Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp t...

Tài liệu Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt

.PDF
135
2024
55

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------------------- PHAN THỊ BÍCH HƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM ĐỘNG TỪ NGỮ VI TRONG VIỆC THỂ HIỆN VỊ THẾ CÁC VAI GIAO TIẾP TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG VIỆT LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC Hà Nội - 2012 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------------------- PHAN THỊ BÍCH HƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM ĐỘNG TỪ NGỮ VI TRONG VIỆC THỂ HIỆN VỊ THẾ CÁC VAI GIAO TIẾP TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh Hà Nội – 2012 MỤC LỤC Mở đầu 4 1. Lí do chọn đề tài 4 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 5 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 8 4. Phương pháp nghiên cứu 9 5. Cấu trúc Luận văn 9 Chương 1: Cơ sở lí thuyết 10 1.1. Một số vấn đề về “diễn ngôn” và “ phân tích diễn ngôn” 10 1.2. Một số vấn đề về “phân tích diễn ngôn phê phán” 14 1.3. Một số vấn đề về “diễn ngôn hội thoại” và “phân tích diễn ngôn hội thoại” 18 1.3.1. Diễn ngôn hội thoại 18 1.3.2. Phân tích diễn ngôn hội thoại 20 1.3.2.1. Ngữ cảnh 24 1.3.2.2. Nhân vật giao tiếp 25 1.3.2.3. Nguyên lý giao tiếp 25 1.4. Vị thế xã hội và vị thế giao tiếp 25 1.5. Biểu hiện vị thế trong mối quan hệ giữa các vai giao tiếp 27 1.6. Một số vấn đề về hành vi ngôn ngữ 1.6.1. Ba loại hành vi ngôn ngữ 28 1.6.2. Điều kiện sử dụng các hành vi tại lời 28 1.6.3. Phân loại các hành vi tại lời 29 1.6.4. Động từ ngữ vi, biểu thức ngữ vi, phát ngôn ngữ vi 33 1.7. Một số phương thức biểu hiện vị thế trong diễn ngôn hội thoại 35 1.7.1. Hệ thống từ xưng hô 36 1.7.2. Hệ thống tiểu từ tình thái 37 1.7.3. Hệ thống động từ ngữ vi 38 1.7.3.1. Một số quan điểm về cách phân chia nhóm động từ ngữ vi 38 1.7.3.2. Khảo sát và phân loại động từ ngữ vi trong tiếng Việt dựa trên cứ liệu diễn ngôn hội thoại 43 * Tiểu kết 48 Chương 2: Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp mang tính chuẩn mực 50 2.1. Khái niệm về giao tiếp mang tính chuẩn mực 50 2.2. Một số yếu tố quy định phương thức giao tiếp chuẩn mực 51 2.3. Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp mang tính chuẩn mực 54 2.3.1. Trường hợp người nói có vị thế ngang hàng người nghe 54 2.3.2. Trường hợp người nói có vị thế cao hơn người nghe 62 2.3.3. Trường hợp người nói có vị thế thấp hơn người nghe 74 * Tiểu kết 87 Chương 3: Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp không mang tính chuẩn mực 91 3.1. Khái niệm về giao tiếp không mang tính chuẩn mực 91 3.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc thay đổi tính chuẩn mực trong giao tiếp 91 3.2.1. Mục đích giao tiếp 91 3.2.2. Chiến lược giao tiếp 93 3.2.3. Tình huống giao tiếp 94 3.3. Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp không mang tính chuẩn mực 95 3.3.1. Trường hợp người nói có vị thế ngang hàng người nghe 95 3.3.2. Trường hợp người nói có vị thế cao hơn người nghe 103 3.3.3. Trường hợp người nói có vị thế thấp hơn người nghe 114 * Tiểu kết 126 Kết luận 130 Tài liệu tham khảo 134 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nghiên cứu về lí thuyết hành vi ngôn ngữ là một công việc quan trọng và lí thú bởi bất kì sự giao tiếp ngôn ngữ nào cũng bao hàm ít nhất một hành vi ngôn ngữ [28, tr. 105]. Hành vi ấy không chỉ lệ thuộc vào nội dung những điều chúng ta muốn nói mà còn lệ thuộc vào việc chúng ta là ai, chúng ta hy vọng người đối thoại với mình biết được điều gì và chúng ta nên lựa chọn hành vi nào để vừa đạt mục đích giao tiếp, vừa giữ gìn được thể diện. Trong số các hành vi ngôn ngữ, hành vi tại lời (còn gọi là hành vi ở lời, hành vi ngôn trung) đáng chú ý hơn cả bởi chúng được thực hiện ngay khi nói. Nhóm hành vi này thường có các động từ ngữ vi tương ứng để gọi tên, chẳng hạn như hỏi, mời, chào, chúc, khuyên, ra lệnh... Không chỉ thực hiện chức năng biểu thị, gọi tên các hành vi ngôn ngữ, nhóm động từ ngữ vi còn hiện thực hóa ngay hành vi được chủ thể phát ngôn đề cập trong câu, đồng thời giúp xác lập và quy định vị thế các vai tham gia giao tiếp. Để hiểu được cơ chế sử dụng nhóm động từ này, chúng ta cần đặt chúng trong một ngữ cảnh cụ thể, đặc biệt cần xem xét đến các yếu tố văn hóa, xã hội, ý thức cộng đồng và vị thế của người tham gia hội thoại, tức là xét trong chu cảnh lớn hơn trong quan hệ giữa các vai giao tiếp, bối cảnh giao tiếp và chiến lược giao tiếp. Đây là điều chưa từng được đề cập trong các nghiên cứu trước đây. Hầu hết các tác giả đi trước mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu mặt cấu trúc - ngữ nghĩa của một số động từ ngữ vi chứ chưa làm rõ mối tương liên giữa việc sử dụng động từ và mục đích giao tiếp của chủ thể phát ngôn khi lựa chọn động từ ấy. Đặc biệt, chưa khảo sát được vai trò và hoạt động của nhóm động từ này trong việc xác lập quyền thế các vai giao tiếp theo hướng tiếp cận của đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán. Tuy ra đời muộn, song hướng nghiên cứu mới này đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo giới nghiên cứu ngôn ngữ học. Mục đích của hướng nghiên cứu không chỉ dừng ở việc miêu tả mà còn đưa ra những lý giải về quá trình kiến tạo, tồn tại và hoạt động của diễn ngôn, trên cơ sở đó nó thừa nhận vai trò của ngôn ngữ trong việc tổ chức mạng lưới quan hệ quyền thế xã hội. Điều này cũng có nghĩa là trong phân tích diễn ngôn phê phán, một khái niệm tối quan trọng không thể bỏ qua là khái niệm “quyền thế”, ở đây là quyền thế được tạo ra giữa các vai tham gia giao tiếp thông qua việc lựa chọn và sử dụng động từ ngữ vi nhằm biểu thị các hành vi ngôn ngữ. Từ những nhận định mang tính gợi mở nêu trên, Luận văn quyết định lựa chọn đề tài “Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng Việt” làm đối tượng nghiên cứu trên cơ sở vận dụng lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Do ảnh hưởng của tư tưởng logic học nên trong những năm nửa đầu thế kỷ XX, các nhà logic và các nhà ngôn ngữ vẫn chỉ chú tâm tới các kiểu câu khảo nghiệm, tức những câu có thể được đánh giá theo tiêu chuẩn logic đúng - sai. Trong khi đó, mặc nhiên coi những câu kiểu như Anh cho hỏi bây giờ là mấy giờ rồi?, Tôi cuộc với anh là đội Đan Mạch sẽ thắng đội Đức!... là vô nghĩa hoặc giả khẳng định [4, tr. 88]. Nhà triết học người Anh J.L Austin là người đầu tiên nhận ra vai trò của những kiểu câu này. Ông cho rằng, chúng được phát ngôn không vì mục đích trình bày kết quả khảo nghiệm hay miêu tả sự vật, sự kiện, cũng không phải là những báo cáo hiện thực mà nhằm làm một việc gì đó như hỏi, đánh cuộc, bộc lộ cảm xúc... Austin gọi những phát ngôn dạng này là phát ngôn ngữ vi và những động từ biểu thị hành vi trong các phát ngôn đó được gọi là động từ ngữ vi. Phát ngôn ngữ vi là những phát ngôn mà khi người ta nói ra thì đồng thời họ thực hiện luôn hành động được biểu thị trong phát ngôn đó. Nhờ phân biệt phát ngôn khảo nghiệm và phát ngôn ngữ vi, Austin đã phát hiện ra bản chất các hành vi ngôn ngữ. Cũng từ đây, lí thuyết về động từ ngữ vi và hành vi ngôn ngữ dần được hình thành, và về sau tiếp tục được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học phát triển, bổ sung. Hầu hết các tác giả sau này đều kế thừa quan điểm của Austin, đồng thời bổ sung thêm một số lí thuyết về tiêu chí phân loại các hành vi ngôn ngữ. Trong đó, có thể kể tới các công trình nghiên cứu tiêu biểu của J.Searle, đặc biệt là công trình Speech Acts (Hành động ngôn từ). Speech Acts đề cập đến ba khái niệm chính bao gồm quy tắc (rules), mệnh đề (proposition) và ý nghĩa (meaning) với mục đích nêu lên những điều kiện và quy tắc để thực hiện hành động ngôn trung (thuật ngữ được J.Searle dùng thay cho hành vi ngôn ngữ). Một số tác giả về sau như A.Weirzbicka, G.Yule, D.Gordon & G.Lakoff, J.Cole, R.Zuber... cũng có những đóng góp đáng kể khi tập trung nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ gián tiếp, giúp mở ra hướng nghiên cứu mới về hội thoại cũng như việc xây dựng cơ chế lí giải các hiện tượng ngôn ngữ. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu như Cao Xuân Hạo, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thiện Giáp, Diệp Quang Ban... cũng có nhiều công trình nghiên cứu công phu về ngữ dụng học nói chung cũng như lí thuyết về hành vi ngôn ngữ nói riêng. Trong cuốn Đại cương ngôn ngữ học (tập II), tác giả Đỗ Hữu Châu đã dành hẳn chương III để viết về hành vi ngôn ngữ, trong đó tác giả đề xuất khái niệm động từ ngữ vi, đưa ra lí lẽ trong việc phân biệt phát ngôn ngữ vi và biểu thức ngữ vi, đồng thời nêu lên một số dấu hiệu ngữ dụng đánh dấu lực tại lời của các hành vi ngôn ngữ. Trước đó, năm 1998, tác giả Nguyễn Đức Dân cũng công bố công trình Ngữ dụng học tập 1 với những cơ sở lí thuyết khá căn bản về dụng học, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề về hành vi ngôn ngữ như: biểu thức ngữ vi, dấu hiệu ngữ vi, hành vi ngôn ngữ gián tiếp... Sự xuất hiện thêm công trình Dụng học Việt ngữ của tác giả Nguyễn Thiện Giáp vào năm 2000 tiếp tục đóng góp không nhỏ trong việc biện giải một số vấn đề thuộc ngữ dụng học được áp dụng cụ thể trong tiếng Việt. Cùng xuất phát trên cơ sở nghiên cứu lí thuyết hành động ngôn từ của Austin, tác giả Diệp Quang Ban lại chủ trương chia câu ngôn hành (thuật ngữ được tác giả sử dụng để chỉ câu ngữ vi hay phát ngôn ngữ vi) thành hai loại câu: câu sử dụng hành động nói trực tiếp và câu sử dụng hành động nói gián tiếp. Câu sử dụng hành động nói trực tiếp bao gồm hai kiểu câu nhỏ hơn là câu ngôn hành tường minh và câu ngôn hành hàm ẩn. Câu sử dụng hành động nói gián tiếp là trường hợp câu có đặc điểm cấu tạo về thức có thể được sử dụng không đúng với chức năng (mục đích nói) vốn có của nó. Trái với quan điểm này, tác giả Cao Xuân Hạo trong “Sơ thảo Ngữ pháp chức năng” lại cho rằng, câu ngôn hành là một loại câu trần thuật tự biểu thị, được thực hiện trong khi nói nó ra và chính bằng cách nói nó ra. Kiểu câu này sử dụng một loại động từ chỉ hành động mà Austin gọi là vị từ ngôn hành (thuật ngữ được tác giả dùng để chỉ động từ ngữ vi). Ông không thừa nhận dạng phát ngôn ngôn hành hàm ẩn bởi nếu ta thừa nhận sự tồn tại của phát ngôn ngôn hành hàm ẩn thì tất cả các phát ngôn đều có tính ngôn hành vì phát ngôn nào cũng có thể mở đầu bằng Tôi xin nói rằng và do đó, việc phân biệt các loại câu ngôn hành trở nên vô nghĩa lí [13, tr. 417]. Dựa trên các quan điểm và định hướng nghiên cứu nêu trên, không ít công trình đã tập trung nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ nói chung, động từ ngữ vi nói riêng theo hướng tiếp cận của ngữ pháp chức năng, tức chú ý tới mặt cấu trúc – ngữ nghĩa hoặc ngữ nghĩa – ngữ dụng của các hành vi ngôn ngữ cũng như các động từ ngữ vi. Trong số các công trình nghiên cứu về sau, Luận văn đặc biệt chú ý tới hai nghiên cứu “Ngữ nghĩa – ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt” của tác giả Lữ Thị Trà Giang và nghiên cứu “Biểu hiện của quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại (khảo sát trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại)” của tác giả Phạm Thị Thu Trang. Công trình nghiên cứu thứ nhất là công trình đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất cho đến nay thực hiện việc thống kê, xác lập hệ thống động từ ngữ vi trong tiếng Việt một cách tương đối đầy đủ dựa trên ý tưởng của Austin và những đề xuất của tác giả Cao Xuân Hạo. Trong khi đó, công trình thứ hai được thực hiện dưới góc nhìn mới theo hướng tiếp cận của phân tích diễn ngôn phê phán. Công trình này tuy không đề cập trực tiếp tới các hành vi ngôn ngữ cũng như nhóm động từ ngữ vi, song lại có tính chất gợi mở quan trọng cho Luận văn hướng tới việc xây dựng đề tài nêu trên bởi xét cho cùng, trong số tất cả các phương tiện ngôn ngữ được sử dụng nhằm thể hiện mối quan hệ vị thế trong giao tiếp, hai phương tiện được sử dụng phổ biến và thể hiện rõ nét nhất là hệ thống từ xưng hô và hệ thống động từ ngữ vi. Nói cách khác, hướng nghiên cứu mà Luận văn đang theo đuổi là bước tiếp theo nhằm bổ sung và góp phần hoàn thiện cho hướng nghiên cứu về biểu hiện quan hệ quyền thế trong diễn ngôn hội thoại. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Vai trò và hoạt động của nhóm động từ ngữ vi có thể được xem xét, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi Luận văn, chúng tôi chỉ lựa chọn các cuộc hội thoại có chứa động từ ngữ vi để nghiên cứu, khảo sát hoạt động của nhóm động từ này trong việc thể hiện vị thế các nhân vật giao tiếp. Do số lượng động từ ngữ vi trong tiếng Việt tương đối lớn nên phạm vi khảo sát tư liệu của Luận văn khá rộng, bao gồm các đoạn thoại trong hơn 50 tác phẩm văn học lẫn trong đời sống hàng ngày. Việc thu thập tư liệu được thực hiện chọn lọc với những đoạn thoại chứa các bối cảnh giao tiếp khác nhau với các vai giao tiếp khác nhau nhằm cung cấp cho Luận văn khối tư liệu phong phú, đa chiều về mối quan hệ quyền thế giữa các nhân vật giao tiếp thông qua việc sử dụng các nhóm động từ ngữ vi. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ trương khảo sát toàn bộ động từ ngữ vi trong tiếng Việt mà chỉ khảo sát sự xuất hiện ngẫu nhiên của chúng trong khối tư liệu được lựa chọn. Sau đó, tiến hành phân loại chúng và xem xét hoạt động của từng nhóm trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong công trình này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp phân tích miêu tả, phương pháp phân tích ngữ nghĩa và phương pháp phân tích ngữ cảnh. Bên cạnh đó, Luận văn cũng vận dụng một số thủ pháp nghiên cứu như thống kê, phân loại, so sánh, đối chiếu... nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. 5. Cấu trúc Luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, cấu trúc Luận văn bao gồm 3 chương sau: Chương 1: Cơ sở lí thuyết Chương 2: Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp mang tính chuẩn mực Chương 3: Hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp không mang tính chuẩn mực Qua việc khảo sát hoạt động của các nhóm động từ ngữ vi trong diễn ngôn hội thoại, Luận văn kỳ vọng sẽ tìm hiểu rõ hơn vai trò của các nhóm động từ này trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp cũng như các chiến lược, phương tiện ngôn ngữ được các đối tượng tham gia hội thoại huy động và sử dụng nhằm đạt đích giao tiếp, góp phần nâng cao thể diện bản thân. Chương 1: CƠ SỞ LÍ THUYẾT 1.1. Một số vấn đề về “diễn ngôn” và “phân tích diễn ngôn” 1.1.1. Mối quan hệ giữa “diễn ngôn” và “văn bản” Được Z. Harris sử dụng lần đầu tiên trong một bài báo mang tên “Discourse Analysis – Phân tích diễn ngôn” vào năm 1952, song cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa thực sự hoàn chỉnh về diễn ngôn. Dù vậy, với việc đưa ra cách hiểu diễn ngôn là văn bản liên kết ở bậc cao hơn câu, Harris đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học văn bản từ câu sang diễn ngôn, giúp ngành học này xác định được định hướng phát triển của mình là tập trung vào nghiên cứu chức năng của ngôn ngữ. “Diễn ngôn” và “văn bản” là hai khái niệm cơ bản trong nghiên cứu ngôn ngữ học văn bản nói chung, trong phân tích diễn ngôn nói riêng. Tuy nhiên, để phân định được hai khái niệm này một cách rõ ràng là điều không đơn giản bởi có khi chúng được dùng thay thế cho nhau như hai khái niệm đồng nghĩa, có khi lại được coi là hai thực thể có cấu trúc tách rời, hoặc có khi khái niệm này là sự biểu hiện cụ thể, là bộ phận của khái niệm kia. Cùng nhìn lại quan điểm của một số tác giả tiêu biểu để hiểu rõ hơn về cơ sở phân định hai khái niệm này. Trong cuốn sách xuất bản năm 1983 cũng mang tựa đề “Discourse analysis – phân tích diễn ngôn”, hai tác giả Brown & Yule cho rằng, “văn bản là sự thể hiện ngôn từ của một hành động giao tiếp”. Tuy nhiên, quan điểm này đôi khi không thống nhất bởi sau đó hai tác giả lại khẳng định “văn bản là sự thể hiện của diễn ngôn”. Tác giả David Nunan cũng là người có khuynh hướng phân biệt rạch ròi hai khái niệm nhưng cách diễn đạt của ông theo hướng cụ thể hơn. Ông dùng thuật ngữ “văn bản” để chỉ “sự ghi lại (thể hiện) bằng ngôn ngữ viết một sự kiện giao tiếp”, sự kiện đó có thể sử dụng ngôn ngữ nói (một cuộc hội thoại, một bài thuyết giảng) hoặc sử dụng ngôn ngữ viết (một bài thơ, một quyển sách). Còn thuật ngữ “diễn ngôn” dùng để chỉ “việc hiểu một sự kiện giao tiếp trong ngữ cảnh”. Ở Việt Nam cũng có khá nhiều tác giả quan tâm đến vấn đề này và lẽ dĩ nhiên cũng tồn tại những quan điểm không thống nhất, thậm chí ở mỗi một giai đoạn, quan điểm về mối quan hệ giữa hai khái niệm có sự biến đổi. Theo tác giả Diệp Quang Ban, các khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản” đã từng được sử dụng qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, văn bản được dùng để chỉ chung các sản phẩm của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói có mạch lạc và liên kết; giai đoạn thứ hai có sự đối lập giữa diễn ngôn và văn bản: sử dụng văn bản để chỉ sản phẩm ngôn ngữ viết và diễn ngôn chỉ ngôn ngữ nói; và trong giai đoạn ba, diễn ngôn được hiểu như văn bản ở ý nghĩa thứ nhất [16, tr.31]. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong công trình “Dụng học Việt ngữ” (2004) đã bày tỏ quan điểm của mình rằng - “thuật ngữ diễn ngôn (discourse) và văn bản (text) thường được coi là đồng nghĩa với nhau để chỉ các sản phẩm của ngôn ngữ, viết hay nói, dài hay ngắn, tạo nên một tổng thể hợp nhất, trong đó diễn ngôn thường được hiểu là bao hàm văn bản, còn văn bản thiên về sản phẩm viết nhiều hơn”. Một trong số các tác giả cũng dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề này là tác giả Nguyễn Hòa. Trong các công trình nghiên cứu của mình, ông tỏ ra nhấn mạnh sự phân biệt hai khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản”. Theo tác giả, “văn bản là sản phẩm ngôn ngữ ghi nhận lại quá trình giao tiếp hay sự kiện giao tiếp nói và viết trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể”, trong khi đó “diễn ngôn là sự kiện hay quá trình giao tiếp hoàn chỉnh thống nhất có mục đích không có giới hạn được sử dụng trong các hoàn cảnh giao tiếp xã hội cụ thể”. Mặc dù đã chỉ ra được sự khác biệt giữa hai khái niệm, song bản thân tác giả cũng thừa nhận sự phân biệt này trên thực tế chỉ mang tính tương đối bởi theo cách hiểu đó, trong văn bản sẽ xuất hiện một vài đặc trưng của diễn ngôn và ngược lại, trong diễn ngôn sẽ đôi khi tồn tại các thuộc tính của văn bản. Theo tác giả, thực chất “diễn ngôn” và “văn bản” không phải là hai thực thể tách biệt mà chỉ là một thực thể biểu hiện của ngôn ngữ hành chức trong bối cảnh giao tiếp xã hội. Và tùy theo quan điểm của người nghiên cứu mà ngôn ngữ sẽ được coi là “văn bản” khi được xem xét dưới góc độ hình thức, hoặc được coi là “diễn ngôn” khi xem xét dưới góc độ hành chức. Trong một số quan điểm đã trình bày ở trên cũng như các quan điểm khác hiện có, chúng tôi nhận thấy mỗi quan điểm đều có những nhân tố hợp lý trong cách diễn giải của mình. Tuy nhiên, trong công trình này, để thuận lợi cho quá trình nghiên cứu phù hợp với đối tượng và mục đích đặt ra, chúng tôi chủ trương sử dụng cách hiểu “diễn ngôn” theo quan điểm của tác giả Nguyễn Hòa với tư cách như một định nghĩa có tính chất làm việc. 1.1.2. Mối quan hệ giữa “phân tích diễn ngôn” và “phân tích văn bản” Sự phân biệt giữa hai khái niệm “diễn ngôn” và “văn bản” tất yếu dẫn đến hệ quả là sự phân biệt giữa hai khái niệm “phân tích diễn ngôn” (discourse analysis) và “phân tích văn bản” (text analysis). Trước tiên, với quan điểm cho rằng “diễn ngôn như một tiến trình”, hai tác giả Brown và Yule khẳng định, nhà phân tích diễn ngôn phải nghiên cứu từng từ, ngữ, và câu xuất hiện trong dữ liệu thành văn của diễn ngôn để tìm cho được bằng chứng về sự nỗ lực của người phát (người nói/người viết) trong việc chuyển giao thông điệp đến người nhận (người nghe/người đọc). Bên cạnh đó, các nhà phân tích diễn ngôn cũng cần tìm hiểu bằng cơ chế nào và lý do tại sao mà người nhận có thể hiểu được chính xác thông điệp của người phát trong một tình huống nào đó, và làm thế nào mà các yêu cầu của người nhận, trong một hoàn cảnh có thể xác định được, ảnh hưởng đến kết cấu diễn ngôn của người phát. Như vậy, có thể thấy rằng phương hướng nghiên cứu này chủ trương lấy chức năng giao tiếp của ngôn ngữ làm đối tượng nghiên cứu chính, và vì thế nó mô tả các hình thức ngôn ngữ không ở dạng tĩnh mà như là phương tiện động nhằm thể hiện ý nghĩa [2, tr.48]. Có một sự tương đồng tương đối giữa quan điểm của hai tác giả trên với quan điểm của tác giả David Nunan khi ông cũng cho rằng, “phân tích diễn ngôn” liên quan đến việc nghiên cứu ngôn ngữ trong quá trình sử dụng (ngôn ngữ hành chức) – khác với “phân tích văn bản” thiên về nghiên cứu các thuộc tính cấu trúc của ngôn ngữ vốn bị tách khỏi các chức năng giao tiếp của chúng. David Nunan nhấn mạnh, giống như các nhà ngữ âm học, ngữ pháp học và tất cả các nhà ngôn ngữ học nói chung, nhà phân tích diễn ngôn cũng cần quan tâm đến việc nhận diện những cái đều đặn và những khuôn mẫu trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nhà phân tích diễn ngôn còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng hơn, đó là vừa chỉ ra, vừa giải thuyết mối quan hệ giữa những cái đều đặn đó với những ý nghĩa và những mục đích được diễn đạt qua diễn ngôn. Như vậy, ở đây tác giả đã căn cứ vào đối tượng nghiên cứu của nhà phân tích diễn ngôn là ngôn ngữ xét về mặt cấu trúc hình thức (phân tích văn bản) hay phân tích ngôn ngữ trong quá trình sử dụng (phân tích diễn ngôn) để phân biệt hai khái niệm [23, tr.21]. Trên cơ sở phân tích quan điểm của David Nunan, tác giả Nguyễn Hòa cũng đồng thuận cho rằng, mối quan hệ giữa phân tích diễn ngôn và phân tích văn bản có sự tương đồng như mối quan hệ giữa hai khái niệm diễn ngôn và văn bản bởi theo ông, không nên nhìn nhận đây là hai bộ môn riêng biệt mà thực chất chỉ nên xem đó là hai mặt của quá trình phân tích ngôn ngữ hành chức trong hoàn cảnh giao tiếp xã hội. Với định hướng như vậy, tác giả chủ trương quy các yếu tố như liên kết, cấu trúc đề thuyết, cấu trúc thông tin, cấu trúc diễn ngôn... thuộc về địa hạt phân tích văn bản, trong khi đó các khía cạnh của diễn ngôn sẽ bao gồm mạch lạc, các hành động nói, sử dụng tri thức nền trong quá trình sản sinh và hiểu diễn ngôn, cách thức xử lý từ trên xuống hoặc từ dưới lên, xử lý tương tác và thương lượng nghĩa [16, tr. 34]. 1.2. Một số vấn đề về “phân tích diễn ngôn phê phán” Ra đời từ những năm 1970 trên nền tảng ngữ pháp chức năng của Halliday, phân tích diễn ngôn phê phán (critical discourse analysis – CDA) là một trong những đường hướng nghiên cứu khá mới mẻ, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Thực chất, phân tích diễn ngôn phê phán là một lĩnh vực liên ngành, sử dụng những thành tựu và lí luận của khoa học xã hội phê phán, triết học và ngôn ngữ học. Mặc dù đã có nhiều quan điểm được đưa ra về đường hướng phân tích này, song đến nay chúng ta vẫn chưa có một cách nhìn đầy đủ và thống nhất về CDA. Một trong những nhà nghiên cứu có đóng góp lớn nhất cho phân tích diễn ngôn phê phán cần phải kể tới là Van Dijk. Theo ông, CDA là cách nghiên cứu có phê phán, tức là phân tích diễn ngôn với một “thái độ”, và tập trung vào các vấn đề xã hội, và nhất là vai trò của diễn ngôn trong việc tạo ra và tái tạo sự lạm dụng quyền lực và thống trị. Trong khi đó, tác giả Faircloght lại cho rằng “thuật ngữ phân tích diễn ngôn phê phán cần được hiểu như là phân tích diễn ngôn nhằm khám phá một cách hệ thống các mối quan hệ về tính nguyên nhân mờ ảo và quy định giữa (a) - thực tiễn suy diễn, sự kiện và văn bản, và (b) - các cấu trúc xã hội và văn hóa, các mối liên hệ và quá trình rộng lớn hơn nhằm nghiên cứu xem các thực tiễn, sự kiện và văn bản được phát sinh hay được định hình bởi các mối liên hệ quyền lực và đấu tranh vì quyền lực như thế nào, và nhằm khám phá bằng cách nào mà tính mờ ảo của mối quan hệ này giữa diễn ngôn và xã hội lại là một yếu tố trong việc giành quyền lực và sự bá quyền” [17, tr.20]. Khi nghiên cứu về CDA, không thể không nhắc tới khái niệm “phê phán”. Theo trường phái Frankfurt, “phê phán” ở đây có thể hiểu là làm rõ tính quan hệ của các sự vật hiện tượng. Sau này, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, một số tác giả chủ trương đồng nhất “phê phán” với “thái độ”, điều này có nghĩa là “phê phán” bao hàm việc người phân tích phải bộc lộ quan điểm, lập trường của mình khi tiến hành phân tích diễn ngôn. Nói cách khác, mục đích mà phân tích diễn ngôn phê phán hướng tới chính là nghiên cứu một cách phê phán sự bất công trong xã hội như nó được thể hiện, biểu lộ, được kiến tạo, hợp thức hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong khi đó, theo quan điểm của tác giả Nguyễn Hòa, nhiệm vụ của nhà phân tích diễn ngôn phê phán là phải quan tâm đến việc miêu tả các hình thức ngôn ngữ, cấu trúc và sự tổ chức ở mọi cấp độ như ngữ âm và âm vị học, từ vựng – ngữ nghĩa, cú pháp và các dạng tổ chức ở cấp độ cao như cấu trúc diễn ngôn với mục đích lột tả xem chúng đã được sử dụng như thế nào trong các tập quán tạo và hiểu diễn ngôn, và tập quán văn hóa – xã hội để xác lập, duy trì hay bảo vệ quyền lực và quan hệ xã hội để ảnh hưởng và dẫn đến thay đổi thực tại xã hội. Nói cách khác, phân tích diễn ngôn phê phán không chỉ miêu tả diễn ngôn mà còn có vai trò lý giải sự kiến tạo và hoạt động của diễn ngôn với tư cách là hành động xã hội, thực tiễn xã hội và tập quán xã hội [17, tr. 41]. Vì ra đời khá muộn so với những đường hướng nghiên cứu truyền thống trong ngôn ngữ học nên đến nay vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận về việc nên nhìn nhận phân tích diễn ngôn phê phán như là một lý thuyết hay chỉ là phương pháp mới trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra bởi trên thực tế, phân tích diễn ngôn phê phán vốn là một lĩnh vực liên ngành nên việc xây dựng một khung lý thuyết hoàn chỉnh như các ngành ngữ dụng học, ngữ âm học, hay ngữ pháp học là điều không đơn giản. Hơn nữa, quá trình phân tích lại có vẻ thiên về yếu tố chủ quan nhiều hơn do tính chất “phê phán” chi phối. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển từ những năm 1970 đến nay, phân tích diễn ngôn phê phán phát triển theo một số xu hướng chính sau: 1 – Đường hướng phân tích diễn ngôn theo quan điểm lịch sử, 2 – Đường hướng phân tích diễn ngôn theo ngữ pháp chức năng hệ thống, 3 - Đường hướng phân tích diễn ngôn theo quan điểm nhận thức – xã hội, 4 - Đường hướng phân tích diễn ngôn theo hướng xã hội học vi mô, 5 - Đường hướng phân tích diễn ngôn theo lý thuyết hoạt động. Xuất phát từ đặc điểm khối tư liệu là các tác phẩm thuộc cùng một giai đoạn lịch sử nên chúng tôi không vận dụng đường hướng phân tích theo quan điểm lịch sử mà chủ trương kết hợp ba đường hướng phân tích diễn ngôn còn lại. Cụ thể, trên cơ sở hướng chức năng hệ thống, chúng tôi sẽ phân tích vai trò, hoạt động của đơn vị ngôn ngữ (ở đây là các nhóm động từ ngữ vi) tham gia vào việc cấu thành hội thoại nhằm biểu thị mối quan hệ quyền thế giữa các vai giao tiếp. Theo hướng nhận thức - xã hội, chúng tôi phân tích đặc điểm các nhân tố giao tiếp ảnh hưởng đến việc vận dụng chiến lược giao tiếp cũng như chiến lược ngôn ngữ của các bên tham gia. Cuối cùng, trên cơ sở lý thuyết hành vi, chúng tôi phân tích các diễn ngôn hội thoại với các đặc điểm về mục đích giao tiếp, ngữ cảnh. Như vậy, trong công trình này, chúng tôi không đặt ra nhiệm vụ chứng minh “phân tích diễn ngôn phê phán” là một lý thuyết hay là một phương pháp mà chỉ muốn kết hợp những đường hướng phân tích diễn ngôn đã nêu ở trên trong việc khảo sát các diễn ngôn hội thoại và xem đây là bước thử nghiệm của hướng nghiên cứu diễn ngôn còn tương đối mới ở Việt Nam. Trong phân tích diễn ngôn phê phán, một trong những khái niệm tối quan trọng không thể bỏ qua là “quyền thế”. Khái niệm này đôi khi có thể được sử dụng thay thế cho khái niệm “quyền lực”, tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc sử dụng khái niệm này so với khái niệm kia có thể chính xác hoặc phù hợp hơn và ngược lại. Theo tác giả Brown và Levinson, khái niệm “quyền lực” có thể hiểu là mức độ mà người nói có thể áp đặt kế hoạch và sự tự đánh giá của mình mà không tính đến kế hoạch hay sự tự đánh giá của người khác. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Hòa cho rằng, “quyền lực” là năng lực kiểm soát hành vi của người khác hay bắt họ phải phục tùng. Bất kỳ cá nhân nào sống trong xã hội cũng đều phải tham gia vào các mối quan hệ quyền lực khác nhau với hai loại quan hệ cơ bản là chi phối và bị chi phối. Trong công trình nghiên cứu về diễn ngôn phê phán, tác giả cũng chủ động phân biệt hai khái niệm “quyền lực” và “quyền uy”. Theo đó, quyền uy chỉ là một bộ phận của quyền lực và nó có thể được hiểu là việc lấy ý chí của người này để buộc người khác phải tiếp thu, nói cách khác quyền uy lấy sự phục tùng làm tiền đề. Một cá nhân có thể có quyền lực, song chưa hẳn đã có quyền uy. Như vậy, có thể thấy, ý nghĩa của phân tích diễn ngôn phê phán nằm ở chỗ nó xem xét chức năng của ngôn ngữ trong việc điều khiển tư duy của người khác và các chiến lược được dùng để hợp thức hóa trật tự xã hội hay việc kiểm soát. Và quan hệ quyền lực trong xã hội không chỉ được thể hiện trong diễn ngôn giao tiếp nội ngôn mà còn thể hiện trong giao tiếp liên ngôn giữa những cá nhân đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. 1.3. Một số vấn đề về “diễn ngôn hội thoại” và “phân tích diễn ngôn hội thoại” 1.3.1. Diễn ngôn hội thoại Nhu cầu trao đổi thông tin trong đời sống thường ngày khiến chúng ta không ngừng tạo ra vô vàn các cuộc hội thoại thông qua hoạt động giao tiếp. Hội thoại có thể được thực hiện bởi hai bên (song thoại), ba bên (tam thoại) hoặc nhiều bên (đa thoại). Tuy nhiên, song thoại được coi là hình thức hội thoại cơ bản và phổ biến nhất, mang đậm những đặc trưng của một cuộc hội thoại và là nền tảng cho việc nghiên cứu đa thoại. Khi nghiên cứu “diễn ngôn hội thoại”, chúng ta không thể bỏ qua một khái niệm cơ bản của bất cứ một cuộc hội thoại nào, đó là cuộc thoại. Để tham gia một cuộc thoại, người tham gia giao tiếp phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc luân phiên lượt lời và nguyên tắc liên kết. Điều này có nghĩa là trong khi người này nói thì người kia nghe chứ không cùng nói đồng thời, đảm bảo sự phối hợp luân phiên nhịp nhàng. Bên cạnh đó, các lượt lời tham gia cũng phải đảm bảo sự liên kết để cùng tạo ra tính liên kết chung cho cả cuộc thoại. Ngoài ra, cần chú ý tới đích giao tiếp trong mọi cuộc thoại để có cách ứng xử phù hợp. Không chỉ dừng ở các đặc điểm nội tại, nghiên cứu cuộc thoại còn cần chú ý tới một số đặc điểm bên ngoài cuộc thoại như số lượng người tham dự, quan hệ giữa những người tham dự, và cả chu cảnh (thời gian, không gian) diễn ra cuộc thoại. Khi xác định được những yếu tố này sẽ giúp cho việc phân tích các đặc trưng cuộc thoại được chính xác hơn. Các cuộc hội thoại tuy thiên biến vạn hóa về nội dung và mục đích giao tiếp, song vẫn có những đặc điểm chung nhất định về mặt hình thức và cấu tạo. Bất cứ cuộc thoại nào cũng có phần mở đầu và phần kết thúc, chúng làm nên ranh giới một cuộc thoại. Lúc bắt đầu được gọi là mở thoại, thường do một bên tự nguyện, chủ động thực hiện, lúc kết thúc cũng do một bên chủ động đề ra, gọi là kết thoại. Nằm giữa hai phần này là phần thân thoại, còn gọi là phần trung tâm của cuộc thoại. Như vậy, cấu trúc khái quát của một cuộc thoại thường bao gồm ba phần: Mở đầu – Thân thoại – Kết thoại. Tuy nhiên, cấu trúc này không hoàn toàn cứng nhắc bởi ranh giới giữa các phần không phải bao giờ cũng được xác định một cách rõ ràng. Để miêu tả được cấu trúc nội tại của từng phần trong một cuộc thoại, cần tìm hiểu đặc trưng của các yếu tố cấu tạo nên cấu trúc đó. Trước hết là lượt lời. Lượt lời là đơn vị cơ bản của hội thoại, nó được tính là một lần nói xong của một bên tham gia giao tiếp trong khi các bên kia không nói, để rồi đến lượt một người tiếp theo nói. Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước đó, vì vậy chắc chắn có sự xuất hiện của luân phiên lượt lời. Và sự luân phiên lượt lời trong hội thoại hoạt động theo cơ chế chuyển giao lượt lời, còn được gọi là sự trao lời. Trái với trao lời là tranh lời. Trong giao tiếp, hành động tranh lời bị coi là vi phạm nguyên tắc hội thoại, đặc biệt là trong song thoại. Lối nói này thường liên quan tới yếu tố văn hóa, tập tục và những quy ước của từng cộng đồng, vì vậy khi tham gia
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan