Mô tả:
- Từ xa xưa, trò chơi là hình thức giải trí không thể thiếu trong đời sống con người, nó mô tả lại đời sống tự nhiên, xã hội, mô tả lại những hoạt động, công việc của con người và nó được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa, giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Trò chơi thỏa mãn được nhu cầu của cá nhân, tập thể thậm chí cộng đồng người. Chúng ta không thể phủ nhận giá trị mà trò chơi đem lại trong đời sống. Trong hoạt động học tập trò chơi có tác dụng phát triển trí tuệ như rèn trí thông minh, óc sáng tạo, phát triển phản xạ nhanh nhẹn, hoạt bát Góp phần tăng thêm sự đoàn kết, tương thân, tương ái, ngoài ra nó còn là phương tiện dạy học rất hiệu quả mà lại ít tốn kém. - Với chủ trương giáo dục hiện nay trong các trường học là xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo ra môi trường giáo dục an toàn, cởi mở, thân thiện để học sinh phát huy hết năng lực của mình trong học tập và trong các hoạt động khác. Đặc biệt là ở lứa tuổi Mầm Non, chơi là hoạt động chủ đạo đối với trẻ “Trẻ chơi mà học, học mà chơi”.Các hình thức học của trẻ luôn được đặt dưới dạng trò chơi để trẻ dễ tiếp thu kiến thức và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó tôi nhận thấy mình cần cho trẻ chơi nhiều trò chơi hơn nữa và tôi đã trăn trở không biết nên đưa vào những trò chơi nào cho phù hợp? Trò chơi nào mà trẻ dễ thuộc, dễ nhớ, dễ chơi mà lại tạo hiểu quả trong việc truyền thụ kiến thức cho trẻ và để gây hứng thú cho trẻ trong các hoạt động giáo dục. Từ những suy nghĩ ấy tôi đã lựa chọn trò chơi dân gian vì trò chơi dân gian rất phong phú về thể loại và đa dạng về hình thức và có thể nói trò chơi dân gian là một loại trò chơi mà giúp trẻ dễ dàng tiếp thu tri thức nhất. Nó là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta. Nó được đúc kết từ những kinh nghiệm, quá trình lao động, sinh hoạt của nhân dân ta và nó rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ chơi và mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động học tập, vui chơi của trẻ Mầm Non.