Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Thơ mới nam bộ 1932 -1945

.PDF
180
759
89

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ VĂN PHƯƠNG THƠ MỚI NAM BỘ (1932 - 1945) CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 62 22 01 21 Hà Nội, năm 2017 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ VĂN PHƯƠNG THƠ MỚI NAM BỘ (1932 - 1945) CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 62 22 01 21 Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS VŨ TUẤN ANH Hà Nội, năm 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. LÊ VĂN PHƯƠNG MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Tính cấp thiết của đề tài.......................................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án ...................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án ....................................................3 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án ...............................4 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án ..............................................................5 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án ..............................................................6 7. Cơ cấu của luận án............................................................................................... 7 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU THƠ MỚI NAM BỘ 1932 – 1945 ...............................................................................................8 2.1. Nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ qua nguồn báo chí ...........................................8 2.2. Nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ qua nguồn sách in ............................................9 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG NGUỒN THI CẢM CHÍNH CỦA THƠ MỚI NAM BỘ 1932 – 1945 ..................................................19 2.1. Cơ sở hình thành Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 ..........................................20 2.2. Tiếp cận Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 trên những nguồn thi cảm căn bản ...................................................................................................................47 CHƯƠNG 3: HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ MỚI NAM BỘ 1932 -1945 ................................................................................................................72 3.1. Đặc điểm về thể thơ ........................................................................................72 3.2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ ..................................................................................87 3.3. Đặc điểm giọng điệu thơ ................................................................................97 CHƯƠNG 4: CHÂN DUNG NHỮNG NHÀ THƠ MỚI TIÊU BIỂU Ở NAM BỘ 1932- 1945 .............................................................................................104 4.1. Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) .............................................104 4.2. Hồ Văn Hảo .................................................................................................112 4.3. Đông Hồ .......................................................................................................122 4.4. Mộng Tuyết ..................................................................................................129 4.5. Huỳnh Văn Nghệ ..........................................................................................134 KẾT LUẬN ............................................................................................................145 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ................................150 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................151 PHỤ LỤC ............................................................................................................... 159 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT TNTT Thanh niên tân tiến (năm 1929) PNTV Phụ nữ tân văn (năm 1932, 1933,1934) CL Chân Lạc (năm 1935) TG Thế giới (năm 1936) TGTV Thế giới tân văn (năm 1937) SM Sống mới (năm 1939) ĐATV Đông Á tân văn (năm 1940) NKTB Nam kỳ tuần báo (năm 1944) TB Thời báo (năm 1938) TT Thời thế (năm 1938) GM Gió mùa (năm 1941) VHTS Văn học tuần san (năm 1941) TVN Tân Việt Nam (năm 1945) MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Trên tám mươi năm trước, khi không khí văn chương còn mang tính chất giao thời, phong trào Thơ mới đã ra đời, tạo nên một hiện tượng đặc biệt mang tính lịch sử trong nền văn học dân tộc. Thơ mới xuất hiện, làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca, gắn liền với tên tuổi của những nhà thơ nổi tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Bính... Vì thế, khi nhắc đến phong trào Thơ mới, như một lẽ thường tình, giới nghiên cứu chủ yếu nhắc đến những tác giả ở miền Bắc, miền Trung những cây bút đạt tới đỉnh cao trong quá trình sáng tác - mà ít quan tâm đến những nhà thơ ở vùng đất mới phương Nam. Sự thực thì, để làm nên phong trào Thơ mới, một thời đại rực rỡ trong thi ca dân tộc, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc hiện đại hóa thơ Việt Nam còn có những đóng góp rất đáng ghi nhận của những cây bút Thơ mới Nam Bộ. 1.2. Nhìn lại diễn trình nghiên cứu Thơ mới, có đến hàng trăm công trình nghiên cứu đề cập đến nhiều bình diện khác nhau, từ tác giả đến tác phẩm, từ thi pháp, phong cách, ngôn ngữ đến loại hình... nhằm khẳng định những thành tựu và hạn chế của Thơ mới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của triết học nhân sinh, khoa học xã hội nhân văn, sự tiếp nhận các lí thuyết, phương pháp nghiên cứu văn học hiện đại, Thơ mới có thêm điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, thảo luận một cách toàn diện, thấu đáo hơn. Tuy nhiên, việc phục dựng lại diện mạo hoàn chỉnh về Thơ mới vẫn chưa được đầu tư một cách đầy đủ bởi sự thiếu vắng những tác giả, tác phẩm đã có công góp phần vào việc kiến tạo Thơ mới, nhất là những tác giả ở Nam Bộ. Bởi vậy, việc đầu tư cho một công trình nghiên cứu đầy đủ và toàn diện, nhằm phục dựng lại diện mạo chính xác và sinh động về mảng thi ca này là điều cần thiết trong lịch sử nghiên cứu Thơ mới. 1 1.3. Cho đến nay, Thơ mới ở Nam Bộ đã được giới nghiên cứu hướng đến thông qua một số công trình. Tuy nhiên, những công trình ấy chỉ dừng lại ở một số phương diện nhất định chứ chưa đi sâu khám phá địa hạt thẩm mĩ của Thơ mới phương Nam. Từ đó cho thấy, mảng thơ ca này vẫn còn là một đối tượng nghiên cứu cần được đào sâu. Đây là yếu tố khiến cho vấn đề của luận án trở nên hữu ích hơn trong lịch sử nghiên cứu Thơ mới nói riêng và tiến trình thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, phổ biến và thưởng thức Thơ mới, đặc biệt là Thơ mới Nam Bộ cần có những định hướng phong phú, đa dạng và khoa học hơn để lấp đầy những thiếu khuyết từ những công trình nghiên cứu trước đây. Công việc này tất nhiên không phải dễ dàng, nó đòi hỏi sự đầu tư tích cực từ bản thân tác giả luận án và những nhà nghiên cứu khác thuộc nhiều thế hệ, thông qua kết quả nghiên cứu vừa có giá trị lâu dài, vừa mang tính thời sự. Xuất phát từ những yêu cầu khoa học và nhu cầu thực tiễn trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Mục đích: Luận án hướng đến việc mô tả, lí giải và khẳng định: phong trào Thơ mới của dân tộc được hình thành từ Nam Bộ; các tác giả Nam Bộ đã có công góp phần vào việc kiến tạo Thơ mới. Nhiệm vụ của luận án: - Giới thuyết về những tiền đề hình thành và phát triển của Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945. - Xác định những nguồn thi cảm chính và một số đặc điểm về hình thức biểu hiện của Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945. - Giới thuyết chân dung một số nhà Thơ mới tiêu biểu ở Nam Bộ với những đóng góp nhất định trong tiến trình hiện đại hóa nền thi ca nói riêng, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nói chung, mở ra hướng nghiên cứu toàn diện hơn về lịch sử hình thành Thơ mới và những sắc thái riêng của Thơ mới ở Nam Bộ. 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu: Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 với tư cách là một bộ phận của phong trào Thơ mới dân tộc. Phạm vi nghiên cứu: Trong thực tế, đối tượng Thơ mới Nam Bộ còn rất nhiều vấn đề để nghiên cứu. Ý thức được điều này nên chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu các phương diện sau: - Về phương diện tác giả: Luận án quan tâm đến: + Những tác giả là người sinh sống tại Nam Bộ, theo nhiều mức độ đã tham gia, hoặc sáng tác, hoặc viết bài nghiên cứu... đồng tình với các quan điểm cải cách thơ ca tại Nam Bộ trong giai đoạn từ cuối thập niên 20 đến 1945 thông qua các công trình nghiên cứu hoặc báo chí. + Những nhà thơ không phải quê quán ở Nam Bộ, nhưng có quá trình sinh sống, làm việc, hoặc tham gia hoạt động sáng tác, có bài đăng trên báo chí tại Nam Bộ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thơ mới Nam Bộ. + Các tác giả không chuyên và tác giả quần chúng có cảm tình và ủng hộ phong trào Thơ mới Nam Bộ. - Về phương diện tác phẩm: Luận án sưu tầm và khai thác thơ ca trữ tình được ra đời ở Nam Bộ giai đoạn 1932 - 1945. Phần lớn các tác phẩm trên được sưu tầm lại từ báo chí cũ trong thư viện dưới dạng vi phim và những tác phẩm đã được công bố qua các công trình nghiên cứu. Ngoài ra, luận án còn quan tâm đến mảng phê bình văn học của người đương thời, tìm hiểu những quan niệm, thái độ của người đương thời trong việc tiếp nhận Thơ mới, qua đó thấy được một chặng đường phát triển trong tư duy nghệ thuật của các nhà Thơ mới Nam Bộ. Như vậy, xuất phát từ việc xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng, Thơ mới Nam Bộ giai đoạn 1932 - 1945 là một mảng văn chương gắn liền với quá trình hình thành, phát triển, phản ánh cuộc vận động đổi mới và làm giàu di sản văn học dân tộc trong một giai đoạn lịch sử xã hội, văn hóa 3 tinh thần đầy biến động. Từ đó, chủ đích của chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án là hướng tới việc phác hoạ cái nhìn toàn cảnh, chân xác về diện mạo Thơ mới ở Nam Bộ 1932 - 1945. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Ngoài phương pháp luận chung nghiên cứu về khoa học xã hội, để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: 4.1. Phương pháp loại hình Đề tài của luận án là Thơ mới, vì thế, hương pháp loại hình là phương pháp chủ đạo trong quá trình thực hiện đề tài. Phương pháp này đòi hỏi vận dụng linh hoạt các thao tác thống kê, phân tích, phân loại, tổng hợp, đánh giá,... Việc vận dụng phương pháp loại hình giúp cho chúng tôi thuận lợi hơn trong việc khảo sát, nghiên cứu loại hình thơ trữ tình, loại hình Thơ mới, Thơ mới Nam Bộ, loại hình tác giả, tác phẩm, kiểu tư duy. 4.2. Phương pháp lịch sử Sử dụng phương pháp này, chúng tôi tập trung tìm hiểu kĩ càng hơn những yếu tố lịch sử, sự va đập, tác động của thời đại chi phối đến diễn trình hình thành, vận động phát triển của Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945 trong sự gắn bó mật thiết với phong trào Thơ mới của dân tộc. 4.3. Phương pháp so sánh Phương pháp so sánh nhằm mục đích xác định tính giao lưu, mối quan hệ giữa các trào lưu cách tân thơ ca ở cả hai miền Nam Bắc, đem đến cái nhìn đối sánh giữa hai mảng thơ ca xuất hiện đồng thời trong sinh hoạt văn học của dân tộc nửa đầu thế kỷ XX. Từ đó, góp phần làm rõ hơn đặc điểm của Thơ mới Nam Bộ trong hệ quy chiếu “dòng riêng giữa nguồn chung”. 4.4. Phương pháp nghiên cứu nhân loại học văn hóa Nhân loại học văn hóa là một ngành nghiên cứu, một khoa học, vì thế nó có nhiều phương pháp. Chúng tôi sử dụng những phương pháp của nhân loại học văn hóa như phân tích cấu trúc, phương pháp suy luận sử quan, phân tích xã hội học nhằm thâm nhập vào cấu trúc tâm lí, tư duy mĩ cảm của con người cá nhân cá thể 4 được biểu hiện qua Thơ mới Nam Bộ. 4.5. Phương pháp nghiên cứu văn học dưới góc độ thi pháp học Phương pháp nghiên cứu này giúp cho tác giả luận án đi sâu tìm hiểu và lí giải các nguồn thi hứng căn bản, đặc biệt là bình diện hình thức biểu hiện trong mối quan hệ với các nguồn thi hứng. Sử dụng phương pháp nghiên cứu này giúp chúng tôi giải quyết tốt các nhiệm vụ trọng tâm của luận án. Như vậy, việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp sẽ rất thuận lợi cho tác giả trong quá trình giải quyết các vấn đề đặt ra trong luận án. Từ việc thống kê, loại hình hóa tác giả, tác phẩm cùng toàn bộ những vấn đề cần khảo sát, nghiên cứu trong phạm vi luận án, chúng tôi đi đến xác định rõ ràng, cụ thể hệ thống luận điểm, luận cứ và những vấn đề cần giải quyết, hạn chế tối đa những thiếu sót có thể mắc phải trong quá trình thực hiện đề tài. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án là một công trình khoa học đầu tiên tập trung nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945 một cách toàn diện và hệ thống. Từ đó, góp phần phục dựng lại diện mạo của Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945, bổ khuyết một mảng còn mờ nhạt, ít được quan tâm của Thơ mới Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời khẳng định vị trí của những cây bút Thơ mới phương Nam trong những ngày khởi thủy của phong trào đổi mới nền thi ca dân tộc. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945. Luận án đã phân tích cụ thể những yếu tố nội sinh, ngoại nhập, những điều kiện văn hóa, lịch sử, xã hội... như là những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Thơ mới Nam Bộ nói riêng, Thơ mới dân tộc nói chung. Từ đó, luận án đi đến khẳng định: Thơ mới khởi nguyên từ vùng đất mới Nam Bộ và có một quá trình hình thành, phát triển. Để làm nên phong trào Thơ mới – một thời đại rực rỡ trong thi ca dân tộc phải kể đến những đóng góp rất đáng ghi nhận của những cây bút Thơ mới Nam Bộ. 5 Luận án đã khái quát những nguồn thi cảm chính của Thơ mới Nam Bộ 1932 - 1945 trong hệ quy chiếu giữa dòng riêng với nguồn chung trong phong trào Thơ mới dân tộc. Đó là cảm hứng giãi bày cái Tôi nội tâm; tình cảm với thiên nhiên mang đậm dấu ấn địa văn hóa phương Nam; cảm hứng trữ tình thế sự và xu hướng trữ tình công dân. Luận án đã lựa chọn và khai thác một số bình diện tiêu biểu về hình thức biểu hiện của Thơ mới Nam Bộ như: thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu; trên cơ sở đó, khẳng định những cách tân, bứt phá mới nhưng không tách rời những tinh hoa truyền thống thi từ thi ca dân tộc của những cây bút thơ vùng đất mới phương Nam. Luận án giới thuyết chân dung một số nhà Thơ mới tiêu biểu ở Nam Bộ với những đóng góp nhất định của họ trong cuộc cách mạng của thi ca dân tộc đầu thế kỉ XX. 6.1. Ý nghĩa thực tiễn Luận án góp phần hình thành cái nhìn đầy đủ, hệ thống hơn trong việc nghiên cứu và giảng dạy Thơ mới Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Nội dung Luận án được cấu trúc thành 4 chương: Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 Chương 2: Cơ sở hình thành và những nguồn thi cảm chính của Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 Chương 3: Hình thức biểu hiện của Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945 Chương 4: Chân dung những nhà Thơ mới tiêu biểu ở Nam Bộ 1932 1945 6 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU THƠ MỚI NAM BỘ 1932 – 1945 Trải qua một chặng đường dài hơn tám mươi năm, kể từ khi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam đến nay, Thơ mới đã được soi chiếu ở nhiều bình diện khác nhau. Ngược dòng lịch sử để nhìn lại quá trình nghiên cứu về Thơ mới, chúng ta nhận thấy vô vàn ý kiến đánh giá về nó. Có ý kiến cho rằng Thơ mới ra đời có ý nghĩa lớn lao trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, nhưng có khi được đón nhận nồng nhiệt, đôi lúc lại bị phê phán, khước từ, phỉ báng chẳng tiếc thương. Nhưng cuối cùng, vị thế của Thơ mới ngày càng được khẳng định và dĩ nhiên, các công trình nghiên cứu công phu về hiện tượng thơ đặc biệt này cũng không ngừng phát triển theo dòng chảy của thời gian. Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi đã tổng hợp những công trình nghiên cứu về Thơ mới của những người đi trước. Phải thừa nhận rằng mảng Thơ mới Nam Bộ chưa được giải quyết một cách thấu đáo, tuy nhiên vẫn có thể nhận ra những dấu ấn mang tính chất móng nền đã được ướm định. Để thuận lợi cho việc theo dõi tiến trình nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ 1932 – 1945, chúng tôi chọn cách trình bày theo nguồn tài liệu và tổng quan về các công trình nghiên cứu. 1.1. Nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ qua nguồn báo chí Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đề tài, chúng tôi khảo sát, thu thập những bài viết, tác phẩm… đã xuất hiện trên báo chí Nam Bộ từ cuối thập niên 20 đến nửa đầu thập niên 40 của thế kỉ XX. Đây là nguồn tư liệu trực tiếp phản ánh các sự kiện, hiện tượng có liên quan đến sự ra đời, phát triển của Thơ mới Nam Bộ. Có thể điểm qua như sau: - Đông Pháp thời báo giai đoạn 1925 - 1928 có những bài báo bàn về nhu cầu xây dựng nền quốc văn mới, đổi mới văn học cho phù hợp với nhu cầu xã 7 hội, lịch sử. Có thể xem đây là những dấu hiệu sớm nhất, manh nha phong trào đổi mới văn học ở Nam Bộ những thập kỷ đầu thế kỷ XX, trong đó có thơ ca. - Phụ nữ tân văn năm 1932, 1933, 1934 gắn liền với cuộc tranh cãi hướng thẳng vào mục tiêu đổi mới thơ ca thông qua những ý kiến đồng tình, phản đối hoặc góp ý thêm. Với sự xuất hiện kịp thời, Phụ nữ tân văn đã khơi dậy, thúc đẩy hoạt động sáng tác, phê bình thơ ca của những tác giả đương thời. Trước hết, đó là sự khởi xướng và hưởng ứng mạnh mẽ của những người đồng tình với Thơ mới. Đầu tiên là bài viết của Phan Khôi trên báo Phụ nữ tân văn số tháng 3 năm 1932. (Gần đây trên Báo Điện tử Tổ quốc, Lại Nguyên Ân đã công bố thông tin bài “Một lối thơ trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi được đăng trên Tập văn mùa xuân của Báo Đông Tây năm 1932 – ngày mùng một tết, nhằm ngày 06.02.1932 dương lịch). Trong đó, Phan Khôi than phiền rằng: “hồn thơ bị lúng túng” chỉ vì hễ ở thơ Hán thì bị “Ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi”, còn ở thơ Nôm thì bị “cụ Tiên Điền, Bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực làm cho tôi thở không ra”. Và về ý thì dễ bị cảnh trùng lắp “nghe như họ đã nói rồi” hoặc nếu là ý mới thì “lại bị những niêm luật bó buộc mà không nói được” (PNTV, 1932). Nói chung, Phan Khôi đã lên tiếng về sự câu thúc của thơ cổ điển với bao nhiêu áp lực của những khuôn vàng thước ngọc tuy lộng lẫy, uy nghi nhưng cũng là một rào chắn khó chịu đối với nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo nghệ thuật của cá nhân. Phan Khôi đã ráo riết đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải đổi mới thi ca. Sau bài viết của Phan Khôi, cũng trong năm 1932, Lưu Trọng Lư hưởng ứng Thơ mới trên báo Phụ nữ tân văn với bài viết Bức thư gửi cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng văn có lên tiếng ủng hộ Thơ mới vì “cũng có giá trị góp cho sự tự do phát triển thi ca, đưa thi ca đến chỗ cao xa rộng lớn” [84;tr.326]. Và năm sau 1933, cũng trên báo Phụ nữ tân văn, Lưu Trọng Lư lại có thêm bài Một cái khuynh hướng mới về thi ca mà trong đó, ông khẳng định tình cảnh bế tắc của thi nhân đương đại, “đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình như con đi tìm mẹ” [84;tr.327]. 8 Nhưng đặc sắc và ấn tượng nhất là những cuộc diễn thuyết của nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm khi chưa đầy 20 tuổi đã như những đóa hoa bừng nở thắm đượm hương sắc mùa xuân của nền Thơ mới Nam Bộ. Lần đầu tiên “trong lịch sử Hội khuyến học hơn hai mươi lăm năm trời, mới có một nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết”, và “Nữ sĩ chỉ ứng khẩu, nói như nói chuyện thường, cắt nghĩa rõ ràng về chức vụ của thơ, về niêm luật cũ và mới, về mối quan hệ giữa hiện tình xã hội và sự cải cách trong thi giới…Thật là một hành động đáng làm cho kẻ phản đối phải cảm phục…” [50; tr.260]. Và cũng như Phan Khôi, Nữ sĩ Manh Manh cũng đồng tình với cảm giác: “thơ đường luật là một lối thơ rất bó buộc về từng câu từng chữ, chặt chịa về luật bình trắc, về phép đối, về câu chữ…Người làm thơ phải ở trong một phạm vi eo hẹp lúng túng” nên “muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị “đẹt” mất thì phải có một lối thơ khác có lề luật rộng rãi hơn” [50; tr.58]. Và còn hơn cả tiền bối Phan Khôi, nữ sĩ Manh Manh đưa ra một vài đối chiếu với vần điệu của thơ Tây làm cho bài nói chuyện của cô trở nên đầy sức thuyết phục. Cũng trong năm 1933, trên báo Phụ nữ tân văn cũng có nhiều bài hưởng ứng Thơ mới như Nên bàn về lối thơ mới của tác giả L.D khẳng định: nó sẽ “Làm cho cái lâu đài quốc văn cực đẹp thêm lên”. Hoặc bài Văn sĩ và thi sĩ Việt Nam đối với bài đố của sự sống của Thạch Lan (PNTV 1933). Hoặc một tác giả ở Huế ký tên là Thiết Mai cũng bày tỏ sự đồng tình với phong trào Thơ mới bằng sáng tác và cả những lời ủng hộ vì “xưa nay từ thi, ca, từ xứ ta đều bị ép vào cái khuôn khổ bằng, trắc, niêm, luật rất gắt gao, nay có lối thơ mới cũng nên tập làm để bồi bổ cho thi giới nước nhà càng ngày càng được thêm bành trướng vậy..” [102; tr.287]. Những năm tiếp sau đó, trên báo chí ở Nam Kỳ vẫn xuất hiện thêm nhiều bài viết cổ vũ Thơ mới. Đặc biệt trong bài Một kỷ nguyên mới trong văn học ta của Hồ Văn Hảo (PNTV 1934), tác giả khẳng định thêm một nét đặc sắc của Thơ mới Nam Bộ chính là “nhà làm thơ bây giờ đã bỏ cái giọng bi 9 quan, quá thiên về tình cảm mà nhìn nhận sự thực tế xã hội”, rất cần thi sĩ phải “chuyên về mặt khách quan, để xét rõ tình cảnh của một hạng người đang vì sự sống mà hình như đang bị xã hội sa thải” (PNTV 1934). Trong bài Thảo luận về nguồn thi cảm mới (PNTV 1934), tác giả Phan Văn Hùm đã có những phân tích rất công phu về kỹ thuật thơ phương Tây và như vậy gián tiếp xác định ý nghĩa tích cực của nhân tố ngoại nhập đối với phong trào đổi mới thơ ca lúc đó. Đến những năm cuối thập niên 30, những bài viết ủng hộ Thơ mới vẫn còn xuất hiện trên báo chí Nam Kỳ như Không nên có luật thơ mới? của tác giả Phong Trần (báo TB 1938) viết để đáp lại bài của Lam Giang Tử phản đối Thơ mới (trên báo TT năm 1938). Phong Trần khẳng định “hãy để cho tiếng thơ ta tự do ca hát, mở rộng trang giấy trắng đón rước những chuẩn mực rõ rệt, tỉ mỉ và sắc sảo”. Cũng cùng năm ấy trên báo Thời Báo, Phong Trần còn viết thêm bài Trở lại câu chuyện không nên bày ra luật Thơ mới. Năm 1940, trên báo Thời Thế, có một bài bình luận thơ ca tựa đề Nam Kỳ có thi sĩ không? của Trúc Sinh, trong đó, tác giả khẳng định một nền thơ mới đã trưởng thành tại đất phương Nam với các tác giả vững vàng và đầy triển vọng. Và đến năm 1941, trên báo Gió Mùa ở Nam Kỳ, đã xuất hiện bài viết Hướng chung của phong trào Thơ mới của Hoài Thanh - Hoài Chân, tuy ngắn nhưng những xác định cũng rất rõ ràng về tương lai của thơ Việt nằm trong tương lai Thơ mới: “Mỗi nhà thơ có tài là một nguồn sáng”. Song song với những bài phê bình, tranh luận, không ít những bài Thơ mới cũng được đăng tải, giới thiệu với bạn đọc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thơ mới Nam Bộ. Đây là nguồn là tư liệu cung cấp những dữ liệu sinh động, chân thực về mảng Thơ mới Nam Bộ từ tác giả, tác phẩm đến lý luận phê bình. Nguồn tư liệu này có lợi thế là cung cấp dữ kiện về tác phẩm, ý kiến, quan niệm của người đương thời, cho thấy quá trình vận động phát triển của Thơ mới Nam Bộ qua phương tiện báo chí. 10 1.2. Nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ qua nguồn sách in Thơ mới Nam Bộ ra đời như một phát súng lệnh, mở đầu cho cơn bão táp đổi mới nền thi ca dân tộc. Sau giây phút khởi thủy, nó đã hòa vào dòng chảy của phong trào Thơ mới và phát triển rực rỡ ở miền Bắc, miền Trung. Xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, với những định kiến cũ đã trở thành mặc định, mảng Thơ mới Nam Bộ rất ít được giới nghiên cứu phê bình chạm tới, nhất là giai đoạn trước giải phóng. Trước năm 1975, trên các tạp chí nghiên cứu về văn học miền Nam, trong hơn 90 bài nghiên cứu Thơ mới cả nước, chỉ có hai bài viết về thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết. Ngoài ra không có một bài nào dành cho Thơ mới ở Nam Bộ, ngay cả những tên tuổi đã có vị trí nhất định trong làng thơ như Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo... Cho đến nay, Thơ mới giai đoạn 1932 - 1945 đã được khẳng định là một đỉnh cao trong thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng về mảng thi ca này. Mặc dù có chậm và còn ở mức độ riêng lẻ, nhưng những nỗ lực sớm nhất của những nhà nghiên cứu quan tâm về Thơ mới Nam Bộ từ nhiều thập kỷ qua đã cho thấy đây là một đối tượng nghiên cứu cần được đào sâu. Thế nhưng nhìn chung, mảng Thơ mới Nam Bộ đến nay vẫn chưa được giới nghiên cứu đề cập đến một cách đúng mực, ít được chú trọng như bao lâu nay người ta đã làm với phong trào Thơ mới với một vị trí vững chắc trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử vấn đề nghiên cứu Thơ mới Nam Bộ trong sinh hoạt nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam sau khi Thơ mới Nam Bộ ra đời, chúng tôi nhận thấy một thực tế là ngay trên mảnh đất mà trên đó, mảng thơ này được sinh ra, nó đã không nhận được sự quan tâm đúng mức của giới nghiên cứu phê bình như người ta đã làm với mảng Thơ mới chủ yếu xuất hiện ở miền Trung, miền Bắc. Trong danh mục 103 bài nghiên cứu về Thơ mới sau 1975 được tác giả Phan Mạnh Hùng sưu tập từ Tạp chí văn học và vài tạp chí khác, cũng không có một bài 11 nào nói đến tác giả, tác phẩm của Thơ mới ở Nam Bộ. Ngay cả việc khẳng định sự hiện hữu không thể phủ nhận được của nó trong một thời thịnh vượng của sinh hoạt báo chí bắt đầu từ thập niên 30, tồn tại suốt thập niên 40 cho tới khi Thơ mới đã hoàn toàn chiếm lĩnh văn đàn Nam Bộ cũng bị bỏ qua. Giá trị đích thực của Thơ mới dân tộc đã được giới nghiên cứu khẳng định qua nhiều công trình quy mô. Vì thế, trong phạm vi của luận án này, phần tổng quan, chúng tôi chỉ điểm qua các công trình bàn về Thơ mới ở Nam Bộ đã xuất hiện từ nhiều thập niên trước cho đến nay. Năm 1941 quyển Thi nhân Việt Nam 1932 –1941 của Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn ra đời, sau đó được Nxb Văn học, Hà Nội tái bản nhiều lần. Trong mục “Một thời đại trong thi ca”, tác giả phân tích rất rõ mốc thời gian ra đời của Thơ mới, xuất phát từ đâu có cách gọi Thơ cũ và Thơ mới, sự khác biệt về nghệ thuật của giữa hai mảng thơ ca này. Tiếp đó, tác giả lần lượt giới thiệu chân dung các nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới kèm theo những bài thơ đặc sắc của nhất của họ. Hoài Thanh và Hoài Chân đã có những đánh giá, những cảm nhận tinh tế về mỗi bài thơ, từng phong cách thơ: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu du trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngần ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận...” [102,tr.46,47]. Thế nhưng, tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam chỉ dành một dung lượng nhất định để giới thiệu, đánh giá về nhà thơ Đông Hồ: “Vốn là người của thế hệ bây giờ vậy. Cho nên phong trào thơ mới vừa nổi lên là người nhận ngay được con đường của mình. Với phong trào thơ mới tưởng không có sự đắc thắng nào vẻ vang hơn” [102,tr.322]. Kế đến, Hoài Thanh và Hoài Chân đã giới thiệu hai tập thơ: Thơ Đông Hồ (1932) và Cô gái Xuân (1935) để đưa ra nhận định chân xác: “nếu trong Thơ Đông Hồ ta đã thấy khơi nguồn thơ Cô gái xuân thì trong Cô gái xuân vẫn còn lai láng cái buồn những vần thơ cũ” [102,tr.323] và: “Đông Hồ là người thứ nhất đã đưa vào thi ca Việt Nam cái vị bát ngát của tình yêu 12 dưới trăng thanh, trong tiếng sóng” [102,tr.323]. Sau Đông Hồ, Hoài Thanh và Hoài Chân cũng giới thiệu đôi nét về nhà thơ Mộng Tuyết với một hồn thơ: “hoặc nhẹ nhàng hí hởn, hoặc hàm súc lâm li, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chỉ là lời một thiếu nữ, khi tự tình, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu” [102,tr.334]. Khi tiếp cận với thơ Mộng Tuyết, “người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi đọc được thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay dường như đang nắm cả một niềm ân ái” [102, tr.334]. Với một công trình nghiên cứu về hiện tượng nổi bật của thơ ca dân tộc, hẳn dĩ Hoài Thanh và Hoài Chân phải lựa chọn, sàng lọc những tác giả tiêu biểu nhất, tinh hoa của phong trào Thơ mới để luận bàn và tôn vinh. Trong đó, tác giả cũng thể hiện sự quan tâm đến những cây bút Thơ mới nổi bật ở vùng đất phương Nam. Dù chưa đề cập nhiều đến những cây bút Nam Bộ nhưng đã thể hiện sự trân quý nhất định của tác giả đối với những cây bút vùng đất mới. Điều đó đã tác động và khơi nguồn cảm hứng để hậu thế tìm hiểu, khai thác và khẳng định sự đóng góp nhất định của những nhà Thơ mới Nam Bộ. Năm 1943, quyển Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm ra mắt công chúng. Đến năm 1996, Nxb Hội Nhà văn tái bản theo đúng bản in lần đầu 1943. Trong công trình này, tác giả đã chỉ ra sự khác nhau giữa hai lối Thơ cũ và Thơ mới về số câu trong bài và trong khổ, số chữ trong câu cũng như cách hiệp vần. Khi bàn về thi hứng, Dương Quảng Hàm tập trung giới thiệu các nhà Thơ cũ như Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải, và ba nhà Thơ mới là Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Xuân Diệu, riêng nhà thơ Đông Hồ chỉ được điểm qua đôi nét, những nhà Thơ mới Nam Bộ khác vẫn chưa được đề cập đến. Từ thập niên 80 của thế kỉ XX, công cuộc sưu tầm, tập hợp các di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX mới thực sự khởi sắc. Tác giả và tác phẩm Thơ mới Nam Bộ bắt đầu được quan tâm từ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu tiên phong về mảng văn học quốc ngữ Nam Bộ. 13 Quyển Phong trào Thơ mới 1932 – 1945 của Phan Cự Đệ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội năm 1982 là một trong những công trình nghiên cứu công phu, được độc giả đánh giá cao. Trong đó, lần đầu tiên Thơ mới được soi chiếu từ lịch sử hình thành, phát triển cho đến tình trạng thoái trào. Mặt khác, tác giả đã giúp người đọc nhận ra những quan điểm mĩ học của các nhà Thơ mới, và nguyên nhân dẫn đến con đường bế tắc của chủ nghĩa cá nhân tư sản mà cụ thể là s ự thoát ly của các nhà thơ lãng mạn, những nhân vật cô đơn của chủ nghĩa lãng mạn, sau đó đúc kết các yếu tố tích cực và tiến bộ của phong trào Thơ mới. Ở chương cuối, nhà nghiên cứu đã khái quát được một số vấn đề về nghệ thuật của phong trào thơ ca này, dựa trên cơ sở kế thừa từ thi ca truyền thống, chỉ ra những đặc trưng thẩm mĩ và đặc biệt là sự tiếp thu những tinh hoa của văn học nước ngoài, đặc biệt là thơ ca Pháp. Với một công trình đồ sộ, công phu nghiên cứu tổng thể về Thơ mới, chúng tôi vẫn thấy thiếu vắng sự quan tâm của tác giả đối với những nhà Thơ mới Nam Bộ. Năm 1988, Nxb tp Hồ Chí Minh xuất bản cuốn Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỉ XX (1900 –1954) của Hoài Anh – Thành Nguyên – Hồ Sĩ Hiệp. Sách được biên soạn theo từng thời kì: trước Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1945-1954 với mục đích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những thành tựu về văn học ở Nam Bộ. Trong chương 3, tác giả đã giúp người đọc bước đầu tiếp cận với tên tuổi của một số nhà Thơ mới Nam Bộ như: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Huỳnh Văn Nghệ… nhưng chỉ dừng lại ở mức độ sơ lược. Đến chương 5, các tác giả tập trung giới thuyết về vấn đề nghiên cứu, phê bình văn học Nam Bộ từ 1900 – 1945 và ghi nhận thành quả của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở Nam Bộ như Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Ca Văn Thỉnh, Kiều Thanh Quế. Nhìn chung, đây là một cuốn sách có giá trị về học thuật nhưng phần trọng tâm vẫn chưa tập trung nghiên cứu về Thơ mới Nam Bộ. Năm 1998, công trình Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh của hai tác giả Thiện Mộc Lan và Thanh Việt Thanh, Nxb Văn nghệ tp. Hồ Chí Minh đã làm một khảo cứu khá chi tiết về nữ sĩ Manh Manh, một tên tuổi rất ấn tượng của phong trào 14 Thơ mới ở Nam Bộ. Đồng thời, tác giả đã chỉ ra mốc thời gian ra đời của Thơ mới và sự xuất hiện của nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh với vai trò là người đi tiên phong trong phong trào Thơ mới. Manh Manh đã có công trong việc đăng đàn diễn thuyết ủng hộ Thơ mới và sáng tác theo lối Thơ mới. Bên cạnh đó, tác giả giới thiệu bà là một ngòi bút đa năng trong việc viết báo, diễn thuyết bênh vực giành lại nữ quyền và góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự ra đời và phát triển của Thơ mới Nam Bộ. Công trình Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865- 1932) được xuất bản tại Sài Gòn tháng 2 năm 1975, sau đó được tái bản lần thứ nhất năm 1992, tái bản lần thứ hai do Nxb tp. Hồ Chí Minh năm 2002) của Bùi Đức Tịnh được xem là một trong những công trình ra đời sớm nhất về văn học quốc ngữ Nam Bộ, trong đó Thơ mới đã được chú ý, quan tâm. Có thể xem Thơ mới Nam Bộ là một phần quan trọng trong nội dung của công trình. Trong công trình phê bình, tiểu luận Thơ Việt Nam hiện đại (của nhóm tác giả Phong Lê, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Vũ Văn Sỹ, Nxb Lao động Hà Nội 2002) có 46 bài viết đề cập đến nhiều vấn đề của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Trong số đó, chúng ta thấy chỉ có một bài duy nhất đề cập đến cây bút trong làng Thơ mới Nam Bộ, đó là bài Đông Hồ, nhà thơ của buổi giao thời của Phong Lê. Năm 2000, tác phẩm Mắt Thơ của Đỗ Lai Thúy, Nxb Văn hóa – Thông tin ra mắt công chúng. Đây là một công trình phê bình phong cách Thơ mới. Từ những điểm xuyến về nguyên nhân xuất hiện Thơ mới, tác giả phân tích và giúp người đọc nhận ra điểm tương đồng và khác biệt về phong cách nghệ thuật của mỗi nhà thơ bằng nhận định: “Như vậy, trong dàn hợp xướng chung của Thơ mới, mỗi nhà thơ đều có âm chủ riêng, độc đáo của mình. Nếu cái nhìn nghệ thuật chung của cả dòng thơ như là một chuẩn, một phong chung cho thời đại thi ca, thì từng cái nhìn nghệ thuật riêng của mỗi thi nhân là một lệch chuẩn. Và chính sự lệch chuẩn này tạo nên phong cách cá nhân của mỗi nhà thơ” [111,tr.22]. Trong cuốn sách này, xuất phát từ ngôn ngữ của tác phẩm, tác giả lần lượt khám phá những đặc sắc trong phong cách của các nhà thơ Xuân Diệu, 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan