Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Chính sách tôn giáo của nhật bản giai đoạn 1945 - 1951...

Tài liệu Chính sách tôn giáo của nhật bản giai đoạn 1945 - 1951

.PDF
138
630
140

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------  ------ DƯƠNG THỊ KIM OANH CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA NHẬT BẢN GIAI ĐOẠN 1945 - 1951 LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành Châu Á Học Hà Nội – 2013 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------  ------ DƯƠNG THỊ KIM OANH CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA NHẬT BẢN GIAI ĐOẠN 1945 - 1951 Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Châu Á Học Mã số: 60 31 50 Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Đỗ Quang Hưng Hà Nội – 2013 2 MỤC LỤC MỞ ĐẦU 3 Chương 1: CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO TỪ THỜI MINH TRỊ ĐẾN CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI 13 1.1. Bản chất của Nhà nước Minh Trị và chính sách tôn giáo của Chính phủ 13 1.2. Chính sách tôn giáo từ thời Chiều Hòa đến Chiến tranh thế giới thứ hai 20 1.3. Bối cảnh “cải cách tôn giáo” sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai 23 Tiểu kết 26 Chương 2: CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO GIAI ĐOẠN 1945 – 1951 28 2.1. Cơ cấu và chức năng của các cơ quan soạn thảo chính sách tôn giáo 28 2.2. Nội dung của chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1951 31 2.2.1. Sắc lệnh Nhân quyền: xác lập nguyên tắc “tự do tôn giáo” 31 2.2.2. Sắc lệnh Thần đạo: xác lập nguyên tắc “chính – giáo phân li” 33 2.2.3. Ba văn bản “chính sách tôn giáo” khác 39 2.3. Quá trình triển khai chính sách tôn giáo tại Nhật Bản từ 1945 ~ 1951 43 2.3.1. Triển khai nguyên tắc “chính giáo phân li” 43 2.3.2. Các hoạt động khuyến khích tự do tôn giáo 47 2.4. Pháp chế hóa “Sắc lệnh Nhân quyền” và “Sắc lệnh Thần đạo” 53 2.4.1. Quy định về tôn giáo trong Hiến pháp Nhật Bản từ năm 1947 54 2.4.2. Luật Pháp nhân Tôn giáo từ năm 1951 60 Tiểu kết 68 1 Chương 3: KINH NGHIỆM LỊCH SỬ VÀ BƯỚC ĐẦU LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM 70 3.1. Hiệu quả của chính sách tôn giáo 70 3.2. Bài học kinh nghiệm của chính sách tôn giáo 72 3.2.1. Nhìn từ góc độ “Tự do tôn giáo” 72 3.2.2. Nhìn từ nguyên tắc “Chính - giáo phân li” 74 3.2.3. Nhìn từ mối quan hệ giữa “nguyên lý thế tục” và quyền tự do tôn giáo 79 3.2.4. Nhìn từ góc độ Luật Pháp nhân Tôn giáo 80 3.3. Những vấn đề đặt ra đối với Nhật Bản 84 3.4. Bước đầu liên hệ tới chính sách tôn giáo của Việt Nam 88 3.4.1. Quá trình hình thành và phát triển chính sách tôn giáo ở Việt Nam 89 3.4.2. Vấn nạn về tôn giáo và nhu cầu hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục và luật pháp tôn giáo 93 Tiểu kết 99 KẾT LUẬN 102 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 107 DANH MỤC CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ 113 PHỤ LỤC 116 2 MỞ ĐẦU 1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài Nhật Bản là một quốc gia hải đảo ở khu vực Đông Bắc Á, trong tiến trình phát triển, quốc gia này đã sớm thể hiện những đặc tính lịch sử, văn hóa riêng so với các nước trong khu vực. Trong lịch sử Nhật Bản, tôn giáo từng song hành và luôn gắn bó với đời sống chính trị, kinh tế Nhật Bản. Mối quan hệ ba cực đó gắn với những giá trị nguồn cội thậm chí còn được coi là một trong những giá trị thiêng liêng trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bài học lịch sử để lại rằng, sự dung dưỡng, liên kết giữa tôn giáo với chính trị đã đẩy dân tộc Nhật Bản đến việc theo đuổi một chủ nghĩa dân tộc cực đoan – nguyên nhân khiến Nhật trở thành đế quốc phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là một trong những đất nước chịu tổn thất nặng nề và phải chịu sự chiếm đóng, quản chế của Lực lượng quân đồng minh. Dưới tác động của những chính sách do Lực lượng quân đồng minh ban hành, xu thế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội Nhật Bản có nhiều chuyển biến theo mô hình và gần với văn hóa Âu Mỹ. Theo đó, lĩnh vực tôn giáo Nhật Bản cũng chịu tác động lớn bởi cải cách tôn giáo của Lực lượng này. Dưới chế độ ủy trị, giới chính quyền Nhật Bản đã nhận ra rằng, cần phải có những biện pháp kiên quyết để hạn chế, ngăn chặn những ảnh hưởng (thậm chí là can thiệp) của các thế lực tôn giáo vào đời sống chính trị Nhật Bản, hướng tới xây dựng một nhà nước thế tục hiện đại – mô hình mà nhiều quốc gia Âu Mỹ đã lựa chọn. Việc giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, xử lý tốt mối quan hệ giữa tôn giáo theo xu thế phân li, minh định vai trò, chức năng giữa chính trị và tôn giáo là một trong những thành tựu lớn mà Nhật Bản đạt được sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Có thể nói, sau năm 1945, Nhật Bản đã có một mẫu hình rất riêng về chính sách tôn giáo và có bước tiến triển về luật tôn giáo cũng như quản lí tôn giáo khá đặc thù. Chính phủ Nhật Bản đã thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh mới, rất nỗ lực và đạt hiệu quả đáng quan tâm trong việc tìm ra những giải pháp kịp thời trong lĩnh vực quản lí tôn giáo để vừa đảm bảo nguyên tắc tự do tôn giáo, vừa duy trì những sinh 3 hoạt tôn giáo trong vòng trật tự. Việc giải quyết vấn đề tôn giáo cũng là một khía cạnh trong chính sách xã hội nói chung và Nhật Bản đã gặt hái nhiều thành công nhưng cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết. Việt Nam và Nhật Bản được coi là hai nước cùng thuộc vùng Đông Á, cùng nằm trong vùng văn hóa Hán; về tôn giáo, cả Việt Nam và Nhật Bản đều tiếp thu Phật giáo, Công giáo... nên cũng có những nét tương đồng. Ở Việt Nam, tuy yếu tố tôn giáo không có vị trí quyết định như nhiều “nhà nước – tôn giáo” nhưng nó cũng có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển đất nước. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng cũng xác định vấn đề “chính sách tôn giáo” hiện nay phải luôn gắn liền với nghiên cứu “luật pháp tôn giáo” đó là: “tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước” (Văn kiện Đại hội Đảng XI). Ở nước ta, ngay từ sau cách mạng tháng Tám 1945, trên thực tế đã dần dần hình thành “một chính sách tôn giáo” trong hàng loạt những chính sách của Đảng và Nhà nước theo tiến trình cách mạng. Việt Nam cũng đang hướng đến xây dựng một mô hình Nhà nước pháp quyền về tôn giáo, phù hợp với xu thế chung của các nhà nước trên thế giới, đó là khuynh hướng Nhà nước thế tục (Secular State). Tuy vậy, để xây dựng một nhà nước thế tục đúng nghĩa của nó, chúng ta còn nhiều việc phải làm, trước hết là việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo. Nhiệm vụ cơ bản của chính sách tôn giáo nói chung hay việc xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo nói riêng, chính là việc thực thi học thuyết thế tục hóa và xây dựng mô hình nhà nước thế tục. Mục tiêu lâu dài của “chính sách tôn giáo” là góp phần trực tiếp tạo ra nhà nước thế tục – nhà nước pháp quyền về tôn giáo. Hiện nay, có lẽ lĩnh vực tôn giáo là một địa hạt mà kinh nghiệm xây dựng một nhà nước pháp quyền còn ít ỏi và gặp khó khăn bậc nhất. Từ năm 1945 trở lại đây, chúng ta vẫn có những thói quen mang nặng tính chính trị trong việc ban hành chính sách tôn giáo, quản lý tôn giáo, ít nhất thì cũng chưa phải là một nhà nước thế tục – nhà nước pháp quyền về tôn giáo. Ở nước ta, do những di sản xa và gần của lịch sử, cho đến nay mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội vẫn có tính cốt lõi trong việc hoàn thiện chính sách tôn giáo. Mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội tuy đã 4 được cải thiện nhiều song vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Thêm vào đó, luật pháp tôn giáo vốn là công cụ hữu hiệu của những xã hội hiện đại trong việc ứng xử và giải quyết những vấn đề tôn giáo thì ở nước ta còn rất nhiều hạn chế và khó hội nhập quốc tế. Những năm đổi mới vừa qua, luật pháp tôn giáo đã có những bước tiến đáng kể, nhưng nói chung, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của một nhà nước thế tục – nhà nước pháp quyền/ XHCN về tôn giáo. Để giải quyết được những vấn đề đó, Việt Nam cần phải tìm hiểu kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã có quá trình phát triển trước chúng ta. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình xây dựng chính sách tôn giáo và luật pháp tôn giáo cũng rất quan trọng và hữu ích đối với Việt Nam. Việc nghiên cứu kỹ các chính sách tôn giáo trong sự gắn liền với luật tôn giáo (trường hợp Nhật Bản là Luật Pháp nhân Tôn giáo) chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta nhiều gợi mở tốt cho quá trình hoàn thiện chính sách tôn giáo cũng như luật tôn giáo của Việt Nam hiện nay. Ý nghĩa và mục đích nghiên cứu như thế chính là động lực giúp người thực hiện luận văn lựa chọn đề tài: “Chính sách tôn giáo của Nhật Bản giai đoạn 1945 - 1951” cho luận văn cao học của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Từ lâu, chúng tôi đã có ước muốn là hoàn thiện một luận văn dày dặn về chính sách tôn giáo của Nhật Bản bởi tổng kết lại – dù là bước đầu – tại Việt Nam hiện nay, nghiên cứu chính sách tôn giáo của Nhật Bản còn là một chủ đề mới mẻ và chưa có công trình chuyên biệt nào. Từ năm 1945 cho đến nay, tại Nhật Bản, những tác phẩm liên quan về chính sách tôn giáo của Nhật Bản cũng đã có khá nhiều. Trong phạm vi ngoài những tài liệu tiếng Nhật mà luận văn tiếp cận được, chúng tôi xin nêu ra một số công trình điển hình viết về chính sách tôn giáo của Nhật Bản như sau: Năm 1972, cuốn “Thiên Hoàng và Thần đạo” (The Allied Occupation of Japan 1945 – 1952 and Japanese Religion) của tác giả William P. Woodard được viết bằng tiếng Anh đã được nhà xuất bản The Simul Press phát hành lần đầu tiên. Do giá trị tôn giáo sử của cuốn sách có nhiều nội dung quan trọng nên đến năm 1988, dịch giả Abe Yoshiya đã truyền tải sang ngôn ngữ Nhật Bản với tên gọi 5 天皇と神道― の宗教政策 Nội dung đáng lưu ý là tác phẩm đã đề cập rõ nội dung của Sắc lệnh Nhân quyền (人権指令) và Sắc lệnh Thần đạo (神道指令) do quân chiếm đóng soạn thảo. Trong hai Sắc lệnh nêu trên, Sắc lệnh Nhân quyền là Sắc lệnh đã xác lập “nguyên tắc tự do tôn giáo” (信教の自由の原則), và Sắc lệnh Thần đạo đã xác lập nguyên tắc “phân li giữa chính trị và tôn giáo” (政教分離の原 則). Đồng thời, cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề tại sao phải “giải thể Thần đạo Quốc gia” và chính sách tuyên bố Thiên hoàng không phải là thần thánh như người Nhật vốn sùng tín. Những nội dung này là một trong các chính sách tôn giáo đầu tiên của quân chiếm đóng, cũng là nền tảng xác lập nên chính sách tôn giáo của Nhật Bản ngày nay. Năm 1976, giáo sư Kishimoto Hideo, trường đại học Tokyo đã hoàn thiện tác phẩm “Tôn giáo và xã hội Nhật Bản sau chiến tranh” (戦後の宗教と社会), cuốn sách này do nhà xuất bản Keiei phát hành vào ngày 10 tháng 4 trong năm. Tác phẩm cũng có giá trị lớn trong việc làm rõ các vấn đề: Thiên hoàng và giai đoạn cận đại hóa Nhật Bản, triển vọng của tôn giáo sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quá trình dung nhận nguyên tắc tự do tôn giáo ở Nhật Bản và thái độ của người Nhật đối với nguyên tắc này. Năm 1981, tòa báo Asahi đã phát hành tác phẩm “Tôn giáo và Chính trị của Nhật Bản – Thể chế Thiên hoàng và đền Yasukuni” (日本の政治と宗教―天皇制 とヤスクニ) của tác giả Hikari Eiden. Tác phẩm có đề cập đến vấn đề nhạy cảm đó là mối quan hệ giữa “tôn giáo và chính trị” sau chiến tranh, điển hình là các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của các quan chức trong Nội các Nhật Bản. Đền Yasukuni được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Tác phẩm cũng đề cập đến quá trình thay đổi của thể chế Thiên hoàng. Năm 1982, tác gia này tiếp tục ra mắt bạn đọc cuốn “Sự hình thành chính sách chiếm đóng Nhật Bản – Bộ Ngoại Giao Mỹ 1940 – 1944” (対日占領政策の形成―アメリカ国務省 1940 – 44). Đây là tác phẩm đã dựng lại bối cảnh những năm Thế chiến thứ hai, giai đoạn mà Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chuẩn bị các chính sách cải cách Nhật Bản. 6 Đến năm 1985, Nhà xuất bản Công luận Trung ương ấn hành cuốn “Chính sách chiếm đóng Nhật Bản của Mỹ” (米国の日本占領政策) của tác giả Gohyaku Hatagashira. Tác phẩm đã tổng hợp một cách khái quát tất cả các chính sách của Mỹ trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản từ năm 1945 đến năm 1952 trên phương diện kinh tế chính trị xã hội…, trong đó có đôi nét nói về chính sách tôn giáo, đây cũng là những dữ liệu sử hết sức cần thiết. Năm 1988, liên quan đến chính sách tôn giáo, cuốn sách với tựa đề “Phân li chính giáo – tính chính trị của tôn giáo ở Nhật Bản và Mỹ” (政教分離―日本とア メリカにみる宗教の政治性) của Abe Yoshiya do hội xuất bản Saimaru phát hành. Nguyên tắc phân li chính trị - tôn giáo của Nhật Bản là chủ yếu theo mô hình của Mỹ. Tác phẩm đã nêu khái quát và so sánh nguyên tắc “chính giáo phân li” ở hai quốc gia. Dù chính sách phân li đã được đưa vào hiến pháp song vấn đề nảy sinh của nguyên tắc này, hàng nửa thế kỷ qua, vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm và chưa có hồi kết. Ngoài các tác phẩm trên, chúng ta không thể không nhắc đến cuốn “Con đường đi đến thể chế Thiên hoàng tượng trưng” (象徴的天皇制への道 ) của tác giả Nakamura Seisoku được nhà xuất bản Iwanami phát hành năm 1989, một lần nữa cuốn sách khẳng định lại nội dung và các vấn đề liên quan đến thể chế Thiên hoàng này. Kể từ năm 1994, liên quan đến nguyên tắc phân li giữa chính trị và tôn giáo nổi lên một số tác phẩm như sau: “Tiếp điểm giữa tôn giáo và chính trị”(宗教と政治 の接点)của tác giả Tamaru Noriyoshi, hiệu đính Kinoshira Yoshiaki, nhà xuất bản Seikainippon; thứ hai là cuốn “Tôn giáo và chính trị ở Nhật Bản – Soka Gakkai và đảng Komei”(日本における宗教と政治、創価学会・公明党の目指すもの) do Takase Hiroi chủ biên, nhà xuất bản Zaikaitsushin; cuốn “Tôn giáo và chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh” (戦後日本の宗教と政治) của Nakano Tsuyoshi, nhà xuất bản Omeito... Các tác phẩm trên chủ yếu nói vấn đề vi phạm nguyên tắc “chính – giáo phân li”. Nhân vật chính trong các tác phẩm không thể không nhắc đến là giáo phái Soka Gakkai (Sáng Giá Học Hội), một giáo phái của hệ Nhật Liên 7 Tông do giáo chủ Tsunesaburo Makiguchi sáng lập từ năm 1930, là giáo phái gặt hái nhiều thành công trên con đường tham gia chính trị thông qua hình thức thành lập một đảng riêng vào tranh cử quốc hội. Gần đây, giáo sư Nakano Tsuyoshi trường đại học Soka Gakkai cũng ra mắt độc giả hai cuốn là “Nhật Bản – vấn đề chính trị và thể chế Thiên hoàng” (日本―政治 的諸問題・天皇制) và “Tôn giáo và thế giới toàn cầu” (グローアルする世界と 宗教) do trường đại học Soka Gakkai xuất bản năm 2011. Đây là những tác phẩm có giá trị trong việc đưa ra một số vấn đề tôn giáo - chính trị có liên quan đến vị trí của Thiên hoàng sau Chiến tranh thế giới thứ hai và tác giả có những đánh giá khá thú vị về vấn đề các thủ tướng lãnh đạo Nhật Bản thăm đền Yasukuni từ năm 1975 đến thời gian gần đây (liên quan đến vấn đề vi phạm nguyên tắc “chính giáo phân li” trong Hiến pháp Nhật Bản). Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nêu trên đã đạt được nhiều thành tựu. Điểm chung chúng tôi nhận thấy trong các công trình nghiên cứu này đó là, các tác gia đều đi sâu vào khai thác một khía cạnh nào đó nằm trong tổng thể chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ sau năm 1945. Có thể nói, đây cũng chính là phương thức nghiên cứu “mổ xẻ” rất riêng, rất tỉ mỉ của các chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo của Nhật Bản. Ở Việt Nam, do hạn chế về kiến thức ngoại ngữ đối với nhiều độc giả ham mê nghiên cứu tôn giáo hoặc nhiều nhà nghiên cứu mặc dù giầu nhiệt huyết nghiên cứu lại chưa đủ chuyên môn Nhật ngữ để tìm hiểu lĩnh vực này. Từ những lí do đó, độc giả Việt Nam chưa thể tiếp cận tổng quát đầy đủ về chính sách tôn giáo của Nhật Bản được. Tuy không nhiều nhưng một số tác giả trong nước cũng có những bài viết, sách chuyên khảo hoặc những bản dịch thuật về tôn giáo Nhật Bản. Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu chính sách tôn giáo ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn khoảng trống. Đây cũng là lý do thôi thúc chúng tôi khi thực hiện đề tài này, với mong muốn góp phần thúc đẩy nghiên cứu về tôn giáo của Nhật Bản. Ở đây, tôi có thể nêu ra một số công trình được dịch từ tài liệu nước ngoài như cuốn “Tôn giáo Nhật Bản”, tác giả Murakami Shigeyoshi, do Trần Văn Trình biên dịch (NXB Tôn 8 giáo- 2005); “Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản” của Joshep M. Kitajawa, do dịch giả Hoàng Thị Thơ thực hiện (NXB Khoa học xã hội – 2002), bài dịch “Tôn giáo Nhật Bản” (trích dịch từ cuốn “Tôn giáo Nhật Bản- công trình nghiên cứu của Sở Văn hóa” do NXB Kodansha phát hành, Tokyo) được dịch giả Phan Tường Vân biên dịch đăng tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 01/1999. Gần đây có cuốn sách: “Lịch sử tôn giáo Nhật Bản” của tác giả Sueki Fumihiko, do Phạm Thị Thu Giang biên dịch (NXB Thế giới - 2011)... Còn chuyên khảo về mảng “chính sách tôn giáo” do các tác giả trong nước thực hiện, tiêu biểu phải kể tên là cuốn “Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay” do Phạm Hồng Thái chủ biên (NXB Khoa học xã hội- 2005); bài viết “Tìm hiểu chính sách tôn giáo của nhà nước Nhật Bản” đăng tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5/2002 của Phạm Hồng Thái. Nhìn chung, vẫn chưa có công trình nào đề cập tỉ mỉ đến vấn đề chính sách tôn giáo của Nhật Bản. Trong công trình “Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay”, “Tìm hiểu chính sách tôn giáo của nhà nước Nhật Bản” đăng tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5/2002 của Phạm Hồng Thái, tác giả cũng đã đề cập một chút đến nội dung chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ sau năm 1945 đến nay. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách tập trung vào các vấn đề của đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện đại nên những vấn đề nêu trên chỉ được đề cập đến một cách sơ lược. Chính vì vậy, đề tài “Chính sách tôn giáo của Nhật Bản giai đoạn 1945 - 1951” vẫn là một mảng chưa hoàn chỉnh, chưa cụ thể, cần có những nghiên cứu bổ sung đầy đủ hơn. Lí do đó cũng là động lực cho sự lựa chọn đề tài luận văn của chúng tôi. Luận văn sau đây là kết quả kế thừa có chọn lọc các sách báo, tạp chí từ các tư liệu nêu trên và rất nhiều các tư liệu khác mà chúng tôi cóp nhặt được, song chúng tôi hi vọng luận văn sẽ đem lại những kiến thức đầy đủ hơn, khái quát hơn về chính sách tôn giáo của Nhật Bản đến với độc giả. Việc thực hiện đề tài luận văn “Chính sách tôn giáo của Nhật Bản giai đoạn 1945 – 1951” chắc chắn sẽ có ý nghĩa lí luận và thực tiễn bổ ích. Nó sẽ cung cấp thêm thông tin về các chính sách tôn giáo của Nhật Bản, góp phần làm phong phú thêm cho ngành nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam hiện nay; đưa bạn đọc hiểu hơn 9 các khía cạnh “chính sách tôn giáo” của Nhật Bản. Hơn nữa, đóng góp quan trọng cho mục đích của nghiên cứu chính sách tôn giáo của Nhật Bản là ở chỗ: hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa tôn giáo, Việt Nam vẫn đang trên con đường hoàn thiện chính sách tôn giáo và luật pháp tôn giáo. Vì vậy việc tìm hiểu kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách tôn giáo (chính sách này ra đời sau năm 1945, thành văn trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1947 và vẫn được áp dụng cho đến nay) và Luật Pháp nhân Tôn giáo Nhật Bản (ra đời từ năm 1951 và được sửa đổi liên tiếp 5 lần, vẫn có giá trị quan trọng cho đến nay) là việc làm cần thiết đối với các chuyên gia soạn thảo chính sách tôn giáo, các chuyên gia làm luật và các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Những thành công mà Nhật Bản đã làm được trong việc thực thi, khuyến khích “tự do tôn giáo” và sử dụng Luật Pháp nhân Tôn giáo… sẽ là những tham khảo quý báu cho Việt Nam. Tất nhiên, hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị xã hội của Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau, song, chúng tôi hi vọng dưới cái nhìn so sánh, Việt Nam có cơ hội tham khảo một cách tổng thể chính sách tôn giáo và luật tôn giáo của Nhật Bản nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung để có tầm nhìn gợi mở định hướng cho quá trình hoàn thiện chính sách tôn giáo cũng như luật pháp tôn giáo ở Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Với ý nghĩa và mục tiêu đề ra, luận văn lấy đối tượng là chính sách tôn giáo của Nhật Bản sau chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1951. Đối tượng, nội dung nghiên cứu của luận văn được xác định như sau: 1. Tìm hiểu tổng quát chính sách tôn giáo của nhà nước Minh Trị Duy Tân và chính sách tôn giáo từ thời đại Chiêu Hòa đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tập trung vào tìm hiểu thể chế Thiên hoàng, hệ thống tín ngưỡng Quốc thể, Thần đạo Quốc gia – những yếu tố cổ súy tư tưởng chủ nghĩa quân phiệt cực đoan, để làm rõ nguyên nhân, cao trào khiến Nhật Bản trở thành một trong ba Đế quốc phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì vậy, sau khi Nhật Bản bại trận và bị chiếm đóng, Lực lượng quân đồng minh rất chú ý đến vấn đề “cải cách tôn giáo” Nhật Bản để bài trừ tư tưởng quân phiệt này. 10 2. Tìm hiểu về giai đoạn Nhật Bản chịu áp lực từ Mỹ 1945 – 1951 (chế độ ủy trị), để làm rõ sự “chuyển biến” của những chính sách tôn giáo ở Nhật Bản thời kỳ này gồm: chính sách tôn giáo do Lực lượng quân đồng minh soạn thảo và thực thi tại Nhật, chính sách tôn giáo thành văn trong Hiến pháp Nhật Bản 1947, Luật Pháp nhân Tôn giáo 1951, để từ đó rút ra hiệu quả, kinh nghiệm lịch sử và những vấn đề đặt ra đối với Nhật Bản và liên hệ đôi nét tới chính sách tôn giáo của Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu là chính sách tôn giáo ở giai đoạn 1945 – 1951, một giai đoạn tương đối ngắn nhưng là “bản lề” trong quá trình hoàn thiện chính sách và hệ thống luật pháp tôn giáo ở Nhật Bản. Luận văn lấy mốc từ năm 1945 bởi đây là thời điểm đánh dấu sự thay đổi của Nhật Bản đi từ mô hình nhà nước có sự gắn bó mật thiết giữa chính trị với tôn giáo (Vương quyền và Thần quyền ngang hàng, thống nhất với nhau) sang mô hình nhà nước thế tục chú trọng đến nguyên tắc “tách li tôn giáo – chính trị”. Còn mốc năm 1951 là năm Luật Pháp nhân Tôn giáo, bộ luật về tôn giáo đầu tiên của Nhật Bản ra đời đóng góp lớn lao cho vấn đề ứng xử, giải quyết các vấn đề liên quan đến các pháp nhân tôn giáo. 4. Phương pháp nghiên cứu Về phương pháp nghiên cứu, việc nghiên cứu chính sách về tôn giáo đòi hỏi nhiều phương pháp tiếp cận, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học chính như: 1. Phương pháp tiếp cận về tôn giáo học, trong đó chủ yếu là xã hội học tôn giáo có kết hợp với lịch sử tôn giáo và văn hóa tôn giáo. Vai trò của phương pháp xã hội học tôn giáo: trước hết, vận dụng những kết quả nghiên cứu về lý thuyết của xã hội học tôn giáo hiện đại như thế tục hóa, đa nguyên tôn giáo, toàn cầu hóa tôn giáo…tác động của nó đến phương diện luật tôn giáo. 2. Phương pháp nghiên cứu liên ngành tức là nghiên cứu khoa học về luật (luật pháp tôn giáo) trong mối liên hệ với phương pháp chính trị học – tôn giáo: coi chính sách tôn giáo như một đối tượng cụ thể của chính trị học. 3.Phương pháp nghiên cứu của Tôn giáo học: coi chính sách tôn giáo, luật tôn giáo như một đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực tôn giáo và chính trị. 4. Phương pháp tổng hợp, so sánh, đối chiếu. 11 5. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, kết cấu của luận văn gồm ba chương: Chương 1: Chính sách tôn giáo từ thời Minh Trị đến Chiến tranh thế giới thứ hai và những hệ lụy của nó Chương 2: Sự chuyển biến của chính sách tôn giáo giai đoạn 1945 – 1951: Nhật Bản xác lập, chuyển mạnh theo mô hình nhà nước thế tục kiểu phương Tây Chương 3: Hiệu quả, kinh nghiệm lịch sử, những vấn đề đặt ra đối với Nhật Bản và một số liên hệ tới chính sách tôn giáo của Việt Nam. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng, luận văn không tránh khỏi những hạn chế. Vì vậy, tác giả luận văn tha thiết mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của thầ y cô, bạn bè và các nhà nghiên cứu để có thể tiếp tục hoàn thiện đề tài nghiên cứu này trong thời gian tới. 12 Chương 1 CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO TỪ THỜI MINH TRỊ ĐẾN CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI Quá trình thế tục hóa của Nhật Bản chia làm hai giai đoạn: hình thành Nhà nước Minh Trị và mô hình nhà nước “Chiêu Hòa (Showa) – Mỹ”. Nhà nước Minh Trị là kiểu nhà nước dân tộc đối kháng với chủ nghĩa thực dân của Âu - Mỹ. Dưới áp lực từ phía các cường quốc Âu Mỹ, Chính phủ Minh Trị đã đề ra con đường “phú quốc cường binh” để đuổi kịp các cường quốc Âu Mỹ về quân sự, kỹ thuật, chính trị, kinh tế”. Để thực hiện, Chính phủ đã xây dựng mô hình nhà nước dân tộc lấy thể chế Thiên hoàng và Thần đạo Quốc gia làm nền tảng và đề ra một số “chính sách tôn giáo” nhằm tăng cường mô hình này. Sau khi Nhật Bản bại chiến vào năm 1945 và bị quân Liên Hợp chiếm đóng (1945 - 1952), Nhật Bản bước vào giai đoạn mô hình nhà nước “Chiêu Hòa (Showa) – Mỹ”. 1.1. Bản chất của Nhà nước Minh Trị và chính sách tôn giáo của Chính phủ Bản chất của Nhà nước Minh Trị Vào thời cận đại, có thể nói, so với nhiều nước trong khu vực Đông Á, nhà nước Minh Trị Duy tân đã tiếp nhận văn minh phương Tây từ rất sớm. Nhà nước Minh trị là sự hợp nhất giữa mô hình chủ nghĩa lập hiến của tây Đức (ドイツ・ プロイセン) và tư tưởng Quốc thể (国体思想). Chủ nghĩa lập hiến tây Đức là chủ nghĩa đề cao quyền quân chủ, công nhận nhà vua có quyền tham gia vào chính trị, quốc hội và có quyền hạn chế quyền lực của quốc hội. Còn tư tưởng Quốc thể là tư tưởng coi Thiên hoàng là người thống trị toàn dân có nguồn gốc từ Cổ Sự Ký (古事記) và Nhật Bản Thư Kỷ (日本書紀), những truyền thuyết cho rằng Thiên hoàng là hiện Thần, Nhật Bản là đất nước của Thần. Quan hệ giữa chính trị với tôn giáo – thể chế Thần đạo Quốc gia ở Nhật Bản cũng bắt đầu được hình thành trong thời kỳ này. Hiến pháp Minh Trị và tôn giáo có mối quan hệ khó có thể tách bạch. 13 Hiến pháp đã công nhận: “Tất cả thần dân từ khi sinh ra đều có quyền tự do khó xâm phạm”. Về mặt hình thức, quyền “tự do tôn giáo” đã bắt đầu được quy định trong Điều 28 của Hiến pháp Minh Trị: “Thần dân Nhật Bản trong phạm vi không phá rối trật tự an ninh và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì được hưởng quyền tự do tôn giáo” [74,tr.167], nhưng quyền lợi này lại không được pháp luật bảo đảm mà thay vào đó là điều kiện chế ước phải thực hiện “nghĩa vụ của thần dân” và phải đảm bảo “trật tự an ninh”. “Trật tự an ninh” ở đây tức là trật tự xã hội, là hoạt động thiện lương. Và, “nghĩa vụ của thần dân” là phải tuân thủ nghĩa vụ binh dịch, thuế khóa… quy định trong Hiến pháp: dân phải trung thành với nước với vua và hoàng tộc, không được phép có bất cứ hành vi bất kính nào đối với đất nước, với vương tổ vương tông và các linh hồn của các vị vua đã khuất... Như vậy, quyền tự do tôn giáo trong hiến pháp Minh Trị không được xác định rõ ràng, bị hạn chế, không có sự bảo đảm nào của pháp luật. Tự do tôn giáo sẽ được pháp luật bảo đảm nếu thần dân thực hiện đúng những nghĩa vụ nêu trên. Chính sách tôn giáo của Chính phủ Minh Trị Về chính sách tôn giáo, thời kỳ này, Chính phủ Minh Trị đã thực hiện ba chính sách chính: tế chính nhất trí, quốc giáo hóa Thần đạo, giáo hóa quốc dân (祭 政一致, 神道国教化, 国民教化). Chính sách “tế chính nhất trí” và “quốc giáo hóa Thần đạo” Chính phủ Minh Trị đã tiến hành phối hợp tôn giáo (trường hợp này là Thần đạo, Shintō)1 với chính trị, biến Thần đạo trở thành quốc giáo và dùng Thần đạo dễ bề cai trị thần dân. Sau khi Thần đạo trở thành quốc giáo, các giáo phái Thần đạo thi nhau tách ra. Ban đầu, chính phủ Minh Trị tiến hành khôi phục chính sách “tế chính nhất trí” có từ thời cổ đại và chế độ Thần Kỳ Quan2. Chính phủ dùng chế độ này để ___________ 1 Thần đạo (Shinto, 神道): là một tôn giáo Nhật Bản được hình thành từ những tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ thời Cổ đại [31,tr.22]. 2 Thần Kỳ Quan: tức cơ quan chuyên lo việc tế tự. Thời cổ đại chức này được coi là cao nhất trong triều đình [9,tr.29]. 14 dễ dàng quản lí tất cả các ngôi đền Thần đạo trong cả nước. Thời kỳ này, có thể nói, quyền lực tôn giáo được ưu tiên ngang hàng với quyền lực chính trị và, giới chính trị đã lợi dụng sức mạnh của tôn giáo. Tất cả các đền (Jinja/神社) trong cả nước trở thành tài sản “công” của nhà nước, tiêu biểu trong số đó có đền Ise (Y Thế Thần Cung, 伊勢神宮)3. Trong thời kỳ này, sự hình thành một số ngôi đền có chức năng đặc biệt như đền Yasukuni (Tĩnh Quốc Thần Xã, 靖国神社)4 – chuyên trách thờ linh hồn các tử sĩ của đất nước, mang một ý nghĩa quan trọng cho phong trào cổ vũ tư tưởng quân phiệt về sau này. Chính sách đối với Phật giáo và Kito giáo “Chính sách quốc giáo hóa Thần đạo” bao hàm cả chính sách đàn áp Phật giáo5. Trong lịch sử nước Nhật, Thần đạo và Phật giáo từng có giai đoạn hỗn dung rồi Phật giáo từng lấn át Thần đạo, vì vậy, để quốc giáo hóa Thần đạo thì trước tiên chính phủ ra Sắc lệnh “phân li Thần - Phật” (神仏の分離), tức là tách Thần đạo độc lập với Phật giáo để củng cố địa vị của Thần đạo. Sắc lệnh phân li Thần - Phật đã gây ra phong trào “bài Phật hủy Thích”6 dẫn đến tình trạng Phật giáo bị xã hội đả kích nặng nề. Dân chúng khắp nơi quay lưng lại với các tín đồ Phật giáo. Một chính sách tôn giáo khác nằm trong nội dung của chính sách “quốc giáo hóa Thần đạo” là tiếp tục thực hiện chính sách đàn áp Kitô giáo có từ thời chính quyền Mạc Phủ7 [74]. _____________ 3 Y Thế Thần Cung: một trong những trung tâm Thần đạo mang tính quốc gia được xây dựng từ thời cổ đại [9,tr.114]. 4 Đền Yasukuni (Tĩnh Quốc): là đền thờ Thần đạo được xây dựng vào năm Meiji thứ 2 (1869) để thờ những người được cho là đã tuẫn tử vì tổ quốc từ cuối thời Tokugawa và đầu thời Meiji [9,tr.271] 5 Phật giáo từng giữ vị trí quốc giáo dưới thể chế Mạc Phiên (幕藩体制) 6 Bài Phật hủy Thích: là bài bác giáo lý Phật giáo, phá bỏ tượng Phật – một phong trào bài trừ Phật giáo nổi tiếng để thực hiện chính sách phân li Thần đạo và Phật giáo nhằm thượng tôn Thần đạo và đưa tôn giáo này lên làm quốc giáo Nhật Bản, dựa theo phương châm tế chính nhất trí diễn ra vào những năm đầu thời Minh Trị [31,tr.116]. 7 Chế độ Mạc Phủ (Bakufu 幕府): kéo dài từ năm 1192 cho đến năm 1867, có ba Mạc phủ là Mạc phủ Kamakura, Mạc phủ Muromachi, Mạc phủ Edo. Từ năm 1867 đến năm 1868, trong cuộc Minh Trị Duy Tân dưới ngọn cờ của Thiên hoàng Minh Trị (được sự ủng hộ của các lãnh chúa Daimyō cùng tầng lớp tư sản), Mạc phủ Tokugawa sụp đổ, Hoàng gia lấy lại đại quyền. 15 Có thể nói chính sách tôn giáo ở thời kỳ đầu của chính phủ Minh Trị vừa quá khích, vừa thiếu tính nhất quán. Quá trình triển khai các chính sách này chỉ là phong trào giác ngộ thời đại của giới Thần đạo và giới học giả. Dù vậy, sự thúc đẩy các chính sách này của chính phủ Minh Trị có tính nhất quán đường lối chính trị theo mô hình “kiến thiết, xây dựng mô hình nhà nước tập quyền lấy trung tâm là Thần cách hóa Thiên hoàng”. Thực tế, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra hiệu quả của các chính sách này mà chỉ nhận thấy rằng: chúng có khuynh hướng phủ định tín ngưỡng truyền thống của thần dân, gây hỗn loạn xã hội và tạo ra nhiều hình thức phản ứng chống đối từ phía dân chúng. Đứng trước tình hình đó, chính phủ Minh Trị lại tiến hành thay đổi chính sách tôn giáo khác. Chính sách “giáo hóa quốc dân” Sau khi chính sách quốc giáo hóa Thần đạo gặp trở ngại, Chính phủ Minh Trị đã nhanh chóng thay đổi, chuyển hướng sang chính sách mới là đưa Phật giáo vào chính sách giáo hóa quốc dân. Vào năm 1872, Thần Kỳ Quan bị xóa bỏ và thay vào đó thành lập Sở Giáo Bộ (教部省)8. Chính sách giáo hóa quốc dân có nội dung chính là “tam điều giáo tắc” (三条教則) đề cao những luồng tư tưởng như kính thần ái quốc, thiên lí nhân đạo…” (敬神愛国, 天理人道… ). Nội dung của Tam điều giáo tắc là nhằm đề cao vai trò của Thiên tử và để thống nhất lòng dân. Thời kỳ này, các hình thức tập tục tín ngưỡng dân gian bị chính phủ trấn áp mạnh. Chính phủ vẫn giữ thái độ gay gắt đối với tôn giáo nước ngoài như Kitô giáo [74]. Nét đặc trưng của chính sách tôn giáo thời kỳ này là: Phật giáo đã được coi trọng hơn trước, trong giới lãnh đạo tôn giáo đã xuất hiện nhiều tăng lữ nhà Phật. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Thần đạo và Phật giáo chưa hẳn đã được xóa bỏ hoàn toàn. Mặc dù, địa vị của Phật giáo trong xã hội đã được cải thiện phần nào, nhưng, các nhà sư vẫn luôn bị lép vế so với Thần đạo. Vì vậy, họ luôn tỏ thái độ bất mãn với xã hội. Vấn đề đàn áp Kitô giáo9 có phần cải thiện hơn đó là: một số lãnh đạo của Kitô giáo trước kia bị bắt giam thì nay đã được trả lại tự do. 16 Ở thời kỳ này, chính phủ Minh trị đã phái cử đoàn sứ giả sang các nước Âu Mỹ để học hỏi và nhằm mục đích là cải thiện hiệp ước bất bình đẳng. Nhận thấy chính sách “đàn áp Kitô giáo” gây trở ngại lớn đối với kế hoạch này, chính phủ Minh Trị buộc phải thay đổi thái độ gay gắt với Kitô giáo và tỏ ra “khoan dung” hơn đối với tôn giáo này, tuy nhiên không hẳn là chính phủ Minh Trị đã xóa bỏ hoàn toàn định kiến khắt khe đối với Kitô giáo. Chính sách “giáo hóa quốc dân” vốn dĩ không công nhận Kitô giáo, chính vì vậy, việc chính phủ buộc phải “mặc nhận” Kitô giáo nghĩa là báo hiệu cho sự thất bại của chính sách này. Năm 1875, các phái Chân tông quyết định rút khỏi Đại Giáo Viện. Trái lại với xu hướng của các phái Chân tông, giới Thần đạo cũng thiết lập văn phòng Thần đạo (cục Sự Vụ Thần đạo, 神道事務局), còn các phái Phật giáo thì lập giáo viện riêng. Rút cục, phong trào “giáo hóa” bị thất bại hoàn toàn. Tháng 5 năm 1875, Đại Giáo Viện bị giải thể. Điều đáng chú ý là, chính sự thất bại này mà chính phủ đã thừa nhận tính độc lập của các tôn giáo trong hệ Thần đạo và Phật giáo. Năm 1876, tuy khái niệm “tự do tôn giáo” đã được biết đến nhưng, nguyên tắc này chỉ là thừa nhận tính độc lập của các tông phái, thừa nhận “tự do tôn giáo” và quyền “tự trị” trong nội bộ tông phái, đồng thời đòi hỏi sự hiệp tác từ phía nhà nước. Nhờ có phong trào giáo hóa quốc dân mà nhiều tăng lữ nhà Phật đã giành được quyền lực trong giới lãnh đạo tôn giáo, tuy vẫn phải phụ thuộc vào Thần đạo nhưng ít nhất, họ đã nắm được một số vị trí chỉ đạo nhất định. __________________ 8 Sở Giáo Bộ: thay thế Thần Kỳ Sở vào năm 1872, là cơ quan sở quản có quan hệ với tôn giáo, có nhiệm vụ lập hoặc phá đền chùa, giao nhiệm vụ cho các thần chức (nhân viên đảm nhiệm công việc của đền Thần đạo) và các nhà sư của Phật giáo. Sau 10 năm hoạt động, cơ quan này bị giải thể và chuyển vào Bộ Nội vụ. 9 Vấn đề đàn áp Kitô giáo: Việc truyền bá Kitô giáo đến Nhật Bản được nhà truyền giáo F. Savie (1506- 1552) của giáo hội Roma Catholic Iesu bắt đầu tiến hành vào năm 1549. Cho đến đầu thế kỷ 17, Kitô giáo vẫn được chấp nhận tại Nhật Bản với lượng tín đồ khoảng 10 vạn người. Tuy nhiên, sang thời Mạc Phủ Tokugawa (1603-1867), các tín đồ Kitô giáo bị đàn áp, Kitô giáo bị cấm và bắt đầu thời kỳ khủng hoảng. Đến thời Minh Trị (1867) lúc đầu vẫn thực hiện chính sách cấm Kitô giáo. Tuy nhiên, do sức ép của công luận quốc tế, đến năm 1873, chính phủ đã bãi bỏ lệnh cấm Kitô. Tuy bãi bỏ lệnh cấm Kitô không có nghĩa là công nhận hoàn toàn tôn giáo này, song việc truyền giáo đã được chính thức thừa nhận và do vậy, các giáo phái Kitô giáo đã được tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình [31,tr.61]. 17 Chính sách “phủ nhận” Thần đạo là tôn giáo Từ quá trình hình thành các chính sách tôn giáo nêu trên, một mặt, chính phủ Minh Trị không thể phủ nhận “tự do tôn giáo” và phải “chấp nhận hoạt động hành đạo của các tôn giáo”. Mặt khác, trong quá trình cộng sinh, Thần đạo Đền (神社神 道)10 nhận thấy không thể đối đầu mãi với các giáo phái Phật giáo và các phái Thần đạo khác. E rằng sự phát triển và đối kháng trong nội bộ Thần đạo sẽ tiếp tục làm xã hội hỗn loạn hơn, nên từ lí do đó, luận thuyết biện minh Thần đạo không phải là tôn giáo ra đời. Năm 1881, chính phủ ra lệnh cấm thăm bái, thực hiện tang lễ tại giáo viện, giáo hội và các điểm thuyết giáo. Hoạt động “phi tôn giáo hóa” của nhà nước cũng được triển khai. Tất cả Thần quan giữ nhiệm vụ lãnh đạo trong hoạt động giáo hóa quốc dân đều bị “bãi chức nếu chức vụ có liên quan đến công việc tang lễ”. Chính phủ tiến hành tách thần chức khỏi hoạt động giáo hóa và không để họ liên quan gì đến hoạt động tôn giáo tang lễ nữa, điều này khiến cho Thần đạo Đền (神社 神道) không được xem là tôn giáo và chỉ giữ vị trí như tôn giáo “nghi lễ”. ______________ 10 Thần đạo Đền (Jinja Shintoi, 神社神道): là một tín ngưỡng có nhiều hình thức khác nhau, do vậy việc phân chia nó cũng rất đa dạng. Thần đạo Đền có nguồn gốc từ tín ngưỡng Thần đạo nguyên thủy, tức là sùng bái tự nhiên, thờ cúng tổ tiên và nghi lễ canh tác nông nghiệp của xã hội thị tộc. Tín ngưỡng này ban đầu vẫn chưa đạt được đến mức có giáo lý, giáo tổ và tổ chức, nơi thờ tự và công trình kiến trúc ổn định. Đến thế kỷ thứ VIII, tín ngưỡng này mới xuất hiện những công trình kiến trúc chuyên dụng với quy mô ngày một phát triển gọi là Thần xã (Jinja, 神社), tức là Đền. Thần đạo Đền bắt đầu xuất hiện với đặc điểm là tín ngưỡng gắn với những ngôi đền. Về sau, do ảnh hưởng ngày một nhiều văn hóa ngoại lai, Thần đạo Đền dần dần phát triển thành những dòng phái khác nhau như Thần Đạo Quốc gia, Thần đạo Hoàng thất, Thần đạo Giáo phái… [31,tr.27]. 11 Thần đạo Quốc gia (Kokka Shintō, 国家神道) hay Thần đạo Nhà nước: Là một loại tín ngưỡng mang mầu sắc chính trị được tạo ra vào đầu thời kỳ Minh Trị, là sự tôn vinh địa vị thần thánh của Thiên hoàng và của Nhà nước do Thiên hoàng thống trị. Thần đạo Quốc gia còn được phân biệt như một đạo khác hẳn các tôn giáo khác, được Nhà nước bảo hộ về mặt tài chính và tổ chức. Các cơ quan của Thần đạo Quốc gia mà điển hình là Thần Kỳ Quan, được coi như những tổ chức Nhà nước, giới chức sắc Thần đạo là những nhân viên hành chính. Từ tháng 2 năm 1946, Thần đạo Quốc gia bị giải thể theo chính sách tôn giáo của lực lượng quân đồng mình chiếm đóng Nhật Bản và sau đó được tiếp tục tồn tại như một tín ngưỡng cá nhân [31,tr.31]. 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan