Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Skkn một vài định hướng đọc hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại...

Tài liệu Skkn một vài định hướng đọc hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại

.DOC
18
954
147

Mô tả:

SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI Đơn vị: Trường THPT Đoàn Kết …˜ ™ … Mã số:…………… ĐỀ TÀI: MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN NGHỊ LUẬN TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI Người thực hiện: Mai Thị An Lĩnh vực nghiên cứu: Quản lý giáo dục Phương pháp dạy học bộ môn Văn Phương pháp giáo dục Lĩnh vực khác:………………………… Có đính kèm: Mô hình Phần mềm Phim ảnh Năm học: 2012- 2013 Hiện vật khác SƠ LƯỢC LÝ LỊCH KHOA HỌC …š  › … I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN 1. Họ và tên: Mai Thị An 2. Ngày tháng năm sinh: 30/ 04/ 1976 3. Nam , , nữ 4. Địa chỉ: Khu 8 - Thị trấn Tân Phú - Đồng Nai 5. Điện thoại: 01645638560 6. Chức vụ: Giáo viên 7. Đơn vị công tác: Trường THPT Đoàn Kết II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO - Học vị (Hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) cao nhất: Cử nhân - Năm nhận bằng: 1999 - Chuyên ngành đào tạo: Ngữ Văn III. KINH NGHIỆM KHOA HỌC - Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: 13 năm - Số năm có kinh nghiệm: 13 năm - Các sáng kiến kinh nghiệm đã có trong những năm gần đây: + Phương pháp rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh. + Sử dụng sơ đồ hóa trong giảng dạy Văn học sử ở trường PT. + Ứng dụng CNTT trong giảng dạy văn học Sử ở trường PT. MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN NGHỊ LUẬN TỪ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Văn nghị luận là một thể loại có vị trí quan trọng trong đời sống nhân loại. Đã có rất nhiều áng văn trở thành mẫu mực, bất hủ của từng dân tộc và trên toàn thế giới. Là thể loại gắn trực tiếp với đời sống của từng quốc gia trong những thời điểm đặc biệt. Những năm gần đây, sách giáo khoa Ngữ văn THPT đã đa dạng hóa các loại hình văn bản được đưa vào giảng dạy, trong đó có nhiều văn bản văn nghị luận. Trước đây, trong toàn bộ chương trình THPT chỉ xuất hiện một vài tác phẩm văn nghị luận đỉnh cao trong lịch sử văn học như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh… thì trong chương trình ngữ văn hiện hành, thống kê sơ bộ cho thấy ở lớp 10 và 11 mỗi lớp học sinh phải đọc hiểu 6 văn bản nghị luận. Riêng lớp 12, kể cả văn bản được đưa vào đọc thêm, thì có tới 9 văn bản, chiếm tỉ lệ khoảng 20% tổng số các văn bản được lựa chọn cho học sinh. Trong tương quan với các văn bản là những sáng tác nghệ thuật, những văn bản nghị luận này đòi hỏi người đọc một cách tiếp cận khác, đặt ra nhiều thách thức cho cả giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học. Hơn nữa các bài thi Ngữ văn hiện nay của học sinh luôn đòi hỏi các em phải vận dụng thành thục các thao tác và kĩ năng nghị luận. Thực tế đó đòi hỏi học sinh phải hình thành một cách “đọc” văn nghị luận, để từ đó có khả năng nhận diện vẻ đẹp của các bài văn cụ thể và quan trọng hơn, biết vận dụng các kĩ năng đó vào bài làm văn và ứng xử với các vấn đề của cuộc sống nói chung. Xuất phát từ những lí do trên, tôi mạnh dạn đưa ra “Một vài định hướng đọc – hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại”, với mong muốn góp phần đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn theo tinh thần đổi mới. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lí luận a. Khái niệm về văn nghị luận. Văn bản nghị luận là một trong 6 dạng văn bản trong SGK Ngữ văn THPT. Cũng như các văn bản khác, ngoài mục đích văn chương, văn bản nghị luận với những giá trị đặc trưng riêng đã đem lại cho học sinh những phát triển mà mỗi dạng văn bản tạo ra từ chính giá trị của bản thân tác phẩm. Văn bản nghị luận thuyết phục người đọc, người nghe thông qua hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng và những hình ảnh sinh động gắn với thực tiễn. Vẻ đẹp riêng của văn chương nghị luận vừa cuốn hút hấp dẫn tạo ra dòng chảy tư duy mạch lạc chặt chẽ trước các vấn đề chính trị xã hội và cả đời sống nhân sinh. “Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức…). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng sai, phải trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, bác bỏ, so sánh… văn nghị luận tác động vào lí trí, nhận thức và cả tâm hồn người đọc, giúp họ hiểu rõ vấn đề đã nêu” (SGK Ngữ văn 11). Văn nghị luận là thể loại văn: “Viết về những vấn đề nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau: chính trị, kinh tế, triết học, văn hoá…Mục đích của văn nghị luận là bàn bạc thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định… Đặc trưng cơ bản của văn bản nghị luận là tính thuyết phục- khác với văn bản nghệ thuật, văn chương nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ…” (Lê Bá Hán,Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi- Từ điển thuật ngữ văn học – NXB Đại học quốc gia.). Văn bản nghị luận là một bộ phận trong hệ thống văn bản của SGK Ngữ văn THPT. Để dạy văn bản nghị luận có hiệu quả cần phải có vốn tri thức về nghị luận, các vấn đề xã hội, lịch sử có liên quan cùng đồng thời với sự chuẩn bị công phu của giáo viên trong việc thiết kế một bài giảng khoa học, hợp lí nhất. b. Những vẻ đẹp nổi bật của một văn bản nghị luận. Văn bản nghị luận, ở một góc độ nào đó, nó cũng giống như một phát ngôn, luôn có một mục đích giao tiếp thiết thực: góp phần thay đổi nhận thức của một đối tượng, thuyết phục ai đó tin và hành động theo hướng có lợi cho người viết… Để đạt được mục đích giao tiếp, văn nghị luận đòi hỏi người cầm bút nhận thức sâu sắc về đối tượng tiếp nhận, đồng thời tìm cách diễn đạt có hiệu quả giao tiếp cao nhất để thuyết phục đối tượng giao tiếp. Vì vậy, văn nghị luận trước hết bộc lộ ở chất trí tuệ của người cầm bút. Vẻ đẹp của văn nghị luận còn nằm ở cách lập luận có sức thuyết phục. Văn nghị luận chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc về một vấn đề. Do đó, hệ thống lập luận càng chặt chẽ, sức thuyết phục của bài văn nghị luận càng lớn và hiệu quả giao tiếp càng cao. Như vậy, vẻ đẹp của văn bản nghị luận không chỉ nằm ở nội dung tư tưởng như văn bản nghệ thuật, mà còn nằm ở tính khoa học và chặt chẽ của hệ thống lập luận: từ cách đặt vấn đề, cách triển khai nội dung để giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lí đến cách thuyết phục người nghe, người đọc. Ngoài ra, vẻ đẹp của văn nghị luận còn thể hiện ở vẻ đẹp của ngôn từ. Thuyết phục người đọc bằng lí lẽ, lập luận và những chứng cứ xác đáng, nhưng không có nghĩa là văn nghị luận triệt tiêu những cung bậc xúc cảm của người viết và tính hình tượng của lời văn. Sức truyền cảm của ngôn từ trong văn nghị luận bộc lộ rất phong phú, từ hình ảnh, nhịp điệu, các biện pháp tu từ… của câu văn đến giọng điệu, điểm nhìn… của người viết. Như vậy, văn bản nghị luận do những đặc trưng riêng của nó, đòi hỏi ở người đọc một cách đọc khác với các tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, những văn bản nghị luận trong chương trình THPT thực sự là một thử thách trí tuệ với học sinh. 2. Định hướng những thao tác cần thiết để đọc hiểu văn bản nghị luận. Về cơ bản văn bản nghị luận là sản phẩm của tư duy lôgíc. Những vẻ đẹp của một áng văn nghị luận không chỉ thể hiện ở tư tưởng đúng đắn, sâu sắc, nó còn thể hiện ở hình thức lập luận phong phú, lí lẽ đanh thép, giọng điệu thuyết phục cùng sự cuốn hút bởi lòng nhiệt tình và thái độ của mỗi tác giả trước vấn đề nghị luận. Vì thế, dạy văn bản nghị luận cần chú ý các yêu cầu sau: a. Nắm được yêu cầu chung của văn bản nghị luận. - Nội dung: phải nêu rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đề; phân tích mặt đúng, sai, mặt lợi, mặt hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến khẳng định của người viết. - Hình thức: bố cục phải mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, lập luận xác thực; phép lập luận phù hợp, lời văn chính xác, sinh động, thuyết phục. Tuy nhiên, khi dạy học ta không thể chỉ dừng lại ở những điểm chung này. Bởi sức hấp dẫn của mỗi tác phẩm nghị luận nằm ở sự độc đáo trong cách lựa chọn luận điểm, cách triển khai luận điểm, cách lập luận, giọng điệu, ngôn từ…Hay nói cách khác là ở phong cách nghị luận riêng của từng tác giả, tác phẩm. Do vậy, cần triển khai phân tích những bình diện đó để thấy giá trị nội dung và sự hấp dẫn thẩm mỹ riêng của từng tác phẩm. b. Tìm hiểu các nhân tố giao tiếp xung quanh văn bản nghị luận. Trước hết, vì vẻ đẹp của văn nghị luận không nằm ở vẻ đẹp xúc cảm, không nhằm tác động chủ yếu vào tâm hồn con người như văn bản nghệ thuật mà nằm ở khả năng thức tỉnh nhận thức của người tiếp nhận, nên tìm hiểu văn nghị luận, là phải tìm hiểu được các nhân tố giao tiếp xung quanh văn bản đó. Phải tìm hiểu kĩ xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của văn bản để hiểu được viết để hướng tới đối tượng nào và nhằm mục đích gì. Ví dụ 1: trong chương trình lớp 11 có học văn bản “Chiếu cầu hiền”, sau khi dẫn dắt vấn đề và ghi tên văn bản lên bảng, giáo viên gọi một học sinh đọc tiểu dẫn. Khi cả lớp đã nghe đọc phần tiểu dẫn, giáo viên ghi mục này lên bảng và nêu câu hỏi: Phần tiểu dẫn cung cấp những nội dung thông tin nào về tác giả Ngô Thì Nhậm? Những nội dung đó có ý nghĩa như thế nào giúp em tìm hiểu văn bản? Qua sự chuẩn bị ở nhà, kết hợp với phần tiểu dẫn học sinh sẽ dễ dàng có được những kiến giải ban đầu: Ngô Thì Nhậm xuất thân trong một gia đình có nhiều người đậu đạt và làm quan to ở triều Lê - Trịnh. Dòng họ Ngô ở Tả Thanh Oai là một dòng họ lớn có 15 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời. Bản thân ông là một cựu thần của nhà Lê nhưng nay đã ra cộng tác đắc lực với triều Tây Sơn. Trong khi một số trí thức Bắc Hà quay lưng hoặc chống lại tân triều, thậm chí người nhà của ông cũng bất hợp tác với Quang Trung chỉ vì cố chấp với tư tưởng trung quân lỗi thời thì việc Ngô Thì Nhậm bước qua lời nguyền lịch sử -lời nguyền “trung thần bất sự nhị quân” của Nho giáo- đã thể hiện một tầm nhìn quảng đại, một thái độ mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử của nhà văn. Từ một văn thần của cựu triều nhưng nay được hoàng đế Quang Trung hết mực tin dùng, giao trọng trách lớn, điều đó có sức thuyết phục rất lớn đối với những ai còn hoài nghi tấm lòng thành của đức hoàng đế Quang Trung. Những ai còn mang tư tưởng bảo thủ, cố chấp sẽ dễ tìm thấy được lối giải thoát cho tâm lí mặc cảm vốn sẵn có trong con người nhà nho. Lựa chọn Ngô Thì Nhậm chấp bút soạn tờ Chiếu cầu hiền, chứng tỏ Nguyễn Huệ có tầm nhìn xa trông rộng! Ví dụ 2: Văn bản Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ. Khác với văn bản Chiếu cầu hiền về bối cảnh văn hóa - lịch sử cũng như đối tượng tiếp nhận, bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ phải lựa chọn một cách viết khác dù mục đích cuối cùng cũng là thuyết phục đối tượng hướng tới thay đổi nhận thức dẫn tới có những quyết sách đúng đắn, những mong lay chuyển được cục diện, thay đổi thế cờ mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong bài Chạy giặc đã diễn tả thời cuộc bằng câu thơ có tính bình luận: “Một bàn cờ thế phút sa tay”! Trước khi đi vào đọc - hiểu văn bản, giáo viên nêu câu hỏi dẫn dắt những vấn đề liên quan đến tác giả, bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị tác động đến mục đích dâng điều trần lên vua Tự Đức của Nguyễn Trường Tộ. Về cuộc đời của tác giả, giáo viên phải gợi mở và giúp học sinh phân tích được những lớp thông tin sau những chỉ dẫn hết sức cơ bản của sách giáo khoa như: Là người uyên thâm Hán học nhưng không lựa chọn con đường công danh chốn triều đường mà lui về dạy học. Là người theo đạo Thiên chúa trong bối cảnh triều đình phong kiến không mặn mà với các tôn giáo khác với đạo Nho, theo em những điều trên có ảnh hưởng như thế nào đối với tư tưởng tác giả và tâm thế của Nguyễn Trường Tộ khi viết bản điều trần? Dựa vào ngữ cảnh văn hóa - lịch sử và tiểu sử của tác giả, học sinh sẽ thấy được sự lựa chọn của riêng nhà văn trong việc lập thân và lựa chọn tín ngưỡng sẽ đem đến những thuận lợi cho tác giả như sau: - Không lựa chọn con đường làm quan để tồn tại, Nguyễn Trường Tộ có lợi thế là ông không bị những ràng buộc khắt khe của nhãn quan mang tính giai cấp chi phối, những câu thúc có tính thực dụng của đời sống vật chất, bổng lộc của chốn quan trường. Đối với thể chế đương thời, ông là người đứng ngoài nhìn vào nên dễ thấy được những bất cập của nó. Là người theo đạo Thiên chúa, tác giả có điều kiện tiếp thu tự do các luồng tư tưởng phương Tây. Là một trí thức Nho học uyên thâm nên độ khúc xạ văn hóa và quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra ở nhà văn có tính chọn lọc và giá trị nhân văn sâu sắc. - Nhưng, là người từ bỏ con đường truyền thống của trí thức nho sĩ để đi vào một hướng riêng khác với số đông đương thời, Nguyễn Trường Tộ dễ thường vấp phải cái nhìn dị nghị, dò xét của các bậc thức giả cùng thời, đặc biệt là đấng thiên tử! Do đó, tâm thế để soạn thảo bản điều trần lần này của ông khác hẳn bậc đại nho Chu Văn An thời Trần dâng Thất trảm sở. Tuy tâm huyết, hoài bão của kẻ hậu sinh chưa hẳn đã thua kém gì bậc tiền bối, nếu không nói là tâm huyết và bản lĩnh của Nguyễn Trường Tộ lần này có phần mãnh liệt hơn vì phận vị của người dâng sớ và bối cảnh lịch sử bây giờ có quá nhiều vấn đề hết sức nhạy cảm mà khi chấp bút tác giả chắc đã lường được không ít khó khăn và hiểm nguy. - Với bản lĩnh của một trí thức đất Việt, một nhãn quan tinh anh vượt tầm thời đại, Nguyễn Trường Tộ hiểu rất rõ lẽ được mất của cuộc “đối thoại” lần này. Làm chủ được hệ thống tri thức văn hóa Đông - Tây cùng với tinh thần đấu tranh hết sức mềm dẻo và bầu nhiệt huyết cao độ, tác giả đã thuyết phục người nghe bằng cả lí lẫn tình, trong đó có cả phần tâm linh của con người thời trung đại. Cho nên song song với quá trình phê phán những bất cập, lạc hậu của Nho giáo trước vận mệnh của dân tộc và nhu cầu canh tân đất nước, Nguyễn Trường Tộ đã khéo léo trích dẫn những lời nói của Khổng Tử để làm luận chứng cho mỗi luận điểm của mình. Đọc văn bản điều trần, người nghe luôn gặp gỡ một sự dung hòa kì diệu giữa lí và tình, giữa Đông và Tây; cho dù trong thực tế giữa chúng có một sự cách biệt rất lớn. Nếu không phải là một nhà tư tưởng thì tác giả bản điều trần dễ rơi vào cửa tử của một sự xung đột Đông - Tây khó bề hóa giải. Dung hòa nhưng vẫn giữ được lập trường, chính kiến, dung hợp để tránh được tội khi quân nhưng vẫn giữ được bản lĩnh, tác giả quả rất cao cường khi chỉ ra sự khác biệt trong điều hành bằng đức trị của Nho giáo và điều hành nhà nước bằng pháp luật; đồng thời Nguyễn Trường Tộ cũng đã đi đến khẳng định sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật. Chỉ ra sự bất cập của thế chế đương thời nhưng nhà văn vẫn giữ được thể diện cho bậc thiên tử. Tài biện luận của Nguyễn Trường Tộ quả không thua bất kì một thuyết gia nào trong lịch sử Đông-Tây. Tuy nhiên, để tìm hiểu các nhân tố giao tiếp xung quanh văn bản nghị luận đôi khi không dễ, vì có những văn bản mà đối tượng tiếp nhận của nó không nằm trên bình diện câu chữ. Ví dụ như trường hợp Tuyên ngôn đôc lập của Hồ Chí Minh. Trên bình diện văn bản, Bác viết cho “đồng bào cả nước” và để “trịnh trọng tuyên bố với thế giới” về quyền độc lập tự do của dân tộc; nhưng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng các nước trong đồng minh đang âm mưu trở lại xâm lược nước ta mới là đối tượng tiếp nhận chủ yếu trong ý thức của người viết bản tuyên ngôn. Chính vì thế, việc viện dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ ở phần mở đầu không chỉ có ý nghĩa tạo cơ sở pháp lý và chính nghĩa cho lời tuyên ngôn, mà còn cảnh báo âm mưu xâm lược của các nước thực dân, đế quốc. Ngoài ý nghĩa tạo tiền đề pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao, việc viện dẫn hai bản tuyên ngôn này còn khơi dậy trong lòng nhân dân tiến bộ của Pháp và Mỹ tinh thần tôn trọng chính những điều tổ tiên họ đã tuyên ngôn, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới đối với nền độc lập còn non trẻ của nhân dân ta. Như vậy, trả lời được câu hỏi về đối tượng tiếp nhận và mục đích giao tiếp của văn bản sẽ giúp ta nhận thức được biểu hiện của chất trí tuệ mà người viết gửi vào văn bản với tư cách là một phát ngôn có hiệu quả cao trong giao tiếp. c. Cần phát hiện được những luận điểm mới mẻ, độc đáo ở mỗi tác phẩm. Luận điểm là tư tưởng, quan điểm của người viết đối với vấn đề nghị luận trong bài văn. Nó thường được biểu hiện dưới hình thức tiêu đề của bài văn hoặc những câu văn có tinh chất khẳng định hay phủ định. Luận điểm phải đúng đắn, sáng tỏ, tập trung, mới mẻ, đáp ứng đòi hỏi của thực tế thì mới có sức thuyết phục người đọc, người nghe. Thông thường trong một văn bản nghị luận bao giờ cũng có một luận điểm trung tâm. Đồng thời có một hệ thống các luận điểm bộ phận triển khai luận điểm trung tâm theo những cách lập luận cụ thể làm cho bài văn có tính thuyết phục. Như vậy luận điểm là nội dung, còn lập luận là hình thức diễn đạt nội dung ấy. Ví dụ 1: Trong Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, ở đoạn đầu là một tuyên ngôn độc lập, trong đó luận điểm trung tâm là khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc được phát triển thật sâu sắc, hệ thống và toàn diện qua một loạt các luận điểm bộ phận: - Có nền văn hiến lâu đời. - Có lãnh thổ riêng, cương vực rõ ràng. - Có phong tục tập quán (tức bản sắc dân tộc) riêng. - Có chủ quyền riêng: bao triều đại nối tiếp nhau xây nền độc lập. - Có truyền thống lịch sử anh hùng “hào kiệt đời nào cũng có”. - Có biết bao chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm trong trường kỳ lịch sử dân tộc. Việc phát hiện các luận điểm trong bài văn nghị luận là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải phân tích được cách trình bày, triển khai hợp lý các luận điểm đó. Ví dụ 2: Ở trích đoạn Một thời đại trong thi ca, mạch lập luận của Hoài Thanh là nêu những những khó khăn trong việc nhận diện bản chất Thơ mới, từ chỗ so sánh bản chất của thơ mới với thơ trung đại, đến việc phân tích quá trình xuất hiện của cái tôi trên thi đàn Việt Nam: từ trạng thái “bỡ ngỡ”, “lạc loài” đến chỗ thành quen thuộc, được cảm thông rồi rơi vào bế tắc, cuối cùng khép lại bằng sự khẳng định những đóng góp đích thực của các nhà thơ mới và niềm tin của Hoài Thanh vào “những gì tốt đẹp đảm bảo cho ngày mai”. Cách lập luận đó giúp người đọc nhận thức sâu sắc về nội dung cốt lõi của “tinh thần Thơ mới” là “cái Tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó”, thực sự mở ra một thời đại thi ca của dân tộc. d. Phân tích được các hay, cái đẹp trong nghệ thuật lập luận của mỗi tác giả, tác phẩm. Vẻ đẹp của văn nghị luận còn nằm ở cách lập luận có sức thuyết phục. Văn nghị luận chủ yếu dùng lí lẽ và dẫn chứng để bàn bạc về một vấn đề. Do đó, hệ thống lập luận càng chặt chẽ, sức thuyết phục của bài văn càng lớn và hiệu quả giao tiếp càng cao. Như vậy, vẻ đẹp của văn bản nghị luận không chỉ nằm ở nội dung tư tưởng như văn bản nghệ thuật mà nằm ở tính khoa học và chặt chẽ của hệ thống lập luận: từ cách đặt vấn đề, cách triển khai nội dung để giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lí đến cách thuyết phục người nghe, người đọc. Vậy nên, trong việc tiếp nhận các văn bản nghị luận, việc tóm tắt các luận điểm cơ bản để thấy tính lo gic trong lập luận và mạch vận động trong tư duy người viết là thao tác không thể bỏ qua. Ví dụ: Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình cho hệ thống lập luận chặt chẽ với lí lẽ đầy sức thuyết phục của Hồ Chí Minh. Phần đầu, Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc nhằm tạo cơ sở pháp lí và chính nghĩa cho bản tuyên ngôn của dân tộc mình. Phần thứ hai nêu cơ sở thực tế với hai mạch nội dung chính là tố cáo tội ác thực dân Pháp và tường thuật quá trình chiến đấu, chiến thắng với lập trường nhân đạo và chính nghĩa của quân và dân ta. Cuối cùng, bản tuyên ngôn khép lại bằng lời tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với quyền tự do, độc lập của dân tộc như một chân lí hiển nhiên. Đó là một hệ thống lập luận thấu tình đạt lí, khó có thể phản biện hay bác bỏ. e. Phân tích vẻ đẹp ngôn từ của văn bản nghị luận. Ngoài ra, vẻ đẹp của văn nghị luận còn thể hiện ở vẻ đẹp của ngôn từ. Thuyết phục người đọc bằng lí lẽ, lập luận và những chứng cứ xác đáng, nhưng không có nghĩa là văn nghị luận triệt tiêu những cung bậc xúc cảm của người viết và tính hình tượng của lời văn. Sức truyền cảm của ngôn từ trong văn nghị luận bộc lộ rất phong phú, từ hình ảnh, nhịp điệu, các biện pháp tu từ… của câu văn đến giọng điệu, điểm nhìn… của người viết. Hệ thống lí lẽ và lập luận sắc sảo, đầy chất trí tuệ trong các văn bản nghị luận không làm mất đi đặc trưng khác của ngôn từ nghệ thuật như tính hình tượng, tính truyền cảm, tính hàm súc… Vậy nên, đọc văn nghị luận người đọc không thể bỏ qua thao tác nhận diện vẻ đẹp của ngôn từ trên nhiều bình diện, từ hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu đến các biện pháp tu từ nghệ thuật… Ví dụ 1: Không phải ngẫu nhiên, Phạm Văn Đồng trong bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” đã sử dụng một hệ thống dày đặc các hình ảnh ẩn dụ, có khả năng dồn nén nhiều nhất thông điệp của người cầm bút như: ngôi sao, bầu trời văn nghệ, khúc ca khải hoàn, khúc ca của những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang, những đóa hoa hòn ngọc rất đẹp, những bông hoa của một thời oanh liệt đau thương… Những hình ảnh đó, bên cạnh chức năng thông tin, còn cho thấy người viết đã thể hiện tình cảm trân trọng, tự hào lẫn tấm lòng yêu mến, cảm phục chân thành đối với Nguyển Đình Chiểu – một nhà thơ tài năng, một trái tim yêu nước và một tấm gương sáng ngời về nhân cách. Rõ ràng là, cách nói hình ảnh trong văn nghị luận đã khiến cho những câu văn có khả năng gợi mở không kém gì trong một sáng tác nghệ thuật. Ví dụ 2: Chẳng hạn như trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã chọn cách viết: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” thay vì: “Chúng đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa của ta”. Cách nói hình ảnh vừa thể hiện được lòng căm giận trước tội ác tày trời của thực dân Pháp, vừa gợi lại không khí mất mát, đau thương của phong trào cách mạng buổi đầu, đồng thời cũng thấm thía một tình cảm trân trọng, biết ơn đối với những con người yêu nước thương nòi đã hy sinh xương máu của mình cho ngày độc lập. III. HIỂU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI Từ việc vận dụng một số kinh nghiệm trong dạy học văn bản nghị luận trong SGK ngữ văn THPT trong nhiều năm qua, nhất là đối chiếu kết quả đạt được ở các tiết bài qua các năm, tôi nhận thấy: - Các tiết dạy văn bản nghị luận trong SGK Ngữ văn lâu nay vẫn cho là khó và khô khan khó dạy, nhưng từ khi áp dụng nghiên cứu, chịu khó tìm hiểu, các tiết dạy văn bản nghị luận trở nên hấp dẫn, hứng thú cho học sinh, học sinh đã thích học, giáo viên cảm thấy dễ dạy hơn và hiệu quả đem lại cũng tốt hơn trước nhiều. - Qua hướng dẫn, gợi ý của giáo viên, học sinh đã tích cực học tập, tích cực tìm hiểu, chuẩn bị bài mới, khi dạy trên lớp học sinh sôi nổi xây dựng bài, biết vận dụng các kiến thức để tìm hiểu và cũng cố thêm hiểu biết về các văn bản nghị luận. - Các kỹ năng làm văn nghị luận của học sinh cũng được cũng cố và rèn luyện thêm, học sinh biết cách nêu luận điểm, triển khai luận điểm, biết cách lập luận chặt chẽ, mạch lạc, nhiều em có kỹ năng viết văn nghị luận tốt. - Đọc hiểu một bài văn nghị luận không chỉ giúp học sinh có được những tri thức về một vấn đề cụ thể được đề cập trực tiếp trong văn bản, mà còn giúp các em vận dụng vào quá trình viết các bài văn nghị luận trong nhà trường, nhất là các bài nghị luận xã hội. Tuy nhiên, để dạy một văn bản nghị luận một cách có hiệu quả trước hết người giáo viên phải cần có vốn tri thức về văn nghị luận, tri thức hiểu biết về các vấn đề chính trị, thời sự, xã hội, lịch sử có liên quan. Giáo viên phải chuẩn bị bài dạy một cách công phu: chuẩn bị hệ thống tư liệu tham khảo, hệ thống các hoạt động dạy học các đơn vị kiến thức cần truyền đạt. Song kiến thức phải cô động, truyền đạt phải lôgíc, chặt chẽ. Ngay từ đầu giáo viên phải dẫn dắt học sinh nhận diện được vấn đề nghị luận, cũng như hệ thống lập luận bằng các luận điểm, luận cứ, luận chứng. Ngoài ra, giáo viên cũng phải chú ý đến tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ của tác phẩm vì chúng ta đang dạy văn bản nghị luận dưới dạng văn bản văn học hoàn chỉnh. Khi dạy giáo viên phải biết tích hợp với các phân môn khác như Tiếng việt, lịch sử. Đặc biệt với việc vận dụng vào thực hành làm văn nghị luận. IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG Với mục đích đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong giảng dạy, nhất là rèn luyện kỹ năng thực hành, mong muốn của bản thân cũng như nhiều giáo viên là làm sao có được các phương pháp, cách thức dạy học định hình áp dụng cho từng kiểu bài, từng kiểu văn bản cụ thể để hiệu quả dạy học ngày càng tốt hơn. Vậy nên trong sáng kiến kinh nghiệm nhỏ này cũng muốn góp một tiếng nói để tất cả chúng ta tìm ra hướng đi, hướng giải quyết vấn đề về phương pháp dạy học mà mọi người lâu nay đang quan tâm, rất mong được đồng nghiệp chân thành góp ý. Việc áp dụng “Một vài định hướng đọc – hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại” cũng nằm trong yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Và thực ra phương pháp này cũng đã được nhiều Giáo viên áp dụng. Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân tôi qua việc định hướng cho học sinh đọc – hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại. Trong thời gian ngắn, khả năng còn hạn chế có thể đề tài chưa khai thác triệt để, rất mong đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ để chúng tôi hoàn thiện hơn. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sách giáo khoa, giáo viên Ngữ văn 10, 11, 12 – NXB Giáo dục. 2. Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán,Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi – NXB Đại học quốc gia. 3. Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân – NXB Văn học năm 2000. 4. Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 12 – Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên – NXB Giáo dục năm 1999. NGƯỜI THỰC HIỆN Mai Thị An SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI Đơn vị: THPT Đoàn Kết CỘNG HÒA Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc PHIẾU NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM Năm học: 2012- 2013 Tên sáng kiến kinh nghiệm: “Một vài định hướng đọc – hiểu văn bản nghị luận từ đặc trưng thể loại” Họ và tên tác giả: Mai Thị An Đơn vị (Tổ): Văn Lĩnh vực: Quản lý giáo dục Phương pháp dạy học bộ môn Phương pháp giáo dục Lĩnh vực khác: …………………………… 1. Tính mới: - Có giải pháp hoàn toàn mới - Có giải pháp cải tiến, đổi mới từ giải pháp đã có 2. Hiệu quả: - Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao - Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao. - Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng trong đơn vị có hiệu quả cao - Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp dụng tại đơn vị có hiệu quả cao. 3. Khả năng áp dụng: - Cung cấp được các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách: Tốt Khá Đạt - Đưa ra các giải pháp khuyến nghị có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ thực hiện và dễ đi vào cuộc sống: Tốt Khá Đạt - Đã được áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả hoặc có khả năng áp dụng đạt hiệu quả trong phạm vi rộng: Tốt Khá Đạt XÁC NHẬN CỦA TỔ CHUYÊN MÔN (Ký tên và ghi rõ họ tên) THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký tên ghi rõ họ tên và đóng dấu)
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan