Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Skkn sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc hiểu văn bản văn học, chương trì...

Tài liệu Skkn sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc hiểu văn bản văn học, chương trình ngữ văn lớp 12

.DOC
16
1028
131

Mô tả:

Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH TRONG DẠY ĐỌC- HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC, CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 12 I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong dạy- học môn Ngữ Văn ở trường THPT nói chung, chương trình lớp 12 nói riêng, các tiết đọc- hiểu Văn bản văn học (VBVH) trong phân môn Đọc văn có tầm quan trọng đặc biệt. Không hề vô lý khi có ý kiến cho rằng hứng thú và chất lượng dạy- học môn Văn phần lớn được quyết định bởi các giờ học này. Các tiết đọchiểu VBVH đã bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp cho các em những kiến thức căn bản, phong phú, đa dạng, bổ ích và thiết thực về tác giả, tác phẩm văn học. Xét trong mối quan hệ với phân môn Làm Văn, các tiết đọc- hiểu VBVH thực sự trở thành trợ thủ đắc lực giúp học sinh thực hiện những bài nghị luận văn học một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, với quan điểm dạy học tích hợp, thông qua các giờ đọc- hiểu, người giáo viên có thêm cơ hội để củng cố một số kiến thức cũng như rèn luyện thêm một số kỹ năng làm bài nghị luận văn học mà các em đã được học trong các tiết lý thuyết Làm Văn như thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận so sánh,… Trong thực tế, chúng ta cũng đã nhiều lần bắt gặp những đề nghị luận văn học yêu cầu học sinh phải biết sử dụng phương pháp so sánh để làm bài. Ví dụ: Đề thi tuyển sinh Đại học khối C năm 2010: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau: (…) Con Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình,đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dóng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…) (Người lái đò Sông Đà- Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12) (…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn,vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như một tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế vẫn thường miêu tả (…) (Ai đã đặt tên cho dòng sông- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12) Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 1 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Đề thi tuyển sinh Đại học khối D năm 2010: Cảm nhận của anh/ chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phéo (Chí Phèo- Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành cho Hộ (Đời Thừa- Nam Cao). Đề thi tuyển sinh Đại học khối D năm 2012: Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…” (Ngữ Văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155). Truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” (Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32). Cảm nhận của anh chị về ý nghĩa của những kết thúc trên. Sử dụng phương pháp so sánh khi giảng dạy tác phẩm văn học không phải là điều quá mới mẻ, song trên thực tế, có không ít giáo viên còn gặp khó khăn, vướng mắc khi sử dụng phương pháp dạy học này. Chẳng hạn: Giáo viên sai lầm trong việc xác định vấn đề, đối tượng, nội dung cần so sánh và cái được dùng để so sánh dẫn đến so sánh tùy tiện, thiếu căn cứ. Đôi khi, cái cần phải so sánh thì không được so sánh mà lại tiến hành so sánh những vấn đề không căn cốt, khiến việc đọc- hiểu tác phẩm không đạt hiệu quả. Hoặc, giáo viên lạm dụng phương pháp so sánh. Sử dụng nhiều hoạt động so sánh trong một tiết dạy, so sánh tràn lan không vào chủ đề gây ảnh hưởng đến tiến trình giảng dạy, biến giờ dạy học tác phẩm văn học thành giờ thực hành sử dụng phương pháp của mình. Cũng có khi giáo viên tiến hành so sánh vượt quá giới hạn: so sánh những yếu tố của tác phẩm với những vấn đề quá rộng hoặc quá xa vời, không phù hợp với năng lực học tập của học sinh. Ngoài ra, có một số giáo viên lúng túng trong việc sử dụng kết quả so sánh nên đã dùng nội dung so sánh để thay thế cho nội dung phân tích tác phẩm; biến hoạt động so sánh từ một phương tiện để khám phá tác phẩm thành mục đích của quá trình phân tích, khám phá. Tất cả những khó khăn trên đều ảnh hướng không tốt đến quá trình khai thác các nội dung kiến thức của bài dạy, phá hủy tính hệ thống của chuỗi kiến thức bài học mà học sinh cần chiếm lĩnh. Xuất phát từ nhận thức của bản thân về tầm quan trọng của tiết dạy đọc- hiểu VBVH trong dạy học môn Văn; xuất phát từ những khó khăn của một số đồng nghiệp khi sử dụng phương pháp so sánh trong dạy-học; với mong muốn các tiết dạy đọchiểu VBVH không chỉ cung cấp, mở rộng, khắc sâu được kiến thức bài học mà còn củng cố thêm kỹ năng so sánh trong nghị luận văn học để học sinh có thể giải quyết được những đề bài tương tự như các đề đã nêu, trong quá trình giảng dạy các tiết đọchiểu VBVH chương trình ngữ Văn THPT cũng như chương trình Ngữ Văn lớp 12, tôi Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 2 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. đã sử dụng phương pháp so sánh trong sự phối hợp với các phương pháp dạy- học Văn khác. Trân trọng trình bày cùng quí đồng nghiệp một vài kinh nghiệm “Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp lớp 12” II. CƠ SỞ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lý luận 1.1. Về khái niệm Văn bản văn học và đọc- hiểu Văn bản văn học Văn bản văn học là văn bản nghệ thuật được sáng tạo bằng ngôn từ và luôn thể hiện cách nhìn, cách cảm cũng như tâm tư, tình cảm, khát vọng của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Văn bản văn học chỉ thực sự trở trở thành tác phẩm văn học khi được độc giả đọc, hiểu, cảm, rung động và biến cái hiện thực do thế giới ngôn từ của văn bản gợi ra thành cái hiện thực trong tâm khảm của mình (Trong đề tài này để thuận tiện, người viết tạm thời đồng nhất khái niệm VBVH và tác phẩm văn học). Đối với học sinh việc thực hiện hành trình đó được tiến hành trong các giờ đọc- hiểu VBVH (Đọc Văn) với sự hướng dẫn của giáo viên thông qua các phương pháp dạy học thích hợp. Đọc- hiểu là thang độ cao của việc đọc VBVH. Bởi “Đọc-hiểu văn bản văn học bao gồm cả việc thông hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của các hình thức, biện pháp nghệ thuật ngôn từ, cái thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết và cả những giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Đọc văn theo tinh thần đó là toàn bộ quá trình tiếp nhận, giải mã văn bản (kể cả việc hiểu và cảm thụ)” (Đỗ Ngọc Thống, 2003, “Chương trình Ngữ văn THPT và việc hình thành năng lực văn học cho học sinh”, Tạp chí giáo dục số 66, trang 2628). 1.2. Về phương pháp so sánh trong tìm hiểu, giảng dạy VBVH So sánh là xem xét, đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng, vấn đề này với sự vật, sự việc, hiện tượng, vấn đề khác nhằm làm rõ điểm giống nhau, điểm gần gũi, điểm khác biệt hoặc sự hơn kém và khẳng định giá trị của chúng. Nền tảng của so sánh là sự liên tưởng, từ điều này nghĩ đến điều khác do chúng gần gũi, tương đồng hoặc tương phản với nhau. Do đó, so sánh cũng có hai loại so sánh tương đồng và so sánh tương phản. So sánh là một thao tác tư duy rất cơ bản và được con người sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Văn học cũng là một lĩnh vực của tư duy, của nhận thức mang tính đặc thù nên việc sử dụng so sánh trong nghiên cứu, tìm hiểu văn học là điều hết sức tự nhiên. So sánh các hiện tượng văn học đã trở thành phương pháp nghiên cứu văn chương nên việc sử dụng nó trong dạy đọc- hiểu VBVH hoàn toàn có cơ sở. So sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH là phương pháp đối chiếu các tín hiệu nghệ thuật, các vấn đề nội dung, tư tưởng, quan điểm,…. tương đồng, gần gũi hoặc Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 3 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. tương phản, khác biệt giữa VBVH này với VBVH khác hoặc giữa phần này với phần khác trong cùng một VBVH. VBVH thể hiện sâu sắc cá tính sáng tạo của người viết ở cách nhìn, cách cảm, cách diễn đạt hiện thực đời sống. Nó mang dấu ấn và hơi thở của thời đại người nghệ sĩ sống và viết. Vì thế, trong dạy đọc- hiểu VBVH, giáo viên cần quan tâm so sánh phong cách nghệ thuật của các tác giả hoặc phong cách của một tác giả qua những chặng đường sáng tác khác nhau. 2. Cơ sở thực tiễn Mọi sự sáng tạo nghệ thuật đều bám rễ sâu sắc vào hiện thực đời sống con người. Vì thế, trong quá trình sáng tác, chắc chắn các nhà văn sẽ có những điểm gặp gỡ hoặc gần gũi nhất định về cảm hứng, đề tài nghệ thuật hoặc thông điệp muốn truyền tải,… Thậm chí, sự gặp gỡ này không giới hạn trong phạm vi quốc gia mà đã mở rộng trên phạm vi quốc tế, bất chấp ranh giới và sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ. Mặt khác, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng lại là sự tái tạo cuộc đời qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Cho nên, mỗi VBVH đã là một thế giới nghệ thuật độc đáo đúng như nhận định: Với nghệ thuật thế giới xuất hiện trong tác phẩm luôn là cái mới đầu tiên. Bởi vậy, tự thân các văn bản văn học, trong đó có các văn bản được đưa vào chương trình Ngữ văn THPT và Ngữ Văn lớp 12 đã luôn tiềm ẩn những điều kiện để vận dụng phương pháp so sánh trong tìm hiểu, giảng dạy. Đặc biệt hơn, các VBVH trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 lại có khả năng khơi gợi liên tưởng của học sinh về khá nhiều những văn bản văn học các em đã được học ở lớp dưới, đã biết qua các nguồn tài liệu tham khảo khác hoặc ngay trong chương trình đang học. Ví dụ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có thể khiến người dạy, người học nghĩ đến nhiều bài thơ viết về người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có Đồng Chí của Chính Hữu. Truyện Vợ Nhặt của Kim Lân dễ gợi liên tưởng về Chí Phèo của Nam Cao hay Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Hình tượng người lái đò Sông Đà trong bài tùy bút cùng tên của Nguyễn Tuân có sức gợi nhắc đến nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của nhà văn này bởi sự thay đổi hình tượng nhân vật trong văn ông trước và sau Cách mạng,… III. NỘI DUNG, CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Xác định phạm vi so sánh Khi có ý định sử dụng phương pháp so sánh để hướng dẫn học sinh đọc- hiểu một tác phẩm văn học cụ thể, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong tâm thức người giáo viên chắc chắn sẽ là: Tác phẩm này có mối quan hệ tương đồng hay tương phản với tác phẩm nào? vấn đề nào? Việc trả lời đúng câu hỏi này sẽ giúp chúng ta xác định được có hay không thể vận dụng pháp so sánh khi dạy tác phẩm này? Nếu có, thì cần so sánh trong những phạm vi nào? Nhờ đó, chúng ta tránh được việc so sánh tùy tiện, thiếu căn cứ, làm đứt mối đường dây chủ đề của tác phẩm, khiến việc so sánh không Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 4 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. mang lại hiệu quả tích cực mà còn làm cho giáo viên không thể chủ động trong việc thực hiện mục tiêu bài học. Về phạm vi so sánh, chúng ta có thể quan tâm đến một số phạm vi cơ bản sau: Phạm vi thứ nhất là so sánh VBVH đang được đọc- hiểu với VBVH của tác giả khác hay văn bản khác của cùng một tác giả. GV có thể sử dụng phương pháp so sánh văn bản này với văn bản của tác giả khác khi đó là những tác phẩm có cùng đề tài, cùng mô típ, … nhưng khác nhau về loại hình, thời điểm sáng tác,… như Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Vợ Nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài với Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao; Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm với Đất nước của Nguyễn Đình Thi… Khi dạy bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, giáo viên có thể xác định ngay phạm vi so sánh là những bài thơ viết về đề tài tình yêu của Xuân Diệu, Bùi Minh Quốc, Đoàn Thị Lam Luyến,… Trong đó nên ưu tiên so sánh Sóng với một số bài thơ tình của Xuân Diệu. Sự so sánh này giúp ta nhận ra điểm khác biệt độc đáo trong việc chọn lựa hình tượng thơ cũng như quan niệm khác nhau về tình yêu, cách biểu hiện xúc cảm và những rung động trong tình yêu của hai tác giả, hai người khác phái. Nhất là phải nhấn mạnh được chất “nữ tính” đằm thắm trong thơ tình của nữ sĩ. Khi dạy đọc –hiểu VBVH Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, phương pháp so sánh cũng hỗ trợ tích cực để giáo viên hướng dẫn học sinh nhận ra nét khác biệt trong phong cách nghệ thuật của hai tác giả. Cùng là sự tài hoa, uyên bác khi khám phá vẻ đẹp của quê hương, xứ sở qua hình ảnh những dòng sông nhưng Nguyễn Tuân vô cùng cá tính khi dụng công ngôn từ để khai thác cái tuyệt mỹ, cái dữ dội đỉnh điểm, vượt qua giới hạn thông thường của Sông Đà. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại độc đáo trong lối hành văn hướng nội, giàu xúc cảm với trí tưởng tượng lãng mạn, bay bổng làm mê đắm độc giả khi khắc họa sông Hương trên các bình diện lịch sử, thi ca, nhạc họa,... Bên cạnh đó, phạm vi so sánh còn là văn bản đang đọc- hiểu với văn bản khác của cùng một tác giả. Ví dụ, khi dạy Sóng của Xuân Quỳnh có thể so sánh nó với những bài thơ tình khác của chị như Hoa cỏ may, Tự Hát, Thuyền và Biển,… Trong trường hợp này, so sánh sẽ giúp học sinh cảm nhận đặc điểm xuyên suốt, thống nhất trong thơ tình Xuân Quỳnh là nỗi âu lo thường trực, rất phụ nữ về sự mong manh, ngắn ngủi của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Hướng dẫn đọc- hiểu Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân có thể so sánh nó với Chữ người tử tù nhằm nhận ra sự ổn định và vận động trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ngoài ra, có thể đem các tác phẩm ra đời trong cùng một giai đoạn, bối cảnh lịch sử, xã hội, có chung một cảm hứng, một đề tài,… nhưng nhấn vào những chủ đề khác nhau hoặc có cách thức tổ chức tác phẩm khác nhau,… để so sánh đối chiếu. Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 5 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Chẳng hạn dạy bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, giáo viên không nên bỏ qua việc so sánh bài thơ này với bài Đồng Chí của Chính Hữu. Lý do: Trong chương trình Ngữ Văn THCS, học sinh đã được học bài thơ Đồng Chí. Mặt khác, hai bài thơ này cùng tập trung vào đề tài người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hoặc, cùng thể hiện chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng được sáng tác trong thời kỳ chống đế quốc Mĩ xâm lược nhưng Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi và Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành lại thể hiện những tư tưởng chủ đề khác nhau. Nguyễn Thi muốn truyền đi thông điệp: Truyền thống yêu nước và anh hùng bất khuất của nhân dân Miền Nam, của dân tộc Việt Nam xuất phát từ chính truyền thống của mỗi gia đình. Sự hài hòa giữa tình yêu gia đình với tình yêu quê hương, đất nước là cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Trong khi đó, Nguyễn Trung Thành lại muốn khẳng định chân lý cách mạng của mọi thời đại “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”- phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan và tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, biết cầm vũ khí mới có thể chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ được quê hương. Phạm vi thứ hai là so sánh VBVH đang được đọc- hiểu với các yếu tố ngoài văn bản như bối cảnh, không khí thời đại khi tác phẩm ra đời; nhân vật trong tác phẩm với những nhân vật nguyên mẫu ở ngoài đời thật hoặc với chính tác giả (một số tác phẩm tự truyện hoặc có yếu tố tự truyện). Phạm vi thứ ba chính là so sánh các yếu tố nghệ thuật trong cùng một tác phẩm. Ở phạm vi này, có thể so sánh hình ảnh thiên nhiên miền Tây Bắc Bộ với những nét trái ngược trong phần thứ nhất và phần thứ hai của bài thơ Tây Tiến. Một miền Tây hùng vĩ, hiểm trở, hoang sơ, kỳ bí đầy sức mạnh đe dọa với người lính trong đoạn thơ đầu và một miền Tây thơ mộng, huyền ảo làm nao lòng người trong đoạn tiếp theo. Đối với Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, phạm vi so sánh cũng có thể được tiến hành trong nội bộ tác phẩm với hình tượng Sông Đà vừa hung bạo lại vô cùng trữ tình, gợi cảm. Khi tìm hiểu tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông, trong việc khám phá vẻ đẹp của Sông Hương, nên chăng chúng ta cho học sinh đối chiếu nét phóng khoáng, man dại, hùng vĩ của dòng sông khi ở thượng nguồn với nét đẹp quý phái, kiều diễm khi chảy giũa lòng thành phố Huế để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của dòng sông này? Với Đàn ghi-ta của Lor-ca, tác giả Thanh Thảo,… có thể cho học sinh so sánh khổ thơ thứ 5 và thứ 6 với khổ thơ thứ 2 của bài thơ. 2. Lựa chọn nội dung, vấn đề cần so sánh Để sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH, sau khi khoanh vùng phạm vi so sánh, người giáo viên phải lựa chọn được những nội dung, vấn đề cần so sánh thật đích đáng. Như đã nói ở trên, không phải VBVH nào khi giảng dạy cũng cần phải áp dụng phương pháp so sánh. Và ngay trong những VBVH có vấn đề cần so sánh hoặc Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 6 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. để so sánh thì cũng không thể so sánh bất kì chi tiết, hình ảnh hay tín hiệu nghệ thuật nào. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp so sánh, chúng ta nhất thiết phải trả lời đúng câu hỏi: Cần so sánh cái gì trong VBVH đang được đọc- hiểu? Việc xác định vấn đề và nội dung so sánh một cách chính xác và hợp lí là cơ sở quan trọng giúp giáo viên thành công trong sử dụng phương pháp so sánh. Có thể kể đến một số vấn đề so sánh khi dạy đọc- hiểu VBVH như đề tài, khuynh hướng và cảm hứng sáng tác, hình tượng, nhân vật, bút pháp nghệ thuật, kết cấu tác phẩm, chi tiết nghệ thuật,… Nhưng dù chọn vấn đề hoặc nội dung nào đem ra so sánh, người giáo viên cần lưu ý những điều sau: Nội dung, vấn đề so sánh phải là những yếu tố hàm chứa vẻ đẹp, sự độc đáo, nét đặc sắc có khả năng biểu hiện cho nội dung, tư tưởng chủ đạo, có ý nghĩa quan trọng, nổi bật hoặc giá trị nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm cũng như của phong cách nghệ thuật ở tác giả. Nội dung, vấn đề so sánh được chọn phải có mối quan hệ tương đồng hoặc tương phản trên một số phương diện với những những đối tượng khác ở trong hoặc ngoài văn bản đang tìm hiểu mà học sinh đã được tiếp cận. Khi xác định vấn đề so sánh, cần phải lưu ý cái dùng để so sánh và cái đem ra để so sánh phải có mối tương quan “bình đẳng”, “ngang hàng” với nhau. Nghĩa là không thể so sánh đề tài sáng tác của tác phẩm này với bút pháp nghệ thuật của tác phẩm khác, nhân vật trong tác phẩm này với tình huống truyện của tác phẩm kia,… Đặc biệt, việc lựa chọn nội dung so sánh phải đảm bảo tính chỉnh thể của VBVH. Nghĩa là việc chọn các yếu tố thuộc về nội dung hay nghệ thuật của VBVH để so sánh không làm cho ý nghĩa văn bản bị cắt vụn và trở nên thiếu hệ thống. Trong tiết dạy đọc- hiểu Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, giáo viên có thể hướng dẫn để học sinh so sánh cách mở đầu của tác phẩm- trích dẫn những lời trong Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp- với một số câu mở đầu của bài Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi sáng tác: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Với Tây Tiến của Quang Dũng, có thể chọn một trong các vấn đề như cảm hứng, bút pháp hoặc hình tượng người lính được khắc họa trong bài thơ để so sánh với cảm hứng, bút pháp hoặc hình tượng người lính được khắc họa trong Đồng Chí của Chính Hữu. Việc chọn hình tượng người lính trong Tây Tiến để so sánh với hình tượng người lính trong Đồng Chí của Chính Hữu là một hướng đi khá phù hợp. Lý do: Người lính Tây Tiến là hình tượng nghệ thuật mang vẻ đẹp độc đáo, khác lạ và được Quang Dũng tô đậm với tất cả tình cảm chân thành, nỗi nhớ sâu sắc dành cho đồng đội cũ. Đó cũng là hình tượng nổi bật nhất, có giá trị nhất của bài thơ. Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 7 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Khi hướng dẫn học sinh đọc- hiểu đoạn trích Đất nước (Trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm, giáo viên sẽ đứng trước vấn đề: Đây là bài thơ viết về một đề tài rất lớn, rất quen thuộc, rất nổi bật và bao trùm văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Bài thơ lại có nhiều biểu hiện độc đáo về giọng điệu, cách cảm nhận, khám phá và thể hiện hình tượng Đất nước,… Vậy trong quá trình dạy- học tác phẩm này sẽ chọn cái gì để so sánh với những tác phẩm cùng đề tài nhằm làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật cũng như nét độc đáo của tác phẩm? So sánh giọng thơ đậm chất suy tư, chính luận của bài thơ với giọng thơ hào sảng, đậm chất sử thi của Đất nước- Nguyễn Đình Thi? So sánh khả năng vận dụng chất liệu văn học dân gian của Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ này với khả năng vận dụng ca dao, dân ca của Tố Hữu trong Việt Bắc? So sánh vai trò của nhân dân, tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài với những câu thơ nói về nhân dân trong Tiếng hát con tàu- Chế Lan Viên hay trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu?..., Trong trường hợp này, bản thân tôi cho rằng, giáo viên nên chọn hình tượng Đất nước làm nội dung so sánh. Lý do: Hình tượng này đã xuất hiện rất nhiều trong thơ văn 1945- 1975 và học sinh đã có cơ hội tiếp cận. Quan trọng hơn, đây là hình tượng thể hiện sắc nét nhất nội dung tư tưởng chủ yếu của bài thơ: Những cảm nhận mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về vẻ đẹp của Đất nước qua sự khám phá Đất nước trên các phương diện không-thời gian, lịch sử, địa lý và chiều sâu văn hóa dân gian. Nhờ thế, Đất nước hiện lên thiêng liêng, cao đẹp nhưng vô cùng giản dị, thân thuộc với mỗi người. Đối với bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, tác giả Thanh Thảo, chúng ta có thể chọn so sánh là hình tượng Lor-ca trong những câu “Lor-ca bơi sang ngang/trên chiếc ghi-ta màu bạc/chàng ném lá bùa cô gái Di-gan/vào xoáy nước/chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt” với hình tượng Lor-ca được thể hiện trong đoạn “Tây Ban Nha/hát ngêu ngao/bỗng kinh hoàng/áo choàng bê bết đỏ/Lor-ca bị điệu về bãi bắn/ chàng đi như người mộng du”. Bởi vì đây là hình tượng trung tâm của bài thơ và sự so sánh này sẽ đem lại bức chân dung hoàn chỉnh về nhà thơ thiên tài của Đất nước Tây Ban Nha, người khiến Thanh Thảo và cả nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ. Vẻ đẹp của hình tượng người lái đò trong sự so sánh với vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù cũng là một vấn đề thú vị khi dạy đọc- hiểu VBVH Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Khi dẫn dắt học sinh tìm hiểu các tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ Nhặt của Kim Lân, giáo viên có thể chọn hình tượng người nông dân hoặc cách kết thúc trong hai tác phẩm này để so sánh với hình tượng người nông dân và cách kết thúc trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Chí Phèo của Nam Cao. 3. Xác định mục đích và cách thức so sánh. Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 8 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Khi đã hoàn thành 2 bước trên, để việc so sánh không trở nên sai lệch, lan man, và phát huy được tác dụng của nó đối với việc đọc- hiểu VBVH, người giáo viên cần đặt ra và trả lời các câu hỏi: So sánh trong trường hợp này là để làm gì? Phải tiến hành việc so sánh như thế nào? bằng cách thức gì? Đây là công việc hết sức cần thiết và không kém phần khó khăn. Về mục đích so sánh: Nhìn chung, với mỗi tác giả, tác phẩm văn học, mỗi loại tín hiệu nghệ thuật khác nhau trong tác phẩm, người so sánh sẽ nhắm tới những mục đích cụ thể. Nhưng có một nguyên tắc chung cần tuân thủ đó là: Mục đích của so sánh không bao giờ tách rời hoặc đi ngược lại mục tiêu, kiến thức, kỹ năng cần đạt khi tổ chức đọc- hiểu tác phẩm. Nói cách khác, việc sử dụng phương pháp so sánh phải hướng đến khắc sâu kiến thức căn bản, trọng tâm của bài học; làm rõ những điểm độc đáo, những nét đặc sắc nổi bật của tác phẩm trên phương diện nội dung và nghệ thuật hoặc làm sáng tỏ sự thống nhất và vận động trong phong cách nghệ thuật của một tác giả,… Thậm chí, qua việc sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu một tác phẩm văn học cụ thể, người giáo viên có thể giúp học sinh có cái nhìn khái quát về một giai đoạn văn học hoặc về một số mảng đề tài tiêu biểu của từng thời kỳ văn học,… So sánh phần mở đầu trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh với đoạn mở đầu bài Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi nhằm làm rõ thêm một dụng ý khác của tác giả khi trích dẫn có chọn lọc những lời trong tuyên ngôn của nước Pháp và nước Mĩ. Bằng việc trích dẫn này, Bác đã kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc được kế thừa từ truyền thống của cha ông ta xưa kia. Bác đặt cuộc Cách mạng của ta “sánh tầm” với cuộc cách mạng của nước Pháp và nước Mĩ như Đại thi hào Nguyễn Trãi đã từng đặt các triều đại phong kiến Việt Nam, nền văn hiến Việt Nam bình đẳng, ngang hàng với các triều đại phong kiến và văn hóa Phương Bắc. Khi so sánh hình tượng người lính trong Tây Tiến với người lính trong Đồng Chí, Giáo viên cần hướng đến mục đích tô đậm vẻ lãng mạn, bi tráng, chất hào hoa, kiêu bạc của người lính Hà thành như nét đẹp độc đáo, hiếm gặp trong thơ ca viết về đề tài người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đồng thời nhấn mạnh cách nhìn, cách cảm, cách thể hiện mới của Quang Dũng trước một đề tài quen thuộc của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là một trong những nguyên nhân làm nên giá trị của tác phẩm và là một đóng góp lớn của nhà thơ. Việc so sánh hình tượng Đất nước trong đoạn trích Đất nước của trường ca Mặt đường khát vọng với hình tượng Đất nước trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Đình Thi không nằm ngoài mục đích khắc sâu giá trị nội dung, tư tưởng quan trọng của tác phẩm: Bài thơ thể cách nhìn và sự cảm nhận, lý giải mới mẻ, độc đáo của Ngyễn Khoa Điềm về Đất nước từ cự ly gần và trên nhiều phương diện không-thời gian, địa lí, lịch sử, văn hóa dân gian. Nó đem lại cho người đọc một Đất nước to lớn, thiêng liêng nhưng vô cùng gần gũi, thân thương, đáng yêu, đáng quý bởi sự hóa thân Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 9 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. và sáng tạo không mệt mỏi của nhân dân qua mấy nghìn năm lịch sử. Đất nước hiện hữu trong cuộc sống đời thường, trong trái tim, tình cảm và hành động của mỗi con người. So sánh hình tượng Lor-ca trong khổ thơ thứ 5 và thứ 6 với khổ thơ thứ 2 của bài Đàn ghi- ta của Lor-ca, giáo viên nên giúp các em cảm nhận được: Bằng tình cảm ngưỡng mộ chân thành với nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha, Thanh Thảo đã phục dựng hình ảnh tuyệt đẹp của Lor-ca khi đi vào cõi vĩnh hằng. Ông chủ động, ung dung, thanh thản chấp nhận quy luật cuộc sống. Hình tượng này khác hẳn với một Lor-ca bị sát hại bất ngờ và bi thảm trong đoạn thơ thứ 2 của bài. Tài năng của Thanh thảo là đã chọn cho Lor-ca một cái chết đẹp và sang trọng, xứng đáng với tầm tầm vóc của một thiên tài. Thực hiện việc so sánh hình tượng người lái đò với hình tượng Huấn Cao trong Người lái đò sông Đà và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nên chăng chúng ta cho học sinh nhận ra: Người lái đò là kiểu nhân vật tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm này đã góp phần thể hiện khá rõ sự ổn định và vận động trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Trước Cách mạng, nhà văn chủ yếu ca ngợi cái đẹp và chất nghệ sĩ trong tầng lớp trí thức thích hoài cổ do bất mãn với thời cuộc. Sau Cách mạng, ông hướng ngòi bút vào khám phá chất tài hoa, nghệ sĩ, chất anh hùng, chất “vàng mười” trong những con người lao động với công việc bình thường, lặng thầm, vất vả nhưng không kém phần cao cả. Từ Chữ người tử tù đến Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân đã khẳng định một quan niệm mới mẻ về con người: Người anh hùng không chỉ xuất hiện trong chiến đấu mà còn xuất hiện trong cuộc sống đời thường. Phẩm chất nghệ sĩ không chỉ có ở người trí thức biết sáng tạo nghệ thuật mà còn hiện hữu ở những con người bình thường khác. So sánh hình tượng Tràng/ Thị /Mị/A Phủ trong Vợ Nhặt và Vợ chồng A Phủ với Chị Dậu trong Tắt đèn hay Chí Phèo của Nam cao để học sinh khám phá nét mới mẻ, độc đáo trong việc thể hiện giá trị nhân đạo của các tác phẩm do Tô Hoài và Kim Lân sáng tạo khi cùng khai thác đề tài quen thuộc: Người nông dân bị áp bức. Trong điều kiện bị tước quyền làm người như Mị và A Phủ hay trong hoàn cảnh nhân phẩm, danh dự, giá trị con người bị rẻ rúng đến thảm hại như Thị, người lao động vẫn tiềm tàng sức sống và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt. Họ sẵn sàng “vượt qua dự luận” và “cưỡng lại định mệnh nghiệt ngã” để tìm đường sống cũng như tự giải thoát. So sánh cách kết thúc của các tác phẩm này với cách kết thúc của Tắt đèn hay Chí Phèo cũng góp phần làm rõ: Vợ chồng A Phủ và Vợ Nhặt có kết thúc mở, kết thúc có hậu. Cách kết thúc ấy chịu sự chi phối của quan niệm sáng tác mới, thế giới Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 10 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. quan mới dưới ánh sáng cách mạng mà các nhà văn Tô Hoài, Kim Lân đã tiếp thu được. Ví dụ, hình ảnh kết thúc Vợ Nhặt “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” trong sự so sánh với hình ảnh: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…” của Chí Phèo cần nhằm vào mục đích đúng đắn là làm rõ và sâu sắc thêm giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ Nhặt. Bằng kết thúc mở này, nhà văn đã khẳng định trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, khi sự sống trở nên mong manh trước sự bủa vây của cái đói, cái chết thì con người vẫn không ngừng nghĩ đến sự sống, không thôi tin tưởng vào tương lai. Với niềm tin ấy, chắc chắn những con người ham sống, có tinh thần “chống lại định mệnh” trong tác phẩm sẽ đi theo cách mạng như một lôgic tất yếu. Một sự so sánh khác giữa Vợ Nhặt của Kim Lân với Tắt đèn của Ngô Tất Tố hoặc Chí Phèo của Nam Cao cũng làm rõ thêm giá trị nhân đạo mới mẻ, độc đáo của Kim Lân khi sáng tác về một đề tài đã có những tác phẩm “kinh điển” của Văn học Việt Nam hiện đại- đề tài người nông dân. Với Vợ Nhặt, Kim Lân đã cất tiếng khóc thống thiết cho sự rẻ rúng của giá trị con người trong cảnh đói khát. Và cũng chính nhà văn đã cất lên lời ca đẹp nhất ca ngợi sức mạnh của tình người, sức mạnh của tình yêu trong thẳm sâu tâm hồn của những con người bé nhỏ, bình dị. Tràng lấy vợ và hồi sinh, “nên người”; Thị thành vợ, thành nàng dâu mà trở về bản chất “hiền hậu, đúng mực”; Cụ Tứ thành mẹ chồng mà “cái mặt bủng beo, u ám, rạng rỡ hẳn lên”. Tình yêu thương đã giữ con người không rơi xuống vực thẳm của chết chóc. Niềm tin ấy trong Vợ Nhặt là điều các tác phẩm nêu trên chưa đề cập đến. Chí Phèo, Chị Dậu vùng vậy trong đơn độc nên tình thủy chung của Chị Dậu vô nghĩa, tình yêu của Chí trở thành hận thù, bi kịch với những trang truyện nhòe máu. Ngoài ra, từ những sự so sánh đó, đối tượng học sinh khá giỏi có thể nhận ra chân lý của sự sáng tạo nghệ thuật là không có cái mới cuối cùng. Các em cũng có thể trả lời được vì sao mỗi tác phẩm có sức hấp dẫn của riêng nó, ngay cả khi người nghệ sĩ “xây lầu nghệ thuật” trên miếng đất cũ, bên cạnh những “lâu đài” khác. Về cách thức so sánh Để đạt đến mục đích so sánh đã đặt ra, người ta có thể sử dụng phương pháp so sánh tương đồng hoặc so sánh tương phản. So sánh tương đồng là so sánh nhằm chỉ ra những nội dung, những vấn đề có mối quan hệ gần gũi hoặc có những điểm khá giống nhau. So sánh tương phản là so sánh để chỉ ra những điểm khác biệt của những vấn đề, những nội dung được đem ra đối chiếu, so sánh với nhau. Tác phẩm văn học được ví như “vân chữ” của nhà văn, nhà thơ nên mỗi tác phẩm là cả một thế giới nghệ thuật độc đáo không lặp lại cái đã có. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH, giáo viên không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ ra rằng tác phẩm/ tác giả này gặp gỡ với tác phẩm/tác giả khác ở điểm nào (đề tài, kiểu nhân vật trung tâm, cách tổ chức các tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm,…). Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 11 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Điều quan trọng trong so sánh là chỉ ra nét độc đáo, riêng có của nhà văn này so với nhà văn khác khi cùng khám phá một hiện thực đời sống gần gũi hoặc tương đồng với nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải sử dụng kết hợp cả so sánh tương đồng và so sánh tương phản khi hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tác phẩm văn học. 4. Tiến hành so sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH Để thực hiện việc so sánh trong giờ đọc- hiểu VBVH, có những giáo viên tự so sánh cho học sinh để tránh mất thời gian và đảm bảo trọng tâm so sánh. Trong trường hợp này, sự so sánh giúp mở rộng kiến thức bài học nhưng chưa rèn được kỹ năng so sánh trong nghị luận văn học cho học sinh. Bản thân tôi cho rằng, trong từng điều kiện cụ thể, thích hợp chúng ta nên thiết kế những câu hỏi để chính các em thực hiện thao tác so sánh thông qua việc trả lời câu hỏi giáo viên nêu ra. Yêu cầu đặt ra là câu hỏi so sánh của giáo viên cần rõ ràng, phù hợp. Ví dụ: Câu hỏi “Em hãy so sánh bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng với bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu” có thể phù hợp với thời lượng một bài làm văn nghị luận văn học nhưng không thể phù hợp với tiết dạy đọc- hiểu bài thơ Tây Tiến. Mặt khác, dù đã xác định đúng phạm vi so sánh nhưng câu hỏi này có thể khiến học sinh bối rối vì chưa nêu cụ thể, rõ ràng đối tượng, nội dung, vấn đề cần so sánh. Thay vì yêu cầu chung chung như câu hỏi trên, giáo viên dùng một câu hỏi có tính định hướng, rõ ràng và cụ thể hơn để việc hướng dẫn các em tìm hiểu vẻ đẹp độc đáo của người lính Tây Tiến bằng phương pháp so sánh trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn: Em hãy so sánh những điểm giống và khác nhau giữa hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng với hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu? Khi sử dụng phương pháp so sánh, giáo viên phải biết làm chủ hoạt động so sánh, biết dừng lại hoặc điều khiển để học sinh dừng lại đúng lúc, không được tùy hứng liên hệ miên man hoặc lạm dụng phân tích sa đà vào đối tượng dùng để so sánh. Nếu không chú ý điều này, việc so sánh sẽ không phát huy được tác dụng mà còn phá hỏng tính hệ thống của tiến trình bài giảng. Với câu hỏi trên, sau khi học sinh trả lời xong, giáo viên chỉ cần chốt lại: Giống như người lính trong bài thơ Đồng Chí, người lính Tây Tiến cũng rất anh dũng và luôn sẵn sàng hiến dâng cho lý tưởng cách mạng, cho Đất nước, quê hương. Nhưng nếu hình ảnh người lính của Chính Hữu toát lên vẻ đẹp mộc mạc, chất phác, điển hình cho những người lính xuất thân từ giếng nước, gốc đa thì người lính Tây Tiến lại đậm chất hào hoa, lãng mạn, nhiều mộng mơ của những học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Đây cũng chính là vẻ đẹp riêng có của lính Tây Tiến. Điều đó giải thích vì sao Tây Tiến của Quang Dũng được đánh giá là bài thơ góp phần hoàn thiện vẻ đẹp và chân dung người lính trong thơ ca kháng Pháp. Giáo viên nào sa vào phân tích hình ảnh người lính trong Đồng Chí, rồi lại mở rộng về hình ảnh người lính trong một số bài thơ khác của Hồng Nguyên, của Tố Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 12 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. Hữu,… thì việc so sánh sẽ không đạt được mục tiêu, không thể thành công như mong đợi. Khi tiến hành so sánh, giáo viên phải sử dụng hợp lí kết quả so sánh. Giáo viên luôn phải ghi nhớ: Kết quả so sánh chỉ là một phương tiện, là một con đường giúp học sinh đi vào tác phẩm, không được lấy nội dung so sánh thay thế cho việc khám phá, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật bài văn, bài thơ. Ví dụ với việc đọc- hiểu bài Sóng của Xuân Quỳnh, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh so sánh nỗi nhớ trong tình yêu của nhân vật em “Lòng em nhớ đến anh/ cả trong mơ còn thức” với nỗi nhớ trong tình yêu của nhân vật anh- “Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh/ anh nhớ em anh nhỡ lắm em ơi” - Xuân Diệu) để nhận ra nỗi nhớ là dấu hiệu dấu hiệu đặc trưng của tình yêu và cách thể hiện nỗi nhớ của Xuân Quỳnh vô cùng độc đáo: nhớ da diết, khắc khoải, bất chấp mọi quy luật. Nhưng việc tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của bài thơ không dừng ở đó. Giáo viên phải biết dùng kết quả so sánh đó để tiếp tục hướng dẫn học sinh cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn người con gái đang yêu. Nhân vật “em” của bài thơ chủ động trong hành trình đi tìm tình yêu, với nỗi nhớ nhung mãnh liệt, với tấm lòng thủy chung son sắt, với khát vọng cao cả về một tình yêu vĩnh hằng. Tất cả được “em” giãi bày chân thực không ngần ngại. Tuy thế, “em” cũng vô cùng nữ tính, yếu đuối và hay ưu tư, lo lắng như bất kỳ người con gái đang yêu nào! Khi sử dụng phương pháp dạy học này, giáo viên cũng cần chúy ý: Phương pháp so sánh tuy có những ưu điểm nhất định nhưng việc áp dụng phương pháp này phải có giới hạn. Nếu lạm dụng, việc so sánh sẽ trở nên phản tác dụng, ảnh hưởng đến tiến trình dạy - học của giáo viên và học sinh. Chúng ta chỉ nên lựa chọn nội dung nào tiêu biểu nhất trong văn bản văn học đang được đọc- hiểu để tiến hành so sánh. Có một số giáo viên khi sử dụng phương pháp so sánh để hướng dẫn học sinh đọc- hiểu bài thơ Tây Tiến đã liên tục so sánh bài thơ này với bài Đồng Chí của Chính Hữu trên rất nhiều phương diện: hoàn cảnh xuất thân của người lính, địa bàn hoạt động, đặc điểm, vẻ đẹp của người lính, bút pháp khắc họa người lính,… khiến việc so sánh trở nên nhàm chán, giờ học trở nên nặng nề và mất thời gian không cần thiết, làm ảnh hưởng đến mục tiêu cần đạt của bài học. IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI Việc sử dụng phương pháp so sánh trong tiết dạy đọc- hiểu VBVH ở trường THPT nói chung, ở Chương trình Ngữ Văn lớp 12 nói riêng thực sự có nhiều lợi ích. Phương pháp này không những làm sâu sắc thêm kiến thức về tác giả tác phẩm văn học học sinh đang được tìm hiểu mà còn mở rộng vốn hiểu biết về các hiện tượng văn học khác. Nhờ thế quá trình khám phá văn bản văn học sẽ diễn ra sinh động và hấp dẫn hơn, học sinh sẽ có hứng thú và học tập tích cực hơn. Ngoài ra, nếu giáo viên thường xuyên sử dụng và sử dụng có hiệu quả phương pháp này thì kỹ năng vận dụng Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 13 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. thao tác lập luận so sánh trong quá trình nghị luận văn học của học sinh sẽ được củng cố thêm. Theo đó, năng lực viết bài nghị luận của học sinh sẽ được cải thiện đáng kể. Qua thời gian sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH, chương trình Ngữ Văn lớp 12, chất lượng và hiệu quả môn học tại các lớp do bản thân phụ trách được thể hiện qua một vài số liệu dưới đây: Năm học 2011- 2012 Số lượng và tỷ lệ điểm trên trung bình Trong đó, tỷ lệ điểm khá, giỏi Bài KT học kỳ I 60/85 70.6% 28/60 = (46.7%) Bài KT học kỳ II 73/85 85.9% 30/73 = (41.1%) Điểm TBm HKI 76/85 89.4% 30/76 = (39.5%) Điểm TBm HKII 80/85 94.1% 35/80 = (44%) Điểm TBm CN 79/85 92.9% 33/79 = (32.5%) Ghi chú Tổng số học sinh: 85 Năm học 2012- 2013 Số lượng và tỷ lệ điểm trên trung bình Trong đó, tỷ lệ điểm khá, giỏi Bài KT học kỳ I 80/89 89.9 % 33/80 = (41.3 %) Bài KT học kỳ II 83/89 93.3 % 31/83 = (37.3 %) Điểm TBm HKI 83/89 93.3% 31/83 = (37.3%) Điểm TBm HKII 85/89 95.5% 37/85 = (43.5%) Điểm TBm CN 84/89 94.4% 34/84 = (40.5%) Ghi chú Tổng số học sinh: 89 V. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ Trong bối cảnh đổi mới phương pháp dạy- học hiện nay, việc giáo viên tìm hiểu và vận dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp dạy- học là điều kiện cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức tránh quan điểm cực đoan: Chỉ có những phương pháp dạy học hiện đại mới đem lại hiệu quả cao còn các phương pháp dạy học “truyền thống” đã trở nên lạc hậu. Trong dạy- học không có phương pháp nào là vạn năng. Hiệu quả của Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 14 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. mọi phương pháp không nằm ở bản thân nó mà ở chỗ người ta đã sử dụng phương pháp đó như thế nào. Với phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu VBVH cũng vậy. Nó sẽ chỉ góp phần nâng cao chất lượng môn học khi giáo viên biết cách sử dụng. Chính vì thế, khi sử dụng phương pháp so sánh để dạy các tiết đọc- hiểu VBVH, người giáo viên cũng cần lưu ý một số điểm sau: Không đặt phương pháp so sánh lên vị trí độc tôn, tối thượng mà phải phối hợp linh hoạt với những phương pháp dạy học khác, nhất là những phương pháp dạyhọc đặc thù của môn Ngữ Văn. Khi sử dụng phương pháp so sánh cần cân nhắc để xác định chính xác: Bài dạy nào có thể sử dung phương pháp này? Trong bài dạy đó những đối tượng, những vấn đề hoặc nội dung nào cần phải/ có thể so sánh? Phạm vi so sánh của các đối tượng đó là gì? So sánh như vậy nhằm mục đích gì? Việc so sánh phải hướng đến mục tiêu chung của bài học là làm sáng tỏ giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản đang tìm hiểu và không phá vỡ tính chỉnh thể của tác phẩm. Giáo viên không dùng kết quả so sánh thay thế toàn bộ nội dung cần đạt trong tiến trình hướng dẫn học sinh đọc- hiểu VBVH. Như tất cả các phương pháp dạy- học Ngữ Văn khác, việc vận dụng phương pháp so sánh trong mỗi tiết dạy đọc- hiểu VBVH chỉ có thể thành công khi giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo và nhận được sự phối hợp tích cực của học sinh từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện. Ngay trong quá trình thiết kế bài dạy, thiết kế câu hỏi hướng dẫn học sinh đọc- hiểu văn bản trên giáo án, giáo viên đã phải thể hiện ý đồ sử dụng phương pháp so sánh của mình. Đồng thời, trước mỗi tiết đọc- hiểu VBVH, giáo viên cần yêu cầu học sinh chuẩn bị tốt cho bài học bằng việc trả lời câu hỏi của sách giáo khoa; suy nghĩ về những vấn đề giáo viên đặt ra qua phiếu học tập; đọc lại hoặc đọc thêm tư liệu tham khảo là những văn bản giáo viên có thể đem ra so sánh, đối chiếu với văn bản sẽ học,.. Nếu công việc này không được thực hiện nghiêm túc, chu đáo thì việc sử dụng phương pháp so sánh sẽ mang tính tùy hứng, ảnh hưởng đến tiến trình chung của toàn bài. VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 15 Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy đọc- hiểu Văn bản văn học, chương trình Ngữ Văn lớp 12. 1. Đỗ Ngọc Thống, 2003, “Chương trình Ngữ văn THPT và việc hình thành năng lực văn học cho học sinh”, Tạp chí giáo dục số 66, trang 26-28 2. Nguyễn Như Ý, Đỗ Việt Hùng, Phan Xuân thành, Từ điển Tiếng Việt căn bản, Nxb Giáo dục. 3. Trần Đình Sử, 2004, “Đọc- hiểu văn bản- một khâu đột phá trong việc dạy học văn hiện nay”, Tạp chí giáo dục số 102, trang 16-18 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010, Tài liệu tập huấn giáo viên dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ Văn cấp THPT 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách giáo khoa Ngữ Văn 12, tập 1 và tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. Giáo viên: Cao Thị Xuyến- Trường THPT Sông Ray 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan