Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Văn hóa thời gian của người việt (tóm tắt)...

Tài liệu Văn hóa thời gian của người việt (tóm tắt)

.PDF
27
858
137

Mô tả:

1 TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN n nnnLÊ THỊ ĐIỆP NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUYÊN VĂN HÓA THỜI GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT Chuyên ngành: VĂN HÓA HỌC Mã số: 62.31.70.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2017 2 Công trình được hoàn thành tại: Trường ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Phan Thị Thu Hiền Phản biện độc lập: 1. 2. Phản biện: 1. 2. 3. Luận án được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo Trường ĐHKHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM 3 NHỮNG CÔNG BỐ KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Phương Duyên. “Văn hóa tận dụng thời gian của người Việt miền Tây Nam Bộ”. In trong: Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa phi vật thể của người Việt miền Tây Nam Bộ, tháng 12/2010, Khoa Văn hóa học – ĐHKHXH&NV Tp.HCM, tr 59 - 66. 2. Nguyễn Thị Phương Duyên. “Ngày và văn hóa đo thời gian của người Việt”. TC Khoa học xã hội TP.HCM, số 7 (191), 2014, tr 46-51 (ISSN: 1859-0136) 3. Nguyễn Thị Phương Duyên. “Quan niệm về giá trị thời gian trong văn hóa người Việt (qua tục ngữ, thành ngữ)”, TC Văn hóa học, số 3 (13), 2014, tr51-59. (ISSN: 1859- 4859) 4. Nguyễn Thị Phương Duyên. “Văn hóa tổ chức thời gian trong nông nghiệp của người Việt”. In trong: Kỷ yếu Hội thảo Đào tạo, nghiên cứu văn hóa ứng dụng với thực tiễn hoạt động văn hóa khu vực phía Nam, tháng 10/2014, Tp.HCM. 5. Nguyễn Thị Phương Duyên. “Quan niệm về nhân quả “Đời trước – Đời sau” trong gia đình dòng tộc của người Việt qua tục ngữ”. In trong: Văn hóa gia đình dòng họ và gia phả Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, 2015, tr. 278 – 283. (ISBN: 978604-73-3839-3) 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thời gian là một phạm trù phổ quát của nhân loại, gắn liền với nhận thức của con người và chi phối suy nghĩ, hành động, cách ứng xử của con người trên mọi phương diện. Xuất phát từ những đặc trưng văn hóa khác nhau, mỗi dân tộc có cách tri nhận khác nhau về thời gian, cách tổ chức cuộc sống và hoạt động gắn với thời gian khác nhau, kéo theo lối ứng xử với thời gian cũng khác. Mang đặc điểm của một cư dân nông nghiệp lúa nước, lối ứng xử với thời gian của người Việt sẽ khác với những cư dân có gốc văn hóa phi nông nghiệp, hoặc không phải gốc nông nghiệp lúa nước. Trong bối cảnh hiện đại, cách ứng xử với thời gian của mỗi dân tộc cũng là một nhân tố góp phần quyết định mức độ hội nhập của nền văn hóa vào toàn cầu. Chính vì vậy, từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài Văn hóa thời gian của người Việt làm luận án tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, với mong muốn cung cấp góc nhìn khoa học về mối quan hệ giữa con người với thời gian, cho thấy ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của thời gian đối với cuộc sống người Việt, góp phần khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời hướng đến ý nghĩa thiết thực cho việc tổ chức cuộc sống con người phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Thời gian là một đối tượng luôn có trong nhận thức của các dân tộc, được con người dành nhiều sự quan tâm tìm hiểu, suy nghĩ về nó. Tuy nhiên đối với vấn đề nghiên cứu về văn hóa ứng xử với thời gian, mà cụ thể là văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nội dung này một cách hệ thống, mà chủ yếu chỉ phản ánh những khía cạnh có liên quan. Trong quá trình tiếp cận nguồn tư liệu đề tài, chúng tôi nhận thấy có hai khuynh hướng nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án như sau: A. Các công trình nghiên cứu về văn hóa ứng xử của người Việt nói chung, trong đó có những đề cập liên quan đến văn hóa ứng xử: Bách khoa thư về nhân học văn hóa (Encyclopedia of Cultural Anthropology) (1996), đề cập đến Sinh thái học hành vi (Behavioral Ecology), Xã hội học văn hóa (1997) của Đoàn Văn Chúc, Tâm lý học ứng xử (1998) của Lê Thị Bừng, Văn hóa ứng xử các dân tộc Việt Nam (2002) của Lê Như Hoa, Cơ sở văn hóa Việt Nam (2004) của Trần Quốc Vượng. B. Các công trình nghiên cứu các khía cạnh văn hóa có liên quan thời gian: Đây là hướng nghiên cứu tập trung phần lớn các tài liệu có liên quan đề tài, có thể chia thành các nhóm sau - Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến thời gian qua phương diện lý luận: Các tác giả trong nước: 5 + Các nghiên cứu có đề cập đến “thời gian rỗi”: Đoàn Văn Chúc trong Xã hội học văn hóa (1997), Trịnh Duy Luận trong giáo trình Xã hội học đô thị (2009), Trần Ngọc Khánh trong Kỷ nguyên văn minh “thời gian rỗi” (2012). + Các nghiên cứu có đề cập đến “thời gian thiêng”, “cái thiêng”: Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam”, tác giả Đặng Nghiêm Vạn (2001), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Bùi Quang Thắng (chủ biên) (2008). Các tác giả nước ngoài: - Liên quan đến các khái niệm thời gian cá nhân, thời gian xã hội, thời gian công việc, thời gian rỗi, có thể kể một số công trình sau: Temps cyclique temps linéaire (Thời gian chu kỳ - thời gian tuyến tính) của Matthieu Gui Ekwa (1995), La sociologie des temps sociaux: une voie de recherche en éducation (Xã hội học về thời gian xã hội: một hướng nghiên cứu trong giáo dục), Temps et ordre social - Sociologie des temps sociaux (Thời gian và trật tự xã hội – Xã hội học về thời gian xã hội) của Roger Sue (1995), Le Temps (Thời gian) của Hervé Barreau (1996), Travail, temps, valeurs: leurs représentations (Công việc, thời gian, giá trị: những biểu thị của nó) của Georges Decourt (2002), Temps subjectif et temps social (Thời gian chủ thể và thời gian xã hội) của Bernard Gaillard (2002), Temps sociaux et pratiques culturelles (Thời gian xã hội và hoạt động văn hóa) của Gilles Pronovost (2005), Question du temps, pensée des processus (Câu hỏi về thời gian, tư duy của những quá trình) của Francois Jullien (2012)…Liên quan đến khái niệm thời gian trần tục, thời gian thiêng, thời gian chu kỳ, thời gian tuyến tính, có công trình Các phạm trù văn hóa Trung cổ của A.JA. Gurevich (1996). - Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến thời gian qua các phương diện tri thức cụ thể + Lịch sử thời gian: hướng nghiên cứu này tập trung nhiều tri thức của góc nhìn vật lý học, thiên văn học, gồm các công trình tiêu biểu: Stephen Hawking (2008), Lược sử thời gian; M.Gardner (2003): Thuyết tương đối cho mọi người, Leofranc Holford-Strevens (2011): Lịch sử thời gian (Nguyễn Hải Bằng dịch), Daniel J. Boorstin (2001), Những phát hiện về vạn vật và con người, Le calendrier come norme (Lịch như là một quy chuẩn) của Véronique Le Ru (2012)… + Những vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam có liên quan thời gian: - Các nghiên cứu đề cập đến các khía cạnh văn hóa tâm linh: thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng của hai tác giả Nguyễn Đăng Duy (Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ (1997), Nho giáo với văn hóa Việt Nam (1998), Phật giáo với văn hóa Việt Nam (1999), Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam (2001)…và Nguyễn Duy Hinh (Tư tưởng Phật giáo Việt Nam (1999), Người Việt Nam với Đạo giáo (2003), Tâm linh Việt Nam (2007)… - Các nghiên cứu đề cập đến biểu hiện cụ thể của thời gian tục, thời gian thiêng: Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, (tập 1- tr 140); Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam: tìm tòi và suy ngẫm, Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (tr. 244, 6 266), Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hóa đến văn hóa học (2002), Những vấn đề nhân học tôn giáo (2006), Ma thuật, khoa học và tôn giáo... + Những vấn đề triết học, y lý có liên quan thời gian: Chữ Thời của Kim Định (1967), Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay của Trần Đăng Sinh (2001), Hệ thức thời gian độn giáp, nền văn minh nông nghiệp châu Á cổ đại, Khám phá những quy luật thời gian của Bùi Biên Hòa (2002), (2003), Bàn về thời gian của Francois Jullien (2004), Không tuổi tác, không thời gian – Quan điểm lượng tử về sự già đi của con người của Deepak Chopra (2004), Chu kỳ cuộc sống - 99 điều cần biết của Hoàng Thanh Minh (2005)… Các tác phẩm, bài viết có liên quan đã đề cập đến một số khía cạnh của văn hóa ứng xử, một vài góc độ về văn hóa ứng xử với thời gian của con người, song vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu về văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt một cách trọng tâm, có hệ thống và toàn diện. Với phương pháp liên ngành, trên cơ sở vận dụng những tư liệu này, chúng tôi mong muốn nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện về văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. 3. Mục đích nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu (1). Mục đích nghiên cứu: tìm hiểu hệ thống những chuẩn mực ứng xử với thời gian mà con người thể hiện thông qua ngôn ngữ, hành vi, nếp sống, tâm sinh lý…trong quá trình phát triển và hoàn thiện đời sống, nhằm tìm ra đặc điểm văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. Trên cơ sở đó, khẳng định những giá trị ứng xử gắn với văn hóa truyền thống người Việt và gợi mở những vấn đề ứng xử với văn hóa thời gian trong thời đại ngày nay. (2). Đối tượng nghiên cứu của luận án chính là những nội dung trọng tâm: khái niệm thời gian, cách hiểu văn hóa thời gian chính là văn hóa ứng xử với thời gian (khái niệm văn hóa khi hiểu theo nghĩa hẹp, giới hạn theo hoạt động chính là văn hóa ứng xử), quan niệm về các kiểu cấu trúc thời gian (thời gian vũ trụ, thời gian đời người, thời gian cá nhân, thời gian xã hội, thời gian trần tục, thời gian thiêng), và biểu hiện của những mối quan hệ ứng xử với thời gian của người Việt. (3). Phạm vi nghiên cứu: văn hóa thời gian của người Việt được giới hạn theo hoạt động, do đó cũng chính là văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt, trọng tâm là văn hóa truyền thống, đặt trong sự liên hệ những biến đổi từ truyền thống đến hiện đại, và tập trung vào chủ thể là người Việt ở các vùng Bắc - Trung - Nam, không mở rộng đến cộng đồng người Việt sống ở các quốc gia khác trên thế giới. 4. Phương pháp nghiên cứu Theo hướng tiếp cận địa văn hóa, sử văn hóa; vận dụng phương pháp hệ thống, phương pháp liên ngành, phương pháp so sánh, phương pháp khảo sát, thống kê; chú trọng so sánh nội văn hóa (so sánh đặc điểm văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt giữa các vùng Bắc – Trung - Nam), bên cạnh đó, liên hệ so sánh xuyên văn hóa (so sánh giữa đặc điểm văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt và một số tộc người khác trên thế giới) để có thể hiểu đầy đủ hơn về đối tượng nghiên cứu, thấy được những giá trị, đặc trưng của văn hóa ứng xử với thời gian người Việt; đồng thời quan 7 tâm về so sánh loại hình để thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt với những cư dân có gốc văn hóa phi nông nghiệp, hoặc không phải gốc nông nghiệp lúa nước, dựa trên nguồn tư liệu tổng hợp các góc độ nghiên cứu, từ khoa học tự nhiên, thực nghiệm (như vật lý học, thiên văn học, y học…) đến khoa học xã hội nhân văn (triết học, văn học, sử học, tôn giáo học, dân tộc học, nhân học…). 5. Kết quả và đóng góp mới của luận án Về ý nghĩa khoa học (1). Góp phần hệ thống hóa các tri thức lý luận về văn hóa ứng xử với thời gian và văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. (2). Góp phần mở rộng tri thức liên ngành khi đề tài tiến hành nghiên cứu văn hóa ứng xử với thời gian từ nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau. Về ý nghĩa thực tiễn (1). Luận án đóng góp vào việc hệ thống hóa tri thức văn hóa truyền thống của người Việt, có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, luận án còn góp phần nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hướng đến văn hóa toàn cầu, giúp bồi dưỡng, cải thiện văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. (2). Kết quả nghiên cứu có thể trở thành tư liệu tham khảo cho các học phần văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo, phong tục và lễ hội, văn hóa và ngôn ngữ…có liên quan đến yếu tố thời gian và văn hóa ứng xử với thời gian. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, luận án có 4 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, bao gồm phần nền tảng lý luận văn hóa sẽ được vận dụng xuyên suốt luận án và phần xác định tọa độ văn hóa, đồng thời khái quát những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa thời gian của người Việt Chương 2: Văn hóa thời gian của người Việt trong ứng xử với tự nhiên, chương này nghiên cứu văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên. Chương 3 : Văn hóa thời gian của người Việt trong ứng xử xã hội, tiếp cận nghiên cứu văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt trong mối quan hệ với xã hội. Chương 4 : Văn hóa thời gian của người Việt trong ứng xử tâm linh, tiếp cận nghiên cứu văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt trong mối quan hệ với thế giới tâm linh.  CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Thời gian và văn hóa thời gian 1.1.1. Thời gian 8 “Thời gian” vốn là thuật ngữ được xuất hiện muộn, từ thế kỷ XX trở đi văn hóa Việt Nam mới sử dụng. Có thể nói, thời gian luôn chi phối sâu sắc sự quan tâm của nhân loại, thời gian có mặt khắp nơi theo suy nghĩ của con người. Khái niệm thời gian được chú trọng không chỉ vào chính bản thân nó (xem nó là thuộc tính của sự vật), mà còn được quan tâm ở khía cạnh nó được phản ánh vào ý thức con người ra sao, tạo thành khái niệm thời gian có tính chủ quan ở mỗi chủ thể. Tổng hợp từ những góc nhìn khác nhau, luận án nghiên cứu đối tượng thời gian với đầy đủ những góc độ: nghiên cứu bản thân thời gian với những đặc tính cơ bản của nó, đồng thời xem xét việc nó được khái niệm hóa bởi con người. Từ góc độ tiếp cận như vậy, chúng tôi đưa ra khái niệm thời gian như sau: “Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, có mối liên hệ chặt chẽ với không gian trong sự vận động và phát triển không ngừng, không chỉ tồn tại một cách khách quan, chúng còn được con người ý thức và thể nghiệm một cách chủ quan.” 1.1.2. Văn hóa thời gian Khái niệm văn hóa thường được dùng để diễn đạt nhiều ý nghĩa khác nhau, tuy nhiên có thể quy về hai cách hiểu chính: theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, văn hóa được giới hạn theo chiều sâu hoặc theo chiều rộng; theo không gian hoặc theo hoạt động, theo thời gian…Giới hạn theo hoạt động thì văn hóa ở nghĩa hẹp thường được đồng nhất với văn hóa ứng xử. Theo hướng này, văn hóa thường được hiểu là cách sống, cách nghĩ và cách đối xử với người xung quanh. Với cách hiểu này, mô hình cấu trúc văn hóa phân loại theo hoạt động được đề xuất là văn hóa nhận thức - văn hóa tổ chức - văn hóa ứng xử. [Trần Ngọc Thêm 2014: 29]. Quan điểm một số nhà xã hội học nước ngoài cũng đồng nhất văn hóa chính là ứng xử: “Văn hóa là hình thế chung những ứng xử đã học được và của những kết quả của chúng mà các yếu tố được thừa nhận và được truyền bởi thành viên của một xã hội nhất định” (theo R.Limon trong “Quá trình văn hóa của cá nhân”); “Văn hóa là một dụng cụ mà con người sử dụng để thiết lập những giao lưu giữa những người sống thuộc cùng thời đại, thuộc những tình huống khác nhau, giữa các giới tính, giữa người sống với người chết, giữa vũ trụ với đời sống tâm thần” (theo Jean Duvignaudn trong “Ngôn ngữ đã mất”). [Đoàn Văn Chúc 1997: 205-206]. Trong quan điểm tiếp cận của luận án, chúng tôi thống nhất cách tiếp cận xem văn hóa chính là những quan hệ ứng xử. Vì vậy, chúng tôi quan tâm văn hóa thời gian chính là văn hóa ứng xử với thời gian, theo trục hoạt động nhận thức - tổ chức - ứng xử: cách sống, cách nghĩ quyết định cách làm, cách đối xử/nhận thức quyết định cách tổ chức, hành động, thái độ ứng xử. 1.2. Văn hóa ứng xử và văn hóa ứng xử với thời gian 1.2.1. Văn hóa ứng xử Những ứng xử của con người, từ chỗ mang tính đơn lẻ dần dần được lựa chọn, tập hợp, đánh giá, khái quát hóa để trở thành khuôn mẫu chung cho những quan hệ ứng xử cùng loại, tức nếp ứng xử, hay khuôn mẫu ứng xử, khuôn mẫu văn hóa. Một khi đã trở thành khuôn mẫu mang tính chuẩn 9 mực xã hội, cộng đồng, nếp ứng xử văn hóa dần định vị thành văn hóa ứng xử [Lê Như Hoa 2002: 24]. Với quan điểm như trên về ứng xử, chúng tôi tán đồng định nghĩa về văn hóa ứng xử theo góc nhìn văn hóa học của tác giả Lê Như Hoa: “văn hóa ứng xử là hệ thống tinh tuyển những nếp ứng xử, khuôn mẫu ứng xử, chuẩn mực ứng xử, trong mối quan hệ ứng xử giữa con người và các đối tượng khác nhau, thể hiện qua ngôn ngữ, hành vi, nếp sống, tâm sinh lý…trong quá trình phát triển và hoàn thiện đời sống, đã được tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa, trở thành chuẩn mực của cá nhân, nhóm xã hội, toàn bộ xã hội; phù hợp với đời sống xã hội, với đặc trưng bản sắc của văn hóa một dân tộc, một quốc gia…được cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng, toàn bộ xã hội, thừa nhận và làm theo.” 1.2.2. Văn hóa ứng xử với thời gian “Văn hóa ứng xử với thời gian là hệ thống những chuẩn mực ứng xử với thời gian mà con người thể hiện qua ngôn ngữ, hành vi, nếp sống, tâm sinh lý…trong quá trình phát triển và hoàn thiện đời sống. Những chuẩn mực này phù hợp với đời sống xã hội, với đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc, được cá nhân và xã hội thừa nhận và làm theo.” Hệ thống những chuẩn mực ứng xử này được khảo sát qua ba bình diện ứng xử: ứng xử với thời gian vũ trụ và thời gian sinh học của đời người, ứng xử với thời gian cá nhân và thời gian xã hội, ứng xử với thời gian trần tục và thời gian thiêng để có thể khái quát hóa nên đặc điểm văn hóa ứng xử với thời gian của chủ thể. 1.3. Định vị tọa độ văn hóa Việt Nam và những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa thời gian của người Việt 1.3.1. Không gian văn hóa Không gian văn hóa, nhìn từ điều kiện địa – tự nhiên cho thấy Việt Nam có hệ sinh thái phù hợp ở mức độ cao với sản xuất nông, ngư nghiệp, đồng thời cũng có nhiều thuận lợi trong mưu sinh và nhiều khó khăn trong ứng phó với tự nhiên. Nhìn từ điều kiện địa – văn hóa, cũng chính vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí “ngã tư” giáp biển, nên Việt Nam có không gian văn hóa mở, sớm có giao lưu văn hóa với bên ngoài. Lịch sử Việt Nam chịu sự chi phối mạnh mẽ các quan hệ giao lưu, tiêu biểu như văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ (cổ - trung đại), văn hoá phương Tây (cận – hiện đại), đã để lại nhiều dấu ấn trong quá trình lịch sử. 1.3.2. Chủ thể văn hóa Người Việt mà chúng tôi quan tâm nghiên cứu chính là tộc người chủ thể của văn hóa Việt Nam (người Kinh), có những đặc điểm văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á đồng thời có những đặc trưng văn hóa – lịch sử Việt Nam: (1). Mặc dù có đủ các loại địa hình đặc trưng của khu vực Đông Nam Á nhưng về cơ bản, Việt Nam vẫn là một xã hội nông nghiệp lúa nước. Trong quá trình khai phá và chinh phục tự nhiên, cư dân Việt thường tập trung cư trú ở địa hình đồng bằng. Có thể nhận thấy điều đó qua sự tập trung người Việt ở hai đồng bằng châu thổ rộng lớn của hai con sông lớn và giàu phù sa ở Đông Nam Á là 10 Hồng Hà và Cửu Long. Từ đó, họ có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp trồng lúa nước, và trở thành tộc người chủ thể của văn hóa Việt Nam. (2). Do địa thế “ngã tư quốc tế” nên văn hóa Việt Nam nói chung, người Việt nói riêng đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa bên ngoài. Chính vì vậy, trên nền của lớp văn hóa bản địa, tộc người Việt còn vun đắp thêm những giá trị văn hóa ngoại lai từ các nền văn hóa ở khu vực (văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ) và thế giới (văn hóa phương Tây), tạo nên những lớp văn hóa hệ thống, thâu tóm được những tinh hoa văn hóa nhân loại. (3). Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cũng do địa thế “ngã tư quốc tế” nên Việt Nam liên tục trở thành đối tượng của nạn ngoại xâm. Từ thời sơ sử cho đến thời hiện đại, Việt Nam đã phải đối mặt với chiến tranh hơn mười thế kỷ. Người Việt cùng với cộng đồng các tộc người Việt Nam đã có một lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm liên tục, bền bỉ. Yêu nước, chống ngoại xâm vì thế trở thành một trong những phẩm chất tốt đẹp khi nhận diện dân tộc Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. 1.3.3. Thời gian văn hóa Thời gian văn hóa của nền văn hóa Việt Nam trải qua các lớp văn hóa tiếp nối nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với khu vực, lớp văn hóa tiếp xúc với phương Tây và hội nhập toàn cầu. Lớp văn hóa bản địa, trải qua từ giai đoạn văn hóa thời tiền sử đến giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc. Đặc trưng chung của lớp văn hóa này là sự hình thành trong cả khu vực Đông Nam Á cổ đại một nền văn hóa đặc sắc với nghề nông nghiệp lúa nước là chủ đạo. Lớp văn hóa giao lưu với khu vực mở đầu cho quá trình giao lưu và tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, cũng chính là mở đầu cho quá trình văn hóa Việt Nam hội nhập vào văn hóa khu vực. Điển hình là những giá trị văn hóa tinh thần của khu vực đã được người Việt tiếp nhận trong thời gian này: khởi đầu là tiếp nhận văn hóa Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ, rồi sau đó thông qua con đường từ Trung Hoa truyền sang. Tiếp theo, văn hóa Nho giáo, Đạo giáo cũng có điều kiện thâm nhập vào tư tưởng của người Việt rồi nhanh chóng được họ nắm bắt, phát triển theo văn hóa của mình. Lớp văn hóa tiếp xúc với phương Tây và hội nhập toàn cầu, đặc trưng chung của lớp văn hóa này là sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến xu hướng chuyển đổi cấu trúc của nền văn hóa Việt Nam, từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại. 1.3.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt (1). Mối quan hệ với môi trường tự nhiên vốn là mối quan hệ cơ bản đầu tiên của con người. Giữa văn hóa và môi trường sinh thái tự nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Văn hóa được quy định bởi môi trường và tác động trở lại môi trường. Môi trường tự nhiên tác động trực tiếp vào con người khiến họ phải thích nghi để tồn tại và phát triển. Xét về ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, chúng tôi cho rằng những điều kiện về tự nhiên của nền văn hóa nông nghiệp có khả năng chi phối đặc điểm văn hóa 11 ứng xử với thời gian của người Việt rất lớn, bởi vì trên nền tảng cơ bản của những điều kiện ấy mà những chuẩn mực ứng xử với thời gian được hình thành và thể hiện. (2). Điều kiện xã hội cũng có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên những đặc điểm văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. Tính cộng đồng và tính tự trị là hai đặc trưng cơ bản của văn hóa làng xã Việt Nam. Đặc trưng này nổi bật trong xã hội truyền thống và còn để lại dấu ấn mạnh ngay trong xã hội hiện đại. Mặt khác, trong suốt chiều dài lịch sử, xã hội Việt Nam trải qua phần lớn thời gian chiến tranh, yếu tố này cũng góp phần nhấn mạnh giá trị cộng đồng hơn là cá nhân. Điều kiện của một xã hội sớm giao lưu tiếp xúc văn hóa, sớm tiếp xúc với tôn giáo, tín ngưỡng từ bên ngoài, văn hóa Việt đã tiếp nhận ở thế giới quan, nhân sinh quan của các tôn giáo ngoại lai những nhận thức về thời gian và cách ứng xử với thời gian, với cuộc đời. Điều kiện xã hội của một nền văn hóa đặt trong hoàn cảnh giao lưu tiếp xúc với văn hóa khu vực và phương Tây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa ứng xử với thời gian của người Việt. Tiểu kết Trong chương 1, chúng tôi đã tập trung vào những nội dung chính sau: 1. Ở phần cơ sở lý luận, chúng tôi xác định luận án sẽ được triển khai theo hướng nghiên cứu hệ thống văn hóa ứng xử với thời gian đứng trên quan điểm chung của văn hóa học để nhận thức thời gian, văn hóa ứng xử và văn hóa ứng xử với thời gian. 2. Phần cơ sở thực tiễn, chúng tôi tiến hành định vị tọa độ văn hóa Việt Nam nói chung ,văn hóa người Việt nói riêng, theo cấu trúc tọa độ, bao gồm không gian - chủ thể - thời gian.  CHƯƠNG 2 VĂN HÓA THỜI GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG ỨNG XỬ VỚI TỰ NHIÊN Ứng xử với tự nhiên là mối quan hệ ứng xử đầu tiên mà con người xác định bản thể văn hóa của mình. Trong quan hệ ứng xử này, con người thể hiện mình cũng là một sinh vật có đời sống sinh lý gắn bó với tự nhiên. Để tìm hiểu về mối quan hệ ứng xử giữa con người và tự nhiên, cụ thể ở đây là thời gian vũ trụ, chúng tôi dựa vào quan điểm sinh thái học văn hóa (Cultural ecology) của Julian Steward (19021972). Quan điểm này cho rằng văn hóa như là phương tiện mà con người thích ứng với môi trường. Môi trường ấy bao gồm các yếu tố địa lý - khí hậu, hệ thực - động vật và các phương tiện vật chất khác (công cụ, máy móc, công nghệ…) do con người tạo ra để sử dụng các nguồn vật chất có trong môi trường tự nhiên. Nghiên cứu văn hóa ứng xử với thời gian vũ trụ chính là tìm hiểu cách mà con người thích ứng với môi trường sống của họ, đặt trong mối quan hệ với đối tượng thời gian. 12 Một trong những cách thích ứng đầu tiên ở mối quan hệ ứng xử với thời gian đó là tìm hiểu cách vận hành của thời gian vũ trụ. Con người đã cố gắng nắm bắt quy luật vận hành của thời gian bằng cách quan sát và đo đếm thời gian, thông qua các yếu tố tự nhiên. 2.1. Thời gian vũ trụ Theo quan điểm của chúng tôi, khi nói đến thời gian vũ trụ (cosmic time/le temps cosmique) là muốn nhấn mạnh đến thuộc tính tồn tại khách quan của thời gian. Thời gian vũ trụ là thời gian tồn tại khách quan trong thế giới tự nhiên, được thể hiện qua hình thức tồn tại của tất cả sự vật hiện tượng tự nhiên trong đời sống, được con người nhận thức và đo đếm. Buổi mình minh của loài người, con người cổ xưa trên khắp thế giới đã dựa vào những hiện tượng lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ của các yếu tố tự nhiên để đánh dấu thời gian theo kinh nghiệm nguyên sơ của mình, con người đã đánh dấu đời sống mình bằng những chu kỳ của thiên nhiên. 2.1.1. Chu kỳ mặt trời Với người Việt, chu kỳ vận hành của mặt trời từ lúc mọc đến lúc lặn cũng được gọi là ngày. Như những dân tộc khác, ở giai đoạn sơ khai, người Việt cũng đo thời gian trong ngày bằng cách quan sát những chuyển động biểu kiến của mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú. Người Việt rất quan tâm đến vị trí của mặt trời, bóng nắng, lấy ngọn chuối, ngọn tre, ngọn sào, ngọn cau…để đo vị trí mặt trời và đoán định giờ giấc ban ngày. Về cơ bản, người Việt thường căn cứ vào hai phương cách liên quan đến sự chuyển động của mặt trời để đo thời gian: (1). so sánh vị trí của mặt trời trong tương quan với phần không gian phía trên tầm nhìn của con người; (2). so sánh vị trí của mặt trời trong tương quan với phần không gian phía dưới tầm nhìn của con người. 2.1.2. Chu kỳ mặt trăng Cách tính thời gian theo chu kỳ trăng được người Việt thể hiện qua việc xác định những ngày quan trọng trong tháng tương ứng với hình dáng mặt trăng: ngày mồng một đầu tháng gọi là sóc (sóc = bắt đầu), ngày cuối cùng của tháng gọi là hối (hối = tối tăm).Ngày mười lăm hàng tháng (ngày rằm) gọi là vọng (vọng = ngửa lên trông, vì hôm ấy trăng tròn nhất trong tháng). Mười ngày gọi là một tuần trăng (khác với tuần lễ chỉ có bảy ngày). Dân gian thường sử dụng tuần trăng để làm đơn vị tính mười ngày trong tháng, đồng thời kết hợp quan sát ánh trăng để làm phong phú thêm những dấu hiệu nhận biết thời gian. Chu kỳ trăng được chia như sau: thượng tuần (khoảng mười ngày đầu tháng), trong đó có ngày trăng thượng huyền, là tuần trăng non, mặt trăng thường có hình lưỡi liềm; trung tuần (khoảng mười ngày giữa tháng), trong đó có ngày trăng rằm, là tuần trăng tròn, mặt trăng thường có hình tròn và ngày một sáng rõ; hạ tuần (khoảng mười ngày cuối, hoặc ít hơn nếu là tháng thiếu), trong đó có ngày trăng hạ huyền, là tuần trăng già (hoặc trăng khuyết). 2.1.3. Chu kỳ sao Người Việt nhận dạng hệ thống sao trên bầu trời theo Nhị thập bát tú. Người Việt chia Nhị thập bát tú thành bốn chòm sao lớn theo triết lý Ngũ Hành, mỗi chòm có bảy sao, ứng với một mùa, 13 một phương: Huyền Vũ (rùa đen, xuất hiện ở phương Bắc vào mùa đông), Chu Tước (chim sẻ đỏ, xuất hiện ở phương Nam vào mùa hạ), Thanh Long (rồng xanh, xuất hiện ở phương đông vào mùa xuân), Bạch Hổ (hổ trắng, xuất hiện ở phương Tây vào mùa thu). Người ta còn căn cứ vào việc chuôi sao Bắc Đẩu (chòm sao hình cái gáo ở phương bắc) ứng với chòm sao nào trong các chòm sao trên để xác định các mùa và ngày tiết trong năm, các tháng trong mùa. Trong văn hóa người Việt, Nhị thập bát tú và tên gọi của các ngôi sao Ngưu, Đẩu, Khuê, Tâm, Sâm, Thương… đã trở thành những biểu tượng của văn hóa như Hội Tao Đàn nhị thập bát tú đời Lê, hình ảnh ngôi sao Khuê gắn liền nhân cách Nguyễn Trãi… Văn miếu Hà Nội có Khuê Văn Các (gác sao Khuê) tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý của văn học. Văn hóa dân gian cũng in dấu những nhận thức về sao. 2.1.4. Chu kỳ mực nước Nông nghiệp, ngư nghiệp và giao thông khiến người ta quan tâm chặt chẽ đến mực nước sông, mực thủy triều. Thuộc lòng quy luật của tự nhiên, từ lâu, người dân ven cửa sông, cửa biển đã dựng lên một loại lịch gọi là lịch con nước để đo chu kỳ biến động của con nước. Lịch con nước cũng là lịch trăng, nước lên, nước xuống khớp với chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết, trăng mọc, trăng lặn: Trăng mọc nước lên, trăng lặn nước cũng lên, trăng nghiêng nước xuống; Mười bảy nước nhảy khỏi bờ... Tùy theo chế độ thủy triều của khu vực là nhật triều (trong vòng một ngày đêm có một lần nước lên và một lần nước xuống) hay bán nhật triều (trong vòng một ngày đêm có hai lần nước lên và hai lần nước xuống) mà cư dân có cách tính thời gian theo con nước gắn sát với thực tế thủy triều. 2.1.5. Chu kỳ sinh học của sinh vật Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, người Việt cũng không hề bỏ qua chu kỳ gáy của gà trong đêm, chu kỳ trở về với mùa xuân của chim én…những nhịp sinh học đồng thời là nhịp thời gian đều đặn diễn ra. Với các loại đối tượng báo hiệu thời gian là sinh vật, con người căn cứ vào nhịp sinh trưởng mang tính báo hiệu thời gian của chúng mà nhận diện. Với động vật, người Việt lắng nghe từng biểu tượng âm thanh của những loài dù là thuần dưỡng hay hoang dã, dù gia súc, gia cầm hay côn trùng, nhưng cũng cư trú quanh quẩn trong không gian nông nghiệp lúa nước. 2.2. Lịch pháp và các cách đo thời gian Tiến đến việc phân cắt, sắp xếp thời gian ngày càng chi tiết hơn, từ ngày - tháng - năm đến giờ - phút - giây, sao cho thời gian vật lý trùng với thời gian vũ trụ, con người đã không ngừng sáng tạo ra lịch và đồng hồ 2.2.1. Lịch Lịch là cách mà con người xác định thời gian. Lịch mà người Việt sử dụng có nguồn gốc từ tri thức lịch của Trung Hoa. Đấy là loại lịch âm dương vừa kết hợp được chu kỳ thời gian của mặt trời và mặt trăng, vừa chú ý tổng hợp các chu kỳ sao để tính đơn vị ngày - tháng - năm, vừa đưa vào hệ thống Can Chi để tính giờ. Sau này khi giao lưu tiếp biến văn hóa phương Tây, lịch còn bổ sung 14 cách tính thời gian tuần lễ, góp phần hoàn thiện hơn trong việc chia cắt và sắp xếp hệ thống thời gian vật lý. 2.2.2. Đồng hồ Đồng hồ cũng là loại phương tiện cụ thể hóa cách đo đạc thời gian vật lý. Lịch sử phát triển của đồng hồ trong văn hóa người Việt cũng chịu ảnh hưởng của lịch sử đồng hồ Trung Hoa và phương Tây, từ “nhật quỹ”, “thủy lậu”, “sa lậu”…cho đến “tự minh chung, và sau này là đồng hồ điện tử đa năng, đa dạng mà hễ xuất hiện ở thị trường thế giới là cũng có mặt ở Việt Nam. 2.2.3. Những cách đo thời gian khác Với đặc điểm của người làm nông nghiệp, những hiểu biết về đồng hồ mặt trời, nhật quỹ…của người Việt bị hạn chế. Tuy nhiên, trong môi trường nông nghiệp của mình, người Việt cũng có những cách đo thời gian riêng, dù thiên về trực quan, tính chính xác không cao nhưng lại hiệu quả, phù hợp với với lối tư duy quan sát tổng hợp của cư dân trồng lúa nước. Đó là cách đo thời gian theo kiểu ước lượng, độ chừng, theo cách “phi đơn vị”, thường sử dụng khi đo đếm thời gian ngắn: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu/ Chờ em chừng giập bã trầu em sang” (Chờ nhau - Nguyễn Bính). 2.3. Quan hệ bộ ba: Thời gian - Không gian - Vận động Dưới góc nhìn của vật lý học,thời gian, không gian và vận động là ba yếu tố không thể tách rời. Trong quan hệ bộ ba này, thời gian làm thước đo sự chuyển động (trước đó, trong lúc đó, sau đó) và đo tốc độ (hơn - bằng - kém, nhanh - chậm) của sự vật. Không gian gắn liền không tách rời thời gian, vừa là nơi chứa đựng những gì sẽ xảy ra, vừa là nơi chứa đựng những gì đã thực hiện. Có thể thấy quan điểm nhân loại đã gặp nhau trong nhìn nhận về mối quan hệ không gian – thời gian: thời gian không thể tách rời không gian trong sự vận động của vũ trụ. Trong biểu hiện ứng xử của người Việt với thời gian vũ trụ, do sinh hoạt của con người luôn gắn liền với không gian sinh thái nông nghiệp nên thường có những cách tri nhận thời gian mang tính bộ ba: thời gian - không gian - vận động. Vì quan sát thời gian vũ trụ hàng ngày qua các chu kỳ tự nhiên nên ở người Việt hình thành và biểu hiện rõ kiểu tri nhận thời gian bằng không gian (dùng không gian để đo thời gian). Bên cạnh đó, người Việt tri nhận rất rõ tốc độ vận động của thời gian trong không gian. Thời gian vũ trụ có tốc độ vận động rất nhanh theo cảm nhận của người Việt (Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng). 2.4. Thời gian sinh học của đời người Về mặt khái niệm, khác với thời gian vũ trụ, thời gian sinh học của đời người (biologycal time of human life/ le temps biologique de la vie humaine) là kiểu thời gian phản ánh tính chất tồn tại của con người về mặt đời sống sinh học tự nhiên. Đó không chỉ là thời gian mang thuộc tính khách quan mà còn có những thuộc tính chủ quan có được thông qua sự ý thức và trải nghiệm của con người. Từ những quan sát về các hiện tượng tự nhiên, chu kỳ của thiên văn, chu kỳ của sinh giới, con người nhận ra bản thân mình cũng là một bộ phận của tự nhiên, cũng ở trong những chu kỳ tiếp nối 15 của quá trình từ sự sống đến cái chết. Ứng xử với thời gian sinh học đời người là cách mà con người suy nghĩ và lựa chọn thái độ đối với những mốc thời gian trên đường đời của con người, qua các giai đoạn kế tiếp nhau như sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi và chết. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ mật thiết trong ứng xử giữa thời gian vũ trụ với thời gian sinh học đời người của người Việt: con người dùng thời gian vũ trụ để diễn đạt thời gian đời người. Tiểu kết Văn hóa ứng xử với thời gian trong quan hệ giữa con người và tự nhiên bao gồm ứng xử với thời gian vũ trụ và thời gian sinh học của đời người. Thời gian vũ trụ là loại thời gian mang tính khách quan, được thể hiện thông qua sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Văn hóa ứng xử với thời gian vũ trụ của con người được biểu hiện ở cách mà con người nhận diện quy luật vận hành thời gian của vũ trụ thông qua các yếu tố tự nhiên và tìm cách xác định, tính toán thời gian bằng cách áp dụng phép làm lịch và chế tạo ra dụng cụ đo là đồng hồ. Người Việt ứng xử với thời gian vũ trụ thế nào thì cũng ứng xử với thời gian đời người như vậy. Nhìn nhận chu kỳ đời người cũng như nhịp sinh giới của tự nhiên, trải qua các giai đoạn quan trọng của vòng đời sinh vật: sinh, trưởng, già, chết. Tất cả những phát triển sinh học này đều được người Việt nhìn nhận trong mối liên hệ với thời gian vũ trụ (dùng hình ảnh thời gian vũ trụ để diễn đạt thời gian đời người).  CHƯƠNG 3 VĂN HÓA THỜI GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG ỨNG XỬ XÃ HỘI Trong mối quan hệ giữa con người và xã hội, chúng tôi xem xét con người với tư cách là cá nhân trong mối quan hệ với xã hội. Vì vậy, ứng xử với thời gian của con người được xem xét qua cách ứng xử với thời gian cá nhân và thời gian xã hội. Thời gian cá nhân là thời gian mà con người sử dụng với tư cách là một con người độc lập, một sinh thể - xã hội, chịu sự yêu cầu, chi phối của quy chuẩn thời gian xã hội. Còn thời gian xã hội là thời gian mà con người sử dụng với tư cách là một thành viên của xã hội, thời gian mang tính quy chuẩn của cộng đồng. 3.1. Quá khứ - hiện tại - tương lai Cũng như nhân loại, với người Việt thì quá khứ là thời gian đã qua, hiện tại là thời gian đang có và tương lai là thời gian sắp đến. Sự tiếp nối liên tục của ba phạm trù này làm nên dòng chảy thời gian. Tuy nhiên, với đặc tính văn hóa của chủ thể xã hội nông nghiệp, người Việt quan tâm đến mối quan hệ quá khứ và hiện tại thông quan mối tương quan về di sản dòng dõi, thế hệ; quan tâm tương lai gần và có định hướng tương lai ngắn hạn, mang tâm thức của người nông nghiệp lo cái đói trước mắt. Họ có những quá khứ mang tính sự kiện, có tâm thức thời gian lịch sử, thể hiện những ký ức về 16 chiến tranh qua ngôn ngữ tri nhận hàng ngày, qua việc lưu giữ phản ánh hàng trăm sự kiện lịch sử, hàng nghìn nhân vật lịch sử gắn với địa danh 3.2. Thời gian công việc và thời gian rỗi Thời gian công việc thuộc phạm trù thời gian xã hội, còn thời gian rỗi thuộc phạm trù thời gian cá nhân. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống của người Việt, việc ứng xử với thời gian cá nhân (thời gian rỗi) bị tác động bởi thời gian xã hội (thời gian công việc). Xã hội nông nghiệp truyền thống dành mọi ưu tiên cho thời gian công việc nên thời gian tự do của cá nhân cũng được tận dụng vào thời gian công việc, thời gian rỗi cá nhân không được xã hội đề cao. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền của người Việt, thời gian công việc và thời gian rỗi không tách bạch mà đan cài vào nhau, kết hợp công việc đồng áng theo từng ngày, theo mùa vụ với những dịp nghỉ lễ hội, lễ tết, giỗ kỵ, cưới hỏi. Thời gian rỗi cá nhân thực sự chỉ có từ khi tiếp nhận văn minh về thời gian làm việc và thời gian giải trí theo công sở phương Tây. Từ truyền thống đến nay, người Việt tồn tại đồng thời hai lề lối làm việc trái ngược nhau: vừa cần cù khẩn trương vừa chừng mực, cầm chừng. Đây là đặc tính chung của những nền văn hóa nông nghiệp nhưng hiện tại mang lại những hệ quả tiêu cực cho công cuộc công nghiệp hóa của đất nước bởi thói quen vừa lao động vừa giải trí, vừa làm vừa chơi. 3.3. Ứng xử thời gian trong văn minh nông nghiệp Cuộc sống nông nghiệp đã tạo điều kiện tối đa cho mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Những quan sát về tính chu kỳ của tự nhiên là cơ sở hình thành nên quan niệm về thời gian chu kỳ (Cyclic time/ le temps cyclique). Thời gian chu kỳ tuần hoàn trong nhận thức của người làm nông nghiệp đó là thời gian khách quan của tự nhiên. Muốn nhận diện sự vận động, luân chuyển, sự tuần hoàn của thời gian, chỉ cần nhìn vào thiên nhiên ngoại cảnh. Trong nhịp sống hàng ngày, dân gian sẽ căn cứ vào sự mọc, lặn của mặt trời, mặt trăng cùng với chu kỳ con nước do nó tác động, sự mọc lặn của các chòm sao, nhịp sinh trưởng của hệ động thực vật quanh mình mà tiến hành mọi hoạt động sống, từ thể chất đến tình cảm. Nằm trong nôi văn hóa nông nghiệp Đông Nam Á cổ, người Việt cũng sớm hình thành kiểu văn hóa nhận thức về thời gian mang tính chu kỳ, làm cơ sở cho những thói quen ứng xử với thời gian của người Việt: không có khái niệm “đúng giờ”, kết thúc lao động theo kiểu “hết giờ” nhưng chưa “hết việc”, không quan tâm thói quen coi trọng thời gian. Những ứng xử kiểu này của nền văn minh nông nghiệp lại đang tồn tại trong lối sống của nền văn minh công nghiệp, vì vậy kéo theo nhiều hệ quả không tích cực cho quá trình hội nhập toàn cầu của người Việt. 3.4. Ứng xử thời gian trong thời kỳ công nghiệp hóa Cũng như phương Tây, nhận thức thời gian tuyến tính của xã hội Việt Nam xuất hiện cùng với văn minh đô thị, tuy nhiên không phải đô thị nông nghiệp truyền thống mà là đô thị kiểu phương Tây, từ khi Pháp bắt đầu áp dụng chính sách khai thác thuộc địa lên Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX 17 trở đi, trong đó vai trò của đồng hồ cơ khí. Kể từ khi có “đồng hồ Tây” để đo thời gian tuyến tính thì “giờ Tây” trở thành tiêu chuẩn hàng đầu trong việc đo thời gian. Đó được xem là cách đo thời gian chính xác nhất, mọi hoạt động của con người ở đô thị đều phụ thuộc vào giờ giấc được đo bằng đồng hồ cơ khí, không phải là thời gian của nhịp điệu thiên nhiên. Những khái niệm “đúng giờ”, “trễ giờ” bắt đầu được sử dụng ở công sở, ga tàu, bến xe. Thời giờ đồng hồ không những là thời gian cá nhân mà trở thành thời gian xã hội vì đời sống xã hội đã chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng, đòi hỏi người ta phải tuân thủ đúng giờ vì xe, tàu không đợi một ai. Nhận thức thời gian tuyến tính của văn minh công nghiệp làm thay đổi tập quán thời gian của xã hội. Trong nền văn minh hậu công nghiệp, sự vội vã ngày một dồn dập hơn, tỉ lệ thuận với sự tiến hóa về mặt vật chất kỹ thuật của xã hội đến một mức độ cao, có thể gọi là “bệnh hối hả”. Tiểu kết Ứng xử với thời gian cá nhân và thời gian xã hội là xem xét mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội trong ứng xử với thời gian. Thời gian cá nhân được con người sử dụng với tư cách là một sinh thể độc lập, chịu sự chi phối của quy chuẩn thời gian xã hội, còn thời gian xã hội được con người sử dụng với tư cách là một thành viên của xã hội, thời gian mang tính quy chuẩn của cộng đồng. Với quan điểm nghiên cứu như trên, chúng tôi chọn lựa xem xét những yếu tố liên quan đến thời gian cá nhân và thời gian xã hội như sau: mối quan hệ của dòng chảy quá khứ - hiện tại - tương lai, thời gian công việc và thời gian rỗi; các kiểu ứng xử với thời gian trong văn minh nông nghiệp và trong văn minh công nghiệp.  CHƯƠNG 4 VĂN HÓA THỜI GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG ỨNG XỬ TÂM LINH Con người, bên cạnh thế giới thực, còn có một thế giới tâm linh bằng sự cảm nhận cái thiêng ở bản thân mỗi người. Con người biết là mình hữu hạn trên tất cả mọi bình diện của cuộc đời cho nên điều mà nó quan tâm nhất là sự sống và cái chết. Vì vậy, bên cạnh cuộc đời thực hữu hạn và trần tục họ xây dựng cho mình một thế giới bên kia vĩnh hằng, thánh thiện, linh thiêng...Thế giới ấy là thế giới tâm linh. Trong thế giới tâm linh, diễn ra mối quan hệ giữa cái thiêng và cái tục Quan hệ giữa cái tục (profane/ le profane) và cái thiêng (sacred/ le scaré) Về mặt khái niệm, cái thiêng được xem là cơ sở của tình cảm tôn giáo và là hạt nhân của mọi tôn giáo – tín ngưỡng, phân biệt với cái tục vốn là tất cả những gì thuộc về cuộc sống trần thế, cuộc sống hiện thực của con người. Thời gian thiêng (sacred time/ le temps scaré) là thời gian có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, đặt trong mối liên hệ biện chứng với thời gian trần tục (profane time/ le temps profane), là những gì liên quan đến thời gian trong cuộc sống thế tục của con người. 4.1.Ứng xử với thời gian trần tục và thời gian thiêng dưới ảnh hưởng của các tín ngưỡng bản địa 18 4.1.1. Trong tín ngưỡng thờ hiện tượng tự nhiên Trong tín ngưỡng thờ tự nhiên, vai trò của chu kỳ mặt trời và chu kỳ mặt trăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với cư dân nông nghiệp, có quyền năng mạnh mẽ đối với cuộc sống lao động của con người. Chu kỳ mặt trời có tiết lập xuân/ tiết Nguyên đán (Tết Nguyên đán), tiết đoan ngọ (Tết Đoan ngọ), tiết thu phân (Tết Trung thu); chu kỳ mặt trăng có ngày sóc (ngày không trăng), ngày vọng (ngày tròn trăng), là những mốc thời gian thể hiện “quyền năng” đối với người làm nông nghiệp. Thông qua đó, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa thời gian trần tục và thời gian thiêng: ở tiết Nguyên đán là sự đối lập giữa tâm lý thời gian bị “kéo căng” trước mốc giao thừa một cách hết mức và sự “kéo giãn” thoải mái của tâm lý thời gian sau giao thừa, vì sự chi phối của thời gian thiêng; ở tiết Đoan ngọ là tâm lý đối phó với khoảnh khắc thần thiêng: cái nóng cực đỉnh của năm, tập trung vào thời điểm chính Ngọ, gây dịch bệnh ảnh hưởng cuộc sống. Con người phải cúng tế và dùng ma thuật để trừ khử; tiết Thu phân là khoảnh khắc tâm linh cầu rồng phun mưa bảo vệ mùa màng, chu kỳ không trăng (sóc) và tròn trăng (vọng) là hai khoảng thời gian mặt trăng có sự tác động đáng kể đến cuộc sống con người, một thời điểm là gieo cảm giác đêm tối, đe dọa tâm linh, một thời điểm là lực hút bí ẩn gây xáo trộn sinh học của các cơ thể sống, vì thế mà dẫn đến tâm lý kiêng kỵ ngày tốt, ngày xấu. 4.1.2. Trong tín ngưỡng thờ linh hồn con người Tín ngưỡng thờ linh hồn con người tức là thờ những vị thần có nguồn gốc từ con người. Đây là hình thức tín ngưỡng thờ các vị “nhân thần”, là vong linh của người đã khuất: ông bà tổ tiên, những người có công với cộng đồng từ làng xóm đến cả nước. Điển hình của niềm tin tín ngưỡng thế lực tâm linh có nguồn gốc con người đó chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở rộng đề cập đến các tín ngưỡng liên quan vòng đời khác của con người như tín ngưỡng thờ các vị thần bảo hộ sinh nở. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin về sự bất tử của linh hồn tổ tiên, gắn liền trước hết với sự kiện quan trọng: cái chết. Người Việt xem cái chết là mở đầu cho quá trình linh hồn con người sang một thế giới khác mang tính vĩnh hằng. Trên cơ sở quan niệm về một thế giới tâm linh như vậy, cho nên khi ông bà tổ tiên “trăm tuổi già”, người Việt tin rằng mốc thời gian thiêng đó chỉ là lúc ông bà đi về không gian vĩnh hằng (về nơi chín suối, qui thiên, chầu trời), bước qua khỏi cuộc đời trần thế (qua đời), tạm biệt cuộc sống trần thế (tạ thế)…và quan trọng là vẫn giữ mối liên hệ duy trì với con cháu, vẫn đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Tín ngưỡng thờ các vị thần bảo hộ sinh nở đó chính là sự tôn thờ các vị Nữ thần mà con người gửi gắm niềm tin tôn sùng, cầu mong được che chở, bảo trợ trong giai đoạn quan trọng liên quan sinh tử của con người. Tín ngưỡng này được thể hiện qua việc thờ các Nữ thần như: Bà Chúa Thai, Mười hai Bà mụ, Mẹ Sanh Mẹ Độ… 19 4.2. Ứng xử với thời gian trần tục và thời gian thiêng dưới ảnh hưởng của các tôn giáo – triết học ngoại nhập Như tín ngưỡng, tư duy tôn giáo cũng thuộc vào lĩnh vực thiêng liêng, là biểu tượng thể hiện bản chất các sự vật thiêng liêng và các quan hệ mà nó duy trì với nhau hoặc với các sự vật phàm tục. Khi xem xét ứng xử với thời gian của người Việt trong các tư duy triết học - tôn giáo, chúng tôi tập trung vào những tiêu điểm thời gian thiêng như: tư duy triết học - tôn giáo về thời gian đời người, về cái chết và thời gian sau cái chết. 4.2.1. Trong tiếp biến Phật giáo Theo E.Durkheim, cái thiêng của Phật giáo không nằm ở ý niệm về thần linh, ngay cả ở những nơi mà sau này Phật trở thành đối tượng của sự thờ cúng (có điện thờ, có cầu khấn, Phật được coi là một nhân vật siêu phàm) thì vai trò của Đức Phật không hề giống vai trò của các thần linh khác. Ở đây, chúng tôi xem xét những tư duy liên quan đến thời gian của tôn giáo này qua những khái niệm quan trọng trong Tứ diệu đế như vô thường, kiếp, luân hồi nghiệp báo… Phật giáo quan niệm thời gian đời người qua đơn vị đo đặc thù là “kiếp”. Với quan niệm này thì cái chết là hết một kiếp nên tục ngữ người Việt nói “Kiếp chết, kiếp hết”. Thời gian đời người, thời gian thế tục có đặc điểm là vô thường, nghĩa là luôn luôn thay đổi. Chính vì vậy mà kiếp người trở nên ngắn ngủi, nhất là đặt trong tương quan với “đại kiếp” của thời gian vũ trụ. Cho nên đạo Phật hay ví đời người ngắn ngủi vô thường như kiếp phù du, như phù vân (mây nổi), phù trần (bụi nổi), vừa có đã tan biến, thay đổi. Quan niệm vô thường được tục ngữ Việt phản ánh bằng nhiều cách nói khác nhau: “Chợ trần gian sớm họp chiều tan”, “Của phù vân sớm họp, tối tan”, “Phú quý như phù vân”, “Đời người như thể phù du/ Sớm còn tối mất công phu lỡ làng...” Mối quan hệ nhân quả về luân hồi nghiệp báo khẳng định quan điểm cái ảnh hưởng đến quyết định tương lai của con người là hiện tại, chứ không phải là quá khứ (nhưng cái hiện tại lại là “quả kiếp nhân duyên”, kết quả của quá khứ). Chính vì vậy, con người, nếu biết nỗ lực đúng hướng sẽ có khả năng thay đổi mọi số mệnh và định mệnh. Nỗ lực đúng hướng là hãy tu nhân, tích đức ở hiện tại, người Việt luôn nhắc nhau: “Ai ơi, hãy ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau”, “Quả kiếp nhân duyên”, “Làm ác kiếp sau chịu tội”, “Hễ ác giả thì ác báo”, “Hại nhân thì nhân hại”, “Gieo gió thì gặt bão”, “Cấy ác thì gặt ác”, “Cấy gió, chịu bão”… Sự đối lập trạng thái giữa thời gian trần tục và thời gian thiêng theo cái nhìn của Phật giáo có thể hình dung: một bên thì hết sức nhanh, liên tục, là những khoảng khắc thời gian cực ngắn nối đuôi nhau để đi đến cái tan biến, một bên thì cũng có thể xem là vô trạng thái, nhưng cũng có thể xem là trạng thái tuyệt đối không thể diễn đạt. Phù trần/ Phù vân, phù du đối lập với Cực lạc/ Tịnh độ. 4.2.2. Trong tiếp biến Nho giáo Tuy mang dáng dấp của một tôn giáo nhưng Nho giáo không thể hiện rõ tính chất của tôn giáo truyền bá đức tin và hướng về thế giới bên kia như bao tôn giáo khác. Bởi nội dung chính của 20 nó vẫn là học thuyết chính trị - đạo đức. Hình thức tôn giáo của nó có được chủ yếu là do nhà nước xã hội chủ động thần hoá thánh hiền.Ở góc độ tiếp cận của luận án, chúng tôi chỉ đi sâu vào nội dung triết học của Nho giáo để xem xét có hay không mối quan hệ giữa thời gian tục và thời gian thiêng . Trong nội dung của Nho giáo nguyên thủy, căn cứ vào những quan điểm thể hiện của Khổng Tử về mặt tín ngưỡng, thì có thể nhận thấy Nho giáo không quan tâm nhiều về cõi siêu nhiên và cái chết. Quan điểm của Khổng Tử là “kính quỷ thần nhi viễn chi” (đối với quỷ thần thì tôn kính nhưng xa lánh), “Chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần, “không phải quỷ thần của mình mà cũng cúng tế là xiểm nịnh”,…thể hiện niềm tin trông cậy vào sức con người chứ không trông cậy vào sự phù trợ lực lượng siêu nhiên. “Nhưng mặt khác, Nho giáo và chính Khổng Tử cũng lại tin có Trời. Theo Khổng Tử, Trời chính là Thượng đế, “Khổng Tử tin rằng Thượng đế là một đấng chủ tể, có nhân cách, ý chí, tình cảm… “Khổng Tử tin vào Thiên mệnh (mệnh trời), tin rằng “đạo” có “hành” được hay không cũng là do thiên mệnh. Trong nhân sự, những biến cố xảy ra đều do thiên mệnh. Như vậy, có thể nhận thấy trong nhận thức của Khổng Tử có cả cái tục và cái thiêng, tuy nhiên tập trung quan tâm nhiều về cái tục hơn là cái thiêng. Điều này được thể hiện một cách xuyên suốt, hệ thống trong những suy nghĩ có liên quan đến yếu tố thời gian của Nho giáo Tiếp nhận những nội dung tinh thần Nho giáo Trung Hoa, trong văn hóa Việt Nam, Nho giáo cũng có mối quan tâm hàng đầu là thời gian thế tục. Các nhà nho Việt Nam cũng thường trực thể hiện tâm lý lo lắng trước dòng chảy thời gian quá nhanh. Nguyễn Trãi thấy thời gian nhanh như thoi đưa:“Chẳng hay rắp rắp đã tư mươi/ Ngày tháng bằng thoi một phút cười”; Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm nhận thời gian vút qua như tên: “Quang cảnh trục nhân, niên tự thỉ/ Nguy thời cứu quốc, mấn thành ti” (Bóng mặt trời đuổi người, năm tháng nhanh như tên/ Thời nguy nan, lo việc nước, mái tóc bạc như tơ). Tư tưởng số mệnh/thiên mệnh của Nho giáo cũng đi vào trong văn hóa Việt Nam, nhất là trong văn hóa dân gian. Người Việt trong xã hội truyền thống quen nghĩ theo tư tưởng số mệnh, tục ngữ nói “Chạy chẳng khỏi trời”, “Trăm sự nhờ trời”, “Chữa được bệnh, không chữa được mệnh”, “Hồng nhan bạc mệnh”, “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, “Số giàu lấy khó cũng giàu/Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo”, “Số giàu trồng lau ra mía, số khó trồng củ tía ra củ nâu”, “Bôn ba chẳng qua số phận”, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Tốt số bằng bố hay làm”…Nguyễn Du cũng nói: Trăm năm trong cõi người ta, chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau (Truyện Kiều), tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống con người là do Thiên mệnh (mệnh trời), cho nên “Biết sự trời, mười đời chẳng khó”, vì thế mà nảy sinh thuật bói toán và xem số. Cũng chính dân gian đã châm biếm những ai có thói mê tín quá độ về tư tưởng số mệnh này: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà/ Số cô có mẹ có cha/ Cha cô đàn bà, mẹ cô đàn ông/ Số cô có vợ có chồng/ Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.”
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan