Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Một số vấn đề lý luận cơ bản về chuẩn bị hỏi cung bị can...

Tài liệu Một số vấn đề lý luận cơ bản về chuẩn bị hỏi cung bị can

.DOC
63
99
140

Mô tả:

MỤC LỤC MỞ ĐẦU..............................................................................................................1 CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM, NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA CỦA CHUẨN BỊ HỎI CUNG BỊ CAN...........................................................................................4 1.1. Khái niệm chuẩn bị hỏi cung bị can...........................................................4 1.2. Nội dung cơ bản của chuẩn bị hỏi cung bị can..........................................5 1.2.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan................6 1.2.2. Nghiên cứu nhân thân bị can.............................................................9 1.2.3. Chuẩn bị tác động về tâm lí...............................................................16 1.2.4. Lập kế hoạch hỏi cung bị can...........................................................22 1.3. Ý nghĩa của chuẩn bị hỏi cung bị can.......................................................32 CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHUẨN BỊ HỎI CUNG BỊ CAN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ......................................35 2.1. Thực trạng chuẩn bị hỏi cung bị can........................................................35 2.1.1. Những kết quả đạt được trong chuẩn bị hỏi cung bị can................35 2.1.2. Những hạn chế tồn tại trong chuẩn bị hỏi cung bị can..................43 2.1.3. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại trong chuẩn bị hỏi cung bị can46 2.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chuẩn bị hỏi cung bị can....48 KẾT LUẬN.......................................................................................................55 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Pháp luật là tiền đề và là công cụ quan trọng hàng đầu để duy trì quyền lực và đảm bảo sự thống nhất của một Nhà nước. Bước vào nền kinh tế thị trường với biết bao sự thay đổi, chuyển biến của cơ chế, của chính sách cùng với đó là sự khủng hoảng về tài chính và tệ hơn nữa là sự xuống cấp trầm trọng của ý thức và nhân cách con người. Bên cạnh những kết quả đạt được thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng không ngừng bộc lộ rõ nét. Tội phạm gia tăng với những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Kẻ phạm tội nhất là bọn phản động, lưu manh chuyên nghiệp, những phần tử chuyên sống bằng đầu cơ, buôn lậu, cướp giật, làm ăn phi pháp… thì thủ đoạn thường rất gian ngoan, xảo quyệt. Nguy hiểm hơn nữa là loại tội phạm công nghệ cao đã và đang làm cho các cơ quan chức năng phải đau đầu, người dân không khỏi bàng hoàng và lo lắng trước những thủ đoạn phạm tội mà chúng đã thực hiện. Trước thực tế ấy, CQĐT cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân đã nhận thức được rất rõ về yêu cầu và nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, hơn nữa CQĐT còn luôn coi đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra hết sức quan trọng nhằm phát hiện, giải quyết nhanh chóng vụ án. Hoạt động điều tra vụ án hình sự nhiều năm qua đã chứng minh, chuẩn bị hỏi cung bị can có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với hoạt động hỏi cung bị can, là cơ sở để ĐTV chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn các chiến thuật, các phương pháp tác động tới bị can nhằm khai thác, làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Mặt khác, chuẩn bị hỏi cung bị can còn là một khâu đặc biệt quan trọng quyết định sự thành bại của một cuộc hỏi cung. Trong nhiều năm qua, những vấn đề lý luận cơ bản về chuẩn bị hỏi cung bị can đã được để ý và quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu độc lập về vấn đề này, nên chuẩn bị hỏi cung bị can mới dừng lại ở việc nghiên cứu một cách khái quát mà chưa nhận được sự ưu tiên hay sự tập trung nghiên cứu một cách thỏa đáng. Vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu “Một số vấn đề lý luận cơ bản về chuẩn bị hỏi cung bị can” có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận cũng như mặt thực tiễn, là nhiệm vụ quan trọng không chỉ được đặt ra đối với khoa học điều tra hình sự mà còn là yêu cầu cần thiết đối với thực tiễn điều tra tội phạm. Đây cũng chính là lý do em chọn đề tài này làm khoá luận tốt nghiệp của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài Mục đích nghiên cứu của khoá luận là trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn công tác chuẩn bị hỏi cung bị can để nâng cao nhận thức lý luận về chuẩn bị hỏi cung bị can; đánh giá đúng thực trạng áp dụng của hoạt động chuẩn bị hỏi cung, thấy được những hạn chế, thiếu sót của hoạt động đó và đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác hỏi cung bị can. Với mục đích nêu trên, nhiệm vụ nghiên cứu của khoá luận là: - Thứ nhất, làm rõ các vấn đề lý luận cơ bản về chuẩn bị hỏi cung bị can trong khoa học điều tra tội phạm. - Thứ hai, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực tiễn của công tác chuẩn bị hỏi cung bị can nhằm làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó. - Thứ ba, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của công tác chuẩn bị hỏi cung bị can. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của khoá luận là khái niệm chuẩn bị hỏi cung bị can, nội dung cơ bản, ý nghĩa của chuẩn bị hỏi cung bị can đối với hỏi cung bị can và hoạt động điều tra tội phạm; thực tiễn chuẩn bị hỏi cung bị can trong khoa học điều tra tội phạm. Phạm vi nghiên cứu của khoá luận là: Với phương diện là một biện pháp điều tra, hỏi cung bị can bao giờ cũng trải qua ba giai đoạn là chuẩn bị hỏi cung bị can, tiến hành hỏi cung và kết thúc hỏi cung trong đó chuẩn bị hỏi cung bị can là phạm vi mà khoá luận đề cập tới. Khoá luận cũng đánh giá thực tiễn chuẩn bị hỏi cung bị can của cơ quan Cảnh sát điều tra trong thời gian qua. 4. Phương pháp nghiên cứu Khoá luận được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của triết học Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Khoá luận sử dụng một số phương pháp cụ thể như: Phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu… 5. Kết cấu đề tài Khoá luận gồm: Phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận và danh mục các tài liệu tham khảo. Phần nội dung của khoá luận gồm 2 chương sau: Chương 1: Khái niệm, nội dung và ý nghĩa của chuẩn bị hỏi cung bị can Chương 2: Thực trạng chuẩn bị hỏi cung bị can và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả CHƯƠNG 1 KHÁI NIỆM, NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA CỦA CHUẨN BỊ HỎI CUNG BỊ CAN 1.1. Khái niệm chuẩn bị hỏi cung bị can Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, một người sẽ trở thành bị can khi bị CQĐT có đủ căn cứ xác định họ đã thực hiện tội phạm và ra quyết định khởi tố bị can. Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự”. Đó là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm hại đến khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, bị CQĐT hoặc Viện kiểm sát khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết để tiến hành điều tra. Hoạt động điều tra được tiến hành đầu tiên bằng biện pháp hỏi cung bị can - đó là biện pháp điều tra công khai trực diện với bị can nhằm làm rõ sự thật của toàn bộ vụ án và được khoa học điều tra tội phạm đánh giá là biện pháp tố tụng quan trọng nhất của hoạt động điều tra. Đồng thời, xuất phát từ bản chất cũng như mục đích của hoạt động hỏi cung bị can mà hỏi cung bị can được hiểu là “biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó”1. Hỏi cung bị can là một trong những biện pháp điều tra phức tạp, gặp nhiều khó khăn, hiệu quả của nó phụ thuộc nhiều vào công tác chuẩn bị của các ĐTV. Quá trình chuẩn bị được tiến hành khoa học, chu đáo sẽ tạo điều kiện cho ĐTV chủ động, linh hoạt, sáng tạo lựa chọn và áp dụng những thủ thuật hỏi cung phù hợp trong từng tình huống cụ thể để thu thập lời khai của bị can một cách đầy đủ, chính xác và thuận lợi, không bị rơi vào tình thế bị động, lúng túng trước những diễn biến phức tạp của cuộc hỏi cung. Đặc bịêt, trong những vụ án phức tạp, có nhiều bị can hoặc bị can có thái độ ngoan cố, khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo thì việc chuẩn bị chu đáo cho một cuộc hỏi cung là yêu cầu cần thiết và không thể thiếu. 1 . Xem: Giáo trình khoa học điều tra hình sự - Trường đại học Luật Hà Nội - NXB CAND 2008 - Tr85 Mặt khác, theo Từ điển tiếng việt 2003 “chuẩn bị là làm cho có sẵn cái cần thiết để làm việc gì đó”2. Chẳng hạn như chuẩn bị lên đường, chuẩn bị hành lý… Nhưng chuẩn bị hỏi cung bị can là quá trình chuẩn bị cho một hoạt động tố tụng được tiến hành bởi CQĐT, do đó có thể hiểu là chuẩn bị về nhân sự, về điều kiện vật chất, tinh thần và các điều kiện cần thiết khác cho việc thu thập, lấy lời khai của bị can đạt hiệu quả. Vậy, Chuẩn bị hỏi cung bị can được hiểu “là giai đoạn trong đó ĐTV tiến hành chuẩn bị những điều kiện về chiến thuật và kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động hỏi cung được tiến hành thuận lợi”2. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, lời khai và lời nhận tội của bị can là chứng cứ pháp lí quan trọng. Giá trị chứng cứ càng cao nếu trong lời khai của bị can chứa đựng càng nhiều chi tiết về hành vi phạm tội, phương thức và thủ đoạn gây án. Để thu được kết quả tốt về những lời cung khai của bị can, giai đoạn chuẩn bị hỏi cung cần phải tiến hành một cách khoa học và công phu. 1.2. Nội dung cơ bản của chuẩn bị hỏi cung bị can Thực tiễn hoạt động điều tra cho thấy chuẩn bị chi tiết, cụ thể cho cuộc hỏi cung đảm bảo hiệu quả của cuộc hỏi cung. Bởi vì, hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra phức tạp, trong nhiều trường hợp xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là ĐTV mong muốn làm rõ sự thật của vụ án và một bên là bị can luôn tìm cách cản trở quá trình làm rõ sự thật đó nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, chuẩn bị hỏi cung bị can là một việc làm cần thiết nhằm tạo cho ĐTV thế chủ động, linh hoạt, sáng tạo áp dụng những thủ thuật hỏi cung phù hợp trong từng tình huống cụ thể để thu thập lời khai của bị can một cách đầy đủ, chính xác và khách quan. Thậm chí, hoạt động chuẩn bị cho mỗi buổi hỏi cung có thể giúp ĐTV nhận định được thái độ khai báo của bị can là thành khẩn hay không thành khẩn, bị can ngoan cố từ chối khai báo hay khai báo gian dối bằng cách nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu phản ánh đặc điểm nhân thân của bị can như trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ những vụ án do bị can gây ra trước đây… để dự đoán được thái độ khai báo của bị can trước mỗi buổi hỏi cung. 2 . Xem: Từ điển tiếng việt 2003 - NXB Đà Nẵng - Tr181. . Xem: Giáo trình khoa học điều tra hình sư - Trường ĐHL Hà Nội - NXB CAND Hà Nội. Tr90. 2 Mặt khác, nếu qua các buổi hỏi cung trước, ĐTV đã xác định được thái độ của bị can là không thành khẩn khai báo hoặc khai báo gian dối, vòng vo thì việc chuẩn bị chu đáo cho cuộc hỏi cung tiếp sau sẽ tạo điều kiện cho ĐTV chủ động áp dụng những thủ thật hỏi cung phù hợp để thu thập lời khai của bị can một cách đầy đủ và chính xác. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị hỏi cung, ĐTV sẽ không xác định được chính xác phạm vi những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình hỏi cung, áp dụng những thủ thuật hỏi cung một cách tuỳ tiện, thậm chí có thể rơi vào thế bị động, lúng túng trước thái độ ngoan cố từ chối khai báo hay khai báo gian dối của bị can. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn do không chuẩn bị cho quá trình hỏi cung hoặc chuẩn bị nhưng không chu đáo, qua loa, hời hợt, ĐTV có thể tiết lộ bí mật của hoạt động điều tra dẫn đến làm tăng thêm thái độ ngoan cố không chịu khai báo của bị can, đưa hoạt động điều tra rơi vào tình huống khó khăn. Quá trình chuẩn bị hỏi cung phụ thuộc vào đặc điểm nhân thân, thái độ khai báo của bị can, những tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can mà ĐTV đã thu thập được, những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình hỏi cung, ý nghĩa lời khai của bị can đối với hoạt động điều tra và những tình tiết khác của vụ án. Những nội dung cơ bản cần phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị hỏi cung bị can bao gồm: 1.2.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan 1.2.1.1. Mục đích nghiên cứu Việc nghiên cứu những tài liệu đã thu thập được về vụ án và hành vi phạm tội của bị can và những tài liệu khác cần thiết cho cuộc hỏi cung có vai trò rất quan trọng. Việc nghiên cứu này sẽ giúp cho ĐTV nắm được toàn bộ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, đặc điểm nhân thân của bị can và những đồng bọn khác để trên cơ sở đó xác định chính xác phạm vi những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình hỏi cung, lựa chọn những tài liệu chứng cứ có thể và cần phải được sử dụng trong quá trình hỏi cung, lựa chọn những thủ thuật hỏi cung phù hợp. Đặc biệt, việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan trong những vụ án mà bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối sẽ giúp cho ĐTV lựa chọn được những cách thức hỏi cung phù hợp với từng tình huống bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối. Quan trọng hơn, do có thời gian và sự chuẩn bị chu đáo cho việc nghiên cứu nắm chắc nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, ĐTV có khả năng kiểm tra và đánh giá lời khai của bị can ngay trong quá trình hỏi cung để trên cơ sở đó nhanh chóng có đối sách phù hợp. 1.2.1.2. Phương pháp nghiên cứu Để làm rõ những nội dung vừa nêu trên, trong quá trình nghiên cứu, ĐTV cần tổng hợp và phân loại các tài liệu chứng cứ theo nội dung hay theo ý nghĩa của những tài liệu chứng cứ đó đối với hỏi cung bị can. Trong quá trình nghiên cứu, ĐTV cần đối chiếu so sánh những tài liệu chứng cứ với nhau để tìm ra những mâu thuẫn nếu có. Đặc biệt chú ý, trong quá trình nghiên cứu, ĐTV cần có tác phong làm việc cụ thể, tỷ mỷ, khách quan và thận trọng, không được bỏ qua bất cứ tài liệu nào. Mặt khác, ĐTV cần nhớ rằng, việc nghiên cứu những tài liệu chứng cứ đã thu thập được về vụ án hoặc hành vi phạm tội của bị can và những tài liệu chứng cứ khác có ý nghĩa đối với hỏi cung được tiến hành không chỉ ở giai đoạn chuẩn bị hỏi cung mà còn xuyên suốt quá trình hỏi cung. Có thể nói, phương pháp mà ĐTV áp dụng chủ yếu để nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan là phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp. Mỗi phương pháp đều có những ưu thế nhất định, do đó trong quá trình sử dụng, ĐTV cần biết cách kết hợp các phương pháp đó nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho việc nghiên cứu. 1.2.1.3. Nội dung nghiên cứu Để nắm bắt được sơ bộ nội dung vụ án, những chứng cứ tình tiết và các tài liệu khác cần thiết có liên quan đến việc chứng minh lời khai của bị can và đấu tranh với bị can trong quá trình hỏi cung làm rõ sự việc phạm tội của bị can, ĐTV cần phải nghiên cứu các tài liệu sau: - ĐTV cần nghiên cứu kỹ những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được từ những biện pháp điều tra như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, kết quả khám xét, lời khai của người bị hại, lời khai của những người làm chứng, người bị hại, kết quả nhận dạng, kết luận của giám định viên, của thanh tra… - Những tài liệu thu thập được từ những biện pháp trinh sát phản ánh những mối quan hệ của bị can đặc biệt là những mối quan hệ mang tính chất tội phạm, những hành vi nghi vấn của bị can vào thời điểm trước, trong và sau khi vụ án xảy ra… - Đồng thời, ĐTV cũng cần thu thập và nghiên cứu những tài liệu khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị can trước đó như trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ những vụ án mà bị can gây ra trước đây, những văn bản quy định chức vụ, quyền hạn, khả năng chuyên môn, nguyên tắc làm việc của bị can khi còn làm việc (đối với các vụ án tham ô, nhận hối lộ…). - Những tài liệu chứng cứ thu thập được về những vụ án chưa được điều tra khám phá mà ĐTV có cơ sở nhận định do chính bị can gây ra. Trong những trường hợp khi nội dung, tính chất của vụ án liên quan tới các lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, ĐTV cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về các chuyên ngành đó để tránh lúng túng khi sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành và xác định chính xác phạm vi những vấn đề cụ thể cần làm rõ trong các vụ án này. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tình tiết khác có liên quan, ĐTV phải xác định được những vấn đề cần phải làm rõ, cần phải thu thập bổ sung hay cần phải kiểm tra, xác minh lại để sử dụng trong quá trình hỏi cung; những tài liệu, chứng cứ có thể sử dụng để đấu tranh với bị can, phương pháp và trình tự sử dụng chúng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, ĐTV nên trực tiếp đến hiện trường để quan sát bối cảnh và đặc điểm nơi diễn ra sự việc phạm tội. Công việc này đôi khi giúp ĐTV thu thập được thêm những tài liệu quan trọng giúp cho việc hỏi cung được thuận lợi và quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng và hiệu quả. Còn trong trường hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án mà ĐTV nhận thấy những tài liệu cần cho hỏi cung chưa được thu thập thì có thể tự mình hoặc yêu cầu các đơn vị điều tra, thu thập thêm. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và lài liệu liên quan, ĐTV phải thực hiện một cách đầy đủ, chi tiết và chính xác để có thể xác định được mức độ đầy đủ, chân thực của tài liệu, chứng cứ và qua đó củng cố, bổ sung được tài liệu, chứng cứ cần thiết hay phải kiểm tra, xác minh lại để sử dụng trong quá trình hỏi cung. ĐTV cũng phải tập trung xác định những thông tin, tài liệu nào là chứng cứ, mức độ chứng minh và giá trị pháp lí của nó; xác định xem tài liệu đó có còn giữ được bí mật với bị can hay không. Đồng thời, khi nghiên cứu hồ sơ, ĐTV cũng cần phải phát hiện những mâu thuẫn giữa các tài liệu đó cũng như các khiếm khuyết của nó; mâu thuẫn trong lời khai của bị can với lời khai của người có liên quan (như người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án…) qua đó tìm hiểu nguyên nhân của nó để xác định được những vấn đề cần làm rõ khi tiến hành hỏi cung. Nếu thấy cần thiết, ĐTV cần phối hợp với các lực lượng, cơ quan, tổ chức có liên quan để thu thập đầy đủ thông tin phục vụ cho quá trình hỏi cung bị can được nhanh chóng và hiệu quả. Có thể nói nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan là một trong những tiền đề quan trọng để ĐTV phá án. Ví dụ như vụ án Nguyễn Văn Tám cùng đồng bọn buôn bán ma túy1 (Nam Định – 2000) gây xôn xao dư luận trên cả nước và là vụ án điển hình thể hiện vai trò quan trọng của việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan trước khi hỏi cung lấy lời khai của bị can. Khi bị bắt và trong quá trình điều tra, bị can Tám luôn một mực nói: “Tôi chẳng có tội gì”. Nhưng trước những tài liệu, chứng cứ không thể chối cãi được về bị can mà ĐTV đã thu thập, nghiên cứu, cuối cùng bị can đã khai nhận hoàn toàn tội lỗi của mình. 1.2.2. Nghiên cứu nhân thân bị can 1.2.2.1. Mục đích nghiên cứu Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh chống tội phạm không thể đạt kết quả cao nếu các cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ này lại không hiểu đối tượng mà mình đấu tranh có những đặc điểm gì để từ đó đề ra phương pháp cũng như chiến thuật, chiến lược phù hợp. Vì vậy, việc nghiên cứu nhân thân bị can, làm rõ các phẩm chất tiêu cực vốn có ở bị can như các đặc điểm tâm lý, quan điểm, 1 . Xem: Báo cáo tổng kết K596. Kỷ yếu hội nghị sơ kết về công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm có tổ chức ở Việt Nam hiện nay -Tổng cục CSND. Tr32-33. nhận thức cuộc sống, nhu cầu, sở thích, thói quen… có ý nghĩa rất to lớn về mặt thực tiễn. Đối với hoạt động hỏi cung bị can, việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhân thân bị can trước mỗi cuộc hỏi cung sẽ cho phép ĐTV có cơ sở để xác định và lựa chọn các phương hướng cũng như cách thức hỏi cung phù hợp nhằm thu thập được nhanh nhất các thông tin, các chứng cứ cần thiết để giải quyết vụ án. Đặc biệt, trong trường hợp để xác định nguyên nhân bị can từ chối khai báo hay không thành khẩn khai báo và hiểu được đặc điểm tâm lý của bị can lúc đó thì việc nghiên cứu nhân thân bị can trước khi tiến hành hỏi cung là một hoạt động không thể thiếu. Những hiểu biết về đặc điểm nhân thân của bị can là điều kiện cần thiết để đánh giá cơ sở tâm lí và tính xác thực trong lời khai của bị can. Hơn nữa, đặc điểm nhân thân của bị can vừa giúp ĐTV nhận định thái độ hợp tác của bị can, vừa tạo cơ sở để ĐTV xác định thủ thuật hỏi cung phù hợp với từng tình huống cụ thể kể cả trong trường hợp bị can từ chối khai báo hay khai báo gian dối. 1.2.2.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp là hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó. Phương pháp nghiên cứu nhân thân nói chung và phương pháp nghiên cứu nhân thân bị can trong chuẩn bị hỏi cung nói riêng là những cách thức dùng để nghiên cứu, phát hiện đặc điểm, tính cách của bị can để phục vụ cho hoạt động hỏi cung bị can được thuận lợi. - Phương pháp quan sát. Quan sát là quá trình tri giác một cách có tổ chức, có mục đích các biều hiện bề ngoài, các đặc điểm xã hội – nhân khẩu, phẩm chất đạo đức… của bị can để trên cơ sở đó ĐTV nhận biết, kết luận được những đặc điểm bên trong của bị can. Việc quan sát có thể được tiến hành trong quá trình kiểm tra thân thể của bị can: Các dấu vết, dị tật, dị dạng qua đó hiểu biết về sức khỏe, nghề nghiệp, thói quen của bị can; quan sát qua các hoạt động của bị can; cách ăn mặc, tác phong, lời nói, cử chỉ, hành lý, đồ dùng… Để việc quan sát đạt hiệu quả, ĐTV cần xác định cụ thể mục đích quan sát, có chương trình, kế hoạch quan sát, thời gian, địa điểm quan sát. Hơn nữa, ĐTV phải là người có năng lực quan sát tốt, nhanh chóng, nhạy bén phát hiện vấn đề, có khả năng hệ thống hóa và so sánh các kết quả quan sát với kết quả do các phương pháp khác đem lại. - Phương pháp nghiên cứu lai lịch, tiểu sử. Là phương pháp dựng lại chân dung của bị can thông qua việc hệ thống hóa các quan hệ xã hội của bị can. Các quan hệ của bị can có thể là quan hệ gia đình, bạn bè, quan hệ trong công việc hay với đồng bọn trong quá trình phạm tội… Qua việc dựng lại các quan hệ trên, ĐTV có cơ sở nắm bắt các đặc điểm của bị can như: Trình độ học vấn, nghề nghiệp, kinh nghiệm, vốn sống xã hội, quan điểm chống đối… Khi sử dụng phương pháp này, ĐTV cần: Quan tâm tới các mối quan hệ có ảnh hưởng, tác động lâu dài nhất đến bị can. Đây là các mối quan hệ quy định nội dung và phẩm chất của các đặc điểm tương đối ổn định trong nhân cách bị can; những biến cố và sự thay đổi lớn trong quá trình sống và hoạt động của bị can; thái độ đáp lại của bị can trước tác động của các mối quan hệ đó, bị can tiếp nhận một cách tiêu cực hay tích cực. Để việc nghiên cứu có hệ thống các đặc điểm nhân thân của bị can, ĐTV cần thu thập, xác minh và bổ sung thêm nhiều tài liệu làm phong phú và hoàn chỉnh về tiểu sử, lai lịch của bị can đó. ĐTV phải hệ thống hóa được các mối quan hệ nói lên: Hoàn cảnh sống của bản thân và gia đình bị can (bị can được sinh ra và lớn lên ở đâu, hoàn cảnh kinh tế của bị can và gia đình, thái độ chính trị của bị can và các thành viên trong gia đình…); quá trình hoạt động của bị can, quá trình tiếp nhận và hình thành ý thức, tư tưởng, quan điểm, lối sống và con đường dẫn tới phạm tội; hệ thống các quan hệ xã hội, nhất là các quan hệ phức tạp, tiêu cực có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, quan điểm chống đối của bị can. - Phương pháp nghiên cứu hoạt động của bị can. Đây là phương pháp nghiên cứu nhân thân bị can dựa vào các mặt hoạt động mà bị can đã thực hiện. Sử dụng phương pháp này cho phép ĐTV biết được về nhu cầu, nguyện vọng, tư tưởng, quan điểm, trình độ, khả năng và một số đặc điểm nhân thân khác của bị can. - Phương pháp tổng hợp các tài liệu một cách khái quát. Đây là phương pháp mà ĐTV thông qua việc tập hợp những tài liệu phản ánh về bị can ở những khía cạnh khác nhau trong một mối liên hệ nhất định nhằm xác định những đặc điểm về nhân thân bị can ảnh hưởng tới hoạt động khai báo của bị can trong tiến trình hỏi cung và hoạt động điều tra. Các tài liệu phản ánh về bị can có thể thu thập được ở nhiều nguồn, nhiều thời điểm và ở nhiều khía cạnh khác nhau, do đó những thông tin ấy phải được nghiên cứu trong một mối liên kết chặt chẽ, tổng thể để rút ra được những đặc điểm cần thiết mà ĐTV muốn biết về nhân thân bị can. Trong quá trình sử dụng phương pháp này, ĐTV cần chú ý: Phải xác định rõ nội dung cần nghiên cứu là gì, việc tổng hợp các tài liệu phản ánh về bị can sẽ giúp ĐTV biết được đặc điểm nhân thân nào ở bị can và đặc điểm đó có lợi gì cho hoạt động hỏi cung sắp tới của ĐTV; lập kế hoạch và lựa chọn phương pháp tổng hợp các tài liệu, thông tin về bị can phù hợp nhằm thu được các kết quả khách quan… - Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi. Là phương pháp mà ĐTV phải lập bảng câu hỏi nhằm tìm hiều thái độ của bị can đối với những vấn đề khác nhau theo chủ định của mình nhằm đánh giá hệ thống quan điểm, quan niệm và định hướng của bị can. Các câu hỏi được đặt ra phải mang tính xác định cụ thể, các thuật ngữ sử dụng phải phù hợp với nhận thức của bị can. Sử dụng phương pháp này cho phép ĐTV biết được đặc điểm nhân thân bị can và xu hướng phát triển tâm lý cũng như nhân cách của bị can, qua đó lựa chọn được hướng tác động phù hợp. 1.2.2.3. Nội dung nghiên cứu Nghiên cứu nhân thân bị can là một nhiệm vụ quan trọng mà ĐTV cần phải giải quyết tốt trước khi tiến hành hỏi cung bị can. Chỉ khi đã làm rõ được chân dung của bị can với đầy đủ các đặc điểm tính chất thì người tiến hành hỏi cung mới có thể xây dựng được kế hoạch đấu tranh với bị can một cách cụ thể. Bởi những hiểu biết về đặc điểm nhân thân của bị can chính là những điều kiện cần thiết để đánh giá cơ sở tâm lí và tính xác thực của lời khai. “Nhân thân bị can” - thuật ngữ này được hình thành từ khái niệm chung của xã hội học “nhân thân con người” và khái niệm pháp lí hình sự “bị can”. Nhân thân là khái niệm đặc trưng chỉ được sử dụng khi nói về bản chất của thực thể tự nhiên, xã hội đặc biệt đó là con người. Sự hình thành nhân thân của một người chịu sự tác động bởi chính sự tồn tại của cá nhân người đó. Những kinh nghiệm sống của họ được quy định bởi nội dung của những quan hệ được hình thành trong gia đình, môi trường bạn bè, trong tập thể lao động, học tập. Có thể nói, nhân thân con người chính là tổng hợp các đặc điểm, dấu hiệu phản ánh bản chất xã hội của con người. Dưới góc độ pháp lí thì “bị can” được hiểu là những người có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến khách thể nhất định được Pháp luật Hình sự bảo vệ, bị CQĐT hoặc Viện kiểm sát khởi tố về hình sự và có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết để tiến hành điều tra. Cụ thể, theo quy định của Pháp luật Tố tụng hình sự, một người sẽ trở thành bị can khi CQĐT có đủ căn cứ xác định họ đã thực hiện tội phạm (Khoản 1, Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003) và bị CQĐT ra quyết định khởi tố về hình sự (Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003). Như vậy, nhân thân bị can là tổng hợp toàn bộ các đặc điểm, các phẩm chất của bị can có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra hình sự, được CQĐT nghiên cứu, sử dụng phục vụ cho hoạt động điều tra làm rõ sự thật của vụ án. Trong lý luận khoa học điều tra tội phạm, việc thu thập, nghiên cứu những đặc điểm nhân thân của bị can được coi là một nhiệm vụ quan trọng mà ĐTV phải giải quyết tốt trước khi tiến hành hỏi cung bị can. Nghiên cứu nhân thân bị can để tìm ra nguyên nhân bị can phạm tội, đặc biệt là khi bị can từ chối khai báo hay khai báo gian dối có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động điều tra vụ án. Để khai thác được ý nghĩa cũng như vai trò quan trọng của đặc điểm nhân thân bị can đối với chuẩn bị hỏi cung bị can thì ĐTV cần thu thập các tài liệu nhằm làm rõ những dấu hiệu đặc trưng của nhân thân bị can như: - Những phẩm chất đạo đức, tâm lí, hoạt động chính trị - xã hội và lao động sản xuất của bị can. - Các dấu hiệu về tuổi, giới tính, trình độ học vấn, trình độ nhận thức và nghề nghiệp của bị can. - Lối sống, hoàn cảnh gia đình và cách xử sự của bị can trong gia đình, đặc biệt là quan hệ của bị can với các thành viên trong gia đình. - Các mối quan hệ ngoài xã hội của bị can đặc biệt là quan hệ với các đối tượng khác. - Các dấu hiệu pháp lí hình sự của bị can như: động cơ, mục đích phạm tội. - Các đặc điểm tâm lí như kỹ năng, thói quen, sở thích, quan niệm, khí chất trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực… Đặc biệt chú ý tới những phẩm chất tốt của bị can, những thành tích cống hiến của bị can trước đó. Trên cơ sở đó lựa chọn và áp dụng các thủ thuật hỏi cung phù hợp với từng đối tượng là bị can khác nhau. Muốn nghiên cứu kỹ con người, kể cả các quan hệ cá nhân và thái độ trước đây của bị can, ĐTV có thể thu thập và nghiên cứu ở các tàng thư hình sự, phiếu nhân sự, hồ sơ cán bộ, trích lục tiền án, tiền sự, phiếu xác minh về nhân thân… Đối với những bị can có tiền án, tiền sự thường biết được trình tự của cuộc hỏi cung, quyền và nghĩa vụ của bị can, những thủ thuật hỏi cung của ĐTV thì đòi hỏi ĐTV cần thu thập, nghiên cứu những tài liệu phản ánh thái độ khai báo của bị can trong quá trình hỏi cung trước đây, sự phản ứng của bị can trước những chứng cứ đưa ra, những thủ đoạn và mánh khoé mà bị can thường áp dụng để gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Hay đối với những vụ án mà bị can lại chính là cán bộ trong ngành thì yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu kỹ đặc điểm nhân thân và nhất là đánh vào điểm yếu của họ mới mong nhanh chóng phá được vụ án này. Ví dụ như vụ án Tô Ngọc Thà cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy (năm 2000 – Nam Định)1, nắm chắc được đặc điểm nhân thân của bị can, biết bị can là người có nhiều năm công tác trong ngành công an, đã trải qua nhiều bộ phận nghiệp vụ khác nhau, lại có trình độ học vấn cao. Do đó ĐTV được chọn là một người có thâm niên công tác, nắm chắc về kỹ năng, nghiệp vụ đã nhắc lại và khôn khéo giải thích bằng pháp luật, chính sách hình sự 1 . Xem: Bản án HSST số 39 v/v Tô Ngọc Thà cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy - TAND Tỉnh Nam Định. của Nhà nước vừa sắc bén, vừa lịch thiệp và thuyết phục bị can khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cuối cùng sau nhiều ngày đấu tranh không khoan nhượng Thà đã nhận tội. Đối với bị can vị thành niên, ĐTV cần xác định tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người lớn xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Chẳng hạn, nghiên cứu độ tuổi của con người cho thấy: lời khai của em bé 3-4 tuổi thường không đánh giá được, có chăng thì cũng phải hỏi ngay sau khi sự việc vừa xảy ra. Còn các em bé từ 5-6 tuổi đã có thể nhớ những sự kiện xảy ra trước đó hàng tuần. Các em từ 7-10/11 tuổi được coi như là nhân chứng “lý tưởng”. Đối với các em ở trước tuổi dậy thì hoặc trong độ tuổi dậy thì từ 12-14/15 tuổi thì dễ bị xúc động, có những mơ ước và mong đợi. Trí tưởng tượng cũng phát triển theo hướng này và bắt đầu xuất hiện những lời khai dối có ý thức đầu tiên. Như vậy, việc nghiên cứu độ tuổi sẽ phản ánh được chất lượng lời khai của bị can qua đó có thể đánh giá được bị can khai thật hay khai dối nhất là đối với các bị can vị thành niên. ĐTV được giao nhiệm vụ trước khi xác định, lựa chọn được thủ thuật đấu tranh với từng loại bị can có hiệu quả thì phải dành thời gian, công sức thoả đáng, áp dụng mọi biện pháp có thể để thu thập đầy đủ mọi thông tin cần thiết về đặc điểm nhân thân của bị can. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể xác định được kế hoạch đấu tranh với bị can nói chung và với những bị can không thành khẩn khai báo, khai báo gian dối nói riêng một cách có hiệu quả nhất. Yêu cầu đối với ĐTV trong quá trình nghiên cứu nhân thân của bị can là phải nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện, không nên thiên lệch về thái độ coi thường hay khinh bỉ bị can. Những cái nhìn thiên lệch có thể dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo. 1.2.3. Chuẩn bị tác động về tâm lí Hoạt động hỏi cung bị can còn được đặc trưng bởi quan hệ tác động tâm lí thường xuyên diễn ra giữa ĐTV và bị can. Sự tiếp xúc giữa ĐTV và bị can không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, trái lại sự chống đối dưới nhiều hình thức thường xuyên xảy ra. Trong quá trình hỏi cung, để bị can có thái độ hợp tác tích cực, khai báo đúng sự thật… phụ thuộc nhiều vào khả năng tác động tâm lí của ĐTV đối với bị can từ giai đoạn chuẩn bị hỏi cung. Do vậy, việc tiếp xúc về mặt tâm lí giữa ĐTV và bị can ngay từ quá trình chuẩn bị hỏi cung càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một cuộc hỏi cung. 1.2.3.1. Mục đích của tác động tâm lí đối với bị can trong chuẩn bị hỏi cung Tác động tâm lí trong hoạt động điều tra hình sự là một hệ thống các tác động có mục đích, có kế hoạch của CQĐT đối với những người có liên quan đến quá trình điều tra vụ án nhằm làm chuyển biến và dẫn đến thay đổi những hiện tượng tâm lí nào đó ở họ đáp ứng các yêu cầu cụ thể của hoạt động điều tra.1 Hỏi cung bị can là một phương pháp của hoạt động điều tra hình sự. Do vậy, sự tác động tâm lý của ĐTV đến bị can cũng cần phải thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị hỏi cung, có như vậy mới làm cho cuộc hỏi cung diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và không làm cho không khí của cuộc hỏi cung căng thẳng hay bí bách. Vậy, tác động tâm lý trong chuẩn bị hỏi cung bị can là sự tiếp xúc, sự tác động có mục đích, có kế hoạch của ĐTV đối với bị can nhằm làm cho bị can thay đổi thái độ của mình, hợp tác điều tra và đáp ứng yêu cầu của cuộc hỏi cung. Sự tác động về mặt tâm lý của ĐTV đối với bị can trước khi diễn ra cuộc hỏi cung là nhằm đạt được các mục đích cơ bản sau: - Tác động tâm lý nhằm đảm bảo cho việc xác định sự thật một cách đầy đủ, khách quan trong quá trình hỏi cung bị can. Xác định sự thật về sự việc phạm tội luôn là mục đích cao nhất và xuyên suốt quá trình tác động tâm lý đối với những người liên quan đến hoạt động điều tra nhất là đối với bị can. Để xác định sự thật về sự việc phạm tội, CQĐT mà cụ thể là ĐTV được giao nhiệm vụ tiến hành hỏi cung phải bằng nhiều biện pháp, dựa vào nhiều tài liệu chứng cứ khác nhau. Cùng với các vật chứng, kết luận 1 . Xem: TS. Trương Công Am - Tác động tâm lý trong hoạt động điều tra hình sự - NXB CAND. Hà Nội. Tr19. giám định… lời khai của bị can đến vụ án luôn được coi là một nguồn chứng cứ quan trọng. Lời khai của bị can được quy định tại Điều 72 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2003. Thực tiễn hoạt động hỏi cung bị can cho thấy, bị can là người hiểu rõ về hành vi phạm tội của mình, nhưng do bản chất ngoan cố nên thường quanh co, gian dối hay tìm cách đổ tội cho đồng bọn, cho người khác. Ngược lại, có trường hợp bị can không có tội nên đã trình bày những sự việc để thanh minh, bào chữa lại lời buộc tội đối với mình. Do đó, cần thiết phải sử dụng tác động tâm lý để giúp bị can thấy được ý nghĩa quan trọng của việc khai báo thành khẩn đối với việc giải quyết vụ án và với chính bản thân bị can. Bởi nếu bị can hiểu được việc khai báo đúng sự thật, sự ăn năn hối cải, giúp CQĐT giải quyết và hoàn thành nhanh chóng vụ án thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tác động tâm lý sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin đầy đủ và chính xác của ĐTV về các sự kiện cần thiết từ bị can liên quan đến vụ án trong quá trình hỏi cung. - Tác động tâm lý nhằm khắc phục những động cơ tiêu cực, khơi dậy những động cơ tích cực ở bị can, tạo điều kiện cho việc xác lập chứng cứ thông qua lời khai của bị can được nhanh chóng, đúng đắn và khách quan. Là chủ thể của tội phạm, bị can là chủ sở hữu một lượng thông tin tương đối lớn về vụ án. Hơn ai hết bị can biết rất rõ về toàn bộ quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu hành vi phạm tội, những mục đích, động cơ đã thúc đẩy bị can phạm tội; những công cụ phương tiện, những phương pháp thủ đoạn đã được bị can sử dụng khi thực hiện hành vi đó; những tài sản đã chiếm đoạt được, nơi cất giấu chúng .v.v. Vì vậy, để giúp họ có thái độ hợp tác tích cực và khai báo trung thực, đầy đủ, đảm bảo loại trừ ý đồ lừa dối, đánh lạc hướng CQĐT, ĐTV phải sử dụng các phương pháp tác động tâm lý nhất định. Đây là quá trình trực tiếp tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của bị can, khắc phục mọi trở ngại tâm lý đang cản trở sự tích cực hợp tác của bị can với CQĐT. Đồng thời làm xuất hiện ở bị can động cơ khai báo thành khẩn, sẵn sàn giúp đỡ CQĐT. Tác động tâm lý còn bảo đảm sự thay đổi quan hệ của bị can đối với hoạt động của mình, đối với những người, những sự kiện nhất định. Nó điều chỉnh bầu không khí của cuộc hỏi cung, tạo ra mối quan hệ tâm lý tích cực giữa ĐTV và người bị tác động. - Tác động tâm lý kích thích tính tích cực hoạt động của bị can, giúp cho quá trình xác lập, thu thập chứng cứ về sự việc phạm tội thông qua cuộc hỏi cung bị can được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Trong khi sử dụng các quyền do luật định để thúc đẩy bị can cũng như những người tham gia tố tụng khác hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, pháp luật, CQĐT cần thực hiện các tác động tâm lý cần thiết nhằm tạo ra sự thay đổi các trạng thái tâm lý có lợi nhất cho quá trình hỏi cung, giúp bị can bình tĩnh hồi tưởng và dễ dàng trình bày về những tình tiết, những sự việc mà họ đã bị quên đi theo sự gợi mở của các ĐTV. Các trạng thái tâm lý của bị can trong mọi trường hợp đều có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tích cực của quá trình tư duy, giải quyết các nhiệm vụ, các yêu cầu do ĐTV đề ra trong khi tiến hành hỏi cung. Theo như những gì IU.V. Chupharôpxki đã nói thì: “Những tác động đó phải làm sao có thể kích thích sự hưng phấn hoạt động tâm lý của các đối tượng và đảm bảo tính chất đầy đủ, đúng đắn của việc tái tạo các sự kiện mà CQĐT đang quan tâm…”.1 1.2.3.2. Phương pháp tác động tâm lí bị can Tác động tâm lý bị can có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Song cần căn cứ vào thực tiễn hỏi cung, điều kiện vật chất kỹ thuật và tác dụng của từng phương pháp để xác định những phương pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể, nhằm giúp ĐTV trong quá trình hỏi cung nắm bắt kịp thời, chính xác về tâm lý bị can, nhất là các đặc điểm tâm lý có ý nghĩa chi phối tới hoạt động khai báo của bị can, trên cơ sở đó lựa chọn, sử dụng các phương pháp hỏi cung có hiệu quả. Khi sử dụng các phương pháp tác động tâm lý bị can, ĐTV phải sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp, không nên chỉ đơn thuần sử dụng một phương pháp nào đó. Bởi mỗi phương pháp chỉ có thể giúp ĐTV tác động tới tâm lý bị can ở một góc độ nào đó. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp sẽ giúp ĐTV có 1 . Xem: TS. Trương Công Am - Tác động tâm lý trong hoạt động điều tra hình sự - NXB CAND. Hà Nội. Tr27. thể tác động tâm lý một cách tổng thể và hiệu quả tới bị can. Các phương pháp mà ĐTV sử dụng có thể là: - Phương pháp phân tích thuyết phục. Phân tích thuyết phục là sự thông báo với mục đích thay đổi hoặc tạo nên những quan điểm, thái độ mới ở người bị tác động tâm lý. Đó là sự giải thích, khuyên nhủ bằng lý lẽ; lập luận bằng logic và trong một số trường hợp có thể lôi kéo đối tượng bị tác động vào khuôn khổ nhất định của sự tranh luận về những vấn đề nào đó. Để sự phân tích thuyết phục có hiệu quả, ĐTV khi vận dụng phương pháp này cần chú ý các vấn đề sau: + Phải nghiên cứu, nắm vững các đặc điểm tâm lý của bị can, nhất là đối với bị can đang có động cơ khai báo không tích cực. Phải phân tích, hiểu rõ tính chất, mức độ bền vững của mỗi động cơ, nguồn gốc nảy sinh các động cơ đó. + Việc lựa chọn bố trí ĐTV thực hiện thuyết phục phải phù hợp với bị can cả về tuổi tác, trình độ nhất là trường hợp bị can là người có trình độ học vấn cao, có vị trí nhất định trong xã hội. ĐTV phải là người có trình độ vững vàng, am hiểu tâm lý, có khả năng lý giải, phân tích các vấn đề một cách lôgic, mạch lạc. Kiên trì và khéo léo trong cách diễn đạt, lập luận. Không nóng vội, bực tức, dồn ép hay xúc phạm bị can. Biết lắng nghe và phân tích, giải đáp các vướng mắc, các thông tin ngược chiều từ phía bị can. Phải có thái độ chân tình, phong thái đàng hoàng khi tiếp xúc, khuyên nhủ để người bị tác động không cảm thấy như bị lên lớp, dạy khôn. Những vấn đề đưa ra để phân tích thuyết phục phải có căn cứ, có lập luận chặt chẽ, được chứng minh rõ ràng bằng thực tế, có tính hiện thực và có sức thuyết phục cao. + Khi sử dụng phương pháp phân tích thuyết phục cần chú ý đến hoạt động tư duy của bị can. Nội dung thuyết phục phải đáp ứng được việc gợi ra những suy nghĩ mới ở bị can, phù hợp với trình độ nhận thức, vốn kinh nghiệm và sự từng trải ở bị can. Phân tích thuyết phục phải làm hưng phấn hoạt động tư duy của họ, phải chủ động và tích cực giúp họ hiểu rằng: ĐTV đang thuyết phục, giúp họ đi đến những quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thuyết phục giúp bị can nhận ra lẽ phải, thấy được cái lợi của việc khai báo,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan