Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Khoa học xã hội Luận văn chất liệu dân gian trong bộ ba tiểu thuyết đảo hoang, nhà chử, chuyện n...

Tài liệu Luận văn chất liệu dân gian trong bộ ba tiểu thuyết đảo hoang, nhà chử, chuyện nỏ thần của tô hoài

.PDF
105
107
86

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 NGUYỄN THỊ HÂN CHẤT LIỆU DÂN GIAN TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT ĐẢO HOANG, NHÀ CHỬ, CHUYỆN NỎ THẦN CỦA TÔ HOÀI Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN HÀ NỘI, 2017 LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan – người đã tận tâm, nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thiện luận văn. Tôi xin trân trọng cảm ơn các quý thầy cô trong Ban Giám hiệu; Khoa Ngữ Văn; Ban Chủ nhiệm; quý thầy cô trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến người thân, bạn bè đã ủng hộ, trợ giúp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập và hoàn thiện luận văn. Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2017 Tác giả luận văn NGUYỄN THỊ HÂN LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc. Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2017 Tác giả luận văn NGUYỄN THỊ HÂN MỤC LỤC MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài ........................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 3 3. Nhiệm vụ nghiên cứu................................................................................. 7 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................................. 7 5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 8 6. Đóng góp của luận văn .............................................................................. 8 7. Cấu trúc của luận văn ................................................................................ 8 NỘI DUNG ..................................................................................................... 10 Chương 1. TÔ HOÀI VÀ MẢNG VĂN HỌC DÀNH CHO THIẾU NHI .... 10 1.1. Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài ................... 10 1.1.1. Cuộc đời ......................................................................................... 10 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác ......................................................................... 11 1.1.2.1. Trước Cách mạng tháng tám ................................................... 11 1.1.2.2. Sau Cách mạng tháng tám ....................................................... 12 1.2. Mảng truyện cũ viết lại của Tô Hoài về đề tài thiếu nhi ...................... 13 1.3. Vị trí của bộ ba tiểu thuyết trong sự nghiệp văn học của Tô Hoài ....... 18 Chương 2. CHẤT LIỆU VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT ĐẢO HOANG, NHÀ CHỬ, CHUYỆN NỎ THẦN ......................... 25 2.1. Những tập tục đặc trưng ....................................................................... 25 2.1.1. Tục ăn trầu ..................................................................................... 25 2.1.2 Tục uống trà .................................................................................... 29 2.1.3. Tục xăm mình ................................................................................. 31 2.1.4. Tục nhuộm răng đen ....................................................................... 33 2.2. Lễ hội truyền thống ............................................................................... 35 2.2.1. Hội thổi cơm thi .............................................................................. 36 2.2.2. Hội đấu vật ..................................................................................... 37 2.2.3. Hội chọi trâu .................................................................................. 39 2.3. Trang phục ............................................................................................ 42 2.4. Ẩm thực ................................................................................................ 45 2.5. Ứng xử .................................................................................................. 50 2.5.1. Ứng xử của con người trước thiên nhiên và hoàn cảnh khó khăn .......................................................................................................... 50 2.5.2. Ứng xử giữa con người với con người ........................................... 53 Chương 3. CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG BỘ BA TIỂU THUYÊT ĐẢO HOANG, NHÀ CHỬ, CHUYỆN NỎ THẦN ......................... 58 3.1. Cốt truyện ............................................................................................. 58 3.1.1. Vay mượn cốt truyện dân gian ....................................................... 59 3.1.2. Sáng tạo lại trên cơ sở cốt truyện dân gian ................................... 62 3.1.2.1. Thêm sự kiện, chi tiết ............................................................... 63 3.1.2.2 Lược bớt những chi tiết kì ảo .................................................... 69 3.2. Nhân vật ................................................................................................ 72 3.2.1. Nhân vật được đặt trong những tình huống khó khăn thử thách....... 72 3.2.2. Nhân vật bổ trợ............................................................................... 76 3.2.3 Nhân vật có nội tâm, có đời sống tình cảm phong phú ................. 78 3.3. Các phương thức nghệ thuật khác ........................................................ 88 3.3.1. Kì ảo hóa sự thật ............................................................................ 88 3.3.2. Xâu chuỗi móc nối các thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích ............................................................................................................ 89 3.3.3. Đan xen vào trong lời kể những câu hát, câu hò, đoạn vè, dân ca, thơ ....................................................................................................... 91 KẾT LUẬN ..................................................................................................... 97 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 99 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nếu như trong cuộc sống bất cứ một sự vật hiện tượng nào, một lĩnh vực nào cũng đều có những mối quan hệ, có sự ảnh hưởng, tác động qua lại nhất định với nhau thì trong văn học cũng vậy! Văn học dân gian và văn học viết là hai bộ phận văn học tồn tại độc lập, có những đặc trưng riêng biệt nhưng giữa chúng có mối quan hệ nhất định, có sự ảnh hưởng, tác động qua lại. Điều đó tạo cho nền văn học dân tộc ta phong phú hơn, phát triển hơn. Hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và xu thế toàn cầu hóa, chúng ta mở rộng giao lưu, hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Kéo theo đó nền văn học nước nhà cũng có những bước tiến mới rõ rệt, tiếp thu những xu hướng, những chất liệu hiện đại góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Tuy nhiên lại có không ít những nhà văn, nhà thơ trở về với cội nguồn, với “chiếc nôi”, với “bầu sữa ngọt ngào” đã nuôi dưỡng nền văn học dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người thuần Việt bấy lâu nay – không gì khác đó chính là văn học dân gian. Nhiều nhà văn hiện đại vừa hấp thu những chất liệu truyền thống, vừa có những cách tân, sáng tạo nhất định làm phong phú thêm nền văn học nước nhà đồng thời cũng khẳng định, thể hiện được tài năng và phong cách riêng của bản thân mình. Trong số nhiều nhà văn đương đại, Tô Hoài là một người viết cần mẫn, với nguồn năng lượng sáng tác phong phú, dồi dào. Ở ông không chỉ có khối lượng tác phẩm đồ sộ mà còn tập hợp đa dạng các thể loại như một cánh rừng đại ngàn với nhiều loại thảo mộc lớn nhỏ, chủng loại khác nhau (truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, tiểu luận phê bình…). Những tác phẩm của nhà văn không chỉ là một kho tri thức khổng lồ mà còn là những bài học ý nghĩa khiến mỗi thế hệ bạn đọc đều phải nghiền ngẫm, suy nghĩ, tìm ra được nhiều tầng vỉa ẩn sau lớp chữ nghĩa giản dị, đời thường. Nói đến Tô Hoài là người ta nghĩ ngay đến 2 tác giả của tập truyện “gối đầu giường” dành cho thiếu nhi đó là “Dế Mèn phiêu lưu kí”, ở mảng truyện viết cho thiếu nhi này nhà văn rất thành công, thể hiện những nội dung sâu sắc, ý nghĩa, là bài học quý giá giáo dục cho các em về nhiều mặt. Và nếu chúng ta đã từng đọc những tác phẩm hay của nhà văn viết cho thiếu nhi thì không thể bỏ qua bộ ba tác phẩm Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần. Trong bộ ba tiểu thuyết này, nhà văn đã chắt lọc và đưa vào tác phẩm của mình những chất liệu dân gian cùng với khả năng sáng tạo độc đáo để xây dựng nên bộ ba tác phẩm đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật. Vì thế, đi vào nhận diện và khám phá những biểu hiện cụ thể của chất liệu dân gian trong bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài, chúng tôi mong muốn tìm đến những giá trị văn hóa, văn học mà nhà văn đã dày công tạo dựng và trân trọng gìn giữ qua từng trang viết của mình. Đề tài mà chúng tôi lựa chọn không hoàn toàn mới mẻ, bởi trước đó cũng đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề này, song qua khảo sát có thể thấy các nhà nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến chất liệu văn học dân gian (cốt truyện, nhân vật…) mà chưa thực sự chú ý đến chất liệu văn hóa dân gian (phong tục, tập quán, lễ hội...). Nhận thấy đây là một vấn đề còn để ngỏ, trên cơ sở gợi ý của những người đi trước, chúng tôi lựa chọn đề tài: “Chất liệu dân gian trong bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần của Tô Hoài”1. Bản thân tôi là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, tôi rất yêu thích văn học dân gian và những sáng tác của Tô Hoài viết cho thiếu nhi. Do đó, việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của chất liệu dân gian đối với bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài, giúp tôi thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân. Song hơn hết, tôi thấy rõ hơn những giá trị văn hóa, văn học dân gian 1 Từ đây trở đi, trong văn bản luận văn chúng tôi xin phép được viết ngắn gọn cụm từ “bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần của Tô Hoài” là: bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài. 3 lâu đời của dân tộc, thấy được cả quá trình dựng nước, giữ nước; những phong tục tập quán lâu đời, những con người nguyên sơ, giản dị mà gan góc, kiên cường… Tất cả đều hiện ra gần gũi và sinh động qua tiểu thuyết của Tô Hoài, với những cách tân, sáng tạo độc đáo của nhà văn - một con người cần mẫn, lao động nghệ thuật nghiêm túc và sức sáng tạo dồi dào. 2. Lịch sử vấn đề Sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết là vấn đề không thể phủ nhận. Đối với nền văn học của bất kì một quốc gia nào, văn học dân gian cũng đóng vai trò “ngọn nguồn” của văn học viết. Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học viết đã được sáng tạo dựa trên sự kế thừa văn học dân gian. Nhiều tác phẩm, nhiều hình tượng của văn học dân gian là nguồn cảm hứng, là thi liệu, văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú. Trong số các nhà văn hiện đại, Tô Hoài là nhà văn có sức lao động nghệ thuật dồi dào, nghiêm túc, việc viết lách của ông diễn ra như việc ăn uống hàng ngày. Là nhà văn hiện đại nhưng Tô Hoài luôn có ý thức tìm về với cội nguồn, với bản sắc, với chất liệu văn hóa, văn học dân tộc cùng với sự sáng tạo, tài năng của bản thân tạo ra những đứa con tinh thần có sức sống lâu bền với thời gian. Giáo sư Phan Cự Đệ trong cuốn Kỷ yếu 20 năm Nhà xuất bản Kim Đồng (1977) đã có những nhận định về tiểu thuyết Đảo hoang: “Tiểu thuyết Đảo hoang của Tô Hoài muốn thông qua câu chuyện Mai An Tiêm nêu lên sức mạnh của ý chí và nghị lực con người gắn chặt với truyền thống chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm của dân tộc” [11, tr.494]. Tác giả khẳng định: “Tô Hoài biết khai thác những đặc điểm của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích để thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ riêng biệt của lứa tuổi thiếu niên. Thần thoại là một pho lịch sử thiêng liêng, pho kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu, 4 là kết tinh trí tuệ của thị tộc, bộ lạc. Truyện cổ tích và ngụ ngôn cũng ghi lại những kinh nghiệm sống và vốn kiến thức rất phong phú về thiên nhiên và xã hội của nhân dân qua các thế kỷ” [11, tr.495]. Có thể nói, tiểu thuyết Đảo hoang không những thỏa mãn những ước vọng muốn tìm hiểu, khám phá khoa học của các em mà còn đưa lứa tuổi thiếu niên vào một không gian mênh mông, tít tắp của tưởng tượng và một niềm vui lạc quan, lấp lánh màu hy vọng. Trí tưởng tượng phong phú và những ước mơ lãng mạn tích cực vốn là đặc điểm của thần thoại và truyện cổ tích. Trong truyện viết cho các em Tô Hoài đã biết khai thác những mặt mạnh đó của nền văn học dân gian. Đánh giá Đảo hoang là “cuốn sách tuyệt vời”, trong bài Đọc Đảo hoang ở Liên Xô (1981) tác giả Ac-ca-đi Xtơ-ru-ga-xki đã thể hiện ấn tượng sâu sắc của mình về cốt truyện phiêu lưu hấp dẫn, những nhân vật hết sức sinh động và trí tưởng tượng phong phú của Tô Hoài. Tác giả bài viết cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ Tô Hoài ở nhiều phương diện: nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, con người khiêm nhường, chân thành, thủy chung trong tình bạn, một người tốt “không bị vinh quang làm hỏng” [21]. Tác giả Đỗ Bạch Mai – báo Văn nghệ (19-1-1985) đã ngợi ca tiểu thuyết Chuyện nỏ thần: “Chuyện nỏ thần An Dương Vương là một đề tài lịch sử hấp dẫn, xưa nay đã có nhiều người viết, nhiều thể loại: thơ có, kịch có, truyện cũng có. Nhưng kể chuyện nỏ thần thành hình thức tiểu thuyết như nhà văn Tô Hoài làm thì đây là lần đầu” [11, tr.502]. Cũng theo Đỗ Bạch Mai, thành công ở tiểu thuyết Chuyện nỏ thần, nghĩa là Tô Hoài đã chinh phục được độc giả nhỏ tuổi bằng chính lối văn gần gũi, giản dị của mình: “Giọng kể và lời văn đối thoại của nhà văn Tô Hoài có một phong vị đặc biệt, vừa không xa cách với lối nghĩ, lối nói của chúng ta ngày nay, vừa gợi được lối nghĩ, lối nói của con người ngày xưa. Có thể nói cuốn tiểu thuyết có một giọng văn thuần Việt khá mẫu mực. Và điều này, đối với 5 các bạn đọc nhỏ tuổi của nhà xuất bản Kim Đồng sẽ có một tác dụng tốt trong việc giáo dục các em về lời ăn tiếng nói hằng ngày” [11, tr.503]. Tác giả Văn Hồng – Tạp chí văn học (số 4-tháng 7-1985) có bài viết về tiểu thuyết lịch sử dành cho thiếu nhi của Tô Hoài: “Bút pháp hiện thực đòi hỏi trước hết là sự chân thực của các chi tiết. Sự chân thực này, đối với tiểu thuyết lịch sử cần phải xem xét nhiều bình diện, trước hết là cách nhìn, cách cảm nhận của tác giả và bạn đọc hôm nay. Đây vốn là mặt mạnh của ngòi bút Tô Hoài. Chuyện nỏ thần chứa đầy những phong tục, tập tục, cách làm ăn sinh sống của người Âu Lạc. Từ cảnh làng mạc, bờ bãi, sông nước đến cảnh núi rừng hoang sơ, từ những buổi săn voi, tập võ đến những ngày hội hè, đình đám; từ không khí tấp nập lao động xây thành, đào hào đến không khí trang nghiêm cẩn mật khi rót đồng vào khuôn, khi đốt trầm rửa nỏ…Nhiều người khen sự từng trải và tài quan sát, miêu tả của Tô Hoài” [11, tr.504]. Giáo sư Hà Minh Đức trong “Tuyển tập Tô Hoài – tập I (Nxb. Văn học, H. 1987) có viết: “Đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy qua những sáng tác của Tô Hoài là tinh thần dân tộc rõ nét và đậm sắc thái. Có thể nói rằng tất cả những cái ông viết ra đều thuộc về phần bản chất và tiêu biểu của đời sống dân tộc. Ông muốn trở về ngọn nguồn của những truyền thuyết, thần thoại, những câu chuyện cổ để tìm hiểu sự sống của dân tộc trong thời kì xa xưa và những cảm nghĩ và hình thái tư duy, với những hành động sáng tạo của người lao động trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước. Tô Hoài với lòng mến yêu sâu sắc truyền thống của dân tộc đã gửi bao tâm huyết và trí sáng tạo qua những trang viết” [11, tr.128]. Nhận xét xác đáng của nhà nghiên cứu đã chỉ ra đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Tô Hoài. Vũ Quần Phương – Tạp chí văn học (số 8 - 1994) có ý kiến: “Trong văn xuôi Tô Hoài có lối đi riêng. Ông nhảy qua các chuyện thời sự mà quay về xa xưa. Ông viết về An Tiêm, về Loa thành, về quân cờ đen đánh Pháp. Nhiều 6 huyền thoại lịch sử được ông viết lại thành chuyện cho nhi đồng. Đọc ông, người ta được tắm tâm hồn mình vào không khí Việt Nam truyền thống. Ông là người lưu giữ được nhiều nét xưa, nhiều hương vị xưa mà không sa vào hoài cổ” [11, tr.162]. Trên Tạp chí văn học, tác giả Phạm Thị Trâm có bài viết: Sự phát triển từ các truyện cổ dân gian đến ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần của nhà văn Tô Hoài (2002). Tác giả đã phân tích sự ảnh hưởng rõ rệt của truyện cổ dân gian trong bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài, đồng thời cũng cho thấy rõ sự phát triển, sự sáng tạo mới mẻ của Tô Hoài trên cơ sở tiếp thu, hấp thụ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Tiếp tục hướng nghiên cứu này, trong luận án Vai trò của văn học dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại (2002) tác giả Phạm Thị Trâm đã nhận diện, khảo sát những dấu ấn của truyện cổ dân gian đối với bộ phận truyện trong văn học Việt Nam giai đoạn trước và sau 1975, những ảnh hưởng sâu rộng của nó trong đời sống văn hóa xã hội và văn học. Trong đó, có sáng tác của Tô Hoài với bộ ba tác phẩm Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần. “Nhà văn Tô Hoài khi xây dựng ba cuốn tiểu thuyết trên đã chú ý khai thác những thế mạnh của tiểu thuyết để mở rộng mọi chiều kích tác phẩm. Cốt truyện được nhà văn lấy từ truyện cổ, nhân vật cũng là nhân vật của truyện cổ, mạch cảm hứng cũng đi từ truyện cổ… Nhưng nội dung tác phẩm đã ở một tầm vóc mới” [19, tr.91]. Năm 2012, trong luận văn Truyện kể dân gian với văn xuôi hiện đại về đề tài thiếu nhi [16] tác giả Nguyễn Thị Hồng Thắm có đề cập đến yếu tố văn học dân gian, cụ thể là việc vay mượn cốt truyện dân gian trong một số tác phẩm của Tô Hoài, trong đó có bộ ba tiểu thuyết: Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần. Đồng thời tác giả luận văn cũng nói đến những sáng tạo, cách tân của Tô Hoài trên cơ sở của những yếu tố dân gian. 7 Trên đây là một số bài viết, ý kiến đánh giá của một số tác giả có liên quan đến đề tài mà chúng tôi lựa chọn. Mỗi bài viết, mỗi tác giả có cách nhìn nhận, đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố dân gian trong sáng tác của Tô Hoài ở mức độ đậm nhạt, nông sâu khác nhau. Đây là những gợi ý, những tham khảo hết sức quý báu, bổ ích, có thể định hướng phần nào cho chúng tôi trong quá trình triển khai các nội dung của luận văn. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn chỉ ra được cụ thể trong bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần Tô Hoài đã vận dụng những chất liệu dân gian nào (bao gồm cả chất liệu văn hóa dân gian và chất liệu văn học dân gian). Từ đó thấy được nhà văn đã tiếp thu, kế thừa truyền thống ở những mặt nào, mức độ nào… Luận văn giúp người đọc thấy được tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn khi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Từ việc tìm hiểu sự vận dụng chất liệu dân gian, kế thừa nghệ thuật truyền thống và sự sáng tạo của Tô Hoài trong bộ ba tiểu thuyết để thấy được những đóng góp của nhà văn trong nền văn học Việt Nam nói chung và mảng văn học thiếu nhi nói riêng. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Chất liệu dân gian (yếu tố văn hóa và văn học) trong bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài. - Phạm vi nghiên cứu: + Tư liệu: Luận văn tập trung khảo sát xoay quanh bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần của Tô Hoài. + Nội dung: Tìm hiểu những yếu tố văn hóa dân gian trong bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài qua các phương diện: những tập tục đặc trưng, lễ hội truyền thống; trang phục; ẩm thực; ứng xử; Tìm hiểu những yếu tố văn học 8 dân gian trong bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài qua các phương diện: cốt truyện, nhân vật, các phương thức nghệ thuật khác. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tiến hành triển khai các nội dung luận văn, chúng tôi sử dụng một số phương pháp cơ bản sau: - Phương pháp tiếp cận hệ thống: đặt bộ ba tiểu thuyết của Tô Hoài trong đặc điểm của những chất liệu dân gian để thấy được tính kế thừa và sự sáng tạo của nhà văn, đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò và sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: sử dụng phương pháp phân tích để tìm hiểu cụ thể hơn, rõ hơn những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật, những vấn đề cần triển khai… của bài viết. Và phân tích nên đi đôi với tổng hợp để các kết luận không mang tính vụn vặt, để sự đánh giá mang tính khái quát và thuyết phục hơn. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: đưa ra sự so sánh, đối chiếu sự ảnh hưởng của chất liệu dân gian đến cách viết của Tô Hoài như thế nào, kế thừa ở điểm nào, sáng tạo ở điểm nào… Đồng thời so sánh với một số nhà văn khác cùng thời với Tô Hoài xem Tô Hoài nổi bật ở khía cạnh nào… 6. Đóng góp của luận văn - Luận văn có những đóng góp nhất định trong việc nghiên cứu mảng truyện dân gian viết lại của nhà văn Tô Hoài, từ đó góp phần khẳng định những giá trị văn hóa, văn học dân gian đặc sắc được biểu hiện trong tác phẩm của ông. Đồng thời thấy được những nét sáng tạo mới mẻ, thể hiện phong cách riêng và tài năng của một nhà văn hiện đại như Tô Hoài. - Luận văn có thể dùng làm tài liệu học tập, tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam nói chung và văn học dân gian nói riêng. 7. Cấu trúc của luận văn 9 Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung chính của luận văn được triển khai thành ba chương: - Chương 1: Tô Hoài và mảng văn học dành cho thiếu nhi - Chương 2: Chất liệu văn hóa dân gian trong bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần - Chương 3: Chất liệu văn học dân gian trong bộ ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần. 10 NỘI DUNG Chương 1 TÔ HOÀI VÀ MẢNG VĂN HỌC DÀNH CHO THIẾU NHI 1.1. Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài 1.1.1. Cuộc đời Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen (1920-2014). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Ngoài bút danh Tô Hoài nhà văn còn có các bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Hồng Hoa, Thái Yên, Vũ Đột Kích. Tô Hoài sinh ra ở quê nội, tại thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Còn ông lớn lên tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). Quãng thời gian niên thiếu, Tô Hoài cũng rất vất vả, ông làm đủ mọi nghề để có thể trang trải cho cuộc sống, nào là dạy học, bán hàng, rồi kế toán hiệu buôn… hơn nữa có lúc còn bị thất nghiệp. Tô Hoài chịu ảnh hưởng của mặt trận Bình dân và tham gia vào hoạt động của tổ chức Hội ái hữu thợ dệt và Thanh niên dân chủ Hà Nội khoảng năm 1938. Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc vào năm 1943 và thời gian này ông bắt đầu viết bài cho báo Cứu quốc và Cờ giải phóng. Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài làm chủ nhiệm của báo Cứu quốc. Ông dã từng Nam tiến và tham gia một số chiến dịch ở mặt trận phía Nam như Nha Trang, Tây Nguyên... 11 Tô Hoài kết nạp Đảng vào năm 1946. Đến năm 1950, nhà văn về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Quãng thời gian từ 1957 đến 1996, ông được giao nhiều trọng trách, giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Hội Nhà văn đó là: chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Giám đốc Nhà xuất bản Thiếu nhi, rồi Phó Tổng thư ký... Từ khi bước vào nghệ thuật (khoảng những năm ba mươi) cho đến bây giờ, Tô Hoài đã sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác… và cho ra đời một khối lượng đồ sộ về tác phẩm. Với sự lao động nghệ thuật miệt mài như vậy, nhà văn đã đạt được nhiều giải thưởng có giá trị để đền đáp lại sự cố gắng, chăm chỉ, nỗ lực của bản thân như: giải nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 với Truyện Tây Bắc; giải A giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm1970 với tiểu thuyết Quê Nhà; giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 với tiểu thuyết Miền Tây; giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – nghệ thuật đợt 1 – năm 1996 và giải thưởng Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội năm 2010. Tô Hoài đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho nền văn học dân tộc nói chung và cho nền văn học Việt Nam hiện đại nói riêng. Ngày 06-07-2014, Tô Hoài đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 94 tuổi. Sự ra đi của nhà văn thật sự để lại trong lòng công chúng niềm tiếc thương vô hạn và niềm thương nhớ khôn nguôi. 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác 1.1.2.1. Trước Cách mạng tháng tám So với nhiều nhà văn cùng thời khác, Tô Hoài là một nhà văn sớm bước vào đời, vào nghệ thuật và ông cũng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Như đã nói ở trên, Tô Hoài sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác… và ở bất cứ thể loại nào, ông đều đạt được những thành công nhất định, có những tác phẩm vô cùng đặc sắc. 12 Trước cách mạng tháng Tám, có thể chia những sáng tác của Tô Hoài tập trung thành hai mảng chính: một là truyện về loài vật, hai là truyện về nông thôn trong cảnh đói nghèo. Thứ nhất, truyện về loài vật, tiêu biểu như Dế Mèn phiêu lưu kí, O chuột, Gã chuột bạch, Mụ ngan, Đực…trong đó nổi bật nhất là truyện Dế Mèn phiêu lưu kí (1941) – truyện được coi là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ bạn đọc đặc biệt là các bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi.Thông qua những câu chuyện về loài vật này, nhà văn đã gửi gắm rất nhiều ý nghĩa trong đó. Nhà văn thường khẳng định những cái thiện, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, xã hội yên bình… Thứ hai, Truyện về cảnh sống đói nghèo: tiêu biểu như Nhà nghèo, Xóm Giếng ngày xưa, Ông cúm bà co, Mẹ già, Khách nợ… viết về vấn đề này Tô Hoài đã thể hiện một cách chân thực, sinh động cuộc sống khó khăn, nghèo đói, nhiều cuộc đời bất hạnh khác nhau của con người. Thông qua đó, nhà văn cũng thể hiện được niềm cảm thương sâu sắc của mình đối với những cảnh đời, những con người bất hạnh bấy giờ. Chúng ta có thể cảm nhận được tấm lòng chân thành đáng quý của Tô Hoài thấm sâu trong từng trang viết. Có thể nói, trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã có lúc gặp khó khăn, bế tắc nhưng ông luôn lạc quan, luôn đứng vững. Dù cho cảnh đời tối tăm thì tâm hồn nhà văn vẫn trong sáng, giản dị. Sáng tác của ông thời kì này dù viết về đề tài nào, đối tượng nào thì vẫn luôn in đậm tinh thần nhân văn cao đẹp và đặc biệt cũng mang đậm bóng dáng nhà văn rất rõ cùng với quãng đời, cuộc sống của ông. 1.1.2.2. Sau Cách mạng tháng tám Sau cách mạng, ngòi bút của Tô Hoài có những bước chuyển mới cả về chủ đề, đề tài và tư tưởng sáng tác. Tô Hoài không chỉ viết về cuộc sống nghèo khổ của những con người ngoại thành Hà Nội, mà ông còn mở rộng ngòi bút 13 tới nhiều đối tượng khác nhau, đến với nhiều vùng đất mới, con người mới để khám phá, để viết. Thời kì này ngòi bút của ông vô cùng linh hoạt, dồi dào, nhà văn đã cho ra đời vô số tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau. Sau Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài có những tác phẩm chính đó là: - Về tiểu thuyết: Phải kể đến các tiểu thuyết như: Mười năm (1957), Miền Tây (1967), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), Tự truyện (1978), Những ngõ phố, người đường phố (1980), Quê nhà (1981), Nhớ Mai Châu (1988)… - Về truyện ngắn: Tiêu biểu là Núi cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1953), Khác trước (1957), Vỡ tỉnh (1962), Người ven thành (1972)… - Về thể loại Kí: nổi bật có Thành phố Lênin (1961), Tôi thăm Campuchia (1964), Nhật kí vùng cao (1969), Trái đất tên người (1978), Hoa hồng vàng song cửa (1981) và đặc biệt là Cát bụi chân ai (1992). - Về mảng truyện thiếu nhi: gồm vô số những tác phẩm về loài vật và về những tấm gương thiếu nhi yêu nước được tập hợp trong Tuyển tập Văn học thiếu nhi, tập I & II (1999). Có thể kể đến: Dế Mèn phiêu lưu kí, O chuột, Gã chuột bạch, Mụ ngan, Đực, Vừ A Dính, Kim Đồng... - Về tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác: Tiêu biểu có Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1977)... Có thể khẳng định, sau Cách mạng tháng Tám, những tác phẩm của Tô Hoài đã thể hiện được những vấn đề của hiện thực cuộc đời mới. Tô Hoài xứng đáng là một tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật văn chương. 1.2. Mảng truyện cũ viết lại của Tô Hoài về đề tài thiếu nhi “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – những mầm xanh tương lai của đất nước chắc chắn phải được yêu thương, nâng niu, bảo vệ, chở che… các em xứng đáng có được những gì ưu ái nhất trong cuộc sống này. Ngay cả 14 trong văn học cũng có một bộ phận văn học gọi là văn học thiếu nhi, có thể coi đó là món quà tinh thần quý giá và ý nghĩa nhất dành cho các em. Nhìn lại quá trình lịch sử văn học Việt Nam, có thể thấy văn học thiếu nhi luôn đồng hành cùng văn học dân tộc. Đây là một bộ phận văn học xuất hiện từ rất sớm, từ những bài vè, bài đồng dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn… Nếu tổng kết cả quá trình lịch sử văn học dân tộc, liệt kê tất cả những tác giả, tác phẩm viết về thiếu nhi thì không thể liệt kê hết được bởi số lượng tác giả, tác phẩm viết về đề tài này vô cùng phong phú và đa dạng. Trong số tất cả những nhà văn có sáng tác dành cho thiếu nhi thì chúng ta không thể không xướng lên cái tên Tô Hoài. Ông có những sáng tác dành cho thiếu nhi vô cùng đặc sắc. Tô Hoài viết khoảng 60 tác phẩm dành cho trẻ em, trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí… Ở thể loại nào ông cũng có những đóng góp nhất định và dấu ấn đáng chú ý. Các sáng tác cho thiếu nhi của Tô Hoài chủ yếu hướng đến ba đối tượng: một là viết về loài vật, hai là viết về những tấm gương thiếu nhi yêu nước và ba là những câu chuyện tích xưa kể lại. Truyện về loài vật của Tô Hoài rất phong phú, hàng loạt những con vật không phân biệt loài to nhỏ, xấu hay đẹp, hiền lành hay hung dữ đều đi vào trang viết của nhà văn. Có thể liệt kê ra đây những tác phẩm tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Trê và Cóc, O chuột, Cậu Miu, Vện ơi là Vện, Đực, Mụ Ngan, Gấu ăn trăng, Bướm Rồng Bướm Ma… Mỗi câu chuyện về loài vật là một thông điệp ý nghĩa mà nhà văn muốn gửi gắm. Trong số những tác phẩm nêu trên thì Dế Mèn phiêu lưu kí có thể xem là tác phẩm xuất sắc nhất. Qua cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn, tác giả thể hiện ước mơ về một cuộc sống hòa bình, đoàn kết, nhân ái, một thế giới đại đồng, thân thiện. Thể hiện một niềm tin mãnh liệt của thế hệ thanh niên trước Cách mạng tháng Tám có thể thay đổi được hoàn cảnh, làm chủ cuộc sống... Có thể khẳng định “Tô Hoài có 15 một xê-ri sách viết về các con vật: dế, chuột, chim, mèo, cá… được gọi là truyện loài vật. Truyện loài vật của Tô Hoài là một cống hiến độc đáo vào văn học hiện đại nói chung và văn học dành cho thiếu nhi nói riêng, ở nước ta chưa có ai viết về loài vật được như ông. Nhiều nhà văn có lẽ do chịu ảnh hưởng của tác giả Dế Mèn phiêu lưu kí đã viết rất nhiều sách về giống vật, nhưng đa số họ chưa thành công và cho đến nay, Tô Hoài vẫn là người “giải cạn” trong thể loại này” [11, tr.167]. Truyện về những tấm gương thiếu nhi yêu nước: Tô Hoài đã xây dựng hình ảnh tiêu biểu về những tấm gương thiếu nhi anh dũng có thật trong lịch sử, nổi bật là Vừ A Dính, Kim Đồng. Thông qua những hình ảnh ấy nhà văn nhằm giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương đồng loại; làm sống dậy ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, gan dạ…ở các em. “Tô Hoài đã ít nhiều nắm được đặc điểm lứa tuổi của thiếu nhi. Thông qua những gương chiến đấu dũng cảm, tác giả giáo dục các em lớn tuổi về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Thông qua những câu chuyện xinh xắn, dí dỏm, tác giả giáo dục các em nhỏ những vấn đề lớn của xã hội” [11, tr.475]. Truyện tích xưa kể lại (truyện cũ viết lại): Mảng truyện cũ viết lại này thoạt nghe thì tưởng rằng đơn giản và dễ viết, bởi nó có sẵn cốt truyện trong dân gian, chỉ cần dựa vào đó rồi viết. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy, cái khó là nhà văn vừa phải làm mới tác phẩm, mang đậm dấu ấn sáng tạo của mình đồng thời vẫn phải giữ được cái gốc của cốt truyện trong dân gian. Hơn nữa đối tượng hướng đến ở đây lại là lứa tuổi thiếu nhi, nhà văn càng phải dụng công và khéo léo trong sáng tạo để cho ra những đứa con tinh thần làm say mê, hấp dẫn các độc giả nhí. Nhà văn viết cho thiếu nhi phải là người hiểu được tâm hồn trẻ thơ “một tác phẩm viết cho trẻ em không chỉ để trẻ em thích thú mà còn phải kích thích ở các em những khát vọng và niềm tin. Vì thế,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan