Mô tả:
Trong tiến trình hội nhập và phát triển, ngành công nghiệp Việt Nam đang tạo ra những bước ngoặt mới làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế. Ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp sản xuất thực phẩm nói riêng đang từng bước đổi mới về công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất đáp ứng tối đa nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Một trong những ngành công nghiệp đang phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước là ngành sản xuất các sản phẩm lên men mà trong đó có ngành công nghiệp sản xuất rượu cồn. Trong xã hội ngày nay, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao đi kèm với nó là nhu cầu về một sản phẩm đồ uống truyền thống có chất lượng tốt, do đó cần có sự đầu tư và nghiên cứu nghiêm túc về rượu cổ truyền. Khắp trên đất nước Việt Nam đều có rượu ngon, nghề nấu rượu thủ công vẫn tồn tại ở nhiều làng quê Việt Nam, nhiều sản phẩm rượu đã trở nên quen thuộc với người dân như: rượu Làng Vân, rượu Kim Sơn – Ninh Bình, rượu Bầu Đá – Bình Định, rượu Gò Đen – Long An, rượu San Lùng ở một số vùng núi phía bắc như Lào Cai, Hà Giang, rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn..v.v. Tuy nhiên vấn đề sản xuất rượu theo phương pháp thủ công còn nhiều vấn đề cần quan tâm về năng suất cũng như sự ổn định về chất lượng sản phẩm. Hiện nay có một số giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi cồn mà vẫn đảm bảo chất lượng và giá thành, đây là một giải pháp công nghệ đáng được xem xét, nghiên cứu và kiểm chứng trước khi đưa vào sản xuất với quy mô lớn. Với mục đích nâng cao năng suất, hiệu suất và chất lượng cồn chúng tôi đã lựa chọn và áp dụng chế phẩm enzym mới của hãng Genencor vào quá trình dịch hóa và để nghiên cứu quá trình đường hóa và lên men đồng thời trong sản xuất cồn từ nguyên liệu gạo. Chúng tôi đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cồn từ nguyên liệu gạo”.