Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn một số kinh nghiệm cải tiến thí nghiệm sinh học phục vụ giảng dạy theo hướn...

Tài liệu Skkn một số kinh nghiệm cải tiến thí nghiệm sinh học phục vụ giảng dạy theo hướng tích cực hóa môn sinh học

.DOC
13
1197
147

Mô tả:

SKKN: MỘT SỐ KINH NGHIỆM CẢI TIẾN THÍ NGHIỆM SINH HỌC PHỤC VỤ GIẢNG DẠY THEO HƯỚNG TÍCH CỰC HÓA MÔN SINH HỌC A- ĐẶT VẤN ĐỀ I-Lời mở đầu: Thực hịện Nghị quyết TW 4 khoá VII (tháng 01 năm 1993) và Nghị quyết TW 2 khoá VIII (tháng 12 năm 1996), cũng như việc cụ thể hoá trong Luật giáo dục (tháng 12 năm 1998) "Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh phù hợp với từng đặc điểm của lớp học, môn học .... đem lại niềm vui hứng thú học tập cho học sinh". Như vậy, đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động của học sinh và việc vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng học sinh, từng biện pháp dạy học, đòi hỏi người giáo viên phải có sự đổi mới cả về tư duy lẫn phương pháp dạy học. Để thực hiện tốt phương pháp dạy học trong việc đổi mới sách giáo khoa của Bộ GD - ĐT. Người giáo viên nhất thiết phải có những phương pháp giảng dạy phù hợp, sáng tạo và sinh động để thúc đẩy học sinh hoạt động tích cực trong học tập, lĩnh hội tri thức mới và nắm bài ngay tại lớp. Từ đó có kiến thức cơ sở vận dụng vào cuộc sống, giải thích các hiện tượng thực tế trong tự nhiên. Mặt khác, tuỳ từng đối tượng học sinh, tuỳ vào cơ sở vật chất của nhà trường mà giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học sáng tạo khác nhau vào giảng dạy để đạt được kết qủa cao nhất. Với lòng yêu nghề, sự ham mê nghiên cứu tìm tòi học hỏi, cũng như việc vận dụng phương pháp dạy học sáng tạo vào môn Sinh học lớp 6 để phù hợp với thực tiễn ở trường THCS Đọi Sơn – huyện Duy Tiên trong năm học 2013-2014. Trong quá trình giảng dạy môn Sinh học lớp 6 điều đáng chú ý nhất là các thí nghiệm trực quan, trong đó có nhiều thí nghiệm rất khó thành công do phụ thuộc vào điều kiện vùng miền, thời tiết, mùa vụ và đối tượng học sinh. Vì vậy tôi luôn trăn trở để tìm ra những biện pháp cải tiến thí nghiệm sinh học phù hợp phục vụ giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập môn Sinh học lớp 6 để làm đề tài nghiên cứu khoa học. “Một số kinh nghiệm cải tiến thí nghiệm sinh học phục vụ giảng dạy theo hướng tích cực hoá môn Sinh học 6” trong chương trình Sinh học 6 bậc THCS hiện hành ở trường THCS Đọi Sơn – huyện Duy Tiên. II-Thực trạng dạy học bộ môn Sinh học 6 ở trường THCS Đọi Sơn: 1.Thực trạng sử dụng thiết bị và đồ dùng dạy học phục vụ giảng dạy môn Sinh học 6 ở trường THCS Đọi Sơn năm học 2013-2014: 1.1- Đồ dùng dạy học: Đồ dùng dạy học trong nhà trường còn ít hoặc một số đồ dùng được cấp chỉ mang tính hình thức còn chất lượng và số lượng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu bộ môn.Với lượng đồ dùng dạy học như vậy giáo viên rất khó khăn trong quá trình giảng dạy cũng như chưa đủ để gây hứng thú học tập cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực. 1.2- Công tác sử dụng dồ dùng dạy học: - Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy chương trình SGK đổi mới còn nhiều lúng túng, chưa triệt để, đặc biệt trong các khâu tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Trong quá trình tổ chức cho học sinh thảo luận còn gượng ép, hoặc còn mang tính hình thức ở một số tiết dạy. Lượng kiến thức học sinh tiếp thu trong tiết học chưa đảm bảo mục tiêu bài học. Do vậy học sinh chưa tích cực trong học tập, chưa thực sự tìm tòi, suy nghĩ, nghiên cứu để phát hiện kiến thức mới. Nguyên nhân đó là do đồ dùng dạy học và phương pháp dạy học sáng tạo còn nhiều hạn chế . Ví dụ: Khi quan sát thí nghiệm các em mới chỉ ra được các bước tiến hành thí nghiệm nhưng lại chưa thấy và giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm đó. - Mặt khác chất lượng học sinh không đồng đều, nhiều học sinh chưa chú tâm học tập, chưa học bài cũ và chuẩn bị bài, chuẩn bị mẫu vật trước ở nhà; một bộ phận học sinh còn ngồi nhầm lớp. Nên việc giáo viên áp dụng, triển khai các hoạt động học tập yêu cầu học sinh quan sát, thảo luận nhóm theo hướng tích cực hoá để giải quyết vấn đề đặt ra còn rất khói khăn. 2. Kết quả và hiệu quả của việc sử dụng phương pháp dạy học môn Sinh học lớp 6-Chương IV: Lá ở trường THCS ĐỌI SƠN cho đến năm học 20132014: 2.1- Kết quả điều tra lấy ý kiến của giáo viên và học sinh: * Đối với giáo viên giảng dạy môn sinh:(lấy ý kiến thông qua trao đổi trực tiếp) Thầy, cô đã và đang giảng dạy môn sinh học 6 thường hay gặp phải những khó khăn gì trong quá trình dạy học ? Hầu hết giáo viên đều có ý kiến: " Ở Chương IV: Lá, chúng tôi đã rất cố gắng đưa phương pháp mới vào giảng dạy, chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học nhưng hầu như các thí nghiệm trực quan cho học sinh quan sát khi làm vẫn chưa thực sự thành công, đôi khi thí nghiệm làm mãi, đúng qui trình nhưng vẫn không cho ra kết quả. Do vậy trong một số bài dạy giáo viên còn lúng túng, chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp kiến thức và yêu cầu học sinh công nhận kết quả mà chưa cho học sinh thấy được diễn biến của thí nghiệm cũng như kết quả thí nghiệm để học sinh tích cực trong các hoạt động học, tìm tòi, thảo luận để giải thích được hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm và vận dụng kiến thức để giải thích được các hiện tượng thực tế ngoài tự nhiên" * Đối với học sinh: (lấy ý kiến thông qua phát phiếu điều tra đến tất cả học sinh khối 6, 7 năm học 2013-2014 và trao đổi trực tiếp một số học sinh trong khối) Em có nhận xét và ý kiến gì sau khi học xong chương IV: Lá - thuộc chương trình sinh học 6 ? - Đa số học sinh khối 6 đều có nhận xét chung là: “ Em rất thích học những tiết dạy của các thầy, cô khi dạy về chương IV: Lá vì qua các tiết học trong chương chúng em được trực tiếp làm thí nghiệm, trực tiếp quan sát thấy được những hiện tượng thực tế xảy ra đối với thực vật, từ đó chúng em có thể tự giải thích được những hiện tượng thực tế ngoài tự nhiên khi chúng em gặp phải. Mặt khác qua các bài học đó lại khơi dậy cho chúng em tính tò mò ham hiểu biết tìm tòi đối với thực vật và giúp chúng em gần gũi, yêu thiên nhiên hơn”. Học sinh khối 7 lại có nhận xét: “ Chúng em rất yêu thích bộ môn sinh học đặc biệt là bộ môn sinh học 6 vì khi học môn Sinh học 6 chúng em cảm thấy yêu và gần gũi với thiên nhiên, khám phá được thế giới thực vật xung quanh. Nhưng khi học đến chương IV: lá, chúng em lại rất buồn vì một số bài chúng em không làm được thành công các thí nghiệm trong SGK, kể cả khi chúng em quan sát thấy các thầy cô làm thí nghiệm đôi khi vẫn chưa thành công, do vậy chúng em không quát sát thấy được các hiện tượng xảy ra ở thực vật. Ví dụ: Thí nghiệm sgk H21.2 tr69; H21.5 tr71; H23.1 tr77. Từ đó làm chúng em mất dần hứng thú khi học tập bộ môn sinh nhất là khi tham gia thảo luận nhóm để giải thích kết quả thí nghiệm cũng như lòng say mê học hỏi, tìm hiểu thực vật”. 2. 3. Đánh giá tiết dạy khi chưa áp dụng thí nghiệm cải tiến: Trong các tiết dạy sinh học ở Chương IV: Lá, đặc biệt là khi giảng dạy các bài: 21, 23 giáo viên tiến hành làm thí nghiệm rất vất vả nhưng kết quả thí nghiệm đạt được không như mong muốn . Mặt khác dụng cụ thí nghiệm được cấp với số lượng rất hạn chế chỉ phục vụ đủ cho giáo viên làm thí nghiệm phục vụ giảng dạy, còn về phía học sinh không được trực tiếp tự thiết kế làm thí nghiệm trước mà chỉ tự tìm hiểu thí nghiệm trước ở nhà thông qua SGK. Chính vì thế nên tiết dạy theo phương pháp tích cực hoá lấy học sinh làm trung tâm chưa dạt được kết quả cao, chưa khuyến khích được tính tự học tự nghiên cứu của học sinh, học sinh học tập trầm, ít phát biểu ý kiến xây dựng bài, nhiều học sinh học tập có vẻ mệt mỏi không hứng thú với tiết dạy đặc biệt là đối với đối tượng học sinh yếu kém. * * * B- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Năm 2013 - 2014 là năm học tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới SGK THCS của bộ GD & ĐT. Trong đó bộ môn Sinh học THCS đã có nhiều thay đổi về kênh hình lẫn kênh chữ làm sinh động hơn về nội dung SGK cũng như tăng kỹ năng làm việc độc lập của học sinh để lĩnh hội và chiếm lĩnh tri thức mới, đó chính là điểm mạnh, điểm ưu việt mà SGK cũ không có được. Vì vậy để đạt được mục tiêu giáo dục, qua thời gian mày mò nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực đặc biệt là phương pháp làm thí nghiệm trực quan ở bộ môn Sinh học 6 tại trường THCS và trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp. Qua đó tôi đưa ra những biện pháp nhằm mục đích gây hứng thú học tập tích cực cho học sinh ở bộ môn Sinh học 6, góp phần từng bước nâng cao dần chất lượng dạy và học. Để đạt được điều đó tôi đưa ra một số giải pháp sau: I/ Yêu cầu khi dạy phần thí nghiệm trực quan: 1-Yêu cầu về kiến thức: - Thông qua thí nghiệm giúp hình thành ở học sinh có tố chất tư duy của nhà nghiên cứu. - Củng cố và khắc sâu kiến thức cho học sinh, hình thành được các đơn vị kiến thức bài học mà học sinh cần đạt đựợc. - Qua thí nghiệm học sinh phát hiện được kiến thức mới đồng thời liên hệ với kiến thức đã học để giải thích được hiện tượng sinh học xảy ra. 2-Yêu cầu về kỹ năng: - Giáo viên phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hoá chất, mẫu vật và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo thí nghiệm thành công. Có thể giao cho học sinh chuẩn bị nhưng phải kiểm tra. - Trong khi tiến hành thí nghiệm giáo viên phải : + Nêu mục tiêu TN, phải đảm bảo mỗi HS nhận thức rõ mục tiêu làm TN để làm gì ? + Hướng dẫn HS cách tiến hành TN, phải đảm bảo mỗi HS nhận thức rõ làm thí nghiệm như thế nào ? Bằng cách nào ? + Qua TN yêu cầu học sinh phải mô tả được kết quả TN; HS phải viết ra (hoặc nói ra) các kết quả mà họ quan sát thấy trong quá trình làm thí nghiệm. Từ đó phân tích, so sánh, nhận xét, giải thích để rút ra kết luận cần thiết. - Hình thành cho học sinh kỹ năng hợp tác, học tập theo nhóm để phát huy hết khả năng, năng lực học tập của từng học sinh. 3-Yêu cầu về thái độ: - Học sinh phải tự giác, tích cực học tập. - Trong quá trình tiến hành TN GV và HS cần chú trọng đến từng thao tác, nhiều khi chỉ sai sót trong một khâu là kết quả TN đã không như mong muốn. Để hoàn thành tốt mục tiêu bài học cũng như giúp giáo viên áp dụng thành công phương pháp dạy học tích cực “ dạy học lấy học sinh làm trung tâm” và nhẹ nhàng trong từng tiết dạy nhưng học sinh vẫn hăng say tích cực học tập lĩnh hội tốt kiến thức ngay tại lớp, đặc biệt là những tiết có thí nghiệm trực quan. Với suy nghĩ đó tôi đã đưa ra một số giải pháp sau. II/ Một số giải pháp cải tiến thí nghiệm theo hướng tích cực hóa hoạt động học của học sinh đối với môn Sinh học lớp 6 1- Lập kế hoạch giảng dạy: Đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy cần phải chuyên tâm vào tiết dạy, nghiên cứu kỹ SGK, SGV,CKTKN, tài liệu tham khảo liên quan, làm thử các thí nghiệm trực quan trước khi lên lớp. Đồng thời phải nắm bắt được từng đối tượng học sinh trong lớp giảng dạy thuộc bộ môn của mình bằng cách kiểm tra kiến thức ít nhất 3 lần bằng hình thức trắc nghiệm hoặc kiểm tra viết 15 phút tại lớp, sau đó thống kê kết quả kiểm tra và phân loại học sinh. Qua kết quả phân tích đánh giá phân loại học sinh, giáo viên lên kế hoạch giảng dạy cho cả năm học, cụ thể đến từng tuần học, thông qua kế hoạch giảng dạy giáo viên thiết kế bài dạy đối với từng tiết học cụ thể có tính sáng tạo phù hợp với đối tượng học sinh, cũng như việc chuẩn bị phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu đề ra. 2- Cải tiến đồ dùng dạy học: Trong quá trình nghiên cứu nội dung chương trình SGK, SGV để định hướng thiết kế giáo án giảng dạy thì ở mỗi tiết dạy giáo viên cần phải luôn luôn có suy nghĩ làm thế nào để giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đặc biệt trong mỗi tiết dạy học sinh phải sôi nổi học tập hoàn thành được nhiệm vụ do giáo viên đề ra. Để có được điều đó người giáo viên phải tận tâm với nghề, luôn luôn phải tìm tòi suy nghĩ để tìm ra con đường dạy học ngắn nhất. Dưới đây tôi xin trình bày kinh nghiệm của bản thân về cải tiến một số thí nghiệm giúp học sinh hoạt động tích cực lĩnh hội kiến thức trong bài 21, 23 SGK Sinh học 6. * Một số thí nghiệm đã được cải tiến để phục vụ giảng dạy các bài 21; 23Sinh học lớp 6: ** Thí nghiệm 1: Tiết 23 “Bài 21: Quang hợp; mục 2: Xác định chất khí thải ra trong quá trình lá chế tạo tinh bột”. SGK Sinh học 6 hiện hành đưa ra thí nghiệm sau: - Lấy vài cành rong đuôi chó (cây thuỷ sinh khác) cho vào hai cốc thuỷ tinh A và B đựng đầy nước. Đổ nước vào đầy hai ống nghiệm, úp mỗi ống nghiệm đó vào một cành rong trong mỗi cốc, sao cho không có bọt khí lọt vào. Để cốc A vào chỗ tối hoặc bọc ngoài bằng một túi giấy đen. Đưa cốc B ra chỗ có nắng hoặc dưới đèn sáng có chụp. Sau khoảng 6 giờ, quan sát hai cốc, ta thấy: từ cành rong trong cốc B có những bọt khí thoát ra rồi nổi lên và chiếm một khoảng dưới đáy ống nghiệm, còn cành rong trong cốc A không có hiện tượng đó ( H.21.2A, và H.21.2B). Lấy ống nghiệm ra khỏi cốc B, lật lại để xác định chất khí do cây rong đã thải ra bằng cách: đưa nhanh que đóm vừa tắt ( chỉ còn tàn đỏ) vào miệng ống nghiệm, ta ta thấy que đóm lại bùng cháy (H.21.2C *Nhận xét thí nghiệm SGK: Đây là thí nghiệm nhằm chứng minh kết quả cho học sinh thấy khí thải ra môi trường bên ngoài trong quá trình chế tạo tinh bột là khí ô xi. Tuy nhiên thí nghiệm này không nhất thiết phải làm, nhưng đối với những trường có phòng thí nghiệm cũng như để khích lệ tính tò mò, lòng hăng say tìm hiểu thế giới thực vật xung quanh, tạo sự hưng phấn trong học tập đặc biệt là trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học tích cực, thì giáo viên nên làm để cho học sinh quan sát kết quả. Trong quá trình giảng dạy chúng tôi thấy thí nghiệm này rất khó thành công, nguyên nhân do ống nghiệm nhỏ chỉ chứa được một vài cành rong nên lượng khí thu được ở đáy ống nghiệm ít. Mặt khác khi thử khí ôxi phải lộn ngược ống nghiệm còn nhiều nước. Ngoài ra khi quan sát thí nghiệm ta thấy lượng khí ôxi thoát ra ở cành rong phía ngoài ống nghiệm không được thu rất lãng phí. Để khắc phục nhược điểm đó tôi đã cải tiến lại thí như sau: * Dụng cụ và vật liệu thí nghiệm: - Ống nghiệm, phễu thuỷ tinh, cốc thuỷ tinh, diêm. - Rong ráp. * Các bước tiến hành: Bước 1: Đổ nước lã ( tốt nhất là nước ao hồ ) vào cốc thuỷ tinh. Bước 2: Đặt 3 – 4 cành rong ráp lên đáy cốc, sau đó úp phễu thuỷ tinh lên đó. Bước 3: Đổ đầy nước lã vào ống nghiệm rồi bịt chặt ngón tay lên miệng ống, dốc ngược ống nghiệm sau đó úp vào cuống phễu. Bước 4: Đặt thí nghiệm ra ngoài nơi có nhiều ánh nắng hoăc đặt trước ngọn đèn điện 100W có chụp hắt sáng. * Kết quả thí nghiệm: - Sau một thời gian ngắn thí nghiệm thấy xuất hiện bọt khí ở các cành rong, dần dần tụ lại ở đáy ống nghiệm. - Khi thu được nhiều khí, thử bằng cách lật ngược ống nghiệm lại và đưa ngay que đóm còn than đỏ vào trong miệng ống nghiệm sẽ thấy tàn than đỏ loé sáng hoặc bùng cháy. Ta kết luận khí thu được là khí ôxi. * Những chú ý khi làm thí nghiệm: Để đảm bảo thí nghiệm thành công cần phải: - Cành rong phải rửa sạch, nhặt hết lá vàng, lá dặp, lá bị thối và đoạn gốc không có lá. - Kê cho miệng phễu thuỷ tinh không nằm sát đáy cốc. - Không cho không khí lọt vào ống nghiệm khi úp ngược ống nghiệm lên phễu thuỷ tinh. - Để tăng hiệu suất quang hợp thì bổ sung thêm CO 2 vào nước bằng cách cho vào cốc nước một lượng nhỏ Na2CO3. * Ưu và khuyết điểm của thí nghiệm: + Ưu điểm: - Thí nghiệm được thiết kế đơn giản, qui trình thí nghiệm khép kín. - Lượng khí Ôxi thu được nhiều, không bị lãng phí, kết quả thí nghiệm dễ thành công. Đồng thời rút ngắn được thời gian thí nghiệm (chỉ mất khoảng 2 giờ). - Dụng cụ, vật liệu làm thí nghiệm đơn giản, sẵn có trong phòng thí nghiệm. Vì vậy rất thuận lợi trong việc hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm trước ở nhà. + Khuyết điểm: Tuy thí nghiệm này đã khắc phục được một số nhược điểm của thí nghiệm đã nêu trong SGK, nhưng thí nghiệm vẫn còn một số hạn chế như khi thử khí vẫn còn phải lộn ngược ống nghiệm chứa đầy nước. ** Thí nghiệm 2: Tiết 24 “Bài 21: Quang hợp (tiếp theo)” SGK , tr 71 - Sinh học 6. Để chứng minh “nếu không có khí cacbonic lá cây không thể chế tạo được tinh bột” SGK đã đưa ra thí nghiệm sau: - Đặt hai chậu cây vào chỗ tối trong hai ngày để tinh bột ở lá bị tiêu hết. Sau đó đặt mỗi chậu cây lên một tấm kính ướt. Dùng hai chuông thuỷ tinh A và B úp ra ngoài mỗi chậu cây. Trong chuông A cho thêm cốc nước vôi trong để dung dịch này hấp thụ hếtkhí cacbonic của không khí trong chuông. Đặt cả hai chuông thí nghiệm ở chỗ có nắng (H.21.4). Sau khoảng 5 - 6 giờ, ngắt lá của mỗi cây để thử tinh bột bằng dung dịch iốt loãng . (H21.5)cho ta biết kết quả thử dung dịch iốt trên lá trong hai chuông đó . * Nhận xét thí nghiệm SGK: Đây là thí nghiệm nhằm chứng minh cho học sinh thấy “nếu không có khí cacbonic lá cây không thể chế tạo được tinh bột ”. Yêu cầu của thí nghiệm phải đạt được kết quả: có được lá của hai cây để thử dung dịch iốt (kết quả sau khi thử dung dịch iốt một lá cho màu nâu nhạt, một lá có màu xanh tím). Hiện nay do đồ dùng dạy học ở phòng thí nghiệm trong các nhà trường còn thiếu thốn nên việc tiến hành thí nghiệm còn rất khó khăn, mặt khác để đạt được kết quả thí nghiệm chính xác, đồng thời tạo nên sự tò mò và rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích thí nghiệm của học sinh từ đó khích lệ các em sôi nổi tham gia thảo luận giúp giáo viên thực hiện tốt đổi mới trong phương pháp dạy học. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó tôi đã cải tiến thí nghiệm như sau: *Thí nghiệm được cải tiến: -Bước 1: Để hai chậu cây khoai lang A và B vào chỗ tối 2-3 ngày để tinh bột ở lá bị tiêu hết -Bước 2: Dùng hai thanh que cứng buộc theo hình chữ T sau đó cắm vào mỗi chậu một que sát với gần gốc mỗi cây và cao hơn ngọn cây khoảng 10-15 cm để làm giá đỡ. -Bước 3: Bọc bên ngoài mỗi chậu một túi nilông trong trùm lên trên que chữ T và phủ kín mặt chậu, sau đó để vào chậu A một cốc nước bồ tạt đặc (chứa dung dịch KOH đặc) và một cốc nước lã. Chậu B được đặt một cốc nước lã giống chậu A và một cốc đựng dung dịch NaHCO3. -Bước 4: Kéo căng túi nilông và dùng dây chun buộc chặt miệng túi nilông vào thành mỗi chậu. -Bước 5: Đặt cả hai chậu A và B ra ngoài chỗ có ánh nắng. Sau khoảng 5-6 giờ, ngắt lá của mỗi cây để thử tinh bột bằng dung dịch iốt loãng. * Ưu điểm của thí nghiệm đã được cải tiến: Qua thí nghiệm trên tôi thấy có những ưu điểm sau: - Khắc phục được sự thiếu thốn dụng cụ trong phòng thí nghiệm ( như đĩa thuỷ tinh, chuông thuỷ tinh ). - Thí nghiệm dễ làm, dễ thành công, tránh được đổ vỡ, lềnh kềnh. - Vật liệu, dụng cụ thí nghiệm dễ tìm, sẵn có ở địa phương. - Học sinh tự làm được thí nghiệm trước ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên. * Những lưu ý khi làm thí nghiệm cải tiến: Để thí nghiệm nhanh mang lại kết quả chính xác, trong quá trình thí nghiệm cần phải lưu ý một số điểm sau: - Hai chậu phải được đặt nơi thật tối để quá trình khử tinh bột xảy ra nhanh. - Chậu A nên dùng nước bồ tạt đặc (dd KOH đặc) thay cho nước vôi trong Ca(OH)2 vì dd KOH có khả năng hấp thụ nhanh khí CO 2 hơn là dd Ca(OH)2. - Chậu B nên để thêm một cốc chứa dd NaHCO 3 vì dung dịch này sẽ làm lăng hàm lượng khí CO2 trong chậu đối chứng. - Khi trùm túi nilông lên chậu phải kéo căng và buộc kín để không khí trong chậu không bị thoát ra ngoài. - Nếu trong khi thí nghiệm gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi (như râm mát), phải đặt chậu thí nghiệm nơi có ánh đèn điện 100 W có chụp hắt ánh sáng. **Thí nghiệm 3: Tiết 26 “ Bài 23: Cây có hô hấp không “ SGK, Tr 77. *Thí nghiệm SGK: Lấy hai cốc nước vôi trong giống nhau, đặt lên 2 tấm kính ướt rồi dùng hai chuông thuỷ tinh A và B úp vào, trong chuông A có đặt một chậu cây. Cho cả hai chuông thí nghiệm vào chỗ tối. Sau khoảng 6 giờ, thấy cốc nước vôi ở chuông A bị đục và trên mặt có một lớp váng trắng dày, cốc nước vôi ở chuông B vẫn còn trong và trên mặt chỉ có một lớp váng trắng rắt mỏng. ( H.23.1 ) *Nhận xét thí nghiệm SGK: Đây là loại thí nghiệm nhằm chứng minh “có hiện tượng hô hấp ở cây”, vì vậy để tiết học sôi nổi giáo viên nên làm trước thí nghiệm sau đó mang thí nghiệm lên lớp cho học sinh quan sát kết quả. Tuy nhiên nếu tiến hành làm thí nghiệm như qui trình SGK thì kết quả thí nghiệm đạt được sẽ lâu và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy để rút ngắn thời gian thí nghiệm nhưng kết quả đạt được của thí nghiệm vẫn chính xác tôi đã cải tiến lại thí nghiệm như sau: *Thí nghiệm được cải tiến như sau: Bước 1: - Dùng hai thanh que cứng buộc theo hình chữ T sau đó cắm vào mỗi chậu một que, trong chậu A que được cắm sát với gần gốc cây và cao hơn ngọn cây khoảng 10-15 cm để làm giá đỡ. Trong chậu B que được căm vào chính giữa chậu. Bước 2: - Dùng túi nilông trùm kín lên phần que và cây trong chậu A, phần miệng túi được buộc chặt vào gốc cây và gốc que cắm trong chậu. Ở chậu B túi ni lông được trùm kín lên phần que trong chậu và miệng túi được buộc chặt vào gốc của que cắm. Bước 3: - Đặt vào trong túi ni lông ở mỗi chậu một cốc nước vôi trong và một cốc nước lã. Bước 4: - Cho cả hai chậu vào chỗ tối khoảng 4-5 giờ. Quan sát sẽ thấy cốc nước vôi trong ở chậu A sẽ bị đục và trên bề mặt xuất hiện lớp váng trắng dày, mặt khác trên bề mặt túi ni lông ở phía trong đọng lại những giọt nước và túi ni lông bị mờ dần.Ngược lại cốc nước vôi trong ở chậu B vẫn còn trong và trên bề mặt chỉ có một lớp váng rất mỏng, khi quan sát trên bề mặt túi ni lông ở phía trong không thấy đọng lại những giọt nước và túi không bị mờ. *Những lưu ý khi làm thí nghiệm cải tiến: - Phải chao đi, chao lại ba lần cả hai túi ni lông trước khi trùm lên cây trong chậu A và trùm lên que cắm trong chậu B. - Buộc túi ni lông vào gốc cây hoặc gốc que cắm phải chặt và kín để không cho không khí bên ngoài lọt vào. - Cây trồng trong chậu phải có nhiều lá xanh, tốt nhất là chọn cây khoai lang. * Ưu điểm của thí nghiệm được cải tiến: - Thí nghiệm dễ làm, dễ kiếm dụng cụ thí nghiệm và dễ thành công. - Tránh được tình trạng đổ vỡ do va chạm dụng cụ, đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu dụng cụ làm thí nghiệm như “chuông thuỷ tinh” trong các nhà trường. - Qua thí nghiệm học sinh quan sát thấy rõ được khí CO 2 làm đục và tạo váng dày trên bề mặt nước vôi trong. Đồng thời thấy được trong quá trình hô hấp ở cây xanh hơi nước được thoát ra và tích tụ lại thành từng giọt trên bề mặt phía trong túi ni lông và làm mờ túi. - Học sinh có thể tự làm được thí nghiệm và quan sát được kết quả ở trước ở nhà khi học bài này bằng sự hướng dẫn trước của giáo viên. - Khích lệ được tính tích cực học tập, nghiên cứu độc lập của học sinh tạo nên không khí học tập sôi nổi trong tiết học. 3- Linh hoạt, sáng tạo trong dạy học: Trong quá trình giảng dạy môn Sinh học lớp 6 cụ thể là dạy các bài trong Chương IV: Lá, có những phương tiện dạy học không có sẵn hoặc thiếu thốn không đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy, đặc biệt là các dụng cụ phục vụ cho giáo viên, học sinh tiến hành thí nghiệm, do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình bài giảng cũng như việc lĩnh hội kiến thức của học sinh. Vì vậy giáo viên cần phải linh hoạt có thể thay thế và lựa chọn phương tiện dạy học, phương pháp dạy học sao cho phù hợp. C- Kết luận 1.Kết quả nghiên cứu: 1. 1 Đánh giá chung: - Việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, linh hoạt, sáng tạo phù hợp đặc trưng bộ môn, phù hợp chương trình đổi mới SGK của Bộ GD & ĐT để đạt được hiệu quả sư phạm cao là một tất yếu có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp giáo dục hiện nay. - Thí nghiệm sinh học có tác dụng đặc biệt quan trọng trong giảng dạy môn sinh học. Do đó việc cải tiến thí nghiệm sinh học có ý nghĩa nhất định trong việc đảm bảo sự thành công của thí nghiệm cũng như sự thành công của tiết dạy. Từ đó góp phần tích cực trong quá trình lĩnh hội kiến thức, bồi dưỡng tư duy khoa học cho học sinh. - Qua đề tài này phần nào đã khắc phục được một số hạn chế khi sử dụng đồ dùng và phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá học sinh, phục vụ chương trình đổi mới SGK và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. * kết quả: Qua một thời gian theo dõi tôi thấy khi áp dụng thí nghiệm đã cải tiến vào giảng dạy thì đa số học sinh hiểu bài, nắm vững trọng tâm và mục tiêu bài học. Kết quả đã giúp chúng ta mạnh dạn khẳng định “thí nghiệm đã cải tiến là đúng” và “cải tiến thí nghiệm theo hướng thuận là một phần yếu tố quan trọng giúp người giáo viên thành công trong tiết dạy ”. 2. Đánh giá tiết dạy đã được áp dụng các thí nghiệm được cải tiến: - Trong tiết dạy giáo viên đưa ra thí nghiệm trực quan đã chuẩn bị sẵn, không sử dụng phương pháp thuyết trình, không giảng giải nhiều, giáo viên có nhiều thời gian quan sát bao quát lớp học và tổ chức hướng dẫn học sinh quan sát thí nghiệm trực quan, tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm để giải thích hiện tượng và rút ra kết quả thí nghiệm. - Học sinh tích cực, sôi nổi quan sát thí nghiệm và thảo luận nhóm tìm ra phương án đúng để giải thích hiện tượng và kết quả thí nghiệm, từ đó hăng say phát biểu ý kiến, nhận xét, bổ sung rút ra kết luận đúng đồng thời vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tế. 3. Bài học kinh nghiệm: * Đối với giáo viên: Để đạt được kết quả trên, người giáo viên cần phải: o Yêu nghề, yêu quý học sinh, tâm huyết với nghề. o Có lòng kiên trì, nhẫn nại, cần mẫn, chịu khó, ham học hỏi. o Có sự tư duy độc lập, sáng tạo và biết lắng nghe ý kiến người khác. o Trong quá trình giảng dạy phải lập kế hoạch dạy học trước, chuẩn bị chu đáo, làm trước thí nghiệm nhiều lần để rút kinh nghiệm đồng thời quán triệt mục tiêu và cụ thể hoá mục tiêu bài học, thể hiện tinh thần đổi mới phương pháp dạy học cũng như đảm bảo tính thống nhất nội dung chương trình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng đối tượng học sinh. * Đối với học sinh: Các thí nghiệm thực hành ở môn Sinh học lớp 6 là một nội dung quan trọng, Bởi vì thông qua thí nghiệm giúp học sinh phát hiện kiến thức mới, củng cố kiến thức cũ và giải thích được những hiện tượng thực tế xảy ra đối với thực vật trong tự nhiên. Do vậy học sinh cần phải: o o o o o Hứng thú say mê học tập, tìm tòi khám phá. Đọc và làm thí nghiệm trước ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chuẩn bị thí nghiệm đầy đủ trước khi đến lớp. Tập trung quan sát thí nghiệm để phát hiện được dấu hiệu, hiện tượng xảy ra. Cần đào sâu suy nghĩ, không nóng vội, cẩn thận. 5. Những kiến nghị và đề xuất: Tôi xin đưa ra một vài ý kiến sau: * Đối với nhà trường: cần tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học và quỹ thời gian để giáo viên có điều kiện trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo cải tiến đồ dùng dạy học hợp lý. * Đối với cấp trên: UBND xã cần phải tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất giúp nhà trường xây dựng các phòng học chức năng để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Phòng giáo dục hàng năm cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo về đồ dùng dạy học để khuyến khích các giáo viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy. Do thời gian và điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên tôi nghiên cứu đề tài trong phạm vi hẹp. Mặt khác do điều kiện năng lực có hạn, các biện pháp đưa ra trong đề tài không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý chân tình để trong những năm học tới được tốt hơn, đáp ứng được sự nghiệp giáo dục đổi mới của nước nhà./ Xin chân thành cảm ơn ! Đọi Sơn, ngày 02 tháng 04 năm 2015 Người thực hiện Ngô Thị Thu Hà
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng