Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Văn hóa phật giáo trong đời sống của người việt ở lào...

Tài liệu Văn hóa phật giáo trong đời sống của người việt ở lào

.PDF
27
124
86

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -----oOo----- NGUYỄN VĂN THOÀN VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT Ở LÀO Chuyên ngành: VĂN HÓA HỌC Mã số: 62.31.70.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2019 Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM. Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. TRẦN HỒNG LIÊN Phản biện độc lập: 1. 2. Phản biện: 1. 2. 3. Luận án được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM. 1 DẪN NHẬP 1. Lý do nghiên cứu Lào là quốc gia láng giềng thân thiện có mối quan hệ truyền thống đặc biệt lâu đời với Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Lào trong công cuộc phát triển đất nước và luôn làm hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, nhất là sau tuyên bố của Kuala Lumpur về việc hình thành cộng đồng ASEAN 2015 và tầm nhìn ASEAN đến 2025. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn và là cầu nối hữu nghị cho mối quan hệ giữa hai quốc gia, không thể không đề cập đến bà con Việt kiều. Vì vậy, việc nghiên cứu người Việt đang sinh sống trong các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN, trong đó có Lào, là cần thiết. Lào là một trong những quốc gia trên thế giới có số lượng lớn người Việt Nam sinh sống. Cho đến nay, ở hầu khắp mọi miền đất nước Lào đều có người Việt sinh sống. Hiện nay, người Việt Nam ở Lào có khoảng 10 vạn người (Tổng Hội người Việt Nam tại CHDCND Lào, 2015, tr.1). Sự hiện diện của cộng đồng người Việt ở Lào từ trước đến nay đã có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục đối với sự nghiệp phát triển xã hội Lào, đã góp phần làm nên một trong những đặc trưng của quan hệ đặc biệt giữa hai nhà nước Việt Nam - Lào. Từ buổi đầu du nhập, đạo Phật của người Việt ở Lào là chỗ dựa tinh thần cho người Việt trong cuộc sống mưu sinh ở Lào. Ngôi chùa Việt ở Lào không chỉ là nơi đem lại sự bình an cho người sống, mà còn là nơi yên nghỉ của bao thế hệ người Việt ở Lào. Nhà sư vừa là người bạn an ủi mỗi khi gặp trắc trở trong cuộc sống, vừa là người tiếp dẫn khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi trần. Đạo Phật của người Việt ở Lào là nhịp cầu để hướng người Việt ở đây về với cội nguồn dân tộc. Ngôi chùa là nơi hội tụ hồn thiêng dân tộc, không giống như chùa Lào, chùa Việt ở Lào không chỉ thờ Phật mà còn thờ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì dân tộc. Có thể thấy, trong hầu hết các lĩnh vực đời sống văn hóa – xã hội, đạo Phật đều nhập thế và đồng hành cùng người dân Việt ở Lào. Do đó, sẽ thật thiếu sót, không toàn diện khi nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Lào nếu không đề cập đến đời sống tôn giáo của họ. Từ thực tế đó, chúng tôi quyết định thực hiện luận án mang tên Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào, nhằm bổ sung thêm nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu về văn hóa cộng đồng người Việt Nam ở Lào. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề So với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, cộng đồng người Việt ở Lào chưa được nhiều học giả Việt Nam, Lào và các học giả quốc tế quan tâm nghiên cứu như cộng đồng người Việt ở Thái Lan và Campuchia. Cho đến nay, mới chỉ có vài công trình nghiên cứu khoa học đã công bố về quá trình di cư, chuyển đổi lối sống, địa vị chính trị và đời sống kinh tế của cộng đồng người 2 Việt tại Lào. Đối với lĩnh vực văn hóa học và tôn giáo học, theo sự hiểu biết của chúng tôi vẫn chưa có một công trình nào tập trung đi sâu nghiên cứu chuyên biệt về quá trình bảo lưu, hội nhập và biến đổi văn hóa tinh thần, đặc biệt là đối với văn hóa Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào. Trong quá trình tiếp cận nguồn tư liệu đề tài, chúng tôi nhận thấy có ba khuynh hướng nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án như sau: 2.1. Các công trình liên quan đến cộng đồng người Việt ở Lào Một số công trình, bài viết tiêu biểu như: The Vietnamese community in Laos: Research in progress của Ng Shui Meng (1986), Người Việt Nam ở nước ngoài của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn (1997), Quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào: Thực trạng và hướng phát triển trong những năm tới của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do Phạm Đức Thành (2004) chủ nhiệm, Việt kiều Lào – Thái với quê hương của Trần Đình Lưu (2005), Người Việt ở Thái Lan – Campuchia – Lào của Nguyễn Quốc Lộc (2006), Người Việt ở Thái Lan – Campuchia – Lào của Nguyễn Quốc Lộc (2006), Đời sống văn hóa của người Việt định cư ở thành phố Vientiane (Lào) của Lê Thị Hồng Diệp (2007), Di cư và chuyển đổi lối sống trường hợp cộng đồng người Việt ở Lào do Nguyễn Duy Thiệu (2008) chủ biên, Cộng đồng người Việt ở Lào trong mối quan hệ Việt Nam – Lào do Phạm Đức Thành (2008) chủ biên. Việt kiều ở Lào, Thái Lan với các phong trào cứu quốc thế kỷ XX của Nguyễn Văn Vinh (2010), Một số lễ hội tiêu biểu của người Việt ở Lào của Nguyễn Văn Thoàn (2018), Vai trò và những đóng góp của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia, Lào, Thái Lan trong giai đoạn hiện nay của Phan Thị Hồng Xuân (2018). Trên đây là các công trình, bài viết nghiên cứu về nguyên nhân người Việt di cư đến Lào, cũng như số lượng và địa bàn cư trú chính của cộng đồng người Việt ở Lào. Đồng thời, các tác giả cũng cho thấy cộng đồng người Việt ở Lào là cộng đồng ngoại kiều lớn nhất, có vai trò và vị trí quan trọng đối với nhiều lĩnh vực ở Lào, đặc biệt là cầu nối xây dựng mối quan hệ hữu nghị toàn diện giữa hai dân tộc, hai nhà nước Việt Nam và Lào trong quá khứ đấu tranh chống ngoại xâm, cũng như hiện tại xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, có một bài công trình nghiên cứu về đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo và sự chuyển đổi lối sống trong điều kiện văn hóa – xã hội mới ở Lào. 2.2. Các công trình nghiên cứu Phật giáo của người Việt ở Lào Một số bài viết, công trình tiêu biểu như: Văn hóa Phật giáo Việt Nam trên đất Lào của Lê Thị Hồng Diệp (2006), Chùa của người Việt ở Lào của Nguyễn Lệ Thi (2007), Các tôn giáo ở Lào (tiếng Lào) của Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào (2012), Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam ở Lào của Nguyễn Văn Thoàn (2016), Tính dung hợp của Phật giáo Việt Nam ở Lào của Nguyễn Văn Thoàn (2017), Giao lưu văn hóa Phật giáo Việt – Lào (Nghiên cứu trường hợp chùa Phật Tích ở Vientiane) của Trần Hồng Liên và 3 Nguyễn Văn Thoàn (2017). Các bài viết nêu trên, các tác giả đã trình bày, phân tích một số bình diện văn hóa Phật giáo của người Việt và ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào. Ngoài ra, một số bài viết cũng đã nêu lên một số vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Phật giáo Bắc tông Việt Nam với Phật giáo Nam tông Lào trong quá trình cộng sinh ở Lào. Nhìn chung, các bài viết này có những phát hiện mới, nhưng chưa phải là một công trình hoàn thiện về văn hóa và ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông đối với đời sống của người Việt ở Lào. 2.3. Các công trình nghiên cứu Phật giáo liên quan đến đề tài Bên cạnh những công trình, bài viết liên quan trực tiếp đến cộng đồng người Việt ở Lào nói chung và văn hóa Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào nói riêng, còn có những công trình, bài viết cung cấp nguồn thông tin làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho luận án, tiêu biểu như: Vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị - văn hóa và xã hội Lào (từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIX) của Nguyễn Lệ Thi (1992), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam (tái bản lần thứ I) của Trần Hồng Liên (2000), The History ở Buddhism in Laos của Maha Khamyad Rasdavong (2006), Phật giáo Lào dưới góc nhìn văn hóa của Nguyễn Văn Thoàn (2006), Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang (2012), Giao lưu tiếp biến với văn hóa Phật giáo của Phan Thu Hiền (2013), Phật giáo trong dòng lịch sử, văn hóa Lào của Trần Quang Thuận (2015), Chùa Việt tại Thái Lan: Biểu tượng văn hóa và cầu nối cho mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan (Trường hợp chùa Việt Tông ở tỉnh Udon Thani – Đông Bắc Thái Lan) của Phan Thị Hồng Xuân (2016), Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản của Thích Thọ Lạc (2016) chủ biên. Các công trình, bài viết này đã cung cấp nhiều thông tin khoa học, độ tin cậy cao về văn hóa Phật giáo Nam tông Lào và văn hóa Phật giáo Bắc tông Việt Nam, làm cơ sở lý luận, so sánh trong quá trình thực hiện luận án. Từ kết quả của những công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước về cộng đồng người Việt ở Lào và văn hóa Phật giáo, luận án sẽ xây dựng nên bức tranh về những đặc điểm văn hóa và vai trò của Phật giáo Bắc tông trong đời sống của người Việt ở Lào đối với sự hòa nhập xã hội Lào và cố kết trong nội bộ của cộng đồng này. 3. Mục đích, Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu Tiếp cận từ chuyên ngành Văn hóa học, luận án có mục tiêu như sau: - Chỉ ra vai trò và những ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa của người Việt ở Lào, từ cuộc sống vật chất cho đến đời sống tâm linh của cộng đồng này. - Tìm hiểu quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Lào và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào. - Phân tích những đặc trưng văn hóa của Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào qua quá trình giao lưu, tương tác và tiếp nhận những yếu tố văn hóa bản địa, 4 văn hóa Phật giáo Nam tông của người Lào. - Tìm hiểu vai trò của Phật giáo Bắc tông Việt Nam trong đời sống của cộng đồng người Việt ở Lào đối với tinh thần hòa nhập vào đời sống văn hóa – xã hội Lào và sự cố kết trong nội bộ cộng đồng người Việt sinh sống tại Lào. Đối tượng nghiên cứu của luận án là văn hóa Phật giáo Bắc tông và cộng đồng người Việt ở Lào hiện nay. Như vậy, đối tượng chính là Phật giáo Bắt tông của người Việt ở Lào. Đối tượng nghiên cứu thứ hai, đó là người Việt (người Kinh) đang sinh sống ở Lào, có tín ngưỡng hoặc có cảm tình với Phật giáo. Vì vậy, trong luận án này sử dụng cụm từ người Việt hay người Việt Nam ở Lào đều chỉ đối tượng nghiên cứu là người Kinh. Đối với những người Việt là cán bộ, công chức đang công tác, học sinh, sinh viên đang học tập ở Lào; những người Việt tin theo Phật giáo Nam tông Lào hay các tôn giáo khác thì không thuộc đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Phạm vi nghiên cứu: - Về không gian, luận án tập trung vào cộng đồng người Việt ở bốn tỉnh, thành của Lào bao gồm cố đô Luang Phabang (Bắc Lào), thủ đô Vientiane (Bắc Trung Lào), tỉnh Savannakhet (Nam Trung Lào) và tỉnh Champasak (Nam Lào). Bởi đây là nơi có lịch sử cư trú lâu đời của nhiều thế hệ lưu dân Việt tại Lào và có ngôi chùa Việt. - Về thời gian, để có cái nhìn bao quát, luận án sẽ tìm hiểu và nghiên cứu quá trình di cư và định cư người Việt tại Lào từ buổi đầu qua từng giai đoạn lịch sử quan trọng của cả hai quốc gia Việt Nam và Lào. Đối với lĩnh vực văn hóa và vai trò của Phật giáo Bắc tông trong đời sống của người Việt ở Lào, luận án chủ yếu tập trung nghiên cứu giai đoạn hiện nay. 4. Câu hỏi, Giả thuyết và Phương pháp nghiên cứu Câu hỏi nghiên cứu: Để giải quyết mục tiêu của luận án, chúng tôi đặt ra một số câu hỏi như sau: - Với điều kiện văn hóa – xã hội đặc thù ở Lào, Phật giáo Bắc tông có vai trò, chức năng gì đối với đời sống văn hóa tâm linh và cuộc sống vật chất của cộng đồng người Việt ở Lào? - Trong môi trường địa văn hóa ở Lào, Phật giáo Nam tông là quốc giáo ở Lào, có ảnh hưởng trùm khắp đến các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội Lào, vì vậy có ảnh hưởng mang tính quyết định hay không đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào? Giả thuyết nghiên cứu: Nhằm định hướng cho quá trình thực hiện luận án, chúng tôi tập trung vào một số giả thuyết nghiên cứu như sau: - Văn hóa Phật giáo Bắc tông đã tác động, ảnh hưởng đáng kể đến mọi mặt của đời sống văn hóa – xã hội của người Việt ở Lào, biểu hiện trên lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. - Phật giáo Nam tông, với tư cách là quốc giáo ở Lào, nên có ảnh hưởng 5 quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội Lào, vì vậy cũng có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào, nhưng không mang tính quyết định. Phương pháp nghiên cứu: Vận dụng các phương pháp nghiên cứu định tính (điền dã, quan sát – tham dự và phỏng vấn sâu), bổ sung thêm nguồn tài liệu cấp một cho luận án. Qua các đợt đi thực tế, chúng tôi trực tiếp tham gia, quan sát, khảo sát các cơ sở Phật giáo Bắc tông của người Việt. Qua đó, tìm hiểu những đặc trưng văn hóa Phật giáo Bắc tông cũng như văn hóa tinh thần của người Việt được bảo lưu và biến đổi trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào. Phương pháp nghiên cứu định lượng, cung cấp con số cụ thể để kiểm tra độ tin cậy, khách quan với những thông tin thu thập được từ nghiên cứu định tính. Phương pháp so sánh, nhằm so sánh, đối chiếu, tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa của hai tộc người Việt – Lào khác nhau. Hướng tiếp cận liên ngành, để có thể hiểu đầy đủ hơn về đối tượng nghiên cứu, thấy được những giá trị, đặc trưng của văn hóa Phật giáo đối với đời sống của người Việt ở Lào. 5. Đóng góp của luận án Về ý nghĩa khoa học - Luận án tập hợp và hệ thống hóa tư liệu về đặc trưng văn hóa Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào, từ góc nhìn văn hóa học. - Đóng góp tri thức, phương pháp, lý luận cho hướng nghiên cứu về văn hóa và vai trò của Phật giáo Bắc tông Việt Nam trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Về ý nghĩa thực tiễn - Luận án đóng góp đối với việc xây dựng những chính sách, chủ trương trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo Bắc tông nói riêng đối với cộng đồng người Việt ở Lào nói riêng và ở nước ngoài nói chung. - Kết quả nghiên cứu có thể trở thành tư liệu tham khảo cho các học phần về văn hóa tôn giáo, văn hóa Phật giáo, phong tục tập quán và lễ hội của dân tộc Việt Nam. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận và Phụ lục, luận án gồm ba chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn, bao gồm phần nền tảng lý luận về văn hóa được sử dụng trong quá trình nghiên cứu và viết luận án; xác định thời gian di cư, hình thành và đặc điểm cộng đồng người Việt Nam ở Lào, cũng như thời gian du nhập và hiện trạng Phật giáo của người Việt ở Lào. Chương 2: Đặc điểm Phật giáo của người Việt ở Lào, tiếp cận nghiên cứu những đặc trưng văn hóa Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào trong mối quan hệ, giao lưu với văn hóa Phật giáo Nam tông Lào. 6 Chương 3: Vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa của người Việt ở Lào, tiếp cận nghiên vai trò, chức năng của Phật giáo Bắc tông Việt đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt ở Lào. CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Một số khái niệm và lý thuyết tiếp cận 1.1.1. Một số khái niệm 1.1.1.1. Tôn giáo Khái niệm tôn giáo được nhắc đến trong giới khoa học phương Tây, sớm nhất khoảng từ thế kỷ XVIII – XIX. Đến nay, mỗi nhà nghiên cứu, tùy vào góc độ khoa học mà có một quan điểm riêng của mình về khái niệm tôn giáo. Theo Đặng Nghiêm Vạn, tôn giáo là sản phẩm sáng tạo của con người nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của con người trong xã hội, đến lượt mình, tôn giáo tạo nên những chuẩn mực để xây dựng niềm tin của con người trong mối quan hệ giữa cái thiêng và cái tục, giữa vật chất với tinh thần (Đặng Nghiêm Vạn, 2003, tr.50-54). 1.1.1.2. Tín ngưỡng Trước vấn đề tồn tại nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau, để có định hướng thống nhất trong luận án, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng: Tín ngưỡng là sự sùng bái các hiện tượng tự nhiên, nhưng chưa có giáo lý thành văn, không có giáo đường quy mô, nghi lễ đơn giản, nhân sự bán chuyên nghiệp hoặc không có, tổ chức lỏng lẻo. Còn tôn giáo là sự sùng bái những đối tượng được thần thánh hóa cao độ, với một hệ thống giáo lý rõ ràng, nghi thức hoàn chỉnh và một tổ chức chặt chẽ (Trần Ngọc Thêm, 2013, tr.566-567). 1.1.1.3. Văn hóa tôn giáo Sẽ thật khó có được một khái niệm văn hóa tôn giáo đầy đủ nội dung và bao quát. Bởi lẽ, bản thân khái niệm tôn giáo đã phức tạp mà khái niệm văn hóa hiện vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh luận. Trong mối quan hệ hữu cơ, tôn giáo là một thành tố của văn hóa, được sinh ra từ văn hóa. Theo đó, văn hóa khác nhau làm cho tôn giáo có sắc thái khác nhau và ngược lại tôn giáo khác nhau làm cho văn hóa khác nhau. Qua các quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng và mối quan hệ văn hóa và tôn giáo của một số nhà khoa học, có thể hiểu văn hóa tôn giáo như sau: với tư cách là bộ phận của văn hóa, tôn giáo cũng có các đặc tính giống như văn hóa. Văn hóa tôn giáo bao gồm những giá trị vật chất (cơ sở thờ cúng, điện thần, tổ chức giáo hội) và tinh thần (giáo lý, kinh điển, nghi thức) được con người sáng tạo nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của con người và lưu giữ trong quá trình lịch sử. Như vậy, văn hóa tôn giáo cũng chỉ cho văn hóa Phật giáo. 1.1.1.4. Phật giáo Nam tông Là một tông phái lớn của đạo Phật được hình thành lâu đời nhất và tồn 7 tại từ xưa đến nay, còn được gọi với nhiều tên khác như: Theravada, Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Nguyên thủy. Tam Tạng Kinh điển bằng tiếng Pali là giáo lý nòng cốt của hệ phái này. Phật giáo Nam tông chỉ thờ mỗi hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, không dùng pháp khí và cũng không xướng tán ngân nga khi thực hành nghi lễ. 1.1.1.5. Phật giáo Bắc tông Còn được gọi là Mahayana, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo phát triển. Ba tạng Kinh, Luật và Luận nguyên thủy vẫn là giáo lý căn bản của tông phái này, bên cạnh đó còn có kho tàng kinh, luận được phát triển khi truyền bá đến các quốc gia khác nhau và đều được chuyển ngữ thành ngôn ngữ của quốc gia đó. Trong không gian điện thờ, ngoài hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tông phái này còn thờ hình tượng Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Bồ Tát và các vị thánh, thần khác. 1.1.1.6. Đời sống văn hóa Đời sống văn hóa là bộ phận cấu thành trong đời sống chung của con người và xã hội. Nó bao gồm một tổng hợp những thành tố văn hóa tác động qua lại với đời sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đời sống văn hóa là gạch nối liền giữa văn hóa của xã hội và văn hóa của cá nhân; là tổng thể những yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần có sự tác động lẫn nhau, trên phạm vi không gian nào đó, trực tiếp hình thành nếp sống và lối sống của mỗi cá nhân và cộng đồng (Trần Văn Ánh, Nguyễn Xuân Hồng và Nguyễn Văn Hy, 2002, tr.8-9). 1.1.1.7. Di dân Từ quan điểm của các nhà nghiên cứu về di dân, có thể cho rằng, di cư là sự chuyển dịch của con người từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác trong thời gian nhất định, có thể cư trú tạm thời hoặc vĩnh viễn. Từ đó có thể hiểu, di dân là một thuật ngữ mô tả quá trình di chuyển dân số hoặc quá trình con người rời bỏ hoặc hội nhập, hoặc thiết lập nơi cư trú mới vào một đơn vị hành chính - địa lý trong một thời gian nhất định (Lê Thị Hồng Diệp, 2007, tr.13). 1.1.1.8. Nhập cư Có hai khái niệm liên quan đến quá trình di dân đó là khái niệm nhập cư và xuất cư. Nhập cư là sự dịch chuyển của một cá nhân hoặc một nhóm người đến địa bàn cư trú mới (nơi nhập cư) trong một khoảng thời gian nhất định. Xuất cư là sự dịch chuyển hay rời bỏ nơi cư trú gốc (nơi xuất cư) của người di cư để đến địa bàn cư trú mới trong hay ngoài biên giới một quốc gia, sinh sống tạm thời hay vĩnh viễn (Phan Thị Hồng Xuân, 2018, tr.4 - 5). 1.1.1.9. Ngoại kiều, Việt kiều Ngoại kiều là khái niệm để chỉ những người nước ngoài sống trên một nước sở tại nào đó, mà những người này được hưởng quy chế ngoại kiều do chính phủ nước đó quy định (Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2003, tr.121). 8 Việt kiều là cụm từ chỉ chung cho những người Việt Nam đã di cư và đang định cư, sinh sống ở một quốc gia nào đó ngoài nước Việt Nam như: những người Việt đã và đang sinh sống tại Mỹ gọi là Việt kiều Mỹ; những người Việt đã và đang sinh sống tại Lào có quốc tịch Lào hoặc có giấy chứng nhận ngoại kiều của chính phủ Lào thì gọi là Việt kiều Lào. 1.1.2. Các lý thuyết tiếp cận - Thuyết giao lưu và tiếp biến văn hóa (Acculturation) Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trường phái nhân học Anglo Saxon đã đưa ra thuyết giao lưu và tiếp biến văn hóa khi tiến hành nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của các nhóm di dân người Châu Âu đến Mỹ. Sau đó, thuật ngữ “giao lưu và tiếp biến văn hóa” được sử dụng khá rộng rãi trong nhiều ngành khoa học xã hội như dân tộc học, xã hội học, văn hóa học,… Theo các nhà nhân học Mỹ thì giao lưu và tiếp biến văn hóa là quá trình trong đó một nền văn hóa thích nghi, chịu ảnh hưởng một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn nhiều đặc trưng của nền văn hóa ấy. Bởi giao lưu tiếp, biến văn hóa là một cơ chế khác của biến đổi văn hóa, đó là sự trao đổi của những đặc tính văn hóa được nảy sinh khi hai hoặc các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục, song mỗi nền văn hóa vẫn giữ tính riêng biệt của mình (Nhiều tác giả, 2008, tr.12). Vận dụng lý thuyết này, khi thực hiện nghiên cứu về tiến trình lịch sử của cộng đồng người Việt ở Lào nói chung, văn hóa Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào nói riêng, chúng tôi hết sức chú trọng đến những biểu hiện về biến đổi văn hóa, nhất là khía cạnh truyền thống – hiện đại trong văn hóa, tính cộng sinh văn hóa giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh để nhận biết về quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Lào. Đó chính là trạng thái động để biểu hiện tính thích nghi, hòa nhập văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào trong quá trình sinh tồn và bảo lưu văn hóa. - Lý thuyết chức năng (Functionalism) Đây là một trong những lý thuyết khoa học ra đời rất sớm, đầu tiên được sử dụng trong nghiên cứu triết học, xã hội học, sau đó mới đến nhân học hiện đại và văn hóa học. Người được xem như là cha đẻ của thuyết này là Emile Durkheim. Trong luận án, chúng tôi vận dụng lý thuyết chức năng tâm lý (Individual functionalism) của B.Malinowski và chức năng cấu trúc (Structure functionalism) của A.Radcliffe Brown. Nhìn chung, lý thuyết chức năng của hai nhà khoa học này với tư tưởng cơ bản là một hệ thống ổn định được tạo thành bởi nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận có vai trò, chức năng khác khau, song các bộ phận không tồn tại độc lập, riêng lẻ mà có quan hệ qua lại để cùng tạo nên hệ thống ổn định. Muốn hiểu được chức năng của một hệ thống phải xem xét sự đóng góp của các bộ phận vào sự vận hành của hệ thống. Việc vận dụng lý thuyết chức năng để nghiên cứu đặc trưng văn hóa Phật giáo Bắc tông và những sinh hoạt văn hóa của người Việt ở Lào như là những thành tố tạo nên hệ thống đời sống văn hóa của 9 cộng đồng Việt ở Lào. Qua đó xác định vai trò, chức năng của văn hóa Phật giáo Bắc tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt ở Lào. - Lý thuyết vùng văn hóa Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học châu Âu và Mỹ đã xây dựng và phát triển lý thuyết về nghiên cứu văn hóa vùng. Trong luận án này, chúng tôi vận dụng lý thuyết của hai nhà nhân học Mỹ là Franz Boas và C.V.Wisslerv. Qua lý thuyết này, nghiên cứu văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào nói chung và văn hóa Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở đây nói riêng để thấy được dấu ấn văn hóa của con người Việt, sắc thái văn hóa Phật giáo Việt Nam ở đây; thấy được quy luật hình thành và biến đổi văn hóa trong môi trường không gian địa lý ở Lào; thấy được con đường và các phương thức giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào. Nghiên cứu văn hóa của cộng đồng người Việt ở Lào sẽ thấy được đặc trưng văn hóa của người Việt ở đây trong quá trình lịch sử và ở không gian cụ thể, qua đó có thể phân biệt được văn hóa vùng này với vùng khác, so sánh những yếu tố văn hóa tương đồng và khác biệt. 1.2. Khái quát về văn hóa Lào 1.2.1. Không gian văn hóa Đất nước Lào có địa hình đa dạng và khác biệt tự nhiên giữa các vùng, tạo nên ấn tượng nổi bật của một đất nước núi đồi, cao nguyên và thung lũng. Trong đó, núi đồi và cao nguyên chiếm ¾ diện tích đất và tập trung phần lớn ở phía Bắc. Dãy Trường Sơn vừa là đường biên giới tự nhiên vừa là xương sống cho cả hai nước Việt Nam và Lào cùng tựa lưng. Và sông Mêkong là đường biên giới tự nhiên giữa Lào với Thái Lan. Cho đến ngày nay, người Lào vẫn giữ truyền thống nông nghiệp làm lúa nước vùng thung lũng, ngay ở thủ đô Vientiane họ vẫn làm ruộng lúa nước và nương rẫy, họ vẫn thích cảnh quan rừng núi. 1.2.2. Chủ thể văn hóa Cũng giống như Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, Lào là một nước đa tộc người, đa văn hóa. Hiện nay, ở Lào có nhiều tộc người khác nhau và được xếp thành ba nhóm chính: Lào Lùm, Lào Thơng, Lào Sủng. Trong đó, Lào Lùm là nhóm tộc người chủ thể ở Lào, chiếm khoảng 65% dân số cả nước (Trần Quang Thuận, 2015, tr.33). Hiện tại, về trình độ phát triển kinh tế xã hội giữa ba nhóm này không đồng đều và ngay giữa các tộc người trong một nhóm tộc người cũng có sự chênh lệnh với nhau. Cho đến nay, những tôn giáo ngoại lai vẫn không hấp dẫn được đức tin của người Lào đối với đạo Phật. Phật giáo Theravada đã ăn sâu bám chắc vào trong từng mạch máu của người Lào tới mức đối với những ai chưa có sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử - văn hóa Lào thì khó có thể tách bạch được yếu tố nào là văn hóa truyền thống của người Lào và yếu tố nào là văn hóa Phật giáo. 1.2.3. Thời gian văn hóa Tiến trình văn hóa Lào có thể chia thành năm giai đoạn: văn hóa thời tiền 10 sử, văn hóa Khún Bu Lôm – Khún Lo, văn hóa thời Lào Lạn Xạng, văn hóa vương quốc Lào và văn hóa hiện đại. Năm giai đoạn này tạo thành ba lớp văn hóa chồng lên nhau: lớp văn hóa bản địa (đặc trưng chung của lớp văn hóa này là nền văn hóa đặc sắc với nghề nông ngiệp lúa nước); lớp văn hóa giao lưu với Khmer và Ấn Độ – Sri Lanka với đại diện tiêu biểu là văn hóa Phật giáo Therevada (đặc trưng chung của lớp văn hóa này chủ yếu là sự song song cùng tồn tại hai yếu tố: văn hóa bản địa và văn hóa du nhập); lớp văn hóa giao lưu với phương Tây (lớp văn hóa này có hai xu hướng trái ngược nhau song song tồn tại – Âu hóa và chống Âu hóa) (Nguyễn Văn Thoàn, 2007, tr.21). Từ các lớp văn hóa trên đã hình thành nên những đặc trưng văn hóa của người dân Lào hiện nay. 1.3. Cộng đồng người Việt ở Lào 1.3.1. Khái quát về quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Lào Có nhiều nguyên nhân, giai đoạn người dân Việt Nam rời bỏ quê hương phiêu bạt đến Lào sinh sống nhưng tựu trung có thể đúc kết lịch sử di cư của người Việt sang Lào phân làm ba giai đoạn lớn và những nguyên nhân chính sau: - Giai đoạn trước thế kỷ XIX Có thể tạm lấy từ thời nhà Lê với sự kiện vua Lê Thánh Tông khởi binh để bình định biên giới phía Tây bất thành, cho đến nhà Nguyễn, với những nguyên nhân di cư chính là tránh giặc phương Bắc, tìm nơi sống mới do nạn đói, thiên tai, sưu cao thuế nặng và kỳ thị tín ngưỡng. Theo những cung đường bộ truyền thống, lúc đầu họ tập trung sinh sống ở các tỉnh Trung Lào giáp với Việt Nam với mong ước vận đời sẽ thay đổi để tiện trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng rồi chỉ là mòn mõi đợi chờ theo thời gian. Ở những nơi này, di dân Việt đã cùng nhau xây dựng nên những trung tâm quần cư đầu tiên ở Lào. Càng về sau họ tiếp tục di cư đến các vùng khác để mưu sinh như xuôi dòng Mêkông xuống miền Nam hay ngược dòng lên các vùng phía Bắc. - Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975 Việc thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam đã tạo nên làn sóng tản cư với số lượng lớn, nhằm tránh sự đàn áp của chính quyền đô hộ, phục vụ bộ máy công quyền của chính quyền thuộc địa và nhân công khai thác tài nguyên của Lào dưới sự bảo hộ của chính quyền thuộc địa. Điểm khác biệt của cộng đồng người Việt ở Lào so với ở các nước khác là người nhập cư được bảo hộ, giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Lào trong sắc áo “lính khố xanh”. Do đó, số lượng người Việt ở các tỉnh thành của Lào tăng lên nhanh chóng trong thời kỳ này. Ở các trung tâm, thị tứ của Lào, người Việt chiếm tỷ lệ áp đảo so với các ngoại kiều khác và cả người Lào. - Giai đoạn từ năm 1975 đến nay Đây là giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Sau giải phóng đất nước 1975, số lượng người Việt di cư sang Lào cũng được diễn ra thường xuyên với nguyên nhân chính là lợi thế kinh tế. Ngoài lực lượng sang giúp Lào 11 phát triển cơ sở hạ tầng xã hội theo hợp tác của hai chính phủ, còn phần lớn do tính đặc thù của nền kinh tế Lào, đã tạo lực hấp dẫn đối với một số người dân Việt nhập cư trái phép để tìm kiếm công ăn việc làm và đặc biệt là hiện tượng xâm canh xâm cư của người Việt ở những vùng tiếp giáp biên giới với Lào. 1.3.2. Đặc điểm cộng đồng người Việt ở Lào - Về số lượng và phân bố dân cư Theo số liệu thống kê của chính phủ Lào từ năm 1995 đến nay, số lượng người Việt ở Lào tăng dần và là cộng đồng ngoại kiều đông nhất ở Lào. Trung tâm thống kê quốc gia Lào cho rằng có hơn 14 ngàn người Việt sinh sống ở Lào vào năm 1995, mười năm sau con số này tăng lên khoảng 19 ngàn người vào năm 2015, là cộng đồng ngoại kiều đông nhất ở Lào (Trung tâm Thống kê Quốc gia Lào, 2015, tr.38). Tuy nhiên, con số thống kê trên chỉ tính những người Việt có quốc tịch Lào, được gọi là người Lào gốc Việt. Để có cái nhìn bao quát, đầy đủ về cộng đồng người Việt ở Lào không thể không tính đến số lượng người Việt nhập cư tự do sang Lào mưu sinh và có ý muốn định cư lâu dài, con số này không nhỏ có thể lên đến hàng vạn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn ở Lào. Theo quan điểm này, năm 2015, Tổng Hội người Việt Nam ở Lào đưa ra con số có gần 100.000 người Việt đang sinh sống tại Lào (Tổng Hội người Việt Nam tại CHDCND Lào, 2015, tr.1). Nhìn chung, việc xác định số lượng người Việt ở Lào theo quan điểm nào thì cũng đều cho thấy tăng dần sau mỗi lần các cơ quan chức năng tiến hành thống kê. - Về cấu trúc Việc phân chia các bộ phận hợp thành cộng đồng người Việt ở Lào hiện có một số quan điểm khác nhau. Song, quan điểm được Hội người Việt Nam ở Lào, các văn bản pháp quy của Việt Nam và các nhà nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở Lào hiện nay tán đồng là bao gồm ba bộ phận: Những người Việt đã nhập quốc tịch Lào - Người Lào gốc Việt, Những người Việt được hưởng quy chế ngoại kiều – Việt kiều (bộ phận này được xem là đông nhất hợp thành cộng đồng người Việt ở Lào. Bộ phận này có hai hiện trạng một là vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam và hai là không còn mang quốc tịch Việt Nam với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan trong quá khứ) và Những người Việt mới đến Lào – chưa có chứng minh thư ngoại kiều 1.4. Khái quát về Phật giáo của người Việt ở Lào 1.4.1.Quá trình hình thành và phát triển - Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975 Phật giáo Bắc tông của người Việt du nhập vào Lào muộn hơn nhiều so với lịch sử di cư của người Việt đến xứ sở chùa tháp này. Mãi đến những năm của thập niên đầu của thế kỷ XX thì mới có sự ra đời của ngôi chùa Việt trên đất Lào, đánh dấu sự có mặt của Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào, nơi Phật giáo Nam tông là quốc giáo. Ở giai đoạn đầu, Phật giáo của người Việt ở Lào chỉ mới đặt nền 12 móng, ra đời với tính chất riêng lẻ. Ba trong bốn ngôi chùa đều do cư sĩ Phật tử người Việt đứng ra tạo lập và quản lý, thiếu sự truyền giáo chính thống từ Phật giáo trong nước qua sự hướng dẫn của tăng sĩ. Song, điều này lại cho thấy nhu cầu tâm linh và tín tâm mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Lào đối với đạo Phật trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn lúc bấy giờ. Thập niên 50, 60, là giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo của người Việt ở Lào, có tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh trùng tu lại những ngôi chùa cũ, còn cho xây dựng nhiều ngôi chùa mới ở các địa phương Lào. Đông đảo người Việt ở Lào quy y Tam Bảo, nhiều tu sĩ người Việt ở Lào hiện nay cũng được xuất gia vào thời kỳ này. - Giai đoạn sau từ sau năm 1975 đến nay Giai đoạn này Phật giáo của người Việt ở Lào thiếu tổ chức thống nhất, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt, và chỉ có thêm được duy nhất 1 ngôi tịnh xá. Tuy nhiên, với sự trùng tu mới quy mô rộng lớn hơn, kiến trúc trang nghiêm hơn của một số chùa cho thấy sắc thái mới của Phật giáo người Việt ở Lào trong giai đoạn hiện nay gần gũi hơn với Phật giáo trong nước. Đồng thời cũng phản ánh phần nào về đời sống kinh tế của người Việt ở Lào, không còn nhiều khó khăn so với giai đoạn trước. 1.4.2. Hiện trạng Phật giáo của người Việt ở Lào - Số lượng chùa Hiện nay, trên khắp đất nước Lào có 12 ngôi chùa Phật giáo Bắc tông Việt Nam và một ngôi tịnh xá của hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Trong đó, có hai ngôi chùa không có sư trụ trì đó là chùa Đại Nguyện và chùa Bồ Đề. - Số lượng tu sĩ Theo số liệu khảo sát thực địa năm 2016, Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào tổng cộng có 12 Tăng và 12 Ni. Hiện tại, chỉ có 2/3 trong số Tăng Ni người Việt có quyền định cư lâu dài ở Lào. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển lâu dài của Phật giáo của người Việt ở Lào, đặc biệt là mỗi khi chính sách cư trú đối với người nước ngoài của chính phủ Lào có sự thay đổi. - Số lượng Phật tử Để đưa ra con số chính xác về số lượng tín đồ của Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào là rất khó. Qua số liệu khảo sát thực địa tại Lào vào tháng 3 năm 2016, có đến 94% người Việt ở Lào theo đạo Phật hoặc có cảm tình với đạo Phật, nhưng chỉ có 39% là Phật tử (người có quy y Tam Bảo). - Hệ phái, tông phái và truyền thừa Thông qua hành trạng các danh tăng Việt Nam hoằng pháp ở Lào trước đây cũng như xuất thân của các vị trụ trì chùa hiện nay cho thấy, Phật giáo của người Việt ở Lào, ngoại trừ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đều có đại diện các tông phái của Phật giáo Bắc tông Việt Nam. Tuy nhiên, lịch sự truyền thừa Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào thường bị gián đoạn thời gian và phần lớn người 13 kế thừa không phải là đệ tử của vị trụ trì đời trước. Và thường xuyên diễn ra hiện tượng đời trụ trì trước thuộc tông phái này, khi đến đời trụ trì sau lại theo tông phái khác. Song, điều đáng trân trọng là dù các vị trụ trì có chuyển đổi tông phái nào thì ngôi chùa Việt ở Lào qua thời gian vẫn giữ đặc trưng là ngôi chùa Phật giáo Bắc tông. Tiểu kết Trong chương 1, chúng tôi đã tập trung vào những nội dung chính sau: - Ở phần cơ sở lý luận, chúng tôi xác định luận án sẽ được triển khai theo hướng nghiên cứu văn hóa học để nhận thức những đặc điểm và vai trò Phật giáo trò đời sống của người Việt ở Lào. - Phần cơ sở thực tiễn, chúng tôi tiến hành định vị tọa độ văn hóa Lào theo cấu trúc tọa độ, bao gồm không gian - chủ thể - thời gian; xác định thời gian di cư, hình thành và đặc điểm cộng đồng người Việt Nam ở Lào, cũng như thời gian du nhập và hiện trạng Phật giáo của người Việt ở Lào. CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM PHẬT GIÁO CỦA NGƯỜI VIỆT Ở LÀO 2.1. Sự dung hợp và tính đa dạng 2.1.1. Thể hiện qua tông phái và nghi lễ Có thể nói, Phật giáo người Việt ở Lào là bức tranh thu nhỏ của Phật giáo Bắc tông Việt Nam, phần lớn các tông phái, hệ phái, đặc trưng văn hóa Phật giáo ba miền Việt Nam đều có mặt ở Lào. Song, Phật giáo người Việt ở Lào không nặng nề về tông phái hay vùng miền, đơn giản nhiều về nghi lễ trong thời khóa tụng niệm so với Phật giáo trong nước, linh hoạt trong tiếp nhận để phù hợp với đời sống tín ngưỡng đa dạng của cộng đồng di cư người Việt ở Lào. 2.1.2. Dung hợp với tín ngưỡng dân gian, bản địa Qua khảo sát thực tế cho thấy, Phật giáo của người Việt ở Lào tuy có sự kế thừa tính dung hợp với tín ngưỡng dân gian của Phật giáo Việt Nam, song với môi trường xã hội mới ở Lào, nên nó không còn giữ khuôn mẫu truyền thống như Phật giáo trong nước. Đồng thời, việc dung hợp các hình thức tín ngưỡng dân gian của Phật giáo Việt Nam ở Lào cũng phản ánh đặc trưng văn hóa vùng miền thông qua sự lựa chọn thờ Mẫu hay thờ Quan Thánh Đế Quân, hoặc không thờ Thánh, Thần tại các chùa Việt ở Lào. 2.1.3. Thể hiện qua kiến trúc Kiến trúc chùa Việt ở Lào hết sức đa dạng, trên cơ sở kế thừa văn hóa kiến trúc chùa tháp Phật giáo Việt Nam từ ba miền và giao lưu văn hóa kiến trúc chùa tháp Phật giáo Lào. Trong quần thể kiến trúc của ngôi chùa Việt có ba công trình kiến trúc quan trọng đó là cổng tam quan, ngôi chánh điện và bảo tháp, tạo nên sự khác biệt văn hóa kiến trúc chùa tháp với các dân tộc khác. 14 2.1.4. Thể hiện qua bài trí tượng thờ Để hòa nhập với điều kiện xã hội mới, Phật giáo của người Việt ở Lào không thể không có sự giao lưu văn hóa với Phật giáo Nam tông Lào. Một trong nhiều hệ quả đó được thể hiện rõ nét nhất đó là cách bài trí tượng thờ tại các chùa Việt ở Lào. Bài trí tượng thờ tại các chùa Việt ở Lào chủ yếu là môtip “Thích Ca tam tôn” thay vì “Tây Phương Tam Thánh” như Phật giáo trong nước. Về nghệ thuật tạc tượng Phật chính trong Phật điện chùa Việt ở Lào cho thấy sự sáng tạo, dung hợp hai trường phái nghệ thuật tượng Phật Việt Nam và tượng Phật Lào như: đỉnh tóc không cao, trái tai dài và dày, mũi cao và hơi khoằm, môi hơi dày, khóe mắt không dài, mặc y kín vai, ngồi kiết già trong tư thế xúc địa ấn. 2.2. Tính nhập thế 2.2.1. Tinh thần vì đạo pháp – vì dân tộc Từ buổi đầu du nhập cho đến hiện nay, thời kỳ nào tăng ni, Phật tử người Việt ở Lào cũng đều tích cực trong các phong trào dân tộc, luôn dấn thân trong các hoạt động vì sự phát triển Phật pháp, xây dựng sự đoàn kết cộng đồng, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, hai nhà nước Việt Nam – Lào 2.2.2. Hoạt động từ thiện – xã hội Một trong những hoạt động nổi bật của Phật giáo người Việt ở Lào đó là Từ thiện xã hội. Phật giáo của người Việt ở Lào luôn xem trọng việc tích phúc, cứu người hơn nghi lễ hình thức, sẻ chia khó khăn của bà con ruột thịt nơi đất khách. Hoạt động từ thiện – xã hội của Phật giáo Việt Nam tại Lào hết sức đa dạng, mặc dù các hoạt động đó diễn ra ở từng chùa Việt còn mang tính tự phát, song đều xuất phát từ tinh thần san sẻ và góp phần xây dựng sự đoàn kết cộng đồng người Việt. Qua đó cho thấy tính nhập thế, tinh thần dấn thân của tu sĩ Phật giáo Việt Nam, đã hòa mình vào đời sống cộng đồng bà con người Việt ở Lào để cảm nhận, để thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn nơi đất khách. Đồng thời, qua hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng người Việt nơi xa xứ và tạo thiện cảm đối với người dân bản xứ. 2.2.3. Hoạt động kinh tế - văn hóa Việc lập ra phòng phát hành văn hóa phẩm Phật giáo để vừa tạo ra nguồn tài chính cho sinh hoạt nhà chùa, vừa làm kênh phổ biến vật phẩm văn hóa Phật giáo đến quần chúng như: kinh sách, tượng thờ, trang phục, pháp khí,… Đây là sự sáng tạo của Phật giáo người Việt ở Lào, thích ứng với hoàn cảnh xã hội thực tại, xây dựng mô hình “kinh tế nhà chùa” trong không gian văn hóa thuần quan niệm của người dân rằng nhà sư phải xa rời các hoạt động về kinh tế, thậm chí không được tự giữ tài chính. Tu sĩ Phật giáo Việt Nam ở Lào, không chỉ biết tụng kinh, gõ mõ mà còn tích cực góp phần chăm lo đời sống văn hóa cho cộng đồng. Vào các dịp lễ lớn trong năm, sân chùa là không gian văn hóa lễ hội của cộng đồng với các chương trình văn nghệ giao lưu văn hóa Việt – Lào. 15 2.2.4. Tinh thần đạo hiếu, phóng sanh và ăn chay Phật giáo của người Việt ở Lào không đề cao những triết lý cao siêu, xa rời cuộc sống. Mà luôn nhập thế, hòa mình vào cuộc sống đời thường của người dân, khuyên dạy tín đồ hiếu kính ông bà, cha mẹ, ăn chay, phóng sanh tu phước, xây dựng nền tảng đạo đức cho bản thân và cộng đồng. Có thể nói, ăn chay đã trở thành đặc trưng văn hóa của cộng đồng Phật tử người Việt ở Lào trong không gian văn hóa Phật giáo Nam tông Lào. 2.3. Tính dân gian và thực tiễn 2.3.1. Thể hiện qua phương pháp tu tập và kinh tụng hàng ngày Cộng đồng người Việt ở Lào phần lớn có trình độ học vấn thấp và chủ yếu là lao động chân tay. Do đó, trong đời sống tôn giáo, họ thường chọn cho mình những phương pháp tu tập đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành. Đối với những bản kinh mà họ chọn tụng chủ yếu là những bản kinh cầu an, cầu siêu, phù hợp với cuộc sống đời thường. 2.3.2. Thể hiện qua các khóa tu học giáo lý Với điều kiện cuộc sống bộn bề mưu sinh, nên tư tưởng về nhân quả ăn hiền ở lành, gieo gió ắt gặp bão, đơn giản, dễ hiểu đó rất phù hợp và đã ảnh hưởng sâu đến lối sống của người dân Việt tại Lào. Quan tâm học hỏi triết học trong Tam Tạng giáo điển có phần hạn chế và đôi khi cho đó là việc của giới tu sĩ. 2.3.3. Thể hiện qua nhân lực và cơ sở tôn giáo Từ khi có ngôi chùa Việt đầu tiên ở Lào đến nay, cho thấy Phật giáo của người Việt ở đây mang tính dân gian rõ nét. Trước tiên, quá trình du nhập Phật giáo Bắc tông Việt Nam sang Lào thiếu sự chính thống từ tổ chức Phật giáo trong nước. Tăng Ni sang hoằng pháp ở xứ Lào đều mang tính tự phát. Du nhập và tồn tại luôn trong tình trạng thiếu một tổ chức giáo hội chung thống nhất trên cả nước. Sự ra đời của ngôi chùa Việt ở Lào hết sức đa dạng, nó không mang tính chùa làng như Phật giáo Bắc bộ và cũng không có dạng “cải gia vi tự” như Phật giáo Nam bộ, mà nó vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đồng. 2.3.4. Thể hiện qua pháp phục - ẩm thực Để phù hợp với môi trường văn hóa Phật giáo Nam tông Lào, pháp phục của chư Tăng Phật giáo người Việt ở Lào đơn giản hơn nhiều so với tu sĩ trong nước và chủ yếu là màu vàng, còn chư Ni là màu lam hoặc màu trắng. Mặc dù ăn chay nhưng tu sĩ Phật giáo người Việt ở Lào cũng thọ trai hai bữa chính là bữa sáng và trưa, không ăn vào bữa chiều giống như Phật giáo Nam tông Lào. Qua khảo sát thực tế ở Lào cho thấy, ăn chay không chỉ diễn ra đối với tu sĩ mà còn có bà con người Việt, đặc biệt là cộng đồng Phật tử theo truyền thống Phật giáo Bắc tông Việt Nam. Tiểu kết Khi nghiên cứu về văn hóa Phật giáo của người Việt ở Lào, nhận thấy rằng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của lý thuyết giao lưu và tiếp biến văn hóa. 16 Theo đó, những đặc tính văn hóa mới được nảy sinh khi hai hoặc các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục, song mỗi nền văn hóa vẫn giữ tính riêng biệt của mình dựa trên yếu tố “nội sinh” để lựa chọn tiếp nhận yếu tố “ngoại sinh”, từng bước làm giàu, phát triển văn hóa dân tộc. Với điều kiện văn hóa – xã hội đặc thù ở xứ Lào, Phật giáo Bắc tông Việt Nam khi du nhập đến Lào đã tạo nên những đặc điểm riêng trên cơ sở linh hoạt kế thừa có chọn lọc những giá trị truyền thống của Phật giáo Bắc tông Việt Nam và tiếp thu yếu tố văn hóa bản địa của Phật giáo Nam tông Lào. Ở hầu hết các đặc trưng văn hóa Phật giáo Bắc tông của người Việt ở Lào như tính đa dạng và dung hợp; tính nhập thế; tính dân gian và thực tiễn, được thể hiện qua sự chọn lựa hệ phái, tông phái, kinh sách, giáo lý, kiến trúc, bài trí tượng thờ. Mỗi một ngôi chùa, một kiến trúc, một pho tượng,… đều có dấu ấn của yếu tố văn hóa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào. Đồng thời, Phật giáo Việt Nam tại Lào còn cho thấy sự dung hợp đặc trưng văn hóa Phật giáo ở mỗi vùng miền từ Việt Nam và các hình thức tín ngưỡng dân gian, bản địa, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh đa dạng của người dân Việt ở Lào. CHƯƠNG 3 VAI TRÒ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT Ở LÀO 3.1. Một số nét tiêu biểu trong sinh hoạt Phật giáo 3.1.1. An cư Kiết hạ Vào ba tháng An cư Kiết hạ của tu sĩ Phật giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sông tâm linh, tôn giáo của người Việt tại Lào, các chùa Việt đều tổ chức khóa tu khuyến tấn bà con người Việt nói chung, cộng đồng Phật tử nói riêng lên chùa tụng kinh, lễ Phật, tích phúc và nếu đến thời gian vào hạ của Phật giáo Lào thì họ cũng tâm niệm An cư, cố gắng giữ gìn Ngũ giới và thực hành những điều kiêng kỵ theo phong tục Lào trong thời gian ba tháng. Qua đó, để tích được nhiều phúc đức hơn, biết chấp nhận khó khăn trong cuộc sống để cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và biết chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. 3.1.2. Khóa tu Bát Quan Trai Giới và khóa tu niệm Phật Ở mỗi kỳ khóa tu Bát Quan Trai hay khóa tu niệm Phật tại chùa Việt ở Lào đều có thuyết pháp hoặc giảng dạy giáo lý. Qua đó, nhằm giáo dục mọi người hiểu biết hơn về đạo Phật, xây dựng niềm tin vững chắc vào tôn giáo mà bản thân đã chọn, tu tập đúng chánh pháp, tránh những hủ tục, mê tín, dị đoan. Đồng thời, qua các thời pháp tại chùa, Phật tử không chỉ được học giáo lý mà còn được học kiến thức về văn hóa, về sự tương đồng và khác biệt phong tục tập quán của hai dân tộc Việt Nam và Lào nói chung, văn hóa Phật giáo Nam tông Lào và văn hóa Phật giáo Bắc tông Việt Nam nói riêng. Qua đó, mọi người không chỉ kính tin Tam Bảo mà còn phải biết gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời có ý thức tôn trọng tục lệ của người dân bản xứ, để thuận lợi trong quá trình hòa nhập 17 vào đời sống văn hóa – xã hội của họ. 3.1.3. Gia đình Phật tử Việc tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử hay câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử của chùa Việt ở Lào nhằm mục đích xây dựng, định hướng đời sống tâm linh, tôn giáo đối với tầng lớp thanh thiếu niên người Việt ở Lào, đặc biệt là thế hệ sinh ra và lớn lên ở Lào, thông qua một số hoạt động nổi bật như học hỏi giáo lý cơ bản về đạo Phật, tụng kinh, lễ Phật và tọa thiền. Đồng thời, đây cũng là kênh để các chùa Việt ở Lào để quảng bá văn hóa Phật giáo Việt Nam và hướng thế hệ thanh thiếu niên người Việt sinh ra và lớn lên ở Lào về cội nguồn dân tộc. 3.1.4. Ban hộ tự Mặc dù có những vướng mắc trong cách điều hành, song việc tồn tại Ban hộ tự từ buổi đầu lập chùa cho đến hiện nay cho thấy chức năng quan trọng của mình trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt ở Lào, là giữ gìn và phát triển cơ sở vật chất ngôi chùa để làm nơi đi về phục vụ đời sống tâm linh cho bà con nơi xa xứ; cố kết, đoàn kết cộng đồng Phật tử nói riêng và cộng đồng người Việt ở mỗi địa phương Lào nói chung; chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bà con ruột thịt nơi đất khách. 3.1.5. Ban hộ niệm Sự ra đời của Ban hộ niệm tại các chùa Việt ở Lào là sự ứng phó trong hoàn cảnh chùa không có tu sĩ thường trú, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tụng kinh cầu siêu khi có người mất. Qua thời gian, sự tồn tại của Ban hộ niệm trong đời sống tinh thần của bà con người Việt ở Lào đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc giúp đỡ, chia sẻ về mặt tinh thần trong hoàn cảnh sinh ly tử biệt nơi đất khách. Không những thế, Ban hộ niệm như là gạch nối giữa chùa với người dân để góp phần kết nối mọi người trong cộng đồng. 3.2. Nghi lễ vòng đời của người Việt ở Lào 3.2.1. Một số quan niệm và kiêng kỵ trong thời gian mang thai Có thể nói, tư tưởng nhân sinh của Phật giáo đã góp phần làm thay đổi nhiều quan niệm, hủ tục kiêng khem của thai phụ người Việt ở Lào trong sinh hoạt hàng ngày ở gia đình cũng như quan hệ xã hội so với người Việt trong nước. Nếu họ có thực hiện một số kiêng kỵ thì đó cũng là sự tự nguyện để tốt cho bản thân và thai nhi hơn là mang tính bắt buộc. Mặt khác, tư tưởng nhân quả của Phật giáo làm thiện được thiện, làm ác gặp ác đã tác động, ảnh hưởng đến lối sống của người Việt ở Lào, góp phần an ủi tinh thần cho thai phụ trong thời gian mang thai, tránh được những tục lệ không phù hợp văn hóa dân tộc, không đem lại lợi ích cho bản thân thai phụ và thai nhi. 3.2.2. Lễ đầy tháng và lễ thôi nôi Vai trò của Phật giáo và nhà sư đối với lễ đầy tháng và lễ thôi nôi của người Việt ở Lào không được thể hiện rõ, song cũng cho thấy dấu ấn của Phật giáo là niềm an ủi tinh thần trong thời gian những năm đầu đời của thành viên 18 mới trong gia đình. Trong điều kiện hiện nay, những người Việt ở Lào thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai đang lần lượt qua đời, thì thế hệ thứ ba, thứ tư, vai trò của Phật giáo, sự tin tưởng vào nhà sư (hơn là các thầy cúng với nhiều quan niệm, hủ tục khác nhau của các vùng miền) đối với việc định hướng, hướng dẫn thực hành lễ nghi cúng bái trước nhất là đáp ứng nhu cầu tâm linh và cúng như thế nào có ích cho bản thân, gia đình, cũng như góp phần lưu giữ phong tục tập quán dân tộc, để con cháu thế hệ sau này không bị mất gốc. 3.2.3. Lễ cưới Việc một số chùa Việt tổ chức lễ Hằng Thuận cho Phật tử người Việt ở Lào đã thể hiện rõ nét tính nhập thế của Phật giáo Bắc tông Việt Nam ở Lào, việc làm đó không chỉ khơi gợi tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về cưới hỏi, mà còn phát huy một cách hiệu quả nền tảng đạo đức tâm linh, định hướng tân lang tân nương sống hữu ích trong đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói, lễ Hằng Thuận như là cầu nối giữa đạo và đời; là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc Việt Nam và giá trị tâm linh của Phật giáo. 3.2.4. Mừng thọ Nhằm góp phần giáo dục đạo đức trong cộng đồng, đặc biệt đối với các thế hệ con cháu về tinh thần hiếu kính các bậc ông bà, cha mẹ, chùa Việt ở Lào đứng ra tổ chức lễ mừng thọ tập thể cho những người cao tuổi trong cộng đồng. Có thể nói, buổi lễ, dù long trọng hay đơn giản, ngoài giá trị tâm linh đối với những người được mừng thọ, được quan tâm, còn mang tính giáo dục nhân văn cao về tinh thần trọng đạo hiếu của dân tộc Viêt Nam. Đồng thời, sự quy tụ đông đảo mọi người với nhiều thế hệ người Việt lên chùa đã góp phần quan trọng cho sự giao lưu, chia sẻ và gắn kết mọi người trong cộng đồng. 3.2.5. Lễ tang Qua thực tế nghiên cứu cho thấy, lễ tang của người Việt ở Lào chịu sự tác động, ảnh hưởng từ Phật giáo rõ nét. Tư tưởng vô thường, giải thoát của nhà Phật đã chi phối mạnh mẽ đến quan niệm khi sống hay lúc chết của người Việt ở Lào, đặc biệt là cộng đồng Phật tử. Từ việc xem ngày tốt ngày xấu cho đến thực hành từng nghi lễ trong lễ tang đều có vai trò của nhà sư Phật giáo. Nhà sư không chỉ trực tiếp thực hành các nghi thức đáp ứng nhu cầu tâm linh cầu siêu cho người mất, mà còn an ủi tinh thần cho người sống hiện tại, thực hành đúng tập quán dân tộc, tránh các hủ tục để cho kẻ còn người mất đều được lợi lạc. 3.3. Lễ hội Phật giáo của người Việt ở Lào 3.3.1. Lễ cầu an đầu năm Đến với lễ hội, cộng đồng người Việt ở Lào mới có dịp thoả mãn đời sống tâm linh, được thăng hoa từ đời sống hiện thực và hưởng thụ các giá trị đời sống tâm linh. Lễ hội cầu ân đầu năm ở chùa Việt với những hình thức cúng tế, dâng lễ vật, cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát,... đã làm cho Phật giáo ẩn chứa trong mình vai trò văn hóa tâm linh đối với cộng đồng người Việt ở Lào.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan