Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Kỹ thuật - Công nghệ Năng lượng An ninh năng lượng vấn đề của toàn cầu...

Tài liệu An ninh năng lượng vấn đề của toàn cầu

.DOC
15
392
104

Mô tả:

An ninh năng lượng vấn đề của toàn cầu
AN NINH NĂNG LƯỢNG - VẤN ĐỀ CỦA TOÀN CẦU Phan Đăng Tuất Viện NCCLCSCN Bộ Công Thương I. Bức tranh tổng quan Thế giới ngày càng ý thức được hơn sự hữu hạn của các nguồn tài nguyên. Dân số thế giới không ngừng tăng – cách đây 50 năm là 2 tỉ người, hiện nay 6 tỉ và 50 năm sau sẽ là 10 tỉ. Vì thế cuộc cạnh tranh tìm kiếm các nguồn năng lượng và các nguồn tài nguyên hữu hạn khác như nước sạch và lương thực, thực phẩm sẽ ngày càng gay gắt hơn trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt vấn đề năng lượng, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu lượng tiêu thụ năng lượng của thế giới tiếp tục giữ mức như hiện nay, dự báo thị trường năng lượng toàn cầu sẽ tăng 55 % trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2030, với mức tăng hàng năm là 1,8 % / năm. Nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò là nguồn năng lượng chủ đạo, chiếm 84 % của sự tăng tổng nhu cầu trong giai đoạn 2005 - 2030. Dầu vẫn là nhiên liệu tiêu thụ nhiều nhất, mặc dù tỷ lệ về nhu cầu toàn cầu giảm từ 35 % xuống 32 %. + Nhu cầu dầu sẽ tăng từ 32 triệu thùng /ngày vào năm 2006 lên đến 116 triệu thùng / ngày vào năm 2030. (Nhu cầu dầu năm 2007 là 86 triệu thùng/ngày, năm 2008 sẽ đạt khoảng 86,5 triệu thùng /ngày và ước tính năm 2009 đạt 87,22 triệu thùng/ngày-đã có tính đến ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu) + Nhu cầu sử dụng than sẽ tăng mạnh nhất, giá trị tuyệt đối tăng 73 % trong giai đoạn 25 năm, và tỷ trọng tăng từ 25% lên 28 % trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. + Tiêu thụ điện năng sẽ tăng gấp hai lần với tỷ trọng tăng từ 17 % lên đến 22 % trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Các nền kinh tế đang phát triển đến năm 2030 sẽ chiếm hơn một nửa thị trường năng lượng toàn cầu. Trong sự tăng nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu, 74 % từ các nước đang phát triển. Trung Quốc và Ấn độ chiếm 45 %, các nước OECD chiếm 20 %, và các nền kinh tế đang chuyển đổi chiếm 6 %. Theo số liệu nghiên cứu của nhiều cơ quan nghiên cứu, thì trữ lượng năng lượng đã được xác định của thế giới còn rất hạn chế. Với mức khai thác như hiện nay, thì dầu mỏ có thể chỉ khai thác thêm khoảng 40-50 năm nữa, khí đốt khoảng 60 năm, than đá có thể khai thác nhiều hơn, khoảng trên 200 năm. Các dạng năng lượng này được phân bố không đồng đều trên toàn thế giới. Khu vực Trung Đông có trữ lượng dầu mỏ chiếm 65,4% trữ lượng trên 1 toàn thế giới, nhưng nhu cầu của khu vực chỉ chiếm khoảng 6%. Trong khi đó, các nước phát triển có nhu cầu tiêu thụ chiếm 62%, nhưng trữ lượng dầu mỏ của các nước đó chỉ có 9,7%. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng, các nước tiêu thụ sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn, mỗi khi có khủng hoảng dầu mỏ, thì các nước này thường bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất và thường dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế kèm theo. Do đó có sự lo ngại cao về an ninh năng lượng. Tranh chấp tài nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục là nguyên nhân số một trong các xung đột quốc tế. An ninh năng lượng đã trở thành vấn đề được cả thế giới quan tâm. Về mức độ chung toàn cầu, an ninh năng lượng liên quan chủ yếu và chặt chẽ đến an ninh dầu mỏ, trong đó giá dầu mỏ là nguồn gốc của sự mất an ninh năng lượng. Những biến động về giá dầu mỏ trong các cuộc khủng hoảng đều dẫn đến mất an ninh trong thị trường năng lượng.. Đã có một thời gian sau thập kỷ 80s có quan điểm cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể giúp giải quyết vấn đề tài nguyên (one-and-forall). Trên thực tế thì thế giới cũng có khoảng gần 20 năm tương đối bình ổn. Giá dầu thấp ổn định đưa đến một ảo tưởng rằng sự ổn định sẽ kéo dài mãi. Nhưng trong khoảng vài năm trở lại đây thì vấn đề khủng hoảng năng lượng lại quay trở lại với phạm vi và mức độ ảnh hưởng sâu rộng hơn trước. Sự xụp đổ của 2 tòa nhà World Trade Center ở New York là mốc khởi điểm cho một cơn bão giá năng lượng mới. Tính theo đô la của năm 2007 thì giá dầu thô đã tăng từ mức xấp xỉ 23 USD năm 2001 lên mức trên 130 USD vào tháng 7 năm 2008, gấp khoảng 6 lần mức giá năm 2001 (xem Hình 1) Hình 1: Biểu đồ giá dầu thô thế giới tính theo đồng Đô La năm 2007 2 Có nhiều lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng lần này. Thí dụ như sự vươn lên của Trung Quốc với tư cách là một nước nhập siêu dầu lửa, các cuộc đình công của công nhân tập đoàn PDVSA ở Venezuela, đồng USD yếu, cuộc chiến không có hồi kết ở Iraq, căng thẳng chính trị với Iran hay là sự thao túng của khối OPEC. Đứng dưới góc độ kinh tế học thì mọi thứ đều phải được xem xét dưới góc độ cung – cầu về năng lượng trên thế giới. Lượng cầu về dầu lửa của thế giới trung bình tăng khoảng xấp xỉ 1.5% mỗi năm. Sức tiêu thụ năng lượng tăng lên này đến chủ yếu từ các nước đang phát triển, điển hình nhất là từ Châu Á. Châu Á hiện chiếm hơn 40% tổng tiêu thụ năng lượng thế giới. Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc lần lượt là những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai, thứ ba và thứ bảy thế giới. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000 tới 2005, nhu cầu tiêu dùng năng lượng của Châu Á tăng tới 33,6%, cao nhất thế giới. Ước tính, trong 20 năm tới, tỷ lệ tăng nhu cầu về năng lượng ở châu Á sẽ vẫn dẫn đầu. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ của các nước châu Á tăng từ 62% năm 2000 lên 74% năm 2010, biến châu Á thành trung tâm tiêu thụ dầu mỏ thế giới thay thế Bắc Mỹ. Còn khu vực ASEAN, mặc dù có nguồn dầu khí, trong đó Brunei và Indonesia thuộc nhóm các nước xuất khẩu dầu, nhưng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khiến khu vực này e ngại sẽ phải chịu sự phụ thuộc vào nhập 3 khẩu năng lượng. Theo ông Weerawat Chantanakome, Giám đốc Trung tâm năng lượng ASEAN, mức độ phụ thuộc có thể đạt từ 49% đến 58%. Hình 2: Tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng năng lượng thế giới chia theo khu vực Trung Quốc là nước đóng góp chính vào sự tăng vọt của nhu cầu tiêu dùng năng lượng ở khu vực Châu Á. Từ 1993, Trung Quốc đã trở thành nước nhập siêu về dầu lửa. Nhu cầu tiêu dùng dầu lửa của nước này đã tăng từ khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày hồi cuối thập kỷ 90 lên tới 6.9 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2005, tương đương 177 triệu tấn. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Hai tập đoàn sản xuất dầu chính của TQ là Sinopec và PetroChina hiện đang hoạt động với công xuất 100% và hầu như không có khả năng tăng sản lượng trong trung hạn. Phía các nhà sản xuất, công xuất hoạt động của ngành khai thác dầu khí thế giới đã lên tới xấp xỉ 98% (số liệu của EIA, 2006). Có nghĩa là cho dù có chạy hết công xuất thì sản lượng phụ thêm cũng chỉ khoảng 2% lượng cung ứng hiện thời. Việc tăng cường thăm dò khai thác cũng không còn thuận lợi như trước. Các dự án trong tương lai sẽ phải tập trung vào các vùng địa bàn khó khăn như Artic, HPHT (High Pressure- High Temperature, áp xuất cao, nhiệt độ cao), những nguồn dầu thô có hydrogen sulfide (H2S), những 4 vùng nước sâu ngoài đại dương và các vùng bất ổn về chính trị. Với việc nhu cầu tiêu dùng năng lượng liên tục tăng lên trong khi các giếng dầu đã gần như hoạt động hết công suất, kèm theo triển vọng khai thác ngày càng khó khăn thì không có lý do gì giá dầu không tăng. Mặc dù giá dầu tăng sẽ kích thích việc nghiên cứu và áp dụng các nguồn năng lượng có khả năng tái sinh, năng lượng sạch...tuy nhiên việc sử dụng các nguồn năng lượng này trên quy mô lớn vẫn còn là một câu chuyện xa vời. Có nhiều dự đoán cho rằng loài người cũng cần ít nhất 20 năm nữa để tìm ra những nguồn năng lượng thực sự có khả năng thay thế vai trò của dầu lửa trong sản xuất và sinh hoạt. Hình 3: Dự báo sản lượng dầu lửa thế giới tới năm 2050 Như vậy, triển vọng dài hạn của thị trường dầu lửa thế giới không có một nét khả quan nào. Khác với cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập kỷ 70 trước đây vốn do các sai lầm về chính sách của Mỹ và cuộc chiến Iran/Iraq, cuộc khủng hoảng lần này chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng dầu lửa thế giới tăng quá nhanh, trong khi khả năng sản xuất dầu lửa của thế giới đang có dấu hiệu chững lại và suy thoái dần. Giá dầu thô tăng quá cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả các nước sản xuất và các nước nhập khẩu dầu mỏ, đặc biệt là các nước đang phát triển. 5 Trong bối cảnh này, Nga đang nổi lên là một nhà cung cấp năng lượng lớn, một nền kinh tế lớn mạnh và có vai trò ngày càng lớn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng của thế giới. Nga phấn đấu để trở thành nền kinh tế thứ 5 trên thế giới vào năm 2020. Với nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ, cũng như khả năng to lớn về sản xuất lương thực, nước Nga sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc ổn định tình hình kinh tế thế giới. II. Các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng ở một số Quốc gia An ninh năng lượng đã trở thành chủ đề chính của Phiên họp lần thứ 64, Uỷ ban Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP- 4/2008 tại Thái Lan). Tại phiên họp này, với gần 350 đại biểu từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực tham dự, vấn đề được quan tâm nhất là Hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực để bảo đảm an ninh năng lượng và tăng đầu tư phát triển ngành năng lượng. - Việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững, tăng khả năng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực. Chỉ có thể cung cấp năng lượng một cách chắc chắn và bền vững trong một khuôn khổ hợp tác lớn hơn, trong đó có sự tham gia của các tổ chức năng lượng quốc tế và đặc biệt có sự tham gia của các nước công nghiệp mới, cũng như của các nước cung cấp năng lượng quan trọng nhất. - Châu Á-Thái Bình Dương cần quan tâm cấp bách và nghiêm túc đến cải cách quản lý năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch và năng lượng thay thế. Các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực có thể hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng về thuỷ điện và khí đốt. - Khu vực nhà nước và cộng đồng xã hội hợp tác cùng tìm ra cách thức đối phó với các thách thức an ninh năng lượng mà khu vực đang phải đối mặt. (Nhu cầu đầu tư năng lượng của các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương từ nay đến năm 2030 vào khoảng 8-9 nghìn tỷ USD). - Phát triển các dự án xuyên quốc gia: Theo các chuyên gia, châu Á cần tạo ra một thị trường dầu mỏ quốc tế với Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc ở trung tâm, sẽ làm tăng vai trò của châu lục trong việc tác động giá dầu mỏ quốc tế và góp phần giảm giá dầu cao quá mức hiện nay. Việc thiết lập các công ty hợp tác năng lượng đa quốc gia sẽ giúp tránh được xung đột giữa các nước về khai thác và phát triển các nguồn năng lượng. Ấn Độ cho rằng nên xây dựng các đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt nối liền các nước sản xuất năng lượng chủ yếu, như Nga và các nước Trung Á, với các nước tiêu thụ năng lượng chủ yếu ở 6 châu Á. Mạng lưới đường ống gas thiên nhiên ban đầu sẽ chạy dài hơn 20.000 km, nối Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Bangladesh, Iran và các nước Trung Á, (với tổng số vốn đầu tư khoảng 22,5 tỷ USD). Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã xem xét dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ 8 nối Indonesia, nước có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Á (khoảng 92.500 tỷ feet khối) với Malaysia và Philippines. (Đường ống này nằm trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt khu vực trị giá 6 tỷ USD, nhằm kết nối các trung tâm cung và cầu trong ASEAN). Đồng thời, ASEAN sẽ xem xét 11 dự án tải điện xuyên quốc gia mới nhằm nối các lưới điện trong khu vực và xây dựng một đường ống dẫn khí đốt xuyên ASEAN. ASEAN cần 461 tỷ USD đầu tư vào năng lượng giai đoạn 2001-2020. - Để ngăn cản những cú sốc khi nguồn cung dầu bị cắt giảm đột ngột, châu Á cần xây dựng cơ cấu dự trữ dầu mỏ. Các nước nhập khẩu năng lượng châu Á cần mở rộng các nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Trung Đông. An toàn năng lượng ngày nay bao hàm nghĩa đa dạng hóa không chỉ các nguồn năng lượng, mà cả các tuyến cung cấp, khu vực cung cấp và nhà cung cấp năng lượng và còn có nghĩa là kiên quyết nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tái sinh. Các nước phát triển hướng đến các nguồn năng lượng thay thế, trong khi các nước nghèo lựa chọngiải pháp triệt để tiết kiệm sử dụng năng lượng. Đa dạng hóa nguồn nhiên liệu là chủ đề bao trùm các cuộc thảo luận hôm 31/10 - ngày họp thứ 2 của Diễn đàn KTTG tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Fatih Birol, Nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đề xuất các nguồn cung thay thế cho châu Âu để giảm đi sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga: "Châu Âu cần tìm giải pháp để dần dần thay thế nguồn khí đốt từ Nga bằng nguồn cung từ các nhà xuất khẩu khác, như các nước Caspi hay các nhà xuất khẩu năng lượng khác, đồng thời đẩy mạnh việc thay thế khí đốt bằng các nguồn nhiên liệu khác như naăg lượng tái sinh hoặc năng lượng hạt nhân". Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jeffrey Kupfer cũng khẳng định việc đa dạng hóa nguồn nhiên liệu luôn là 1 phần trong chính sách của Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn nhấn mạnh nhu cầu đa dạng hóa: đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa các nhà cung cấp và đa dạng hóa các tuyến cung ứng 7 Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung ứng dầu mỏ Trong những năm gần đây, Trung Quốc (TQ) đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ nhằm giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông. Từ năm 1993 TQ trở nên phụ thuộc vào lượng dầu nhập khẩu để cung cấp cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Tình hình này không thể thay đổi trong tương lai vì trữ lượng dầu ở nước này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Ngoài ra, nguy cơ nguồn cung ứng dầu của Trung Đông cho TQ bị gián đoạn là rất thực tế. Điều này có thể xảy ra khi nguồn dự trữ dầu mỏ ở khu vực này bị cạn kiệt. Và, khu vực này nổi tiếng như một vùng đầy xung đột. Mặt khác, Trung Đông bị ảnh hưởng bởi Mỹ và sự đe dọa của Mỹ trong việc có thể tấn công Iran cho thấy Mỹ nhắm đến việc độc quyền trong nguồn cung ứng dầu mỏ ở khu vực này. Hơn nữa, nếu TQ không hướng đến sự đa dạng nguồn cung cấp dầu mỏ, nhiều khả năng Mỹ và TQ sẽ cạnh tranh với nhau về nguồn năng lượng tại khu vực Trung Đông. TQ dần dần mở rộng nguồn nhập khẩu dầu mỏ với các nước ngoài vùng Trung Đông như châu Phi, Trung Á, Nga và châu Mỹ Latinh. Một định hướng lớn trong Chiến lược an ninh năng lượng Trung Quốc là: Tiếp cận toàn cầu - Ba công ty dầu nhà nước Trung Quốc đã đầu tư vào Alberta (Canada), trong đó có 40% cổ phần trong một dự án 3,6 tỉ USD. - Trung Quốc đang thăm dò, khai thác mỏ Saudi Arabia. - TQ giành nhiều hợp đồng quan trọng ở Venezuela, cũng chiếm ưu thế tại những quốc gia dầu hỏa không thuộc đồng minh Mỹ, chẳng hạn Iran. Tháng 10-2004, Bắc Kinh đã thuyết phục thành công để Teheran ký hợp đồng trị giá 70 tỉ USD giúp các công ty dầu Trung Quốc chiếm 51% cổ phần trong dự án khai thác mỏ dầu khổng lồ Yadavaran (mỏ dầu lớn nhất Iran). - Trung Quốc vào Mỹ với vụ thắng thầu mua hãng dầu Unocal bởi CNOOC, công ty mà nhà nước Trung Quốc chiếm 71% vốn. Với các quốc gia Trung Á, Chính phủ TQ có nhiều động thái ngoại giao rõ ràng. Khi đến Bắc Kinh cách đây gần hai tháng, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã được tiếp đón trọng thị và sau tiệc chiêu đãi, một dự án hợp tác khai thác dầu trị giá 600 triệu USD giữa hai nước đã được ký. Với châu Phi, TQ cũng “cạnh tranh” với Mỹ trong chính sách đối ngoại, trong đó có chương trình xóa nợ tổng cộng 1,2 tỉ USD. Quan hệ Saudi Arabia-Trung Quốc cũng là quan hệ chiến lược. Công ty dầu nhà nước Saudi Arabia Aramco đã mở văn phòng tại Bắc Kinh và Saudi Arabia cũng mở lãnh sự quán tại Hong Kong. 8 Trung Quốc đã đi trước đối thủ Mỹ khi giành quyền ưu tiên đàm phán với Nga về dự án tuyến ống dẫn 2.400km trị giá 2,5 tỉ USD cung cấp 700 triệu tấn dầu thô từ Nga trong 25 năm. Trung Quốc và Kazakhstan gần đây cũng thỏa thuận xây tuyến ống dẫn 2,5 tỉ USD đưa 20 triệu tấn dầu/năm đến Tây Trung Quốc... Từ khi nhập khẩu dầu năm 1993 đến nay, Trung Quốc đã có mặt trên toàn cầu, với vô số thương vụ dầu hỏa-khí đốt đầu tư tại 30 quốc gia. Đa dạng nguồn năng lượng ở Nhật Bản Là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc và hầu hết từ nhập khẩu, Nhật luôn tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Năm 1987, sau khi tăng cường nhập dầu từ một số nước như Indonesia, Mexico và Trung Quốc, Nhật chỉ còn phụ thuộc 67,9% vào dầu Trung Đông, từ mức trên 80% năm 1972. Tuy nhiên, nguồn cung từ Trung Quốc, Indonesia và Mexico bắt đầu giảm vào thập niên 1990 khi các nước này hạn chế xuất khẩu để dành tiêu thụ nội địa. Kết quả là Nhật lại tăng nhập dầu từ Trung Đông, chủ yếu từ Arabie Séoudite (458 triệu thùng/năm), Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (387 triệu thùng/năm) và Iran (176 triệu thùng/năm). Thống kê nhập khẩu dầu năm 2006 cho thấy cơ cấu các nguồn cung dầu của Nhật về trung và dài hạn có dấu hiệu thay đổi. Các nhà sản xuất dầu Trung Đông cắt giảm sản lượng sau khi giá dầu thế giới lên cao kỷ lục 78 USD/thùng vào tháng 7 năm ngoái và lượng dầu Nhật nhập từ khu vực này giảm 10% trong 6 tháng cuối năm 2006. Ngược lại, dầu nhập từ các khu vực khác như Nga và châu Phi bắt đầu tăng, lần lượt chiếm 0,7% và 4,4% tổng lượng dầu nhập khẩu của Nhật. Năm 2006, dầu nhập từ Nga tăng 3,5% lên hơn 11 triệu thùng, trong khi từ châu Phi tăng 30,5% lên gần 70 triệu thùng. Dự báo năm nay tỷ lệ dầu nhập từ các khu vực ngoài Trung Đông sẽ tăng cao hơn khi các công ty dầu Nhật đẩy mạnh xu hướng đa dạng hóa nguồn cung. Tập đoàn Nippon Oil và nhiều công ty khác bắt đầu mua dầu thô từ dự án Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông của Nga. Tại châu Phi, Nhật nhập chủ yếu dầu của Sudan (39 triệu thùng năm ngoái, tăng 36%) và Angola (11 triệu thùng, tăng 1.172%). Trung Á và Biển Caspie cũng là những khu vực Nhật Bản đang nhắm đến với những nguồn cung đầy hứa hẹn. Hãng lọc dầu lớn thứ hai Nhật Bản Idemitsu Kosan vừa mua 1 triệu thùng dầu thô từ Azerbaijan, trở thành công ty sản xuất nhiên liệu đầu tiên của Nhật mua dầu thô từ quốc gia Trung Á này. Cũng trong nỗ lực hạn chế lệ thuộc vào Trung Đông, Nhật đã ký một hợp đồng mua dầu khí trị giá 3,5 tỉ USD với Venezuela. 9 Nước Đức phát triển NLTT Nước Đức đã sớm đầu tư vào lĩnh vực những nguồn năng lượng tái sinh được và vì thế hiện nay đang giữ một vai trò tiên phong trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng gió. Việc sử dụng năng lượng gió của Đức vượt xa Tây Ban Nha, Mỹ và Ấn Độ và hiện chiếm 28% trong tổng số năng lượng được cung cấp bằng sức gió trên thế giới. Những lĩnh vực khác là năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, hệ thống sưởi bằng gỗ nghiền nhỏ đóng bánh được điều khiển tự động hoặc sản xuất cồn sinh học cung cấp nhiên liệu. Vai trò tiên phong của Đức cũng được thể hiện trong các sản phẩm có khả năng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, ví dụ như các động cơ tiêu thụ ít năng lượng, nồi hơi đốt bằng khí có chỉ số đốt cao hoặc những vật liệu xây dựng mới cách nhiệt cho nhà ở. Công nghệ tin học hiện đại („Công nghệ tin học xanh“) cũng góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Vì đa số các quốc gia công nghiệp đã cam kết trong Nghị định thư Kyoto là trong 5 năm tới sẽ tăng thành phần năng lượng tái sinh được lên đến 5% tổng số năng lượng được tiêu thụ nên hiện nay trên toàn thế giới nhu cầu đối với công nghệ và sản phẩm của Đức trong những lĩnh vực này là rất cao. III. An Ninh Năng Lượng của Việt Nam Theo số liệu năm 2007 thì hiện Việt Nam sản xuất khoảng 362 ngàn thùng dầu thô mỗi ngày, một con số rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực (xem Hình 4). Sản lượng dầu mỏ do Trung Quốc sản xuất gấp 10, 6 lần, do Indonesia sản xuất gấp 3 lần, do Ấn Độ sản xuất gấp 2,3 lần, Malaysia sản xuất gấp 2 lần. Trong số các nước ASEAN có biển, VN đứng gần với Thái, chỉ trên Brunei và Singapore. Hình 4: Các nước sản xuất dầu mỏ chính trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương 10 Nếu không tìm được các nguồn dầu lửa mới, và nếu không tính các nguồn dầu khai thác ở nước ngoài, thì sản lượng dầu mỏ khai thác được của Việt Nam được dự báo sẽ suy giảm dần. Theo dự báo thì đến khoảng năm 2013, nhu cầu tiêu dùng dầu lửa sẽ vượt qua sản lượng và Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng về dầu lửa. Nếu dự báo về cầu là chính xác, và nếu Việt Nam không tìm ra các nguồn dầu lửa mới trong ngắn hạn thì khả năng Việt Nam trở thành nước nhập siêu về dầu lửa còn sớm hơn nữa. Trái lại, nếu bất ổn kinh tế hiện nay tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu đi thì dự báo về tiêu dùng dầu mỏ có thể phải được điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Về dài hạn đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược an ninh năng lượng tốt, bao gồm việc thiết lập các quan hệ đối tác bền vững với các nhà xuất khẩu, bảo đảm các tuyến đường vận chuyển an toàn, xây dựng năng lực dự trữ dầu mỏ và khí đốt đủ để chống được các cú shocks ngắn hạn. Việt Nam đã có một chiến lược tổng thế (master plan) cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề chưa giải quyết được đe dọa đến khả năng thực hiện chiến lược này: 11 1. Petro Việt Nam là tập đoàn kinh doanh lớn nhất, tuy vậy tốc độ phát triển và mức độ chuyên môn hoá chưa thật cao. Ngoài những ràng buộc về cơ chế chính sách thì việc đa dạng hoá kinh doanh, thiết chế tổ chức hệ thống quản trị kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập nên thực lực và tiềm năng phát triển trong dài hạn vẫn là một thách thức lớn. 2. Việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu gần quần đảo Trường Sa vẫn còn là vùng nhậy cảm trong quan hệ với một số nước. Tính khả thi và bền vững của các dự án này tới đâu phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của các nước trong khu vực và các chính sách đối ngoại thích hợp của Việt Nam. 3. Về thăm dò và khai thác dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, báo cáo của Innovation Norway cũng nêu rõ những thách thức lớn trước mắt: a. Các nguồn dầu chưa được tìm thấy phân bổ chủ yếu ở các vùng nước sâu xa bờ, không thuận tiện về logistics. b. Vấn đề HPHT (áp xuất cao, nhiệt độ cao) ở vùng Nam Côn Sơn. c. Các vùng thăm dò – khai thác ở miền Bắc thường có tỉ lệ CO2 rất cao (70-90%) gây ra thách thức lớn về mặt mặt kỹ thuật và môi trường. d. Có một số vùng có trữ lượng dầu đủ lớn để có ý nghĩa về thương mại, nhưng lại phân bố dưới nền đá granite. Với những vùng này, việc thăm dò và khai thác là đặc biệt phức tạp. 4. Một số dự án đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào các quốc gia đang có bất ổn hay dễ nhạy cảm về chính trị, thí dụ ở trung đông, nam Mỹ. Từ thực trạng trên, chiến lược năng lượng của Việt Nam đã đề cập đến một số giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như sau: 1- Nhà nước cần phát huy vai trò chỉ đạo, điều tiết trong vấn đề an ninh năng lượng. trong thời kỳ kinh tế tập trung, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc điều hành đảm bảo an ninh năng, cụ thể là: 12 Nhà nước tổ chức nghiên cứu về cân bằng năng lượng, cần có các chính sách cụ thể về khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng nước nhà, đảm bảo phát triển năng lượng một cách hợp lý để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia. 2- Cần nhanh chóng nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nước ta có tiềm năng về năng lượng mới, song những hạn chế về công nghiệp và tài chính đã dẫn đến hạn chế trong phát triển nhiều dạng năng lượng mới và TT. Thời gian tới cần hợp tác với các nước phát triển để có thể nhanh chóng áp dụng các công nghệ hiện đại từ nước ngoài, đưa năng lượng mới, năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quan trọng trong cân bằng năng lượng tổng thể. 3- Cần nghiên cứu sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm năng lượng là một chính sách của bất kể quốc gia nào, kể cả trong lúc không có hay có khủng hoảng về năng lượng. Quá trình sản xuất năng lượng và sử dụng năng lượng ở nước ta hiện có tổn thất năng lượng cao và hiệu quả sử dụng thấp, lãng phí năng lượng còn nhiều. Công nghệ sử dụng hiệu quả và bảo tồn năng lượng (EE&C) được đưa vào Việt Nam từ những năm 1990 như là một phần của chương trình trợ giúp tài chính và công nghệ được kiểm soát bởi các tổ chức quốc tế, chủ yếu từ Hà Lan, Đức, Nhật Bản và một số nước khác. Sự đưa vào này được tiếp nối từ việc thực hiện các dự án chuyên về sử dụng hợp lý năng lượng trong ngành Xi măng, công nghiệp làm gốm sứ, và các nhà máy điện đốt than, cùng với chương trình quản lý nhu cầu DSM. Những dự án này làm cơ sở cho việc chuyển giao những công nghệ liên quan và ứng dụng thành công của chúng, và đồng thời cũng là nền tảng cho việc hệ thống những chính sách của Chính Phủ để đẩy mạnh những chương trình bảo tồn năng lượng. Từ năm 2003 việc cải tiến hiệu quả và sử dụng hợp lý năng lượng đã được tính đến như điểm mấu chốt trong chính sách phát triển ngành Năng lượng và các hoạt động trong bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn tiếp diễn đến nay. 4- Đẩy nhanh hợp tác quốc tế về năng lượng, trước mắt là hợp tác trong khu vực. Đó cũng là một biện pháp quan trọng, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Cụ thể là Việt Nam cần tham gia và đóng góp tích cực trong việc hợp tác trong hiệp định an ninh dầu mỏ ASEAN (APSA) để giành được sự ưu tiên cao khi nhập khẩu dầu mỏ bị thiếu hụt trầm trọng. Tham gia hợp tác trong sơ đồ hệ thống đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP) hệ thống điện liên kết các nước ASEAN qua 14 đường dây cao áp, nhằm nâng 13 cao độ tin cậy cung cấp điện trong khu vực, giảm công suất dự phòng và chi phí chung. 5- Xây dựng các kho dự trữ chiến lược: Dự trữ chiến lược bao gồm dự trữ than, điện, dầu khí... Ngay từ thời chiến tranh, nước ta đã đặt ra các kho dự trữ, nay lại càng cần hơn nhiều vì nền kinh tế đang có nhu cầu rất lớn về việc cung cấp liên tục, an toàn của các kho năng lượng. Việc xây dựng các kho là rất tốn kém, song với việc ứng dụng các kỹ thuật tính toán tối ưu mức dự trữ và công nghệ kho dự trữ hiện nay cho phép nâng cao hiệu quả dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển bền vững. Các ngành trong lĩnh vực năng lượng cần có chương trình an ninh riêng trong từng ngành của mình, cụ thể: Ngành Điện: - Phát triển hợp lý, cân đối các nhà máy điện (than, dầu, khí, thủy điện) - Đảm bảo vận hành hệ thống có dự phòng, đặc biệt vào mùa khô, sửa chữa bảo dưỡng tốt hệ thống để khi cần có thể huy động được ngay với đội ngũ cán bộ công nhân có chất lượng. - Đảm bảo thực hiện việc đầu tư để thực hiện tốt tổng sơ đồ đã được duyệt. Ngành Than: - Đảm bảo khai thác hợp lý, cân đối giữa xuất khẩu với việc duy trì trữ lượng để phục vụ lâu dài cho nền kinh tế. - Đảm bảo sử dụng có hiệu quả để tiết kiệm than. - Cần có nghiên cứu về chiến lược phát triển ngành quan hệ với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Ngành Dầu mỏ: - Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thăm dò tìm kiếm để nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác dầu trong nước. - Đa dạng hóa nguồn dầu nhập. - Nghiên cứu xây dựng phương án dự trữ doanh nghiệp (sản xuất và thương mại) và dự trữ quốc gia (ứng cứu thị trường trong các tình huống khẩn cấp) phấn đấu đạt mục tiêu gia nhập IEA (tổng quy mô dự trữ dầu mỏ quốc gia cần đạt 90 ngày nhập ròng). Ngành Khí đốt: 14 - Là ngành cung cấp khí cho công nghiệp và dân dụng, khí đốt đã phát triển mạnh mẽ và quan trọng ở Việt Nam (từ 1995 cung cấp chỉ 207 triệu m3, tới 2020 tiêu thụ ở Việt Nam khoảng 14-18 tỷ m3) - Để đảm bảo an toàn cung cấp, cần tăng cường liên kết hệ thống nội địa và tham gia đường ống liên kết quốc tế ASEAN. - Tăng cường thăm dò tìm kiếm, điều tra xây dựng thêm những mỏ khí mới./. Tài liệu tham khảo Bài viết này sử dụng số liệu và dữ kiện trong các nghiên cứu/báo cáo của các tác giả sau. 1. China Energy Security and Its Grand Strategy 2. China Strategy for Securing Oil Supply 3. Chinese Energy Security Demands and East China Sea Conflicts 4. Global Offshore Prospect 5. IEA Oil Market Report 6. Oil and Conflict in Sino America Relation 7. OPEC Oil Market Report, June 2008 8. Testimony of Jeffrey Logan on Energy Outlook for China 9. Vietnam Oil and Gas Subsea 10. Dự Trần, [email protected] 11. TS. Ngô Đức Lân 12. Xuân Linh-vietnamnet(www.vnn.vn) 13. N.MINH (Theo Atimes) 14. LỤC SAN (Theo CNN, Lenta) 15. Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp) - cand.com 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan