Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn khơi dậy tình yêu quê hương bến tre qua hoạt động dạy học ngữ văn trong nhà...

Tài liệu Skkn khơi dậy tình yêu quê hương bến tre qua hoạt động dạy học ngữ văn trong nhà trường thpt

.PDF
10
116
54

Mô tả:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc MÔ TẢ SÁNG KIẾN Tên sáng kiến: KHƠI DẬY TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BẾN TRE QUA HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG THPT (Lê Thị Ngọc Hân - trường THPT Chuyên Bến Tre Đặng Nguyễn Quỳnh Như - trường THPT Lê Hoàng Chiếu) 1. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Ngữ Văn 2. Mô tả bản chất của sáng kiến: 2.1. Tình trạng giải pháp đã biết: - Thực trạng vấn đề: Mỗi vùng đất đều có những nét đẹp riêng, có nhiều điều rất đáng tự hào và Bến Tre cũng vậy. Mảnh đất xứ dừa phong cảnh hữu tình, con người đôn hậu, giàu truyền thống văn hóa trước nay đã được rất nhiều công trình nghiên cứu. Nhưng với học sinh thì vấn đề này các em chỉ được thầy cô giới thiệu qua một vài tiết học ở chương trình địa phương, chưa được dịp tự mình cọ xát thực tế. Hiện nay đa số học sinh không thích học môn Ngữ văn vì nhiều lí do khác nhau. Trong đó có những học sinh cho rằng Ngữ văn là môn khoa học xã hội, tính ứng dụng không cao, không thiết thực với cuộc sống nên dẫn đến tình trạng chán học văn, hoặc học mang tính đối phó. Sự mến mộ yêu thích của người học đối với môn học không còn nhiều mặn mà kéo theo lối học thụ động, không hào hứng tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ trong mỗi giờ học, sau mỗi giờ học. Do đó, những kiến thức học sinh thu nhận được thiếu sâu sắc, không để lại những ấn tượng lâu dài. Chính vì thế, chúng tôi thiết nghĩ đề tài KHƠI DẬY TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG BẾN TRE QUA HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG THPT sẽ giúp các em vận dụng những kĩ năng đã học từ môn Ngữ Văn để tìm hiểu về địa phương mình sống là một việc làm rất có ý nghĩa. - Về nguyên nhân thực trạng: 1 + Nguyên nhân khách quan: Thời lượng tiết Ngữ văn có hạn mà lượng kiến thức lại nhiều nên không có đủ thời gian để giáo viên hướng dẫn học sinh. + Nguyên nhân chủ quan: ➢ Về phía người dạy: chưa có những hình thức đa dạng để khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, nghiên cứu. ➢ Về phía người học: phần lớn chưa nhận thấy được vai trò và tầm quan trọng của sự kết nối giữa văn học và thực tế, không quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu địa phương. - Giới hạn nghiên cứu của đề tài: Đề tài tập trung nghiên cứu đưa ra một số giải pháp giúp học sinh tìm hiểu vùng đất và con người Bến Tre, phù hợp với từng đơn vị kiến thức để khơi dậy niềm yêu thích với môn Ngữ văn. 3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến: - Mục đích của giải pháp: + Giúp các em tự mình tìm hiểu thêm các thông tin về quê hương Bến Tre của mình: phong cảnh, di tích, ẩm thực, làng nghề truyền thống, vẻ đẹp tâm hồn con người và các hình thức tồn tại của ca dao ở Bến Tre ngày nay. + Giúp các em có kỹ năng kết hợp đoạn tự sự, đoạn thuyết minh và đoạn nghị luận để trình bày một vấn đề phù hợp cũng như rèn luyện kỹ năng tin học trong việc quay phim, xử lý phim để tạo thành đoạn clip hoàn chỉnh. + Phát huy những kỹ năng riêng của từng học sinh: làm thơ, sáng tác truyện, sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết bài bình luận, cảm nhận. + Học sinh hứng thú với môn học, tìm thấy sự ứng dụng của các bài học vào thực tế cuộc sống. Học Văn không chỉ cần có kiến thức mà phải biết cách trình bày kiến thức của mình bằng những thao tác lập luận khác nhau. Học Văn không chỉ ở lĩnh vực văn học mà còn tìm hiểu những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội. + Các em sẽ năng động, nhanh nhẹn với những vấn đề của cuộc sống xung quanh. Từ đó yêu mến quê hương Bến Tre, có ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống, ý thức dựng xây làm giàu đẹp hơn quê hương. - Tính mới của đề tài: đưa ra các hình thức hướng dẫn cụ thể cho học sinh thực hành theo từng dạng bài học khác nhau, hoặc nhóm bài học để từ đó phát huy tính sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn, khả năng cảm nhận của học sinh. - Nội dung giải pháp: 2 Giải pháp 1: chia nhóm làm bài thuyết trình/ video clip về Bến Tre ➢Tiến hành: - Giáo viên nêu tên đề tài lớn, chia nhóm. Dựa trên đề tài lớn, mỗi nhóm phải nghĩ ngay nội dung cụ thể sẽ tiến hành tại lớp và trình bày ý tưởng sơ khởi về đề tài. Giáo viên có thể gợi ý, hoặc chỉnh sửa, mở rộng, thu hẹp phạm vi của các nhóm lựa chọn cho phù hợp. Các nhóm đặt tên bài thuyết trình của mình. - Sau khi có đề tài, các nhóm thảo luận lên ý tưởng và phân chia công việc. GV dựa trên đề tài lựa chọn của HS, thiết kế một bản hướng dẫn, gợi ý một vài nội dung liên quan, trình bày những yêu cầu và công việc cần thiết các nhóm phải thực hiện. Lưu ý thời gian hoàn thành, ngày nộp sản phẩm qua mail, ngày trình bày sản phẩm. - Các nhóm trình bày sản phẩm đã thực hiện, tập thể bàn bạc trao đổi, nhận xét. - Dựa trên quá trình đồng hành cùng học sinh, sản phẩm nộp qua mail và phần trình bày của HS trên lớp, GV nhận xét từng nhóm và nêu một số vấn đề đặc biệt cần lưu ý. Sau đó, giáo viên cùng tập thể xem xét ghi điểm từng nhóm. ➢Ví dụ: * Khối 10: sau khi dạy xong các bài văn bản về “Tổng quan văn học Việt Nam”, “Khái quát văn học dân gian”, các văn bản ca dao, bài “Trình bày một vấn đề”, chuỗi bài về văn tự sự, văn thuyết minh, văn nghị luận, giáo viên chia 3 nhóm thực hiện đề tài “Quê hương và ca dao”. Từ đề tài lớn này, học sinh đặt ra các nội dung cụ thể và đặt tên bài thuyết trình của mình như sau: 1. Đất Bến Tre qua ca dao (Giới thiệu vẻ đẹp cảnh vật, sản vật của quê hương qua ca dao – yêu cầu phải có sự kết hợp của nghị luận với thuyết minh). Tên bài thuyết trình: “Câu ca dao trên lúa 4000 năm hơn vẫn còn…” 2. Người Bến Tre qua ca dao (Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của ông bà ta qua những câu ca dao – yêu cầu phải có sự kết hợp của nghị luận với tự sự). Tên bài thuyết trình: “Bến Tre nước ngọt sông dài…” 3. Sức sống của ca dao ở Bến Tre (Giới thiệu những hình thức tồn tại của ca dao Bến Tre xưa và nay – yêu cầu phải có sự kết hợp của nghị luận với thuyết minh). Tên bài thuyết trình: “Ca dao Bến Tre - Tấm gương soi cho tâm hồn xứ sở” - Hình thức trình bày: có thể đoạn video (hoặc PPT) 3 - Lưu ý một số vấn đề trước khi tiến hành: + Lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết, có hoạch định rõ ràng sẽ viết về nội dung gì, với những ý chính nào, sử dụng những dẫn chứng nào để chứng minh. + Cần có ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhưng cũng đáp ứng đúng đề tài + Cần đảm bảo tính chuẩn xác, khoa học; tri thức, ngôn từ, văn phong cần phù hợp với phong cách ngôn ngữ nghệ thuật + Phân chia công việc rõ ràng, cụ thể; mỗi thành viên đều phải có nhiệm vụ; nhóm trưởng và nhóm phó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các bạn, báo cáo cho GV. + Khi làm bài cần phân tích cảm nhận ca dao theo đặc trưng thể loại, tránh chỉ dùng ca dao để minh hoạ, hoặc liệt kê ca dao, phải đi từ nghệ thuật ra nội dung. + Lưu ý bài thuyết trình là bài nghị luận có kết hợp thuyết minh, tự sự. Cần kết hợp khéo léo, uyển chuyển và nền tảng vẫn là văn nghị luận. Power point “Ca dao Bến Tre - Tấm gương soi cho tâm hồn xứ sở” *Khối 11: sau khi dạy xong chùm bài “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn”, “Bản tin”, giáo viên chia 3 nhóm thực hiện đề tài “Bến Tre ngày nay”. Từ đề tài lớn này, học sinh đặt ra các nội dung cụ thể và đặt tên bài thuyết trình của mình như sau: 4 1. Các làng nghề truyền thống ở Bến Tre (giới thiệu một vài làng nghề ở Bến Tre – yêu cầu có phỏng vấn, quay clip). Tên bài thuyết trình: Làng nghề Bến Tre - truyền thống và hiện đại 2. Các địa danh nổi tiếng ở Bến Tre (yêu cầu có phỏng vấn, quay clip). Tên bài thuyết trình: Xứ dừa - mảnh đất địa linh 3. Thanh niên Bến Tre góp phần xây dựng quê hương (yêu cầu có phỏng vấn, quay clip). Tên bài thuyết trình: “Đồng Khởi” ngày nay Hình thức trình bày: bắt buộc là đoạn video, có lồng tiếng; bài thuyết trình theo phong cách ngôn ngữ báo chí Giải pháp 2: Hướng dẫn học sinh viết cảm nhận về vấn đề có liên quan với bài học ➢ Tiến hành: áp dụng sau mỗi bài học trên lớp: tiếng việt, làm văn, văn bản. Từ bài đã học, giáo viên yêu cầu học sinh liên hệ những vấn đề tương tự có liên quan về quê hương Bến Tre thông qua đoạn văn cảm nhận. Từ đó, rèn luyện năng lực cảm thụ và hành văn của học sinh. - Bước 1: Sau khi hoàn thành các hoạt động dạy học của một tác phẩm văn học, ngoài việc hướng dẫn học sinh làm những bài tập trong phần luyện tập, giáo viên gợi thêm một vài vấn đề xoay quanh bài học, đặc biệt có yêu cầu liên hệ thực tế với địa phương mình. - Bước 2: Mỗi học sinh về nhà viết bài nêu cảm nhận của mình (lưu ý sử dụng văn nghị luận, khuyến khích sử dụng phối hợp các thao tác lập luận trong văn nghị luận) - Bước 3: Giáo viên xem xét và chọn ra từ 2 đến 3 bài viết hay nhất. - Bước 4: Giáo viên gọi các học sinh lần lượt đọc các bài đã được chọn cho tập thể lớp cùng nghe. Tập thể sẽ nêu nhận xét về ưu, nhược điểm của từng bài viết. - Bước 5: Giáo viên cùng tập thể xem xét ghi điểm từng bài cho phù hợp đảm bảo sự công bằng, khách quan. Giáo viên đặc biệt đánh giá cao các bài có cảm nhận sâu sắc, diễn đạt linh hoạt, sáng tạo rồi lấy điểm cộng. ➢Ví dụ: Học xong bài “Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa”, giáo viên ra 2 bài tập: 5 1. Hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày cảm nhận của em về một câu ca dao ở Bến Tre mà em tâm đắc nhất. 2. Hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp của phụ nữ Bến Tre. Học sinh về nhà hoàn thành và nộp, giáo viên chỉnh sửa, chọn ra vài bài hay. Giải pháp 3: Khuyến khích học sinh sáng tác ➢Tiến hành: Giải pháp này chủ yếu giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, thể hiện năng khiếu bản thân (vẽ tranh, làm thơ, viết truyện ngắn, tản văn, …). Sau khi học các bài văn bản văn học có thể hiện tình yêu của tác giả với quê hương, đất nước, con người, giáo viên khuyến khích học sinh học tập các nhà văn, thi sĩ thể hiện tình cảm mình với mảnh đất quê hương. Muốn sáng tác bất kì lĩnh vực nào, học sinh sẽ có sự tìm tòi kiến thức từ đó tăng thêm hiểu biết và khả năng quan sát. Bước 1: Giáo viên sẽ nêu đề tài và hướng dẫn học sinh cách làm (vẽ tranh, làm thơ, viết truyện ngắn, tản văn, …). Ví dụ: nếu sáng tác thơ, giáo viên nên hướng dẫn hoặc yêu cầu học sinh tìm hiểu kỹ về thể thơ định làm (lục bát, thất ngôn bát cú, năm chữ, tự do, ...) để đảm bảo đúng luật thơ, nếu vẽ tranh thì phải đặt tên và có thuyết trình về bức tranh,… Bước 2: Giáo viên ra thời hạn ngày nộp sản phẩm và thu sản phẩm. Bước 3: Giáo viên cho học sinh trình bày sản phẩm. Nếu là thơ thì đọc diễn cảm thơ sáng tác, có thể cho các bạn nêu cảm nhận, giáo viên nêu cảm nhận và góp ý một số chỗ chưa hay. Nếu là truyện học sinh sẽ trình bày, thể hiện trên lớp và giáo viên cho các bạn khác nhận xét về thông điệp của truyện rồi nhận xét rút kinh nghiệm một số điểm hay và chưa hay. Nếu là tranh vẽ thì thuyết trình về bức tranh, giáo viên cho các học sinh nhận xét, rút kinh nghiệm. Lưu ý: Giáo viên cũng phải tham gia cùng học sinh sáng tác để khích lệ tinh thần cho các em. Có thể tổ chức riêng một buổi bình thơ, hoặc bình chọn sáng tác nào xuất sắc nhất để tạo không khí sôi nổi, hào hứng. ➢Ví dụ: - Làm thơ: 6 + Bác bỏ là một thao tác trong làm văn và cũng là một cách tư duy. Hãy thử sáng tạo một bài thơ bác bỏ quan điểm “Người Bến Tre muốn giữ truyền thống cần học hỏi những gì của cha ông, không nên tiếp xúc với văn hoá phương Tây” + Thử làm một bài thơ Hai-cư về Bến Tre. - Sáng tác truyện: + Truyện cười dân gian trào phúng rất đa dạng, phong phú. Sau khi tìm hiểu thể loại này, hãy thử sáng tác một câu chuyện cười mang ý nghĩa châm biếm thói hư tật xấu của thanh niên Bến Tre. + Câu đối: Sau khi học bài “Thực hành phép tu từ phép điệp và phép đối”, em hãy sáng tác một câu đối về Bến Tre Ảnh chụp tập san những sáng tác của học sinh lớp 12Văn về Bến Tre Giải pháp 4: Giáo viên tăng cường sử dụng những ngữ liệu liên quan đến Bến Tre cho bài học ➢Tiến hành: Khi dạy những bài Tiếng Việt, tập làm văn, bên cạnh những ngữ liệu trong SGK, giáo viên thường đưa thêm những ngữ liệu bên ngoài để học sinh luyện tập. Giáo viên lựa chọn những sáng tác của nhà thơ, nhà văn Bến Tre hoặc các sáng tác về Bến Tre để làm ngữ liệu. ➢Ví dụ: - Dạy bài “Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ”, ngoài ngữ liệu SGK đã dẫn (“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng….”), giáo viên đưa thêm câu ca dao: “Bến Tre nước ngọt sông dài Nơi kẹo Mỏ Cày có kẹo nổi danh 7 […]” làm ngữ liệu cho học sinh phân tích các nhân tố của hoạt động giao tiếp - Dạy bài “Tính chuẩn xác và hấp dẫn của văn thuyết minh”, giáo viên có thể chọn đoạn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Bến Tre để học sinh phân tích - Dạy bài “Bản tin - Luyện tập viết bản tin”, giáo viên sưu tầm một số bài viết trên báo Đồng Khởi cho học sinh tham khảo. Giải pháp 5: Tăng cường những câu hỏi, đề bài kiểm tra liên quan đến Bến Tre trong những kì kiểm tra thường xuyên, định kì của học sinh ➢Tiến hành: Kiểm tra là lúc học sinh phát triển và thể hiện khả năng tư duy, kỹ năng viết; cũng là lúc học sinh suy nghĩ nhiều về vấn đề đề bài đưa ra. Giáo viên nên lồng ghép những nội dung liên quan đến quê hương Bến Tre để học sinh suy nghĩ nhiều hơn và có cơ hội trình bày suy nghĩ về quê hương mình. ➢Ví dụ: - Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” và việc định hướng tương lai, theo đuổi đam mê của tuổi trẻ Bến Tre ngày nay. - Thuyết minh về đặc sản kẹo dừa Bến Tre/ Thuyết minh về chợ hoa ngày tết ở Bến Tre/ Thuyết minh về lễ hội Nghinh Ông ở Bến Tre - Viết đoạn văn không quá 200 từ với chủ đề “Bến Tre trong tôi” - Khi cho dạng bài đọc - hiểu, giáo viên có thể lựa chọn ngữ liệu từ những bài báo viết về Bến Tre, những sáng tác của văn nghệ sĩ Bến tre như Chim Trắng, Lê Anh Xuân, Dương Sinh, Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyên Tương, Nguyễn Bạch Sơn, Nguyễn An Cư, ... Giải pháp 6: Có những hoạt động ngoài giờ học khơi gợi tình yêu quê hương ➢Tiến hành: Bên cạnh những hoạt động trong giờ học Ngữ Văn, những hoạt động ngoài giờ học cũng rất cần thiết để khơi dậy tình yêu quê hương của học sinh. Để tiến hành các hoạt động này, giáo viên Ngữ Văn cần liên kết với nhau và kết hợp với Nhà trường, Đoàn Thanh niên để giáo dục ý thức của học sinh. ➢Ví dụ: 8 - Ngoại khoá môn Ngữ Văn là hoạt động định kì tổ chức của tổ, tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, giáo viên có tổ chức ngoại khoá chuyên đề về “Bến Tre và Văn học” hoặc lồng ghép nội dung trên vào chương trình ngoại khoá, bên cạnh các nội dung khác. - Tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, về nguồn, tham quan viện bảo tàng. Đây là những hoạt động thực tế mà Đoàn thanh niên có thể tổ chức cho học sinh (tuỳ điều kiện, hoàn cảnh có thể linh hoạt), tham quan đền thờ Nguyễn Đình Chiểu kết hợp cảm nhận về cuộc đời và thơ văn Người; tham quan viện bảo tàng kết hợp cảm nhận về lịch sử đau thương mà hào hùng của quê hương, … 4. Khả năng áp dụng của giải pháp: Các giải pháp trên chỉ phù hợp đối với việc dạy văn, học văn đặc biệt ở cấp THPT và THCS. 5. Hiệu quả đạt được do áp dụng sáng kiến: Tiến hành áp dụng giải pháp trên từ đầu năm học này đến nay, chúng tôi đã nhận thấy được những hiệu quả như sau: * Phía giáo viên: + Qua những bài tập các em viết, giáo viên dễ dàng nhận xét, sửa lỗi (chính tả, dùng từ, đặt câu,..) giúp các em nâng cao kĩ năng viết. Đồng hành cùng học sinh trong quá trình thực hiện các đề tài, giáo viên còn hiểu được nhiều hơn về đặc điểm tâm lý, tâm tư tình cảm, thái độ,...của từng học sinh. Đó còn là cơ hội để giáo viên có thể tiếp cận đối tượng giáo dục của mình, kịp thời có những chỉnh sửa trong phương pháp dạy học. + Với giải pháp trên, giáo viên có thể đánh giá được sự chuyên cần và mức độ đầu tư trong quá trình học của học sinh chứ không dừng lại ở chỗ đánh giá kết quả học tập trên lớp. Mặt khác giáo viên còn đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề của từng em. * Phía học sinh: + Học sinh dễ dàng làm bài tập, tăng cường cọ xát thực tế, nêu quan điểm, được chia sẻ, được giãi bày những tình cảm, thái độ với quê hương mình. Việc học sẽ hiệu quả hơn khi “học đi đôi với hành, học sinh hứng thú hơn trong giờ học Văn, không còn cảm giác ngao ngán hay tự ti. 9 + Học sinh vừa hình thành và nâng cao được kỹ năng phán xét vấn đề vừa nhận ra sự bổ ích, gần gũi và ý nghĩa của môn Văn với cuộc sống thường nhật. Ngoài việc tạo được sự hứng thú thì các em còn nâng cao kĩ năng viết, nâng cao chất lượng điểm số. 5. Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu: giáo viên trong nhóm viết sáng kiến 6. Tài liệu kèm theo: Sản phẩm của học sinh. Bến Tre, ngày 10 tháng 03 năm 2018 10
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng