Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học tự nhiên Vật lý Thời gian và không gian huyền thoại trong trăm năm cô đơn của gabriel garcía már...

Tài liệu Thời gian và không gian huyền thoại trong trăm năm cô đơn của gabriel garcía márquez

.PDF
15
1851
93

Mô tả:

Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez Nguyễn Thị Hảo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Luận văn Thạc sĩ ngành: Văn học nước ngoài; Mã số: 60 22 30 Người hướng dẫn: PGS. TS Đào Duy Hiệp Năm bảo vệ: 2010 Abstract: Trình bày tổng quan về huyền thoại và chủ nghĩa hiện thực huyền hảo. Tìm hiểu về thời gian huyền thoại trong tác phẩm Trăn năm cô đơn: Trật tự, thời lưu, tần suất và điềm báo. Nghiên cứu các kiểu không gian huyền thoại đặc trưng trong tác phẩm qua: Macondo huyền thoại; tấm da thuộc-không gian tưởng tượng và không gian căn phòng. Đề xuất hướng nghiên cứu lâu dài cho các tác phẩm và sáng tác của Márquez nói riêng và văn học hiện thực huyền hảo nói chung. Keywords: Văn học nước ngoài; Văn học Tây Ban Nha; Tiểu thuyết Content MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Luận văn của chúng tôi lựa chọn đề tài Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez xuất phát từ những lí do sau đây: Thứ nhất: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh thế kỉ XX là một trào lưu văn học tiêu biểu, đã khẳng định được vị trí ưu việt của mình trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nghiên cứu về mảng văn học này chưa thành hệ thống. Vì thế, đi vào địa hạt văn học này nằm trong mong muốn góp phần hoàn thiện cái nhìn về văn học thế giới ở Việt Nam ở chúng tôi. Thứ hai: Márquez là một cây bút xuất sắc của văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Ông thành công trên cả thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong đó, ưu thế sáng tác thuộc về tiểu thuyết. Đồng thời, tiểu thuyết cũng là một trong những thể loại “đinh” của văn học. Vì thế, chúng tôi tập trung vào tiểu thuyết của tác giả, cụ thể là tác phẩm Trăm năm cô đơn (One Hundred Years of Solitude). Thứ ba: Trăm năm cô đơn được bao phủ bởi một lớp không-thời gian huyền thoại. Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của tác phẩm. Chính vì thế, nghiên cứu không thời gian huyền thoại trong tác phẩm cũng chính là đi tìm sợi chỉ đỏ dệt nên tiểu thuyết này. Đồng thời, qua đó chúng ta có thể thấy được đặc trưng kĩ thuật tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh nhằm tiếp thu kinh nghiệm của tác giả bậc thày này. Cuối cùng, bản thân tác giả luận văn rất say mê, từng giảng dạy văn học Mỹ Latinh, nên có những quan tâm đặc biệt đến Márquez. 2. Lịch sử vấn đề * Trong nƣớc: Từ khi Trăm năm cô đơn được Nguyễn Trung Đức dịch ra Tiếng Việt đến nay, trong giới nghiên cứu xuất hiện nhiều bài viết về tác phẩm. Trong đó, một số công trình đề cập đến thời gian và không gian trong tác phẩm là gợi ý cho luận văn của chúng tôi như: Bài Hiệu quả nghệ thuật của không - thời gian trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Márquez của Nguyễn Trung Đức (bài viết này cũng đã được chọn là lời giới thiệu cho bản Tiếng Việt của tác phẩm); bài viết nhan đề Cô đơn nghĩa là sự tiêu diệt của Lê Nguyên Cẩn; bài Từ Đông ki sốt đến Trăm năm cô đơn của Đỗ Đức Dục; công trình Thi pháp huyền thoại của Eleaza Moiseevich Meletinsky do dịch giả Song Mộc và Trần Nho Thìn chuyển ngữ sang Tiếng Việt; cuốn Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Gabriel García Márquez của Lê Huy Bắc; Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Vũ Trung Kiên. * Ngoài nƣớc: Một số bài nghiên cứu rất có ích cho chúng tôi trong quá trình tìm đề tài như: Bài của Jon Lee Anderson với nhan đề The power of Gabriel Garccía Márquez, bài giới thiệu One Hundred Years of Solitude. Những nghiên cứu trong và ngoài nước về Trăm năm cô đơn đều chưa bàn cụ thể về yếu tố thời gian và không gian huyền thoại của tác phẩm. Chúng tôi khẳng định chưa có công trình nghiên cứu nào trùng với đề tài luận văn của chúng tôi. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thời gian và không gian huyền thoại trong tác phẩm Trăm năm cô đơn của Gabriel Gaxia Márquez. Chúng tôi nghiên cứu trong phạm vi tác phẩm dựa trên bản Tiếng Anh được đăng tải trên website http://ntvan6959.googlepases.com, cập nhật ngày 15/07/2006 và bản dịch Tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Trung Đức, tái bản lần thứ năm, năm 2004. Ngoài ra, luận văn còn tham khảo các sáng tác khác của Márquez để có cái nhìn hoàn thiện về tác giả. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu Do tính chất tổng hợp của luận văn, nên chúng tôi kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phê bình huyền thoại; phê bình phân tâm học; phê bình cấu trúc; phê bình thi pháp học; phương pháp nghiên cứu liên ngành kết hợp với các thao tác: đối chiếu, so sánh (bản tiếng Anh và tiếng Việt), phân tích, tổng hợp, thống kê. Trong đó, phương pháp chính là phê bình huyền thoại và thi pháp học. 5. Cấu trúc luận văn Ngoài lời nói đầu và kết luận, luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1: Huyền thoại và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Chương 2: Thời gian huyền thoại Chương 3: Không gian huyền thoại 2 6. Yêu cầu cần đạt Nghiên cứu đề tài này chúng tôi nhằm đạt được các yêu cầu sau đây: Thứ nhất: Có một cái nhìn tổng quan về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Thứ hai: Tìm hiểu các cấp độ thời gian làm nên thời gian huyền thoại trong tác phẩm Trăm năm cô đơn và ý nghĩa, vai trò của nó. Thứ ba: Nghiên cứu các kiểu không gian huyền thoại đặc trưng trong Trăm năm cô đơn và ý nghĩa của nó. Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn, chúng tôi muốn đề xuất hướng nghiên cứu lâu dài cho các tác phẩm và sáng tác của Márquez nói riêng và văn học hiện thực huyền ảo nói chung. CHƢƠNG 1. HUYỀN THOẠI VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC HUYỀN ẢO 1.1. Huyền thoại (myth) Huyền thoại (Tiếng Anh: myth; tiếng Nga: mif; tiếng Pháp: mythe) là một thuật ngữ được nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học khác nhau. Trong luận văn của mình, chúng tôi chỉ giới hạn nói về những vấn đề liên quan đến mục đích nghiên cứu của đề tài. Ở Việt Nam, “myth” được dịch là thần thoại và huyền thoại, trong đó thần thoại được hiểu 3 là những câu chuyện kể về thế giới cổ xưa, huyền thoại là thần thoại được viết theo kiểu mới, đưa vào nhiều ý nghĩa và nội dung hiện đại theo chủ quan của nhà văn. Với mục đích nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chủ yếu sử dụng cách hiểu thứ hai, áp dụng huyền thoại trong văn học hiện đại để nghiên cứu tác phẩm. Từ đó, có thể kể ra đây một số định nghĩa tiêu biểu về huyền thoại: Theo Từ điển Văn học, năm 2004, huyền thoại được hiểu là những câu chuyện có ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu, toàn nhân loại, thường dưới dạng biểu tượng và có chức năng biểu đạt thân phận con người. Trong tập bút ký Huyền thoại ngày nay, Roland Barthes cho rằng huyền thoại gắn chặt với ngôn ngữ và thông tin, trong đó đặc trưng của nó là một “hệ thống thông báo” hay một “thông điệp”. Ý nghĩa của huyền thoại thường có nguyên cớ thông qua các loại suy. Như thế, nội hàm của huyền thoại có thể xác định là: - Những câu chuyện kể về những điều kì diệu, hoang đường, có nguồn gốc từ trong dân gian sơ khai. - Nhân vật của huyền thoại thường là những người phi thường, có khả năng đặc biệt hay có những đặc điểm kì lạ. - Là phương tiện để phản ánh hiện thực, có ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu, thường được thể hiện dưới dạng biểu tượng. 1.2. Thời gian và không gian huyền thoại Thời gian huyền thoại là cách thức làm cho một câu chuyện hiện thực bị tách ra khỏi bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó. Thời gian huyền thoại thường trải màu sắc bàng bạc của nó qua sự tái điệp thời gian (xét trong trật tự niên biểu) và những câu chuyện xảy lặp từ quá khứ đến hiện tại (của một nhân vật hay một số nhân vật), những đoạn ngưng của hồi ức, trữ tình ngoại đề khiến người đọc khó nắm bắt thời gian, sự mờ hóa thời gian. Không gian huyền thoại mang là không gian pha lẫn thực và hư. Người đọc cảm giác mình đặt chân đến một miền đất vừa hư vừa thực. Không gian huyền thoại thường có tính biểu tượng. Không gian huyền thoại không nhất thiết phải là những không gian kỳ bí như trong thần thoại: thiên đường, địa ngục hay miền đất xa lạ. Nó là hiện thực ngay trong cuộc sống của chúng ta. Thời gian và không gian huyền thoại có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhằm làm nổi bật ý nghĩa của tác phẩm. 1.3. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magic Realism) Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (tiếng Anh: Magic Realism; tiếng Pháp: réalisme magique; tiếng Tây Ban Nha: realismo mágico) được sử dụng trong lĩnh vực văn học lần đầu tiên vào năm 1935 bởi Angel Flores trong Macgical Realism in Spanish American 4 Fiction (1955) Kể từ đó, có nhiều định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Luis Leal cho rằng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là “thái độ đối với hiện thực” (an attitude toward reality). 1 Thái độ này có thể diễn tả bằng hình thức “đại chúng” (in porpular) hay “bác học” (cultured form), thông qua phong cách tinh tế (elaborate style) hay “thô mộc” (rustic style). Trong đó, nhà văn đối diện và khám phá ra hiện thực. Mircea Eliade - nhà huyền thoại học Pháp khi nghiên cứu về tư duy huyền thoại đi đến kết luận rằng huyền thoại không phải là dối trá hay ảo ảnh. Nó là kinh nghiệm tồn tại của con người cổ xưa, nhờ đó mà họ tìm thấy lại mình và hiểu được mình. Hiện thực mà huyền thoại nói lên là hiện thực thiêng liêng nắm bắt được sự tồn tại và nguồn gốc của những ý nghĩa ở chiều sâu của chúng. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là trào lưu văn học quan trọng của văn học Mỹ Latinh, gặt hái được những thành công rực rỡ nhất vào những năm 50, 60 của thế kỉ XX. Châu Mỹ Latinh được mệnh danh là châu lục có “thực tại kỳ dị” (real maravilloso). Nó đã đề ra trước mắt các nhà văn của lục địa này những nhiệm vụ phải tìm tòi một phương pháp nghệ thuật thích hợp để thể hiện thực tại đó trong tất cả đặc trưng của nó. Muốn vậy, nhà văn phải nhìn theo nhiều góc độ và sự chuyển tải phải phù hợp với tư duy đa thần của thổ dân Anh điêng. Nguyên tắc sáng tác của nhà văn hiện thực huyền ảo là “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực” [10, tr.10]. Để tạo hiệu quả, các tác giả sử dụng những hình tượng biểu trưng, ngụ ý, ám thị, khoa trương, hoà lẫn thực và hư, đảo lộn trật tự không, thời gian… Các tác giả thường mượn những truyền thuyết dân gian cổ xưa để tạo ra các huyền thoại mới về hiện thực xã hội Châu Mỹ Latinh. Vì thế, sáng tác của dòng văn học này thường dung chứa cả yếu tố li kì, huyền ảo và hiện thực, đem đến cho người đạo cảm giác về các hiện tượng nghịch lí. Mục đích sáng tác của dòng văn học hiện thực huyền ảo nhằm vạch trần các thế lực đen tối của các chế độ độc tài, phê phán tính trạng sống khép kín của con người. Văn học hiện thực huyền ảo có tính chiến đấu cao, liên quan những giấc mơ của nhân vật. Cần chú ý rằng tuy chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phát triển có tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm của những nền văn học tiên tiến nhưng không hề bị trộn lẫn. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không phải là trào lưu văn học chỉ có ở Mỹ Latinh, nhưng có thể nói rằng đây là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trong luận văn của mình, chúng tôi trình bày trọng tâm vào chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh vì nó ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của Márquez. CHƢƠNG 2. THỜI GIAN HUYỀN THOẠI 1 Luis Leal, Magical Realism in Spanish American Literature. Magical Realism. Ed. Zamora and Faris, p. 119-123. 5 2.1. Trật tự (ordre) Nghiên cứu trật tự là tìm và chỉ ra “thời gian kế tiếp nhau của các biến cố trong câu chuyện với trật tự giả - thời gian việc sắp xếp chúng của nhà văn trong truyện kể” [11, tr.242]. Cấp độ này thể hiện trong Trăm năm cô đơn trên các phương diện: niên biểu, sự sai trật tự niên biểu, đón trước và quay ngược. 2.1.1. Niên biểu (chronique) Tác phẩm có thời gian cốt truyện khoảng 100 năm. Thời gian này tương ứng với hai văn bản: văn bản 1- người kể chuyện ở ngôi thứ ba (chính là văn bản thực của tác phẩm); văn bản 2 - tương ứng với văn bản tiếng Phạn do cụ Melquíades viết. Văn bản thứ nhất là thời gian tâm lí, gắn với những hồi ức. Ở đây, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến niên biểu nổi và chìm của tác phẩm. Thời gian văn bản dài 460 trang (bản tiếng Việt; 231 trang bản tiếng Anh) cho cốt truyện dài 100 năm. Trung bình 460 trang/100năm = 4,6 trang/năm (gần 5 trang/năm). Tốc độ kể chuyện như vậy là tương đối chậm. Tất nhiên, tác giả sẽ chỉ tập trung vào những khoảng thời gian quan trọng, không dàn đều. Truyện kể chậm sẽ tạo ra nhịp kể phù hợp cho miền quá khứ, hồi tưởng đằng đẵng, với những hồi cố, trăn trở, nghĩ suy. Cả niên biểu chìm và nổi của Trăm năm cô đơn đều mang tính chất phi thời gian. 2.1.2. Sai trật tự niên biểu (anachronie) Sai trật tự niên biểu là không tuân theo niên biểu của tự nhiên (từ quá khứ đến hiện tại, tương lai) của truyện kể. Mặc dù tác giả và dịch giả đều không đánh số chương, nhưng dựa vào cách đánh dấu bằng chữ in hoa về nội dung, ta có thể thấy Trăm năm cô đơn được chia làm 20 chương. Căn cứ vào thời gian cốt truyện (tức là số trang văn bản), ta có thể phân chia tiểu thuyết ra làm 11 lớp lớn dựa trên sự đứt đoạn về sự kiện và thời gian như sau: Lớp 1(A): Sự kiện đại tá Aureliano Buendía bị đưa ra pháp trường (trang 23; 3 dòng). Lớp 2(B): Sự kiện những người Digan đến làng Macondo (đầu trang 23 -> giữa trang 31; 8 trang). Lớp 3 (C): Những ngày đầu José Arcadio Buendía xây dựng làng Macondo (giữa trang 31 -> đầu trang 43; 12 trang). Lớp 4 (D): Nguyên nhân Úrsula và José Arcadio Buendía bỏ làng ra đi (đầu trang 43 -> giữa trang 48; 5 trang). Lớp 5 (E): Thời niên thiếu, trưởng thành của các nhân vật đời thứ hai và đạt được thành công trong chiến trận của đại tá Aureliano (giữa trang 48 -> trang 157; 109 trang). Lớp 6 (F): Đại tá Aureliano bị đưa ra pháp trường (trang 158 -> giữa trang 177; 19 trang). Lớp 7 (G): Cái chết của cụ tổ José Arcadio Buendía (trang 177 -> trang 180; 3 trang). Lớp 8 (H): Mối tình loạn luân giữa cô Amaranta và cháu José Arcadio (trang 180 –> trang 225; 45 trang). Lớp 9 (I): Quá trình phát triển tính cách của Aureliano Segundo ( trang 226 –> trang 413; 197 trang) Lớp 10 (K): Aureliano Babilonia tự giam mình vào phòng thí nghiệm (trang 414 -> trang 6 436; 22 trang): Lớp 11 (L): Dòng họ Buendía bị lưu đày vào cõi cô đơn (trang 437 -> trang 483). Theo tiến trình phát triển của dòng họ Buendía, tức là theo thời gian lịch sử chúng ta có thể NL sắp xếp lại các lớp sự kiện theo đúng trật tự niên biểu như sau: A6 – B3 – C2 – D1 – E4 – F5 – G7 – H8 – I9 – K10 – L11 Đ ĐT T NL = Ngoái lại ĐT = Đón trước * Nhận xét: Lớp A, tác giả đưa sự kiện nổi bật nhất cuộc đời đại tá Aureliano Buendía lên đầu nhằm đón trước số phận của đại tá và cả dòng họ Buendía. Lớp A đón trước cho lớp E. Lớp A và F tạo thành một vòng tròn khép kín về thời gian của một kiếp người và của cả một dòng họ. Lớp F là ngoái lại của lớp E. Trải qua những thăng trầm trong chiến trận, sự kiện bị đưa ra pháp trường là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chinh chiến của nhân vật. Sự kiện những người Digan đến làng Macondo được đón trước ở lớp C và kể tiếp ở lớp D, đồng thời được nhắc đi nhắc lại ở những lớp khác theo lối xảy lặp (G, I, K). Cùng một sự kiện có thể tại thời điểm này là đón trước, tại thời điểm sau là quay ngược. 2.1.3. Quay ngƣợc (analepsés) Trong tác phẩm, quay ngược không chỉ được thể hiện rõ nét ở các lớp sự kiện lớn mà còn thể hiện trong rất nhiều sự kiện nhỏ: Khi Amaranta nghe điệu nhạc mà Úrsula bật lên để dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, cô nhớ da diết Pietro Crespi; Úrsula nhớ lại về những đức tính lặp đi lặp lại giữa các thế hệ và có cảm giác thời gian quay vòng tròn. Thời gian hiện tại chỉ là nền để nhà văn tái hiện lại kí ức. Hiện tại trở thành một “cái cớ sinh động để nhà văn khẳng định những gì đã qua. 2.1.4. Đón trƣớc (prolepses) Đón trước là kể trước những sự kiện, biến cố về số phận nhân vật sẽ xảy ra hay “tình tiết tiền định”. Mở đầu tác phẩm tác giả dùng lối đón trước. Ông đưa ra sự kiện đại tá Aureliano bị hành hình. Khi bắt đầu kể về những chặng đường quan trọng của Aureliano Segundo, tác giả cũng dùng lối đón trước như một định mệnh. 2.2. Thời lƣu (durée) Thời lưu là “độ lâu của các biến cố với tác giả - thời lưu (thực chất là độ dài văn bản)” [11, tr.242]; nhịp (rythme), tốc độ (vitesse) của truyện kể, tóm tắt (summaire); quãng ngưng (pause) (TT (thời gian truyện kể) = n; TC (thời gian cốt truyện) = 0); Tỉnh lược (ellipse) (T = 0; TC = n); lớp, cảnh (scene). Độ dài ngắn của mỗi biến cố so với thời gian thực sự của nó sẽ quyết định ý nghĩa của thời lưu khác nhau. Trong tiểu thuyết này, thời lưu biểu hiện ở cấp độ 7 thời sai và tỉnh lược. 2.2.1. Thời sai Thời sai là sự không bền vững về tốc độ (vitesse); được xác định thông qua mối quan hệ giữa thời lưu của sự kiện (được tính bằng giây, phút, giờ, tháng, năm…) với độ dài của văn bản (dòng, trang). Trên cơ sở 11 lớp truyện kể trong Trăm năm cô đơn như trên chúng tôi lập niên biểu cho toàn bộ 11 lớp sự kiện này. Trên cơ sở này, chúng tôi xác định thời gian cốt truyện tương đương với số trang văn bản, tìm ra tốc độ và nhịp kể cũng như ý nghĩa của nó. Xin lưu ý rằng bản thân thời gian trong Trăm năm cô đơn đã mang tính tương đối. Vì thế, bảng thống kê cũng mang tính chất tương đối, nên đôi chỗ chúng tôi dùng từ “khoảng” để chỉ thời gian sự kiện. Sự kiện A B C D E F G H I K L Trật tự theo văn bản 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Trật tự theo niên biểu 6 3 2 1 4 5 7 8 9 10 11 Thời gian văn bản Thời gian sự kiện Tốc độ trung bình Nhận xét về tốc độ 3 dòng 8 trang 12 trang 5 trang 109 trang 19 trang 3 trang 45 trang 197 trang 22 trang 46 trang khoảng 1 tiếng 30 năm 14 năm 4 thế kỉ khoảng 40 năm 6 ngày 1 ngày khoảng 30 năm 50 năm 5 năm 5 năm 3 dòng / 1h 1 trang / 4 năm 1 tr /1 năm 2 tháng 1 trang / 1thế kỉ 1 trang / 3 tháng 1 tr / 3h 1 trang / 3h 1 trang / 1,5 năm 1 trang / 3 tháng 1 trang / 9 ngày 1 trang / 1 năm Nhanh Chậm Nhanh Rất chậm Rất nhanh Rất chậm Nhanh Chậm Nhanh Chậm Nhanh Nhìn vào bảng thống kê trên, ta thấy rõ ràng có độ lệch giữa thời gian của sự kiện và độ dài văn bản. Nhịp kể nhanh, chậm khác nhau giữa các sự kiện cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Đồng thời, chúng ta có thể nhận ra dụng ý của tác giả thông qua nhịp điệu và tốc độ kể. Độ lệch thời gian lớn nhất được thể hiện giữa lớp D và G (trung bình lớp D: 1 trang/1 thế kỉ; Lớp G: 1 trang/3 h). Ngược lại ở lớp G, sự kiện lại được chi tiết hóa tối đa. Cái chết của trưởng lão José Arcadio được miêu tả tỉ mỉ. Những miêu tả ấy làm cho nó trở nên huyền bí. 2.2.2. Tỉnh lƣợc Tỉnh lược là thủ pháp thời gian mà khi kể chuyện tác giả bỏ qua nội dung hoạt động của 8 nhân vật trong một quãng thời gian. Tỉnh lược rỗng về mặt nội dung. Trong Trăm năm cô đơn, rất nhiều đoạn, trong khi đang kể, tác giả bỏ qua một khoảng thời gian, vài ngày, vài năm thậm chí vài thế kỉ để tiếp tục mạch truyện. 2.3. Tần suất (fréquence) Tần suất là “mối quan hệ giữa khả năng lặp đi lặp lại của câu chuyện với khả năng lặp đi lặp lại của truyện kể” [11, tr. 242]. Trong tác phẩm cấp độ này được sử dụng chủ yếu ở nghệ thuật xảy lặp (intératif). Đây là cấp độ đầu tiên khi nghiên cứu về tần suất. Trong Trăm năm cô đơn, xảy lặp được thể hiện trên ba tiểu cấp độ: về từ ngữ; thái độ và hành động. 2.3.1 Từ ngữ (Terme) Lặp lại về từ ngữ là sự láy đi láy lại của các từ, cụm từ nhằm nhấn mạnh tính chất của sự việc. Tình trạng cô đơn chung của các nhân vật được nhấn mạnh do sự xuất hiện dày đặc các từ chỉ điều đó như: cô đơn, hiu quạnh, cô độc, cô quạnh…ngay bắt đầu từ tên tác phẩm. Thời gian miên man, dàn trải được nhấn mạnh qua phép lặp đi lặp lại của cụm từ “rất nhiều năm sau này”. Nhịp độ thời gian được đẩy nhanh lên nhờ sự lặp lại của từ “bỗng”. 2.3.2. Thái độ (Attitude) Thái độ của nhân vật được lặp đi lặp lại do cảm nhận giống nhau về tính chất của sự việc. Thái độ phổ biến nhất là thái độ cảm thấy thời gian quay vòng của Úrsula, José Arcadio Buendía và Fernanda. 2.3.3 Hành động (Action) Hành động luôn luôn gắn liền với suy nghĩ của nhân vật. Ở Trăm năm cô đơn, rất nhiều hành động trong tác phẩm chỉ xảy ra một lần nhưng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Aureliano khi đứng trước họng súng của đội hành, Amarata ngồi khâu khăn niệm cho mình... Thủ pháp xảy lặp về từ ngữ, trạng thái và hành động làm cho thời gian trong tác phẩm trở nên linh hoạt. 2.4. Điềm báo (Foresight) Điềm báo không chỉ là những dấu hiệu báo trước cái chết mà rộng hơn, còn bao hàm những tiên tri về số phận con người, không kể điềm hay, gở. Nó là sự ánh xạ của thời gian lên mỗi con người: Đôi mắt mở thao láo khi Aureliano chào đời báo trước một cuộc đời dấn thân nhưng vô vọng; vào giờ phút José Arcadio Buendía chết, Cataure - em trai của Visitaxion không một lời báo trước trở về với lí do về dự đám tang hoàng đế. * Tiểu kết: Thời gian huyền thoại là một trong những hiệu ứng quan trọng đưa “Trăm năm cô đơn” thành tác phẩm bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Márquez đã sử dụng một cách linh hoạt các cấp độ thời gian trong Trăm năm cô đơn. Thời gian huyền thoại Trăm năm cô đơn góp phần quan trọng trong việc thể hiện bản chất tâm hồn mỗi nhân vật. 9 CHƢƠNG 3. KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠI 3.1. Macondo 3.1.1. Khởi nguồn huyền thoại Trở đi trở lại nhiều lần trong các sáng tác của Márquez ở cả truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết, Macondo là không gian hư cấu đặc trưng mang tính liên văn bản, xuất hiện trong nhiều sáng tác của nhà văn như: Bà già Montien, Một ngày sau thứ bảy, Buổi chiều kỳ diệu của Bantaxa, Độc thoại ngắm mưa của Isabel ở làng Macondo, Biển của thời đã mất, Đám tang Bà mẹ vĩ đại, Ngài đại tá chờ thư… Về mặt địa lý, Macondo gắn với cuộc hành trình đi tìm biển nhằm thoát khỏi mặc cảm tội lỗi của vợ chồng José Arcadio Buendía và một nhóm bạn bè của ông. Về mặt tên gọi, cái tên Macondo cũng không xuất phát từ cơ sở phong thủy, địa lý, mà lại xuất phát từ giấc mơ kì lạ của José Arcadio Buendía. Tưởng như ngẫu nhiên, nhưng với Márquez lại là ý đồ nghệ thuật. Đặc biệt, bản thân ý đồ nghệ thuật đó cũng mang màu sắc huyền thoại. 3.1.2. Diễn tiến vòng tròn, khép kín kì lạ Khởi nguồn từ giấc mơ của José Arcadio Buendía và chỉ còn là “một cơn lốc dữ dội đầy bụi và rác rưởi cứ xoáy tít mù được nói tới trong Kinh thánh vần vũ” [7, tr. 482], thành phố ảo ảnh Macondo bị gió cuốn đi cùng lúc Aureliano Babilonia giải mã xong tấm da thuộc của Melquíades. Cảnh tượng ban đầu của Macondo quả thật mới chỉ thấy trong cổ tích. Sự xuất hiện của những cái được gọi là văn minh do người Digan và Ả Rập mang tới hầu hết đều đem đến thảm họa cho Macondo. Thời kỳ thanh bình nhất của Macondo là thời kỳ những Buendía làm ăn phát đạt. Thời kỳ Macondo bị tàn phá nặng nề nhất là khi ngài Brown cùng công ty chuối xuất hiện, nói cách khác đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản. Ở Châu Mỹ Latinh, thực tại biến dạng do chính trị nhiều hơn văn hóa. Sự thực được bưng bít đến nỗi người ta không biết đâu là sự thực. Trăm năm cô đơn không liên quan trực tiếp đến chính trị, và chính trị không phải dòng cảm xúc chủ đạo. Thế nhưng, qua những ẩn dụ tác giả đã chuyển tải những biến cố chính trị và bản chất của nó. Ở Macondo, tất cả những chuyện không thể xảy ra, những điều vô lý, đều xảy ra liên tiếp, ngay giữa ban ngày ban mặt. 3.1.3. Không gian của những biểu tƣợng Độc giả tưởng chừng như câu chuyện là một thế giới chật hẹp, chỉ liên quan đến một cái làng và một dòng họ nhưng Macondo như một tấm gương kỳ ảo phản ánh những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử khởi nguồn của Columbia và Châu Mỹ nói chung. 10 Cái đuôi lợn là biểu tượng cho cuộc sống không có tình yêu dẫn tới sự tha hóa, đi ngược quá trình tiến hóa của loài người, trở thành một giới người xuống cấp. Tác giả đưa vào tác phẩm những hình tượng của đời sống ý thức còn ở trình độ trực quan tiền logic của dân chúng bao gồm các truyền thuyết, huyền thoại, tín điều, tôn giáo, thần giao cách cảm: 3.2. Tấm da thuộc - không gian tƣởng tƣợng 3.2.1. Melquíades - chủ nhân huyền bí của tấm da thuộc Melquíades là một nhân vật huyền bí, được xây dựng dựa trên tư duy của con người còn ở trình độ trực quan tiền logic: người chết “sống”. Từ hình thức đến cử chỉ, hành động, trí tuệ của Melquíades đều có những nét kì lạ. Melquíades là người có sức ảnh hưởng lớn đến hầu hết các thành viên trong nhà Buendía. Melquíades ra đời gắn với nhiều mã số kì lạ. Một điều kì lạ là, không chỉ lần thứ hai trở về sau khi đã bị chết ở bờ biển Xanhgapo, mà sau khi qua đời lần thứ hai, linh hồn của cụ vẫn đi về phòng thường xuyên, trò chuyện với một số người có “nhân duyên” với tấm da thuộc. Melquíades rõ ràng là người cõi âm, thế nhưng Márquez không hề miêu tả ông như một bóng ma, ngược lại, cụ già hiện ra hết sức gần gũi, chỉ có điều, cụ đã đạt đến trình độ bất diệt cả về thể xác lẫn linh hồn. 2.2. Tấm da thuộc biết nói Tấm da thuộc là không gian biểu tượng rộng lớn của cả dòng họ Buendía và châu Mỹ Latinh. Nó thể hiện tư duy tiền định, đặt trọn niềm tin vào định mệnh. Tấm da thuộc còn có khả năng tự bảo vệ sự tồn tại của mình. Khi chưa thực hiện xong sứ mệnh, bất kỳ một thế lực nào cũng không thể tiêu hủy nó. Không gian tấm da thuộc đóng vai trò quan trọng, tái hiện sinh động số phận của tất cả các cá nhân và tập thể trong tác phẩm. 3.3. Không gian căn phòng Không gian căn phòng luôn luôn gắn liền với diễn biến tâm trạng của nhân vật. Nhắc đến không gian căn phòng nghĩa là nhắc đến những điều sâu kín nhất trong nội tâm con người. Nhìn vào bảng thống kê (xem phần phụ lục) về thời gian và không gian trong Trăm năm cô đơn, chúng ta có thể nhận thấy không gian căn phòng là không gian chủ đạo của tác phẩm. Ngoại trừ sự kiện thứ 13, José Arcadio Buendía cô đơn bên gốc cây dẻ, sự kiện thứ 46, khi đại tá Aureliano xem đoàn xiếc đi qua ở ngoài đường, người ta lại nhìn thấy nỗi cô đơn đáng thương của ngài, còn lại 72 sự kiện/74 sự kiện được thống kê, chiếm 97,3% là không gian căn phòng, khi thì là căn phòng của Melquíades, khi thì là không gian phòng riêng của các Aureliano và Arcadio, lúc lại là căn phòng của Pilar Ternera, Petra Cotes, Rebeca…Tất cả những căn phòng ấy đều mang đặc trưng Mỹ Latinh: cô đơn 3.3.1. Phòng thí nghiệm Phòng thí nghiệm nằm trong ngôi nhà của dòng họ Buendía nhưng được dành riêng để làm việc. Phòng thí nghiệm gắn liền với say mê khoa học của các thế hệ dòng họ Buendía đồng 11 thời cũng là nơi thể hiện rõ nhất cái vòng luẩn quẩn, sự thu hẹp, khép kín của Macondo. Duy nhất một lần trong tác phẩm, chúng ta thấy phòng thí nghiệm trở nên có ích. Đó là thời gian quý báu - khi Úrsula kéo José Arcadio ra khỏi những say mê vô vọng - phòng thí nghiệm được chuyển thành nơi dạy dỗ bọn trẻ trong nhà. 3.3.2. Căn phòng của Melquíades Căn phòng của Melquíades là nơi cụ chắp bút tiên đoán số phận của dòng họ Buendía. Căn phòng Melquíades bắt đầu nhuốm màu sắc huyền ảo khi chủ nhân của nó qua đời. Vượt ra ngoài quy luật của thời gian, bất chấp sự chảy trôi tựa “bóng câu qua cửa sổ”, căn phòng vẫn luôn sạch sẽ, mới mẻ như vừa được quét dọn. Trong căn phòng này, Melquíades đã chết trước khi thế hệ thứ tư của dòng họ Buendía ra đời, thế nhưng đến thế hệ thứ sáu của dòng họ này, cụ vẫn đi về trò chuyện với Aureliano Babilonia. Căn phòng của Melquíades dung chứa trong đó những sức mạnh siêu nhiên, gắn liền với những sự kiện huyền bí không thể giải thích được. Không gian này cũng có thể coi là ốc đảo an toàn của những số phận bất hạnh trong dòng họ, tiêu biểu là Aureliano Babilonia. 3.3.3. Căn phòng của Rebeca sau khi kết hôn Căn phòng của Rebeca sau khi kết hôn nằm ngay trước nghĩa địa. Vợ chồng Rebeca không những không cảm thấy sợ khi một mình ở giữa không gian ấy, mà còn vui mừng tận hưởng gió từ nghĩa địa theo các cửa sổ lùa vào. Trong căn nhà này, cái chết của José Arcadio là chuyện bí hiểm nhất không bao giờ được làm sáng tỏ ở Macondo. Hình ảnh Rebeca già nua, đi đôi ủng trắng bạc cũ kỹ, đội chiếc mũ có gài những bông hoa nhỏ li ti bước ra từ “căn phòng chết” được đặt cạnh hình ảnh chim chóc không chịu được nóng lao đầu qua lưới sắt để rúc vào phòng ngủ mà chết làm cho cái chết càng trở nên tang thương. * Tiểu kết: Xuất phát từ những không gian hết sức gần gũi với cuộc sống: một ngôi làng, căn phòng, ngưỡng cửa, Márquez đã tô điểm cho nó trở nên sinh động, thậm chí kỳ bí bởi kỹ thuật huyền ảo. Huyền thoại về Macondo gắn liền với những con người, số phận được định sẵn. Gắn với các nhân vật là những căn phòng mang hơi thở chết chóc của họ. 12 KẾT LUẬN 1. Trên thế giới, phê bình huyền thoại là phương pháp khá phổ biến và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong khi đó ở Việt Nam, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ. Tuy đã có một số công trình tiếp cận phương pháp này nhưng những con số ấy còn quá ít ỏi. Hơn nữa, tính ứng dụng và khả năng thành công của phương pháp này còn khá mơ hồ, vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Mặt khác, xu hướng sáng tác huyền thoại hóa ở Việt Nam những năm gần đây (tiêu biểu là sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp) đã bắt đầu được quan tâm. Vì thế, xây dựng, phát triển hệ thống lí thuyết về phê bình huyền thoại và áp dụng hữu hiệu phương pháp này vào nghiên cứu văn học là một yêu cầu cấp thiết đặt ra. 2. Văn học Mỹ Latinh, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thế kỉ XX với các sáng tác của Carpentier, Márquez, Asturias… là một địa hạt khá thú vị. Ở Việt Nam, trong cả nghiên cứu và giảng dạy, sự quan tâm dành cho mảng văn học này rất ít. Vì thế, đầu tư nghiên cứu thành tựu, hạn chế của văn học Mỹ Latinh không những góp phần hoàn thiện cái nhìn về văn học thế giới mà còn phát triển lí luận văn học trong nước. 3. Márquez là một nhà văn xuất sắc của văn học huyền ảo Mỹ Latinh nói riêng và văn học thế giới nói chung. Ở Việt Nam, việc đọc và hiểu Márquez còn nhiều khó khăn. Nghiên cứu và tìm hiểu tác giả bậc thầy về tiểu thuyết huyền ảo và học hỏi kĩ thuật viết của ông là một điều hết sức hữu ích. 4. Thời gian trong tác phẩm mang tính uẩn ảo và không đi theo một đường thẳng làm nên chất liệu huyền thoại cho nó. Trong suốt 100 năm, bài toán thời gian hóc búa ấy vẫn không có lời giải đáp. Vì thế, những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian ấy sẽ mãi mãi ám ảnh độc giả và những người trong cuộc. 5. Không gian trong Trăm năm cô đơn cũng lấp lánh màn sắc huyền thoại. 6. Không-thời gian huyền thoại trong tác phẩm góp phần quan trọng trong việc thể hiện ý nghĩa tác phẩm. Trong phạm vi luận văn này, do thời lượng viết và số lượng văn bản có hạn nên chúng tôi chỉ dừng lại phân tích thời gian và không gian huyền thoại trong tác phẩm Trăm năm cô đơn (có liên hệ với những tác phẩm khác). Hướng nghiên cứu này có thể mở rộng đối với toàn bộ sáng 13 tác của Márquez nói riêng và toàn bộ các sáng tác thuộc mảng văn học hiện thực huyền ảo nói chung, nhằm có cái nhìn hoàn thiện hơn về văn học thế giới./. References 1. Tiếng Việt 1. Lê Huy Bắc, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo & Gabriel García Márquez, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009. 2. Lê Nguyên Cẩn, Cô đơn nghĩa là sự tiêu diệt, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 1, năm 2000. 3. Đỗ Đức Dục, Từ Đông ki sốt đến Trăm năm cô đơn, Tạp chí Văn học, số tháng 2 năm 1988, tr 59 - 65. 4. Nguyễn Trung Đức, Hiệu quả nghệ thuật của không - thời gian trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G.G.Márquez, Tạp chí Văn học, số 1, năm 1995. 5. Nguyễn Trung Đức, Từ chân trời một phía đến chân trời nhiều phía, Nxb Đà Nẵng, 2002. 6. Eleaza Moiseevich Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại, Nxb. ĐH QGHN, 2004. 7. Gabriel García Márquez, Trăm năm cô đơn, Nxb Văn học, 2004, Nguyễn Trung Đức dịch. 8. Gabriel García Márquez, Truyện ngắn tuyển chọn, Nxb Văn học, 2007, Nguyễn Trung Đức dịch. 9. Gabriel García Márquez, Tình yêu thời thổ tả, Nxb Văn học, 2004, Nguyễn Trung Đức dịch. 10. Lê Bá Hán, Lại Nguyên Ân…, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, 2006. 11. Đào Duy Hiệp, Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, 2008. 12. Kinh thánh Tân Ước, NXb Văn hóa thông tin, 2003. 13. Vũ Trung Kiên, Nghệ thuật tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabrriel García Márquez, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005. 14. Nguyễn Đức Nam, Một khuynh hướng trong tiểu thuyết hiện tiến bộ ngày nay ở Châu Mỹ Latinh: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Tạp chí văn học số 1 năm 1975, tr 110 - 120. 15. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Huyền thoại trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, 2005. 14 16. Tzevan Todorov, Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Nxb Đại học Sư phạm, 2008, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch. 2. Tiếng Anh 17. Jon Lee Anderson, The power of Gabriel García Márquez, http:// Solitude, http:// www.themodernworld.com/gabo/gabo - power.html, 30/04/2009. 18. Gabriel García Márquez, One Hundred Years of ntvan6959.googlepases.com/Gabriel García Máquez, 19. One Hundered Years of Solitue.pdf, 15/07/2006. 20. J.Simpson & S. Round, Dictionary of English Folklore, Oxford, 2000. 21. Mark P.O. Morford, Robert J.Lenardon, Classical Mythology, third edition, Longman, NewYork and London, 1985. 22. Mythology, http://en.wikipedia.org/wiki/Mythology, 04/07/2009. 23. Myth, http://dictionary.reference.com/browse/myth, 20/08/2008. 24. One Hundred Years of Solitude, http:// en.wikipedia.org/wiki/One - Hundred - Years of - Solitude, 02/08/2010. 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan