Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa...

Tài liệu Phong cách truyện ngắn của phạm duy nghĩa

.PDF
91
310
58

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ THỊ NGỌC THỦY PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM DUY NGHĨA LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Hà Nội, 2019 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ THỊ NGỌC THỦY PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM DUY NGHĨA Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8.22.01.21 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. Vũ Thị Thu Hà Hà Nội, 2019 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Tư liệu trong luận văn là trung thực và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu của luận văn chưa từng được công bố trong bất cứ công trình khoa học nào khác. Hà Nội, tháng 8 năm 2019 Tác giả luận văn Hà Thị Ngọc Thủy MỤC LỤC MỞ ĐẦU .....................................................................................................................1 Chương 1. KHÁI NIỆM PHONG CÁCH VÀ CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH NÊN PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN PHẠM DUY NGHĨA .........................................9 1.1 Khái niệm phong cách và phong cách nghệ thuật của nhà văn ...................................... 9 1.2 Khái niệm truyện ngắn và tình hình sáng tác truyện ngắn đầu thế kỉ XXI ................. 13 1.3. Phạm Duy Nghĩa – quá trình sáng tạo nghệ thuật ....................................................... 16 Chương 2. HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CÁI ĐẸP VÀ ĐI TÌM SỰ THẬT TRONG TRUYỆN NGẮN PHẠM DUY NGHĨA ..................................................................21 2.1. Đi tìm vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa........... 21 2.2. Đề cao sự thật – tôn vinh sự thật trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ...................... 38 Chương 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NGÔN NGỮ, YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN PHẠM DUY NGHĨA ..................................................................51 3.1 Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ......................... 51 3.2 Yếu tố kì ảo trong sáng tác Phạm Duy Nghĩa ................................................................ 66 KẾT LUẬN ...............................................................................................................79 TÀI LIỆU THAM KHẢO .........................................................................................81 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài M. Gorki từng cho rằng: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng, chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng có cái giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn tìm tòi, khám phá, thiết lập cho mình một phong cách riêng, mang dấu ấn riêng độc đáo, khác lạ... Văn xuôi Việt Nam sau năm 1986 đến nay có sự đổi mới và phát triển vô cùng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, trong đó có truyện ngắn. Nhiều tác phẩm mới xuất hiện gắn liền với tên tuổi của các nhà văn trẻ thế hệ, 7X, 8X... Tất cả những tác giả đó đang làm nên bản hòa âm văn học đương đại đầy phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng tạo được dấu ấn và phong cách cá nhân thống nhất trong các tác phẩm của mình. Mảng đề tài văn học viết về dân tộc và miền núi nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Các tác giả nổi tiếng với mảng đề tài này ở thế hệ trước như Tô Hoài, Trung Trung Đỉnh, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp… đã tạo được dấu ấn quan trọng trong lòng độc giả. Tiếp bước và tiếp tục phát triển đa dạng mảng đề tài này có thể kể đến các tác giả như Cao Duy Sơn, Sa Phong Ba, Hà Thị Cẩm Anh, Tống Ngọc Hân, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa… Những tác phẩm văn học này thực sự góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần con người, lấp đầy mảng trống kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa, phong tục và con người dân tộc thiểu số vùng cao, từ đó, trở thành nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Không ồn ào, náo nhiệt, mà bền bỉ, lặng lẽ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa với những truyện ngắn của mình tạo nên dấu ấn trong đội ngũ nhà văn viết về miền núi. Anh là một trong ít nhà văn viết về miền núi tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa không đậm dấu ấn của văn hóa, phong tục miền núi như truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, không có sự bạo liệt, gai góc như truyện ngắn Tống Ngọc Hân, không có chất đặc sệt miền núi như truyện ngắn Cao Duy Sơn, không 1 khai thác mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên từ tư duy hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp… truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa làm cho người đọc khắc khoải, suy tư bởi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, đó là những dư ba của cảm xúc, sự tử tế, cái đẹp của con người và thiên nhiên, đó là sự nhạy bén với các vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội và thái độ đấu tranh cho sự thật, ngợi ca sự thật, đó là sự khéo léo trong kỹ thuật viết hiện thực, lãng mạn, huyền ảo và luôn hàm chứa những ẩn dụ nghệ thuật… Từ đó truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa luôn hướng đến những thông điệp nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc. Điểm đặc biệt trong sáng tác của Phạm Duy Nghĩa đó là “sự chuyển động” (Văn Giá) [8]. Phạm Duy Nghĩa không chỉ thể hiện tài năng của mình ở một địa hạt văn chương miền núi, anh còn chuyển hướng trong sáng tạo, khẳng định tài năng của mình trong những truyện ngắn ăm ắp tính thời sự của đời sống đương đại. Đặc biệt hơn, khi anh viết về miền núi với tôn chỉ đề cao cái đẹp, tôn vinh cái đẹp thiên nhiên và con người hay khi anh đề cao sự thật, tôn vinh sự thật, không chấp nhận sự giả dối trong mảng đề tài về xã hội đương đại thì cả hai mảng sáng tác này đều rất thành công, đều tạo được dấu ấn phong cách riêng của Phạm Duy Nghĩa. Việc lựa chọn đề tài “Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa” để nghiên cứu là cách chúng tôi có thể phân tích, lý giải truyện ngắn của anh một cách tổng thể và hoàn chỉnh nhất, từ cả nội dung phản ánh và nghệ thuật biểu hiện, từ sự vận động nội tại và những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến sáng tác của anh. Qua đó, chúng tôi có một cái nhìn khách quan, đa chiều để đánh giá vị trí và vai trò của truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa trong dòng chảy văn chương đương đại. Ngoài ra, đây cũng là một sự lựa chọn có chủ đích, tạo sự mới lạ trong hệ thống đề tài luận văn, luận án hiện nay đang quá tải và cạn kiệt những đề tài hay và mới. Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài luận văn “Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa” nhằm tìm hiểu, khám phá phong cách truyện ngắn của nhà văn trên nhiều phương diện từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Qua đó, chúng tôi khẳng định vị trí, dấu ấn riêng của nhà văn trong dòng chảy văn xuôi viết về miền núi hiện nay nói riêng và truyện ngắn đương đại nói chung. 2 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Phạm Duy Nghĩa đến với làng văn không ồn ào, xô bồ, không PR rầm rộ; anh đến với văn chương một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, cẩn thận, lặng lẽ như vùng đất, con người nơi anh sống và giảng dạy - vùng núi Lào Cai; hay sau này khi anh chuyển về Thủ đô công tác, về Tạp chí Văn nghệ quân đội - nơi được coi là “ngôi đền thiêng của văn học Việt Nam – nơi căn nhà số 4 “phố nhà binh” đầy trầm lặng. Từ tập truyện ngắn đầu tay Tiếng gọi lưng chừng dốc (2002), đến các tập truyện sau này, Phạm Duy Nghĩa đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, bạn đọc yêu văn học miền núi. Quá trình sáng tác của nhà văn Phạm Duy Nghĩa được chia ra làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là các sáng tác trước năm 2010: Với một số tập truyện ngắn, tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa thời kỳ này là tôn vinh cái đẹp, đi tìm cái đẹp. Truyện tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn con người, nhân cách con người, và hành động cao đẹp của con người thông qua các chi tiết, nhân vật, ngôn ngữ. Giai đoạn sau là từ 2010 đến nay: có sự đổi mới, chuyển hướng tư tưởng sáng tác của Phạm Duy nghĩa. Một số tác phẩm truyện ngắn của nhà văn chưa tập hợp in thành sách được đăng trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, tạp chí Sông Hương.v.v... hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp dùng ẩn dụ nghệ thuật mang đến những thông điệp mới mẻ, những ẩn dụ nghệ thuật để hướng về sự thật, đề cao sự thật, chống sự giả dối, chống cái xấu cái ác, chống bất công tiêu cực, hướng đến cái thiện, lẽ phải, công lý. Trong thực tiễn sáng tác của Phạm Duy Nghĩa: Cái xấu cái ác, vạch trần sự tha hóa đã xuất hiện từ giai đoạn sáng tác trước ở một số ít truyện ngắn như Người nhà ông Luân, Trên đồi lập lòe ánh lửa, Người đổi mặt. Về nghệ thuật: Ở giai đoạn trước năm 2010, nhà văn chủ yếu viết bằng bút pháp hiện thực. Giai đoạn sau năm 2010, nhà văn sử dụng yếu tố kì ảo ở hầu hết các truyện. 3 Truyện của Phạm Duy Nghĩa được các nhà nghiên cứu, nhà văn đánh giá cao. Tuy nhiên, trong khảo sát của chúng tôi, chưa có một công trình cụ thể nào đi tìm hiểu Phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. Có một số bài viết phê bình truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành về văn chương và các loại báo khác. Chúng tôi có thể liệt kê một số bài viết nổi bật trên mạng thông tin truyền thông như: “Nhà văn Phạm Duy Nghĩa : Người đi tìm ‘cơn mưa hoa mận trắng’” – Bình Nguyên Trang [57]; “Khu vườn văn của Phạm Duy Nghĩa” – Bùi Việt Thắng [48]; “Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa: Đường biên đất trời Tây Bắc” – Mai Anh Tuấn [54]; “Văn học miền núi với đóng góp của nhà văn Phạm Duy Nghĩa” – Nguyên Thanh [46], “Biết thêm về Phạm Duy Nghĩa, thủ khoa cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003 – 2004” – Dạ Ngân [20], “Một hơi thở mới từ rừng” – Nguyễn Quang Thân [51], “Phạm Duy Nghĩa với Cơn mưa hoa mận trắng” – Hoàng Thu Phố [41], “Văn chương không quay lưng với nỗi khổ của con người” – Mã A Lềnh [17], “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên bây giờ ở đâu?” – Hoài Nguyễn [22], “Đóng góp khoa học của một nhà văn” – Nguyễn Thanh Tú [53]… Trong bài viết “Tiếng gọi lưng chừng dốc - vang vọng một cốt cách văn xuôi trang trọng” của Kim Ngọc Đại, tác giả cho rằng, Phạm Duy Nghĩa là một nhà văn “chân thành mà sắc sảo, chầm chậm mà dứt khoát, toàn tâm toàn ý với văn chương”, và đánh giá đây “một cốt cách văn xuôi trang trọng”. Tác giả cũng chỉ ra sức hấp dẫn của truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa ở “những chi tiết đời thường”, những phong tục tập quán” hay việc nhà văn “chất, chở, đẩy, vạch, ném toang ra trước mắt mọi người một cách hồn nhiên mà trang trọng”, tác giả cũng khẳng định “rất nhiều đoạn văn đẹp đến lung linh” [5]. Cũng nhận xét về tập truyện ngắn Tiếng gọi lưng chừng dốc, tác giả Nguyễn Trọng Hoàn trong bài viết “Tiếng gọi lưng chừng dốc - Một khởi đầu ấn tượng của Phạm Duy Nghĩa” trên báo Văn nghệ cho rằng, tập truyện là “một bước khởi đầu ấn tượng của Phạm Duy Nghĩa” [14]. Bài viết cũng có những phân tích sắc sảo về không gian, nhân vật và bút pháp thể hiện của truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. 4 Trong bài viết “Biết thêm về Phạm Duy Nghĩa, thủ khoa cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003 – 2004”, nhà văn Dạ Ngân nhận ra ở Phạm Duy Nghĩa “một bản lĩnh văn xuôi trời cho”, sự “từng trải”, “thái độ nhân sinh điềm đạm... được truyền tải bằng giọng văn đượm buồn lấp lánh”, hay sự “đào xới và tôn vinh tình người trong con người” trong truyện của anh. Và hơn hết là “một tình yêu đặc sắc của tác giả với thiên nhiên và con người nơi rẻo cao” [13]. Viết về truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa đặc biệt có bài viết “Đi tìm Cơn mưa hoa mận trắng” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trong bài viết, tác giả đưa ra một luận điểm mà chúng tôi cũng rất đồng tình, đó là tác giả chỉ ra bút pháp của truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa: “hiện thực kết hợp lãng mạn pha trộn huyền ảo là bút pháp cơ bản trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa”. Tác giả cũng chỉ ra điểm mạnh trong ngòi bút Phạm Duy Nghĩa đó là: “lối hành văn hoạt, sự tươi xanh của con chữ tuôn chảy lấp lánh, dạt dào từ trong bút có nghề”. Tác giả cũng khẳng định “Hiện nay, anh là một trong số ít ỏi nhà văn nam ở nước ta đang viết hay” và “Phạm Duy Nghĩa đã và đang góp phần làm nên sự sang trọng của văn chương miền núi” [27, tr.2]. Cũng đồng tình với ý kiến của Sương Nguyệt Minh và Dạ Ngân, nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong bài viết “Khu vườn văn của Phạm Duy Nghĩa” còn thấy “truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thuộc phạm trù tự sự - trữ tình, kiểu văn giàu cảm giác - cảm giác về đường nét, âm thanh, mùi vị của đời sống”. Tác giả cũng khẳng định rằng: “Phạm Duy Nghĩa là nhà văn biết chắt chiu cái đẹp” [48]. Đặc biệt, gần đây, nhà văn Văn Giá viết bài “Chuyển động Phạm Duy Nghĩa”. Đây là bài viết hiếm hoi thể hiện cái nhìn tổng quát về hai chặng đường sáng tác của nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Nhà văn Văn Giá cho rằng, “Ở cấp độ tư duy nghệ thuật, Phạm Duy Nghĩa đã có bước chuyển rõ rệt: từ địa hạt của tư duy hiện thực chuyển sang địa hạt của tư duy huyền thoại hóa. Đây là điểm khởi đầu, có ý nghĩa tiên quyết. Cái còn lại là cách triển khai lối viết để biến cái tư duy huyền thoại hóa kia kết tinh trở thành máu thịt của hình tượng nghệ thuật”. Tác giả cũng 5 khẳng định: “Không tự bằng lòng với vị thế truyện ngắn đã được xác lập, nhà văn Phạm Duy Nghĩa đang làm mới chính mình” [8]. Về nghiên cứu trong trường Đại học, trong khảo sát của chúng tôi, chúng tôi thấy có luận văn thạc sĩ “Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa” (2011) của Đoàn Thị Hải Yến [42]. Luận văn nhìn nhận truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa ở góc độ nghệ thuật với các vấn đề như cốt truyện, nhân vật, giọng điệu... là gợi ý quan trọng cho chúng tôi khi làm về phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa; Luận văn “Trường nghĩa thiên nhiên Tây Bắc trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa” (2017) của Lê Thị Tố Mai [19], luận văn tìm hiểu thiên nhiên Tây Bắc trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa từ góc độ trường nghĩa; Ngoài ra, có một số luận văn đặt truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa trong thế so sánh như luận văn: “Đề tài dân tộc và miền núi trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy và Phạm Duy Nghĩa” (2008) của Mai Thị Kim Oanh [42], Luận văn “Trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số cây bút trẻ (Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy…)” (2011) của Phạm Thị Lan [16]. Về hướng nghiên cứu phong cách nhà văn, chúng tôi thấy có một số công trình cụ thể như: Tác phẩm và chân dung của Phan Cự Đệ, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại của Hà Minh Đức, Nhà văn tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh, Văn học và học văn của Hoàng Ngọc Hiến, Văn học Việt Nam trong thời đại mới của Nguyễn Văn Long, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu của Tôn Phương Lan, Phong cách nghệ thuật Tô Hoài của Mai Thị Nhung. Đây là những công trình có giá trị học thuật cao, là những tham khảo hữu ích cho chúng tôi khi cùng nghiên cứu từ góc độ phong cách tác giả. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, chưa có một công trình nào khái quát được toàn diện, có hệ thống đặc điểm phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. Mặt khác, phần lớn các bài viết mới chỉ tập trung phân tích các tác phẩm ở giai đoạn đầu sáng tác của nhà văn, mà chưa có một bài viết nào đi phân tích cụ thể các truyện ngắn giai đoạn sáng tác sau của nhà văn Phạm Duy Nghĩa ngoài bài viết 6 mang tính khái quát của Văn Giá. Luận văn của chúng tôi, với cái nhìn toàn diện và hệ thống cả hai giai đoạn sáng tác của nhà văn, chúng tôi mong muốn đóng góp một diện mạo đầy đủ và toàn vẹn nhất vào bức tranh sáng tác truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa từ góc độ nội dung lẫn hình thức thể hiện. Qua đó, chúng tôi khẳng định, truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa là một “thanh âm” riêng trong dòng chảy văn xuôi miền núi. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Chúng tôi làm rõ những phong cách nổi bật thể hiện qua các bình diện tư tưởng thẩm mỹ (vẻ đẹp thiên nhiên, con người; đề cao sự thật – tôn vinh sự thật) và yếu tố nghệ thuật (ngôn ngữ, yếu tố kỳ ảo) - Qua đó, khẳng định Phạm Duy Nghĩa là nhà văn có phong cách nổi bật trong những tác giả viết về văn xuôi miền núi. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa, từ nội dung và hình thức biểu hiện. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn đi sâu nghiên cứu các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn qua các tập truyện ngắn sau đây: + Tập truyện ngắn Tiếng gọi lưng chừng dốc, Nxb Văn học, 2002. + Tập truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, Nxb Thanh niên, 2006. + Tập truyện ngắn Đường về xa lắm, NXB Công An Nhân dân, 2007 + Tập Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, Nxb Văn học, 2010. + Tập truyện ngắn 12 truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, Nxb Lao động, 2010. + Tập truyện ngắn Vệt sáng trên ban công, Nxb Quân đội nhân dân, 2010. + Một số các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa in trên các báo, tạp chí như: Gió xanh, Sài thục, Chiếc áo second-hand, Con ma trong hội xô xe, Bệnh tỉnh, Màu đỏ Artek, Thành phố biến mất, Người bay… 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Với luận văn “Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa”, chúng tôi sử dụng phương pháp tiếp cận thi pháp học, phương pháp phê bình phong cách học, 7 phương pháp cấu trúc – hệ thống, phương pháp tiểu sử học. Chúng tôi cũng sử dụng các thao tác nghiên cứu: khảo sát - thống kê; thao tác phân tích - tổng hợp, thao tác so sánh – đối chiếu. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn - Luận văn đóng góp thêm vào xu hướng phê bình phong cách học. - Với số lượng tác phẩm hiện nay, Phạm Duy Nghĩa đã định hình được cho mình một phong cách nghệ thuật riêng so với các tác giả cùng viết về đề tài miền núi. Vấn đề Phong cách nghệ thuật của Phạm Duy Nghĩa là vấn đề mới, chưa từng được thực hiện ở bất cứ cơ sở đào tạo văn học. Do đó, đề tài luận văn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương như sau: Chương 1: Khái niệm phong cách và các yếu tố hình thành nên phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa Chương 2: Hành trình đi tìm cái đẹp và đi tìm sự thật trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa Chương 3: Nghệ thuật ngôn ngữ và yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa 8 Chương 1 KHÁI NIỆM PHONG CÁCH VÀ CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH NÊN PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN PHẠM DUY NGHĨA Trong chương 1 này, chúng tôi sẽ đề cập tới các vấn đề lí luận về khái niệm phong cách, phong cách nhà văn; khái niệm truyện ngắn, vị trí và vai trò của truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa trong dòng chảy văn xuôi về miền núi đương đại; Các yếu tố như tiểu sử, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, quan điểm nghệ thuật hình thành nên phong cách truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. Qua đó, chúng tôi khẳng định Phạm Duy Nghĩa là nhà văn có phong cách riêng trong nền văn xuôi thế hệ 7x Việt Nam đương đại. 1.1 Khái niệm phong cách và phong cách nghệ thuật của nhà văn 1.1.1 Khái niệm phong cách Phong cách là một thuật ngữ không chỉ được dùng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn được dùng trong nhiều ngành khoa học và đời sống xã hội. Trong sáng tác và nghiên cứu văn học, thuật ngữ phong cách được sử dụng rộng rãi và ngày càng có ý thức. Lâu nay có rất nhiều định nghĩa, quan niệm phong phú, đa dạng xung quanh thuật ngữ này. Ở phương Tây, ngay từ thời cổ đại, Platon, Aristot đã nghiên cứu và vận dụng khái niệm phong cách. Bước sang thế kỉ XX, khái niệm phong cách ngày càng được quan tâm sâu sắc. Ở Liên Xô, M.B. Khrapchenko đã thống kê tới gần 20 cách hiểu khác nhau về phong cách trong cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học [15]. Có thể nhận thấy, qua các công trình nghiên cứu, có hai cách nhìn nhận về phong cách, đó là từ góc độ ngôn ngữ học và từ góc độ văn học. V.V Vinôgrapđôp cho rằng: cần chia phong cách học về văn học thành phong cách học thuộc ngôn ngữ học và phong cách học thuộc nghiên cứu văn học. Đồng ý với ý kiến đó, D.X. Linkhatsep cũng đề nghị phân biệt hai khái niệm phong cách: “Phong cách như là hiện tượng ngôn ngữ văn học và phong cách như là một hệ thống hình thức và nội dung nhất định” [44, tr.121, 152]. M. Bakhtin xem “phong cách là phương thức tư 9 duy nghệ thuật còn A. Chichêrin lại xem phong cách là công cụ để lĩnh hội thế giới” [44, tr.52]. Như vậy, về cơ bản, các nhà lí luận và nghiên cứu văn học đều thống nhất có phong cách ngôn ngữ học và phong cách văn học. Trong đó, mỗi phạm trù có con đường tiếp cận riêng. Nhận thấy vai trò của việc nghiên cứu phong cách văn học, D. X Linkhatsep viết: Cái gọi là phong cách văn học là kiểu nghiên cứu phong cách duy nhất, thích ứng, phù hợp với những đặc điểm về chất của đối tượng của nó của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. M.B. Khrapchenkô sau khi thống kê một số định nghĩa xung quanh phạm trù phong cách cá nhân, đã đưa ra ý kiến của mình: “Phong cách cần phải được định nghĩa như thủ pháp biểu hiện cách khai thác hình tượng đối với cuộc sống, như thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả” [44, tr.121, 152]. Như vậy, cùng với việc quan tâm đến yếu tố hình thức có tính nội dung, tác giả còn đặc biệt coi trọng sự thu hút của độc giả. Ông cho rằng, mỗi nhà văn có tài đều đi tìm những biện pháp và phương tiện độc đáo để thể hiện những tư tưởng và hình tượng của mình, những biện pháp và những phương tiện cho phép nhà văn đó làm cho những tư tưởng và những hình tượng ấy trở thành hấp dẫn, dễ lôi cuốn, gần gũi với công chúng độc giả. Ở nước ta, tuy muộn màng hơn, nhưng những năm gần đây, các nhà lí luận nghiên cứu văn học đã dành nhiều công sức tìm hiểu vấn đề phong cách. Thuật ngữ phong cách được còn định nghĩa trong các cuốn sách quan trọng như Từ điển văn học do Đỗ Đức Hiểu chủ biên, Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên, 150 thuật ngữ văn học do Lại Nguyên Ân biên soạn… Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đã định nghĩa: “Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mỹ, chịu sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong một tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc” [9, tr.255–256] Trong cuốn Phong cách thời đại nhìn từ một thể loại, Nguyễn Khắc Sính cho rằng, “Phong cách là dấu hiệu độc đáo, không lặp lại, đánh dấu phẩm chất riêng biệt 10 của một hiện tượng văn học nào đó. Phong cách hoặc là “con người”, là sự sáng tạo, sự mới mẻ làm nên vẻ riêng biệt ít thấy ở hiện tượng văn học khác nhưng lại nhất quán, xuất hiện thường xuyên ở hiện tượng văn học cụ thể” [44, tr.51]. Như vậy, xung quanh khái niệm phong cách có nhiều quan điểm khác nhau. Tựu trung lại có hai ý kiến cơ bản, một, nhấn mạnh sự thống nhất của những yếu tố nội dung và những yếu tố tạo hình thức của tác phẩm; một cho rằng phong cách được coi như là hình thức vẹn toàn có tính nội dung. Mặc dù tách bạch như vậy nhưng trong đó có sự thống nhất bởi các tác giả đều quan tâm đặc biệt đến hai yếu tố bộc lộ tài năng của người nghệ sĩ – nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Trong luận văn này, chúng tôi nhất trí với quan niệm cho rằng, nói đến phong cách là nói đến cái “tạng” văn chương riêng của từng nhà văn, đến lối viết, lối suy tư nghệ thuật giúp ta phân biệt được văn phong của mỗi nghệ sĩ. Đồng thời, phong cách luôn có tính thống nhất và tương đối ổn định thể hiện cái nhìn và sự chiếm lĩnh nghệ thuật độc đáo của nhà văn đối với thế giới và con người. Như vậy, căn cứ duy nhất để khẳng định phong cách tác giả là những đặc điểm nổi bật (về cả nội dung và hình thức) trong tác phẩm tạo nên tính riêng biệt và giá trị của một nhà văn. Những biểu hiện của phong cách văn chương đều được chi phối từ tư tưởng nghệ thuật của tác giả, như nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định đại ý rằng, mỗi người viết có một cái vision (nhãn quan) riêng, từ đó hình thành phong cách. 1.1.2 Phong cách nghệ thuật “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình” [23, tr.136]. Nhận định trên đã đặt ra yêu cầu rất đặc trưng của văn chương nghệ thuật, đó là sự độc đáo. Chính sự độc đáo ấy tạo nên phong cách nghệ thuật. Một khi tác giả sáng tác văn học tạo được dấu ấn riêng biệt, độc đáo trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, biểu hiện rõ cái độc đáo qua các 11 phương diện nội dung và hình thức của từng tác phẩm, nhà văn đó được gọi là nhà văn có phong cách nghệ thuật. Phong cách nghệ thuật chính là dấu ấn thẩm mĩ, là gương mặt riêng độc đáo trong thế giới nghệ thuật của mỗi nhà văn. Qua đó, nó giúp nhà văn khẳng định cái tôi cá nhân riêng biệt, giúp độc giả định hướng được các thủ pháp, kỹ thuật viết thống nhất xuyên suốt các tác phẩm và giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn với bạn đọc. Tiếp nhận văn học từ góc độ phong cách nghệ thuật không chỉ đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mĩ dồi dào, mà còn giúp nhận thức sâu sắc hơn những yếu tố quan trọng trong quá trình văn học như: quan niệm nghệ thuật về con người, các quy luật phát triển văn học, giá trị nhân đạo và hiện thực của tác phẩm văn học… Biểu hiện của một phong cách nghệ thuật có thể được định hình qua bốn yếu tố: thứ nhất là cách nhìn nhận, khám phá cuộc sống độc đáo; thứ hai, có nội dung, chủ đề độc đáo; thứ ba là giọng điệu độc đáo, và cuối cùng là nghệ thuật độc đáo. Phong cách nhà văn là một quá trình vận động, phát triển không ngừng qua mỗi giai đoạn sáng tác. Mặc dù vậy, cái riêng độc đáo có giá trị mang tính thẩm mỹ - cốt lõi phong cách, dù ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng ổn định, thống nhất. “Nó phải được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống và luôn bị chi phối bởi cái nhìn độc đáo của nhà văn. Chúng thường xuyên ở thế vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, môi trường xã hội và xu thế chung của thời đại. Nhưng dù ở môi trường nào, xu thế xã hội ra sao, yếu tố thường xuyên được “lặp đi lặp lại” ấy vẫn xuất hiện cho dù chúng ở thế lộ thiên hay dưới mạch ngầm” [23, tr.12]. Trong luận văn, chúng tôi xác định nội hàm khái niệm phong cách nghệ thuật nhà văn như sau: Phong cách nghệ thuật nhà văn là cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống, con người và thường chịu sự chi phối của các yếu tố chủ quan (cá tính, thói quen, kinh nghiệm, vốn sống…), khách quan (môi trường, xã hội, thời đại…); Phong cách nghệ thuật nhà văn cũng là lối viết, giọng điệu và cách thức hành văn của tác giả. Chúng tôi xin mượn lời của chính nhà văn Phạm Duy Nghĩa khi viết về phong cách nhà văn Tô Hoài để hiểu về phong cách nhà văn: “Gamzatov từng ví văn học với cây đàn panđur còn các nhà văn như những sợi dây căng trên cây đàn, 12 từng dây một có cung bậc riêng, âm điệu riêng, nhưng hợp lại với nhau, chúng làm nên một hoà âm của cả nền văn học. Cái riêng ấy chính là phong cách - nét độc đáo xuyên suốt trong hệ thống tác phẩm của một nhà văn, đem lại sự khác biệt giữa nhà văn này với các nhà văn khác” [39]. 1.2 Khái niệm truyện ngắn và tình hình sáng tác truyện ngắn đầu thế kỉ XXI 1.2.1 Khái niệm truyện ngắn Truyện ngắn được xem là thể loại “xung kích” của đời sống văn học, một thể loại có tính chất “thuốc thử” đối với các nhà văn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật nhiều cam go. Xung quanh khái niệm truyện ngắn, chúng ta thấy có nhiều khái niệm được đưa ra. Pautốpxky cho rằng, “Truyện ngắn phải ngắn ngọn là cái bình thường diễn ra như cái không bình thường. Cái không bình thường diễn ra như cái bình thường” [49, tr.253]. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết nói chung, vì thế không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn có nhiều vẻ, có truyện viết cả về một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một vài giây phút thoáng qua. Khái niệm truyện ngắn cũng được đưa ra trong các cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học, 150 thuật ngữ văn học. Trong những cuốn sách này đều thống nhất coi truyện ngắn là một “thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ” [2, tr.370] và “thường được viết bằng văn xuôi” [10, tr.1846–1847], đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Điểm chung cơ bản đó là sự giới hạn về dung lượng của truyện ngắn và thích hợp với người tiếp nhận “đọc nó liền một mạch không nghỉ” [9, tr.45]. Trong cuốn Bình luận truyện ngắn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cũng cho rằng, truyện ngắn mang tính chất ngắn gọn, “là một hình thức tự sự cỡ nhỏ, chỉ thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm trạng nhân vật. Tính cách trong truyện ngắn được làm sáng rõ trong một thời điểm quan trọng… truyện ngắn tập trung xoáy vào một điểm” [50, tr.73] 13 Đặc trưng của truyện ngắn hiện đại đó là: Thứ nhất, nó là một hình thức tự sự cỡ nhỏ, chỉ thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm trạng của nhân vật; Thứ hai, truyện ngắn phải có tính tình huống. Tình huống được nảy sinh từ một sự kiện, một mâu thuẫn nhất định. Tình huống phát triển cao thành xung đột; Thứ ba, nhân vật trong truyện ngắn phải được thể hiện như một lát cắt điển hình. Thông thường, tác giả sẽ khắc họa một hiện tượng, một nét tính chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người – nhân vật tâm trạng; Thứ tư, vai trò quan trọng của chi tiết trong truyện ngắn. Chi tiết là tiểu tiết trong tác phẩm tự sự. Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa chân thực còn cần phải đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn đối với cuộc sống và con người. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Bởi vậy, truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì mỗi nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Có nghĩa truyện ngắn thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp trần thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất trong truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Hiện nay, truyện ngắn đang là một thể loại quan trọng trong dòng chảy văn học. Nó mang đến cái nhìn nhanh, gọn và sắc bén về đời sống xã hội và con người. 14 1.2.2 Truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XXI Sau đổi mới 1986, đất nước ta chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Những đổi mới về kinh tế đã kéo theo sự đổi mới về văn hóa xã hội. Công cuộc đổi mới của đất nước đã tác động mạnh mẽ đến văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng. Giai đoạn từ 1986-2000, truyện ngắn Việt Nam trên đà đổi mới, bước đầu tạo nên không khí tươi vui và hứa hẹn có nhiều triển vọng. Tiếp bước sự phát triển đó, truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XXI đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Một đội ngũ tác giả truyện ngắn hùng hậu của giai đoạn trước tiếp tục sáng tác và còn sáng tác mạnh hơn, chất lượng hơn ở giai đoạn này như Ma Văn Kháng, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê, Lưu Minh Sơn, Y Ban, Phạm Ngọc Tiến… Tiếp bước đội ngũ sáng tác đó là những tác giả trẻ hơn như: Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư… Một cú hích cho sự phát triển của truyện ngắn giai đoạn này đó là sự nở rộ của các cuộc thi truyện ngắn. Có thể kể đến cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, Cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Thế giới mới tổ chức, và đặc biệt là cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ… Từ các cuộc thi truyện ngắn này, hàng loạt các cây bút tài năng được phát hiện và bồi dưỡng như: Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Đinh Phương, Nguyễn Kim Hòa… Đặc trưng ngắn gọn với độ nén cô đặc của truyện ngắn đã chinh phục được người đọc. Truyện ngắn càng trở nên được mùa hơn, nó càng thể hiện được ưu thế của mình khi chất ngắn của truyện lại phù hợp với thời đại công nghiệp hiện nay. Truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XXI không chỉ phát triển về số lượng, mà cả chất lượng. Hiện thực cuộc sống đa diện hơn, quan niệm nghệ thuật về con người có chiều sâu và khái quát hơn, các ngòi bút được tự do thể hiện quan điểm và phong cách của mình. Trong sáng tác, mỗi cuộc đời, mỗi số phận đều thể hiện những trăn trở của nhà văn. Họ quan tâm đến sự hoàn thiện nhân cách, đến những xói mòn trong lối sống, trong đạo lí cũng như trong cá nhân mỗi con người. Tất cả những quan tâm ấy nói lên tinh thần nhân văn cao cả và trách nhiệm của người cầm bút trước các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Truyện ngắn giai đoạn này cũng có 15 nhiều tìm tòi trong hình thức thể hiện, qua việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, kết cấu, thủ pháp nghệ thuật… Trực giác của nhà văn được phát huy tối đa trong truyện ngắn. Độ nhạy cảm tinh tế của nhà văn trở thành yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên những truyện ngắn có lối kể chuyện phong phú. “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn cũng được chú ý khai khác nội tâm nhân vật. Ngôn ngữ đời thường xuất hiện trong các tác phẩm một cách tự nhiên, nhiều lúc có cảm giác xóa nhòa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời sống” [47, tr.6]. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, truyện ngắn giai đoạn này đang thực sự được thử nghiệm với nhiều hình thức mới, phong cách mới. Các nhà văn, các tác giả trẻ đã phả vào trang văn hơi thở của cuộc sống với nhiều đóng góp về đề tài cũng như thi pháp. Bằng sức trẻ, niềm đam mê và tài năng, các nhà văn đã thâm nhập vào từng ngóc ngách của đời sống, từng rung động của tâm hồn, mang đến cho độc giả nhiều trăn trở và suy tư. Bức tranh truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XXI còn tiếp tục nhộn nhịp và thăng hoa, hứa hẹn nhiều niềm say mê và hấp dẫn với bạn đọc. 1.3. Phạm Duy Nghĩa – quá trình sáng tạo nghệ thuật 1.3.1 Tiểu sử nhà văn Phạm Duy Nghĩa Nhà văn Phạm Duy Nghĩa sinh ngày 11 tháng 1 năm 1973 tại Yên Bình, Yên Bái (quê quán: Thanh Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội). Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 1996. Từ năm 1996 đến 2007, anh là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Từ năm 2008, anh công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Phạm Duy Nghĩa bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2010 tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Năm 2007, anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 1.3.2 Con đường sáng tác của nhà văn Phạm Duy Nghĩa Bắt đầu được biết đến từ giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 2003-2004 với truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng, đến nay, nhà văn Phạm Duy Nghĩa đã có nhiều truyện ngắn hay. Năm đó cả nước có 1900 tác giả với 2009 truyện ngắn dự thi. Đây là giải thưởng danh giá của tờ báo văn chương số 1 Việt Nam. Năm 2007, Phạm Duy Nghĩa được kết nạp vào 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan