Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tư tưởng của trần quốc tuấn đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (tóm tắt)...

Tài liệu Tư tưởng của trần quốc tuấn đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (tóm tắt)

.PDF
27
765
82

Mô tả:

1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------000------ PHẠM TRƯỜNG SINH TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ Chuyên ngành: LỊCH SỬ TRIẾT HỌC Mã số: 62.22.80.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC TP. HỒ CHÍ MINH - 2015 2 Công trình được hoàn thành tại: TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Trịnh Doãn Chính TS. Nguyễn Anh Quốc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Chủ tịch Hội đồng: Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, số 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh. Vào lúc…. giờ…. phút, ngày…. tháng…. năm 2015 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. - Thư viện Khoa học Tổng hợp số 69 Lý Tự Trọng, Q. 1, Thành phố Hồ Chí Minh 3 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, một mặt đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhằm xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”1, chúng ta đồng thời phải “xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng gia đình, từng tập thể và cộng động, từng địa bàn dân cư và mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp”2, nhằm phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững, bởi lẽ “Văn hóa là nền tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”3. Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời tiếp thu, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lịch sử dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước”4; cái “tạo nên cốt cách, tinh thần, bản lĩnh và sức mạnh trường tồn của dân tộc trong lịch sử và sức mạnh nội sinh trong công cuộc đổi mới” hôm nay, tạo thành sức mạnh tổng hợp gồm kinh tế, chính trị và văn hóa nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thực tiễn lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta không chỉ kết tinh nên truyền thống lịch sử vẻ vang, mà qua đó còn đúc kết, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thời kỳ nhà Trần (1226 - 1400) được xem là một trong những giai đoạn phát triển cao của văn hoá Đại Việt. Đó là một nền văn hoá, là kết quả của quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển bền bỉ, lâu dài của dân tộc ta trên cơ sở kế thừa và phát triển tinh hoa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong suốt 174 năm tồn tại, vương triều Trần không chỉ đạt tới sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt, mà còn để lại những trang sử sáng ngời với những thành tựu và chiến công vĩ đại trong công cuộc dựng nước và giữ nước. 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 70. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ thứ năm Ban chấp Trung ương khóa VIII, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 54. 33 Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ thứ năm Ban chấp Trung ương khóa VIII, Sđd, tr. 55. 4 Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ thứ năm Ban chấp Trung ương khóa VIII, Sđd, tr. 56. 2 4 Một trong những nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp hiển hách giữ nước của triều đại nhà Trần, đó là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1232? – 1300), nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc ta. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của ông để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; đặc biệt là tư tưởng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, tư tưởng chính trị “thân dân”, “khoan sức cho dân” và tư tưởng quân sự đặc sắc, được thể hiện trong Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Lâm chung di chúc. Những tư tưởng trên của ông tuy còn có những hạn chế lịch sử nhất định; nhưng về cơ bản nó vẫn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và thiết thực không những đối với thời kỳ nhà Trần, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, đặt biệt là tư tưởng yêu nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức và xây dựng quân đội tinh nhuệ. Xuất phát từ những lý do nêu trên, tác giả chọn vấn đề: “Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử”, làm đề tài luận án tiến sĩ triết học của mình. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Thứ nhất, các công trình nghiên cứu tư tưởng của Trần Quốc Tuấn ở góc độ lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, t. 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006; Trương Hữu Quýnh - Đinh Xuân Lâm - Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam, Toàn tập (từ thời nguyên thủy đến năm 2000), Nxb. Giáo dục, 2002; Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003. Các công trình này đã trình bày và phân tích khái quát quá trình suy vong của nhà Lý, chỉ ra sự chuyển biến tình hình kinh tế, chính trị - xã hội Đại Việt ở thế kỷ XIII và công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền của vương triều Trần gắn liền với việc hình thành, phát triển tư tưởng của Trần Quốc Tuấn. Thứ hai, các công trình nghiên cứu tư tưởng của Trần Quốc Tuấn ở góc độ văn học như: Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, t. 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989; Lịch sử tư tưởng Việt Nam (Văn tuyển), t. 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003; Đinh Gia Khánh - Bùi Duy Tân - Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam thế kỷ thứ X, nửa đầu thế kỷ XIII, t. 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978. Các công trình này đã tập trung giới thiệu các tác phẩm và thân thế sự nghiệp, đánh giá về vị trí, vai trò của Trần Quốc Tuấn đối với cuộc kháng chiến quân Nguyên - Mông xâm lược. Thứ ba, các công trình nghiên cứu tư tưởng của Trần Quốc Tuấn ở góc độ tư tưởng và văn hoá như: Trương Văn Chung - Doãn Chính, Tư tưởng Việt Nam 5 thời Lý - Trần, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008; Nguyễn Hùng Hậu Doãn Chính - Vũ Văn Gầu, Đại cương lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, t. 1, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2002; Doãn Chính (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam - từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013; Viện Triết học, Lịch sử tư tưởng Việt Nam văn tuyển, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; Viện Sử học, Binh thư yếu lược, (Bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000. Các công trình trên chủ yếu đề cập đến những nội dung tư tưởng chủ yếu của Trần Quốc Tuấn như: tư tưởng yêu nước, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự từ góc độ những hoạt động lý luận và thực tiễn của ông với nhiều nhận định, đánh giá mang tính chất tổng quát về sự vận dụng những tư tưởng quân sự ông trong việc đánh thắng kẻ thù xâm lược. Như vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng Trần Quốc Tuấn ở phương diện này hay phương diện khác, bước đầu đã làm rõ những nét lớn trong tư tưởng cũng như đánh giá công lao to lớn của ông đối với lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào tập trung nghiên cứu và trình bày một cách hệ thống, toàn diện để đi đến khái quát, rút ra nội dung tư tưởng chủ yếu, đặc điểm và giá trị lịch sử trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn, cũng như chỉ ra tư tưởng của ông nảy sinh, phản ánh những nhu cầu và giải đáp những vấn đề gì mà xã hội Đại Việt đặt ra. 3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Mục đích của luận án: Từ việc trình bày, phân tích làm rõ những nội dung tư tưởng chủ yếu của Trần Quốc Tuấn, luận án nhằm đánh giá, rút ra những đặc điểm, ý nghĩa và bài học lịch sử trong tư tưởng của ông đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Nhiệm vụ của luận án: Một là, trình bày, phân tích những đặc điểm, yêu cầu xã hội Việt Nam trong thế kỷ XIII, đặc biệt là thực tiễn của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược; làm rõ sự ảnh hưởng của “tam giáo”, sự tiếp thu và kế thừa truyền thống văn hoá dân tộc với việc hình thành tư tưởng của Trần Quốc Tuấn. Hai là, phân tích và trình bày quá trình hình thành, phát triển và những nội dung tư tưởng chủ yếu của Trần Quốc Tuấn qua các vấn đề: tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự và vấn đề nhân sinh. 6 Ba là, chỉ ra những đặc điểm chủ yếu, ý nghĩa và bài học lịch sử trong tư tưởng Trần Quốc Tuấn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, đó là bài học phát huy lòng yêu nước, độc lập tự chủ, ý thức tự cường dân tộc, dân là gốc của nước, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng quân đội. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án: Luận án tập trung nghiên cứu tư tưởng của Trần Quốc Tuấn, qua các tác phẩm tiêu biểu như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Lâm chung di chúc. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Để đạt được mục đích và hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, luận án được thực hiện dựa trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, tác giả còn sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp, lôgíc và lịch sử, so sánh lịch sử để nghiên cứu và trình bày luận án. 5. Cái mới của luận án Một là, luận án đã trình bày, phân tích, làm rõ nội dung tư tưởng chủ yếu của Trần Quốc Tuấn, góp phần làm sâu sắc tư tưởng chính trị của ông về lòng yêu nước, về nhân dân và tư tưởng quân sự. Hai là, luận án đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn; đó là tính kế thừa, tính dân tộc và tính nhân sâu sắc. Từ đó luận án đã rút ra ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của ông về mặt lý luận và thực tiễn đối với quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam và công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Ba là, luận án đã rút ra những bài học lịch sử trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn đã được kế thừa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đó là bài học về nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường dân tộc, bài học phát huy lòng yêu nước, dân là gốc và đoàn kết toàn dân tộc, bài học về quân sự. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án Về ý nghĩa khoa học, luận án đã góp phần làm rõ những tư tưởng cơ bản, đặc điểm, ý nghĩa và bài học lịch sử trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn qua các vấn đề về lòng yêu nước; tinh thần độc lập tự chủ, tự cường dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; trọng dân, thân dân, “khoan sức cho dân”, dân là gốc; về tổ chức và xây dựng quân đội. Về ý nghĩa thực tiễn, trên cơ sở trình bày, phân tích một cách có hệ thống tư tưởng của Trần Quốc Tuấn, luận án rút ra những đặc điểm, ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của ông cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn trên các phương diện 7 tư tưởng, văn hoá, chính trị, quân sự; đặc biệt là những bài học có ý nghĩa lịch sử sâu sắc như lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, văn học, sử học và văn hoá học. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu gồm có 3 chương, 6 tiết và 15 tiểu tiết. Chương 1 CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN 1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ, KINH TẾ, CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI KỲ NHÀ TRẦN VỚI VIỆC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN 1.1.1. Khái quát điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội Việt Nam thời kỳ Trần – cơ sở xã hội hình thành tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Trần Quốc Tuấn chính là sự phản ánh ba nhu cầu chủ yếu của điều kiện lịch sử xã hội Đại Việt ở thế kỷ XII - XIII. Một là, xây dựng nước Đại Việt hùng mạnh thống nhất về chính trị, kinh tế - xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của vương triều Trần và bảo vệ nền độc lập dân tộc; Hai là, nhu cầu củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chống ngoại xâm, trước hết là chống quân Nguyên - Mông xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc; Ba là, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông. Trước hết, là phản ánh nhu cầu xây dựng nhà nước Đại Việt hùng mạnh thống nhất về chính trị, kinh tế xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của vương triều Trần và bảo về nền độc lập dân tộc. Các vua nhà Trần chú trông củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, tăng cường tiềm lực quân sự nhằm bảo vệ đất nước và chống giặc ngoại xâm. Về kinh tế, hệ thống điền trang, thái ấp thời kỳ nhà Trần một mặt góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, ổn định định đời sống nhân dân; mặt khác, củng cố bộ máy chính quyền nhà nước, xây dựng quân đội vững mạnh nhằm bảo vệ lợi ích của quý tộc, tôn thất nhà Trần. Về chính trị xã hội, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thời Trần được tổ chức chặt chẽ, xã hội tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản sau: mâu thuẫn giữa tầng lớp quý tộc tôn thất nhà Trần với tầng lớp địa chủ quan liêu, mâu thuẫn giữa quý tộc tôn thất nhà Trần với nhân dân mà chủ yếu là nông dân. Cùng với việc hoàn thiện thể chế chính trị, luật pháp, nhà Trần mở Giảng võ đường để các võ quan học binh pháp, rèn luyện võ nghệ, xây dựng quân đội tinh nhuệ. Trần Quốc Tuấn viết hai bộ binh pháp: Binh 8 thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để huấn luyện kỹ thuật quân sự cho các tướng sĩ. Hai là, nhu cầu củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chống ngoại xâm, trước hết là chống quân Nguyên - Mông xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc. Thực tiễn chính trị - xã hội Đại Việt trong thế kỷ XIII đã đặt ra hai vấn đề lớn: nhu cầu củng cố, xác lập củng cố vương triều Trần, bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến; nhu cầu xây dựng nhà nước phong kiến độc lập về chính trị, văn hóa, tư tưởng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, đấu tranh chống lại ảnh hưởng của phương Bắc và giữ vững độc lập dân tộc. Trong điều kiện đất nước có giặc ngoại xâm, mâu thuẫn giữa tầng lớp quý tộc nhà Trần với nhân dân lao động và mâu thuẫn giữa toàn bộ dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quý tộc vương triều Trần với sự xâm lăng, nô dịch của quân Nguyên - Mông xâm lược là hai mâu thuẫn chủ yếu. Trước nhu cầu cấp thiết phải huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc chống quân xâm lược, nhà Trần đã giải quyết mâu thuẫn đó bằng cách hy sinh lợi ích giai cấp, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích giai cấp nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc chống giặc Nguyên - Mông và bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc. Ba là, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Trong thế kỷ XIII, nhà Trần đã phải đương đầu với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào những năm 1258, 1285 và 1287 - 1288. Thực tiễn của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông đầy gian khổ và oanh liệt là những tiền đề giúp cho Trần Quốc Tuấn hình thành nên tư tưởng yêu nước, tư tưởng chính trị và quân sự đặc sắc của mình. Ông đã đúc kết kinh nghiệm thực tiễn ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hình thành nên tư tưởng phong phú và sâu sắc của mình, thể hiện trong các tác phẩm như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Trả lời vua hỏi về thế giặc và Lâm chung di chúc. Như vây, xã hội Đại Việt từ cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII đã trải qua một thời kỳ đầy những biến động sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Đây chính là cơ sở xã hội cho sự hình thành, phát triển của tư tưởng thời Trần nói chung và tư tưởng của Trần Quốc Tuấn nói riêng. 1.1.2. Sự phát triển văn hoá, giáo dục thời kỳ nhà Trần với việc hình thành tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn không chỉ được nảy sinh và phát triển trên cơ sở xã hội Đại Việt thế kỷ XIII, mà còn là sự tiếp thu, kế thừa các giá trị văn hóa tư tưởng của dân tộc và nhân loại nhằm giải đáp nhu cầu thực tiễn của xã hội đại Việt lúc bấy giờ, đặc biệt là nhu cầu xây dựng một nền văn hoá độc lập và củng cố vương triều Trần trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng. Nhà Trần đã khôi phục 9 và đưa nền văn hoá dân tộc phát triển rực rỡ trên các lĩnh vực văn học, sử học và nghệ thuật. Những thành tựu phát triển rực rỡ của nền văn hoá thời kỳ này đã góp phần xây dựng nền giáo dục, khoa cử quy củ nhằm tuyển chọn nhân tài cho đất nước và củng cố bộ máy nhà nước phong kiến. Nhìn chung, trên tinh thần dân tộc, nhà Trần đã xác lập một nền giáo dục khoa cử độc lập đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam cũng như trong lịch sử văn hoá của dân tộc ta. “Nền văn hoá thời Trần đã đạt đến một trình độ cao. Đỉnh cao nhất của nền văn hoá đó là khoa học và nghệ thuật quân sự của nhà chiến lược thiên tài Trần Quốc Tuấn. Một số ngành khoa học khác như thiên văn, lịch pháp, y học cũng có những thành tựu đáng kể”5. 1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN 1.2.1. Giá trị tư tưởng và văn hoá truyền thống Việt Nam với sự hình thành tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn một mặt phản ánh và chịu chi phối bởi đặc điểm lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội Đại Việt và thực tiễn của ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược trong thế kỷ XIII; mặt khác là sự kế thừa những giá trị tư tưởng và văn hoá truyền thống Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”6. Trong các truyền thống đúc kết đó, Trần Quốc Tuấn đã tiếp thu những vấn đề cốt yếu sau: Một là, ý thức quốc gia dân tộc, ý chí độc lập dân tộc; Hai là, lòng yêu nước nồng nàn; Ba là, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức gắn kết cộng đồng cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, ông đã phát triển, làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung của nó qua tư tưởng yêu nước, trọng dân, thân dân, “khoan sức cho dân”, dân là gốc, đánh giặc giữ nước dựa vào dân, thể hiện trong Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Lâm chung di chúc. 1.2.2. Sự ảnh hưởng của “Tam giáo” với việc hình thành tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Cùng với việc kế thừa, phát triển các giá trị tư tưởng và văn hóa truyền thống Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tư tưởng của Trần Quốc Tuấn còn được hình thành, phát triển trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc tinh hoa tư tưởng văn hóa phương Đông, mà 5 Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, t. 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 218. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 56. 6 10 cốt lõi là tinh hoa tư tưởng, những giá trị đặc sắc của Nho giáo, Phật giáo. Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam thời kỳ nhà Trần đã đáp ứng được nhu cầu có một hệ tư tưởng độc lập thống nhất trên phương diện văn hoá, tư tưởng nhằm thoát dần sự ảnh hưởng của văn hoá bên ngoài. Những biến đổi về chính trị, kinh tế - xã hội đầu thời kỳ nhà Trần tất yếu đòi hỏi có sự biến đổi về tư tưởng, đặc biệt là cần có một hệ tư tưởng, tôn giáo mới để duy trì trật tự xã hội, củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền và thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời đáp ứng nhu cầu đó của Đại Việt. Trần Quốc Tuấn không chỉ tiếp thu tinh thần “từ bi, bác ái” của Phật giáo để xây dựng một nền chính trị hoà mục, trọng dân, “thân dân”, cứu dân khỏi hoạ chiến tranh và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà còn yêu thương, hoà đồng với các tướng sĩ nhằm xây dựng “đội quân cha con” đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Thứ hai, Nho giáo Việt Nam thời Trần là phương tiện hữu hiệu để nhà Trần củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền, quản lý đất nước và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Nhà Trần đã chắt lọc tinh hoa của Nho giáo để trị nước, an dân, bảo vệ lợi ích của vương triều Trần. Quan lại xuất thân từ nho học ngày càng nhiều và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình: “Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hứ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dữ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy, Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau làm quan, nhân tài nở rộ”7. Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn cũng đề cập các phạm trù đạo đức nhân sinh như: “nhân”, “lễ”, “nghĩa”, “trí”, “tín”, “trung”, “hiếu”, “nhân nghĩa”, “vinh”, “nhục”, thế - thời…. Ông tiếp thu Nho giáo trên tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Thứ ba, cùng với Nho giáo và Phật giáo, Lão giáo Việt Nam thời Trần hoà vào tín ngưỡng dân gian tạo nên sự dung hợp “Tam giáo” đặc sắc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân, tôn vinh những người có công lớn với dân tộc. Trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn sự ảnh hưởng của Lão giáo chưa rõ nét. Ông vốn xuất thân từ dòng võ tướng, nhưng sống chan hòa, bình dị, hoà đồng với tướng sĩ và gần gũi với nhân dân. Ông có lối sống bình dị, phong thái ung dung tự tại, coi nhẹ hình thức, không xem trọng danh lợi và hòa nhập với thiên nhiên. KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 Tư tưởng chính trị, quân sự của Trần Quốc Tuấn một mặt phản ánh và chịu chi phối bởi đặc điểm điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội Đại Việt và thực tiễn của ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược trong thế kỷ XIII; mặt khác là sự kế thừa những giá trị tư tưởng chính trị, triết học, quân sự và văn hoá truyền thống Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử 7 Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr. 357. 11 hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhất là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý thức quốc gia dân tộc, ý chí độc lập dân tộc. Có thể nói, những nhu cầu của xã hội Đại Việt và thực tiễn của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược đầy gian khổ mà hào hùng là những tiền đề giúp cho Trần Quốc Tuấn hình thành nên tư tưởng yêu nước, tư tưởng chính trị và quân sự đặc sắc của mình. Chương 2 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA TRẦN QUỐC TUẤN 2.1. CÁC GIAI ĐOẠN CHỦ YẾU TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn là một quá trình phát triển liên tục, sinh động và thống nhất. Cho nên phân chia các giai đoạn để nghiên cứu tư tưởng chủ yếu và làm rõ sự chuyển biến trong tư tưởng của ông chỉ mang tính tương đối. Về cơ bản, tác giả chia quá trình phát triển tư tưởng của Trần Quốc Tuấn thành ba giai đoạn chủ yếu sau: 2.1.1. Giai đoạn thứ nhất - Trần Quốc Tuấn trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông Trần Quốc Tuấn đã sớm nghiên cứu binh pháp và chắt lọc tinh hoa quân sự của Trung Quốc cổ đại và những tri thức quân sự của dân tộc ta thành hai bộ binh thư: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy cho các tướng sĩ, huấn luyện kỹ thuật quân sự cho quân đội nhà Trần. Tư tưởng Trần Quốc Tuấn được thể hiện qua hai tác phẩm này với nội dung chủ yếu sau: Một là, ông đề cao vai trò của “hòa mục” trong việc trị nước an dân; Hai là, ông đề cao tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của tướng sĩ; Ba là, nghệ thuật quân sự với phương châm chiến lược là đánh lâu dài, dựa vào sức mình. Bốn là, phát huy sở trường của ta, chống lại sở trường của địch và đánh địch theo cách đánh mà ta lựa chọn, không cho địch phát huy cách đánh sở trường của chúng. Năm là, “dân là gốc”. Từ những tri thức quân sự của ông đúc kết, các tướng lĩnh nhà Trần vận dụng linh hoạt, nhờ đó mà trăm trận trăm thắng “Cho nên đương thời phía Bắc làm cho Hung Nô phải sợ, phía Tây làm cho Lâm Ấp phải kinh”8. 2.1.2. Giai đoạn thứ hai - Trần Quốc Tuấn với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông Quân Nguyên - Mông ba lần xâm lược nước ta vào các năm 1258, 1285 và 1288. Đây là giai đoạn đánh dấu quá trình chuyển biến trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn từ giai đoạn nhận thức sâu sắc về độc lập dân tộc, bước sang giai 8 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 600. 12 đoạn quyết tâm đánh thắng giặc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 9 năm 1257, vua Trần Thái Tông “xuống chiếu lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Trần Quốc Tuấn”9. Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn được trao quyền tổng chỉ huy quân đội. Trong giai đoạn này, tư tưởng cơ bản của ông được thể hiện trong Hịch tướng sĩ, Trả lời nhà vua hỏi về thế giặc nổi bật là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc “臣請先斬臣頭然後降賊. 臣頭若在社稷 猶存. 願陛下無憂. 臣沮有破賊之策. Thần thỉnh tiên trảm thần đầu, nhiên hậu hàng tặc. Thần đầu nhược tại, xã tắc do tồn. Nguyện bệ hạ vô ưu. Thần tự hữu phá tặc chi sách. Thần xin trước hãy chém đầu thần rồi sau lại hàng. Đầu thần còn đấy thì xã tắc ắt còn. Xin bệ hạ đừng lo. Thần đã tự mình có kế sách phá giặc”10. Sự cống hiến của ông trong thời gian này: Một là, ông chủ động xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân đánh giặc cứu nước, chuẩn bị mọi mặt để chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Hai là, ông tham gia vạch ra kế hoạch chiến lược chống quân Nguyên - Mông; Ba là, tổ chức và chỉ đạo chiến lược, chiến thuật đưa các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông giành thắng lợi, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, nghệ thuật quân sự thiên tài. Nhìn chung, “Với tri thức quân sự uyên bác kết hợp với tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, ông đã góp phần lớn lao vào việc tổ chức và lãnh đạo kháng chiến, đưa khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam tiến lên một bước vượt mức. Trần Quốc Tuấn là một anh hùng vinh quang của dân tộc, một thiên tài quân sự mà công lao và sự nghiệp giữ nước của ông sẽ sống mãi với lịch sử oai hùng của dân tộc”11. 2.1.3. Giai đoạn thứ ba - Trần Quốc Tuấn tổng kết kinh nghiệm lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta Là người trực tiếp tham gia ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược và là người lãnh đạo chủ chốt của triều đình nên Trần Quốc Tuấn đã có những trải nghiệm thực tiễn nhất định, vì vậy mà ông có điều kiện để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn của mình. Ông đã tổng kết kinh nghiệm giữ nước từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần và chỉ các bài học: Một là, về quân sự, “kén dùng tướng giỏi”, và “phải gây dựng được một “đội quân cha con”, nghệ thuật quân sự “lấy ngắn chế dài”; Hai là, về chính trị “Khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”12. Những quan điểm tư tưởng chính 9 Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 283. Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 386. 11 Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, t. 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 212. 12 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. 10 13 trị - quân sự như dựa vào dân đánh giặc giữ nước, “khoan sức cho dân”, dân là gốc, về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về phương châm chiến lược “dĩ đoản, chế trường”, về xây dựng quân đội tinh nhuệ trên dưới một dạ như cha con của Trần Quốc Tuấn là những tư tưởng tiên tiến, đúng đắn và sáng tạo, vượt thời đại mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị. 2.2. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CỦA TRẦN QUỐC TUẤN Tư tưởng chính trị và tư tưởng quân sự của ông phản ánh một cách sâu sắc, sinh động thực tiễn xã hội Đại Việt trong thế kỷ XIII và thực tiễn của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Tư tưởng của ông phản ánh và thể hiện bao quát sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự; trong đó, nổi bật chính là tư tưởng quân sự. Nội dung tư tưởng của Trần Quốc Tuấn được thể hiện trong Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. 2.2.1. Tư tưởng chính trị của Trần Quốc Tuấn Có thể nói, tư tưởng chính trị của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nảy sinh, hình thành không chỉ dựa trên những điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị xã hội, mà còn là sự phản ánh những nhu cầu cấp thiết của xã hội Đại Việt lúc bấy giờ và biểu hiện ở những nội dung chủ yếu sau: Một là, tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc; Hai là, tư tưởng về nhân dân. Thứ nhất, về tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc. “Yêu nước là nguyên tắc đạo đức và chính trị, một tình cảm xã hội, mà nội dung là tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc, là lòng tự hào về quá khứ và hiện tại của Tổ quốc, ý chí bảo vệ những lợi ích của Tổ quốc” 13. Nội dung tư tưởng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thể hiện sinh động trong các tác phẩm Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Hịch tướng sĩ và Lâm chung di chúc. Có thể nói lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở những nội dung sau: Một là, ý chí và lòng căm thù giặc sâu sắc. ông viết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”14. Ông kêu gọi tướng sĩ đồng lòng cùng nhau luyện tập binh thư, võ nghệ “Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”15. Có lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc sâu sắc, có niềm tin tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc và sức mạnh của quân dân Đại Việt nên ngay cả khi lúc giặc mạnh, đất nước lâm nguy, một số 13 Từ điển triết học, Nxb. Tiến bộ, Máxcơva, 1975, tr. 712. Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 391. 15 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 392. 14 14 người trong triều đình ra hàng giặc, vua Trần Thánh Tông đến hỏi ông: “Nay thế giặc như thế, hãy hàng chúng để cứu muôn dân chăng?” Ông vẫn giữ vững khí tiết đáp rằng: “Lời bệ hạ nói ra thực là lời của bậc nhân giả. Nhưng còn tông miếu xã tắc thì sao? Thần xin trước hãy chém đầu thần rồi sau lại hàng”16. Hai là, sự trăn trở và lo lắng cho sự an nguy của nước nhà. Lo lắng đến sự an nguy của quốc gia, dân tộc. Ông viết: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm…cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con của các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà thanh danh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận”17. Vận mệnh dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc, thế mà lại có những tư tưởng hoặc lo vun vén cá nhân. Thứ ba, tinh thần bảo vệ độc lập dân tộc và quyết tâm đánh quân Nguyên - Mông xâm lược. Từ nỗi đau của thời loạn lạc, nỗi nhục một khi vận nước rơi vào tay giặc Trần Quốc Tuấn đã kêu gọi tướng sĩ, binh lính dưới quyền phải chăm chỉ học tập binh thư, rèn luện võ nghệ ai nấy cũng đều giỏi như Bàng Mông, Hậu Nghệ để làm cái điều mà ông mong muốn là “bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”18 như một lời thề thiêng liêng, một quyết tâm sắt đá sống chết với kẻ thù. Thứ hai, tư tưởng về nhân dân của Trần Quốc Tuấn. Tư tưởng “trọng dân”, “thân dân”, “dân là gốc” là một tư tưởng tiến bộ đã có từ hơn 2500 năm trước đây của Nho giáo. Trong Thượng Thư có viết: “Dân chính là gốc của nước, gốc bền thì nước mới yên”19 Nước không thể không có dân, dân chính là gốc của đất nước, là nền tảng, là sức mạnh, là trí tuệ của đất nước do vậy, “Dân còn thì thì xã tắc còn, dân mất thì xã tắc mất”20. Nhận thức về 16 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 386. Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 391 - 392. 18 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 392. 19 Doãn Chính, Từ điển triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 99. 20 Doãn Chính, Từ điển triết học Trung Quốc, Sđd, tr.99. 17 15 vai trò, sức mạnh của dân chúng đối với sự tồn vong, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và định ra những đường lối chính trị, chính sách xã hội tiến bộ theo hướng thân dân là một quá trình lâu dài trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Kế thừa tiếp thu tinh thần ấy, Trần Quốc Tuấn khẳng định “Dân là gốc của nước, gốc bị sâu thì nguyên khí suy; gỗ làm cột rường, cột bị mục thì nhà ta đổ”21. Nội dung tư tưởng “khoan sức cho dân, 寬民力以” của Trần Quốc Tuấn được thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Lâm chung di chúc. Ông viết: “Khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước. 寬民力以. 為深根固柢 之計. 此守 國之上策也”22. Theo đó, “khoan sức cho dân” là điều kiện tiên quyết để xây dựng và bảo vệ đất nước, nó bao trùm, chi phối đường lối cứu nước, giữ nước và toàn bộ hoạt động thực tiễn của Trần Quốc Tuấn. Tư tưởng “khoan sức cho dân”, không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc ở thời Trần, mà còn có lịch sử to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. 2.2.2. Tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn Tư tưởng quân sự là hệ thống các quan điểm lý luận về quân sự và các vấn đề có liên quan đến quân sự của cá nhân, giai cấp hoặc tổ chức nhất định mà nội dung cốt lõi của nó là những vấn đề chiến tranh, quan hệ chiến tranh và chính trị, chiến tranh và hòa bình, phương thức tiến hành chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang, khoa học nghệ thuật quân sự v.v… Tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn là tư tưởng quân sự tiến bộ, là sự kết hợp tri thức quân sự phương Đông cổ đại với truyền thống đánh giặc giữ nước đặc sắc, thực tiễn chiến tranh của Việt Nam được ông đúc kết và vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Đại Việt lúc bấy giờ. Điểm nổi bật và cũng là sở trường quân sự của ông là dựa vào dân để đánh giặc, tổ chức chiến tranh nhân dân với chiến lược là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, đánh lâu dài, đánh từ nhỏ đến lớn; dùng thế bất ngờ, đánh đòn quyết định; giải quyết đúng đắn mối quan hệ rút lui chiến lược và phản công chiến lược, giữa bảo tồn lực lượng và tiêu diệt sinh lực địch, giữa đánh tiêu hao và đánh tiêu diệt… Thứ nhất, tư tưởng đánh giặc giữ nước dựa vào lòng dân. Trần Quốc Tuấn dựa vào dân để đánh giặc giữ nước, tổ chức và thực hành cuộc chiến tranh nhân dân “cả nước đón giặc”, “cả nước chống giặc”, “trăm họ là binh”. Ông cho rằng, “dân là gốc của nước”, vì vậy, sự nghiệp dựng nước và giữ nước, muốn thành công thì phải dựa vào dân. Một khi nhân dân đoàn kết đồng lòng thì không có một sức mạnh nào, một thế lực nào có thể chiến thắng nổi. Thực tế cho thấy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược thắng lợi là do ông và triều Trần đã dựa vào dân đánh 21 22 Viện Sử học, Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 59. Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. 16 giặc, tranh thủ được sự đồng lòng của nhân dân cả nước. Ông đã tổng kết “Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói”23. Có thể nói, “Đời Trần nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc giữ, làm cho thế nước được mạnh”24. Thứ hai, tư tưởng xây dựng quân đội luôn coi trọng về chất lượng. Ông cho rằng: “Quân cần tinh không cần nhiều”25. Để xây dựng quân đội mạnh, Trần Quốc Tuấn đặc biệt chú đến hai yếu tố: Một là, quân lính một lòng, một dạ như cha con thì mới dùng được. Cho nên phải giáo dục sự đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng của quân sĩ; hai là, phải đặc biệt quan tâm xây dựng và rèn luyện năng lực chỉ huy cho các tướng lĩnh. Bởi vì mọi thành bại trên chiến trường phần lớn tuỳ thuộc vào năng lực cầm quân của họ. Binh thư yếu lược có viết: “Quân cần giỏi không cần nhiều. Nên chọn những người khỏe mạnh mà dùng, không lấy nhiều người nhỏ yếu để thêm số lượng”26. Quân tinh nhuệ trước hết phải yêu nước, phải tinh thông võ nghệ, trung thành với triều đình và nhân dân có ý chí “Sát thát”, “phụ tử chi binh”, phải sâu rễ bền gốc trong dân. Nhìn chung, tư tưởng xây dựng quân đội của Trần Quốc Tuấn có các đặc điểm sau: một là, tinh nhuệ thiện chiến; hai là, đoàn kết hòa thuận và có tính kỷ luật cao; ba là, có tinh thần chiến đấu anh dũng; bốn là, có trình độ chiến thuật và kỹ thuật cao. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông cho thấy việc tổ chức quân đội và xây dựng lực lượng vũ trang của ông là đúng đắn, sáng tạo và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thứ ba, nghệ thuật quân sự “dĩ đoản chế trường”. Trong Di chúc, Trần Quốc Tuấn đã đúc kết tư tưởng lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh: “Giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp”27. Vận dụng tư tưởng “dĩ đoản chế trường”, trong chỉ đạo chiến tranh, Trần Quốc Tuấn đã biết lợi dụng và phát huy chỗ mạnh của mình và lợi dụng chỗ yếu của địch để tiến hành chiến lược một cách linh hoạt. Chỗ yếu nhất của địch là tinh thần chủ quan, khinh địch, ỷ vào số lượng ưu thế, vũ khí, kỵ binh và tính bị động trong tiến công. Trong chỉ đạo chiến lược, Trần Quốc Tuấn đã thành công lớn trong việc chuyển biến tương quan lực lượng đặc biệt là trong thực hiện chiến lược phản công yếu về số lượng và thời gian chuẩn bị, từ thế yếu về chiến lược tiến lên giành ưu thế về chiến lược trong một thời gian ngắn và chủ động đánh địch bất ngờ về chiến lược trong thời gian, địa điểm mà mình lựa chọn nhằm giành thắng lợi ở những mục tiêu đã định. Nghệ thuật giành ưu thế và chủ động về chiến lược là sự biểu hiện 23 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, t.1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 316. 25 Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 312. 26 Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 34. 27 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. 24 17 đặc sắc thiên tài quân sự của ông. Trong Binh thư yếu lược, ông viết: “Ít có thể thắng nhiều, yếu có thể thắng mạnh”28. Cho nên “Phàm hay lấy ít mà thắng nhiều, lấy yếu mà địch mạnh, lấy nhỏ mà chế lớn, thế mới gọi là thiện chiến”29. Trong điều kiện của cuộc chiến tranh giữ nước luôn phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, ông vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, thường tổ chức các cuộc rút lui chiến lược một cách chủ động để bảo toàn lực lượng, đưa quân chủ lực về các địa bàn đã được chuẩn bị sẵn, để từ đó sẵn sàng phản công chiến lược, giáng đòn quyết định khi thời cơ đến đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Tư tưởng “lấy đoản chế trường” mà Trần Quốc Tuấn nêu trong Lâm chung di chúc chính là bài học kinh nghiệm mà ông rút ra trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng tư tưởng quân sự Việt Nam. Thứ tư, tư tưởng về xây dựng sức mạnh và tinh thần đoàn kết thống nhất trong chiến tranh giữ nước. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được hun đúc và phát huy qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân luôn là đường lối chiến lược, là cội nguồn tạo nên sức mạnh đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Để tập hợp được sức mạnh và thống nhất trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, nhà Trần đã khôn khéo và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của giai cấp với lợi ích của dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu. Ông đúc kết và chỉ ra nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược là do “vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, nước nhà góp sức”30. Trong Di chúc, ông nhấn mạnh yếu tố đoàn kết “trên dưới một lòng, lòng dân không lìa” và căn dặn rằng cần phải xây dựng tinh thần đoàn kết trong chiến đấu: “Phải gây dựng được một “đội quân cha con” rồi mới có thể sử dụng được, 收得父子之兵. 始可瑢也”31. Ông xem hòa mục là giềng mối chính của sự trị an: “Vua tôi hoà mục thì dùng được người tài; các tướng văn tướng võ hoà mục thì làm nên công nghiệp. Tướng sĩ hoà mục thì khi được ban thưởng sẽ nhường nhịn nhau, gặp nguy nan sẽ cứu giúp nhau. Đó, hoà mục là một đạo rất hay cho việc trị nước, hành binh, không bao giờ đổi được”32. Ông đã chủ động giao hảo hòa hiếu với Trần Quang Khải, xoá bỏ mọi hiềm khích trong nội bộ triều đình để xây dựng khối đoàn kết thống nhất cùng toàn dân đánh giặc giữ nước. Những quan điểm tư tưởng chính trị - quân sự dựa vào dân, khoan sức cho dân, về xây dựng khối đại đoàn kết trong hoàng tộc và triều đình, trong toàn quân và cả nước, về phương châm chiến lược “dĩ đoản, chế trường”, “quân đội 28 Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 224. Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 236. 30 Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 330. 31 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. 32 Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 39. 29 18 cốt tinh không cốt nhiều, trên dưới một dạ như cha con...” là những tư tưởng tiên tiến, đúng đắn và sáng tạo, vượt thời đại và có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. 2.2.3. Vấn đề nhân sinh trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Tư tưởng của Trần Quốc Tuấn không chỉ đề cập đến vấn đề chính trị, quân sự, mà ông còn có những quan điểm sâu sắc về đạo đức và triết lý nhân sinh. Đó là những quan điểm về đạo làm tướng, đạo lý làm người, về nhân nghĩa, nhân dân, về thế - thời, về quốc gia - dân tộc. Trước hết là, về đạo làm tướng. Trong tư tưởng của Trần quốc Tuấn, những quan điểm về đạo làm tướng được thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Binh thư yếu lược, biểu hiện qua những nội dung cơ bản sau: Một là, về phương pháp chọn người, chọn tướng; Hai là, mối quan hệ của tướng đối với nước, đối với vua, đối với nhân dân, đối với tướng sĩ, đối với kẻ thù và đối với chính bản thân mình. Thứ hai, về đạo lý làm người. Ông đề cao vài trò của đạo đức. Cũng như các nhà tư tưởng khác, Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo làm người như: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong đó, luân lý đạo đức, đạo làm người có quan hệ chặt chẽ với đạo làm tướng. Ông cho rằng tướng có năm đức tính: “Lễ, hiếu, tín, nhân, dũng”. Ông chỉ ra năm đức tốt của tướng: “Có tiết cao để khuyến khích phong tục, có hiếu đễ để có thể lưu danh về sau, có tín nghĩa có thể kết bạn, có rộng yêu có thể thu phục quân chúng, có sức mạnh có thể lập công”33. Khi đề cập đến những đức tính của người làm tướng, ông yêu cầu tướng phải hội đủ các tố chất: Nhân, nghĩa, lễ, tín, dũng “Người xưa đuổi chạy không quá trăm bước, rút lùi không quá hai xá, đó là để bày tỏ điều lễ. Không ép uổng người bất năng, thương xót người đau ốm, đó là để bày tỏ điều nhân. Thành hàng rồi mới khua trống, đó là để bày tỏ điều tín. Tranh lấy nghĩa mà không tranh lấy lợi, đó là để bày tỏ điều nghĩa. Lại hay tha người quy phục, đó là bày tỏ điều dũng. Sáu đức ấy theo từng thời mà dạy, để làm đạo dựng kỷ cương cho dân, đó là chính trị xưa vậy”34. Thứ ba, về nhân nghĩa. Ông cho rằng: “Nhân nghĩa là mục đích của đời người và cũng là mục đích của tướng, làm tướng phải đấu tranh cho chính nghĩa, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân” 35. Thứ tư, về nhân dân. Trần Quốc Tuấn yêu cầu phải “lấy dân làm gốc”, phải thân dân, trọng dân, đoàn kết toàn dân một lòng “trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa và lấy “khoan sức cho dân” làm nền tảng đề xây dựng và phát triển đất nước. Thứ năm, về thời thế. Trần Quốc Tuấn viết: “Theo tính tự nhiên không gì là không thế”. Do đó, người giỏi dùng binh phải nắm chắc thời thế, thời cơ để linh hoạt trong chiến lược. Thứ sáu, về quốc gia dân tộc. Ông một lòng trung quân, ái quốc, trải qua 33 Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 57. Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 57. 35 Binh thư yếu lược, Sđd, tr. 11. 34 19 bốn đời vua, lúc nào ông cũng đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, vì dân vì nước và quên thân mình, giữ trọn được đạo làm tướng, để nợ nước lên trên tình nhà, xem nhẹ lợi ích cá nhân, một lòng phụng sự đất nước và tạo nên công nghiệp vẻ vang, làm rạng danh nước Đại Việt. KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Trần Quốc Tuấn gắn liền với thực tiễn chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước của dân tộc ta trong thế kỷ XIII và quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của ông. Tư tưởng yêu nước, tư tưởng chính trị của Trần Quốc Tuấn tuy chưa thành một hệ thống nhưng cũng không kém phần tiêu biểu, đặc sắc và bao hàm nhiều nội dung, ý nghĩa sâu sắc như tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “khoan sức cho dân”, xây dựng nền chính trị hòa mục khoan hòa. Tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng của dân tộc và nhân loại, ông đã sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự đặc sắc và đưa cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược đi tới thắng lợi cuối cùng. Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, Trần Quốc Tuấn đã đúc kết, rút ra nhiều bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc, mà tiêu biểu là bài học “dân là gốc” và “khoan sức cho dân”. Chương 3 ĐẶC ĐIỂM, GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG TRẦN QUỐC TUẤN 3.1. ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA TƯ TƯỞNG TRẦN QUỐC TUẤN 3.1.1. Tính dân tộc trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Một học thuyết có tính dân tộc khi nó phản ánh những vấn đề của dân tộc mình, nhân dân mình và xử lý nó trong những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, đề cao tinh thần dân tộc, tự tôn dân tộc và lòng tự hào dân tộc. Tính dân tộc trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn được thể hiện sinh động qua hai tác phẩm Hịch tướng sĩ và Lâm chung di chúc. Có thể khái quát tính dân tộc trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn với những nội dung chủ yếu như sau: Một là, lòng tự hào về đất nước, con người Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Trần Quốc Tuấn; Hai là, đề cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, lòng căm thù giặc sâu sắc của Trần Quốc Tuấn; Ba là, Trần Quốc Tuấn đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ lợi ích của dân tộc. Thứ nhất, đó là lòng tự hào về đất nước, con người Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn đã đúc kết lịch sử dân tộc và khẳng định: “Xưa kia Triệu 20 Vũ Đế dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, dân chúng bèn làm kế “vườn không nhà trống”. Rồi đại binh kéo sang châu Liêm, châu Khâm đánh vào Trường Sa, đoản binh thì tập kích phía sau... Đời Đinh, Lê, đề bạt được bậc hiền tài… Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống... Nhà Lý vừa mở mang cơ nghiệp, quân Tống đã xâm phạm vào bờ cõi. Bèn dùng Lý Thường Kiệt để đánh châu Khâm, châu Liêm, mấy lần đến tận Mai Lĩnh... Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói”36. Những chiến công hiển hách của dân tộc ta được ông nhắc lại với lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Ông và vương triều Trần một lòng quyết tâm đánh tan quân Nguyên - Mông xâm lược để đem lại hạnh phúc thái bình muôn thuở cho nhân dân. Nhận thức sâu sắc về độc lập dân tộc, vai trò của dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, ông đề nghị vua nhà Trần lấy “Khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”37. Thứ hai, đề cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc, lòng căm thù giặc sâu sắc của Trần Quốc Tuấn. Tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc của quân và dân thời Trần không chỉ xuất phát từ lòng yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường dân tộc của mọi người dân Đại Việt mà còn ở việc Trần Quốc Tuấn soạn Hịch tướng sĩ để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí căm thù giặc, quyết tâm đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Ông chân thành bày tỏ lòng yêu nước nồng nhiệt, sâu sắc và trong sáng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”38. Thứ ba, Trần Quốc Tuấn đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ lợi ích của dân tộc. Ông đã đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của gia đình và cá nhân, ra sức đoàn kết dân tộc để đánh giặc cứu nước. Ông khích lệ động viên tướng sĩ thống nhất ý chí, một lòng quyết tâm diệt giặc nhằm bảo vệ miếu đường của tông tộc, thái ấp của vương hầu, bổng lộc của tướng lĩnh, mà cũng là bảo vệ mồ mả tổ tiên, nhà cửa, xóm làng của nhân dân. 3.1.2. Tính kế thừa trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn Tính kế thừa trong sự phát triển của tư tưởng là sự kế thừa có chọn lọc và phát triển những hạt nhân hợp lý, những yếu tố tích cực tiến bộ về mặt tư tưởng của thế hệ trước đó đạt được, tạo tiền đề, nền tảng cho thế hệ sau tiếp thu, vận dụng, phát triển một cách sáng tạo làm cho nó nội dung và hình thức mới phù 36 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 397. 38 Thơ văn Lý - Trần, t. 2, Sđd, tr. 391. 37
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan