5
LỜI MỞ ĐẦU
Việt Nam là một nước nhiệt đới gió mùa, nằm trải dài trên bờ biển Thái Bình Dương,
thuộc khu vực Đông Nam của lục địa châu Á, vừa nhìn ra đại dương với bờ biển dài 3260km,
vừa nối liền với đại lục trong thế núi liền núi, song liền song. Đây là một vị trí mang tính chất
tiếp xúc giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đải, là nơi gặp gỡ của nhiều hướng
thiên di cư dân trong lịch sử, là vùng giao thoa của nhiều nền văn hoá trong khu vực.
Sau một thời kỳ phát triển lâu dài của các nền văn hoá tiền sử, vào sơ kỳ thời đại đồ sắt,
trên lãnh thổ Việt Nam hình thành 3 trung tâm văn hoá lớn dẫn đến sự ra đời của những nhà
nước cổ đại đầu tiên. Đó là văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc gắn liền với sự ra đời của nhà nước
Văn Lang – Âu Lạc; văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung Bộ gắn liền với sự ra đời
của nhà nước Chămpa, và văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ gắn liền với sự ra đời của vương quốc Phù
Nam. Trong quá trình lịch sử, mối quan hệ giữa các quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam không chỉ
có giao lưu kinh tế, văn hoá với những ảnh hưởng tác động qua lại, mà còn có cả mâu thuẫn,
xung đột, thôn tính lẫn nhau…
Trong toàn bộ lịch sử lâu dài và oanh liệt của dân tộc Việt Nam, từ khi bị chính quyền
phong kiến phương Bắc đô hộ đến khi bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, lịch sử chống
ngoại xâm và xây dựng đất nước bảo vệ tổ quốc là nội dung xuyên suốt. Vì vậy, nghiên cứu và
giảng dạy về phần này là nội dung quan trọng trong lịch sử Việt Nam ở bất kỳ cấp học nào.
Nội dung của học phần Lịch sử Việt Nam cổ trung (4 tín chỉ) được trình bày qua 12
chương, với việc phân chia cụ thể thành các giai đoạn sau:
Chương 1: Việt Nam thời tiền sử
Chương 2: Thời kỳ hình thành các nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam
Chương 3: Thời kỳ Bắc thuộc và chống thuộc
Chương 4: Các vương triều Ngô – Đinh – Tiền Lê (938 - 1009)
Chương 5: Đại Việt thời Lý (1009 - 1225)
Chương 6: Đại Việt thời Trần (1226 - 1400)
Chương 7: Vương triều Hồ và cải cách của Hồ Quý Ly. Kháng chiến chống Minh và khởi
nghĩa Lam Sơn.
Chương 8: Vương quốc Chămpa thế kỷ X đến thế kỷ XV
Chương 9: Đại Việt thời Lê Sơ (1428 - 1527)
Chương 10: Đại Việt thời Mạc (1527 - 1592)
Chương 11: Đại Việt thời Trịnh Nguyễn
Chương 12: Việt Nam – Đại Nam thời Nguyễn
Kết cấu trong mỗi chương được trình bày theo một trình tự thống nhất. Đó là những kiến
thức cơ bản, toàn diện, hệ thống về lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ trung đại. Bao trùm toàn bộ là
các nội dung lớn như: sự thay thế, phát triển kế tiếp giữa các triều đại, các thời đại lịch sử; quá
trình ra đời và hoàn thiện của hệ thống nhà nước và pháp luật; những thành tựu phát triển về
kinh tế, văn hoá, xã hội; lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và những cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… Các vấn đề trên sẽ được trình theo
lịch đại (trình tự thời gian), đồng thời, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, các vấn đề sẽ được
phân tích, đánh giá một cách khách quan và khoa học.