Mô tả:
1.1. Văn học dân gian là một bộ phận quan trọng trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam; được hình thành trên cơ sở của đời sống nông thôn, gắn liền với tập thể, với văn hóa dân gian. Vì vậy, Văn học dân gian mang các đặc điểm của tập thể, của nông thôn. Cũng vì lẽ đó, số lượng tác phẩm Văn học dân gian chiếm số lượng lớn. Thế nhưng, do đặc tính truyền miệng nên số lượng được ghi chép và công bố còn hạn chế. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, Văn học dân gian đang dần bị mai một, nhất là các loại hình diễn xướng. Yêu cầu bức thiết đặt ra là phải tìm hiểu, làm sáng rõ đặc điểm của Văn học dân gian, từ đó giới thiệu với công chúng nhằm giữ gìn, phát huy và bảo tồn những tinh hoa của văn hóa dân tộc. Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa rối nước là một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Với sân khấu là mặt nước, diễn viên là các con rối, cùng với hiệu quả của ánh sáng và pháo hoa đã tạo ra những màn biểu diễn hấp dẫn và huyền ảo. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, chỉ có ở Việt Nam. 1.2. Là một sinh viên khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Thái Nguyên; đồng thời là một người con của cái nôi nghệ thuật múa rối nước, tôi tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân là phải làm giàu, làm đẹp thêm nền Văn học, văn hóa dân tộc mình. Như đã đề cập, một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay chính là việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc - đặc biệt là giá trị của nền Văn học dân gian. Trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành, phần Văn học địa phương vẫn chưa được quan tâm nhiều, điều đó được thể hiện ở sự phân phối số tiết dạy và nội dung đề cập còn hạn chế. Do đó, cùng với việc đổi mới chương trình Ngữ văn phổ thông hiện nay, cũng cần quan tâm đến đổi mới chương trình Văn học địa phương, đặc biệt đưa các loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của địa phương giới thiệu cho học sinh cũng là cách hiệu quả để bảo tồn và phát huy những giá trị của nền Văn hóa dân gian. 1.3. Tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội là một địa danh chứa đựng bao tinh hoa văn hóa của dân tộc. Mảnh đất xứ Đoài xưa được biết đến với những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo; một trong số ấy, không thể không nhắc đến là nghệ thuật múa rối nước, một trong những niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây. Nghiên cứu đặc trưng của múa rối nước để thấy được những nét độc đáo mà cha ông ta đã sáng tạo nên, để làm cơ sở giới thiệu cho những thế hệ trẻ tiếp nối những giá trị truyền thống của dân tộc càng làm chúng tôi muốn đưa những tinh hoa văn hóa văn học này đến gần hơn với thế hệ học sinh, những người sẽ tiếp tục truyền lửa, giữ nghề, giữ nếp của quê hương. Từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Nghệ thuật múa rối nước ở phường Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội với việc dạy học văn học địa phương” đi sâu nghiên cứu các đặc điểm về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật của loại hình múa rối nước ở phường rối Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội. Dựa trên những cơ sở lí thuyết và thực tiễn để đánh giá thêm giá trị của loại hình nghệ thuật múa rối nước ở địa danh này. Đồng thời, bước đầu đề xuất đến vấn đề dạy học Văn học dân gian - nghệ thuật múa rối nước vào chương trình địa phương để góp phần lưu giữ và bảo tồn nét đẹp nghệ thuật của nền văn hóa dân tộc. 2. Lịch sử vấn đề Văn học dân gian nói chung và bộ phận sân khấu dân gian từ khi ra đời đã khẳng định được vị trí của mình và tạo được sự chú ý của nhiều khán giả và giới nghiên cứu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu và đạt những thành tựu đáng kể. Về chủ đề nghệ thuật múa rối nước ở nước ta hiện nay đã được nhiều nhà nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp: Trong cuốn Nghệ thuật múa rối nước (Tô Sanh - 1976) tác giả đã khái quát nghệ thuật rối nói chung và nghệ thuật múa rối nước trên các bình diện: nguồn gốc lịch sử và quá trình vận động, phát triển; những tiết mục và kĩ thuật thể hiện rối nước và đặc điểm quan hệ của nghệ thuật rối nước với các bộ môn nghệ thuật khác. Công trình này của tác giả Tô Sanh đã giúp chúng tôi có được cái nhìn toàn diện về lịch sử và quá trình vận động của nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam. Công trình cũng đã chỉ ra những đặc trưng của nghệ thuật múa rối và nghệ thuật múa rối nước và đứng từ điểm nhìn của lịch sử. Trong cuốn Nghệ thuật múa rối nước Thái Bình (Nguyễn Huy Hồng - 1987) tác giả đã giới thiệu đôi nét về đất Thái Bình và nghệ thuật múa rối nước: sân khấu, buồng trò, quân rối, máy điều khiển, nghệ nhân, trò và tích trò, nhân vật, biểu diễn, âm nhạc. Giới thiệu một số hình ảnh múa rối nước cùng 3 phường hội tiêu biểu ở Thái Bình: phường Nguyễn, Tuộc, phường rối thùng ở Đống. Đây là một công trình sâu sắc về nghệ thuật múa rối nước tại một địa phương cụ thể và cũng là nguồn tư liệu quý để chúng tôi có sự đối sánh về những điểm tương đồng và dị biệt của nghệ thuật múa rối nước ở hai địa phương thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuốn Rối nước Việt Nam (Nguyễn Huy Hồng - 1996) tác giả đã khái quát được nghệ thuật rối nói chung và nghệ thuật rối nước nói riêng trên bình diện nguồn gốc và các bộ phận cấu thành nên bộ môn nghệ thuật này. Công trình của tác giả Nguyễn Huy Hồng đã giới thiệu chi tiết về nghệ thuật múa rối nước Việt Nam là môn nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp của các yếu tố tạo hình, văn học và cả diễn xuất. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bài báo khoa học nghiên cứu về nghệ thuật múa rối nước ở Thạch Thất - Hà Nội và phường Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội: Trong bài báo “Truyền nhân phường rối nước Chàng Sơn” (Thu Trang - Báo Tin Tức Online), tác giả đã nêu những nét khái quát về đặc điểm của nghệ thuật rối nước ở phường Chàng Sơn, những băn khoăn trong việc giữ nghề, giữ lửa của cha ông trong thời đại mới. Trong bài báo “Đặc sắc rối nước Chàng Sơn” (Hương Giang - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Online), tác giả đã nêu những nét khát quát về văn hóa vùng đất Chàng Sơn và nghệ thuật múa rối nước độc đáo của vùng đất nơi đây. Bài báo đã quảng bá hình ảnh đẹp của văn hóa dân gian Hà Nội tới mọi người. Tác giả cũng đưa ra những chăn trở chung về câu chuyện giữ nghề và truyền lại vốn nghề quý của cha ông. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Văn học dân gian Việt Nam, về chủ đề nghệ thuật múa rối từ nhiều phương diện khác nhau. Nghệ thuật múa rối nước trước n