Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Skkn vài kinh nghiệm đọc – hiểu một số văn bản thơ chữ nôm trong chương trình lớ...

Tài liệu Skkn vài kinh nghiệm đọc – hiểu một số văn bản thơ chữ nôm trong chương trình lớp 10 trung học phổ thông

.DOC
18
1123
94

Mô tả:

VÀI KINH NGHIỆM ĐỌC – HIỂU MỘT SỐ VĂN BẢN THƠ CHỮ NÔM TRONG CHƯƠNG TRÌNH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI : Văn học viết Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX còn gọi là văn học trung đại – tồn tại và phát triển trong xã hội phong kiến. Hai thành phần chủ yếu của văn học trung đại là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Trong đó, văn học chữ Nôm đã đạt được những thành tựu đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Trong trường phổ thông, thơ chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam được giảng dạy từ bậc trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT). Nó đã góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ trẻ, giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu quê hương thiết tha, lòng nhân ái, nhạy cảm trước cái đẹp, biết vượt qua khó khăn, thử thách để vươn tới lý tưởng cao đẹp. Thơ chữ Nôm là một trong những thành tựu rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam. Thơ chữ Nôm không chỉ đa dạng về đề tài, phong phú về số lượng tác phẩm, mà còn đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện, hình tượng thơ hàm súc, ngôn ngữ thơ tinh tế, sáng tạo. Thơ chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam thể hiện hai nội dung lớn là yêu nước và nhân đạo, phát triển theo quy luật vừa tiếp thu và dân tộc hóa những tinh hoa của văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc, tiếp thu những thành tựu của văn học dân gian. Thơ chữ Nôm có sự đóng góp của những tài năng lớn như : Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyên Gia Thiều..... Thơ chữ Nôm có một giá trị nhân bản rất cao, chứa đựng những nỗi niềm mà các nhà thơ gửi gắm. Đó là những tiếng lòng của các nhà thơ nên có sức truyền cảm mạnh mẽ, lắng sâu trong lòng người, tồn tại mãi với thời gian, còn tỏa sáng đến muôn đời sau. Trong trường phổ thông, các tác phẩm thơ chữ Nôm giúp cho học sinh hiểu biết thêm về lịch sử – xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu thương con người bao la, những triết lý nhân sinh sâu sắc.... Học sinh còn được cung cấp thêm những hiểu biết về cái hay, cái đẹp của ngôn từ, hình tượng nghệ thuật, bút pháp tả cảnh ngụ tình, miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật... Một bài thơ , một đoạn thơ chữ Nôm hay gợi mở cho học sinh nhữung tư duy bay bổng, những tình cảm lắng động, những rung động thấm đẫm tình người, cái đẹp hài hòa về nội dung về hình thức của thơ Nôm cuốn hút, hấp dẫn học sinh. Nó bồi dưỡng cho học sinh năng lực thẩm mỹ nhạy cảm với cái đẹp, hướng các em tới những điều đẹp đẽ tốt lành. Như vậy, người giáo viên ở trường THPT cần rèn luyện cho học sinh kỹ 1 năng đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm thời kỳ văn học trung đại. Hoạt động dạy và học thơ chữ Nôm đạt hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng môn Ngữ văn ở trường THPT. Thông qua hoạt động giảng day, kiểm tra, đánh giá, người giáo viên cần trang bị cho học sinh một số kỹ năng cần thiết để học sinh cảm thụ tốt một bài thơ, đoạn thơ chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam. Từ yêu cầu đổi mới phương pháp, dạy học, phát huy năng lực tư duy sáng tạo của học sinh, tôi biên soạn đề tài “Vài kinh nghiệm đọc – hiểu mộ số văn bản thơ chữ Nôm trong chương trình lớp 10 trung học phổ thông”, góp một ý kiến nhằm nâng cao năng lực đọc – hiểu thơ chữ Nôm cho học sinh. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp, xây dựng của các đồng nghiệp. II. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI: 1. Thuận lợi : - Vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn luôn được sự quan tâm rộng rãi của các ban ngành, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông, tổ chức hội giảng cấp tỉnh trong nhiều năm, tuyên dương những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn có nhiều đổi mới trong tổ chức các buổi họp tổ chức chuyên môn, không nặng về thủ tục hành chính. - Đội ngũ giáo viên trong tổ chuyên môn nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, tâm huyết với nghề, luôn đổi mới trong phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Giáo viên trong tổ nhiệt tình tham gia các đợt thao giảng dự giờ, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. - Nhà trường được cung cấp nhiều trang thiết bị : máy chiếu, tranh ảnh, đồ dùng dạy học... tạo hứng thú cho học sinh học tập môn Ngữ văn. Nhiều giáo viên trong tổ chuyên môn tự làm đồ dùng dạy học, tìm tòi tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy môn Ngữ Văn. - Chương trình phân ban đòi hỏi thầy và trò phải sáng tạo trong giảng dạy và học tập, phải phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Giáo viên phải đổi mới cách soạn giáo án, thiết kế bài dạy, tổ chức các khâu lên lớp và chuẩn bị ở nhà. Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy các bộ môn, trong đó có môn Ngữ văn ngày càng cao. Tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng so với năm học trước. - Học sinh học chương trình phân ban muốn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi phải cố gắng học tập môn Ngữ văn. 2 2. Khó khăn : - Trình độ học sinh trong nhà trường nhìn chung tương đối đồng đều. Học sinh đuợc tuyển vào lớp 10 trong các năm học đều là các học sinh có học lực khá, giỏi. Học sinh có tinh thần ham học hỏi, thông minh, sáng tạo. Nhưng trong mỗi lớp học, học lực của học sinh chưa đồng đều. Nhiều học sinh ý thức phấn đấu chưa cao, bằng lòng với học lực trung bình. Một số học sinh học tập còn lơ là, ham chơi, chưa tập trung nghe giảng, thụ động. Nhiều học sinh dành thời gian cho các môn học khoa học tự nhiên, ôn thi đại học, môn Ngữ văn chỉ mong đạt điểm trung bình. - Chương trình học của học sinh THPT hiện còn nặng nề, kiến thức nhiều, quỹ thời gian hạn chế. Giáo viên chưa có điều kiện đào sâu, nâng cao kiến thức cho học sinh. - Một số giáo viên chưa dành nhiều thời gian và công sức cho việc soạn giảng về thơ chữ Nôm. Giáo án đánh máy còn có hiện tượng sao chép của nhau hoặc lấy nguyên từ trên mạng, ít chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình học tập của từng trường, với trình độ học sinh của từng lớp. - Nhiều học sinh khi soạn bài ở nhà còn chép lại nguyên văn trong sách tham khảo, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo, trả lời các câu hỏi theo khuôn mẫu có sẵn. Nhiều giáo viên chưa chú ý đến việc ra đề, chưa phân loại chính xác học sinh khá, giỏi và trung bình. - Một số học sinh còn “học tủ”, “học vẹt”, môn Ngữ văn ở lớp chỉ đạt điểm trung bình, nhưng thi học kỳ lại đạt điểm cao do “học tủ” trúng đề. - Một số học sinh chưa có hứng thú học thơ chữ Nôm do bài học có nhiều từ cổ, nhiều điển cổ, điển tích. 3. Số liệu thống kê : Khi thực hiện phương pháp mới trong việc đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm, chất lượng của học sinh được nâng cao. Nhiều học sinh đạt điểm khá, giỏi. Kết quả khảo sát trong 3 năm học gần đây (Chấm điểm bài tự luận về thơ chữ Nôm) Năm học Số học sinh được khảo sát Điểm dưới 5 – Tỉ lệ Điểm trung bình – Tỉ lệ Điểm khá, giỏi – Tỉ lệ 2010 – 2011 36 0 – 0% 4 -11,1% 34 - 88,9% 2011 – 2012 37 0 – 0% 5 -13,5% 32 - 86,5% 2012 – 2013 39 0 – 30% 4 -10,3% 35 - 88,7% III. NỘI DUNG ĐỀ TÀI : 3 A. Cơ sở lý luận : Do có quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, văn học nước ta ngay từ buổi đầu ra đời đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhiều yếu tố văn học Hán, văn hóa Hán : từ chữ viết đến các thể tài sáng tác, thi liệu, văn liệu....Văn học chữ Hán đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Nhưng con đường tiến lên của văn học dân tộc thời kỳ trung đại là vừa phải tiếp thu, vừa phải Việt hóa, vừa phải từ bỏ dần các yếu tố Hán cùng với việc tự tạo ra những yếu tố, những hình thức mang tính dân tộc. Từ chữ Hán, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt, từ đó đã xây dựng một nền văn học viết bằng chữ Nôm cùng song song phát triển với nền văn học viết bằng chữ Hán. Bên cạnh việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn học, việc tìm ra các thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, cùng với các thể loại có nguồn gốc Trung Quốc, là những cố gắng to lớn của cha ông ta trên con đường dân tộc hóa hình thức văn học, thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ và ý thức sáng tạo. Thơ chữ Nôm là thành tích quý báu của cha ông ta, làm cho văn học trung đại đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức. Thơ chữ Nôm có nội dung phong phú, được đưa vào giảng dạy ở nhiều cấp học, thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả nghiên cứu, phê bình văn học. Vì vậy, giúp học sinh có hứng thú học thơ chữ Nôm, nâng cao chất lượng đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm của văn học Việt Nam thời kỳ trung đại là một việc cần thiết của người giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông. B. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài : 1. Công việc chuẩn bị cho tiết đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm : 1.1. Công việc của người giáo viên : - Để nâng cao chất lượng dạy và học thơ chữ Nôm, người giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Người giáo viên phải đọc kỹ phần Tiểu dẫn và phần Văn bản. Những kiến thức được truyền đạt cho học sinh phải thật chính xác, khoa học từ những nét chính về cuộc đời tác giả, những tác phẩm tiêu biểu, hoàn cảnh sáng tác, nội dung và nghệ thuật của văn bản.... Đặc biệt là phải tìm hiểu ý nghĩa của từ, các điển cổ, điển tích. - Thiết kế bài học một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong nhà trường, phù hợp với đối tượng học sinh. Chuẩn bị hệ thống câu hỏi chuẩn bị bài, câu hỏi rèn luyện kỹ năng đọc – hiểu văn bản chữ Nôm, câu hỏi và bài tập hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Phát hiện, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, phát huy năng lực đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm. Chuẩn bị hoạt động thảo luận theo tổ nhóm của học sinh. Hệ thống câu hỏi đặt ra để học sinh thảo luận phải hướng vào trọng tâm bài học, 4 vào mục tiêu bài học đặt ra. Bài học phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, không lan man, dàn trải. - Người giáo viên nắm vững trọng tâm kiến thức, kỹ năng của bài học, chuẩn bị nhuần nguyễn các khâu lên lớp, sẽ làm chủ được kiến thức, chủ động về thời gian, không lúng túng khi gặp tình huống học sinh đặt ra câu hỏi đề nghị giáo viên lý giải hoặc nâng cao vấn đề. - Người giáo viên có thể tự làm đồ dùng dạy học, tìm thêm tư liệu nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy, hoặc phân công học sinh chuẩn bị sơ đồ, mô hình, dụng cụ học tập. Chẳng hạn : bức tranh cảnh thiên nhiên ngày hè, bức tranh Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân... - Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, soạn bài mới, hướng dẫn học sinh đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm ở nhà. 1.2. Công việc của học sinh : - Học sinh phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình, không lơ là, thụ động. Học sinh phải soạn bài ở nhà, đọc kỹ văn bản, nắm được những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp văn học, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm... - Học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập theo hướng dẫn của giáo viên : bảng phụ, tranh ảnh, hình vẽ... Chuẩn bị việc thảo luận theo tổ nhóm, tranh luận... theo yêu cầu của từng bài học và định hướng của người thầy. - Học sinh chuẩn bị bài học bám sát sách giáo khoa, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng qua câu hỏi hướng dẫn chuẩn bị bài của giáo viên. - Những chỗ chưa hiểu sâu, học sinh có thể chuẩn bị câu hỏi, nhờ giáo viên giải đáp trên lớp. - Học sinh có thể đọc thêm một số bài thơ chữ Nôm không có trong chương trình lớp 10 nhằm mở rộng, nâng cao tri thức. Chẳng hạn các bài thơ Cảnh mùa hạ của Trần Thái Tông, Cây chuối, Cuối xuân tức sự của Nguyễn Trãi... - Liên hệ với các bàu thơ, đoạn thơ chữ Nôm đã học để tích hợp kiến thức về thể loại. Chẳng hạn như bài thơ ; Bài ca Côn Sơn (Nguyễn Trãi), các đoạn trích Kiều ở Lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du). - Ghi chép những ý kiến nhận định, đánh giá hay về tác giả, tác phẩm để làm tư liệu học tập. 2. Hướng dẫn học sinh đọc – hiểu phần Tiểu dẫn, nắm vững những kiến thức về tác giả, tác phẩm, vị trí của đoạn trích : 5 Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc – hiểu phần Tiểu dẫn. Học sinh đọc phải rõ ràng, chính xác những thông tin về cuộc đời nhà thơ, những tác phẩm tiêu biểu, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, nội dung chính, giá trị nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ, nắm đuợc xuất xứ, vị trí của đoạn trích. Giáo viên và những học sinh khác chú ý lắng nghe, đối chiếu với sách giáo khoa. Nhận xét cách đọc, phát hiện, sửa chữa những chỗ đọc sai dẫn đến những thông tin thiếu chính xác. Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh tóm tắt những nội dung chính của phần Tiểu dẫn về tác giả, tác phẩm. Giáo viên có thể cung cấp cho học sinh những tư liệu về tác giả, tác phẩm : tranh chân dung, tranh phong cảnh, những lời nhận định về tác giả, lời bình hay về tác phẩm, các băng đĩa ghi âm, ghi hình các nghệ sĩ ngâm các bài thơ, đoạn thơ... Mục đích giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về tác giả, những đóng góp về nội dung, nghệ thuật, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Ví dụ : Viết về Nguyễn Du, Mộng Liên Đường chủ nhân nói đến “ Tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Hoài Thanh ca ngợi “Sức cảm thông lạ lùng của đại thi hào dân tộc”. Tố Hữu viết “Tấm lòng thơ với tình đời thiết tha” (Kính gửi cụ Nguyễn Du) đều là nói lên bản chất nhân đạo trong con người và cảm hứng nhân văn trong tâm hồn Nguyễn Du. Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Chinh phụ ngâm, Phan Huy chú trọng Lịch triều hiến chương loại chí có viết “ Sách Chinh phụ ngâm là bởi hương cống Đặng Trần Côn biên soạn. Nhân đầu đời Cảnh Hưng việc binh nổi dậy, người ta đi đánh phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra”. Nắm vững những trí thức trong phần Tiểu dẫn giúp cho học sinh có cơ sở hiểu sau hơn nội dung bài thơ, đoạn thơ chữ Nôm. 3. Đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm phải chú ý đến các bản phiên âm, có thể có dị bản, nắm vững phần chú thích, hiểu được nghĩa của các từ Việt cổ, điển cổ, điển tích : Các bài thơ, đoạn thơ chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam được dạy và học trong chương trình phổ thông được phiên âm ra chữ quốc ngữ. Việc phiên âm thường có dị bản, một chữ Nôm có khi đọc thành hai, ba cách khiến cho cách hiểu cũng khác nhau. Giáo viên và học sinh cần chú ý điều này để cân nhắc, lựa chọn khi đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm. Nên chọn cách phiên âm trong sách giáo khoa. Ví dụ : Câu thơ thứ tư trong bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) của Nguyễn Trãi có bản phiên âm “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”, “Hồng liên trì đã tạn mùi hương”. Bản phiên âm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 là “ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Tịn mùi hương là đã hết mùi hương, tạn mùi hương là mùi hương thoang thoảng. Bản phiên âm là tiễn mùi hương (ngát mùi hương) trong sách giáo khoa là hợp lý, vì thiên nhiên đang giữa mùa hè, rất sống động, màu sắc đậm đà. Trong đoạn trích Trao duyên (trích Truyện Kiếu – Nguyễn Du) có câu thơ được phiên âm là “Bây 6 giờ trâm gãy, bình tan” và “Bây giờ trâm gãy, gương tan”. Chúng ta nên chọn cách phiên âm thứ hai, vì trâm và gương là những vật nam nữ ngày xưa thường tặng cho nhau để làm kỷ niệm của tình yêu. Trâm gãy, gương tan là hình ảnh nói về sự tan vỡ của tình yêu. Lựa chọn hợp lý cách phiên âm còn góp phần hiểu được những tâm tư, tình cảm, ý chí, tài năng nghệ thuật của tác giả. Sự lựa chọn này còn giúp chúng ta tránh được sự suy diễn tùy tiện, hiểu sâu sắc giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, giúp cho học sinh phát triển tư duy độc lập và sáng tạo. Đọc - hiểu văn bản thơ chữ Nôm vừa đảm bảo ý nghĩa, vừa cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong nội dung, nghệ thuật của văn bản là một việc khó khăn. Nói đòi hỏi người giáo viên phải huy động vốn sống, kinh nghiệm và tri thức cuộc đời mà bản thân mình đã tích lũy được, phải có vốn từ ngữ phong phú, có khả năng cảm thụ tác phẩm, cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn bản... để đồng cảm đối với những nhân vật hay cảm xúc trong tác phẩm. Đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm cần bám sát kết cấu và cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Chẳng hạn bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi cần đọc chậm, rành mạch, cách ngắt nhịp rõ ràng, thể hiện được vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè, vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi với tình yêu thiên nhiên, yêu đời, năng tình với nhân dân, đất nước. Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện quan niệm nhàn của tác giả, cần đọc chậm, rõ ràng, thể hiện được khí khái và giọng trữ tình của bài thơ. Đọc đúng, đọc diễn cảm một văn bản thơ chữ Nôm là một việc không dễ dàng. Bởi vì mỗi học sinh có một giọng đọc khác nhau, có sự cảm thụ khác nhau về văn bản. Việc rèn luyện năng lực đọc – hiểu một văn bản thơ chữ Nôm cho học sinh là rất cần thiết, giúp cho các em chiếm lĩnh các giá trị của tác phẩm. 4. Hướng dẫn học sinh được những tri thức văn hóa, tri thức về thể loại của văn bản thơ chữ Nôm. Đọc – hiểu tác văn bản chữ Nôm là đi sâu tìm hiểu văn bản với cấu trúc, hình tượng, ngôn ngữ của văn bản. Nhưng nếu giáo viên cung cấp cho học sinh những tri thức về văn hóa, về thể loại của văn bản thì việc đọc – hiểu tác phẩm sẽ đạt hiêu quả cao hơn. Chẳng hạn Chinh phụ ngâm thuộc thể loại thơ tự tình. Thơ tâm tình lấy tâm trạng, cảm xúc làm đối tượng, khác với văn xuôi tự sự lấy sự kiện, hành động làm đối tượng. Khi phân tích thơ trữ tình phải chú ý đến thế giới nội tâm của nhân vật. Chinh phu ngâm gồm 478 câu thơ làm theo thể trường đoản cú, khúc ngâm được dịch ra chữ Nôm bằng thể song thất lục bát rất thành công. Đoạn trích Nỗi sầu oán của người cung nữ (trích Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều) cũng dùng thể thơ song thất lục bát. Khi đọc – hiểu các đoạn trích trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc) cũng cần chú ý đến vai trò của thể thơ song thất lục bát trong việc hình thành đặc điểm của ngâm khúc. Đề tài người chinh phụ, người cung nữ là một đề tài khá 7 phổ biến của thơ ca cổ điển Trung Quốc, nhất là thơ Đường. Khi viết Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, các tác giả Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều đã có một nguồn văn liệu dồi dào để tham khảo. Cần thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc của các tác phẩm này ngay từ tên gọi, nghệ thuật miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, tiếng nói đề cao hạnh phúc lứa đôi. Đây là một cái mới, là đóng góp xuất sắc của các tác giả cho lịch sử văn học. Khi đọc - hiểu các đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Nỗi sầu oán của người cung nữ, phải chú ý đến cống hiến quan trọng này của tác giả. Các văn bản thơ chữ Nôm ra đời cách đây đã khá lâu, nên thường có nhiều từ cổ . Các tác giả văn học trung đại, ngay cả khi viết bằng chữ Nôm cũng sử dụng nhiều điển cổ, điển tích. Điều này góp phần vào việc nâng cao khả năng biểu hiện và tính chất hàm súc của ngôn ngữ văn học, hình tượng văn học. Điển cổ, điển tích thường không xa lạ với những trí thức thời xưa thì lại khó hiểu đối với người đọc và học sinh ngày nay. Cho nên khi đọc hiểu văn bản chữ Nôm, cần giúp cho học sinh hiểu rõ các điển cổ, điển tích, được giới thiệu trong phần chú thích hoặc giáo viên giảng giải thêm. Người giáo viên cần tham khảo thêm nhiều sách báo, tư liệu. Khi đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm cần lĩnh hội ý từ sâu xa của điển cổ, điển tích và chú ý sắc thái biểu đạt cổ kính của từ ngữ. Ví dụ : Khi đọc – hiểu bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý nghĩa của các từ cổ rồi, thức, tiễn, dắng dỏi, dẽ có, điển cổ Ngu cầm, các từ Hán Việt làng ngư phủ, lầu tịch dương.... Khi đọc - hiểu bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên giới thiệu cho học sinh điển tích trong truyện đời Đường, kể về Thuần Vu Phần là một viên tướng tài, tính tình phóng khoáng, do xúc phạm thống soái, bị quở mắng nên từ chức về nhà, lấy uống rượu làm vui. Một hôm, Thuần Vu Phần say rượu ngủ bên gốc cây hòe, mơ thấy mình được làm phò mã cho vua nước Hòe, đuợc hưởng giàu sang phú quý, tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mơ. Tác giả mượn điển tích này để thể hiện sâu sắc quan niệm triết lý nhân sinh bằng thái độ xem thường phú quý, coi chốn quyền danh phú quý chỉ là giấc chiêm bao. Qua đó, tác giả khẳng định thêm sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của riêng mình. Chương trình môn Ngữ văn ở bậc THPT hiện nay được xây dựng và thực hiện đổi mới phương pháp theo tinh thần tích hợp. Trong đó trọng tâm của yêu cầu dạy học phần văn học là học sinh phải biết cách đọc – hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại. Yêu cầu này xác định những nội hàm cụ thể để học sinh thực hiện một chuỗi thao tác chiếm lĩnh giá trị tác phẩm, hướng tới hiệu quả thực hành vận dụng và nối kết kiến thức với phần Tiếng Việt, Làm văn. 8 Vì vậy, khi đọc – hiểu một văn bản học, trong đó có đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm thời kỳ trung đại, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những tri thức về thể loại. Ví dụ : bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi là bài thơ Đường luật có câu mở đầu và câu kết thúc có dạng lục ngôn (sáu chữ) mối quan hệ giữa cảnh, sự và tình : cảm xúc này sinh trên cơ sở tác giả quan sát những cảnh vật, sự kiện : hòe lục đùn đùn rợp mát, thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang ngát hương, tiếng “lao xao” nơi chợ cá dân dã, tiếng ve dắng dỏi như một bản đàn chốn “lầu tịch dương”... Bài Nhân của Nguyễn Bỉnh Khiêm là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật viết bằng chữ Nôm. Sự kết hợp các yếu tố cảnh, sự và tình trong bài thơ này khác với bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi. Bài thơ không tả cảnh, không dẫn dắt cảm nghĩ bằng cảnh mà chỉ bằng các sự việc, không có sự minh bạch rõ ràng giữa sự và tình, mà chúng được kết hợp đan xen với nhau trong từng khổ thơ, ngay trong từng câu thơ. Phần tri thức về văn hóa và tri thức về thể loại cần được sự vận dụng linh hoạt, tùy theo nội dung bài học, thời gian được phân phối và đối tượng học sinh mà cung cấp kiến thức cần thiết. Ví dụ : Các đoạn trích Chí khí anh hùng, Thề nguyền (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) thuộc thể thơ lục bát, chỉ được dạy trong 1 tiết, giáo viên có thể cung cấp những tri thức về văn hóa, về thể loại ngắn gọn, chọn lọc, tránh sa đà, dài dòng, lan man. 5. Đọc – hiểu ý nghĩa của ngôn từ, của hình tượng trong bài thơ, đoạn thơ chữ Nôm : Khi đọc - hiểu một văn bản thơ chữ Nôm, phải đọc – hiểu ý nghĩa của ngôn từ vì yếu tố đầu tiên mà chúng ta tiếp xúc với bài thơ là ngôn từ . Văn bản thơ chữ Nôm có tính chất hàm súc, lời ít mà ý nhiều, có tính chất đối xứng của các thể thơ cổ, lựa chọn hình ảnh từ ngữ đẹp, tinh tế, khéo léo. Cần tạo ấn tượng toàn vẹn về văn bản bằng cách đọc văn bản từ đầu đến cuối, hiểu được các từ khó, tự lạ, ý nghĩa của các hình tượng. Trong đoạn trích Thề nguyền, để thể hiện tình yêu câu nặng, mãnh liệt của Thúy Kiều với Kim Trọng, sự chủ động của nàng sang nhà Kim Trọng, Nguyễn Du đã viết hai câu thơ :”Cửa ngoài vội rủ rèm the – Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Để khám phá được ý này, giáo viên cần đặt câu hỏi :”Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ vội, xăm xăm, băng ?” Giáo viên cần cho học sinh thấy tính từ vội kết hợp với động từ băng và từ láy xăm xăm giàu giá trị gợi hình và biểu cảm, diễn tả bước chân nhanh nhẹn và lòng can đảm, sự chủ động và mãnh liệt của Thúy Kiều khi dám dỡ rào, vượt tường qua nhà Kim Trọng để tình tự. Vì tình yêu, vì khát vọng hạnh phúc mà nàng đã bất chấp cả lễ giáo phong kiến. Để phát hiện được ý này, giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh : “Liên hệ với đoạn trích Trao duyên để chỉ ra tính chất nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Thúy Kiều?”. Hoặc so sánh 9 tình yêu vượt qua lễ giáo phong kiến của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, đôi trai tài gái sắc cùng thời đại với Nguyễn Du. Khi đọc – hiểu một bài thơ, đoạn thơ chữ Nôm, người giáo viên cần hướng dẫn học sinh cảm nhận hình tượng văn học từ các hình ảnh, chi tiết, hiểu và cảm nhận một cách tổng thể về nội dung, ý nghĩa của hình tượng. Ví dụ : Hai câu thơ cuối trong đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều- Nguyễn Du) miêu tả tư thế ra đi mạnh mẽ, dứt khoát của Từ Hải : Quyết lời dứt áo ra đi, Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi. Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho khát vọng anh hùng có bản lĩnh phi thường khát khao làm nên sự nghiệp lớn. Câu thơ một lần nữa khẳng định ý chí, lòng quyết tâm của Từ Hải. Đã đến lúc chim bằng bay lên cùng gió mây. Từ Hải tạm biệt cuộc sống ấm êm để ra đi lập công danh. Đó là ý chí, lòng quyết tâm của người không muốn sống cuộc sống bình thường mà muốn làm nên những việc phi thường, xuất chúng hơn người. Để tìm hiểu ý nghĩa hình tượng chim bằng, giáo viên đặt câu hỏi :”Cảm nhận của anh (chị) hình tượng chim bằng trong hai câu thơ cuối đoạn trích?”. Tìm hiểu ý nghĩa hình tượng trong một bài thơ chữ Nôm còn là tìm hiểu tài năng sử dụng ngữ từ, hình ảnh, sự sắp xếp kết cấu gợi cảm của nhà thơ, sự thống nhất giữa những mặt đối lập trong hình tượng. Các nhà thơ thời trung đại thường tạo ra cách tiếp cận thế giới từ các quan hệ đối lập. Ví dụ : Bốn câu thơ trong đoạn trích Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) diễn tả tâm trạng đau đớn, tủi hổ đến ê chề của Kiều : Khi sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. Mặt sao dày gió dạn sương Thân sao bướm chán ong chường bấy thân. Quá khứ đối lập với hiện tại, đối lập một cách khốc liệt. Dĩ vãng chỉ được gợi lên qua một câu : Khi sao phong gấm rủ là, còn hiện tại được nhắc đến liên tiếp trong ba câu thơ . Kiều vừa nhớ lại những tháng năm hạnh phúc êm đềm “trướng rủ màn che” thì hiện tại khốc liệt đã ập đến trùng trùng nghiến nát quá khứ tươi đẹp một cách phũ phàng. Ngày trước nàng được nâng niu trong gấm lụa, bây giờ như cánh hoa tan tác giữa đường. Từ nghi vấn sao được sử dụng nhiều trong phép đối, vừa theo phép điệp, kết hợp với các thành ngữ chéo dày gió dạn sương, bướm chán ong chường tạo nên giọng điệu đau xót, ê chề cho thân phận. 10 6. Đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn bản, tư tưởng, tình cảm của tác giả : “Nhiệm vụ then chốt trước hết của giáo viên văn học đối với học sinh là giúp các em “biết đọc” tác phẩm, biết tái hiện hình tượng, nội dung chứa đựng trong tác phẩm, để trên cơ sở đó giúp các em biết phân tích cái hay, cái đẹp của nó”. (Nguyễn Duy Bình) Đây là một hoạt động có vai trò quan trọng trong việc giảng dạy thơ chữ Nôm. Hoạt động này giúp học sinh qua việc tự mình tiếp xúc với thế giới sáng tạo của tác phẩm mà tiếp thu những tinh hoa văn học của dân tộc và nhân loại, tiếp thu những cái hay, cái đẹp của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật. Từ đó rèn luyện kỹ năng đọc – hiểu một bài thơ chữ Nôm. Người giáo viên phải đặt câu hỏi, hướng dẫn học sinh phát hiện cái hay, cái đẹp của tác phẩm chữ Nôm. Vì dụ : Sau khi đọc – hiểu đoạn trích Trao duyên, giáo viên đặt câu hỏi : “Hãy đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của bài thơ”. Giáo viên định hướng, gợi ý cho học sinh trả lời : Bằng nghệ thuật miêu tả tinh tế, diễn biến tâm trạng nhân vật, sử dụng thành công lời độc thoại nội tâm, Nguyễn Du đã thể hiện vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình của nàng cho hạnh phúc của người thân. Qua đó, thể hiện lòng cảm thông, thương yêu sâu sắc của Nguyễn Du đến với những con người “bạc mệnh”. Học sinh phải đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả vì đó là linh hồn của tác phẩm văn học, được thể hiện qua ngôn ngữ, qua hình tượng nghệ thuật. Ví dụ, sau khi hiểu được vẻ đẹp của ngôn từ và hình ảnh nghệ thuật trong đoạn trích Chí khí anh hùng : trượng phu, thanh gươm, yên ngựa, mặt phi thường, chim bằng, lòng bốn phương, trời bể, mênh mang, bốn bề, gió mây v.v.. có tính chất ước lệ, giàu sức gợi cảm, mang tầm vóc vũ trụ , đã khắc họa phẩm chất và chí khí phi thường, khát vọng làm lên sự nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải, thể hiện ước mơ về tự do công lý của Nguyễn Du . 7. Đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm cần kết hợp với so sánh, liên hệ, tích hợp các kiến thức : Hoạt động tích hợp giúp cho học sinh hiểu được tính hệ thống của văn bản, liên hệ với những kiến thức đã học ở phần này hoặc sẽ học ở phần kia. Mặt khác, trong quá trình đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm, giáo viên cần so sánh, liên hệ với các tác phẩm thơ có cùng đề tài, chủ đề, cảm hứng nghệ thuật để mở rộng, nâng cao kiến thức cho học sinh. Từ đó, rèn luyện cho học sinh cách tư duy lôgic, chính xác, khoa học, giúp học sinh tái hiện kiến thức cũ, tiếp cận với kiến thức mới. Chẳng hạn, nghệ thuật miêu tả người anh hùng Từ Hải của Nguyễn Du trong đoạn trích Chí khí anh hùng có hai đặc điểm cơ bản : hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Hai đặc điểm này đều thuộc những quy ước và công thức chung của nghệ thuật xây dựng 11 hình tượng người anh hùng trong văn học trung đại Việt Nam. Giáo viên gợi ý học sinh so sánh, liên hệ : Trước Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài đã gợi tả trang nam nhi với tư thế hiên ngang mang tầm vóc vũ trụ :”Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu” (Cầm ngang ngọn giáo giữ gìn non sông đã mấy thu). Sau Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng khắc họa hình tượng Lục Vân Tiên với ngôn ngữ, lời nói, hành động mang dấu ấn ước lệ, có tác dụng lý tưởng hóa người anh hùng. Vì vậy, có thể kết luận, trong văn học trung đại, khi xây dựng nhân vật người anh hùng, các tác phẩm thường sử dụng công thức chung : Đó là nghệ thuật khắc họa những hình tượng mang tính ước lệ, có tầm vóc về chiều kích không gian vũ trụ. Đó cũng là nghệ thuật lý tưởng hóa người anh hùng. Khi tìm hiểu nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên, giáo viên cho học sinh tích hợp với đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã học ở THCS. Qua đó, thấy được tài năng khắc họa nội tâm nhân vật của Nguyễn Du. 8. Đọc sáng tạo văn bản thơ chữ Nôm, chú ý các biểu hiện tính cách qua tâm hồn, ý chí con người, lý tưởng, nhân cách mà các nhà thơ hướng tới: Đọc – hiểu văn bản văn học nói chung và đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm nói riêng là một việc sáng tạo vì ngoài những yếu tố đã có như ngôn ngữ, hình tượng, nghệ thuật, người đọc suy nghĩ, liên tưởng để khái quát thành những điều cao hơn, sâu sắc hơn. Người đọc hiểu được lớp nghĩa tinh tế là tài năng và phong cách nhà văn, những nét đẹp tiềm ẩn trong văn bản. Đọc sáng tạo là liên hệ những gì đang đọc với những gì đã đọc, liên hệ mở rộng tầm hiểu biết của bản thân. Macxim Gorki đã nói đến việc làm cho người đọc “có khả năng xây dựng hình tượng”, “có khả năng tưởng tượng bổ sung vào bức tranh, những hình tượng, những bóng dáng, những tích cực mà nhà văn đưa ra, bằng cách rút từ cái vốn kinh nghiệm của bản thân, từ cái kho dự trữ ấn tượng và kiến thức của người đọc”. Nguyễn Duy Bình bổ sung thêm :”Tài năng sáng tạo của tác giả và tính năng đọc “cùng sáng tạo” của người học đã biến tác phẩm văn học thành một sinh mệnh đặc biệt, có sức sống bền vững, với một nội dung phong phú, phát triển vô hạn, vô cùng, trong một vẻ đẹp luôn luôn tươi mới”. Từ chỗ cảm nhận được văn bản, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh liên hệ mở rộng để phát hiện thêm những ý nghĩa sâu xa, hiểu được tính đa nghĩa, giàu sức gợi cảm của tác phẩm, cá tính sáng tạo của tác giả. Ví dụ : Khi đọc – hiểu hai câu thơ : “Giết nhau chẳng cái lưu cầu - Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!” trong đoạn trích Nỗi sầu oán của người cung nữ, giáo viên hướng dẫn học sinh liên hệ, mở rộng để hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Hai từ “độc chưa” đay nghiến và cay nghiệt đầy uất ức cay đắng. Hai câu thơ là lời tố cáo đanh thép sự tàn ác của chế độ đa thê, chế độ cung tần tàn bạo thời phong kiến. Chế độ ấy đã cướp đi quyền sống của bao nhiêu thiếu nữ xinh đẹp. Chúng không giết con 12 người bằng dao, bằng kiếm, chúng giết con người bằng cách để nỗi cô đơn hủy hoại tâm hồn họ. Cha ông ta vẫn nói “giết người không dao” để chỉ những hành động giết người tàn bạo nhất .Và những thú ăn chơi trác táng, thói vô tình của vua chúa phong kiến đã đẩy những người cung nữ vào bi kịch không lối thoát. Cung oán ngâm khúc thể hiện nỗi niềm ai oán của người cung nữ có tài sắc, được vua yêu chuộng, nhưng rồi bị ruồng bỏ, bị chà đạp. Tác giả còn gửi gắm quan niệm của mình về lẽ đời bạc bẽo, phù du. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX, do chiến tranh liên miên, chế độ phong kiến thối nát, nổi lên nhu cầu khẳng định quyền sống con người. Nhu cầu ấy biểu hiện ra bằng niềm ai oán trước số phận bất công, bất hạnh và cảm hứng thương thân. Đó là khuynh hướng nhân đạo thể hiện trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương và một số tác giả khác. Đọc hiểu bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, học sinh cảm nhận được vẽ đẹp nhân cách của nhà thơ : thái độ coi thường danh lợi, luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi cảnh ngộ đời sống. Trong bối cảnh xã hội khủng hoảng, nhà thơ không tìm được điều kiện để thể hiện tài năng và thực hiện hoài bảo vì dân vì nước của mình thì việc sống “nhàn” để giữ vững phẩm chất đạo đức là một lựa chọn tích cực. 9. Tổ chức thảo luận, thuyết trình, lĩnh hội văn bản thơ chữ Nôm : Việc cho học sinh thảo luận để lĩnh hội tác phẩm thơ chữ Nôm, tôi đã tiến hành trong nhiều năm trong các tiết đọc văn và đọc thêm. Việc thảo luận giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, vừa thấy hiểu bài hơn và có thể hiểu thêm một số bài thơ chữ Nôm không được giới thiệu trong chương trình THPT. Chính vì thế, học sinh càng có hứng thú hơn khi đọc thơ chữ Nôm của văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Trong quá trình tổ chức dạy và thảo luận, tôi có một số ghi nhận sau : - Không phải tiết học nào cũng tiến hành thảo luận. Trong một tiết học không nên tổ chưc thảo luận nhiều lần. - Không đưa ra những vấn đề quá dễ, quá đơn giản để thảo luận. Vấn đề thảo luận phải bám sát văn bản thơ chữ Nôm. - Trong khi thảo luận, giáo viên phải theo dõi để hỗ trợ học sinh kịp thời cũng như nhắc nhở các em lơ là, thúc đẩy sự hứng thú học thơ chữ Nôm của học sinh. - Thảo luận để cảm nhận được cái hay, cái đẹp về nội dung, nghệ thuật của văn bản thơ chữ Nôm, tư tưởng, tình cảm của tác giả ẩn chứa sau những từ ngữ, hình ảnh thơ. - Có những vấn đề thảo luận tại lớp, cũng có vấn đề giao cho các nhóm chuẩn bị ở nhà, lên lớp trình bày kết quả. 13 Có rất nhiều hình thức nêu câu hỏi thảo luận theo tổ nhóm có thể thảo luận về cuộc đời nhà thơ, vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. Câu hỏi thảo luận phải hướng vào trọng tâm của bài học, phát huy được khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh, phải hướng đến làm sáng tỏ cái “thần” của câu chữ, của hình ảnh, cảm nhận được chiều sâu tâm hồn, tư tưởng của nhà thơ. Ví dụ : Khi đọc – hiểu hai câu thơ cuối bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới- bài 43) của Nguyễn Trãi, giáo viên nêu câu hỏi thảo luận : “Hai câu thơ cuối cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với nhân dân như thế nào?. Âm điệu câu thơ lục ngôn kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thơ thất ngôn như thế nào? Sự thay đổi âm điệu như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?”. “Khi đọc – hiểu mười sáu câu cuối của đoạn trích Trao duyên (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du ), giáo viên đặt câu hỏi, hướng dẫn học sinh thảo luận : “Hãy tìm những từ ngữ cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết ?. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa gì? Kiều đối thoại với những ai? Phân tích diễn biến, tâm trạng của Kiều qua lời thoại trong đoạn trích?”. Hình thức thuyết trình phù hợp với phân môn Đọc văn. Giáo viên chọn những tiết dạy gây được hứng thú với học sinh, dễ sưu tầm tài liệu, chẳng hạn bài Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều – của Nguyễn Du). Giáo viên chọn vấn đề thuyết trình cụ thể, ví dụ : Vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi, lý tưởng anh hùng của Từ Hải. Giáo viên phân công hướng dẫn tổ hoặc nhóm chuẩn bị cho thuyết trình, hướng dẫn học sinh tìm tư liệu từ các nguồn : sách giáo khoa, tạp chí, Internet.... Học sinh viết đề cương, chuẩn bị hình thức thuyết trình, thuyết trình kết hợp với minh họa bằng hoạt cảnh, diễn kịch, chiếu đoạn phim tư liệu... Giáo viên nhận xét, sửa chữa, bổ sung phần thuyết trình, giải đáp những vấn đề chưa rõ trong phần thuyết trình. Mục đích của thuyết trình là khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. 10. Sơ đồ hóa, củng cố kiến thức, luyện tập bài đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm: Sơ đồ hóa là thao tác mã hóa kiến thức cơ bản của bài học, giúo học sinh ghi nhớ kiến thức một cách lôgic, biết nhận diện, lý giải mối quan hệ nội tại của vấn đề, vận dụng các kỹ năng phân tích đối chiếu, tổng hợp kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ví dụ : dạy đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), giáo viên nêu câu hỏi : “Lập sơ đồ những biểu hiện lý tưởng anh hùng Từ Hải?”. 14 Ta có sơ đồ sau : Lý tưởng anh hùng của Từ Hải Không quyến luyến, bịn rịn, không vì tình yêu mà quên đi lý tưởng cao cả Trách Kiều là người tri kỷ mà không hiểu mình, khuyên Kiều vượt lên trên tình cảm thông thường để sánh với anh hùng Hứa hẹn với kiều về một tương lai thành công Khẳng định quyết tâm, tự tin vào thành công Ước mơ tự do công lý của Nguyễn Du Ví dụ : Sau khi đọc - hiểu bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên nêu câu hỏi "Lập sơ đồ những biểu hiện quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm?" Ta có sơ đồ sau : Ung dung trong phong thái , vô sự trong lòng, vui với thú điền viên Sống thuận theo tự nhiên, hưởng những thức có sẵn, không mưu cầu, tranh đoạt Quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm Xa lánh chốn danh lợi, sống hòa nhập với thiên nhiên Quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao 15 Ví dụ : Sau khi đọc – hiểu xong đoạn trích Thề Nguyền (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), giáo viên hướng dẫn học sinh lập sơ đồ qua câu hỏi : “ Lập sơ đồ thể hiện tấm lòng đồng cảm của Nguyễn Du qua đoạn trích?”. Ta có sơ đồ sau : Khát vọng vượt qua rào cản của xã hội, người đời Sự chủ động của Thúy Kiều Vẻ đẹp mối tình Kim - Kiều Tấm lòng đồng cảm của Nguyễn Du Sự đám say, trân trọng người yêu của Kim Trọng Khát vọng hạnh phúc lứa đôi Lời thề nguyền ghi xương khắc cốt, chân thành, tha thiết Sau khi tiến hành đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm, giáo viên hướng dẫn học sinh tổng kết lại bài học, củng cố lại kiến thức. Giáo viên gọi học sinh nêu ý nghĩa văn bản, sau đó giáo viên chốt lại ý. Hoạt động đọc – hiểu phải coi trọng tính ứng dụng vào thực tiễn, liên hệ với thực tiễn. Ở phần Hướng dẫn tự học, giáo viên nêu các câu hỏi, bài tập hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Đổi mới cách kiểm tra đánh giá, khuyến khích học sinh tự học sáng tạo, tìm đọc các bài thơ chữ Nôm nằm ngoài chương trình phổ thông để nâng cao tri thức về văn hóa dân tộc và văn học nhân loại. 16 IV. KẾT QUẢ : Chất lượng đọc – hiểu tác phẩm thơ chữ Nôm của văn học trung đại Việt Nam qua việc kiểm tra tự luận 39 học sinh trường THPT Long Khánh, năm học 2012 – 2013. - Điểm dưới 5 : 0 – 0% - Điểm trung bình : 5 – 12,8% - Điểm khá : 10 – 25,6% - Điểm giỏi : 24 – 61,3% V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM Để học – hiểu có hiệu quả một tác phẩm thơ chữ Nôm, chúng ta phải : - Bám sát văn bản, lưu ý các bản phiên âm, có thể có dị bản, chú ý tiếng việt cổ. - Chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng bài dạy. - Tăng cường sử dụng tranh ảnh, đồ dùng dạy học, bảng phụ khi lên lớp. - Nội dung bài học phải bám sát chuẩn kiến thức – kỹ năng. - Tích hợp với các kiến thức liên quan đã được học trong chương trình THCS hoặc sẽ được học trong chương trình THPT. - Phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh bằng phương pháp dạy học nêu vấn đề, đọc diễn cảm, thuyết trình, thảo luận tổ nhóm, trắc nghiệm khách quan... Học sinh thuyết trình, nêu cảm nghĩ của mình về tác giả, tác phẩm, phát hiện ra cái hay, cái đẹp trong từ ngữ hình tượng bài thơ... trong các tiết học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Khuyến khích những học sinh khá giỏi, có tư duy sáng tạo. VI. KẾT LUẬN : Việc rèn luyện cho học sinh năng lực đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của người giáo viên. Nâng cao chất lượng đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm góp phần nâng cao chất lượng môn Ngữ văn trong trường THPT, tạo điều kiện cho học sinh có những kiến thức phục vụ cho cuộc sống mai sau. Người giáo viên phải khơi dậy cho học sinh hứng thú học thơ chữ Nôm, thích tìm tòi kiến thức, nâng cao chất lượng học tập. Muốn vậy, người giáo viên cần đọc thêm sách báo để tích lũy kiến thức, luôn tiếp cận với những tri thức mới, phương pháp dạy học mới, đồng thời phải có năng lực sư phạm, yêu thích thơ chữ Nôm, nhạy cảm với cái hay, cái đẹp của tác phẩm, trân trọng những tinh hoa văn hóa dân tộc. Ngoài ra người giáo 17 viên phải trang bị thêm kiến thức từ Việt cổ phục vụ cho việc giảng dạy thơ chữ Nôm. Đọc – hiểu văn bản thơ chữ Nôm không chỉ yêu cầu đọc bằng kỹ thuật mà còn bằng cả tâm hồn, vốn sống, những trải nghiệm của người đọc. Sáng kiến của tôi đang trong quá trình áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, cần được tìm tòi, bổ sung cho hoàn chỉnh. Rất mong sự đóng góp tận tình của các đồng nghịệp. VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 – Sách giáo khoa Ngữ văn 10 – tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2011. 2 - Sách giáo khoa Ngữ văn 10 – tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2011. 3 - Sách giáo viên Ngữ văn 10 – tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2006. 4 - Sách giáo viên Ngữ văn 10 – tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2006. 5 – Sách hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Ngữ văn lớp 10 – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2010. 6 – Thiết kế bài giảng Ngữ văn 10 tập 1 – Nguyễn Văn Đường – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2006. 7 - Thiết kế bài giảng Ngữ văn 10 tập 2 – Nguyễn Văn Đường – Nhà xuất bản Giáo dục – Năm 2006. Người thực hiện Huỳnh Thị Mỹ Trang 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan