Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Văn xuôi ngọc giao trong tiến trình văn học hiện đại việt nam...

Tài liệu Văn xuôi ngọc giao trong tiến trình văn học hiện đại việt nam

.PDF
173
325
144

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGHIÊM THỊ HỒ THU VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1.GS Phong Lê 2. PGS.TS Lưu Khánh Thơ HÀ NỘI, 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu của luận án là trung thực và chưa được công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án Nghiêm Thị Hồ Thu MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ............................................ 6 1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao ... 6 1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao .......................................... 20 CHƯƠNG 2. VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI THẾ KỈ XX ........................................................................................................................... 32 2.1. Cơ sở hình thành văn xuôi Ngọc Giao . ................................................................. 32 2.2. Quá trình sáng tác của nhà văn Ngọc Giao ........................................................... 40 2.3. Quan niệm nghệ thuật Ngọc Giao .......................................................................... 55 CHƯƠNG 3. ĐỀ TÀI VÀ NHÂN VẬT VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ................................................. 61 3.1 Những đề tài chính trong văn xuôi Ngọc Giao ....................................................... 61 3.2. Thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn xuôi Ngọc Giao ....... 77 CHƯƠNG 4. NGƯỜI KỂ CHUYỆN, NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ........... 107 4.1 Người kể chuyện trong văn xuôi Ngọc Giao .................................................. 107 4.2. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Ngọc Giao ................................ 121 4.3. Giọng điệu trong văn xuôi Ngọc Giao ................................................................. 131 KẾT LUẬN ................................................................................................................ 148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ................................... 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................ 152 PHỤ LỤC .. ................................................................................................................ 163 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Văn học Việt Nam thế kỷ XX đã trải qua một thời kỳ vận động và phát triển gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Đó là giai đoạn văn học dân tộc đứng trước hai yêu cầu là cách mạng hóa và hiện đại hóa. Thực hiện được những yêu cầu đó, văn học thế kỷ XX đã tiếp tục đưa nền văn học nước nhà vươn đến những tầm cao mới với một quy mô ngày càng phong phú, đa dạng trong những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Sự phát triển của các trào lưu, xu hướng văn học, nhất là trong giai đoạn 1930-1945 đã đem đến những “mùa gặt” và tạc vào lịch sử văn chương Việt Nam “một thế hệ vàng”. Làm nên diện mạo và khẳng định vị thế của văn học, yếu tố quan trọng và tiên quyết đó chính là đội ngũ tác giả - lực lượng sáng tác. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện những giá trị văn chương trong từng tác giả với hệ thống các tác phẩm của họ luôn là việc làm cần thiết và hữu ích trong quá trình tiếp cận một nền văn học.Việc đánh giá lại một số tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại có đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam là điều cần thiết 1.2. Là một tác giả có vị trí quan trọng trong tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy - tờ báo phổ thông ra hàng tuần trong đời sống văn học trước 1945, Ngọc Giao là một cây bút sung sức và quen thuộc với độc giả đương thời. Với một khối lượng tác phẩm tương đối lớn và phong cách văn chương giàu mỹ cảm, hướng tới lý tưởng nhân văn đậm chất trữ tình mà cũng giàu chất hiện thực, Ngọc Giao xứng đáng là nhà văn hiện đại góp phần tạo dựng diện mạo văn học nước nhà thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1930-1945 cũng như bộ phận văn học khu vực đô thị Hà Nội tạm chiếm 1947-1954. Do đó, sự nghiệp văn chương của nhà văn Ngọc Giao cần được tìm hiểu và nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn về một phong cách tác giả đã góp phần làm cho văn học hiện đại Việt Nam thêm phong phú. Đó cũng là cơ sở để rút ra những nhận định mang tính chất lý luận về một thời kỳ văn học, một giai đoạn văn học. 1.3. Mặc dù Ngọc Giao là một cây bút đã đem đến cho độc giả những giá trị văn học không thể phủ nhận nhưng do cách nhìn nhận, sự đánh giá đôi khi còn chủ quan, phiến diện, số phận văn chương Ngọc Giao đã phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Có một quá trình sáng tác xuyên suốt thế kỷ nhưng giai đoạn 1945 -1985 những đóng góp của ông hoàn toàn bị khuất lấp bởi những quy kết và phê phán khắc 1 nghiệt. Đó cũng là lý do Ngọc Giao gác bút trong một khoảng thời gian khá dài và người đọc dần quên lãng, xa lạ với nhà văn. Đặc biệt là nhà văn có đời văn trải dài dọc thế kỷ XX, Ngọc Giao là một trong số ít các tác giả nổi danh từ trước 1945 và vẫn tiếp tục cống hiến chút sinh lực cuối đời cho nghiệp viết như một sự hồi sinh mãnh liệt. Đứng trong hàng ngũ những nhà văn cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...có thể nói Ngọc Giao là nhà văn có sức sống và sức viết tiềm tàng đáng ngưỡng mộ. Nếu như trước 1945, bạn đọc từng xúc động, ám ảnh với những trang truyện ngắn đầy tính nhân văn của Ngọc Giao thì vì những lý do riêng của hoàn cảnh lịch sử mà những đóng góp đáng quý của Ngọc Giao trong giai đoạn sáng tác 1947 - 1954 với nhiều tác phẩm có giá trị của văn học ở Hà Nội bị tạm chiếm đã bị lãng quên, kéo theo đó là sự thờ ơ, phủ nhận, quy chụp về nội dung, tư tưởng của tác phẩm khiến cho tên tuổi Ngọc Giao bị khuất lấp và cũng là hệ lụy cho quãng đời trầm lặng của Ngọc Giao cho đến những năm 90 của thế kỷ XX. Cũng chính bởi "sự quên" đó, điểm lại lịch sử nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao, chúng tôi thấy số lượng các bài viết chưa nhiều, một số công trình nghiên cứu chưa được chỉnh thể, hệ thống, đầy đủ về văn xuôi Ngọc Giao. Vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá để phục dựng một chân dung văn học đã có những đóng tích cực cho dòng văn xuôi hiện đại Việt Nam trong bối cảnh hiện trạng nghiên cứu hiện nay về Ngọc Giao là một việc cần thiết để bù lấp khoảng trống văn học sử giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả và diện mạo nền văn học nước nhà. Luận án hoàn thành hy vọng sẽ góp phần phục dựng một chân dung văn học không thể không nói đến trong nền văn học Việt Nam hiện đại và góp thêm một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập văn học nói chung và tìm hiểu tác giả Ngọc Giao nói riêng. Vì những cơ sở lý luận và thực tế trên, theo chúng tôi, việc thực hiện đề tài Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam là cần thiết và mang tính khả thi. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1 Mục đích nghiên cứu Thực hiện đề tài này chúng tôi hướng đến mục đích: - Đặt văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại để thấy được văn nghiệp của tác giả với những thành công và giới hạn cũng như bước 2 đầu có những đánh giá, nhận xét có hệ thống về đặc điểm văn chương, thế giới nghệ thuật, vị trí, vai trò và đóng góp của nhà văn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. - Nghiên cứu những phương diện cơ bản trong sự nghiệp sáng tác của Ngọc Giao như: Hệ thống các tác phẩm và tìm hiểu các giai đoạn sáng tác, quan niệm văn chương của nhà văn, đặc điểm các thể loại sáng tác chính là truyện ngắn, tiểu thuyết và ký từ đó rút ra những đặc điểm cơ bản của văn xuôi Ngọc Giao trên các phương diện cơ bản như: đề tài, thế giới nhân vật, người kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu... 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Thứ nhất: Tập hợp, thống kê, phân loại các tác phẩm của Ngọc Giao theo giai đoạn sáng tác và thể loại. Thứ hai: Tìm hiểu tình hình chính trị, xã hội, những giao lưu, tiếp biến và tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan đến quá trình sáng tác và đặc trưng bút pháp của nhà văn. Thứ ba: Đi sâu phân tích lý giải các khía cạnh giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học cụ thể để rút ra những nhận xét khái quát về từng thể loại chính yếu trong từng giai đoạn sáng tác của tác giả nói riêng và đặc điểm văn xuôi Ngọc Giao nói chung. Thứ tư: Khẳng định những nét đặc trưng trong nội dung và nghệ thuật tác phẩm Ngọc Giao. Đánh giá về phong cách và vị trí, đóng góp của nhà văn trong tiến trình vận động của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nghiên cứu là tất cả các tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao, đặc biệt tập trung vào các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và ký tiêu biểu đã được xuất bản, tái bản. Trong quá trình thực hiện luận án, nghiên cứu sinh có sử dụng các tác phẩm của các nhà văn hiện đại Việt Nam để làm tài liệu tham khảo, đối sánh. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau: - Phương pháp nghiên cứu văn học sử: Sử dụng phương pháp nghiên cứu này, người viết đặt tác phẩm của Ngọc Giao trong bối cảnh lịch sử của sự vận động và 3 phát triển của văn xuôi Ngọc Giao nói riêng và của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung để tìm ra những nét khu biệt và giống nhau trong đặc điểm sáng tác của ông với các tác giả khác cũng như những đóng góp của Ngọc Giao với văn học sử.. - Phương pháp tiếp cận thi pháp: Vận dụng những hiểu biết về thi pháp học để phân tích tác phẩm cụ thể qua đó rút ra những đặc trưng thể loại và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nhằm phân tích, lý giải rõ hơn mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa văn hóa, lịch sử, xã hội đến quá trình sáng tác và hình thành đặc điểm văn xuôi của Ngọc Giao. - Phương pháp so sánh: Nhằm rút ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các tác phẩm, các giai đoạn sáng tác của nhà văn, sự độc đáo và tương hợp trong phong cách sáng tác với các tác giả cùng thời. - Phương pháp nghiên cứu hệ thống: Giúp người nghiên cứu có cái nhìn hệ thống, toàn diện, thống nhất để thực hiện quá trình đánh giá, định vị tác giả trong tiến trình vận động và phát triển của văn học. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp vận dụng các phương pháp, thao tác khác khi cần thiết như phương pháp loại hình, thao tác thống kê – phân loại... và các lý thuyết có liên quan như: lí thuyết tự sự học, thuyết hiện sinh, văn hóa học, phê bình sinh thái, nữ quyền luận, hậu thực dân... 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án là công trình khoa học nghiên cứu một cách hệ thống đặc điểm văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. - Kế thừa kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu đi trước, luận án tiếp tục chỉ ra và làm rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn, những giá trị nổi bật, những dấu ấn sáng tạo và đóng góp, vị trí của văn xuôi Ngọc Giao trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận - Luận án góp phần đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về đặc điểm, thành tựu văn xuôi Ngọc Giao nói chung và phong cách Ngọc Giao nói riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. 4 - Luận án là minh chứng cho những đóng góp của nhà văn Ngọc Giao với nền văn xuôi Việt Nam hiện đại và cũng là những bổ khuyết cho việc nghiên cứu về một tác giả trong một giai đoạn văn học còn chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn - Luận án góp phần phục dựng chân dung văn học tác giả Ngọc Giao và có thêm cơ sở cho những ghi nhận về đóng góp của Ngọc Giao với nền văn học Việt Nam hiện đại. - Luận án cũng là tài liệu tham khảo phục vụ công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu cho sinh viên, giáo viên và các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được triển khai trong 4 chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Chương 2: Văn xuôi Ngọc Giao trong bối cảnh xã hội thế kỷ XX Chương 3: Đề tài và nhân vật văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam Chương 4: Người kể truyện, ngôn ngữ và giọng điệu văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam 5 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU. 1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao 1.1.1. Giới thuyết về hiện đại và văn học hiện đại Việt Nam *Một số khái niệm Tìm hiểu và nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, trước hết cần xác định rõ khái niệm "hiện đại", "hiện đại hóa", "văn học hiện đại" và "hiện đại hóa văn học". Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000," hiện đại" là thuộc về thời đại ngày nay, có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay. "Hiện đại hóa" là làm cho mang tính chất của thời đại ngày nay, làm cho trở thành có đầy đủ mọi trang thiết bị của nền công nghiệp hiện đại. "Văn học hiện đại" hiểu một cách chung nhất đó là "nền văn học tương thích với thời hiện đại, mới mẻ, khác biệt so với các thời đại văn học trước đó"[42; 1]. "Hiện đại hóa văn học" có thể hiểu là quá trình biến đổi làm cho văn học mang tính chất hiện đại, mới mẻ khác với văn học cũ. Khái niệm hiện đại được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị và cả trong đời sống thường nhật ngày nay. Khái niệm này nhằm thể hiện trình độ, đặc điểm hoặc ngầm ý nói đến những giá trị và cái mới trong tương quan so sánh với cái trước đó. Để xác định một phạm trù nào đó là hiện đại hay không, thông thường "hiện đại" được xác định qua hai tiêu chí thời gian và trình độ phát triển. Đối với khoa học nhân văn nói chung và văn học nói riêng, tính hiện đại có thể xuất hiện ngay từ trong những giá trị truyền thống. Mặt khác, theo Trần Đình Sử, "tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau" [154; 255- 256]. Đi liền với khái niệm hiện đại là tính hiện đại. Tính hiện đại gắn với độ mở của tư duy và có thể là những dự phóng của thời đại. Và theo đó, nói đến hiện đại cũng là nói đến cái mới, cái khác với cái cũ. Đó cũng là những nhân tố cách mạng, kết tinh, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. *Vấn đề phân kì văn học hiện đại Việt Nam Vấn đề phân kì văn học Việt Nam thế kỷ XX là vấn đề khá phức tạp bởi có nhiều ý kiến khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau. Đó vẫn là vấn đề còn có những điểm chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận và vẫn tiếp tục nghiên cứu. Song nhìn tổng thể, các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiến trình văn học Việt Nam là sự tiếp nối từ văn học cổ trung đại đến hiện đại và hậu hiện đại. 6 Nhìn tiến trình văn học theo trục thời gian, về mốc thời gian bắt đầu của văn học cận đại và văn học hiện đại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho rằng: văn học cận đại từ 1907 đến 1945, văn học hiện đại tính từ sau 1945. Theo nhà nghiên cứu Phong Lê, giai đoạn văn học cận đại rất mờ nhạt và có tính trung chuyển giữa văn học trung đại và hiện đại. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ lại cho rằng văn học hiện đại bắt đầu từ 1862 đến 1945. Các tác giả Trần Đình Hượu và Lê Trí Dũng lại cho giai đoạn 1900 - 1930 là giai đoạn giao thời, sau 1930 là văn học hiện đại. Các tác giả của một số giáo trình văn học ở miền Bắc cũng phần lớn cho rằng văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu sau những năm ba mươi của thế kỷ XX với mốc 1930 hoặc 1932. Có một số nhà nghiên cứu như Trần Nho Thìn, Phan Cự Đệ có cách hình dung gián tiếp chia tiến trình văn học theo thế kỷ. Theo đó, văn học trung đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, văn học hiện đại bắt đầu từ thế kỉ XX. Các nhà nghiên cứu này cũng lưu tâm năm 1900 không phải là dấu mốc rạch ròi giữa văn học trung đại và văn học hiện đại. Nhìn sự vận động của văn học từ những bước chuyển hệ hình, đi sâu khai thác khái niệm văn học hiện đại, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phong Lê, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn, Nguyễn Đăng Điệp... đều cho rằng văn học hiện đại là nền văn học đã thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại để xác lập nên hệ thống thi pháp mới, thi pháp văn học hiện đại. Văn học hiện đại thoát khỏi hệ thống ước lệ, sùng cổ, quan niệm phi ngã và tình trạng văn, sử, triết bất phân để đề cao cá tính sáng tạo trong sáng tác văn học. Từ những góc nhìn khác nhau, mỗi nhà nghiên cứu đều có những kiến giải riêng về văn học hiện đại. Tuy nhiên, để xác định nội hàm khái niệm này các nhà khoa học đều quan tâm đến sự khác nhau giữa mô hình văn học trung đại và hiện đại. Các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến việc nhìn văn học hiện đại trong sự dịch chuyển và tiếp xúc với văn học khu vực và thế giới để tìm ra tính quy luật và đặc thù của quá trình hiện đại hóa văn học. Điểm khác biệt giữa văn học hiện đại và văn học trung đại biểu hiện rõ nét ở quan niệm và thi pháp nghệ thuật. * Những tiền đề, điều kiện xuất hiện văn học hiện đại Việt Nam Văn học hiện đại Việt Nam là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa từ khu vực đến thế giới. Sự dịch chuyển trong tiếp xúc với văn hóa, văn học Tây Âu trong đó có văn hóa, văn học Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã khiến cho văn học Việt Nam hòa nhập dần vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, ban đầu đó là sự tiếp xúc mang tính bắt buộc nhưng với sự tiếp nhận nhạy bén của những nghệ sĩ, trí thức đương thời, nó đã trở thành quy luật tự nhiên để 7 góp phần hiện đại hóa văn học. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã nhận thấy những gò bó và bế tắc bởi những quy phạm của văn học trung đại và họ đã tiếp nhận những yếu tố hiện đại từ phương Tây nhưng không hoàn toàn đánh mất bản sắc văn hóa Việt. Nhưng do đặc điểm văn hóa và tâm lý mỗi dân tộc khác nhau, quá trình hiện đại hóa, phương Tây hóa cũng tạo nên những đứt gãy văn hóa, đứt gãy quan niệm, tư duy và văn tự. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đến năm 1945 văn học Việt Nam đã cơ bản hoàn tất quá trình hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa theo đó diễn ra trong ba chặng: Từ đầu thế kỷ XX đến 1920, những năm 20, từ 1930-1945. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp và một số ý kiến khác, "đến năm 1945, đúng là văn học Việt Nam đã nằm trong quỹ đạo nghệ thuật hiện đại, nhưng quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt thế kỷ XX" [42; 21]. Vì vậy, quá trình hiện đại hóa diễn ra theo ba chặng. Chặng 1: Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 gắn liền với sự giao lưu văn hóa Pháp và phương Tây. Chặng 2 từ 1945 đến 1985 gắn với sự giao lưu văn hóa Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa diễn ra chủ yếu ở miền Bắc và giao lưu, tiếp nhận văn hóa phương Tây, lối sống Mỹ ở miền Nam. Chặng 3 từ 1986 đến nay gắn với quá trình dịch chuyển, giao lưu toàn diện, quy mô, sâu sắc hơn với văn học thế giới. Như vậy, "đầu thế kỷ XX, hiện đại hóa chủ yếu đồng nghĩa với phương Tây hóa, Pháp hóa. Từ sau 1945, hiện đại hóa đã trở nên đa dạng hơn và sự đa dạng ấy càng trở nên rõ nét từ sau 1986 khi Việt Nam xác lập nền kinh tế thị trường và tham gia hội nhập thế giới đa phương"[42; 24]. Từ nội hàm khái niệm "hiện đại hóa", hiện đại hóa văn học là quá trình tiến đến tính hiện đại của văn học với những gì mới mẻ, hợp thời, có tính chất tinh xảo và mang tính thời đại mới. Bản chất của hiện đại hóa chính là sự đổi mới văn học. Và vì vậy, bắt đầu đổi mới theo hướng hiện đại từ đầu thế kỷ XX cho đến nay văn học Việt Nam đã và đang được hiện đại hóa trong suốt tiến trình văn học qua những chặng khác nhau và mang những đặc trưng khác nhau đưa nền văn học Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới. Mỗi chặng đường hiện đại hóa gắn liền với đặc điểm lịch sử, xã hội và những mối giao lưu văn hóa khác nhau tạo nên những khu biệt và đặc sắc của quá trình hiện đại hóa văn học. * Các bình diện của văn học hiện đại Việt Nam Chủ thể sáng tạo là nhân tố khác biệt đầu tiên và là tiền đề cho sự thay đổi diện mạo văn học hiện đại. Nếu như chủ thể sáng tạo của văn học trung đại là trí thức phong kiến và tầng lớp nhà sư có học thì chủ thể sáng tác của văn học hiện đại không còn là những nhà Nho mà là những trí thức Tây học với tinh thần thời đại mới. Đội ngũ sáng tác của văn học hiện đại không ngừng phát triển về số lượng và có sự tiếp nhận nhanh nhạy với tư duy, mỹ cảm phương Tây hiện đại. Không chỉ có những cây 8 bút nam mà những cây bút nữ cũng sáng tác mạnh dạn với số lượng ngày càng nhiều và bản lĩnh thể hiện cá tính sáng tạo. Công chúng văn học mới của văn học hiện đại được mở rộng đến nhiều tầng lớp chứ không còn bó hẹp như văn học trung đại. Bước sang thời kì hiện đại, chữ Quốc ngữ được sử dụng phổ biến, trình độ dân trí được dần nâng cao, hoạt động xuất bản và báo chí nở rộ, môi trường hưởng thụ văn hóa được mở rộng cả về lượng và chất, quan niệm, thị hiếu thẩm mĩ của các tầng lớp nhân dân được thay đổi theo hướng hiện đại ngày càng phong phú. Do đó, công chúng văn học ngày càng đa dạng và phong phú. Sự nhạy bén của người thưởng thức cùng sự sáng tạo với quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật mới đã khiến cho công chúng văn học sôi nổi, háo hức đón nhận những món ăn tinh thần văn chương mới phù hợp với thời đại. Đặc biệt, sự xuất hiện của cái Tôi cá nhân trong văn học đã tạo nên những cấu trúc nghệ thuật mới đa dạng, phong phú trong sáng tác và hấp dẫn, thu hút thêm nhiều độc giả. Công chúng văn học như tìm thấy mình trong văn chương bởi những cái tôi được gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Trường tri thức mới và những quan niệm mới mẻ về cái tôi cá nhân đã được các trí thức Tây học, những nhà Nho thức thời giới thiệu nhằm mở mang hiểu biết và nâng cao dân trí góp phần chuyển đổi ý thức hệ trung đại sang hiện đại. Nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành từ đầu thế kỉ XX đã kích thích văn học phát triển theo hướng hiện đại. Văn chương viết ra không chỉ để giải trí, tiêu sầu mà trở thành hàng hóa, nhà văn là nhà sản xuất, viết văn trở thành một nghề, người đọc văn chương là người tiêu thụ sản phẩm. Theo đó giá trị tác phẩm văn chương gắn liền với tiền tệ. Đó là điểm khác biệt với văn học trung đại. Cũng từ đó một thị trường văn hóa và văn học được hình thành.Và xuất bản, báo chí vừa là nguồn cung vừa kích thích tiêu thụ. Đó cũng là cơ sở để mở rộng thị trường văn học và thúc đẩy sự phát triển của văn học. Gắn với sự phát triển của thị trường, cảm quan đô thị trong văn học cũng trở thành tiêu chí giúp ta phân biệt văn học trung đại và văn học hiện đại. Ý thức về đô thị và kinh tế thị trường trong văn học hiện đại đã trở thành thường trực trong xã hội hiện đại chứ không chỉ dừng ở mức độ cá biệt như trong văn học trung đại. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, miền Bắc không tồn tại kinh tế thị trường. Những năm 1954 - 1975, miền Nam tuy có thị trường nhưng báo chí và xuất bản tư nhân chưa thực sự là lực lượng vật chất thực sự như tính chất vốn có của nó. Sau khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX, do hệ quả của công cuộc Đổi mới sau đó một thời gian nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập. Theo đó, hoạt động xuất bản được mở rộng và các công ty truyền thông phát triển. Thị trường văn học sôi động, cởi mở, đa dạng hơn với nhiều 9 loại hình và có sự phân hóa mạnh mẽ. Đó cũng là cơ hội và thách thức cho người sáng tác cùng sự tồn tại của tác phẩm văn học. Biểu hiện cơ bản phân biệt văn học hiện đại và văn học trung đại là sự hiện đại về thi pháp nghệ thuật. Thi pháp văn học hiện đại hoàn toàn thoát khỏi những nét quy phạm của văn học trung đại. Về quan niệm nghệ thuật, văn học hiện đại gắn liền với cảm quan cá nhân, khuyến khích sự sáng tạo chứ không còn hướng đến mục đích cao nhất là giáo huấn, tải đạo, nói chí, phi ngã. Tư duy nghệ thuật trung đại tuân theo những quy phạm nghệ thuật có sẵn, nghiêm ngặt, nguyên tắc. Tư duy nghệ thuật hiện đại đã giải phóng tính quy phạm và đề cao cá nhân trong một môi trường xã hội dân chủ. Nhà văn có cơ hội thể hiện những sáng tạo trên cơ sở trí tưởng tượng của cá nhân để tạo nên tính đối thoại, cởi mở, phong phú trong tác phẩm nghệ thuật. Nếu như văn học trung đại thường chủ yếu giấu kín những gì thuộc về con người cá nhân, cái nhìn về thế giới và con người chịu sự chi phối của quan niệm thiên nhân hợp nhất thì văn học hiện đại hướng đến phơi bày thể hiện tự nhiên tất cả những gì thuộc về cá tính, cá nhân trong mỗi con người. Ngôn ngữ văn học trung đại dựa trên những quy tắc định sẵn, ước lệ, tượng trưng, dùng nhiều điển cố điển tích. Văn học hiện đại sử dụng hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng, gần với đời sống và giàu cá tính. Quá trình hiện đại hóa gắn với sự thay thế chuyển đổi từ việc sáng tác bằng chữ Hán sang chữ Nôm và từ chữ Nôm tiến đến dùng chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ báo chí đã có nhiều tác động tích cực đến ngôn ngữ văn học. Vì vậy, nhiều nhà văn cũng là những nhà báo cự phách. Giọng điệu văn học trung đại thiên về trữ tình của điệu ngâm và mang tính độc thoại còn giọng điệu văn học hiện đại thuộc phạm trù điệu nói mang tính đối thoại. Văn học trung đại mang tính chức năng với tư duy văn - sử - triết bất phân. Thơ phú được đề cao hơn tiểu thuyết và kịch. Đến thời kì hiện đại, văn xuôi phát triển tạo nên sự thay đổi quan trọng trong tư duy nghệ thuật hiện đại khiến cho văn học dần thoát khỏi tính ước lệ để hướng đến thực tại. Vì vậy, văn học hướng đến việc phản ánh cuộc sống đời thường thay vì chỉ miêu tả đời sống cao quý như trong văn học truyền thống. Văn chương coi trọng sự thực ở đời với cái nhìn chân xác về thực tế chứ không chỉ đề cao những vấn đề lý tưởng, cao xa. Văn học hiện đại coi trọng truyền thống văn hóa dân tộc nhưng không phụ thuộc và noi gương thi học Trung Hoa. Tác phẩm văn học hiện đại được sáng tác giản dị, tự nhiên nhưng dễ đi vào lòng người không cần đến lời văn hoa mĩ hay giàu điển cố điển tích. Thể loại văn học hiện đại đã phát triển nhanh chóng và phong phú. Các thể loại văn học trung đại như hịch, cáo, chiếu, biểu...đã dần mất đi, xuất hiện nhiều thể loại văn học mới như thơ tự do, thơ văn xuôi, kịch, tiểu thuyết, kí..., một số thể loại truyền thống được cải biến, đổi mới. 10 Hoạt động dịch thuật là phương thức phổ biến và lưu truyền văn hóa hữu hiệu. Các tác phẩm văn học Trung Hoa, Pháp, phương Tây được dịch ra Quốc ngữ đã cung cấp những hiểu biết mới cho người đọc và góp phần hoàn chỉnh thể loại, đổi mới ngôn ngữ, mở rộng kiến thức văn chương cho đội ngũ sáng tác và độc giả. Sự tiếp nhận các văn bản dịch thuật góp phần tích cực cho quá trình hiện đại hóa văn học. Lý luận và phê bình văn học là hoạt động góp phần hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc. Sự tự ý thức về văn học bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX thông qua tiếp xúc với những yếu tố văn hóa, văn học phương Tây đã giúp cho mầm mống của lý luận, phê bình văn học mới xuất hiện. Từ những công trình có tính chất mở đầu như Khảo cứu về tiểu thuyết (1919) của Phạm Quỳnh, các bài báo tranh luận về Truyện Kiều, về thơ Mới, tranh luận giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh... đưa đến sự xuất hiện một đội ngũ lý luận, phê bình tài năng. Bộ môn lý luận, phê bình văn học hiện đại đã được xác lập khiến cho đời sống văn chương ngày càng sôi động với các tác giả tiêu biểu như: Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Đinh Gia Trinh, Đặng Thai Mai... Từ sau 1945, lý luận, phê bình văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do đó, các lý thuyết phê bình mới cùng thực tiễn sáng tác được cập nhật và có sự tác động hai chiều góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Giai đoạn 1945 - 1954, lý luận, phê bình ở miền Bắc tập trung nghiên cứu lý luận Mác - Lenin về văn học nghệ thuật, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, coi trọng mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và chính trị. Hoạt động lý luận, phê bình một mặt nỗ lực hướng đến chuyên môn mặt khác phải gắn với yêu cầu phục vụ cách mạng. Giai đoạn 1954 1975, lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam sôi nổi và phong phú, chịu ảnh hưởng và giao lưu với văn hóa Mỹ và phương Tây. Một số tư tưởng lý thuyết mới đã được du nhập như thuyết hiện sinh, phân tâm học, cấu trúc luận... Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, lý luận phê bình văn học phát triển ngày càng phong phú trong xu thế hội nhập toàn cầu. Nhiều trường phái, lý thuyết mới được giới thiệu như: thi pháp học, kí hiệu học, cấu trúc luận, phân tâm học, văn hóa học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết diễn ngôn, hậu thực dân...Đó là cơ sở cho nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận văn học và cũng là động lực cho các xu hướng sáng tác văn học. Bước sang phạm trù văn học hiện đại, văn học Việt Nam đã vượt thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại chịu sự chi phối và ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung quốc và dần bước vào quỹ đạo hòa nhập với nền văn học hiện đại thế giới. Từ nửa đầu thế kỷ XX, văn học đã bước vào quỹ đạo hiện đại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn, cởi mở hơn trong mối giao lưu và đối thoại văn hóa dân chủ 11 với toàn cầu ở nửa sau thế kỷ XX. Văn học ngày càng có điều kiện tiếp cận và biến đổi theo hướng hiện đại và có nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế 1.1.2. Tiến trình văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao Nhìn tiến trình văn học hiện đại Việt Nam trong sự thay đổi và bước chuyển hệ hình văn học gắn với các cuộc giao lưu, ảnh hưởng văn hóa, văn học Việt Nam hiện đại có thể hình dung qua ba chặng: 1900 - 1945; 1945 - 1985;1986 - nay. Đồng thời, đặt nhà văn Ngọc Giao trong tiến trình vận động của văn học hiện đại Việt Nam, luận án bước đầu xác định môi trường văn học của tác giả làm cơ sở cho hệ quy chiếu nhằm tiếp tục tìm hiểu văn xuôi của ông trong những chương tiếp theo của luận án. 1.1.2.1. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1900-1945 Trước sự thay đổi của lịch sử, văn hóa, xã hội, tiếp thu, ảnh hưởng tư tưởng học thuật và văn hóa, văn học phương Tây, văn học Việt Nam đã có sự vận động biến đổi từ mô hình văn học trung đại chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc sang mô hình văn học hiện đại chịu ảnh hưởng văn học phương Tây. Dựa trên những nền tảng của văn học truyền thống, kết hợp với luồng gió mới của văn học phương Tây và tâm thế sáng tạo, chủ động của lực lượng sáng tác là những trí thức mới được đào tạo và tiếp thu có bài bản văn hóa, văn học phương Tây, văn học đã chuyển mình hiện đại hóa. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học tồn tại đan xen cái cũ và mới, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại. Các nhà văn đã bước đầu có những rung động thẩm mỹ mới nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ về nhận thức, lý luận và học thuật. Từ những bước đi tiên phong của các nhà Nho chí sĩ yêu nước tiến bộ đến những trí thức trẻ mới được đào tạo ở trường Tây đã tạo cho văn học 1900-1930 một dấu ấn giao thời giữa hình thức cũ và nội dung mới, nội dung cũ và hình thức mới, nội dung và hình thức vừa cũ vừa mới. Trong giai đoạn chuyển đổi hệ hình văn học này, cái cũ có xu hướng ngày càng ít đi và dần được thay thế bằng cái mới. Sang thời kì 1930-1945, văn học đã phát triển khẩn trương mau lẹ theo hướng hiện đại hóa trên các lĩnh vực của đời sống văn học: Quan niệm nghệ thuật thay đổi, văn học trở thành lĩnh vực chuyên biệt, không còn quá chú trọng tính đạo lý giáo huấn mà trở thành phương tiện tự biểu hiện của nhà văn, để nhận thức và khám phá thế giới, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ và nhận thức của công chúng. Lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo và tiến bộ nhất là tác giả trí thức Tây học. Phương tiện sáng tác được thay đổi từ chữ Hán, Nôm sang chữ Quốc ngữ. Ngôn từ văn học bớt hẳn tính ước lệ tượng trưng, gần hơn với đời sống có khả năng diễn đạt tinh tế mọi phương diện đời sống và con người. Câu văn xuôi mới hình thành nhưng phát triển nhanh chóng và đạt đến trình độ hiện đại với những phong cách độc đáo. Thơ chuyển mạnh từ điệu ngâm sang điệu nói, diễn đạt tinh tế sáng tạo cái tôi trữ tình. Phương thức lưu 12 hành ngày càng nhanh chóng, tiện lợi với sự ra đời của nhiều nhà xuất bản, nhà in. Công chúng văn học ngày càng đông đảo mở rộng tới các tầng lớp thị dân. Và đặc biệt là sự biến đổi về thi pháp sáng tác để thoát ra khỏi phạm trù văn học trung đại phá vỡ tính quy phạm, sùng cổ, ước lệ, tượng trưng, phi ngã. Văn học mở ra nhiều khả năng mới trong khám phá nghệ thuật. Quá trình hiện đại hóa diễn ra trên mọi thể loại và phát triển mau lẹ trên các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, ký... Thơ hiện đại hóa sâu sắc với phong trào Thơ Mới, xuất hiện những thể loại mới như kịch nói, phê bình văn học... Trong một thời gian ngắn, văn học đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với nhiều khuynh hướng, trào lưu sáng tác, nhiều cá tính sáng tạo nở rộ. Tiêu biểu là khuynh hướng văn học lãng mạn với phong trào văn xuôi Tự lực văn đoàn và phong trào thơ Mới; khuynh hướng văn học hiện thực với trào lưu văn học hiên thực phê phán 1930-1945 và khuynh hướng văn học yêu nước và cách mạng. Trong quá trình hiện đại hóa nền văn học 1900-1945, văn học phương Tây có ảnh hưởng và chi phối văn học Việt Nam ở phương diện tư tưởng và hình thức. Nhiều tác phẩm của các tác giả Pháp và phương Tây được dạy trong trường Pháp Việt, được dịch và lưu truyền trong giới trí thức. Sự tiếp nhận ấy đã làm bừng tỉnh ý thức cá nhân, thay đổi quan niệm thẩm mĩ ngày càng mở rộng, phong phú mang tính hiện đại. Quan niệm về cái đẹp gắn với quan niệm cá nhân, cái đẹp hiện diện mọi nơi, mọi lúc, trong mọi người, nó vừa quen vừa lạ, có sự hài hòa giữa cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài. Tư tưởng khoa học và tinh thần dân chủ của văn hóa phương Tây đã chi phối nhiều mặt của đời sống tinh thần trong đó có văn học. Đó là biểu hiện của thái độ tôn trọng hiện thực khách quan hướng tới khám phá và miêu tả hiện thực. Con người trở thành trung tâm được các nhà văn chú ý khám phá tìm hiểu trong nhiều góc cạnh và tư thế trên nền hiện thực phong phú, đa dạng và chân thực. Đó là cơ sở kết tinh nhiều phong cách sáng tác lớn trong thời kỳ này. Trước sự thay đổi nhiều mặt của xã hội, văn hóa truyền thống không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của kết cấu xã hội mới với những tình cảm mới, thị hiếu mới, tư tưởng mới. Sự tác động của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp trong đó có phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) đã hối thúc nhà văn dùng văn học để đấu tranh cho quyền lợi của các giai cấp tầng lớp trong xã hội. Vì thế, bên cạnh nội dung phản ánh là cái tôi cá nhân với những tình cảm mới, nội tâm phong phú, văn học tăng cường chất hiện thực cả ở chiều sâu và chiều rộng. Cũng từ đó những đề tài mới, chủ đề mới và những sắc thái mới trong nghệ thuật sáng tác xuất hiện dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ và lãng mạn của văn hóa tư tưởng phương Tây. 13 Quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn 1900-1945 đã diễn ra khẩn trương, mau lẹ để rồi bắt đầu từ 1930 trở đi, văn học Việt Nam đã vượt qua hệ hình văn học trung đại để bước vào quỹ đạo văn học hiện đại. Sự gặp gỡ và tiếp xúc văn hóa phương Tây và văn hóa Pháp đã tạo nên một sự chuyển đổi toàn diện trong đời sống văn học từ đội ngũ sáng tác đến tư duy nghệ thuật, thi pháp văn học... Và đặc biệt những người làm nên diện mạo mới của văn học hiện đại là đội ngũ các nhà văn, nhà thơ mới với phong cách đa dạng, số lượng không ngừng phát triển. Trên cơ sở đó, sự xuất hiện của các nhóm phái văn học với những tôn chỉ, hướng đi, hoạt động khác nhau đã góp phần làm nên bức tranh sinh động của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Đó là các nhóm văn học bao gồm tập hợp một số nhà văn, nhà thơ, phê bình khảo cứu... hoạt động trong lĩnh vực văn học cùng làm việc với nhau với một mục đích, tư tưởng chung nhằm đưa ra những hướng đi mới cho hoạt động văn học. Với những đặc thù riêng khác với nhóm văn học đã có ở văn học trung đại, sau năm 1932, có nhiều nhóm văn học được thành lập như: Tự lực văn đoàn (1933), Xuân Thu nhã tập (1939), Hàn Thuyên (1941), Thanh Nghị ( 1941), Tri Tân (1941)...và nhóm Tân Dân (1934). Các nhóm văn học này đều có những đặc điểm riêng mang dấu ấn của nhóm và thời đại với những đóng góp tích cực tới tư tưởng, văn hóa, xã hội. Các nhóm phái cũng đều có nhà xuất bản và các sách, tạp chí được phát hành với những đặc trưng riêng của từng nhóm. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ giới thiệu về nhóm Tân Dân bởi đây là nhóm văn học gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn này và có liên quan trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu là nhà văn Ngọc Giao - thành viên của Tiểu thuyết thứ Bảy và cũng là cây bút quen thuộc trên các ấn phẩm của Tân Dân. Nhóm Tân Dân còn được gọi dưới các tên khác như nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy và Tạp chí Tao Đàn, nhóm Ích Hữu, nhóm Phổ thông bán nguyệt san. Đó là nhóm gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hoạt động văn hóa nghệ thuật tập hợp xung quanh Nhà xuất bản Tân Dân với các ấn phẩm báo và tạp chí: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, Tao Đàn, Truyền bá và các tủ sách Tao Đàn, tủ sách Những tác phẩm hay. Trong đối trọng với nhóm Tự lực văn đoàn, Tân Dân có sự mở rộng và phát triển với rất nhiều cơ quan ngôn luận và quy tụ được nhiều cây bút nổi tiếng với nhiều dấu ấn sáng tạo khác nhau. Dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của ông chủ báo Vũ Đình Long tài năng và tâm huyết, năm 1934, xuất bản phẩm đầu tiên của Tân Dân ra đời là Tiểu thuyết thứ Bảy và dần mở rộng, phát triển với 5 tờ báo và tạp chí nổi tiếng cùng hai tủ sách. Sự phong phú, hấp dẫn trong các ấn phẩm của Tân Dân đã tạo ra môi trường hoạt động văn học lành mạnh, hấp dẫn cho giới văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu đương thời. Nhóm Tân Dân đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự dung nạp rộng rãi những cách tiếp 14 cận hiện thực theo hướng cả mới và cũ, cả khuynh hướng lãng mạn và khuynh hướng hiện thực với một tình yêu nước kín đáo và mạnh mẽ. Với những hoạt động phong phú, nhóm Tân Dân đã trở thành một nhóm văn học lớn tạo nên một môi trường văn học chuyên nghiệp sôi động và cũng là nơi đào tạo nên nhiều nhà văn nổi tiếng, kích thích tạo động lực cho văn học phát triển theo hướng hiện đại. Trong số các cây bút nổi tiếng của nhóm Tân Dân, Ngọc Giao là tác giả tiêu biểu trong vai trò là một trong những người tham gia hoạt động điều hành tổ chức hoạt động của Tiểu thuyết thứ Bảy với vị trí thư kí tòa soạn và cũng là cây bút sáng tác sung sức nhiều tác phẩm in trên các ấn phẩm của Tân Dân. Giai đoạn đầu làm thư kí tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, với một tờ báo bán chạy được xuất bản số lượng rất lớn trong đối chọi với Phong hóa của Tự lực văn đoàn, vai trò thư kí của Ngọc Giao giữ vị trí khá quan trọng trong việc sắp xếp, đăng duyệt, chỉnh sửa để tạo nên sức hấp dẫn của tờ báo. Theo đuổi đam mê sáng tác, tác phẩm của Ngọc Giao thời kì này đã tạo được hiệu ứng tốt với bạn đọc qua số lượng lớn đăng trên ấn phẩm của Tân Dân như là một cây bút truyện ngắn và kí tài năng, có dấu ấn đặc sắc. Lịch sử truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những cây bút tiêu biểu của Tân Dân như Nguyễn Công Hoan và Ngọc Giao. 1.1.2.2. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 Văn học 1945-1975 gắn liền với những sự kiện quan trọng của bước đường lịch sử dân tộc. Thời kỳ 1945-1954, văn học đã tìm nguồn cảm hứng mới gắn liền với công cuộc xây dựng xã hội ở miền Bắc, quá trình nhân dân cùng Đảng thực hiện các chính sách cách mạng và ổn định cuộc sống. Tình yêu quê hương, tình đồng bào, đồng chí, được thể hiện phong phú, giản dị mà xúc động. Mặc dù chưa có kết tinh nghệ thuật nhưng các tác phẩm thời kỳ này đã phản ánh diện mạo của nền văn học trong buổi đầu độc lập và tiếp tục đối diện với những cam go thử thách mới của chiến tranh. Thời kì 1945 - 1954, gắn với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, tình thế cài răng lược của cuộc chiến đấu dẫn đến hình thành hai bộ phận văn học. Bộ phận chủ đạo với một đội ngũ lớn viết ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc. Một bộ phận nhỏ sáng tác ở vùng địch hậu trong đó có Hà Nội và Sài Gòn là hai địa bàn quan trọng. Bộ phận văn học công khai và không công khai ở Hà Nội tạm chiếm vẫn tồn tại trong bối cảnh lịch sử mới đầy cam go, khốc liệt nhưng phong phú với nhiều giá trị nhân văn. Các tác giả tiêu biểu của bộ phận này là Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Nguyễn Cao Củng, Sơn Nam, Nguyễn Tường Phượng, Lê Văn Hòe, Lê Đình Chân, Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Bắc, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Giang Quân, Băng Hồ, Thế Phong, Băng Sơn, Nam Xương, Tuyết Lan, Mộng Sơn... Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ kiểm duyệt gắt gao, các văn nghệ sĩ đã phải cố 15 gắng hết sức để đời sống đỡ chật vật, bắt kịp với cuộc sống mới, chịu nhiều cực nhục để tồn tại chứng minh cho tấm lòng thanh sạch và cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa. Sự đấu tranh làm thế nào để trong bối cảnh đầy bất trắc vẫn có thể sống và viết không trái với lương tâm, hướng về kháng chiến và nhân dân nhưng vẫn giữ được mình không bị nhà cầm quyền gây khó dễ là nỗi ưu tư lớn của mỗi nhà văn giai đoạn này. Không ít văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đã bị bắt giam vào Hỏa Lò nhưng các tác giả vẫn vượt lên chính mình kiên cường, nhân hậu, tài hoa với những tác phẩm mang đậm tinh thần dân tộc, đạo đức và nhân văn để lại một gia tài đáng kể cho văn chương Hà Nội những năm 1947-1954. Trong số đó, Ngọc Giao cũng là cây bút tiêu biểu can đảm và nhẫn nại, nhân hậu và dũng cảm đương đầu với bối cảnh xã hội mới để sống và sáng tác nhiều tác phẩm mang tính thời sự, hiện đại và xúc động. Ông trở thành nhà văn có phong cách và lối viết táo bạo đem đến cho độc giả những suy tư mới về con người và lịch sử xã hội với những chuyển biến thi pháp trong sự thống nhất quan niệm nghệ thuật vì những tác phẩm văn chương cứu rỗi và nâng đỡ con người. Thời kỳ 1955 đến 1964, nền văn học có sự phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện. Các nhà văn gắn kết với chủ đề xây dựng cuộc sống mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ trữ tình phát triển bước đầu có tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm đã mở rộng đề tài và khả năng khái quát hiện thực. Tiêu biểu là ba hướng đề tài chính: Tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc đấu tranh cách mạng thời kì trước 1945, cuộc sống mới cùng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Một số tác phẩm đã phản ánh được những vấn đề của đời sống tư tưởng tình cảm của con người bên cạnh những tác phẩm có tính thời sự. Thể loại văn học phát triển khá phong phú. Một số nhà Thơ Mới hồi sinh, nhiều nhà thơ kháng chiến và nhà thơ trẻ xuất hiện với nhiều tập thơ có giá trị. Truyện ngắn với đề tài và bút pháp khá đa dạng, tiểu thuyết phong phú có nhiều vượt trội so với thời kỳ trước. Các thể loại kí, tùy bút, kịch bản sân khấu có số lượng nhiều hơn nhưng chưa có nhiều kết tinh. Phê bình và nghiên cứu văn học có sự phát triển cả về đội ngũ và chất lượng tác phẩm. Từ 1964-1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ mở rộng trên phạm vi cả nước. Cuộc kháng chiến đặt ra cho dân tộc ta nhiều cam go thử thách. Văn học có bước chuyển mình mạnh mẽ và thống nhất cao từ đề tài, chủ đề, cảm hứng, giọng điệu để hướng về Tổ quốc, nhân dân, người anh hùng, cổ động niềm tin, tinh thần chiến đấu, khơi dậy lòng yêu nước. Văn học cả hai miền có sự phát triển toàn diện ở các thể loại. Thơ ca có nhiều thành tựu sáng tạo, văn xuôi phát triển khá đều, kịch gây được tiếng vang, phê bình văn học hướng vào biểu dương tác phẩm đáp ứng được nhu cầu cuộc kháng chiến chống Mĩ. Văn học đã làm tốt nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, 16 động viên tích cực cho công cuộc giải phóng đất nước. Bộ phận văn học đô thị miền Nam trước 1975 là một thực thể phức tạp nhưng cũng có những cây bút hoạt động trong vùng địch kiểm soát, bộ phận văn học cách mạng gắn với phong trào đấu tranh của dân tộc thể hiện sự dấn thân, dũng cảm để sáng tác những tác phẩm giàu chất hiện thực, giá trị nhân văn và hiện thực với những cách tân, sáng tạo. Với sứ mạng lịch sử của mình, văn học 1945-1975 mang đặc điểm của một nền văn học đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhằm phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Đó là nền văn học hướng về đại chúng, đại chúng vừa là đối tượng phản ánh vừa là công chúng văn học và là nguồn bổ sung cho lực lượng sáng tác. Nền văn học mang cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn, trữ tình là liều thuốc tinh thần định hướng toàn dân tộc đoàn kết quyết tâm đánh thắng kẻ thù, tin tưởng ở tương lai tốt đẹp. Sự nghiệp cách mạng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn này đòi hỏi nền văn học nước ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và vì vậy việc giao lưu, học tập kinh nghiệm sáng tác với văn học Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa được ưu tiên. Các sáng tác và công trình lí luận văn học Nga Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa được dịch sang tiếng Việt và trở thành hình mẫu cho các nhà văn Việt Nam. Văn học Nga Xô Viết với ở mức độ nhất định được tiếp nhận gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được nhiều nhà văn hưởng ứng. Ở miền Nam, văn học đô thị chịu ảnh hưởng của tư tưởng triết học, mỹ học và văn học hiện sinh của phương Tây. Những lí thuyết mới này đã chi phối đến văn học với một cách nhìn khác văn học ở miền Bắc. Mặc dù thời gian tiếp cận chưa nhiều và sâu sắc nhưng nó cũng đã ít nhiều tác động đến thực tiễn sáng tác và lí luận, phê bình văn học với những dấu ấn manh nha, khác lạ và trở lại trong văn học sau 1986. Với nhà văn Ngọc Giao, đây là giai đoạn cầm bút đầy sóng gió nhưng cũng là giai đoạn nhà văn có những bứt phá và vận động trong tư tưởng và bút pháp sáng tác. Không hoàn toàn đi theo tiếng gọi của cách mạng như các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... nhưng văn chương Ngọc Giao giai đoạn này vẫn là tiếng nói yêu nước thầm kín với những khám phá trong quá trình tự vận động hiện đại hóa văn học. Từ thể loại đến ngôn ngữ, giọng điệu, nội dung hiện thực được nói đến trong tác phẩm của ông đều chứng minh cho những đóng góp tích cực của Ngọc Giao với vị trí của một nhà văn sống ở vùng tạm chiếm giai đoạn 1947-1954. Với cái nhìn ít nhiều có tính chất hiện sinh, tác phẩm của Ngọc Giao giai đoạn này đã dũng cảm tái hiện lại những góc khuất trong tâm hồn con người với bao uẩn khúc mang vấn đề nhân loại, nhân văn. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan