Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 4 viết đúng chính tả...

Tài liệu Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 4 viết đúng chính tả

.PDF
21
184
93

Mô tả:

A - ĐẶT VẤN ĐỀ I. LỜI MỞ ĐẦU: Người xưa có câu : “Nét chữ, nết người”. Tức là khi nhìn vào nét chữ của người viết, tuy rằng ta chưa thể hiểu hết được toàn bộ tính cách của con người đó, song cũng có thể đoán được phần nào tính cách chủ nhân của nét chữ đó. Khi bạn thấy nét chữ được viết ngay ngắn, gọn gàng, sạch sẽ và đều đặn thì ít nhất cho thấy đó là một người có tính cẩn thận, coi trọng hình thức. Ngược lại, với nét chữ được viết vội vàng, nghệch ngoạc, lên, xuống thất thường thì dù có muốn bạn cũng không thể cho rằng đó là một người có tính cẩn thận được. Khi đọc một văn bản, một tài liệu (chưa đề cập đến nội dung) nhưng khi thấy văn bản đó, tài liệu đó có nhiều lỗi sai chính tả, ta phần nào có thể đoán được trình độ hiểu biết và diễn đạt ngôn ngữ của người đó có thành thục hay không (tuỳ theo mức độ lỗi nhiều hay ít). Việc diễn đạt sai chính tả sẽ dẫn đến những tình huống khôi hài, tuy chưa đến mức độ hiểu sai một vấn đề nhưng trong thực tế vẫn có thể làm cho người đọc dễ bị ngộ nhận và rơi vào tình trạng nhàm chán. Là một giáo viên dạy ở bậc Tiểu học, thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt (Nghe, nói, đọc, viết) giúp học sinh học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi, môn Tiếng Việt ở Tiểu học đã lấy nguyên tắc dạy giao tiếp làm định hướng cơ bản và chữ viết là một hình thức của ngôn ngữ giao tiếp.Vì vậy, phân môn Chính tả có vai trò quan trọng ở cấp Tiểu học.Nó giúp các em hình thành năng lực và thói quen viết đúng chính tả, nói rộng hơn là năng lực và thói quen viết đúng Tiếng Việt. Học sinh viết đúng, viết nhanh mới có điều kiện học môn Tiếng Việt và các môn học khác được thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng học sinh viết sai chính tả ngày càng nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em, hạn chế khả năng giao tiếp, làm các em mất tự tin.Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi luôn dành nhiều thời gian suy nghĩ để đi tìm câu trả lời: “Làm thế nào để hạn chế tỉ lệ học sinh viết sai chính tả ? ” Vì Tiếng Việt là linh hồn dân tộc Việt, văn hóa Việt.Viết đúng, nói chuẩn Tiếng Việt là việc cần phải làm ngay. 1 Với ý nghĩ trên, tôi mạnh dạn chọn phân môn Chính tả để nghiên cứu và thể hiện trong việc đổi mới phương pháp dạy học Chính tả ở Tiểu học. Đó chính là :“Một số biện pháp giúp học sinh lớp 4 viết đúng chính tả”. Đây là một sáng kiến kinh nghiệm mà tôi đã đúc rút từ thực tiễn dạy học nhiều năm nay dùng để đồng nghiệp tham khảo. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để sáng kiến kinh nghiệm này thật sự là một người bạn thân thiết và hữu ích đối với giáo viên Tiểu học. II. THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU: Chính tả có nghĩa là gì ? Là cách viết chữ được coi là chuẩn. Vậy dạy học sinh viết chính tả là dạy học sinh viết chuẩn. Nhưng thực trạng cho thấy số học sinh Tiểu học được coi là viết chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mỗi trường học. Đây quả là một vấn đề đáng báo động đến giáo viên và học sinh cần được giải quyết kịp thời trong phân môn dạy Chính tả. Là một người giáo viên dạy học sinh Tiểu học, tôi luôn chú ý đến việc dạy các em viết đúng chính tả. Giúp các em viết đúng, viết đẹp chính là rèn luyện tính :cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại… trong cuộc sống hàng ngày của các em. Qua nhiều năm giảng dạy, tôi thấy chữ Việt ngày càng bị mai một; số đông các em viết chữ vừa xấu lại vừa sai chính tả. Bản thân tôi rất buồn, vì thế hệ trẻ này sẽ là tương lai của Đất nước, nếu không chịu rèn chữ viết, không chịu tìm hiểu ngôn ngữ của từ để viết đúng thì sự trong sáng của Tiếng Việt cũng dần dần bị mai một và mất đi. Tôi đã khảo sát sơ bộ học sinh ở trường Tiểu học Hoằng Sơn, nơi tôi đang trực tiếp giảng dạy cho thấy: Học sinh thường viết sai chính tả. Năm học 2010 – 2011, tôi được phân công trực tiếp giảng dạy lớp 4B trường Tiểu học Hoằng Sơn. Lớp tôi chủ nhiệm và giảng dạy có 18 học sinh, trong đó có 9 em nữ và 9 em nam. Phần lớn các em là con gia đình nông nghiệp, một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số em gia đình ít quan tâm đến việc học tập của con cái, đồ dùng sách vở còn thiếu thốn... Theo dõi việc học tập của học sinh trong lớp, tôi thấy các em viết sai chính tả quá nhiều. Vì vậy, công việc đầu tiên của tôi ngay từ những tuần lễ đầu của năm học là thống kê các lỗi sai phổ biến của học sinh trong lớp thông 2 qua khảo sát bài viết chính tả đầu năm học, qua theo dõi các bài viết chính tả và các bài viết từ các phân môn khác của học sinh để tìm ra nguyên nhân, từ đó có biện pháp khắc phục cho các em. Thông qua khảo sát đầu năm học và qua theo dõi các bài viết chính tả của học sinh, tôi thu được kết quả cụ thể như sau: Tỉ lệ học sinh mắc các lỗi chính tả thường gặp Tổng Lớp Dấu hỏi (?), dấu ngã (~) số học sinh 4B 18em 10em=55,5% Vần an/ang, ăn/ăng, ân/âng, ươn/ương, iên/iêng, uôn/uông, im/iêm ât/âc, ăt/ăc, iêt/iêc, uôt/uôc, ươt/ươc, ut/uc, ưt/ưc, ên/ênh, in/inh, êt/êch, iu/iêu,… 8em=44,4% Phụ âm: x/s ; ch/tr ; d/gi/r. 12em=66,6% Qua tìm hiểu thực tế cho thấy : Hiện tượng viết sai chính tả ở học sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau : 1. Do các em phát âm sai, dẫn đến việc viết sai (các em đọc như thế nào là viết y như vậy). 2. Do không hiểu nghĩa của từ : 3. Do ảnh hưởng của ngữ âm địa phương : 4. Do các em không nhớ các qui tắc chính tả mà giáo viên cung cấp thông qua các dạng bài tập chính tả. 5. Do tính cẩu thả, không chịu lắng nghe, học hỏi, rèn luyện, thiếu kiên nhẫn luyện viết. Các em không coi trọng “chữ viết” bằng “chữ số. 6. Do sự xâm nhập như vũ bão của ngôn ngữ “mạng”. “Chat” đúng chính tả... là không sành điệu, là thiếu phong cách (!). Giới trẻ tự quy ước những chuẩn mực mới để đánh giá đối tượng giao tiếp. Và điều này lan truyền rất nhanh, tạo sự cộng hưởng mạnh trên cộng đồng dân cư “mạng”. 3 Ví dụ : Một học sinh đã viết: “Em sẽ cố gắng thay đổi cách học bài, dù có pùn ngủ mún chít cũng phải giải quyết hết bài tập”. 7. Do cha mẹ không quan tâm đến việc học hành của con cái…. 8. Do giáo viên chưa phát âm rõ ràng khi đọc cho học sinh viết chính tả đồng thời chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc khắc phục lỗi chính tả cho HS. vv…(Đây là nguyên nhân khách quan) Ngoài ra còn có một số nguyên nhân về sinh lý có ảnh hưởng đến kết quả viết chính tả của học sinh như: Nói ngọng, tai nghe không rõ khi các em viết chính tả nghe - viết… Từ thực trạng trên, để công việc nghiên cứu đạt hiệu quả, tôi đã mạnh dạn cải tiến nội dung, phương pháp dạy học phân môn Chính tả phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng học sinh trong lớp và lập ra một số giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện. B - GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: I. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN: Từ những nguyên nhân trên, tôi quyết tâm vận dụng những kinh nghiệm đúc rút được qua thực tiễn dạy học những năm học trước để cố gắng làm sao giảm được số học sinh viết sai chính tả, viết chữ xấu, tăng dần số học sinh viết đúng chính tả, viết đẹp và rèn luyện cho các em tính cẩn thận, kiên trì ở mọi nơi, mọi lúc, ở tất cả các môn học. Theo tôi, để giúp học sinh viết đúng chính tả phải là cả một quá trình giảng dạy và rèn luyện cho các em xuyên suốt lâu dài chứ không phải là ngày một ngày hai, vì vậy giáo viên cần phải kiên nhẫn, tận tâm, tận tụy với học sinh. Bản thân tôi đã đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể như sau: 1. Xác định nội dung dạy - học chính tả . Việc xác định được nội dung giảng dạy chính tả của giáo viên sẽ góp phần khắc phục lỗi chính tả ở học sinh. Nội dung giảng dạy chính tả phải theo khu vực và sát hợp với phương ngữ. Nghĩa là phải xuất phát từ tình hình thực tế mắc lỗi chính tả của học sinh để hình thành nội dung giảng dạy, điều quan trọng là phải xác định được trọng điểm chính tả cần dạy cho các em theo địa 4 phương. Các trọng điểm chính tả càng được xác định cụ thể, chi tiết càng tốt. Chẳng hạn: Dạy phân biệt tr/ch ; dấu hỏi/dấu ngã. Hoặc: Dạy phân biệt s/x ; dấu hỏi/dấu ngã. Hay : Dạy phân biệt r/d/gi ; ên/ênh… Tất nhiên, muốn làm được việc này, phải tiến hành điều tra cơ bản, khảo sát tình hình mắc lỗi chính tả của học sinh trong lớp. Từ đó, lựa chọn được nội dung giảng dạy thích hợp và linh hoạt sát hợp với đối tượng học sinh lớp mình giảng dạy. *Lưu ý: Ở một chừng mực nào đó, có thể lược bớt những nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa xét thấy không phù hợp với học sinh lớp mình giảng dạy, đồng thời bổ sung những nội dung dạy cần thiết mà không có trong sách giáo khoa. 2. Thực hiện tốt các biện pháp dạy học chính tả . - Viết bài trên bảng rõ ràng, chính xác, đúng mẫu chữ… - Phát âm đúng, rõ ràng, đủ cho học sinh nghe - viết chính tả chính xác. - Chọn được các chữ dễ viết sai đối với học sinh trong lớp để luyện viết đúng trước khi các em viết bài chính tả. - Chấm, chữa bài chính tả chu đáo cho các em. - Hướng dẫn học sinh luyện tập có hiệu quả (làm bài tập chính tả âm-vần) nhằm khắc phục lỗi chính tả chung và lỗi thường mắc đối với học sinh. 3. Phát âm đúng để viết đúng chính tả. Theo tôi, đây chưa phải là giải pháp ưu việt và càng không phải là giải pháp duy nhất mà chỉ có thể là giải pháp bổ trợ trong dạy học Chính tả. - Giáo viên cần rèn luyện nói và đọc chuẩn để học sinh có sự chuẩn mực về nghe và viết . - Học sinh cũng cần phải được rèn luyện để nói và đọc đúng, từ đó các em sẽ viết đúng chính tả. 4. Học chính tả bằng cách nhớ từng chữ một. Đây có thể coi là một giải pháp có tính khả dụng, hữu hiệu và hợp lý hơn cả vì học sinh Tiểu học có khả năng nhớ máy móc khá tốt, khả năng học thuộc khá nhanh. Giáo viên nên vận dụng cách dạy:"Nhớ từng chữ một" đối với học sinh 5 trong lớp theo phương châm sai gì học nấy.Tất nhiên, theo cách dạy này, giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh tập trung nhớ mặt chữ của những từ dễ viết sai, tránh sự dàn trải, tản mạn. Ở giải pháp này, học sinh được quan sát chữ viết, tự phân tích tiếng (theo cấu tạo 3 bộ phận : Phụ âm đầu, vần, thanh), được luyện thao tác viết đi viết lại nhiều lần để ghi nhớ mặt chữ lâu hơn. Ngoài ra, theo định hướng dạy học tích hợp thì ngay cả khi hướng dẫn đọc đúng trong giờ Tập đọc, giáo viên cũng cần giúp các em được luyện đọc đúng và tri giác chữ viết nhằm tránh viết sai chính tả. Đó là điều mà tôi chú ý phối hợp trong quá trình dạy - học Chính Tả ở lớp. 5. Học mẹo, luật chính tả để viết đúng chính tả . Không có một mẹo, luật chính tả nào là vạn năng, mỗi mẹo, mỗi quy luật chỉ có thể giúp học sinh chữa một loại lỗi nào đó. Chẳng hạn: Mẹo phân biệt dấu hỏi/dấu ngã ; mẹo phân biệt ch/tr hoặc s/x… Đối với học sinh Tiểu học, giáo viên cần sử dụng các mẹo, luật chính tả để chữa lỗi chính tả cho các em thông qua các bài tập chính tả để học sinh được phân tích, so sánh, đối chiếu…từ đó rút ra các mẹo, quy tắc chính tả.Ở đây, học sinh được rèn luyện về khả năng tư duy. Tôi đã sử dụng và khai thác triệt để giải pháp này trong dạy học phân môn Chính tả cho học sinh trong lớp mình giảng dạy . Chẳng hạn: Giúp học sinh ghi nhớ:Khi đứng trước các nguyên âm : i, e, ê… Âm “ cờ ” viết là “ k ” Âm “ gờ ” viết là “ gh ” Âm “ ngờ ” viết là “ ngh ”… 6. Học chính tả bằng cách kết hợp ghi nhớ hình thức chữ viết của từ và nghĩa từ. Muốn viết đúng chính tả, việc nhớ từ ngữ và nắm nghĩa của từ là rất quan trọng. Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp học sinh viết đúng chính tả. Chẳng hạn: Giáo viên đọc một từ có hình thức ngữ âm là “za” thì các em sẽ lúng túng trong việc xác định hình thức chữ viết của từ đó. Nhưng nếu giáo viên đọc: “gia đình” hoặc “da thịt” hay “ra vào”(đọc trọn vẹn từ gắn với một nghĩa xác định) thì học sinh dễ dàng viết đúng chính tả. 6 Trong các bài tập chính tả phân biệt, giáo viên cần luyện cho học sinh tìm hiểu nghĩa của từ đã được đặt trong ngữ cảnh cụ thể hoặc đặt câu với từ đó hay tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,… để các em dễ hiểu . Chẳng hạn: Phân biệt: giành - dành Em không giành lấy phần hơn cho mình. Em để dành cho bé gói bánh. Ở một số giờ học thuộc các phân môn Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn…giáo viên cũng cần chú trọng hướng dẫn để các em nắm được nghĩa của từ ngữ và hình thức chữ viết nhằm trau dồi kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên còn cần vận dụng phối kết hợp lồng ghép một số giải pháp khác trong quá trình dạy học Chính tả nhằm giúp học sinh viết đúng chính tả như: Giúp các em yêu thích, say mê tất cả các môn học, đặc biệt là môn Tiếng Việt, trong đó có phân môn Chính tả. Dạy học sinh tự phát hiện ra lỗi chính tả và tự sửa lỗi chính tả trong tất cả các môn học. Đồng thời kết hợp rèn viết đúng chính tả thông qua các môn học khác, qua trò chơi… Chẳng hạn: Trò chơi: Ô chữ kì diệu, tìm nhanh tìm đúng; đố chữ … Với các giải pháp nêu trên, chắc chắn học sinh sẽ ghi nhớ lâu các chữ, các âm mình viết sai. Từ đó, ở các em sẽ được hình thành kĩ năng, kĩ xảo viết chính tả một cách thuần thục. Khi đó ngôn ngữ của Tiếng Việt sẽ trong sáng hơn, chữ Việt sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian. II. CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Để thực hiện tốt việc giúp học sinh trong lớp viết đúng chính tả, tôi đã soạn ra các biện pháp sau để áp dụng trong các tiết dạy. 1.Giúp cho học sinh yêu thích môn chính tả : Để tránh sự nhàm chán khi học môn Chính tả, tôi vận dụng nhiều phương pháp và hình thức dạy học linh hoạt như : 1.a.Phương pháp trực quan : Phương pháp này đạt hiệu cao trong việc phân biệt nghĩa của từ. 7 Ví dụ : Khi dạy bài Gà Trống và Cáo (Tiếng Việt 4- tập 1) có câu: “Nhác trông vắt vẻo trên cành”, từ khó là “vắt vẻo”, khi giải nghĩa từ này tôi sử dụng tranh vẽ một con gà đứng trên một cành cây cao, ít điểm tựa, đó là “vắt vẻo”. 1.b.Tổ chức học theo tổ - nhóm, theo cặp : Đầu năm, sau một tuần thực dạy, tôi đã tiến hành phân học sinh trong lớp theo tổ nhóm hoặc phân thành “đôi bạn cùng tiến”(em giỏi, khá ngồi gần em yếu) để các em có thể hướng dẫn, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập . Phương pháp này giúp các em phát huy tinh thần tự giác, tích cực học tập, phát hiện ra những lỗi sai của nhau rồi tự trao đổi để tìm ra cách viết đúng nhất, khi đó các em sẽ khắc sâu những kiến thức mới lĩnh hội được, đúng như tục ngữ có câu “Học thầy không tày học bạn”. 1.c.Trò chơi đoán chữ : Trong các dạng bài tập chính tả, tôi vận dụng lồng ghép trò chơi đoán chữ phù hợp với từng bài dạy như: Trò chơi Ô chữ kì diệu, tìm nhanh tìm đúng; đố chữ hoặc giáo viên miêu tả hình ảnh còn học sinh thì suy luận xem hình ảnh đó là từ nào ?… Với phương pháp trò chơi này sẽ gây cho các em sự hứng thú, sự tập trung của tư duy trí tuệ, tính nhanh nhẹn và qua hoạt động trò chơi kiến thức kỹ năng viết đúng chính tả của các em sẽ được củng cố. Ví dụ : * Sau khi học xong bài: Phân biệt ươn /ương ….để củng cố lại cách viết đúng, tôi tổ chức trò chơi cho cả lớp cùng tham gia bằng cách nêu một số gợi ý : Đây là một con vật sống ở dưới nước, thân dài như con rắn, mình nhẵn bóng đó là con gì ? Yêu cầu học sinh cả lớp viết tên con vật đó vào bảng con, ai viết sai là bị thua cuộc… (Con lươn) * Hoặc: Sau khi học xong bài : phân biệt ch/tr , iêu/iu. Tôi tổ chức cho học sinh chơi trò chơi: Thi tìm từ nhanh, từ đúng (Chia lớp thành 2 đội tham gia trò chơi) với các nội dung như: a. Tìm các từ láy trong đó tiếng nào cũng bắt đầu bằng âm tr.( M: tròn trịa…) b. Tìm các từ láy trong đó tiếng nào cũng bắt đầu bằng âm ch . ( M: chông chênh…) (Tiếng Việt 4 - tập 2) 8 Tôi đã linh hoạt vận dụng những phương pháp dạy học như vậy nên thu hút được sự say mê, tích cực, tự giác học tập của học sinh trong lớp. Đó là một thành công bước đầu trong công tác giảng dạy của tôi. Dựa trên nền tảng này, tôi tiếp tục phát huy tính tích cực, tự giác học tập của học sinh, để nắm bắt được sự phản hồi từ phía học sinh xem các em tiếp thu bài đến đâu, lỗ hổng kiến thức ở chỗ nào. Khi đó giáo viên sẽ nhanh chóng có biện pháp giải quyết một cách triệt để nhất cho từng đối tượng học sinh trong lớp . Tục ngữ xưa có câu “Cô giáo như mẹ hiền”, trường học cũng chính là ngôi nhà thứ hai của các em, vì vậy thầy và cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai dìu dắt các em nên người. Từ những tình thương yêu, sự động viên, an ủi, vỗ về sẽ làm cho các em thấy tin tưởng, thấy yên tâm, thấy thích thú mỗi khi cắp sách đến trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng mềm mỏng với các em, nhiều lúc phải vừa “cương” mà phải vừa “nhu”, đó chính là “một nghệ thuật sư phạm” mà tôi đã sử dụng trong quá trình giảng dạy. Khi các em mắc lỗi, tôi nhắc nhở ngay để các em sửa chữa, khi các em chăm ngoan, học tốt tôi tuyên dương trước lớp để cho các bạn khác noi theo. 2. Rèn phát âm đúng chính tả : Khi viết chính tả, học sinh thường mắc phải các lỗi sau: lỗi về thanh điệu, lỗi về âm đầu, âm chính, âm cuối. Học sinh mắc lỗi có thể do cách phát âm lẫn lộn trong phương ngữ, do sự khá phức tạp của chữ quốc ngữ .Vì vậy, muốn học sinh viết đúng chính tả, tôi luôn không ngừng tự rèn luyện nói và đọc rõ tiếng, đúng, chuẩn để học sinh có sự chuẩn mực về nghe và viết . Đồng thời, tôi chú ý rèn luyện phát âm đúng cho học sinh để giúp các em phân biệt các thanh, các âm đầu, âm chính hay âm cuối vì chữ quốc ngữ là chữ ghi âm-âm thế nào, chữ ghi lại thế ấy. Việc rèn luyện phát âm đúng tôi không chỉ thực hiện trong tiết Chính tả mà còn thực hiện kết hợp thường xuyên, liên tục trong tất cả các tiết học khác như Tập đọc, Tập làm văn, Luyện từ và câu, Lịch sử... Ví dụ :+Trong bài chính tả (Nghe-viết): Họa sĩ Tô Ngọc Vân (TV4- tập2) 9 có câu: “Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ tài hoa.” Có một số em trong lớp viết: “Tô Ngọc Vân là một nghệ sỉ tài hoa.” Hoặc câu:“Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông đi cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, vẽ nhiều tranh và kí họa về họ.”, các em viết: “Trong chiến dịch lịch sữ Điện Biên Phũ, ông đi cùng bộ đội, dân công hõa tuyến, vẻ nhiều tranh và kí họa về họ.”, v,v… +Hoặc: Điền tiếng có vần in hoặc inh (Vở bài tập TV4-tập 2) : thầm…… ; lặng ….., có một số HS điền là: thầm kính ; lặng thin... Tôi luyện cho học sinh phát âm đúng theo từng bài học(Dạy đánh vần) Sĩ = sờ - i - si - ngã - sĩ. Phủ = phờ - u – phu - hỏi - phủ. Thinh = thờ - inh - thinh … 3.Rèn phân biệt chính tả bằng phân tích, so sánh: Song song với việc phát âm, tôi áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo của tiếng, so sánh các tiếng dễ lẫn lộn, phát hiện và chỉ ra những điểm khác nhau để học sinh lưu ý sau đó tôi cho các em đọc lại từ mà các em đã phân tích và luyện viết từ đó vào bảng con để kiểm tra, theo dõi và tiếp tục hướng dẫn sửa sai cho những học sinh viết chưa đúng chính tả trước khi viết vào vở để học sinh ghi nhớ. Ví dụ: *Khi viết tiếng “làng” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “làn” Tôi yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này: - làng = l + ang + thanh huyền - làn = l + an + thanh huyền. So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “làng” có âm cuối là “ng”, tiếng “làn” có âm cuối là “n”. Học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai. 4. Rèn phân biệt chính tả bằng giải nghĩa từ: Đây cũng là một biện pháp rất hữu hiệu nhằm khắc phục lỗi chính tả cho học sinh vì muốn viết đúng chính tả phải hiểu nghĩa của từ chính xác. Việc giải nghĩa từ tôi thường xuyên giúp các em thực hiện trong tiết Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn,… 10 Đó cũng là việc làm rất cần thiết trong tiết Chính tả khi mà các em không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hoặc phân tích cấu tạo tiếng. Ví dụ: Phân biệt: “ bát ” và “ bác ” Bác = Bác Tư (anh của ba) ; Bát = cái bát (đồ dùng ăn cơm)… Đế hướng dẫn học sinh hiểu nghĩa từ, tôi thực hiện theo nhiều cách khác nhau: có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,… Ví dụ: Phân biệt chiêng và chiên + Giải nghĩa từ chiêng: Giáo viên có thể cho học sinh quan sát tranh ảnh cái chiêng hoặc miêu tả đặc điểm (chiêng là nhạc cụ bằng đồng, hình tròn, đánh bằng dùi, âm thanh vang dội). + Giải nghĩa từ chiên: Giáo viên có thể cho học sinh đặt câu với từ chiên hoặc giải thích bằng định nghĩa (chiên là làm chín thức ăn bằng cách cho thức ăn vào chảo dầu, mỡ, đun trực tiếp trên bếp lửa). Ví dụ : *Phân biệt ch/tr : Chân : bộ phận nâng đỡ cơ thể người hoặc vật Trân : ngó trân trân hoặc trân trọng * Phân biệt s/x: Sen: hoa sen, vòi sen Xen: xen lẫn, xen kẽ *Lưu ý: Với những từ nhiều nghĩa, tôi hướng dẫn học sinh đặt từ đó trong văn cảnh cụ thể để giải nghĩa từ. Ví dụ: Giải nghĩa từ “ đi ” Tôi yêu cầu học sinh đặt câu sau đó giải nghĩa từ trong câu vừa đặt -Bạn Lan đi học.( Hoạt động rời chỗ bằng chân với tốc độ bình thường) -Tôi đi con tốt nhé. (Chuyển vị trí quân cờ để tạo ra thế cờ mới) - Cụ ấy ốm nặng đã đi hôm qua rồi. ( chết, mất,...) 5. Củng cố, ghi nhớ một số quy tắc chính tả cho học sinh. Quy tắc chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ và giúp các em khắc phục được lỗi chính tả rất hữu hiệu. 11 Để giúp cho học sinh nắm vững các quy tắc chính tả, khắc phục được tình trạng hay mắc lỗi chính tả, tôi tập trung rèn luyện cho các em trong lớp vào các loại bài chính tả phân biệt. Qua loại bài chính tả phân biệt này, các em được phân tích, so sánh, đối chiếu...rút ra các quy tắc chính tả, mẹo chính tả cần ghi nhớ và tôi lồng ghép để ôn luyện nhiều lần cho học sinh trong buổi học thứ hai sẽ giúp các em nắm chắc được các mẹo, các quy tắc chính tả. * Lưu ý: Đối với học sinh hay mắc lỗi chính tả, tôi yêu cầu các em chép lại chữ viết đúng từ 5 đến 10 dòng (tùy mức độ) vào sổ tay chính tả của mình. Ngoài ra, tất cả học sinh trong lớp đều phải ghi chép lại các từ ngữ thường viết sai chính tả và cách sửa chữa, các quy tắc chính tả, mẹo chính tả vào sổ tay chính tả theo từng bài học. Cách này tôi thấy rất có hiệu quả, giúp học sinh nhớ lâu, ít khi lặp lại lỗi đã mắc. Ví dụ 1: Điền vào chỗ chấm: • “ c ” hay “ k ” : …éo co, cổ …ính, …iên nhẫn, tổ …iến. • “ g ” hay “ gh ” : …ồ ghề, ..e thuyền, …i nhớ, chán …ét. • “ ng ” hay “ ngh ”: ngốc …ếch, ngạo …ễ, …iêng …ã Dựa vào bài tập này, tôi hướng dẫn học sinh ghi nhớ các quy tắc chính tả khi viết âm: g/gh; ng/ngh; c/k như sau: * Các âm đầu: k, gh, ngh đứng trước các nguyên âm i, e, ê, iê,… * Các âm đầu: c, g, gh đứng trước các nguyên âm o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư,… Ví dụ 2: Khi dạy bài chính tả phân biệt tr / ch. Tôi cho các em tự tìm và viết ra những từ để phân biệt tr / ch theo quan sát hoặc theo gợi ý của giáo viên. Chẳng hạn: Quan sát một số hình ảnh về gia đình, về đồ vật, về con vật… Tổ chức cho học sinh chơi trò chơi: thi viết các từ ngữ về các thành viên trong gia đình, tên đồ vật trong nhà và tên con vật …bắt đầu bằng âm ch? Và tổ chức cho học sinh làm bài tập điền vào chỗ trống tr hay ch : …ịnh …ọng, …ụ sở, …uyền thống, …ình độ, lởm …ởm, …eo leo, lừng …ừng, …ồm hổm. Dựa vào bài tập, học sinh ghi nhớ quy tắc chính tả khi viết âm: tr/ch như sau: 12 * Những danh từ chỉ mối quan hệ gia đình thường viết ch :(cha, chú, chồng, cháu, chắt,…) * Những danh từ chỉ các vật dụng trong gia đình thường viết ch :( cái chổi, cái chai, cái chạn, các chõng,cái chậu, chuồng gà,…) * Những danh từ chỉ tên các con vật thường viết ch :( chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu, chào mào, chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, …) * Ngoài ra, viết ch thường đi với các vần : oa, oă, oe, uê. (khăn choàng, loắt choắt, chích chèo, chuệch choạc, …) Hoặc : ch có thể viết ở vị trí thứ nhất hay thứ hai trong từ láy vần. * Đối với các từ Hán Việt mà không biết là ch hay tr nhưng đi kèm với dấu nặng hay dấu huyền thì viết là tr. (trừng trị, trùng hợp, trụy lạc, trận mạc, vũ trụ, trịnh trọng…) Ví dụ 3: Khi dạy bài chính tả phân biệt s / x. Học sinh được viết rất nhiều các từ ngữ để phân biệt s / x . Chẳng hạn: Tổ chức cho các em chơi trò chơi: “Ô chữ kì diệu” chứa các từ bắt đầu bằng “s” chỉ người, chỉ cây,chỉ đồ vật, chỉ hiện tượng tự nhiên và bằng “ x ” chỉ thức ăn hay đồ dùng liên quan đến thức ăn? Dựa vào trò chơi này, tôi hướng dẫn học sinh ghi nhớ như sau: * Đa số Danh từ viết là s. ( sứ giả, ông sư, bà sãi…cây si, cây sắn, cây sung,…sao, sương,…sỏi, sợi dây, súc vải…) * Tên thức ăn và các đồ dùng liên quan đến thức ăn thường viết với x. ( xôi, xúch xích, xà lách, xoong, xiêm,…) Ví dụ 4: Khi dạy dạng bài chính tả: Phân biệt dấu hỏi/dấu ngã: Ngoài các bài tập đã có trong sách Tiếng Việt 4 và vở bài tập Tiếng Việt 4, Tôi sử dụng thêm một số bài tập trắc nghiệm, điền dấu thanh hoặc điền từ vào chỗ trống để luyện cho học sinh như: a) Khoanh tròn vào những chữ cái trước những từ viết đúng chính tả: a. sữa tươi d. thi đỗ b. sửa sai e. nghiêng ngã c. ngả ba g. mãi miết b) Chọn từ thích hợp trong ngoặc để điền vào chỗ trống: 13 - (đổ, đỗ ) : thi … , … rác - ( giả, giã ) : … vờ (đò), … gạo c ) Đặt dấu hỏi hoặc dấu ngã vào những chữ in đậm trong các câu thơ sau: - Kiến cánh vỡ tô bay ra Bao táp mưa sa gần tới. - Muốn cho lúa nay bông to Cày sâu, bừa ki, phân gio cho nhiều… Dựa vào các bài tập, tôi cung cấp cho học sinh quy luật chính tả theo nhóm thanh điệu: huyền – ngã - nặng / sắc - hỏi – ngang. ( Nghĩa là nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, ngã, nặng thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh sắc, hỏi, ngang thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi . Chẳng hạn: .Thanh ngang + thanh hỏi: Nho nhỏ, lẻ loi, trong trẻo, vui vẻ… .Thanh sắc + thanh hỏi: Nhắc nhở, trắng trẻo, sắc sảo, vắng vẻ… .Thanh hỏi + thanh hỏi: Lỏng lẻo, thỏ thẻ, hổn hển, thủ thỉ, rủ rỉ… .Thanh huyền + thanh ngã: Sẵn sàng, lững lờ, vồn vã .Thanh nặng + thanhngã: Nhẹ nhõm, đẹp đẽ, mạnh mẽ, lạnh lẽo,… .Thanh ngã + thanh ngã: Dễ dãi, nghễnh ngãng, nhõng nhẽo… * Lưu ý : Đối với những từ Hán -Việt phát âm không phân biệt dấu hỏi, dấu ngã. Gặp những từ bắt đầu bằng một trong các phụ âm : m, n, nh, v, l, d, ng và ngh, tôi cho học sinh nhớ câu: “ Mình Nên Nhớ Viết Là Dấu Ngã ” thì đánh dấu ngã. Còn những từ bắt đầu bằng các phụ âm khác hoặc không có phụ âm đầu thì đánh dấu hỏi. Chẳng hạn: - Vĩ nhân, cần mẫn, nhã nhặn, lãnh đạm, vãng lai, phụ lão, dã man, ngôn ngữ, tín ngưỡng ... (Trừ "ngải" trong "ngải cứu). Đảo điên, tưởng tượng, kiểu cách , …. * Nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ vẫn viết bằng dấu ngã . Chẳng hạn : kỹ (kỹ thuật), bãi (bãi bỏ, bãi khóa), hữu (bằng hữu, hữu nghị), phẫu (phẫu thuật, giải phẫu ), tiễn (tiễn đưa, tiễn biệt), … 5. Rèn chính tả qua phát hiện lỗi và sửa lỗi. 14 Trong các tiết Chính tả, tôi hướng dẫn cho học sinh phát hiện ra những lỗi viết sai và tự bản thân các em sửa lỗi trong các bài viết chính tả qua các hình thức khác nhau như: - Giáo viên đọc lại bài văn hay khổ thơ trong bài viết chính tả mà học sinh đã viết để cho học sinh tự soát lỗi cho mình hoặc cho bạn. Tôi hướng dẫn các em dùng bút chì gạch dưới lỗi sai và viết chữ đúng ra lề vở. - Giáo viên chỉ ra cho học sinh thấy được các lỗi sai, học sinh viết lại các lỗi sai đó và sửa lỗi vào sổ tay chính tả của mình. Qua đó hình thành cho học sinh bản năng tự kiểm tra soát lỗi và có ý thức tự sửa lỗi . Ngoài ra, tôi còn vận dụng rèn cho học sinh tự phát hiện ra lỗi chính tả và sửa lỗi qua hệ thống các dạng bài tập khác nhau.( Dạy ở buổi học thứ hai ). Từ các hình thức nêu trên, tôi đã giúp học sinh trong lớp quen dần với cách tự phát hiện ra lỗi và tự sửa lỗi, dần dần các em sẽ nhớ cách viết đúng, thấy được các từ viết sai để tránh. 6. Rèn chính tả qua chấm - chữa bài của giáo viên. Đây là một biện pháp rất quan trọng trong quá trình dạy học của giáo viên. Việc chấm và chữa bài cho học sinh ngoài yêu cầu về chuyên môn còn đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm cao của mỗi giáo viên. Trong các tiết Chính tả, sau khi chấm xong bài cho học sinh, tôi thường thống kê các loại lỗi các em đã mắc để có kế hoạch rèn sửa về chính tả cho các em ở buổi học thứ hai trong ngày. *Lưu ý: Chấm bài cho học sinh nhất thiết phải dùng bút mực màu đỏ. * Cách chấm và chữa bài chính tả cho học sinh, tôi thực hiện như sau: - Gạch dưới những chữ viết sai chính tả, không chữa lỗi hộ cho các em . - Có thể phê lời nhận xét ngắn gọn vào bài viết của các em như: Bài viết đúng, chữ đẹp; Cần viết hoa đầu câu; Chú ý viết đúng dấu hỏi/dấu ngã (tr/ch; s/x;…) Đối với những học sinh mắc lỗi, tôi yêu cầu các em đọc và viết lại cho đúng chính tả những chữ đã mắc lỗi để ghi nhớ.(mỗi chữ đọc và viết từ 5 đến 10 dòng –tùy mức độ). 15 * Lưu ý: +Nếu học sinh viết chính tả còn mắc quá nhiều lỗi, giáo viên không nên cho ngay điểm yếu vào bài viết của các em mà nên nhắc nhở, tạo điều kiện để học sinh viết lại bài chính tả lần hai sau đó cô giáo chấm điểm lại để lấy kết quả tốt hơn. + Ngoài cho điểm về chính tả, giáo viên có thể tách riêng điểm về chữ viết để động viên hoặc nhắc nhở các em giữ vở sạch, rèn chữ đẹp. Biện pháp này tôi đã thực hiện thường xuyên không những trong các tiết Chính tả mà còn trong tất cả các môn học khác nên đã giảm dần được tỉ lệ học sinh trong lớp viết sai chính tả. 7. Rèn chính tả qua các môn học khác. Để giúp các em viết đúng chính tả, trong quá trình dạy - học, tôi chú trọng lồng ghép phối kết hợp rèn luyện chính tả cho học sinh trong các môn học khác. * Đối với phân môn Tập đọc, tôi luyện phát âm cho các em rất kỹ, hướng dẫn các em giải nghĩa từ ngữ theo nhiều cách khác nhau (đã nêu ở phần rèn nghĩa từ). Đặc biệt chú ý các em hay viết sai, tôi cho các em đó phát âm lại nhiều lần. Đối với phân môn Luyện từ và câu, tôi giúp cho học sinh hiểu được nghĩa của từ, hiểu về câu một cách chính xác. Ví dụ : * Phân biệt : líu hay níu: - Líu : Chim hót líu lo - Níu : Đừng níu áo nhau * Phân biệt : đổ hay đỗ : - Xe đổ : Xe bị lật nghiêng - Xe đỗ : Xe dừng lại không chạy nữa * Phân biệt : vỏ hay võ : - Vỏ : bóc vỏ, vỏ chai - Võ : võ nghệ, vò võ Đối với phân môn Tập làm văn, tôi cho các em đọc những đoạn văn, bài văn mình đã viết hoặc bài tham khảo để tìm ra lỗi đọc sai sau đó rèn cho các em đọc lại cho đúng. Chấm điểm kĩ trong bài viết đồng thời chỉ ra những lỗi chính tả (Theo cách chấm bài ở phân môn Chính tả) cho các em, sau đó hướng dẫn, uốn nắn, sửa chữa kịp thời cho từng đối tượng học sinh trong tiết trả bài. * Ở môn Toán, tôi giúp học sinh viết đúng đề toán, đúng câu lời giải bằng 16 cách nhắc nhở, sửa lỗi sai khi kiểm tra, chấm bài. Chỉnh sửa học sinh phát âm đúng khi trả lời miệng các câu hỏi của bài toán giải. * Ở môn Đạo đức; môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lý…để đạt được hiệu quả tiếp thu cao và để tự các em so sánh, phát hiện ra những lỗi chính tả trong phát âm của mình. Tôi thường cho học sinh thảo luận theo từng cặp hỏi - đáp, qua đó giáo viên kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa học sinh phát âm khi trả lời miệng câu hỏi bài trong học… Biện pháp này hình thành cho các em thói quen ý thức tập trung khi học tập, tôi đã vận dung triệt để nên học sinh trong lớp có sự tiến bộ khá rõ rệt trong việc viết đúng chính tả. Ngoài các biện pháp nêu trên, tôi còn kết hợp lồng ghép sử dụng linh hoạt một số biện pháp khác trong quá trình giảng dạy của mình như: Lập kế hoạch cụ thể phụ đạo, kèm cặp cho đối tượng học sinh trong lớp hay viết sai chính tả. Đồng thời, khuyến khích học sinh đọc nhiều sách báo,truyện thiếu nhi…, viết nhiều các bài thơ, bài văn ở các tiết sinh hoạt 15 phút đầu giờ và ở nhà để giúp nhớ lâu.… Điều này hỗ trợ rất tốt cho kĩ năng đọc và viết đúng chính tả của học sinh. Phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc kèm cặp các em khi học tập ở nhà… 17 C - KẾT LUẬN: I. KẾT QUẢ CỦA VIỆC ÁP DỤNG SKKN: Năm học 2010 -2011, tôi đã áp dụng thực triệt để tất cả các biện pháp đã nêu trên ở lớp 4B trường Tiểu học Hoằng Sơn trong quá trình dạy học.Tôi thu được kết quả cụ thể như sau: * Khảo sát cuối học kì I : Tỉ lệ học sinh mắc các lỗi chính tả thường gặp Tổng Dấu hỏi (?), dấu ngã (~) số Lớp học sinh 4B 18em 2em = 11 % Vần an/ang, ăn/ăng, ân/âng, ươn/ương, iên/iêng, uôn/uông, im/iêm ât/âc, ăt/ăc, iêt/iêc, uôt/uôc, ươt/ươc, ut/uc, ưt/ưc, ên/ênh, in/inh, êt/êch, iu/iêu,… 3em = 16,7 % Phụ âm: x/s ; ch/tr ; d/gi/r. 4 em=22,2% * Khảo sát cuối học kì II : Tỉ lệ học sinh mắc các lỗi chính tả thường gặp Dấu hỏi (?), dấu ngã (~) Lớp 4B Tổng số học sinh 18em 0 em= 0 % Vần an/ang, ăn/ăng, ân/âng, ươn/ương, iên/iêng, uôn/uông, im/iêm ât/âc, ăt/ăc, iêt/iêc, uôt/uôc, ươt/ươc, ut/uc, ưt/ưc, ên/ênh, in/inh, êt/êch, iu/iêu,… 1em=5.5% Phụ âm : x/s, ch,tr, d/gi/r. 3em=16.5% Qua quá trình thực nghiệm sư phạm đã được tổng hợp ở các bảng thống kê trên cho thấy sự chuyển biến khá rõ rệt của học sinh lớp 4B trong việc viết đúng chính tả, đó là một thành công đáng mừng của giáo viên. 18 Chính vì vậy, tôi dám khẳng định: Vận dụng “ Một số biện pháp giúp học sinh lớp 4 viết đúng chính tả” một cách triệt để và khoa học sẽ nâng cao được chất lượng viết đúng chính tả ở học sinh Tiểu học. II. BÀI HỌC KINH NGHIỆM : Việc giúp các em sửa chữa, khắc phục lỗi chính tả là cả một quá trình lâu dài và rất cần thiết, không thể thiếu trong quá trình dạy - học. Vì vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, không được nóng vội, phải tận tụy hết lòng vì học sinh, phải luôn cận kề bên các em khi các em đúng, cũng như khi các em sai. Bởi vì có những học sinh tiến bộ ngay trong vài tuần nhưng cũng có những học sinh thì sự tiến bộ diễn ra rất chậm, không phải vài tuần, có khi vài tháng, thậm chí cả một học kỳ. Nếu giáo viên không biết chờ đợi, nôn nóng thì chắc chắn sẽ thất bại. Đồng thời, giáo viên phải luôn trau đồi kiến thức, học hỏi trên sách vở, báo đài, thông tin đại chúng, học hỏi ở những đồng nghiệp thông qua các tiết dự giờ, thao giảng để chắt lọc ra những phương pháp hay nhất, những kinh nghiệm hữu hiệu nhất truyền thụ đến học sinh bởi vì :“ Ở đâu có thầy giỏi, ở đó có trò giỏi ”. - Giáo viên phải nắm vững nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc trưng bộ môn, cần có sự lựa chọn nội dung giảng dạy ở phần bài tập chính tả sao cho phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp, phải luôn đổi mới phương pháp và hình thức dạy học để tạo sự hứng thú ham học của học sinh, luôn động viên nhắc nhở, khen ngợi kịp thời mọi sự tiến bộ của học sinh, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. - Giáo viên hướng dẫn cho các em thật tỉ mỉ về các mẹo, quy tắc chính tả, quy tắc kết hợp từ, quy tắc ghi âm chữ quốc ngữ…Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn quan sát, kiểm tra, … từ đó phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, hoặc những lỗi mà học sinh hay mắc phải để kịp thời sửa chữa, uốn nắn. Giáo viên không nên xem nhẹ việc rèn đọc hoặc bỏ qua việc rèn phát âm chuẩn cho học sinh. - Giáo viên luôn lấy học sinh làm trung tâm, tạo hứng thú học tập cho các em và tạo điều kiện cho học sinh tự tìm ra kiến thức, thể hiện những ý kiến, suy nghĩ của các em một cách độc lập, sáng tạo. Khi đó giáo viên mới đưa ra phương pháp giảng dạy hữu hiệu cho từng đối tượng học sinh 19 - Biện pháp giúp cho học sinh viết đúng chính tả phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các môn học bởi vì các môn học đều có liên quan bổ sung cho nhau nhưng chú trọng nhất là phân môn Chính tả, các em được học ở trường, học ở nhà, “Học, học nữa, học mãi” như Lê Nin đã nói. Sáng kiến kinh nghiệm này có thể áp dụng cho học sinh ở bậc Tiểu học nói chung và học sinh lớp 4 nói riêng.Tuy nhiên, những biện pháp mà tôi nêu trên chưa phải là tối ưu nhưng cũng góp phần làm nâng cao chất lượng dạy học trong phân môn Chính tả. Bản thân tôi sẽ không ngừng phấn đấu để xây dựng và củng cố những kinh nghiệm trên ngày càng vững chắc để giúp học sinh ngày càng tiến bộ, đồng thời để cho chữ Việt không bị mai một theo thời gian. Đây là một số kinh nghiệm ít ỏi của cá nhân tôi tích luỹ được trong quá trình giảng dạy, mong muốn được cùng chia sẻ với các “bạn đồng nghiệp”.Tôi mong nhận được ý kiến đóng góp nhiệt tình của các bạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ “Trồng người”. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hoằng Sơn, ngày 12 tháng 5 năm 2011 Người thực hiện Ngô Thị Tâm NHẬN XÉT, XẾP LOẠI CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC. ............................................................................................................................ ............................................................................................................................ ............................................................................................................................ ............................................................................................................................ ............................................................................................................................ ............................................................................................................................ ........................................................................................................................... 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng