Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận hoàn kiếm (truyền thống và biến đổi)...

Tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận hoàn kiếm (truyền thống và biến đổi)

.PDF
221
423
110

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ THANH TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ NGHỀ Ở QUẬN HOÀN KIẾM (TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI) Chuyên ngành: Nhân học Mã số : 62 31 03 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 1. PGS.TS. Nguyễn Văn Minh 2. PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà Hà Nội, 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả, số liệu trong luận án là kết quả điều tra thực địa và thu thập tư liệu của tác giả luận án. Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm (truyền thống và biến đổi)”, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới: - Học viện khoa học xã hội, khoa Dân tộc học/ Nhân học đã tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận án; - Lãnh đạo Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nôi – nơi tôi đang công tác đã tạo điều kiện về thời gian để tôi hoàn thành chương trình học tập; - Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, UBND các phường: Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Gai, Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Buồm, các Tiểu ban quản di tích đã cộng tác giúp tôi thu thập thông tin của luận án; - Gia đình, bạn bè đồng nghiệp đã chia sẻ, khích lệ tôi trong thời gian thực hiện luận án; - Tập thể giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Minh, PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà đã tư vấn, định hướng khoa học, đóng góp trực tiếp vào các nội dung nghiên cứu để tôi hoàn thành luận án này. Xin trận trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2017 Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh MỤC LỤC MỞ ĐẦU ………………………………………………………………………………… Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ KHÁI QUÁT VỀ QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI …………………………... 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu của các học giả nước ngoài………………. 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước…………………………….. … 1.3. Cơ sở lý thuyết …………………………………………………………..…. 1.4. Khái quát về quận Hoàn Kiếm, Hà Nội …………………………………… Tiểu kết chương 1………………………………………………………….….… Chương 2: TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ NGHỀ TRƯỚC NĂM 1954 …………. 2.1. Thờ cúng tổ nghề kim hoàn ……………………………………………………. 2.2. Thờ cúng tổ nghề nhuộm ……………………………………………………… 2.3. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề thêu …………………………………………….. 2.4. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề giày da …………………………………………. 2.5. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề sơn ……………………………………………… 2.6. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề làm quạt ………………………………………… 2.7. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề rèn ………………………………………….…... 2.8. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề tiện ……………………………………………... 2.9. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề cổ yếm ………………………………………. Tiểu kết chương 2 ………………………………………………………………… Chương 3: BIẾN ĐỔI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ NGHỀ TỪ NĂM 1954 ĐẾN 1 10 10 14 27 37 43 45 45 55 60 66 70 75 78 82 85 89 91 NAY …………………………………………………………………………………….… 3.1. Biến đổi và xu hướng biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ………….......... 3.2. Nguyên nhân của sự biến đối……………………………………. …………...... Tiểu kết chương 3 ………………………………………………………………… Chương 4. VAI TRÒ, GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ NGHỀ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ………………………………………………………………………….. 4.1. Vai trò của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong đời sống người Việt ở Quận Hoàn Kiếm xưa và nay …………………………………………………………….. 4.2. Giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân tộc …………………...……………. 4.3. Một số vấn đề đặt ra cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết……………………… 4.4. Một số khuyến nghị và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong bối cảnh hiện nay …………………………............... Tiểu kết chương 4..………………………………………………………………… KẾT LUẬN ........................................................................................................................ TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………….……. PHỤ LỤC …………………………………………………………………………. 91 114 116 119 119 130 132 136 144 146 149 157 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT NCS: Nghiên cứu sinh Nxb: Nhà xuất bản PGS: Phó giáo sư PVS: Phỏng vấn sâu TS: Tiến sĩ UBND: Ủy ban nhân dân MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề của người Việt xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Đây là một trong những truyền thống tốt đẹp thể hiện lòng tri ân, biết ơn các vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề và chăm lo đời sống cho con người, cộng đồng. Thờ cúng tổ nghề có nhiều hình thức và mức độ khác nhau, như: lập bàn thờ tại gia đình, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là các phường nghề, làng nghề lập đình, miếu, đền để thờ các vị tổ nghề của phường, làng mình, trong đó nhiều vị tổ nghề còn được tôn làm Thành hoàng làng. Thờ cúng tổ nghề ở nước ta xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân làm nghề muốn biểu dương, ca ngợi những thành quả lao động. Đồng thời cũng là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” để ghi nhớ công ơn của những người tiên phong, sáng lập ra ngành nghề, đem lại lợi ích cho con người, cộng đồng. Quận Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, thương mại của kinh thành Thăng Long xưa, khu đô thị tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương nhộn nhịp, hình thành những phố nghề đặc trưng, mang nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh kỳ [50]. Từ thời Lý – Trần, khu Phố Cổ đã trở thành nơi phố sá tấp nập, đông vui với các phường làm nghề thủ công truyền thống. Trải qua các thế kỷ XVI-XVII-XVIII, hình thành những phố nghề mang tính chuyên biệt. Đặc biệt, từ thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn rời kinh đô vào Huế, thì Thăng Long – Hà Nội trở thành nơi đô hội của bốn phương với nhiều đợt di cư của thợ thủ công từ các vùng lân cận về đây, quần tụ thành những làng và lập nên các làng nghề/phố nghề chuyên sản xuất, buôn bán và cố kết thành những phường hội theo nghề. Để tưởng nhớ những người đã truyền dạy nghề, các gia đình làm nghề họp bàn tổ chức mua đất, xây dựng những ngôi đình, đền riêng thờ vọng tổ nghề của mình và đặt ra các điều lệ qui định chặt chẽ về sự cố kết 1 cộng đồng trong việc duy trì các cơ sở thờ tự, thực hành những nghi thức thờ cúng chung đảm bảo cho nghề phát triển. Trong quá trình phát triển của lịch sử, đến nay trong khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn còn lưu giữ được những di tích và hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề, như: đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu, đình Hoa Lộc thờ tổ nghề Nhuộm, đình Kim Ngân và đình Trương Thị thờ tổ nghề Kim Hoàn, đình Trúc Lâm và đình Hài Tượng thờ tổ nghề giày da, đình Hà Vĩ thờ tổ nghề Sơn, đình Hàng Quạt thờ tổ nghề làm quạt, đình Lò Rèn thờ tổ nghề rèn sắt, đình Nhị Khê thờ tổ nghề tiện, đình Đồng Lạc thờ tổ nghể cổ yếm,... Cùng với những di tích lịch sử - văn hóa nói trên, còn có một hệ thống văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối, tư liệu lịch sử và dân gian… ghi chép về thân thế, sự nghiệp, công trạng của tổ nghề, các tục lệ, ngày tuần tiết, sóc vọng, các nghi lễ thờ cúng liên quan đến tổ nghề, qua đó phản ánh quá trình phát triển của nghề nói riêng và đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của một bộ phận người dân Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. Theo thời gian, do nhiều yếu tố tác động, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm đã có nhiều biến đổi, phản ánh sự phát triển của lịch sử và sự đổi thay về kinh tế - xã hội trong truyền thống và hiện đại. Do đó, nghiên cứu vấn đề này, góp phần hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống kinh tế - xã hội của người Việt xưa và nay, nhất là về văn hóa tâm linh và những vấn đề quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên trong lao động sản xuất. Từ những lý do trên, tôi chọn đề tài: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm (truyền thống và biến đổi)” để làm luận án tiến sĩ ngành Nhân học. Mục tiêu chính là để tìm hiểu một cách tương đối toàn diện, có hệ thống và chuyên sâu về tín ngưỡng thờ cúng liên quan đến nghề nghiệp của cư dân người Việt ở quận Hoàn Kiếm - trung tâm Thăng Long xưa và Hà Nội hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm trong truyền thống và biến đổi hiện nay. Trên cơ sở khảo cứu tín ngưỡng thờ cúng 2 tổ nghề thông qua các cơ sở thờ cúng cộng đồng, ở các hộ gia đình làm nghề thủ công, các hộ kinh doanh sản phẩm thủ công tại các phố nghề trước đây và hiện nay để làm rõ vai trò và ảnh hưởng của nó trong đời sống cư dân thành thị nói chung, thợ thủ công làm nghề và buôn bán các sản phẩm của nghề nói riêng để thấy được sự tác động của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề đối với đời sống tâm linh người Việt trong xã hội truyền thống và những biến đổi của nó trong giai đoạn hiện nay. Luận án cung cấp hệ thống tư liệu khoa học và luận cứ thực tiễn để tham khảo xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị của thờ cúng tổ nghề trong phát triển đô thị hiện nay ở quận Hoàn Kiểm nói riêng và ở nước ta nói chung. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án quan tâm tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm từ trước đến nay, trong đó: Tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ nghề, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề, nhất là nguồn gốc của loại hình tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa tâm linh của những người thợ thủ công và hộ buôn bán các sản phẩm thủ công; khảo sát thực trạng các di tích thờ tổ nghề trong quận Hoàn Kiếm hiện nay, kết hợp nghiên cứu thực tế với những nguồn tư liệu lịch sử, bi ký, truyền thuyết dân gian, hồi cố lịch sử qua các thông tín viên. Qua đó góp phần phục dựng bức tranh thờ cúng tổ nghề xưa và nay, giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những chương trình, mục tiêu cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong mối đa dạng của tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, bảo tồn và phát huy những di tích thờ cúng tổ nghề nhằm việc giáo dục đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa có chọn lọc, đáp ứng nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng một thủ đô văn minh, thanh lịch, giàu bản sắc văn hóa, lịch sử. Kết quả nghiên cứu của luận án là những cứ liệu quan trọng giúp các nhà quản lý văn hóa của thủ đô có cái nhìn toàn diện trong việc cân nhắc lợi ích giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và gợi mở cho 3 những nghiên cứu tiếp theo trong phạm vi rộng và bao quát hơn về loại hình tín ngưỡng này. Qua đó góp phần xây dựng những chính sách phát triển văn hóa phù hợp với đặc điểm tình hình đô thị, đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của tín ngưỡng thờ cúng các tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội hiện nay của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là tín ngưỡng thờ cúng tổ các nghề của người dân diễn ra trong các cơ sở thờ cúng cộng đồng (đình, đền, miếu…), tại hộ gia đình đang làm nghề thủ công hoặc buôn bán các mặt hàng thủ công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay. Trong đó, chú ý đến các quan niệm và thực hành thờ cúng của người dân ở các di tích hay gia đình, cửa hàng kinh doanh trước đây và hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu 3.2.1. Giới hạn về không gian: Phạm vi nghiên cứu của đề tài là tín ngưỡng thờ cúng các tổ nghề diễn ra tại những di tích lịch sử - văn hóa, các hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh ở quận Hoàn Kiếm. Đây là địa bàn tập trung nhiều ngành nghề từ những vùng xung quanh tụ cư về Thăng Long lập nghiệp, làm ăn và lập ra từng phường hội chung một nghề cũng như những đình, đền, miếu được mỗi phường nghề xây dựng rồi rước bài vị từ quê nhà ra Thăng Long để thờ vọng các vị tổ sư. 3.2.2. Giới hạn về thời gian: Nghiên cứu tín ngưỡng thờ tổ nghề thông qua các tư liệu lịch sử, văn hóa dân gian, các công trình nghiên cứu của học giả trong và ngoài nước, các báo cáo khoa học,… Đặc biệt là qua những di tích và văn bia hiện đang tồn tại trong các di tích thờ tổ nghề, thực trạng hoạt động đang diễn ra hiện nay ở các di tích đó và trong gia đình những người làm nghề. Do vậy, luận án xác định “truyền thống” là giai đoạn từ năm 1954 trở về trước và “biến đổi” là từ thời điểm đó đến hiện tại. Sở dĩ như vậy là vì, những di tích thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm thường có lịch sử xây dựng, tồn tại khá lâu đời gắn liền với quá trình di cư ở các 4 thế kỷ XVI – XVII –XVIII - XIX. Loại hình tín ngưỡng này ra đời gắn liền đời sống tâm linh của tầng lớp thợ thủ công từ nông thôn ra thành phố lập nghiệp, hành nghề. Hơn nữa, hiện tại trong các di tích thờ tổ nghề còn lưu giữ được nhiều tư liệu liên quan đến việc thờ cúng tổ nghề: đó là bi ký, hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, văn tế, văn khấn, các biểu tượng thờ cúng và hoạt động tín ngưỡng qua những ngày tuần tiết, sóc vọng, kỵ nhật có từ năm 1954 trở về trước. Từ năm 1954 đến nay, khi các nghề thủ công mai một dần, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay thì nhu cầu văn hóa tâm linh của bộ phận thợ thủ công cũng có sự thay đổi, cộng thêm vào đó là sự khó khăn về chỗ ở, một số di tích thờ cúng tổ nghề đã bị lấn chiếm để làm nơi sinh hoạt. Do đó, sự tồn tại của một số tổ nghề chỉ còn trong tâm thức dân gian, trong các tài liệu lịch sử địa phương, tản mạn trong các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Nhưng phần lớn các di tích vẫn tồn tại, không chỉ là nơi tưởng nhớ vị tổ nghề của một nghề/một làng nào đó mà đã trở thành những địa chỉ sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng dân cư. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa và chính sách phát triển văn hóa, chính sách đối với tôn giáo và tín ngưỡng. Đặc biệt, luận án bám sát đến các quan điểm biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể để triển khai các ý tưởng nghiên cứu. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện luận án này, chúng tôi xác định sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: 4.2.1. Tổng hợp và kế thừa các tài liệu đã có Phương pháp này bao gồm việc đọc và xử lý các nguồn tài liệu về địa bàn và đối tượng nghiên cứu, đó là các sách chuyên khảo, bài tạp chí, luận án, luận văn, các báo cáo chuyên đề tại những hội nghị, hội thảo khoa học; báo cáo tư liệu và các 5 nguồn tư liệu lịch sử như: bia ký, thần tích, thần phả, sắc phong…; và báo cáo kết quả của các chương trình, đề án, dự án do các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện và thu thập và xử lý các số liệu thống kê, thông tin thứ cấp từ những nguồn khác nhau. Đối với mỗi nghề, NCS đã xử lý các nguồn tư liệu viết về tổ nghề để chắt lọc thông tin từ các công trình nghiên cứu của các học giả viết về nghề thủ công, các vị tổ nghề, các hội thảo, bi ký, thần tích, gia phả, các báo cáo tư liệu của cơ quan chuyên môn (Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội) để làm rõ những vấn đề đặt ra. Đồng thời đánh giá vai trò của thờ cúng tổ nghề trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tinh thần của các phường nghề thủ công quận Hoàn Kiếm trước năm 1954 thông qua các trích dẫn từ những bi ký, điều lệ, thần tích thần sắc… 4.2.2. Tiến hành điền dã dân tộc học tại các điểm nghiên cứu được lựa chọn để thu thập tư liệu Luận án tập trung khảo sát tại 9 di tích thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm, đó là đình Hoa Lộc Thị, đình Đồng Lạc (phường Hàng Đào), đình Kim Ngân, đình Trương Thị (phường Hàng Bạc), đình Trúc Lâm, đình Nhị Khê (phường Hàng Trống), đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Hàng Quạt (phường Hàng Gai), đình Lò Rèn (phường Hàng Bồ) và những phố nghề (Phố Hàng Đào, phố Hàng Bạc, Phố Hàng Hòm, phố Hàng Quạt, phố Yên Thái, phố Tô Tịch, phố Lò Rèn) và những hộ gia đình làm nghề thủ công có liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Tại thực địa NCS sử dụng các phương pháp chính của Dân tộc học/Nhân học là: quan sát và quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm với đại diện của người dân, những hộ kinh doanh và các cơ sở thờ cúng tổ nghề. Trong 3 năm (2013- 2016), NCS đã tiến hành điền dã 16 cuộc điền dã và tham dự vào các kỳ lễ chính của mỗi di tích (tháng 2, tháng 8 âm lịch – lễ tế xuân thu nhị kỳ), 17 cuộc phỏng vấn sâu các thành viên trong ban quản di các di tích thờ tổ nghề, các hộ gia đình đang làm nghề thủ công cùng một số đại điện của chính quyền sở tại để tìm hiểu về nguyện vọng của họ đối với việc duy trì, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Ngoài ra, NCS còn tham dự nghi lễ vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng để quan sát cách thức người dân thực hành nghi lễ cầu cúng. Đây là phương pháp chuyên ngành chủ yếu được áp dụng trong quá trình điền dã dân tộc học, nhằm thu thập được những 6 thông tin đầy đủ, đa chiều, có giá trị và mang tính chân thực. Các phương pháp này được NCS vận dụng vào luận án thể thấy được sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề từ sau năm 1954 đến nay, cụ thể như sau: - Quan sát: Mục đích nhằm hình dung được cảnh quan, điều kiện tự nhiên, đặc điểm cư trú, hệ thống sản xuất, buôn bán, lối sống sinh hoạt nhằm thu thập những thông tin ban đầu về đối tượng nghiên cứu để xác định chính xác hơn các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời bao quát được các nội dung nghiên cứu cơ bản, trên cơ sở đó góp phần nhận biết và chọn lọc các thông tin khác nhau trong quá trình nghiên cứu thực địa. - Quan sát tham dự: Với mục đích trải nghiệm bối cảnh nghiên cứu thông qua các kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân tại thực địa như quan sát tham dự những ngày tuần tiết, sóc vọng, tế lễ xuân thu nhị kỳ trong năm của các di tích thờ cúng tổ nghề; quan sát tham dự vào các hoạt động của cộng đồng cư dân làm nghề thủ công thông qua các ngày giỗ tổ, lễ trình nghề, các ngày rằm mùng một hàng tháng,... Thông qua phương pháp này có thể chứng kiến được cách thực hành nghi lễ thờ cúng diễn ra một cách chân thực nhất, đồng thời thiết lập được mối quan hệ thân thiết với cộng đồng và đối tượng nghiên cứu giúp cho việc thu thập những thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động thờ cúng các tổ nghề cụ thể. - Phỏng vấn sâu: Là kỹ năng quan trọng được sử dụng để thu thập các thông tin cơ bản nhất. Với đối tượng nghiên cứu là những hình thức thờ cúng tổ nghề cụ thể, đề tài lựa chọn các đối tượng phỏng vấn sâu gồm đại diện các lứa tuổi, giới tính, người có uy tín trong cộng đồng (thủ từ, thủ nhang, thủ đền, người cao tuổi), thợ thủ công của các nghề, các hộ buôn bán và kinh doanh của từng nghề, cán bộ văn hoá phường, quận,... Nội dung các cuộc phỏng vấn sâu này được chuẩn bị sẵn bằng một bộ câu hỏi mở phù hợp với nội dung và đối tượng nghiên cứu của đề tài. Phương pháp này được áp dụng để làm rõ sự biến đổi và xây dựng những khuyến nghị, giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong bối cảnh hiện nay. 4.2.3. Phương pháp thống kê và phân tích tổng hợp Trên cơ sở thống kê các di tích và nguồn tài liệu, luận án tiến hành phân tích tổng hợp kết hợp với so sánh đồng đại, lịch đại giữa các nguồn tư liệu, giữa các 7 nghề và các cơ sở thờ cúng tổ nghề để hoàn thành luận án. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu khi bàn về sự biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề, từ các nghi lễ thờ cúng, lễ vật, số ngày lễ trong năm, qui mô của các cơ sở thờ cúng so với trước kia, quá trình quản lý các cơ sở thờ cúng,…. Đây là phương pháp được vận dụng trong suốt quá trình thực hiện luận án. Cùng các phương pháp chính nêu trên, đề tài còn sử dụng các phương pháp bổ trợ khác như: chụp ảnh, đo vẽ để thu thập tư liệu. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm được thực hiện một cách tương đối toàn diện có hệ thống theo dòng lịch sử, đặc biệt là phần biến đổi hiện nay dưới góc nhìn nhân học. Nếu trước kia đã có nhiều công trình dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, văn học dân gian quan tâm đến thờ cúng tổ nghề ở Hoàn Kiếm, nhưng về cơ bản chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một vài di tích, hoặc mô tả quá trình sản xuất của một nghề nào đó, thì luận này đã đi sâu khảo sát nghiên cứu tương đối tổng thể và bước đầu có so sánh về sự biến đổi trong xã hội truyền thống và hiện đại. Vì vậy, luận án góp phần vào việc: - Cung cấp cho ngành Nhân học nguồn tư liệu mới; nhận diện về những đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng các tổ nghề ở quận Hoàn Kiếm trước năm 1954 và những biến đổi hiện nay; phân tích nguyên nhân của sự biến đổi cùng với sự vận động của các yếu tố xã hội tác động đến tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Từ đó dựng lại bức tranh thờ cúng các tổ nghề của người Việt ở quận Hoàn Kiếm xưa và nay. - Góp phần đánh giá mối quan hệ giữa đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa liên quan đến hoạt động sản xuất của người Việt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trước đây và biến đổi hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Luận án là công trình nghiên cứu tương đối chuyên sâu, toàn diện và có hệ thống đầu tiên về tín ngưỡng thờ cúng các tổ nghề trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trước năm 1954 và biến đổi hiện nay. Vì vậy, luận án có một số đóng góp về lý luận và thực tiễn sau: 8 Ý nghĩa lý luận: Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của một số lý thuyết của ngành nhân học, như: thuyết giao lưu và tiếp biến văn hóa, thuyết nghi lễ và chức năng của nghi lễ. Cùng với đó là những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cũng như của thủ đô Hà Nội về văn hóa và phát triển, giải quyết sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn giá trị di sản văn hóa. Do đó, kết quả luận án góp phần bổ sung làm rõ cho các lý thuyết chuyên ngành nói trên trong đặc thù của quận Hoàn Kiếm cũng như các quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng ta. Ý nghĩa thực tiễn: Thứ nhất, cung cấp những luận cứ khoa học góp phần phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ tổ nghề trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội hiện nay. Thứ hai, đề xuất một số kiến nghị khoa học nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong tiến trình xây dựng thủ đô văn minh, giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội hiện nay ở quận Hoàn Kiếm. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 4 chương sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và khái quát về quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương 2: Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trước năm 1954. Chương 3: Biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề từ năm 1954 đến nay. Chương 4: Vai trò, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề của người Việt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và một số vấn đề đặt ra. 9 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ KHÁI QUÁT VỀ QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu của các học giả nước ngoài Thăng Long – Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước trong gần 1000 năm. Trong thời gian ấy, Thăng Long đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, từ sau thế kỷ XVII, với sự phát triển của kinh tế hàng hoá, diện mạo của Thăng Long đã thay đổi. Cùng với sự thu hẹp quy mô của khu hoàng thành về phía đông đã tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của yếu tố “thị” ở khu vực này, diện mạo của một đô thị có phần biến đổi, khu xung quanh phía đông trở thành khu buôn bán, giao thương sầm uất, tạo dấu ấn đặc biệt của đô thị trung đại thời kỳ này. Khác với các thế kỷ trước, từ thế kỷ XVII trở đi, người nước ngoài vào Thăng Long làm ăn, buôn bán khá nhộn nhịp. Những người đến Thăng Long thời kỳ này bao gồm một số thương nhân là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Trung Quốc,... Cũng có khi là những giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo hoặc nhà du hành đến khám phá vùng đất Kẻ Chợ. Những ghi chép của họ khá tỷ mỷ kèm theo những lời bình luận thú vị xuất hiện ngày một nhiều. Song, phần lớn những ghi chép của họ trong hai thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) chủ yếu phản ánh về chiến tranh giữa Vua Lê và Chúa Trịnh, sau này là Đàng trong và Đàng ngoài qua góc quan sát của mỗi người. Trong số tài liệu viết về tổ nghề ở nước ta nói chung và Thăng Long - Kẻ Chợ của người nước ngoài có một số nghiên cứu đáng chú ý. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một số công trình của người nước ngoài viết về Thăng Long – Hà Nội đã được dịch sang tiếng Việt. Trong đó, tác phẩm có giá trị sử học, văn hoá học được độc giả đánh giá cao là “Thăng Long thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX qua tư liệu người nước ngoài” do Chu Xuân Giao chủ biên (2010). Cuốn sách dày 499 trang, gồm tập hợp sưu tập tư liệu về Thăng Long – Kẻ Chợ - Hà Nội của những người nước ngoài từng có dịp trực tiếp đến đây. 10 Đáng lưu ý là phần 3 của cuốn sách đã đề cập đến đời sống tinh thần của của đất “Kẻ Chợ” thể hiện qua sự quan tâm của các tác giả đến Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ mẫu, thờ thần, thờ tổ sư…), nghi lễ vòng đời, thờ cúng, giỗ chạp, bói toán, vàng mã, hội hè, giáo dục khoa cử, cách ứng xử trong giao tiếp của người Tràng An,... Trong đó, Alexandre de Rhodes đã nhận xét về việc thờ “Tiên sư, Tổ sư” như sau: “ Trong tất cả những dị đoan thông dụng nhất và họ khó vứt bỏ, đó là sự tin các thần trong nhà gọi là Tiên sư, nghĩa là những người thầy cũ. Vì không nhà nào mà ở ngay cửa ra vào không có một bàn thờ nhỏ kính Tiên sư. Hằng ngày, họ cúng tế thắp hương nhang tốt xấu tùy theo gia cảnh, sáng khi thức dậy và chiều trước khi đi ngủ, họ đều cúng lễ. Cũng vậy những người làm nghề thủ công, thầy lang, ngành văn hay ngành võ cùng đều khấn vái xin các thần phù hộ. Nhờ các tiên sư mà họ có công ăn việc làm và sự khôn khéo trong ngành nghề hay chức vụ. Ngay cả đến kẻ trộm cướp cũng có thần bảo hộ, họ cũng tôn thờ các tiên sư của họ…” [40, tr. 347]. Như vậy, bằng con mắt quan sát trực quan và suy luận logic, việc thờ cúng tổ nghề/tổ sư của cư dân ở Thăng Long – Hà Nội ở thế kỷ thứ 17 đã thấm sâu vào tâm khảm của những người thợ thủ công và có lẽ ban đầu xuất phát từ việc thờ chính ở trong nhà (thờ tại gia) của những người thợ làm nghề. Sau này, do kinh tế hàng hóa phát triển, những người làm nghề cần có nhu cầu cố kết cộng đồng nên đã mua những khu đất để xây dựng các ngôi đền để thờ Tổ nghề chung. Trong dòng chảy viết về Thăng Long – Hà Nội, tác phẩm “Một chuyến đi đến Đàng Ngoài năm 1688” của William Dampier (2011), khi ông đến “Kẻ Chợ” và quan sát khá tỷ mỷ một số nghề thủ công truyền thống của Thăng Long: “Có nhiều người làm các nghề khác nhau như: thợ rèn, thợ mộc, thợ xẻ thợ đóng đồ đạc, thợ tiện, thợ dệt, thợ may, thợ gốm, thợ sơn…và nhiều nghề khác nữa…” [105, tr. 85]. Bên cạnh đó, tác giả đã miêu tả khá chi tiết về kinh tế Đàng Ngoài, quan hệ của con người Đàng Ngoài với các thuyền buôn ngoại quốc, đặc biệt là một số sản phẩm truyền thống của Thăng Long – Hà Nội: “Những đồ sơn người ta làm ở đây không thua bất kỳ một loại sơn mài nào khác, ngoài trừ hàng Nhật Bản vốn được coi như 11 là tốt nhất thế giới” [105, tr. 85]. Những nhận định mang tính khách quan, chân thực này đã là những tư liệu quí giúp chúng ta đánh giá sự phát triển của các nghề thủ công ở Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII trong khi những ghi chép từ các nguồn chính sử lại quá khan hiếm. Một công trình khác trong kho tàng di sản văn hoá Thăng Long – Hà Nội là cuốn “Tổng tập văn hiến Thăng Long – Hà Nội” do Vũ Khiêu chủ biên (2010). Bộ sách gồm 4 tập, trong đó tập 4, phần 28 (phần cuối cùng) có tiêu đề Thăng Long – Hà Nội qua con mắt người nước ngoài. Đây là phần sưu tầm các tư liệu tản mạn của người nước ngoài viết về Thăng Long – Hà Nội. Nếu so với cuốn Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX qua tư liệu người nước ngoài thì công trình này đã được bổ sung thêm giai đoạn từ năm 1954 đến nay của nhiều nhà nghiên cứu và bè bạn bốn phương đến Hà Nội. Đây là những tư liệu được công bố lần đầu tiên trong các công trình viết về Thăng Long – Hà Nội qua con mắt của người nước ngoài. Philippe Papin là cựu học sinh khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Saint-Cloud, từng là thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, ông đã sống tại Hà Nội từ năm 1991 đến năm 2004, đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về Hà Nội. Năm 2010, Mạc Thu Hương đã dịch cuốn sách của ông “Histoire de Hanoi” (Lịch sử Hà Nội) sang tiếng Việt. Cuốn sách gồm 390 trang, chia làm 5 phần. Tại phần III, mục “Từ Thăng Long đến Kẻ Chợ”, tác giả đã phân tích, lý giải sự vận động của một kinh đô bị chia cắt bởi quyền lực (Vua Lê - Chúa Trịnh) lại là sự hưng khởi của các nghề thủ công dân gian. Những đợt di cư tự do của dân vùng lân cận vào Thăng Long từ thế kỷ XVII-XVIII và đầu XIX khi nhà Nguyễn rời đô vào Huế đã tạo điều kiện cho thợ thủ công và các ngành nghề có đất phát triển hình thành lên các phố với những mặt hàng riêng mang tính chất chuyên nghiệp, trở thành đặc trưng của phần “thị” thời kỳ này. Những người thợ từ các vùng quê về Thăng Long làm nghề lập những phố nghề và mang theo tín ngưỡng của họ ra thành phố. Đặc trưng tín ngưỡng của khu 36 phố phường là tín ngưỡng “thờ vọng”. Tác giả nhận xét: “Trong sự khác biệt về nghề nghiệp ngày càng tăng tạo nên một xã hội đô thị thực sự ở Hà Nội thì sự pha trộn giữa các cộng đồng dân cư khiến cho tín ngưỡng trở thành một yếu tố chung” 12 [61, tr.170-171]. Ông đi đến nhận định: “tất cả những phường ở Hà Nội đều đã từng có một ngôi đình thờ cúng Thành hoàng một công trình tiêu biểu của nông thôn Việt Nam. Ngược lại, đình ở trong khu phố buôn bán chỉ là “vọng từ” là một đền thờ phụ phụ thuộc vào đền chính tại quê gốc của những người di cư. Ví dụ đền phố Hàng Bạc đặt dưới sự bảo lãnh của làng Châu Khê, nhưng rồi sợi dây được nới lỏng dần và “vọng từ” trở thành đình độc lập” [61, tr. 171] Cũng tác phẩm trên cho rằng, trước sự cộng cư của nhiều phường hội từ nhiều nơi đến nhưng có chung một nghề trên một địa danh, nên tín ngưỡng thờ cúng cũng thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh: “Ban đầu dân phố Hàng Bạc thờ Lưu Xuân Tín, người khởi xướng quá trình di dân vào thế kỷ XV. Ông được thờ cả ở Châu Khê và phố Hàng Bạc. Nhưng dần các tập tục tín ngưỡng thay đổi” [61, tr. 173]. Đến thế kỷ XVIII, khi một số làng làm vàng bạc ở Đồng Xâm, Định Công cũng ra phố Hàng Bạc làm nghề, thì những người thợ thủ công lại thờ chung một vị thần kim hoàn là Hiên Viên – Bách nghệ tổ sư để phù hợp với lối sống và mối quan tâm hằng ngày của họ. Có thể nói, đây là cuốn sách có giá trị tham khảo cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc học, văn hóa dân gian,... Những ý kiến của tác giả lập luận đều dựa trên nền tảng lịch sử và hoàn cảnh cụ thể của thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, dưới con mắt của một người ngoại quốc, nhiều nhận định của tác giả còn mang tính chất suy đoán, cảm nhận ban đầu, nhất là khi đánh giá về sự thay đổi tập tục tín ngưỡng của thợ thủ công, tác giả chỉ lấy một ví dụ ở phố Hàng Bạc để đi đến nhận xét: “Làng quê cũ vẫn là chuẩn mực để họ noi theo nhưng cuộc sống tự do chốn thị thành khiến họ xa dần những lễ nghi tôn giáo”; “đất đai ngày càng khan hiếm, những người di cư phải tạo ra một hệ thống kinh tế phù hợp với cảnh một chốn hai quê của họ. Các ngành nghề mang tính chuyên môn hóa và dân di cư chọn thờ những vị thần phù hợp hơn với cuộc sống mới” [61, tr. 174]. Thực tế cho thấy, trường hợp như dân phố Hàng Bạc rất ít gặp trong khu phố cổ, bởi hầu như các làng nghề ở những phố khác vẫn giữ nguyên những tập tục và tín ngưỡng nơi bản quán. 13 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước 1.2.1. Những nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống Nghề thủ công truyền thống là một bộ phận quan trọng, một trong những nhân tố cấu thành văn minh – văn hóa Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, nó luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, xã hội… Lịch sử phát triển văn hóa cũng như lịch sử phát triển kinh tế nước nhà luôn gắn liền với lịch sử phát triển của nghề thủ công truyền thống bởi những sản phẩn thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật phẩm văn hóa hay vật phẩm kinh tế thuần túy phục vụ cho sinh hoạt thường ngày mà nó chính là những tác phẩm nghệ thuật biểu trưng cho trình độ văn hóa, xã hội, mức độ phát triển kinh tế và bản sắc dân tộc. Tuy có lịch sử phát triển tới hàng nghìn năm, song nghiên cứu về nghề thủ công ở nước ta mới chỉ xuất hiện trong vòng mấy chục năm nay. Sớm hơn cả là nhóm tác giả Phong Châu - Nguyễn Quang Vinh – Nghiêm Đa Văn cho xuất bản cuốn “Truyện các ngành nghề” vào năm 1997. Cuốn sách giới thiệu 21 nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của nước ta thông qua những mẩu chuyện sinh động mang tính gợi mở về các làng nghề và các vị tổ nghề. Nhóm tác giả đã sưu tầm, chắt lọc qua điều tra điền dã, qua các nguồn tư liệu lịch sử để nói lên nguồn gốc ra đời, con đường phát triển và cách thức làm ăn của mỗi nghề. Ngoài những tài liệu có tính xác thực, các tác giả còn sưu tầm những truyền thuyết liên quan đến sự ra đời của một số nghề hoặc về các vị tổ nghề (tổ sư) biểu hiện truyền thống ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối. Đây là một trong những số ít công trình đề cập đến các nghề thủ công truyền thống ở thời điểm đó, từ khâu sản xuất đến sản phẩm, các tác giả còn rất tinh tế khi đưa những mẩu chuyện về một số nghề, nhằm ca ngợi tổ nghề như những người anh hùng “khai sáng” nghề nghiệp, khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Sự tích về các vị tổ nghề đều được dân gian xây dựng trên cái lõi của lịch sử và chính cái huyền thoại mang dáng dấp lịch sử ấy lại sống mãi trong tâm thức những người thợ thủ công, phản ánh tâm tư, tình cảm, lòng biết ơn, sự kính trọng của họ đối với những vị tổ sư đã truyền nghề. Cuốn sách có giá trị 14 đặc biệt cho việc tham khảo khi nghiên cứu về các làng nghề thủ công truyền thống và các vị tổ nghề. Cùng năm này, nhóm tác giả Trần Lê Văn - Ngọc Vũ - Bùi Thiện - Phạm Ngọc Chiểu - Hà Văn Sảm - Tạ Phong Châu - Nguyễn Vinh Phúc phối hợp với Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình cho ra mắt cuốn “Nghề đẹp quê hương, giới thiệu một số ngành nghề mỹ nghệ nổi tiếng trong tỉnh Hà Sơn Bình cũ. Phương pháp sưu tầm các nguồn tư liệu về cơ bản cũng giống như Truyện các ngành nghề. Một số nghề tiêu biểu được giới thiệu, như: nghề dệt lụa gấm ở Cổ Đô, Ba Vì; La Khê, Vạn Phúc; nghề thêu Quất Động; nghề khảm trai Chuyên Mỹ, Phú Xuyên; nghề Tiện Nhị Khê; nghề sơn Bình Vọng, Thường Tín; nghề làm lược sừng Thụy Ứng. Mỗi nghề được nhóm tác giả giới thiệu về các công đoạn sản xuất, sản phẩm đặc trưng và đi sâu tìm hiểu các tổ nghề,… Tuy vậy, do nhiều hạn chế về nguồn tư liệu, nên cuốn sách mới tập hợp giới thiệu khái quát về các nghề, chưa đi sâu nghiên cứu về phong tục thờ cúng các tổ nghề, các hình thức tôn vinh, những ngày lễ tưởng niệm và sự biến đổi của nghề. Hai tác giả Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá sau một thời gian dài sưu tầm nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã cho ra đời cuốn “Đường phố Hà Nội” (1979). Cuốn sách giới thiệu chi tiết từng đường phố, từ quá trình hình thành tên phố, nguồn gốc, sự thay đổi tên gọi theo từng thời kỳ. Đặc biệt mỗi tên đường, tên phố tác giả đều giới thiệu tiểu sử danh nhân, lai lịch sự kiện lịch sử, đặc điểm dân cư, tên địa danh cũ rồi đối chiếu với những tên làng cổ, những nghề thủ công truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa như: đình, đền, chùa, miếu,… Đặc biệt, trong những di tích thờ tổ nghề thuộc khu phố cổ Hà Nội, tác giả đã tìm về nguồn gốc dân cư, thời điểm di cư lên Hà Nội, nghề thủ công đặc trưng của từng vùng, những vị thần/tổ nghề được thờ, các nghi lễ và những ngày sóc vọng, tuần tiết trong năm. Có thể nói, ở thời điểm đó, cuốn sách này đã giúp ích rất thiết thực cho những người làm công tác bảo tồn bảo tàng và làm nguồn tư liệu tham khảo rất quí cho những công trình nghiên cứu sau này về Hà Nội. Bởi các tác giả đã tổng hợp được nhiều nguồn tư liệu khác nhau: chính sử, tư liệu điền dã, địa bạ, sắc phong, tư liệu 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan