Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết mỹ latinh (trường hợp gabriel garcía márquez và ...

Tài liệu Cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết mỹ latinh (trường hợp gabriel garcía márquez và mario vargas llosa)

.DOCX
27
909
86

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN LÊ NGỌC PHƯƠNG CẤU TRÚC NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT MỸ LATINH (TRƯỜNG HỢP GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ VÀ MARIO VARGAS LLOSA) Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số: 62.22.32.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2017 1 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN (ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH) Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Huỳnh Như Phương Phản biện độc lập: 1.PGS.TS. 2.PGS.TS. Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) vào hồi… giờ…, ngày… tháng… năm 2017. Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. - Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Đối với chúng tôi, nghiên cứu tiểu thuyết đối mặt với nhiều thử thách vừa cũ vừa mới, đặc biệt ở phương diện cấu trúc nghệ thuật - một vấn đề thú vị đòi hỏi việc chỉ ra mối tương quan liên kết giữa các yếu tố cùng cấp độ hoặc khác cấp độ sao cho câu chuyện được “vận hành” linh hoạt, hiệu quả. Không chỉ vấn đề nội dung tư tưởng, mà những yếu tố thuộc về cấu trúc nghệ thuật cũng là địa hạt thách thức việc sáng tạo lẫn nghiên cứu. Nhiều cấu trúc nghệ thuật được thể nghiệm, kéo theo đó là sự biến hóa các phương diện phụ thuộc như cốt truyện, nhân vật, không - thời gian, cách kể, ngôn ngữ… Đối với văn học Mỹ Latinh, giữa thế kỷ XX là giai đoạn rực rỡ nhất của tiểu thuyết khi thể loại này bước lên tiền đài văn học thế giới và mang về những giá trị lớn lao. Giai đoạn này được châu Âu gọi là “Latin American Boom” (có thể dịch là phong trào/ giai đoạn/ thời kỳ Bùng nổ văn học Mỹ Latinh). Tiểu thuyết Mỹ Latinh đã mang đến những chủ đề mới và những hình thức cấu trúc nghệ thuật mới chứa đựng nhiều phương diện thể hiện sự cách tân nổi bật. Nhắc đến giai đoạn thịnh vượng của tiểu thuyết mới Mỹ Latinh nghĩa là nhắc đến hàng loạt các tác giả nổi danh nhất. Tuy nhiên luận án chỉ lựa chọn tác phẩm của hai tiểu thuyết gia tiêu biểu trong giai đoạn này là Gabriel García Márquez (Colombia) và Mario Vargas Llosa (Peru) nhằm nghiên cứu tập trung và chuyên sâu hơn. Márquez và Llosa được vinh danh là “hai con sử tử của thế hệ Bùng nổ” đã mang về cho châu lục họ hai giải Nobel văn học năm 1982 và năm 2010. Đến từ hai quốc gia khác nhau, Márquez và Llosa có nhiều tiểu thuyết với chủ đề và cấu trúc nghệ thuật vừa giao thoa vừa rẽ hướng, vừa giống lại vừa khác rõ nét. Việc nghiên cứu cấu trúc tiểu thuyết Mỹ Latinh, trường hợp Garbriel García Márquez và Mario Vargas Llosa trở nên cần thiết trên cả hai bình diện: bình diện lý luận văn học và bình diện lịch sử văn học, văn học nước ngoài, những bình diện này liên quan chặt chẽ và soi sáng cho nhau. Đây là lý do chúng tôi thực hiện luận án này. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Từ những năm 1930, tiểu thuyết Mỹ Latinh đã gây được sự chú ý của độc giả và giới nghiên cứu trên thế giới. Khó có thể kể hết những sáng tác và những nghiên cứu về tiểu thuyết Mỹ Latinh ở các quốc gia khác nhau. Liên quan đến hai nhà văn đại 1 diện cho trào lưu bùng nổ mà luận án nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy những công trình giá trị như: Bibliographic Guide to Gabriel Garica Márquez, 1992 - 2002 (tạm dịch Thư mục về Gabriel García Márquez, từ 1992 đến 2002) Nelly Sfeir V. de González biên soạn, Gabriel García Márquez: the man and his work (tạm dịch: Gabriel García Márquez: con người và tác phẩm) của Gene H. Bell – Villada, Modern Critical Views – Gabriel García Márquez - Update edition (tạm dịch: Những quan điểm phê bình hiện đại – Gabriel García Márquez) của Bloom Harold, The Cambridge Companion to Gabriel García Márquez, Philip Swanson biên tập, Gabriel García Márquez: New Readings, Bernard McGuirk và Richard Cardwell biên tập. Không chỉ có Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa cũng là một trong những tác giả Mỹ Latinh được giới nghiên cứu chú ý nhiều trên văn đàn quốc tế, đặc biệt ở khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ. Trong số đó, chúng tôi thấy một số công trình nghiên cứu có giá trị như: Mario Vargas Llosa: A Collection of Critical Essays (tạm dịch: Mario Vargas Llosa: Tuyển tập những tiểu luận phê bình) của Charles Rossman và Alan Warren Friedman, Mario Vargas Llosa: A life of Writing của Raymond Leslie Williams và Understanding Mario Vargas Llosa (tạm dịch: Tìm hiểu Mario Vargas Llosa) của Sara Castro – Klaren. Ngoài ra, công trình nghiên sâu sắc vấn đề kỹ thuật tự sự, những yếu tố liên quan trực tiếp đến cấu trúc tiểu thuyết Llosa là Temptation of the word: The novels of Mario Vargas Llosa (tạm dịch: Sự cám dỗ của ngôn từ: Tiểu thuyết Mario Vargas Llosa) của Efrain Kristal. Tại Việt Nam, nghiên cứu về văn học Mỹ Latinh đã có bề dày 50 năm, nhưng gần đây mới xuất hiện nhiều công trình lớn. Riêng việc dịch và giới thiệu về Márquez, vai trò của Nguyễn Trung Đức rất đáng kể. Những bài viết và nghiên cứu ở khuôn khổ nhỏ, chúng tôi khó thống kê hết. Những công trình nghiên cứu lớn như chuyên luận Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel García Márquez của Lê Huy Bắc, Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại của Phan Tuấn Anh, hay các luận văn thạc sĩ như Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez của Nguyễn Thị Hảo (ĐH KHXH&NV, Hà Nội), 2010, Hiện tượng song trùng trong Trăm năm cô đơn của G. Márquez của Lê Thị Diễm Kiều (ĐH Sư phạm, TPHCM), 2011, Lịch sử và huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez của Lê Thị Quỳnh Trang (ĐH Sư phạm, TPHCM), 2012… 2 So với Márquez, Mario Vargas Llosa “đến” nước ta có phần chậm trễ hơn. Đã có một số bài viết phác họa những nét cơ bản trong cuộc đời và sự nghiệp của Llosa hoặc giới thiệu một số cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông, chẳng hạn: Phạm Văn với “Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa”, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy – Phạm Văn với bài “Đối thoại với… Nobel Văn học 2010”, Nguyễn Chí Hoan với bài “Đào bới ác mộng”, PL với “Trò chuyện trong quán La Catedral: một buổi chiều và cả đời người”, Nhật Thịnh với bài “Mario Vargas Llosa (Nobel Văn chương 2010)”, Đỗ Tuyết Khanh với bài “Mario Vargas Llosa, tông đồ của cá nhân và chủ nghĩa tự do”… Nghiên cứu công phu là luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thu Giang: Nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu ở đây là những tiểu thuyết của Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa, phần lớn là những tiểu thuyết đã được dịch tại Việt Nam. Sự sáng tạo của Márquez và Llosa rất đa dạng trong hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên luận án sẽ tập trung phần lớn vào các tiểu thuyết của Márquez và Llosa ở giai đoạn Bùng nổ để nhìn nhận những đặc trưng phổ quát của phong trào này. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý thuyết của luận án là vấn đề đặc điểm của thể loại tiểu thuyết - thể loại trung tâm của hình thức văn xuôi tự sự. Các lý thuyết đã từng đề cập đến phương diện cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết mà chúng tôi dùng để tham chiếu như chủ nghĩa Hình thức Nga, thuyết ký hiệu học, chủ nghĩa cấu trúc, hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng một số công cụ của thi pháp học, tự sự học, phê bình tiểu sử. Bên cạnh các phương pháp chuyên ngành, công trình cũng kết hợp những phương pháp nghiên cứu cơ bản: Phương pháp lịch sử – xã hội và phương pháp so sánh – đối chiếu. 5. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài luận án 1. Về lý luận văn học: Tìm hiểu sâu về vấn đề cấu trúc nghệ thuật của tiểu thuyết, làm rõ hoặc bổ sung thêm về mặt lý thuyết cấu trúc luận. Hơn nữa, luận án cũng góp phần bàn đến lý thuyết di dân, lý thuyết hậu thực dân trong văn học. 3 2. Về lịch sử văn học: Nghiên cứu cụ thể trường hợp tiểu thuyết của Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa, mở rộng ra giai đoạn Bùng nổ của văn học Mỹ Latinh, định vị sự đóng góp của châu lục này trong lịch sử văn học thế giới. Về ý nghĩa thực tiễn: luận án sẽ là tư liệu tham khảo cho những công trình rộng hơn nghiên cứu về tiểu thuyết hoặc văn học Mỹ Latinh nói chung. Hơn nữa luận án sẽ khơi gợi việc tìm hiểu mối tương quan giữa văn học Mỹ Latinh và văn học Việt Nam hiện nay. Luận án là cơ sở tham khảo để xây dựng các giáo trình giảng dạy đại học về văn học Mỹ Latinh. 6. Đóng góp mới của đề tài luận án Márquez và Llosa không phải là tên tuổi xa lạ đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Vì thế luận án của chúng tôi không phải là đề tài đầu tiên nghiên cứu về văn học Mỹ Latinh và về hai tác giả này. Thế nhưng, đóng góp của công trình này là việc nghiên cứu cấu trúc nghệ thuật của tiểu thuyết – phương diện nối kết được bề mặt lẫn bề sâu của tiểu thuyết, các yếu tố bên trong và bên ngoài văn bản. Hơn nữa, đề tài đi đến sự so sánh, đối chiếu các phương diện nghệ thuật và tư tưởng tiểu thuyết Márquez và Llosa, đặt hai tác giả vào trong giai đoạn Bùng nổ của tiểu thuyết Mỹ Latinh, xem xét và rút ra những đặc trưng chung của phong trào, phân tích sự vận động và đóng góp của tiểu thuyết Mỹ Latinh đối với văn học thế giới. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, Thư mục tham khảo, luận án gồm 4 chương: Chương 1: Quan niệm về cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết và trường hợp tiểu thuyết Mỹ Latinh Chương 2: Một số kiểu cấu trúc nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa Chương 3: Một số đặc điểm nổi bật trong cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa Chương 4: Cấu trúc tư tưởng nhìn từ mối liên hệ với cấu trúc nghệ thuật trong tiểu thuyết Gabriel Garcia Márquez và Mario Vargas Llosa. 4 CHƯƠNG 1 QUAN NIỆM VỀ CẤU TRÚC NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT VÀ TRƯỜNG HỢP TIỂU THUYẾT MỸ LATINH 1.1. Quan niệm về cấu trúc nghệ thuật của tiểu thuyết Về phương diện thuật ngữ, tại Việt Nam, một số nhà lý luận phê bình văn học đã dịch từ “structure” trong tiếng Anh thành “cấu trúc” hoặc “kết cấu”. Cách hiểu của những nhà nghiên cứu cũng có nhiều điểm tương đồng trong hai thuật ngữ này. Ở đây, chúng tôi lựa chọn thuật ngữ “cấu trúc” để sử dụng xuyên suốt toàn luận án này. Đồng thời, cũng cần trình bày thêm: “cấu trúc nghệ thuật” của tiểu thuyết được chúng tôi quan niệm là cấu trúc biểu hiện trên văn bản tiểu thuyết, cấu trúc hướng đến hiệu quả thẩm mỹ, mang lại giá trị nghệ thuật cho văn bản. Cấu trúc nghệ thuật nghiêng về mặt hình thức của tác phẩm bao gồm những yếu tố được bố trí, sắp xếp sao cho văn bản trở thành một thể thống nhất, sao cho đạt đến hiệu quả nghệ thuật. Tuy nhiên, “cấu trúc nghệ thuật” ở đây không hoàn toàn hình thức, không tách biệt với nội dung ý nghĩa của văn bản, trái lại, “cấu trúc nghệ thuật” luôn có mối quan hệ sâu sắc với “cấu trúc tư tưởng” nằm ở mạch ngầm của tác phẩm. Từ phương diện cấu trúc nghệ thuật, chúng ta có thể lần tìm, nắm bắt được tư tưởng của tác giả, ý nghĩa của tác phẩm. Từ thành tựu nghiên cứu của lý luận phê bình văn học đi trước, chúng tôi cho rằng: cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết là phương diện đáng để nghiên cứu, không chỉ giúp chúng ta hiểu được sự “cấu tạo” về mặt hình thức của văn bản, mà còn biểu hiện lớp tư tưởng, ý nghĩa của văn bản, bộc lộ “cấu trúc tư tưởng” của nhà văn và thời đại. Kết hợp quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa giải/hậu cấu trúc, chúng tôi không chủ ý tách rời những yếu tố nội văn bản và những yếu tố ngoại văn bản, cũng như không tách rời việc sáng tạo của nhà văn với phương diện diễn giải của người đọc. Việc phân tích tiểu thuyết Márquez và Llosa dưới dây chính là một cách tìm hiểu và soi rọi, làm rõ cho các quan niệm trên. 1.2. Nhận diện văn học Mỹ Latinh 1.2.1. Nền văn học của sự thống nhất và đa dạng Với sự phát triển mạnh mẽ, văn học Mỹ Latinh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho đến nay có thể chia thành ba giai đoạn nhỏ hơn: + Giai đoạn Tiền phong (Latin American Vanguardia, ứng với giai đoạn hiện đại) 5 + Giai đoạn Bùng nổ (Latin American Boom, ứng với giai đoạn hậu hiện đại) + Giai đoạn Hậu bùng nổ (Latin American Post-boom, ứng với cơn thoái trào của chủ nghĩa hậu hiện đại) Các giai đoạn văn học này thể hiện các đặc trưng sau: 1.2.2. Nền văn học của một thực tại đau thương và kỳ diệu 1.2.2.1. Tính hỗn chủng và lai ghép 1.2.2.2. Phức cảm lưu vong và tâm thế nước đôi 1.2.2.3. Không gian ngoại vi thời hậu thực dân 1.2.3. Tiểu thuyết Mỹ Latinh giai đoạn Bùng nổ (El Boom Latino Americano/ Latin American Boom) Mặc dầu thơ ca, truyện ngắn và kịch có không ít thành tựu nhưng tiểu thuyết vẫn là thể loại thành công nhất của văn học Mỹ Latinh thế kỷ XX. Giai đoạn thịnh vượng nhất của thể loại này được tạo bởi một loạt các nhà văn tài hoa. 1.2.3.1. Về tên gọi “giai đoạn Bùng nổ” Sự trỗi dậy của tiểu thuyết giai đoạn này được phương Tây hưởng ứng mạnh mẽ và tên gọi “Latin American Boom” liên tục xuất hiện trên báo chí. Cuộc cách mạng trong chính trị và trong văn chương diễn ra song hành, tương tác vào nhau, thu hút sự quan tâm của thế giới. Những cảm hứng cùng đến một lúc vào những năm 1960 và 1970 đã tác động lớn đến lớp nhà văn sinh từ 1924 – 1939, khi mà họ bước vào độ tuổi sáng tạo chín muồi nhất (35, 40 tuổi). Thế hệ nhà văn này đã dễ dàng tập hợp thành một phong trào lớn trên lục địa bùng cháy. Nếu trước đó, tiểu thuyết Mỹ Latinh sáng tác theo phương thức tiếp nối truyền thống văn học châu Âu thế kỷ XIX, phát triển chủ nghĩa hiện thực (nghiêm ngặt) trên tinh thần tái hiện đời sống, thì ở giai đoạn Bùng nổ này, đa số là những nhà văn giàu sức trẻ, họ chịu ảnh hưởng của trường phái tân thời Âu Mỹ và phong trào Tiền phong của châu Mỹ Latinh, muốn phá bỏ các ước lệ cổ điển trong văn chương. Các tác phẩm của họ mang tính thử nghiệm táo bạo, được mệnh danh là "tiểu thuyết Mới", cách tân lối viết, phản ánh đời sống trên tính mở, tái tạo lại hiện thực mới. Tiểu thuyết thường có cấu trúc mở, đả phá lối tuyến tính truyền thống, “khung” lỏng lẻo, kéo theo sự hỗn độn của các sự kiện, chi tiết, kết thúc mở ngõ. Nhân vật là cả một thế giới pha trộn đủ dạng đủ kiểu, pha trộn những tính cách, tâm lý khác nhau, cả lý trí và bản năng, đạo 6 đức lẫn dục vọng. Không – thời gian tiểu thuyết cũng là khía cạnh thể hiện rõ những thể nghiệm của văn học Mỹ Latinh. Diễn tiến câu chuyện không theo thứ tự thời gian mà luôn chuyển từ lúc này sang lúc khác; ngôn ngữ bình dân, nhiều kiểu chơi chữ và chế chữ, thường xuyên kèm tiếng văng tục. Nguyên tắc chủ đạo của phong trào Bùng nổ là người đọc phải tích cực tham gia chứ không tiếp nhận thụ động, tác phẩm trở thành công trình sáng tạo chung của cả người viết lẫn người đọc. Sức mạnh tạo thành trào lưu Bùng nổ chính là sự đồng loạt thể hiện các vấn đề xã hội và các kỹ thuật tự sự mới của một loạt nhà văn ở độ tuổi chín muồi của sáng tạo. Trong đó, Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa là một cặp nhà văn danh tiếng, đưa tiểu thuyết Mỹ Latinh đến với độc giả nhiều châu lục khác nhau. 1.2.3.2. Hai con sư tử của thế hệ Bùng nổ Chênh nhau không nhiều tuổi, cả hai nhà văn đều trưởng thành trong bối cảnh lục địa họ “bùng cháy”, cả hai đều được xếp vào cùng thế hệ văn chương 1924 - 1939. Ngay từ nhỏ, Márquez và Llosa đã mang khát vọng trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới. Cả hai đều từng xa rời quê hương, lênh đênh nhiều nơi, đặc biệt cùng sống ở các nước Âu châu như Pháp, Anh và Tây Ban Nha một thời gian dài, lại có lúc quay về bản xứ. Không gian văn chương của hai ông dường như đứng giữa châu Âu và châu Mỹ Latinh. Hình ảnh hai châu lục ấy có lúc trở thành những cực đối kháng, có lúc hòa lẫn vào nhau trong cảm thức của họ. Về quan niệm văn chương, Márquez và Llosa đều thấm đẫm niềm tin truyền thống của châu lục này: rằng văn học là một loại hình nghệ thuật vốn có/ cần có tính dấn thân, nhập cuộc vào xã hội, nhà văn không thể cách ly hay vô can với đời sống nhân dân. Chịu ảnh hưởng bởi phong cách Tây Âu và Bắc Mỹ hiện đại, Márquez và Llosa đều áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật tự sự mới mẻ của phương Tây, để đạt được nhiệm vụ cách mạng của một nhà văn là “viết cho thật hay”. Márquez và Llosa có những chủ đề giao thoa rõ rệt như: nỗi cô đơn - tình yêu - tình dục - sự băng hoại, mặc cảm khải huyền, sự tái sinh của con người. Cả hai đều day dứt với bối cảnh chính trị hỗn loạn của nền độc tài, không gian tinh thần luôn bị phân rẽ, chia cắt của Mỹ Latinh. Trên phương diện nghệ thuật, Márquez và Llosa đều sử dụng những thủ pháp mới lạ trong kể chuyện: cấu trúc tiểu thuyết đa tầng, phức hợp như mê cung, không thời gian đa tuyến, nhiều giọng điệu, điểm nhìn đan xen nhau, ngôn ngữ tiểu thuyết nhiều tính lai ghép. Đặc biệt, bút pháp ưa thích của Márquez và 7 Llosa (và hầu hết các đại diện lớn của trào lưu Bùng nổ) chính là thủ pháp cắt, dán, nối, xoay vòng… Ở Márquez, nhiều người gọi là thủ pháp này là đồng hiện vòng tròn, Llosa tự gọi đó là thủ pháp bình thông nhau. Llosa và Márquez được coi như hai cột trụ bề thế và vững vàng. Chọn hai đại diện này, chúng tôi muốn nghiên cứu những tương đồng và dị biệt trong hai phong cách, những đặc điểm phong phú của tiểu thuyết trong giai đoạn này. CHƯƠNG 2 MỘT SỐ KIỂU CẤU TRÚC NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU TRONG TIỂU THUYẾT GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ VÀ MARIO VARGAS LLOSA 2.1. Cấu trúc “đóng” kiểu mới Cấu trúc đóng được hiểu theo tinh thần: một truyện kể có mở đầu và kết thúc, kể về hành trình của nhân vật với một kết luận khá rõ ràng, đơn tuyến về nhân vật, liền mạch về cốt truyện, trật tự trước sau về sự kiện, tuyến tính về không gian và thời gian. Thông thường, cấu trúc tiểu thuyết dạng này (vào khoảng cuối thế kỷ XIX) thường xoay quanh một câu chuyện chính, một trục nhân vật chính với trật tự trước sau từ quá khứ đến hiện tại. Cách trình bày văn bản tiểu thuyết theo lối cấu trúc này thường có sự bố cục chặt chẽ giữa các chương, đoạn hay từng phần tác phẩm. Thế mạnh của kiểu cấu trúc này là trình bày câu chuyện một cách liền mạch, giúp độc giả dễ nắm bắt nội dung tác phẩm, làm nên sự sáng tỏ, lôi cuốn của tiểu thuyết. Trong sự nghiệp viết văn của mình, Márquez có những tác phẩm xây dựng theo cấu trúc “đóng” truyền thống chẳng hạn các truyện vừa như Ngài đại tá chờ thư, Đám tang bà mẹ vĩ đại, hay các tiểu thuyết dài như Giờ xấu, Tình yêu thời thổ tả … Tuy nhiên, trong khi sử dụng kiểu cấu trúc này, Márquez không hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc “đóng” mà có sự đảo lộn thời gian quá khứ và hiện tại, kết hợp với dòng suy tưởng của nhân vật, lối kể xen giữa tuyến tính và phi tuyến tính. Ông chia cắt, đảo ngược không - thời gian hành động và tâm lý nhân vật, phối hợp nhiều câu chuyện nhỏ, mở rộng tác phẩm như một bức tranh về dân tộc và châu lục ông, đưa vào nhiều chi tiết biểu tượng. 8 Nếu Márquez thường xây dựng cấu trúc tác phẩm dựa trên cấu trúc tâm lý hướng nội, từng trang viết đều thấm đẫm cảm xúc trữ tình mang hơi hướng truyền thống thì trái lại, ở tiểu thuyết của Llosa, chúng tôi nhận thấy rất hiếm (hoặc không có) cấu trúc đóng truyền thống. 2.2. Cấu trúc “mở” phân mảnh Cấu trúc mở được định nghĩa trên nhiều phương diện và quan điểm khác nhau. Ở đây chúng tôi chưa bàn đến tính mở trong mối quan hệ tác phẩm - độc giả, mà bàn trên quan hệ cấu trúc của văn bản. Cấu trúc mở thường thể hiện ở những cấu trúc mẩu đoạn hoặc cấu trúc cắt dán, lắp ghép, bấp bênh, cấu trúc chưa hoàn tất. Ngược với Márquez, nhiều tiểu thuyết của Llosa tựa trên cấu trúc đa tuyến (về nhân vật), hỗn thể, phân mảnh (về sự kiện), gấp khúc, đan xen (về không - thời gian). Phân mảnh (fragmentation) là một khía cạnh quan trọng của văn chương hậu hiện đại. Do được xây dựng dựa trên tính cắt mảnh của trần thuật, tác phẩm trở thành tập hợp của nhiều mảng khác nhau mang tính hỗn thể. Đây là kiểu kết cấu mà nhân vật, cốt truyện, đề tài, không gian, thời gian nghệ thuật và ngôn ngữ đều bị chia cắt thành những mảnh vụn rời rạc, lỏng lẻo, gợi ra cấu trúc mở. Trên thực tế, tiểu thuyết Mỹ Latinh là nơi thể nghiệm cấu trúc tiểu thuyết phân mảnh, không hề muộn hơn Tây Âu. Những nhà văn tiên phong của Mỹ Latinh như Alejo Carpentier, Juan Rulfo hay Jorge Amado đã dùng đến kiểu trần thuật đa chủ thể, đa giọng điệu nhằm tạo nên tính hỗn thể, phân mảnh cho tác phẩm, từ giữa thập niên 40, 50. Bước sang giai đoạn trào lưu bùng nổ, các tiểu thuyết gia trẻ tuổi đứng ở trung tâm trào lưu này như C. Fuentes, J. Cortázar, M. V. Llosa… càng đẩy mạnh kiểu cấu trúc mở bằng cách phân mảnh - hỗn thể, thách đố sự sắp xếp của người đọc. Trong đó Mario Vargas Llosa là người sử dụng thường xuyên lối cấu trúc phức hợp, trong đó nhiều mảnh vỡ được lắp ghép theo thủ pháp “bình thông nhau”. Llosa đã đẩy kiểu cấu trúc mảnh vỡ lên mức độ cao nhất ở những tác phẩm như Thành phố và lũ chó, Những trò tinh nghịch của cô bé hư hay Ngợi ca người mẹ kế. Không điển hình ở loại hình phân mảnh, nhưng Márquez cũng có những tiểu thuyết thuộc “dòng ý thức” tạo nên những sự lai ghép hỗn độn, ví dụ Tướng quân giữa mê hồn trận. 9 2.3. Cấu trúc hiện thực - huyền ảo Cấu trúc huyền ảo được xác định trên các phương diện sau: tác phẩm thường đa tuyến về nhân vật; tính hiện thực phối hợp với huyền ảo về sự kiện và cốt truyện; không - thời gian thường mang tính huyễn hoặc và xoay vòng. Loại hình cấu trúc này thường kể những chi tiết kỳ lạ, bí ẩn, khó đoán định với giọng điệu thản nhiên và đa điểm nhìn. Tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh dựa trên cấu trúc đan xen giữa thực - ảo, tồn tại những bí ẩn, những chi tiết lạ kỳ xuất hiện và phá vỡ trật tự thường nhật. Tác giả thường khéo léo bố trí, chuẩn bị để tình tiết huyền ảo xuất hiện một cách tình cờ, vào thời điểm người đọc không lường trước được. Nhân vật trong tiểu thuyết Mỹ Latinh sống trong sự huyền ảo và chấp nhận nó như là chính cuộc sống quanh mình. Trong tác phẩm, các yếu tố huyền ảo được thiết lập rất tinh tế, mang đầy biểu tượng đa nghĩa. So với tiểu thuyết kì ảo thế kỉ XIX, cái bí ẩn của tiểu thuyết Mỹ Latinh tồn tại nhạt hơn, kín đáo, bí ẩn hơn, chứa đựng những triết lý hiện sinh về con người hiện đại. Công lao phát kiến cấu trúc hiện thực huyền ảo phải kể đến các nhà văn Mỹ Latinh thuộc thế hệ tiền phong. Ở giai đoạn Bùng nổ của tiểu thuyết, Márquez và Llosa đều là những hậu bối thể hiện tính chất siêu tưởng, kỳ diệu qua cấu trúc hiện thực huyền ảo. Márquez đã đưa vào cảm quan tâm linh của con người, theo hướng đậm chất lãng mạn hơn, dân gian hơn và mang vẻ huyền bí, ma thuật hơn (tính chất “magical”), ví dụ trong Bão lá, Trăm năm cô đơn. Trong khi đó, Llosa đưa chất huyền ảo vào các sự kiện lịch sử, gắn với đời sống chính trị xã hội vốn trần trụi và khắc nghiệt, chẳng hạn trong tiểu thuyết Chiến tranh nơi tận cùng thế giới, Người kể chuyện. Márquez đã “thơ mộng hóa” cái huyền ảo, Llosa đã nghiêm ngặt và “cay đắng hóa” chất huyền bí nổi tiếng của châu lục ấy. Tuy vậy, cấu trúc hiện thực huyền ảo của Llosa không tiêu biểu và không sử dụng thường xuyên như tiểu thuyết Márquez. 2.4. Cấu trúc mê lộ Bản chất của mê cung hay mê lộ là những lối đi giống hệt nhau, được lặp lại và không lối thoát, cốt gây hoang mang cho người đi hoặc gây ảo tưởng rằng sẽ có lối thoát nhưng thực sự là chẳng bao giờ có lối thoát ra. Mê lộ có tính biểu tượng cao, vừa mô phỏng một kiến trúc hữu hình, vừa gợi ý một cảm giác tâm linh không thể nắm bắt. Mê lộ hướng tới tính vô tận, hỗn loạn và vĩnh cửu. 10 Thuật ngữ cấu trúc kiểu mê lộ ở đây nhằm chỉ một số đặc tính của các yếu tố tiểu thuyết: đa tuyến, song trùng về nhân vật, đa bội và lặp lại về sự kiện, phân mảnh và rẽ nhánh về không - thời gian, kết hợp với đa điểm nhìn, đa giọng điệu, đẩy người đọc vào cảm giác bối rối trước sự đồ sộ của lối kể chuyện. Trên thực tế, cấu trúc mê cung và cấu trúc phân mảnh có nhiều nét tương đồng: đó là sự phá bỏ cấu trúc đóng, cấu trúc được kiến tạo theo lối trật tự, xuôi chiều, không - thời gian trở nên phi tuyến tính. Thế nhưng, sự phân biệt là cấu trúc mê cung phức tạp và khó nắm bắt hơn cả cấu trúc hỗn thể, phân mảnh. Cấu trúc này xuất hiện ở những cuốn tiểu thuyết đồ sộ về dung lượng và về phạm vi phản ánh, về tầng bậc các ý nghĩa ẩn trong tác phẩm. Chẳng hạn trường hợp Trăm năm cô đơn (1967) của Márquez và Trò chuyện trong quán La Catedral (1969) của Llosa. Hai tác phẩm được xem như đồ sộ bậc nhất của châu Mỹ Latinh ra đời vào thời điểm gần kề nhau, cùng áp dụng những thủ pháp hết sức công phu, độc đáo. Márquez và Llosa đều khâm phục lối kết cấu mê lộ của Borges, nhưng cách thức của hai nhà văn giai đoạn Bùng nổ đa dạng hơn, triệt để hơn từ chủ đề, nội dung tác phẩm cho đến nhân vật, lối viết, ngôn từ… tất cả đều thấm đẫm bản chất của mê cung, mê lộ. Các tiểu thuyết lựa chọn lối trần thuật và kết cấu mê cung không phải chỉ là một sự cách tân hình thức mà còn thể hiện tính đa diện và đa phức của thực tại, sự bối rối của nhận thức con người trước thực tại ngổn ngang đó. 2.5. Cấu trúc tự thuật Tự truyện và tiểu thuyết tự thuật đều là những thể loại mà Márquez đã trải qua trong đời văn của mình. Trong đó, Sống để kể lại của Márquez như một hồi ký được kể liền mạch, liên kết nhau, chứa đựng nhiều yếu tố chân thực của đời tư ông và đất nước Colombia. Tuy nhiên, cuốn tự truyện này lại đậm yếu tố của tiểu thuyết, cách xử lý thời gian độc đáo, vận dụng cốt truyện nhiều tầng, nhiều nhân vật kể trong một không gian đa chiều, cái nhìn đa trị, đa giọng điệu, đan xen giữa phong cách hài hước và cay đắng. Tác phẩm chứa đầy những biểu tượng đa nghĩa kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Trong khuôn khổ của một tự truyện, Márquez đã kết hợp nhiều yếu tố để tác phẩm mới lạ và rộng lớn, bao quát hơn nhiều so với chính giới hạn của nó. Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi cũng là một tiểu thuyết mang hình dáng của cấu trúc tự thuật của Márquez. Nhân vật “tôi” ở đây có nhiều nét đồng dạng 11 với chính tác giả - Márquez. Tác phẩm mang dáng dấp của một hồi ký, nhưng lại là một cuốn tiểu thuyết hư cấu, gợi mở nhiều liên tưởng. Cấu trúc tự thuật ở tiểu thuyết này, một mặt tạo dựng mức độ xác thực cho câu chuyện, khiến người đọc đồng cảm với nội tâm phức tạp và sâu thẳm của một con người sắp từ bỏ cuộc đời, mặt khác, cấu trúc tự thuật giúp tác giả vừa bộc lộ, thể hiện bản thân, vừa sáng tạo ra chính mình qua thế giới hình tượng. Khác với Gabriel García Márquez, Mario Vargas Llosa viết tiểu thuyết Dì Julia và nhà biên kịch được các học giả phương Tây gọi đây là “tiểu thuyết bán tự truyện”, hoặc “tiểu thuyết - tự truyện” nổi tiếng nhất. Tác phẩm được kể bởi nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện đan xen, nhiều chi tiết trùng hợp rất thú vị giữa tác giả và nhân vật trong tiểu thuyết: tên nhân vật cũng là tác giả, tình yêu của nhân vật cũng là đoạn tình cảm có thật của tác giả với dì Julia Urquidi lớn tuổi và có họ hàng với ông ngoài đời. Tuy nhiên, tác phẩm cũng pha trộn giữa tự thuật với hư cấu, giữa hiện thực với tưởng tượng, tạo nên sự hư cấu hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết. Mario Vargas Llosa đã mang đến một cấu trúc tự thuật đầy ý nghĩa không chỉ tra vấn về đề tài tình yêu mà còn tra vấn chính bản thân sự sáng tạo và sự tiếp nhận văn học trong thời đại của công nghiệp hóa. Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa đã cho thấy khả năng biến hóa của thể loại tự truyện, khả năng kết hợp cấu trúc tự thuật và cấu trúc hư cấu, để trở thành một kiểu “giả tự truyện” mới. Các tác phẩm không chỉ có giá trị xã hội mà còn mang sự cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết. CHƯƠNG 3 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG CẤU TRÚC NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ VÀ MARIO VARGAS LLOSA Từ các kiểu cấu trúc đã nghiên cứu ở chương 2, có thể thấy Márquez và Llosa sử dụng những kiểu, dạng khác nhau nhằm làm phong phú bút pháp của mình. Hai ông có những nét giao thoa trong cách xây dựng cấu trúc nghệ thuật ở kiểu 3, 4 và 5. Sự tương đồng này nằm ở một số thành tố nghệ thuật xuất hiện thường xuyên trên tiểu thuyết của họ (và sáng tác ở giai đoạn này nói chung). 12 3.1. Phân rã cốt truyện: những mảnh vỡ của “dòng lịch sử” lớn Nếu trước đây ở tiểu thuyết truyền thống là cốt truyện hành động, cốt truyện tâm lý thì với Márquez và Llosa, một mặt cốt truyện tiếp tục chuyển sâu vào thế giới nội tâm, nơi mà con người đấu tranh với dòng ý thức và vô thức, với lý trí và bản năng của mình. Dựa trên cơ sở khám phá “hiện thực được nhìn từ bên trong”, cốt truyện được tổ chức dưới hình thức ghép mảnh, đan xen, phối hợp ngẫu hứng. Một số thiên tiểu thuyết thể hiện rõ sở trường của nhà văn như cốt truyện huyền ảo, cốt truyện đa tuyến và đa bội. Cốt truyện phân rã mà Márquez và Llosa thường xuyên sử dụng tập trung ở đặc điểm: đa tuyến nhân vật, lỏng lẻo cốt truyện và tình tiết. Các tiểu thuyết của hai nhà văn này luôn nhiều hơn một tuyến nhân vật chính. Cho dẫu nhân vật chính có xuyên suốt tác phẩm thì cuốn theo đó vẫn là vô vàn các nhân vật, các sự kiện đi cùng trên một diện rộng lớn. Mặt khác, tiểu thuyết của Márquez và Llosa thường không hướng về hành động của nhân vật, mà lặn sâu vào nội tâm và dòng ý thức. Sự kiện hành động và cao trào thường bị phân rữa ra, không còn nguyên vẹn. Lấy ví dụ, tác phẩm Sống để kể lại và Tin tức về một vụ bắt cóc của Márquez cho thấy sự rẽ nhánh của nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện, chi tiết. Những điều này một mặt làm thống nhất cốt truyện chính, mặt khác, chúng là “thành phần tĩnh tại, dư thừa, hay thành phần xen”, tạo nên hơi thở, không khí, linh hồn và sự sống của chính tác phẩm. Đây cũng là đặc trưng lớn ở hầu hết các tiểu thuyết của Mario Vargas Llosa, chẳng hạn Thành phố và lũ chó, Trò chuyện trong quán La Catedral. Cùng với hình thức cốt truyện, sự kiện trở nên đa bội, phân rã thành những mảnh ghép, các nhà văn quan niệm “sự thật lớn” nay đã bị vụn ra thành các mảnh. Nắm bắt những sinh sôi nảy nở của lục địa, các nhà văn Mỹ Latinh cố gắng vừa phản ánh sự sâu rộng của lịch sử, vừa lặn vào nội tâm của con người. Đứng trên phương diện tổng thể của văn bản, cần thấy yếu tố cốt truyện không bao giờ được thể hiện một cách riêng rẽ. Cốt truyện đa bội dẫn đến điểm nhìn sẽ phải luân phiên thay đổi, không - thời gian cũng dịch chuyển liên tục cùng với các nhân vật, các sự kiện, tình tiết. Ngôn ngữ theo đó thay đổi tùy theo các nhân vật, các bối cảnh. Nói cách khác, tính mê lộ của tiểu thuyết trào lưu Bùng nổ luôn được phối hợp tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau. 13 3.2. Phối cảnh không - thời gian: luyến lưu quá khứ hay hướng về thực tại 3.2.1. Ngôi làng và thành thị Thay đổi lớn trong nội dung và hình thức của tiểu thuyết Mỹ Latinh chính là “tấn công” vào phương diện không - thời gian nghệ thuật. Đối với cấu trúc tác phẩm, thời gian và không gian luôn là một thành tố cần thiết. Khái niệm không - thời gian (chronotope) do Bakhtine đặt ra nhằm chỉ mối quan hệ gắn chặt khó tách rời của thời gian và không gian, chúng dựa trên nguyên tắc thuyết tương đối Einstein. Không thời gian có nghĩa là: không gian và thời gian trong tiểu thuyết được tổ chức một cách đặc biệt, biểu thị bằng tính liên kết giữa chúng. Không - thời gian nghệ thuật cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học ẩn dưới những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một nền văn học nói chung. Từ việc áp dụng ý tưởng của Bakhtine khi phân tích không - thời gian, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm khác của Márquez, đặc biệt ở thập niên 60, 70, đều có bối cảnh chung là ngôi làng vùng ven biển. Địa danh ở từng tác phẩm có thể khác nhau, nhưng chúng đều có chung đặc điểm: sự suy tàn, lạc hậu, bầu không khí nóng bức, ngột ngạt, nơi mà không gian và thời gian cùng hội tụ, nơi mà truyền thống và hiện đại đang xâm lấn vào nhau. Không gian những ngôi làng (ở vùng ven biển) thể hiện một lịch sử tồn đọng, chiêu gọi những huyền thoại siêu nhiên, từ đó bộc lộ nỗi niềm hoài cổ, sự trân trọng và luyến lưu với bản sắc quá khứ của Márquez. Với Llosa, không – thời gian có sự khác biệt. Những sáng tác vào thập niên 60 70 của ông hầu hết đặt ở phối cảnh khác: thủ đô Lima. Không gian đời thường xuất hiện với nét chung: nghèo nàn, dơ bẩn, xám xịt. Đáng nói là Llosa rất ít khi miêu tả môi trường, không khí xung quanh nhân vật. Nhưng một khi ông đã miêu tả, nghĩa là không gian, thời gian ấy vô cùng ảm đạm, chán chường, chúng là những gì khắc sâu vào tâm trạng của nhân vật. Tất cả đều là không gian thị thành, nhưng là một thị thành ngăn nắp ở bề ngoài, hỗn loạn ở bề trong. Cùng với sự u ám của không gian, năm tháng trôi như chuỗi thời gian tương tự nhau, đậm một màu xám chán chường. Từ trong phối cảnh ấy, những con người nhỏ bé, nổi loạn, kháng cự với xã hội đã thất bại và thất vọng. Sự khác nhau ở phần lớn tiểu thuyết của Márquez và Llosa có lẽ nằm ở chỗ: Márquez nghiêng về bối cảnh làng mạc, bờ biển kết hợp trong khoảng thời gian mênh mang, huyền diệu. Trong khi đó Llosa lại sở trường với lối kể về không - thời gian đô 14 thị giàu chất hiện thực, đời sống văn minh hơn, nhưng nỗi cô đơn của con người lại chưa bao giờ vơi bớt, nơi lạc hậu vẫn luôn diễn ra, thậm chí tinh vi và khắc nghiệt hơn cả những ngôi làng. 3.2.2. Không - thời gian đồng hiện và xoay vòng: lịch sử như là định mệnh Văn học Mỹ Latinh đặt lên hàng đầu thủ pháp xây dựng không - thời gian. Tác phẩm của Márquez và Llosa cho thấy sự kết nối ngẫu hứng, sự giao cắt quyết liệt các phối cảnh không - thời gian trên cùng mặt phẳng của văn bản. Nếu Llosa là một bậc thầy không thể sánh được về thủ pháp đan xen mạnh mẽ của không - thời gian tâm lý, thì Márquez là đỉnh cao của bút pháp không - thời gian huyền ảo. Cả hai đã sử dụng điêu luyện kỹ thuật sáng tạo “đồng hiện” và xoay vòng, trực tiếp đưa đến cấu trúc tuần hoàn (đầu cuối chạm nhau) của văn bản. Ở Márquez ta thường thấy ông “quá khứ hóa” không - thời gian bằng dòng ký ức tuôn chảy trên các tác phẩm. Sánh với William Faulkner đã tạo ra một không - thời gian mang tên Yoknapatawpha, Márquez đã tạo nên Macondo chứa đựng những chi tiết rất thật của bất kì một ngôi làng/ thị trấn ở Mỹ Latinh, nhưng đồng thời lại tích trữ một không khí huyễn hoặc với những chuyện lạ thường. Mặt khác, một kỹ thuật thường xuyên ở tác phẩm Márquez là vấn đề xử lý thời gian: tất cả các thời điểm có thể xảy ra cùng một lúc, trật tự theo niên biểu tuyệt đối không có ý nghĩa quan trọng đối với ông. Để làm được điều đó, Márquez đẩy thời gian ra khỏi văn bản, xóa đi đường viền lịch sử. Đặc tính hiện tại hóa thời gian, kỹ thuật đồng hiện đã giúp xóa nhòa mọi ranh giới giữa cụ thể và tưởng tượng, giữa hiện thực và huyền ảo, giữa quá khứ và hiện tại, giữa ý thức và tâm linh, xóa nhòa ranh giới giữa các mảng không gian và các trục thời gian. Kỹ thuật đồng hiện không - thời gian này tiếp tục thể hiện một cách đậm đặc và cực kỳ hiệu quả ở ngòi bút Llosa. Trên thực tế, Llosa thậm chí đã đi xa hơn Márquez trong thủ pháp đồng hiện này. Từ Faulkner, Llosa đã học được kỹ thuật quý giá để mô tả lại thế giới. Lối phân mảnh thời gian của ông không chỉ biểu hiện ở đoạn văn, mà ở trong từng câu văn rất khó theo dõi. Llosa đã liên tục sử dụng ghép mảnh, tương phản, lồng ghép, cắt dán không - thời gian phối hợp với các kỹ thuật trần thuật tương tự qua hàng loạt tiểu thuyết của mình. Mới lạ một cách quyết liệt, Llosa đã tạo nên những tiểu thuyết tân kỳ, độc đáo. 15 3.3. Cuộc hợp lưu của ngôn ngữ: ngôn ngữ “cấy” Sự thành công của Márquez và Llosa không chỉ hoàn toàn dựa trên ngôn ngữ thực dân, mà còn là sự nỗ lực sáng tạo lại chất liệu vốn có ấy. Mỗi tác phẩm của họ là một kỳ công về ngôn từ. Márquez và Llosa góp phần tạo nên một thứ tiếng Tây Ban Nha mới, không còn là thứ ngôn ngữ thực dân nguyên bản. Tổng thể các tác phẩm cho thấy ngôn ngữ của Márquez một mặt đậm chất thơ, mặt khác lại đậm mùi thân xác, phồn thực. Ngôn ngữ trần thuật của ông mang tính nhạc, chất thơ, sự huyền diệu biểu hiện qua những câu văn dài, đa cấu trúc, sử dụng nhiều tính từ, tạo ra âm hưởng trùng điệp, nhạc tính, đặc biệt ở những tiểu thuyết thuộc phong cách hiện thực huyền ảo. Văn xuôi của Márquez đẹp như những trang thơ, đầy thi tính mơ mộng. Nhưng ngôn ngữ của Márquez cũng đầy những từ chửi suồng sã, những từ chỉ thân xác, hành vi làm tình, sự bài tiết…, đậm sắc thái phồn thực. Tương tự với Márquez, ở Llosa cũng là hệ thống ngôn ngữ không dính dáng nhiều đến những bản hùng văn Tây Ban Nha. Trong hầu hết tiểu thuyết của mình, Llosa sử dụng ngôn ngữ bình dân, pha trộn tiếng Tây Ban Nha với một số ngôn ngữ người da đỏ bản địa. Bên cạnh đó, ông thường xuyên viết câu văn mang phong vị cổ điển, không dùng chủ từ khiến độc giả bối rối vì không rõ đây là phát ngôn/ suy nghĩ của ai. Ở phương diện ngôn ngữ, đóng góp của Márquez và Llosa là có thể cân đo đong đếm được: hai ông đã biến ngôn ngữ vốn mang tính hàn lâm như Tây Ban Nha thành một ngôn ngữ của tiểu thuyết ngày thường, và ngược lại, biến thứ ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ mang tầm vóc văn chương. Sử dụng tiếng Tây Ban Nha riêng biệt đã giúp hai ông hướng đến thế giới văn minh, mở ra những chiều kích liên văn bản. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Márquez, Llosa cũng cho thấy tính lai ghép tất yếu, xu hướng liên văn hoá (interculturalism) hoặc xuyên văn hoá (transculturalism) gắn giữa truyền thống và hiện đại, giữa ngoại lai và nội tại, như là một đặc điểm của thời hậu thực dân. 3.4. Phương pháp “bình thông nhau” (vasos comunicantes) Làm sao để phối hợp các mẫu sự kiện, các chủ thể, các điểm nhìn, các không thời gian, các đoạn hội thoại khác nhau trên cùng một “mặt bằng” ngôn ngữ? Llosa từng gọi phương pháp viết của mình là “bình thông nhau” - “vasos comunicantes”. Đây là một cấu trúc tổng thể có các mạch, các nhánh song song, nằm thông nhau 16 dường như không liên quan nhau nhưng lại tương tác vào nhau. Llosa mượn chữ của lĩnh vực vật lý và hóa học để nhằm chỉ kỹ thuật tự sự nối kết các yếu tố khác nhau vào cùng một hệ thống. Tương tự như chiếc bình thông nhau, tác phẩm có nhiều nhánh, nhiều đoạn, nhiều phần, nhiều thành tố, nhưng tất cả đều nối kết, tương thông với nhau. Để làm được điều này, Llosa đã dùng thành tạo các kỹ thuật cắt dán, tương phản, lồng ghép, giao cắt, ghép mảnh… Thủ pháp này đòi hỏi sự liên tưởng sâu xa trong mạch ngầm tác phẩm, đòi hỏi sự tinh tế, công phu trong việc sắp xếp bố cục các phần. Đây là một trong những thể nghiệm góp phần làm mới cách kể tiểu thuyết của Llosa và các nhà văn của trào lưu Boom. Nghiên cứu về Márquez, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây lẫn Việt Nam cho rằng ở ông là phương pháp tự sự đa chủ thể, đa điểm nhìn - điều này có nhiều tương đồng với “bình thông nhau” của Llosa. Cùng với việc đa dạng hóa ngôi kể và điểm nhìn, văn bản mang nhiều sắc thái tranh luận và bổ sung cho nhau. Đây cũng là một ẩn dụ về đời sống và nội tâm đa phức, đa tiết điệu và lưu hoạt của con người. Đa dạng hóa điểm nhìn của Márquez không phải là kỹ thuật quá mới lạ, nhưng ông đã thành công khi thông thường kết hợp với yếu tố huyền ảo. Theo chúng tôi, sự sáng tạo quan trọng nhất của Márquez chính là đặt điểm nhìn, nhãn quan ở những điểm rất lạ: huyền thoại tâm linh, lịch sử, tôn giáo, hoặc giấc mơ, chứng “điên” nơi người rối loạn tâm thần, hoặc một tử thi, một linh hồn. Đảo lộn hệ qui chiếu từ người sống sang người chết, Márquez đã đảo lộn mọi điểm nhìn cũ, hóa giải nỗi sợ hãi muôn đời về sự sinh tử, nối dài sự sống cho những kẻ đã chết. Điều này không phải là mối quan tâm ở tiểu thuyết Llosa. 3.5. Liên kết các thành tố: nguyên lý của tính lập thể và tính đối lập Cấu trúc nghệ thuật của tiểu thuyết bao hàm nhiều thành tố trên nhiều cấp độ. Bên trên chúng tôi chọn một số thành tố cho thấy biểu hiện tương đồng trong nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Như chứng minh qua các phần trên, các thành tố này đã luôn liên kết với nhau trong cùng một hệ thống. Khi nghiên cứu về tiểu thuyết Márquez và Llosa, nhiều người đã chỉ ra cảm quan đa trị dẫn đến cấu trúc mê lộ của văn bản. Chúng tôi lại cho rằng, cách thức tự sự của Márquez và Llosa thường đặt trên nguyên tắc “lập thể”, nghĩa là đối tượng được mổ xẻ, phân tích và kết hợp lại trong một hình thức tương quan ngầm ẩn. Nhà văn không quan sát đối tượng ở một góc nhìn 17 cố định mà đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Trên văn bản có sự phối cảnh, sự chồng chất đa tầng các mảng khác nhau, chúng hiển hiện đôi khi không cần những chỉ dẫn, gợi ý. Sự khác nhau giữa Márquez và Llosa: Llosa thường mổ xẻ cấu trúc đối tượng theo nhiều góc độ, dẫn đến sự phức tạp về hình ảnh, về thế giới nghệ thuật. Đối tượng trong tiểu thuyết của ông bị chia thành nhiều mảng nhỏ rối rắm, tản ra nhiều phía, hướng về nhiều cạnh. Những hình ảnh được cắt ra và xếp lại một cách ngẫu nhiên, chồng chéo trên cùng một mặt phẳng, những bảng màu hết sức đơn giản, thông thường là màu xám đậm, có thể gọi đó là phong cách lập thể Phân tích. Márquez lại theo phong cách lập thể Tổng hợp. Các tác phẩm của ông thường mang đường nét và hình dáng tổng quát hơn; ít rối rắm về chi tiết, bối cảnh ấm nóng và gom lại từng khối hơn. Márquez và Llosa đôi khi dịch chuyển giữa hai phong cách này. Tính chất lập thể chúng tôi trình bày ở đây liên quan đến tính chất baroque: sự ngẫu hứng phức hợp, sự bay bổng và biểu cảm mãnh liệt mà nhiều học giả châu Âu và Mỹ Latinh từng đề xuất. Bên cạnh tính chất lập thể, chúng tôi chú ý đến tính chất đối cực, tương phản như là một nguyên tắc liên kết của cấu trúc tiểu thuyết Mỹ Latinh. Ở Márquez là cảm quan về chân thực và giả dối, tội lỗi và nghiệp báo, diệt vong và tái sinh, từ đấy dẫn đến những cấu trúc có tính chất tương phản: đầu và cuối tương ứng và hủy bỏ nhau, nhân vật mang những phẩm cách đối lập, giọng kể, biểu tượng đầy tính nghịch dị. Nổi trội trong tác phẩm của Llosa là cảm quan về sự đối lập giữa thân phận con người và quyền lực xã hội, giữa khát vọng tự do và sự đàn áp, giữa tình yêu và thù hận. Tác phẩm của Márquez và Llosa căn cứ trên nguyên lý đối lập và bổ sung giữa huyền thoại và giải huyền thoại, lịch sử và hư cấu lịch sử, hiện thực và phản hiện thực, tính cổ sơ và tính hiện đại, minh triết và bất định… Phương diện này có thể lý giải trên nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là trên cơ sở địa lý, nhân học của khu vực Mỹ Latinh. CHƯƠNG 4 CẤU TRÚC TƯ TƯỞNG NHÌN TỪ MỐI LIÊN HỆ VỚI CẤU TRÚC NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ VÀ MARIO VARGAS LLOSA 4.1. Quan niệm về “cấu trúc tư tưởng” của tiểu thuyết 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan