Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm...

Tài liệu Luận văn những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm

.PDF
127
151
95

Mô tả:

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THỊ THANH HIẾU NHỮNG PHỨC ĐIỆU XÚC CẢM CỦA NGUYỄN TRÃI QUA THƠ NÔM LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thái Nguyên - 2016 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THỊ THANH HIẾU NHỮNG PHỨC ĐIỆU XÚC CẢM CỦA NGUYỄN TRÃI QUA THƠ NÔM Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 60 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. PHẠM THỊ PHƯƠNG THÁI Thái Nguyên - 2016 i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả được trình bày trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kì công trình khoa học nào khác. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Thanh Hiếu ii LỜI CẢM ƠN Được sự phân công của Khoa Văn- Xã hội - Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên và được sự đồng ý của cô giáo hướng dẫn PGS-TS. Phạm Thị Phương Thái, tôi đã thực hiện đề tài: “Những phức điệu xúc cảm của Nguyễn Trãi qua thơ Nôm”. Để hoàn thành luận văn này, trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS- TS. Phạm Thị Phương Thái đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy giáo, cô giáo trong khoa Văn- Xã hội, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu. Tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt để tôi nghiên cứu, học tập và hoàn thành luận văn này. Mặc dù đã có nhiều cố gắng để thực hiện đề tài một cách hoàn chỉnh nhất, song trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định mà bản thân chưa thấy được. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô giáo để luận văn được hoàn chỉnh hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn! Thái Nguyên, tháng 6 năm 2016 Tác giả luận văn Nguyễn Thị Thanh Hiếu iii MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1 1. Lí do chọn đề tài ................................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ................................................................................... 2 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu ...................................................................... 7 4. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................................... 9 5. Phạm vi nghiên cứu .............................................................................................. 9 6. Cấu trúc của luận văn ........................................................................................... 10 7. Đóng góp của luận văn ......................................................................................... 10 NỘI DUNG ............................................................................................................. 11 Chương 1: Nguyễn Trãi - “Khí phách” và “tinh hoa” của dân tộc Việt Nam 11 1.1. Thời đại Nguyễn Trãi- những biến động lớn lao .............................................. 11 1.2. Cuộc đời Nguyễn Trãi- cống hiến và bi kịch .................................................... 13 1.3. Văn chương Ức Trai tiên sinh ........................................................................... 18 1.3.1. Văn xuôi ......................................................................................................... 18 1.3.2. Thơ ca ............................................................................................................. 20 1.3.3. “Quốc âm thi tập” trong dòng thi ca dân tộc ................................................ 21 1.4. Khái niệm “phức điệu xúc cảm”………………………………………………24 Chương 2: Nguyễn Trãi – “hồn thơ đa dạng” mà thống nhất ........................... 27 2.1. Sự hội tụ của nhiều người trong một con người ............................................... 27 2.1.1. Khao khát được cống hiến và mong muốn được sống nhàn .......................... 27 2.1.2. Triết gia sắc sảo và điền ông thuần phác ...................................................... 40 2.1.3. Người anh hùng, nhà tư tưởng lớn và nhà nghệ sĩ ....................................... 50 2.1.4. Con người trước quốc gia, dân tộc và con người trong các mối quan hệ đời thường ...................................................................................................................... 62 iv 2.2. Lí giải về sự đa dạng, phức tạp nhưng thống nhất trong con người Nguyễn Trãi .................................................................................................................................. 66 2.2.1. Bi kịch bề tôi trung không được tin dùng ...................................................... 66 2.2.2. Sự tiếp thu sáng tạo tinh thần các hệ tư tưởng, tôn giáo ................................ 69 2.2.3. Sự tự ý thức về con người cá nhân ................................................................. 71 Chương 3: Hình thức nghệ thuật thể hiện phức điệu xúc cảm trong thơ Nôm Nguyễn Trãi ................................................................................................... 75 3.1. Ngôn từ .............................................................................................................. 75 3.1.1. Sử dụng thành công vốn ngôn ngữ bác học .................................................. 75 3.1.2. Tiếp thu, sáng tạo từ ngôn ngữ dân gian ....................................................... 80 3.1.3. Phát huy hiệu quả của những từ chỉ trạng thái cảm xúc ............................... 85 3.2. Cách kiến tạo câu thơ ....................................................................................... 91 3.2.1. Sử dụng linh hoạt, đa dạng các kiểu câu ....................................................... 91 3.2.2. Vai trò của câu lục ngôn trong việc thể hiện phức điệu cảm xúc .................. 93 3.2.3. Từ phức thể tiết tấu đến phức điệu xúc cảm ................................................. 95 KẾT LUẬN………………………………………………………………………100 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC 1 MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1.1. Tư tưởng, tình cảm của mỗi con người trong một thời đại đều được nảy sinh và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội thời đại đó. Nói cách khác, tư tưởng luôn là “con đẻ” của một xã hội nhất định. Nhưng ở những nhà tư tưởng, nhân cách lớn, việc tìm hiểu con người của họ lại không hề đơn giản, một chiều. Đó là sự hội tụ của nhiều con người bên trong một con người làm nên tính đa dạng, phong phú, phức tạp, thú vị. Nguyễn Trãi (1380-1442) là người anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Những cống hiến của Nguyễn Trãi là vô cùng lớn lao. Với sự nghiệp bình Ngô, Nguyễn Trãi là người anh hùng dân tộc, nhà quân sự, nhà chính trị tài ba lỗi lạc. Với sự nghiệp văn chương, Nguyễn Trãi là một tác gia lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất ở thế kỉ XV… Có thể khẳng định, Nguyễn Trãi là bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa của dân tộc và thế giới, một nhà tư tưởng lớn, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, cả cuộc đời dành trọn cho đất nước. Ông là niềm tự hào, kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng là một con người “trần thế nhất trần gian”, yêu tình yêu của con người và đau nỗi đau của con người; một nghệ sĩ đa sầu đa cảm; một con người cá nhân với bao nỗi niềm thầm kín, trăn trở, giằng xé. Nguyễn Trãi cũng là một trong số những tác gia văn học tiêu biểu được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Việc nghiên cứu về tác gia Nguyễn Trãi cho đến nay, đã có nhiều thành tựu, tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề cần bổ sung hoặc nghiên cứu sâu hơn, nhất là khi các bài nghiên cứu thường quan tâm nhiều đến phương diện anh hùng, con người chức năng mà ít chú ý đến những trạng huống tình cảm phức tạp trong con người cá nhân Ức Trai. 1.2. Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trên nhiều phương diện, ở nhiều thể loại. Tác phẩm của Ức Trai là cầu nối đưa chúng ta trở về sáu thế kỉ trước - thời điểm ông sinh ra và lớn lên đầy những biến động. Khoảng cách giữa bậc vĩ nhân với một thường nhân như được rút ngắn lại nhờ hệ thống tác phẩm mà Ức Trai để lại cho đời. Cũng thông qua các tác phẩm đó, người đọc hiểu hơn về con 2 người Nguyễn Trãi - tư tưởng, tài năng, đạo đức và cả những điều băn khoăn, day dứt của ông về xã hội đương thời. Trong các sáng tác của Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập được coi là “tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam”[6]. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi được đánh giá là người chính thức khởi đầu tập đại thành thơ quốc âm, mở ra một dòng chảy mới trong nền thơ ca dân tộc. Phải đến Quốc âm thi tập, chúng ta mới thấy hết một Nguyễn Trãi đa dạng, phức tạp, tinh tế. Nguyễn Trãi là một tác gia lớn trong nền văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung mà việc tìm hiểu về con người cá nhân Nguyễn Trãi với những xúc cảm hết sức đa dạng, phức tạp qua Quốc âm thi tập đến nay vẫn chưa đem đến cái nhìn toàn diện. Thế nên, xét về phương diện nội dung thì đây là một đề tài mới mẻ và hứa hẹn nhiều điều thú vị, bất ngờ khi chúng ta đi sâu nghiên cứu. Với tấm lòng tôn kính và vô cùng ngưỡng mộ một nhân vật tài ba trong thi đàn văn học dân tộc, người viết muốn qua đề tài, hiểu thêm về thời đại Nguyễn Trãi, về tâm tư, tình cảm, nhân cách của ông. Thực hiện đề tài, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm một tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, học tập, giảng dạy thơ Nguyễn Trãi nói chung, thơ Nôm của ông nói riêng trong nhà trường. Đó là những lí do đã thôi thúc chúng tôi đến với đề tài Những phức điệu xúc cảm của Nguyễn Trãi qua thơ Nôm. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Trãi là một tác gia văn học lớn. Những nghiên cứu về ông trên nhiều bình diện khác nhau vẫn đang diễn ra khắp nơi trong và ngoài nước. Thế nhưng, một khía cạnh quan trọng về tác gia Nguyễn Trãi cho đến nay vẫn chưa có sự nghiên cứu thỏa đáng, đó chính là tính đa dạng, phức tạp, có khi là mâu thuẫn của những xúc cảm trong con người ông qua Quốc âm thi tập. Lời giới thiệu cuốn Nguyễn Trãi toàn tập [60] có đánh giá cao những đóng góp của Nguyễn Trãi cho lịch sử dân tộc và nền văn học nước nhà, đề cao tính tư tưởng trong các sáng tác của ông: “Duy có Nguyễn Trãi là vị anh hùng cứu quốc không những đã để lại sự nghiệp còn ghi trong chính sử, mà còn để lại khá nhiều tác 3 phẩm nói lên tư tưởng của ông về các mặt triết học, quân sự, chính trị và nhiều thơ văn hết sức quý báu” [60, tr.7]. Trong chuyên luận Nguyễn Trãi người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất [10], các tác giả Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cũng đã chú ý đến phương diện con người Nguyễn Trãi. Theo các tác giả, Nguyễn Trãi là người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hoá kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài. “Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là sự kết tinh những tư tưởng tiến bộ, những giá trị tinh thần và văn hoá của dân tộc ta từ buổi đầu dựng nước cho đến thế kỷ XV. Tư tưởng nhân nghĩa được Nguyễn Trãi vận dụng thành công và phát triển rực rỡ trong sự nghiệp giải phóng đất nước, tạo nên một bước tiến mới trong lịch sử tư tưởng của dân tộc ta” [10, tr.28]. Như vậy, bài viết nhấn mạnh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Trãi, chủ yếu nhìn nhận về ông trên phương diện một “vĩ nhân”. Cuốn sách Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm [34] là công trình tuyển chọn quy mô, công phu của Nguyễn Hữu Sơn. Cuốn sách đã tập trung khá nhiều bài viết về Nguyễn Trãi, những bài được trích lọc từ các nguồn khác nhau, đã góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện về tác gia Nguyễn Trãi. Tác giả các bài viết cũng đã phân tích, đánh giá, bình phẩm và đưa ra những nhận định về Nguyễn Trãi với nhiều góc cạnh, nhiều phương diện khác nhau. Nhìn một cách bao quát, có rất nhiều bài viết khẳng định những đóng góp về phương diện nghệ thuật của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, đó là Âm vang tục ngữ, ca dao trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên; Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt của Hoàng Tuệ; Mấy suy nghĩ về thể thơ sáu lời xen bảy lời trong Quốc âm thi tập của Ngô Văn Phú; Nguyễn Trãi và thể thơ Việt Nam trong Quốc âm thi tập của Phạm Luận; Thể loại thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và thi pháp Việt Nam của Phạm Luận; Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thể thơ Nôm của Nguyễn Trãi với thể thơ thất ngôn luật ở Trung Quốc của Phạm Luận- Nguyễn Phạm Hùng; Thử phân định thơ Nôm Nguyễn Trãi và thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm của Nguyễn Tài Cẩn… 4 Bên cạnh đó cũng có những bài viết bàn về con người Nguyễn Trãi. Hoài Thanh trong Một vài nét về con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm [44] cũng đã đưa ra nhận xét về Nguyễn Trãi: “hình như những lúc này, nhà thơ thấy cần hơn lúc khác một cách nói, một giọng nói tâm tình. Ta được gặp lại ở đây vẫn con người ấy, một con người rất đẹp, mà gần gũi hơn, thân mật hơn” [44, tr.698], tác giả cũng chỉ ra một vài biểu hiện của sự đa dạng, phức tạp trong con người Ức Trai: “cái tình thế dở dang lúc bấy giờ của Nguyễn Trãi: làm quan không ra làm quan, ở ẩn không ra ở ẩn” [44, tr.700-701], “thực ra ông chưa muốn về, hoặc có người nghĩ tài năng của ông giờ đã lỗi thời rồi nhưng tấm lòng của ông, ông biết, thì vẫn son sắt như xưa” [44, tr.705], “và dầu không được tin dùng, ông vẫn chưa thể nào yên trong cuộc đời ẩn dật” [44, tr.705]. Một mặt, Hoài Thanh thấy được “nét tiêu biểu nhất của con người Nguyễn Trãi qua thơ, ấy là ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước” [44, tr.708]. Mặt khác, tác giả bài viết cũng phát hiện ở Nguyễn Trãi “một hồn thơ chan chứa tin yêu như thể tự nhiên là có những lời thơ tình tứ” [44, tr.713]. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những lời đánh giá chung chung, mang tính khái quát. Trong Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu [6], tác giả đã đánh giá rất cao vị trí của tập thơ cũng như những đóng góp của Nguyễn Trãi đối với văn học nước nhà. Bài viết chú ý vào những đóng góp về nghệ thuật của tập thơ. Xuân Diệu cũng đã phát hiện ra tính đa dạng, phức tạp trong con người Nguyễn Trãi mà đến Quốc âm thi tập mới thấy hết: đó là hình ảnh một vĩ nhân và hình ảnh một con người “trần thế nhất trần gian” trong Nguyễn Trãi, nhưng vấn đề này mới chỉ được tác giả bài viết đề cập với tính chất khai mở. Bài Con người cá nhân trong thơ Nôm Nguyễn Trãi của Trần Đình Sử [37] cũng đã đề cập đến khía cạnh: “sự lựa chọn day dứt giữa các tư tưởng, các con đường” ở Nguyễn Trãi. Nhưng tác giả bài viết mới chỉ chú trọng vào những biểu hiện của con người cá nhân, chứ chưa phải sự nghiên cứu toàn diện về những biểu hiện đa dạng, phức tạp trong tư tưởng, tình cảm của con người Nguyễn Trãi. Tế Hanh trong bài Hồn thơ đa dạng của Nguyễn Trãi [12] đã chú ý “địa hạt của thơ trữ tình” để thấy được sự đa dạng của con người Nguyễn Trãi, thấy được “Nguyễn Trãi là một bậc anh hùng”[12, tr.718] và cũng “chưa có nhà thơ nào nói 5 đến những nỗi niềm riêng của mình nhiều như Nguyễn Trãi”[12, tr.719]. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của tác giả không chỉ là Quốc âm thi tập mà còn cả tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập. Ngoài ra, bài viết có dung lượng ngắn nên vấn đề mà chúng ta đang bàn chưa được chú trọng, chưa được khai thác toàn diện, sâu sắc. Mượn đá để ngồi là bài viết khá ấn tượng về “Tính cách lưỡng nguyên của con người Nguyễn Trãi- một là người anh hùng, một là nhà hiền triết” [54, tr.507]; “bên cạnh thế giới chân thực và trong sáng này, Nguyễn Trãi thường nói tới một thế giới bí mật khác mà ông đã quá biết và khước từ: cái xã hội- triều đình chứa đầy những danh lợi cặn bã và mưu đồ cá nhân…Trong thơ Nguyễn Trãi thời kì này luôn luôn xuất hiện hình ảnh đối lập của hai thế giới ấy, đồng thời lí giải sự lựa chọn “hoặc về- hoặc ở” của ông, sự lựa chọn giữa danh lợi và tự do, giữa đời quan giả hình và đời dân chân thực, giữa ảo hóa và minh triết” [54, tr.513]; “Nguyễn Trãi chưa bao giờ là đạo sĩ thực sự để quên đời, và chưa bao giờ là quan triều thực sự để quên dân” [54, tr.516]. Như vậy, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã chú ý đến tính chất đa dạng, phức tạp trong con người Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những “phức điệu xúc cảm” trong con người Nguyễn Trãi. Hơn nữa, tác giả bài viết mới chỉ tìm hiểu về Nguyễn Trãi qua mảng thơ chữ Hán. Trong Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi, Đặng Thai Mai cũng đã phát hiện ra một điều: “tâm hồn cụ Ức Trai cũng đã nhiều phen bị vướng vít bởi những ý nghĩ chua chát. Nên ngồi lại trong triều đình hay rút lui về ẩn dật?...Đó là mâu thuẫn lớn nhất trong tâm lí của thi sĩ vào những năm cuối đời” [23, tr.926]. Đó mới là một trong rất nhiều những băn khoăn, những xúc cảm trái chiều ở Nguyễn Trãi. Tác giả có cái nhìn bao quát về sáng tác của Nguyễn Trãi, cả văn xuôi và thơ ca, thế nên, đặc điểm trên trong con người Nguyễn Trãi chưa được khai thác kĩ. Nguyễn Văn Hoàn trong Địa vị của Nguyễn Trãi trong quá trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam đã đánh giá cao tư tưởng nhân nghĩa trong Nguyễn Trãi, nhưng mới dừng lại ở những tác phẩm văn chính luận. Tác giả cũng đề cao thơ Nôm Nguyễn Trãi, thấy được Quốc âm thi tập có điều kiện bộc lộ con người riêng tư Nguyễn Trãi” [14, tr.953], nhưng mới chỉ là “tâm tư và cuộc sống ẩn dật, thanh đạm…nơi thôn cùng, xóm vắng” [14, tr.953]. Phần này, tác giả nói rất ngắn gọn. 6 Bài viết khẳng định “địa vị của Nguyễn Trãi”, chủ yếu bởi sự đóng góp về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập: “với sự đổi mới về đề tài, ngôn ngữ, thể loại văn học…trong đó việc sử dụng một cách mạnh dạn và sáng tạo ngôn ngữ dân tộc là một thành tựu nổi bật, Nguyễn Trãi là người tiêu biểu cho một xu hướng chủ đạo, một quá trình lịch sử có ý nghĩa trọng đại” [14, tr.954]. Trong Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam [25] do Nguyễn Đăng Na chủ biên, tác giả Lã Nhâm Thìn đã có những phân tích chi tiết, sâu sắc về thơ văn của Nguyễn Trãi, đặc biệt là trong thơ chữ Nôm: “Quốc âm thi tập giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Tập thơ Nôm của Nguyễn Trãi là tác phẩm đầu tiên viết bằng ngôn ngữ dân tộc hiện còn. Đây đồng thời cũng là tập đại thành của thơ ca tiếng Việt. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi là nhà “khai sơn phá thạch”, người đặt nền móng xây dựng một thể thơ mới cho văn học dân tộc trên cơ sở tiếp thu có sáng tạo thể thơ Đường luật Trung Quốc”, Quốc âm thi tập đã khẳng định vai trò và khả năng to lớn của ngôn ngữ tiếng Việt trong chức năng thẩm mĩ, trong việc phản ánh đời sống xã hội và tâm trạng con người” [25, tr.132]. Tính phong phú, phức tạp trong “tâm trạng” Nguyễn Trãi chưa được tác giả khai thác. Cuốn sách Thơ- thi pháp và chân dung của Đặng Tiến [53] có đề cập đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Nhưng trong bài viết này, tác giả chỉ chú ý đến thơ Nôm của Nguyễn Trãi như là một “tập thơ tiếng Việt đầu tiên” của dân tộc và chú trọng phân tích những nét sáng tạo của Nguyễn Trãi trong tập thơ này so với thơ ca trung đại cổ điển cũng như so với thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó, tác giả còn nhận định về phần nội dung của Quốc âm thi tập là phong phú hơn Ức Trai thi tập, đặc biệt là cảnh thiên nhiên chứ chưa nói đến đặc điểm con người Nguyễn Trãi. Chuyên khảo Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với nền thơ dân tộc viết bằng tiếng Việt của Phạm Thị Phương Thái, ngoài việc khẳng định đóng góp lớn của Quốc âm thi tập về phương diện ngôn ngữ và thể thơ, còn cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố nghệ thuật đó với nội dung phản ánh của tác phẩm, với thế giới nội tâm của Nguyễn Trãi. “Dấu ấn cá tính con người Nguyễn Trãi cũng được bộc lộ khá rõ trong cách diễn đạt, chọn lựa và sử dụng ngôn từ” [43, tr.100]. Tác giả cuốn sách 7 cũng đã chú ý tới đặc điểm con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm: “Thơ quốc âm Nguyễn Trãi còn thể hiện khá sâu sắc tiếng nói những trạng huống tình cảm. Đó là những trạng thái tình cảm nhiều khi đối lập trong con người cá nhân tác giả” [43, tr.101] cùng những phát hiện tinh tế: “Hành động của người anh hùng Nguyễn Trãi khiến ta chạnh nhớ đến tiểu thư đa sầu đa cảm Lâm Đại Ngọc từng chôn cánh hoa đào, khóc thương cho kiếp hoa tàn, thi nhân họ Nguyễn không nỡ quét sân, sợ vỡ ánh trăng, chẳng dám khua mái chèo, khuấy động mặt nước” [43, tr.102]. Vai trò của nhịp điệu trong Quốc âm thi tập cũng được tác giả cuốn sách đánh giá cao: “Nhà thơ muốn dùng tiết điệu phong phú để diễn tả tâm hồn phóng khoáng, trạng huống tình cảm phức tạp trong con người anh hùng- nghệ sĩ của mình” [43, tr.170]. Theo tác giả Vũ Thanh trong lời giới thiệu ở phần “Lời nói đầu”, chuyên luận này “giàu tính tranh luận và gợi mở, nên chắc chắn còn nhiều vấn đề mang tính khoa học cần trao đổi và bàn luận thêm”. Bởi thế, chúng tôi muốn tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, toàn diện hơn từ những vấn đề mà tác giả chuyên luận đã “gợi mở”. Tóm lược lại lịch sử vấn đề của đề tài Những phức điệu xúc cảm của Nguyễn Trãi qua thơ Nôm, chúng tôi thấy rằng tuy đây không phải là một vấn đề mới hoàn toàn, nhưng những bài nghiên cứu có liên quan đến đề tài chưa có tầm bao quát cao, vấn đề chưa được đặc biệt chú trọng, chưa được đặt thành hệ thống. Tuy vậy, những bài viết, những công trình nghiên cứu có liên quan đến tập thơ Quốc âm thi tập, đến con người Nguyễn Trãi qua thơ đều là những gợi ý, định hướng rất cần thiết để chúng tôi thực hiện đề tài này. Trên cơ sở kế thừa và phát triển thành quả của những người đi trước, chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn hệ thống và tương đối toàn diện hơn về tính đa dạng, thống nhất trong cảm xúc con người cá nhân Nguyễn Trãi qua Quốc âm thi tập. Từ đó khẳng định một cách toàn diện, sâu sắc hơn con người, cũng như tài năng, vai trò, vị trí, những đóng góp của Nguyễn Trãi cho nền văn học dân tộc. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm có vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi. Phải đến Quốc âm thi tập, chúng ta mới thấy hết một con người 8 cá nhân Nguyễn Trãi vô cùng đa dạng, phức tạp. Vì thế, khảo sát Quốc âm thi tập sẽ là căn cứ để khái quát, đánh giá những trạng huống tình cảm phức tạp trong con người Nguyễn Trãi theo nguyên lí đối lập nhưng thống nhất. 3.2. Mục đích nghiên cứu - Nguyễn Trãi là một tác gia văn học lớn, một nhân cách, tư tưởng cao đẹp để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn từ cuộc đời của ông. Với đề tài này, người viết muốn được tìm hiểu về những trạng huống tình cảm phức tạp trong con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm trong tính đa dạng, đối lập nhưng thống nhất để từ đó thấy được sự đa dạng, phong phú, thú vị trong con người cá nhân của ông; cũng như góp phần làm sáng tỏ thêm về thời đại và con người Nguyễn Trãi. Lịch sử xã hội thời Nguyễn Trãi đầy những biến động, trong khi đó, con người ông lại vô cùng đa cảm trước những biến đổi của ngoại cảnh. Tuy giá trị của thơ văn Nguyễn Trãi trong kho tàng văn học dân tộc là không nhỏ nhưng việc tìm hiểu đúng về tính đa dạng, phức tạp trong con người cá nhân Nguyễn Trãi cũng là nhằm góp phần trả lại cho ông vị trí xứng đáng nhất trên văn đàn. - Nguyễn Trãi cũng là một trong số những tác gia văn học được dạy, học trong nhà trường phổ thông, đặc biệt là một số bài thơ được trích trong Quốc âm thi tập. Vì thế, việc trang bị cho mình những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về con người Nguyễn Trãi qua Quốc âm thi tập là một việc làm ý nghĩa, sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân người viết trong quá trình giảng dạy. - Thực hiện đề tài này, chúng tôi không kì vọng có những đóng góp mới mẻ, có tính chất đột phá. Tuy nhiên, bằng việc đi sâu phân tích, luận giải những cảm xúc phong phú, đa dạng, thống nhất trong con người tác giả Quốc âm thi tập một cách hệ thống, người viết mong muốn đóng góp một tiếng nói riêng, một cái nhìn toàn diện hơn về con người Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, góp phần làm đầy đủ hơn hệ thống các đề tài nghiên cứu về tác gia Nguyễn Trãi, làm phong phú hơn các tư liệu tìm hiểu về con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm. 9 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi vận dụng tổng hợp một số phương pháp chính: - Phương pháp nghiên cứu lịch sử: Nguyễn Trãi vừa với tư cách là một nhà thơ cổ điển lại vừa là một nhân vật lịch sử lớn ở thế kỉ XV, mối quan hệ giữa con người văn học và con người lịch sử trong thơ ông là vô cùng mật thiết, sâu sắc, con người cá nhân của ông cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh lịch sử - xã hội. Vì vậy, sử dụng phương pháp lịch sử sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan cao, cũng như có cơ sở để đưa ra những nhận định về những mâu thuẫn trong chính con người Nguyễn Trãi. - Phương pháp tiểu sử: Trang thơ của Nguyễn Trãi gắn liền với cuộc đời có biết bao thăng trầm, nhiều biến cố của ông. Phương pháp này giúp người viết có thể hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về những trạng huống tình cảm phức tạp trong con người Nguyễn Trãi. - Ngoài ra, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích tác phẩm, phương pháp hệ thống sẽ nhằm hỗ trợ khi phân tích, tổng hợp vấn đề, để từ đó thấy được nét đặc sắc ở con người Ức Trai, vai trò to lớn của ông trong nền văn học dân tộc và trong lịch sử Việt Nam. Cùng với các phương pháp, người viết còn sử dụng các thao tác liên quan, như: phân tích, tổng hợp, bình luận (để phân tích các đặc điểm, các nhân tố cấu thành nên con người đại chúng và con người cá nhân Nguyễn Trãi, trên cơ sở đó tổng hợp để đưa ra những nhận định xác đáng, chung nhất về đặc điểm con người Nguyễn Trãi), khảo sát, thống kê, phân loại (tác dụng cung cấp những dữ liệu, số liệu chính xác, tạo cơ sở tin cậy cho những kết luận của luận văn). 5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Người viết tập trung chủ yếu vào tập thơ Quốc âm thi tập, với bản phiên âm và chú giải của tác giả Phạm Luận [20]. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, khoa học trong việc đánh giá, chúng tôi có sự liên hệ đối sánh với một số tác giả, tác phẩm văn học trung đại khác. 10 6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN Ngoài trang phụ bìa (01 trang), lời cam đoan (01 trang), lời cảm ơn (01 trang), phần mở đầu (10 trang), kết luận (03 trang), tài liệu tham khảo (05 trang), phụ lục (15 trang), phần nội dung của luận văn (89 trang) gồm 3 chương: + Chương 1: Nguyễn Trãi- “khí phách” và “tinh hoa” của dân tộc Việt Nam (từ trang 11 đến trang 26) + Chương 2: Nguyễn Trãi – “hồn thơ đa dạng” mà thống nhất (từ trang 27 đến trang 74) + Chương 3: Hình thức nghệ thuật thể hiện phức điệu xúc cảm trong thơ Nôm Nguyễn Trãi (từ trang 75 đến trang 99) 7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN Nghiên cứu đề tài Những phức điệu xúc cảm của Nguyễn Trãi qua thơ Nôm, luận văn có những đóng góp cụ thể: - Nhận diện và mô tả về con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm với tính đa dạng, phong phú, phức tạp, thú vị. - Đem đến một cái nhìn khái quát, toàn diện, mới mẻ về con người Nguyễn Trãi qua thơ Nôm. - Cung cấp kết quả nghiên cứu làm căn cứ cho việc tìm hiểu, đánh giá về những biểu hiện của con người cá nhân, về tính đối thoại trong một con người ở các tác giả lớn của văn học trung đại Việt Nam. 11 NỘI DUNG Chương 1 NGUYỄN TRÃI - “KHÍ PHÁCH” VÀ “TINH HOA” CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM Nguyễn Trãi (1380- 1442) là một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Ông là bậc anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị, ngoại giao, nhà sử học và địa lí học tài năng, là danh nhân văn hóa thế giới. Có thể nói, con người ông là “khí phách”, là “tinh hoa” của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Trãi có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của văn hóa, văn học dân tộc. Nhưng ông cũng là người có rất nhiều trăn trở và phải chịu những oan khiên thảm khốc dưới thời phong kiến. Mặc dù vậy, sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi với nhiều tác phẩm lớn, có giá trị, đặc biệt là Quốc âm thi tập, đã khẳng định thiên tài văn học Nguyễn Trãi là một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học dân gian, văn thơ Lí- Trần, đồng thời mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới của văn học dân tộc. 1.1. Thời đại Nguyễn Trãi - những biến động lớn lao Giữa con người và thời đại luôn tồn tại mối quan hệ biện chứng. Mỗi cá nhân đều được sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đều gắn với một thời đại nhất định. Chính những đặc điểm của tồn tại xã hội, hoàn cảnh sống mang tính lịch sửcụ thể đó sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất, tài năng cũng như hệ tư tưởng, ý thức của cá nhân. Trong điều kiện lịch sử đó, bằng các hoạt động thực tiễn của mình, qua các mối quan hệ xã hội, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển cả thể lực và tư duy trí tuệ, bộc lộ toàn bộ bản chất xã hội của mình. Để hiểu rõ hơn về con người, về sáng tác của Nguyễn Trãi, chúng ta cùng ngược dòng thời gian, trở về với lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV- một giai đoạn đầy hào hùng với những biến động lớn lao. Uy thế vương triều nhà Trần (1225 - 1400) đang đi vào giai đoạn suy vong. Tất cả danh thời “nhị đế” của nhà Trần giờ này chỉ còn là những kí ức xa xăm, những luyến tiếc sâu sắc trong trí nhớ của nhân dân. Từ thời Trần Dụ Tông (1341 - 12 1369), người ta đã thấy kế tiếp nhau leo lên ngôi là một loạt các vị vua bất kể tuổi tác, bất kể họ có hay không có năng lực trị vì đất nước. Chính trị rối ren, đời sống nhân dân khổ cực. Mâu thuẫn nội tại đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước láng giềng thực hiện ý đồ xâm lược. Mối hiểm hoạ cứ thế tràn xuống từ hai miền Nam - Bắc. Ở phía Nam, với sự suy yếu của nhà Trần, quan hệ bang giao với vương quốc Chiêm Thành ngày một xấu đi rõ rệt. Ở phía Bắc, chỉ mấy năm sau khi biết rõ nội tình nhà Trần, nhà Minh đã tiến hành bành trướng nước ta. Trong lúc giặc Minh đang ráo riết để thực hiện ý đồ của mình, Hồ Quý Ly đã ép Trần Thiếu Đế nhường ngôi cho mình, nhanh chóng lật đổ nhà Trần. Hồ Quý Ly lên ngôi vua với mong muốn chấn chỉnh lại kỉ cương triều đình, bảo vệ đất nước. Bên cạnh những chính sách chủ trương để thực hiện khát vọng xây dựng một quốc phú binh cường, họ Hồ đã phạm sai lầm lớn, để mất lòng dân. Và nhân “họ Hồ chính sự phiền hà/ Nên trong nước lòng dân oán giận”, năm 1407, giặc Minh đã kéo gần 80 vạn binh xâm lược Đại Ngu, cơ đồ của nhà Hồ sụp đổ hoàn toàn. Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, dân tộc bị đẩy vào thảm nô lệ trong suốt 20 năm ròng. Sau mười năm kháng chiến gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do minh chủ Lê Lợi cùng với sự phò tá đắc lực của Nguyễn Trãi đã toàn thắng. Cuộc khởi nghĩa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, giang sơn thu về một mối, cả dân tộc bước vào cuộc trung hưng lần thứ hai. Không chỉ Tổ quốc dựng “đài xuân dân tộc” mà chế độ phong kiến cũng đạt đến độ hoàng kim nhất ở nửa cuối thế kỷ XV. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi không thể tách rời với tên tuổi Nguyễn Trãi. Sau khi lên ngôi hoàng đế (1428), Lê Lợi đã phong cho Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu, được ban quốc tính (họ Lê). Nhưng giữa lúc “trăm họ” đang chờ đợi một cuộc sống thái bình với vua hiền, tướng giỏi thì bản chất của chế độ đã bộc lộ. Triều đình nhà Lê đầy rẫy những mâu thuẫn gay gắt giữa các phe phái hòng thôn tính, thanh trừ, lật đổ lẫn nhau. Bản thân Lê Lợi - vốn là một vị tướng tài ba trên chiến trường - nay lại nghe lời xiểm nịnh của bọn gian thần, sát hại một số công thần như: Trần Nguyên Hãn (1429), Phạm Văn Xảo (1430). Riêng Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và đã từng bị giam cầm (1430). Đến đời Lê Thái Tông, tình hình chia rẽ lại 13 càng căng thẳng. Sống trong môi trường chật hẹp, giẫm đạp lên nhau, Nguyễn Trãi không thể có một cơ hội nào để thi thố tài năng nữa. Cuộc đời của một con người vì dân, vì nước này bị thời đại khép lại bằng “vụ án Trại Vải” mà lịch sử gọi là án “thiên cổ kì oan”. Tìm hiểu Nguyễn Trãi, chúng tôi không tìm hiểu ông như một cá nhân- nhà trí thức yêu nước nào đó - mà tìm hiểu ông với tư cách là một nhân vật lịch sử, một nhà văn hoá lớn với những tác phẩm đã phản ánh cả một thời đại lịch sử, với những tư tưởng ở nhiều điểm như là phát ngôn cho cả một dân tộc thời Nguyễn Trãi. Chính thời đại cuối Trần, đầu Lê đã tạo ra người anh hùng- bậc vĩ nhân, làm rạng rỡ non sông đất nước ta- Nguyễn Trãi. 1.2. Cuộc đời Nguyễn Trãi - cống hiến và bi kịch Nguyễn Trãi (1380- 1442) hiệu là Ức Trai. Cha là Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh), tên hiệu là Nhị Khê, vốn gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau này di cư sang làng Ngọc Ổi (sau đổi tên thành Nhị Khê), huyện Thượng Khê (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Sinh ra đã có tư chất thông minh, ngay từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã tỏ ra rất ham học. Điều đó đã được cha ông nói đến trong bài thơ Gia viên lạc: Cố viên loạn hậu hữu tiên lư, Lục tuế nhi đồng phả ái thư. Nghĩa là: Vườn xưa sau loạn còn nhà cũ, Sáu tuổi con thơ rất thích sách. Thế nên tuổi mới chừng đôi mươi mà Nguyễn Trãi đã tinh thông các thư sử. Nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét: “Ông [Nguyễn Trãi] tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”[3]. Nguyễn Trãi xuất thân trong một gia đình có hai truyền thống lớn: truyền thống yêu nước và văn hóa, văn học. Dòng tộc của ông nhiều đời là võ quan cao cấp 14 dưới nhiều triều đại, với truyền thống cương trực, khảng khái, khí tiết, mang lập trường thân dân, đã từng đứng về phía người dân đấu tranh dũng cảm chống lại cường quyền, bạo lực. Dòng họ Nguyễn với thủy tổ là Định Quốc công Nguyễn Bặc, người đã cùng với Thái tể Đinh Điền phò tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân. Cụ nội là Nguyễn Công Luật đã từng giữ chức Giám quân Thiên Trường. Ông nội là Nguyễn Minh Du giữ chức Quản quân Thiết hổ- một trong năm vị tướng đứng đầu năm đội quân cấm binh bảo vệ hoàng thành Thăng Long. Ông ngoại là Chương Túc Quốc Thượng hầu Tư đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390), hoàng tộc nhà Trần, là cháu bốn đời của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải - con trai thứ của Trần Thái Tông, người sáng lập nhà Trần. Từ nhỏ, đã nổi tiếng thông minh hơn người, tính cách khiêm nhường, cầu thị, luôn kiên trì học tập, rèn luyện nên Trần Nguyên Đán sớm trở thành một tài năng lớn, một tấm gương về phẩm chất đạo đức, giàu lòng vị tha, có hoài bão lớn. Bên cạnh những đóng góp to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao, Trần Nguyên Đán còn là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn đời hậu Trần. Ông thông hiểu kinh sách, nghiên cứu sâu sắc các học thuyết Nho, Phật, Lão. Ông là nhà lịch pháp lớn đầu tiên của nước ta quan tâm nghiên cứu nông lịch. Trước tác của ông có Bách thế thông khảo, Băng Hồ ngọc hác tập...hiện còn 51 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Khi triều Trần suy tàn, ông xin về nghỉ ở Côn Sơn (1385) sống ẩn dật, vui với trúc thông, làm bạn với thơ phú. Tuy vậy, ông vẫn lo việc nước, biểu lộ qua nhiều bài thơ thấm đượm niềm cảm thông sâu sắc với cuộc sống vất vả của nhân dân... Sau này, Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông ngoại, quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Thân phụ Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long (1336-1408), sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh là người thông minh, ham học, thi đỗ nhị giáp tiến sĩ nhưng gặp nhiều trắc trở trên con đường công danh, sự nghiệp. Ông ngoại và cha là những người trực tiếp ảnh hưởng đến Nguyễn Trãi, đặc biệt là ông ngoại. Nguyễn Trãi đã ảnh hưởng sâu sắc từ người ông tư tưởng yêu nước thương dân, tư tưởng thân dân. Ý thức dân tộc trong con người Ức Trai rất toàn diện, sâu sắc, trong kháng chiến và trong cả thời bình.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan