Mô tả:
1. Thực trạng của vấn đề đòi hỏi phải có giải pháp mới để giải quyết Toán học là một trong những khoa học cổ nhất của loài người, là đỉnh cao trí tuệ của con người. Charles Darwin đã từng nhận định về vai trò to lớn của toán học: "Mọi phát kiến của nhân loại đều có bàn tay hướng dẫn của Toán học, bởi vì chúng ta không thể có một người chỉ đường nào khác". Nhận định ấy đã được minh chứng bằng tầm quan trọng của toán học trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng chưa bao giờ toán học phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng sâu sắc như ngày nay. Ở thời đại chúng ta, những phát minh mới mẻ của toán học xuất hiện hàng ngày, rất nhiều ngành mới ra đời, nhiều quan niệm cũ bị đảo lộn, nhiều cuộc cải cách đã diễn ra tạo nên những cuộc cách mạng đổi mới toàn diện. Thật không quá khi nói Toán học đang thay đổi cả thế giới hay nói cả thế giới đang vận động theo nhịp xoay của toán học. Toán học không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực thiên văn, vật lý, triết học mà còn xâm nhập vào hoá học, sinh học và nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa. Toán học ngày càng có ứng dụng sâu sắc và rộng rãi. Môn Toán là công cụ cần thiết để học các môn học khác. Học sinh không thể học tốt các môn học tự nhiên nếu thiếu đi nền tảng toán học. Môn Toán có khả năng giáo dục to lớn trong việc rèn luyện khả năng suy nghĩ, suy luận lôgic, thao tác tư duy cần thiết để nhận thức thế giới hiện thực như: trừu tượng hoá, khái quát hoá… Trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới đang diễn ra rất sôi nổi với tốc độ phát triển rất nhanh và quy mô rất lớn, đòi hỏi một nguồn lớn nhân lực có tri thức cao. Mà tất cả các ngành khoa học đều có sự tác động của bàn tay toán học nên toán học có tác dụng vô cùng to lớn với thực tiễn và khoa học. Mặt khác, trách nhiệm của ngành giáo dục là phải đào tạo ra những con người lao động mới đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Bậc Tiểu học là bậc học góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Một nền tảng tốt sẽ là động lực cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Môn Toán cũng như các môn học khác cung cấp những tri thức khoa học ban đầu, những tri thức về thế giới xung quanh, nhằm phát triển năng lực nhận thức, hoạt động tư duy và bồi dưỡng tình cảm đạo đức tốt đẹp của con người. Môn Toán ở Tiểu học là môn học độc lập, chiếm phần lớn thời gian trong chương trình học của trẻ. Môn Toán được dạy liền mạch thành hệ thống xuyên suốt trong chương trình ở Tiểu học và được chia thành các mảng kiến thức như: số và phép tính; đo lường; hình học; giải toán với các dạng bài toán cơ bản, điển hình… Trong đó, giải toán với các dạng bài toán điển hình chiếm vị trí vô cùng quan trọng của môn Toán Tiểu học bởi đây là dạng toán mang tính cơ bản, thiết thực và được lồng ghép, đan xen ở hầu hết các mạch kiến thức trong chương trình học toán của học sinh. Trong môn Toán lớp 4, nội dung dạy học giải toán các bài toán điển hình được sắp xếp hợp lí, đan xen phù hợp với quá trình học tập các mạch số học, hình học, đại lượng và đo đại lượng của học sinh. Nội dung các dạng toán điển hình trong Toán 4 có “chất liệu” phong phú, gắn với thực tiễn và có hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn học sinh, chẳng hạn: Có dạng bài toán phản ánh một số mối quan hệ số học như: “Tìm số trung bình cộng của nhiều số”, “Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó”, “Tìm hai số khi biết tổng (hiệu) và tỉ số của hai số đó”; có dạng bài toán bổ sung tiếp nối từ lớp 3 như bài toán “Tìm phân số của một số”….. Các kiến thức về giải toán có lời văn là cầu nối giữa kiến thức nhà trường và thực tế. Việc học sinh tiếp thu các kiến thức về giải toán có lời văn trong nhà trường sẽ giúp học sinh vận dụng để tính toán trong thực tế hàng ngày và là cơ sở để các em tiếp tục học toán ở các lớp cao hơn. Dạy học giải toán có lời văn mà các dạng toán điển hình phần lớn tập trung ở lớp 4 có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng lực giải toán tốt, phát triển tư duy trìu tượng, khả năng phân tích tổng hợp, phát hiện mối quan hệ giữa các dữ kiện đã cho của bài toán với yêu cầu cần tìm của bài toán để phát triển khả năng tư duy lôgíc…. Qua nhiều năm giảng dạy lớp 4, đã từng hướng dẫn rất nhiều học sinh giải toán có lời văn, tôi thấy một số học sinh vốn từ, vốn hiểu biết, khả năng đọc hiểu, khả năng tư duy lôgic của các em còn rất hạn chế. Các em chưa biết phân tích bài toán để tìm ra đường lối giải, chưa biết tổng hợp để trình bày bài giải, diễn đạt chưa rõ ràng, thiếu lôgic. Vậy làm thế nào để học sinh hiểu đề bài, biết cách phân tích và tìm ra lời giải của bài? Chính điều này làm tôi luôn trăn trở. Từ sự trăn trở của bản thân, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau để có thể tháo gỡ những khó khăn trên. Đây chính là mục tiêu mà bài viết này đặt ra. Do vậy, tôi đã chọn đề tài: “Hướng dẫn học sinh lớp 4 giải toán có lời văn”.