Mô tả:
Trong hoàn cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, các đồ chơi bạo lực trên mạng. chính điều đó đã và đang làm cho các trò chơi dân gian có phần bị mai một, lãng quên. Vì vậy, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống cho dân tộc Việt Nam. Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, trẻ em không những được chăm sóc sức khỏe, được học tập mà phải cần được thỏa mãn nhu cầu vui chơi. Vui chơi là hoạt động chủ đạo thông qua hoạt động trò chơi, trẻ em được phát triển trí tuệ, thể chất, tình cảm, quan hệ xã hội nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Trong trường học sau những giờ học căng thẳng, các em được chơi các trò chơi dân gian bổ ích sẽ tạo nên hứng thú cho những giờ học tiếp theo. Thông qua hoạt động tiếp cận của học sinh khi chơi trò chơi dân gian thì chính các em là những người nuôi dưỡng và phổ biến văn hoá dân tộc ở lứa tuổi quan trọng nhất hình thành văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, đối với những trường thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đa số học sinh đều là con em dân tộc thiểu số thì việc đưa trò chơi dân gian vào trường học còn là vấn đề vô cùng nan giải.Chẳng hạn như Trường Tiểu học Lũng Cao II, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, là một trường miền núi thuộc vùng sâu vùng xa nhất của huyện Bá Thước. Đời sống kinh tế của nhân dân khó khăn, trình độ dân trí còn thấp do vậy phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Thêm vào đó 100% học sinh là con em hai dân tộc Thái và Mường nên khả năng tham gia vào trò chơi đặc biệt là trò chơi dân gian lại càng hạn chế hơn. Mặc dù vậy, để hướng đến mục tiêu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, nhà trường cũng đang từng bước đa dạng các hình thức tổ chức trò chơi dân gian cho các em, vào các ngày lễ và các dịp kỷ niệm, cũng như khi hoạt động ngoài giờ lên lớp.Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa, không tham gia các trò chơi vô bổ hay các tệ nạn xã hội.