Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học tạo hình và trang trí trên bàn thờ phật bằng đá (chùa việt nam cuối thế kỷ xiv)...

Tài liệu tạo hình và trang trí trên bàn thờ phật bằng đá (chùa việt nam cuối thế kỷ xiv)

.PDF
27
560
138

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM ---------------------------- Trần Thị Biển TẠO HÌNH VÀ TRANG TRÍ TRÊN BÀN THỜ PHẬT BẰNG ĐÁ (CHÙA VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XIV) Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 62 21 01 01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Hà Nội - 2017 Công trình được hoàn thành tại VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Bùi Thị Thanh Mai Phản biện 1: PGS. TS Đinh Khắc Thuân Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phản biện 2: PGS Lê Anh Vân Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Phản biện 3: PGS. TS Trần Lâm Biền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Viện tại: VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Số 32, Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội Vào hồi…..giờ…..ngày….tháng…..năm 2017 Có thể tìm hiểu tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Qua khảo sát thực địa cho thấy những bàn thờ Phật (BTP) bằng đá cuối TK XIV là những hiện vật đơn lẻ, hiện đang nằm trong hệ thống chùa làng khu vực Bắc Bộ. Cấu trúc BTP bằng đá và các mô típ trang trí trên BTP như được nảy nở trên nền tảng xã hội mang đặc điểm của nghệ thuật hiện thực và biểu cảm cùng ít nhiều lý tưởng hóa huyền bí. Đôi khi, sự tồn tại của các BTP bằng đá này được coi như những minh chứng cho sự đổi thay cùng nhiều lớp lang về niên đại tu sửa chùa. Các BTP bằng đá có niên đại cuối TK XIV cho thấy hiện đang được lưu giữ ở các ngôi chùa thuộc các tỉnh, thành: Hà Nội (Hà Tây cũ), Phú Thọ. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta chỉ nhận biết về sự hiện hữu của các BTP bằng đá trong một số ngôi chùa chứ ít khi đặt vấn đề quan tâm đến việc nó hình thành như thế nào? BTP bằng đá mang ý nghĩa biểu tượng gì? Giá trị nghệ thuật qua tạo hình và trang trí BTP bằng đá cuối TK XIV được thể hiện như thế nào? Sự tập trung và phân bổ các BTP này ra sao? Tại sao các BTP được biết về niên đại lại nằm tập trung ở ven triền đê sông Đáy thuộc đất Hà Tây cũ và vùng lân cận, với niên đại cụ thể từ năm 1370 - 1391? Mô típ trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV có hay không sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và văn hóa Champa? Vì sao?. Đó là những vấn đề không dễ dàng phân giải nhưng lại đầy thú vị. Vì vậy, việc nghiên cứu về những BTP bằng đá cuối TK XIV dưới góc độ tạo hình và trang trí hiện đang rất cần được quan tâm, khai thác, phân tích chuyên sâu. Nhằm đưa ra những cơ sở khoa học để nhìn nhận, đánh giá về hình thức, giá trị nghệ thuật cũng như phong cách tạo hình và nghệ thuật chạm khắc của hiện vật điêu khắc đồ thờ truyền thống “đặc biệt” này. 2 2. Mục đích nghiên cứu 2.1. Mục đích tổng quát: Nghiên cứu về tạo hình và trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV nhằm đánh giá, nhận xét về giá trị nghệ thuật của BTP bằng đá cuối TK XIV trong chùa Việt Nam. 2.2. Mục đích cụ thể: Luận án khẳng định giá trị nghệ thuật của BTP bằng đá trong chùa cuối TK XIV là minh chứng cho phong cách nghệ thuật thời Trần. Việc đưa ra những kiến giải khoa học với mục đích đi tìm ý nghĩa “giải mã” các chủ đề trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV. Từ đó, có cơ sở để nhận định BTP bằng đá cuối TK XIV tồn tại trong chùa là bằng chứng lịch sử chứa đựng những dấu ấn của mỹ thuật đương thời. Xác định hệ thống lý luận liên quan đến nội dung đề tài và những yếu tố liên quan đến quá trình phát triển, tồn tại của các BTP bằng đá trong chùa làng khu vực Bắc Bộ Việt Nam cuối TK XIV. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu tạo hình và trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV trong một số chùa Việt. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi thời gian: Xác định cụ thể 07 BTP bằng đá ghi niên đại từ năm 1370 đến năm 1391. Phạm vi không gian: Các BTP bằng đá cuối TK XIV hiện được lưu giữ trong các ngôi chùa thuộc khu vực Bắc Bộ như: Chùa Hương Trai; chùa Đại Bi (huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ); chùa Bối Khê, chùa Ngọc Đình (huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ); chùa Giao Thông; chùa Chân Nguyên (huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ); chùa Phổ Quang (huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Ngoài ra, luận án nghiên cứu so sánh với nghệ thuật chạm khắc trên BTP không ghi niên đại. 3 4. Giả thuyết khoa học - BTP bằng đá là loại hình điêu khắc đồ thờ Phật giáo gắn với vai trò thờ Phật trong chùa làng của người Việt. - Các đồ án trang trí được bố cục trong các khung hình vuông, chữ nhật, tròn, elip... tạo nét độc đáo của nghệ thuật trang trí truyền thống. - Các đồ án trang trí như: rồng, garuda, hổ, sư tử, cá hóa long, hươu... được chọn lọc mang tính gắn kết sâu sắc với tư tưởng của Phật giáo Việt Nam. - Hình chim thần garuda gần gũi với phong cách nghệ thuật Champa, nhưng mang nhiều đặc điểm của tạo hình truyền thống Việt. 5. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở quan điểm của phương pháp duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, luận án vận dụng phương pháp liên ngành, so sánh... luận án xem xét, đánh giá các vấn đề về tạo hình và trang trí trên BTP cuối TK XIV. Từ phạm vi nghiên cứu chính nhằm đưa ra những nhận định mang tính khách quan, khoa học. 6. Những đóng góp mới của luận án Luận án Tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá (chùa Việt Nam cuối thế kỷ XIV) có nội dung nhằm đóng góp bằng các luận cứ và luận chứng hướng tới các vấn đề chính như: Bổ khuyết những nghiên cứu sâu về mỹ thuật thời Trần, chứng minh những giá trị văn hóa, nghệ thuật, mở rộng quan niệm về nghệ thuật thời Trần thông qua biểu tượng BTP bằng đá cuối TK XIV. Kiểu dáng, cấu trúc, mô típ trang trí có mối quan hệ thờ Phật trong chùa làng đương thời. Chỉ ra những đặc điểm mang dấu ấn nghệ thuật tạo hình, đặc biệt trên chất liệu đá bền chắc và chứa đựng tính thiêng. BTP là chìa khóa khẳng định sức sống bền bỉ cho những biểu cảm thẩm mỹ của 4 người đương thời, ảnh hưởng sâu đậm đến việc hình thành nghi thức thờ Phật ở các giai đoạn sau trong chùa làng của người Việt. Luận án giải quyết các vấn đề khoa học còn bỏ ngỏ trong thời gian qua. Đó là việc đi tìm hoặc “giải mã” ý nghĩa biểu tượng các mô típ trang trí trên BTP ở nhiều góc độ khác nhau cùng tính kết nối các vấn đề nghiên cứu. Ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa và Champa là quá trình giao lưu văn hóa, nhưng được Việt hóa mang đậm phong cách tạo hình truyền thống Việt. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu (09 trang), kết luận (05 trang), tài liệu tham khảo (12 trang) phụ lục (87 trang), bao gồm: 01 sơ đồ di tích; 04 bảng thống kê, phân loại; 07 bản vẽ mặt bằng Phật điện, 08 bản vẽ BTP; 106 hình ảnh minh họa. Các bản rập chữ Hán và phiên âm dịch nghĩa về niên đại và việc tạo tác các BTP. Nội dung luận án được chia làm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về tạo hình, trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV (33 trang) Chương 2: Đặc điểm tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV (53 trang) Chương 3: Những bàn luận, nhận xét về giá trị tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV (35 trang) Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN VỀ TẠO HÌNH, TRANG TRÍ TRÊN BÀN THỜ PHẬT BẰNG ĐÁ CUỐI THẾ KỶ XIV 1.1. Cơ sở lý luận về tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV Luận án Tạo hình và trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá (chùa Việt Nam cuối thế kỷ XIV) là nghiên cứu một hiện tượng mỹ thuật có 5 tác dụng về mặt lý luận đối với lý luận và lịch sử mỹ thuật. Vì vậy, trong quá trình thực hiện luận án, NCS quan tâm đến một số lý thuyết như: Lý thuyết tiếp biến văn hóa với quan điểm của Radugin được NCS áp dụng làm lý thuyết nghiên cứu trong cách lý giải BTP bằng đá đóng vai trò quan trọng với việc thờ cúng trong chùa cũng như khẳng định nét văn hóa và bản sắc riêng của người Việt cuối TK XIV. Luận án sử dụng một phần của lý thuyết vùng văn hóa để áp dụng trong quá trình nghiên cứu. Xác định không gian văn hóa nơi tồn tại của các BTP cuối TK XIV để thấy rằng: Sự tập trung ở vùng đất Hà Tây cũ, nơi tọa lạc các ngôi chùa có BTP bằng đá đều nằm rải rác bên triền đê nhìn ra sông Đáy, có lẽ đây (đương thời) vốn là đường giao thông huyết mạch. Cũng theo con đường giao thông sông Đáy đã để lại những ngôi chùa mang dấu tích thời Trần ở hai ven bờ: Vì thế mà yếu tố vùng văn hóa sẽ là điểm nhấn của vùng văn minh Việt Nam cổ truyền, mà nổi bật là nền văn minh thôn dã (civilisation rurale), là nền văn hóa xóm làng (culture villageoise) ghi nhận sự tồn tại của các BTP bằng đá trong chùa cuối TK XIV ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thuyết giải mã biểu tượng được sử dụng trong quá trình thực hiện luận án nhằm bóc tách, lý giải luận điểm chưa tìm thấy hiện vật hay mô hình nào của BTP bằng đá nguyên vẹn mang niên đại thời Lý, mà chỉ thấy một vài mảnh vụn ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Từ vấn đề nghiên cứu để cho rằng hình chim thần garuda thời Trần có chút ảnh hưởng từ thời Lý, cùng được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của nghệ thuật Phật giáo thời kỳ đầu nhà nước chuyên chế phong kiến ở Đại Việt. Các đồ án trang trí kết nối với nhau trên BTP chuyên chở yếu tố tâm linh và ước vọng của cư dân nông nghiệp đương thời, cũng là biểu tượng cho tư tưởng của đạo Phật. 6 Như vậy, BTP bằng đá trở thành bàn thờ linh thiêng và trung tâm nhất của ngôi chùa, nơi mà thế giới vô hình trở thành huyền bí, thiêng liêng. Tuy không gắn với triết học quá cao siêu nhưng những BTP bằng đá đã đem đến bằng cảm quan nghệ thuật hết sức thấu đáo. Đó chính là tiếng nói của tạo hình, khối, không gian, ánh sáng khi mà BTP bằng đá hiện hữu, tồn tại, tương tác với không gian, thời gian từng tồn tại và nuôi dưỡng nó. 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài bàn thờ Phật bằng đá cuối TK XIV bao gồm: Tình hình nghiên cứu nước ngoài Việc hình thành trường Pháp Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội vào những năm đầu của TK XX, đã tạo điều kiện cho việc khám phá nhiều hiện vật mỹ thuật có giá trị về văn hóa, cũng như gây sự chú ý của học giả nước ngoài đặc biệt là các học giả người Pháp. Năm 1944 L.Bezacier xuất bản cuốn L’art Vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam) [73] những năm sau sách đã được tái bản và chuyển sang tiếng Việt, có nhắc đến bàn thờ Phật mang niên đại thời Trần. Năm 2013 nhà xuất bản Thế giới phát hành cuốn Arts of Viet Nam 1009 - 1945 của tác giả Kerry Nguyễn Long nguyên bản tiếng Anh [166]. Chương viết về nghệ thuật thời nhà Trần (1225 - 1400) tác giả nhắc đến kiến trúc chùa với hình rồng ở cánh cửa chùa Phổ Minh, kết cấu vì kèo, mô típ trang trí... tác giả cho rằng đó là sự tiếp nối của biểu tượng, tinh thần nghệ thuật thời Lý. Tình hình nghiên cứu trong nước Bệ đá hoa sen hình hộp [13]. Báo cáo điền dã của hai tác giả Trần Lâm Biền và Chu Quang Trứ, là người có công phát hiện những hiện vật có giá trị về mỹ thuật thời Trần, cụ thể là loại hình BTP bằng 7 đá. Tuy nhiên, trong những công trình nghiên cứu sau của tác giả Trần Lâm Biền đã có sự chỉnh sửa về tên gọi từ Bệ đá chuyển thành Nhang án đá. Bởi vì trải qua quá trình nghiên cứu và căn cứ vào chữ ghi đằng sau những BTP để tác giả cho rằng đây là loại hình nhang án, tương ứng với bàn thờ Phật, một loại hình điêu khắc đồ thờ bằng đá độc đáo. Cuốn Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập) của Viện Nghệ thuật xuất bản năm 1975 [149]. Đây là tài liệu công bố bản rập những họa tiết trang trí trên kiến trúc, điêu khắc theo trình tự thời gian của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Năm 1977, Viện Nghệ thuật xuất bản cuốn Mỹ thuật thời Trần [88]. Các BTP bằng đá trong chùa được xem như tác phẩm điêu khắc và được gọi với tên là bệ đá (cùng với cách gọi ban đầu của các báo cáo điền dã các tác giả Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Phạm Ngọc Trung...). BTP bằng đá được nhắc đến với tư cách chứa đựng tiếng nói của nghệ thuật cùng chức năng thờ cúng. Song, đây còn là nguồn tài liệu mang tính chuyên khảo, mô tả, giới thiệu, phân tích tổng quát chung từ những hiện vật, chứ chưa đề cập vào mục đích nghiên cứu của luận án. Năm 1997, ấn phẩm Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI - XIV), Viet Nam Sculptural art in the Ly and Tran dynasties (XIth XIVth centuries) [120] do tác giả Tống Trung Tín thực hiện. Đây là công trình chuyên biệt về nghệ thuật điêu khắc thời Lý, Trần được tác giả nhìn nhận dưới lát cắt của khảo cổ học lịch sử kết hợp với ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Tác giả so sánh mô típ trang trí trên BTP bằng đá để tìm ra nét riêng của hình garuda. Năm 1998, tác giả Chu Quang Trứ công bố công trình nghiên cứu Mỹ thuật Lý - Trần Mỹ thuật Phật giáo [139]. Nội dung ấn phẩm 8 có bài viết Chùa Bối Khê một kiến trúc lớn và sống động. Đây là ngôi chùa có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đặc biệt tác giả nhắc đến BTP với kích thước to lớn đặt trong tòa thượng điện của chùa, bốn góc có bốn hình chim thần garuda. Năm 2000 trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật xuất bản cuốn Bản rập họa tiết mỹ thuật cổ Việt Nam [137]. Tài liệu giới thiệu phần lớn là ảnh chụp qua những bản rập về sự phát triển họa tiết mỹ thuật cổ Việt Nam. Giới thiệu hình ảnh về hoa văn trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV. Năm 2001, tác giả Trần Lâm Biền ra mắt cuốn Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt [8]. Nội dung chính là đặt vấn đề nghiên cứu về hoa văn trang trí trên các hiện vật mỹ thuật, từ thời Đông sơn đến các triều đại quân chủ chuyên chế ở nước ta. Tác giả nhắc đến các hoa văn trang trí trên BTP bằng đá mang ý nghĩa sâu sắc về tạo hình cũng như sự gắn kết với văn hóa tín ngưỡng dân tộc. Đặc biệt là hình tượng các con vật và linh vật gắn với các di tích. Tác giả Nguyễn Du Chi với cuốn Hoa văn Việt Nam [25] xuất bản năm 2003. Ở thời Trần, hoa văn trang trí trên BTP bằng đá được tác giả phân loại khá nhiều các loại mô típ trang trí khác nhau. Năm 2011, tác giả Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh đã xuất bản cuốn Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội [14]. Ở mỗi vấn đề được các tác giả quan tâm luận giải và đề cập đến quá trình hình thành và ý nghĩa biểu tượng của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Như vậy, từ những tài liệu nêu trên cho thấy: Các tài liệu này chủ yếu chỉ nhắc đến những BTP như là phát hiện, giới thiệu chung về mỹ thuật thời Trần: Đó là tài liệu: Mỹ thuật của người Việt, Mỹ thuật ở làng, Điêu khắc cổ Việt Nam, Bản rập họa tiết mỹ thuật cổ, 9 Báo cáo điền dã. Vì vậy, tài liệu này còn thiếu tính phân tích, nhận xét về BTP bằng đá. 1.3. Giới thuyết khái niệm về tạo hình, trang trí, bàn thờ Phật 1.3.1. Khái niệm về tạo hình Theo Từ điển tiếng Việt Tạo hình: Tạo ra các hình thể bằng đường nét, màu sắc, hình khối [94, tr.1142]. Bằng khái niệm này cho thấy các vật được tạo ra từ đặc điểm của nghệ thuật tạo hình, được khoa học hóa để trở thành những nguyên lý cơ bản của tạo hình và thẩm mỹ. Tuy nhiên, BTP là đối tượng nghiên cứu của luận án cũng xem như được tạo hình bằng ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc mang khối hộp chữ nhật. Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam ghi khái niệm về tạo hình là: Thủ pháp sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ hình khối, màu sắc, chất cảm, không gian, bố cục.Theo nghĩa rộng, TH bao gồm hoạt động hội họa, điêu khắc, mĩ thuật ứng dụng, kiến trúc, nhiếp ảnh. Theo nghĩa hẹp,TH là hoạt động thuộc hội họa giá vẽ và điêu khắc. Hội họa là nghệ thuật TH trên mặt phẳng, bằng các yếu tố đường nét, màu sắc, hình diện. Điêu khắc là nghệ thuật tạo hình trong không gian ba chiều, bằng các khối có thể tích. Mỹ thuật ứng dụng và kiến trúc sử dụng các phương tiện TH vào việc tạo dáng sản phẩm, sáng tạo môi trường không gian mang giá trị thẩm mỹ và công năng [55, tr. 60]. Có thể hiểu nghệ thuật tạo hình nói chung, tạo hình nói riêng là nghệ thuật sử dụng một số phương tiện chất liệu tạo nên những hình thức trên mặt phẳng và trong không gian. Như vậy, BTP bằng đá có kiểu dáng hình khối chữ nhật lớn, tạo hình theo kiểu “thắt lưng ong”, phía trên là những cánh sen xếp cạnh nhau kết thành đài sen khổng lồ. Xung quanh chiều đứng được chạm 10 các đồ án trang trí, phần đế nở rộng choãi xuống mặt nền chùa chắc chắn, tạo thành biểu tượng thờ Phật tôn kính. BTP là tác phẩm điêu khắc thuộc loại hình đồ thờ Phật, đang tồn tại trong các ngôi chùa làng vùng ven Thăng Long. 1.3.2. Khái niệm về trang trí Theo Từ điển tiếng Việt thì Trang trí: “Bố trí các vật thể có hình khối, đường nét, màu sắc khác nhau sao cho tạo ra một sự hài hòa, làm đẹp mắt một khoảng không gian nào đó” [94, tr.1308]. Từ nghiên cứu tạo hình và trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV đến việc tìm hiểu quan niệm về bàn thờ cho thấy: Chủ yếu là biểu tượng cho tôn giáo, tín ngưỡng với vai trò thờ cúng và tích tụ tính thiêng. Nghệ thuật trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV thuộc loại hình nghệ thuật trang trí đồ thờ Phật truyền thống dân tộc. Đồ án trang trí có vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách nghệ thuật cuối TK XIV trong chùa của người Việt. 1.3.3. Khái niệm về bàn thờ Phật Trong Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa ngắn gọn về bàn thờ: “Bàn để thờ cúng, nơi lập ra để thờ cúng nói chung” [160, tr.92]. Như vậy, những khái niệm về tạo hình và trang trí, bàn thờ Phật được trình bày ở trên chính là cơ sở để luận án nghiên cứu, lý giải về nghệ thuật thể hiện BTP bằng đá cuối TK XIV. 1.4. Khái quát lịch sử chùa có bàn thờ Phật cuối TK XIV Thế kỷ XIV cho thấy tư tưởng Phật giáo là nguồn nuôi dưỡng sự hình thành lên hình tượng nghệ thuật. Đồng thời những biểu tượng mỹ thuật trang trí trên BTP bằng đá đã đánh dấu phong cách tạo hình thời Trần rõ nét. Hầu hết những ngôi chùa lưu giữ các BTP bằng đá cuối TK XIV đều ghi dấu sự tồn tại của các BTP qua các giai đoạn lịch sử. BTP chùa Hương Trai (1370), BTP chùa Giao Thông (1370), 11 BTP chùa Đại Bi (1374), BTP chùa Ngọc Đình (1375), BTP chùa Phổ Quang (1387), BTP chùa Chân Nguyên (1391). Tiểu kết Trong chương 1 luận án đã hệ thống hóa các khái niệm liên quan đến BTP bằng đá. Đó là khái niệm về tạo hình, trang trí và bàn thờ Phật. Thông qua các quan điểm của các học giả để thấy yếu tố trang trí trên BTP cuối TK XIV là biểu tượng gắn kết với tư tưởng Phật giáo của người Việt. Xác định và thống nhất cách gọi bàn thờ Phật đã thể hiện vai trò và vị trí trong nghi thức thờ Phật ở chùa làng đương thời. Luận án tiếp cận từ các khung lý thuyết, nhằm định hướng đúng đắn cho việc luận giải các vấn đề có trong nội dung khách quan, khoa học hơn. Thông qua bình diện mỹ thuật về tạo hình và trang trí trên BTP bằng đá không chỉ đưa ra ngôn ngữ điêu khắc truyền thống mà còn đề cao tư tưởng thẩm mỹ của người đương thời. Dưới thời Trần Phật giáo trở thành “cốt tủy” hòa nhập với nền văn hóa dân tộc từng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Đồ án trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV như còn ẩn chìm ý nghĩa của Phật gửi trong mỗi bức chạm. Chương 2 ĐẶC ĐIỂM TẠO HÌNH VÀ TRANG TRÍ TRÊN BÀN THỜ PHẬT BẰNG ĐÁ CUỐI THẾ KỶ XIV 2.1. Đặc điểm tạo hình của bàn thờ Phật bằng đá cuối TK XIV 2.1.1. Tính khúc triết về hình khối Hình khối tổng thể của BTP bằng đá cuối TK XIV khá riêng biệt ở cách chia ba phần tạo thành đài sen đã mãn khai với kích thước lớn, cho phép NCS liên tưởng đến ba thế lực tự nhiên (tầng trời, tầng đất và tầng người). Những chuyển đổi về tỷ lệ của các khối hình chữ nhật, vuông, tròn cứ bao bọc, vòng trong, vòng ngoài, lớp lang, tạo 12 kiểu dáng của BTP có sự phối hợp hoàn chỉnh, liên kết giữa các khối hình. Với các phương, diện đứng thẳng, nằm ngang liên kết thành khối đá nằm trọn vẹn trên phần chân/ đế choãi ra bám sát xuống nền chùa kiên cố. Các cấu trúc hình khối được thay đổi về kiểu dáng, phần trên với hai lớp cánh sen ngửa và một lớp cánh sen úp tạo dáng khum lại đặt khít với diện tích của phần thân. Phần thân được tạo thành các phương thẳng đứng đỡ lấy tòa sen vừa tự nhiên vừa vững chãi. Từ tổ hợp các đường nét ngang dọc, kết nối các đồ án trang trí thành giáo lý của đạo Phật tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội. Đó là lối xây dựng hình tượng nghệ thuật kết hợp từ ngôn ngữ của khối hình điêu khắc truyền thống. 2.1.2. Tính hài hòa trong không gian nội thất chùa Sáng tạo hình tượng BTP bằng đá hoa sen cuối TK XIV là tài năng của con người Đại Việt. Từ cách bố cục các khối hình để đưa vào từng chi tiết nhỏ, đến tổng thể dáng hình của BTP, ấy là tiếng nói của sự hài hòa trong nghệ thuật tạo hình vốn được hình thành từ ngôn ngữ của điêu khắc truyền thống. Song, bên cạnh đó lại chính là sự định vị cái hữu hạn về hình thể, để hiểu biết cái vô hạn về phân tầng ý nghĩa. Trên hầu khắp các BTP cuối TK XIV đều trang trí hình rồng nằm trong ô chữ nhật nằm ngang, ở phía trước. Cấu trúc thân rồng là nét chính để các bộ phận phụ vươn tỏa, che phủ trên chu vi mảng chạm, tạo ra sự hài hòa, phù hợp với không gian xung quanh. Các bắt góc là hình chim thần garuda trở thành vị trí cố định trên các BTP tạo nét riêng biệt trong không gian thờ cúng. Không gian đặt BTP ở phần trên/sau cùng của tòa Phật điện, nên chủ yếu là đón ánh sáng nhân của tạo đèn nến. Chính vì vậy khi ánh sáng tác động, va đập vào bề 13 mặt của các mảng chạm tạo ra hiệu quả của khối qua sáng, tối, xa gần khi hành lễ. Chính sự chuyển động của ánh sáng nhân tạo đã làm nên sự huyền ảo, linh thiêng qua biểu tượng BTP gắn với khả năng thờ cúng tập trung trong không gian nội thất. Không gian thờ Phật như vậy đã tác động đến thế giới vô cùng, vô hạn của trời đất. 2.1.3. Tính thẩm mỹ qua khả năng tả chất Những hoa văn trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV được hình thành trên cơ sở quan sát từ hiện thực cuộc sống nhưng có sự tác động vào mỹ cảm sâu sắc của người dân thôn dã qua chất đá chắc bền và linh thiêng. Thông qua nhận thức của con người chủ thể ấy, qua quá trình phát triển của lịch sử để mang đậm tính dân tộc, thời đại rõ nét. Trang trí trên các mảng chạm khắc ở BTP bằng đá cuối TK XIV không tỉ mỉ uyển chuyển, mềm mại như trang trí thời Lý, không góc cạnh như trang trí Ân Thương (Trung Hoa), mà luôn lộ rõ những khối hình căng tròn, mập mạp, dung dị, thoáng đãng như được chắt lọc ở mức độ cao nhất. Những chia ô trang trí dù là hình rồng, hổ, hươu, cá hóa rồng hay cả hình hoa, lá, mây, trời đều thống nhất cách tạo hình khoáng đạt nhưng không trống vắng, tạo sự đủ đầy bởi chất cảm căng đầy của đá rắn. 2.2. Đặc điểm trang trí trên bàn thờ Phật bằng đá cuối TK XIV 2.2.1. Phân tầng trang trí chia chủ đề chạm khắc Nhìn vào các ô trang trí để thấy nghệ sĩ xưa đã lấy bề mặt quanh BTP làm cơ sở tạo hình để diễn tả theo băng ngang nhằm phân tầng cấu trúc cho các diện tích trang trí. Chính vì thế mà các mô típ trang trí được thấy hướng theo chiều ngang, chiều của trục hoành, vốn là trục cơ bản của kiến trúc Á Đông. 14 Cách chia ô và phân tầng cấu trúc cho phép vừa định hình các đồ án trang trí vừa có sự liên kết giữa các ranh giới, làm cho các đồ án trang trí trong mỗi ô như xâm phá không gian, ăn sâu vào chất đá tạo ra bề mặt có sự phong phú về hình khối và sự chuyển động. 2.2.2. Đồ án trang trí các linh vật trên bàn thờ Phật bằng đá 2.2.2.1. Đồ án trang trí hình rồng thống nhất trong ô chữ nhật Các đồ án hình rồng trên BTP không chỉ là những hình rồng ảnh hưởng từ thời Lý với cấu trúc uốn lượn, thanh mảnh mà định hình kiểu rồng có thân doãng ra đột ngột theo cảm hứng của người chạm. Hầu hết trên BTP cuối TK XIV đều có hình rồng và nhất quán được chạm ở phía trước BTP. Song tạo hình rồng trên BTP bằng đá sở hữu lối tạo hình mập mạp, chắc khỏe đi cùng các biến thể. Mặt khác, đi tìm ý nghĩa của biểu tượng rồng trong mỹ thuật truyền thống Việt nói chung, rồng trên BTP bằng đá cuối TK XIV nói riêng để thấy: Do trải qua quá trình giao lưu văn hóa để chuyển từ con rắn Ấn Độ sang hình rồng trong nghệ thuật tạo hình Việt. Đặc biệt là ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á cũng có hình tượng con rồng. Dù được nghệ thuật hóa hay biến thể thành các hình rồng gắn trên các BTP bằng đá, thì rồng vẫn gắn bó với quyền uy cùng biểu tượng của mưa, được thờ trong không gian đậm chất Phật giáo nông nghiệp của người Đại Việt. 2.2.2.2. Đồ án trang trí hình sư tử, hổ linh hoạt trong bố cục Phía sau BTP chùa Đại Bi có chạm hình sư tử và hình hổ. Hình sư tử nằm trong khung chữ nhật với hai chân trước khuỵu xuống đang vờn quả cầu tròn, cằm tì lên quả cầu, đầu quay vào trong, tư thế nằm ngang. Dáng sư tử được mô tả hơi cường điệu như đầu là những búi lông xoắn hình dấu hỏi như cả đầu có tóc xoăn, từ chân và đuôi có túm lông mọc ra làm bớt đi tính khô cứng. Nếu hình sư tử ở BTP 15 chùa Đại Bi có kích thước lớn thì những hình hổ ở chùa Phổ Quang và chùa Chân Nguyên lại bé nhỏ nép dưới gờ. Tuy nhiên, hình sư tử bé nhỏ ở chùa Chân Nguyên lại duyên dáng như con thú tinh nghịch. Đặc điểm tạo hình sư tử trên BTP bằng đá cuối TK XIV: Bộc lộ rõ sự chậm chạp, hiền lành là hình sư tử ở BTP chùa Đại Bi/ Cát Quế. Thể hiện sự vui nhộn, sự tinh nghịch là sư tử ở BTP chùa Phổ Quang. Sự duyên dáng là hình sư tử ở BTP chùa Chân Nguyên... Tuy khác nhau về kích thước và vị trí chạm khắc, nhưng tất cả cùng lột tả sự vui nhộn, dí dỏm trong tạo dáng chung. 2.2.2.3. Đồ án trang trí hình hươu, cá hóa rồng tạo hình sinh động Dáng hình hươu trên các BTP bằng đá đều nhìn nghiêng, ngoái đầu, nhưng mỗi hình hươu lại có sự khác nhau về chi tiết như ngậm cành cây, hướng nhìn trăng lưỡi liềm, có mây... đó là những ý nghĩa, biểu tượng về tôn giáo gắn với không gian thờ Phật. Đồ án trang trí hình cá hóa rồng trên BTP đến nay chỉ tìm thấy ở chùa Phổ Quang, hai hình cá hóa rồng này không thật giống nhau. Cùng nhiều các đồ án trang trí khác, hình cá hóa rồng đã tiếp thu và xuất hiện phổ biến hơn dấu ấn mỹ thuật của người Việt trên các công trình kiến trúc đình, chùa thuộc thế kỷ XVI, XVII, XVIII. 2.2.2.4. Đồ án trang trí hình chim thần garuda nâng đỡ và bắt góc Ở mỗi phần thân BTP đều có hình chim thần garuda ở 4 góc, những chim thần garuda tạo dáng lực lưỡng, luôn tạo cảm giác uyển nhã về đường nét, dứt khoát, mạnh bạo về hình khối. Tiếp biến và giao thoa văn hóa với nền nghệ thuật Champa là không thể phủ nhận, nhưng khi được định hình trong không gian văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình chim thần garuda lại là mô típ trang trí đặc sắc. 2.2.3. Đồ án trang trí hoa lá và các đồ án khác 2.2.3.1. Hoa sen là đài sen nở 16 Tổng thể BTP mang tạo hình là một đài sen khổng lồ với điểm nhấn trên cùng là hai lớp cánh sen ngửa và một lớp cánh sen úp. Tạo dáng cánh sen thường là khối mập, đa phần ở chính giữa cánh sen được điểm thêm hình hoa mặt nhẫn bé nhỏ như cái nhẫn với các vòng tròn nhỏ hơn tạo thành bông hoa nhỏ xinh nằm trọn phần cong của cánh sen. Có lẽ nghệ nhân đương thời đã gửi vào biểu tượng hoa sen cả giáo lý của đạo Phật, dẫn con người đi từ cõi vô minh đến cảnh giới giác ngộ. Đó cũng chính là quan niệm âm, dương hòa hợp, đối đãi, ước mong về mưa thuận gió hòa từng hằn trong tâm thức của con người xa xưa, với tư duy nông nghiệp của người đương thời trong vòng quay mùa vụ. 2.2.3.2. Hoa cúc và các biến thể Các hoa cúc trang trí trên BTP bằng đá cuối TK XIV được tạo hình biến thể ở các kiểu dáng nhìn chính diện, hơi nghiêng, lúc chạm đơn, khi lại kết hợp với các hoa văn khác hoặc có đủ cành lá. Trên các BTP bằng đá có ghi niên đại thời Trần hình hoa cúc được chạm chủ yếu được quy thành hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy theo diện tích của ô trang trí. Với hoa cúc, như một biểu tượng của nguồn phát sáng, nhiều khi được nghĩ là mặt trời, những văn dấu hỏi được biểu tượng cho tia sáng, gắn nhiều với sấm chớp... 2.2.3.3. Hoa dây, sừng âm dương trong lá đề, ý niệm cổ truyền Những hoa dây đôi khi chỉ là những dây leo được tạo bởi những cung tròn, hoặc chỉ là những dây hình sin thanh mảnh trên các phần gờ của BTP. Văn xoắn, mây cuộn, hình sin, dấu hỏi, chữ S nằm ngang, như gợi đến sự liên tưởng về mô típ chữ S trên trang trí mỹ thuật thời Lý mang biểu tượng của sấm, mưa gọi mùa. Hình sừng âm dương trong lá đề xuất hiện ở BTP chùa Ngọc Đình và chùa Phổ Quang, kiểu dáng bắt chéo hình chữ X được đặt 17 chính giữa của chu vi khép kín tựa hình lá đề, xung quanh là những hạt tròn khắc nổi hoặc chìm. 2.2.3.4. Mây, núi, sóng nước đan xen và lan tỏa Vẻ đẹp tạo hình của mây mang nét hoàn chỉnh, điển hình như chính tư tưởng văn hóa đương thời thấy trên BTP. Phải chăng mây là biểu tượng của vũ trụ ở tầng trên, không thể vắng bóng dáng của mây khi có hình tượng rồng hay những biểu tượng của vũ trụ. Hình núi, sóng nước cũng được chạm trên BTP bằng đá chủ yếu được hợp bởi những đoạn cong gãy khúc, ba hoặc bốn đợt chồng chất lên nhau đều đặn thành ngọn sóng như hình núi, nối tiếp nhau như thành những hàng dài theo quy ước của tạo hình. 2.3. Kỹ thuật thể hiện trên bàn thờ Phật bằng đá cuối TK XIV 2.3.1. Kỹ thuật chạm khắc Nghệ nhân sử dụng kỹ thuật làm phẳng bề mặt đá rồi khắc chu vi của hình thể nhân vật. Kỹ thuật chạm, đục vừa tinh xảo vừa dứt khoát, mạnh bạo, buông lơi tùy từng đồ án trang trí. 2.3.2. Kỹ thuật lắp ráp và khắc chữ Kỹ thuật lắp ráp: Kỹ thuật lắp ráp các khối đá là kỹ thuật thao tác khá nặng nhọc, yêu cầu khá khắt khe từ khâu chọn và vận chuyển đá. Nhờ có các dụng cụ chuyên dùng cho việc chế tác đá như con lăn, đóng nêm, đục đẽo... mà các nghệ nhân xưa đã sử dụng các kỹ thuật lắp ghép các khối đá khít với nhau. Kỹ thuật chế tác và lắp ráp trên đá là bí quyết riêng của từng hiệp thợ. Có thể, nghệ nhận xưa sẽ lắp ráp các khối đá được tính toán trước, sau đó ghép lại với nhau rồi làm nhẵn bề mặt. Việc sử dụng thước đo để tính toán được thực hiện tạo ra sự cân xứng từ tổng thể đến các vị trí trang trí trên thân BTP. Kỹ thuật khắc chữ: Những BTP bằng đá cuối TK XIV khắc và ghi rõ niên đại cho biết một số thông tin liên quan đến ngôi chùa mà 18 chúng tồn tại hoặc chí ít cũng ghi lại năm hoàn thành. Điều này cho thấy có thể nghệ nhân xưa tùy thuộc vào từng đặc điểm riêng mà sắp xếp các ô trang trí để dành cho chữ viết xuất hiện. Tiểu kết Qua đặc điểm nghệ thuật trên BTP bằng đá cuối TK XIV cho thấy tính nguyên sơ của kỹ thuật chạm khắc luôn đi cùng sự hàm súc và nội dung chủ đề. Thể hiện rõ sự huyền thoại và hiện thực khá thống nhất trên các đồ án trang trí. Dù có kế thừa truyền thống, nhưng chạm khắc trên BTP bộc lộ rõ sắc thái dân gian kết hợp với ngôn ngữ tạo tình truyền thống, giàu chất chân thực. Những trang trí cùng kỹ thuật tạo hình trên đá ưa chuộng hướng lan tỏa theo chiều rộng (đồ án trang trí chạy xung quanh thân BTP), phù hợp với tư duy không gian nông nghiệp riêng biệt, từng tồn tại trong xứ sở của người Việt. Chương 3 NHỮNG BÀN LUẬN, ĐÁNH GIÁ VỀ GIÁ TRỊ TẠO HÌNH VÀ TRANG TRÍ TRÊN BÀN THỜ PHẬT BẰNG ĐÁ CUỐI THẾ KỶ XIV 3.1. Bàn luận về sự tương đồng, khác biệt trên bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV và bàn thờ Phật khác 3.1.1.Sự tương đồng giữa bàn thờ Phật bằng đá cuối thế kỷ XIV và bàn thờ Phật bằng đá khác Sự tương đồng về tạo dáng cùng được thể hiện theo khối hộp chữ nhật đặt trên đế/ chân BTP. Một số BTP không ghi niên đại cũng có bố cục bốn hình chim thần garuda nâng đỡ ở bốn góc. Phần trên cùng có đài sen nở bè ra xung quanh, phần giữa là khối hộp thu nhỏ hơn tạo ra bố cục tương đồng với BTP bằng đá có ghi niên đại, mang cấu trúc cơ bản như mẫu số chung. Từ đó có sự tương đồng về trang trí như hàng cánh sen dẹo, hình rồng...
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan