Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân...

Tài liệu Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân

.PDF
92
493
146

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN Chuyên ngành: Luật dân sự Mã số: 60 38 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS Phùng Trung Tập HÀ NỘI - 2013 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi có thể bảo vệ Luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn! NGƯỜI CAM ĐOAN Nguyễn Thị Thúy Hằng MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục Danh mục các ký hiệu, chữ viết tắt MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu .................................................... 1 2. Mục tiêu nghiên cứu ............................................................................. 2 3. Tính mới và những đóng góp của đề tài............................................... 3 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................ 3 5. Cơ cấu của luận văn ............................................................................. 4 Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN .................................................................................. 5 1.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ............................... 5 1.1.1. Khái niệm ............................................................................................. 5 1.1.2. Đặc điểm............................................................................................... 7 1.1.3. Ý nghĩa của việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng .................................................................................. 11 1.1.4. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân ............................................................................... 12 1.2. Sơ lược lịch sử phát triển các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trong pháp luật dân sự Việt Nam ... 15 1.2.1. Giai đoạn trước năm 1945 .................................................................. 15 1.2.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước 1995.............................................. 18 1.2.3. Giai đoạn từ năm 1995 đến trước năm 2005 ...................................... 24 1.2.4. Giai đoạn từ năm 2005 đến nay ......................................................... 26 Chương 2: NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH ............................ 28 2.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự..................................................................................... 29 2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi ......................................................... 34 2.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ ................................... 38 2.4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám hộ và trường hợp loại trừ ......................................................................................... 46 2.4.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người được giám hộ là người chưa thành niên gây ra ............................................................. 50 2.4.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra....................................................................................... 52 2.5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của trường học, bệnh viện, tổ chức khác và trường hợp loại trừ ....................................................... 54 2.5.1. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra trong thời gian nhà trường quản lý .............................................................. 57 2.5.2. Bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác quản lý ............................ 59 2.5.3. Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà trường, bệnh viện, tổ chức khi người dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian được quản lý ............ 60 Chương 3: THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA CÁ NHÂN VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT .................................................................................63 3.1. Áp dụng các quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân tại Tòa án ............... 63 3.1.1. Nội dung vu án thứ 1 .......................................................................... 64 3.1.2. Nội dung vụ án thứ 2 .......................................................................... 69 3.1.3. Nội dung vu án thứ 3 .......................................................................... 72 3.2. Giải pháp hoàn thiện những qui định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. .............. 76 3.2.1. Về khía cạnh lập pháp ........................................................................ 76 3.2.2. Tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ........................ 80 KẾT LUẬN .................................................................................................... 84 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 85 DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ 1 BLDS : Bộ luật dân sự 2 BTTH : Bồi thường thiệt hại 3 BL : Bút lục 4 TANDTC : Tòa án nhân dân tối cao STT MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong luật dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho những người bị thiệt hại từ những hành vi trái pháp luật của những chủ thể khác. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại, trách nhiệm này gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người cho nên được pháp luật ghi nhận từ rất sớm. Ở Việt Nam ý niệm này đã được hình thành từ thời vua Lê Thánh Tông đánh dấu bởi sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật nói chung phải đến lúc BLDS 1995 ban hành, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mới được định hình với tư cách là một chế định trách nhiệm. Chế định này ghi nhận tương đối đầy đủ các căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường, cách xác định thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và được hoàn chỉnh chính thức trong BLDS 2005. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm trách nhiệm bồi thường về vật chất và trách nhiệm bồi thường về tinh thần phát sinh do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 BLDS năm 2005. Các quy định này chính là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại, góp phần quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong giao lưu dân sự. Nhưng những quan hệ dân sự thì luôn luôn phát triển đa dạng, phức tạp nên đôi khi pháp luật không thể bắt kịp hết các quan hệ mới phát sinh trên thực tiễn. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn được pháp luật điều chỉnh, song chịu ảnh hưởng của các quan hệ đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán. Hơn nữa, các quy định pháp luật nước ta về trách 1 nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chưa có sự gắn kết với các quy định trong những phần khác của BLDS gây ra tình trạng khó áp dụng trong thực tiễn tại các Tòa án, nhất là các vụ việc có liên quan đến việc xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân theo hợp đồng và ngoài hợp đồng. Vì vậy, vấn đề xác định năng lực chủ thể trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng luôn luôn đặt ra cho các nhà làm luật, những người thừa hành pháp luật cũng như các nhà nghiên cứu luật pháp những vấn đề nan giải khi tiếp cận. Xuất phát từ đó tôi chọn đề tài: “Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân” để làm luận văn thạc sĩ. 2. Mục tiêu nghiên cứu 2.1. Mục tiêu tổng quát Mục tiêu chung của đề tài là làm rõ cơ sở lí luận và thực trạng quy định của pháp luật về năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trong pháp luật dân sự Việt Nam. Từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật trong vấn đề này, bảo đảm cho việc nhận thức và áp dụng chúng một cách thống nhất trong thực tiễn. 2.2. Mục tiêu cụ thể Thứ nhất, xây dựng một khái niệm khoa học về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đưa ra cơ sở lý luận của việc xác định năng lực bồi thường thiệt hại theo quy định trong BLDS Việt Nam. Đồng thời, luận văn đưa ra một số trường hợp ngoại lệ trong việc vận dụng các điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thứ hai, nhận thức đúng việc áp dụng các quy định của BLDS hiện hành về năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng áp dụng tại các Tòa án thông qua việc phân tích một số vụ án cụ thể đã được Tòa án giải quyết. Trên cơ sở đó, chỉ ra được những bất cập của chúng, đánh giá thực tiễn áp dụng năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. 2 Thứ ba, luận văn đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện và khắc phục được các bất cập trong việc áp dụng và thực thi pháp luật dân sự Việt Nam về vấn đề năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trên thực tiễn, để làm cơ sở cho việc xác định năng lực chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thống nhất, đạt hiệu quả cao. 3. Tính mới và những đóng góp của đề tài Luận văn là công trình nghiên cứu có tính hệ thống những vấn đề liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. Trong luận văn có những điểm mới sau đây: - Phân tích có hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. - Chỉ ra được các khuyết điểm, bất cập trong các quy định đó khi áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. Đóng góp đề tài: Nghiên cứu và làm sáng rõ cơ sở lý luận về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân, đề xuất được những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện và thực thi những quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận chung về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trên cơ sở pháp luật dân sự của Việt Nam, thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự về xác định năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân tại các Tòa án Việt Nam. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS bao gồm 3 nhiều vấn đề và nội dung rộng lớn như các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện, cách thức xác định thiệt hại vật chất và tinh thần… Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ tác giả chỉ tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề liên quan đến năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân quy định tại Điều 606 BLDS 2005. 5. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Lý luận chung về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân. Chương 2: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân theo quy định của pháp luật hiện. Chương 3: Thực trạng áp dụng pháp luật để giải quyết những tranh chấp liên quan đến xác định năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và những giải pháp hoàn thiện pháp luật. 4 Chương 1 LÝ LUẬN CHUNG VỀ NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN 1.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 1.1.1. Khái niệm Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải là khái niệm xa lạ trong Cổ Luật Việt Nam. Có thể nói rằng ý niệm này đã được hình thành từ thời vua Lê Thánh Tông với Bộ luật Hồng Đức và cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật dần dần được định hình với tư cách là một chế định trách nhiệm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong BLDS nhằm điều chỉnh các quan hệ trong trường hợp có thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác do hành vi trái pháp luật của con người gây ra hoặc trách nhiệm do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Theo quy định BLDS 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” [8; Đ604]. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một dạng trách nhiệm dân sự phát sinh từ sự kiện gây thiệt trái pháp luật, trong đó chủ thể gây thiệt hại phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Trong bất kỳ một xã hội nào, việc xảy ra các hành vi gây ra thiệt hại cho các chủ thể khác, một hiện tượng phổ biến và giải pháp cụ thể để bảo vệ người bị thiệt hại là áp đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thể đã có hành vi gây hại. Vì lẽ đó trách nhiệm dân sự được đặt ra 5 nhằm giải quyết những tổn thất, sự suy giảm về lợi ích khi có thiệt hại xảy ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm các yếu tố: - Có thiệt hại xảy ra; - Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật; - Người gây ra thiệt hại có lỗi; - Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Như vậy, thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Mọi hành vi xâm phạm đến người khác, tài sản hợp pháp của người khác đều có khả năng gánh chịu một hay một số loại trách nhiệm pháp lý mà chủ yếu là trách nhiệm bồi thường những tổn thất do hành vi trái pháp luật gây ra. Có hành vi trái pháp luật là cơ sở xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại lúc này phát sinh quan hệ mà người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Từ sự phân tích trên ta có thể rút ra khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi của người gây ra thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ thi hành theo hợp đồng đã giao kết. Từ khái niệm đó ta có thể hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại mà trước đó giữa họ không có quan hệ hợp đồng nào và thậm chí giữa họ có thể chưa bao giờ tồn tại một quan hệ cụ thể, chẳng hạn việc bồi thường phát sinh trong các tai nạn giao thông, trong các vụ ẩu đả…, hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng việc gây thiệt hại không liên quan đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Ngoài ra còn tồn tại khả năng là các quyền, lợi ích bị xâm phạm vốn đã được pháp luật bảo vệ một cách mặc định, cho dù các bên 6 có tồn tại quan hệ hợp đồng hay không ví dụ như việc bồi thường thiệt hại của chủ xe chở hành khách khi tai nạn xảy ra được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và trong nhiều trường hợp là cả các thiệt hại về tinh thần. Khi thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng có nhiều biện pháp như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai nhưng biện pháp chủ yếu vẫn là bồi thường bằng tài sản. 1.1.2. Đặc điểm Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Khi nói đến trách nhiệm bồi thường là đề cập đến một tình thế buộc người phải thực hiện một hành vi hoặc có trách nhiệm phải gánh chịu những bất lợi về tài sản hoặc nhân thân của người mang trách nhiệm đó. Vì là một loại trách nhiệm dân sự cho nên bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng mang những đặc điểm của trách nhiệm dân sự nói chung như: Mang tính tài sản, được thực hiện dựa trên sự cưỡng chế nhà nước hoặc sự thỏa thuận giữa các bên chủ thể. Đó là loại trách nhiệm tài sản nhằm khôi phục thiệt hại của người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại này có thể là những công dân hay các pháp nhân. Trong một số trường hợp, các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể trở thành bên có quyền hoặc bên có trách nhiệm. Người bị thiệt hại (người có quyền) và người gây ra thiệt hại (người có trách nhiệm) là các bên tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại. Chủ thể có quyền cũng như chủ thể có trách nhiệm có thể là một hoặc nhiều người. Trách nhiệm bồi thường có thể là liên đới, riêng lẽ, hoặc theo phần tùy vào điều kiện hoàn cảnh và đối tượng bị xâm hại. 7 Ngoài những đặc điểm chung của trách nhiệm dân sự, theo quy định của pháp luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng có những đặc điểm pháp lý riêng biệt: - Căn cứ phát sinh trách nhiệm đồng thời là căn cứ phát sinh nghĩa vụ. Như vậy, trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thời điểm phát sinh nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường xuất hiện cùng một lúc nên thiệt hại vừa là điều kiện phát sinh nghĩa vụ bồi thường, vừa là điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nói cách khác nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh ngay khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật mà không dựa trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên như trong quan hệ hợp đồng. Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hành vi trái pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân làm phát sinh hậu quả là thiệt hại. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật - là nguyên nhân trực tiếp hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra. Điều này nhằm phân biệt với bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Trong bồi thường theo hợp đồng, xác định nghĩa vụ và thực hiện trách nhiệm phát sinh ở hai thời điểm khác nhau, có nghĩa là vào trước lúc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thì các chủ thể đã ký kết và thỏa thuận với nhau về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do bên nào có vi phạm hợp đồng và việc phạt vi phạm chỉ xẩy ra khi một bên vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia. Cho nên, đối với quan hệ hợp đồng thì thiệt hại xảy ra chỉ là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. - Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoàn toàn do luật định: cơ sở phát sinh, chủ thể chịu trách nhiệm, cách thức bồi thường, mức bồi thường… được pháp luật quy định sẵn mà không phụ thuộc vào thỏa thuận trước của các bên. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp 8 đồng được quy định và áp dụng hoàn toàn nằm ngoài ý chí của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Vì giữa các chủ thể trong quan hệ bồi thường ngoài hợp đồng không có quan hệ hợp đồng, thậm chí chưa từng có một quan hệ cụ thể nào hoặc có những sự kiện gây thiệt hại không nằm trong nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã thỏa thuận. Trong một số trường hợp đặc biệt, thiệt hại xảy ra và hành vi gây thiệt hại có liên quan đến nội dung của hợp đồng đã được xác lập trước đó giữ các chủ thể nhưng trách nhiệm vẫn được coi là ngoài hợp đồng. Đó là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người trong hợp đồng vận chuyển hành khách [8; K1Đ533], hay bồi thường thiệt hại cho bên thuê nhà trong trường hợp bên thuê nhà không bảo dưỡng và sửa chữa nhà cho thuê dẫn đến việc gây thiệt hại [8; Đ493]. - Trong một số trường hợp chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi: về cơ bản, lỗi là căn cứ để xác định có tồn tại hay không trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên trong các trường hợp đã được luật xác định sẵn, chủ thể gây hại phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi hoàn toàn không có lỗi [8; K2Đ604]. Cụ thể là các trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra Điều 623 và bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường [8; Đ624]. Mặt khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh không những do hành vi trái pháp luật gây ra, mà còn là trách nhiệm phát sinh do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Nhưng đối với bồi thường theo hợp đồng thì lỗi là điều kiện bắt buộc. - Khi thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cả thiệt hại vật chất lẫn thiệt hại do tổn thất về tinh thần, cả thiệt hại trực tiếp lẫn thiệt hại gián tiếp xác định được, BLDS và văn bản hướng dẫn có quy định rõ về việc chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường: Các thiệt hại vật chất, đây là các thiệt hại chủ yếu và ban đầu. 9 Thiệt hại do tổn thất về tinh thần: trong nhiều trường hợp đây là loại thiệt hại thứ phát và không tồn tại trong mọi trường hợp vì thiệt hại về tài sản không làm phát sinh thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Mặt khác, thiệt hại được bồi thường không chỉ là các thiệt hại hiện hữu vào thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại mà còn có các thiệt hại trong tương lai có quan hệ nhân quả với hành vi gây thiệt hại. Hơn nữa, người gây thực hiện không chỉ phải bồi thường các thiệt hại xảy ra trực tiếp cho người bị thiệt hại mà cho cả các chủ thể có liên quan chẳng hạn bồi thường thu nhập giảm sút cho người chăm sóc người phải nằm bệnh viện, hoặc việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân của người bị thiệt hại về tính mạng. - Khi bồi thường thiệt hại phải đảm bảo bốn nguyên tắc sau đây: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ; bồi thường phải kịp thời; người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường với 2 điều kiện là thiệt hại do lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại phải phù hợp với thực tế. - Đối với bồi thường ngoài hợp đồng, khi chủ thể thực hiện xong trách nhiệm bồi thường cũng đồng thời là chấm dứt quan hệ nghĩa vụ giữa các bên, nhưng đối với nghĩa vụ hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại thì không giải phóng người có nghĩa vụ khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế (giao vật, thực hiện công việc). Ví dụ, A làm hư hại tài sản của B do A cố tình phá tài sản của B do mẫu thuẫn gia đình thì sau khi A bồi thường cho B, quan hệ giữa A và B chấm dứt. Ngược lại, nếu A phải giao cho B một tài sản theo hợp đồng những vì lý do nào đó cá nhân A không giao đúng thời hạn. Do không giao đúng thời hạn nên hoạt động của B bị ảnh hưởng và làm phát sinh một số chi phí. Ở đây hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của A gây thiệt hại cho B nên A có trách nhiệm bồi thường. Việc A bồi thường không làm chấm dứt quan hệ tài sản giữa họ vì B có quyền yêu cầu A giao tài sản đã thỏa 10 thuận. Khác với việc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt quan hệ hợp đồng sau khi đã bồi thường hoặc trong trường hợp ngược lại nếu các bên không có thỏa thuận thì quan hệ hợp đồng vẫn tồn tại cho đến khi chấm dứt trong các trường hợp luật định. - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (trong một số trường hợp lỗi không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại. 1.1.3. Ý nghĩa của việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều mối quan hệ phức tạp không thể tránh khỏi việc cá nhân, tổ chức này gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác. Do vậy, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hình thành sẽ làm thước đo chuẩn mực cho cách xử sự của các chủ 11 thể, tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia quan hệ dân sự, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng còn nhằm đảm bảo cho việc bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Thông qua việc áp dụng trách nhiệm, các biện pháp chế tài giúp cho chủ thể nhận thức được hậu quả bất lợi mà mình sẽ phải gánh chịu khi thực hiện hành vi gây thiệt hại trái pháp luật, và do đó có tác dụng phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Khi phát sinh tranh chấp, chế định bồi thường này sẽ là cơ sở và điều kiện cho hoạt động xét xử, giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại một cách nhanh chóng, chính xác, công minh và khách quan góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của các tổ chức. 1.1.4. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân Chủ thể gây ra hành vi trái pháp luật có thể là bất cứ ai: cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước… nhưng không phải mọi chủ thể gây thiệt hại đều có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, BLDS qui định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi và khả năng kinh tế. Việc xác định rõ chủ thể nào phải bồi thường thiệt hại để qui trách nhiệm cho người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đồng thời, nhằm bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại hoặc nhân thân của người bị thiệt hại, để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 12 Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân theo pháp luật hiện hành được quy định tại Điều 606 BLDS 2005: “1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. 2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. 3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”. Và được hướng dẫn cụ thể tại tiểu mục 3.1 mục 3 phần I Nghị quyết 03/2006/ HĐTPTANDTC ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao: “- Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự; - Trong trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự; - Trong trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 13 - Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự”. Như vậy, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân được quy định dựa trên mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản, khả năng bồi thường của cá nhân và xác định cá nhân gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại theo mức độ năng lực hành vi dân sự khác nhau. Pháp luật căn cứ vào điều kiện về độ tuổi và sự phát triển của trí tuệ, nhận thức; căn cứ vào khả năng tạo lập tài sản của cá nhân để có cơ sở xác định trong trường hợp cá nhân khi gây thiệt hại cho người khác, thì trách nhiệm bồi thường được thực hiện với những mức độ nào. Bản chất của việc bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng là khôi phục, bù đắp những mất mát, tổn thất về mặt tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe cho người bị thiệt hại thông qua trách nhiệm tài sản. Do đó, việc xác định chủ thể nào là người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là yếu tố đầu tiên cần xét đến để định rõ trách nhiệm. Pháp luật dân sự quy định khá rõ chủ thể có năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại để bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại. Có thể thấy người gây thiệt hại là người chưa thành niên, người mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đó là những người bị hạn chế về khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, pháp luật quy định những chủ thể này không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định đối tượng trên cần phải có người giám sát, chăm sóc… như cha, mẹ hoặc người giám hộ. Vì vậy, khi có thiệt hại xảy ra những người giám hộ phải đóng vai trò đại diện cũng như chịu trách nhiệm thay họ. Từ việc xác định được chủ thể bồi thường thiệt hại, ta có thể giải quyết nhanh chóng, chính xác tranh chấp, khắc phục sớm tổn thất cho người bị thiệt hại. Việc quy định chủ thể nào có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có ý nghĩa 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan