Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tố tụng cạnh tranh theo pháp luật việt nam so sánh với pháp luật cạnh tranh củ...

Tài liệu Tố tụng cạnh tranh theo pháp luật việt nam so sánh với pháp luật cạnh tranh của nhật bản

.PDF
80
168
54

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI BÙI HƯNG NGUYÊN TỐ TỤNG CẠNH TRANH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM – SO SÁNH VỚI PHÁP LUẬT CẠNH TRANH CỦA NHẬT BẢN Chuyên ngành: Luật Kinh tế Mã số: 60 38 50 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Đình Vinh HÀ NỘI - 2010 LỜI CẢM ƠN Tôi đã hoàn thành cuốn luận văn này khi mà trong tôi vẫn đầy ắp những hứng thú khám phá tri thức pháp luật ở một miền đất, nơi tôi chưa có dịp được đặt chân đến, đó là Nhật Bản. Với tôi, đây là thứ quan trọng nhất mà tôi gặt hái được cùng với những kiến thức mà các thầy cô ở trường Đại học Luật Hà Nội đã truyền dạy. Để có được điều đó, tôi vô cùng biết ơn TS. Lê Đình Vinh, người thầy, người bạn lớn của tôi đã không chỉ tận tình hướng dẫn mà còn gieo vào lòng tôi lòng ham muốn tìm tòi để vươn xa hơn tới chân trời khoa học. Tôi cũng muốn gửi cuốn luận văn này tới những người thân yêu của tôi như là lời tri ân vì sự động viên, khuyến khích và ủng hộ của họ dành cho tôi trong suốt thời gian vừa qua. Hải Phòng, tháng 12 năm 2010 Tác giả Bùi Hưng Nguyên MỤC LỤC Lời nói đầu 1 Chương I. Những vấn đề lý luận về cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh 8 1.1. Khái quát về cạnh tranh 8 1.1.1. Nguồn gốc và bản chất của cạnh tranh 8 1.1.2. Phân loại cạnh tranh 9 1.1.3. Vai trò, ý nghĩa của cạnh tranh và nhu cầu điều tiết hoạt động cạnh tranh 10 1.2. Khái quát về pháp luật cạnh tranh 11 1.2.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật cạnh tranh 11 1.2.2. Cấu trúc của pháp luật cạnh tranh 12 1.3. Khái quát về tố tụng cạnh tranh 14 1.3.1. Khái niệm tố tụng cạnh tranh 14 1.3.2. Mô hình tố tụng cạnh tranh theo pháp luật của Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản 15 Chương II. Nội dung cơ bản của pháp luật về tố tụng cạnh tranh ở Việt Nam – So sánh với pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản 21 2.1. Nội dung cơ bản của pháp luật tố tụng cạnh tranh ở Việt Nam 21 2.1.1. Các quy định về cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh 21 2.1.2. Các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh 33 2.2. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật tố tụng cạnh tranh của Việt Nam và pháp luật tố tụng cạnh tranh của Nhật Bản 42 2.2.1. Về cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh 42 2.2.2. Về trình tự, thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh 47 Chương III. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng cạnh tranh Việt Nam từ kinh nghiệm pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản 3.1. 61 Sự cần thiết của việc hoàn thiện pháp luật tố tụng cạnh tranh của Việt Nam theo kinh nghiệm pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản 61 3.1.1. Sự tương đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản 61 3.1.2. Những lợi ích của việc hoàn thiện pháp luật tố tụng cạnh tranh của Việt Nam theo kinh nghiệm pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản 66 3.2. Một số kiến nghị 67 3.2.1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh 68 3.2.2. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng cạnh tranh 68 Kết luận Danh mục tài liệu tham khảo 72 BẢNG CHỮ VIẾT TẮT AMA: Luật Chống độc quyền tư nhân và duy trì thương mại công bằng Nhật Bản. EC: Cộng đồng Châu Âu. EU: Liên minh Châu Âu. JFTC: Hội đồng Thương mại công bằng Nhật Bản. OECD: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế. UNCTAD: Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc UNDP: Chương trình phát triển Liên hợp quốc VCAD: Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam. VCC: Hội đồng cạnh tranh Việt Nam. WB: Ngân hàng thế giới. WTO: Tổ chức thương mại thế giới. 1 LỜI NÓI ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu Đề tài Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005. Cùng với hàng loạt đạo luật quan trong khác được ban hành và có hiệu lực tại thời điểm đó, như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật đầu tư, Luật sở hữu trí tuệ, Luật giao dịch điện tử… Luật Cạnh tranh đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về kinh tế thị trường định hướng XHCN phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Với 6 chương, 123 điều, Luật Cạnh tranh năm 2005 được đánh giá là một đạo luật có phạm vi điều chỉnh khá rộng, bao quát hầu hết các khía cạnh của pháp luật về cạnh tranh. Các quy định của Luật đã thể hiện được những tư tưởng chủ đạo về điều chỉnh hoạt động cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tâm lý kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Để thực thi Luật Cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh và Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh. Đây là hai cơ quan có nhiệm vụ đảm bảo cho Luật Cạnh tranh được tôn trọng và thực hiện một cách hiệu quả. Cùng với việc thiết lập mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh, trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh (tố tụng cạnh tranh) cũng được quy định khá đầy đủ trong các văn bản nói trên. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành đến nay, có rất ít vụ việc cạnh tranh được điêu tra, xử lý. Trong khi đó, các hành vi cạnh tranh 2 không lành mạnh và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, dưới những hình thức và với mức độ ngày càng tinh vi hơn, gây bức xúc cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm thiệt hại đến lợi ích của nền kinh tế và toàn xã hội. Thực trạng trên đây đang đặt ra hàng loạt vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải luận giải. Phải chăng thủ tục tố tụng cạnh tranh được quy định trong Luật cạnh tranh còn lạc lõng với cuộc sống? Hay mô hình hệ thống cơ quan quản lý cạnh tranh được thiết kế còn sơ cứng, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam? Hay thói quen và tâm lý của các nhà kinh doanh nước ta chưa sẵn sàng cho việc sử dụng cơ chế tố tụng cạnh tranh trong ứng xử trên thương trường? Hay các cơ quan tố tụng cạnh tranh chưa thực thi tốt chức năng “tài phán” của mình trong lĩnh vực cạnh tranh?... Yêu cầu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh đang đặt yêu cầu phải đổi mới và nâng cao hiệu quả của tố tụng cạnh tranh, làm cho thiết chế pháp luật quan trọng này thực sự đi vào cuộc sống. Đây là đòi hỏi không chỉ với các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật mà còn với cả giới nghiên cứu, học thuật. Thông qua các công trình nghiên cứu, các học giả, các nhà nghiên cứu phải góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn để trả lời những câu hỏi trên đây, cùng với việc tham chiếu kinh nghiệm pháp luật về xây dựng, tổ chức và vận hành mô hình cơ quan tố tụng cạnh tranh của các nước trên thế giới, nhất là từ các nước phát triển, để đề xuất một mô hình tố tụng cạnh tranh phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Với lý do đó, việc nghiên cứu Đề tài: “Tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam – So sánh với pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản” là hết sức cần thiết. Việc lựa chọn hệ thống pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản để so sánh là dụng ý của người viết, xuất phát từ những lý do sau đây: một là, Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã được soạn thảo và ban hành trên cơ sở học hỏi rất nhiều 3 quy định từ pháp luật cạnh tranh các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có Nhật Bản; hai là, Nhật Bản và Việt Nam tuy ở trình độ phát triển khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, địa lý, kinh tế, truyền thống dân tộc, đạo đức, phong tục tập quán…, do vậy, về triết lý và văn hóa pháp lý cũng có nhiều điểm có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; ba là, hệ thống pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản ra đời và phát triển từ năm 1947 và được giới luật học coi là một trong ba trụ cột pháp luật cạnh tranh thế giới (cùng với Mỹ và EU). Vì vậy, những kinh nghiệm về pháp luật cạnh tranh nói chung, về mô hình cơ quan tố tụng cạnh tranh nói riêng, rất đáng để Việt Nam tham khảo, học tập. 2. Các công trình nghiên cứu có liên quan đến Đề tài Cùng với sự phát triển của pháp luật cạnh tranh các nước trên thế giới, việc nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật cạnh tranh đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả. Trong số các tài liệu chuyên khảo về lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nước ngoài du nhập vào Việt Nam, có các tác phẩm như: “South Asia Watch on Trade, Economics and Enviroment, Competition Policy in Small Economics”, “Competition Law - Anti-trust and Policy in Global market Insight”, Informal Professional, Lund 2005; “Competition Law in the WTO: The Rationable for a Framework Agreement”, Anterpen : Intersentia ; Wien : NWV Neuer Wissenschaftlicher Verlag ; Berlin : BWV Berliner Wissenschafts-Verlag của Roland Weinrauch (2004); “Introduction to Japanese Antimonopoly Law”, Yuhikaku, Mitsuo Matsushita và John D.David (1990)… Các tác phẩm được dịch ra tiếng Việt có liên quan đến pháp luật cạnh tranh trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công thương và WB, OECD, UNDP, UNCTAD gồm: “Luật Cạnh tranh Canada và bình luận”, “Khuôn khổ pháp lý đa phương điều chỉnh hoạt động cạnh tranh và luật cạnh tranh một số nước và vùng lãnh thổ”, “Khuôn khổ cho việc xây dựng và thực thi luật và chính sách cạnh tranh”. Tại Việt Nam, vấn đề cạnh tranh, chống cạnh tranh không lành mạnh và chống độc quyền đã thu hút được sự quan tâm và bàn thảo của nhiều chuyên gia 4 kinh tế, pháp luật, các nhà quản lý và doanh nghiệp. Đáng lưu ý là “Chuyên đề về cạnh tranh, chống cạnh tranh bất hợp pháp và kiểm soát độc quyền” của Viện Khoa học pháp lý, xuất bản năm 1996; “Các vấn đề pháp lý và thể chế về chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, xuất bản năm 2001; “Chuyên khảo luật kinh tế” của tác giả Phạm Duy Nghĩa, xuất bản năm 2001, với phần viết về “Chính sách và pháp luật cạnh tranh trong kinh doanh”; “Các vấn đề pháp lý và thể chế về chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh” thuộc Dự án hoàn thiện môi trường kinh doanh VIE/97/016 năm 2002; Chuyên đề “Nghiên cứu tiêu chí đánh giá tính bất hợp pháp của các-ten trong luật cạnh tranh Hoa Kỳ, Cộng đồng Châu Âu, Nhật Bản và một số bình luận về Luật Cạnh tranh của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Cương, viết năm 2004; “Bình luận khoa học Luật Cạnh tranh” của tác giả Lê Hoàng Oanh, xuất bản năm 2005; Luận án tiến sĩ của Đặng Vũ Huân về “Pháp luật về kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam”, viết năm 2003; Luận văn Thạc sĩ của Phan Thị Vân Hồng “Độc quyền và pháp luật về kiểm soát độc quyền ở Việt Nam hiện nay”, viết năm 2005; Luận văn Thạc sĩ của Trần Thị Bảo Ánh về “Một số vấn đề pháp lý về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh Việt Nam”, viết năm 2006; Luận văn thạc sĩ của Đồng Ngọc Dám về “Kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, viết năm 2007; Luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Kim Phượng “Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền theo luật cạnh tranh của Việt Nam”, viết năm 2007… Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã đăng các bài viết có liên quan đến pháp luật cạnh tranh, tố tụng cạnh tranh trên các tạp chí chuyên ngành, như “Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam” của các tác giả Dương Đăng Huệ và Nguyễn Hữu Huyên đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 01/2004; “Một số quy định về tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh Việt Nam” của các tác giả Nguyễn Như Phát và Lê Anh Tuấn đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 01/2006; “Điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh” của tác giả Nguyễn Hữu 5 Huyên đăng trên Tạp chí Luật học số 06/2006; … Tuy nhiên, chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu dưới góc độ so sánh giữa tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam với pháp luật của một quốc gia khác để tìm ra điểm hợp lý có thể áp dụng phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Do đó, Đề tài do học viên lựa chọn không trùng lặp với bất kỳ công trình nào đã được nghiên cứu trước đó. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài Ngoài nghiên cứu một cách hệ thống về lý luận cạnh tranh, tố tụng cạnh tranh nói chung và tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam và Nhật Bản nói riêng, luận văn đặc biệt chú trọng vào việc so sánh giữa tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam và tố tụng cạnh tranh theo pháp luật của Nhật Bản, trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề cạnh tranh, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về tố tụng cạnh tranh. Với mục đích nghiên cứu nêu trên, nhiệm vụ cụ thể của luận văn là: - Nghiên cứu về lý luận cạnh tranh nói chung, tố tụng cạnh tranh nói riêng, từ đó có cái nhìn bao quát về tố tụng cạnh tranh trong một chỉnh thể với hệ thống pháp luật hiện tại cả về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. - So sánh và phân tích điểm khác biệt trong tố tụng cạnh tranh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật của Nhật Bản, trong đó đánh giá một cách toàn diện những khác biệt của hai hệ thống pháp luật về tố tụng cạnh tranh. Trên cơ sở hai nhiệm vụ trên, luận văn đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đề tài Đối tượng nghiên cứu của Đề tài là các điểm khác biệt trong quy định pháp luật về tố tụng cạnh tranh của Việt Nam và Nhật Bản đặt trong mối quan hệ với các quy định pháp luật về nội dung tương ứng và các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. 6 Tiếp cận vấn đề tố tụng cạnh tranh dưới góc độ một đề tài khoa học, vì vậy, phạm vi nghiên cứu của Đề tài là so sánh, những yếu tố khác biệt căn bản cả về lý luận và thực tiễn giữa tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam và tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Nhật Bản, có phân tích và chú trọng về thực tiễn áp dụng để đưa ra đề xuất hoàn thiện pháp luật về tố tụng cạnh tranh ở Việt Nam. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Đề tài Đề tài được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về thương mại nói riêng, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Trong quá trình nghiên cứu Đề tài, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu của ngành khoa học xã hội và nhân văn là Phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, tác giả còn chú trọng sử dụng các phương pháp bổ trợ như: phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp, v.v… khi phân tích, so sánh pháp luật về tố tụng cạnh tranh của Việt Nam và Nhật Bản để làm sáng tỏ mục đích, yêu cầu của đề tài và đem lại kết quả nghiên cứu tốt nhất. Đề tài được thực hiện chủ yếu từ phương diên lý luận và luật thực định. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục của luận văn, tác giả đã đưa ra một số số liệu và các vụ việc cụ thể trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh của Việt Nam và Nhật Bản để minh họa cho các phân tích, lập luận của mình. Các số liệu này được thu thập từ các nguồn sẵn có đã được công bố mà không phải là kết quả của các hoạt động nghiên cứu, khảo sát riêng của tác giả. 6. Những kết quả nghiên cứu mới của Đề tài Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống về tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam trong mối liên hệ so sánh với pháp 7 luật tố tụng cạnh tranh của Nhật Bản. Qua Đề tài, tác giả đã phân tích, kiến giải một cách khá đầy đủ về những điểm khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật, từ đó tìm ra câu trả lời cho nguyên nhân của sự không phù hợp về chức năng, thẩm quyền của cơ quan tố tụng cạnh tranh, trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh, tính khả thi của các quy định nội dung của pháp luật cạnh tranh Việt Nam. Trên cơ sở so sánh hai hệ thống pháp luật, tác giả đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp bước đầu nhằm góp phần hoàn thiện chế định pháp luật về tố tụng cạnh tranh ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 7. Kết cấu của Luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục chữ cái viết tắt, Luận văn được chia làm 3 chương như sau: Chương I. Những vấn đề lý luận về cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh. Chương II. Nội dung cơ bản của pháp luật về tố tụng cạnh tranh ở Việt Nam – So sánh với pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản Chương III. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng cạnh tranh Việt Nam từ kinh nghiệm pháp luật cạnh tranh của Nhật Bản. Nội dung của các Chương được trình bày lần lượt dưới đây. 8 CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CẠNH TRANH VÀ TỐ TỤNG CẠNH TRANH 1.1. Khái quát về cạnh tranh 1.1.1. Nguồn gốc và bản chất của cạnh tranh Dưới góc độ kinh tế học, cạnh tranh được hiểu là nỗ lực của những người bán hàng, cung ứng dịch vụ nhằm thu hút khách hàng về phía mình nhằm mục đích tăng doanh thu, thị phần, qua đó gia tăng lợi nhuận. Cạnh tranh được thực hiện thông qua việc tạo ra những khác biệt về giá cả, chất lượng, mẫu mã hàng hóa, dịch vụ giữa những người bán hàng, cung cấp dịch vụ mà khách hàng có thể phân biệt được. Cạnh tranh là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường, nơi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được điều tiết bởi quy luật cung – cầu, nơi quyền tự do kinh doanh của các chủ thể được tôn trọng triệt để. Về bản chất, cạnh tranh có ý nghĩa và tác dụng tích cực, nhất là đối với những hành vi cạnh tranh lành mạnh và được kiểm soát bởi nhà nước. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, thương nhân không ngừng cải tiến, sáng tạo trong quản lý, kinh doanh để hàng hóa, dịch vụ của họ luôn giữ được ưu thế trên thị trường. Nhờ có cạnh tranh mà người tiêu dùng luôn được hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất, với giá cả phù hợp nhất. Ở góc độ vĩ mô, cạnh tranh đóng vai trò điều tiết quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Khi cung lớn hơn cầu thì cạnh tranh sẽ làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm xuống. Khi đó, chỉ những doanh nghiệp lớn, có sức mạnh về công nghệ, phương thức quản lý mới có thể hạ được giá bán để thể tồn 9 tại. Ngược lại, khi cầu lớn hơn cung, giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc thu được nhiều lợi nhuận. Khi đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Cứ như vậy, cạnh tranh trở thành một cuộc chiến không ngừng mà ở đó có những doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh nhờ biết tạo dựng được lợi thế cạnh tranh, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thua lỗ, làm ăn không hiệu quả. Nhờ vậy mà các nguồn lực xã hội luôn luôn được luân chuyển và sử dụng một cách triệt để nhất [7, tr.34-35]. 1.1.2. Phân loại cạnh tranh Cạnh tranh là một hiện tượng phức tạp, có thể được nhận diện từ nhiều góc độ. Vì vậy, có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại cạnh tranh. Dựa vào mục đích, tính chất của cạnh tranh, có thể chia thành: Cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh là những hành vi cạnh tranh được tiến hành dưới những hình thức phù hợp với pháp luật và các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, do đó, không làm xâm hại đến lợi ích của các chủ thể khác. Cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cạnh tranh được tiến hành bằng những thủ đoạn vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, xâm hại đến lợi ích của các đối thủ cạnh tranh, lợi ích của người tiêu dùng và xã hội. Dựa vào tính chất và mức độ can thiệp của công quyền vào đời sống kinh tế, có thể chia thành: cạnh tranh tự do và cạnh tranh có điều tiết. Cạnh tranh tự do là những hoạt động cạnh tranh diễn ra theo những quy luật khách quan của thị trường mà không có sự can thiệp của bàn tay nhà nước. Nói cách khác, chính thị trường với các quy luật tự nhiên, vốn có của nó là động lực dẫn dắt hành vi của các đối thủ cạnh tranh. 10 Cạnh tranh có điều tiết những hoạt động cạnh tranh diễn ra trên thị trường nhưng có sự điều tiết của nhà nước thông qua pháp luât và các công cụ kiểm soát cạnh tranh, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, lợi ích người tiêu dùng và của toàn xã hội. Dựa vào cơ cấu doanh nghiệp và mức độ tập trung trong một ngành, một lĩnh vực kinh tế, có thể chia thành: cạnh tranh hoàn hảo và cạnh trong không hoàn hảo. Cạnh tranh hoàn hảo là trạng thái cạnh tranh mà trong đó lợi ích của các chủ thể cạnh tranh được điều tiết hài hòa bởi các quy luật thị trường và do vậy không có sự xung đột nào dẫn đến hạn chế hoặc triệt tiêu cạnh tranh. Cạnh tranh không hoàn hảo là trạng thái cạnh tranh, do vậy luôn xuất hiện những hành vi và thủ đoạn phản cạnh tranh. Biểu hiện cực đoan nhất của trạng thái cạnh tranh không hoàn hảo là tình trạng độc quyền. 1.1.3. Nhu cầu điều tiết hoạt động cạnh tranh Như trên đã đề cập, cạnh tranh về bản chất có rất nhiều ý nghĩa tích cực. Nếu được kiểm soát và điều tiết hiệu quả, cạnh tranh giữ vai trò vô cùng quan trọng và là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng, tiến bộ về xã hội. Ngược lại, cạnh tranh tự do mà không có sự điều tiết sẽ dẫn đến tự phát, xung đột lợi ích và xuất hiện cách hành vi phản cạnh tranh, thâm chí triệt tiêu cạnh tranh. Xu hướng thường thấy của cạnh tranh tự do là sự xuất hiện của các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền. Những hiện tượng kể trên sẽ làm méo mó bản chất của cạnh tranh cũng như làm triệt tiêu vaỉ trò của cạnh tranh với tư cách là động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Khiến cho các nguồn lực của xã hội không được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả nhất. 11 Để phát huy những lợi thế và hạn chế những măt trái của cạnh tranh, vai trò của điều tiết của nhà nước đối với hoạt động này là vô cùng quan trọng và cần thiết. Sự điều tiết của nhà nước sẽ góp phần giảm thiểu những hành vi cản trở hoặc triệt tiêu sự cạnh tranh, làm cho hoạt động cạnh tranh diễn ra lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia mà cách thức và mức độ can thiệp của nhà nước vào hoạt động cạnh tranh có thể khác nhau. Xong về cơ bản, ở hầu hết các nước, nhà nước thường sử dụng những công cụ chủ yếu như: (i) Chính sách thuế; (ii) Kiểm soát giá cả; (iii) Điều chỉnh độc quyền; (iv) Quốc hữu hoá; (v) Ban hành và thực thi pháp luật về cạnh tranh, v.v… để điều tiết hoat động cạnh tranh. Trong những biện pháp kể trên, việc ban hành và thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về cạnh tranh là biện pháp quan trọng hàng đầu. Thông qua pháp luật cạnh tranh, nhà nước thiết lập hành lang pháp lý cho các hoạt động cạnh tranh diễn ra một cách lành mạnh, đồng thời đặt ra những chế tài nghiêm khắc nhằm hạn chế những hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi độc quyền trên thị trường.[18, tr.310-312]. 1.2. Khái quát về pháp luật cạnh tranh 1.2.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật cạnh tranh Pháp luật cạnh tranh là hệ thống các chế định, quy phạm do nhà nước ban hành để điều chỉnh các hành vi cạnh tranh. Pháp luật cạnh tranh đưa ra các biện pháp ngăn ngừa và xử lý các hành vi cạnh tranh trái pháp luật, đạo đức xã hội và tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua đó góp phần bảo đảm sự cạnh tranh tự do và lành mạnh, tạo lập môi trường pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động. 12 Những chế định, quy phạm của luật cạnh tranh có thể tìm thấy trong rất nhiều đạo luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, song chủ yếu được quy định trong Luật cạnh tranh. Pháp luật cạnh tranh có thiên hướng là luật tư, vì nó góp phần bảo đảo thực hiện hiện quyền tự do kinh doanh của các chủ thể được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp thực hiện để những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, đạo đức xã hội và tập quán kinh doanh thì trong nhiều trường hợp phải dùng “luật công” để điều chỉnh, như việc áp dụng các chế tài hành chính (phạt hành chính, cưỡng chế chia tách, giải thể doanh nghiệp…) hoặc các chế tài hình sự (phạt tiền hoặc phạt tù…) mà không cần phải có yếu tố gây thiệt hại cho một doanh nghiệp cụ thể và có yêu cầu của doanh nghiệp đó. Do vậy, pháp luật cạnh tranh vừa có những yếu tố của luật tư, nhưng vừa cũng có những yếu tố của luật công. 1.2.2. Cấu trúc của pháp luật cạnh tranh Theo thông lệ, pháp luật về cạnh tranh được chia làm hai bộ phận: pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật chống hạn chế cạnh tranh. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh điều chỉnh các hành vi của các đối thủ cạnh tranh nhằm vào đối thủ cạnh tranh khác hiện hữu, các hành vi đó vi phạm pháp luật hoặc trrái với đạo đức, tập quán kinh doanh, đã và sẽ gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh để tìm cho mình lợi thế hoặc mối lợi bất chính [18, tr. 318-319]. Nhìn chung, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh điều chỉnh các hành vi xâm hại đến lợi ích của đối thủ cạnh tranh như: ngăn cản các đối thủ khác trong quá trình cạnh tranh, dèm pha và bôi nhọ đối thủ, đánh cắp bí mật kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, sản xuất hoặc cho lưu hành hàng giả…và điều chỉnh các hành vi xâm phạm đến lợi ích của khách hàng như: can thiệp vào quyền tự do quyết định của khách hàng, khuyến mãi trong trường hợp bị pháp luật cạnh tranh cấm, quảng cáo sai lệch… 13 Pháp luật chống hạn chế cạnh tranh là lĩnh vực pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi ngăn cản và dẫn đến thủ tiêu cạnh tranh (như thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh – cartel, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế). Các hành vi này không trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của các đối thủ cạnh tranh, nhưng lại gây ra hậu quả gián tiếp cho nền kinh tế và xã hội vì nó làm méo mó sự vận hành bình thường của thị trường, triệt tiêu động lực của sự phát triển. Để điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của các nước thường sử dụng các nguyên tắc cấm đoán [18, tr.328-329]. Chẳng hạn, đối vơi cartel, pháp luật cạnh tranh châu Âu (EU’s Competition Law) nghiêm cấm các thoả thuận của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến thị trường chung châu Âu, thị trường các nước thành viên, làm ngăn cản, bóp méo cạnh tranh gồm: (i) Trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua hoặc bán hoặc bất kỳ điều kiện thương mại nào khác; (ii) Giới hạn hoặc điều tiết quá trình sản xuất, thị trường, việc phát triển công nghệ hoặc đầu tư; (iii) Phân chia thị phần hoặc nguồn cung; (iv) Áp đặt các điều kiện không giống nhau đối với các đối tác khác nhau nhằm đặt họ vào vị thế bất lợi; (v) Đưa ra các điều khoản của hợp đồng dẫn tới việc đối tác phải thay đổi các nghĩa vụ khác không liên quan đến đối tượng của hợp đồng. Luật pháp châu Âu cũng ghi nhận rõ, tất cả các điều khoản đó đều là vô hiệu, trừ những trường hợp đặc biệt nhằm cải thiện quá trình sản xuất hoặc phân phối hàng hoá hoặc thúc đẩy việc áp dụng công nghệ hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế… Còn đối với hành vi độc quyền, Luật chống Tờ rớt (Anti- trust) của Hoa Kỳ đưa ra hai nguyên tắc cơ bản để xử lý, đó là nguyên tắc tuyệt đối (per-serule), nghĩa là sẽ bị cấm tuyệt đối trong một số trường hợp độc quyền nhất định và nguyên tắc hợp lý (the rule of reason), nghĩa là trong những trường hợp khác sẽ có sự linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật để xem xét vấn đề độc quyền. Sự linh hoạt ở đây là việc xem xét tổng thể giữa yếu tố hiệu quả kinh doanh và tính hợp lý. Nguyên tắc tuyệt đối được áp dụng cho các trường hợp như cartel 14 nghiêm trọng (hard-core cartel): ấn định giá (price fixing), thông thầu (bid digging)…. Các trường hợp còn lại sẽ áp dụng nguyên tắc hợp lý [15, tr.789]. 1.3. Khái quát về tố tụng cạnh tranh 1.3.1. Khái niệm tố tụng cạnh tranh Tố tụng cạnh tranh là một bộ phận của các hoạt động hành chính – kinh tế liên quan đến cạnh tranh và thực thi Luật cạnh tranh. Khoản 9, Điều 3 Luật Cạnh tranh của Việt Nam năm 2004 đưa ra khái niệm về tố tụng cạnh tranh như sau: “Tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật này”. Như vậy, theo luật pháp Việt Nam, tố tụng cạnh tranh đồng nghĩa với trình tự, thủ tục xem xét giải quyết, xử lý một vụ việc cạnh tranh.. Tại Khoản 8 Điều 3 Luật Cạnh tranh quy định: “Vụ việc cạnh tranh là vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật này bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”. Từ các định nghĩa trên, có thể thấy Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã loại bỏ nhiều hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh ra khỏi phạm vi khái niệm tố tụng cạnh tranh, như các hoạt động nhằm xác định thị trường liên quan, xác định thị phần, thị phần kết hợp… hoặc các thủ tục đề nghị xin hưởng miễn trừ theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Điều 74 Luật Cạnh tranh cũng quy định rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh:“Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh”. Điều 75 quy định về người tiến hành tố tụng cạnh tranh: “Người tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm thành viên Hội đồng cạnh tranh, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, điều tra viên và thư ký phiên điều trần”. Khác với Việt Nam, các nước có truyền thống về luật cạnh tranh lâu đời như Mỹ, EU và Nhật Bản không đưa ra khái niệm thế nào là tố tụng cạnh tranh, 15 mà bằng kỹ thuật lập pháp xác định nội hàm của nó thông qua các trình tự, thủ tục cụ thể. Luật cạnh tranh của Nhật Bản (AMA) quy định thủ tục tố tụng cạnh tranh từ Điều 45 đến Điều 70-22 mục 2, Chương VII. trong đó, thay vì đưa ra khái niệm tố tụng cạnh tranh, Luật mô tả cụ thể tiến trình, thủ tục xem xét, xử lý vụ việc cạnh tranh. Điều 45 AMA quy định: “i) Bất kỳ người nào, khi phát hiện có hành vi vi phạm luật này, có thể báo cáo sự việc cho JFTC và yêu cầu cơ quan này có những biện pháp tương ứng để xử lý hành vi đó; ii) JFTC, trên cơ sở báo cáo nêu trên, tiến hành các bước điều tra cần thiết liên quan; iii) JFTC quyết định đưa ra hoặc không đưa ra các biện pháp tương ứng liên quan đến vụ việc như báo cáo đã nêu, sau đó phải gửi thông báo tới cá nhân nêu trên; iv) JFTC có thể tự mình đưa ra các biện pháp tương ứng trong trường hợp có hành vi vi phạm luật này hoặc các trường hợp theo quy định về tình huống độc quyền [30]. 1.3.2. Mô hình tố tụng cạnh tranh theo pháp luật của Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản Để nhìn rõ hơn về những đặc thù của mô hình tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam, cần tìm hiểu và đối chiếu với mô hình tố tụng cạnh tranh của các nước có truyền thống lâu đời về phát triển kinh tế thị trường cũng như xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh. Mỹ, Nhật Bản và EU vốn là ba trụ cột trong nền kinh tế thế giới. Kinh nghiệm phát triển kinh tế và thiếp lập thể chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường của những nước này đã được nhiều nước học tập. Một trong số đó phải kể đến kinh nghiệm xây dựng pháp luật cạnh tranh và kinh nghiệm xây dựng và vận hành mô hình tố tụng cạnh tranh. a. Tố tụng cạnh tranh theo pháp luật của Hoa Kỳ Với hình thức cấu trúc nhà nước liên bang, Hoa Kỳ luôn có hai hệ thống pháp luật cùng tồn tại, đó là hệ thống pháp luật liên bang và hệ thống pháp luật
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất