Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống mỹ...

Tài liệu Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống mỹ

.PDF
58
117
97

Mô tả:

Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ PHẦN I: MỞ ĐẦU ^Ö^ I. Lý do chọn đề tài Lòng yêu nước vốn là truyền thống tinh thần tốt đẹp bao đời của dân tộc Việt Nam. Nói như chủ tịch Hồ Chí Minh: “đó là thứ của quý, bấy lâu nay phải cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm nay nhờ cách mạng được đem ra trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê ”. [ 5 . 152 ] Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, nhiều thế hệ người cầm bút luôn hướng về quê hương, đất nước. Vì thế khi đất nước có giặc ngoại xâm, họ đã hăng hái lên đường tham gia vào công cuộc đấu tranh chung, để giải phóng dân tộc. Là chiến sĩ đồng thời cũng là thi sĩ, các nhà thơ quan niệm rằng: thơ ca là phải phục vụ cách mạng, phục vụ lý tưởng của Đảng. Cho nên mọi sự kiện, mọi vấn đề lớn nhỏ của đời sống cách mạng, thông qua trái tim nhạy cảm của các nhà thơ đều trở thành đề tài và khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Những trang thơ thời chống Mỹ đã làm trỗi dậy trong chúng ta những cảm xúc tự hào về Tổ quốc và nhân dân anh hùng, càng thêm mến phục những con người quả cảm không tiếc xương máu hy sinh thân mình cho Tổ quốc được hồi sinh. Thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khắc hoạ được nhiều hình tượng nổi bật như: hình tượng lãnh tụ, hình tượng người chiến sĩ, hình tượng nhân dân… Trong đó, hình tượng đất nước là một “hình tượng đẹp đẽ được xây thành công vào loại bậc nhất” [ 19 . 96]. Như vậy có thể khẳng định: hình tượng đất nước trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ giữ một vị trí, vai trò đáng kể và mang vẻ đẹp riêng của nó, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển có tính biện chứng của thơ ca truyền thống dân tộc. Tuy nhiên qua các công trình nghiên cứu về văn học thời kỳ chống Mỹ, hình tượng đất nước chỉ mới được đề cập đến chứ chưa trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt. Đề tài này được thực hiện xuất phát từ yêu cầu bổ sung nguồn tư liệu còn khá tản mạn và hạn chế về thơ ca kháng chiến chống Mỹ nói chung và hình tượng đất nước nói riêng. Có thể nói so với số lượng tác phẩm, tuyển tập thơ ra đời khá đồ sộ thì tư liệu phê bình nghiên cứu về nó quá ít ỏi, không tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Việc nghiên cứu hình tượng đất nước trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không chỉ cung cấp thêm vốn tư liệu cần thiết cho tôi và các giáo viên Ngữ văn khác trong quá trình giảng dạy mà còn giúp tôi khám phá ra cái hay cái đẹp của hình tượng văn học, hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam trong những năm đau thương mà rất đỗi hào hùng. Qua đó sẽ giúp người đọc bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc thêm sâu sắc. Và mỗi thế hệ thanh niên hôm nay sẽ bước tiếp con đường mà cha ông đã đi, đó là con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trần Thị Thanh Tuyền 1 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ II. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tuy nhiên mỗi công trình lại nghiên cứu một vấn đề khác nhau. Đề cập đến hình tượng đất nước, ta thấy có những công trình đáng lưu ý sau: 1. Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại (1945 - 1975) Nguyễn Duy Bắc - NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội - 1998 : sách đã tập trung miêu tả hình tượng Tổ quốc qua các biểu trưng, mô típ được lặp lại và các hình ảnh tượng trưng khác vừa có tính chất truyền thống vừa có tính cách tân, đổi mới. Đó là các biểu trưng về Tổ quốc trong cái nhìn sinh thái - nhân văn, trong chiều sâu văn hóa lịch sử và trong hình ảnh nhân dân. Tổng kết, hệ thống hóa các biểu trưng của hình tượng Tổ quốc trong tác phẩm này, ta thấy trong tâm thức người Việt Nam, Tổ quốc là môi trường sinh thái của con người xét cả trong ý nghĩa xã hội lẫn ý nghĩa thiên nhiên. Tổ quốc, trước hết là làng quê, mái rạ, cánh đồng, bến sông, lũy tre, rộng ra là dòng sông, bầu trời, đất nước, là con đường nối các vùng quê, sâu hơn, Tổ quốc là môi trường văn hóa, là lịch sử, nhân dân, con người. Qua đây, hình tượng Tổ quốc được thể hiện mang nhiều sáng tạo mới. Tuy nhiên yếu tố truyền thống vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc sáng tạo hình tượng Tổ quốc của các nhà thơ, với những sắc thái và diện mạo quen thuộc. Đặc biệt trong tác phẩm này, hình tượng Tổ quốc được khám phá từ các tác phẩm thơ của cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 2. Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 - 1975 - Vũ Duy Thông - NXB giáo dục - 1998. Tác giả cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về những biểu hiện của hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến. Đồng thời, tác giả cũng sử dụng những dẫn chứng cụ thể trong một số tác phẩm thơ của các nhà thơ tiêu biểu như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyễn Khoa Điềm… để dẫn chứng, minh họa cho các nhận định của mình. Nhưng những nhận định của tác giả mang tính khái quát cho cả dòng thơ kháng chiến chứ không riêng cho thơ kháng chiến chống Mỹ. 3. Lịch sử văn học Việt Nam tập 3 - Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) NXB Đại học Sư phạm - 2002. Tác phẩm có nói đến hình ảnh đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ nhưng chỉ đề cập thoáng qua. Bởi mục đích của tác giả khi viết cuốn giáo trình này nhằm khái quát đặc điểm của văn học, dựa trên sự hình thành các thể loại. Qua thành tựu, đóng góp của một số cây bút tiêu biểu, từ đó mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về diện mạo và quy luật phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. 4. Hình tượng đất nước trong thơ ca kháng chiến của Tố Hữu - khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Huỳnh Ngọc Nguyên Hồng - Lớp DH2C1 - thực hiện năm 2005. Khoá luận đã đi sâu nghiên cứu, phân tích các tác phẩm thơ tiêu biểu trong 5 tập thơ của Tố Hữu: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa. Đồng thời đối chiếu, so sánh nội dung, nghệ thuật biểu hiện hình tượng đất nước trong các Trần Thị Thanh Tuyền 2 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ tác phẩm thơ của một số tác giả như: Phan Bội Châu, Tản Đà, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Bao… Qua khoá luận, hình tượng đất nước đã hiện lên một cách sắc nét, sinh động giúp cho người đọc có cái nhìn rõ, sâu sắc hơn về nội dung biểu hiện và nghệ thuật xây dựng hình tượng đất nước trong thơ Tố Hữu. Khoá luận cũng góp phần khẳng định tài năng, vai trò của Tố Hữu đối với sự phát triển nền thơ ca cách mạng của dân tộc; giá trị của thơ ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong thời đại ngày nay. Mặc dù khoá luận đi sâu khám phá hình tượng đất nước trong các tác phẩm thơ của một thi sĩ từng được mệnh danh là “con chim đầu đàn” của thơ ca cách mạng Việt Nam nhưng chưa đủ để khái quát, nhận diện đầy đủ về đặc trưng của hình tượng đất nước trong thơ ca thời kỳ này. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đây tuy chưa đi sâu tìm hiểu biểu hiện của hình tượng đất nước, nhưng đều là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận khoá luận này. III. Mục đích nghiên cứu Việc nghiên cứu hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ nhằm những mục đích sau : 1.Khám phá những biểu hiện về nội dung và nghệ thuật xây dựng hình tượng đất nước. Qua đó khẳng định những đóng góp của thơ ca thời kỳ chống Mỹ. 2. Bổ sung kiến thức về thơ kháng chiến chống Mỹ. Vận dụng kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy. IV. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 1. Đối tượng nghiên cứu: hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ 2. Phạm vi nghiên cứu: Khoá luận chỉ đi sâu nghiên cứu, phân tích hình tượng đất nước trong một số tác phẩm thơ tiêu biểu của giai đoạn này. V. Phương pháp nghiên cứu Nhìn chung, khi tiến hành nghiên cứu hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ tôi đã sử dụng một số phương pháp sau : 1. Phương pháp hệ thống tư liệu Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, tiến hành phân loại, sắp xếp những tác phẩm thơ theo từng phạm vi biểu hiện của hình tượng đất nước. Lựa chọn tác giả, những bài, đoạn thơ hay, phù hợp để làm dẫn chứng cho những nhận định nghiên cứu. Trần Thị Thanh Tuyền 3 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ 2. Phương pháp phân tích tổng hợp Phân tích những câu thơ, đoạn thơ phù hợp để làm nổi bật những biểu hiện của hình tượng đất nước, làm sáng tỏ những nhận định nghiên cứu được trình bày trong khoá luận. VI. Cấu trúc khoá luận Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung của khóa luận gồm có 3 chương: Chương I: Khái quát về diện mạo và đặc điểm thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ I. Diện mạo của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ II. Những đặc điểm chính của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1. Thơ ca tập trung phản ánh hiện thực công cuộc đấu tranh của dân tộc 2. Ý thức công dân, sự gắn bó của nhà thơ - người chiến sĩ với nhân dân, đất nước 3. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Chương II : Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ I. Đất nước vốn là những gì gần gũi thân quen 1. Đất nước trong chiều sâu văn hoá, lịch sử 2. Đất nước - làng quê hiền hoà, bình dị mến thương II. Đất nước trong đau thương máu lửa nhưng rất đỗi hào hùng 1. Quân thù giày xéo quê hương 2. Đất nước vùng lên quật khởi, kiên cường III. Đất nước tươi đẹp 1. Đất nước đẹp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 2. Đất nước đẹp trong chiến đấu và chiến thắng Chương III : Nghệ thuật xây dựng hình tượng đất nước I. Thể loại thơ 1. Thơ tự do 2. Trường ca II. Ngôn ngữ thơ 1. Sự tiếp nhận các yếu tố khẩu ngữ, yếu tố văn xuôi 2. Vận dụng sáng tạo các biện pháp tu từ III. Hình ảnh thơ 1. Hình ảnh bà mẹ Trần Thị Thanh Tuyền 4 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ 2. Hình ảnh màn đêm 3. Hình ảnh ngọn đèn - ngọn lửa VII. Đóng góp của khoá luận 1. Khóa luận giúp cho người đọc có cái nhìn hệ thống hơn về nội dung biểu hiện hình tượng đất nước trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 2. Qua việc tìm hiểu nội dung khoá luận, người đọc sẽ bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc thêm sâu sắc. Từ đó có ý thức tu dưỡng bản thân, sống có ích cho gia đình và xã hội để xứng đáng với truyền thống của cha ông. Đồng thời, khoá luận còn góp phần khẳng định vai trò to lớn của thơ ca kháng chiến chống Mỹ trong sự phát triển của văn học hiện đại nói riêng và nền văn hoá dân tộc nói chung. 3. Trong chừng mực nào đó, khoá luận cũng đóng góp vào kho tài liệu của tổ bộ môn để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của thầy cô và sinh viên chuyên ngành Ngữ văn. Trần Thị Thanh Tuyền 5 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ PHẦN II: NỘI DUNG ^Ö^ CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT VỀ DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM THƠ THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ I. Diện mạo của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành cho máy bay ném bom B52, bắn phá miền Bắc nước ta. Cuộc kháng chiến chống Mỹ mở rộng trên địa bàn cả nước. Cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đặt nhân dân ta trước những thử thách vô cùng ác liệt, gay gắt, đòi hỏi huy động triệt để mọi nguồn lực tinh thần và lực lượng của cả dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Cho nên, văn học trong thời kỳ này phải trở thành một vũ khí tinh thần quan trọng, phục vụ cho những mục tiêu cao cả và sống còn của dân tộc. Nền văn học cách mạng qua hai mươi năm hình thành và phát triển đã nhanh chóng nhập cuộc, đứng vào đội ngũ chung của dân tộc trong cuộc ra quân vĩ đại. Và hơn bao giờ hết các nhà văn, nhà thơ cần xác định đây là giai đoạn thử thách cao nhất mà mỗi người phải tự vươn mình lên trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Chế Lan Viên hẳn rất tâm đắc về vị trí và tư thế của người cầm bút lúc bấy giờ : Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi. (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên) Các văn nghệ sĩ đều có những chuyến đi bám sát các trận địa, các vùng chiến sự ác liệt ngay trên miền Bắc, nhiều người được điều động bổ sung cho lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Nhiều người viết thực sự vừa cầm súng vừa cầm bút, không ít nhà văn đã hy sinh ở chiến trường trong tư cách của người chiến sĩ. Họ hy sinh nhưng hình ảnh của họ sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân, họ mất mà như vẫn sống, sống hào hùng mãi : Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hóa thành bất tử (Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu) Đặc trưng của văn học là phản ánh hiện thực. Do đó, hiện thực đời sống chống Mỹ với tất cả những nét khác nhau đã được thể hiện một cách chân thực, đúng với tầm vóc lớn lao của nó trong văn học. Đó là yêu cầu, là đòi hỏi của lịch sử, thời đại. Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu thơ nhưng “lịch sử thơ ca dân Trần Thị Thanh Tuyền 6 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ tộc chưa bao giờ biết đến một thời kỳ nào mà thơ lại có một cuộc sống phong phú và sôi nổi đến thế” [ 13 . 117 ] . Thơ có mặt ở khắp mọi nơi: trên chiến hào đánh giặc, trên ba lô hành quân ra trận, trên các tờ báo, trong những đêm liên hoan văn nghệ. Trong vòng 10 năm (1965 - 1975), đã diễn ra bốn cuộc thi thơ trong không khí sục sôi bom đạn nhưng cũng vô cùng náo nhiệt bởi những chiến công vang dội của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc. Thơ ca đã bám sát hiện thực và phản ánh trung thành những sự kiện lớn lao của đất nước, phản ánh sự chiến đấu dũng cảm của quân đội và nhân dân anh hùng. Thơ đã ghi lại được nhiều hình ảnh về đất nước, con người trong những năm tháng không thể nào quên. Thơ ca thời kỳ này không ngần ngại cất thành lời kêu gọi, khẩu hiệu, mệnh lệnh tiến công : Giặc Mỹ mày đến đây, thì ta tiêu diệt ngay (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên) Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào xuân 68 (Xuân 68 - Tố Hữu) Trong thơ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta thường gặp hình ảnh con đường ra trận, những cuộc lên đường với khát vọng chiến đấu và niềm tin tưởng tất thắng : Đường ra trận mùa này đẹp lắm Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây (Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật) Cuộc đời trải mút mắt ta Lối mòn nhỏ cũng dần ra chiến trường Cuộc chiến tranh càng lan rộng và quyết liệt, thơ càng bám sát hiện thực chiến tranh, phản ánh nhiều hình ảnh cụ thể chân thực và sinh động. Không chỉ bám sát hiện thực, cuộc chiến đấu qua những hình ảnh, chi tiết cụ thể như đã nêu trên, thơ chống Mỹ còn kịp thời ghi nhận những sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng trong đời sống chính trị, tư tưởng. Theo hướng đó, thơ ca thời kỳ này giàu tính thời sự và đậm chất chính luận. Các nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… đều chuyển mạch theo hướng thơ chính luận, khuynh hướng ấy cũng chi phối cả lớp nhà thơ trẻ được sinh ra và lớn lên dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa như: Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo…Nhìn vào diện mạo chung của thơ ca thời kỳ này, ta thấy rõ một điều là chưa bao giờ dân tộc ta có một đội ngũ nhà thơ và người làm thơ đông đảo, sung sức đến như vậy. Tuy sự đóng góp của các thế hệ nhà thơ chưa thật đồng đều nhưng mỗi thế hệ đều có mặt mạnh và đặc điểm riêng không thể thay thế được. Họ đều có ý thức rút ngắn khoảng cách giữa thơ và cuộc sống, nâng mình lên ngang tầm thời đại để thơ của mình có khả năng bao quát hiện thực, xây dựng những hình tượng, Trần Thị Thanh Tuyền 7 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ biểu hiện những tình cảm lớn của thời chống Mỹ. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng, họ thường suy nghiệm về đất nước và dân tộc anh hùng. Tổ quốc thường được khám phá, nhìn nhận trong chiều sâu lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc. Cuộc chiến đấu với một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất của thời đại đòi hỏi dân tộc không chỉ phát huy sức mạnh của hiện tại mà còn biết khơi dậy sức mạnh của quá khứ, lịch sử : Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi Một cây ná, một mũi chông cũng tiến công giặc Mỹ (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu) Các nhà thơ còn hướng tới việc khám phá Tổ quốc và dân tộc trong bề rộng của không gian, trong mối liên hệ với thời đại, với các dân tộc bè bạn năm châu : Đi trước thời gian, đánh thức buổi bình minh Thúc thời đại tiến nhanh lên một bước Ta đứng ở trung tâm của phong trào chống Mỹ Nhìn bốn phương vẫy gọi cả loài người (Quyết thắng - Sóng Hồng) Ta vì ta ba chục triệu người Cũng vì ba ngàn triệu trên đời (Miền Nam - Tố Hữu) Thơ của họ mang tính triết lý, luận bàn về thời cuộc chính trị và thế thất bại tất yếu của kẻ thù, đề cập đến các sự kiện, các vấn đề nóng bỏng của cuộc chiến đấu để phân tích, tìm ra câu trả lời, đem đến cho người đọc một cách nhìn cách hiểu. Thơ của họ đã phản ánh được số phận, vận mệnh chung của cộng đồng, dân tộc, tuy nhiên, họ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nhận thức và tình cảm của người đọc. Sự xuất hiện của lớp nhà thơ trẻ đã đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một tiếng nói mới, tươi trẻ, khoẻ khoắn: Tiếng nói của một thế hệ sinh ra và lớn lên trong cái nôi của cách mạng. Tiếng nói của những người trực tiếp xung kích trên mặt trận chống quân thù. Tiếng nói của họ đã thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của nền thơ chống Mỹ. [ 3 . 75 ] Thơ ca những năm kháng chiến chống Mỹ vừa kế thừa những thành tựu xuất sắc của chặng đường thơ cách mạng kể từ sau cách mạng tháng tám năm 1945 vừa có những đặc điểm riêng. II. Những đặc điểm chính của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1. Thơ ca tập trung phản ánh hiện thực công cuộc đấu tranh của dân tộc Hiện thực cách mạng là nguồn sáng tạo vô tận đối với thơ ca. Thực tế cách mạng đã đem cuộc sống với toàn bộ sự phong phú, đa dạng của nó vào làm giàu Trần Thị Thanh Tuyền 8 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ cho thơ. Khác với những sáng tác thơ ca thời kỳ trước cách mạng - những bài thơ có tính chất thoát ly, xa thực tế, những sáng tác thơ sau cách mạng đã trực tiếp đề cập những vấn đề nóng hổi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang ý nghĩa và tầm vóc của thời đại. Hiện thực đời sống chiến tranh hơn bao giờ hết lấp lánh chất thơ. Và cũng hơn bao giờ hết hiện thực chiến tranh tràn vào thơ một cách ồ ạt từ những sự kiện lịch sử to lớn, những thử thách của đời sống chiến trường, phút giáp mặt trong chiến đấu, những tổn thất đau thương, những kỳ tích anh hùng đến những chi tiết hết sức bình thường của cuộc sống. Các nhà thơ hầu hết là những chiến sĩ đi vào cuộc chiến tranh, ở giữa cuộc chiến tranh, trực tiếp tham gia chiến đấu, giáp mặt với kẻ thù. Cho nên hơn ai hết, họ hiểu rất rõ hiện thực cuộc đấu tranh của dân tộc. Hoà trong không khí của thời đại chống Mỹ, trong sức sống mãnh liệt của dân tộc, các nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc hơi thở cũng như niềm vui, nỗi buồn của nhân dân. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói hộ thế hệ mình bao cảm nhận về sự kỳ vĩ của dân tộc - thời đại - lịch sử : Trong chiến tranh này có ai nói giùm ta Những kỳ diệu của một mùa nước lớn. Phản ánh hiện thực không có nghĩa là sao chép, mô phỏng, chụp ảnh một cách máy móc mà nhà thơ phải lựa chọn sự kiện, chi tiết để đem vào thơ, từ đó nắm bắt được cái cốt lõi của các vấn đề trong cuộc sống. Các nhà thơ đã đưa vào thơ những chi tiết bình thường và những chi tiết nói về cái dữ dội, ác liệt của cuộc chiến đấu chống Mỹ; đồng thời qua đó, các nhà thơ còn khắc hoạ được vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam dù trong khó khăn, nguy hiểm vẫn tin tưởng, lạc quan, yêu thương đùm bọc nhau để trông chờ ngày đất nước toàn thắng. Mỗi tác giả đã khai thác một khía cạnh khác nhau của cuộc sống, nhưng nhìn chung, họ đã nhìn ra chất thơ ẩn giấu trong những chi tiết rậm rạp của cuộc sống trong những tháng ngày ác liệt của cuộc chiến tranh. [ 3. 31] 2. Ý thức công dân, sự gắn bó của nhà thơ - người chiến sĩ với nhân dân, đất nước Mỹ tấn công miền Bắc đã chạm đến tình cảm sâu xa và thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, làm bừng dậy sức mạnh lớn lao của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí độc lập tự do. Những tình cảm lớn ấy đã trở thành nguồn mạch cho cảm hứng thi ca. Các nhà thơ tạm thời bỏ một số đề tài và cảm hứng về đời sống thường ngày trong hoà bình, hay những vấn đề riêng tư để tập trung ngòi bút của mình vào chủ đề chống Mỹ cứu nước. Thơ ca giai đoạn này gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc và trở thành một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp đấu tranh ấy. Nó hướng vào phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị, theo sát các diễn biến của cuộc kháng chiến, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những tấm gương tiêu biểu cho cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam Bắc. Trần Thị Thanh Tuyền 9 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đặt ra cho người cầm bút những nhiệm vụ mới cao quý: phải là người xây dựng pháo đài tâm hồn nhân dân, phải chú ý rèn luyện thường xuyên nâng cao chất lượng tác phẩm, phải nêu lên vấn đề của thời đại, hướng mọi tình cảm vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc, phải có sức khái quát cao, giàu những hình ảnh cụ thể sinh động của cuộc đời đầy chất anh hùng ca, lạc quan và trữ tình, làm sáng tỏ những mục đích cao quý của cuộc chiến đấu, phải tác động vào tình cảm nâng cao năng lực và ý chí bất khuất để giành chiến thắng. Nhận nhiệm vụ là người phát ngôn cho thời đại, với hai vũ khí trong tay: cây súng và cây bút, đội ngũ ấy ra quân với một khí thế sục sôi tràn trề cảm xúc. Họ làm tròn trách nhiệm của mình qua những tác phẩm chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bằng tiếng nói chung của cộng đồng, họ dùng các phương tiện để phát ngôn cho ý chí, khát vọng, tình cảm chung rộng lớn và thống nhất của toàn dân tộc. Như vậy, với ý thức công dân và tinh thần của người chiến sĩ, các nhà thơ đã hăng hái và tự nguyện đem nghệ thuật phục vụ cách mạng trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Đồng thời, họ còn hoà mình với quần chúng nhân dân, bám sát những nơi mũi nhọn của cuộc đấu tranh. Thời kháng chiến chống Pháp nhiều văn nghệ sĩ đã đầu quân, đi chiến dịch, thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều văn nghệ sĩ đi vào tuyến lửa, vào chiến trường miền Nam. Xuân Diệu đã nói lên sự gắn bó của nhà thơ với nhân dân mình như sau : Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu Tôi sống với cuộc đời chiến đấu Của triệu người yêu dấu gian lao (Những đêm hành quân - Xuân Diệu) 3. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn Trong giai đoạn 1954 - 1975, vận mệnh Tổ quốc đứng trước những thử thách gay gắt, cả dân tộc muôn người như một sát cánh trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng chung là độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nền thơ ca của giai đoạn lịch sử này không thể là tiếng nói của những số phận cá nhân mà phải là tiếng nói của cả cộng đồng dân tộc và nhân dân. Hiện thực phản ánh trong thơ là hiện thực lịch sử dân tộc, nhân vật trữ tình tiêu biểu là người anh hùng đại diện cho sức mạnh và phẩm chất của dân tộc, giai cấp, cho thời đại và nhà thơ cũng là người phát ngôn cho tư tưởng, lập trường, tình cảm, quan niệm của cộng đồng, nhân danh cộng đồng mà ca ngợi và lên án, kêu gọi và cổ vũ. Đó là một nền thơ ca theo khuynh hướng sử thi, nó tiếp cận và phản ánh thực tại từ quan điểm sử thi, cân đo mọi giá trị - kể cả các giá trị thẩm mỹ - từ những tiêu chí và lợi ích của cả cộng đồng. Khuynh hướng sử thi đã hình thành từ những bước khởi đầu của nền văn học mới ngay sau cách mạng tháng tám, nhưng từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và nhất là trong thơ thời kỳ chống Mỹ, khuynh hướng ấy càng phát triển mạnh mẽ. Trần Thị Thanh Tuyền 10 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Bên cạnh khuynh hướng sử thi, thơ ca thời kỳ này còn mang đậm cảm hứng lãng mạn. Do khuynh hướng và cảm hứng ấy mà xu hướng vận động của tư tưởng và cảm xúc trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thường là từ hiện tại vươn tới tương lai, trong chiến đấu gian khổ vẫn luôn tin vào thắng lợi, nói đến khó khăn thiếu thốn là để ca ngợi phẩm chất cao đẹp và nghĩa tình thắm thiết, nói đến hy sinh là để khẳng định sự trường tồn, bất diệt của những người anh hùng còn mãi với đất nước và sự nghiệp cách mạng. Trần Thị Thanh Tuyền 11 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ CHƯƠNG II : HÌNH TƯỢNG ĐẤT NƯỚC TRONG THƠ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ Tình yêu quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học dân tộc bao đời. Nó từng xuất hiện sớm và in đậm dấu ấn trong thơ của nhiều nhà thơ yêu nước như: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa… Đến đầu thế kỷ hai mươi, hình tượng đất nước được đặt lên hàng đầu trong thơ của nhiều sĩ phu, nổi bật là nhà chí sĩ Phan bội Châu. Tuy nhiên hình tượng đất nước lúc bấy giờ trong thơ Phan bội Châu ít nhiều còn mang tính trừu tượng, ước lệ: bởi hồn nước chưa được thức tỉnh, nên lòng dân còn phân tán, chưa đồng tâm để cùng tuốt gươm ra. Cần đánh thức hồn quốc dân để cùng chung tay cứu nước : Hồn mê mẩn, tỉnh chưa, chưa tỉnh Anh em ta phải tính sao đây (Đề tỉnh quốc dân ca - Phan Bội Châu) Đến thời kỳ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thơ ca cách mạng đặt vấn đề giải phóng đất nước như một nhiệm vụ cấp thiết. Cùng với thơ ca Xô Viết - Nghệ Tĩnh, dòng thơ yêu nước cách mạng được lưu hành bí mật với các tác giả tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Thuỷ… Họ đặt vận nước gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng nhân dân thoát khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng chế độ mới. Sau Phan Bội Châu, trong các tác phẩm thuộc bộ phận văn học hợp pháp, hình tượng Tổ quốc thưa thớt dần. Gần nửa thế kỷ, hình tượng Tổ quốc đã hiện lên trong thơ qua cách nói bóng gió, xa xôi, với những biểu tượng hai mặt non nước, nước - non, sông núi hay lời thề… Hình ảnh Tổ quốc đã xuất hiện thấp thoáng trong thơ Tản Đà. Nhưng với tư tưởng thoát ly, yếm thế của nhà thơ, hình ảnh Tổ quốc lúc này có khi chỉ còn là bức dư đồ rách : Nọ bức dư đồ thử đứng coi Sông sông núi núi khéo bia cười Biết bao lúc mới công vờn vẽ Sao đến bây giờ rách tả tơi Ấy trước ông cha mua để lại Mà sau con cháu lấy làm chơi Thôi thôi có trách chi đoàn trẻ Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi (Bức dư đồ rách - Tản Đà) Trần Thị Thanh Tuyền 12 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Phải đến với cách mạng, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân, các cây bút thơ về sau mới có được niềm tự hào về đất nước ở tất cả các góc cạnh của nó, và cất lên lời thơ ca ngợi thiết tha, say mê đất nước mình. Có thể nói hình tượng đất nước xuất hiện trong thơ kháng chiến đã thoát khỏi những điển cố, ước lệ mang tính khuôn sáo. Giờ đây, các nhà thơ không phải vay mượn những sự tích anh hùng, những con người anh hùng trong các sách vở nước ngoài như Cốt Đãi Ngộ Lang, Đường Ngột Ngại, Lưu Công hay sự văn minh của nước Nhật như trong thơ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh để so sánh với con người, đất nước Việt Nam nữa. Những từ ngữ mang tính chất trừu tượng cũng không còn. Có thể thấy hình tượng đất nước là hình tượng đẹp đẽ, được xây dựng thành công vào loại bậc nhất trong thơ kháng chiến. Chưa bao giờ chủ nghĩa yêu nước lại hoà quyện cái tôi và cái ta, lý trí và tình cảm, lý tưởng và hiện thực để cất lên tiếng thơ trong sáng, sảng khoái như giai đoạn này [ 19 . 96 ] . Nhìn chung hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ đã được các nhà thơ cảm nghiệm và khám phá chủ yếu qua những biểu hiện sau đây: I. Đất nước vốn là những gì gần gũi thân quen Trong thơ kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1954 - 1975, đất nước không còn là một khái niệm mơ hồ, xa xôi nữa, nó đã trở nên gần gũi, ấm áp gắn liền với tấm lòng yêu quê hương thiết tha của mỗi người. Tình yêu đất nước vẫn luôn là mạch cảm hứng tinh khôi, trong suốt và rạo rực trong tâm hồn các nhà thơ thời chống Mỹ. Mỗi nhà thơ có nhiều cách gọi tên đất nước: giang sơn, sông núi, nước non, nước Việt, dân tộc, trời Nam… nhưng tất cả chỉ là một - Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 1. Đất nước trong chiều sâu văn hóa, lịch sử Trong bài thơ Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng, cảm nghĩ về sự hình thành của đất nuớc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã không minh chứng bằng sử liệu mà bằng những gì gần gũi và thân thiết với mỗi người Việt Nam. Đó là truyền thống, là quá khứ, là sự kế thừa văn hoá và cả lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông : Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Điệp ngữ đất nước vọng lên như khúc nhạc thiêng liêng gợi nhớ về đất nước có chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm với nhiều kho tàng văn hoá dân gian cổ xưa giàu màu sắc, âm điệu. Đồng thời thấy được đất nước chúng ta đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền với sinh hoạt văn hoá, đời sống tâm hồn của nhân dân. Và để có được đất nước như hôm nay, mọi người hẳn phải gìn giữ, nỗ lực xây dựng hết mình. Bên cạnh đó nhà thơ còn nhấn mạnh đến sức lao động của nhân dân để làm Trần Thị Thanh Tuyền 13 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ nên cuộc sống, từ việc xây dựng nhà cửa đến sản xuất làm ra hạt gạo, cùng bao của cải vật chất : Cái kèo cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất nước có từ ngày đó. Nhà thơ tiếp tục mạch cảm hứng về đất nước, bằng sự suy nghiệm và miêu tả Tổ quốc qua thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông vừa chân thực vừa phảng phất không khí huyền thoại. Từ không gian và thời gian trong các truyền thuyết về cội nguồn đất nước, dân tộc: “Đất là nơi chim về. Nước là nơi rồng ở. Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đẻ ra đông bào ta trong bọc trứng”…đến không gian và thời gian gần gũi của cuộc sống hàng ngày: “Đất là nơi anh đến trường. Nước là nơi em tắm” . Và đất nước ngày càng thân thuộc hơn khi nó tồn tại ngay trong máu thịt con người : Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước Vì thế, trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước không phải là cái gì khác mà là trách nhiệm đối với chính bản thân mình : Em ơi em đất nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nước muôn đời… Tổ quốc đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm quan niệm và miêu tả như một cơ thể toàn vẹn. Đó là nét đặc sắc, mới mẻ chưa từng có trong cảm quan về Tổ quốc của dân tộc ta. Ở khía cạnh này, các nhà thơ khác đã cùng gặp gỡ với Nguyễn Khoa Điềm trong xây dựng hình tượng thơ : Ai vô đó, nói với đồng bào đồng chí Nói với nửa - Việt Nam yêu quý Rằng: nước ta là của chúng ta Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Chúng ta, con một cha, nhà một nóc Thịt với xương tim óc dính liền (Ta đi tới - Tố Hữu) Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi (Vui thế hôm nay - Tố Hữu) Trần Thị Thanh Tuyền 14 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Cán bộ không rời xóm Níu lấy núm quê hương (Những đồng chí trung kiên - Thanh Hải) Chúng muốn xé bản đồ ta làm hai nửa Tổ quốc Xé thân thể ta thành máu thịt hai miền (Đừng quên - Chế Lan Viên) Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên) Thịt xương, tim óc, máu thịt, núm ruột… vốn là những bộ phận tạo thành cơ thể con người nay được các nhà thơ miêu tả như những bộ phận của sinh thể Tổ quốc, điều đó chứng tỏ ý niệm về đất nước, đất đai của quê hương trở nên hết sức thiêng liêng, thiết cốt đối với mọi người. Cho nên trong thời kỳ văn học này, những gì thuộc về cái tôi riêng thường bị xem là nhỏ mọn, tầm thường. Con người luôn đứng trước những vấn đề có tầm cỡ lịch sử: Tổ quốc còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ? Câu hỏi ấy khiến mọi công dân biết tự trọng đều phải gác lại lợi ích cá nhân, quyết hy sinh tất cả, kể cả tính mạng mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Viết về đất nước, Chế Lan Viên còn có những phát hiện mới. Đó là sự phát hiện hình tượng đất nước trong chiều sâu văn hoá lịch sử. Trong thơ Chế Lan Viên, chúng ta thấy Việt Nam là một đất nước anh hùng nhưng đồng thời cũng là một đất nước văn hoá. Khi suy nghĩ về lịch sử dân tộc, nhà thơ nhận thấy những giờ phút hào sảng, rạng rỡ nhất cũng là lúc bừng nở về văn hoá nghệ thuật : Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn Trong giờ phút xung trận của cả nước đánh Mỹ, giữa đau thương, bom đạn, Chế Lan Viên vẫn nhìn ra cái dịu dàng, êm ả của tâm hồn và cảnh sắc Việt Nam ẩn chứa chiều sâu của văn hoá dân tộc. Đây là những cảm nhận tinh tế, thấm thía về Tổ quốc : Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu kiều, bờ tre, mái rạ Mái đình cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa keo (Thời sự hè 72 - bình luận - Chế Lan Viên ) Trần Thị Thanh Tuyền 15 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Với Chế Lan Viên gương mặt Tổ quốc Việt Nam qua lửa đạn là gương mặt lạc quan trong sáng. Nhà thơ đã tìm thấy cội nguồn bền vững của tinh thần dân tộc trong những biểu hiện sinh động của đời sống văn hoá tinh thần : Vành vạch vầng trăng nghìn năm vẫn là gương mặt Việt Nam cười Một tục ngữ hò khoan bốn mùa trong suốt Mặt chú Tễu, tiếu lâm, hứng dừa, hề gậy reo vui… …Phóng tên lửa lên trời xanh bật ngọn đàn bầu than vãn năm xưa Tiếng hò ơi ở các bến đò hoang thành khẩu lệnh Điện Biên, Ấp Bắc Ngôi sao lưu lạc cô đơn đã hoá nên vì sao chói lọi trên cờ. (Suy nghĩ 1966 - Chế Lan Viên) Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến tranh giải phóng, Chế Lan Viên trong bài thơ Ngày vĩ đại đã tổng kết nhiều phương diện của cuộc chiến đấu. Trong đó khẳng định truyền thống văn hoá là một trong những cội nguồn quan trọng nhất góp phần làm nên chiến thắng, làm nên gương mặt Việt Nam : Ta ra đi từ nền văn minh trên lưu vực sông Hồng Cả dân tộc bay theo hình chim Lạc Nhưng cho đến hôm nay mới thực giống mặt trời ta trên những trống đồng. (Ngày vĩ đại - Chế Lan Viên) Tâm hồn thơ còn rất trẻ của Trần Đăng Khoa cũng đã chứa đựng những xúc cảm sâu xa về văn hoá dân tộc khi nhà thơ khắc hoạ hình tượng đất nước qua biểu tượng tiếng đàn bầu : Những dây đàn bầu Lại rung lên những âm thanh về con người và mặt đất Tiếng ân tình mấy ngàn năm trước Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu Ngân nga trong đêm trăng Giữa hai mùa lúa Dây đàn tưởng không bén tay chú nữa Mà căng trong không gian Tự rung lên ngàn đời sức mạnh Việt Nam. (Tiếng đàn bầu và đêm trăng - Trần Đăng Khoa) Có thể nói tiếng đàn bầu của Trần Đăng Khoa là một biểu tượng sâu sắc về Tổ quốc và con người Việt Nam: ân nghĩa, ân tình, thuỷ chung, son sắt, mềm mại, thẳm sâu. Trần Thị Thanh Tuyền 16 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Các nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ viết về đất nước không chỉ bằng tình yêu tha thiết, chân thành mà còn vì niềm tự hào về một đất nước bốn nghìn năm văn hiến; về những truyền thống văn hóa đã tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; về những trang sử vẻ vang của cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó cũng là cơ sở để chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ. 2. Đất nước - làng quê hiền hòa, bình dị mến thương Bằng sự cảm nhận tinh tế của trẻ thơ, Trần Đăng Khoa đã nhìn, đã nghĩ và đưa vào thơ những hình ảnh hết sức quen thuộc của làng quê Việt Nam. Này là một mảnh vườn hả hê đón nhận cơn mưa với vô số những tre, bưởi, dừa, mía, ngọn mồng tơi, cỏ gà…(Mưa). Đây là đàn gà con đang liếp chiếp kiếm mồi trong vườn. Kia là đêm trăng sáng với những cây cau, cây chuối im lìm (Trăng sáng sân nhà em). Nào là một buổi hái trầu đêm (Đánh thức trầu). Một tiếng gà gáy đánh thức vạn vật (Ò ó o…). Một sớm heo may về, hoa cau rụng đầy vại nước (Hoa cau), rồi những chiều chăn trâu, thả diều (Thả diều). Một buổi bắt cá ngoài đồng lúa (Em kể chuyện này), một buổi bình minh bận rộn của nhà nông (Buổi sáng nhà em). Về công việc hàng ngày của những đứa trẻ nông thôn (Khi mẹ vắng nhà). Đặc biệt Trần Đăng Khoa nói nhiều đến cánh đồng làng Trực Trì quê nhà, nơi cha mẹ và bà con làng xóm ngày ngày đổ giọt mồ hôi để làm nên hạt gạo “Hạt gạo làng ta - Gửi ra tiền tuyến - Gửi về phương xa…”. Hạt gạo đã ngấm bao mồ hôi công sức, gội bao mưa nắng, bão bùng, tắm qua bao khói lửa chiến tranh góp phần nuôi các anh bộ đội đánh thắng giặc Mỹ. Đọc những bài thơ viết về quê hương của Trần Đăng Khoa, người ta như cảm nhận được sự phóng khoáng, ngây ngất, trong lành của hương đồng, gió nội. Chú bé Khoa đã lột tả được cái hương vị, cái thần thái, cái hồn quê Việt Nam phảng phất trong những hình ảnh rất bình thường, quen thuộc, qua cái triết lý của nhà thơ : Mái gianh ơi hỡi mái gianh Ngấm bao nhiêu nắng mà thành quê hương Từ chiều sâu nội tâm, từ sự cảm nhận tinh tế kết hợp tài năng vận dụng ngôn ngữ lột tả mối giao hoà giữa con người với thiên nhiên, Trần Đăng Khoa đã bộc lộ một tình yêu quê hương sâu sắc và truyền cho người đọc cả tình yêu ấy : Trời đất đêm nay Như chim mới hót Như rượu mới cất Như mật mới đông Đi trong ngào ngạt Niềm vui gieo trồng Thịt da ta cũng Trần Thị Thanh Tuyền 17 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Toả hơi ruộng đồng (Hương đồng - Trần Đăng Khoa) Nghĩ về đất nước mình đã sinh ra và lớn lên, Bằng Việt luôn có những lời thơ ấm áp tin yêu. Trong thơ ông, cảnh vật quê hương, đất nước hiện lên tươi đẹp qua những chi tiết rất bình thường : Tôi đi trong sắc thắm trời xanh Cây cỏ đu đưa một dáng vui thầm Ước cây cỏ bỗng làm sao nói được Ôi những đồi chè đang lên xanh mướt Mạ nô đùa rồng rắn đuổi theo nhau Hoa tím ngát trong nắng chiều hạnh phúc Những nương khoai bừng trổ nỗi vui đầu. (Lời chào từ Việt Nam 1966 - Bằng Việt) Thơ của ông là tiếng nói tâm tình đưa ta về với những kỉ niệm tuổi thơ: một bếp lửa ấp iu nồng đượm, một chùm hoa gạo đỏ tươi, một tiếng tu hú, một xóm ven đồi, hay một cánh hoa bìm bịp cũng gợi nhớ xa xôi : Hoa bìm ơi hoa bìm! Vẫn tròn trặn, đơn sơ màu tím thế! Như ước vọng mở lòng ta thủ thỉ Có nét gì vẫn quyến rũ như xưa. (Từ giã tuổi thơ - Bằng Việt) Cái đẹp chính là ở trong lòng người và với tình yêu quê hương sâu đậm nên trong con mắt nhà thơ cái gì của quê hương cũng đẹp, cũng xinh cả. Khi đi xa, ai cũng nhớ về quê hương nhưng mỗi người sẽ nhớ một cách khác nhau. Viết về quê hương, Nguyễn Trọng Định đã chọn bát nước vối đơn sơ như một thứ phong vị đằm thắm nhất. Nhớ bát nước vối cũng là nhớ hình bóng mẹ già, nhớ những câu chuyện dân dã của làng, và không thể thiếu được nơi tâm hồn tươi trẻ của anh: bóng hình một cô láng giềng cùng lứa. Với ngần ấy thứ, quả thật hồn quê Việt Nam đã hiện lên không thể nào trộn lẫn được. Và đó cũng là cái lý do khiến anh nhớ về quê hương : Đêm rừng già đi nghe mưa rơi Một mảnh áo tơi che chẳng kín người Nước chảy qua môi hớp từng giọt nhỏ Bỗng nhớ mẹ khi ngồi bên ấm giỏ Nước vối đặc nồng ngọt ngào chuyện cũ (Nước vối quê hương - Nguyễn Trọng Định) Trần Thị Thanh Tuyền 18 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ Người lính trẻ đang đi qua rừng già những năm tháng chiến tranh, nước mưa rừng lạnh buốt trên môi đã khiến anh thèm và nhớ đến bát nước vối rót ra từ ấm giỏ. Một nỗi nhớ hoàn toàn hợp lý. Chúng ta biết người lính này còn trẻ lắm, bởi nỗi nhớ đầu tiên của anh là hướng về mẹ. Chúng ta cũng thấy hồn quê trong anh thật là dung dị, chỉ một khoảnh khắc ấy thôi, nỗi nhớ của anh đã trọn vẹn: Mẹ ngồi bên ấm giỏ - Nước vối đặc nồng - Ngọt ngào chuyện cũ. Và như vậy, vị nước vối đã thấm đượm tâm tình của anh lính trẻ. Đã bao người bưng bát nước quê kiểng ấy trên tay, mà đâu phải ai cũng thấy sự ngọt ngào của nó : Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ, Nụ chín vàng mẹ lấy vào rấm ủ Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao. Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau, Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ, Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa, Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha… Đây là đoạn thơ đã làm rung động trái tim của hàng triệu bạn đọc. Những câu thơ giản dị đầy sức gợi đã gọi nhau, liền một mạch, làm sống dậy trong ta những tình cảm đẹp đẽ về một vùng quê nước Việt thân yêu Với Tế Hanh khi sống giữa hai nửa yêu thương, Bắc - Nam xa cách, ông lúc nào cũng nhớ về cái làng quê ruột thịt - nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Dù trải qua bao nhiêu thời gian, dù cuộc đời thay đổi, nhưng nhà thơ vẫn luôn trở về với dòng sông. Ông như mê đi trong cái mát mẻ của dòng sông, của những bờ tre ríu rít tiếng chim kêu, của những mặt nước chập chờn con cá nhảy... Dòng sông bỗng trở nên đẹp hơn, lung linh huyền ảo hơn, kể từ khi xuất hiện bài thơ Nhớ con sông quê hương của chính đứa con dòng sông ấy. Dòng sông chính là quê hương, là người mẹ của Tế Hanh, và ông đã để hết tâm hồn và tình cảm của mình vào bài thơ cũng như đã và sẽ sống mãi cùng dòng sông quê ấy : Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc Tôi nhớ cả những người không quen biết Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy Hình ảnh con sông quê mát rượi Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới… Ra đi với dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thì không dứt với con sông thân yêu của mình. Và chính ông cũng là một dòng sông bình dị và đầy xúc cảm, một dòng sông biết chắt chiu từng giọt Trần Thị Thanh Tuyền 19 Hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến chống Mỹ nước ngọt cho người dân Việt thật thà đôn hậu. Nhà thơ như không còn điều gì phải ân hận khi cuối cùng được hoá thân vào chính dòng sông thân thiết nhất đời mình : Quê hương ơi lòng tôi cũng như sông Tình Bắc Nam chung chảy một lòng Không ghềnh thác nào ngăn cản được Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước Tôi sẽ về sông nước của quê hương Tôi sẽ về sông nước của tình thương Dòng sông trong thơ Tế Hanh không còn là dòng sông của riêng ông nữa mà nó đã vươn xa hơn trở thành dòng sông chung của đất nước : Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ Sông của miền Nam, nước Việt thân yêu Tình yêu quê hương đều có trong mỗi một con người, dù nhiều, dù ít. Và ở mỗi lứa tuổi, tình yêu quê hương lại được thể hiện theo từng cung bậc khác nhau của nhận thức. Thuở bé, Giang Nam đã yêu quê hương vì : Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm Có những ngày trốn học bị đòn roi (Quê hương - Giang Nam) Trong nhận thức của một đứa trẻ, quê hương là cái gì đó gần gũi như lời ru của mẹ, êm ái như cánh diều. Ngày xưa tác giả yêu quê hương chỉ vì một lẽ đơn giản như thế: “có chim có bướm” và bởi quê hương còn là cái nôi của kỷ niệm một thời trẻ con bé dại, ngây thơ : Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ Ai bảo chăn trâu là khổ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích (Quê hương - Giang Nam) Quê hương là con đường đến trường, là trang sách, là bài văn, là phút mơ màng nghe chim hót…Quê hương đối với con người là cái gì đó thật giản dị, thật gần gũi, đơn sơ mà thật là thiêng liêng, sâu lắng! những câu thơ của Giang Nam làm tôi nhớ đến thơ của Đỗ Trung Quân : Trần Thị Thanh Tuyền 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan