Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luận văn thơ trẻ việt nam thời kháng chiến chống mỹ cảm hứng và giọng điệu...

Tài liệu Luận văn thơ trẻ việt nam thời kháng chiến chống mỹ cảm hứng và giọng điệu

.PDF
222
166
98

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --------   -------- NGUYỄN BÁ LONG THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ: CẢM HỨNG VÀ GIỌNG ĐIỆU LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2014 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --------   -------- NGUYỄN BÁ LONG THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ: CẢM HỨNG VÀ GIỌNG ĐIỆU Chuyên nghành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 62.22.34.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS PHÙNG QUÝ NHÂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2014 LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của tác giả Luận án, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS Phùng Quý Nhâm. Kết quả nghiên cứu không sao chép bất kì một công trình khoa học hay tài liệu tham khảo nào. Tôi giữ bản quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan của mình. Tác giả Nguyễn Bá Long MỤC LỤC DẪN NHẬP Trang 1. Lý do chọn đề tài. 1 2. Lịch sử vấn đề 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 27 4. Phương pháp nghiên cứu. 28 5. Những đóng góp của luận án 29 6. Cấu trúc luận án. 30 CHƯƠNG 1: THƠ CHỐNG MỸ VÀ THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ 1.1. Thơ chống Mỹ: Biên độ thời gian, đặc điểm nổi bật 31 1.1.1. Biên độ thời gian 31 1.1.2. Đặc điểm nổi bật 35 1.1.2.1. Một số đặc điểm về tư tưởng, tình cảm 35 1.1.2.2. Một số đặc điểm về hình thức nghệ thuật 39 1.2. Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ: Khái niệm, diễn trình vận động 56 1.2.1. Khái niệm 56 1.2.2. Diễn trình vận động 61 CHƯƠNG 2: CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT TRONG THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ 2.1. Cảm hứng nghệ thuật: Khái niệm, hướng phân loại 75 2.1.1. Khái niệm 75 2.1.2. Hướng phân loại 79 2.2. Những dạng thức cảm hứng trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ 2.2.1. Cảm hứng lãng mạn - sử thi 81 81 2.2.2. Cảm hứng dấn thân - nhập cuộc 95 2.2.3. Cảm hứng bi tráng 103 2.3.4. Cảm hứng đời tư, thế sự 110 2.3. Một số phương thức biểu đạt cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ 119 2.3.1. Sáng tạo hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng 120 2.3.2. Đa dạng các màu sắc nghệ thuật 126 CHƯƠNG 3: GIỌNG ĐIỆU THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ 3.1. Giọng điệu và giọng điệu nghệ thuật 134 3.1.1. Giọng điệu trong đời sống 134 3.1.2. Giọng điệu nghệ thuật 135 3.2. Những kiểu giọng điệu trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ 141 3.2.1. Giọng hào sảng, lạc quan 142 3.2.2. Giọng trữ tình thống thiết 150 3.2.3. Giọng triết lí suy tưởng 157 3.2.4. Giọng day trở, tự vấn 168 3.3. Một số thủ pháp kiến tạo giọng điệu thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ 174 3.3.1. Tích hợp nhiều phong cách ngôn ngữ, mở rộng lớp từ thi ca 174 3.3.2. Khai thác lợi thế phép điệp và so sánh tu từ 178 3.3.3. Biến đổi câu thơ, gia tăng nhịp điệu 183 KẾT LUẬN 190 CÁC CÔNG TRÌNH, BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 195 TÀI LIỆU THAM KHẢO 196 NHỮNG THI PHẨM ĐƯỢC KHẢO SÁT 210 1 DẪN NHẬP 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Sự kiện Việt Nam chống Mỹ và thắng Mỹ không chỉ vang dội ở thế kỷ XX mà sau cuộc chiến ấy, bên cạnh những “di chứng”, “hội chứng” để lại, ngày càng xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về nó trên các mặt quân sự, lịch sử, tâm lí, văn học,… với nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Nhưng dù khác nhau thế nào, thì với Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa, kháng chiến để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Nghiên cứu cốt nhằm khẳng định, lí giải và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề mà độ lùi thời gian, xu thế thời đại cho phép; nghiên cứu vì mục đích hòa bình, hướng tới hòa giải - hòa hợp dân tộc, khép bỏ hận thù, vì một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Trên tinh thần ấy, chúng tôi chọn đề tài Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ: Cảm hứng và giọng điệu cho Luận án tiến sĩ của mình, với những lí do sau đây: 1.1. Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (gọi tắt “thơ trẻ thời chống Mỹ”), qua độ lắng thời gian, nay trở thành hiện tượng văn hóa tinh thần rất đáng trân trọng. Có thể nói, thời đại ấy đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ, mà nếu thiếu họ, thơ chống Mỹ sẽ không tránh khỏi hẫng hụt, thậm chí tẻ nhạt, nghèo sinh khí. Coi thơ trẻ thời chống Mỹ là hiện tượng nghệ thuật nổi bật, chúng tôi cho rằng, cần nghiên cứu cảm hứng và giọng điệu của cả dòng thơ dưới dạng một công trình khoa học chuyên biệt. Hướng tiếp cận này sẽ là cơ sở để đánh giá những đóng góp của một thế hệ nhà thơ vào lịch sử chống ngoại xâm và diễn trình vận động của thơ ca dân tộc. 1.2. Tiếp cận thơ trẻ thời chống Mỹ từ cảm hứng và giọng điệu là khám phá tư tưởng và nghệ thuật của một dòng thơ nảy sinh trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, rất nghiệt ngã. Đó là chiến tranh - bom đạn - chết chóc, đối lập với môi trường “sinh trưởng” của thơ. Chúng tôi thấy cần góp phần đánh giá hiện tượng thơ trẻ trên tinh thần đổi mới có kế thừa những kết luận hợp lí trong các công trình nghiên cứu trước đây. Độ giãn gần bốn mươi năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, gần hai mươi năm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, là lợi thế để người nghiên cứu kiến giải, kết 2 luận những thành tựu cũng như mặt hạn chế của dòng thơ này. Vả lại, đội ngũ thơ trẻ thời ấy, nay phần đa bước sang độ tuổi “thất thập diệp như thu”, một số nhà thơ đã ra đi theo quy luật sinh tử. Bởi vậy, theo chúng tôi, cần nghiên cứu sáng tác của họ khi họ đang là người đương thời, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. 1.3. Sau cùng, xét từ phương diện một người nghiên cứu, giảng dạy văn chương trong nhà trường đã hơn 30 năm, một người sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy, chọn đề tài này, chúng tôi nghĩ, nó phù hợp và hữu ích cho bản thân khi tác nghiệp, hỗ trợ học sinh - sinh viên trong học tập nghiên cứu, thêm tài liệu để đồng nghiệp tham khảo. Ngoài ra, nếu đề tài thành công thì bản thân cảm thấy như được bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vô số những người ngã xuống cho đất nước độc lập, thống nhất, trong đó có thân nhân ruột thịt của mình. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ - Mỗi thời kì, mỗi thời đại thường xuất hiện một kiểu nghệ sĩ. Thời kháng chiến chống Mỹ xuất hiện thế hệ nhà thơ trẻ tài năng, giàu sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Có thể nói, đó là cả một thế hệ nhà thơ “dàn hàng gánh đất nước trên vai”, xả thân cứu nước, xả thân để làm ra đời và làm ra thơ. Sáng tác của họ góp vào nền thơ Việt Nam hiện đại sắc điệu riêng, rất nổi bật, càng có độ lắng thời gian càng thấy rõ sự nổi bật ấy. Kể từ khi hình thành (đầu thập niên 60, thế kỉ XX) đến nay, thơ trẻ thời chống Mỹ được giới nghiên cứu tìm hiểu trên nhiều phương diện và cấp độ khác nhau. Những cây bút thẩm định văn chương uy tín như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Nguyễn Văn Long, Hà Minh Đức, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Bùi Công Hùng, Mã Giang Lân, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Bá Thành,... đều có những nhận định sâu sắc về thơ trẻ thời chống Mỹ. Chưa ai thống kê chính xác có bao nhiêu công trình khoa học khám phá dòng thơ này, chỉ biết rằng số lượng khá phong phú và đa dạng. Theo chúng tôi, có thể tạm quy về một số hướng nghiên cứu sau đây: - Hướng nghiên cứu tập trung vào một tác giả; đối tượng thường là một trong số các nhà thơ tiêu biểu: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân 3 Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Ngô Kha, Trần Quang Long,... tầm độ từ bài viết có tính giới thiệu (tiểu luận) đến khóa luận đại học, luận văn thạc sĩ. - Hướng phân tích, thẩm bình một thi phẩm cụ thể. Hướng này chủ yếu tập trung vào những bài thơ được chọn giảng trong nhà trường: Bếp lửa - Bằng Việt, Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật, Đất quê ta mênh mông - Dương Hương Ly, Trở về quê nội, Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân, Sóng - Xuân Quỳnh, Tre Việt Nam - Nguyễn Duy, Bài ca chim chơ rao (trích) - Thu Bồn, Hạt gạo làng ta Trần Đăng Khoa,...); số lượng bài viết khá nhiều, khó tính hết. - Hướng nghiên cứu toàn bộ dòng thơ trẻ dưới dạng phân tích tổng thể nội dung và nghệ thuật (Giáo trình Lịch sử văn học tập III - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại tập II - sách Dự án đào tạo giáo viên THCS, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Lời tựa tập thơ Sức mới - Chế Lan Viên,...). Hay dưới dạng khám phá chuyên sâu một trong các vấn đề nổi bật của cả dòng thơ: cái tôi trữ tình, phong cách, cảm hứng, giọng điệu, thể loại... (tập trung ở các chuyên luận, luận văn, luận án). Hoặc dưới dạng trao đổi, hồi tưởng về một thời thơ trận mạc (đăng trên các tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương). - Hướng nghiên cứu lồng ghép (tích hợp) trong các công trình khoa học chuyên ngành. Hướng này phân tích đánh giá thơ trẻ với tư cách là một hiện tượng, một bộ phận trong phạm vi nghiên cứu rộng hơn nó. Cụ thể như trong các chuyên luận về thơ Việt Nam hiện đại, các công trình nghiên cứu văn học sau Cách mạng tháng Tám, lời giới thiệu các tuyển tập thơ,... Chẳng hạn: Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước của Viện Văn học, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại của Hà Minh Đức, Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định của Vũ Tuấn Anh, Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại của Mã Giang Lân, Sự cách tân của thơ Việt Nam hiện đại của Bùi Công Hùng, Tựa tuyển tập Thơ ba năm chống Mỹ của Chế Lan Viên, Văn học giải phóng miền Nam của Phạm Văn Sĩ, Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam của Nguyễn Bá Thành,... Chúng tôi tạm quy về bốn hướng nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ (cũng là bốn nhóm công trình khoa học) như trên, là để tiện cho việc tổng luận tình hình 4 nghiên cứu dòng thơ này theo tiến trình trước và sau đổi mới (1986). Sự kiện đổi mới mở ra bước ngoặt lớn trong đời sống văn học ở nước ta: lí luận văn chương được nhận thức lại, các lí thuyết phê bình phương Tây được truyền bá và ứng dụng rộng rãi, bước đầu đạt được một số thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy vẫn còn những mặt “yếu kém, khuyết điểm” [9, tr.11], nhưng nhìn chung, nền lí luận phê bình văn học ở nước ta sau đổi mới thực sự phong phú, đa dạng (và cũng phức tạp) hơn trước. Một số quan niệm khô cứng, lỗi thời (thậm chí giáo điều, ấu trĩ) được thay thế bằng cách nhìn mới mẻ, linh hoạt hơn. Tất nhiên cũng không phủ nhận những thành tựu từ trước để lại, đổi mới là vừa thay đổi vừa tiếp nối trong tình thế mới. Từ sự hiểu như vậy, chúng tôi lấy sự kiện đổi mới (1986) làm mốc chia các công trình nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: từ khi dòng thơ trẻ hình thành (nửa đầu thập niên 60, thế kỷ XX) đến 1986 (phê bình đồng hành sáng tác). Giai đoạn thứ hai: từ 1986 đến nay (tiếp tục phê bình, đánh giá lại). Ở giai đoạn thứ nhất, về phương diện lịch sử, rõ ràng có hai chặng. Chặng một: trước 1975, tức thời đất nước chiến tranh. Chặng hai, mười năm đầu hậu chiến, tức tiền đổi mới. Nhìn chung cả hai chặng, các nhà nghiên cứu tiếp cận thơ trẻ thời chống Mỹ chủ yếu theo hướng xã hội học, thiên về khám phá nội dung tư tưởng, chưa chú ý nhiều đến sáng tạo hình thức, thi pháp. Bối cảnh xã hội thời ấy định hướng như vậy, chưa thể khác được. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 đã bắt đầu xuất hiện một số nhà phê bình tiên phong đổi mới tư duy (chẳng hạn Hoàng Ngọc Hiến). Trong nghiên cứu thơ trẻ, hướng tiếp cận, sự đánh giá cũng có những dấu hiệu thay đổi (chẳng hạn Nguyễn Trọng Tạo: “Chất trẻ trong thơ trẻ chống Mỹ” - 1981). Nhưng nhìn chung, những tín hiệu ấy chưa đủ để khẳng định đã có bước ngoặt trong nghiên cứu dòng thơ này. Phải sau 1986, việc đánh giá thơ trẻ thời chống Mỹ mới thực sự đa chiều, đa ý kiến, nhiều thi phẩm bị phê phán trước đây được soi xét lại, trong đó có những sáng tác được “chiêu tuyết” và phổ biến rộng rãi (như Trò chuyện với Thúy Kiều - Lý Phương Liên, Vòng trắng - Phạm Tiến Duật, Sẹo đất - Ngô Văn Phú...). Những diễn biến này liên quan đến không khí dân chủ, “cởi trói” trong phê bình và sáng tạo văn học thời kì đổi mới. 5 Phác thảo mấy nét trên để thấy rằng, mỗi giai đoạn có đặc điểm về hoàn cảnh xã hội, gắn với nó là quan niệm tiếp nhận, đánh giá văn chương cũng khác nhau. Những công trình nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ, bên cạnh những tương đồng, tất sẽ có khác biệt. Do số lượng công trình nghiên cứu dòng thơ này khá dồi dào với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, trong khi phần Lịch sử vấn đề lại hạn hẹp, không thể tổng thuật tất cả, nên chúng tôi chỉ điểm luận những công trình, những bài viết tiêu biểu và một số hướng nghiên cứu liên quan đến Luận án, cũng như thấy được sự thay đổi trong thẩm định, đánh giá thơ trẻ qua mỗi giai đoạn. 2.1. Giai đoạn trước đổi mới 1986 Thơ trẻ thời chống Mỹ là một thực thể vận động liên tục, gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; nghiên cứu về nó cũng chưa bao giờ đứt gãy. Tuy trước đổi mới (1986), hệ quy chiếu trong phê bình đánh giá chưa có gì thay đổi, nhưng để tương hợp với bước chuyển của lịch sử, sát với diễn trình vận động của dòng thơ này, chúng tôi tạm phân những công trình nghiên cứu thành hai chặng: ● Chặng thứ nhất: từ khi thơ trẻ hình thành đến 1975 Chúng tôi muốn dành dung lượng nhiều hơn để điểm luận những công trình nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ ở chặng thứ nhất, tức chặng đất nước chiến tranh; cũng là chặng phê bình đồng hành sáng tác, kết nối rất hiệu quả với người đọc. Những bài viết, những công trình nghiên cứu hồi ấy có ý nghĩa khai mở, làm tư liệu quý cho những ai tiếp tục khám phá dòng thơ này ở chặng sau. Trước hết, có một sự thực đến kì lạ, chiến tranh ác liệt mà thơ thì bùng phát: lãnh tụ làm thơ, dân thường làm thơ, người già - trẻ em đều có thơ, đông đảo độc giả cũng hết lòng với thơ. Khắp nơi, người ta đọc thơ, bình thơ, ngâm thơ, nói chuyện thơ,... bất kể bom đạn và gian khổ hy sinh, cứ ngỡ như đó là cái thời “quyền lực” của thơ. Thế hệ nhà thơ trẻ ra đời, vận động trong bối cảnh như vậy. Ngay từ khi thơ họ vừa “đăng đàn” thì liền được nhiều nhà phê bình chú ý, đông đảo người đọc quan tâm. Những nhà thơ sớm bộc lộ tài năng, chắc chắn không bao lâu sẽ có bài giới thiệu đăng trên các tờ báo lớn. Có thể nói, thời ấy, lực lượng phê bình văn học tuy không đông nhưng rất mạnh. Họ bắt nhịp rất nhanh, rất nhạy, “kích cầu” rất kịp thời, góp phần tích cực vào đời sống văn học vốn nhộn nhịp, nhiều khởi sắc. 6 Người tiên phong như một bậc thầy trong lĩnh vực này là nhà phê bình Hoài Thanh. Với năng lực thẩm thơ đạt đến mức “thiên phú”, với độ nhạy, độ cảm hiếm có, những bài viết của ông tinh tế, chuẩn xác, sức thuyết phục cao. Những phát hiện, đánh giá của Hoài Thanh về các nhà thơ trẻ, mà lúc ấy, theo ông là có nhiều triển vọng (Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật...), qua độ lắng thời gian, hết thảy đều không sai số. Cái “tạng” phê bình “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, ấn tượng - trực cảm của Hoài Thanh là lợi thế làm cho những bài thơ đã hay lại càng hay và rất dễ “lây lan” sang người đọc. Ông không nghiên cứu sâu giọng điệu của nhà thơ trẻ nào nhưng trong các bài viết đều có phát hiện, khi đã phát hiện chất giọng của nhà thơ nào thì đích thực của nhà thơ đó, không lẫn với ai được (ông thường dùng “hơi thơ”, “tiếng thơ”, “giọng thơ” thay “giọng điệu”). Chẳng hạn, năm 1968, trên Tạp chí Văn học số 9 và số 10, Hoài Thanh viết liền hai bài về nhà thơ trẻ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Bài thứ nhất “Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến hay tâm sự của người thanh niên miền Nam tập kết”, ông phát hiện ra “Tiếng nói của một con người dễ cảm xúc, hay suy nghĩ” [158, tr.1212], “lời thơ, nhạc thơ của anh nhiều chỗ độc đáo nhưng nói chung vẫn bình dị và tự nhiên, đằm thắm và ngọt ngào” [158, tr.1214]. Bài viết thứ hai “Thơ Lê Anh Xuân hay tấm lòng của người thanh niên trên tiền tuyến lớn”, Hoài Thanh giới thiệu sáng tác của Lê Anh Xuân kể từ khi nhà thơ trở về quê hương chiến đấu. Ông chỉ rõ: “Câu thơ của Lê Anh Xuân vẫn dịu hiền và có khi nhỏ nhẹ nữa… Có thể nói Lê Anh Xuân đã đạt tới cái nhìn anh hùng ca và tìm đúng cái giọng anh hùng ca (NBL nhấn mạnh)” [158, tr.1233]. Hay, trên báo Văn nghệ số 340 ra ngày 17/4/1970, trong bài “Một vài cảm tưởng nhân cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ”, Hoài Thanh nhận định khá sớm về Phạm Tiến Duật: “Tứ thơ của anh độc đáo, phong phú, táo bạo, đúng là tứ thơ của người trong cuộc... Nếu anh giữ được cho nó luôn bình dị, trong sáng thì chắc chắn tiếng thơ của anh sẽ là tiếng thơ quý”. Đối với Lưu Quang Vũ, đọc những sáng tác đăng trên các báo Văn nghệ quân đội, Nhân dân, Văn nghệ, trong năm 1966, Hoài Thanh đặt tiêu đề bài viết Một cây bút trẻ nhiều triển vọng, thay lời khẳng định. Ông nhận thấy: “Thơ Lưu Quang Vũ rất dồi dào màu sắc và cũng rất thính về các mùi 7 hương”, “Cảm xúc suy nghĩ của anh thường nhuần nhị. Ý thơ có khi mượn chỗ này chỗ nọ nhưng giọng thơ thì đúng là giọng của anh (NBL nhấn mạnh)” [154, tr.46]. Đến với thơ Nguyễn Duy từ thuở ban đầu, Hoài Thanh chỉ rõ điểm mạnh điểm yếu, nhận ra chất giọng riêng, nhiều hứa hẹn: “Câu thơ của Nguyễn Duy nhiều khi còn khắc khổ, thậm chí còn cầu kì và rắc rối nữa... Nhưng một số bài của anh đậm đà phong cách Việt Nam. Giọng thơ chân chất. Tình thơ chắc. Ý thơ sâu” [155, tr.4]. Viết về bốn cây bút tiêu biểu thuộc thơ trẻ thời chống Mỹ, nhà phê bình văn học hàng đầu ở nước ta đã bắt rất đúng “mạch chủ” trong nguồn thơ của họ. Chúng tôi coi những bài viết như thế là đi tìm những hạt ngọc thơ ca đang nảy sinh từ cuộc sống tươi xanh của những tâm hồn tươi trẻ, góp phần làm nên dáng nên hình của một thế hệ nhà thơ. Trong những bài nghiên cứu trên, để ý, chúng tôi thấy Hoài Thanh không trực tiếp nói đến “cảm hứng”. Có lẽ, theo tác giả, thẩm định tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ thể hiện trong thi phẩm cũng là đủ (và không ra ngoài cảm hứng). Văn phê bình của Hoài Thanh là vậy. Một người rất uyên bác nhưng ông lại né tránh kiểu viết tầm chương trích cú, lí luận dông dài. Nói chuyện bình thơ, ông tâm sự: “Phân tích giọng thơ, hơi thơ, nhạc thơ hay phân tích gì thì rốt cuộc cũng là nhằm đưa người ta đi sâu vào tình cảm tư tưởng trong thơ” [159, tr.32]. Cùng Hoài Thanh, Xuân Diệu cũng tỏ ra rất chú ý phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu tài năng các cây bút trẻ. Những Nguyễn Xuân Thâm, Hoàng Cát, Trần Đăng Khoa,... là những nhà thơ được ông quan tâm đặc biệt. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm (bút danh Dao Ca, Đỗ Hữu) cho biết: “Anh Xuân Diệu dạy cho tôi nhiều nhất. Anh chữa cho từng chữ. Thậm chí có khi bài thơ của tôi được anh vẽ ra như một bức tranh” [184]. Tiếp đến, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Xuân Nam giới thiệu thơ Bằng Việt, Nguyễn Văn Hạnh thẩm bình Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật khi tập thơ mới được ấn hành. Các nhà lí luận phê bình uy tín đã rất chú ý đến ngôn ngữ, bút pháp, nhịp thơ... tức những vấn đề không tách rời cảm hứng và giọng điệu. Nguyễn Văn Hạnh viết: “Trong “Vầng trăng quầng lửa” có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện đại và bút pháp truyền thống, hình thức thơ có sự biến đổi phù hợp với nội dung. Nhà thơ tài hoa này không trói buộc mình trong những quy tắc cũ, câu thơ dài ngắn không đều, vần nhịp tư do những vẫn có sức lôi cuốn” [41, tr.7]. Định Nguyễn, trong 8 bài “Đọc thơ người ra trận” (báo Văn nghệ số 451 - 1972) đã phác thảo chất thơ, giọng thơ của Nguyễn Đức Mậu và Vương Trọng: “cả hai anh đều khỏe, chắc, mộc mạc, thô, đạm mà chân thành”. Trang Nghị trên báo Văn nghệ (số tháng 6 - 1972) có bài “Một tác giả trẻ trên chiến trường Trị - Thiên - Huế”. Trong bài viết, Trang Nghị nhận diện thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi nhà thơ này mới có tập Đất ngoại ô ra mắt bạn đọc: “Nguyễn Khoa Điềm chưa phải đã có nhiều bài thơ hay, nhưng đáng chú ý ở anh là một giọng nói mới (NBL nhấn mạnh)”. Trước đó, đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm mới được đăng trên báo, Vũ Quần Phương trong bài “Quá trình phát triển nội tâm trong một bài thơ”, (Văn nghệ tháng 11 - 1970) đã có lời bình “Thơ Nguyễn Khoa Điềm khỏe mà thấm”. Các nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ,... mỗi người đều hình thành được chất giọng riêng của mình. Tuy vậy, ý kiến đánh giá từ các nhà phê bình chuyên nghiệp đăng trên các tờ báo lớn lúc bấy giờ thì lại không nhiều, phải sau 1975 thơ họ (nhất là Xuân Quỳnh) mới được nhiều người tập trung nghiên cứu. Nói không nhiều nhưng không phải không có người viết. Chẳng hạn, Hoàng Trung Thông nhận xét: “Xuân Quỳnh sau Chồi biếc với những vần thơ tươi mát đã mở rộng hồn thơ của mình ra cuộc sống nhiều mặt. Tập thơ Hoa dọc chiến hào mang dấu ấn của một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế” [177, tr.64]; “Phan Thị Thanh Nhàn từ những bài thơ nhẹ nhàng thầm thì đã chuyển sang viết khá nhuần nhuyễn về một xóm đê hay một khu phố, về cuộc sống cần lao của quần chúng mà vẫn giữ được giọng riêng của mình” [177, tr. 62]. Riêng Lý Phương Liên là hiện tượng đặc biệt. Nữ công nhân trẻ này làm thơ và sáng danh trên thi đàn vào đầu thập niên 70 như một sự tình cờ. Khởi đầu là chùm bài đăng trên báo Nhân dân (số ra ngày 28-8-1970): Ca bình minh, Em mơ có một phiên tòa, Thư gửi một người bạn gái Mỹ và một số sáng tác khác đăng ở các báo Văn nghệ, Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Tiền phong, Lao động,… gây được sự chú ý của nhiều nhà phê bình và sự hâm mộ của đông đảo bạn đọc: “Thơ Lý Phương Liên đến thẳng với trái tim người đọc bằng hình ảnh xúc động, bằng cách nói trực tiếp và không kém phần sâu sắc”, “đôi lúc Lý Phương Liên đã nói được những vấn đề lớn của dân tộc” [177, tr.67]. Tuy nhiên, cách không bao lâu, Lý Phương Liên lại nổi 9 danh (theo cách đánh giá hiện nay) với bài Nghĩ về Thúy Kiều (sau đổi thành Trò chuyện với Thúy Kiều) đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 28-8-1970. Đây là bài thơ, có thể nói, cảm hứng thế sự thể hiện khá rõ (rất hiếm hoi trên thi đàn khi ấy). Và dĩ nhiên, bài thơ bị phê phán gay gắt: “Bài thơ rõ ràng xa lạ với cuộc chiến đấu anh hùng, luẩn quẩn trong những triết lí mơ hồ đồng thời biểu hiện một quan niệm sống yếu đuối, lạc lõng” [195, tr.164]; mãi đến những năm sát đổi mới, có nhà phê bình, trong công trình nghiên cứu của mình vẫn đánh giá gay gắt như thế, dù rằng Lý Phương Liên từ bỏ thơ đã chục năm ngoài. Tuy gặp nhiều sóng gió do hoàn cảnh lịch sử nhưng Lý Phương Liên là cây bút có hình có nét trong thơ trẻ thời chống Mỹ: “những bài thơ hay của Lý Phương Liên mang bản sắc riêng, khá cụ thể, khá sinh động, không trộn lẫn với những người khác” [177, tr.67]. Nữ nhà thơ này để lại một số dấu ấn khá đậm: biên độ cảm hứng được mở ra, tính nhân văn khá rõ (Thư gửi một người bạn gái Mỹ, Em mơ có một phiên tòa), giọng thơ trong trẻo, hồn nhiên mà nhiều trăn trở (Ca bình minh, Trò chuyện với Thúy Kiều). Chúng tôi nghĩ, sáng tác của Lý Phương Liên cần được khảo sát, nghiên cứu như những nhà thơ khác cùng thế hệ (lâu nay trong các luận án, luận văn liên quan đến thơ chống Mỹ hầu như không ai đề cập đến). Xét theo hướng nghiên cứu, đánh giá tổng thể dòng thơ trẻ thời chống Mỹ, chúng tôi nghĩ, Chế Lan Viên là người khai mở đầu tiên. Trong tiểu luận “Đốt cháy hơn nữa ngọn lửa trong thơ bạn trẻ” (Lời tựa tập thơ Sức mới - 1965) ông đã sớm nhận ra “Điều đáng yêu của tập thơ này là nó nồng ấm cái hơi thở của cuộc sống” [193, tr.424]. Và cũng theo Chế Lan Viên, sự “nồng ấm cái hơi thở của cuộc sống” chính là thế mạnh của thơ trẻ: “Họ có cái này ghê gớm lắm: cái con mắt trẻ để nhìn đời, nhìn cái cụ thể của đời” [193, tr.488]. Cả một đội ngũ nhà thơ được hợp lại từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực, nhiều tầng lớp. Theo Chế Lan Viên, nhãn quan cuộc sống của lớp nhà thơ trẻ rất phong phú, nguồn cảm hứng của họ dồi dào: “Các bạn trẻ này phần đông là công nhân bộ đội, cán bộ. Họ ở trong nhiều ngành nghề địa phương khác nhau, đứng từ nhiều góc độ khác nhau để nhìn cuộc sống. Do đó gộp tất cả cái nhìn riêng của họ lại, ta có một số thành không đơn điệu, một cái nhìn chung khá phong phú về cuộc đời” [193, tr.425]. Phác thảo về một đội ngũ nhà thơ đang sinh 10 thành qua một tuyển tập (lọc trong hơn 1500 bài thơ), những cây bút sáng danh đều được Chế Lan Viên nhận xét và bước đầu chỉ ra dấu ấn riêng, tỏ ý tin vào triển vọng phát triển của họ: Xuân Quỳnh, Thái Giang, Bằng Việt, Nguyễn Mỹ, Vũ Quần Phương, Phạm Ngọc Cảnh, Trúc Thông, Nguyễn Vũ Tiềm, Phạm Tiến Duật (cho rằng, trong Lời tựa tập Sức mới, Chế Lan Viên chưa nhắc đến Phạm Tiến Duật là không đúng). Trong diễn trình vận động, đội ngũ nhà thơ trẻ liên tục được bổ sung những cây bút xuất sắc (Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ,...); và giọng thơ của thế hệ họ cũng dần dần định hình: đa dạng mà thống nhất, phân biệt với giọng thơ của thế hệ trước họ (ở đây Chế Lan Viên chưa bàn đến vấn đề này). Đến tiểu luận “Thơ đánh Mỹ cứu nước” (Tựa tuyển tập Thơ ba năm chống Mỹ 1965 - 1967), Chế Lan Viên nhận thấy sự lớn mạnh nhanh chóng đội ngũ nhà thơ trẻ: “Cái làm cho tuyển tập thơ này khác với các tuyển tập trước, là tiếng nói ríu rít (NBL nhấn mạnh) của đông đảo những cây bút trẻ. Họ chiếm một phần ba tuyển tập” [193, tr.487]. Và tiếp tục khẳng định ưu thế của họ: “ta có một đội ngũ trẻ có mặt ở khắp nơi để đón bắt cuộc sống mới khi nó xuất hiện. Nhờ thế hình ảnh của cuộc sống ở đây là một hình ảnh chẳng đơn điệu nghèo nàn” [193, tr.490]. Không chỉ thấy được sự năng nổ, xông xáo của đội ngũ nhà thơ trẻ trong việc nắm bắt, đưa hiện thực cuộc sống vào thơ, mở rộng nguồn cảm hứng cho thơ, Chế Lan Viên còn khẳng định tài năng của họ ở phương diện “kỹ thuật” (tức các thủ pháp nghệ thuật): “Không phải lớp trẻ chỉ có tâm hồn, họ còn nắm vững kỹ thuật” [193, tr.489]. Từ giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ mới hình thành mà Chế Lan Viên đã có những nhận xét như trên, chúng tôi nghĩ, không chỉ có tác dụng “truyền nghề” mà còn thể hiện sự bao quát về một thế hệ nhà thơ đầy triển vọng. Có điều cũng đáng lưu ý là, sau chiến tranh, khi thơ trẻ thời chống Mỹ đã đi hết chặng đường vẻ vang của nó, nhìn lại thế hệ hệ nhà thơ ấy (so sánh với thơ trẻ thời hậu chiến), trả lời câu hỏi của Phạm Tiến Duật, Chế Lan Viên nhận xét: “Ngày trước các cậu bắn đạn thơ có viên nổ viên xịt nhưng cộng lại là trúng đích. Bây giờ đạn của chúng nó tốt đấy, viên nào cũng nổ nhưng bắn thăng thiên, thăng 11 địa, tán loạn” [23, tr.76]. Đấy là lời đánh giá bằng hình ảnh, dí dỏm nhưng không phải không đúng. Sau Chế Lan Viên, khi cuộc chiến cận kề kết thúc, những Hoàng Trung Thông, Bùi Công Hùng, Nguyễn Văn Long, Bằng Việt đều có bài viết về thơ trẻ thời chống Mỹ theo hướng nghiên cứu tổng thể. Trong các bài viết ấy, mức độ này mức độ khác, vấn đề cảm hứng và giọng điệu đã được đề cập, những đóng góp của thơ trẻ được chú ý. Chẳng hạn, trong “Một vài suy nghĩ về dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay”, Hoàng Trung Thông viết: “Họ đến với đội ngũ thơ, ríu rít, hồn nhiên, chân thực, nhưng sớm ý thức phải có một tiếng nói riêng (NBL nhấn mạnh) trong tiếng nói chung hùng tráng của dân tộc đang đánh thắng giặc Mỹ” [177, tr.62]; “Các bạn làm thơ trẻ của chúng ta ngày càng muốn tự khẳng định mình và đem nhiều cách nói, cách diễn tả vào phong trào thơ. Chúng ta tin ở tài năng của anh chị em đó và chúng ta hiểu rằng họ có nhiều đóng góp đáng khuyến khích cho thơ ca” [177, tr.66]. Nghiên cứu tổng thể dòng thơ trẻ, Hoàng Trung Thông không quên chỉ ra một số “thần thái” riêng của từng cây bút tiêu biểu: Bằng Việt “nghiêng về suy nghĩ trong giọng thơ bình thản có phần đơn điệu”, Vũ Quần Phương “trăn trở tìm tòi, nhiều lúc khá tinh tế mà như chưa vượt qua được những cuộc sống hạn chế quanh mình”, Lưu Quang Vũ “chắt chiu những kỷ niệm, có trau chuốt màu mè mà thiếu sự nóng hổi của cuộc sống”, Ngô Văn Phú “rung động về con người và cảnh sống của nông thôn, ngày càng sâu hơn, giàu có hơn, nhưng chưa tạo được nét riêng thật độc đáo”, Phạm Ngọc Cảnh “chân chất, khỏe”, Nguyễn Đức Mậu “đã có chiều sâu, có sức khái quát cao”,... Riêng Phạm Tiến Duật, cũng như các nhà phê bình khác, Hoàng Trung Thông nhận xét: “Thơ anh lấy từ cuộc sống thực, có khi trần trụi, nhưng không dừng lại ở phản ánh đơn sơ mà được nâng lên bằng trí tưởng tượng và suy nghĩ độc đáo... Anh phóng túng mà đã bắt đầu có bản sắc riêng” [177, tr.63]. Tuy nhiên, cái giọng “nói chơi, nghịch ngợm, hơi ngang” trong thơ Phạm Tiến Duật, nếu nhà phê bình khác cho là độc đáo thì ngược lại, Hoàng Trung Thông cho đấy là nhược điểm: “Vui là một đức tính của tuổi trẻ, nhưng đi đến bỡn cợt thì không nên... Một số bài thơ gần đây của anh cũng rơi vào những nhược điểm đó, mà có phần còn nặng hơn” [177, tr.64]. Theo chúng tôi, lời cảnh báo của Hoàng Trung Thông không phải không có cơ sở. Thực tế 12 cho thấy, viết về Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, giọng thơ Phạm Tiến Duật được coi là phù hợp (phần nào thể hiện tinh thần lạc quan, ngạo nghễ, vượt lên hi sinh gian khổ của người lính). Nhưng chuyển sang thời bình, cuộc sống cân bằng trở lại, nếu vẫn giọng “nói chơi”, “bỡn cợt” như thế thì rất khó thành công. Có lẽ đây là lí do vì sao cho đến cuối đời, thơ Phạm Tiến Duật vẫn chưa ra khỏi Trường Sơn. Hoàng Trung Thông nghiên cứu thơ trẻ miền Bắc, còn Bùi Công Hùng viết về thơ trẻ miền Nam vùng giải phóng. Trong bài “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và thơ trẻ ở miền Nam”, tác giả đã sớm đưa ra nhận định tổng quát: “Nhìn vào đội ngũ những người làm thơ ở miền Nam, chúng ta thấy những người cầm bút trẻ chiếm một số lượng đáng kể và có một vị trí nhất định trên văn đàn của nền văn nghệ giải phóng” [57, tr.15]. Điểm mới ở đây là, khác một số nhà phê bình tỏ ý không khuyến khích những bài thơ viết về mất mát hy sinh, thì theo Bùi Công Hùng, thơ trẻ miền Nam cần phải nói lên mặt này, không nên ngợi ca một cách dễ dãi: “Nếu chỉ ca ngợi chiến thắng một cách dễ dàng, có thể làm nhẹ giá trị của những gì chúng ta phải giành lấy từ cái chết, đổi lấy mồ hôi nước mắt, bằng bao suy tư, bằng bao nhiêu trí tuệ thông minh vào đó” [57, tr.16]. Ngay cả một số biểu hiện cảm xúc hoài niệm mà có nhà phê bình hồi ấy cho là nên cảnh giác: “Khi đã tỏ ra gửi lòng mình quyến luyến với quá khứ, không gỡ mình ra khỏi những kỷ niệm thì dẫu sao vẫn là một thái độ tiêu cực...” [33, tr.244]; Bùi Công Hùng lại khác, ông tỏ ý đánh giá cao mạch xúc cảm này: “Tình yêu quê hương, những người thân yêu được thể hiện một cách say mê hơn, tinh tế hơn trong thơ trẻ miền Nam. Vì họ hiểu đó là một phần quan trọng của tình yêu Tổ quốc. Họ trưởng thành trong cuộc sống cụ thể giàu kỉ niệm, ấn tượng, giàu màu sắc cá biệt ấy” [57, tr.21]. Cắt nghĩa rõ hơn, Bùi Công Hùng viết: “nó phải được thể hiện trực tiếp bằng cách nghĩ, cách viết của người dân miền Nam. Những người ở xa chiến trường lâu ngày (tức nhà thơ tập kết mới trở về - NBL) có quyền viết về những kỉ niệm đã có dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn, kinh qua cuộc chiến đấu” [57, tr.23]. Theo chúng tôi, Bùi Công Hùng đã thuyết phục. Mà không riêng gì các nhà thơ miền Nam mới “có quyền viết về kỉ niệm”; thời chống Pháp, nếu không hoài niệm thì Hữu Loan chưa chắc đã có Màu tím hoa sim, Hoàng Cầm có thể trống vắng Bên kia sông Đuống, Nguyễn Đình Thi, đoạn mở đầu không là “Tôi nhớ những ngày thu đã xa” thì có lẽ 13 Đất nước (tên bài thơ) đã không còn là Đất nước của Nguyễn Đình Thi nữa. Chúng tôi cho rằng, đặt vào khung thẩm mỹ thời chiến tranh, khi phản ánh hiện thực, tính chiến đấu được coi như tiêu chuẩn hàng đầu trong đánh giá nghệ thuật, những ý kiến trên của Bùi Công Hùng là đáng quan tâm. Đồng thời, dấu ấn sáng tạo, giọng điệu nghệ thuật của một số nhà thơ trẻ cũng được tác giả bài viết nhận diện: “Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc lắng đọng; Dương Hương Ly nồng say chân thành, Nguyễn Chí Hiếu đằm thắm mượt mà, Ngô Bằng Vũ giàu chi tiết trăn trở tìm tòi, Vũ Ngàn Chi xông xáo, chắc khỏe, Hồng Chinh Hiền giàu chất tạo hình. Mỗi người mỗi vẻ: Diệp Minh Tuyền tươi mát, dịu dàng; Lê Chí giản dị; Nguyễn Bá ấm áp...” [57, tr.15]. Kế tiếp phải nói đến nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long. Trong bài “Hướng đi của một số người làm thơ trẻ”, cùng lúc, tác giả bài viết so sánh, chỉ ra mặt mạnh mặt yếu của một số nhà thơ: “Bên cạnh Phạm Tiến Duật phong phú thì Nguyễn Duy chắt lọc thâm trầm suy nghĩ, tuy cảm xúc còn hơi nghèo, Nguyễn Đức Mậu lại bề bộn ngổn ngang và đang cố gắng lắng lại để chắt lọc chất sống và dồn thêm xúc cảm” [83, tr.7]; đồng thời đánh giá chung về thế hệ nhà thơ: “Một thế hệ lớn lên trong những năm đánh giặc, một dòng thơ nảy nở ở ngọn nguồn thác lũ. Tuổi trẻ cầm súng và cầm bút làm ra đời và làm ra thơ” [83, tr.7]. Cũng cần nhận thấy, Nguyễn Văn Long viết bài này khi chiến tranh sắp kết thúc, trên nền thơ chống Mỹ hiện hình khá rõ sắc diện dòng thơ trẻ - một dòng thơ mỗi người mỗi vẻ nhưng vẫn có những nét đặc trưng mang dấu ấn thế hệ. Nhìn chung, đánh giá của Nguyễn Văn Long thỏa đáng vào thời điểm ấy; còn về sau, dĩ nhiên thơ của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu,... đều có những đổi thay nhất định. Không chuyên ở lĩnh vực nghiên cứu phê bình như Nguyễn Văn Long, Bằng Việt - một cây bút tiêu biểu của thơ trẻ thời chống Mỹ cũng có bài viết về thế hệ thơ mình. Bàn về “Chất trẻ, chất mới và sự từng trải”, là người trong cuộc, ông đưa ra chính kiến khá thuyết phục: “Chất trẻ chỉ cho sinh khí, nhiệt tình, nó chưa phải là cứu cánh. Mới theo tôi phải là cách nhìn riêng của mình vào sự vật, vào cuộc sống xung quanh, phát hiện ra những góc độ chưa ai phát hiện, đón bắt những gì chỉ mới đang manh nha trong hiện thực và cố gắng tìm ra cho nó một câu giải đáp” [197, tr.68]. Tuy vẫn phải bám vào nguyên lí văn học phản ánh hiện thực và ít nhiều vận dụng cách 14 nói của Nam Cao, nhưng Bằng Việt đã “mới” ở ý “tìm cho nó một câu giải đáp” (gần nghĩa với “nghiền ngẫm hiện thực” - chữ của Lê Ngọc Trà). Cái mới nữa, khi không ít nhà phê bình khẳng định ưu thế của thơ trẻ là chất trẻ, chất trẻ làm nên giá trị; Bằng Việt lại “nói ngược”: “nó chưa phải là cứu cánh”. Ở đây còn liên quan đến việc đánh giá thơ trẻ thời bấy giờ. Nhiều người quen nghĩ, thơ trẻ thường thiếu chiều sâu, dễ “lệch lạc” tư tưởng. Nghĩa là họ cần được “rèn cặp”, bồi dưỡng thì mới trưởng thành. Quan niệm phổ biến là thế, với Nguyễn Tuân thì không nghĩ thế: “Trong sáng tác không có già trẻ gì hết, mỗi anh đều có cái sự sinh của mình, biết đâu cái thằng trẻ nó bật ra những cái bất ngờ mà mình không có được” [190]. Như vậy, nghiêng về phương pháp trực cảm - ấn tượng (Hoài Thanh, Trang Nghị, Định Nguyễn, Vũ Quần Phương,...); phương pháp tổng hợp - so sánh (Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Bùi Công Hùng, Nguyễn Văn Long...) và những phương pháp nghiên cứu khác, trước 1975, nhiều nhà phê bình đã khẳng định rõ tài năng và đóng góp của thơ trẻ thời chống Mỹ. Điểm chung của các nhà nghiên cứu là đều tiếp cận theo hướng “phân đôi” nội dung và hình thức (nội dung trên hết), chú trọng nhiều đến chủ thể sáng tạo (nhà thơ); hướng nghiên cứu phong cách, thi pháp, thể loại trong các công trình khoa học chưa nhiều. Tuy nhiên, cái đạt được nổi bật trong các bài nghiên cứu trước 1975 là tính truyền cảm cao, gây được “hiệu ứng” tích cực cho người đọc, khai mở vấn đề cho các công trình nghiên cứu về sau. ● Chặng thứ hai: mười năm đầu hậu chiến (1976 - 1986) Chiến tranh kết thúc, chiến trường im tiếng súng, đất nước thống nhất, thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã không còn “trẻ” nữa. Đáng lưu ý là, trong đội ngũ nhà thơ này, một số cây bút dành thời gian nghiên cứu về một thời thơ của thế hệ mình. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Tạo: “Chất trẻ trong thơ trẻ chống Mỹ” - 1981 và “Ghi lại mấy nhà thơ cùng thời” - 1983 (in trong Văn chương cảm & luận); Vũ Quần Phương: “Đôi nét về lớp nhà thơ chống Mỹ 1965 - 1975” (báo Văn nghệ tháng 11 - 1978), Kháng chiến chống Mỹ và một thế hệ nhà thơ (Văn nghệ quân đội tháng 7 - 1984), Phạm Tiến Duật: “Về bút pháp hiện thực trong thơ Việt Nam hiện đại 1945 - 1980” (Tạp chí văn học số 5 - 1980),... Đọc những bài nghiên cứu của họ, chúng tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo là người đưa ra chính kiến khá rạch ròi: “Tôi cho rằng sự thay đổi 15 quan trọng giữa các thế hệ thơ chính là sự thay đổi về giọng điệu thơ (NBL nhấn mạnh). Sự thay đổi giọng điệu không chỉ hiểu là sự thay đổi đơn thuần về hình thức, mà thực chất là sự thay đổi về hồn thơ, sự thay đổi về cái bên trong, cái bản chất của sự vật” [149, tr.117]. Theo Nguyễn Trọng Tạo, thơ trẻ thời chống Mỹ hình thành từ đầu những năm 60 nhưng phải đến khi Phạm Tiến Duật nổi danh trên thi đàn thì giọng điệu riêng của thế hệ mới thực sự nổi bật: “Những đóng góp buổi đầu của thơ trẻ có thể kể đến các tác giả như Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần phương, Nguyễn Mỹ, Thái Giang v.v... Tuy nhiên phải đợi đến sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật, thơ chống Mỹ mới bộc lộ thật sự cái giọng điệu riêng của nó, cái giọng điệu riêng của lớp trẻ” [149, tr.117]. Dẫu sao, đây cũng chỉ ý kiến của một người, tỏ ý coi thơ Phạm Tiến Duật như đỉnh của thơ trẻ thời chống Mỹ. Đánh giá như thế không biết có quá lắm không, nhưng phải thừa nhận rằng, đưa thơ vượt Trường Sơn cùng đoàn quân ra trận thì không ai qua được tác giả Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Còn ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo về sự thay đổi giọng điệu, coi đây như bước chuyển quan trọng giữa các thế hệ nhà thơ, theo chúng tôi, hướng tiếp cận này là tín hiệu đổi mới trong phê bình văn học nói chung, nghiên cứu thơ trẻ nói riêng (ông cũng là tác giả của Tản mạn thời tôi sống - một bài thơ “đột phá” tư duy, nổi tiếng trong những năm tiền đổi mới). Ngoài ra, phát hiện của Nguyễn Trọng Tạo về thơ Thanh Thảo, thơ Hữu Thỉnh cũng có những điểm đáng quan tâm. Chẳng hạn: “Điệu thơ thông minh một cách thâm trầm, và sắc sảo một cách ngọt ngào là bước tiến vượt bậc trong thơ Thanh Thảo, đó cũng là bước tiến mới trong thơ chống Mỹ” [149, tr.124], hay: “Hữu Thỉnh giàu lượng thông tin tâm hồn, mang dấu ấn rõ nét cái tôi trữ tình của nhà thơ, góp với Thanh Thảo và lớp thơ trẻ chống Mỹ một tiếng nói nhân hậu về cuộc chiến tranh” [149, tr.130]. Tiếp đến là bài viết “Kháng chiến chống Mỹ và một thế hệ nhà thơ” của Vũ Quần Phương. Ở bài viết này, tác giả tiếp cận dòng thơ trẻ theo hướng nghiên cứu tổng thể và có một số đánh giá khá thỏa đáng. Chẳng hạn, đoạn khẳng định thơ trẻ thời chống Mỹ có chất giọng riêng, không lẫn với thơ của các thế hệ trước: “Đến 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc, lớp trẻ thực sự đã có một giọng
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan