đặc điểm nổi bật của người muốn miêu tả.Tất cả các điều trên đều làm ảnh hưởng đến kết quả bài làm văn tả người của các em . - Với đặc điểm lớp học của tôi năm nay, trình độ học sinh không đồng đều và có đầy đủ các đối tượng học sinh. Ngay từ đầu năm học, tôi đã tiến hành kiểm tra khảo sát về khả năng viết văn của các em. Nhận thấy kiểu bài văn Tả con vật ở lớp 4 có một số nét tương đồng với kiểu bài văn Tả người ở lớp 5, tôi đã chọn đề bài sau cho học sinh làm để lấy kết quả khảo sát: “Em hãy viết đoạn văn tả ngoại hình một con vật nuôi trong gia đình em.” Và kết quả tôi thu thập được trên tổng số 28 học sinh như sau : + Nhìn chung các em đã nắm được cách viết đoạn văn tả ngoại hình của con vật nhưng kết quả không cao và có mắc các lỗi cơ bản sau : - 5 học sinh chưa hoàn thành được đoạn văn do xác định chưa đúng yêu cầu đề bài 6 - 4 học sinh chưa viết được các câu mở đoạn, kết đoạn của đoạn văn do chưa nắm chắc cấu tạo một đoạn văn. - 6 học sinh không tả rõ đặc điểm con vật cần tả, còn tả nhầm sang tả đặc điểm của con vật khác. - 12 học sinh mắc lỗi tả lan man tất cả các bộ phận của con vật cần tả, chưa làm rõ được đặc điểm nổi bật và những nét đáng yêu của con vật đó . - 18 học sinh sử dụng từ ngữ chưa đúng nghĩa, hoặc chưa biết sử dụng các từ ngữ hay, gợi tả và các biện pháp nghệ thuật khi viết văn, còn lặp lại trong cách miêu tả. - Nhiều học sinh còn sai lỗi chính tả trong bài làm . Dựa vào kết quả bài làm của học sinh cùng việc rút kinh nghiệm tay đôi với học sinh, tôi đã tìm hiểu và thấy rõ ràng nguyên nhân dẫn đến kết quả bài làm của học sinh còn thấp chính là những nguyên nhân mà tôi đã nêu trong phần thực trạng bên trên . c .Về phía giáo viên - Đối với các giáo viên lớp dưới, việc tổ chức ôn luyện cách viết văn cho các em còn hạn chế, còn phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, chú trọng nhiều đến dạy lí thuyết, chưa chú ý rèn cho các em kĩ năng phân tích đề bài, cũng như là các kĩ năng khác khi viết văn. - Bản thân tôi là giáo viên dạy lớp 5 lâu năm nhưng thực sự vốn từ ngữ còn chưa được phong phú, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy viết văn cho các em. 3. Các biện pháp tiến hành để giải quyết vấn đề Xuất phát từ thực trạng và các nguyên nhân nói trên, tôi đã nỗ lực nghiên cứu tìm cách tháo gỡ các vấn đề trên như sau : 7 - Trước hết bản thân giáo viên phải nỗ lực học hỏi nâng cao vốn từ ngữ, các cách hành văn phong phú sinh động. Đối với dạng bài viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người, giáo viên cần suy nghĩ tìm ra các cách viết đoạn văn theo trình tự hợp lí, khoa học để giúp đỡ mỗi học sinh biết xây dựng cho mình một cách làm cụ thể khi làm bài . -Bước tiếp theo cần làm là xây dựng cho học sinh sự say mê học phân môn Tập làm văn thông qua các việc làm cụ thể. Tôi đã phát động trong lớp thi viết văn, phát động các em đọc sách, tìm những bài văn hay đọc cho cả lớp cùng nghe,từ đó thảo luận về cái hay cái đẹp của các bài văn đó, mỗi học sinh cần nêu rõ được mình đã học tập được gì từ các bài đó, ngoài ra giáo viên cần khuyến khích, động viên kịp thời đối với những tiến bộ dù rất nhỏ đối với học sinh, đặc biệt là học sinh học yếu, điều đó sẽ giúp học sinh thấy phấn khởi, yêu thích môn học từ đó tích cực học tập vươn lên . -Việc cung cấp cho học sinh các từ ngữ để miêu tả ngoại hình của người cũng rất quan trọng, cung cấp từ ngữ miêu tả thông qua việc dạy tốt các bài Luyện từ và câu dạng Mở rộng vốn từ, các bài Tập đọc, Kể chuyện,…( vì các bài này cung cấp cho học sinh những từ ngữ hay và những từ ngữ về thế giới xung quanh ), thông qua hướng dẫn các em tìm tòi ở các bài văn hay, thông qua việc trao đổi, học tập lẫn nhau giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với phụ huynh, đặc biệt là từ vốn từ ngữ của chính giáo viên Việc này cần được tiến hành liên tục, thường xuyên để học sinh có vốn từ ngữ phong phú thì mới có thể miêu tả hay được, cần giúp học sinh thấy rõ được tác dụng của việc trau dồi kiến thức, từ đó các em sẽ tích cực, tự giác hơn trong việc trau dồi và ghi nhớ từ ngữ . - Tiếp theo giáo viên cần hướng dẫn và luyện tập cho các em nắm chắc các kĩ năng sau: : + Kĩ năng xác định đúng yêu cầu đề bài ( Cần xác định rõ đối tượng miêu tả, hoàn cảnh, thời gian, không gian… được đề cập trong đề bài ). Đây là kĩ năng rất quan trọng giúp các em biết tư duy chính xác, tránh nhầm lẫn, nhất là với đối tượng học sinh yếu . 8 Ví dụ với đề bài : “Em hãy viết đoạn văn miêu tả ngoại hình một người mà em gặp trên đường đi học và để lại cho em những ấn tượng khó phai.”, cần cho học sinh đọc kĩ đề bài, sau đó trả lời các câu hỏi: Đề bài văn thuộc thể loại văn nào? Yêu cầu trọng tâm của đề bài là gì? Người cần tả là ai? Em gặp người đó trong hoàn cảnh nào?…Các em có thể trả lời các câu hỏi này bằng lời hoặc có thể trả lời bằng cách gạch chân những từ ngữ nằm ngay trong đề bài . Nếu việc làm này được các em tiến hành thường xuyên sẽ giúp các em nắm chắc yêu cầu đề bài, tránh được tình trạng viết văn lạc đề . + Kĩ năng quan sát người sẽ tả rất cần thiết, cần hướng dẫn học sinh biết quan sát theo một trình tự nhất định, ví dụ từ bao quát đến cụ thể, hoặc từ trên xuống dưới ..., làm như thế nhằm mục đích giúp học sinh biết làm việc rành mạch, khoa học đồng thời sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình chuyển từ kết quả quan sát thành nội dung miêu tả. Điều mà tôi đặc biệt lưu ý các em trong quá trình quan sát ngoại hình của một người cần biết phát hiện ra các đặc điểm nổi bật của người đó, có thể là những nét đẹp nhưng cũng có thể là những nét làm nổi bật tính cách của người đó, hoặc gây ấn tượng mạnh mẽ đối với em. Trong quá trình hướng dẫn quan sát tôi đã hướng dẫn các em quan sát các đối tượng gần gũi quen thuộc, trước khi quan sát các đối tượng khác. Ví dụ: Tôi đã cùng cả lớp cùng quan sát bạn Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp theo các trình tự khác nhau, để các em nắm chắc cách quan sát rồi mới yêu cầu học sinh quan sát tới các đối tượng khác như bạn khác lớp, bạn khác trường... Giáo viên lưu ý học sinh: kết quả quan sát cần được ghi chép lại thật rõ ràng và tỉ mỉ. + Kĩ năng lập dàn ý cho một đoạn văn cũng là một kĩ năng rất cần thiết, nó giống như một đích mà học sinh cần hướng tới, bao gồm các ý chính cần miêu tả trong đoạn văn, giúp các em miêu tả đúng hướng, đủ ý, có trọng tâm và không bị sa đà sang các nội dung khác, việc làm này không mất quá nhiều thời gian lại rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả đáng kể, đặc biệt là với đối tượng học sinh yếu . 9 Ví dụ: Với đề bài : “ Em hãy viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người bạn thân của em.” Các em có thể lập cho mình một số dàn ý như sau: *Cách 1: - Câu Mở đoạn. - Tả một số nét bao quát như tuổi, dáng người, trang phục... - Tả một số bộ phận nổi bật như khuôn mặt, mái tóc, nụ cười … - Nêu cảm xúc của em về bạn đó . - Câu kết đoạn . * Cách 2 : - Câu mở đoạn. -Tả các đặc điểm nổi bật về ngoại hình của bạn đó như dáng người, nước da, trang phục thường mặc,đôi mắt ,nụ cười , bàn tay ... có lồng thêm cảm xúc . - Câu kết đoạn . Đối với bước hướng dẫn này, giáo viên cần lưu ý học sinh không nên chỉ chọn một cách làm cho tất cả các đoạn văn để tránh tình trạng dập khuôn máy móc, cần linh hoạt thay đổi cho phù hợp với các đề bài khác nhau, tránh theo một lối mòn khi viết văn . + Kĩ năng mang tính chất quyết định đó là kĩ năng chuyển kết quả quan sát thành các câu văn, đoạn văn cụ thể theo dàn ý mà mình đã lập được. Trong quá trình này, giáo viên cần lưu ý học sinh phải biết chọn tả được các đặc điểm ngoại hình nổi bật của người được tả, không nhất thiết chỉ chọn tả nét đẹp mà còn phải biết chọn tả những đặc điểm gây ấn tượng mạnh cho em hoặc những chi tiết toát lên nét đẹp về mặt tính cách của người đó . Ví dụ như : “ Đôi bàn tay của bà tuy gầy guộc, nhăn nheo nhưng đối với em đó là đôi bàn tay đẹp nhất vì đôi bàn tay ấy thường ôm ấp, vỗ về em, cho em những cảm giác ấm áp vô cùng.” Hoặc “ Làn da của mẹ sạm đen vì hằng ngày mẹ phải làm 10 lụng vất vả để nuôi chúng em khôn lớn.” hoặc “ Đôi mắt bạn to, sáng toát lên vẻ thông minh nhưng rất thân thiện.” ... Một điểm cũng cần lưu ý các em là việc miêu tả chân thật đặc điểm của người cần tả, cần lựa chọn được những từ ngữ miêu tả chính xác đặc điểm ngoại hình của người đó, tránh sao chép từ ngữ sẽ không nêu được đặc điểm riêng biệt của người được tả, làm cho hình ảnh người đó trở nên nhạt nhòa giống như nhiều người khác, ảnh hưởng đến chất lượng của bài làm. + Để đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người được sinh động, cần chú trọng việc sử dụng từ ghép, từ láy, từ ngữ gợi tả hình ảnh cùng các biện pháp nghệ thuật như sử dụng từ ngữ thay thế, hình ảnh so sánh, … Để làm được điều này, học sinh cần được luyện tập, được viết nhiều đồng thời được sự giúp đỡ, rút kinh nghiệm cùng giáo viên, sao cho các em biết sử dụng phù hợp và hợp lí với mỗi tình huống miêu tả khác nhau. Giáo viên cũng cần giúp đỡ các em để các em có cách miêu tả linh hoạt, tránh lặp lại nhiều lần một từ ngữ hay một cách miêu tả nào đó . Ví dụ: Ta có thể thay thế cách tả trong đoạn trích: “Dáng người bạn dong dỏng cao, nước da bạn trắng hồng, đôi mắt bạn đen, tròn, long lanh...” bằng đoạn trích sau: “ Lan có dáng người dong dỏng cao, nước da bạn trắng hồng nhưng điểm đẹp nhất ở bạn lại là đôi mắt, đôi mắt tròn và đen láy, cứ long lanh trông thật dễ thương.” + Một điều làm nên thành công khi viết đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người đó là việc các em cần biết lồng cảm xúc của mình vào bài làm, cần giúp học sinh hiểu cảm xúc không có gì là to tát mà đơn giản chỉ là việc bộc lộ sự yêu quý, thích thú hay khâm phục, yêu thương ...với người mình vừa tả mà thôi. Việc thể hiện cảm xúc có thể lồng vào các câu miêu tả, cũng có thể tách rời thành câu riêng nhưng phải đảm bảo yêu cầu đó là cảm xúc chân thành, tránh hình thức hoặc sáo rỗng. Biết bộc lộ cảm xúc cũng giúp các em sống có tình cảm và biết yêu quý những người xung quanh mình hơn. 11 Ví dụ : “Em rất thích vẻ đẹp của Hà. Em ước gì mình cũng có một vẻ đẹp đáng yêu như thế.” Hoặc “Em thích nhất là mái tóc của bạn. Mái tóc dài óng ả, thường được bím gọn gàng bằng một chiếc nơ xinh xinh trông thật duyên dáng.” -Vấn đề về chữ viết và trình bày bài cũng góp phần làm nên thành công trong bài làm của các em. Một đoạn văn hay nhưng trình bày không đúng cách, sai nhiều lỗi chính tả sẽ không gây được thiện cảm với người đọc, người nghe; đôi khi còn làm cho người đọc hiểu nhầm về ý nghĩa của câu văn, đoạn văn, ảnh hưởng đến chất lượng bài làm. Vì vậy chúng ta cần chú ý đến việc luyện viết chính tả, luyện viết chữ đẹp, luyện tập cách sử dụng dấu câu, cách trình bày đoạn văn cho học sinh một cách thường xuyên trong suốt chương trình lớp học . - Sau khi học sinh đã viết được đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người, cần có sự nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm.Việc nhận xét rút kinh nghiệm có thể tiến hành bằng các hình thức: Giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh hoặc học sinh tự đánh giá, nhưng điều quan trọng là học sinh phải nắm được các tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng. Đối với lớp tôi giảng dạy, tôi thường áp dụng hình thức cho học sinh đánh giá nhận xét nhau theo một số tiêu chí : *Đoạn văn của bạn viết đã đúng yêu cầu đề bài chưa ? * Đoạn văn đó đã có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn chưa ? * Cách viết của bạn đã nêu được những đặc điểm nổi bật, tiêu biểu về ngoại hình của người được chọn tả hay chưa ? * Cách viết câu, sắp xếp câu văn; cách sử dụng dấu câu đã hợp lí chưa? Cách miêu tả của bạn có bị lặp lại quá nhiều hay không ? * Bạn đã biết thể hiện tình cảm trong khi miêu tả chưa? Trong bài làm của bạn có sử dụng từ ghép, từ láy và hình ảnh so sánh…hay không? Em thích nhất câu văn (hình ảnh ) nào trong bài làm của bạn ? Việc đưa ra tiêu chí đánh giá trên đòi hỏi học sinh phải đọc kĩ bài làm của bạn , đồng thời cũng là một lần nhắc lại để học sinh ghi nhớ những nội dung cần thiết 12 trong đoạn văn miêu tả ngoại hình của một người. Đọc bài của bạn cũng giúp học sinh học tập được những câu văn, từ ngữ hay và cách làm bài của bạn từ đó rút kinh nghiệm để lần sau làm bài tốt hơn . - Chúng ta đã biết câu: “ Văn ôn võ luyện”. Nếu các em chỉ được học những lí thuyết trên mà không được ôn luyện, được viết và rút kinh nghiệm nhiều thì cũng không mang lại hiệu quả cao, vì vậy tôi đã tìm cách tăng quỹ thời gian học tập phân môn Tập làm văn vào các tiết tự học để các em có thời gian ôn luyện thêm . 4 . Kết quả của sáng kiến kinh nghiệm Tiến hành các biện pháp trên để giải quyết vấn đề, tôi đã thu được những kết quả tương đối khả quan, điều nhận thấy rõ nét nhất đó là các em đã bắt đầu biết yêu thích học văn, có ý thức hơn trong học tập. Trong cách trình bày cũng như viết đoạn văn, học sinh đã nắm được một số kĩ năng cơ bản như kĩ năng xác định yêu cầu đề bài, kĩ năng quan sát, kĩ năng lập dàn ý, kĩ năng viết đoạn văn..., đặc biệt là kĩ năng biết đánh giá bài làm của mình và của bạn. Các bài làm của các em có sự tiến bộ rõ nét, bài sau có kết quả tốt hơn bài trước. Nhờ quá trình hướng dẫn các em các bước làm bài khi viết đoạn văn tả ngoại hình của một người như trên, tôi nhận thấy rằng tất cả các em trong lớp đã biết cách viết, nhiều em còn viết khá tốt. Khi đọc bài của các em, tôi đã hình dung được khá rõ nét về ngoại hình của người mà các em chọn tả. Sau đây là kết quả khảo sát cuối năm học của học sinh lớp tôi đối với dạng bài miêu tả ngoại hình của một người . *Đề bài : Em hãy viết đoạn văn ( khoảng 10 dòng ) để miêu tả ngoại hình của một người bạn mà em mới quen . *Kết quả : - 28/ 28 em đã xác định đúng yêu cầu đề bài . - 28/ 28 em đã viết được đoạn văn hoàn chỉnh ( Đầy đủ các phần theo cấu trúc của một đoạn văn.) 13 - 28/ 28 em đã biết sắp xếp miêu tả các đặc điểm về ngoại hình của người được chọn tả một cách hợp lí theo dàn bài mà các em đã tự xây dựng được . - 26/ 28 em biết sử dụng từ ghép, từ láy,... trong bài làm có ít nhất một lần sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Tất cả các em đều có sự tiến bộ về chữ viết và cách trình bày bài . Như vậy các em đã có tiến bộ vượt bậc trong phân môn Tập làm văn lớp 5, góp phần vào thành công trong việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM Qua nghiên cứu, học hỏi và áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề vào quá trình dạy học, cộng với khảo sát kết quả thực tế đã đạt được tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm như sau : - Việc xây dựng cho các em có sự yêu thích, say mê môn học là một vấn đề vô cùng quan trọng trong dạy học, đặc biệt là đối với phân môn Tập làm văn. - Để dạy tốt phân môn Tập làm văn, người giáo viên cần tích cực học tâp, trau dồi sao cho mình có được vốn từ ngữ phong phú, nghiên cứu để tìm ra các cách thức làm bài đơn giản, dễ hiểu với học sinh và mang lại hiệu quả cao . - Để đạt được thành công trong phân môn Tập làm văn, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực từ cả phía người học và người dạy. Khi tiến hành quá trình này đòi hỏi giáo viên phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ trong suốt thời gian dài thì mới có thể thu được kết quả như mong muốn. Cần giúp học sinh hiểu được việc rèn luyện học tốt văn tả người là giúp các em hiểu thêm, yêu thêm những người xung quanh và cũng là một trong những hành trang để các em học tốt môn Tiếng Việt của các cấp học tiếp theo . - Tuy nhiên giáo viên cần lưu ý: dạy văn là dạy các em cảm nhận về thế giới xung quanh với góc nhìn khác nhau của từng cá thể, cần tôn trọng thành quả làm được của các em mặc dù chưa được tốt, chưa được hoàn thiện. Giáo viên tránh áp đặt để các em phát huy tối đa tính sáng tạo của mình. 14 - Cần đảm bảo tính nhẹ nhàng, chú trọng khuyến khích động viên các em, cần lựa chọn các cách làm hợp lí với từng đối tượng học sinh, cần theo dõi sát sao để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những vấn đề chưa phù hợp với từng đối tượng học sinh. IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ - ĐỀ XUẤT 1. Đối với nhà trường: Cần tổ chức các buổi dạy chuyên đề về phân môn Tập làm văn đặc biệt là lớp 4 và lớp 5. 2. Đối với phòng giáo dục: Các buổi sinh hoạt chuyên môn cụm tổ chức dạy một số tiết về phân môn Tập làm văn. Trao đổi kinh nghiệm về dạy phân môn Tập làm văn để giáo viên giữa các trường học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Trên đây là những kinh nghiệm tôi đã áp dụng có hiệu quả, rất mong được sự đóng góp ý kiến của đồng nghiệp để chuyên đề của tôi được khả thi hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn ! Nam Điền, ngày 20 tháng 5 năm 2016 Người viết Mai Thị Thanh Xuân 15 CƠ QUAN ĐƠN VỊ ÁP DỤNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM (Xác nhận, đánh giá, xếp loại) ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... (Ký tên, đóng dấu) PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (Xác nhận, đánh giá, xếp loại) ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... (Ký tên, đóng dấu) 16 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng