Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn rèn luyện kĩ năng phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luậ...

Tài liệu Skkn rèn luyện kĩ năng phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luận

.PDF
36
1599
65

Mô tả:

ĐỀ TÀI: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG PHÁT HIỆN VÀ SỬA CHỮA LỖI ĐOẠN VĂN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN I. Đặt vấn đề 1. Lí do chọn đề tài Thế kỉ XXI là thời đại của công nghệ thông tin cho nên nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng chỉ cần học Toán, Lý , Hóa, Ngoại ngữ… là được, không cần phải học Văn vì môn Văn không có tính ứng dụng, không đảm bảo cho tương lai. Chính vì quan niệm như vậy cho nên trong những năm gần đây, có tình trạng một số học sinh học chỉ để đối phó với thầy cô mà chưa có sự đầu tư, chưa có niềm đam mê với Văn học. Các em dành nhiều thời gian kể cả đi học thêm các môn khoa học tự nhiên, chỉ có em nào khi chọn khối thi Đại học, Cao đẳng mà có môn Văn thì lúc đó các em mới nghĩ rằng: môn Văn là môn mình phải vượt qua để vào được Đại học, Cao đẳng. Và quả là đã có nhiều “con cá muốn vượt vũ môn” nhưng bị rớt vì môn Văn , đành ngậm ngùi thi lại năm sau.Trong các kì thi như thi học kì, thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học, Cao đẳng thì lúc nào môn Văn cũng là một trong những môn có tỉ lệ điểm trên trung bình thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: học sinh thiếu hụt kiến thức, các thầy cô chưa khơi gợi được ở các em niềm đam mê, học sinh không yêu thích môn Văn vì cho rằng học môn Văn không thiết thực hoặc các em thiếu kĩ năng viết bài văn… Mỗi khi làm bài viết, các em lo làm bài, nghĩ đến đâu thì viết đến đó mà bỏ qua các bước quan trọng như: tìm hiểu đề, lập dàn ý, đọc lại bài viết để sửa những lỗi sai… chính vì thế mà môn Văn của các em điểm thường không cao. Trong quá trình viết bài văn nghị luận, học sinh thường mắc phải những lỗi như: lạc ý, loãng ý, thiếu liên kết giữa các đoạn, các ý trong đoạn phủ định nhau, dẫn từ ý này sang ý kia không phù hợp, cả bài không tách đoạn… nhưng các em học sinh không biết cách để sửa chữa những lỗi đó, thậm chí có em còn không biết rằng mình bị mắc lỗi. Tôi đã chọn đề tài “Rèn luyện kĩ năng phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luận”, nhằm giúp các em học sinh biết phát hiện lỗi trong đoạn văn, biết cách sửa lỗi trong đoạn văn bài viết của mình cũng như của người khác, tránh mắc lỗi thông thường về đoạn văn… 2. Mục đích nghiên cứu - Giúp các em học sinh phát hiện lỗi, biết cách sửa lỗi trong đoạn văn, từ đó tạo được hứng thú học tập và nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ văn. - Đối tượng nghiên cứu: phát hiện và sửa chữa một số lỗi thông thường về đoạn văn mà học sinh phổ thông thường hay mắc phải như lỗi nội dung, lỗi hình thức. - Đối tượng khảo sát và thực nghiệm: học sinh lớp 11 trường THPT Phan Bội Châu- Cam Ranh - Khánh Hòa. 3. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp đàm thoại 1 - Phương pháp phỏng vấn - Phương pháp lấy ý kiến của học sinh - Từ thực tế giảng dạy và học tập môn Ngữ Văn - Tổng kết và đánh giá rút kinh nghiệm. 4. Phạm vi và kế hoạch nghiên cứu - Phạm vi nghiên cứu chủ yếu : luyện phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn (lỗi nội dung: chủ đề và lôgic; lỗi hình thức: phương tiện liên kết đoạn và dung lượng đoạn) trong bài văn nghị luận ở chương trình Ngữ Văn lớp 11- THPT. - Kế hoạch nghiên cứu: 10/2013 đến 5/2014 II. Giải quyết vấn đề 1. Cơ sở lí luận Sách Ngữ Văn 7 đã viết: nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm, luận cứ rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thì mới có ý nghĩa. Để cho người đọc, người nghe có thể tán đồng với vấn đề ta đưa ra thì cần phải kết hợp tốt các thao tác lập luận, được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc trong từng đoạn văn. Đoạn văn trong bài văn nghị luận là đoạn văn như thế nào? Trước hết nó phải đảm bảo là đoạn văn. Nghĩa là đảm bảo hai tiêu chí. Thứ nhất, nằm giữa hai chỗ xuống dòng; thụt đầu dòng, viết hoa khi mở đầu; chấm, xuống dòng khi kết thúc. Thứ hai, chứa một ý tương đối hoàn chỉnh – một chủ đề nhỏ. Tiếp theo phải đảm bảo là đoạn văn trong bài văn. Nghĩa là phải xoay quanh làm sáng tỏ chủ đề lớn của cả bài văn. Tùy theo nhiệm vụ, các đoạn văn được chia thành: đoạn giới thiệu, đoạn nghị luận, đoạn minh họa, đoạn chuyển tiếp, đoạn tiểu kết, đoạn tổng kết. Cũng do nhiệm vụ khác nhau nên vị trí của các đoạn cũng khác nhau. Đoạn giới thiệu thường đứng ở đầu bài văn, đầu mỗi phần của bài văn, đầu mỗi phần của bài văn. Đoạn nghị luận, đoạn minh họa đứng giữa (thân bài) bài văn, giữa các phần của bài. Đoạn chuyển tiếp đứng ở ranh giới giữa các phần của bài, của các đoạn kia. Đoạn tiểu kết đứng sau một hay một số đoạn nghị luận, đoạn minh họa. Đoạn tổng kết nằm ở phần kết bài và thường đứng cuối cùng trong hệ thống các loại đoạn vừa nêu. Trong một bài văn nghị luận không phải bao giờ cũng tồn tại đủ các loại đoạn kể trên.Trong bố cục cơ bản gồm ba phần của một bài văn nghị luận, phần nào cũng có thể tồn tại các loại đoạn này trừ đoạn tổng kết phải nằm ở phần kết bài. Việc bố trí các đoạn văn trong một bài văn nghị luận có thể rơi vào một trong các tình trạng sau: Thứ nhất: bố trí bài bản, đoạn nào vào đúng vị trí đoạn ấy trong bài văn. Trường hợp này bài văn sẽ được trình bày rõ ràng, mạch lạc nhưng dễ khuôn phép, khô cứng. Thứ hai: bố trí không đúng vị trí. Trường hợp này nếu tùy tiện, vụng về, bài văn sẽ lộn xộn và có thể dẫn tới chỗ phá vỡ bài văn. 2 Thứ ba: bố trí linh hoạt, uyển chuyển, tự nhiên độc đáo, bài văn sẽ hay, có sáng tạo. Trong chương trình Ngữ Văn THPT, viết văn nghị luận đã được đặt ra như là một kĩ năng cần phải rèn luyện. Kĩ năng này có thể được rèn luyện bằng cách viết một câu, một số câu, một đoạn hoặc cả một bài. Song song với việc rèn kĩ năng viết văn chính là việc rèn luyện cho học sinh kĩ năng để phát hiện và biết cách sửa chữa những lỗi mình thường mắc phải trong quá trình viết đoạn văn nghị luận là một điều cần thiết của giáo viên. 2. Thực trạng Các em học sinh cũng phần nào ý thức được tầm quan trọng của bộ môn Văn. Tuy nhiên khi đi sâu vào thực tế học tập thì đa số các em học đối phó. Do đó kiến thức văn học của các em còn nghèo nàn, dùng từ ngữ trong giao tiếp còn thiếu chính xác. Đặc biệt các bài văn của các em còn mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu, cách diễn đạt còn sáo mòn, còn lệ thuộc nhiều vào sách tham khảo… Một số lỗi học sinh thường hay mắc phải: - Lỗi kiến thức văn học sử: Nhầm lẫn giữa các giai đoạn, các thời kì trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam; không nắm được đặc điểm, nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời của một trào lưu hoặc một xu hướng văn học… - Lỗi về kiến thức tác phẩm: Không thuộc thơ hoặc thuộc quá ít, nhớ sai nhiều câu thơ, đoạn thơ đã học, đã đọc. Từ chỗ nhớ sai dẫn đến lấy dẫn chứng và phân tích dẫn chứng bị sai. Không đọc kĩ tác phẩm văn xuôi vì thế không nắm được chi tiết, sự kiện, nhân vật, cốt truyện… lẫn lộn giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, ví dụ “ nhân vật Từ trong Đời thừa luôn nhẫn nại, thủy chung với anh Thứ”. - Lỗi về kiến thức lí luận văn học: Không nắm được một số khái niệm và thuật ngữ lí luận văn học nên sử dụng thiếu chính xác. Khả năng vận dụng kiến thức lí luận văn học vào bài viết còn vụng về, kém hiệu quả và thiếu sức thuyết phục. - Lỗi về dùng từ: Tiếng Việt rất phong phú và đa dạng nhưng vốn từ của học sinh thì nghèo nàn. Do không hiểu hết và hiểu đúng nghĩa của từ như từ Hán Việt, từ trừu tượng, những khái niệm và thuật ngữ chuyên ngành… nên học sinh đưa vào bài viết nhiều từ ngữ thiếu chính xác làm cho câu văn ngô nghê, sai ý. Có học sinh đã viết “ Qua bài thơ Chiều tối, Bác Hồ hiện ra rất cao siêu”. - Lỗi về câu: Trong bài làm của học sinh có rất nhiều câu sai như: câu thiếu chủ vị, câu thiếu mệnh đề, câu tối nghĩa, câu dài lê thê, có bài không có dấu câu. - Lỗi về đoạn văn và văn bản: + Do chưa nắm vững được nội dung và yêu cầu của đoạn văn, lại ít được rèn luyện viết đoạn văn nên nhiều học sinh chưa biết viết đoạn văn. Quan niệm của các em là cứ viết cho dài rồi xuống dòng và coi đó là một đoạn văn. + Bài viết không có mở bài, không phân biệt được các thành phần nên hình thức trình bày của bài cũng lộn xộn. 3 + Lập luận thiếu chặt chẽ, thiếu lôgic do việc xác định ý không rõ và sử dụng các thao tác lập luận không thành thạo. - Lỗi về nội dung: + Chủ đề: thiếu ý, loãng ý, lạc ý, lặp ý… + Lôgic: mâu thuẫn ý, đứt mạch ý, mơ hồ… - Lỗi về hình thức: + Phương tiện liên kết đoạn: liên kết nội tại lỏng lẻo, liên kết hướng ngoại yếu. + Dung lượng đoạn: quá khuôn khổ, chưa đủ khuôn khổ. 3. Các giải pháp tiến hành 3.1. Chọn lớp thực nghiệm và lớp đối chứng - Lớp 11D2: lớp đối chứng - Lớp 11D4: lớp thực nghiệm 3.2. Sử dụng giải pháp thay thế ở lớp thực nghiệm Lớp thực nghiệm (11D4) được thực hiện giải pháp thay thế khi giáo viên dạy buổi 2 ôn tập về đoạn văn và luyện kĩ năng phát hiện, sửa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luận. 3.3. Hướng khắc phục một số lỗi thường gặp 3.3.1. Nội dung a. Chủ đề - Thiếu ý: đó là lỗi trong các đoạn văn có câu chủ đề nên nhiều ý nhưng khi triển khai đoạn, các ý đó không được trình bày đầy đủ. Ở đây các câu đứng sau câu chủ đề chưa lấp đầy ý cho câu chủ đề, chưa ngang bằng ý với câu chủ đề. Muốn đầy đủ chủ đề cần bổ sung thêm ý. - Loãng ý: đó là những đoạn văn có chứa quá nhiều câu mở rộng, sự lấn át về mặt số lượng của những loại câu này làm cho nội dung đoạn văn bị dàn trải, phân tán, gây loãng ý. Hiện tượng loãng ý cũng có thể diễn ra khi một câu bậc 1 được mở rộng đến bậc 3, bậc 4… Mở rộng như vậy, những câu này thành những nhánh cụt trong đoạn văn. Khi lược bỏ bớt những nhánh cụt này ý đoạn văn sẽ trở nên rõ ràng hơn, tập trung hơn. - Lạc ý: Đây là đoạn văn có câu chủ đề nhưng những câu khác đứng ở phần sau lại hoàn toàn không phục vụ cho việc làm sáng tỏ câu chủ đề đó. Lạc ý thường đi liền với với rối loạn ý. Những đoạn rối loạn ý thường khó có thể quy nội dung các câu về một điểm ngữ nghĩa chung nào. Khi đoạn văn lạc ý, có thể xử lí theo hai cách sau: thay câu chủ đề này bằng một câu chủ đề khác hoặc viết lại các câu ở phần sau cho phù hợp với câu chủ đề. Đối với đoạn rối loạn ý thì cần phải viết lại thành một đoạn văn khác. - Lặp ý: đó là hiện tượng một đoạn văn có chứa những câu trùng ý nhau, lặp lại nội dung đã có. Các câu lặp lại nhau càng nhiều thì nội dung câu văn càng nghèo nàn. Nếu lặp tất cả thì đoạn văn hầu như không có ý, nội dung đoạn văn không phát triển được. Bởi vậy ở những đoạn văn này cần loại bỏ câu lặp, ý lặp. 4 b. Lôgic - Mâu thuẫn ý: các ý mẫu thuẫn nhau trong đoạn văn là các ý tương phản nhau, không ăn khớp nhau, phủ nhận lẫn nhau, hoặc các ý không phù hợp với thực tế đời sống. Để tránh mâu thuẫn ý, cần đảm bảo xây dựng các ý cùng theo một chủ hướng (tích cực hoặc tiêu cực…) hoặc cần tôn trọng hiện thực của đời sống. - Đứt mạch ý: đoạn văn đứt mạch ý là đoạn văn không tạo thành một chuỗi liên tục giữa các ý. Giữa các câu có sự đứt ý hoặc nhảy cóc về ý. Về cơ bản, lỗi đứt mạch thường do học sinh không biết cách sử dụng phép lập luận hai tiền đề. Lẽ ra để cho mạch ý được liên tục cần phải có đủ tiền đề rồi mới rút ra kết luận nhưng học sinh chỉ đưa ra một tiền đề đã vội vã rút ra kết luận vì thế dẫn tới tình trạng đứt mạch. Chữa lỗi này phải có thêm một ý chuyển, ý bắc cầu nối liền các ý. - Mơ hồ: đó là kiểu đoạn văn được tổ chức theo kiểu lắp ghép máy móc các câu. Vì lắp ghép nên mặc dù đứng cạnh nhau nhưng quan hệ lôgic giữa các câu vẫn không rõ ràng, không thể chỉ ra được mối quan hệ cụ thể giữa chúng và vì thế việc hiểu nội dung cũng trở nên mơ hồ, thậm chí có khi không thể hiểu được.Ở đây cần tổ chức lại hoặc đảo vị trí câu, hoặc là thêm các phương tiện nối, hoặc lược bỏ những câu mơ hồ… 3.3.2. Hình thức a. Phương tiện liên kết đoạn - Liên kết nội tại: được hiểu là sự liên kết trong nội bộ một đoạn văn. Sử dụng sai các phương tiện liên kết hoặc không sử dụng các phương tiện liên kết đều có thể làm cho nội dung đoạn văn trở nên khó hiểu hoặc mạch văn trở nên rời rạc. Bởi vậy, việc dùng đúng lúc, đúng chỗ các phương tiện liên kết là điều quan trọng. - Liên kết hướng ngoại : đó là sự liên kết đoạn văn với đoạn văn. Lỗi ở đoạn mở thường là không thực hiện được chức năng: hoặc mở quá dài, mở không dẫn được vào vấn đề chính, mở không phù hợp với phần phát triển. Lỗi ở đoạn kết thường là không khép lại được vấn đề, kết vấn đề quá lỏng lẻo, thiếu sự khái quát cần thiết… Lỗi ở những đoạn phát triển chủ yếu là thiếu gắn bó với các đoạn xung quanh, thiếu các ý nối, câu nối cần thiết hoặc nối không đúng, không hợp làm cho ý giữa các đoạn trở nên rời rạc, không có tính lên tục. Đối với những đoạn này cần phải dựa vào từng trường hợp sai sót cụ thể mới có thể đưa ra cách sửa cho hợp lí. b. Dung lượng đoạn - Quá khuôn khổ: đó là lỗi các câu trong đoạn văn vượt quá dung lượng, kích cỡ của một đoạn văn vì chứa quá nhiều ý. Cần tách từng ý thành đoạn cho phù hợp. - Chưa đủ khuôn khổ: đó là lỗi các câu trong đoạn chưa đủ để tạo thành đoạn văn vì ý còn thiếu, tách đoạn liên tục. Không nên tách đoạn liên tục, cần thêm ý để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh. 5 3.4. Luyện phát hiện và sửa chữa lỗi nội dung 3.4.1. Lỗi chủ đề 3.4.1.1. Bài tập 1 Các đoạn văn dưới đây được xây dựng trên cơ sở của câu chủ đề đứng đầu đoạn. Em hãy xét cụ thể những câu đứng sau xem đã triển khai đầy đủ nội dung được nêu ra trong câu chủ đề chưa? Nếu thiếu hãy thêm vào một (hoặc hai) câu cho đầy đủ các ý: a. Không những chăm học, Hải còn chăm làm ở nhà cũng như ở trường. Buổi sáng đi học về, Hải lại giúp đỡ bố mẹ mọi việc gia đình. Bạn thái rau, băm bèo cho lợn. Sau đó, Hải dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, gọn gàng. Buổi chiều, sau khi học bài và làm bài xong, Hải lại lo bữa cơm chiều. Bố mẹ đi làm đồng về thì cơm canh đã sẵn sàng. b. Nước ta có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Ở Hà Nội có lăng Bác Hồ, có chùa Một Cột. Ở Huế có lăng tẩm của vua chúa nhà Nguyễn. Ở Tây Nguyên có hồ Tơ Nưng. Ở thành phố Hồ Chí Minh có bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ rời nước nhà ra đi tìm đường cứu nước. c. Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn là một đứa trẻ thông minh nhưng ngỗ nghịch. Ngay khi đi học, Lê Quý Đôn đã có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, phê phán những quan điểm phản khoa học thường được tôn sùng thời bấy giờ. Ông thường tham gia bình văn cùng với những người lớn tuổi. Không ai dám coi thường “chú học trò nhãi ranh” học nhiều, biết rộng ấy. Gợi ý: a. Câu chủ đề nêu mấy ý sau: chăm học – chăm làm- ở nhà- ở trường. Đoạn văn này mới chỉ triển khai được ý chăm làm ở nhà (giả định phần chăm học đã được nói tới ở đoạn trên), chưa triển khai được ý chăm làm ở trường. Vì vậy cần phải viết thêm một vài câu nữa về việc chăm làm ở trường thì đoạn văn mới được coi là triển khai đầy đủ ý. Lỗi này chính là lỗi thiếu hụt chủ đề ( thiếu hụt hành động). b. Câu chủ đề nêu mấy ý: nước ta – di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh. Đoạn văn này mới triển khai được ý: nước ta – Hà Nội - Huế - Tây Nguyên thành phố Hồ Chí Minh và di tích lịch sử; còn ý danh lam thắng cảnh chưa được triển khai đầy đủ. Cần đưa thêm vào đoạn văn một số danh lam thắng cảnh nữa để cho ý này (nhiều danh lam thắng cảnh) được đầy đủ hơn (thiếu hụt đặc điểm). c. Câu chủ đề nêu mấy ý: thông minh – ngỗ nghịch . Đoạn văn này mới chỉ triển khai được ý thông minh còn ý ngỗ nghịch chưa được chú ý. Cần phải thêm vào đoạn văn một vài câu để thể hiện rõ ý “ngỗ nghịch” (thiếu hụt tính chất). 3.4.1.2. Bài tập 2 Các đoạn văn sau đây có mắc lỗi trong việc triển khai chủ đề không? Nếu sai, em sửa lại như thế nào cho phù hợp với chủ đề của đoạn? a. Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát, nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong lúc chèo thuyền, săn bắn. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống đồng, khèn, sáo, cồng… b. Trong lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta thấy dân tộc ta anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Hai Bà Trưng phất ngọn cờ hồng đánh tan quân Thái thú Tô 6 Định, buộc hắn phải trốn vào đám loạn quân rút chạy về nước. Đất nước sau hơn hai thế kỉ bị phong kiến nước ngoài đô hộ đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Gợi ý: a. Chưa triển khai được ý “nhảy múa”. Đoạn văn có thể được viết lại như sau: Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát, nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong lúc chèo thuyền, săn bắn. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống đồng, khèn, sáo, cồng… Nhưng không chỉ có hát, cư dân Văn Lang còn rất thích nhảy múa. Họ múa lúc nghỉ ngơi. Họ múa trong lúc săn bắn được nhiều muông thú. Họ múa trong lễ hội, trong lúc mừng được mùa… b. Chưa triển khai ý “thời nào cũng có”. Đoạn văn có thể được viết lại như sau: Trong lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta thấy dân tộc ta anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Hai Bà Trưng phất ngọn cờ hồng đánh tan quân Thái thú Tô Định, buộc hắn phải trốn vào đám loạn quân rút chạy về nước. Đất nước sau hơn hai thế kỉ bị phong kiến nước ngoài đô hộ đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Vua quan nhà Trần, với những tên tuổi rạng ngời lịch sử như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng…đã đánh tan quân xâm lược nhà Nguyên. Rồi người anh hùng Nguyễn Huệ với cuộc hành quân thần tốc đã đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Phá và chống Mĩ, tên tuổi những người anh hùng như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, Út Tịch, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… sẽ đời đời còn sống mãi với mọi thế hệ. 3.4.1.3. Bài tập 3 Trong số những đoạn văn dưới đây, đoạn văn nào mắc lỗi chủ đề. Hãy viết lại cho đúng. a. Bên cạnh con cò, con trâu được nói nhiều hơn cả trong ca dao, dân ca Việt Nam. Con trâu không mấy lúc thảnh thơi, cho nên khi nghĩ về cuộc đời nhọc nhằn của mình, nguời nông dân thường nghĩ đến con trâu. Con cò tuy có vất vả, tuy có lúc phải lặn lội bờ sông nhưng còn có lúc được bay lên mây xanh. Con cò, con vạc, con nông là những con vật rất gần gũi với người dân lao động. Chúng mang những đức tính cần cù, chịu khó của người nông dân chân lấm tay bùn. Những lúc cần bộc bạch nỗi niềm, người nông dân thường mượn những con vật đó ra để tâm sự, để giãi bày nỗi lòng mình. b. Trong ca dao dân ca có rất nhiều con vật được nhắc tới. Nào là “con cò lặn lội bờ sông”, nào là con trâu cần mẫn trên đồng ruộng một nắng hai sương. Rồi thì cả “cái vạt, cái nông” cũng đi vào dân ca với những nỗi đắng cay không kém con cò. Trong nhiều bài lại có cả hình ảnh “con ong, cái kiến”, những con vật nhỏ bé nhưng không kém phần gần gũi với những người lao động. c. Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn tất cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau chung sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đến công việc trong xóm, trong làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc. 7 Gợi ý: Trong ba đoạn, đoạn b là đoạn không mắc lỗi trong việc triển khai chủ đề, còn lại đoạn a và c là những đoạn mắc lỗi. - Đoạn a: câu chủ đề định hướng nội dung viết về con trâu, do đó những câu nào nói về con cò là những câu bị lạc, làm loãng chủ đề. Đoạn văn có thể được viết lại như sau: Bên cạnh con cò, con trâu được nói nhiều hơn cả trong ca dao, dân ca Việt Nam.Con trâu không mấy lúc thảnh thơi, cho nên khi nghĩ về cuộc đời nhọc nhằn của mình, nguời nông dân thường nghĩ đến con trâu. Những lúc cần bộc bạch nỗi niềm, người nông dân thường đem con trâu ra để tâm sự, để giãi bày nỗi lòng mình. - Đoạn c: câu chủ đề định hướng nội dung viết về tình yêu nam nữ, vì vậy những câu nào đi ra ngoài nội dung đó bị coi là lạc và làm loãng chủ đề. Đoạn văn có thể được viết lại như sau: Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn tất cả. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm, sâu sắc. Tình yêu đó gắn liền với tình yêu người làng, người nước, yêu gia đình, yêu cái tổ ấm mà họ cùng nhau chung sống. 3.4.1.4. Bài tập 4 Em hãy xem đoạn văn sau đây bị mắc lỗi nào khi triển khai chủ đề. Hãy sửa lại cho đúng. Nguyễn Du ghét cay ghét đắng cái bọn có quyền, có thế, ỷ vào đồng tiền để đẩy Kiều tới chỗ tan nát cuộc đời. Nguyễn Du ghét đám sai nha hách dịch, độc ác, dơ dáy. Chúng ập vào nhà họ Vương như một lũ “ruồi xanh”, gây nên tai họa. Ở đâu chúng cũng giở trò vòi vĩnh của cải, tiền bạc. Tiền bạc đã choáng hết lương tri, choáng hết tâm hồn chúng. Chúng đâu có nghĩ gì về nỗi oan ức của gia đình họ Vương. Nguyễn Du cũng ghét cay ghét đắng bọn Ưng Khuyển, ghét cay ghét đắng bọn buôn thịt bán người. Và cái ông quan Hồ Tôn Hiến, dưới ngòi bút của Nguyễn Du cũng chỉ là ông quan “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Đối với bọn này, tài tình, hiếu hạnh như Kiều cũng chỉ là một món hàng buôn qua bán lại. Gợi ý: Đoạn văn mắc lỗi vì đã triển khai quá rộng ý phụ do đó làm loãng ý chung của cả đoạn văn. Những câu này cần được lược bỏ để chủ đề của đoạn được tập trung hơn. Có thể sửa lại như sau: Nguyễn Du ghét cay ghét đắng cái bọn có quyền, có thế, ỷ vào đồng tiền để đẩy Kiều tới chỗ tan nát cuộc đời. Nguyễn Du ghét đám sai nha hách dịch, độc ác, dơ dáy. Nguyễn Du cũng ghét cay ghét đắng bọn Ưng Khuyển; ghét cay ghét đắng bọn buôn thịt bán người. Và cái ông quan Hồ Tôn Hiến, dưới ngòi bút của Nguyễn Du cũng chỉ là ông quan “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Đối với bọn này, tài tình, hiếu hạnh như Kiều cũng chỉ là một món hàng buôn qua bán lại. 8 3.4.1.5. Bài tập 5 Đoạn văn sau đây bị lặp chủ đề (lặp ý) không? Nếu có, em hãy sửa lại cho đoạn văn chặt chẽ, rõ ràng. Mọi vật đều như ngưng đọng trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Cảnh vật phảng phất nối buồn man mác. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo cô quạnh. Một ngõ trúc vắng vẻ đìu hiu. Mọi vật thấm đượm cái buồn cô đơn. Nỗi buồn tràn vào cảnh vật. Ở chỗ nào cũng chỉ thấy nỗi buồn ngưng đọng. Chiếc thuyền buồn, ngõ trúc buồn, và cả chiếc lá vàng rơi cũng buồn. Nỗi buồn ẩn giấu trong mọi sự vật. Mùa thu ở đây buồn hay chính tâm tư của Nguyễn Khuyến buồn. Gợi ý: Đoạn văn bị lặp khá nhiều ý: - Mọi vật như ngưng đọng – nỗi buồn ngưng đọng. - Lặp nhiều lần từ “nỗi buồn” (không có mục dích nhấn mạnh). - Cô quạnh – cô đơn Đoạn văn có thể viết lại như sau để tránh lặp những ý không cần thiết và đỡ lặp lại từ ngữ: Mọi vật đều như ngưng đọng trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Cảnh vật phảng phất nối buồn man mác. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Một ngõ trúc quanh co, vắng vẻ. Một chiếc lá vàng lạnh lẽo, cô đơn. Nỗi buồn đã ẩn giấu trong tất cả mọi vật. Mùa thu ở đây buồn hay chính tâm tư của Nguyễn Khuyến buồn. 3.4.1.6. Bài tập 6 Đoạn văn dưới đây bị mắc lỗi triển khai câu chủ đề. Đó là lỗi nào? Em hãy sửa lại cho đúng. Nếu Thúy Vân có một vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang thì Thúy Kiều lại mang một vẻ đẹp mặn mà, sắc sảo.Thúy Vân rất mực kiều diễm, trang trọng. Gương mặt đầy đặn, phúc hậu, đẹp như trăng tròn với hàng lông mày xinh như “mày ngài”. Vân có nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc và làn tóc đẹp hơn mây, nước da trắng hơn tuyết. Đó là vẻ đẹp của người thiếu nữ đang độ trăng tròn, thanh tao, trong sáng. Nhưng nếu Vân chỉ có đẹp về hình thể thì Kiều lại đẹp cả tài lẫn sắc. Kiều đẹp đến nỗi hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn và “cầm , kì, thi, họa” ở mặt nào Kiều cũng hơn người. Gợi ý: Đoạn văn định hướng nội dung viết về Thúy Kiều nhưng lại viết nhiều về Thúy Vân làm cho đoạn văn bị loãng chủ đề. Có thể sửa lại như sau: Nếu Thúy Vân có một vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang thì Thúy Kiều lại mang một vẻ đẹp mặn mà, sắc sảo. Cái đẹp của Kiều là cái đẹp nghiêng nước, nghiêng thành với đôi mắt trong như nước mùa thu, đôi lông mày đẹp như dáng núi mùa xuân. Cái đẹp của Kiều tuyệt diệu đến nỗi “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, không có gì có thể so sánh được. Thật là một sắc đẹp tuyệt trần. 9 3.4.2. Lỗi lôgic 3.4.2.1. Bài tập 1 Đoạn văn sau đây mắc lỗi về lôgic. Em hãy chỉ ra những lỗi đó và sửa lại cho đúng. Lịch sử dân tộc ta ghi lại biết bao trang sử hào hùng với những tên tuổi sáng chói muôn đời không quên. Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán. Nguyễn Huệ đánh tan quân xâm lược nhà Thanh. Lê Lợi phá tan quân Nguyên. Ải Chi Lăng mãi mãi là nơi mồ chôn quân xâm lược. Rồi Trần Hưng Đạo lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Minh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Cửa biển Bạch Đằng lập chiến công lững lẫy non sông. Những tên tuổi đó sẽ sống mãi cùng non sông đất nước. Gợi ý: Một số lỗi cụ thể trong đoạn văn như sau: - Liệt kê lộn xộn, không theo trình tự thời gian của các triều đại. - Phản ánh sai thực tế khách quan: Lê Lợi không đánh tan quân Nguyên, Trần Hưng Đạo không đánh tan quân Minh. - Câu “Cửa biển Bạch Đằng lập chiến công lững lẫy non sông” cần đặt ngay sau câu “Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán” vì nó bổ sung nghĩa cho chính câu này. Đoạn văn có thể được viết lại như sau: Lịch sử dân tộc ta ghi lại biết bao trang sử hào hùng với những tên tuổi sáng chói muôn đời không quên. Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán . Cửa biển Bạch Đằng lập chiến công lững lẫy non sông. Trần Hưng Đạo lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Lê Lợi phá tan quân Minh. Ải Chi Lăng mãi mãi là nơi mồ chôn quân xâm lược. Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh giành lại độc lập. Những tên tuổi đó sẽ mãi mai sống cùng non sông đất nước. 3.4.2.2. Bài tập 2 Hãy phát hiện lỗi lôgic ở các đoạn văn sau và sửa lại cho hợp lí. a. “ Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây…”. Tiếng súng của giặc Tây nổ ra đột ngột phá tan cảnh sống yên lành của nhân dân. Câu thơ gợi cảm giác kinh hoàng về cái tai họa ập đến quá bất ngờ khiến cho người dân dường như thấy bóng giặc đã thấy tội ác của giặc. Chính tiếng súng đó đã đẩy nhân dân ta vào cảnh khốn khổ, điêu linh. Cái cảnh “lũ trẻ bỏ nhà”, “bầy chim mất ổ” tan tác, nháo nhác đã gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc. Rõ ràng là tác giả phải có sự cảm thông sâu sắc, sự thương yêu gắn bó với nhân dân mới có sự tưởng tượng và phác họa được nhưng hình ảnh chân thực, đầy xúc động đến như vậy. b. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. sóng biển cài then, đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bề không còn một tiếng động. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm bay phần phật trước gió. Những đường chỉ viền óng ánh như sáng rực trong đêm. Tiếng sóng vỗ vào thân thuyền rì rầm nghe như bản nhạc vô tận của biển cả ngân nga muôn lời tâm sự. Nhưng khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn khẩn trương chuẩn bị nhổ neo lên đường. 10 c. Trong rừng có một con chim lạ. Lông và cánh của chúng trắng muốt. Chúng chuyền từ cây nọ sang cây kia, khó mà có thể bẫy được nó. Vào mùa rét, chúng di chuyển đến những nơi có nắng, còn vào mùa hè thì từ đâu bay về rất nhiều. Ở bất kì chỗ nào ta cũng có thể thấy chúng. Nhiều người đã đặt bẫy và bắt được không biết bao nhiêu mà kể. Gợi ý: Đoạn văn a không mắc lỗi. Hai đoạn b và c mắc lỗi. Cụ thể những lỗi đó như sau: - Đoạn văn b: hai câu xuất hiện đầu đoạn văn đã chỉ rõ không gian, thời gian và cảnh vật dùng làm nền để miêu tả là “màn đêm buông xuống”, “đêm sập cửa”, “yên tĩnh,vắng lặng” vì vậy không thể có được những chi tiết miêu tả như: bay phần phật, sáng rực, nghe như bản nhạc và không thể nhìn rõ được những khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn (cũng như không thể đã ra khơi rồi mà còn chuẩn bị nhổ neo lên đường). Viết như vậy là ý nọ mâu thuẫn với ý kia. Đoạn văn có thể được sửa lại như sau: Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. sóng biển cài then,đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bề không còn một tiếng động. - Đoạn văn c: + Đã lông trắng muốt thì cánh cũng phải trắng, không có con chim nào lông trắng muốt mà cánh lại đen. + Dùng sai từ “chúng”. + Đã “lạ” thì không thể “ ở bất kì chỗ nào ta cũng có thể thấy chúng”, “bắt được không biết bao nhiêu mà kể”. Đoạn văn có thể được sửa chữa như sau: Trong rừng có con chim lạ. Lông và cánh của nó trắng muốt. Nó chuyền từ cây nọ sang cây kia, khó mà có thể bẫy được . 3.4.2.3. Bài tập 3 Nam Cao viết nhiều về nông thôn. Lão Hạc ăn bả chó tự tử để tránh đói. Anh cu Phúc chết lặng lẽ trong xó nhà ẩm ướt trước những đôi mắt ‘dại đi vì quá đói” của hai đứa con (Điếu văn). Bà cái Tí chết vì một bữa no, tức là một kiểu chết vì quá đói (Một bữa no). Lại có cả cảnh đám cưới, nhưng cưới để chạy đói. Đoạn văn trên mắc lỗi gì? Hãy sửa lại cho hợp lí. Gợi ý: Đoạn văn trong bài tập trên đã mắc lỗi: câu chủ đề không phù hợp với nội dung những câu đã triển khai. Đoạn văn trên có thể được sửa theo 2 cách: - Cách 1: giữ lại câu chủ đề và triển khai phần sau sao cho phù hợp với câu chủ đề đã nêu. - Cách 2: bỏ câu chủ đề và lập câu chủ đề khác cho phù hợp với câu đã triển khai. Với những câu đã có trong đoạn văn này, ta có thể lập câu chủ đề như sau: “Nam Cao đã viết khá nhiều về cái đói”. 3.4.2.4. Bài tập 4 Hãy phân tích và sửa lỗi trong đoạn văn sau: 11 Tác phẩm “Sống mòn” của Nam Cao tập trung đi sâu vào cái bi kịch về tâm hồn con người trong cái xã hội không cho con người sống, có ý thức về sự sống mà không được sống, bị nhấn chìm trong cái chết mòn không gì cưỡng lại được. Thứ phải sống trong cảnh “ cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đeo vào dạ dày”. San sống buông xuôi, nước chảy bèo trôi, không giằng xé, quằn quại, không mơ ước ca xa. Nhà văn Hộ chết mòn với cái mộng văn chương tha thiết của mình. Lão Hạc mòn mỏi với sự chờ đợi đứa con lưu lạc nơi chân trời góc biển. Oanh lại chết dần, chết mòn theo kiểu khác. Ở người đàn bà gầy đét này, tình cảm, tâm hồn con người bị vắt kiệt để chỉ còn những tính toán ích kỉ, nhỏ nhen, keo kiệt. Gợi ý: Đoạn văn định hướng viết về cái bi kịch trong tâm hồn con ở tác phẩm “Sống mòn” nhưng người viết đã đưa cả những nhân vật không có trong tác phẩm này như Lão Hạc, Hộ (Đời thừa) vào khi triển khai đoạn văn. Bởi thế đoạn văn này mắc lỗi lôgic. Đoạn văn này cần lược bỏ hai câu: Nhà văn Hộ chết mòn với cái mộng văn chương tha thiết của mình. Lão Hạc mòn mỏi với sự chờ đợi đứa con lưu lạc nơi chân trời góc biển. 3.4.2.5. Bài tập 5 Hãy phân tích và sửa lỗi trong đoạn văn sau: Lòng thương người của Nguyễn Du bao trùm toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều”. Đoạn trích nào trong sách giáo khoa ông cũng nâng cao phẩm giá con người. Kiều thương cha bị đòn mà phải bán mình. Điều này khiến chũng ta thấy rõ hơn cuộc sống hồng nhan của Kiều. Ông thương xót Kiều vì Kiều chịu bao nhiêu tai họa. Ta càng hiểu rõ hơn thế nào là hồng nhan mà mệnh bạc . Gợi ý: Đoạn văn bị rối, các ý phân tách nhau không rõ ràng và lộn xộn. Có thể sửa lại như sau: Lòng thương người của Nguyễn Du bao trùm toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều”.Chỉ qua những đoạn trích được học ở sách giáo khoa, chúng ta cũng thấy được tấm lòng đó của ông. Ông thương xót Kiều, ông như đang đau nỗi đau của Kiều, ông đã bao lần rơi nước mắt trước những tai họa mà Kiều chịu đựng. Ở đây ta càng hiểu sâu hơn tấm lòng nhân ái của Nguyễn du trước thân phận người con gái có tài, có sắc nhưng bị xã hội vùi dập. 3.5. Luyện phát hiện và sửa chữa lỗi hình thức 3.5.1. Lỗi sử dụng phương tiện liên kết 3.5.1.1. Bài tập 1 Các đoạn văn sau có mắc lỗi về sử dụng phương tiện liên kết không? Nếu có, em hãy sửa lại cho phù hợp với nội dung của đoạn. a. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều có sức mạnh ghê gớm. Người thứ nhất có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy đồi núi. Còn Sơn Tinh thì lại có tài khác: gọi gió, gió đến, gọi mưa, mưa về. Cả hai đều có sức mạnh ghê người và đều tỏ ra quyết liệt trong cuộc giao tranh sống mái. Thủy Tinh hô mưa gọi gió làm giông làm bão rung cả trời đất. Sơn Tinh bốc từng quả đồi, từng dãy núi, dựng bức thành cao chặn đứng 12 dòng nước. Trận chiến diễn ra ngày càng dữ dội. Nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về Sơn Tinh vì Sơn Tinh có tài nghệ không thua kém gì Thủy Tinh. b. “ Bến đò xuân đầu trại” và “Cuối xuân tức sự” là hai bài thơ trữ tình tiêu biểu và độc đáo của Nguyễn Trãi. Nét đặc sắc ở đây là cả hai bài đều tả cảnh mùa xuân, nhưng một bài là cảnh một bến đò ở giữa đồng quê vào một ngày mưa xuân, còn bài kia là cảnh thiên nhiên nơi tác giả đang sống ẩn dật vào một ngày cuối xuân. Bằng vài ba nét phác họa tác giả đã dựng lên được trước mặt ta một cảnh thiên nhiên đơn sơ mà xinh đẹp. Cả một vùng cỏ xuân tươi xanh phủ kín một vùng. Lại có những hạt mưa xuân từ lưng trời rơi xuống điểm xuyết cho cảnh vật những nét gợi cảm lạ thường.Còn trong bài khác, tác giả cũng đã phác họa ra cảnh và người với những nét độc đáo. Tuy suốt ngày khép kín mình trong phòng văn, nhưng con người ở đây vẫn sống gắn bó, chan hòa với thiên nhiên. c. Thúy Kiều và Thúy vân đều là con gái của ông bà Vương viên ngoại. Nàng là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống hòa thuận hạnh phúc với cha mẹ. Họ sống êm ấm dưới một mái nhà, cùng có những nét xinh đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp của Kiều hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Còn Vân lại có nét đẹp đoan trang, thùy mị. Còn về tài thì nàng hơn hẳn Thúy Vân. Thế nhưng nàng đâu có được hưởng hạnh phúc. Gợi ý: Cả đoạn văn đều mắc lỗi liên kết: a. Đoạn văn a: + Nhầm lẫn tính chất của đối tượng, vì ở trên đã nói Sơn Tinh có tài gọi gió, gió đến, gọi mưa, mưa về nhưng ở dưới lại viết Sơn Tinh bốc từng quả đồi, còn Thủy Tinh hô mưa, gọi gió làm dông làm bão. + Đã viết “người thứ nhất” tức đã dùng phép thay thế cho đối tượng được chỉ định ở câu trên là “Sơn Tinh”, cho nên không thể viết “còn Sơn Tinh” mà phải viết “còn Thủy Tinh” ( người thứ hai). + Câu cuối không hợp logic vì lí giải nguyên nhân thắng lợi của Sơn Tinh không chính xác (nên viết là: có tài nghệ cao cường hơn Thủy Tinh). Có thể đoạn văn được chữa lại như sau: (1)Sơn Tinh và Thủy Tinh đều có sức mạnh ghê ghớm. (2) Người thứ nhất… (3) Còn người thứ hai… (4) Cả hai đều… (5) Thủy Tinh hô mưa gọi gió… (6) Sơn Tinh bốc từng quả đồi… (7) Trận chiến diễn ra… (8) Nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về Sơn Tinh vì Sơn Tinh có tài cao cường hơn Thủy Tinh. b. Đoạn văn b: Câu mở đầu đoạn văn, người viết giới thiệu hai bài thơ “ Bến đò xuân đầu trại” và “ Cuối xuân tức sự” nhưng ở phần dưới, người viết đã dùng những từ ngữ thay thế không xác định “một bài là, “còn bài kia là”, “” và “ còn trong bài khác”. Bởi vậy người đọc sẽ không biết tác giả nói đến bài thơ nào. Bởi thế cần dùng những từ ngữ xác định cụ thể để chỉ từng bài thơ (hoặc viết : bài thứ nhất, bài thứ hai; hoặc viết rõ tên từng bài thơ). Thay thế những từ ngữ này vào trong đoạn, ta sẽ có một đoạn văn rõ ràng về nội dung. 13 c. Đoạn văn c: Dùng từ thay thế “ nàng” trong câu thứ hai, khi mà câu trước có hai đối tượng (Thúy Vân và Thúy Kiều), làm cho từ “ nàng” trở nên không xác định. “Nàng” thay thế cho Thúy Vân hay cho Thúy Kiều? Bởi vậy, để chữa lại, ta thay thế từ “ nàng” bằng tên gọi cụ thể của nhân vật. Câu thứ 6 thiếu liên kết với 5 vì “ nàng” không thế cho Thúy Vân, bởi vậy nên đi sau câu thứ 5, từ “nàng” rất dễ bị người đọc hiểu là thay cho Thúy Vân. Và nếu vậy, câu sẽ trở nên vô nghĩa: Còn về tài thì Thúy Vân (nàng) hơn hẳn Thúy Vân. Đoạn văn có thể chữa lại như sau: Thúy Kiều và Thúy Vân đều là con gái của ông bà Vương viên ngoại. Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống hòa thuận cùng cha mẹ. Thúy Kiều và Thúy Vân đều có những nét xinh đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp của Kiều hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn. Vẻ đẹp của Thúy Vân đoan trang, thùy mị. Nhưng về tài thì Thúy Kiều hơn hẳn Thúy Vân. Song Thúy Kiều đâu được hưởng hạnh phúc. 3.5.1.2. Bài tập 2 Các đoạn văn sau đây đã dùng sai (hoặc thiếu) phương tiện liên kết khiến cho nội dung đoạn văn có thể bị hiểu sai lạc.Em hãy phát hiện và sửa lại cho phù hợp với nội dung của đoạn: a. Năm mười chín, chị đẻ đứa con trai, sau đó chồng mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. Chị làm quần quật phụng dưỡng cha mẹ chồng, bú mớm cho con, có những ngày ngắn ngủi, con bệnh lui đi, chồng chị yêu thương chị như một người phát cuồng. b. Cảnh vật trong bài thơ “ Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến thật là vắng vẻ. Ngõ trúc quanh co, sóng nước gợn tí, lá vàng đưa vèo, chiếc thuyền bé tẻo teo… Cảnh vật dường như ngưng đọng, im lìm. Bởi vậy, nét bút của Nguyễn Khuyến đã tạo dựng được rất thành công cảnh sắc im ắng ấy. c. Đã mười một giờ đêm. Tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Nằm bên cạnh, em tôi đã ngủ say từ bao giờ. Ngày mai đã phải thi môn sinh rồi mà bài chưa học. Tôi quyết định trở dậy và bật đèn. Lấy sách ra và tiếp tục ngồi học. Gợi ý: Lỗi của các đoạn văn như sau: a. Đoạn văn a: Ở câu 1 đã chỉ rõ “ rồi chết”, nhưng ở câu cuối lại viết “ có những ngày ngắn ngủi, con bệnh lui đi, chồng chị yêu thương chị…” là mâu thuẫn. Có thể chữa lại bằng cách thêm một bộ phận trạng ngữ chỉ thời gian (quá khứ) vào đầu câu cuối cùng, chẳng hạn như: vài năm trước đó, những năm trước, năm trước lúc chồng mất… b. Đoạn văn b: 14 Dùng sai từ quan hệ “bởi vậy”. Cảnh vật được Nguyễn Khuyến miêu tả trong bài thơ không thể là nguyên nhân để “Nguyễn Khuyến tạo dựng rất thành công cảnh sắc rất im lìm ấy”. Đoạn văn có thể sửa lại là: Cảnh vật trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến thật là vắng vẻ. Ngõ trúc quanh co, sóng nước gợn tí, lá vàng đưa vèo, chiếc thuyền bé tẻo teo… Cảnh vật dường như ngưng đọng, im lìm. Bởi vậy ta thấy cảnh vật trong thơ Nguyễn Khuyến chứa đựng một nỗi buồn man mác. c. Đoạn văn c: Ở trên nói “chưa học” mà ở câu dưới lại dùng từ “tiếp tục” làm cho nội dung bài viết trở nên khó hiểu, lộn xộn. Bởi vậy để sữa đoạn văn này cần bỏ từ “ tiếp tục” và thay vào đó là từ “ bắt đầu”. Thay như vậy, đoạn văn sẽ mạch lạc và rõ ràng hơn nhiều. 3.5.1.3. Bài tập 3 Có đề bài làm văn như sau: “ Nhân dân ta thường nhắc nhở nhau: Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao Hãy làm sáng tỏ câu ca dao trên”. Với đề bài này, có những đoạn văn mở đề như dưới đây. Em hãy phân tích những cách mở đề ấy xem có phù hợp với nội dung bài viết không? Nếu chưa thỏa đáng, em hãy sửa lại cho phù hợp. a. Chúng ta làm gì cũng cần đến tập thể. Tinh thần tập thể sẽ cho ta thêm sức mạnh, thêm niểm tin. Biết dựa vào tập thể, việc gì ta cũng có thể vượt qua được. Bởi vậy, nhân dân ta có câu ca dao : “Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” b. Mỗi con người chỉ là một hạt cát trên sa mạc, chỉ là một giọt nước trong biển cả. Một hạt cát không thể làm nên sa mạc, một giọt nước không thể tạo thành đại dương. Cũng như vậy, con người cũng không thể làm thành một thế giới. Con người sống cần có tập thể, phải hòa mình vào tập thể. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn đồng ý với quan niệm mà câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non” đã đề cập đến. c. Sống trong xã hội, con người không phải chỉ biết có mình mà còn phải biết tới những người khác. Ta cần vì mọi người mà lao động, mà cống hiến cả tâm hồn ta, cả sức lực của ta. Nhưng ngược lại, sống trong tập thể, mọi người cũng sẽ vì ta, luôn luôn giúp ta, động viên ta, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cùng ta. Ta vì mọi người, mọi người vì ta, đó là mối quan hệ khăng khít tạo nên sức mạnh. Bởi thế nhân dân ta khuyên: “Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Cũng với đề làm văn như trên, ta có một vài đoạn kết luận dưới đây. Em hãy xem kết luận có phù hợp với nội dung yêu cầu của đề bài không? 15 d. Trên đây chỉ là một trong những câu ca dao hay trong kho tàng ca dao Việt Nam. Câu ca dao này như nhắc nhở ta luôn vì tập thể, vì sức mạnh chung mà phấn đấu vươn lên. Tập thể sẽ là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta, nâng bước chúng ta đi tới tương lai. e. Qua việc phân tích trên, chúng ta thấy câu ca dao “ Một cây làm chẳng nên non” có ý nghĩa vô cùng to lớn. Câu ca dao đã chỉ rõ cho ta biết đâu là nguồn gốc của sức mạnh, là cơ sở tạo nên sức mạnh. Chính vì lẽ đó, câu ca dao như một lời hiệu triệu kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, cùng phấn đấu để xây dựng những tập thể vững mạnh, đoàn kết nhất trí cùng nhau tiến lên. Gợi ý: Nội dung của câu ca dao chủ yếu đề cập đến sức mạnh của việc đoàn kết, vì thế các cách mở bài như có trong bài tập là chưa định đúng được nội dung triển khai, bởi vậy nó sẽ thiếu gắn bó và làm khó khăn cho phần viết tiếp theo trong bài. Đoạn a bàn đến sức mạnh của tập thể nói chung chứ chưa nhấn mạnh tính đoàn kết trong tập thể (đã đúng nhưng chưa trúng nội dung); đoạn b bàn đến tinh thần tập thể, còn đoạn c bàn đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Nội dung của những câu mở bài như vậy là chưa đúng hướng với nội dung của đề bài. Trong số hai đoạn kết đưa ra trong bài tập, đoạn thứ hai phù hợp với nội dung đề bài vì đoạn kết này đã biết khép lại bằng ý “Câu ca dao đã chỉ rõ cho ta biết đâu là nguồn gốc của sức mạnh, là cơ sở tạo nên sức mạnh”. 3.5.1.4. Bài tập 4 Những câu chuyển tiếp ý giữa các đoạn được dẫn dưới đây đã phù hợp chưa? Nếu chưa, em hãy sửa lại cho phù hợp. a.Trong những bài thơ về mùa thu, có lẽ một trong những bài thơ hay nhất là “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Để hiểu rõ hơn giá trị của bài thơ này, chúng ta cùng tìm hiểu trong phần dưới đây: Đến với thơ mùa thu Việt Nam, chúng ta sẽ gặp ở đây bao cảnh “ buồn”. Nào là lá mùa thu, con nai vàng mùa thu, giọt mưa thu… “thu” nào cũng mang nỗi buồn man mác. Những cảnh vật này sẽ giống với cảnh vật trong thơ Nguyễn Khuyến, yên tĩnh, thơ mộng nhưng đượm buồn. Cảnh trời thu thì xanh ngắt , còn “nước biếc trông như từng khói phủ” và rồi “ mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, một tiếng trên không ngỗng nước nào”… b. Ở trên chúng ta đã nói tới “tài” của Thúy Kiều, bây giờ chúng ta sẽ nói tới “sắc” của Thúy Kiều. Nguyễn Du như mở đầu bức chân dung Thúy Kiều bằng nét bút tuyệt xảo của mình. Nguyễn Du đã dành cho nàng tấm lòng ưu ái đặc biệt. Bằng một loạt những hình thức tu từ: như ước lệ, ẩn dụ… Nguyễn Du đã cho ta thấy Thúy Kiều đẹp hơn hẳn Thúy Vân. Nàng đẹp nhưng lại rất mực tài hoa: biết làm thơ, biết đánh đàn, biệt họa… Tài nào ở nàng cũng điêu luyện, cũng thành “nghề” cả. Gợi ý: Những câu chuyển tiếp ý chỉ ra một nội dung nhưng câu tiếp sau lại triển khai theo một nội dung khác. Chính vì thế mà các ý không ăn khớp với nhau. Ở đoạn 16 a, chỉ ra nội dung định trình bày là bài “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến, nhưng lại viết về mùa thu trong thơ Việt Nam nói chung. Cách triển khai như vậy là không phù hợp. Có thể chữa lại đoạn này bằng cách thêm một ý chuyển vào đầu đoạn văn thứ hai. Chẳng hạn như: Trước hết, chúng ta hãy đến với mùa thu trong thơ ca Việt Nam, và trên cơ sở đó chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ về mùa thu thơ Nguyễn Khuyến nói chung và mùa thu trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của ông. Ở đoạn b, nội dung phần dẫn cho ta rõ người viết định trình bày về “sắc” của Thúy Kiều nhưng phần triển khai đã đi chệch hướng đó. Đoạn văn có thể chữa lại như sau: Ở trên chúng ta đã nói tới “tài” của Thúy Kiều, bây giờ chúng ta sẽ nói tới “sắc” của Thúy Kiều bằng những nét bút tuyệt diệu. Đó là con người có vẻ đẹp đến mức “nghiêng nước, nghiêng thành”, đến “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Có lẽ trên đời này ít ai có thể sánh được với cái vẻ đẹp đó. 3.5.2. Lỗi về dung lượng đoạn 3.5.2.1. Bài tập 1 Giả định rằng những đoạn văn được dẫn dưới đây là những đoạn văn được viết trong bài làm văn. Theo em, dung lượng của đoạn như vậy có hợp lí không? Nếu không hợp lí, hãy sửa lại. a. Lão Hạc là một người nông dân nhưng không có ruộng cày. Khi còn sức lực lão cũng chỉ đi cày thuê cuốc mướn, đổ mồ hôi sôi nước mắt để đổi lấy bát cơm manh áo. Khi già yếu, lão cũng phải nai lưng làm việc, dùng sức hơi tàn để kiếm sống. Bình thường như thế cũng đã khổ lắm, huống chi gặp những năm thiên tai thì cuộc sống lại tủi cực không biết chừng nào. Lão đã vậy, cuộc sống của con trai lão cũng không hơn gì. Đến tuổi trưởng thành vì không có tiền nên chẳng cưới được vợ. Phẫn chí, con trai lão bỏ làng ra đi. Nhưng đi về đâu? Đành liều nhắm mắt đưa chân. Con trai lão đã liều mình tới nơi “bán thân đổi mấy đồng xu”, “ thịt xương vùi gốc cao su mấy từng”. Đi mà không biết ngày nào trở lại. Lão Hạc cứ ngày ngày, tháng tháng ngóng chờ tin con. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, lão vẫn không thấy con trở về. Đói khổ, già nua, bệnh tật đã đẩy lão tới đường cùng. Cuộc đời bế tắc. Lão đã tìm lối thoát cho cuộc sống của mình bằng cái chết, một cái chết thê thảm, tủi hờn. b. Cuộc đời Phan Bội Châu là một cuộc đời hoạt động cứu nước sôi nổi. Bởi vậy, văn thơ ông chủ yếu là văn thơ tuyên truyền, vận động cách mạng. “Bài ca chúc tết thanh niên” là mọt trong những bài thơ tiêu biểu cho loại thơ đó. Chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu bài thơ này. Bài thơ mở đầu bằng những tiếng gọi gấp gáp, giục giã. Cảnh một sáng mùa xuân bừng lên rộn rã với tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới và ríu rít tiếng chim mừng đón mùa xuân. Tất cả như bừng tỉnh giấc, con người dường như mạnh mẽ hơn, phấn chấn hơn, quyết tâm hơn bước vào trận mới. Gợi ý: Các đoạn văn dẫn ra trong bài tập này đều vượt quá dung lượng, kích cỡ của một đoạn văn vì chúng chứa quá nhiều ý. Bởi vậy cần tách từng ý thành đoạn. 17 a. Phần này có thể tách thành 3 đoạn: - Đoạn 1 từ: Lão Hạc là… tủi cực biết chừng nào - đây là một đoạn ý ( nội dung tương đối hoàn chỉnh), có đối tượng tường thuật là cuộc sống của Lão Hạc. - Đoạn 2 từ: Lão đã vậy… không biết ngày nào trở lại - đây cũng là một đoạn ý, có đối tượng tường thuật là con trai Lão Hạc. - Đoạn 3 từ: Lão Hạc cứ ngày ngày… thê thảm, tủi hờn - đây vẫn là đoạn ý, có đối tượng tường thuật là cuộc sống của Lão Hạc trong những ngày cuối đời. b. Phần này có thể tách thành 2 đoạn: - Đoạn 1 từ: Cuộc đời Phan Bội Châu… bài thơ này - đây là phần giới thiệu. - Đoạn 2 từ: Baì thơ mở đầu… vào trận mới - đây là phần đi sâu vào tìm hiểu bài thơ. 3.5.2.2. Bài tập 2 Dưới đây là một bài làm văn mắc lỗi không biết cách phân đoạn trong toàn bài viết. Hãy dựa vào nội dung bài, em chữa lại cho hợp lí. Bài thơ “ Đồng chí” của Chính Hữu ra đời cách đây hơn bốn mươi năm rồi. Thế mà lúc nào đọc lại bài thơ em cũng thấy lòng mình ấm áp, tràn ngập niềm vui lâng lâng, khó tả. Bài thơ đã giúp em hiểu được như thế nào là lòng tình đồng chí, đồng đội, tình yêu của những người cùng chung lí tưởng. Đọc bài thơ, em gặp được những anh bộ đội Cụ Hồ ở khắp miền đất nước. Nào là nơi “nước mặn đồng chua”, nào là nơi “đất cày lên sỏi đá”. Họ là những người chẳng hẹn quen nhau nhưng vì tình yêu Tổ Quốc mà đến với nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau, rồi họ trở thành những người tri kỉ, những người đồng chí thân thiết. Phần lớn những anh bộ đội cụ Hồ là những người nông dân mặc áo lính. Trước khi vào bộ độ họ đã khổ, nhưng khi vào bộ đội rồi họ chẳng có gì sung sướng hơn. Áo của họ rách vai, quần của họ vẫn nhiều mảnh vá, chân không giày mà lại sống ở nơi “ rừng hoang sương muối”, bị những cơn sốt run người hoành hành. Vất vả, gian khổ, thiếu thốn đủ mặt nhưng có điều đọc cả bài thơ vẫn không tìm thấy một lời thở than hay những ý nghĩa dao động. Trái lại bao trùm lên cuộc sống của họ vẫn là tình đồng chí keo sơn, là niềm tin tất thắng. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” vừa có cái chất của hiện thực nhưng cũng lại vừa có cái chất lãng mạn. Đây là hình ảnh đẹp bao trùm cả bài thơ, tỏa ánh sáng khắp cả bài thơ, xua tan đi cái ớn lạnh của sương muối, sưởi ấm lòng người chiến sĩ giữa đêm đông lạnh buốt với những cơn sốt rét hoành hành dữ dội. Đây là hình ảnh đẹp thể hiện được tư thế sẵn sàng chiến đấu cũng như tinh thần lạc quan cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ. Gợi ý: Phần trích dẫn này bao gồm các ý chính sau: - Giới thiệu chung về bài thơ. 18 - Hình ảnh về quê hương của anh bộ đội. - Đời sống vất vả, gian khổ của các anh bộ đội. - Hình ảnh “ đầu súng trăng treo”. Mỗi ý được tách riêng ra từng đoạn ( đoạn ý), ta có thể tách ra như sau: Đoạn 1: Bài thơ “ Đồng Chí”… những người cùng chung lí tưởng. Đoạn 2: Đọc bài thơ… những người đồng chí thân thiết. Đoạn 3: Phần lớn những anh bộ đội… ý nghĩ dao động. Đoạn 4: Trái lại… của anh bộ đội Cụ Hồ. 3.5.2.3. Bài tập 3 Phần trích dẫn dưới đây cứ mỗi câu (hoặc hai câu) lại được tách thành một đoạn. Em hãy dựa vào nội dung phần trích để phân lại cho phù hợp. Nhiệt tình yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ ở thái độ phê phán nghiêm túc của ông đối với sai lầm của các tướng sĩ dưới quyền. Trước hết ông chỉ trích mạnh mẽ thái độ bạc tình, bạc nghĩa của tướng sĩ đối với chủ soái. Ông phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm đối với Tổ quốc của họ. Và kịch liệt hơn nữa khi ông phê phán thái độ thiếu tự tôn, tự trọng của tướng sĩ trước những thói ngạo mạn của kẻ thù. Tiếp đó, ông đã thẳng thắng vạch trần mọi thói ăn chơi hưởng lạc, tầm thường, thậm chí thấp hèn của các tướng sĩ trước cảnh Tổ quốc lâm nguy. Những lời lẽ của ông ở đây thật quyết liệt, mạnh mẽ. Gợi ý: Đoạn văn có thể được tách lại như sau: Nhiệt tình yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ ở thái độ phê phán nghiêm khắc của ông đối với sai lầm của các tướng sĩ dưới quyền. Trước hết ông chỉ trích mạnh mẽ thái độ bạc tình, bạc nghĩa của các tướng sĩ đối với chủ soái. Ông phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm đối với Tổ quốc của họ. Và kịch liệt hơn nữa khi ông phê phán thái độ thiếu tự tôn, tự trọng của tướng sĩ trước những thói ngạo mạn của kẻ thù. Tiếp đó, ông đã thẳng thắng vạch trần những thói ăn chơi hưởng lạc, tầm thường, thậm chí thấp hèn của các tướng sĩ trước cảnh Tổ quốc lâm nguy. Những lời lẽ của ông ở đây thật là quyết liệt, mạnh mẽ. 4. Hiệu quả Đề tài “Rèn luyện kĩ năng phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luận” đã được áp dụng cho học sinh lớp 11 trường THPT Phan Bội Châu Cam Ranh - Khánh Hòa năm học 2013 – 2014. Sau khi được giáo viên hướng dẫn, thường xuyên rèn luyện kĩ năng năng phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn thì đã giảm được tình trạng học sinh mắc lỗi về đoạn văn, các em có thể tự phát hiện và sửa chữa những lỗi thông thường mà mình hay mắc phải. Điểm trung 19 bình của các lớp đã được cải thiện rất nhiều. Điểm trung bình các bài kiểm tra trước khi tác động của lớp đối chứng là 6.1, lớp thực nghiệm là 5.9. Sau khi có tác động thì điểm trung bình của các lớp như sau: lớp đối chứng là 6.2, lớp thực nghiệm là 6.5. III. Kết luận 1. Kết luận Việc rèn luyện kĩ năng phát hiện và sửa lỗi đoạn văn trong bài văn nghị luận đã nâng cao hiệu quả làm bài của học sinh, giúp học sinh đạt kết quả cao hơn trong các kì thi, giúp các em hứng thú hơn với việc học môn Ngữ văn. Các em học sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi viết bài văn vì các em có thể sửa lỗi và hạn chế được việc mắc những lỗi thông thường mà mình hay mắc phải. 2. Khuyến nghị Đối với các cấp lãnh đạo: cần quan tâm về cơ sở vật chất cho nhà trường.Trong thư viện của trường học nên đầu tư thêm một số sách tham khảo, sách văn học để các em học sinh có tài liệu tham khảo và học tập. Cần quan tâm hơn nữa đến các bộ môn xã hội, không nên chỉ chú trọng các môn tự nhiên. Khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn bằng việc tự học và rèn luyện. Trong các trường học nên thành lập những câu lạc bộ văn học để tạo cho học sinh niềm đam mê, yêu thích văn chương hơn. Đối với giáo viên: không ngừng tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, đổi mới cách ra đề và đáp án, biết khai thác thông tin trên mạng Internet, có kĩ năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học hiện đại. Với kết quả của đề tài này, chúng tôi mong rằng các bạn đồng nghiệp quan tâm, chia sẻ và đặc biệt là đối với giáo viên dạy Ngữ văn. Rất mong sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng