Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tài chính - Ngân hàng Bảo hiểm Bài tập lớn môn an sinh...

Tài liệu Bài tập lớn môn an sinh

.DOCX
15
717
53

Mô tả:

Luật Kinh Tế

MỤC LỤC Câu 1: Phân tích điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí......................................2 I/ Khái quát chung về chế độ bảo hiểm hưu trí......................................................2 II/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí.........................................................4 1/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng....................................4 a/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng đầy đủ.....................4 b/ Điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp..........................6 2/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí một lần..........................................8 3/ Điều kiện hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm tự nguyện........................9 III/ Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí.............................................................................10 Câu 2: Tháng 6/2014, một trận lụt lớn xảy ra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, gia đình anh T bị thiệt hại như sau: nhà cửa bị ngập hoàn toàn, 1 con bị mất tích. Được biết anh T là bệnh binh suy giảm 60% khả năng lao động đã xuất ngũ được hơn một năm, bố anh là thương binh suy giảm 32% khả năng lao động, gia đình anh được xác định là hộ nghèo. Theo quy định pháp luật, anh T và gia đình được hưởng những quyền lợi an sinh xã hội nào? .................................................................................................................................12 1/ Chế độ trợ giúp xã hội đột xuất với gia đình anh T.........................................12 2/ Chế độ ưu đãi đối với bố anh T – thương binh suy giảm 32% khả năng lao động......................................................................................................................13 3/ Chế độ ưu đãi đối với anh T – bệnh binh suy giảm 60% khả năng lao động...14 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................15 1 Câu 1: Phân tích điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí Trong hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đầu tiên đặt nền tảng cho sự phát triển và mở rộng các chế độ bảo hiểm sau này. Chế độ bảo hiểm hưu trí là rất cần thiết bởi bất cứ người lao động nào cũng sẽ đến lúc già yếu không còn đủ sức khỏe để lao động nhưng mọi nhu cầu sống vẫn không thay đổi. Vì vậy, lương hưu sẽ là nguồn thu nhập chính cho họ trong thời gian này và cũng chính là động lực cơ bản để người lao động tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội. I/ Khái quát chung về chế độ bảo hiểm hưu trí Theo nghĩa chung nhất, chế độ hưu trí được hiểu là chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo thu nhập cho người hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động. Dưới góc độ pháp luật, chế độ bảo hiểm hưu trí là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về các đối tượng hưởng, điều kiện hưởng và mức trợ cấp cho những người tham gia bảo hiểm xã hội khi hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động.1 Chế độ bảo hiểm hưu trí là một chế độ giữ vai trò rất quan trọng trong hệ thống bảo hiểm xã hội bởi nó không chỉ là vấn đề quan tâm của mọi người lao động khi tham qua quan hệ bảo hiểm mà hầu hết mọi người lao động tham gia đều thuộc đối tượng được hưởng (chỉ trừ một số ít những người không may mắn chết trong khi đang làm việc mới không được hưởng). Hơn nữa, phần lớn các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội đều dành cho việc chi trả chế độ bảo hiểm hưu trí và thời gian người lao động hưởng chế độ hưu trí thường lâu dài nên chế độ này ảnh hưởng, chi phối tới đời sống của người lao động nhiều hơn so với các chế độ khác. Xứng với vai trò quan trọng của mình, chế độ bảo hiểm hưu trí đã đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng mà người lao động đáng được hưởng sau khi 1 Trường đại học Luật hà nội, Giáo trình Luật an sinh xã hội năm 2012, tr171. 2 hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội. Về phía người lao động, khoản tiền lương hưu là khoản thu nhập chủ yếu, là chỗ dựa lâu dài nhằm đảm bảo cuộc sống cũng như để họ cảm thấy yên tâm hơn, không bị mặc cảm là gánh nặng của gia đình và xã hội. Đối với xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm của nhà nước, xã hội, người sử dụng lao động với những người đã có quá trình lao động đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nay đã hết tuổi lao động. Chế độ này phản ánh rõ nét các giá trị xã hội , tính nhân văn, nhân đạo của dân tộc, là một trong những nội dung nòng cốt của chính sách bảo hiểm xã hội. Chế độ bảo hiểm hưu trí bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc chung của bảo hiểm xã hội thì còn có một số nguyên tắc riêng biệt. Đó là: nguyên tắc phân biệt hợp lý chế độ hưởng bảo hiểm hưu trí giữa lao động nam và lao động nữ (lao động nữ thường được nghỉ hưu sớm hơn lao động nam); nguyên tắc ưu đãi đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định (điển hình là những người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh hoặc những lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng... thường được nghỉ hưu sớm hơn những ngành nghề, lĩnh vực khác). Theo quy định tại điều 53 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng được áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí bao gồm những người lao động được quy định tại khoản 1 điều 2 của Luật này. Cụ thể là: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; c) Cán bộ, công chức, viên chức; 3 d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. So với quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì Luật bảo hiểm xã hội năm 2010 đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng và các chế độ bảo hiểm nói chung. Đây là một ưu điểm và cũng là xu hướng phát triển của luật bảo hiểm xã hội nhằm tạo điều kiện tối đa để người tham gia quan hệ hợp đồng lao động đều được hưởng bảo hiểm trong đó có bảo hiểm hưu trí. II/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí 1/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng a/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng đầy đủ Đối với chế độ bảo hiểm hưu trí, điều kiện quan trọng để người lao động được hưởng bảo hiểm chính là tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm. Điều này có nghĩa là, phải đến một độ tuổi và có một thời gian đóng bảo hiểm nhất định thì người lao động mới được nghỉ hưu và hưởng trợ cấp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, điều kiện chung để được hưởng chế độ hưu trí là: nam đủ 60 4 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. 2 Quy định này là phù hợp với quy định chung của các nước trên thế giới và cũng đảm bảo sự cân đối giữa lượng thu và lượng chi trả bảo hiểm, ngăn chặn nguy vỡ quỹ bảo hiểm. Tuổi nghỉ hưu sẽ được giảm xuống 5 tuổi cụ thể là: nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. 3 Theo đó, so với Luật trước đây, các đổi tượng có đủ tuổi, đủ năm đóng bảo hiểm và có đủ 10 năm công tác ở miền Nam, ở Lào trước ngày 30/4/1975, ở Campuchia trước ngày 31/8/1989 đã bị xóa bỏ bởi cho đến hiện nay những đối tượng này hầu hết đã không còn tham gia quan hệ bảo hiểm nữa. Cùng với đó, cách quy định “nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi” là hợp lý vì vừa tạo điều kiện cho người lao động sức khỏe yếu được nghỉ hưu nhưng cũng vừa giúp cho những người lao động đủ sức khỏe vẫn có nhu cầu đi làm được tiếp tục làm việc, kéo dài tuổi nghỉ hưu, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội. Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định điều kiện được hưởng lương hưu của những đối tượng có hoàn cảnh hoặc công việc đặc thù4 như: _ Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên trong đó có 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; _ Người lao động làm việc trong lực lượng vũ trang (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, 2 Điểm a khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 3 Điểm b khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 4 Điểm c, d khoản 1 và khoản 2, 3 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 5 chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí) có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi. Tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng này sẽ giảm xuống 5 tuổi, cụ thể là: nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Cả hai loại công việc này đều mang tính nguy hiểm, rủi ro cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vì vậy độ tuổi hưởng lương hưu của họ được rút ngắn lại. _ Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn tủi ro nghề nghiệp. Đây là một quy định mới vừa thể hiện sự quan tâm, ưu tiên của nhà nước đối với những đối tượng bị nhiễm HIV ngoài ý muốn lại vừa đảm bảo quyền lợi được hưởng lương hưu vì thời gian sống của họ thường ít hơn người lao động bình thường. _ Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Nhóm đối tượng này mới được bổ sung trong Luật mới bởi xét trong thực tế, các cán bộ không chuyên trách hoặc chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn cũng phải làm việc như công chức về thời gian và công việc thậm chí còn phải làm việc cả ngày nghỉ và ngày lễ. Nhiều người có quá trình làm việc lâu dài nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không được hưởng chế độ bảo hiểm dẫn đến tâm lý không an tâm công tác. Vì vậy, việc mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có chế độ hưu trí cho những đối tượng này là một quy định hợp lý. b/ Điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp Thông thường khi đến độ tuổi mà luật quy định (đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ; một số trường hợp đặc biệt là nam đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ 6 đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi) và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm thì người lao động sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trong cuộc sống vì nhiều lý do khác nhau như tai nạn, ốm đau, bệnh tật làm suy giảm khả năng lao động khiến họ khó có thể tham gia quan hệ lao động đến độ tuổi mà pháp luật quy định. Vì vậy, pháp luật cũng quy định những điều kiện thấp hơn để họ được hưởng lương hưu với mức thấp. Cụ thể là, khi người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và rơi vào một trong các trường hợp sau thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây5: _ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Pháp luật quy định theo lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu đối với các đối tượng này để giảm số lượng người lao động hưởng lương quá sớm. _ Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; _ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Ngoài ra đối với những lao động làm việc trong lực lượng vuc trang theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương 5 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 7 hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp: _ Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên; _ Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Như vậy, đối với những đối tượng gặp khó khăn về sức khỏe không thể tiếp tục tham gia quan hệ lao động, nhà nước cũng tạo điều kiện cho họ được hưởng lương hưu sớm nếu đủ số năm đóng bảo hiểm. Quy định này góp phần tạo điều kiện cho họ được nghỉ hưu sớm để bảo toàn sức khỏe mà vẫn được đảm bảo tiền lương để chi trả cho các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, mức lương hưu của họ sẽ thấp hơn so với những người lao động nghỉ hưu theo điều kiện chung vì để đảm bảo công bằng giữa mức đóng góp và mức hưởng bảo hiểm xã hội. 2/ Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí một lần Đối với những người lao động khi nghỉ việc không đủ điều kiện về tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm hoặc cả hai để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thì sẽ thuộc diện hưởng chế độ hưu trí một lần. Cụ thể tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định những điều kiện để được hưởng hưu trí một lần khi thuộc một trong các trường hợp6: _ Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. _ Người lao động ra nước ngoài để định cư. 6 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 8 _ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Quy định này đã góp phần thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước cũng như sự tương trợ giúp đỡ của cộng đồng đối với những người mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. _ Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu. So với luật bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 khi quy định về điều kiện được hưởng bảo hiểm hưu trí một lần đã bỏ quy định về điều kiện hưởng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội. Bởi lẽ, quy định này đã làm cho quỹ bảo hiểm xã hội phải chi một lượng tiền lớn để trả bảo hiểm cho những đối tượng này trong khi nhiều người lao động vẫn có thể tiếp tục làm việc. 3/ Điều kiện hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm tự nguyện Bên cạnh bảo biểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện cũng tồn tại chế độ bảo hiểm hưu trí để đảm bảo tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Đối tượng được hưởng là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Trong trường hợp, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.7 Có thể nói, điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng trong bảo hiểm tự nguyện được quy định cố định, rất dễ để xác định không có những trường hợp ngoại lệ. 7 Điều 73 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 9 Ngoài ra, bảo hiểm tự nguyện cũng có chế độ hưởng bảo hiểm hưu trí một lần nếu người tham gia bảo hiểm đáp ứng một trong các điều kiện sau8: _ Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội; _ Người tham gia bảo hiểm ra nước ngoài để định cư. _ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Đây là một quy định mới được bổ sung đã thể hiện nguyên tắc nhân văn, nhân đạo của hệ thống bảo hiểm xã hội. III/ Thực trạng và một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí Trong những năm gần đây, số lượng người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện ngày càng tăng đồng nghĩa với số lượng người tham gia chế độ bảo hiểm hưu trí cũng tăng lên. Nếu năm 2006 mới có 6,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đến nay đã có hơn 10,6 triệu người (tăng 1,6 lần); năm 2008 có 6.110 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì nay có 156.000 người tham gia.9 Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong hành trình thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là tham gia bảo hiểm tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm tự nguyện chiếm khoảng 0,3% đối tượng thuộc diện tham gia. Nguyên nhân của hiện tượng 8 Điều 77 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 9 Bài viết “Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): nhiều sửa đổi quan trọng” của Vũ Thu trên Trang thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 10 này chủ yếu xuất phát từ ý chí và nhận thức chưa cao của người dân vì họ chưa thấy được những vai trò quan trọng của bảo hiểm xã hội trong cuộc sống hiện tại của mình đặc biệt là khi họ hết tuổi lao động. Có lẽ, trong thời gian sắp tới, khi luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, số lượng người tham gia bảo hiểm sẽ tăng lên đáng kể vì đã mở rộng đối tượng tham gia so với Luật năm 2006. Không chỉ có những người lao động kí hợp đồng tù 3 tháng trở lên mà những người lao động kí hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên cũng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đa số nghỉ hưu trong độ tuổi từ 41 đến 60, chỉ 1,4% nghỉ hưu khi trên 60 tuổi và vẫn có 0,1% nghỉ hưu từ rất sớm khi mới 35 – 40 tuổi; tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,2 (so với quy định cho cả nam và nữ là 57,5); thời gian tham gia bảo hiểm bình quân là 31,26 năm.10 Có thể thấy, thời gian vừa qua, số người nghỉ hưu sớm ngày càng nhiều đồng nghĩa với thời gian hưởng lương hưu ngày càng dài và số tiền chi cho những đối tượng này ngày càng lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến quỹ bảo hiểm đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chính vì thế, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đưa ra một biện pháp khá hiệu quả và hợp lý là mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, đưa ra cách tính lương hưu mới. Một mặt, đảm bảo quyền lợi an sinh cho các đối tượng này mặt khác cũng góp phần cân đối giữa thu và chi trong bảo hiểm. Luật Bảo hiểm xã hội mới đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên, em nghĩ cần phải có những hướng 10 Bài viết “Hàng nghìn người nghỉ hưu ở tuổi 35” trên trang thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Hà giang 11 dẫn cụ thể để Luật mới nhanh chóng đi vào thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn cách quản lý những đối tượng tham gia hợp động lao động từ đủ 1 tháng đến 3 tháng. Cùng với đó, ở nước ta hiện nay còn ít người tham gia bảo hiểm tự nguyện vì thế nhà nước cũng cần có những biện pháp đổi mới, hoàn thiện chế độ bảo hiểm tự nguyện để khuyến khích người dân tự giác tham gia. Câu 2: Tháng 6/2014, một trận lụt lớn xảy ra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, gia đình anh T bị thiệt hại như sau: nhà cửa bị ngập hoàn toàn, 1 con bị mất tích. Được biết anh T là bệnh binh suy giảm 60% khả năng lao động đã xuất ngũ được hơn một năm, bố anh là thương binh suy giảm 32% khả năng lao động, gia đình anh được xác định là hộ nghèo. Theo quy định pháp luật, anh T và gia đình được hưởng những quyền lợi an sinh xã hội nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành, anh T và gia đình anh sẽ được hưởng những quyền lợi an sinh xã hội sau: 1/ Chế độ trợ giúp xã hội đột xuất với gia đình anh T Vào tháng 6/2014 một trận lụt lớn xảy ra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã gây thiệt hại về người và của cho gia đình anh T. Nhà cửa bị ngập hoàn toàn và có một người con bị mất tích. Theo Điều 12 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, gia đình anh T có thể được hỗ trợ lương thực là 15 kg gạo/ người/ tháng trong thời gian không quá 3 tháng nếu gia đình anh thiếu đói vì trận lũ lụt đó và thuộc đối tượng được xét duyệt. Và cũng theo Điều 14 của Nghị định này, vì anh T có 1 đứa con bị mất tích trong trận lũ nên gia đình anh sẽ được xem xét để hỗ trợ chi phí mai táng với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội (tức 270.000 đồng x 20 = 5.400.000 đồng); Gia đình anh T chỉ có thể được nhận khoản hỗ trợ này khi có tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, kèm theo giấy báo tử gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét. 12 Thêm đó, gia đình anh T là hộ nghèo lại có nhà bị ngập hoàn toàn do lũ lụt nên gia đình anh còn được hưởng quyền lợi tại Điều 15 của Nghị định này. Trong trường hợp, nhà ngập hoàn toàn mà không còn nơi ở thì gia đình anh được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở mức tối đa không quá 20.000.000 đồng. Nhưng nếu như, nhà bị ngập do lũ mà chỉ bị hư hỏng nặng, vẫn có thể tiếp tục ở thì gia đình anh chỉ được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa với mức tối đa không quá 15.000.000 đồng. Để được hưởng quyền lợi này, gia đình anh T cũng phải có tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét. Ngoài ra, theo Điều 17 Nghị định này, nếu do lũ lụt mà gia đình anh T bị mất phương tiện, tư liệu sản xuất, mất việc làm thì gia đình anh còn xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất. 2/ Chế độ ưu đãi đối với bố anh T – thương binh suy giảm 32% khả năng lao động Điều 19 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 quy định: Thương binh là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh”. Theo đó, bố anh T được hưởng các chế độ ưu đãi tại Điều 20 và Điều 21 của pháp lệnh. Ông sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng tương ứng với mức độ suy giảm 32% khả năng lao động là 1.352.000 đồng nếu thuộc diện thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (Phụ lục II kém theo Nghị định 20/2015/NĐ-CP); 1.113.000 đồng nếu thuộc diện thương binh loại B (Phụ lục III Nghị định 20/2015/NĐ-CP). Ông còn được cấp bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật; được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để 13 sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở... Ngoài ra, con của ông là anh T sẽ được ưu tiên tạo việc làm. Khi ông mất, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân còn được hưởng một khoản trợ cấp mai táng. 3/ Chế độ ưu đãi với anh T – bệnh binh suy giảm 60% khả năng lao động Theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13: “Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh”...”. Hoặc “Bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1994”. Mà theo thông tin từ tình huống, anh T chỉ suy giảm 60% khả năng lao động mới xuất ngũ về với gia đình được hơn 1 năm tính từ năm 2014 nên anh T không thuộc một trong hai trường hợp trên, cũng có nghĩa anh T không phải bệnh binh. Nếu trong trường hợp, anh T là bệnh binh thì theo Điều 24 và Điều 25 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 anh sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.713.000 đồng tương ứng với mức suy giảm 60% (Phụ lục I kèm theo Nghị định 20/2015/NĐ-CP) và các chế độ ưu đãi khác như bố của anh. Cụ thể là: được cấp bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật; được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở... Con của anh T sẽ được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học. Khi anh T mất, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp. 14 Trên đây là toàn bộ phần bài làm của em, nhưng do vốn hiểu biết của em còn hạn chế nên bài làm khó tránh khỏi những sai sót nên em rất mong nhận được sự góp ý từ quý thầy cô để bài viết của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 2. Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 3. Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 4. Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội 5. Nghị định 20/2015/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng 6. Giáo trình Luật an sinh xã hội năm 2012, Trường Đại học Luật Hà nội 7. Trang thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam 8. Trang thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Hà giang 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan