Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận văn thạc sĩ phát triển du lịch sinh thái huyện vĩnh cửu, tỉnh đồng nai theo...

Tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển du lịch sinh thái huyện vĩnh cửu, tỉnh đồng nai theo hướng bền vững(1)

.PDF
138
1483
104

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH CAO THỊ NGUYỆT PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI HUYỆN VĨNH CỬU, TỈNH ĐỒNG NAI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2014 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH CAO THỊ NGUYỆT PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI HUYỆN VĨNH CỬU, TỈNH ĐỒNG NAI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG Chuyên ngành: Địa lí học Mã số: 60 31 05 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐỊA LÍ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. MAI HÀ PHƯƠNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2014 LỜI CAM ĐOAN Tác giả xin cam đoan những vấn đề và số liệu trình bày trong luận văn là trung thực và hoàn toàn do công sức của chính bản thân tác giả nghiên cứu tìm tòi. Kết quả của luận văn không có sự sao chép, bắt chước bất kỳ công trình nghiên cứu nào trước đó. TP. Hồ Chí Minh, ngày tháng Tác giả Cao Thị Nguyệt năm 2014 LỜI CẢM ƠN Luận văn ''Phát triển du lịch sinh thái huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai theo hướng bền vững'' đã được hoàn thành. Đó là kết quả quá trình cố gắng của tác giả với sự động viên, giúp đỡ nhiệt tình, tận tâm của quý thầy, cô cũng như các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tác giả xin chân thành gửi lời cảm ơn đến: - TS. Mai Hà Phương – Trưởng Khoa Du Lịch, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp hướng dẫn tác giả thực hiện luận văn. - Quý thầy cô làm việc tại: Thư viện Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Thư viện Trường ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, đã tạo điều kiện cho tác giả được tham khảo thêm nhiều tài liệu thiết thực cho nghiên cứu đề tài. - Cô Võ Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai, đã tận tình hướng dẫn và cung cấp cho tác giả những số liệu vô cùng cần thiết phục vụ cho việc thực hiện luận văn. - Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Đồng Nai, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Cửu, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Cửu, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Khu Du Lịch Sinh Thái Làng Bưởi Tân Triều,… đã cung cấp cho tác giả nhiều nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho việc thực hiện luận văn. Luận văn tuy đã hoàn thành nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý Thầy, Cô và các bạn để luận văn được hoàn thiện hơn. TP. Hồ Chí Minh, tháng 02/2014 Tác giả Cao Thị Nguyệt MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................ 1 LỜI CẢM ƠN .................................................................................................. 2 MỤC LỤC ........................................................................................................ 3 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ...................................................................... 6 MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 7 1. Lí do chọn đề tài.................................................................................................7 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu ....................................................................8 3. Giới hạn nghiên cứu ..........................................................................................8 4. Đối tượng nghiên cứu ........................................................................................8 5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu .........................................................9 6. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ..............................................................................12 7. Bố cục luận văn ................................................................................................13 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH SINH THÁI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH SINH THÁI ............... 14 1.1. Các khái niệm................................................................................................14 1.1.1. Du lịch .....................................................................................................14 1.1.2. Du lịch sinh thái ......................................................................................15 1.1.3. Tài nguyên du lịch sinh thái ....................................................................16 1.1.4. Phát triển bền vững .................................................................................17 1.1.5. Du lịch sinh thái bền vững ......................................................................18 1.1.6. Sản phẩm du lịch .....................................................................................19 1.2. Một số vấn đề lí luận về phát triển du lịch sinh thái .................................20 1.2.1. Các nguyên tắc của du lịch sinh thái .......................................................20 1.2.2. Các điều kiện phát triển du lịch sinh thái ................................................22 1.2.3. Những tác động lên môi trường của hoạt động du lịch sinh thái ............30 1.3. Thực tiễn phát triển DLST ở tiểu vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Đồng Nai ...............................................................................................................................35 1.3.1. Thực tiễn phát triển DLST ở vùng Đông Nam Bộ ..................................35 1.3.2. Thực tiễn phát triển du lịch sinh thái ở tỉnh Đồng Nai ...........................37 CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở HUYỆN VĨNH CỬU (TỈNH ĐỒNG NAI) ............ 39 2.1. Khái quát về huyện Vĩnh Cửu .....................................................................39 2.1.1. Khái quát về tự nhiên ..............................................................................39 2.1.2. Khái quát về kinh tế - xã hội ...................................................................40 2.2. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở huyện Vĩnh Cửu .......................44 2.2.1. Tài nguyên du lịch ...................................................................................44 2.2.2. Hệ thống CSHT và CSVCKT phục vụ du lịch ......................................55 2.2.3. Các điều kiện khác ..................................................................................61 2.3. Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái ở huyện Vĩnh Cửu ......................65 2.3.1. Khái quát về hoạt động kinh doanh du lịch.............................................65 2.3.2. Thực trạng phát triển DLST ....................................................................66 2.3.3. Tác động của DLST đến KTXH và cảnh quan môi trường ....................74 2.3.4. Phân tích tính bền vững của hoạt động DLST ở huyện Vĩnh Cửu .........76 CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DLST Ở HUYỆN VĨNH CỬU, TỈNH ĐỒNG NAI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG 85 3.1. Định hướng phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu theo hướng bền vững ...85 3.1.1. Cơ sở đề xuất định hướng phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu theo hướng bền vững ............................................................................................................85 3.1.2. Định hướng phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu theo hướng bền vững ...87 3.2. Các giải pháp chủ yếu để phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu theo hướng bền vững ...............................................................................................................95 3.2.1. Giải pháp về vốn đầu tư: .........................................................................96 3.2.2. Giải pháp cơ sở vật chất kĩ thuật và cơ sở hạ tầng: .................................97 3.2.3. Giải pháp bảo vệ môi trường:..................................................................98 3.2.4. Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: ..................................99 3.2.5. Giải pháp khuyến khích tham gia của cộng đồng địa phương: .............100 3.2.6. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: ..................................102 3.2.7. Giải pháp về quản lý: ............................................................................103 3.2.8. Giải pháp về marketing: ........................................................................104 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ .................................................................... 106 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 109 PHỤ LỤC ..................................................................................................... 111 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT CSHT : Cơ sở hạ tầng CSVC – KT : Cơ sở vật chất kỹ thuật DL : Du lịch DLST : Du lịch sinh thái HST : Hệ sinh thái KBT : Khu bảo tồn KTXH : Kinh tế - xã hội PTBV : Phát triển bền vững SPDL : Sản phẩm du lịch TNDL : Tài nguyên du lịch TNDLST : Tài nguyên du lịch sinh thái MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Hoạt động du lịch (DL) tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển không ngừng và đem lại những khoản thu nhập đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Trong tất cả các hoạt động DL đang được khai thác thì du lịch sinh thái (DLST) là loại hình mới hơn cả. Loại hình DL này đang được đánh giá là sẽ tạo nên sức hấp dẫn mới cho DL nước ta trong mắt du khách trong và ngoài nước. Mỗi vùng, mỗi địa phương có những thế mạnh riêng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn (các giá trị văn hóa bản địa) có thể khai thác để phát triển DLST. Vĩnh Cửu là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Đồng Nai, là địa phương có nhiều điểm DL hấp dẫn như Khu bảo tồn (KBT) Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai với các di tích Trung ương cục miền Nam, Khu ủy miền Đông - Chiến khu Đ, Địa đạo Suối Linh,… Ngoài ra còn có các điểm DLST khác như Làng bưởi Tân Triều, Đảo Ó Đồng Trường, Núi Đá Dựng,… cùng với các khu nghỉ dưỡng và làng người dân tộc,…đã dần tạo thành một quần thể phát triển DL đầy tiềm năng. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động DL nói chung và DLST nói riêng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng và chưa đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường về lâu dài. Việc phát triển DLST như thế nào để vừa khai thác được hết những thế mạnh về tài nguyên du lịch (TNDL) vừa đảm bảo được những nguyên tắc về phát triển DLST theo hướng bền vững là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự tìm hiểu nghiên cứu sâu về tiềm năng, hiện trạng cũng như đưa ra được những định hướng và giải pháp thiết thực. Với những lý do trên cùng mong muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển DL của địa phương, tác giả đã chọn đề tài ''Phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) theo hướng bền vững'' để làm luận văn Thạc sĩ. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu, đề xuất định hướng và các giải pháp chủ yếu để phát triển DLST ở địa phương đến năm 2020. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện được mục đích nghiên cứu trên đây, đề tài tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau: - Tổng quan cơ sở lý luận về DLST. - Phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu. - Đề xuất định hướng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu đến năm 2020 và các giải pháp thực hiện. 3. Giới hạn nghiên cứu - Về không gian lãnh thổ nghiên cứu: toàn bộ địa bàn huyện Vĩnh Cửu. - Về thời gian: + Phân tích thực trạng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu trong giai đoạn 20002010. + Đề xuất định hướng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu đến năm 2020. - Về nội dung nghiên cứu: đề tài chỉ tập trung nghiên cứu về loại hình DLST, không mở rộng sang các loại hình DL khác. Trong đó, tập trung chủ yếu vào phân tích tiềm năng và định hướng phát triển DLST, do trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu loại hình DLST mới đang ở giai đoạn đầu phát triển nên chưa có nhiều số liệu thống kê cụ thể, chính xác về thực trạng. 4. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tiềm năng và thực trạng hoạt động DLST ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu 5.1. Quan điểm nghiên cứu - Quan điểm hệ thống: Hệ thống lãnh thổ DL được hình thành từ 5 phân hệ: du khách, TNDL, công trình kỹ thuật, cán bộ nhân viên DL, và phân hệ điều hành. DLST là một trong những loại hình của DL, vì thế mỗi lãnh thổ có hoạt động DLST cũng là một hệ thống được cấu thành bởi các phân hệ trên. Việc nghiên cứu DLST theo quan điểm hệ thống giúp cho quá trình làm đề tài thuận lợi hơn trong việc nắm bắt và nhìn nhận đối tượng trong mối quan hệ phức tạp, đa chiều, tránh được những thiết sót xảy ra. - Quan điểm tổng hợp: Quan điểm này đòi hỏi quá trình nghiên cứu DLST phải đặt trong sự tương tác với các loại hình kinh tế - xã hội (KTXH) và khoa học kỹ thuật đương đại. Vì DL nói chung và DLST nói riêng là một ngành kinh doanh tổng hợp có sự liên quan tới nhiều ngành nghề, những lĩnh vực hoạt động khác nhau. Ngoài ra, nghiên cứu DLST cũng phải đặt trong sự tương tác với các loại hình DL khác. Phải xem xét đầy đủ các yếu tố tác động tới sự phát triển DLST trên địa bàn nghiên cứu. - Quan điểm kinh tế - sinh thái: DL là một trong những ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Mục tiêu của phát triển DL là nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng phải bảo tồn được HST, đây là hai mặt không thể tách rời đảm bảo cho sự phát triển bền vững (PTBV). Vận dụng quan điểm này và đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của môi trường, hạn chế tác động của DLST đến khả năng chịu đựng của môi trường, đảm bảo không phá vỡ sự cân bằng sinh thái trên địa bàn nghiên cứu. - Quan điểm phát triển bền vững: DLST muốn tồn tại và phát triển lâu dài với hiệu quả cao cần phải đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn và phát triển. Quán triệt quan điểm này để đề xuất định hướng và các giải pháp chủ yếu phát triển DLST trên địa bàn nghiên cứu theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. - Quan điểm hỗ trợ cộng đồng địa phương: Đối với DLST, vai trò của cộng đồng địa phương là hết sức quan trọng vì chính họ là người chủ đích thực của những giá trị văn hóa bản địa. Sự ủng hộ, giúp đỡ, ý thức trách nhiệm trong tham gia bảo vệ nguồn TNDL của cộng đồng địa phương sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho phát triển DLST. Do đó, những lợi ích kinh tế từ hoạt động DL một phần phải được phục vụ cho công tác bảo tồn và hỗ trợ kinh tế cộng đồng địa phương. 5.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp thu thập và xử lý tư liệu: Trong quá trình nghiên cứu ta cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn tài liệu có liên quan đến đề tài, sau đó phân loại, xử lý và lọc ra các thông tin đáng tin cậy nhất. - Phương pháp tiếp cận và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu DL vì hệ thống lãnh thổ DL bao gồm nhiều phân hệ. Việc vận dụng phương pháp này trong nghiên cứu đề tài cho phép đánh giá chính xác các điều kiện phát triển DLST trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố chủ yếu như TNDL, cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVC – KT), cơ sở hạ tầng (CSHT), nguồn nhân lực DL,… và đánh giá đúng thực trạng khai thác TNDL cũng như mối quan hệ qua lại giữa các phân hệ trong hệ thống lãnh thổ DL, để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp. - Phương pháp khảo sát thực địa: Để có cái nhìn khách quan và xác thực về vấn đề nghiên cứu, cần phải khảo sát thực tế nhằm tìm hiểu, đánh giá và kiểm chứng tình hình hoạt động DL, chất lượng sản phẩm DLST trên địa bàn nghiên cứu. Từ đó có thể đề xuất định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện có tính khả thi. - Phương pháp phân tích xu thế: Dựa vào quy luật vận động trong quá khứ, hiện tại để dự báo được hướng phát triển trong tương lai của hoạt động DLST ở địa bàn nghiên cứu. - Phương pháp chẩn đoán sinh thái: Phương pháp này thích hợp để áp dụng cho việc thiết lập các dự án, các KBT tự nhiên, các vườn quốc gia. Mục tiêu nhằm soạn thảo các chiến lược DLST cho các vườn quốc gia, các KBT tự nhiên để quản lý, khai thác và bảo vệ tối ưu, tạo cơ hội giải quyết việc làm và đem lại nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương, tạo cơ hội giáo dục môi trường cho du khách. Tác giả vận dụng phương pháp này trong đề tài để đánh giá TNDLST và đề ra biện pháp khai thác, quản lý tài nguyên tự nhiên một cách có hiệu quả nhất. - Phương pháp chuyên gia: Nội dung nghiên cứu DLST có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Vì thế, trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã xin ý kiến của các cán bộ quản lý DL ở huyện Vĩnh Cửu, Sở văn hóa – thể thao – du lịch tỉnh Đồng Nai và một số nhà nghiên cứu về DLST. Từ đó, tác giả đề tài đã tổng hợp và xử lý thông tin hiệu quả hơn, cũng như đưa ra các định hướng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu và các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương. - Phương pháp bản đồ: Đây là phương pháp nghiên cứu đặc thù của Địa lí học. Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nghiên cứu và khai thác thông tin trên một số bản đồ: Bản đồ hành chính, Bản đồ hệ thống thủy văn, Bản đồ hạ tầng giao thông và mạng lưới điện, Bản đồ tổng thể hiện trạng kinh tế - xã hội,… huyện Vĩnh Cửu. Kết quả nghiên cứu đề tài cũng được thể hiện trên hệ thống bản đồ, gồm: Bản đồ TNDL, Bản đồ TNDLST huyện Vĩnh Cửu, Bản đồ quy hoạch cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu. - Phương pháp điều tra xã hội học: Để xác định mức độ hài lòng của du khách khi tham gia hoạt động DLST trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, mức độ hài lòng của người dân địa phương với hoạt động DL đang diễn ra, cũng như làm cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng, đề xuất định hướng phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu theo hướng bền vững thì tác giả đã tiến hành phát phiếu điều tra với hệ thống câu hỏi được chuẩn bị sẵn (Phụ lục 7) cho tổng cộng 90 khách DL và 60 người dân địa phương. (Tổng số phiếu phát ra là 150 phiếu, tổng số phiếu thu vào là 150 phiếu). 6. Lịch sử nghiên cứu vấn đề DLST là loại hình DL vẫn còn khá mới mẻ đối với nước ta nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng nên các nghiên cứu về cơ sở lí luận của loại hình DL này chưa nhiều. Cho đến nay có một số công trình nghiên cứu tiêu biểu sau: -''Du lịch bền vững'' của PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe (2002). Nội dung cuốn sách đã đi sâu vào nghiên cứu về DLST bền vững. - ''DLST - Những vấn đề lý luận và thực tiển phát triển ở Việt Nam'' của Phạm Trung Lương (2002). - ''Du lịch và du lịch sinh thái'' của Thế Đạt (2003) - ''Du lịch sinh thái'' của GS.TSKH. Lê Huy Bá (2006). - ''Giải pháp cho phát triển DLST Việt Nam'' của Lê Văn Lanh (Tạp chí ''Du lịch Việt Nam'', (số 9), năm 2010) - ''Tiềm năng DLST ở Việt Nam'' của Hà Bích Huyền (Tạp chí ''Quản lý văn hóa thể thao du lịch'' (số 33), năm 2011) Ngoài ra còn có nhiều tài liệu, đề tài nghiên cứu khác về hoạt động DLST tại Việt Nam. Đối với huyện Vĩnh Cửu nói riêng có một số nghiên cứu đề cập đến phát triển DL và DLST ở địa phương như sau: - ''Huyện Vĩnh Cửu – Cơ hội phát triển DLST'' của tác giả Tường Vi trên báo điện tử Trustreal tháng 3/2012. - ''Huyện Vĩnh Cửu – Lấy dịch vụ, đô thị, DL làm động lực phát triển kinh tế'' của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tháng 4/2012. - ''Tiềm lực phát triển DLST tại huyện Vĩnh Cửu'' của Tường Vi (2012). - ''Phát triển DL huyện Vĩnh Cửu - Tiềm năng chưa khai thác hết'', Báo Đồng Nai, 2012. - ''Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2010 - 2020'' của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Cửu . Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan đến phát triển DL huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) nói chung hoặc chỉ thiên về giới thiệu các thắng cảnh đẹp ở địa phương, chưa đề cập sâu đến vấn đề phát triển DLST trên cơ sở lý luận về loại hình DL này. Do vậy, tác giả chọn đề tài ''Phát triển DLST huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai theo hướng bền vững'' nhằm mục đích nghiên cứu phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu trên cơ sở lý luận chuyên ngành và tiếp cận dưới góc độ Địa lí học để đánh giá, nhận xét và đề xuất định hướng cùng các giải pháp thực hiện để DLST huyện Vĩnh Cửu phát triển có hiệu quả hơn trong tương lai. 7. Bố cục luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn được chia thành 3 chương sau: - Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn về DLST và phát triển bền vững DLST. - Chương 2: Tiềm năng và thực trạng phát triển DLST ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. - Chương 3: Định hướng phát triển DLST theo hướng bền vững ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đến năm 2020 và các giải pháp thực hiện. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH SINH THÁI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH SINH THÁI 1.1. Các khái niệm 1.1.1. Du lịch Hoạt động DL đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Ngay từ thời kỳ Cổ đại với các nền văn hóa lớn như Ai Cập, Hy Lạp, đã xuất hiện hình thức DL. Tuy nhiên đó chỉ là hoạt động mang tính tự phát, như các cuộc hành hương về các thánh địa, đền chùa, các nhà thờ Kito giáo, hay các cuộc du ngoạn của các vua chúa và quý tộc,… Đến thế kỷ XVIII, thời kỳ Phục Hưng ở các nước Châu Âu, KTXH phát triển, theo đó các lĩnh vực như thông tin, giao thông vận tải cũng phát triển nhanh chóng đã tạo điều kiện thúc đẩy DL phát triển mạnh mẽ. Đến thời kỳ hiện đại, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự ra đời của các phương tiện giao thông mới cho phép con người có thể đi từ nơi này đến nơi khác trong thời gian ngắn,… thì DL lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy hoạt động DL đã có nguồn gốc hình thành từ lâu và phát triển với tốc độ nhanh chóng, song cho đến nay quan niệm về DL vẫn còn có sự khác nhau tại nhiều quốc gia, cụ thể như sau: - Ở nước Anh, DL xuất phát từ ''To Tour'' có nghĩa là cuộc dạo chơi (Tour round the world - cuộc đi vòng quanh thế giới; To go for tour round the town - cuộc dạo quanh thành phố; Tour of inspection - cuộc kinh lý kiểm tra,…). - Ở Pháp, từ DL bắt nguồn từ Le Tour có nghĩa là cuộc dạo chơi, dã ngoại,… - Theo Tổ chức DL Thế giới (World Tourist Organization) thì: DL bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. DL cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư. [20] Theo nhà Sử học Trần Quốc Vượng, DL được hiểu như sau: Du có nghĩa là đi chơi; Lịch là lịch lãm, từng trải, hiểu biết,… như vậy DL được hiểu là việc đi chơi nhằm tăng thêm kiến thức. [4] - Theo Điều 4, Chương 1 của Luật du lịch Việt Nam (do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 14/6/2005): DL là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định [11] Đúng như một chuyên gia DL nhận định: ''Đối với DL có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa''. Nhưng tổng hợp lại ta thấy khái biệm DL hàm chứa các yếu tố cơ bản sau: - DL là một hiện tượng KTXH. - DL là sự di chuyển và tạm thời lưu trú ngoài nơi ở thường xuyên của các cá nhân hoặc tập thể nhằm thoả mãn các nhu cầu đa dạng của họ. - DL là tập hợp các hoạt động kinh doanh phong phú và đa dạng nhằm phục vụ cho các cuộc hành trình, lưu trú tạm thời và các nhu cầu khác của cá nhân hoặc tập thể khi họ ở ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Các cuộc hành trình, lưu trú tạm thời của cá nhân hoặc tập thể đó đều có một số mục đích nhất định, trong đó có mục đích hoà bình. 1.1.2. Du lịch sinh thái DLST (Ecotourism) là một khái niệm còn tương đối mới mẻ và đang là mối quan tâm của nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho đến nay đã có khá nhiều định nghĩa về DLST. Nhìn chung, khái niệm DLST đã có những thay đổi từ chỗ đơn thuần chỉ xem hoạt động DLST là loại hình DL ít tác động đến môi trường tự nhiên sang cách nhìn tích cực hơn là loại hình DL có trách nhiệm với môi trường, có tính giáo dục và diễn giải cao về tự nhiên, có đóng góp cho hoạt động bảo tồn và đem lợi ích cho cộng đồng địa phương. Có thể đề cập đến một số khái niệm về DLST như sau: - Theo Karen ziffer’s (1989): DLST là một dạng DL mà các đối tượng hấp dẫn là hệ sinh vật và cả nền văn hóa bản địa. Du khách đến những vùng tương đối còn hoang sơ, hoặc chưa được phát triển với tinh thần thưởng thức, tham quan tìm hiểu và tìm cảm xúc. Đây là một hình thức du khách sử dụng mà không tiêu thụ các loài thú hoang dã và các tài nguyên thiên nhiên khác; du khách cũng góp phần vào công tác bảo tồn và cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương thông qua lao động hoặc các phương tiện tài chính.[12] - Theo Wood (1991): DLST là DL đến các khu vực còn tương đối hoang sơ với mục đích tìm hiểu về lịch sử môi trường tự nhiên và văn hóa mà không làm thay đổi sự toàn vẹn của các HST. Đồng thời tạo những cơ hội về kinh tế để ủng hộ việc bảo tồn tự nhiên và mang lợi ích về tài chính cho nhân dân địa phương.[12] - Theo Hiệp hội DLST Quốc tế: DLST là DL có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương.[20] - Theo Điều 4, khoản 19, Luật du lịch Việt Nam (2005): DLST là hình thức DL dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm PTBV.[11]. Định nghĩa này được xem là bước mở đầu thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển DLST ở Việt Nam. 1.1.3. Tài nguyên du lịch sinh thái TNDLST là một bộ phận quan trọng của TNDL, bao gồm các giá trị tự nhiên thể hiện trong một HST cụ thể và các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển không tách rời HST tự nhiên đó. Tuy nhiên không phải mọi giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa đều được coi là TNDLST mà chỉ những thành phần và các thể tổng hợp tự nhiên, các giá trị văn hóa bản địa gắn với một HST cụ thể được khai thác, sử dụng để tạo ra các sản phẩm DLST, phục vụ cho mục đích phát triển DLST mới được xem là TNDLST. TNDLST gồm tài nguyên đang được khai thác và tài nguyên chưa khai thác. Nhìn chung TNDLST rất đa dạng và phong phú. Một số TNDLST chính thường được khai thác và phục vụ nhu cầu của du khách gồm: - Các HST tự nhiên điển hình và đa dạng sinh học (khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, KBT thiên nhiên,…) - Các TNDLST đặc thù (miệt vườn, sân chim,…) - Các giá trị văn hóa bản địa có sự hình thành và phát triển gắn liền với sự tồn tại và phát triển HST tự nhiên như: các phương thức canh tác, các lễ hội, sinh hoạt truyền thống dân tộc,… 1.1.4. Phát triển bền vững PTBV là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó. Thuật ngữ PTBV xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm ''Chiến lược bảo tồn Thế giới'' (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".[20] Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban môi trường và phát triển thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: PTBV là "Sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". [20] Theo Tổ chức ngân hàng phát triển Châu Á (ADB): ''PTBV là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai''. [20] Tựu chung lại, có thể hiểu PTBV là sự phát triển phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng, môi trường được bảo vệ, gìn giữ và sự phát triển này cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần KTXH, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay cùng nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường. 1.1.5. Du lịch sinh thái bền vững Như chúng ta đã biết, DL dựa trên cơ sở khai thác các lợi thế từ tự nhiên là hình thức phát triển DL nhanh nhất trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay những nước nào biết kết hợp giữa phát triển DL, bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng địa phương sẽ là những nước thu được nhiều lợi ích nhất trong hoạt động DL. Song song với quá trình phát triển cần phải luôn luôn nhấn mạnh đến yếu tố bền vững theo nguyên tắc phù hợp với DLST, tức là phải phát triển DLST bền vững. DLST bền vững được hiểu là việc phát triển các hoạt động DL nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách DL và người dân bản địa trong khi đó vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên và phát triển DL trong tương lai. DLST bền vững đưa ra kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội và thẩm mỹ của con người, mặt khác vẫn duy trì được sự toàn vẹn về mặt xã hội, sự đa dạng về sinh học, sự phát triển của các HST và các hệ thống hỗ trợ cho con người. Phát triển DLST bền vững cần tính đến các yếu tố: - Mối quan hệ giữa bảo tồn tài nguyên tự nhiên, môi trường và lợi ích kinh tế. - Quá trình phát triển trong thời gian lâu dài. - Đáp ứng được nhu cầu hiện tại, song song đó, không gây ảnh hưởng đến nhu cầu của những thế hệ trong tương lai.  Nguyên tắc phát triển DLST bền vững:
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan