Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Skkn hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản trung đại....

Tài liệu Skkn hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản trung đại.

.DOC
12
1139
72

Mô tả:

Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại HƯỚNG DẪN HỌC SINH TÌM HIỂU PHẦN CHÚ THÍCH KHI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRUNG ĐẠI I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong chương trình Ngữ văn THPT, phần Đọc - hiểu văn bản chiếm khối lượng lớn và có vai trò quan trọng. Các bài kiểm tra, bài thi học kì, thi tốt nghiệp và thi đại học chủ yếu kiểm tra kiến thức về phần này. Học sinh học văn thường lo lắng cho các bài đọc hiểu và dành nhiều thời gian cho việc soạn bài, học thuộc các văn bản đọc hiểu. Một văn bản đọc hiểu trong sách giáo khoa thường gồm nhiều phần, ngoài Mục tiêu cần đạt còn có các phần khác là Tiểu dẫn, Văn bản, Câu hỏi hướng dẫn học bài và phần Chú thích ở cuối mỗi trang. Tùy theo từng loại văn bản mà phần chú thích này sẽ nhiều hay ít. Nội dung nào trong phần Đọc - hiểu văn bản cũng đòi hỏi học sinh phải đọc kĩ trước khi soạn bài, học bài. Tuy nhiên, có một thực tế diễn ra là nhiều học sinh chỉ soạn bài theo cách chép lại phần hướng dẫn ở những sách học tốt, sách bài tập Ngữ văn mà không tập trung đọc kĩ các phần, các mục nêu trên. Thậm chí có học sinh không hề đọc văn bản nhưng vở soạn vẫn đầy đủ mọi câu, mọi bài. Chính vì vậy, việc đọc phần chú thích sau mỗi văn bản đọc- hiểu đối với một số học sinh lại càng xa lạ. Trong khi đó, phần chú thích sau mỗi văn bản đọc hiểu, theo chúng tôi, là rất quan trọng, nhất là các văn bản văn học trung đại. Từ thực tế giảng dạy nhiều năm và với mong muốn học sinh học văn ngày một tốt hơn, học văn bằng sự hiểu biết và say mê chứ không phải học theo kiểu đối phó, chúng tôi đưa ra một vài ý kiến về vấn đề “Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại”. Đây cũng là dịp để chúng tôi được trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy văn, học văn. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN Đọc hiểu một văn bản văn học là một vấn đề không phải dễ dàng. Từ đọc văn bản, nấm bắt nghĩa của câu chữ, đến cảm nhận được chiều sâu của ý tứ, của tư tưởng tình cảm sâu xa mà người viết gửi gắm trong đó là cả một quá trình đòi hỏi người đọc cả kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và những kĩ năng cơ bản. Đối với học sinh ở trường phổ thông, đọc hiểu một văn bản văn học có qui trình chung theo biên soạn của sách giáo khoa thống nhất. Việc đọc hiểu theo qui trình này giúp cho học sinh tiếp thu văn bản văn học dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do đặc trưng của văn chương nói chung và văn bản văn học trung đại nói riêng thì việc đọc hiểu phần văn học trung đại có những khó khăn đáng kể. Khoảng cách lớn về thời gian với biết bao sự khác biệt về ngôn ngữ, quan niệm, tư tưởng…là những rào cản tạo nên những trở ngại lớn trong việc cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những tác phẩm văn học trung đại. Để có thể khám phá được thế giới tâm hồn, tư tưởng của cha ông ta gửi gắm trong các văn bản văn học trung đại, vượt qua những rào cản kể trên, trước hết Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -1– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại phải bắt đầu từ việc tìm hiểu những chỗ khó hiểu trong văn bản, đó chính là những từ cổ, những điển tích điển cố mà các tác giả trung đại ưa dùng. Đó cũng chính là con đường nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng mà chúng tôi đưa ra trong đề tài này. Tuy nhiên hiện nay, xu hướng chung là ít học sinh chịu tìm tòi đào sâu vào tác phẩm văn học. Chỉ khi nào học sinh cảm nhân thấy cái hay, cái đẹp từ hình tượng, câu chữ của tác phẩm thì sẽ có khả năng các em tìm về với môn học này. Phần lớn, các em soạn bài, tiếp xúc với văn bản một cách hời hợt vì nhiều lí do, vì thế việc tìm hiểu chú thich, một thao tác tưởng như đơn giản và hiển nhiên phải làm khi đọc hiểu văn bản lại bị bỏ qua. Chọn đề tài này, vấn đề đặt ra hoàn toàn không có gì mới, nhưng trong thực tế dạy học lại đang là vấn đề cần bàn, cần có giải pháp cụ thể, chúng tôi mong muốn sẽ góp một phần vào việc giúp các em học sinh trong hành trình cảm nhận cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học trung đại, đồng thời trao đổi cùng đồng nghiệp về một thao tác nhỏ nhưng tác dụng không hề nhỏ mà có thể vì những lí do khác nhau trong qua trình dạy học, đôi khi chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Trong khuôn khổ của một bài nghiên cứu nhỏ, người viết tập trung vào các văn bản văn học trung đại thuộc chương trình Ngữ Văn lớp 10 (Chương trình Chuẩn). Thiết kế thể nghiệm của chúng tôi được tiến hành ở một số văn bản tiêu biểu được học trong chương trình. 2. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI 2.1. VÀI NÉT VỀ ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Nền văn học trung đại Việt Nam kéo dài 10 thế kỉ, từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Nếu như văn học dân gian là những sáng tác của người bình dân, mang tính tập thể và truyền miệng thì văn học viết trung đại lại là những sáng tác của giới trí thức Hán học nên chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc tư tưởng văn hoá, văn học cổ Trung Hoa. Ở cả hai thành phần văn học, chữ Hán và chữ Nôm, dấu ấn văn hoá, văn học Trung Quốc đều rất đậm nét. Có thể khái quát một số nét cơ bản về đặc điểm của nền văn học Việt Nam thời trung đại như sau: 2.1.1. Về quan niệm văn học Thời trung đại, khái niệm văn học được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm hầu hết mọi văn bản ngôn từ, từ văn nghị luận chính trị xã hội, sử học, triết học, đạo đức học, văn hành chính cho đến văn nghệ thuật. Về giá trị của các loại văn ấy, người xưa coi trọng văn học thuật mà có phần xem nhẹ văn nghệ thuật. Các thể loại của văn học trung đại, một mặt đã có sự phân biệt khá rõ, mặt khác có chỗ đan xen nhau. Nhiệm vụ giáo dục đạo lí của văn học được đặt lên hàng đầu. Người ta quan niệm viết văn làm thơ là để tải đạo, nói chí (Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí) 2.1.2. Về nội dung tư tưởng Văn học trung đại tập trung thể hiện truyền thống tư tưởng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và truyền thống nhân đạo, yêu thương con người của dân tộc Việt Nam. Từ những bài thơ tứ tuyệt của Lí Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão đến văn tế của Nguyễn Đình Chiểu; từ thơ Hồ Xuân Hương đến Truyện Kiều và các khúc Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -2– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại ngâm; từ áng “hùng văn muôn thuở” Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi đến những bài thơ thu xinh xắn của Nguyễn Khuyến… đều toát lên nội dung tư tưởng đó. Đồng thời, tiếp nối truyền thống trong văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam còn thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, vào lẽ tất thắng của điều thiện, chính nghĩa. Đặc biệt, khi nói đến nội dung tư tưởng trong văn học trung đại, không thể không đề cập tới ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa nước ngoài mà trước hết là sự gặp gỡ của người Việt với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Nếu như tầng lớp bình dân tiếp nhận những tư tưởng ấy thiên về tín ngưỡng tôn giáo thì giới trí thức người Việt thời trung đại lại tiếp nhận chúng trong chiều sâu triết lí. Điều này được thể hiện trong các tác phẩm văn chương, đem đến cho văn học trung đại nội dung sâu sắc mang tính bác học. 2.1.3. Về hình thức nghệ thuật So với văn học dân gian và cả văn học hiện đại sau này, hình thức nghệ thuật của văn học trung đại có những nét đặc trưng nổi bật. Trước hết phải kể đến tính quy phạm chặt chẽ trong thơ văn trung đại. Dù thuộc thể loại nào, các tác phẩm trung đại cũng tuân theo những luật lệ quy củ, nghiêm ngặt từ đề tài, chủ đề đến kết cấu, bố cục…Phản ánh hiện thực hay diễn tả tâm hồn mình, các tác giả trung đại đều phải thông qua cả một hệ thống ước lệ dày đặc và phức tạp. Đọc các tác phẩm văn học trung đại, chúng ta thường xuyên bắt gặp những “tùng, cúc, trúc, mai”, những “ngư, tiều, canh, mục”, những “cửa mận, tường đào”, những “dặm thanh vân, dặm hồng trần”… (Trúc mai bạn cũ họp nhau quen / Cửa mận tường đào chân ngại chen - Nguyễn Trãi; Am Bạch Vân, rỗi nhàn hứng / Dặm hồng trần, biếng ngại chen - Nguyễn Bỉnh Khiêm…). Chính tính quy phạm, bút pháp ước lệ tượng trưng ấy đã tạo cho thơ văn trung đại tính hàm súc cao, lời ít ý nhiều (Ý tại ngôn ngoại). Mặt khác, thơ văn trung đại là sáng tác của những trí thức được đào tạo quy củ trong nhà trường Hán học nên họ thích vận dụng ý tứ, lí lẽ, điển cố điển tích, thi liệu trong sử sách thơ phú của người xưa và coi đó là chuẩn mực của chân lí và cái đẹp. Điều này đã tạo nên một đặc điểm quan trọng của văn chương trung đại, đó là tính uyên bác và mô phỏng cổ nhân. Người cầm bút thời trung đại có cảm hứng thật sự trong những quy phạm chặt chẽ định sẵn của các thể văn. Những đặc trưng cơ bản này chi phối nhiều đến quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương trung đại của người đọc, nhất là với đối tượng học sinh. Chính vì thế, trong các văn bản văn học trung đại giảng dạy trong nhà trường phần chú thích được biên soạn khá kĩ. Và đó là một phần không thể bỏ qua khi phân tích, tìm hiểu một tác phẩm văn học trung đại. 2.2. NỘI DUNG PHẦN CHÚ THÍCH Ở CÁC VĂN BẢN ĐỌC HIỂU TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 10 2.2.1. So sánh phần chú thích ở văn bản văn học dân gian và phần chú thích ở các văn bản văn học viết trung đại trong SGK Ngữ Văn 10 Phần Đọc - hiểu văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (Chương trình Chuẩn) gồm hai phần: Văn bản văn học dân gian và văn bản văn học viết trung đại, trong đó văn bản văn học trung đại chiếm số lượng nhiều hơn. Trong cả hai Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -3– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại loại văn bản, sách giáo khoa đều có phần chú thích nhưng bản văn học dân gian có số mục chú thích ít hơn so với văn bản văn học trung đại (VHDG: 90 mục chú thích; VHTĐ: khoảng 200 mục chú thích; Văn bản Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa có 03 mục chú thích, văn bản Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu có 33 mục chú thích). Và ngay trong văn bản văn học trung đại thì số mục chú thích giữa văn bản chữ Hán so với văn bản văn học chữ Nôm, giữa văn bản chính luận và văn nghệ thuật cũng không giống nhau (Ví dụ: Văn bản Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có 04 mục chú thích, văn bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi có 44 mục chú thích…) 2.2.2. Nội dung chú thích ở các văn bản văn học trung đại trong SGK Ngữ Văn 10 Từ việc tìm hiểu, khảo sát như trên, chúng tôi có nhận xét: Phần chú thích trong các văn bản văn học trung đại là một phần không thể thiếu, nội dung chú thích cũng rất phong phú, đa dạng. Chúng tôi tạm chia nội dung chú thích ở các văn bản văn học trung đại trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 (Chương trình Chuẩn) thành ba nhóm chính: + Nhóm chú thích từ ngữ + Nhóm chú thích sự kiện lịch sử + Nhóm chú thích điển cố, điển tích Những nội dung chú thích này thật sự cần thiết với việc tiếp nhận văn bản văn học trung đại của người đọc, người học, nhất là với các em học sinh. Nội dung các chú thích liên quan chặt chẽ đến những đặc điểm cơ bản về nội dung và hình thức của văn bản văn học trung đại như đã trình bày ở trên. Nếu không nắm kĩ những nội dung đã được chú thích, người đọc khó có thể hiểu hết, hiểu đúng các văn bản vốn dĩ rất hàm súc. Do kiến thức về thi pháp văn chương trung đại còn hạn chế, do những hiểu biết về lịch sử xã hội thời trung đại chưa sâu nên rất nhiều học sinh đã tiếp cận và khám phá văn bản văn học trung đại một cách chung chung và hời hợt. Trong việc đọc- hiểu văn bản văn học trung đại các em chỉ dừng lại ở chỗ cố gắng học thuộc lòng một số văn bản, nắm nét chính về nội dung và nghệ thuật của văn bản theo phần Ghi nhớ ở sách giáo khoa chứ chưa biết cách tìm hiểu những tầng nghĩa sâu xa sau từ ngữ, hình ảnh, điển tích, điển cố… mà các tác giả trung đại đã dụng công tìm hiểu và đưa vào trong tác phẩm của mình. Vì vậy, trong giảng dạy Ngữ văn nói chung và giảng dạy văn bản văn học trung đại nói riêng, giáo viên không thể không chú ý đến việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích. 2.3. PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG DẪN HỌC SINH TÌM HIỂU PHẦN CHÚ THÍCH KHI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC TRUNG ĐẠI Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tiến hành khảo sát ý kiến của học sinh một số lớp 10 về việc các em đã vận dụng phần chú thích như thế nào trong quá trình đọc hiểu văn bản văn học trung đại. Hầu hết các em đều cho rằng phần chú thích cuối mỗi văn bản là quan trọng nhưng các em chỉ mới “thỉnh thoảng có đọc” khi “nghe thầy cô giảng bài” chứ các em chưa xem việc tìm hiểu phần chú thích là một thao tác trong quá trình đọc bài, soạn bài. Nói cách khác, các em chưa ý thức được vai trò quan trọng của phần chú thích trong các văn bản đọc Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -4– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại hiểu đó. Thiết nghĩ, nhiệm vụ của người giáo viên là phải giúp học sinh thay đổi ý nghĩ “chú thích chỉ là phần thêm vào” trong các văn bản văn học, cần cho học sinh xác định rằng đến với văn bản văn học trung đại phải tìm hiểu phần chú thích để từ đó hiểu được sự hàm súc của những tác phẩm văn chương ra đời cách đây hàng thế kỉ. Căn cứ vào các nhóm chú thích đã phân loại (mục 2.1), chúng tôi định hướng phương pháp hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại theo các bước cơ bản 2.3.1. Đọc và hiểu các chú thích Dù chú thích thuộc nhóm từ ngữ, sự kiện lịch sử hay điển tích điển cố thì học sinh cũng cần phải đọc mới có thể nắm bắt nội dung chú thích. Mức độ đầu tiên là học sinh phải hiểu “từ ngữ trong chú thích đó có nghĩa là gì?”. Với yêu cầu này, chúng tôi hướng dẫn học sinh thực hiện khi đọc bài, soạn bài ở nhà. Đến lớp, sau thao tác đọc văn bản, giáo viên yêu cầu học sinh giải nghĩa chú thích bằng cách chỉ định bất kì học sinh nào, chú ý những học sinh có sức học trung bình. Nhiều văn bản văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 10 có những từ cổ mà nếu như không có phần chú thích thì học sinh không thể hiểu được nghĩa. Ví dụ: Ở văn bản Cảnh ngày hè (Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi), tám câu thơ có đến tám mục từ được chú thích trong đó có nhiều từ cổ, học sinh phải hiểu nghĩa trước khi tìm hiểu văn bản (rồi: rỗi rãi; thức: màu vẻ, dáng vẻ; tiễn: dư ra; dẽ có: lẽ ra nên có; đòi phen: nhiều phen…). Hay văn bản Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du, lâu này sách giáo khoa lớp 10 đều chọn bản dịch của Vũ Tam Tập để giảng văn đồng thời dẫn một số bản dịch khác để giáo viên và học sinh tham khảo. Trong bản dịch của Quách Tấn (Theo tạp chí Văn, số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du, Sài Gòn 1967), hai câu thực được dịch là: Hận luống vương thêm hồn phấn đại Tro tàn chưa hết luỵ văn chương. Chúng ta có thể thấy rằng, từ “phấn đại” ở đây thực sự xa lạ với rất nhiều học sinh. Nếu cho học sinh đọc tham khảo bản dịch này, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc phần chú thích mới hiểu được nghĩa của nó là “đồ trang điểm của phụ nữ”, tương ứng với từ “chi phấn” trong văn bản phiên âm. Một ví dụ khác, văn bản Thề nguyền (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), hai mươi hai câu thơ lục bát có tới 15 mục chú thích về điển tích và từ ngữ. Khi giảng dạy văn bản này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc phần chú thích để hiểu nghĩa của các từ ngữ như đài sen (cái đài hình hoa sen để đặt cây nến), lò đào (cái lò hương hình trái đào), tiên thề (tờ giấy ghi lời thề) hay tóc tơ (những điều chi li, tỉ mỉ)… Phải bắt đầu bằng việc hiểu nghĩa của từ ngữ mới nắm bắt nội dung văn bản từ đó khám phá ý nghĩa văn bản. So với chú thích từ ngữ thì chú thích sự kiện lịch sử và điển tích, điển cố đa dạng và phức tạp hơn. Nếu một số từ cổ trong văn bản học sinh có thể suy diễn nghĩa dựa vào các từ ngữ khác trong câu văn câu thơ thì những sự kiện lịch sử, những điển tích điển cố bắt buộc học sinh phải đọc kĩ mới nắm bắt được nội dung của chúng. Như trên đã nói, các tác giả trung đại có cảm hứng thật sự trong Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -5– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại những quy phạm chặt chẽ định sẵn, họ thích vận dụng ý tứ, điển tích điển cố trong sử sách thơ phú của người xưa và coi đó là chuẩn mực của chân lí và cái đẹp. Người đọc văn, học văn hôm nay, với đời sống tình cảm khác, với lối tư duy khác, muốn hiểu được “cảm hứng” đó, “ý thích” đó thì phải hiểu những tích xưa ấy “có nghĩa là gì?”. Nếu học sinh không đọc phần chú thích sau các văn bản đọc hiểu, làm sao các em nắm bắt được vấn đề. Vì vậy, trong việc đọc hiểu văn bản văn học trung đại, yêu cầu học sinh nắm nội dung điển tích điển cố có trong văn bản là yêu cầu tối thiểu. Đọc hiểu văn bản Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, lẽ tất nhiên phải nắm được chú thích “Tử Trường” (tên chữ của Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng của Trung Quốc thời Hán, người đã từng du lịch nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử); đọc văn bản Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, phải nắm được điển tích được nhắc đến trong câu thơ cuối “Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” (kể chuyện Thuần Vu Phần uống rượu say nằm dưới gốc cây hoè rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển, sau bừng tỉnh dậy thì hoá ra đó chỉ là giấc mộng mà thôi). Tương tự như thế, khi đọc hiểu văn bản Đại cáo bình Ngô, không thể bỏ qua việc tìm hiểu những tích cũ được tác giả Nguyễn Trãi sử dụng dày đặc trong văn bản (Cỗ xe cầu hiền còn chăm chăm dành phía tả nhắc chuyện Tín Lăng Quân nước Nguỵ, nghe tiếng Hầu Doanh là một hiền sĩ nên mình ngồi phía hữu, dành phía tả cho Hầu Doanh, có ý tôn trọng người hiền; hay câu văn Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới nhắc chuyện cũ nói về Trần Thắng, Ngô Quảng do khởi nghĩa quá gấp, may cờ không kịp, giơ cần trúc ra làm cờ…) Tuy nhiên, khi tìm hiểu phần chú thích không chỉ dừng lại ở mức độ hiểu từ ngữ ấy có nghĩa là gì, điển tích ấy nói về điều gì, mà quan trọng hơn là phải xác định được vì sao tác giả lại dùng từ ngữ ấy, điển tích ấy. Hay nói cách khác là ý nghĩa của từ ngữ, điển tích trong văn bản văn học được đọc hiểu. 2.3.2. Xác định ý nghĩa của những nội dung chú thích trong chỉnh thể văn bản văn học So với thao tác đọc và hiểu từ ngữ, điển tích thì việc xác định ý nghĩa của những nội dung được chú thích trong toàn bộ văn bản văn học có phần khó hơn. Để công việc này đạt hiệu quả, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu trong quá trình phân tích văn bản. Với sự định hướng của giáo viên, học sinh dần dần nắm bắt được dụng ý của tác giả khi sử dụng từ ngữ, điển tích xưa vào văn bản. Đó hoàn toàn không phải là phần thêm vào một cách ngẫu hứng mà đó chính là một thủ pháp nghệ thuật. Qua phần chú thích sau văn bản, học sinh sẽ hiểu việc đưa các từ ngữ cổ xưa hay các điển tích điển cố vào văn bản không nhằm mục đích thông tin mà đó chính là phương tiện để các tác giả chuyển tải những tình ý sâu xa về con người, về cuộc đời. Văn bản Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm) có chú thích từ “non Yên” là “núi Yên Nhiên” ở Trung Quốc. Nếu chỉ dừng ở đó, phần chú thích chỉ mang tính thông tin. Nhưng với tích xưa đi kèm (Đậu Hiến thời Hậu Hán đuổi giặc Bắc Thiền Vu đến núi Yên Nhiên, khắc đá ghi công ở đó rồi trở về) thì Yên Nhiên không còn là một từ chỉ địa điểm Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -6– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại nữa mà còn chỉ nơi chiến trận ngoài biên ải xa xôi, địa danh đã chứa đựng tình cảm con người. Chỉ một từ “non Yên” thôi mà gợi ra bao nhiêu là sự xa xôi cách trở, kéo dài khoảng cách giữa người chinh phụ - chinh phu. Hay văn bản Trao duyên (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) có chú thích từ “keo loan”, học sinh không thể chỉ nắm nghĩa của từ ở mức độ là “thứ keo chế bằng huyết của con chim loan để gắn kết các vật” mà điều quan trọng là phải hiểu được tình ý của Nguyễn Du khi đặt từ ngữ đó vào câu thơ, đoạn thơ của mình. Nằm trong mạch thơ “Cậy em em có chịu lời / Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa / Giữa đường đứt gánh tương tư / Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em” thì từ “keo loan” đó đã nói hộ cho Kiều biết bao điều gan ruột: Chị xem em như một thứ keo quý, nối tình duyên giữa chị với Kim Trọng; em hãy “xót tình máu mủ” mà thay chị kết duyên với chàng Kim! Có thể dẫn thêm ví dụ khác: Văn bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có hai câu văn: Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào Hình ảnh “hoà nước sông chén rượu…” đã được Nguyễn Trãi sử dụng rất hay nhưng nếu hiểu những tích xưa (cả ở Trung Hoa và ở nước ta) liên quan đến ý văn này (Xưa có viên tướng giỏi, khéo dùng binh, nhân có người biếu chai rượu đã truyền tập hợp quân đội bên dòng sông, rồi đổ chai rượu xuống sông để mọi người cùng uống, gọi là chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chiến đấu một lòng Dẫn theo điển trong Văn tuyển chép lời Hoàng Thạch Công; hay truyền thuyết nước ta: ở huyện Lang Chánh, Thanh Hoá có truyện Suối rượu; ở huyện Thường Xuân, Thanh Hoá có truyện Hòn đá khao đều nói Lê Lợi xưa có làm động tác đổ rượu xuống sông khao quân) thì người đọc lại càng hiểu rõ hơn tấm lòng của người anh hùng dân tộc Lê Lợi - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, qua đó hiểu rõ hơn sách lược tài tình “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chi nhân thay cường bạo” của dân tộc ta… Như vậy, có thể nói rằng tìm hiểu phần chú thích ở các văn bản văn học trung đại là điều rất cần thiết. Đây là một trong những phương pháp giúp học sinh khám phá được tính hàm súc, chiều sâu tư tưởng của các tác phẩm văn học, từ đó hiểu được tình cảm của ông cha ta, hiểu được đời sống tinh thần một thời của dân tộc. 2.4. THIẾT KẾ GIÁO ÁN THỂ NGHIỆM (Lớp 10, chương trình Chuẩn) Tiết 85: Đọc văn CHÍ KHÍ ANH HÙNG (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) A. MỤC TIÊU BÀI HỌC Qua bài giảng, giúp học sinh: - Hiểu được lí tưởng của Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải. - Thấy được nghệ thuật khắc hoạ hình tượng người anh hùng trong đoạn trích. B. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -7– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại - Ổn định lớp - Kiểm tra bài cũ (3 phút) - Bài mới Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt Hoạt động 1: Tìm hiểu chung I. Tìm hiểu chung TT1: Tìm hiểu xuất xứ đoạn trích 1. Xuất xứ HS: Đọc Tiểu dẫn trong SGK - Từ Hải cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, hai GV: Giới thiệu đoạn trước và đoạn sau người sống hạnh phúc. Nhưng Từ Hải phần trích muốn có sự nghiệp lớn nên từ biệt Kiều ra đi. - Đoạn trích lấy từ câu 2213 đến câu 2230 trong Truyện Kiều. TT2: Đọc và định hướng tìm hiểu 2. Đọc và định hướng tìm hiểu GV: Hướng dẫn cách đọc (giọng ngợi ca, Chí khí anh hùng thể hiện qua: ngưỡng mộ) - Khao khát vẫy vùng HS: Đọc đoạn trích - Lời hẹn ước (?) Có thể tìm hiểu đoạn trích theo những - Tư thế ra đi nội dung chính nào? Hoạt động 2: Đọc - Hiểu văn bản II. Đọc - Hiểu văn bản TT1: Tìm hiểu niềm khao khát vẫy vùng 1. Niềm khao khát vẫy vùng của người của Từ Hải anh hùng Từ Hải HS: Đọc 4 câu thơ đầu - Hình ảnh sóng đôi: (?) Những từ “hương lửa”, “lòng bốn + Con người: trượng phụ / thanh gươm phương”, “thanh gươm yên ngựa” có nghĩa yên ngựa, hành động dứt khoát → con gì? Đặt chúng trong văn bản có ý nghĩa như người anh hùng thế nào? + Không gian: bốn phương / trời bể mênh mang → không gian vũ trụ cao rộng → Con người hài hoà với không gian. Từ Hải không phải là con người của những đam mê tầm thường mà là con người của sự nghiệp phi thường. Chí khí anh hùng thể hiện rõ ngay từ khát khao lớn. TT2: Tìm hiểu về lời hẹn ước của Từ Hải 2. Lời hẹn ước của người anh hùng HS: Đọc 12 câu thơ tiếp theo, xem kĩ các - Bao giờ mười vạn… chú thích (7), (8), (9), SGK trang 113. Tiếng chiêng dậy đất … làm cho rõ mặt (?) Lời hẹn uớc của Từ Hải nói lên điều gì? phi thường → Từ ngữ thể hiện sức mạnh ghê gớm hứa hẹn một ngày trở về oai hùng, dũng mãnh lay chuyển cả đất trời. Đây thực sự là lời hẹn ước của người anh hùng. TT3: Tìm hiểu về tư thế ra đi của Từ Hải. 3. Tư thế ra đi của người anh hùng HS: Đọc hai câu thơ cuối - Quyết lời dứt áo… (?) Chú thích (12) nhắc điển tích về sách Gió mây bằng đã … dặm khơi Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -8– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại Trang Tử. Tích đó nói lên điều gì về người anh hùng Từ Hải? (?) Từ việc phân tích các đoạn thơ, hãy nêu cảm nhận của em về nhân vật Từ Hải. HS: […] GV: Từ Hải hiện lên với tầm vóc, tư thế, khát vọng của người anh hùng, phi thường dũng mãnh Hoạt động 3: Tổng kết (?) Nhận xét chung về nghệ thuật và nội dung của đoạn trích? HS: […] GV: Củng cố … Động từ mạnh + hình ảnh đẹp, kì vĩ, vận dụng tích xưa → khắc hoạ một buổi ra đi của người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ. Hành động dứt áo của Từ Hải thể hiện sự dứt khoát, không lưu luyến bịn rịn. Bước chân ra đi của Từ Hải như cánh chim bằng cưỡi gió nơi biển khơi. III. Tổng kết - Nghệ thuật: Miêu tả nhân vật qua hình dáng, hành động, lời nói; hình ảnh đẹp giàu sức gợi cảm… - Nội dung: Khắc hoạ đậm nét chí khí anh hùng của Từ Hải, từ đó nói lên lí tưởng về người anh hùng của Nguyễn Du. * Dặn dò, hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài mới - Học thuộc lòng đoạn thơ, tìm đọc thêm đoạn trước và đoạn sau của phần trích. - Chuẩn bị bài mới: Thề nguyền III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI Từ việc hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại một cách có hệ thống vào quá trình giảng dạy, bản thân tôi nhận thấy việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn nói chung và văn học trung đại nói riêng theo hướng lấy HS làm trung tâm, giúp các em chủ động nắm bắt nội dung văn bản đã mang lại những hiệu quả nhất định. Cụ thể là: - Đối với các em HS, đặc biệt là các em lớp 10, việc đọc hiểu văn bản văn học thuộc chương trình Ngữ văn THPT nói chung có gặp những trở ngại nhất định do các em mới đầu cấp còn nhiều bỡ ngỡ. Đối với văn bản văn học trung đại, việc đọc hiểu của HS chắc chắn có nhiều khó khăn hơn do đặc thù của thi pháp trung đại. Vì thế, các em dễ rơi vào sự thụ động, e ngại và trở nên dễ nản khi tiếp xúc với phần văn bản này. Trong nhiều biện pháp, việc chúng tôi thực hiện hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích một cách chủ động, kĩ lưỡng như đã trình bày đã làm cho các em dễ dàng tiếp nhận văn bản, các em không còn e ngại khi học phần văn bản này. - Việc hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích đã giúp chúng tôi có thời gian để cùng HS khai thác sâu hơn ý nghĩa của hình ảnh, chi tiết trong văn bản vì thông qua chú thích, HS đã thực sự nắm được ý nghĩa của từ ngữ, điển tích điển cố...GV có được nhiều thời gian cùng HS đào sâu kiến thức. Từ đó học sinh dễ tiếp thu bài học, học sinh chủ động hơn trong việc trình bày ý kiến của mình, phát huy sự chủ động sáng tạo của tư duy. - Giáo viên không còn cố gắng giảng giải các từ cổ, các điển tích điển cố, các sự kiện lịch sử, thay vào đó học sinh đã chủ động đọc hiểu điều này trong phần soạn bài, vì thế các giờ học trở nên nhẹ nhàng với tâm lí thoải mái. Nhờ đó không Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết -9– Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại khí những giờ đọc hiểu văn bản văn học trung đại không còn khô cứng, căng thẳng và mang tính áp đặt, giáo điều. - Một hiệu quả thiết thực rất đáng kể là khi HS chủ động tìm hiểu phần chú thích, các em đã làm giàu có hơn cho vốn từ vựng của mình, có thêm những hiểu biết về sự kiện lịch sử và tên tuổi của các nhân vật nổi tiếng trước đây. Sự hiểu biết này lại tác động tích cực đến lòng yêu thích, sự hứng thú của HS đối với bộ môn Ngữ văn nói chung và phần văn bản văn học trung đại nói riêng vốn đã từng khiến các em chán nản, e ngại vì khó hiểu. - Mức độ hứng thú và hiệu quả của việc tìm hiểu phần chú thích của học sinh còn phụ thuộc vào từng vấn đề của từng văn bản cụ thể, phần chú thích đó có dễ hiểu, có gần gũi với sự tiếp thu của các em hay không. Ngoài ra, từng đối tượng học sinh cụ thể hiệu quả rõ ràng là khác nhau. Chúng tôi đã áp dụng vào lớp A là lớp chọn, có đối tượng HS là khá giỏi nên việc tìm hiểu phần chú thích của các em rất hiệu quả, giờ học sôi động hẳn lên. Chỉ qua một học kì, vốn từ vựng cùng kho kiến thức về sự kiện lịch sử, nhân vật nổi tiếng thời cổ của các em đã tăng lên rõ rệt. Các em hứng thú, chủ động và mạnh dạn trình bày ý kiến rất nhiều trong giờ học. - Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi thực hiện còn những hạn chế nhất định: Một số học sinh chưa thật chủ động tìm hiểu phần chú thích khi soạn bài nên trong giờ học, các em còn ngơ ngác chưa bắt kịp nhịp độ chung của giờ học. Một số em lại đọc qua loa hoặc không thực hiểu phần chú thích nên hiệu quả không cao. Vì thế, vẫn còn một số em, dù ít, thụ động trong việc đọc hiểu văn bản văn học trung đại. Một số trường hợp lại có sự nhầm lẫn khi tiếp xúc với từ cổ hoặc điển tích điển cố khó nhớ, dẫn đến việc hiểu sai ý nghĩa nội dung của văn bản. IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG 1. Đề xuất Việc hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích đối với việc đọc hiểu văn bản văn học nói chung và văn bản văn học trung đại nói riêng là việc cần thiết từ trước đến nay. Có thể mạnh dạn khẳng định rằng, khi đọc một văn bản văn học trung đại, HS không hề đọc chú thích hoặc đọc qua loa thì chắc chắn không thể hiểu sâu sắc những ý nghĩa sâu xa của nó, nhiều lúc có thể hiểu hời hợt trên bề nổi câu chữ hoặc hiểu sai ý nghĩa văn bản đó. Song trong quá trình giảng dạy không phải lúc nào GV cũng thực hiện việc hướng dẫn HS một cách có hệ thống, kĩ lưỡng và vì thế, HS cũng không thực hiện một cách chủ động mà chỉ là qua loa, chiếu lệ. Chúng tôi mong muốn qua đề tài nhỏ này sẽ được mọi người quan tâm đón nhận, ủng hộ và vận dụng tích cực vào việc dạy học ở nhà trường. Muốn đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi GV cần quán triệt đến HS thao tác tìm hiểu phần chú thích kĩ lưỡng khi soạn bài là bắt buộc trước khi đi vào cụ thể các yêu cầu khác của phần chuẩn bị bài. Hơn nữa, người thầy phải tìm hiểu thật sâu, nắm thật vững phần này và bằng nghệ thuật dẫn dắt, khơi gợi những ý có liên quan đến phần chú thích như từ cổ, sự kiện lịch sử hay điển tích điển cố để kích thích sự hứng thú, sự tò mò khám phá hiểu biết của HS. Điều đó giúp HS tự giác, chủ động tìm hiểu chứ không phải bị ép buộc, đối phó. 2. Khuyến nghị Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết - 10 – Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại - Phải chú ý đến từng đối tượng HS khi hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích của văn bản văn học trung đại. - Muốn hướng dẫn có hiệu quả cho HS, GV phải chuẩn bị kĩ lưỡng những hiểu biết về phần chú thích, sau đó, phải tìm cách khơi gợi cho HS trước về phần này để tạo sự hứng thú, kích thích sự tò mò của các em; biến việc tìm hiểu phần chú thích là việc phải làm thành việc muốn làm, thích làm. Trong dạy học nói chung và dạy học Ngữ Văn nói riêng, phương pháp dạy - học đóng vai trò quyết định đối với việc lĩnh hội, khám phá văn bản. Người giáo viên thường trăn trở, tìm tòi để tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại cũng là một phương pháp mà chúng tôi rút ra được qua quá trình giảng dạy. Vận dụng phương pháp này vào giảng dạy, chúng tôi ghi nhận được những kết quả học tập tích cực từ phía học sinh. Chúng tôi cũng xem đây là một dịp để sẻ chia kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp. Bài viết chỉ dừng lại ở những ý khái quát, có phân tích một số ví dụ để minh hoạ nhưng chưa thể xem là sự đánh giá sâu sắc và toàn diện về vấn đề. Tác phẩm văn chương, đặc biệt là những tác phẩm văn chương thời trung đại, chứa đựng sự hàm súc, ý tứ sâu xa, không thể đọc qua một lần mà hiểu hết được chiều sâu ý nghĩa. Đằng sau mỗi chữ, mỗi từ, mỗi hình ảnh là thế giới tinh thần, tình cảm của ông cha ta ngày xưa mà muốn hiểu hết được, người đọc phải đến với tác phẩm bằng tất cả tâm hồn. Mọi thao tác đọc hiểu hời hợt đều không đem lại sự cảm nhận đúng đắn về tác phẩm. Bằng kinh nghiệm giảng dạy, bằng tâm huyết với nghề nghiệp, bằng sự tìm tòi và vận dụng phương pháp dạy học phù hợp, người giáo viên sẽ giúp học sinh của mình tiếp cận, thưởng thức tác phẩm văn chương một cách sâu sắc và việc dạy, học văn trong nhà trường cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sách giáo khoa- Sách giáo viên Ngữ Văn 10 - NXB Giáo dục 2. Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn- Góc nhìn của người trong cuộc – Báo Giáo dục Thời đại- Tháng 2/ 2009 3. Cơ sở văn bản học Hán Nôm- PGS TS Ngô Đức Thọ, PGS TS Trịnh Khắc Mạnh- NXB Khoa học xã hội- 2006 Tân Phú , ngày 10 tháng 12 năm 2012 Người viết Phạm Thị Thúy Hoàn Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết - 11 – Hướng dẫn HS tìm hiểu phần chú thích khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại MỤC LỤC HƯỚNG DẪN HỌC SINH TÌM HIỂU PHẦN CHÚ THÍCH KHI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC TRUNG ĐẠI I. Lí do chọn đề tài…………………………………………………..trang 1 II.Tổ chức thực hiện đề tài…………………………………………..trang 1 1. Cơ sở lí luận…………………………………………………..trang 1 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài………trang 2 3. Hiệu quả của đề tài……………………………………………trang 9 III. Đề xuất, khuyến nghị …………………………………………….trang 10 IV. Tài liệu tham khảo……………………………………………….trang 11 Phạm Thị Thuý Hoàn- Trường THPT Đoàn Kết - 12 –
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan