1. LỜI NÓI ĐẦU
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới với ba mục
tiêu: chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường;
phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khu vực dân doanh đóng vai trò
ngày càng quan trọng; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Cùng với việc xây dựng và ban hành luật như Luật đầu tư nước ngoài năm
1987, Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty năm 1991, Hiến pháp sửa đổi
năm 1992, Luật Đất đai, Luật thuế, Luật lao động...., các thể chế thị trường cũng
dần được hình thành. Chính phủ xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, nhấn mạnh
quan hệ hàng hóa - tiền tệ, tập trung vào các biện pháp quản lý kinh tế, thành lập
hàng loạt các tổ chức tài chính, ngân hàng, hình thành các thị trường cơ bản như
thị trường: tiền tệ, lao động, hàng hóa, đất đai… Cải cách hành chính được thúc
đẩy nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi và
đầy đủ hơn cho hoạt động kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực cho tăng trưởng
kinh tế.
Tuy nhiên, cơ chế kinh tế thị trường cũng là thách thức lớn với các doanh
nghiệp nhà nước (DNNN). Từ năm 2000, công cuộc tái cơ cấu DNNN đã được
chú trọng, đẩy mạnh hơn và được gọi dưới tên khác là sắp xếp, đổi mới DNNN.
Các hình thức sắp xếp, đổi mới DNNN bao gồm sáp nhập, hợp nhất, chuyển
giao doanh nghiệp, cổ phần hoá, giao, bán doanh nghiệp...trong đó cổ phần hoá
rất được coi trọng. Mục tiêu cổ phần hoá là chuyển đổi những công ty 100% vốn
nhà nước sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, huy động các nguồn
vốn của cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước để tăng cường năng lực tài
chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả và
sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tái cơ cấu DNNN hiện nay được tiến hành trong phạm vi rộng hơn, yêu
cầu tái cơ cấu sâu hơn, giải quyết các vấn đề có tính cơ cấu đối với toàn bộ khu
vực DNNN, hướng tới thay đổi về chất, tạo môi trường và điều kiện để DNNN