Mô tả:
LỜI NÓI ĐẦU Thuật ngữ "Triết học giáo dục" hiện còn ít gặp trong các tài liệu giáo dục học Việt Nam. Ở các nước Asean và các nước khác trên thế giới, thuật ngữ "triết học giáo dục" chẳng những được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu sư phạm, mà còn đi khá sâu vào cuộc sống nhà trường. Các thầy giáo luôn luôn quan tâm tới cơ sở triết học khi tiến hành những hoạt động giáo dục cụ thể. Tại các trường phổ thông "Cơ sở triết học của công tác giáo dục" thường được ghi lên bảng và đặt ở vị trí trang trọng trước tiền sảnh, như là một khẩu hiệu, một tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động của nhà trường. Sự nghiên cứu triết học giáo dục là hết sức cần thiết, vì nó tìm hiểu các vấn đề giáo dục trên bình diện rộng và ở tầm cao của lý luận, cho phép đi sâu vào bản chất của các hiện tượng giáo dục, do đó đề xuất đúng những vấn đề then chốt, đúng trọng tâm là chìa khoá để giải quyết thành công các vấn đề giáo dục. Triết học giáo dục bảo đảm tính hệ thống, tính nhất quán của các hoạt động giáo dục. Nếu không có một triết học giáo dục vững vàng thì giáo dục sẽ vận động trong vòng luẩn quẩn, không phát triển lên được. Nghiên cứu triết học giáo dục là một công việc quan trọng và to lớn đòi hỏi sự nỗ lực lâu dài và công sức của nhiều người. Với lòng mong muốn góp phần khiêm tốn của mình vào việc xây dựng lý luận giáo dục học Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn cho ra mắt bạn đọc cuốn "Tìm hiểu triết học giáo dục Việt Nam". Cuốn sách gồm 5 chương: Chương I "MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG" trình bày một số định nghĩa, đối tượng, các khái niệm và phạm trù cơ bản, phương pháp nghiên cứu, và trả lời câu hỏi Việt Nam có triết học và triết học giáo dục không? Chương II "TRIẾT HỌC GIÁO DỤC ĐÔNG VÀ TÂY" giới thiệu tư tưởng triết học của một số nhà giáo dục lớn trong lịch sử, giới thiệu hai giáo trình "Triết học giáo dục" của Trung Quốc xuất bản trong những năm gần đây và nêu nên một số vấn đề triết học giáo dục đang được quan tâm hiện nay. Chương III "TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN" đã hệ thống hoá triết lý giáo dục truyền thống qua ca dao, tục ngữ, qua hệ thống nhà trường và qua tìm hiểu tư tưởng của các nhà giáo dục lớn. Đặc biệt, triết lý giáo dục truyền thống đựơc phản ảnh trong ca dao, tục ngữ đã được hệ thống hoá qua các phạm trù giáo dục học cơ bản như: mục đích học tập; vị trí, vai trò của giáo dục, nguyên tắc, nội dung, phương pháp dạy học, thầy giáo, gia đình, môi trường giáo dục... Chương IV "TRIẾT HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN NAY" đã giới thiệu các quan điểm, tư tưởng giáo dục của Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vấn đề cụ thể của triết học giáo dục, như cấu trúc quá trình giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân. Ở đây đã phân tích các mâu thuẫn, các mối quan hệ của quá trình giáo dục; đồng thời đã trình bày cơ chế, động lực và một số biện pháp hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Chương V "MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT" trình bày vấn đề chất lượng giáo dục và đổi mới tư duy giáo dục là những vấn đề quan trọng nhất hiện nay để đưa giáo dục Việt Nam lên một TẦM CAO MỚI. Những tư tưởng phương pháp luận khoa học hiện đại như quan điểm tiếp cận phức hợp, quan điểm hệ thống cấu trúc... đã được vận dụng để nghiên cứu các vấn đề cơ bản của dạy học và giáo dục, thí dụ: cấu trúc tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, cấu trúc quá trình dạy học - giáo dục, đổi mới tư duy giáo dục... Cuốn sách đã sử dụng kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ (B2003 - 49 - 57) do tác giả làm chủ nhiệm và TS. Phạm Thị Kim Anh làm thư ký như một tài liệu chính. Mặc dầu đã hết sức cố gắng, cuốn sách mới là sự tìm hiểu bước đầu triết học giáo dục Việt Nam. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với lãnh đạo Viện chiến lược và Chương trình giáo dục, nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, các nhà khoa học và bạn bè gần xa đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ quí báu để ra đời cuốn sách này.