Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo GDCD-GDNGLL Skkn giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh thpt trong giai đoạn hiệ...

Tài liệu Skkn giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh thpt trong giai đoạn hiện nay(qua khảo sát tại trường thpt chuyên lương thế vinh)

.DOCX
32
1731
129

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒỒNG NAI Đơn v ị: TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG THÊẾ VINH Mã sốố: ................................ (Do HĐTĐSK Sở GD&ĐT ghi) GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀỀN THỐỐNG CHO HỌC SINH THPT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY(qua khảo sát tại trường THPT chuyên Lương Thêế Vinh) Ng ười th ực hi ện: Nguyễễn Th ị Bích Hốồng Lĩnh v ực nghiễn c ứu: Ph ương pháp d ạy h ọc b ộ mốn: Giáo D ục Cống Dân Năm học: 2016-2017 SƠ LƯỢC LÝ LỊCH KHOA HỌC –––––––––––––––––– I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN 1. Họ và tên: Nguyễn Thị Bích Hồng 2. Ngày tháng năm sinh: 03/2/1982 3. Nam, nữ: Nữ 4. Địa chỉ:Tân hiệp – Biên Hòa – Đồng Nai 5. Điện thoại: 01635626581;E-mail:[email protected] 6. Chức vụ: Tổ Trưởng Chuyên môn 7. Nhiệm vụ được giao: Tổ trưởng chuyên môn; giảng dạy môn GDCD lớp 12 8. Đơn vị công tác: Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO - Học vị (hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) cao nhất: Thạc sĩ - Năm nhận bằng: 2012 - Chuyên ngành đào tạo: phương pháp dạy học môn giáo dục chính trị III. KINH NGHIỆM KHOA HỌC - Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: giảng dạy môn GDCD Số năm có kinh nghiệm: 9 năm - Các sáng kiến đã có trong 5 năm gần đây: 1. Sử dụng có hiệu quả các tình huống pháp luật thực tế vào giảng dạy môn GDCD 12 2. Nâng cao năng lực tự học cho HS thông qua dạy học môn GDCD lớp 12 3. Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho HS THPT thông qua dạy học môn GDCD lớp 12 4. Giáo dục đạo đức với việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh THPT ĐỀ TÀI: GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH THPT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY(qua khảo sát tại trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Ngay từ thời xa xưa, ông cha ta luôn coi trọng đạo đức, gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn bó với thiên nhiên, với cộng đồng, đoàn kết thủy chung, quý trọng nghĩa tình; cần cù, yêu lao động; hiếu học, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường. Đó là lòng yêu nước thương nòi, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, sống có tình, có nghĩa, có đạo đức, có lý tưởng, vì nước, vì dân; có ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết nhân ái. Hiện nay nền kinh tế thị trường đã đem lại những điều "kỳ diệu" trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên nó cũng là mảnh đất màu mỡ nảy sinh lối sống ích kỷ, vụ lợi, những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội đã và đang từng ngày, từng giờ làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, phá vỡ nhiều nét đẹp của văn hóa truyền thống. Đặc biệt dưới sự tác động của quá trình đô thị hoá, bên cạnh một số HS sống có hoài bão, có ý thức trách nhiệm công dân, có trí tuệ, tài năng, dám nghĩ dám làm. Còn một bộ phận không nhỏ học sinh suy thoái về đạo đức, sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối cảnh đó vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho HSTHPT hiện nay trở nên hết sức bức thiết. Trong những năm qua, công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho HS tại Đồng Nai nói chung và trường chuyên Lương Thế Vinh nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều hình thức đa dạng và phong phú phù hợp với HS. Tuy nhiên, những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Đồng Nai trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập quốc tế, đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng tiêu cực và làm thay đổi các quan điểm về giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng không tốt đến lối sống của một bộ phận HS. Để nâng cao chất lượng và góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho HS tôi chọn đề tài: “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho học sinh THPT trong giai đoạn hiện nay” làm đề tài SKKN của mình. II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Các khái niệm cơ bản 1.1.1. Khái niệm “Truyền thống” Khi đề cập đến vấn đề truyền thống, GS. TS Nguyễn Trọng Chuẩn đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này. Ông cho rằng: “Nói đến truyền thống là nói đến phức hợp những tư tưởng, tình cảm, những tập quán, thói quen, những phong tục, lối sống, cách ứng xử, ý chí ... của một cộng đồng người đã hình thành trong lịch sử, đã trở nên ổn định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” [2; 17]. Truyền thống là một điều kiện cần thiết của quá trình duy trì và phát triển đời sống xã hội. Con người ta ngay từ buổi sơ khai trong quan hệ với thiên nhiên và xã hội đã dần dần tích luỹ được những kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt hằng ngày nhằm phục vụ đời sống của mình. Những kinh nghiệm quý báu được giữ lại và đã dần dần ăn sâu vào tâm lý của con người và truyền từ đời này qua đời khác, trở thành truyền thống. Với truyền thống, con người xã hội tiếp thu được những giá trị, kinh nghiệm sống của thế hệ trước, rút ngắn được thời gian. GS. Trần Quốc Vượng Khi nghiên cứu "về truyền thống dân tộc", viết: “Truyền thống như là một hệ thống các tính cách, các thế ứng xử của một tập thể (một cộng đồng) được hình thành trong lịch sử, trong một môi trường tự nhiên và nhân văn nhất định, trở nên ổn định, có thể được định chế hóa bằng luật hay bằng lệ, và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để đảm bảo tính đồng nhất của một cộng đồng” [13; 28-29]. Như vậy, truyền thống có tính cộng đồng, tính ổn định và tính lưu truyền. Những đặc trưng đó của truyền thống có tính độc lập tương đối, khi những cơ sở, điều kiện hình thành nên truyền thống đã thay đổi thì sớm muộn những nội dung của truyền thống cũng dần dần biến đổi theo cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới hoặc những truyền thống mới được hình thành, phát triển. Cho nên truyền thống sẽ có tính hai mặt đối lập nhau đó là mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của truyền thống có tác dụng hình thành nên những phẩm chất tốt ở con người và hành động của con người góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, góp phần tạo nên sức mạnh, là chỗ dựa không thể thiếu của dân tộc trên đường đi tới tương lai, và ngược lại mặt tiêu cực của truyền thống sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội, “kìm hãm, níu kéo, làm chậm sự phát triển của một quốc gia, dân tộc nào đó, nhất là khi quốc gia, dân tộc này hạn chế giao lưu hoặc thi hành chính sách đóng cửa với thế giới bên ngoài vì các lý do khác nhau” [3; 10]. Hai mặt này của truyền thống luôn luôn tồn tại, mâu thuẫn biện chứng với nhau trong quá trình lịch sử. Mỗi dân tộc có một truyền thống của mình, có truyền thống tốt, có truyền thống xấu. Đó là những phong tục, tập quán, thói quen, những đức tính, lối ứng xử tồn tại lâu dài, được truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau và có tác dụng tích cực hoặc tiêu cực. Truyền thống biểu hiện bản sắc của mỗi dân tộc như truyền thống tín ngưỡng tôn giáo ở Ấn Độ, truyền thống nghệ thuật kiến trúc ở Ý, truyền thống trồng lúa nước ở Việt Nam, truyền thống du canh du cư của đồng bào dân tộc thiểu số v.v. Cũng có truyền thống tốt như yêu nước, hiếu học... cũng có truyền thống xấu như mê tín dị đoan, học để làm quan. Truyền thống là mối liên hệ lịch sử giữa quá khứ và hiện tại của các hiện tượng trong đời sống xã hội như tính cách, phẩm chất, tâm lý, phong cách suy nghĩ và hoạt động, lối ứng xử, phong tục tập quán..., mối liên hệ này mang tính chất ổn định trường tồn trong sự thay đổi, được số đông thừa nhận và tuân theo, được truyền lại từ đời này qua đời khác. 1.1.2. Giá trị đạo đức truyền thống Giá trị đạo đức truyền thống là một thành tố cấu thành của hệ giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, nó là nhân lõi, là sức sống bên trong của dân tộc. Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa của dân tộc được xác định là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên (mà ngày nay ta gọi là giá trị đạo đức sinh thái). Đặc điểm cơ bản của truyền thống nói chung, giá trị đạo đức truyền thống nói riêng là sự kế thừa. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã rèn luyện và tạo nên những thế hệ người Việt Nam giàu lòng yêu nước, yêu thương con người, cần cù, thông minh, sáng tạo, chịu thương, chịu khó... Những đức tính đó đã trở thành những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà hàng ngàn đời nay chúng ta vẫn nâng niu quý trọng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Thư “những giá trị truyền thống như: tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, lòng nhân ái, lối sống thanh bạch, cần cù, giản dị,…đã trở thành những giá trị trường tồn, tồn tại qua nhiều thời đại cho đến tận ngày nay, không thể vì những giá trị mới vào mà mất đi. Trái lại, nó có sức mạnh hòa tan và uốn nắn các giá trị từ bên ngoài vào” [3; 181]. Nói đến giá trị truyền thống của một cộng đồng dân tộc, chính là nói đến truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc đó. Nó chính là những giá trị bình ổn, tốt đẹp, có thể lưu truyền từ đời này qua đời khác, là những cái cần được giữ gìn phát huy phát triển cho phù hợp với xã hội hiện tại. Trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận thiết yếu, nổi lên hàng đầu, tạo nên cốt lõi của hệ giá trị tinh thần đó. Chính vì vậy, khi nói đến những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc ta, là nói đến những phẩm chất tốt đẹp, quý báu đã được hình thành và bảo lưu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta được cô đúc, được thử thách và tái tạo qua nhiều thế hệ khác nhau, theo những bước thăng trầm của lịch sử, nó chứa đựng một tiềm năng hết sức to lớn và bền vững, nó chính là sức mạnh vốn có của dân tộc Việt Nam, giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển. Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta do chính cộng đồng người Việt Nam tạo lập trong quá trình dựng nước và giữ nước, với tất cả những điều kiện lịch sử đặc thù riêng vốn có, đã tạo nên một bản sắc hết sức độc đáo. 1.1.3. Nội dung cơ bản của các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cần giáo dục cho HS hiện nay 1.1.3.1. Truyền thống yêu quê hương, đất nước Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ngay từ đầu đã gắn bó con người với thiên nhiên, với quê hương xứ sở của mình. Chính vì vậy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ tình yêu đối với quê hương làng xóm, yêu cây đa, bến nước, sân đình, nơi có ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, bạn bè, bà con hàng xóm, nơi có mồ mả tổ tiên, nơi con người hàng ngày vất vả chiến đấu với thiên nhiên để duy trì và xây dựng cuộc sống. Lòng yêu nước đó được lưu truyền từ Thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc, thời kỳ đó không để lại một nền văn học chữ viết, nhưng bằng những trang truyền thuyết gửi gắm lại đời sau, biết bao những tấm gương anh hùng trẻ tuổi thắm đượm tinh thần yêu nước. Điều đó được thể hiện trong kho tàng truyện thần thoại Việt Nam về lòng yêu nước như: truyện Hồng Bàng, truyện Sơn Tinh, truyện Thánh Gióng, truyện Thần Rựa Vàng Nghiên cứu các truyền thuyết đó ta thấy nổi bật là tinh thần dũng cảm, bất khuất chống ngoại xâm, chống lũ lụt thiên tai, tinh thần đoàn kết giữa những con người trong cộng đồng. Đó là cốt lõi của tinh thần yêu nước được phát triển thành chủ nghĩa yêu nước trong những thời kỳ sau. Lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, yêu nước trước hết là tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cho dù ở hoàn cảnh nào, nhân dân Việt Nam vẫn luôn kiên cường bất khuất, "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", già trẻ gái trai nhất tề đứng lên đánh giặc, và như Chị Út Tịch nói: "còn cái lai quần cũng đánh". Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) bỏ công sức đào địa đạo hàng trăm km dưới lòng đất để chống giặc. Chính vì vậy mà trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, ông cha ta vẫn bám trụ đến cùng, giữ đất, giữ làng, gắn bó với mồ mả tổ tiên, giữ vững nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Kiên quyết chống lại chính sách đô hộ của ngoại bang, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam không hề giảm sút mà nó luôn luôn được hun đúc, âm ỉ cháy trong lòng mỗi người dân nước Việt. Mỗi lần Tổ quốc bị xâm lăng thì luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng chấp nhận mọi gian lao, thử thách, hy sinh vì độc lập dân tộc. Ngày nay, truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam thể hiện trong xây dựng đất nước, trước hết là chăm lo xây dựng đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa... Thể hiện ở sự nhất trí, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, vào khả năng, sức mạnh tự lực tự cường của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Có thể nói rằng, dưới thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước được phát huy lên tầm cao mới thành lý tưởng: sống, chiến đấu, lao động, học tập vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân... Yêu nước không phải là một khái niệm chung chung mà đó là tình yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, là Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Truyền thống yêu nước ngày nay còn được thể hiện ở tinh thần đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội, tích cực tham gia thực hiện bảo vệ pháp luật, đức hy sinh, chịu đựng mọi gian khổ, kiên trì khắc phục khó khăn, ra sức học tập, lao động chống lại đói nghèo, lạc hậu… đó là những nội dung mới của truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Mỗi một chúng ta thấm sâu chủ nghĩa yêu nước chân chính không rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỷ phải coi giúp bạn là giúp mình, góp phần giữ gìn độc lập dân tộc. 1.1.3.2. Truyền thống lòng nhân ái, nhân nghĩa, yêu thương con người Từ trong sâu lắng của lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn tình yêu quê hương đất nước với lòng nhân ái - yêu thương con người. Do vậy, người Việt Nam luôn xả thân vì đất nước, con người yêu nước và con người yêu dân gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong suốt trường kỳ lịch sử, dân tộc ta luôn luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược và bị đồng hóa, hơn ai hết, chúng ta hiểu rất rõ quyền sống của mình gắn với vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc. Lòng nhân ái nhân nghĩa của người Việt Nam còn thể hiện ở lòng vị tha cao thượng, không cố chấp đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết lập công chuộc tội, trở về với chính nghĩa. Chính tư tưởng "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là sự thể hiện đỉnh cao của lòng nhân ái đó. Người Việt Nam lấy tình yêu thương làm cách xử thế ở đời, đối với kẻ thù thậm chí còn mở đường hiếu sinh khi thua trận, Vua Quang Trung sau khi đánh bại quân Thanh còn cấp lương thảo và phương tiện cho đám tàn quân về nước. Giáo dục lòng nhân ái cho HS vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người. "Thương người như thể thương thân" là nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ngày nay, nền kinh tế thị trường đang nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng, lấy đồng tiền làm giá trị cao nhất; quan hệ giữa người với người theo lối "trả tiền ngay không cần tình nghĩa" đang gặm nhấm dần những giá trị tốt đẹp của dân tộc, làm khô héo lòng nhân ái trong con người. Trong tình hình ấy thì việc khơi dậy tình người, lòng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau rõ ràng là có ý nghĩa nhất định góp phần đẩy lùi những ô nhiễm của xã hội, làm cân bằng trạng thái tinh thần của môi trường sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái, nhân nghĩa. Xuất phát từ lòng thương yêu con người - người lao động, yêu quê hương đất nước, Bác đã bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời mình, Bác hy sinh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: "Bác ơi tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông mọi kiếp người". Lòng nhân ái của Người đã trở thành sức mạnh, nó đã thấm sâu vào chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, có tác dụng cảm hóa hàng vạn con người lầm đường lạc lối, theo kẻ thù chống lại nhân dân. Bác xem họ như là những đứa con "lạc bầy" cần được cưu mang. Trong đường lối đối nội, Đảng ta đã khơi dậy các phong trào "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ những người già cả neo đơn không nơi nương tựa. Phát động phong trào xóa đói giảm nghèo, trợ giúp các dân tộc vùng sâu vùng xa, rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn miền xuôi - miền ngược... Ngày nay, truyền thống đó được thể hiện trong đường lối đối ngoại của Đảng: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Lòng nhân ái của người Việt Nam cũng là lòng yêu chuộng hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong quan hệ với các nước láng giềng, nhân dân ta bao giờ cũng trọng tình hòa hiếu, cố gắng tránh xảy ra những xung đột. 1.1.3.3. Truyền thống lao động cần cù, tiết kiệm, thông minh, sáng tạo Truyền thống cần cù, tiết kiệm, thông minh, sáng tạo là một giá trị đạo đức có từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên xã hội không ít những khó khăn khắc nghiệt ngay từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước. Đức tính cần cù được đúc kết bằng câu tục ngữ ngắn gọn, trải mấy ngàn năm vẫn còn giá trị với thời gian “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” ! Bốn yếu tố này luôn đi liền với nhau thì mùa màng sẽ bội thu, no ấm… “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang, Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”. Bên cạnh đó là đức tính tiết kiệm của người lao động ngày xưa. Bởi làm ra hạt gạo không phải là một điều đơn giản mà trong từng hạt gạo luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi “Cày đồng đang buổi ban trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”.. Vì thế, người xưa quan niệm sống phải tiết kiệm, phòng khi mùa màng thất bát, bão lụt, thiên tai “Trong cuộc sống hàng ngày, họ không bao giờ “ăn xổi ở thì” hoặc” vung tay quá trán” mà luôn tâm niệm phải cẩn thận “Liệu cơm gắp mắm”. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ dè xẻn không có nghĩa là hà tiện mà là tiêu xài vừa đủ để được bền lâu “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”. Ngày nay, tinh thần tiết kiệm đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là hình ảnh “ kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Mặt khác, người xưa cũng phê phán những kẻ chỉ biết hưởng thụ thành quả do người khác tạo ra “Của đời ông, ăn không cũng hết” hoặc “Miệng ăn núi lở”. Học tập đức tính cần cù, tiết kiệm là học cách sống của cha ông ta xưa. Những phẩm chất đó đã tạo nên hình ảnh con người Việt Nam cần cù, yêu lao động và sống tiết kiệm trong khả năng, điều kiện của mình. Lối sống thực dụng, sống xa hoa, lãng phí hoàn toàn xa lạ với cách sống giản dị của con người Việt Nam. Đọc những dòng tục ngữ, ca dao của người xưa; chúng ta càng trân trọng cha ông xưa đã để lại cho đời sau nhiều bài học quý giá. Sống giản dị, tiết kiệm; sống lao động cần cù; sống bằng sức lao động của chính bản thân là cách sống đẹp, sống có nhân cách cao cả. Hồ Chủ tịch đã nêu rõ: con người phải có bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, so sánh với bốn mùa của trời, bốn phương của đất, nếu thiếu một đức thì không thành người. Ngày nay, cần cù sáng tạo được biểu hiện càng rõ nét trong lao động sản xuất, trong khoa học- kỹ thuật, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào thi đua rộng rãi và thường xuyên trên mọi lĩnh vực: ở biên cương, nơi đồng ruộng, trong nhà máy xí nghiệp, trong nhà trường... Đặc biệt trong quá trình đổi mới đất nước, với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", hơn bao giờ hết truyền thống cần cù sáng tạo càng được phát huy cao độ. 1.1.3.4. Truyền thống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Đoàn kết là sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đoàn kết là điều kiện tất yếu để bảo tồn dân tộc, nhất là khi đất nước có giặc ngoại xâm. Từ cách lý giải sự ra đời của dân tộc Việt Nam trong truyền thuyết "Trăm trứng nở trăm con". Đây chính là sự khẳng định truyền thống đoàn kết anh em giữa các dân tộc. Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, một động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Xưa Nguyễn Trãi nói: "Chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" để chỉ sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Dân là gốc, là nền tảng của sự tồn tại và phát triển. Lúc sinh thời Bác Hồ từng nói: Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Và: "Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi" [11; 258]. Người còn khẳng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn các cán bộ, đảng viên: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của Mặt trận Việt Minh trong sự nghiệp đổi mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay, huy động tinh thần tương thân, tương ái, phát động nhiều cuộc vận động "lá lành đùm lá rách", "ngày vì người nghèo", "xây dựng ngôi nhà tình nghĩa", đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng", "trái tim cho em", "giúp đỡ đồng bào bị hoạn nạn do thiên tai gây ra..." làm ấm lòng tình nghĩa đồng bào, quê hương, góp phần đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn thử thách do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tổn thất nặng nề do thiên tai liên tiếp xảy ra, đưa đất nước ta vững vàng bước tiếp dành những thành tựu to lớn trong quá trình hội nhập và phát triển. 1.1.3.5. Truyền thống giáo dục, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục, với truyền thống hiếu học, tôn trọng hiền tài, nên ngay từ xưa, ông cha ta đã biết chăm sóc, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là kiểu trường đại học quốc lập đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, để đào tạo nhân tài. Trong bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, hiệu Đại Bảo thứ ba năm 1442 ở Văn Miếu (Hà Nội) còn ghi: Hiền tài là nguyên khí của Nhà nước, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí. Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - luôn luôn quan tâm và coi trọng giáo dục. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người cũng chỉ phấn đấu cho một mục đích tối cao là làm sao để "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bác đã đặt hy vọng vào lớp trẻ mai sau, trong thư gửi học sinh cả nước, tháng 9/1945 Bác nói: Non sông ta có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc ta có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc, năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta ý thức một cách đầy đủ chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu", là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người. Việc phát huy truyền thống hiếu học, tôn trọng người hiền tài càng trở nên có ý nghĩa, tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, tôn trọng sáng tạo trên cơ sở, nền tảng đạo đức trong sáng. Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, phần lớn có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao. Đội ngũ này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước Tỉnh Đồng Nai của chúng ta cũng luôn coi trọng đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ luôn được coi trọng, hàng năm Sở Khoa Học Công Nghệ Đồng Nai có những suất học bổng hoặc những nguồn vốn lớn cho cán bộ, công chức và sinh viên vay để tha gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ủy Ban Nhân dân Tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở giáo dục hiện đại như trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, trường Đại Học Đồng Nai …và đặc biệt sở Giáo cũng rất qua tâm và chú trọng trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cho HS ngày nay. 1.1.3.6. Truyền thống lạc quan, yêu đời, giữ gìn phẩm giá và tâm hồn của người Việt Nam Truyền thống lạc quan, yêu đời được kết tinh qua hàng ngàn năm nhân dân ta vượt qua muôn ngàn khó khăn, lạc quan tin tưởng vào tiền đồ của dân tộc, tin tưởng vào chính mình. Chủ Tịch Hồ Chí Minh là điểm kết tinh rực rỡ của truyền thống lạc quan yêu đời của dân tộc, đã tạo cho mình một sức mạnh phi thường vượt qua mọi khó khăn thử thách đi đến chiến thắng. Tinh thần lạc quan, yêu đời và hoài bão lớn của tuổi trẻ Việt Nam không chỉ được lưu truyền trong truyền thuyết mà còn thể hiện rõ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam bằng những người thật việc thật được sử sách ghi nhận. Bà Triệu Thị Trinh giỏi võ nghệ, có chí lớn. Năm 19 tuổi đáp lời người hỏi Bà về việc chồng con, Bà nói: Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông đánh đuổi quân Ngô cởi ách nô lệ há chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta ư đã thể hiện khí phách, tinh thần lạc quan yêu đời, khát vọng tự do và gìn giữ phẩm giá tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa của lịch sử. Với ngọn cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo Hoàng ân” Trần Quốc Toản cùng những binh sĩ trẻ tuổi của mình hiên ngang tung hoành nơi trận mạc đã thể hiện ý chí quật cường của tuổi trẻ Việt Nam. Tinh thần lạc quan yêu đời của tuổi trẻ Việt Nam còn thể hiện ở lòng trung thành với Tổ quốc, không chịu khuất phục bất cứ kẻ thù nào dù chúng ác độc đến đâu. Trần Bình Trọng - vị tướng trẻ đã khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc”. Nguyễn Trung Trực khẳng khái trả lời bọn thực dân Pháp “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” và anh dũng hy sinh không chịu đầu hàng giặc đã chứng minh hùng hồn cho tinh thần lạc quan yêu đời và hoài bão lớn của tuổi trẻ, giữ gìn phẩm giá và tâm hồn Việt Nam. Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tuổi trẻ Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời mình, sức trẻ của mình với vận mệnh dân tộc. Chính họ đã cùng với nhân dân ta, dân tộc ta làm nên những kỳ tích lịch sử chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mở mang bờ cõi, xây dựng một dãy giang sơn gấm vóc. 1.2. Tính tất yếu, sự cần thiết phải giáo dục đạo đức cho HS trong giai đọan hiện nay Trong thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, sức cạnh tranh giữa các nước ngày càng mãnh liệt, để có thể tiếp cận được với tương lai, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hơn bao giờ hết, người HS hiện nay phải tìm mọi cách vươn lên nắm lấy tri thức của thời đại, phải thực sự trở thành những con người nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, những người có đủ tài, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ, người HS đồng thời phải là người có đạo đức trong sáng, bởi lẽ nếu có tài mà thiếu tình cảm đạo đức trong sáng thì cái tài đó sẽ mất phương hướng hoạt động, hoặc thậm chí còn làm nguy hại đến lợi ích của cộng đồng. Hơn nữa, nhân cách HS là loại hình nhân cách "chưa hoàn chỉnh", chưa hoàn thiện mà còn ở dạng "định hình", do đó, các yếu tố hợp thành nhân cách cần phải được xây dựng, củng cố, phát triển để đạt đến mẫu hình nhân cách mà xã hội yêu cầu. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ” [4; 126]. Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống để hoàn thiện nhân cách HS là một quá trình đấu tranh giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu; cái tích cực với cái tiêu cực trong mỗi chủ thể đạo đức HS. Theo số liệu thống kê của một số tổ chức, cơ quan hay các đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như những đánh giá của Đảng ta về công tác HS, hiện lên trước mắt chúng ta một bức tranh đa màu sắc mà ở đó sự đan xen, lẫn lộn giữa cái tốt với cái xấu, cái tiến bộ với cái lạc hậu... đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. HS là những chủ nhân của tương lai, là người kế tục sự nghiệp xây dựng đất nước, chính vì vậy, họ trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực phản động, đang cản trở con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với chiến lược “Diễn biến hoà bình”, chúng đang từng giờ, từng ngày tác động vào HS trên các mặt tư tưởng, chính trị, lối sống, đặc biệt là đạo đức nhằm làm xói mòn niềm tin đối với Đảng, làm băng hoại về mặt đạo đức với mục đích biến họ thành những con người ích kỷ, chỉ biết có mình, quay lưng với sự nghiệp xây dựng đất nước mà cha ông đã mất bao nhiêu mồ hôi, xương máu, hy sinh phấn đấu để xây dựng, bồi đắp nên…Chính vì vậy, bên cạnh việc học chữ, thì việc xây dựng đạo đức mới cho HS càng trở nên cấp thiết hơn. Giáo dục đạo đức truyền thống sẽ giúp cho HS có niềm tin khoa học vào chủ nghĩa xã hội, vào sự nghiệp cách mạng, từ đó sẽ xây dựng cho mình có quan điểm đúng đắn, biến lý tưởng cao đẹp của Đảng thành hiện thực cuộc sống. Đạo đức truyền thống giúp HS trở thành những con người có ý chí, học tập sáng tạo, chăm chỉ, có tinh thần đoàn kết, biết phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Đặc biệt với sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường làm cho những thói hư tật xấu, tâm lý đòi hỏi sự hưởng thụ, ích kỷ, chỉ muốn thoả mãn nhu cầu của bản thân bằng mọi giá “bất chấp lương tâm, danh dự cũng như lòng tự trọng đạo đức” dễ trỗi dậy, chính lúc này, đạo đức phải trở thành cán cân cơ bản điều chỉnh từ sự nhận thức đến hành vi ứng xử của mỗi con người, đặc biệt là HS – đối tượng nhạy cảm, dễ tiếp thu cái tốt, nhưng cũng rất dễ ngộ nhận dẫn đến việc nhận thức sai lệch, đưa họ tới những hành vi lệch lạc, ảnh hưởng đến chính nhân cách của mình. Việc xây dựng cho họ những quan điểm, phẩm chất đạo đức truyền thống, lối sống lành mạnh sẽ giúp cho HS nhận diện được những việc làm phi đạo đức, dám đấu tranh chống lại hiện tượng tiêu cực, phản văn hoá trong xã hội, hướng HS phát triển theo hướng lành mạnh, tích cực, tự tạo ra khả năng phòng chống sự băng hoại về đạo đức của bản thân, tin tưởng vào cuộc sống, từ đó, giúp họ xác định đúng đắn động cơ, thái độ học tập của mình, có hướng phấn đấu, rèn luyện để thành tài, giúp ích cho bản thân và cho xã hội. III. NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH THPT 3.1. Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho HS trong nhà trường . Để nâng cao nhận thức về công tác Giáo dục đạo đức truyền thống cho HS trong giai đoạn hiện nay trường chuyên Lương Thế Vinh cần phải thực hiện các giải pháp sau: Một là, xác định rõ trách nhiệm của BGH nhà trường, Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm và tất cả các giáo viên Bộ môn trong việc Giáo dục đạo đức truyền thống cho HS. Xem việc quán triệt và thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho HS là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của nhà trường. Đưa nhiệm vụ Giáo dục đạo đức truyền thống vào vào kế hoạch giáo dục, vào chương trình hành động của Đoàn trường, các chi đoàn…Cụ thể hoá nhiệm vụ, chương trình Giáo dục đạo đức truyền thống gắn với việc thực hiện chương trình giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo Đảng, cán bộ lãnh đạo Đoàn, về vị trí, vai trò, yêu cầu của việc giáo dục đạo đức truyền thống cho HS trước yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trước sự phát triển và tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của thông tin, trước những thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn của xã hội, của trường chuyên Lương Thế Vinh, đặc biệt là những hiện tượng tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường, của mở cửa, hội nhập để làm rõ tầm quan trọng, vị trí của công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho HS, xem đây là khâu mở đường là phương tiện trọng yếu để tạo ta một sự chuyển biến lớn về nhận thức và thói quen. Ba là, khẳng định giáo dục đạo đức truyền thống là một trong những nội dung cơ bản của công tác giáo dục của HS nhằm tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước. Cổ vũ từng HS nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại. Hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; góp phần to lớn vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. 3.1.2. Nâng cao hiệu qủa giáo dục giá trị đạo đức truyền thống thông qua đổi mới nội dung, chất lượng giảng dạy GDCD trong nhà trường. Môn GDCD hiện nay có vai trò to lớn trong việc trang bị cho HS những tri thức cơ bản và thiết thực về Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, và pháp luật. Thông qua nội dung giảng dạy sẽ giúp HS hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, lòng yêu nước, yêu CNXH, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho HS, giúp cho HS nhìn nhận và hiểu được những sự cống hiến của các thế hệ đi trước, truyền thống nhân đạo sâu sắc và còn nhiều truyền thống, giá trị cao đẹp khác của dân tộc. Hiện nay, chuyên Lương Thế Vinh thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành; gắn việc học tập lý luận ở trường với thực tiễn đời sống xã hội, gắn học tập với rèn luyện tư cách đạo đức. 100% giáo viên của GDCD đã được bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực và đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực (kết hợp thuyết trình, thảo luận nhóm, tình huống, nêu vấn đề…) phát huy tính tự giác, chủ động học tập của HS trên cơ sở hướng dẫn gợi mở của giáo viên; tăng cường thảo luận, liên hệ, vận dụng những kiến thức đã học với việc giải quyết các tình huống trong xã hội. Chất lượng giảng dạy GDCD của nhà trường thời gian qua đạt được hiệu quả cao. Để thực hiện việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn GDCD một trong những biện pháp quan trọng nhất chính là đổi mới phương pháp dạy học. Hằng năm, tổ GDCD có họp chuyên môn để sửa đổi, bổ sung những nội dung trong sách giáo khoa chưa cập nhật được những sữa đổi của pháp luật nước ta như: luật Nghĩa vụ Quân sự sửa đổi bổ sung năm2014, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi bổ sung 2014… Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên môn GDCD tổ chức lồng ghép vào môn học khác cho HS thảo luận, ximina, sinh hoạt ngoại khóa, chiếu nhiều phim tư liệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phim về lịch sử..v.v. làm sáng tỏ những vấn đề từ thực tiễn. Một trong những nội dung có tính giáo dục đạo đức truyền thống cho HS THPT là chương trình môn GDCD lớp 10, phần “công dân với đạo đức” cụ thể một số bài như: Bài 11: “Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học”, Bài này học sinh được học những khái niệm, phạm trù đạo đức như: lương tâm, nhân phẩm, danh dự. Trong bài học này, chúng ta có thể tích hợp các giá trị truyền thống của dân tộc ở từng phần để thông qua đó khẳng định những phạm trù đạo đức như lương tâm, nhân phẩm, danh dự là những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc đã được ông cha ta gìn giữ từ ngàn đời nay. Khi giảng khái niệm trọng danh dự, giáo viên cũng có thể lồng ghép giáo dục lòng yêu nước bằng câu chuyện kể về tấm lòng yêu nước của Trần Bình Trọng, khi bị giặc bắt và khuyên hàng với rất nhiều bổng lộc, ông đã khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Từ sự phân tích và dẫn chứng của giáo viên, học sinh có thể rút ra khái niệm danh dự là gì và thấy được đó là những phạm trù đạo đức đã được hình thành và minh chứng qua hàng nghìn năm lịch sử. Một nội dung mà trong phần cơ sở lý luận đã trình bày, tình yêu thương con người là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Yêu thương con người không phải là một phạm trù chung chung mà nó thể hiện trước hết ở tình yêu đối với anh chị em trong gia đình, ở tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng với nhau sau đó mới mở rộng ra thành tình yêu đối với làng xóm, quê hương, giống nòi dân tộc với nội dung kiến thức này HS sẽ được học ở bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình. Thông qua nội dung bài học này giáo viên cũng cần hướng học sinh đến việc phê phán lối sống không có trước có sau, không chung thuỷ, bạc tình, bạc nghĩa. Hay ở bài 13: Công dân với cộng đồng, bài 14: Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến thức của bài 13 có liên quan chặt chẽ tới truyền thống đoàn kết làng xã, yêu thương đùm bọc lẫn nhau: “cộng cư, cộng sinh, cộng cảm” của dân tộc Việt Nam. Ở Kiến thức bài 14 của bài này có liên qua chặt chẽ đến truyền thống yêu nước. Giáo viên có thể vận dụng truyền thống yêu nước và các tấm gương tiêu biểu để làm cho bài giảng tăng thêm sức thuyết phục thông qua đó chỉ rõ trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Từ đó HS hiểu biết thêm về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, giáo dục cho HS đạo đức làm người, lòng yêu nước và tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, biết tôn trọng các giá trị lịch sử, để mỗi HS dần dần hình thành nên nhân cách con người mới XHCN vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Giáo viên cần phải tự nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu, lao động ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa. Qua đó, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, kéo học sinh về gần hơn với các giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc ta. 3.1.3. Phát huy tính tự giác và tính chủ động học tập, rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của HS. Giáo dục là một quá trình hai mặt, một mặt đó là sự tác động từ bên ngoài vào đối tượng giáo dục, mặt khác thông qua sự tác động làm cho đối tượng tự biến đổi, tự hoàn thiện mình, đây chính là quá trình tự giáo dục. Con người với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, quá trình cải tạo thế giới, là chủ thể của mọi quan hệ xã hội, thông qua hoạt động giáo dục (trong đó có mặt thứ hai của giáo dục là tự giáo dục) con người có khả năng tự biến đổi nhân cách của mình một cách có ý thức. HS là những người được giáo dục bởi nhà trường, gia đình và xã hội. Cùng với quá trình được giáo dục đó thì tự giáo dục là một quá trình HS tự hoàn thiện nhân cách của mình, sao cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, của xã hội, của thị trường sức lao động, đòi hỏi HS phải phát huy cao độ tính tự giác và tính chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong việc giữ gìn các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Đạo đức không phải là cái gì sẵn có, mà nó được củng cố phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện hàng ngày, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cũng giống như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Khác với quan điểm duy tâm và tôn giáo, chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định rằng, đạo đức không phải là cái gì sẵn có, mà nó được củng cố phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện hàng ngày, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cũng giống như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Quá trình này là cuộc đấu tranh giữa cái tốt với cái xấu, cái tiến bộ với cái lạc hậu, làm cho cái tốt, cái tiến bộ chiếm ưu thế trong đời sống của từng chủ thể đạo đức. Việc phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của HS là một trong những nội dung hiện đại hóa phương pháp giáo dục: Lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là chủ đạo, là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý "tự thân vận động" của triết học. Với ý nghĩa đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp cho HS có cơ hội để thể hiện mình, để tự mình vươn lên trong cuộc sống. Tính tự giác, tính chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của HS là con đường tất yếu đối với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của HS ngày nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số HS chưa xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Trước hết, đó là ý thức học tập như đi học muộn, bỏ tiết, trốn học, trong lớp học làm việc riêng, nói chuyện, học tủ, không chịu tìm tòi nghiên cứu. Vì vậy, mỗi HS cần phải xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, chủ động, sáng tạo và khoa học. Phải có thói quen tự học, phương pháp tự học hợp lý và thường xuyên đổi mới phương pháp học, tích cực, không thụ động trong quá trình học tập, phải có bản lĩnh và nghị lực vượt qua khó khăn thứ thách. Bên cạnh việc học tập, HS cần rèn luyện cho bản thân kỷ năng sống, kỷ năng làm việc, thường xuyên trau dồi đạo đức lối sống và nhân cách, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, trung thực thông qua các hoạt động ngoại khóa của Đoàn thanh niên nhà trường. 3.1.4. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho HS Gia đình, nhà trường và xã hội luôn là “tam giác” giáo dục quan trọng đối với mỗi HS. C.Mác từng viết rằng: trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội. Điều đó khẳng định rằng, sự phát triển nhân cách, phát triển của mỗi con người chịu sự chi phối trực tiếp của môi trường sống, môi trường xã hội, trong đó gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội là những thành tố cơ bản. Do đó, hơn lúc nào hết, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục đạo đức cho HS, rèn luyện họ trở thành những người thừa kế xây dựng
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan