Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Địa lý Vấn đề phát triển và phân bố du lịch việt nam ôn thi học sinh giỏi địa lý...

Tài liệu Vấn đề phát triển và phân bố du lịch việt nam ôn thi học sinh giỏi địa lý

.DOC
20
1524
121

Mô tả:

VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DU LỊCH VIỆT NAM Người thực hiện: Nguyễn Thị Thùy Dung Giáo viên Địa Lý – Trường THPTChuyên Vĩnh Phúc A. ĐẶT VẤN ĐỀ: Đối với việc bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường chuyên, ngoài việc trang bị được các kiến thức cơ bản về ngành du lịch, giáo viên còn yêu cầu học sinh cần hiểu sâu sắc về các vấn đề các nhân tố ảnh hưởng, tình hình phát triển và phân bố du lịch. Đây là cơ sở quan trọng cho các em thực hiện khai thác các trang ATLAT có liên quan, đặc biệt là trang Du lịch, đồng thời có cách giải thích các vấn đề một cách toàn diện. Vì thế chuyên đề này nhằm mục đích hệ thống hóa các nội dung kiến thức cơ bản về vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội; các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của ngành, từ đó đánh giá được tình hình phát triển và phân bố của ngành du lịch ở nước ta trong những năm qua. B. NỘI DUNG: I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DU LỊCH 1. Du lịch và vai trò của du lịch: 1.1. Các khái niệm chủ yếu: a. Du lịch: Thuật ngữ Du lịch ngày nay tuy đã sử dụng phổ biển trên thế giới, song lại có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong Luật du lịch (2005) – Điều 4, chương I có định nghĩa: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. b. Tài nguyên du lịch: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, các giá trị nhân văn, các công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch. c. Khách du lịch: Khách du lịch là đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình du lịch, là đối tượng của các đơn vị phục vụ và kinh doanh du lịch. Ở nước ta, theo Luật du lịch (2005) - Tại điều 4, chương I: Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến. - Tại điều 34, chương III quy định: Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. ~1~ - Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam - Khách du lịch quốc tế là người nươc ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch. d. Sản phẩm du lịch: - Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. - Có hai loại sản phẩm du lịch cơ bản: + Sản phẩm du lịch hữu hình, tồn tại ở dạng vật thể. Ví dụ: đồ lưu niệm, các món ăn, đồ uống ... + Sản phẩm du lịch vô hình, tồn tại ở dạng phi vật thể và chỉ có thể biết được thông qua cảm nhận của du khách. Ví dụ: các loại hình dịch vụ lữ hành, lưu trú, giải trí, mua sắm, thăm quan danh lam thắng cảnh... 1.2. Vai trò của du lịch: a. Đối với kinh tế: - Góp phần tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân, tăng thêm tổng sản phẩm trong nước. - Góp phần tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập giữa các vùng. - Du lịch nội địa phát triển góp phần đảm bảo sức khỏe cho nhân dân lao động; giúp cho việc sử dụng cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch ngày càng hợp lí hơn. - Góp phần làm tăng thu nhập quốc gia thông qua việc thu ngoại tệ. - Du lịch là hoạt động “xuất khẩu” có hiệu quả cao. Không chỉ thực hiện xuất khẩu tại chỗ, mà còn là ngành xuất khẩu vô hình hàng hóa du lịch. Đó là các cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, các phong cảnh đẹp, các giá trị văn hóa độc đáo.... Với hình thức xuất khẩu trên cho thấy hàng hóa và dịch vụ được bán thông qua du lịch đem lại lợi nhuận cao hơn do tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất đồng thời lại thu hồi vốn nhanh. - Du lịch khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do xuất phát từ thực tiễn cho thấy du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác (vốn đầu tư ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, kĩ thuật không phức tạp, đem lại tỉ suất lợi nhuận cao...) - Góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở những vùng có hoạt động du lịch. b. Đối với xã hội: - Góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là ngành có khả năng tạo ra một số lượng việc làm rất lớn. - Góp phần thực hiện phân bố lại dân cư và lao động, giảm sự tập trung dân cư quá mức ở những đô thị lớn. - Thỏa mãn nhu cầu của người dân, là cơ sở để phát sinh những nhu cầu, dịch vụ du lịch mới. - Là phương tiện tuyên truyền quảng cáo hữu ích về các thành tựu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giới thiệu về con người, phong tục tập quán của các vùng, miền. ~2~ - Là phương tiện để giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, gìn giữ và phát huy truyền thống, góp phần khai thác, bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc... c. Đối với môi trường, sinh thái: Du lịch là nhân tố có tác dụng kích thích việc bảo vệ và khôi phục môi trường thiên nhiên bao quanh. Việc đẩy mạnh hoạt động du lịch, tăng mức độ tập trung khách vào những vùng nhất định đòi hỏi phải tối ưu hóa quá trình sử dụng tự nhiên, vì vậy cần sử dụng các biện pháp nhằm bảo vệ tự nhiên và đảm bảo điều kiện sử dụng chúng một cách hợp lí, bền vững. 2. Khái quát các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố du lịch: 2.1. Tài nguyên du lịch. - Được chia thành hai nhóm là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. + Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm: Các dạng địa hình đặc sắc, các yếu tố của khí hậu, nguồn nước, sinh vật. + Tài nguyên du lịch nhân văn gồm: Các di tích văn hóa – lịch sử; lễ hội, ẩm thực... - Chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành tổ chức lãnh thổ du lịch (điểm, tuyến, trung tâm, vùng du lịch) 2.2. Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật phục vụ cho ngành du lịch. - Hệ thống cơ sở vật chất, kĩ thuật, hạ tầng của ngành du lịch rất đa dạng: + Cơ sở vật chất của ngành bao gồm: hệ thống các cơ sở lưu trú, ăn uống (nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ cho thuê...), các khu vui chơi giải trí, các cơ sở thương mại phục vụ cho nhu cầu của du khách, các cơ sở thể thao... + Cơ sở hạ tầng của ngành du lịch không phải do ngành quản lí, mà cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các ngành, hoạt động kinh tế khác; bao gồm các yếu tố như: giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện, nước... - Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là về chất lượng. 2.3. Nguồn lao động: Tính chuyên nghiệp của nguồn lao động du lịch có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh, gây ấn tượng đối với du khách, hấp dẫn họ trở lại và đồng thời thông qua họ để quảng bá du lịch cho vùng, lãnh thổ. 2.4. Các điều kiện kinh tế - xã hội khác: - Trình độ phát triển của các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ khác đã góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố du lịch. - Năng suất lao động cao, mức sống của người dân ngày càng cao là điều kiện thuận lợi để gia tăng và thỏa mãn các nhu cầu du lịch. - Những chính sách kinh tế - xã hội tích cực, chẳng hạn như các quy định về xuất, nhập cảnh sẽ có tác động không nhỏ tới việc thu hút khách quốc tế... - Các điều kiện về an ninh xã hội, đảm bảo an toàn cho du khách có ý nghĩa rất lớn. Sự ổn định về chính trị cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch. ~3~ II. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DU LỊCH Ở VIỆT NAM: 1. Tài nguyên du lịch: Nhờ có vị trí địa lí đặc biệt, cùng với lịch sử hào hùng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nên tài nguyên du lịch của nước ta rất đa dạng và phong phú. Sự đa dạng của tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn của nước ta là tiền đề quan trọng để phát triển nhiều loại hình du lịch. 1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên: 1.1.1. Địa hình: Cấu trúc địa hình đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. a. Khu vực miền núi: + Địa hình miền núi có nhiều ưu thế đối với phát triển du lịch với sự kết hợp của nhiều dạng địa hình với khí hậu mát mẻ, trong lành. + Đối tượng cho các hoạt động du lịch ở miền núi đa dạng: sông, suối, thác nước, hang động, rừng...Miền núi còn là nơi cư trú của đồng bào dân tộc ít người với đời sống và nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, có sức thu hút du khách. b. Khu vực đồng bằng: Địa hình thấp và khá bằng phẳng, với hai đồng bằng lớn là đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ...thuận lợi cho sản xuất, cư trú, phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động du lịch. c. Các dạng địa hình đặc biệt: + Địa hình caxtơ: - Là dạng địa hình của vùng núi đá vôi được hình thành do quá trình xâm thực của nước. - Ở nước ta, dạng địa hình này chiếm diện tích khá lớn, khoảng 15% diện tích cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (các tỉnh lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, vùng núi đá vôi Hòa Bình – Thanh Hóa...), Bắc Trung Bộ (vùng núi đá vôi Quảng Bình), ngoài ra còn có một ít ở Hà Tiên (Kiên Giang). - Địa hình caxtơ tạo nên phong cảnh hùng vĩ, các hang động và sông suối ngầm kì ảo của dạng địa hình này là đối tượng du lịch hấp dẫn. Cao nguyên đá bao trùm bốn huyện của tỉnh Hà Giang đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Các công trình nghiên cứu, điều tra hang động ở Việt Nam đã phát hiện khoảng 200 hang động, trong đó phần lớn (>90%) là các hang ngắn và trung bình (độ dài dưới 100m) và chỉ có trên 10% số hang động dài trên 100m. Các hang động dài nhất nước ta được phát hiện tập trung chủ yếu ở khối đá vôi Kẻ Bàng (Quảng Bình) như: động Sơn Đoòng, Thiên Đường, Hang Vòm dài 27 km (và chưa kết thúc), động Phong Nha gần 8km, hang tối 5,5 km. Ở Lạng Sơn, các hang như: hang Cả, hang Bè cũng dài gần 3,3 km. + Địa hình ven biển: - Nước ta có đường bờ biển dài 3260km với nhiều bãi tắm đẹp (nhiều bãi tắm vẫn còn ở dạng sơ khai, chưa bị ô nhiễm) và một hệ thống đảo ven bờ, trong đó nhiều đảo có giá trị du lịch. - Dọc bờ biển nước ta có khoảng 125 bãi biển. Các bãi biển phân bố chạy suốt từ Bắc vào Nam, với nhiều bãi tắm đẹp như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, ~4~ Nhật Lệ, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mĩ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Dốc Lết, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Long Hải, Phước Hải, Vũng Tàu... - Vùng biển nước ta có khoảng 4000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đại bộ phận là các đảo gần bờ. Hai quần đảo xa bờ của nước ta là Hoàng Sa và Trường Sa. Các đảo và quần đảo có nhiều giá trị lớn cho du lịch. Chúng được phân bố từ Bắc vào Nam, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng biển Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, gồm hơn 2000 hòn đảo, chiếm 60% tổng số đảo của cả nước. Trên các đảo có nhiều bãi biển đẹp, phong cảnh còn nguyên vẻ hoang sơ và những điều kiện tự nhiên rất tiêu biểu để phát triển các loại hình du lịch biển. Tiêu biểu nhất là các đảo: Phú Quốc, Cái Bầu, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Côn Đảo... 1.1.2. Khí hậu: - Khí hậu nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 22270C, tổng nhiệt hoạt động từ 8000 – 10.0000C. Lượng mưa trung bình năm từ 1500 – 2000mm, ở những sườn đón gió và vùng núi cao, lượng mưa có thể lên tới 3500 – 4000mm, độ ẩm không khí cao, > 80%. - Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo điều kiện cho thảm thực vật quanh năm xanh tốt, hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi, đặc biệt là phía Nam của nước ta. - Đặc điểm khí hậu đã tạo cho cảnh quan thiên nhiên nước ta phân hóa đa dạng, xanh tươi giàu sức sống tạo điều kiện thuận lợi cho đa dạng hóa các hoạt động du lịch: du lịch thể thao, vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái tham quan nghỉ dưỡng, nghiên cứu, dã ngoại.... Bảng đánh giá mức độ thuận lợi của khí hậu trong năm đối với hoạt động du lịch: Tháng Quảng Phòng Ninh-Hải Huế-Đà Nẵng Nha Hòa Trang-Khánh Vũng Tàu-Côn Đảo (Ghi chú: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 * * * *** *** ** ** ** ** ** * * * * ** *** *** ** ** ** * * * * *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** *** ** ** ** ** ** ** ***: thuận lợi **: tương đối thuận lợi *: ít thuận lợi) - Trên nền khi hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, khí hậu nước ta có sự phân hóa đa dạng theo không gian và thời gian. Khí hậu có sự phân hóa từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, từ thấp lên cao ... - Miền khí hậu phía Bắc với đặc điểm đặc trưng là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có một mùa đông lạnh. Khí hậu dường như có đủ 4 mùa trong năm, mà mỗi mùa lại có cảnh sắc thiên nhiên đặc biệt, hấp dẫn khách du lịch. - Miền khí hậu phía Nam mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch quanh năm, đặc biệt từ vĩ độ 20 0B trở vào. Ở đây đầy nắng và gió, thích hợp với các hoạt động du lịch nghỉ biển, nghỉ núi, khám phá mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... - Khí hậu cũng gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động du lịch như: bão trên biển, các hiện tượng thời tiết cực đoan... ~5~ 1.1.3. Tài nguyên nước: a. Sông ngòi: - Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với mật độ trung bình khoảng 0,5-1,0km/km 2, dọc bờ biển trung bình cứ 20km lại bắt gặp một cửa sông, chỉ tính riêng những con sông có độ dài trên 10km nước ta đã có 2360 con sông. - Ở nước ta, một số dòng sông đã và đang được đưa vào khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như: sông Hương (Huế), hệ thốn kênh rạch chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long. - Do chảy trên nền địa chất phức tạp, sông ngòi nhiều thác ghềnh. Có thể kể ra vài thác tiêu biểu như: thác Bản Dốc (trên Sông Quy Sơn – Cao Bằng), Thác Bạc (Sa Pa – Lào Cai), thác Đầu Đẳng (Sông Năng – Bắc Kạn), thác Bờ (Sông Đà – Hòa Bình), thác Đray Sap, thác Trinh Nữ, thác Gia Long (Sông Xre Pok – Đắc Nông).... Các thác nước tạo ra những vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết, trong lành, hùn vĩ, có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. - Tuy nhiên, thủy chế phân hóa theo mùa gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động du lịch, nhất là vào mùa mưa lũ. b. Hồ, đầm: - Nước ta có nhiều hồ với diện tích mỗi hồ dao động từ vài đến vài chục ha, thậm chí có thể lên đến hàng trăm ha, với phong cảnh hữu tình. - Các hồ của nước ta có nguồn gốc khác nhau. - Các hồ tự nhiên được hình thành do vận động đứt gãy kiến tạo (hồ Ba Bể - Bắc Kạn), từ các miệng núi lửa đã tắt (Biển Hồ T’Nưng – Gia Lai), do phun trào ba zan chặn dòng chảy (hồ Đăk Lăk) hoặc hồ móng ngựa trên các lòng sông cũ (hồ Tây - Hà Nội). - Các hồ nhân tạo được hình thành do đắp đập ngăn dòng chảy tự nhiên nhằm mục đích thủy lợi (hồ Dầu Tiếng – Tây Ninh; hồ Ayun Hạ - Gia Lai; hồ Núi Cốc – Thái Nguyên; hồ Đại Lải, hồ Suối Hai – Hà Nội), hoặc thủy điện (hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà, hồ Yaly, hồ Trị An). - Dù là với nguồn gốc nào, song các hồ của nước ta đều có cảnh quan đẹp, có sức hấp dẫn du lịch rất lớn. c. Nước ngầm: - Tiềm năng nước ngầm của nước ta khá phong phú, ước tính nguồn nước ngầm có thể khai thác được là 6 – 7 tỉ m3/năm. - Có ý nghĩa đối với du lịch là nước khoáng. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị cho du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh. - Nước ta có trên 400 nguồn nước khoáng tự nhiên với nhiệt độ của nước từ 27 – 105 0C phân bố rải rác từ Bắc vào Nam. Có tới hơn 80% nguồn nước khoáng có nhiệt độ trên 35 0C (riêng ở suối khoáng Bang – Lệ Thủy, Quảng Bình nhiệt độ nước lên tới 105 0C). Đó là điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch, nhất là trong thời kì mùa đông tương đối lạnh ở miền Bắc. 1.1.4. Sinh vật: - Sinh vật nước ta đa đạng, phong phú. Nguồn tài nguyên quý giá này cũng đã và đang được khai thác nhằm mục đích phục vụ du lịch. - Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao hàng đầu thế giới với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông, suối, rạn san hô...tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên trái đất. ~6~ - Sự đa dạng của sinh vật và các hệ sinh thái tạo điều kiện cho nước ta có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: nghiên cứu, khám phá, sinh thái. Đối với hoạt động du lịch, tài nguyên sinh vật được tập trung khai thác chủ yếu ở các khía cạnh sau: - Các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên và các khu rừng di tích, lịch sử, văn hóa, môi trường. . Cả nước hiện đã thành lập được 30 vườn quốc, gia, 125 khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là nơi tập trung đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm (Voọc đầu trắng, Sếu đầu đỏ...). Điều này có ý nghĩa quan trọng để các vườn quốc gia trở thành tài nguyên du lịch có giá trị, đặc biệt vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới năm 2003. . Ở việt Nam hiện nay có 4 vườn quốc gia được công nhận là vườn di sản ASEAN. Đó là: Hoàng Liên (Lào Cai), Ba Bể (Bắc Kạn), Chư Mom Ray (Kon Tum), Kon Ka Kinh (Gia Lai). Vườn di sản ASEAN là danh hiệu có giá trị để phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục. . Ngoài ra còn có một số khu rừng di tích lịch sử - cách mạng, văn hóa, môi trường khá tiêu biểu có giá trị du lịch như: Hương Sơn (Hà Nội), Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Hùng (Phú Thọ), Hoa Lư (Ninh Bình), rừng Thông (Đà Lạt), rừng Sác ... - Một số hệ sinh thái đặc biệt: . Hệ sinh thái đất ngập nước: rất đa dạng và phong phú với những đặc thù riêng. Vùng đất ngập nước có các hệ sinh thái khác nhau, từ hệ sinh thái ngập mặn đến hệ sinh thái vùng nước châu thổ Sông Cửu Long, các hệ sinh thái đầm phá. Mỗi hệ sinh thái có đặc trưng riêng, tạo nên tiềm năng đa dạng để phát triển du lịch. . Hệ sinh thái san hô: là một trong những hệ sinh thái đặc thù của vùng biển nhiệt đới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Hệ sinh thái san hô của nước ta khá đa dạng về thành phần loài. Các rạn san hô cũng là nơi quần tụ của nhiều loài sinh vật khác nhau... cho phép tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái ở các vùng biển khác nhau, từ vịnh Hạ Long đến vùng biển ven bờ Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, kể cả các quần đảo xa bờ. 1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn: 1.2.1. Di tích văn hóa - lịch sử: - Theo thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, nước ta hiện có khoảng 7300 di tích các loại trên phạm vi cả nước. - Các di tích văn hóa – lịch sử rất đa dạng, phong phú và được chia thành nhiều loại: di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia và địa phương. a. Di sản văn hóa thế giới: - Tính đến nay, trên phạm vi cả nước có 12 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Các di sản văn hóa thế giới có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch và là niềm tự hào, là tài sản vô giá của quốc gia và nhân loại. Thống kê các di sản văn hóa thế giới ở nước ta(vật thể, phi vật thể): Stt Tên di sản Năm công nhận Thể loại 1 Quần thể di tích Cố đô Huế 1993 Vật thể 2 Phố cổ Hội An 1999 Vật thể ~7~ 3 Khu di tích Mĩ Sơn 1999 Vật thể 4 Nhã nhạc cung đình Huế 2003 Phi vật thể 5 Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2005 Phi vật thể 6 Quan họ 2009 Phi vật thể 7 Ca trù 2009 Phi vật thể 8 Hoàng thành Thăng Long 2010 Vật thể 9 Hội Gióng 2010 Phi vật thể 10 Mộc bản triều Nguyễn và 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu 2011 Vật thể 11 Thành nhà Hồ 2011 Vật thể 12 Hát xoan 2011 Phi vật thể b. Di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia và địa phương: - Nhà nước đã xếp hạng 3.026 di tích cấp quốc gia các loại, bao gồm: . 1.411 di tích lịch sử . 1.422 di tích kiến trúc nghệ thuật . 76 di tích khảo cổ . 117 danh lam thắng cảnh - Trong số này có 10 di tích quốc gia, đặc biệt là khu: trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Khu đền tháp Mĩ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Đền Hùng, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chiến trường Điện Biên Phủ, Dinh Độc Lập. c. Di tích khảo cổ học: Các di tích khảo cổ học đa dạng và phức tạp thuộc nhiều tầng văn hóa khác nhau: - Thời đồ đá: Di chỉ Núi Đọ - Thanh Hóa, Hang Chổ - Hòa Bình, hang Phia Vài – Tuyên Quang... - Thời kì kim khí: Di chỉ Xóm Rền – Phú Thọ, Thành Dền – Vĩnh Phúc, Di chỉ Mán Bạc – Ninh Bình, Mộ thuyền Động Xá – Hưng Yên, Đền Thượng – Cổ Loa, Sa Huỳnh – Quảng Ngãi... - Thời bộ lạc: Di chỉ Cát Tiên – Lâm Đồng, Di tích Mĩ Sơn – Quảng Nam... - Thời kì quân chủ: Thành nhà Hồ - Thanh Hóa, Tòa tháp Hồ - Yên bái, Di tích Lam Kinh – Thanh Hóa, Di chỉ Giồng Nổi – Bến Tre... d. Di tích lịch sử: - Di tích ghi dấu những sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hướng phát triển của đất nươc và địa phương. Tiêu biểu có: Khu di tích Đền Hùng, Bến Bình Than, Căn cứ địa Việt Bắc, Quảng trường Ba Đình... ~8~ - Các di tích ghi dấu những chiến công chống quân xâm lược như: Sông Bạch Đằng, Gò Đống Đa, Ải Chi Lăng, Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Sông Bến Hải – Cầu Hiền Lương, Đường 9 Khe Sanh, Địa đạo Vĩnh Mốc, Địa đạo Củ chi.... - Các di tích tưởng niệm như: Di tích gắn với Đức thánh Trần – Trần Quốc Toản, di tích về các danh nhân văn hóa (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...) - Di tích ghi dấu tội ác của đế quốc phong kiến như: nhà tù Côn Đảo, Sơn La, Phú Quốc, Hỏa Lò... e. Di tích kiến trúc nghệ thuật: Các di tích kiến trúc nghệ thuật tương đối đa dạng, bao gồm nhiều loại và có giá trị đối với du lịch. - Làng cổ Việt Nam: Đường Lâm, Cự Đà (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Đông Sơn (Thanh Hóa)... - Chùa: Ở Việt Nam có rất nhiều chùa. Chùa là di tích cổ nhất còn lại ở nước ta, đặc biệt ở miền Bắc. Trong số đó, có nhiều chùa có phong cảnh đẹp, có các giá trị về kiến trúc, mĩ thuật. Tiêu biểu phải kể đến như: chùa Trấn Quốc, Tây Phương, chùa Đậu, chùa Trăm Gian, chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Ấn Quang, chùa Dơi.... - Đình làng: là một công trình kiến trúc không thể thiếu ở làng quê Việt Nam, điển hình như: đình Yên Sở, Kim Liên (Hà Nội), Đình Dương Nổ, đình Kim Long (Huế).... - Nhà thờ: Phát Diệm, nhà thờ Lớn, nhà thờ Đức Bà.... 1.2.2. Lễ hội: Cho đến nay, cả nước có gần 9000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 88,4%, lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,2%,... a. Lễ hội dân gian: Một số lễ hội dân gian tiêu biểu hấp dẫn khách du lịch như: Lễ hội Đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử, Phủ Giày, Lim, Lễ hội đâm trâu... b. Lễ hội lịch sử cách mạng: Lễ hội Đồng Lộc, Lễ kỉ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Lễ hội Tân Trào, Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam... 1.2.3. Làng nghề thủ công truyền thống: Ở nước ta, số lượng, cơ cấu loại hình làng nghề rất phong phú và đa dạng. Cả nước hiện có 2.038 làng nghề, riêng Đồng bằng sông Hồng hơn 880 làng nghề. Sản phẩm và phương thức sản xuất phong phú với hàng trăm loại ngành nghề khác nhau. 1.2.4. Các loại tài nguyên du lịch nhân văn khác: a Ẩm thực: Đây là loại hình du lịch hết sức đa dạng, phong phú, gắn liền với các điểm du lịch, đồng thời cũng là kết quả của quá trình phát triển lâu đời của các dân tộc ở nước ta. b Các loại hình nghệ thuật: diễn xướng dân gian, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc cổ truyền, trò chơi giải trí..... 2. Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật phục vụ cho ngành: 2.1. Hệ thống cơ sở vật chất: ~9~ Trong những năm qua, cung với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật của nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch không ngừng được củng cố, hoàn thiện, hiện đại hóa. - Nước ta đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở lưu trú phân bố rộng khắp, đặc biệt tập trung ở các trung tâm, điểm du lịch nổi tiếng. Chất lượng của các cơ sở lưu trú được quy định theo chuẩn du lịch (khách sạn 2,3,4,5 sao; nhà nghỉ...) và đồng thời không ngừng được cải thiện thông qua những phản hồi tích cực của du khách. Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú vẫn đang được tiếp tục củng cố, mở rộng, hiện đại hóa. - Gắn liền với các điểm du lịch là các khu vui chơi giải trí, ăn uống, kinh doanh đồ lưu niệm, khu vui chơi thể thao đi kèm... Tùy theo quy mô, trình độ phát triển của các điểm du lịch mà có sự đầy đủ của tất cả các yếu tố đi kèm hay không. VD: đối với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngoài sự hội tụ của các điểm du lịch hấp dẫn, còn có sự đầy đủ của các dịch vụ đi kèm, trong khi đối với các điểm du lịch khác ít nhiều không đầy đủ được một trong các yếu tố kể trên (cơ sở thể thao, vui chơi giải trí...) 2.2. Hệ thống cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng của ngành du lịch không phải do ngành quản lí, mà cùng sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các ngành, hoạt động kinh tế khác; bao gồm các yếu tố như: giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện, nước... Trong những năm qua, nước ta chứng kiến sự chuyển mình tích cực của hệ thống cơ sở hạ tầng của đất nước. - Mạng lưới giao thông vận tải phát triển rộng khắp, không ngừng được nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa. Hệ thống giao thông vận tải của nước ta đã và đang hòa mình vào hệ thống đường bộ, không quốc tế....tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. - Sự phát triển mạnh về năng suất, sản lượng, mạng lưới điện phát triển rộng khắp...Bên cạnh việc cải thiện, hiện đại hóa các nhà máy điện đã có, nước ta còn tiếp tục phát triển mạnh các nhà máy mới với công suất, năng lực ngày càng tăng...tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển trong đó có du lịch. 3. Nguồn lao động: Nguồn lao động trong ngành du lịch của nước ta trong những năm qua có sự chuyển biến mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Điều đó tạo ra rất nhiều thuận lợi cho phát triển của ngành du lịch. - Về số lượng: Số lao động trực tiếp tham gia vào du lịch tăng khá nhanh, từ 150.000 lao động (2000) lên 275.000 lao động (2005) và 450.000 lao động (2010) - Về chất lượng: - Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 55,3% tổng số lao động. Trong đó: lao động có trình độ cao đẳng trở lên chiếm 13,2%, trung cấp chiếm 18,6%, sơ cấp 23,5%. - Du lịch là ngành nghề đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Đến năm 2010 có khoảng 60% số lao động biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau, trong đó tiếng Anh chiếm tỉ trọng lớn nhất. - Tính chuyên nghiệp của nguồn lao động du lịch có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh, gây ấn tượng đối với du khách, hấp dẫn họ trở lại và đồng thời thông qua họ để quảng bá du lịch cho vùng, lãnh thổ. Đây là điều mà trong những năm qua ngành du lịch đang không ngừng phấn đấu. 4. Các điều kiện kinh tế - xã hội khác: ~ 10 ~ - Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế mở, đẩy mạng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch, vừa mang đến cơ hội, đồng thời đặt ra những khó khăn, thách thức cho ngành. - Năng suất lao động ngày càng cao, chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân ngày càng được được nâng lên tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trên cơ sở thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu du lịch. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. so với năm 2006 (lấy đơn vị tính là VNĐ), thu nhập bình quân đầu người tăng 3,14 lần - Các chính sách phát triển kinh tế của nước ta trong đó có ngành du lịch đã có những tác động tích cực to lớn: - Chính sách mở cửa, hội nhập, kêu gọi đầu tư... mở ra khả năng quảng bá, phát triển hình ảnh du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. - Chính sách quảng bá hình ảnh du lịch quốc tế: thông qua các cuộc thi.... - Liên kết với các công ty lữ hành quốc tế - Có những ưu đãi hấp dẫn đối với khách du lịch...... - Ngoài ra, các điều kiện về an ninh xã hội, đảm bảo an toàn cho du khách có ý nghĩa rất lớn. Sự ổn định về chính trị cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch. Việt Nam trong những năm gần đây được xem là một trong những điểm đến an toàn hấp dẫn về mặt du lịch đối với du khách nước ngoài. 5. Những khó khăn gặp phải: Bên cạnh những thuận lợi to lớn đó, ngành du lịch của nước ta còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục: - Sự suy thoái, mai một của nhiều tài nguyên du lịch, đặc biệt là các di tích lịch sử - văn hóa - Sự xuống cấp, thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng - Trình độ lao động trong ngành du lịch nhìn chung còn thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. - Chất lượng phục vụ của ngành du lịch chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đối với du khách quốc tế. Ví dụ điển hình là chế độ hậu mãi của ngành du lịch đối với du khách quốc tế còn rất nhiều hạn chế. Đây là một hạn chế lớn trong việc thu hút, hấp dẫn họ quay trở lại những lần tiếp theo. ...... ~ 11 ~ III. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DU LỊCH VIỆT NAM: 1. Thực trạng phát triển du lịch: - So với nhiều ngành kinh tế khác, du lịch Việt Nam còn khá non trẻ, mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành là việc thành lập công ti Du lịch Việt Nam (1960) – nghị định Chính Phủ. - Tuy nhiên, ngành chỉ thực sự chuyển biến mạnh mẽ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt từ đầu thập niên 90. 1.1. Số lượng khách: a. Khách quốc tế: - Trước năm 1990, số lượng khách quốc tế đến với nước ta rất ít, tăng chậm; càng về sau tăng lên khá nhanh. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 1990-2010 Năm 1990 1995 2000 2005 2010 Nghìn lượt 250 1358 2140 3478 5050 (Nguồn: Tổng cục Du lịch) - Các thị trường khách quốc tế vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng: Nhật Bản, Singapo, Thái Lan, Malaixia, Oxtraylia... - Về cơ cấu có sự thay đổi. Đến năm 2010 chủ yếu là khách thuộc thị trường Đông Á và Đông Nam Á, trong đó: Trung Quốc (17,9%), Hàn Quốc (9,8%), Nhật Bản (8,7%)... Số lượng khách Hoa Kì vào Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, chiếm 8,5%.... Cơ cấu khách quốc tế đến nước ta phân theo thị trường khách năm 2010 (%) Quốc gia Cơ cấu Quốc gia Cơ cấu Quốc gia Cơ cấu Trung Quốc 17,9 Đài Loan 6,6 Malaixia 4,1 Hàn Quốc 9,8 Oxtraylia 5,5 Pháp 3,9 Nhật Bản 8,7 Campuchia 5,0 Hoa Kì 8,5 Thái Lan 4,4 Thị khác trường 25,6 (Niên giám thống kê 2010) b. Khách nội địa: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng khách nội địa không ngừng tăng lên. Số lượng khách nội địa giai đoạn 1990 – 2010 Năm 1990 1995 2000 2005 2010 Triệu lượt 1.000 5.500 11.200 16.000 28.000 (Nguồn: Tổng cục Du lịch) 1.2. Cơ sở lưu trú: ~ 12 ~ Từ những năm 90 của thế kỉ 20 trở lại đây, cơ sở vật chất kĩ thuật của ngành du lịch nói chung, đặc biệt là các cơ sở lưu trú phát triển khá nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Kèm theo sự gia tăng về số lượng, chất lượng các cơ sở lưu trú cũng tăng lên khá nhanh. Số lượng cơ sở lưu trú của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010 Năm 2000 2005 2007 2009 2010 Cơ sở lưu trú 4366 7603 9633 10935 11550 86.809 150.105 189.436 209.076 234.900 Số phòng (Nguồn: Tổng cục Du lịch) Các cơ sở lưu trú tập trung chủ yếu tại các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt... Bên cạnh đó, các cơ sở vui chơi giải trí ở nước ta đã và đang được phát triển và được khai thác nhằm đáp ứng yêu cầu của đông đảo du khách. Chúng cũng được tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và tp Hồ Chí Minh. 1.3. Lao động: Đây vừa là nhân tố ảnh hưởng vừa là sự thể hiện về phát triển ngành du lịch ở nước ta. Trong những năm qua, nguồn lao động du lịch ở nước ta không ngừng tăng lên về cả số lượng và chất lượng. - Về số lượng: số lao động trực tiếp tham gia vào du lịch tăng khá nhanh, từ 150.000 lao động (2000) lên 275.000 lao động (2005) và 450.000 lao động (2010) - Về chất lượng: tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 55,3% tổng số lao động. Trong đó: lao động có trình độ cao đẳng trở lên chiếm 13,2%, trung cấp chiếm 18,6%, sơ cấp 23,5%. - Du lịch là ngành nghề đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Đến năm 2010 có khoảng 60% số lao động biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau, trong đó tiếng Anh chiếm tỉ trọng lớn nhất. 1.4. Doanh thu: Do số lượng khách du lịch ngày một đông cùng với các hoạt động dịch vụ du lịch phát triển mạnh nên doanh thu từ du lịch cũng tăng lên nhanh chóng. Doanh thu và GDP du lịch của Việt Nam giai đoạn 2000-2010 (nghìn tỉ đồng) Chỉ tiêu 2000 2005 2007 2009 2010 Doanh thu 17,4 30,3 56,0 68,0 96,0 GDP du lịch (giá 1994) 8,7 13,8 20,5 27,1 37,4 % GDP cả nước 3,3 3,5 5,4 5,3 5,8 (Nguồn: Tổng cục Du lịch, Niên giám thống kê các năm) Có thể thấy trong những năm qua, doanh thu từ ngành du lịch của nước ta có sự gia tăng nhanh, mạnh, liên tục qua các năm. Trong giai đoạn 2000 – 2010 tổng doanh thu du lịch đã tăng gấp 5.5 lần. Đây là kết quả đáng ghi nhận sự phát triển của ngành du lịch. ~ 13 ~ Tuy nhiên, có thể thấy vai trò, tỉ trọng của ngành trong nền kinh tế quốc dân còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và khả năng phát triển to lớn của ngành. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với ngành cần phải có những bước chuyển mình tích cực để có thể khai thác một cách có hiệu quả, bền vững, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của ngành “công nghiệp không khói” này ở Việt Nam. 2. Phân vùng du lịch ở Việt Nam: Xét trên phạm vi cả nước, được chia thành 3 vùng du lịch. Trong các vùng du lịch có các trung tâm, điểm du lịch nổi tiếng. 2.1. Vùng du lịch Bắc Bộ: - Bao gồm 28 tỉnh, kéo dài từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, là vùng du lịch có diện tích lớn nhất và quy mô dân số lớn (chiếm 45,3% diện tích, 44,3% dân số cả nước ) - Là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng phát triển du lịch. Thiên nhiên của vùng rất đa dạng và có nhiều nét độc đáo mang sắc thái của cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa. Bên cạnh đó, Vùng du lịch Bắc Bộ còn là cái nôi hình thành nên dân tộc Việt và nền văn hóa Việt. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. - Trong vùng này, trung tâm du lịch lớn nhất là Hà Nội. Từ Hà Nội, tỏa đi các tuyến du lịch khác nhau: . Tuyến du lịch Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh . Tuyến du lịch Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Sa Pa . Tuyến du lịch Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu . Tuyến du lịch Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh Ngoài ra còn có một số tuyến khác như: Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Thái Nguyên – Cao Bằng, hà Nội – Việt Trì – Tuyên Quang – Hà Giang... cùng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn. - Trong vùng, ngoài Hà Nội còn có các trung tâm du lịch quan trọng khác như: Hạ Long, Hải Phòng, Vinh... 2.2. Vùng du lịch Bắc Trung Bộ: - Nằm ở vị trí trung gian của đất nước, bao gồm 6 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, với diện tích và dân số tương ứng chiếm 10,5% và 7,0% so với cả nước. - Nằm trên mảnh đất đầy biến động trong suốt chiều dài lịch sử, có lẽ không một mảnh đất nào trên đất nước ta lại có nhiều nét tương phản sâu sắc về cả tự nhiên lẫn về kinh tế - xã hội và lịch sử. Chính những sự đặc biệt này đã tạo cho vùng một dán dấp riêng đấy ấn tượng mà bất cứ ai dù mới chỉ qua đây một lần sẽ nhớ mãi. - Trong vùng tập trung nhiều các điểm du lịch hấp dẫn, đa dạng, có hai trung tâm du lịch lớn là Huế và Đà Nẵng. Từ các trung tâm này, các tuyến du lịch được phân hóa theo các hướng sau đây: . Tuyến du lịch Huế - Đà Nẵng . Tuyến du lịch Huế - Đông Hà – Đồng Hới – Phong Nha . Tuyến du lịch Đà Nẵng – Non Nước – Hội An – Mĩ Sơn 2.3. Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ: - Lãnh thổ rộng lớn, gồm 29 tỉnh, thành phố với diện tích và dân số tương ứng chiếm 44,2% và 48,7% so với cả nước. ~ 14 ~ - Là vùng chứa đựng sự phong phú và đa dạng của các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn: có Tây Nguyên hùng vĩ với Đà Lạt mộng mơ, nhiều bãi biển đẹp dọc duyên hải Nam Trung Bộ, các hệ sinh thái kênh rạch, miệt vườn và rừng ngập mặn hấp dẫn. Cùng với truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc, đây thực sự là vùng du lịch đầy tiềm năng, hứa hẹn làm hài lòng mọi du khách. - Trong vùng có tp Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất vùng, nhất cả nước. Từ trung tâm du lịch này, các tuyến du lịch trong vùng được phân hóa theo các hướng sau đây: . Tuyến du lịch tp Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu . Tuyến du lịch tp Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang . Tuyến du lịch tp Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Phan Thiết – Nha Trang – Phú Yên – Quy Nhơn . Tuyến du lịch tp Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Buôn Mê Thuột – Plây Cu – Kon Tum . Tuyến du lịch tp Hồ Chí Minh – Mĩ Tho – Vĩnh Long – Bến Tre – Cần Thơ – Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc. - Ngoài ra, trong vùng còn có các trung tâm du lịch quan trọng khác như: Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ..... IV. LUYỆN TẬP, CỦNG CỐ KIẾN THỨC VỀ DU LỊCH VIỆT NAM: Hệ thống kiến thức về du lịch Việt Nam kể trên là cơ sở để nghiên cứu, tìm hiểu, giải quyết các câu hỏi, dạng bài có liên quan đến du lịch trong phần kinh tế ngành của nước ta. Cụ thể có một số dạng câu hỏi sau đây: 1. Dựa vào ATLAT và kiến thức đã học, chứng minh rằng tài nguyên du lịch nước ta phong phú và đa dạng? Trả lời: (Sử dụng ATLAT trang 25) * Khái quát: - Khái niệm tài nguyên du lịch - Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với đầy đủ cả hai nhóm: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Trong mỗi nhóm tài nguyên du lịch cũng có sự phong phú, đa dạng của các loại tài nguyên khác nhau. 1. Tài nguyên du lịch tự nhiên: a. Địa hình: - Nước ta có nhiều dạng địa hình (đồi, núi, đồng bằng, bờ biển, đảo...) tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch. - Đáng chú ý nhất là địa hình caxtơ với nhiều hang động nổi tiếng có khả năng khai thác du lịch. Nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha – Kẻ Bàng... - Nước ta có khoảng 125 bãi biển lớn, nhỏ có khả năng khai thác du lịch. Điển hình như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thuận An, Lăng Cô, Non Nước, Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Vân Phong, Dốc Lết, Cà Ná, Mũi Né, Vũng Tàu .... - Nước ta có nhiều đảo ven bờ, trong đó có một số đảo có giá trị du lịch như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo... b. Khí hậu: ~ 15 ~ Khí hậu nước ta có nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Sự phân hóa đa dạng của khí hậu trong không gian và theo thời gian đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự phân hóa đa dạng của cảnh quan thiên nhiên là cơ sở thuận lợi cho du lịch sinh thái phát triển. c. Tài nguyên nước: - Nước ta có nhiều hồ (nguồn gốc có cả tự nhiên và nhân tạo) có giá trị du lịch lớn như: hồ Ba Bể, Thang Hen, hồ Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Dầu Tiếng... - Hệ thống sông, ngòi, kênh rạch chằng chịt ở Đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện cho du lịch sông nước, miệt vườn phát triển. - Nước ngầm cũng có gái trị lớn về du lịch, tiêu biểu là các nguồn nước khoáng, nước nóng như: Kim Bôi, Mỹ Lâm, Quang Hanh, Suối Bang, Hội Văn, Vĩnh Hảo, Bình Châu... d. Tài nguyên sinh vật: - Nước ta có hệ sinh thái nhiệt đới ẩm gió mùa phong phú, đa dạng, có ý nghĩa cao đối với hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch sinh thái. Có ý nghĩa nhất là hệ thống các vườn quốc gia, các khu dự trữ sinh quyển, trong đó: - Vườn quốc gia: Bái Tử Long, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Ba Bể, Cúc Phương, Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha – Kẻ Bàng, Bạch Mã, Chư Mom Ray, Yook Đôn, Chư Yang Sin, Bù Gia Mập, Cát Tiên, U Minh Thượng, Đất Mũi - Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Cát Bà, Khu đất ngập nước Đồng bằng sông Hồng, Tây Nghệ An, Nam Cát Tiên, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cù Lao Chàm, Đất Mũi, khu biển Kiên Giang ... 2. Tài nguyên du lịch nhân văn: a. Di sản văn hóa – lịch sử: - Cả nước có khoảng 4 vạn d tích, trong đó có khoảng 3000 di tích được Nhà nước xếp hạng, tiêu biểu nhất là các di sản văn hóa nhân loại: Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mĩ Sơn b. Các di tích lịch sử, cách mạng: hang Pắc Bó, Điện Biên Phủ, Nhà Tù Sơn La, Tân Trào, Kim Liên – Nam Đàn, Khe Sanh, địa đạo Củ Chi, cảng Nhà Rồng, Dinh Độc lập, nhà tù Côn Đảo, nhà tù Kiên Giang, Phú Quốc ... c. Các lễ hội truyền thống: - Lễ hội diễn ra hầu như trên khắp đất nước, gắn liền với các di tích, phần lớn diễn ra vào mùa xuân. - Các lễ hội nổi tiếng phải kể đến là: đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử, Lễ hội đâm trâu, lễ hội Ka Tê, Núi Bà, Ooc Om Bóc, Bà chúa Xứ ... d. Làng nghề: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kị, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, làng đá mỹ nghệ non nước, gốm Bầu Trúc.... e. Các tài nguyên khác: ẩm thực, văn hóa nghệ thuật dân gian... 2. Vì sao nói du lịch là ngành chịu sự định hướng rõ rệt về mặt tài nguyên? Trả lời: - Khái niệm tài nguyên du lịch ~ 16 ~ - Vì vai trò to lớn của nguồn tài nguyên du lịch: + Là cơ sở để hình thành các điểm du lịch, các khu du lịch...tạo nên sức hấp dẫn với du khách. + Tài nguyên du lịch có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu các loại hình du lịch, hướng chuyên môn hóa trong phát triển du lịch. + Có ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức các hoạt động du lịch. - Khí hậu miền Bắc có một mùa đông lạnh  bên cạnh việc tạo ra nét đặc sắc của cảnh quan thiên nhiên, nhưng lại làm cho hoạt động du lịch kém phát triển hơn so với mùa hạ. - Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán sản xuất, văn hóa khác nhau làm cho công tác tổ chức du lịch cũng có những nét khác biệt. + Tài nguyên du lịch có ảnh hưởng tới đối tượng khách, chi tiêu, thời gian lưu trú của khách. + Ảnh hưởng đến sự phân hóa lãnh thổ du lịch. 3. Dựa vào ATLAT và kiến thức đã học, trình bày sự phân hóa lãnh thổ du lịch ở nước ta? Giải thích? Trả lời: 1. Phân hóa lãnh thổ du lịch: - Nước ta chia thành 3 vùng du lịch + Vùng du lịch Bắc Bộ: gồm 29 tỉnh, từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, với Hà Nội là trung tâm du lịch lớn nhất vùng. Các điểm du lịch tiêu biểu là: Vịnh Hạ Long, Tam Đảo, chùa Hương... + Vùng du lịch Bắc Trung Bộ bao gồm 6 tỉnh, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Với hai trung tâm du lịch lớn là Huế và Đà Nẵng. Các điểm du lịch tiêu biểu là Động Phong Nha, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An... + Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ: bao gồm các tỉnh, thành còn lại. Co thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất cùng với nhiều điểm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn: - Các khu vực có ngành du lịch phát triển hơn cả là: + Tam giác tăng trưởng du lịch thuộc vùng du lịch Bắc Bộ: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh + Tam giác tăng trưởng du lịch thuộc vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ: tp Hồ Chí Minh – Nha Trang – Đà Lạt + Dải ven biển kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và các đảo, quần đảo ven bờ. - Các khu vực tiềm năng lớn về du lịch: + Tây Bắc + Tây Nguyên (Trừ Đà Lạt và vùng phụ cận) + Các vùng còn lại. - Hoạt động du lịch tập trung chủ yếu ở một số trung tâm: + Các trung tâm du lịch có ý nghĩa quốc gia: Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... + Các trung tâm du lịch có ý nghĩa vùng, địa phương: Hạ Long, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ... ~ 17 ~ 2. Giải thích nguyên nhân: - Sự phân hóa lãnh thổ du lịch là kết quả tác động của nhiều nhân tố: tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật, chính sách, lao động... - Trong các nhân tố đó, nhân tố tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch. - Tài nguyên du lịch có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng. 4. Dựa vào ATLAT và kiến thức, trình bày và giải thích về tình hình phát triển ngành du lịch ở nước ta? Trả lời: 1. Tình hình phát triển: - Số lượng khách và doanh thu du lịch: có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 1995 – 2007 + Tổng số khách du lịch tăng 3,4 lần; trong đó khách nội địa tăng nhanh hơn khách quốc tế (3,5 lần so với 3 lần) + Doanh thu du lịch tăng nhanh hơn nhiều so với sự gia tăng của khách du lịch  điều đó cho thấy khả năng chi tiêu của khách ngày càng lớn. - Thị trường khách: + Khách quốc tế đến nước ta từ nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới + Năm 2007, khách Đông Nam Á chiếm tỉ trọng cao nhất. Các nước và vùng lãnh thổ có du khách đến nước ta đông là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kì, Nhật Bản, Đài Loan... + Cơ cấu khách quốc tế có sự thay đổi: - Tỉ lệ khách Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kì, Oxtraylia có xu hướng tăng nhanh - Tỉ lệ khách Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác giảm nhanh - Khách từ Anh, Pháp chiếm tỉ lệ nhỏ và ít có sự chuyển biến. 2. Giải thích: - Sự phát triển mạnh của du lịch nước ta trong những năm qua là kết quả tác động của hàng loạt nhân tố: + Đường lối chính sách phát triển du lịch của nước ta: - Chính sách mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. - Có các chính sách ưu đãi, hấp dẫn đối với du khách, phát triển du lịch. - Liên kết với các công ti lữ hành quốc tế. + Chất lượng cuộc sống, nhất là mức sống người dân ngày càng tăng. + Tiềm năng du lịch to lớn và đang khai thác ngày càng có hiệu quả. + Thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành du lịch ngày càng lớn + CSHTVCKT ngày càng cải thiện, hiện đại. + Nguyên nhân khác: sự ổn định về tình hình chính trị, ANQP cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với sự phát triển du lịch ở nước ta........................... ~ 18 ~ 5. Giải thích vì sao Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn bậc nhất ở nước ta? Trả lời: * Khái quát: về TT du lịch Hà Nội. Nguyên nhân là do: 1. Có vị trí địa lí thuận lợi: - Nằm trong tam giác tăng trưởng du lịch phía Bắc - Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế. - Là thủ đô – trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học – kĩ thuật và văn hóa – xã hội của cả nước. 2. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng: a. Tài nguyên du lịch tự nhiên: - Hệ thống hồ ở Hà Nội: hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Suối Hai... - Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng. b. Tài nguyên du lịch nhân văn rất phong phú và đa dạng: - HN là thủ đô ngàn năm văn hiến, vùng đất địa linh nhân kiệt tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa – kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng; mật độ di tích vào loại dày đặc nhất cả nước; tiêu biểu có: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, gò Đống Đa, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, đền, chùa... - Tập trung nhiều lễ hội, đặc biệt là vào mùa xuân. - Có nhiều làng nghề truyền thống: gốm, sứ (Bát Tràng), kim hoàn Định Công, đúc đồng Ngũ Xã, lụa Vạn Phúc... - Nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng: phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Làng Vòng, chả cá Lã Vọng ... 3. Phụ cận với Hà Nội cũng có nhiều điểm du lịch, trung tâm du lịch nổi tiếng. Đây là cơ sở thuận lợi cho sự hình thành các tuor, tuyến du lịch xuất phát từ Hà Nội: - Theo QL 1: Vườn QG Cúc Phương, động Hoa Lư, Bích Động, Bái Đính... - Theo QL 2: hồ Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên, Đền Hùng... - Theo QL 3: hồ Núi Cốc - Theo QL 5 và 18: Hải Phòng, Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Quan Lạn, Trà Cổ... - Theo QL 6 và 21: chùa Hương, Đồng Mô, Ba Vì, Mai Châu, thủy điện Hòa Bình... 4. Hệ thống CSHTVCKT vào loại tốt bậc nhất cả nước: a. Cơ sở hạ tầng: - Mạng lưới giao thông phát triển. Hà Nội là một trong hai đầu mối giao thông vận tải lớn nhất nước ta. Từ Hà Nội có nhiều tuyến giao thông tỏa đi mọi miền đất nước và các nước trên thế giới. Có sân bay Nội Bài là một trong bốn sân bay quốc tế lớn nhất nước ta. - Hệ thống thông tin liên lạc, khả năng cung cấp điện, nước đảm bảo... b. Cơ sở vật chất kĩ thuật: ~ 19 ~ - Cơ sở lưu trú: hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển, trong đó có nhiều khách sạn 5 sao (Deawoo, HilTon, Sofitel Plaza...) - Hệ thống các công ty du lịch lữ hành, trong đó có nhiều công ty liên doanh với các công ty du lịch nổi tiếng trên thế giới. - Lực lượng lao động trong ngành du lịch ngày càng tăng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khá cao, ngày càng tăng. 5. Các nguyên nhân khác: - Chủ trương của Nhà nước, địa phương: Coi du lịch là ngành mũi nhọn - Thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. - Nguyên nhân khác..... .......... C. KẾT LUẬN: Du lịch là một ngành non trẻ ở Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu và cụ thể hóa về du lịch trong các câu hỏi ôn thi học sinh giỏi và các đề thi không còn là điều xa lạ đối với thi học sinh giỏi quốc gia. Vì vậy, cần có cái nhìn thấu đáo và toàn diện về ngành, từ đó là cơ sở cho việc vận dụng, giải quyết các yêu cầu của đề bài. Trên đây là toàn bộ phần nghiên cứu của tôi, và không thể tránh khỏi những thiếu xót, kính mong được sự chia sẻ, góp ý của các đồng nghiệp, tôi xin trân trọng cảm ơn! Vĩnh Phúc, tháng 07/2015 Người thực hiện: Nguyễn Thị Thùy Dung ~ 20 ~
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan