Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao bắc...

Tài liệu Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao bắc bộ và ca dao nam bộ

.PDF
27
446
146

Mô tả:

Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ Hoàng Thị Thu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa Văn học Chuyên ngành: Văn học dân gian; Mã số: 60 22 36 Người hướng dẫn khoa học: TS Nguyễn Văn Thông Năm bảo vệ: 2012 Abstract. Tổng quan về ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ. Tìm hiểu một số đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa của Bắc Bộ và Nam Bộ. So sánh về nội dung, nghệ thuật lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ. Keywords. Văn học dân gian; Ca dao Bắc Bộ; Ca dao Nam Bộ Content. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian; là phương tiện chủ yếu phản ánh tâm tư, tình cảm của con người trong các mối quan hệ. Mảng ca dao về tình yêu lứa đôi chiếm một tỷ lệ đáng kể trong kho tàng ca dao cổ truyền của người Việt. Bộ phận ca dao về lời tỏ tình và lời thề nguyền được coi là những lời ca đẹp nhất, tiêu biểu nhất của ca dao tình yêu. Nam Bộ và Bắc Bộ là hai vùng đất rộng lớn và quan trọng ở hai đầu đất nước. So sánh nội dung và nghệ thuật bộ phận ca dao về lời tỏ tình và lời thề nguyền trong mảng ca dao tình yêu đôi lứa giữa hai miền là để tìm những điểm khác nhau trong mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, như là sự tất yếu xuất phát từ bản sắc văn hóa của từng miền; còn sự tương đồng vừa là bản chất chung trong quá trình sáng tạo folklore của nhân dân mỗi miền, vừa do điều kiện lịch sử, địa lý tự nhiên và quan hệ giao lưu văn hóa mang lại. 1 Cho đến nay, chưa có tác giả, công trình nghiên cứu nào chuyên sâu tìm hiểu so sánh ca dao về quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ. Trong khuôn khổ của luận văn, để tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi trong ca dao, người viết quan tâm tới những lời tỏ tình và lời thề nguyền vì số lượng nhiều, nội dung phong phú, tiêu biểu cho mảng ca dao tình yêu lứa đôi. Vì vậy, đề tài Tìm hiểu lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ được coi là đề tài mới, là đóng góp của tác giả luận văn. 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Sưu tầm, nghiên cứu về mảng ca dao cổ truyền người Việt về tình yêu lứa đôi vốn đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Cuốn Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật đồng chủ biên (tái bản năm 2001) là công trình dày dặn và chuyên sâu (đã tổng hợp những lời ca dao của người Việt trên cả ba miền). Mảng ca dao Bắc Bộ chủ yếu được tập hợp thành những tập ca dao riêng tẻ, quen thuộc của các địa phương miền Bắc như Ca dao tục ngữ Nam Hà, Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Văn học dân gian Thái Bình… Riêng mảng ca dao Nam Bộ, có thể coi cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ của các tác giả Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị là công trình đầy đủ và hệ thống về ca dao, dân ca Nam Bộ. Mặc dù mới chỉ là khơi gợi bước đầu nhưng vấn đề sắc thái địa phương trong ca dao tình yêu lứa đôi đã được bàn luận tới. So sánh và tìm hiểu sắc thái riêng của ca dao các vùng, miền không phải là vấn đề mới. Nguyễn Phương Châm đã có bài nghiên cứu Sự khác nhau giữa ca dao người Việt ở xứ Nghệ và xứ Bắc trên tạp chí Văn hóa dân gian năm 1997. Luận án Tính thống nhất và sắc thái riêng trong ca dao người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Trần Thị Kim Liên là công trình đầy đủ so sánh ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam trên phương diện nội dung và nghệ thuật; biểu hiện rõ nhất qua các chủ đề: chủ đề yêu nước, chủ đề quan hệ tình cảm gia đình, dòng họ, chủ đề tình yêu lứa đôi. 2 3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Mục đích So sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền nói riêng, tình yêu lứa đôi nói chung được thể hiện trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ, để tìm ra sự tương đồng và khác biệt, chỉ ra nguyên nhân của sự giống nhau và khác nhau. Qua đó, làm rõ hơn những nét đẹp truyền thống trong tâm hồn và tính cách của nhân dân, khẳng định nét thống nhất và sắc thái riêng của từng miền. - Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là những lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao tình yêu lứa đôi của người Việt ở Bắc Bộ và Nam Bộ. - Phạm vi nghiên cứu Với đề tài Tìm hiểu quan hệ nam nữ và tình yêu lứa đôi qua cái nhìn so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, phạm vi nghiên cứu rất rộng. Trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ, chúng tôi xin quan tâm tới phạm vi hẹp hơn nhưng mang đặc điểm tiêu biểu trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi để so sánh giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, đó là những lời tỏ tình và lời thề nguyền. Phạm vi tư liệu khảo sát trong luận văn chủ yếu: Cuốn Kho tàng ca dao người Việt. Cuốn Ca dao tình yêu lứa đôi (Tập 16, Quyển thượng, Quyển hạ) trong Tổng tập văn học dân gian người Việt. Cuốn Ca dao dân ca Nam Bộ. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp tổng hợp, phân tích, mô tả và thống kê, tiếp cận những tri thức đa ngành, liên ngành từ văn học dân gian đến kiến thức về địa lý, lịch sử và văn hóa. 5. Cấu trúc luận văn Mở đầu Chương 1: Tổng quan về ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ. Chương 2: So sánh nội dung lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ. Chương 3: So sánh nghệ thuật lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ. 3 Kết luận Tài liệu tham khảo Chương 1 TỔNG QUAN VỀ CA DAO BẮC BỘ VÀ CA DAO NAM BỘ 1.1. Giới thuyết các khái niệm 1.1.1. Nhận diện ca dao dưới góc nhìn tương quan thể loại Thực tế, người bình dân không sử dụng những tên gọi mang tính khái quát cao để chỉ các hiện tượng và hoạt động ca hát. Chỉ đến khi các nhà nho sưu tầm, biên soạn những câu hát dân gian thành những sách Hán Nôm vào cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX, thì tên gọi “phong dao”, “ca dao” chính thức ra đời. Phạm vi phản ánh của “phong dao” nhỏ hẹp hơn, nó phản ánh phong tục của mỗi địa phương, mỗi thời đại. Dần dần tên gọi “ca dao” được sử dụng thay thế cho “phong dao”. Thuật ngữ “dân ca” xuất hiện muộn hơn, chính thức được sử dụng trong cuốn sách Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam do Vũ Ngọc Phan biên soạn (in lần đầu năm 1956). “Ca dao” và “dân ca” có mối quan hệ đặc biệt. Nhìn chung, trong nghiên cứu văn học dân gian, thuật ngữ “ca dao” và “dân ca” được hiểu theo các nghĩa sau đây: 1) Ca dao đồng nghĩa với dân ca (về nghĩa rộng), ca dao được dùng để chỉ chung toàn bộ những bài hát được lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. 2) Ca dao là danh từ chỉ thành phần ngôn từ (phần lời ca) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi). Dân ca bao gồm phần lời (câu hoặc bài), phần giai điệu (giọng hoặc làn điệu), phương thức diễn xướng và khung cảnh ca hát. 3) Ca dao là thuật ngữ để chỉ thể thơ dân gian được phổ biến rộng rãi, lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang những đặc điểm nhất định và bền vững về phong cách. Trong luận văn này, chúng tôi hiểu ca dao theo nghĩa thứ hai và nghĩa thứ ba. 4 1.1.2. Nội dung của ca dao chủ yếu là trữ tình Luận văn nêu ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Xuân Kính, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Vũ Ngọc Phan khẳng định nội dung của ca dao chủ yếu là trữ tình. Trong ca dao Việt Nam, những lời về tình yêu nam nữ là nhiều hơn cả. Có thể nói, ca dao đã ghi lại tất cả các chặng đường của tình yêu, các khía cạnh của tình yêu, các trạng thái tình cảm của nam nữ thanh niên. 1.1.3. Khái niệm “lời tỏ tình” và “lời thề nguyền” 1.1.3.1. Khái niệm “lời tỏ tình” Theo Nguyễn Xuân Kính, mỗi lời ca dao là một cơ cấu tương đối trọn vẹn về nội dung, về hình thức nghệ thuật. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) nêu khái niệm “tỏ tình” là “bộc lộ, giãi bày cho người khác biết rõ” (về tình yêu của mình). Ca dao tỏ tình (lời tỏ tình trong ca dao) là những lời ca dao có nội dung nhằm bày tỏ, bộc lộ tình yêu của chủ thể trữ tình đến đối tượng. 1.1.3.2. Khái niệm “lời thề nguyền” Từ điển Tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) nêu khái niệm “thề nguyền” là “Thề để nói lên lời nguyện với nhau (nói khái quát)”. Ca dao thề nguyền (lời thề nguyền trong ca dao) là những lời ca dao có nội dung phản ánh lời thề (thủy chung, gắn bó) của những người đang yêu và nguyện (tự nhủ, tự cam kết) sẽ thực hiện đúng như lời thề đó. Luận văn nhấn mạnh đến tính tích cực trong nội dung ca dao tỏ tình và thề nguyền mà không nghiên cứu những lời bội tín, vong thề (khi kiểm chứng, thực hiện lời thề đó). 1.2. Xác định ranh giới “Bắc Bộ” và “Nam Bộ” 1.2.1. Theo thay đổi địa danh và địa giới hành chính Cách gọi Bắc Kỳ và Nam Kỳ theo khu vực địa lý – hành chính đã có từ thời Nguyễn; cách gọi đầy đủ cả ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ có từ thời thuộc Pháp, ranh giới Bắc Kỳ của hai thời kỳ khá tương đồng; ranh giới Nam Kỳ thuộc Pháp rất khác so với thời Minh Mệnh, số tỉnh thời thuộc Pháp nhiều hơn. 5 Về mặt địa giới hành chính, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ là những tên gọi ra đời sau, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, ranh giới tương đồng với các tên gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hoặc các từ “miền Bắc”, “miền Trung”, “miền Nam”. 1.2.2. Theo phân vùng văn hóa Luận văn nêu ý kiến của các nhà văn hóa hiện đại khi phân vùng văn hóa Việt Nam như Hoàng Vinh trong Sự phân vùng văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thịnh trong Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam, Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận trong Các vùng văn hóa Việt Nam... 1.2.3. Theo phân vùng văn học dân gian Theo Hoàng Tiến Tựu, cần phải phân vùng văn học dân gian bởi “đơn vị hành chính (huyện, tỉnh…) không phải khi nào cũng trùng khớp với đơn vị vùng văn học dân gian”. Theo ông, các tiêu chí phân vùng văn học dân gian phải là một hệ thống các tiêu chí có quan hệ hữu cơ với nhau. Dựa theo tiêu chí đó, Hoàng Tiến Tựu đề xuất phân vùng văn học dân gian nước ta thành 3 miền lớn. 1.2.4. Theo phân vùng ca dao Ca dao là một thể loại quan trọng của văn học dân gian. Việc phân vùng ca dao phải xuất phát từ chính đặc điểm nội tại của nó. Theo chúng tôi, cách phân vùng ca dao trong luận án tiến sĩ của Trần Thị Kim Liên là hợp lý (bản đồ). Cụ thể, cách phân vùng ca dao Việt Nam như sau: Ca dao Bắc Bộ (miền Bắc): ca dao người Việt thuộc các tỉnh châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Thái Bình (bao gồm các làng người Việt từ huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa trở ra). Ca dao Trung Bộ (miền Trung): từ Khe Nước Lạnh (Nghệ Tĩnh) đến Bình Thuận. Ca dao Nam Bộ (miền Nam): ca dao người Việt thuộc các tỉnh châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long. 1.3. Một số đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa của Bắc Bộ và Nam Bộ. Trong phần này, chúng tôi nhấn mạnh những điểm giống và khác trong một số đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa giữa Bắc Bộ và Nam Bộ. Từ đó, có cái nhìn bao quát để so sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao tình yêu lứa đôi Bắc Bộ và Nam Bộ. 6 1.3.1. Đặc điểm tự nhiên, lịch sử Châu thổ sông Hồng bao gồm đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mã. Đây là vùng văn hóa – lịch sử cổ, cái nôi hình thành dân tộc Việt. Trong khi đó, Nam Bộ là vùng đất mới, vừa lạ lẫm, xa vời lại vừa thu hút, vẫy gọi con người. 1.3.2. Đặc điểm kinh tế, xã hội Đồng bằng Bắc Bộ là đồng bằng châu thổ lớn ở nước ta, tuy được bao bọc bởi rừng và biển vịnh Bắc Bộ nhưng nó vẫn xa rừng, nhạt biển. Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chủ yếu làm nông nghiệp một cách thuần túy, phần lớn là nông dân. Ở Nam Bộ, làm ruộng vẫn là nghề gốc, dân Nam Bộ là dân ruộng. Khác nhau ở chỗ đất rộng, người thưa, thiên nhiên trù phú, lắm cá tôm nên con người không đi theo hướng thâm canh, mà là khai hoang, quảng canh. Người ta vẫn mệnh danh Nam Bộ là xứ sở của văn minh kênh rạch. Xét về tổ chức xã hội, làng của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ là làng xã cổ truyền, tiêu biểu nhất cho thiết chế làng xã ở nước ta. Làng xóm Nam Bộ cũng như cơ cấu xã hội nông thôn không lấy gì làm bền chắc như miền Bắc. Người Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ chịu ảnh hưởng lớn của Tam giáo. Từ thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển rộng khắp, trở thành chỗ dựa tinh thần của các triều đại phong kiến. Khi vào nước ta, Đạo giáo hòa quyện với các tín ngưỡng dân gian, như các loại tín ngưỡng thờ Mẫu, các hình thức thờ cúng thần tiên (đạo Tiên)… Nho giáo du nhập mạnh mẽ vào nước ta mà trước hết là đồng bằng Bắc Bộ thông qua hệ thống giáo dục thi cử. Đến thời nhà Lê, Nho giáo giành được địa vị thống trị và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến. Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Bộ hết sức đa dạng, phức tạp. Đất Nam Bộ ít chịu sự ràng buộc của những tư tưởng Nho giáo, những lề thói, khuôn phép phong kiến lỗi thời. Phong tục của người Việt ở Nam Bộ cũng có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc, Trung Bộ nhưng có tiếp biến thêm nhiều yếu tố từ phong tục người Khơ-me, người Hoa. Người Nam Bộ xưa ít người có học, không coi việc học hành là con đường tiến thân, đổi đời như người nông dân miền Bắc. 7 1.3.4. Đặc điểm văn hóa, nghệ thuật Về nghệ thuật, đồng bằng Bắc Bộ là quê hương của các loại hình dân ca, các hình thức sân khấu có truyền thống lâu đời, đó là các hình thức từ hát dân ca Quan họ, hát đúm, hát xoan, hát văn, hát ghẹo đến các hình thức sân khấu như chèo, tuồng, rối nước... Người Nam Bộ, dù Kinh hay Khơ-me, Chăm đều ưa thích âm nhạc và ca hát. Khác nhau ở chỗ âm nhạc ở đây đa dạng và phức tạp. Về ngôn ngữ, sự hiện diện của chế độ giáo dục lâu đời và đội ngũ trí thức đông đảo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã làm giàu vốn từ, nâng dần ngôn ngữ thường ngày thành ngôn ngữ văn học. Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng Nam Bộ là một phương ngữ của tiếng Việt phổ thông, hình thành cùng với quá trình người Kinh tới đây khai thác vùng đất mới. Tiểu kết: Ca dao thuộc thể loại trữ tình dân gian, phản ánh đời sống tâm tư, tình cảm, sinh hoạt của nhân dân lao động ngày trước. Trong đó, lời tỏ tình và lời thề nguyền chính là những bài ca tiêu biểu nhất trong kho tàng ca dao tình yêu lứa đôi của người Việt. Việc phân vùng ca dao có ý nghĩa quan trọng để nghiên cứu sự chuyển động về mặt không gian và sự phát triển thể loại theo thời gian. Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ là sản phẩm tinh thần của người lao động Việt Nam trên hai miền rộng lớn của đất nước. So sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi giữa các vùng, miền khác nhau để thấy được không chỉ những nét giống nhau mà còn tìm hiểu những điểm khác nhau. Như vậy, hai vấn đề luận văn cần làm rõ: thứ nhất, đó là so sánh ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, phân tích những điểm giống và khác nhau, lí giải nguyên nhân. Thứ hai, so sánh vấn đề gì, người viết tập trung tìm hiểu lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi, tiêu biểu cho đặc trưng trữ tình của ca dao. Khi so sánh lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi giữa ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ, chúng tôi lưu ý một số điểm: 8 - Tránh quan điểm cực đoan, nhấn mạnh vào đặc trưng riêng biệt, coi trọng hoặc kì thị một bên, tránh coi ca dao Bắc Bộ – vùng đất cổ là vùng ca dao lớn, Nam Bộ là vùng ca dao nhỏ, phát sinh. - Về phương pháp, cần sử dụng cao phương pháp thống kê phân tích và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Đặc biệt, khi so sánh không thể tách rời đối tượng khỏi môi trường sản sinh ra nó, điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, tâm lý, tính cách, xu hướng thẩm mĩ vùng miền, lề lối diễn xướng, khung cảnh ca hát (làn điệu, động tác múa...) và sự phát triển của thể loại. Chương 2 SO SÁNH NỘI DUNG LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI THỀ NGUYỀN TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ NAM BỘ 2.1. Trình bày sự giống và khác nhau Chúng tôi thống kê số lời ca dao tình yêu lứa đôi trong Kho tàng ca dao người Việt và Ca dao dân ca Nam Bộ để thấy rằng trong ca dao, mảng ca dao tình yêu lứa đôi chiếm tỉ lệ cao nhất. Thống kê còn cho thấy số lời ca dao tỏ tình và thề nguyền ở Bắc Bộ và Nam Bộ đều chiếm số lượng lớn trong ca dao tình yêu lứa đôi. Trong sự giống nhau đó, lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao hai miền có sự khác nhau, trai gái Nam Bộ có nhu cầu bày tỏ tình yêu nhiều hơn, ngược lại, trai gái Bắc Bộ nói đến thề nguyền nhiều hơn. Những lời tỏ tình và lời thề nguyền không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về mức độ. 2.1.1. Lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ Những lời tỏ tình trong ca dao tình yêu lứa đôi Bắc Bộ và Nam Bộ vừa phong phú về số lượng, vừa chân thành, mãnh liệt về nội dung. Mỗi vùng miền, với những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội và tính cách con người khác nhau nên cách thể hiện tình cảm cũng khác nhau. Thống kê lời tỏ tình theo chủ thể trữ tình cho thấy lời tỏ tình của nam giới trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ cùng có số lượng nhiều nhất, trong khi lời tỏ tình của nam nữ đối đáp chiếm số lượng ít nhất. Số lời tỏ tình của nam, lời tỏ tình của nữ trong ca dao Nam Bộ đều cao hơn so với số lời tỏ tình trong ca dao các vùng miền khác. 9 Trong khi đó, lời ca dao là lời tỏ tình của cả nam và nữ (phiếm chỉ, không xác định rõ chủ thể trữ tình) và lời tỏ tình nam nữ đối đáp ở ca dao Bắc Bộ lại có số lượng nhiều hơn. 2.1.1.1. Lời tỏ tình phản ánh hình ảnh thiên nhiên, môi trường lao động và khung cảnh ca hát của người bình dân Lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ giống nhau cùng phản ánh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường lao động cũng là môi trường nảy sinh, nuôi dưỡng tình yêu của các chàng trai, cô gái mang sắc thái địa phương riêng. Cùng phản ánh thiên nhiên tiêu biểu của vùng miền, ca dao tỏ tình Bắc Bộ và Nam Bộ cùng phản ánh thiên nhiên thực vật, thiên nhiên sông nước, các sản vật địa phương nhưng mức độ và sắc thái không giống nhau. Ca dao đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện nhiều hình ảnh nằm trong tổng thể hình ảnh làng xã như giếng nước, cây đa, lũy tre, sân đình…, thiên nhiên trong ca dao Nam Bộ hiện lên đậm đặc hình ảnh của miệt vườn, sông nước, tôm cá… Hệ thống thiên nhiên thực vật trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đều rất phong phú, đa dạng. Qua thống kê cho thấy, nếu ca dao tỏ tình Bắc Bộ xuất hiện nhiều vườn rau, hoa lá thì ca dao tỏ tình Nam Bộ nghiêng về phản ánh các loại cây trái, miệt vườn. Hình ảnh sông nước trong ca dao Bắc Bộ thường nhỏ bé, yên bình gắn với làng quê cụ thể như bến nước, ao làng, giếng khơi trong khi ca dao Nam Bộ lại mênh mông, chằng chịt kênh rạch, với sự trù phú của các sản vật sông nước. Nét đáng chú ý trong ca dao tình yêu lứa đôi Nam Bộ là hình ảnh thiên nhiên với các sản vật địa phương xuất hiệm đậm đặc. Điều này phản ánh sự gắn bó sâu sắc giữa tự nhiên và con người phương Nam. Một điểm giống nhau nữa giữa lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ là cùng phản ánh đời sống lao động của người bình dân một cách chân thực, sinh động. Ca dao tỏ tình Bắc Bộ phản ánh các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp truyền thống như đi cấy, tát nước, làm cỏ, be bờ, đi gặt… Trong khi đó, ca dao tỏ tình Nam Bộ phản ánh phương thức sản xuất ở vùng đất mới: làm ruộng, làm vườn, đánh bắt 10 thủy hải sản. Những công việc liên quan đến khai thác thủy hải sản của vùng sông nước chiếm số lượng lớn trong những lời ca dao tỏ tình Nam Bộ mà ít thấy ở ca dao Bắc Bộ. Lời tỏ tình trong ca dao hai miền cùng phản ánh môi trường đối đáp giao duyên, cái khác nhau ở chỗ ca dao miền Bắc phản ánh môi trường lễ hội nhiều hơn, trong khi ở miền Nam, nam nữ đối đáp trong môi trường sông nước, lao động là chủ yếu. 2.1.1.2. Lời tỏ tình phản ánh xã hội, đời sống vật chất và văn hóa của người bình dân Điểm giống nhau giữa lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ là cùng phản ánh xã hội, lối sống và văn hóa của người dân lao động nhưng độ đậm nhạt và màu sắc địa phương khác nhau. Cùng phản ánh đời sống vật chất của cư dân vùng miền nhưng ca dao lại phản ánh quan niệm của người bình dân về cách ăn, cách mặc vùng miền không giống nhau. Hình ảnh xã hội, đời sống con người được phản ánh qua lời tỏ tình trong ca dao Nam Bộ rất hiện đại, mới mẻ, trái với hình ảnh xã hội truyền thống trong ca dao Bắc Bộ. Nếu ca dao Bắc Bộ nghiêng về phản ánh chiều sâu đời sống tinh thần, “đất lề quê thói” thì ca dao Nam Bộ phản ánh bề rộng, nó đưa vào ca dao một bức tranh phong phú sắc màu đời sống vật chất, sản xuất… Ca dao Bắc Bộ hay nói đến làng, với những tên làng cụ thể, trong khi đó, ca dao Nam Bộ rất hiếm xuất hiện tên làng cụ thể mà là tên địa danh rộng lớn hơn. Ngôi nhà của người dân Bắc Bộ thường chắc chắn, kiên cố, có thể chịu được bão lũ. Trong khi đó, sự gắn kết trong cộng đồng miền Nam dường như lỏng lẻo hơn. Ngôi nhà của người miền Nam cũng sơ sài, giản đơn hơn, họ thích phiêu lưu, dịch chuyển, thậm chí lênh đênh theo con nước. Nếu xã hội Bắc Bộ chịu ảnh hưởng bởi khuôn phép làng xã và chế độ thi cử của Nho giáo hàng ngàn năm thì xã hội Nam Bộ lại ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Hình ảnh xã hội trong ca dao Nam Bộ không phải là xã hội cổ truyền được phản ánh trong ca dao Bắc Bộ mà là hình ảnh xã hội mới mẻ, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây: hình ảnh của công tử Bạc Liêu, các loại hình phương tiện giao thông hiện đại như xe hơi, xe lửa, sự ra đời của chữ quốc ngữ… 11 Về mặt tư tưởng, Phật giáo có vai trò to lớn trong đời sống tâm linh người Việt Bắc Bộ nên những hình ảnh của đền chùa được đưa vào ca dao tình yêu một cách tự nhiên, thoải mái, “lên chùa” để ca hát giao duyên là nét đẹp của người Quan họ, trong khi, ca dao Nam Bộ lại không thấy hình ảnh của đền chùa, sư sãi. 2.1.1.3. Lời tỏ tình thể hiện quan niệm tình yêu của người bình dân Cũng là tình yêu, cũng là quan hệ luyến ái, nhưng cái yêu, cái thương của các chàng trai, cô gái đồng bằng Bắc Bộ như có sự can thiệp sâu hơn của lý trí, của những chuẩn mực đạo đức có tính chất quy phạm chung. Cùng phản ánh đạo nghĩa nhưng ca dao Bắc Bộ phản ánh quan niệm tình yêu chịu ảnh hưởng đạo đức, lễ giáo phong kiến như nhân, nghĩa, trung, hiếu, trinh tiết… nhiều hơn. Trong khi ca dao Nam Bộ cũng nói nhiều đến đạo nghĩa nhưng người Nam Bộ lại nhắc đến đạo nghĩa cụ thể, thực tế, không phải là triết lý chung chung. Thứ đạo nghĩa này xuất phát từ tính cách “trọng nghĩa khinh tài”, hào hiệp, cởi mở của dân Nam Bộ. Trong tình yêu, dù tình cảm rất chân thành, tự nhiên nhưng trai gái Bắc Bộ vẫn không vượt qua hệ thống chuẩn mực yêu đương, vì vậy, khi lựa chọn bạn tình, họ cần phải cân nhắc, tìm hiểu trước hôn nhân… Trái hẳn với người Nam Bộ, có cảm giác họ “yêu chơi”, “thương đại”, một cái tặc lưỡi mà theo nhau. Họ yêu cảm tính, ít có cái chuẩn chung, dường như vượt qua mọi giới hạn, yêu vì những chi tiết ấn tượng, đặc sắc. Trai gái Nam Bộ cũng hay nói đến hoàn cảnh, gia cảnh nhưng không phải là “môn đăng hộ đối”, không nhất thiết là “người còn không, tôi cũng còn không” như ca dao Bắc Bộ mà là những hoàn cảnh đặc biệt: sự chênh lệch giàu nghèo, cảnh mồ côi, thậm chí hoàn cảnh trái ngoe như lỡ dở, góa bụa, lấy chồng vô phước… 2.1.1.4. Cách thức tỏ tình Lời tỏ tình trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ có những điểm giống nhau tất yếu theo quy luật tình cảm. Ca dao tỏ tình ở cả hai miền đều thể hiện sự chân thành, nồng nhiệt trong tình yêu nhưng cái khác nhau làm nên màu sắc riêng không phải là độ đậm nhạt của tình cảm mà chính là ở cách nói, cách bày tỏ. 12 Nếu như người Bắc Bộ có cách thể hiện tình cảm vòng vo, bóng gió, ưa triết lý với ngôn ngữ chau chuốt thì người Nam Bộ lại thể hiện tình cảm vừa bộc trực, thẳng thắn, ưa hành động, vừa hóm hỉnh, độc đáo với ngôn từ chân thực, sinh động. Các chàng trai, cô gái Bắc Bộ thường mượn việc lao động, mượn việc chăm sóc mẹ già, mượn những đồ vật xung quanh như áo, khăn, yếm… để nói chuyện tình yêu. Vượt qua những khuôn phép làng xã và đạo đức phong kiến như “nam nữ thụ thụ bất thân”, hình ảnh “nụ hôn” đã xuất hiện trong ca dao tình yêu lứa đôi Nam Bộ mà không thấy ở ca dao miền Bắc. Trong lời ca dao Bắc Bộ, ít thấy những câu tếu táo đùa vui hoặc những câu bày tỏ tình cảm một cách sầu bi, buồn thảm. Điều này trái ngược với ca dao Nam Bộ, nó chứa đựng cả hai thái cực. Với lời tỏ tình là lời của nam nữ đối đáp, trái lại với ca dao đối đáp Bắc Bộ là những lời đối đáp để vui, lời đố là những gì diễn ra xung quanh cuộc sống mà con người có thể hiểu ngay, lời ca dao nam nữ đối đáp Nam Bộ là câu đố để thử tài học vấn và trí thông minh như lối chơi chữ, chiết tự hoặc xoay quanh các điển cố, điển tích Trung Hoa. Trai gái Nam Bộ có cách đối đáp sắc sảo, đáo để chứ không nhẹ nhàng, từ tốn như ngoài Bắc. 2.1.2. Lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ 2.1.2.1. Lời thề nguyền thể hiện truyền thống chung thủy của người Việt Thề nguyền có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Lời thề nguyền trong tình yêu còn là nhu cầu để khẳng định sự chung thủy, như nhất của những người đang yêu. Ca dao thề nguyền Bắc Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm chung, đó là khẳng định truyền thống chung thủy của người Việt. Thống kê lời thề nguyền theo chủ thể trữ tình, chúng tôi nhận thấy lời thề nguyền của nữ trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ cùng chiếm số lượng lớn nhất, nhiều gấp đôi lời của nam. 2.1.2.2. Cách thức thề nguyền Với đặc điểm tính cách con người từng miền, lời thề nguyền trong ca dao tình yêu lứa đôi Bắc Bộ và Nam Bộ đều có sắc thái riêng. Ca dao Bắc Bộ viện đến những 13 quan niệm về đạo đức với cách nói nhỏ nhẹ, sâu xa, có phần công thức, sáo mòn. Trong khi đó, ca dao Nam Bộ lại có cách nói cụ thể, ngang tàng, dứt khoát, phóng khoáng. Mặc dù không phản ánh môi trường địa phương một cách cụ thể nhưng lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ cùng tái hiện không gian tinh thần đặc biệt. Nếu tác giả dân gian Bắc Bộ đã tái hiện lại không khí thề nguyền thiêng liêng, sâu lắng với những cử chỉ nâng niu, trân trọng thì người Nam Bộ lại tái hiện bối cảnh và cách thề nguyền ngồ ngộ. Cách các chàng trai, cô gái Nam Bộ viện dẫn lời thề rất tếu táo, ngộ nghĩnh, đôi khi còn bỗ bã, bợm trợm. Trong lời thề nguyền, đôi trai gái đều lấy đất trời làm chứng, đều mượn cái bền vững của tự nhiên để khẳng định sự bền vững của tình yêu. Nội dung lời thề cùng có đất trời chứng giám nhưng người Bắc Bộ có cách nói nhẹ nhàng, uyển chuyển trong khi cách nói của người Nam Bộ lại mạnh mẽ, nổi loạn. Lời thề nguyền trong Bắc Bộ và Nam Bộ đều thể hiện sự quyết tâm gắn bó của đôi bạn tình dù nghèo khó, vất vả, hoặc sự ngăn cản của gia đình, họ hàng, tuy nhiên mức độ xuất hiện ở ca dao Bắc Bộ dày đặc hơn. Khi thề non hẹn biển, trai gái Bắc Bộ và Nam Bộ thường trao cho nhau những đồ vật cũng là những vật chứng chứng minh sự thủy chung như nhất nhưng sắc thái thề nguyền ở mỗi miền khác nhau. Ca dao Bắc Bộ hay nói đến những vật chứng tình yêu như mảnh gương, phím đàn, vầng trăng thề nguyền do ảnh hưởng từ truyện Kiều. Trong khi đó, người dân Nam Bộ nhắc nhiều đến những nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Lời thề trong ca dao Bắc Bộ thường nói đến đạo nghĩa một cách khái quát trừu trượng. Ngược lại, trong ca dao Nam Bộ, lời thề lại cụ thể, gần gũi, sinh động. Giống nhau là đều dùng hình ảnh mái tóc trở thành vật chứng cho lời thề nhưng trong ca dao Bắc Bộ, hình ảnh tóc thề được diễn tả chung chung, trong ca dao Nam Bộ, trai gái lại diễn tả mạnh mẽ bằng hành động chặt tóc thề nguyền. Lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ thường xuất hiện những từ ngữ quen thuộc như “gừng cay muối mặn”. Chưa từng xuất hiện trong ca dao Bắc Bộ nhưng hình ảnh mướp đắng lại trở nên quen thuộc trong những lời ca dao thề nguyền Nam Bộ. 14 Lời thề nguyền khẳng định sự chung thủy trong tình yêu nhưng lấy cái chết ra để khẳng định tình yêu của mình thì chỉ có ca dao Nam Bộ. 2.2. Giải thích nguyên nhân sự giống nhau và khác nhau Dựa vào đặc trưng thể loại, điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội và giao lưu, ảnh hưởng văn hóa, chúng tôi giải thích nguyên nhân sự giống và khác nhau giữa lời tỏ tình và lời thề nguyền được thể hiện trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ. 2.2.1. Do đặc trưng thể loại Đặc trưng sáng tạo của ca dao là thiên về tình cảm. Nó phản ánh đời sống tâm tư, tình cảm của nhân dân lao động trước đây. Vì vậy, lời tỏ tình và lời thề nguyền trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ đều có nội dung phản ánh thiên nhiên tươi đẹp, môi trường lao động, đời sống xã hội và văn hóa cùng những truyền thống của con người Việt Nam. 2.2.2. Do điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội Chính đặc điểm tự nhiên, nguồn gốc lịch sử, xã hội có nhiều nét giống nhau ảnh hưởng đến văn hóa của nhân dân hai miền, làm cho những sản phẩm tinh thần của họ, trong đó có ca dao cũng có nhiều điểm tương đồng. Sự khác nhau giữa ca dao hai miền của một dân tộc là điều dễ thấy, bởi trong hoàn cảnh mới, con người luôn thích nghi và sáng tạo những cái mới. So với vùng đất cổ là đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, Nam Bộ là mảnh đất mới, cũng là nơi con người tiếp thu, sáng tạo những giá trị văn hóa mới. 2.2.3. Do giao lưu và ảnh hưởng văn hóa Những đặc điểm tương đồng về văn hóa, do ảnh hưởng văn hóa của người Việt mà ca dao hai miền có nhiều nét giống nhau. Người Nam Bộ phần đông là người Kinh di cư từ các làng quê miền Bắc, miền Trung, khi tới vùng đất mới, ít nhiều họ mang theo những truyền thống tốt đẹp đó, trong đó có những lời ca dao, thường là những lời ca dao đặc sắc nhất. Sự khác nhau giữa ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ chủ yếu là do giao lưu văn hóa giữa hai miền. Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ có Thăng Long – Hà Nội là đầu mối trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nhiều triều đại phong kiến, có sự giao lưu với văn 15 hóa Trung Hoa, vừa đồng hóa vừa chống đồng hóa. Trong khi đó, với lịch sử hơn 300 năm, Nam Bộ diễn ra quá trình giao lưu văn hóa sôi động, tạo nên nét đặc trưng của vùng văn hóa mới. Chương 3 SO SÁNH NGHỆ THUẬT LỜI TỎ TÌNH VÀ LỜI THỀ NGUYỀN TRONG CA DAO BẮC BỘ VÀ NAM BỘ 3.1. Trình bày sự giống nhau và khác nhau 3.1.1. Về thể thơ Tình yêu lứa đôi nói chung và lời tỏ tình và lời thề nguyền nói riêng trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đều sử dụng thể thơ lục bát và LBBT. Thể thơ lục bát trong ca dao Bắc Bộ đạt đến độ nhuần nhuyễn, cổ điển. Thể thơ LBBT trong ca dao Nam Bộ linh hoạt, uyển chuyển, tăng số tiếng ở cả dòng lục và dòng bát, đạt được hiệu quả chân thực cảm xúc, sống động trong nội dung thể hiện. 3.1.2. Về ngữ nghĩa (văn bản tạo hình và biểu hiện) Trong ca dao tình yêu, có cả văn bản biểu hiện và tạo hình. Nếu xét theo vùng miền, thì càng xuôi về phía Nam, trong ca dao tình yêu lứa đôi, tỉ lệ số tác phẩm có văn bản biểu hiện càng ít đi. 3.1.3. Nghệ thuật ngôn từ 3.1.3.1. Cách dùng phương ngữ Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ giống nhau là đều cùng sử dụng phương ngữ nhưng khác nhau ở chỗ phương ngữ trong ca dao Bắc Bộ mờ nhạt, trong khi đó, phương ngữ trong ca dao Nam Bộ lại mang đậm bản sắc riêng thể hiện qua ngữ âm, từ vựng. 3.1.3.2. Cách dùng từ gốc Hán và điển tích, điển cố Hán Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ cùng sử dụng từ gốc Hán và điển tích Hán nhưng khác nhau ở mức độ. Nhìn chung, ca dao Bắc Bộ sử dụng ít từ gốc Hán, mà chủ yếu là từ thuần Việt. Cùng sử dụng từ gốc Hán và điển cố, điển tích nhưng ca dao người Việt ở Nam Bộ sử dụng nhiều hơn hẳn ca dao Bắc Bộ. 16 Mặc dù vẫn sử dụng một số điển tích chung với ca dao các vùng nhưng ca dao người Việt ở Nam Bộ vẫn có những điển tích riêng, cách dùng riêng. Khi người bình dân sử dụng điển tích thì họ mở rộng phạm vi điển tích được sử dụng. 3.1.4. Việc sử dụng biểu tượng, hình ảnh Ca dao Bắc Bộ, Nam Bộ cùng sử dụng những biểu tượng truyền thống của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sáng tạo những biểu tượng riêng gắn với môi trường văn hóa, điều kiện tự nhiên, lịch sử của từng miền. Ca dao Bắc Bộ xuất hiện biểu trưng thuộc vật thể nhân tạo nhiều hơn hẳn so với ca dao Nam Bộ. Ngược lại, trong ca dao Nam Bộ, số lượng biểu trưng thuộc thế giới tự nhiên hơn gấp đôi số biểu trưng thuộc thế giới vật thể nhân tạo, gấp ba số biểu trưng thuộc thế giới con người. 3.1.5. Việc dùng từ xưng gọi Ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đều cùng dùng các đại từ nhân xưng nhưng khác nhau ở chỗ tiếp thu từ vốn ngôn ngữ toàn dân, mỗi vùng lại có những từ xưng gọi riêng biệt, bắt nguồn từ phương ngữ mỗi vùng. Ca dao Bắc Bộ sử dụng từ xưng gọi rất phong phú, đa dạng, đạt đến chiều sâu tình cảm, cảm xúc. Trái lại, ca dao Nam Bộ có xu hướng đơn giản hóa các từ xưng hô, không cầu kì trong cách lựa chọn, ít xuất hiện những từ xưng hô lấp lửng, phiếm chỉ. 3.1.6. Về thời gian và không gian nghệ thuật Mảng ca dao tình yêu lứa đôi trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đều xuất hiện các yếu tố thời gian nhưng tần suất xuất hiện có sự khác nhau. Cùng mang đặc điểm công thức, ước lệ nên trong hệ thống lời ca dao tỏ tình và thề nguyền, ca dao Bắc Bộ xuất hiện nhiều những công thức thời gian như “chiều chiều”, “đêm khuya”, “đêm nay”, “đêm nằm”... Trong lời ca dao tình yêu lứa đôi, thời gian vào đêm xuất hiện nhiều nhất, phù hợp với tâm trạng yêu đương và lối sống nội tâm, hay suy nghĩ của người Bắc Bộ. Trong khi ca dao Nam Bộ thời gian “chiều” xuất hiện nhiều hơn thời gian “đêm”. Ngoài những lời ca dao mở đầu bằng những từ chỉ thời gian như “chiều chiều”, “đêm khuya”, “đêm nay”, “đêm nằm”, các tác giả dân gian sử dụng đậm đặc những từ 17 chỉ khái niệm thời gian vĩnh cửu như “trăm năm”, “ngàn năm”, “đời đời”... Tuy nhiên, trai gái Nam Bộ có xu hướng lựa chọn những từ chỉ thời gian có lớn hơn, “ngàn năm” xuất hiện nhiều hơn “trăm năm”. Mặc dù giống nhau cùng mang đặc điểm phiếm chỉ, không gian nghệ thuật trong ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ vẫn có sự khác biệt, không chỉ về tên riêng địa danh mà về quy mô, mức độ và đặc điểm phản ánh. Đối lập với không gian làng quê bình dị với những mối quan hệ gần gũi trong ca dao Bắc Bộ, không gian trong ca dao Nam Bộ có quy mô rộng lớn, xa xôi hơn, không gian xã hội cũng hiện đại, sôi động hơn. 3.2. Giải thích sự giống nhau và khác nhau 3.2.1. Do đặc trưng thể loại Lời tỏ tình và thề nguyền trong tình yêu lứa đôi qua ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đều mang đặc trưng thi pháp ca dao. Đó là cùng sử dụng thể thơ lục bát và LBBT, các hình ảnh, biểu tượng chung, các công thức thời gian và đặc điểm không gian có sự tương đồng. 3.2.2. Do điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội Cùng chung nguồn gốc lịch sử và đặc điểm tự nhiên - xã hội của dân tộc Việt, người bình dân hai miền sáng tạo ra những lời ca dao có nhiều điểm gặp gỡ. Điều kiện tự nhiên là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới sự khác nhau giữa ca dao hai miền. Thích nghi với điều kiện xã hội mới, con người Nam Bộ sáng tạo những giá trị văn hóa độc đáo, những lớp từ ngữ mới, mang đậm sắc thái địa phương. 3.2.3. Do giao lưu và ảnh hưởng văn hóa Người Kinh Nam Bộ vốn là người Việt từ miền Bắc và miền Trung di cư đến. Mặc dù đến vùng đất mới là dứt bỏ với quá khứ, nhưng văn hóa Bắc Bộ hàng nghìn năm được trao truyền qua nhiều thế hệ vẫn kịp nảy nở, sinh sôi trong tâm hồn con người phương Nam, in dấu ấn trên mỗi lời ca dao. Bắc Bộ là nơi giao lưu văn hóa mạnh mẽ, ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, vừa đồng hóa và chống đồng hóa. Nam Bộ là miền đất diễn ra quá trình giao lưu văn 18 hóa sống động. Nam Bộ cũng là nơi giao lưu với văn hóa phương Tây, nơi chứng kiến sự ra đời đầu tiên của chữ quốc ngữ làm cho diện mạo ca dao ở đây có nhiều nét mới mẻ. KẾT LUẬN 1. Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ đều là bộ phận của kho tàng ca dao người Việt, cùng phản ánh thế giới tinh thần của họ. So sánh ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ thông qua những lời tỏ tình và lời thề nguyền, luận văn khẳng định nét đẹp của ca dao tình yêu lứa đôi nói chung và sắc thái riêng ở ca dao mỗi miền. 2. Cùng xuất phát từ thể loại folklore, cùng điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa dân tộc, lời tỏ tình và lời thề nguyền trong bộ phận ca dao tình yêu lứa đôi ở Bắc Bộ và Nam Bộ có nhiều điểm tương đồng nhưng trong cái chung của ca dao Việt Nam, ca dao hai miền có sự khác nhau về tỉ lệ và mức độ. Về nội dung, lời tỏ tình phản ánh hình ảnh thiên nhiên, môi trường lao động và môi trường diễn xướng vùng miền, đồng thời thể hiện quan điểm của người bình dân về tình yêu, hôn nhân, đạo đức, đạo hiếu với cách biểu hiện không giống nhau. Lời thề nguyền tuy không thể hiện hình ảnh tự nhiên, môi trường lao động một cách đậm nét nhưng phản ánh không khí tinh thần đặc biệt, nhấn mạnh truyền thống chung thủy của người Việt. Trong môi trường khác nhau mà con người miền Bắc và miền Nam có cách thức tỏ tình và thề nguyền không giống nhau. Ca dao Bắc Bộ có cách thể hiện tình cảm bóng gió, vòng vo, tỉ mỉ, chuộng hình thức trong khi ca dao Nam Bộ có cách thể hiện tình cảm thẳng thắn, bộc trực, gần gũi, sinh động. Về nghệ thuật, có thể tìm hiểu, so sánh ca dao hai miền trên các phương diện thể thơ, ngữ nghĩa, ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, thời gian và không gian nghệ thuật. Ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ đều sử dụng thể thơ lục bát và LBBT. Ca dao Bắc Bộ sử dụng thể thơ lục bát nhuẫn nhuyễn, điêu luyện, ít biến thể trong khi tỉ lệ LBBT ở ca dao Nam Bộ cao, biến thể lớn, giãn số tiếng ở cả hai dòng thơ. Ca dao Bắc Bộ nhiều văn bản biểu hiện hơn, trong khi ca dao Nam Bộ lại nhiều văn bản tạo hình. Ca dao Bắc Bộ mờ nhạt về phương ngữ nhưng phương ngữ trong ca dao Nam Bộ lại đậm nét. Từ gốc Hán, điển tích Hán trong ca dao Nam Bộ đậm đặc. Ca dao tình yêu Bắc Bộ sử dụng từ 19 xưng hô rất phong phú, đa dạng, đạt đến chiều sâu tình cảm, cảm xúc trong khi người Nam Bộ lại đơn giản hóa các từ xưng hô, không cầu kì trong cách lựa chọn. Không gian xã hội trong ca dao Bắc Bộ thường là làng quê cùng những truyền thống văn hóa, trong khi không gian trong ca dao Nam Bộ lại là một vùng quê rộng lớn (thường là huyện, tỉnh), ít nhắc đến làng. 3. Tuy cách biểu hiện tình cảm ca dao mỗi miền không giống nhau nhưng ca dao hai miền giống nhau đều thể hiện truyền thống của người Việt Nam, đó là tình yêu thương và sự chung thủy. Luận văn tuy có ý nghĩa sử dụng làm tư liệu tham khảo cho nghiên cứu văn học dân gian, nhưng ở một góc độ nào đó về xã hội, văn hóa, chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực, cụ thể để giữ gìn, phát huy và nâng cao vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. 4. Để phát hiện, giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông đòi hỏi giới nghiên cứu văn học dân gian không ngừng nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu hơn nữa. Hiện nay đã có nhiều công trình sưu tầm ca dao của các tỉnh thành nhưng chưa rộng rãi khắp cả nước. Vì vậy, rất cần những công trình tập hợp ca dao ba miền một cách khoa học, đầy đủ, những nghiên cứu về vùng ca dao chuyên biệt. References. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Thị An (1990), Về một phương diện nghệ thuật của ca dao tình yêu, Tạp chí Văn học, (số 6), tr. 54-59 2. Trần Thúy Anh (1999), Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ thể hiện qua ca dao tục ngữ, Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, H In thành sách: Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ thể hiện qua ca dao, tục ngữ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 182 tr 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan