Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hát ghẹo phú thọ...

Tài liệu Hát ghẹo phú thọ

.PDF
262
439
66

Mô tả:

m VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ------DÕE------ ĐÀO ĐĂNG PHƯỢNG H¸t GhÑo Phó Thä LUËN ¸N TIÕN SÜ V¨n HãA HäC VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ------DÕE------ ĐÀO ĐĂNG PHƯỢNG H¸t GhÑo Phó Thä Chuyên ngành: Văn hóa dân gian Mã số: 62 31 70 05 LUËN ¸N TIÕN SÜ V¨n HãA HäC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. GS.TS. Lê Hồng Lý 2. PGS.TS. Phạm Trọng Toàn Hµ Néi - 2013 2 Lời cam đoan Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trong luận án là trung thực. Những ý kiến khoa học trong luận án chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2013 Tác giả luận án Đào Đăng Phượng 1 MỤC LỤC tr MỞ ĐẦU ......................................................................................... Chương 1: Tổng quan về không gian văn hóa Phú Thọ và tình hình nghiên cứu hát Ghẹo Phú Thọ 1.1. Khái quát về không gian văn hóa Phú Thọ......................... 1.2. Hát Ghẹo Phú Thọ và tổng quan nghiên cứu...................... Tiểu kết chương 1................................................................................ Chương 2: Đặc điểm của hát Ghẹo Phú Thọ và so sánh hát Ghẹo Phú Thọ với một số loại dân ca khác 2.1. Đặc điểm của hát Ghẹo Phú Thọ....................................... 2.1.1. Cách thức tổ chức, địa điểm và thời gian diễn xướng..... 2.1.2. Cách ăn mặc và xưng hô................................................. 2.1.3. Trình tự diễn xướng........................................................ 2.1.4. Lời ca trong hát Ghẹo...................................................... 2.1.5. Âm nhạc.......................................................................... 2.2. So sánh hát Ghẹo với một số loại dân ca khác.................... 2.2.1. Nguồn gốc thể loại qua các truyền thuyết........................ 2.2.2. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng...................................... 2.2.3. Cơ cấu tổ chức, địa điểm và trang phục diễn xướng........ 2.2.4. Trình tự diễn xướng........................................................ 2.2.5. Âm nhạc, lời ca và cách phổ thơ...................................... Tiểu kết chương 2................................................................................ Chương 3: Những gía trị của hát Ghẹo Phú Thọ và thực trạng hát Ghẹo Phú Thọ hiện nay 3.1. Nhìn lại những giá trị của hát Ghẹo Phú Thọ...................... 3.2. Thực trạng của hát Ghẹo Phú Thọ....................................... 3.3. Giải pháp bảo tồn, phát triển hát Ghẹo Phú Thọ................. 3.4. Những đề xuất và kiến nghị................................................ Tiểu kết chương 3................................................................................ KẾT LUẬN......................................................................................... TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................... PHỤ LỤC LUẬN ÁN.......................................................................... 2 4 10 39 55 57 57 59 59 65 70 78 79 83 85 90 96 107 110 137 143 150 152 154 159 169 BẢNG KÊ CHỮ VIẾT TẮT GS: Giáo sư GS.TSKH: Giáo sư tiến sĩ khoa học NCS: Nghiên cứu sinh Nxb: Nhà xuất bản PGS: Phó giáo sư PGS.TS: Phó giáo sư, tiến sĩ SCN: Sau công nguyên TCN: Trước công nguyên TP: thành phố tr: trang TW: Trung ương VHNT: Văn hóa Nghệ thuật VH,TT&DL: Văn hóa, Thể thao và Du lịch xb: Xuất bản 3 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX, văn hóa nghệ thuật luôn được coi là mũi nhọn xung kích, được ví là vũ khí tinh thần góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những năm gần đây, trong nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa nói chung lại được nhận diện một cách rõ ràng hơn, và vai trò của văn hóa được đánh giá đúng với giá trị của nó trong đời sống xã hội hiện tại. Hiện nay, sự giao lưu, hội nhập về văn hóa giữa các nước trong khu vực và thế giới đã trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình vận động của lịch sử. Do đó, vấn đề truyền thống dân tộc mà trước hết là truyền thống văn hóa được kết thành bản sắc văn hóa dân tộc ở mỗi nước phải được đặt lên hàng đầu. Ở nước ta, vấn đề này cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi văn hóa được coi là động lực của sự phát triển, đồng thời truyền thống văn hóa hay bản sắc văn hóa đó cũng là một điều khẳng định sự hiện hữu của cộng đồng, của dân tộc, của đất nước ta trước thế giới. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước cũng quan tâm sâu sắc tới vấn đề văn hóa dân tộc. Năm 1992, Hội nghị Bộ trưởng văn hóa các nước do Unesco tổ chức tại Stockholm, đã nhấn mạnh tính cấp thiết cũng như sự cần thiết về việc bảo vệ những sắc thái riêng của văn hóa từng nước, trước sự biến đổi nhanh chóng của các lĩnh vực trên toàn cầu. Nhìn lại lịch sử của đất nước thấy, không phải đến bây giờ chúng ta mới quan tâm tới truyền thống văn hóa dân tộc. Ở thế kỷ XX vừa qua cũng 4 vậy, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề văn hóa dân tộc. Sự quan tâm đó được thể hiện và được quán triệt một cách cụ thể trong đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng mà rõ nhất trong Bản đề cương văn hóa năm 1943, đó là phương châm xây dựng một nền văn hóa dân tộc khoa học và đại chúng. Tất nhiên, định hướng ấy không phải là cái khuôn bất biến, mà nó luôn được bổ sung cho phù hợp với từng điều kiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhiều luận điểm của Đề cương văn hóa năm 1943 lại được bổ sung hoàn chỉnh sau gần năm mươi năm sau. Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), nhận thức về văn hóa được nâng lên một tầm cao mới: "Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội" [11, tr.335] và với định hướng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, một lần nữa khẳng định tính nhất quán trong đường lối chỉ đạo văn hóa của Đảng. Quan điểm khoa học - dân tộc - đại chúng cũng được nhắc lại trong Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), đó là: “Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Như vậy là, truyền thống văn hóa dân tộc cũng như bản sắc văn hóa dân tộc luôn được quan tâm một cách đúng mức ở thời đại chúng ta. Trong tổng thể của một nền văn hóa, các loại hình nghệ thuật luôn có vai trò quan trọng trong việc kế thừa, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc. Bởi, nghệ thuật là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm cũng là nơi để phản ánh, phản chiếu những phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại ngày nay luôn là vấn đề cấp bách, không chỉ định hướng mà cần phải có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là người dân ở những địa phương có vốn văn hóa đặc thù. 5 Hát Ghẹo Phú Thọ là một trong những sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân vùng đất Tổ thời xa xưa, đồng thời nó là bộ phận cấu thành của kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, cho dù có sự đứt đoạn, đứt gãy, nhưng các thế hệ người nơi đây đã nối tiếp nhau giữ gìn, sáng tạo, lưu truyền để ngày nay nó vẫn hiện tồn trên mảnh đất này. Là người con được sinh ra và lớn lên tại vùng Đất Tổ, tôi từng ngày nhận thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm biến đổi những giá trị quý giá của thể loại ca hát này. Với những lý do nêu trên, cộng với trách nhiệm bản thân, nên tôi quyết định làm luận án với tiêu đề Hát Ghẹo Phú Thọ. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là tìm ra những nét đặc trưng của hát Ghẹo Phú Thọ. Nhìn sâu hơn đó là sự lý giải dẫn đến việc khẳng định những đặc trưng này chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tầng nền của tâm thức người dân Phú Thọ. Bên cạnh đó, để làm rõ hơn luận án sẽ chỉ ra sự tác động của lịch sử, xã hội, điều kiện tự nhiên... là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự hình thành những nét đặc trưng của hát Ghẹo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về âm nhạc, nội dung ca từ... chúng tôi sẽ tìm ra một số đặc trưng của hát Ghẹo. Đó là cơ sở để giúp chúng tôi nhìn nhận rõ hơn những giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng như vai trò của nó đối với đời sống tinh thần của người dân Phú Thọ. Luận án sẽ đưa ra những đánh giá một cách khách quan về tính hiện hữu trên mọi phương diện của hát Ghẹo những năm gần đây. Từ đó, để có cái nhìn đúng đắn, và đưa ra những mô hình bảo tồn, phát huy nó trong thời đại ngày nay cho hợp lý, hiệu quả. 6 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là hát Ghẹo. Đây cũng là một thể loại dân ca đặc sắc của cư dân vùng Phú Thọ. Nó được hình thành, tồn tại và phát triển trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân từ xưa đến nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Mặc dù hát Ghẹo ở nhiều địa phương thuộc vùng châu thổ sông Hồng nhưng đề tài chỉ giới hạn ở phạm vi nghiên cứu dưới đây: Về không gian chỉ nghiên cứu hát Ghẹo ở Phú Thọ, mà cụ thể là hát Ghẹo ở Nam Cường - Hương Nội (huyện Tam Nông), vì đây là địa điểm có thể coi là trung tâm của hát Ghẹo và còn tồn tại cho đến ngày nay. Về thời gian chủ yếu nghiên cứu hát Ghẹo từ năm 1958 đến nay. Chúng tôi chọn điểm khởi đầu vào năm 1958 mà không chọn năm khác là bởi: Nằm trong kế hoạch khôi phục nghệ thuật dân gian, Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa cử nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hòe đi nghiên cứu hát Ghẹo và nhạc sĩ Tú Ngọc nghiên cứu hát Xoan ở Phú Thọ, Cuối năm 1958 với công trình Bước đầu tìm hiểu hát Ghẹo Phú Thọ, bắt đầu từ đấy hát Ghẹo chính thức được định danh và tên gọi ấy được lưu giữ cho đến nay. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp luận Hát Ghẹo là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân Phú Thọ. Hát Ghẹo có quá trình hình thành và phát triển, nên chúng tôi coi hát Ghẹo là một thực thể văn hóa trong một chỉnh thể văn hóa. Vậy nên, luận án thực hiện trên 7 cơ sở của khoa học folklore, và tất yếu nó phải được nhìn nhận bằng quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cụ thể là trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp nghiên cứu liên ngành (Dân tộc học, Văn hóa học, Âm nhạc học). Phương pháp khảo sát thực địa (phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh, thu âm...). Phương pháp tổng hợp, phân tích so sánh và hệ thống hóa. 5. Đóng góp của luận án Luận án hy vọng sẽ là công trình nghiên cứu toàn diện về hát Ghẹo ở Phú Thọ. Thông qua các phân tích đánh giá, bước đầu đã tìm được một số giá trị của nó, để từ đó tìm ra những nét đặc trưng riêng của hát Ghẹo Phú Thọ. Giải quyết được một số vấn đề như nguồn gốc ra đời, sự ảnh hưởng qua lại giữa hát Ghẹo Phú Thọ với các thể loại dân ca tiêu biểu khác. Luận án khẳng định hát Ghẹo Phú Thọ là một trong những thể loại dân ca cổ có tính độc lập tương đối, nó không phải là sự cấy ghép với hát Xoan để trở thành thuật ngữ Xoan Ghẹo như nhiều người thường dùng trong quá khứ cũng như hiện nay. Thông qua việc tìm ra giá trị của hát Ghẹo xưa, luận án hy vọng đưa ra được một mô hình bảo lưu và phát triển nó trong đời sống của cư dân Phú Thọ trước sự giao lưu văn hóa mang tính toàn cầu hiện nay. 8 6. Bố cục luận án Ngoài phần mở đầu (6 trang), kết luận (5 trang), tài liệu tham khảo (10 trang), phụ lục (91 trang), nội dung luận án có cấu trúc 3 chương: Chương 1: Tổng quan về không gian văn hóa Phú Thọ và tình hình nghiên cứu hát Ghẹo Phú Thọ Chương 2: Đặc điểm của hát Ghẹo Phú Thọ và so sánh hát Ghẹo Phú Thọ với một số loại dân ca khác. Chương 3: Những giá trị của hát Ghẹo Phú Thọ và thực trạng hát Ghẹo Phú Thọ hiện nay. 9 Chương 1 TỔNG QUAN VỀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA PHÚ THỌ VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU HÁT GHẸO PHÚ THỌ Phú Thọ là một vùng đất cổ - trung tâm của nước Văn Lang xưa, đây là nơi các vua Hùng đóng đô, mở đầu thời kỳ dựng nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, với đức tính cần cù trong lao động và óc sáng tạo trong nghệ thuật, người dân Phú Thọ đã tích lũy và xây dựng nên một kho tàng văn hóa phi vật thể có giá trị. Những giá trị trong kho tàng ấy, không chỉ biểu hiện yếu tố cổ xưa, mà còn ở sự phong phú đa dạng của từng loại hình, loại thể. Trong sự phong phú đa dạng đó, không thể không kể tới hai loại hình diễn xướng dân gian là hát Xoan và hát Ghẹo với những nét độc đáo riêng. Giá trị của hát Xoan đã được Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 24 - 11 - 2011. Với hát Ghẹo, vẫn còn đọng trong nó nhiều giá trị về văn hóa nghệ thuật mà tới thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có lời giải ngọn ngành, thỏa đáng. Vậy những yếu tố nào mang lại giá trị cho hát Ghẹo, và tình hình nghiên cứu nó ra sao...? Muốn trả lời những câu hỏi này, chúng tôi lần lượt giải quyết một số vấn đề sau: 1.1. KHÁI QUÁT VỀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA PHÚ THỌ 1.1.1. Địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử Cũng giống như các tỉnh khác, địa giới hành chính Phú Thọ luôn chịu tác động của lịch sử và luôn biến đổi qua các thời lịch sử. Tuy nhiên ở Phú Thọ lại có điểm khác, vì đây là vùng đất cổ, nên những ngày đầu mảnh đất này định hình, phần nào gắn với lịch sử hình thành của nhà nước Văn Lang xưa. Truyền thuyết trăm trứng được kể lại rằng: 10 Kinh Dương Vương lấy Long Nữ là con gái của vua hồ Động Đình, sinh ra con trai là Sùng Lãm. Sùng Lãm xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng nở thành 100 người con trai. Nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên núi đến đóng đô và xây dựng cơ đồ ở huyện Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). 50 người con theo mẹ lên núi, người con trai trưởng được tôn làm vua, xưng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Địa phận Văn Lang trải dài từ núi Ba Vì đến núi Tam Đảo, gồm các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây (thuộc Hà Tây cũ nay là Hà Nội), nửa tỉnh phía nam của Tuyên Quang và tỉnh Yên Bái. Trung tâm nước Văn Lang gồm 15 bộ tương đương với 15 bộ lạc người Việt cổ. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết, 15 bộ lạc đó là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Nam, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, và nơi đóng đô gọi là Văn Lang [94, tr.12]. Theo bước thăng trầm của lịch sử, mỗi triều đại vùng đất này lại có sự thay đổi về địa giới. Dựa vào những tư liệu lịch sử [56, tr.21-25] có thể tóm tắt lại như sau: Năm 258 TCN, Thục An Dương Vương dời đô về Cổ Loa, đặt tên nước là Âu Lạc, lúc đó bộ Văn Lang bị thu hẹp lại chỉ còn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây như ngày nay. Từ năm 111 TCN đến năm 243 SCN, nước ta bị nhà Hán đô hộ, Phú Thọ lại thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ. Năm 243 đến năm 620 Phú Thọ thuộc Huyện Mê Linh. Khi Ngô Quyền xưng Vương năm 939, Phú Thọ thuộc Phong Châu Thừa Hóa quận. Thời Lý, nước ta chia thành 24 lộ, dưới lộ ở đồng bằng gọi là phủ, miền núi gọi là châu. Lúc này địa hình Phú Thọ bao gồm cả châu và phủ. Thời các vua Trần, nước ta vẫn chia theo lộ. Nhà Hồ đổi lộ thành trấn. Dưới trấn là phủ, châu, huyện. Các phủ, châu huyện của Phú Thọ nằm rải rác 11 trong các lộ và trấn. Đến thời hậu Lê, địa lý hành chính của Phú Thọ như cuối đời Trần. Đầu thời Nguyễn, các phủ, huyện của Phú Thọ nằm ở trấn Sơn Tây và Hưng Hóa. Thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đổi tên tỉnh thành trấn, lúc đó Phú Thọ và Vĩnh Phúc thuộc địa bàn các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Thái Nguyên. Thời Pháp thuộc, địa lý hành chính của các tỉnh bị xáo trộn. Ngày 5-51903, tỉnh Phú Thọ được thành lập. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1970, địa lý của tỉnh không có gì biến động lớn. Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định nhập Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, bước sang thời kỳ đổi mới, để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tháng 3 năm 1997 Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa xã hòa chủ nghĩa Việt Nam quyết định tái lập tỉnh Phú Thọ từ việc tách Vĩnh Phú thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thời điểm hiện tại, Phú Thọ vẫn là tỉnh trung du nằm ở đỉnh tam giác của châu thổ sông Hồng giữa các tỉnh đồng bằng và các tỉnh miền núi phía bắc. Phía đông của tỉnh Phú Thọ giáp Vĩnh Phúc, Hà Tây; phía tây giáp Sơn La; phía nam giáp Hòa Bình; phía bắc giáp Yên Bái, Tuyên Quang. Diện tích của tỉnh Phú Thọ 3456km2. Chiều rộng đông - tây là 65km, chiều dài bắc - nam là 95km. Hiện tỉnh có một thị xã: Phú Thọ, một thành phố: Việt Trì và 11 huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập. Phú Thọ thuộc vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, nên địa hình có núi đồi, thung lũng, đồng bằng. Dù thiếu yếu tố của biển, nhưng bù vào, đây lại là nơi hội tụ của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Đà. 12 Do địa hình đa dạng, kéo theo khí hậu ở Phú Thọ cũng không kém phần phức tạp. Nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa là khá rõ rệt. Mùa hè nóng bức, nhiều bão giông; mùa đông lạnh buốt, nhiều sương mù băng giá, mưa phùn. Dẫu vậy, khí hậu nơi đây vẫn mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, đó là cơ sở tạo điều kiện cho cây cối phát triển quanh năm và có nhiều động vật sinh sống. Như vậy có thể thấy rằng, cho dù địa giới hành chính của Phú Thọ luôn có sự thay đổi để phù hợp với tình hình chính trị của từng thời kỳ lịch sử, thì mảnh đất này vẫn là trung tâm của nước Văn Lang xưa. Với vị trí trung tâm, nhất là nằm trong vùng đệm chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, nên sự hút dẫn và lan tỏa của văn hóa nghệ thuật đến với các vùng lân cận luôn mang tính tất yếu. Mặt khác, do địa hình khá đa dạng, khí hậu có phần khắc nghiệt hơn so với đồng bằng, nên người dân nơi đây những ngay đầu - cũng như nhiều nơi khác - có một nhu cầu tất yếu là sự kết nghĩa giữa các làng với nhau. Từ những yếu tố đó đã góp phần tạo dựng cho họ có một đời sống nội tâm sâu sắc, luôn trọng nghĩa, trọng tình. Những đặc trưng về tính cách ấy, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nội dung lời ca của hát Ghẹo. 1.1.2. Cảnh quan thiên nhiên Phú Thọ có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa khá độc đáo và có giá trị. Đó là: thác Hương Kiện (Đá Thờ), cách thị xã Phú Thọ 17km trên đường vào huyện Yên Lập. Động Chùa Hang ở thôn Vân Nham huyện Đoan Hùng. Đền Ngọc Tháp ven Sông Thao, cách thị xã Phú Thọ 2km. Đầm Ao Châu ở huyện Hạ Hòa có 99 ngách, thu nước từ 99 con suối lớn nhỏ từ bốn phía đổ về; phía tây nam đầm thông với sông Hồng bằng một con ngòi 13 (Ngòi Lửa). Diện tích đầm rộng khoảng 2km2, nếu nhìn từ trên cao xuống, thì đầm giống như cái đầu trâu có hai sừng choãi ra. "Mặt hồ trải rộng nước xanh như nước biển. Những ngày đẹp trời, bè giang, bè nứa nối tiếp nhau chở về nhà máy giấy Lửa Việt, những thuyền đánh cá tấp nập, rộn ràng... Thật là một thắng cảnh hiếm có ở vùng đồi trung du" [56, tr.34]. Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn rộng 12.000ha, là khu rừng nguyên sinh trong thung lũng hẹp, núi cao vây quanh. Bên trong có hàng vạn kỳ tích thiên nhiên như suối, thác, hang động, cây cỏ, muông thú tạo nên quần thể thắng cảnh kỳ thú. Vào những ngày nghỉ, ngày hè, khách du lịch đến với Phú Thọ nói chung và khu bảo tồn nói riêng để chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Điều đó hứa hẹn một tiềm năng du lịch to lớn cho một thắng cảnh hiếm có ở vùng trung du này. Những đồi chè xanh bạt ngàn trải rộng trên địa bàn Tân Sơn và Thanh Sơn là một trong nhiều đặc sản của Phú Thọ - ngoài lợi ích kinh tế, thì nó còn tạo điểm nhấn cho cảnh quan thiên nhiên vùng trung du thêm thơ mộng. Phú Thọ là vùng đất cổ. Bởi thế, đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử từ ngàn xưa. Tiêu biểu nhất là khu di tích lịch sử Đền Hùng, được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, huyện Lâm Thao. Phong cảnh khu đền Hùng uy nghi, hùng vĩ, vị thế đắc địa. Từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh có thể phóng tầm mắt thấy cả một vùng rộng lớn tới ngã ba Hạc, núi Tam Đảo, Ba Vì và các dãy đồi lượn sóng xen kẽ giữa những cánh đồng lúa tươi tốt của vùng trung du. Quần thể kiến trúc này gồm 4 đền: Đền Thượng thờ bài vị của 18 đời Vua Hùng, cạnh đó có lăng Hùng Vương (tương truyền là mộ Vua Hùng thứ VI); Đền Trung thờ các Vua Hùng; Đền Hạ (tương truyền nơi đây mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng), gần đó có chùa Thiên Quang Thiền Tự; Đền Giếng thờ hai nàng công chúa Tiên Dung - Ngọc Hoa. 14 Ngày nay, khu di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư tôn tạo thành một quần thể kiến trúc trong hệ sinh thái đa dạng đã và đang mở rộng, nhằm đáp ứng sự mong mỏi, thành kính, tâm linh của mỗi người dân Việt khi trở về đất Tổ. Hàng năm vào ngày giỗ Tổ, con cháu khắp nơi tìm về Đền Hùng thăm mộ Tổ, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, đồng thời là dịp đi thăm di tích lịch sử, ngắm nhìn cảnh đẹp non sông. Cảnh quan thiên nhiên ở Phú Thọ là môi trường sống của con người Phú Thọ. Sự tác động qua lại giữa con người với thiên nhiên luôn mang tính tất yếu. Trên cơ sở hiểu biết cảnh quan, con người đã phản ánh nó vào trong văn học, nghệ thuật ở mức độ nông sâu, với những chiều cạnh khác nhau do yêu cầu nội dung của từng loại hình, thể loại nghệ thuật cụ thể. Cảnh quan thiên nhiên cũng là cơ sở tạo ra nguồn cảm hứng để các nghệ nhân dân gian phản ánh vào trong lời ca của hát Ghẹo. Mặt khác, nó cũng sẽ là một gợi ý để tạo ra môi trường mới trong việc bảo tồn và quảng bá hát Ghẹo trong bối cảnh hiện nay. 1.1.3. Cư dân, phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội 1.1.3.1. Cư dân Căn cứ vào kết quả "được mùa của khảo cổ học" [103, tr.14] từ 1965 đến 1976 về nền văn hóa đồ đá Sơn Vi, người ta đoán định: cách đây trên một vạn năm đã có nhiều thị tộc người nguyên thủy cư trú trên vùng đất này. Cũng căn cứ vào kết quả nghiên cứu tổng hợp của nhiều ngành khoa học về thời đại Hùng Vương dựng nước, đã có khá nhiều chứng tích để biết rõ: Người Việt cổ từ cuối thời đại đồ đá mới đến cuối thời đại đồ đồng thau đã định cư rất đông ở vùng đất Phú Thọ. Họ biết sản xuất nông nghiệp trên nương rẫy và ruộng nước, đồng thời bước đầu đã thuần dưỡng được một số vật nuôi, bên cạnh đó vẫn hái lượm và săn bắt thêm [56, tr.38]. 15 Sang giai đoạn Đồng Đậu và Gò Mun, cư dân nơi đây đã bỏ dần việc chế tạo công cụ lao động bằng đá, chuyển sang phát triển nghề đúc đồng, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp. Lúc ấy, lúa trở thành cây chủ đạo trong sản xuất. Thóc gạo bắt đầu nhiều lên và đã có thể để dành. Công cụ sản xuất ngày được cải tiến, sản xuất càng phát triển. Theo đó, xã hội hình thành rõ nét sự phân hóa giai cấp. Chế độ công xã nguyên thủy được thay bằng công xã nông thôn. Người dân bắt đầu cư trú theo làng xóm. Có lẽ từ đây, nhiều sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng dần hình thành. Một điều đáng quan tâm đó là, trong giai đoạn Gò Mun, nhu cầu trao đổi kinh tế, văn hóa giữa các bộ lạc ngày càng nhiều, và sự đoàn kết giữa các bộ lạc là một nhu cầu cấp thiết để chống lại sự xâm lấn của các bộ lạc khác. Vì thế, nhà nước Văn Lang ra đời. Trên có Vua, dưới có dân, vua tôi cùng cày, không phân uy quyền cấp bậc. Tuy nhiên, đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, bộ máy nhà nước đã hình thành rõ nét. "Vua là người đứng đầu nước và dân chúng suy tôn ở nhiệm vụ tư tế" [56, tr.39] vì họ tin rằng, vua là người gần gũi với thần linh và có quan hệ với mùa màng, mưa nắng. Nhân dân trở thành những nông dân thực thụ, biết dùng trâu làm sức kéo. Bên cạnh cây lúa là chủ đạo, cư dân còn trồng khoai, rau đậu, dưa... Thủ công nghiệp luyện kim và làm đồ gốm có nhiều tiến bộ vượt bậc... Trên cơ sở chính trị ổn định, kinh tế phát triển, cư dân nơi đây đã dần hình thành những yếu tố văn hóa đầu tiên mang tính đặc trưng của dân tộc, tạo đà cho sự phát triển một của nền văn hóa lúa nước. Với những gì đã khái lược như trên, rõ ràng cư dân bộ Văn Lang đã góp phần vào quá trình xây dựng nền tảng dân tộc, văn hóa và truyền thống tinh thần Việt Nam. Và cũng qua tư liệu, cho chúng ta phỏng đoán rằng, hình thức xướng ca trong tế lễ có lẽ có cội nguồn từ đây. 16 Từ khi Thục An Dương Vương lên ngôi (năm 258 TCN) đến khi nhà Hán đô hộ nước ta (năm 111 TCN), cư dân vùng Đất Tổ chưa có thay đổi lớn, chủ yếu là người Việt cổ. Theo truyền thuyết và thần phả một số đình đền ven sông Lô, thì khoảng giáp cuối thế kỷ thứ II TCN, mới có người ngoại tộc đến cư trú. Số người này là quân của nhà Triệu thua nhà Hán chạy sang sống chủ yếu ở huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Phong Châu (huyện cũ của tỉnh Phú Thọ, nay là huyện Phù Ninh) rồi đồng hóa với dân bản địa. Gần một nghìn năm dưới sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, về cơ bản cư dân Phú Thọ chủ yếu là người Việt cổ. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế, nhận thức về văn hóa ở từng nơi có sự khác nhau, nhưng nhìn chung họ bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán, lối sống khá giống nhau. Cư dân ở vùng đệm chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, do đường xá đi lại khá dễ dàng, nên họ có nhiều điều kiện giao lưu học hỏi những kinh nghiệm sản xuất của người miền xuôi. Sự phân hóa này diễn ra càng rõ ràng hơn khi nước nhà đã giành được chủ quyền, đó là quy luật vận động của lịch sử. Từ thế kỷ thứ X trở đi, cư dân Phú Thọ có nhiều biến động. Đó là sự tách người Việt và người Mường thành hai khối như ngày nay. Bên cạnh đó, có nhiều đợt di dân, nhiều dòng người nhập cư về Vĩnh Phú nói chung và Phú Thọ nói riêng, điển hình là: Năm 1030 Lý Thánh Tông gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục Chân Đăng; năm 1036, Lý Thái Tôn gả Công chúa Kim Thành cho châu mục Chân Đăng. "Mỗi lần như thế, thê tử, bầu đoàn, ngụ cư lâu dài rồi trở thành người dân địa phương. Ngoài dòng người này, còn nhiều cư dân miền xuôi do cuộc sống khó khăn phải chuyển lên đây sinh sống [56, tr.41]. Từ thế kỷ XVIII đến nay, có nhiều đợt người từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình... lên Phú Thọ định cư. Ngày nay, cư dân ở Phú Thọ cũng đông đúc 17 như các tỉnh ở miền xuôi. Theo Nghị định 05/NĐ-CP, số liệu điều tra dân số vào thời điểm tháng 1 năm 2009, Phú Thọ có 1.400.226 người, mật độ 373 người/km2. Trong đó người Mường khoảng 10 vạn, chiếm gần 80% tổng số các tộc ít người, sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Thanh Sơn, Yên Lập; Người Dao là 6 nghìn, cư trú chủ yếu ở hai huyện Yên Lập, Thanh Sơn; Người Cao Lan 2 nghìn, chủ yếu ở hai huyện Đoan Hùng và Yên Lập; Còn lại là người Kinh (Việt). Tỷ lệ phân bố dân số sống ở nông thôn, vùng núi khoảng 85% và tại thành thị là 15%. Nhìn vào lịch sử hình thành cư dân Phú Thọ có thể thấy đại bộ phận cư dân ở đây chủ thể là người gốc Việt, gồm hai thành phần dân tộc chính là Kinh và Mường đã cư trú, sinh tồn và phát triển lâu đời qua nhiều giai đoạn lịch sử. Sự giao thoa văn hóa luôn diễn ra nhiều dáng vẻ qua các giai đoạn lịch sử giữa các nhóm người sống xen kẽ nhau, tạo nên nền văn hóa tổng hòa nhưng vẫn trên cơ sở nền văn hóa tộc người chủ thể mà phát triển lên. Chính yếu tố trên đã kết dệt nên cho cư dân Phú Thọ có những tính cách nổi bật, đó là: đức tính lao động cần cù, sáng tạo; tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái; lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm... Tất nhiên những tính cách này vừa mang cái chung như nhiều vùng khác, vừa mang nét riêng có của Phú Thọ. Cái riêng, nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc đó là: Văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay tộc người khác trên cơ sở của điều kiện tự nhiên, lịch sử, dân cư... mà tạo thành [58, tr.17]. 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất