Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Nghiên cứu các phương thức cấu tạo hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên tiếng việt (tr...

Tài liệu Nghiên cứu các phương thức cấu tạo hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên tiếng việt (trên tư liệu thuật ngữ toán cơ tin học, vật lí)

.PDF
198
223
117

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGÔ PHI HÙNG NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO HỆ THUẬT NGỮ KHOA HỌC TỰ NHIÊN TIẾNG VIỆT (trên tư liệu thuật ngữ Toán - Cơ - Tin học, Vật lí) LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGHỆ AN - 2014 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGÔ PHI HÙNG NGHIÊN CỨU CÁC PHƯƠNG THỨC CẤU TẠO HỆ THUẬT NGỮ KHOA HỌC TỰ NHIÊN TIẾNG VIỆT (trên tư liệu thuật ngữ Toán - Cơ - Tin học, Vật lí) Chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ Mã số: 62 22 01 01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: 1. GS. TS. LÊ QUANG THIÊM 2. PGS. TS. HOÀNG TRỌNG CANH NGHỆ AN - 2014 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án Ngô Phi Hùng DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TT Quy định viết tắt Nghĩa 1. A Thành tố độc lập 2. B Thành tố có nghĩa, không độc lập 3. D Danh từ 4. Đg Động từ 5. KHTN 6. MH Khoa học Tự nhiên Mô hình DANH MỤC BẢNG VÀ BIỂU ĐỒ SỐ LIỆU Bảng 1.1. Các kí hiệu thường dùng trong Toán học..............................17 Bảng 1.2. Các tiêu chuẩn của thuật ngữ tiếng Việt ...............................22 Bảng 2.1. Phân bố các kiểu thuật ngữ (từ) trong Từ điển KHTN ..........46 Bảng 2.2. Thuật ngữ KHTN là từ ghép.................................................49 Bảng 2.3. Thuật ngữ KHTN là từ ghép đẳng lập ..................................51 Bảng 2.4. Số lượng mô hình thuật ngữ KHTN là từ ghép đẳng lập.......59 Bảng 2.5. Thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ ................................60 Bảng 2.6. Thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự xuôi ..............61 Bảng 2.7. Số lượng mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự xuôi ...........................................................67 Bảng 2.8. Thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự ngược ...........69 Bảng 2.9. Số lượng mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự ngược ........................................................72 Biểu đồ 2.10. Tỉ lệ các mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là từ ghép đẳng lập ................................................................................76 Biểu đồ 2.11. Tỉ lệ các mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự xuôi ...........................................................77 Biểu đồ 2.12. Tỉ lệ các mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là từ ghép chính phụ trật tự ngược ........................................................78 Bảng 2.13. Các thành tố độc lập (đứng trước) có tần số xuất hiện cao trong thuật ngữ KHTN ...................................................79 Bảng 2.14. Các thành tố không độc lập (đứng trước) có tần số xuất hiện cao trong thuật ngữ KHTN ...........................................81 Bảng 3.1. Thuật ngữ KHTN có cấu tạo là ngữ......................................90 Bảng 3.2. Thuật ngữ KHTN có cấu tạo là danh ngữ .............................94 Bảng 3.3. Thuật ngữ KHTN có cấu tạo là động ngữ........................... 118 Bảng 3.4. Số lượng mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN là động ngữ....134 Bảng 3.5. Số lượng thuật ngữ là danh ngữ thuộc mô hình: Phần phụ trước + Phần trung tâm ................................................ 136 Bảng 3.6. Số lượng thuật ngữ là danh ngữ thuộc mô hình: Phần phụ trước + Phần trung tâm + Phần phụ sau ....................... 136 Bảng 3.7. Số lượng thuật ngữ là danh ngữ thuộc mô hình: Phần trung tâm + Phần phụ sau ................................................... 137 Biểu đồ 3.8. Tỉ lệ thành tố tham gia cấu tạo thuật ngữ KHTN là danh ngữ ............................................................................ 139 Bảng 3.9. Số lượng thuật ngữ là động ngữ thuộc mô hình: Phần phụ trước + Phần trung tâm ................................................ 140 Bảng 3.10. Số lượng thuật ngữ là động ngữ thuộc mô hình: Phần phụ trước + Phần trung tâm + Phần phụ sau ....................... 140 Bảng 3.11. Số lượng thuật ngữ là động ngữ thuộc mô hình: Phần trung tâm + Phần phụ sau ................................................... 141 Biểu đồ 3.12. Tỉ lệ thành tố tham gia cấu tạo thuật ngữ KHTN là động ngữ............................................................................ 142 MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU....................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề......................................................................................... 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .......................................................... 5 4. Phương pháp nghiên cứu......................................................................... 6 5. Đối tượng và tư liệu nghiên cứu.............................................................. 7 6. Đóng góp của luận án.............................................................................. 7 7. Bố cục của luận án .................................................................................. 8 Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN ........................................................................... 9 1.1. Khái niệm thuật ngữ............................................................................. 9 1.2. Thuật ngữ trong văn bản .....................................................................12 1.3. Phân biệt thuật ngữ và danh pháp khoa học.........................................19 1.4. Phương châm xây dựng thuật ngữ khoa học tiếng Việt........................21 1.5. Về hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên và tình hình nghiên cứu ở Việt Nam ......27 1.6. Phương thức cấu tạo thuật ngữ ............................................................34 1.7. Tiểu kết chương 1 ...............................................................................37 Chương 2. PHƯƠNG THỨC VÀ MÔ HÌNH CẤU TẠO THUẬT NGỮ KHOA HỌC TỰ NHIÊN Ở BẬC TỪ ............................................................39 2.1. Quan niệm từ - từ điển và các kiểu loại cấu trúc từ tiếng Việt .............39 2.1.1. Quan niệm từ - từ điển ..................................................................39 2.1.2. Các kiểu loại cấu trúc từ tiếng Việt ...............................................40 2.2. Thành tố cấu tạo thuật ngữ ở cấp độ từ................................................42 2.2.1. Thành tố cơ sở ..............................................................................43 2.2.2. Thành tố trực tiếp..........................................................................43 2.3. Quan niệm mô hình cấu tạo từ và phạm vi khảo sát ............................44 2.3.1. Quan niệm mô hình cấu tạo từ ......................................................44 2.3.2. Phạm vi khảo sát...........................................................................45 2.4. Thuật ngữ khoa học tự nhiên là từ ghép ..............................................47 2.4.1. Khái niệm từ ghép.........................................................................47 2.4.2. Thuật ngữ khoa học tự nhiên là từ ghép đẳng lập ..........................50 2.4.3. Thuật ngữ khoa học tự nhiên là từ ghép chính phụ........................59 2.5. Các mô hình sản sinh thuật ngữ...........................................................73 2.5.1. Quan niệm sản sinh.......................................................................73 2.5.2. Những mô hình có sức sản sinh lớn ..............................................75 2.6. Tiểu kết chương 2 ...............................................................................85 Chương 3. PHƯƠNG THỨC VÀ MÔ HÌNH CẤU TẠO THUẬT NGỮ KHOA HỌC TỰ NHIÊN Ở BẬC NGỮ .........................................................88 3.1. Giới hạn khái niệm và nội dung khảo sát.............................................88 3.1.1. Giới hạn khái niệm........................................................................88 3.1.2. Nội dung khảo sát .........................................................................89 3.2. Thuật ngữ khoa học tự nhiên có cấu tạo là danh ngữ...........................91 3.2.1. Khái niệm danh ngữ......................................................................91 3.2.2. Mô hình cấu trúc của danh ngữ .....................................................91 3.2.3. Các mô hình cấu tạo......................................................................94 3.3. Thuật ngữ khoa học tự nhiên có cấu tạo là động ngữ.........................117 3.3.1. Khái niệm động ngữ....................................................................118 3.3.2. Các mô hình cấu tạo....................................................................118 3.4. Những mô hình có sức sản sinh cao ..................................................135 3.5. Tiểu kết chương 3 .............................................................................146 KẾT LUẬN................................................................................................148 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ...........................................................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................152 PHỤ LỤC...................................................................................................165 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Về mặt ngôn ngữ và văn tự, trước đây, trong suốt 1000 năm Bắc thuộc và tiếp sau gần 1000 năm độc lập, tiếng Việt tồn tại trong vị thế song ngữ bất bình đẳng [113]. Kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945, địa vị của tiếng Việt nói chung, chữ quốc ngữ nói riêng mới thực sự thay đổi, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ quốc gia thống nhất. Vị thế của tiếng Việt thay đổi nên chức năng xã hội của tiếng Việt càng ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Tiếng Việt không chỉ được dùng rộng rãi trong giao tiếp toàn xã hội, trong các văn bản pháp quy nhà nước, mà còn là công cụ được dùng để dạy học trong các cấp học, trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Việt cũng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Như một đòi hỏi khách quan và cũng là tất yếu của sự phát triển ngôn ngữ, một hệ thuật ngữ khoa học tiếng Việt ra đời để đáp ứng nhu cầu giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cũng vì thế, thuật ngữ là một trong những lĩnh vực trở thành đối tượng nghiên cứu cần yếu của Việt ngữ học. 1.2. Từ những năm đầu thế kỉ XX, đặc biệt là từ những năm 40 về sau, việc biên soạn thuật ngữ tiếng Việt có những bước phát triển. Năm 1942 cuốn Danh từ khoa học của tác giả Hoàng Xuân Hãn ra đời, là mốc đánh dấu hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên (KHTN) và công nghệ Việt Nam hình thành, bước phát triển đầu tiên của thuật ngữ khoa học tiếng Việt. Tiếp theo, sau 1945, hàng loạt thuật ngữ Hóa học, Sinh học lần lượt được xuất bản; nội dung khoa học được nâng lên một bước và phát triển theo định hướng: chính xác, hệ thống, quốc tế và dân tộc. Đến nay, cùng với sự phát triển sâu rộng của các ngành khoa học, hệ thống thuật ngữ tiếng Việt, nhất là hệ thống thuật ngữ các ngành KHTN đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ không chỉ về từng thuật ngữ đơn lẻ 2 mà cả hệ thống. Nghiên cứu thuật ngữ tiếng Việt tuy đã có nhiều thành tựu nhưng còn rất nhiều vấn đề của thuật ngữ cần đào sâu, trong đó có vấn đề chuẩn hóa trong thời kì mới. 1.3. Từ trước đến nay, nói đến xây dựng, phát triển thuật ngữ, người ta đề cập đến nhiều con đường như: thuật ngữ hóa từ thông thường, tạo thuật ngữ trên cơ sở ngữ liệu vốn có, vay mượn thuật ngữ nước ngoài. Trong đó, con đường cấu tạo thuật ngữ mới có ý nghĩa quan trọng, vì nó sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân tộc. Chính vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu các phương thức cấu tạo của hệ thuật ngữ KHTN trong tiếng Việt là cần thiết, góp phần vào quá trình xây dựng và chuẩn hóa hệ thuật ngữ tiếng Việt nói chung và hệ thuật ngữ KHTN nói riêng theo phương châm: khoa học (chính xác, hệ thống), quốc tế và dân tộc. Mặt khác, hiểu rõ các đặc điểm cấu tạo của hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt cũng sẽ góp phần vào việc khẳng định vai trò của tiếng Việt trong lĩnh vực khoa học, góp phần vào quá trình truyền bá tri thức, phát triển khoa học ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng vào việc biên soạn từ điển, tạo điều kiện cho việc giảng dạy và học tập tốt hệ thuật ngữ khoa học tiếng Việt nói chung và hệ thuật ngữ KHTN nói riêng. 2. Lịch sử vấn đề Mặc dù vấn đề thuật ngữ đã được quan tâm từ rất lâu, nhưng phải đến thế kỉ XX, Thuật ngữ học mới thực sự được khẳng định như một ngành khoa học. Việc nghiên cứu thuật ngữ xuất phát từ hai vấn đề nền tảng: thứ nhất là do kết quả quan sát quá trình hình thành lí thuyết nhằm đáp ứng sự ra đời của một bộ phận từ ngữ đặc biệt trong ngôn ngữ chuyên môn; thứ hai là do trên thực tế, trong giao tiếp, nhóm từ ngữ đặc biệt này được coi như những từ ngữ có ứng dụng độc lập. Trên thực tế, thuật ngữ ra đời và được sử dụng trước khi người ta tìm cách định nghĩa chúng. Bên cạnh cái chung, mỗi ngành khoa học đều tạo 3 dựng cho mình các cơ sở xây dựng nên những hệ thống thuật ngữ chuyên ngành khác nhau, vì thế chúng có những đặc thù riêng. Để hình dung một cách rõ hơn về nội dung của khái niệm “thuật ngữ khoa học”, trước hết chúng ta hãy đến với quan niệm của các nhà khoa học Âu Mĩ, nơi có nền khoa học - kĩ thuật - công nghệ phát triển sớm, nhanh và mạnh. Nói đến thuật ngữ học trước hết không thể không nhắc tới các nhà thuật ngữ học như: E. Wuster (Đức), J.C. Boulanger (Anh), R.W. Brown (Mĩ) [146], W.E. Flood (Mĩ) [148], J.C. Segen (Mĩ) [150]. Ngoài việc định nghĩa thuật ngữ, nêu bản chất khái niệm và chức năng của chúng, các nhà nghiên cứu này còn có xu hướng tìm cách xác định các tiêu chuẩn cụ thể cần phải có của thuật ngữ. Cùng với những tên tuổi của các nhà thuật ngữ học Âu - Mĩ là các nhà thuật ngữ học nổi tiếng của Xô viết như: D.S. Lotte (Д.C. Лотте), N.P. Kuz'kin (Н.П. Кузькин), A.I. Moiseev (А.И. Моисеев), V.V. Vinogradov (В.В. Виноградов), A.A. Reformatskij (А.А. Реформатский), V.P. Đanilenko (В.П. Даниленко), A.S. Gerd (А.С. Герд),... đã đi sâu vào phân tích bản chất, chức năng, khái niệm của thuật ngữ và đã tìm định nghĩa cho thuật ngữ khoa học. Riêng nghiên cứu về cấu tạo của thuật ngữ, năm 1939 tác giả G.O. Vinokur (Г.О. Винокур) đã có bài “Về một số hiện tượng cấu tạo từ trong hệ thuật ngữ kĩ thuật Nga” [135]. Ở Việt Nam, thuật ngữ khoa học xuất hiện muộn hơn so với các nước phương Tây. Vào những năm đầu thế kỉ XX, một số thuật ngữ khoa học xã hội đã được các tác giả Đông Kinh Nghĩa Thục giới thiệu. Từ những năm 1917 trở đi, việc xây dựng, hình thành thuật ngữ đã có những biểu hiện từ tự phát đến tự giác, trên tạp chí Nam Phong (1917 - 1934) đã có ý kiến bàn bạc về việc biên soạn từ điển, đặt danh từ khoa học. Chẳng hạn như bài viết của Nguyễn Ứng “Về sự dịch tiếng hóa học”, Nguyễn Triệu Luật bàn về “Danh từ 4 hóa học”. Một số từ điển (tự điển) đã được xuất bản như: Việt Nam tự điển, do Hội khai trí Tiến Đức khởi thảo, xuất bản lần đầu năm 1931, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Quan - Hải, Tùng - Thư xuất bản năm 1932 và Danh từ khoa học (Toán, Lí, Hóa, Thiên văn) của Hoàng Xuân Hãn, xuất bản năm 1942. “Cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn không chỉ cung cấp tư liệu từ ngữ mới, tri thức mới mà cả phương pháp, cách thức sáng tạo thuật ngữ tiếng Việt hiện đại. Đóng góp lớn của công trình này không chỉ ở vốn thuật ngữ một số ngành khoa học cơ bản lần đầu được xây dựng cấu tạo mà còn là lí luận về hệ thuật ngữ, về nguyên tắc và phương pháp xây dựng hệ thuật ngữ tiếng Việt hiện đại” [113, tr.190]. Sau cuốn Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, một số từ điển đã được xuất bản như Danh từ thực vật của Nguyễn Hữu Quán và Lê Văn Căn, Danh từ vạn vật học của Đào Văn Tiến (1945), Danh từ y học của Lê Khắc Thiền và Phạm Khắc Quảng, v.v. Do điều kiện lịch sử và xã hội, phải đến những năm 60 của thế kỉ XX, vấn đề thuật ngữ mới thực sự trở thành mối quan tâm của các nhà khoa học Việt Nam. Năm 1960, Ban Sử Địa Văn (tiền thân của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã ban hành “Quy định tạm thời về nguyên tắc biên soạn danh từ khoa học tự nhiên”. Hàng loạt các hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề thuật ngữ (Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học, 28 - 29/12/1964; Hội nghị trưng cầu ý kiến về vấn đề dùng thuật ngữ khoa học tháng 5/1965). Một Hội đồng Thuật ngữ Từ điển khoa học do Nguyễn Khánh Toàn làm chủ tịch đã ra đời. Vào tháng 6/1966, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã công bố áp dụng tạm thời bản “Quy tắc phiên thuật ngữ khoa học (gốc Ấn - Âu) ra tiếng Việt”. Những năm 90 của thế kỉ XX về sau, một số bài viết, công trình nghiên cứu về cấu tạo thuật ngữ tiếng Việt ra đời như: Vấn đề phương thức cấu tạo thuật ngữ trong một số công trình xuất bản tại Việt Nam thời kì 1954 - 1975 5 [143]; Thuật ngữ quân sự tiếng Việt (đặc điểm và cấu trúc) [42]; Thuật ngữ Việt Nam đầu thế kỉ XX trong quan hệ với văn hóa và phát triển [111]; Đặc điểm của thuật ngữ tiếng Việt [83], [84]; Về đặc điểm mô hình cấu tạo và việc chuẩn hóa thuật ngữ xây dựng là cụm từ trong tiếng Việt [128]. Cùng với các bài viết, công trình trên là các đề tài cấp bộ, cấp học viện đã được bảo vệ, hàng loạt bài viết của các tác giả về thuật ngữ đã được giới thiệu, phản ánh kết quả nghiên cứu về thuật ngữ tiếng Việt. Kể từ năm 1991 đến năm 2013 đã có nhiều luận án tiến sĩ nghiên cứu về thuật ngữ được bảo vệ, như luận án của Vũ Quang Hào [41], Nguyễn Thị Bích Hà [35], Nguyễn Thị Kim Thanh [105], Vương Thị Thu Minh [80], Mai Thị Loan, Vũ Thị Thu Huyền [48]. Như vậy, vấn đề thuật ngữ nói chung và việc nghiên cứu các phương thức và mô hình cấu tạo của thuật ngữ nói riêng đã ít nhiều được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Tuy nhiên, việc chúng tôi đi vào Nghiên cứu các phương thức cấu tạo hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên tiếng Việt (trên tư liệu thuật ngữ Toán - Cơ - Tin học, Vật lí) cho đến nay đây vẫn còn là lĩnh vực chưa có tác giả nào đi vào khảo sát chuyên sâu và toàn cảnh nhóm ngành khoa học này. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu với mong muốn góp một phần công sức vào lĩnh vực phát triển và chuẩn hóa thuật ngữ nói chung và hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt nói riêng. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích Luận án nghiên cứu các phương thức cấu tạo hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt mà cụ thể là hệ thuật ngữ Toán - Cơ - Tin học, Vật lí nhằm rút ra các đặc điểm cơ bản về cấu tạo của hệ thuật ngữ này. Trên cơ sở đó, luận án sẽ đưa ra một bức tranh tổng quát về các phương thức và mô hình cấu tạo; đề xuất một số ý kiến đối với việc phát triển và chuẩn hóa hệ thuật ngữ này trong tiếng Việt. 6 3.2. Nhiệm vụ Để đạt được mục đích trên, luận án của chúng tôi hướng tới giải quyết các nhiệm vụ sau đây: - Hệ thống hóa các quan điểm lý thuyết về thuật ngữ khoa học nói chung và về thuật ngữ KHTN tiếng Việt nói riêng. Đồng thời xem xét sơ bộ về sự hình thành và phát triển của hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt trong mối quan hệ với lịch sử phát triển của các ngành khoa học cơ bản này của Việt Nam thời hiện đại. - Khảo sát phương thức và mô hình cấu tạo hệ thuật ngữ KHTN Toán Cơ - Tin học, Vật lí tiếng Việt ở bậc từ. - Khảo sát phương thức và mô hình cấu tạo hệ thuật ngữ KHTN Toán Cơ - Tin học, Vật lí tiếng Việt ở bậc ngữ. Thông qua sự phân tích các mô hình cấu tạo, liên hệ tới những mô hình có sức sản sinh cao, rút ra các mô hình cấu tạo cơ bản của các hệ thuật ngữ này trong tiếng Việt. 4. Phương pháp nghiên cứu Để đạt kết quả nghiên cứu theo mục đích và nhiệm vụ đã đề ra, luận án sử dụng các phương pháp sau: 4.1. Phương pháp miêu tả Phương pháp này được dùng để miêu tả các phương thức và mô hình cấu tạo hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt. 4.2. Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp được áp dụng để phân tích cấu tạo của thuật ngữ theo từng thành tố. Kết quả phân tích cho thấy đặc điểm phương thức cấu tạo của hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt và làm rõ hệ thống mô hình cấu tạo cũng như các bước phát triển và xu hướng chuẩn hóa của chúng trong tiếng Việt. Ngoài hai phương pháp cơ bản trên, luận án còn sử dụng các phương pháp, thủ pháp nghiên cứu sau: 7 - Phương pháp so sánh đối chiếu được dùng khi phân tích những đặc điểm riêng của từng tiểu loại. Các tiểu loại khảo sát có mối liên hệ với nhau; qua so sánh rút ra những nhận xét chung và riêng cho từng tiểu loại. - Thủ pháp thống kê phân loại được sử dụng để xác định số lượng từng loại thuật ngữ xét theo mô hình cấu tạo. Các kết quả thống kê sẽ được tổng hợp thể hiện dưới hình thức các bảng biểu, đồ thị nhằm giúp hình dung rõ hơn nét đặc trưng cơ bản về cấu tạo của hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên trong tiếng Việt. 5. Đối tượng và tư liệu nghiên cứu 5.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thuật ngữ khoa học tự nhiên tiếng Việt. Xét theo bậc cấu tạo và các phương diện cụ thể của thuật ngữ, luận án sẽ nghiên cứu: - Phương thức và mô hình cấu tạo thuật ngữ khoa học tự nhiên ở bậc từ - Phương thức và mô hình cấu tạo thuật ngữ khoa học tự nhiên ở bậc ngữ 5.2. Tư liệu nghiên cứu Ở Việt Nam, hiện nay có nhiều từ điển KHTN song ngữ được xuất bản. Trong số những cuốn từ điển KHTN được xuất bản gần đây, chúng tôi đã chọn các từ điển sau làm tư liệu nghiên cứu: Từ điển Anh - Việt khoa học tự nhiên, tập 1, Toán - Cơ - Tin học và tập 2, Vật lí/ Nguyễn Văn Mậu (chủ biên), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008. Đây là những từ điển được biên soạn bởi những nhà khoa học có uy tín hàng đầu ở Việt Nam, những từ điển này được biên soạn vào dịp kỉ niệm 50 năm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (1956 - 2006). 6. Đóng góp của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận - Việc nghiên cứu về hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt của luận án góp phần tổng hợp, nhìn nhận toàn cảnh các vấn đề về thuật ngữ KHTN nói riêng và thuật ngữ ở Việt Nam nói chung. 8 - Qua khảo sát và phân tích, luận án chỉ ra các đặc điểm của thuật ngữ KHTN tiếng Việt về cấu tạo, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt mang tính khoa học (tính chính xác, tính hệ thống), tính quốc tế và tính dân tộc, thiết thực góp ích cho sự phát triển của khoa học nói chung và hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt nói riêng. - Kết quả nghiên cứu sẽ thực sự đóng góp vào việc xây dựng lí thuyết về thuật ngữ khoa học nói riêng và lí luận về chuẩn hóa ngôn ngữ nói chung. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Trên cơ sở xác định được các đặc điểm về mặt cấu tạo của hệ thuật ngữ KHTN tiếng Việt, luận án sẽ góp phần định hướng cho việc xây dựng và chuẩn hóa thuật ngữ, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng thuật ngữ khoa học nói chung và hệ thuật ngữ KHTN nói riêng trong tiếng Việt hiện nay. Luận án, ở mức độ khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp, góp phần chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng, sự phát triển của tiếng Việt trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu và kết luận, tài liệu tham khảo, khảo sát và phụ lục, luận án gồm có ba chương được sắp xếp như sau: Chương 1: Cơ sở lí luận Chương 2: Phương thức và mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN ở bậc từ Chương 3: Phương thức và mô hình cấu tạo thuật ngữ KHTN ở bậc ngữ 9 Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN 1.1. Khái niệm thuật ngữ Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề thuật ngữ luôn được các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa, khái niệm thuật ngữ được mọi người thừa nhận. Sở dĩ có nhiều cách định nghĩa khác nhau là do cách nhìn. Có tác giả cho rằng thuật ngữ xác định khái niệm, nhưng cũng có tác giả cho rằng thuật ngữ không chỉ xác định khái niệm mà còn biểu hiện khái niệm. Về bản chất của thuật ngữ, D.S. Lotte (Д.C. Лотте), thì cho rằng thuật ngữ là từ đặc biệt, còn G.O. Vinokur (Г.О.Винокур) cho rằng thuật ngữ không phải từ đặc biệt, mà chỉ là từ với chức năng đặc biệt, và tuyên bố rằng, bất cứ từ nào cũng được cấu tạo để có vai trò là một thuật ngữ. O.S. Akhmanova (O.C. Axмaнова) định nghĩa: “Thuật ngữ là từ hoặc cụm từ của ngôn ngữ chuyên môn (ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ kĩ thuật, v.v.) được sáng tạo ra (được tiếp nhận, được vay mượn, v.v.) để biểu hiện chính xác các khái niệm chuyên môn và biểu thị các đối tượng chuyên môn” [dẫn theo 124, tr.3]. Đại Bách khoa toàn thư Xô viết (1976) định nghĩa: “thuật ngữ là một từ hoặc một cụm từ chỉ ra một cách chính xác khái niệm và quan hệ của nó với những khái niệm khác trong giới hạn của phạm vi chuyên ngành. Thuật ngữ là cái biểu thị vốn đã chuyên biệt hóa, hạn định hóa về sự vật, hiện tượng, thuộc tính và quan hệ của chúng đặc trưng cho phạm vi chuyên môn đó” [dẫn theo 35, tr.11]. Đanilenko (В.П. Даниленко) cho rằng: “Thuật ngữ dù là từ (ghép hoặc đơn) hay cụm từ đều là một kí hiệu tương ứng với một khái niệm”, và “Bản chất của thuật ngữ với tư cách là một khái niệm hoàn toàn không trùng với từ thông thường của ngôn ngữ toàn dân” [dẫn theo 35, tr.11]. 10 A.S. Gerd (А.С. Герд) định nghĩa: “Thuật ngữ là một đơn vị từ vựng - ngữ nghĩa có chức năng định nghĩa và được khu biệt một cách nghiêm ngặt bởi các đặc trưng như tính hệ thống, tính đơn nghĩa; ở thuật ngữ không có hiện tượng đồng nghĩa hay đồng âm trong phạm vi của một khoa học hoặc một lĩnh vực tri thức cụ thể” [dẫn theo 105, tr.19]. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu thuật ngữ bắt đầu từ những năm đầu thế thế kỷ XX. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đã đi vào nghiên cứu và đưa ra những định nghĩa thuật ngữ, làm cho khái niệm “thuật ngữ” ngày một đầy đủ và chính xác. Năm 1960, trong cuốn Khái luận ngôn ngữ học, Nguyễn Văn Tu đã định nghĩa: “Thuật ngữ là từ hoặc nhóm từ dùng trong các ngành khoa học, kĩ thuật, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật, v.v. và có một ý nghĩa đặc biệt, biểu thị chính xác các khái niệm và tên các sự vật thuộc ngành nói trên" [131, tr.176]. Năm 1976, trong cuốn Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, một lần nữa, ông lại đưa ra định nghĩa về thuật ngữ: “Thuật ngữ là những từ và những cụm từ chỉ những khái niệm của một ngành khoa học, ngành sản xuất hay ngành văn hóa nào đó v.v... Ví dụ: đồng âm, phụ âm, nguyên âm thuộc về ngành ngôn ngữ học; giáo án, lên lớp,... thuộc về ngành giáo dục học; ốcxi hidrô, benzen thuộc về ngành hóa học; quang phổ, quang học, điện pin... thuộc về ngành lí v.v... Đặc điểm của thuật ngữ là một từ chỉ có một nghĩa, không có từ đồng nghĩa, không có sắc thái tình cảm, có thể có tính chất quốc tế (tùy từng ngành)” [133, tr.202]. Ở định nghĩa này, Nguyễn Văn Tu đã nhấn mạnh đến mặt khái niệm mà các thuật ngữ biểu thị. Tuy nhiên, do điều kiện khoa học - kĩ thuật ở nước ta lúc bấy giờ còn chưa phát triển mạnh, nên trong định nghĩa của ông phải chăng vì thế mà tính quốc tế chưa được đề cao, còn "tùy từng ngành”. Năm 1962, trong Giáo trình Việt ngữ, tập 2, Đỗ Hữu Châu đã định nghĩa: “Thuật ngữ là những từ chuyên môn được sử dụng trong phạm vi một ngành 11 khoa học, một nghề nghiệp hoặc một ngành kĩ thuật nào đấy. Có thuật ngữ của ngành vật lí, ngành hóa học, toán học, thương mại, ngoại giao, v.v… Đặc tính của những từ này là phải gắng chỉ có một nghĩa, biểu thị một khái niệm hay chỉ tên một sự vật, một hiện tượng khoa học, kĩ thuật nhất định” [15, tr.167]. Định nghĩa trên đã nhấn mạnh không chỉ đến mặt “biểu thị khái niệm khoa học” mà còn “chỉ tên một sự vật, hiện tượng khoa học, kĩ thuật” trong thuật ngữ khoa học. Sau này trong cuốn Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (1981), Đỗ Hữu Châu đã đưa ra định nghĩa bao quát nhưng khái quát hơn về thuật ngữ khoa học, kĩ thuật như sau: “Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật bao gồm các đơn vị từ vựng được dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm… trong những ngành kĩ thuật công nghiệp và trong những ngành khoa học tự nhiên hay xã hội” [16, tr.237]. Ông đối lập thuật ngữ với từ thông thường. Theo ông: “Khác với từ thông thường, thuật ngữ có ý nghĩa biểu vật trùng hoàn toàn với sự vật, hiện tượng... có thực trong thực tế, đối tượng của ngành kĩ thuật và ngành khoa học tương ứng. Ý nghĩa biểu niệm của chúng cũng là những khái niệm về các sự vật, hiện tượng này đúng như chúng tồn tại trong tư duy (dĩ nhiên theo cách hiểu của ngành kĩ thuật và ngành khoa học tương ứng). Về mặt nội dung, ở các thuật ngữ không xảy ra sự chia cắt thực thể khách quan theo cách riêng của ngôn ngữ. Mỗi thuật ngữ như là một “cái nhãn” dán vào đối tượng này (cùng với khái niệm về chúng) tạo nên chính nội dung của nó. Tính hệ thống về mặt ngữ nghĩa của thuật ngữ là do tính hệ thống của bản thân đối tượng và khái niệm trong ngành khoa học và kĩ thuật đó quyết định” [16, tr.238]. Năm 1983, Hoàng Văn Hành đã đưa ra định nghĩa nhấn mạnh hơn đến tính hệ thống của thuật ngữ. Trong định nghĩa này, Hoàng Văn Hành đã chỉ rõ thêm tính xác định của khái niệm mà thuật ngữ biểu thị trong hệ thống những 12 khái niệm của một ngành khoa học nhất định: “Thuật ngữ là từ ngữ dùng để biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định. Toàn bộ hệ thống thuật ngữ của các ngành khoa học hợp thành vốn thuật ngữ” [38, tr.26]. Năm 1978, trong giáo trình Từ vựng tiếng Việt, tiếp đến năm 1985, trong cuốn Từ vựng học tiếng Việt, sau đó là năm 1998 trong giáo trình trên được tái bản, Nguyễn Thiện Giáp viết “Thuật ngữ là bộ phận từ ngữ đặc biệt của ngôn ngữ. Nó bao gồm những từ và cụm từ cố định là tên gọi chính xác của các loại khái niệm và các đối tượng thuộc các lĩnh vực chuyên môn của con người” [29, tr.270]. Năm 2008, trong cuốn Sự phát triển của từ vựng tiếng Việt nửa sau thế kỉ XX, tác giả Hà Quang Năng viết: “thuật ngữ là từ ngữ dùng để biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định” [81, tr.94]. Năm 2010, trên tạp chí Ngôn ngữ, tác giả Nguyễn Đức Tồn đã viết: “Thuật ngữ là từ ngữ biểu hiện một khái niệm hoặc một đối tượng trong phạm vi một lĩnh vực khoa học hoặc chuyên môn” [124, tr.1-9]. Từ những định nghĩa trên và để có cơ sở khoa học cho quá trình khảo sát đối tượng của luận án, chúng tôi đưa ra một cách hiểu về thuật ngữ như sau: Thuật ngữ là từ ngữ biểu hiện khái niệm hoặc đối tượng trong một lĩnh chuyên môn nhất định. 1.2. Thuật ngữ trong văn bản Việt Nam hiện đang trên con đường hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đi cùng với quá trình này, các ngành khoa học và công nghệ cũng đang phát triển với tốc độ nhanh. Số lượng thuật ngữ (term) liên tục tăng, tỉ lệ thuật ngữ xuất hiện trong các văn bản ngày càng cao. Đây là điều tất yếu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, với số lượng thuật ngữ
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan